--> Lão già và ngọn lửa - game1s.com
Teya Salat

Lão già và ngọn lửa


(game1s.com) - Với một chiếc roi mây, lão đã quất thật lực vào người bà vợ. Chuyện đánh đập chỉ diễn ra hai lần. Trận đòn thứ hai vợ lão đã liệt giường.
***
Lão kiếm thêm được một khoản nhỏ nhờ việc dọn dẹp nhà cửa. Công việc là vào mỗi thứ bảy, lão thường mất gần hai tiếng để hoàn thành. Ngôi nhà mà lão phải tới để dọn dẹp có ba tầng, mỗi tầng phân ra nhiều buồng nhưng đều rất luộm thuộm. Đáng lẽ công việc dọn dẹp nhà cửa cần một người đàn bà nhưng lão đã thỏa thuận và sau buổi làm việc đầu tiên người chủ đã hài lòng. Lão được trả ba trăm ngàn để dọn dẹp ba tầng, bao gồm cả nhà vệ sinh. Đây là một món hời, thế nên lão phải làm việc thật chăm chỉ để tránh người chủ ngôi nhà đưa một kẻ lạ thế chỗ lão. Công việc là vào mỗi sáng thứ bảy nên lão hoàn toàn có thể thu xếp thời gian để làm việc khác.
Lão là người rất yêu quý đồng tiền nên chẳng lạ gì nếu ai đó thấy lão mặc một chiếc sơmi kẻ đã nhàu nát, ố vàng, chiếc quần vải cũng rách rưới và đã bạc màu. Đôi xăng đan lão mang một chiếc đã há mõm, quai hai bên cũng đứt gần hết. Chân lão rất to, gan bàn chân cũng khá dày và lão hoàn toàn có thể đi lại mà không cần giày dép. Nhưng đấy là thời trẻ, bây giờ lão đã có tuổi, rủi dẫm phải miểng chai, mảnh thủy tinh hoặc các vật nhọn khác thì chẳng phải chuyện đùa. Chân lão sẽ bị thương, nếu nặng còn có thể phải nhập viện. Lão sẽ tốn tiền và đấy đúng là điều tai hại. Thế nên lão đã dùng những sợi dây điện bọc nhựa để tròng vào hai bên, thít lại thành một cái quai dép mới. Còn việc chiếc há mõm thì thật đơn giản, lão chỉ cần vài cái đinh đủ dài để đóng hai mảnh lại. "Cũng nhọc đây, đinh thì cũng phải mua, thế là lại mất toi mấy đồng.."- Lão nói, và tặc lưỡi.

Một ngày, hai bữa cơm đều có đậu phụ và một đĩa rau luộc. Canh rau là bắt buộc vì lão sẽ không để thừa cơm. Quãng chừng một tuần lão lại đổi món nhưng vẫn luôn xoay quanh các món đạm bạc. Chẳng mấy khi lão ăn mặn, không hẳn là lão theo đạo hoặc có khẩu vị với đồ chay. Những khi được mời ăn cỗ lão đã gắp rất nhiều thịt, chân giò ăn xong lão còn gặm tới mức nhẵn thịt. Dĩ nhiên những bữa ăn đó là phải thiện chí, không có sự nhờ vả nào liên quan tới tiền cả. Nếu đả động tới tiền, dù là lời bóng gió, lập tức lão sẽ bỏ về. Còn nếu họ đả động tới bữa ăn, vì rằng lão đã ăn rồi, thì lão sẽ móc họng để ói hết những thứ đã tống vào bụng nãy giờ.
Ngày lão rời khỏi khu phố ai cũng mừng. Đấy là chuyện mấy năm về trước, giờ họ đã quên hẳn lão dù khi thoảng lão vẫn về khu phố. Sự trở về của lão không phải để thăm thú lại một nơi đã gắn bó nhiều năm, còn mấy người hàng xóm có gặp thì lão vẫn chào hỏi. Lão sẵn sàng tươi cười với họ, nhưng nếu ai đó viện cớ khó khăn để vay tiền, lão sẽ lảng đi ngay và không bao giờ xuất hiện. Việc quay lại con phố của lão là nhằm vào cái thùng rác của nhà ông Trọng, người khá giả nhất phố.
Lão và ông Trọng chỉ là biết mặt nhau, hai người chưa từng qua lại. Bởi tính hoang phí nên thùng rác nhà ông Trọng lúc nào cũng chật cứng đồ bỏ đi. Lão ghét những ả đồng nát hoặc đám người bụi đời vì lười nhác và đói quá phải lục thùng rác. Cũng chẳng bao giờ lão định làm cái trò khỉ đó cả nhưng cái thùng rác nhà ông Trọng lại là một ngoại lệ. Trong thùng vẫn có thứ còn dùng được. Đôi khi lão lại tìm thấy trong đó một cái bật lửa vẫn còn ga, khi thì là cái màn hoặc một vài chai dầu gội vẫn còn một chút ở đáy.
