--> Sâu và Táo - game1s.com

Sâu và Táo







Ngẫm ra cái sự đời bon chen trước kia có lẽ cũng uổng công, tự mình dây vào phiền não khổ lụy chứ chả ai.
***
Bây giờ là mùa mưa, thành phố Đà Lạt còn hứng chịu thêm những đợt gió mùa Tây Nam thổi về làm cho tiết trời thêm phần rét đậm. Phía Đông Bắc thành phố còn nghe tiếng thông reo bên Hồ Than Thở trong chiều mưa trắng xóa. Đây rừng Kỳ Ngộ, suối Dịu Hiền lờ mờ thấy cảnh người con gái Mai Hương nét mặt sa sầm, mắt buồn đăm đăm tiễn chân người yêu đi đánh giặc. Vẫn còn đó đồi thông hai mộ năm nào nằm hiu quạnh hứng giọt mưa rơi dầm dề gợi lên niềm xúc cảm cho mối tình oan nghiệt giữa Tâm với Thảo...
Người ta bảo rằng: một người con gái còn trinh tuẫn tức mà chết vì tình thì linh hồn sẽ chẳng biết về đâu. Và cho dù nơi xác thân người đó nằm lại ở cách xa mình nửa vòng trái đất, chỉ cần một nén nhang, chút ít hoa quả khấn vái thành tâm tức khắc vong hồn họ sẽ bay về đứng ngay trước mặt, có điều chẳng thể nhìn thấy. Nói chung, thực hư thế nào chả ai mà biết được. Thường khi, lời trần tình này là của một kẻ bạo gan nào đó nói ra để hù dọa bao lớp người yếu bóng vía, con nít trong xóm làng. Ấy thế mà cũng có lắm kẻ tin theo. Giời ạ! Cười.

Con người ta lúc sống mong có ngày thảnh thơi công việc để đi thăm chóp họ hàng cho tình cảm thêm khắng khít thì cứ lần khân khất hứa bảo "để lần sau". Đến lần sau rồi lại nói "thôi để dịp khác vậy". Cơ mà có cái ngày xanh rêu nọ, đôi tròng con mắt lộn lên trừng trừng, hơi thở thều thào mới kịp nói lời trối trăn, tiếc than giấc mộng đời chưa toại. Ôi ôi đã quá muộn.
Lâu rồi, người ta vẫn tin rằng người du khách ngày trước chụp hình bên mộ trinh nữ mệnh bạc của đồi thông bị chính oan hồn cô này ám hại. Buồn quá! Nghe nói chuyện này xảy ra cách nay đã mấy năm, bây giờ khơi lại nó hãy còn mới. Dạo ấy, người ta cứ đồn ầm lên, cố nhiên người ta cũng còn viện ra một cái lý do hợp tình hợp lý để đổ thừa hết trách nhiệm lên vong hồn người đã khuất. Phải nói, cái vụ tai nạn chết người đến trùng hợp thế này cũng là một nhẽ, song cũng nghi ngờ luôn việc chụp hình bên mộ người chết là thiếu tôn trọng, làm lỗi với ma quỷ thánh thần nên phải hứng chịu tai kiếp này chăng? Có trời mới hiểu được chuyện này.
Càng nghĩ càng thấy đời mênh mông. Bây giờ, Sâu không nghĩ chuyện thiên hạ nữa mà Sâu nghĩ đến các anh chị em của mình, nghĩ đến cái gia đình đầm ấm khi xưa, đã tan nát. Sâu trách. Sâu trách cuộc cách mạng diệt sâu bọ, diệt côn trùng của người nông dân đã làm gia đình Sâu tan tác. Sâu nhớ. Sâu nhớ hồi ông nội còn sống vẫn thường kể cho Sâu nghe đoạn sử thi chép lời than vãn của Chúa Sâu là lời nước mắt bi thương nuối tiếc của bộ tộc, rằng :
"Từ khi con người đặt chân lên trái đất, trật tự quy luật tự nhiên không diễn tiến định kỳ như trước. Mưa, nắng, bão, lũ, sóng thần bất thường đẩy bộ tộc Sâu đến thảm họa tuyệt chủng. Con người quá tham vọng, luôn đắc chí tìm đủ các cách phá vỡ tính tuần hoàn tự nhiên của trời đất, đặt lợi ích cá thể lên trên vạn loài. Rốt cuộc, họ muốn điều gì ở chúng ta? Họ bóc tách từng đàn Sâu của bộ tộc Sâu ra thử nghiệm với chai thuốc diệt sâu mới hay muốn quét sạch bộ tộc Sâu ra khỏi trái đất? Muôn loài đều biết, con cháu của bộ tộc Sâu lâu nay sống khỏe nhờ nguồn nước bẩn, kiếm ăn dưới lớp đất bạc màu, con người vẫn không học được. Chúng ta tự hào vì điều đó.
Giờ đây, kẻ thù đáng sợ nhất của bộ tộc Sâu không phải là chim chào mào, chim sâu, chim chích chòe .. mà sẽ là con người .
...
Một thời, bộ tộc Sâu chúng ta hiên ngang đứng giữa ánh mặt trời ngắm nhìn thế giới xung quanh tươi đẹp biết bao, thong thả hát ca nhảy múa, chia nhau ăn hoa quả, chả sợ gì. Hôm nay, rừng nhỏ hẹp đi nhiều, nhìn đâu cũng thấy toàn cây trồng thuốc lá, cây lấy gỗ. Còn chỗ nào trồng rau củ quả như thời khai sơn lập địa nữa, chỗ ấy sẽ là vườn. Vị thế, Chúa Sâu ta dẫn cả bộ tộc đến vùng đất mới mưu sinh. Vô số lần cả tộc Sâu từ nhớn bé già trẻ đều bị sốc thuốc tưởng bỏ mạng ngoài xa vườn, may nhờ bài thuốc đặc trị của ông cha để lại bộ tộc Sâu mới thoát khỏi thảm họa diệt vong.
Từ đó, bộ tộc Sâu chúng ta đi đâu cũng hết sức cẩn thận, ẩn mình dưới tán lá, khoét hang trên cành cây cao tránh ánh mắt người đời dò xét. Được mùa thì đẻ trăm trứng, nở trăm ấu trùng, họa may được vài chục đứa sống sót. Gần đến vụ mùa thu hoạch lại thấy xác sâu chết dạt đầy đồng. Đứa còn sống là do may mắn được ở xa cha mẹ vì thỉnh thoảng các gia đình thường lập đàn cúng cầu gió Đông đến và mang chúng vào khu vườn bên cạnh ký thác.

...
Vốn lẽ, hoa quả trong rừng để chia đều cho loài vật nhưng con người đã ích kỷ hái ngất, trồng thứ cây không ra trái. Giống cây đơm hoa kết quả mà chúng ta vẫn thường ăn, con người đã đem về nhà họ cất giấu sau đó gieo trồng, mặc kệ tiếng kêu gào giãy chết của chúng sanh. Lại chiếm luôn phần thịt dê, thỏ, sơn dương, nai, khỉ .. của Hổ, Báo, Sư Tử mà ăn. Kế đến, dồn Hổ, Báo, Sư Tử vào Thảo Cầm Viên để chụp hình, làm thú kiểng. Bù lại, Hổ sẽ không còn mệt mỏi với cuộc sống săn mồi nơi hoang sơn mà bẽn lẽn ở riêng trong chuồng chăm sóc con cái cho chu đáo. Báo nhớ cây rừng tha thiết chỉ biết trèo lên hàng rào kẽm gai hát nghêu ngao bài ca "Nhớ Rừng" của Thế Lữ trong đếm trăng vàng tuyệt vọng. Sư Tử lãng quên tiếng gọi nơi hoang dã nằm dài một góc chán đời ngắm mây lững thững trôi đợi chờ bữa ăn tới.
Giờ đây, con người là kẻ thù chung của muôn vạn loài nên không kể loài bay trên trời, loài bơi lượn trong nước, loài di chuyển trên đất liền đều sẽ ngăn cản không cho con người hủy hoại thế giới."
Nước mắt Sâu rơi lưa thưa thấm ướt lòng Táo, cố nhiên ngăn không nghĩ đến chuyện buồn đã qua. Sâu rướn hết người như con mèo duỗi thẳng chân trước khi ngủ bỗng bắt gặp một sự việc lạ lùng :
"Sao chật chội thế này? Lại tăng cân nữa. Ôi, buồn quá! Mấy giờ rồi nhỉ? " - Sâu lúc lắc đẩy đưa cái mình sang hai bên, đếm từng ngấn bụng, thì thầm : "Là năm giờ tiếng gà gáy. Là bảy giờ con trâu ra đồng. Hay tám giờ chị giun đi đào đất? "
Sâu ngừng lại, đập đầu lên tấm nệm trắng, phát cáu :
"Lại lại. Là năm giờ tiếng gà gáy. Là sáu giờ chim sẻ đi học. Là là .. Hây da! " – Sâu nhún nhảy trên chiếc nệm tự trách tự bực mình.
"Á, đau! " – chiếc nệm của Sâu chính làm bằng ruột quả táo, thành thử là Táo vừa bị Sâu lăn lộn như vậy ruột Táo có giãn ra mà chẳng thấy co về, sinh ra cảm giác đau dữ dội.
- Chết quên. Xin lỗi Táo, tớ không cố ý. Cậu có sao không?
- Ăn cho lắm vào. Dửng mỡ à! Lát nữa tớ mách với bác nông dân, cậu cứ ở lỳ trong bụng tớ chẳng chịu ra.
- Hề hề!
Sâu cười xuề xòa hất ngược chòm tóc chẻ đôi kiểu lá dừa, húc nhẹ ngấn thịt mềm vào mình Táo tỏ vẻ vui lòng, sun người tườn ra khỏi lòng trái táo. Tấm thân béo ngậy lộ rõ các thớ thịt hồng tươi như múi bưởi đã đặt mình kề lên má Táo cùng ngắm ánh nắng đầu ngày xuyên qua núi rừng xanh thẳm, hít thở không khí trong lành. Lại thấy vẻ mặt Sâu đổi khuôn đúc niềm than thở, nói :
- Sắp đến ngày giỗ bố. Anh chị em tớ mãi ngóng đợi mẹ về để gia đình được đoàn viên. Năm tớ vừa mới sinh, mẹ bị người ta đánh thuốc trừ sâu ngất đi, lúc tỉnh lại cứ nghĩ thơ thẩn sinh chuyện chán đời rồi bỏ nhà đi lang thang không về..
- Còn tớ, ngày tớ sinh ra mẹ nói tớ chỉ bé bằng hạt lựu, thể trạng yếu ớt. Mẹ đã lấy từng tấm lá che đỡ cho thân tớ khỏi sương rơi nắng hắt, khỏi côn trùng gieo hại. Mỗi một ngày tớ ăn nhiều hơn một chút, cao lớn hơn một chút thì mẹ lại gầy yếu đi một tị, già thêm một tị. Các em của tớ lần lượt chào đời, chúng đánh đu trên tay mẹ khiến mẹ tớ mệt mỏi thân gù xuống sát đất. Khi tớ biết thương mẹ muốn báo đáp công ơn dưỡng dục sinh thành thì mẹ tớ đã không còn minh mẫn như xưa, lại chẳng còn nhớ được những chuyện hôm nay chỉ nhớ chuyện ngày xưa khi tớ còn thơ dại. Còn bố, tớ thương ông ấy nhiều như thương mẹ vậy. Cả cuộc đời bố cắm rễ cày sâu xuống lòng đất rất vất vả và cực nhọc mới tìm được nguồn thức ăn nuôi sống gia đình, đến khi tuổi già sức kiệt không thể chống đỡ nổi côn trùng xâm hại, chim chóc bay về đậu trên mái đầu loăn xoăn cành lá làm tổ, còn bị người ta xẻ thân làm củi đun, bọc lót hàng rào, đớn đau sao mà kể xiết.
"Em ở miệt vườn con gái nhà quê, ăn nói vụng về xin anh đừng chê, kiếp nghèo hẩm hiu buồn thiu bóng khế, đen đúa quê mùa hổng có ai mê ..." - Xén ngang cuộc trò chuyện là tiếng hát, tiếng bước chân, tiếng xọt trên lưng của người chủ khu vườn đang quệt vào cành lá đi tới.
- " Thôi chết Táo rồi Táo ơi .. người nông dân kia đến để bắt Táo. Tính sao bây giờ? ". – Sâu nghểnh cổ lên ngước nhìn. Táo sốt sắng ruồng rẫy rung cành cây, tán lá xôn xao, cơn giông bão đã ập tới giật tung tóe cây cối trong khu vườn rộng.
" Hò hò ơi .. ơi lý miệt vườn.." – Tiếng hát gieo đôi bàn tay thon thon của người đàn bà quê kệch cầm ngất từng trái táo. Một trái, hai trái, ba trái .. cứ thế tính lần lên cho đến gần đầy lưng xọt. Thì, trời mưa. Mưa ào. Người nông dân bỏ chạy.
- Táo ơi, họ đi rồi.
- "Ừm" – giọng Táo cất lên nghe như một cõi lòng xót xa ruột rối.
Sâu rùng mình, rít khẽ hàm răng, mình chầy chụa nước mưa. Chợt thấy Táo mỉm cười, bụi trần ai còn vương bám đã sạch sẽ toàn phần.

Rét run vừa đủ, mưa tưới cây lá vừa đầy nên trời tạnh ráo. Người nông dân lại xuất hiện, mái tóc cột rối hơn, chân đi ủng đen, ngước mắt giơ tay ngất từng trái táo chín mọng hẩy vào xọt đèo đi sau lưng.
-  Táo ơi Táo! Mau nấp vào lá cây đi. Người nông dân đang đến kìa. Mau lên, đừng để bà ta trông thấy cậu. – Sâu trèo lên cành lá cao hơn quan sát.
-  Ờ ờ – Táo co chân lên cao cố nép thân mình vào chiếc lá mỏng manh đã ủ rũ nước mưa ban đầu.
-  Bụp - Người nông dân ngất Táo quẳng vào chiếc xọt đeo trên lưng.
-  Táo. Táo ơi ! – Sâu đau xé lòng, khóc sụt sùi, trườn thân thể béo cùn xuống nơi cuống thân Táo vừa bị ngất.
- Uỵch – Người nông dân vừa bước lên dốc cao của vườn liền bị đường lầy trơn làm té ngã.
Một xọt táo đầy theo đó đổ nghiêng. Táo lăn ra khỏi xọt hối hả chạy xuôi dốc vườn. Người nông dân phát hiện vội liền ngồi dậy đuổi theo. Nhưng Táo chạy nhanh quá. Sâu dựng mắt đứng nhìn, thầm mừng hét to :
- Táo ơi, chạy nhanh đi, đừng để họ bắt lại.
Sâu đang lật đật leo từ tán lá này sang tán lá khác, nhảy từ cành này sang cành khác, từ cây này sang cây khác, bị trượt chân ngã mấy lần. Bao nhiêu lần như thế, bấy nhiêu lần nước mắt Sâu lại rơi. Còn bây giờ thì Táo lại bị ngã vào cái hủm nhỏ của một gốc cây xưa đã nhổ bỏ trong vườn. Người nông dân cười đắc chí, thò bàn tay bắt lấy Táo ném vào xọt. Mặt Táo lúc bấy xây xát, lem luốc sình đất, òa khóc.
- Táo ơi, cậu đừng khóc. Tớ đến cùng cậu đây.
Đang lúc tủi thân, nghe thấy tiếng của Sâu gọi ngoài xa. Táo ngẩng mặt lên thấy hắn đang khễ nễ leo qua từng cây lá hướng về người nông dân ở chỗ gom nhặt táo rơi.
- Sâu ơi, về đi. Đừng đi theo nữa. Á – Mải miết cất giọng mách bảo Sâu thì bị người nông dân ném trái cây vào mồm đau lắm, nước mắt Táo ứa ra trộn lẫn nước mưa cay xè.
- Táo! Táo bị sao thế?
- Không, không sao. Sâu về đi. – Táo mếu máo khóc bằng giọt nước mắt vẫn cố tủi thân.
- Táo đợi Sâu với.
Sâu cũng chẳng buồn hơn là mấy. Đầu óc Sâu quay cuồng mụ mị. Phải, Sâu không thể bỏ rơi Táo vì Sâu rất sợ khu vườn chỉ có một mình và cả sợ chết nữa. Nhưng ở lại chắc gì đã sống, nhanh thôi người nông dân sẽ phun thuốc trừ Sâu làm sạch khu vườn. Thế thì chết có gì đáng sợ. Và Sâu sẽ cố chạy đuổi theo người nông dân hái táo đang nán đợi để đi cùng Táo. Còn Táo, Táo thấy chị em nhà mình lần lượt bị ngất, bị thẩy vào xọt đau đớn lăn lông lốc. Thoạt đầu, Táo còn thấy nắng gắt non trưa, thấy thành xọt ướn ướt nước mưa và bây giờ Táo bị vùi lấp bởi những trái táo khác.
Than ôi! Lúc còn đu đưa trên cành mải tô điểm cho má phấn ửng hồng làm chi? Thắp hương thơm ngào ngạt mong người nông dân chú ý làm gì? Để nông nỗi này mới biết những trái Táo xấu xí, mặt mày quê kệch kia lại bình yên hơn mình. Buồn lắm! Ngẫm ra cái sự đời bon chen trước kia có lẽ cũng uổng công, tự mình dây vào phiền não khổ lụy chứ chả ai.
- Uỵch.
Sâu nặng nề rơi xuống một trái táo kém tươi trong xọt của người nông dân. Sâu vội vã lách luồn qua từng kẻ hở li ti được tạo nên từ những trái táo to tròn xếp không khít với nhau, buồn bã khóc nhếch nhác đi tìm :
- Táo ơi, cậu ở đâu? Cậu có nghe thấy tiếng của tớ gọi không, trả lời tớ đi, Táo ơi?
Giữa lưng chừng chiếc xọt chất đầy trái cây mới hái, Táo ngột ngạt, hương thơm tỏa ra ngạt ngào. Ở bên kia của tiếng gọi, Táo nghe thấy giọng nói quen thuộc của bạn Sâu mới thều thào đáp trả :
- Ââu ơi. Ợ đâây nèe. Sââu .. âu. ( Sâu ơi. Ở đây nè. Sâu .. sâu)
- Táo ơi, cậu ở đâu? Táo ơi, cậu ở đâu. Cậu ở đâu thế Táo?
- Ơợ đâây nè. Sââu .. âu. ( Ở đây nè. Sâu)
- Gặp cậu đây rồi! Sao mặt cậu đỏ lừ thế này?
- Ờ, không có gì. Tớ hơi ngộp thở. Không sao. Hì
Táo cười, Sâu lặng lẽ có vẻ như khóc mà lại cũng như đang cười, quệt nước mắt vào vạt áo Táo thật lâu, đưa tay phủi phủi lớp bùn đất lem luốc nơi gò má Táo. Xong, hai đứa chúng nó trầm ngâm nhìn nhau không nói lời gì. Sâu lếch thếch chui vào lòng Táo để lại những đường chầy xước nhẹ của lê chân nặng trĩu nơi lưng trần người bạn thân. Suốt ngày hôm đó, qua đến ngày hôm sau và cả những ngày tiếp tiếp sau, khi người lái buôn đẩy xe táo về thành phố đã không còn thấy Táo và Sâu đâu nữa. Người viết cũng chẳng rõ nguyên cớ tại sao.
Thành phố Đà Lạt đã chìm trong sương mờ ..
Mã Trọng












Thông Tin
Lượt Xem : 310
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN