--> Chốn thiên đàng - game1s.com
Old school Swatch Watches

Chốn thiên đàng


Thân em như hạt mưa sa...
***
Dân làng gọi cô là Lú. Có người giải thích rằng cô có tính hay quên, hay lú lẫn, chồng con dặn trước quên sau. Có những buổi đi họp trưởng xóm phổ biến công việc rất cụ thể như: Ngày nào đi bầu cử, ngày nào cho trẻ đi uống thuốc, đi tiêm phòng, ngày nào thu tiền thuế... cô nghe và rồi chưa về đến nhà đã quên hết nên mỗi khi xóm có việc, mọi người đều đến đông đủ và đúng giờ nhưng nhà cô thì chẳng bao giờ nhớ để đi cả, vậy là trưởng xóm lại phải đích thân đi gọi, đi tìm. Nhiều lần như vậy nên người ta đặt luôn cho cô cái tên là Lú. Cứ thế gọi mãi thành quen cô cũng chẳng nhớ ai là người đặt cho cô cái tên ấy nữa.

Người ta có câu: "Ông trời không lấy hết đi của ai mọi thứ và cũng không cho ai hết mọi thứ bao giờ!"Vì thế cô Lú tuy đầu óc lẩn thẩn, dễ quên, dễ nhầm lẫn nhưng bù lại cô rất khoẻ mạnh, cô làm việc cứ phăm phăm, mùa gặt cô đi gặt thuê, lúa tuốt xong đóng vào bao tải, mỗi bao nặng 5- 60 cân mình cô tự sốc lên vai vác chạy một lèo từ đồng về nhà không cần nghỉ, năm bảy tạ thóc chỉ mình cô khuân vác loáng cái đã xong, cánh đàn ông trong làng nhiều anh nhìn cô làm mà phát khiếp.
Khoẻ là vậy, làm lụng chăm chỉ là vậy mà nhà cô Lú vẫn nghèo đói. Nhà cô hầu như thiếu ăn quanh năm. Mà nhà cô nghèo đói là phải thôi, ba lần sinh thì có hai lần sinh đôi tổng cộng là cô có 5 cậu con trai. Đông con mà chồng cô lại là một gã đàn ông vũ phu vô tích sự, lão đã lười nhác lại còn nghiện rượu nặng, suốt ngày lão say chẳng bao giờ lão mó tay đến việc gì, từ cơm nước, con cái, ruộng vườn, đồng áng đều một tay cô Lú lo cả. Vậy mà cô vẫn thường xuyên bị chồng đánh đập tàn tệ mỗi khi cô không có tiền cho lão mua rượu. Lũ con lít nhít trứng gà trứng vịt chưa giúp gì được cho cô, chúng chỉ ăn và quấy phá, áo quần rách rưới, lúc thì chúng tranh nhau mấy mẩu gỗ đồ chơi, khi thì chúng đánh nhau giành ăn, ai vô tình đến nhà cô vào đúng bữa ăn mới thấy khủng khiếp, gian nhà bếp thật sự trở thành "bãi chiến trường"của 5 đứa trẻ, chúng tranh giành, giằng xé nhau quyết liệt.Bữa ăn nhà cô Lú diễn ra như một trận chiến, thằng anh giằng bát của thằng em, thằng em vác đũa cả choảng lại thằng anh, có nồi canh chúng mải đánh nhau làm đổ ụp xuống đất... Mình cô Lú không tài nào quản được. Trong khi ở nhà trên chồng cô một mình một chiếu ngồi uống rượu tỳ tỳ, có món gì ngon lão bắt vợ mang hết lên cho lão, chỉ đến khi nào lão "đánh nhắm" xong, lúc bấy giờ lão mới phát lệnh "tháo khoán"cho lũ con hưởng "sái".