Năm ngoái lão may mắn vớ được một cái chăn bông, mặc dù nó đã mất vỏ và bốc mùi do để chung với mấy hộp thức ăn nhưng thế đã là tốt. Một ả đồng nát cũng đã nhìn thấy cái chăn và nổi lòng tham. Con mụ đó định giật chiếc chăn khỏi lão nhưng lão đã đẩy ả ra. Giằng co một hồi, với sự xì xào của người đi đường ( phần lớn là cổ vũ cho lão.) ả ta đã phải buông chiếc chăn ra. Với niềm hân hoan, lão mang chiến lợi phẩm về nhà, tất nhiên tay lão đã bị trầy vì móng tay ả đồng nát khá dài và sắc. Năm đó, lão đón tết trong ấm áp.
***
Lão rất hăng kiếm tiền, ngặt nỗi những việc lão làm tạp nhạp và mang tính thời vụ. Bởi lão không giỏi kinh doanh, cũng thiếu sự bỉ ổi để có thể dẫm lên đầu người khác. Từng có thời lão làm tạp vụ trong một tòa báo, công việc của lão không thống nhất, sai gì làm nấy. Họ có thể bảo lão quét dọn phòng, vận chuyển đồ đạc, bưng nước hoặc cọ rửa toalet. Đáng ra lão sẽ được cất nhắc vào tổ bảo về, và sẽ có hậu đãi về tiền lương nhưng chính lão đã nghỉ việc.
"Ai trong số họ cũng là ông giời, và thế đấy, một tòa báo hoạt động về nghệ thuật." – Lão tự nói trong đầu - " Kệ mẹ bọn họ có tâng bốc nhau sau khi đã dè bỉu chán chê sau lưng, kệ mẹ họ đay nghiến, xỉ vả ai đấy yếu thế hơn, nhưng cái lũ người đó...Không hiểu tại sao lại lố bịch tới mức vung vít tiền vào mấy trò vô bổ. Ngày nào họ cũng nhậu nhẹt, rồi lại còn mất cả đống tiền vì mấy cái hội nghị gì đó."- Lão rít lên trong đầu mình - " Nào có hay ho gì, mấy cái họp hành đó cũng chỉ để họ ba hoa nhiều hơn. Họ mua danh bằng cách hèn hạ tới buồn cười. Nếu họ chưa từng phải tranh giành một mẩu bánh với một con chó hoang, nếu công việc của họ chưa cực nhọc tới mức phải hộc máu thì họ nào biết quý đồng tiền."
Và thế là lão nghỉ việc. Người ở tòa báo chẳng bận tâm gì nhiều vì sự có mặt của lão ở đó chỉ như một tôi tớ có tuổi. Không lâu sau lão tìm được một công việc khác. Vẫn là việc làm thuê, và lão vẫn thích thú với nó. Lão sẽ kiếm được tiền.

Căn nhà nhỏ của lão nằm trong một khu ổ chuột cách không xa trung tâm thành phố. Cống ở đây hỏng từ lâu, tới mùa mưa nước cống dềnh tới mắt cá chân. Bởi vì ở đây rất lắm chuột mà thức ăn từ các thùng rác của hộ dân cũng chẳng thừa thãi nên chúng phải tự tàn sát nhau. Xác những con chuột bại trận, bị cắn nát vẫn thường dềnh lên cùng nước cống và các loại rác rưởi hôi thối. Nhà lão ở tít trong cùng, căn nhà nhỏ, một tầng theo kiểu nhà cấp bốn. Trải qua mấy mùa mưa tường đã lở hết, cửa nẻo thủng lỗ chỗ, sân nhà lão rộng nhưng lại chẳng trông cây hay nuôi chó.
"Trồng cây sẽ lọc không khí tốt hơn." – Một người đã nói với lão thế.
"Cần quái gì, tôi không mát tay, có khi trồng rồi lại chết khô ra."
"Cũng nên trồng vài cây, hoa jun, hoa sữa sẽ lọc được mùi xú uế."
"Rườm rà lắm. Muốn trồng thì cũng phải mua hạt giống, chậu hoa, rồi tốn cả nước để tưới cây. Tôi không bao giờ hoang phí tiền vào mấy trò vô bổ."
Lão khước từ mọi lời khuyên nhủ. Với lão, những gì tốn tiền đều đáng lo. Áo quần không bao giờ phải nghĩ đến vì lão đã gần 70, cơ thể lão sẽ không phát triển nữa. Cữ người lão gầy rộc, lại khá lùn nên rất tiện cho việc mặc loại áo ngắn. Đồ đạc trong nhà gần như trống trơn. Chỉ có một cái tủ, một cái bàn nhỏ và cái bếp than tổ ong đặt góc phòng cùng nồi niêu song chảo. Lão không sắm giường, năm này qua năm khác lão chỉ nằm chiếu. Mùa nóng lão cởi trần, vận cái quần đùi, còn lạnh hơn thì lão sẽ mặc thêm áo, đại hàn thì đã có cái chăn bông.
Lão đóng cửa nẻo lại, thắp ngọn đèn dầu lên. Lão bắt đầu đếm tiền. Số tiền lão tích cóp từ nhiều năm và cất trong ngăn tủ. Bởi vì lão là người cẩn thận, số tiền này như tính mạng của lão nên lão đã khoét một cái hốc sâu trong tường và cất tiền ở đó. Lão cũng khoét một cái lỗ ở cái tủ, vừa khớp với kích thước cái hốc trên tường. Rồi lão đẩy tủ sát vào tường, cuối cùng lão lấy miếng gỗ cắt ra từ cái tủ gắn lại. Lớp gỗ đó lão đã khổ công thiết kế để có thể lật lên được. Số tiền được giữ an toàn trong hốc tường.
Dưới ngọn đèn leo lắt, lão ngồi trên chiếc bàn nhỏ và đếm từng tờ tiền một. Cặp mắt lão chăm chú vào từng đồng một. Lão đếm rất chậm và cái đầu thì luôn ghi nhớ tới từng seri. Mỗi tối lão đều thắp đèn đếm tiền, thói quen này có từ thời lão còn trẻ. Và bây giờ, khi đã có tuổi nó trở thành một cái thú ngạo ngễ khó từ bỏ.
"Giá mà có một cút rượu để nhâm nhi thì đúng là lạc thú?"- Lão tự nói trong đầu.
Lão chép miệng, nuốt nước bọt. Xong một xấp tiền, lão đếm tới xấp thứ hai.
Lão có một người vợ. Đấy là khi lão chưa chuyển về khu này. Gia đình lão ít khi to tiếng, cả hai đều đi làm nhưng chẳng bao giờ lão đưa một đồng kiếm được cho bà vợ. Bữa ăn của họ cũng đạm bạc, rất hiếm hoi mới có một bữa đầy đủ thịt cá. Lão luôn khắt khe trong vấn đề tiền bạc, vợ lão tiêu pha lão không quản. Cặp lông mày lão chỉ nhướn lên khi bà ta đã phung phí bằng tiền lấy trộm của lão. Với một chiếc roi mây, lão đã quất thật lực vào người bà vợ. Chuyện đánh đập chỉ diễn ra hai lần. Trận đòn thứ hai vợ lão đã liệt giường.
Lão không chăm sóc bà ta, và hàng đêm vẫn đếm số tiền mình kiếm được trong căn phòng nhỏ ấm cúng. " Bà ta đã ăn trộm tiền của tôi, và đây là báo ứng." – Lão nói thế với những người tới thăm vợ mình.
"Vợ ông mua quần áo và thuốc cho ông, bà ấy nào làm gì thái quá."
"Thật phí phạm, các người có biết phải khốn khổ lắm tôi mới tích cóp được ngần ấy không."
Ít lâu, vợ lão bỏ đi. Bà ta chỉ mang theo quần áo, đồ đạc vẫn còn nguyên. Trước khi đi vợ lão có để lại chút tiền cùng một lá thư. Trên thư ghi rõ địa chỉ, nơi vợ lão sẽ tới. Lão quên hẳn cái bức thư đó từ lâu rồi. "Tái ông thất mã. Thế lại hay."
Tối hôm đó lão vào phòng, và lại đếm tiền.
Người trong khu phố nhiếc mắng lão về việc bà vợ. Mấy người ở tổ hòa giải cũng tìm đến lão và khuyên lão hãy nghĩ lại. Mấy trò lừa phỉnh này không xoay chuyển nổi lão.
Số tiền lão dành dụm đã ngót cả tỷ. Lão vẫn chưa định dùng đến chúng. Hàng đêm lão vẫn đếm số tiền đó. Cặp mắt lão khi nhìn đống tiền bỗng trở nên hiền hậu. Tiền đều do lão cực nhọc kiếm ra, lão xếp lại rất gọn gàng, theo từng bó. Có rất ít tiền mới, loại tiền năm trăm ngàn rất ít, chủ yếu là tiền năm mươi hoặc một trăm. Những đồng tiền lẻ khá nhiều, số này lão sẽ lấy ra để dùng vào việc đi chợ. Nhiều đồng rất nhàu, một số tờ vì quá cũ nên đã bị rách. Lão không định vứt chúng đi hoặc thí cho đám ăn mày lười biếng. Khoản tiền đó lão giữ lại.
Hôm nay lão thắp nến thay cho đèn dầu. Đây là loại nến cỡ lớn và lão đã nhặt được nó khi đi qua một khu công trường. Cây nến nằm lẫn trong đống đất, cùng với vỏ bao tải. Thế là giờ đây lão đã có ánh sáng để dùng. Dưới ngọn lửa nhỏ, lão cần mẫn sắp xếp chỗ tiền.
Đếm xong chỗ tiền, lão thổi tắt ngọn nến rồi bắt đầu ngủ.
***
Nắng vài hôm thì trời chuyển mưa. Cơn mưa khiến nước cống dềnh ở khu ổ chuột dềnh lên. Đợt mưa này khá lớn và kéo dài trong nửa ngày nên lão chẳng thể ra ngoài. Thật may là căn nhà của lão có bậc thang nên nước cống chỉ mấp mé dâng tới cửa. Mùi cống rãnh bốc nống nặc. Quá lâu rồi lão thường xuyên phải ngửi mùi rác rưởi, nên đã quen với nó. Cũng có thể lão đã già rồi khướu giác đã trục trặc nên nước cống với lão bất quá cũng chỉ như thứ mùi hơi nồng một chút. " Khỉ gió cái thời tiết này." – Lão nói trong đâu. Các khớp xương của lão ê ẩm và lão chẳng thể ngồi dậy. Gió rít qua cửa sổ, lùa vào lạnh buốt. Lão muốn ngồi dậy, lấy cái chăn bông trải xuống rồi cuộn quanh người như một cái kén nhưng người lão đau quá. Lão lầm bầm chửi cơn mưa. Mấy câu chửi vẫn chỉ trong đầu. Lão không có thói quen gào rống lên như mấy con mẹ ở chợ.
Tạnh mưa, lão lập tức ra ngoài. Các khớp xương trên người lão vẫn ê ẩm, và lão đã rất khó khăn để đứng dậy. Đi vài bước lão ngã nhào xuống. Cả ngày hôm qua lão chưa có gì bỏ bụng, cơn đói khiến tay chân lão bủn rủn. Hai hàm răng nghiến chặt, hai nắm tay lão cũng xiết lại, rồi cố nhỏm dậy. Vì lý do tuổi già, lão không thể đứng thẳng dậy. " Dây dưa mãi thì thật chó chết." – Lão nói vang trong đầu. Do không đi nổi nên lão hướng suy nghĩ về chỗ gia tài nằm trong hộc tường. Những lá tiền bay phất phơ, nằm xếp gọn và phủ phục trên tay lão. Nhiêu đó thôi là đủ tạo thành một phép thắng lợi tinh thần. Lão đã có thể ngồi dậy. Vì vẫn còn hoa mắt nên lão đã tự làm mình tỉnh táo hơn bằng nước lạnh. Vòi nước lão không mở, lão đã hứng nước rỉ xuống từ mái hiên.
Lý do nhà ông Trọng đã chuyển đi khiến lão mất đi một khoản lợi tức. Ngôi nhà đó đang được sửa sang thành một cửa hàng bán đồ ăn nhanh.
Lão đọc được một tin nhỏ về tòa báo, nơi lão từng làm việc một thời gian. Mấy người ở đó chẳng khác xưa mấy. Cái hội nghị họ đã hao cả triệu bạc để tổ chức, thế ra họ vẫn vung vít tiền để mua danh. Tờ báo lão đọc là báo cũ, chiếu theo ngày ra thì đã được mấy tháng, nghĩa là cũng lâu rồi. " Thật quá quắt." – Lão nói trong đầu.- " Bọn họ nào có biết quý tiền bạc đâu. Mấy người đấy chỉ thích lơ lửng thôi..."
"Mà có thể lắm chứ, vì tiền đấy kiếm dễ quá và không trong sạch gì..." – Lão kết lại bằng một câu thật vang, dĩ nhiên lão vẫn chỉ giữ nó trong đầu. Lão đang quét dọn nhà cửa cho người chủ vẫn thuê mình vào mỗi thứ bẩy. Vấn đề về cái lưng khiến lão không thể cúi xuống để lau gầm giường. Sau khi vắt nước, lão nằm bò ra nhà. Lão dẫm lên khăn lau nhà rồi tuồn nửa người vào gầm giường. Để khăn khỏi tuột, lão đã ép chặt các ngón chân xuống, tư thế này hơi kỳ quặc nhưng chắc chắn việc lau gậm giường sẽ xong.
"Ông làm tốt lắm, đây là tiền của ông."
Lão nhận số tiền công. Lão đếm và thấy dư ra năm chục.
"Cô trả thừa tiền này." – Lão gửi lại nhưng cô ả lắc đầu.
"Chỗ đấy cháu cho ông."
"Cô còn cần tôi làm gì nữa không?"
"Chẳng còn gì cả."
"Vậy mong cô hãy nhận lại tiền. Tôi chưa hèn tới mức phải nhận của bố thí."
Lão cau mày, ả chủ cũng cau mày. Số tiền thừa lão hoàn trả lại. Với một lời chào chưng hửng, hẹn gặp vào tuần sau, lão rời khỏi ngôi nhà.
Cũng như ả chủ đã thuê lão, mấy đứa oắt con ở khu phố cũ không ít lần đem tiền ra bỡn cợt lão. Hẳn là rất nhiều lần và lão nhớ cả. Những gì liên quan tới tiền lão đều nhớ. Mỗi khi lão đi trên đường, cũng có thể đang đi làm về hoặc đang đứng dưới một bóng cây để tránh nắng thì một vài tờ tiền rơi trước mặt lão. Chẳng một lần nào lão nhặt chúng. Dạo đầu lão còn nghĩ mấy tờ tiền do ai đó đánh rơi và theo cơn gió đã bay tới chỗ lão. Vài tờ một, hai ngàn chẳng mấy ai chú ý đến. Những đồng lớn hơn cũng rơi dưới chân lão, và khi giá trị của bản giấy đó đã lên tới hàng trăm thì điều này đã đánh động tới nhiều người. Họ cười đắc chí và sẵn sàng quên mất bản thân để tranh bằng được tờ tiền đó. Lão không có trong số đó. Lão vẫn đi tiếp, và nếu nó có ngáng đường lão thì lão sẽ nhấc chân lên thật cao, rồi bước qua nó.
"Chẳng phải lão thích tiền lắm sao? Tiền đấy."
Vài tiếng nói vang từ trên tầng nhà. Giọng một toán trẻ ranh, kì thực cơ thể chúng đã phát triển đầy đủ nhưng với lão chúng vẫn chỉ là oắt con. Tiếng nói cứ xôn xao, và ngày mỗi lớn. Hẳn là chúng băn khoăn lắm vì lão đã không lọt vào cái bẫy do chúng giăng ra.
"Tiền của tao thì tao sẽ nhặt!"
Lão nói vọng lên, và đi thẳng.
***
Đám con cưng của lão luôn được sưởi ấm vào mùa đông. Gỗ mun rất đắt, vì ở thành phố nên không phải cứ muốn chặt cây là được. Quanh khu ổ chuột sắt vụn thì nhiều chứ tủ bàn thì khan hiếm lắm. Để có một ngọn lửa vừa đủ để tạo nên sự ấm áp lão đã đi xa hơn để thu lượm giấy và gỗ. Giấy lão nhặt nhạnh quanh bãi rác, đôi lúc là mấy tờ rao vặt ở cổng các trường học. Gỗ thì lão tìm được ở một công trường nào đó, khi thì là cái chân bàn, một mảnh nhỏ ở tủ hoặc nếu may mắn gặp một toán người đang chặt cây, lão sẽ có một số gỗ kha khá. Lão đốt lửa trong một cái chậu sành. Lão đã tắt hết đèn đóm, chỉ ngọn lửa này đã quá đủ để chiếu sáng.
"Lạc thú! Đúng là lạc thú!" – Lão lẩm bẩm trong đầu, một nụ cười thật khoái trá kéo dài trên môi lão. Đống tiền đảo qua đảo lại trên những ngón tay của lão. Lão khom lưng và cứ thế đếm. Khuôn mặt lão đổi sang màu xanh, rồi màu hồng, khi là màu đỏ...
Lão rất khoái những hôm trăng tròn. Chỉ cần mở cửa sổ thật lớn để ánh trăng rọi vào thì cả tối hôm đó lão chẳng cần phải thắp đèn. Những ngày trăng sáng lão đếm chúng trong hàng tiếng. Lão đếm thật chậm, từng đồng, từng đồng một...
Ả chủ ngôi nhà vẫn thuê lão tới dọn dẹp vào mỗi thứ bảy đã không cần tới người giúp việc. Lão chẳng mắc lỗi gì, còn cái lý do sa thải này đều ở bà mẹ chồng. Bà ta sắp tới sẽ dọn lên đây ở và ả chủ kia phải ngậm ngùi làm tròn trách nhiệm của một ngườ con dâu. Công việc nhà ả sẽ tự lo, việc cúng gia tiên cũng không được cẩu thả như trước. Lão chẳng phàn nàn gì bởi nó cũng tốt, khi mà ả chủ sẽ tự tiết kiệm cho mình một khoản. Lão sẵn sàng mừng cho ả ta nhưng lão vẫn thấy tiêng tiếc vì để vuột mất một khoản thu nhập. Việc trông giữ xe ở cửa hàng kính mắt của lão cũng chẳng suôn sẻ gì. Lão cũng đã có tuổi, dù đầu óc vẫn minh mẫn nhưng chân tay thì đã yếu rồi. Dạo này lão lại hay ho. Thực ra bệnh ho của lão có từ lâu nhưng dạo gần đây có nặng hơn đôi chút. Lão không đi khám bệnh, cũng chẳng nghỉ ngơi gì. Tối qua lão có giã chút nước gừng, cơn ho chỉ dứt tạm thời nhưng với lão thế đã là tốt.
Vận xui đã tìm đến lão. Một chân của lão đang tập tễnh, cũng vì lý do này lão chẳng thể đi đâu. Hôm trước, vẫn ở cửa hàng kính mắt trong khi dắt chiếc Honda của khách vào bãi xe, lão đã trượt chân.
Lão ngã và chiếc xe đè lên lão. Người lão vô sự nhưng cái chân phải của lão đã bị xe đè nghiến lên. Xe vừa tắt ga, ống khói nóng. Trong cơn tê rát, lão nghe thấy tiếng gì đó, vang rất khẽ. Nó như tiếng củi khô gãy, cũng như tiếng nứt vỡ của một cái tách thủy tinh. Lão không nhấc nổi chiếc xe, có vẻ như nó quá nặng so với sức khỏe của lão hiện giờ. Mấy người xung quanh phải nhấc xe rồi dìu lão đứng dậy. Cái chân của lão đã gặp chuyện và công việc hôm đó kết thúc ở đấy.
"Mai bác không cần đến nữa, bác cũng có tuổi rồi." – Người chủ cửa hàng nói thế và cái hợp đồng không văn bản chấm dứt. Lão lủi thủi về với cái chân đau. Tóc lão nếu không rụng gần hết thì nó cũng đã bạc trắng. Răng lão vẫn chưa rụng cái nào, nhưng chỉ một va quệt vừa đủ thôi, chúng sẽ rơi cả. Những người già, khi một khớp xương hỏng thì các bộ phận còn lại cũng gặp chuyện.
"Chẳng nghĩa lý gì..."- Lão muốn nói to như thế. Rặt nỗi việc hít thở của lão giờ cũng khó khăn. Mấy tiếng nói đó vẫn chỉ vang trong đầu. "Thật chó chết...Thế là mình thành thằng què ư? Ôi, cái chân khốn nạn này..."
Lão không đếm tiền nữa. Tối hôm đó lão chỉ húp cháo loãng. Mấy người hàng xóm có tới thăm, mang theo ít hoa quả. Lão không nhận quà, và chỉ gật đầu khi họ có ý muốn giúp lão rửa chỗ bát đĩa. Xong xuôi, lão cảm ơn họ và đuổi hết ra cửa.
Mở cái ngăn tủ bí mật, lão lôi số tiền mình tích cóp được ra. Lão không đếm chúng mà đặt hết lên bàn, một tay chống cằm. "Nếu khám bệnh thì hao nhiều lắm đây. Mấy tay y sỹ thường hét giá cao lắm, mà không chắc chân mình có lành lại không. Mình thì chẳng muốn xa chúng..." – Mấy câu nói luẩn quẩn trong đầu lão. Chưa lúc nào lão buồn như lúc này.
"Cái chân của bác sao rồi..."
Lại một người khách không mời. Lão nhìn số tài sản và vã mồ hôi.  Rủi như nó thấy thì hỏng..."
Lão gượng đứng dậy và với tay tắt cái đèn. Vì cái chân của lão vẫn cứng đỡ, suýt chút nữa lão ngã nhoài xuống. Cũng may là lão kịp chống tay vào tường.
"Tao ngủ rồi. Chân tao ấy à, còn khỏe lắm!"
"Có thật không ?"
Lão dùng cái chân phải dẫm thật mạnh xuống nền nhà, rồi nói thật lớn.
"Cái chân đau của tao đấy, nếu muốn nó còn có thể đá vỡ đít mày ấy chứ..."
Người khách phía ngoài đi khỏi. Lão ho một tràng dài. Vừa rồi lão lấy hơi mạnh quá. Lão bật đèn sáng, vẫn cái dáng đi tập tễnh, lão đi về phía bàn. Nhìn ngắm chỗ tiền một hồi, lão cất chúng trở lại hộc tường.
Hôm sau lão vẫn chưa thể ra khỏi giường. Cửa lão khóa chặt lại. Nếu có ai gõ cửa và hỏi vọng vào thì lão nén hơi, nói thật lớn. Lão đã tính trước sẽ qua mắt người lạ đó bằng việc hát thật to, chận dẫm mạnh xuống nền nhà. Tới buổi chiều, vẫn không có ai tới gõ cửa, vậy là lão đã quá lo xa. Bởi vì khu này chẳng còn mấy ai ở lại, nhà lão ở tít trong cùng nên bầu bạn với lão chỉ có tiếng kêu của đám chuột cống. Sau khi uống một cốc nước, lão đỡ mệt hơn. Cái chân không nghe theo lão nữa, nó đã vĩnh viễn trở thành một khúc xương.
Lão lại ho.
"Mất toi một ngày rồi. Mà mình có còn chỗ làm nào đâu ?" – Lão lẩm bẩm trong đầu. Lão bỗng thấy lạnh. Chưa tới mùa rét nên lão chưa lấy chăn ra. Lão đành co mình dưới nền chiếu. Lão nhắm tịt mắt lại, có lẽ một giấc ngủ sẽ giúp lão quên đi cảm giác đói và lạnh.
Thêm một ngày nữa. Lão vẫn nằm liệt một chỗ, số mỳ gói lão ăn hết cả. Gạo hẵng còn nhưng lão chẳng thể ngồi dậy mà nấu cơm. Miệng lão khô rát. Chỗ nằm của lão lạnh hơn mọi khi. Lão ho, cơn ho kéo dài và bắt đầu khàn đi. Bởi vì cửa ngoài vẫn đóng, cửa sổ lão cũng kéo chốt lại nên trong phòng chỉ một màu âm u. Ánh sáng vẫn kéo vào qua các lỗ thủng ở cửa. Lão có thể biết về giờ giấc thông qua mấy tia sáng đó, nhưng đấy là vào ban ngày. Buổi tối lão phải bật đèn lên. Đấy là cái đèn nhỏ đặt ở bờ tường, cũng may là công tắc đèn ở gần chỗ lão nằm. Bật đèn quá lâu kể từ khi mặt trời khuất bóng khiến lão buồn bực. Đấy là một sự xa xỉ không thể tha thứ, nhưng ít ra lão sẽ yên lòng hơn vì thấy ánh đèn đám hàng xóm sẽ biết lão vẫn còn khỏe mạnh. Lão lại ho.
"Chẳng thể nhìn ngắm chúng rồi..." – Lão nói trong suy nghĩ, và buồn bã tặc lưỡi.
"Nếu mình có thể cử động...Chó chết cái tuổi già..."- Mấy tiếng nói dừng lại, lão đang mệt và muốn chợp mắt một lúc.
Lão chẳng còn sức mà ngồi dậy nữa. Họng lão khô rát, giờ ngay cả việc hít thở cũng trở nên khó khăn. Đèn trong nhà đã tắt, lão cũng chẳng định bật nó lên nữa. Ánh sáng duy nhất trong phòng là mấy tia nắng lọt qua khe cửa.
Một tiếng ho bật ra. Thêm một tiếng ho nữa và tiếp tục như vậy, lão giãy giụa trong những tiếng ho. Họng lão rát và đang ứa máu. Không có gió nhưng lão thấy lạnh. Mũi lão nghẹt lại và tịt ngóm. Lão cố gắng hít thở bằng miệng, thật từ từ.
Có tiếng gõ cửa. Đấy là lão cho là thế vì tai lão đang ngày một kém.
Mấy tiếng gõ cửa, ngắt quãng lại vang lên. "Có thể là mấy người hàng xóm nhưng mình chẳng còn hơi sức mà đóng kịch nữa rồi." – Lão thì thào trong đầu. " Rồi họ sẽ đi thôi...Sẽ đi thôi..."" Không biết trong bình còn nước không nhỉ...Mà chó chết, chẳng nhấc nổi lấy một chân..."
Lão không nghe thấy tiếng gõ cửa nữa. "Nếu họ có tự mở cửa vào đây thì mình sẽ nhờ họ rót một cốc nước..." – Lão vẫn nói trong đầu mình, dù làm thế lão lại càng mệt hơn. Nhưng lão khó ngủ quá, cơ thể lão không làm loạn nữa nhưng nó cũng phản lão rồi. Tất cả chúng yên giấc cả rồi. " Một cốc nước cũng đã lắm. Ôi, mà sẽ chẳng lâu nữa đâu...Mình, cũng tới lúc rồi..."Một tràng ho nữa, máu vọt khỏi họng lão. "Mấy người hàng xóm, mình có thể xin họ... Lần cuối cùng, mình đếm chúng...Chẳng ai lại hẹp hòi với người sắp chết..."
"Nguyện vọng cuố...Họ sẽ..."
"KHÔNG !" – Tiếng lão bật ra cùng một đụm máu. Mắt lão trợn trừng. Lão vẫn nằm dưới đất.  Không được. Ngay sau khi mình quỵ xuống lũ người đó sẽ nuốt sống chúng. Số tiền đó nào có nhỏ gì. Chúng sẽ xâu xé chúng ngay trên xác chết của mình...
"Mà chắc gì, chỉ cần nhìn thấy số tiền..."
Lại là tiếng gõ cửa. Hình như nó dồn dập và mạnh tới mức muốn lật tung cánh cửa. Mô hôi lão túa nhễ nhại. Những giọt mồ hôi lạnh. Lão sợ, sự sợ hãi mang nỗi đe dọa ghê gớm nhất. " Nó còn đáng sợ hơn cái chết...Mình không giao hảo tốt với lũ độc vật đó...".Số tiền đó là thành quả của lão, là máu xương, gan ruột lão, nó là của lão và chỉ thuộc về mình lão. Lão nghiến chặt răng. Suy nghĩ cuối cùng trong lão và chính nó đã giúp lão gượng khỏi chỗ nằm. Lão ngã mấy lần khi cố gắng đứng lên.
"Trước khi chúng kịp trở lại...Phải nhanh lên..." – Lão hét toáng trong đầu. Thật may lão đã đi được, những bước dù còn chậm chạp và run rẩy.
Chút ánh sáng từ kẽ cửa tắt rồi. Trong phòng chỉ một màu đen. Lão không cần bật đèn vì cái phòng nhỏ này lão đã quá quen thuộc. Thêm một lần ngã, lão lại gượng lên.
Mùng màn, vải và chút gỗ đã được dồn quanh phòng. Xương cốt lão muốn gãy vụn ra, nhưng lão đã nghiến chặt răng, gồng người lên. Phải nhanh lên...
Ngọn lửa được thắp lên và cháy rộng ra. Đống tài sản đã ở đây, trên cái bàn và bên cạnh lão. Lão kết chúng lại bằng một vòng ôm thật chặt. Cũng tới lúc lão trút hơi thở cuối cùng. Một niềm hạnh phúc khôn xiết, một cái chết huy hoàng trên chiến công cả đời người.
Lửa cháy cao, kêu lốp bốp. Lão nhìn ngọn lửa hồi lâu và định sẽ đếm số tiền lần cuối cùng. Đây là ngọn lửa lớn nhất, cũng là thứ ánh sáng rực rỡ nhất từng ấy năm ở ngôi nhà này. Lưỡi lửa ăn vào gỗ, và lại cao lớn thêm. Cánh cửa ngập trong lửa, khói bốc nghi ngút. Ngọn lửa từng bước nuốt lấy ngôi nhà, cái miệng nó thật rộng, ăn cũng thật nhanh.
"K...H...Ô...N...G...." – Lão gào lên. Giọng lão khàn đặc, mấy con chữ như bị tắc và gãy từ trong họng. Và khi lão gào thêm một tiếng nữa, chúng văng ra thành những cục máu. Mồ hôi lão nhễ nhại nhưng không phải vì nóng. Những giọt mồ hôi lạnh như nước đá.
"Nó sẽ cướp của mình mất..."
Lão gào lên. Không có âm thanh nào mà chỉ có máu. Những bụm máu đặc sệt với đầy uất ức lại phụt ra khi lão gào lên một lần nữa. Khuôn mặt lão nhễ nhại bởi mồ hôi, máu và hai hạt lệ tàn.
Lửa đã quấn quanh nhà, và đang chậm chạp tiến tới chỗ lão.
Lão ôm chặt lấy đống tiền trong sự run rẩy. Lão quay đầu ra mọi hướng. Chỉ có lửa.
"Đ...ỪNG H...ÒNG" – Một nụ cười đắc thắng kéo trên miệng lão. Lão vốc lấy từng nắm tiền và bắt đầu nuốt chửng...
Lửa bốc cao. Rất cao.
Tru Sa







Thông Tin
Lượt Xem : 208
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN