Bản Sang sau mưa
(game1s.com - Tham gia viết bài cho tập truyện ngắn Tháng năm không ở lại)
Vì cô biết khi yêu thương càng nhiều người ta sẽ càng đau khổ khi mất đi người mình yêu thương nhất.
***
Ngọc lấy thêm củi chất vào đống lửa, bọn thằng Pí, Páo đã ngủ say, cô nhìn lên tấm chăn cũ kỹ vá chằng chịt đắp trên cùng hai đứa bé mà thấy ái ngại quá. Chúng thì đang ôm nhau ngủ, chắc đã đủ ấm còn chẳng biết gì đến tiếng gió lạnh rít ngoài kia nữa. Ngọc ngắm nhìn lũ học trò nhỏ của mình ngủ say mà trong lòng thấy mừng vui lạ, quay sang cái Mỉ, Hân cũng đang ấm áp bên đống lửa mà cô vẫn hỏi hai đứa còn lạnh không, chúng nó lắc đầu bảo, ở nhà cô giáo no ấm lắm ạ. Ngọc quay vội đi giấu hai hàng nước mắt, vờ chuẩn bị chăn màn rồi bảo Mỉ và Hân mau học xong bài còn đi ngủ.
Cô nằm giữa, bên phải là bọn thằng Pí, bên trái là bọn con Mỉ, mấy cô trò nằm sát vào nhau cho ấm. Ngọc nhớ đến mấy đêm trước khi mà lũ học sinh tranh nhau nằm cạnh cô giáo, thằng Pí chơi oẳn tù tì với thằng Sênh bị thua nên phải nằm ngoài, nó khóc òa lên, Ngọc phải khuyên mãi nó mới chịu nín. Trước khi đi ngủ Ngọc lại lấy thêm củi chất vào đống lửa giữa nhà, cô dùng chăn của mình đắp lên người mình và lũ học trò trước xong mới lồng chăn của chúng mang theo lên trên. Nhà cô chỉ có ba cái chăn bông nhỏ, sợ không đủ ấm trong tiết trời đông giá rét này nên bọn học trò khi đến ngủ nhà cô giáo đã dặn nhau nhớ mang chăn đi thêm. Trong cái lạnh ngắt của mùa đông non cao mà được phủ lên mình tấm chăn mềm mại, ấm áp và thơm tho cơn buồn ngủ sẽ nhanh đến lắm. Khi lũ học trò đã chìm vào giấc ngủ say Ngọc vẫn cứ còn thao thức mãi, cô ngồi dậy, trong ánh lửa mờ mờ Ngọc ngắm nhìn từng khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ. Rồi mai đây những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên, sẽ mang những ước mơ trong ngần như những ánh mắt của trẻ thơ ấy vào tương lai, sẽ đưa cái bản làng nhỏ này thoát khỏi nghèo khó... Và Ngọc mỉm cười trong mênh mang những niềm tin yêu và hy vọng ấy.
Đã hai năm kể từ ngày Ngọc đặt chân lên cái bản nhỏ này, có lẽ cô chẳng muốn rời xa, thật khó khăn để nói lên lời tạm biệt, để cất bước ra đi nhưng thật sự cô chẳng thể ở lại nơi này lâu được nữa. Cô yêu và thương lắm mảnh đất này và cô biết bản nhỏ này cũng yêu cô, những người dân bản, những đứa học trò nhỏ yêu cái chữ... Họ cần cô lắm, bọn trẻ vẫn ngủ say khi những dòng nước mắt nóng hổi lăn tràn trên má cô giáo chúng, rồi có lẽ chỉ mấy ngày nữa thôi Ngọc sẽ ra đi. Cô sẽ bảo cô đi mấy ngày nữa là trở lại rồi mọi người sẽ chờ, từng ngày trôi qua rồi tháng năm qua không thấy cô trở lại, những lá thư sẽ chất đầy hòm nhưng không bao giờ được bóc. Bọn học trò ngơ ngác chẳng biết cô giáo của mình đã đi đâu. Những ngày đầu bọn thằng Pí sẽ khóc vì nhớ cô rồi nó sẽ trách cô, nó giận cô vì đã không trở lại rồi nó cũng sẽ quên cô. Dù đã có với nhau biết bao kỉ niệm yêu thương, thời gian và khoảng cách cũng sẽ biến tất cả thành quên lãng mà thôi. Nghĩ đến đó nước mắt Ngọc ướt đẫm gối, những cơn đau lại ập đến cô phải cắn chặt môi để tránh bật lên thành tiếng.