Đã thành nếp lũ trẻ dù đang đánh nhau dưới bếp nhưng thoáng nghe bố phát lệnh: "Chúng bay đâu lên lấy lộc xuống mà ăn này". Thế là 5 thằng bỏ hết mọi thứ lao như bay lên nhà để lấy "lộc" của bố. Than ôi đến lúc đó thì trên mâm cũng chỉ còn xót lại được khi mẩu đầu cá, lúc mấy miếng xương chối hay dăm ba miếng bì, miếng thịt mỡ mà thôi! Vậy là lũ con lại phải một phen tranh giành đánh đấm nhau chí mạng thằng nào nhanh, khoẻ mới giành được "chút lộc"của bố chứ đâu có ngon xơi, có thằng em khi tranh được mẩu xương thì lại bị thằng anh đánh toé máu đầu. Cô Lú lại phải lao vào "can thiệp, giải quyết hậu quả!" Khi mọi việc tạm được "vãn hồi" mới là lúc cô vét nồi niêu, còn gì ăn nấy, không thì lại nhịn.
Nhà cô suốt ngày hỗn loạn như trong khu tị nạn vậy, may mà cô Lú có tính hay quên, hay lẫn nên thành ra vô tư lự trước mọi sự của gia đình chứ cứ như người bình thường thử chịu như thế một ngày xem chả phát điên, phát rồ lên ấy chứ ?! Đúng là "trời không lấy đi của ai hết mọi thứ"là thế ! Phải chăng đó cũng là sự cân bằng của tạo hoá dành cho loài người?! Thông thường nhà cô Lú chỉ tạm gọi là no đủ mỗi năm chừng hai tháng vào dịp hai vụ thu hoạch chiêm, mùa. Đó là lúc lúa nhà được thu, cô khoẻ và làm nhanh lại thuê máy tuốt nữa nên ba sào lúa cô chỉ gặt hai ngày là đâu vào đấy, thời gian còn lại cô đi gặt thuê, khoẻ và chăm chỉ như cô nên ai cũng muốn thuê cô làm, nhiều người thương cô, mỗi khi cô đi làm họ còn giữ cô ở lại ăn cơm, khi trả công bao giờ họ cũng thêm cho cô năm bảy đấu thóc hay vài chục bạc nữa. Đó là những ngày cô cảm thấy mình "giàu có" và sung sướng nhất trong năm, những ngày ấy cô cũng mới có dịp để "thử lại" mùi vị các móng ăn quen thuộc của dân làng đó là những miếng thịt gà hay miếng cá rán mà có lẽ nếu cô không đi làm thuê cứ ở nhà với chồng con thì chả đời nào cô được đụng đến chúng bởi gã chồng tham ăn và đàn con háu đói của cô! Lần ấy cô đi làm cho bà nội tôi, đến bữa ăn, mọi người gắp đầy thức ăn vào bát giục cô ăn, cô nhìn mọi người rồi bỗng ứa nước mắt cô nói:
- Con cảm ơn bà đã cho con ăn ngon thế này. Nhưng cho phép con dành mấy miếng thịt này đem về cho các cháu.Con đi làm được ăn ngon thế này nhưng các cháu nhà con nào có gì đâu!
Biết cô thương con không nỡ thấy miếng ngon mà ăn một mình. Bà tôi ôn tồn bảo cô:
- Cô cứ ăn đi rồi tôi sẽ có phần cho các cháu.
Nghe vậy cô rối rít xin lỗi và bảo là không cần, cô ngồi cặm cụi ăn, bà tôi thấy thế lại càng thương. Sau này, mỗi khi nhắc đến cô bà tôi đều thở dài và nói với chúng tôi:
- Thân phận người đàn bà giống như hạt mưa sa khổ thế đấy. Lấy chồng gặp chỗ phúc đức thì may, hẩm hiu như cô Lú thì khổ cả đời! Thời đại mới mà đâu đã hết người khổ? Nghĩ tội cô ấy quá!
Vì thế, cứ vào dịp tết bà tôi thường nhắn cô đến nhà, bà khéo léo sắp đặt nhờ cô làm một số việc như bổ củi hay rửa lá bánh rồi bà trả tiền công và cho quà lũ trẻ, thực ra bà rất muốn trực tiếp cho quà cô nhưng bà sợ cô từ chối, bởi bà biết những người như cô lòng tự trọng thường rất cao, họ không muốn bị coi thường, bị khinh rẻ và càng không muốn chịu sự bố thí, ban ơn của mọi người. Tuy nhiên, với bà tôi thì cô hiểu, cô cảm ơn bà tôi rất nhiều, hễ có công việc gì đi đâu cô thường rẽ vào thăm bà tôi có khi dỗi cô ngồi trò chuyện với bà cả buổi...ấy vậy mà lần này về thăm bà vừa bước chân vào đến nhà tôi đã thấy bà tôi khăn thâm áo trùng, cổ đeo tràng hạt vẻ như bà đang chuẩn bị đi đâu. Thấy tôi về bà nói ngay:
- Cháu đã về đấy ư, còn ở nhà chơi hay đi luôn? Này cái nhà cô Lú chết rồi cháu ạ! Khổ thế đấy đúng là "sinh có hạn, tử bất kỳ" bốn hôm trước cô ấy còn ngồi chơi với bà cả buổi, cô ấy cứ phàn nàn là chồng con chẳng ra gì, cô ấy chán. Mà cũng như là điềm gở hay sao ấy, mọi khi bà giữ cô ấy ở lại ăn cơm thì cô ấy chối đây đẩy đòi về cho kỳ được vậy mà hôm đó cô ấy lại bảo bà nấu cơm cho cô ấy ăn với, rồi cô ấy xăng xái đi vo gạo nấu cơm với bà, hai bà con ăn xong cô ấy còn nấn ná mãi đến chiều muộn mới về. Thôi cháu đã về tiện xe đưa bà vào đám cô ấy luôn, nhân thể cháu cũng thắp cho cô ấy nén nhang, ngày cháu còn bé mẹ cai sữa gửi về bà, cô ấy cũng bế cháu suốt đấy. Người như cô ấy thật đáng thương quá thôi !
Chúng tôi đến nơi thì người ta đã khâm liệm cho cô rồi. Mấy người hàng xóm kể rằng hôm trước là ngày giỗ bố cô Lú, cô kiếm tiền làm mâm cơm cúng giỗ cho cha, chẳng biết thức ăn có gì nhiều, nghe đâu còn mấy chiếc nem và mấy miếng thịt gà cô dành lại cho chồng và con để bữa sau.Nào ngờ sáng ra bị lũ chuột tha hết. Lão chồng thức dậy tìm rượu uống và chợt nhớ ra số đồ nhắm vợ cất lại tối qua bèn lần xuống chạn tìm thì thấy đã mất, lão tức mình chửi bới om sòm và túm lấy cô đánh tới tấp, nghe lũ con gào thét, mọi người sang can mãi mới gỡ được cô ra khỏi tay lão chồng. Mặt mày thâm tím cô chạy ra vườn ngồi khóc. Gần trưa người ta gặp cô ở ngoài quầy thuốc thực vật nhà mụ Liễu Đen cuối xóm. Về nhà nhìn lũ con đang đánh nhau và kêu đói, cô vội đi nấu cơm cho chồng con. Lão chồng vẫn vừa ăn, vừa chửi cô là đồ "đoảng vị" có miếng ăn ngon thế mà không biết cài đậy để chuột tha mất. Cô lặng lẽ ngồi nhìn lũ con tranh nhau ăn như mọi ngày mà không nói một lời, sau đó cô đi ra vườn... Mãi chiều tối không thấy cô về lũ trẻ mới chạy đi tìm khắp nơi mà không thấy lúc ấy dân làng đổ đến và họ đã tìm thấy cô nằm sau bụi chuối cuối vườn, mọi người vội đưa cô ra trạm xá nhưng đã quá muộn...
Mọi chuyện về cái chết của cô Lú rồi cũng được làm sáng tỏ. Nhưng kể ra mà làm gì, nó chỉ làm cho vong hồn cô thêm buồn, thêm tủi có phải thế không cô Lú?! Dân làng chỉ mong sao hồn cô sớm siêu thoát chốn thiên đàng cô ạ ! Ở nơi đó hẳn cô sẽ hết buồn đau, đói khổ đúng không cô?
Bùi Nhật Lai 






Thông Tin
Lượt Xem : 128
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN