Bán chữ
- Tôi yêu cầu các em phải đi học thêm! – Quắc mắt nhìn lũ học trò chẳng hiểu mô tê gì, tôi nói tiếp - Các em có nghe tôi nói không?
Vẫn im lặng.
***
Trống đổi tiết. Tôi hết giờ dạy. Xuống phòng hội đồng nhìn đồng nghiệp cười nói vui vẻ, tôi tự trách mình sao cứ để cuộc sống đến bây giờ vẫn khốn đốn. Không biết có phải cái chất tiểu tư sản làm bản tính tôi ngại khó, ngại khổ trong việc cạnh tranh để sinh tồn hay vì sỉ diện?
Rời khỏi trường, đầu óc tôi miên man với những nghĩ suy gần như là đốn mạt đang gặm nhấm linh hồn tôi. Tôi quyết định dạy thêm để tồn tại. Phải bằng mọi giá bắt buộc lũ học trò đến nhà tôi học thêm. Phải bằng mọi giá, mọi giá mới được...
Dắt chiếc xe đạp vào nhà, tôi cất tiếng lấy lòng vợ:
- Có chuyện gì cần anh làm không nào?
Im lặng.
- Em mệt hả? Cứ nghỉ cho khỏe. Mọi chuyện để đó, anh làm cho.
Vợ tôi cất tiếng:
- Tôi ở nhà là để phục vụ anh chắc!
Tôi sững sờ:
- Ơ hay! Sao bữa nay em nói vậy? Có khi nào anh coi thường em đâu?
- Tôi chán cảnh tù túng này rồi! Nhờ anh đi xin việc, anh cứ khất hẹn... Tôi đi làm để mình tôi ăn chắc?
Tôi xẵng giọng:
- Em không biết anh chẳng quen thân ai ngoài lũ học trò. Vả lại, em đã lớn tuổi, cơ quan, xí nghiệp nào nhận người quá tuổi như em?
- Tôi già rồi chứ gì? Ờ! Tôi già rồi, hèn gì...
Bữa trưa hôm ấy, tôi đắng cả cuống họng. Cơm nuốt chẳng trôi. Hai đứa con tôi lại thúc bên tai tôi:
- Ba! Cho con tiền nộp học phí.
- Ba! Cho con tiền mua vở.
Ăn cơm xong, tôi lên giường nằm. Đầu óc tôi cuốn theo cơn lốc nghề nghiệp.
Trước đây, khi còn trẻ, tôi đâu có tính toán phải làm nghề nọ, nghề kia đâu... Được vào trường sư phạm, tôi vẫn chưa có khái niệm về nghề dạy học. Đơn giản là tôi được đọc Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách. Thế là tôi muốn trở thành người cầm bút và dạy học. Việc đời cứ tưởng êm xuôi theo mộng ước của mình, thế nhưng đời đâu là ly nước trà cúng, mà đời là biển lớn khi tôi lao vào cuộc sống để sinh tồn.
Rồi xí nghiệp chỗ vợ tôi làm bị giải thể. Vợ tôi thành người thất nghiệp và biến thành người nội trợ hay nói. Không biết có phải không có việc làm, người ta thường tạo ra cớ để nói cho quân bình trạng thái tâm thần?
***
Tôi mở lớp dạy thêm như bao đồng nghiệp khác. Tôi dạy thêm văn. Chứ còn cách nào khác để kiếm thêm tiền trong thời buổi cạnh tranh này.
Giờ trả bài tập làm văn, các học sinh nhìn tôi ái ngại. Rồi, em lớp phó học tập đứng lên nói:
- Thưa thầy! Sao điểm cả lớp ít thế, thầy?
Tôi được dịp tấn công:
- Tại các em không chuẩn bị bài kỹ. Phải đi học thêm mới có thể tiến bộ! Các em nghĩ xem, ăn vào nó không nở bề dọc thì nó nở bề ngang. Học thêm thì nó cũng thế!
Tôi vừa dứt lời, cả lớp nhao nhao:
- Thầy! Thầy dạy thêm cho chúng em đi thầy!
Rồi thầy trò chúng tôi ngã giá về việc dạy học thêm.
Lòng tôi mừng khấp khởi. Về nhà, tôi quên cả cơm trưa. Tôi hì hục một mình kê dọn lại bàn ghế để làm công việc dạy học theo nghĩa của nền kinh tế cạnh tranh lấy đồng tiền làm thước đo mọi giá trị.
Học trò đến đông. Không đủ chỗ ngồi. Các em phải đứng mà học thêm.
Tôi dạy bày tỉ mỉ, rất chân thành với các em. Rồi... cứ thế... ngày lại ngày...
***
Lại đến giờ các học sinh nhận lại bài tập làm văn. Các em xem lại các lỗi tôi đã phê vào bài làm. Có tiếng xì xào. Tôi đập thước trên bàn hỏi:
- Làm gì mà ồn thế?
- Thưa thầy, bài em làm giống như bạn Tuấn mà bạn lại nhiều điểm hơn em? - Sơn đứng dậy kiện. Sơn là học sinh không đi học thêm môn văn.
- Thế, em mấy điểm? Tuấn mấy điểm?
- Dạ! Em được 4 điểm, còn Tuấn được 8 điểm.
Tôi nghiêm mặt, đập thước xuống bàn, nói to:
- Có thật không? Đem bài lên cho tôi xem nào!
Đối chiếu hai bài của Sơn và Tuấn: giống nhau, không sai một tí nào, giống như bài văn tôi đã dạy thêm.
Tôi bán chữ. Tôi bán cháo phổi. Tôi cũng bán dần lương tâm nhà giáo... Tôi ấp úng nói:
- Thầy... thầy xin lỗi! Thầy lộn...
Tôi cúi mặt, sửa điểm cả hai bài. Cả hai bài đều đạt điểm 2. Rồi tôi tuyên bố:
- Thầy huỷ bài này. Không lấy điểm vào sổ. Thầy ra lại đề khác cho các em. Chúng ta phải làm lại! Chúng ta phải làm lại. Cả thầy và các em. Các em hiểu không?
Tôi bước ra khỏi phòng học. Sân trường đầy nắng mai rực rỡ. Những con chim sẻ thanh thản ríu rít hoà tiếng cười của lũ học trò trong giờ ra chơi.
Tháng Tư, 1995
Phan Trang Hy
(Trích từ tập truyện Người thầy dạy búp bê, Nxb Văn nghệ, 2009)