Ngọc đến với cái bản này với một tờ giấy định mệnh, giờ cô vẫn cất giấu nó trong ngăn tủ nhưng sau này ngoài tờ giấy ấy ra lại còn thêm nhiều tờ khác nữa. Ngọc không dám xem lại nhưng mỗi lần nhìn về phía cái tủ, cô vẫn không khỏi thấy rùng mình, lúc nào Ngọc cũng sợ, cũng thấy thời gian trôi đi sao mà trôi quá nhanh. Qua đợt gió lạnh này là mùa xuân sẽ tới, năm sau Ngọc tròn hai mươi lăm tuổi, đó là cái tuổi mà cô gọi là tuổi định mệnh. Tốt nghiệp đại học Ngọc nhận được một suất đi du học, đó là công sức và nỗ lực của gia đình cô bấy lâu nay. Nhưng Ngọc cứ chần chừ không muốn đi, mới đầu cô hào hứng lắm nhưng hình như từ sau khi chia tay Khánh người yêu lâu năm của mình thì cô trở nên chán nản với mọi thứ. Thấy con gái chẳng để tâm gì đến chuyện đi du học của mình bố mẹ cô tự lo cho hết, gần đến ngày xuất phát Ngọc bảo không đi nữa. Bố cô thất vọng lắm, lần đầu tiên cô làm trái ý bố mẹ. Cô nói không đi vì lí do không muốn cứ học mãi, muốn đi làm kiếm tiền như bao bạn bè cùng trang lứa khác vì suốt bốn năm học đại học trong nước cô chưa từng làm một cái gì cả. Cô bảo không muốn ăn bám bố mẹ, nghe đến câu đó bố Ngọc tức giận liền đuổi cô ra khỏi nhà.
"Ờ giỏi! Thế thì từ nay đi đâu thì đi, đừng có mà vác mặt về nữa. Con với chả cái".
Ngọc mang theo cái va li đựng toàn quần áo và sách ra khỏi nhà, cô đến nhà ga và mua vé tàu. Mới đầu Ngọc ngơ ngác nhìn lên bảng giá vé, cô không biết là sẽ đi đâu nữa chỉ biết là lên một con tàu. Ngọc đã từng đi tàu ở Ấn Độ - đất nước rộng lớn nổi tiếng với những tuyến đường sắt và những đoàn tàu nối liền mọi miền đất nước với nhau, từ cửa sổ của toa tàu cô đã nhìn thấy biết bao cảnh vật đi lướt qua, đất nước dù rộng lớn đến mấy cũng chỉ trong tầm mắt. Nghĩ một hồi Ngọc chọn một tỉnh miền núi mà cô cho là xa xôi nhất, cô chọn Tây Bắc vì cô nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên:
Tây Bắc ư?có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu...
Đất nước nhỏ bé của Ngọc không như Ấn Độ, không phải nơi nào cũng có tàu hỏa đi đến, cô còn phải đi thêm 6 tiếng đi ô tô nữa mới đến được nơi cần đến. Ngọc đã đến bản Sáng sau một ngày mưa. Dân bản ra đón cô, tất cả bọn họ vẫn nhận ra cô sinh viên tình nguyện với đôi mắt đen láy và hai cá má lúm đồng tiền xinh đẹp năm nào. Ngọc đã lên đây cùng đoàn sinh viên tình nguyện thành phố vào năm học thứ ba đại học, ở lại đây mấy ngày để giúp dân bản làm đường, phát quà cho trẻ em nghèo... Ngọc nhận ra từ ngày đoàn tình nguyện của cô rời đi đến giờ bản nhỏ này vẫn không có gì đổi thay, vẫn chưa có điện, vẫn nghèo nàn, trường tiểu học của bản vẫn là cái dãy nhà mái ngói bạc màu, tường gạch chưa trát vữa trông cũ kỹ và đường ra thị trấn vẫn còn xa hun hút.
Ngọc ở lại nơi này, nơi sẽ chẳng ai biết để mà tìm đến cô. Ngọc xin đi dạy học cho trường tiểu học của bản, đúng lúc nhà trường đang thiếu giáo viên mà một cô giáo giỏi giang và xinh đẹp như Ngọc từ một thành phố xa xôi đến, xin dạy học miễn phí đối với bản sáng quả là một món quà trời cho. Ngọc ở phòng ở cho giáo viên tại trường, Ngọc ở cùng chị Nguyệt và Thường hai chị cũng là giáo viên cắm bản. Nhà các chị ở ngay thị trấn nên ngày nghỉ các chị về nhà suốt, nhưng rất ít khi Ngọc phải ngủ một mình. Cứ mỗi lần hai người bạn cùng phòng đi vắng lại có những đứa học trò đến, chúng làm bạn với cô để cho cô bớt sợ cái màn đêm tịch mịch ở cái bản này. Các em học sinh của trường tiểu học bản Sáng yêu quý Ngọc lắm, đi rừng về hái được quả ngon, hoa đẹp chúng nó đều dành đem đến tặng cô. Chiều tối cuối tuần nào chúng cũng đem sách vở đến nhà cô học và bắt cô hát hò, kể chuyện cho chúng nó nghe, chúng nó tìm đến cô những lúc bị bố mẹ đánh mắng, những lúc buồn, những lúc có câu hỏi cần tìm lời giải đáp...
Ngay từ những ngày đầu tiên đến dạy học ở bản Sáng Ngọc đã gây được nhiều cảm tình trong trái tim thơ ngây của những đứa học trò nhỏ ấy. Vào lớp Ngọc thấy đứa nào cũng lem luốc, đầu tóc bù xù, quần áo nhàu nhĩ, lớp Ngọc dạy là lớp ba và học sinh của cô nhiều đứa chưa thạo tiếng phổ thông. Ngọc liền chạy về phòng ở của mình lấy một chậu nước, một bánh xà phòng và một cái khăn đem lên lớp, cô rửa tay cho từng đứa học trò một. Lần lượt mười chín đứa trẻ được cô giáo của chúng rửa tay cho, với đôi tay mềm mại, động tác dịu dàng ân cần Ngọc khiến lũ trẻ nhem nhuốc ấy ngỡ ngàng. Ngọc còn về lấy cái lược chải đầu cho từng đứa nữa, những học trò nữ còn được cô buộc bện tóc cho rất khéo và đẹp, được cài thêm những chiếc nơ xinh xắn nữa nên chúng nó thích lắm. Bài giảng đầu tiên của Ngọc là bài giảng về lòng yêu cái chữ, về sự trân trọng với sách vở. Cuối tuần rảnh Ngọc cuốc mảnh đất sau trường trồng hoa và rau cỏ, cô nhờ chị Nguyệt xuống thị trấn mua hộ các loại hạt giống, sau một đợt đi thăm quan cách trồng trọt của những người dân trong bản và về nhà đọc thêm sách kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi cô đã tự trồng được những luống rau xanh mơn mởn, những bụi hoa rực rỡ sắc màu.
Một buổi chiều sau mưa Ngọc đi rừng hái măng cùng bọn học trò, lúc ấy ở bản Sáng đang là tháng năm, mùa mưa tháng năm măng Lay (một loài măng nhỏ rất ngon) mọc rất nhiều. Chẳng biết hái nhưng Ngọc đi cùng mấy đứa học trò để chơi là chính, cô rất muốn xem rừng nó như thế nào. Ngọc toàn phải đi sát sau bọn học sinh vì sợ bị lạc. Đến cuối chiều khi học sinh đã hái được đầy gùi măng thì cô giáo mới được có vài củ măng. Ra khỏi rừng mấy cô trò lại gặp thằng Pí đang khóc thút thít ở ngoài bờ suối, Ngọc biết đã mấy hôm nay thằng bé này không đi học. Hỏi vì sao nó khóc nó không trả lời, mãi một hồi mới biết là nó đi chăn trâu nhưng mải bắt chim nên làm mất trâu rồi, đến tối mà không tìm được trâu là về nhà nó sẽ bị bố mẹ đánh và không cho ăn cơm. Ngọc hết sức lo lắng nhưng cô bảo trời tối rồi mấy cô trò không thể nào mà tìm được đâu phải về thông báo với bố mẹ cùng đi tìm thì mới được. Thằng Pí không nghe, nó sợ bố nó lắm, Ngọc bảo không sợ đâu cô sẽ về cùng, sẽ giải thích với bố mẹ nó hộ, thằng Pí vẫn không chịu nghe, nó còn khóc to hơn nữa. Lúc đó bọn cái Mỉ mới bảo với Ngọc là bố thằng Pí rất nóng tính và hay đánh thằng Pí lắm, chỉ đi chăn trâu thấy nó không được no cỏ, trông bụng không được căng tròn là bố nó đã đánh rồi chứ đừng nói gì đến chuyện làm mất trâu.
Ngọc với mấy đứa học trò liền cùng nhau đi tìm, vì sợ bị lạc và sợ bóng tối nên mấy cô trò không dám chia nhau ra tìm, mất hơn một tiếng đồng hồ họ vẫn không tìm được. Mấy đứa con gái cũng sợ bố mẹ mắng vì về muộn nên chẳng muốn đi tìm nữa, Ngọc bảo chúng về nhà còn cô cũng thằng Pí cũng cùng về nhà nó, đúng như lời bọn học trò kể, bố thằng Pí không thèm nghe nó giải thích nửa lời, cầm roi ra đánh nó tới tấp trước mặt Ngọc. Thằng bé khóc thét lên, nó van xin bố nó đến thảm thiết mà ông ta chẳng tha, mẹ nó thì đang địu đứa nhỡ trên lưng, tay thì bế đứa nhỏ cũng đang khóc, người đàn bà ấy cố nài nỉ chồng tha cho thẳng còn nhỏ mà ông ta chẳng thèm nghe. Ngọc lao đến ngăn cũng bị đẩy ra, thương đứa học trò nhỏ cô cố hết sức giằng lấy cái roi trong tay bố nó đúng lúc đó thằng Pí vùng chạy đi. Ông bố Pí không biết nhiều tiếng Kinh nên Ngọc có nói gì ông ta cũng chẳng hiểu. Đêm đó cả bản Sáng nháo nhào đèn đuốc đi tìm trâu nhà Pí, còn Pí đi đâu hình như cũng chẳng ai biết, mọi người đều nghĩ nó cũng đi tìm trâu.
Ngọc thất vọng trở về căn phòng nhỏ của mình, hôm nay chị Nguyệt chị Thường vào thăm các em học sinh ở các bản lân cận. Trời tối, lại vừa mưa xong, đường trơn chắc các chị không về nữa. Ngọc ở nhà một mình cứ nghĩ mãi về chuyện thằng Pí, cô đang lo lắng không biết thằng bé bảy tuổi nhỏ nhắn ấy có thể đi đâu trong đêm tối như thế này, cô chẳng hiểu sao mà bố nó lại có thể coi con trâu hơn cả nó. Lúc ra đóng cổng trường Ngọc bỗng cô nghe thấy tiếng khóc thút thít chỗ hàng rào, Ngọc linh cảm đó chính là thằng Pí. Cô đi đến chỗ bụi rậm và gọi, "Pí ơi!, phải em đấy không?", thằng bé liền khóc nấc lên. Ngọc dắt thằng bé đi về phòng mình, quần áo nó bê bết bùn đất, da mặt và da tay thì chầy sước, cô vén áo nó lên xem chỗ bố nó đánh, Ngọc giật mình từng lằn roi cũ mới in hằn trên lớp da non nớt của thằng Pí. Hình như lúc nào nó cũng bị đánh. Thằng Pí đau đến nỗi không thể ngồi được, Ngọc pha nước ấm tắm cho nó, quần áo bẩn của Pí thì cô đem giặt sạch bằng xà phòng và mang hong cạnh bếp lửa. Ngọc bôi thuốc, sát trùng và băng bó các vết thương to nhỏ, vết bầm tím cũ mới trên người thằng bé. May sao còn có thùng quần áo trợ cấp, Ngọc mới nhận được sáng nay từ người bạn dưới xuôi gửi lên cô tìm bộ đẹp nhất cho Pí mặc.
Thằng bé đói lắm, Ngọc cho nó ăn tạm cái bánh mì khô trong khi cô dán hai quả trứng với mì tôm cho nó, Pí ăn ngấu nghiến hết cái bánh mì rồi còn ăn hết tận ba bát cơm nữa. Ăn xong Pí chưa đi ngủ ngay mà đòi học bài, Ngọc vui mừng đem sách ra cho nó học, nó là thằng bé sáng dạ nhưng bố mẹ nó cứ bắt nó làm việc chẳng cho đi học đầy đủ. Còn bé như vậy đã phải làm bao nhiêu thứ việc, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm, nhiều đứa học trò bản Sáng đều như vậy. Trước khi đi ngủ thằng Pí nhìn cô rơm rớm nước mắt, bảo:
"Cô giáo ơi, cho em ở lại đây với cô nhé!"
Thằng bé sợ về nhà, sợ bố đánh. Cả đêm hôm ấy cả bản không tìm được con trâu của nhà Pí họ đành đi về hết vì trời đổ mưa. Về đến nhà tất cả mọi người mới biết là thằng Pí cũng không có nhà, bố nó bảo chắc nó trốn đi sang nhà bà nội, ngoại gì đó thôi nên kệ chẳng đi tìm. Sáng hôm sau con trâu nhà Pí tự trở về nhà, chẳng biết cả đêm qua nó đã ở đâu nữa, con trâu về mà Pí vẫn chưa thấy đâu, mẹ Pí thấy lo lắng đi sang mấy nhà bạn cùng lớp nó tìm. Ngày chủ nhật được nghỉ bọn trẻ lên nương hết, ai cũng bảo chẳng thấy Pí đâu. Trên đường về nhà bà gặp cô giáo Ngọc và anh trưởng trạm y tế xã đang cõng Pí sau lưng đi vội vàng.
Pí bị suy nhược cơ thể trầm trọng phải đưa xuống bệnh viện huyện, gần sáng thấy thằng bé toát mồ hôi, kêu đau đúng lúc chị Nguyệt và Thường mới trở về nhà, Ngọc liền xuống trạm y tế xã gọi trưởng trạm lên. Lên đến nơi thì tình trạng thằng bé nguy cấp quá phải đưa xuống bệnh viện huyện, nằm viện suốt mười ngày, qua cơn thập tử nhất sinh Pí được đưa trở về nhà. Ngọc cũng cố gắng học tiếng dân tộc cấp tốc để nói cho bố mẹ thằng bé hiểu, Ngọc nói Pí là đứa bé thông minh, ngoan ngoãn nó cần đi học để sau này làm cán bộ đưa bản làng thoát nghèo. Cô bảo bố nó không được đánh nó nữa nếu không lúc nào nó cũng sẽ phải vào viện như thế này, làm như thế cũng là phạm pháp... bố nó không nói gì. Mẹ nó cảm động ôm chầm lấy Ngọc, bà nói gia đình họ cảm ơn cô rất nhiều vì những ngày qua cô đã chăm sóc Pí như con. Những người cha người mẹ ở bản Sáng không thể yêu thương và chăm sóc con cái mình tốt bằng cô giáo Ngọc được, nhiều người bảo thế.
Cô đi đến từng nhà học sinh thăm hỏi, động viên chúng học hành thật tốt. Cô luôn có những thùng kẹo, thùng quần áo, sách vở để ở nhà và đó là những phần thưởng để dành cho những ai đạt điểm cao, ngoan ngoãn. Nhờ có Ngọc mà bọn trẻ bản Sáng yêu cái chữ hẳn lên, có một mùa đông Ngọc mang quần áo rét đến phân phát cho những đứa em học sinh và một số người già có hoàn cảnh khó khăn nhất trong bản, mọi người đã rơi nước mắt vì cảm động khi nhận những món quà ấy. Những cái áo đó còn rất mới nhưng đó là chỗ quần áo cũ mà Ngọc đã đặt mua ở dưới thành phố qua mạng và nhờ người ta đóng thùng gửi lên cho cô. Không có máy tính kết nối internet Ngọc đã phải xuống tận huyện cách xa hàng chục cây số đường đồi để tìm đặt cách đặt mua những thức hàng đó mang về bản Sáng. Người ta chỉ mang đến thị trấn cho thôi, cô lại phải nhờ người ở gần bến xe nhận hộ rồi gửi những người làm nghề bán hàng rong lên các bản vùng sâu mang vào hộ. Những đồng nghiệp hỏi Ngọc, cô dạy không lương như thế thì lấy đâu ra tiền mà mua nhiều đồ cho bọn trẻ thế, Ngọc bảo đó là quà tặng của một tổ chức phi chính phủ, trụ sở của họ gần nhà Ngọc ở dưới xuôi... Ngọc đã cống hiến âm thầm cho bản Sáng, đối với người dân bản ấy Ngọc như một vị ân nhân, một thiên thần.
Sau hai năm biệt tích, người nhà cô cũng đã tìm ra cô. Mẹ cô lặn lội vào tận trong bản Sáng tìm cô, gọi cô trở về nhà. Người mẹ gặp lại đứa con thân yêu sau hai năm xa cách. Cô tiểu thư chốn thị thành xinh đẹp lộng lẫy của bà ngày nào giờ sao mà gầy gò xanh xao đi nhiều làm lòng bà đau như dao cắt, bà ôm chầm lấy cô trong căn phòng cũ kỹ của giáo viên trường tiểu học bản Sáng.
"Khổ thân con gái của mẹ, bố mẹ xin lỗi con giờ con mau về với bố mẹ đi, bố mẹ sẽ bù đắp cho con tất cả, trời ơi, con tôi, đứa con tội nghiệp của tôi. Sao con bị như thế mà không nói cho ai biết hả con, nhỡ con có chuyện gì con định để bố mẹ ân hận cả đời hay sao?"
"Mẹ!"
Ngọc thốt lên từ đó nghẹn ngào, cay đắng. Mặc cho mẹ cô nài nỉ, van xin thế nào cô cũng không trở về ngay, cô bảo cô không cần sự bù đắp của cuộc đời cho mình mà cô muốn bù đắp cho cuộc đời khi còn có thể.
"Thời gian của con còn rất ít, mẹ hãy để con ở lại đây. Đây là tâm nguyện của con, bản Sáng sắp có trường mới rồi mẹ ạ các em học sinh sẽ không khổ nữa, đúng lúc ấy con sẽ trở về, xin được tạ lỗi với bố mẹ sau".
Ngọc phát hiện ra mình bị căn bệnh lạ từ khi đi khám sức khỏe chuẩn bị đi du học, qua biết bao nhiêu lần xét nghiệm kết quả vẫn không thay đổi. Cô gái trẻ bị mắc căn bệnh hiếm gặp trên thế giới, y học vẫn đang bó tay với nó mà trường hợp của Ngọc, lại còn là sắp chuyển sang giai đoạn cuối rồi, hy vọng chữa khỏi là rất mong manh. Cố gắng điều trị chắc cô cũng chỉ duy trì sự sống của mình được từ ba đến năm năm là cùng. Nghe xong những lời như sét đánh ngang tai ấy Ngọc cầm hồ sơ bệnh án của mình chạy vụt ra khỏi bệnh viện, cô khóc nức nở cả một ngày trời. Làm sao mà một cô gái trẻ đang yêu sống lại có thể chấp nhận được hiện thực phũ phàng đó, cô mong tất cả chỉ là một sự lầm lẫn, nhưng đi hết từ bệnh viện này đến bệnh viện kia, kết quả lại là một cái lắc đầu như nhau. Những ngày đó bố mẹ Ngọc đi du lịch nước ngoài nên không biết được những biểu hiện lạ của cô mà cô cũng không muốn để cho ai biết, cô không muốn ai phải đau đớn, xót xa nhìn cô đang chết dần chết mòn từng ngày. Ngọc nghĩ, nghĩ nhiều lắm, sau cả tuần suy nghĩ việc làm đầu tiên là cô đòi chia tay người yêu không lí do. Sau đó là tìm một địa điểm để chạy trốn và cống hiến phần đời còn lại, cô muốn sống hết mình cho những người mà cô gọi là xa lạ, cô đã dự tính sẽ đi dạy học vì đó đã từng là nghề cô mơ ước từ bé. Với chứng chỉ dạy học có hiệu lực trong hai năm tới cô nghĩ sao mà nó vừa khớp với thời gian mình sẽ sống và làm việc. Ngọc đem bán hết tất cả những món đồ trang sức của mình đi để lấy tiền trang trải cho chuyến đi sắp tới đó. Cuối cùng là cô nói lời từ bỏ chuyến đi du học mà gia đình mất bao công sức sắp xếp, chuẩn bị. Cô đã có một trận khẩu chiến lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng với bố mình, cô thà để ông ghét cô từ lúc này. Vì cô biết khi yêu thương càng nhiều người ta sẽ càng đau khổ khi mất đi người mình yêu thương nhất.
Giờ đây Ngọc sợ điều đó sẽ lặp lại ở bản Sáng, vì ở đây cũng có rất nhiều người yêu thương cô. Đã bao lần Ngọc giấu đi những cơn đau của mình để sống vui với bản làng này nhưng giờ căn bệnh dường như đã càng ngày càng nặng thêm. Cô thấy mình càng ngày càng gầy yếu đi, mắt mờ, chân tay dã dời. Có những sáng cô chẳng thức dậy để lên lớp nổi. Không ít lần bọn học trò đến thăm cô, chúng nó còn giúp cô giặt đồ, nấu cháo cho cô ăn nhưng lúc đó Ngọc cố nén nước mắt. Cô đang tưởng tượng đến ngày cuối cùng của mình, lúc ấy cô sẽ phải nằm liệt giường sẽ trở thành gánh nặng của người khác, nỗi đau xót xa của người thân yêu. Ngọc chỉ muốn chết quách đi nếu phải nằm chờ chết như thế. Bệnh càng nặng, Ngọc nghĩ càng không thể ở lại bản Sáng nhưng cô không biết nói thế nào khi rời khỏi đây, mọi người sẽ hỏi cô có trở lại hay không và cô nói có và không bao giờ trở lại nữa ư? Cô đã dạy lũ học trò về việc hứa và giữ lời hứa, cô đã từng hứa sẽ ở lại đây cho đến khi chúng trưởng thành thế mà cô lại ra đi mà ra đi chắc chắn sẽ không trở lại, đến lúc đó những điều cô dạy bọn trẻ chắc chẳng cỏn giá trị gì nữa. Cô luôn sống như những gì cô nói với học trò đó là cách Ngọc dạy học sinh của mình.
Cơn đau qua đi, trời đã gần sáng bọn trẻ vẫn ngủ say Ngọc thì chưa hề chợp mắt được chút nào. Cô lại dậy, rón rén đi ra khỏi giường chỉnh sửa lại chăn màn cho bọn trẻ rồi đi đến bên bàn sách. Ngọc thắp cái đèn dầu lên và bắt đầu viết, Ngọc đang viết một bức thư và cô sẽ dặn bọn trẻ chỉ được đọc sau khi cô đã rời khỏi bản Sáng. Ngọc viết trong nghẹn ngào nước mắt, trong niềm hy vọng và cô vẫn cố viết thật lạc quan. "...Từ ngày về bản Sáng cô đã khỏe lên nhiều, các em đã làm cô khỏe lại. Cô sẽ về nhà bố mẹ điều trị một thời gian, cô hy vọng sẽ gặp được một vị bác sĩ tuyệt vời nếu họ chữa cho cô khỏi nhanh cô sẽ về với các em. Nếu lâu không thấy cô trở lại các em cũng đừng quá mong, hãy học tập thật tốt và chăm ngoan sau này ra thành phố học tiếp chắc rằng cô sẽ gặp các em ở đó..." Ngọc viết liền một mạch, viết xong cô thấy những đầu ngón tay không còn tê buốt nữa. Một cơn gió lạnh lại thổi vù qua mang theo hương hoa đào rừng từ trên núi xuống. Ngọc yêu lắm mùa xuân bản Sáng, đó là mùa đẹp nhất trong năm. Xuân bản Sáng thường có hoa và mưa, sau mưa bao giờ hoa cũng đẹp hơn, Ngọc chốt bức thư với một niềm hy vọng, "cô tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng phải không các em?".
Hoa Thược Dược