--> Biển đời người - game1s.com

Biển đời người


Bim mười lăm tuổi, người lép kẹp như con cá măng, mùa lạnh thì mũi lúc nào cũng ướt. Vậy mà cô Hạnh cứ làm như con cô là tiên.
***
Mỗi lần tôi đến, cô lại trách: "Vì mày mà sau này em Bim không đi thi hoa hậu được. Lớn lên lo mà đền cho nó". Tôi rụt cổ, gãi tai, biết là cô đang muốn nhắc đến những cái sẹo to trên người Bim.
Mẹ tôi bảo: "Một cái là do Măng rủ nó trèo cây đào. Một cái là Măng chơi u, xô nó té từ trên gác xuống. Một cái là do cô Hạnh sai Măng bưng bát canh, đi đến cửa nóng tay quá Măng hắt tung vào người nó".
Nghe kể, tôi ân hận. Thật may là Bim chẳng trách bao giờ. Cứ thấy tôi là Bim nhảy lê: "Anh Tuấn, cho em hai ngàn đi chơi điện tử". Thế rồi, bẵng đi một dạo, mỗi lần tôi sang, Bim lơ đẹp. Tính tình khác, thân thể cũng khác xưa, cao hẳn lên, ngực lờ mờ hai chóp tròn mềm mại sau tấm áo.

Trời mưa đột ngột xối xả vào xế trưa. Đến chiều, con nước dâng nhanh chẳng mấy chốc ngập lòng đường, tiến vào nhà, treo lên phủ ngập giường chiếu. Cả vùng thành nội ngập tràn nước trắng xoá. Bơi đến trước sân, tôi cố vượt dòng tiến vào sát cửa. Cửa đóng, lại cài then phía trong.
"Bim ơi! Bim ơi!". Tôi cố gào át tiếng mưa. Tiếng Bim khóc nức nở gọi mẹ trong nhà vọng ra. Cố sức day cửa không được, tôi đành gắng trèo lên mái nhà dở ngói, lần xuống.
Bim ngồi co trên bàn, thấy người leo vào nhà thì hét toáng lên, sau đó nhận ra tôi. "Anh Tuấn! Em tưởng kẻ cắp sợ quá. Mẹ bảo đóng cửa, ai gọi cũng đừng mở".
Tôi lội đến gần Bim: "Đồ ngu. Khi mẹ dặn thì trời chưa lụt".
"Mẹ về ngoại từ sớm chưa về, có sao không anh ơi".
"Mẹ không quay lại vào giờ này được đâu. Nước lên nhanh lắm, công an cấm không ai được vào cổng thành".
"Sao anh vào được?".
"Trèo qua mặt thành. Anh mà không tới kịp, nước lên ngập đầu thì Bim thành bèo".
Mới trao đổi có mấy câu, nhìn lại, nước đã vượt quá lên mấy tấc. "Trèo lên gác thôi em". Bim đứng dậy, nhưng sụm xuống, hai chân tê cóng vì ngâm nước lạnh. Tôi cầm hai tay Bim, kéo vòng qua cổ: "Bám chặt lấy, anh cõng". Tôi trèo từng bậc một lên thang, một tay quàng ra sau giữ cho Bim khỏi rơi xuống nước...
Trời sập tối, hai đứa ngồi thu lu trong gác hẹp. Tôi sợ nước lên nữa không còn lối thoát, thò tay lên dở ngói, bẻ một khoảng rui lớn, phòng có nguy thì trèo qua mái nhà. Bim khóc rấm rứt một lúc rồi thiếp đi. Hơi thở Bim nóng như sôi phập phồng qua má tôi. Bim sốt rồi. Tôi hốt hoảng. Trời tối thui, chỉ nghe tiếng mưa ào ào trên mái, sát bên tai.
May sao trên gác có tấm chăn cũ. Tôi lần lần cởi chiếc áo ướt cho Bim lấy chăn quàng lại. Cả đêm tôi ngồi ôm cô bé như ôm món quà gói kỹ trong chăn. Cầu cho trời mau sáng, lại cầu cho đêm cứ dài mãi ra vô tận. Sờ thấy áo khô, lại mặc vào cho Bim, trời tối, tôi chẳng nhìn thấy gì, cũng chẳng dám chạm mạnh, vậy mà người cứ run run. Bim thì cứ mê sảng, hết gọi mẹ lại đến sợ chuột.
Mãi đến trưa mai, nước mới xuống. Cô Hạnh thuê đò chống vào đến ngõ, thấy nước ngập tràn đến mái nhà, cô khóc váng lên: "Con ơi là con" . Thấy tôi thò đầu ra khỏi lỗ ngói, cô trợn tròn mắt như quỷ thần. Tôi bơi ra, kéo đò vào, chỉ cho cô Bim nằm mê man. Cô lại khóc rống lên, lần này vì mừng. "Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn. Măng ơi! Tao cho mày con Bim".
Hai ngày sau, Bim tỉnh lại. Cô Hạnh đút cháo. Nằm trên giường, Bim bảo: "Anh Tuấn phá mái, bẻ rui nhà em, em bắt đền". Lại bắt đền! Tôi cởi trần, hì hục dọn hàng tấn bùn non ngập đầy sân.
Từ đó, năm nào cũng vậy, trời mới mưa to tôi đã trực ở nhà cô Hạnh rồi. Số Bim là số sướng, mười bảy tuổi rồi mà chưa động tay dọn lũ lấy một lần.
***
 
Mẹ tôi bảo: "Sao mà ai cũng thích đẻ con trai. Ăn cơm nhà, vác ngà voi thì nó là số một. Lo kiếm việc làm ăn đi con ạ, cả ngày hết đàn hát lại xách xe đi chùi bóng mặt đường, con gái nó không ưa đâu".
Nhìn tôi trong bộ đồng phục công nhân màu xanh, Bim lo lắng: "Rồi ai chở em đi học?". Tôi dỗ dành: "Chịu khó đi xe đạp, hôm nào về sớm anh chở đi buổi chiều đỡ nắng".
Ngày đầu đi làm, nhìn ra cả vùng đồng nước Vân Cù mênh mông, thấy cột điện chữ A mọc lên giữa những giường ruộng ngang dọc, tôi ngớ ngẩn hỏi: "Người ta dùng máy gì mà đưa mấy cái cột nặng thế này ra đến đó?".
Anh Hạp, tổ trưởng của tôi cười: "Cái xác mày khênh ra, chứ máy gì mà thi công được ở đây?". Tôi nhìn, phát hoảng. Lần đầu tiên được giao khiêng bộ chân tó để dựng cột, tối về tôi ngủ mơ, nói sảng: "Mẹ ơi, núi đổ, lôi con ra, lôi ra". Mẹ lay mãi, tôi mới tỉnh, mồ hôi ướt dầm mình.
Dần dần, tôi mạnh lên, cơ bắp nổi đầy tay, lên rừng xuống biển cũng không còn sợ nữa. Đi đâu thì đi, chiều đến về nhà, việc đầu tiên là tắm gội cạo rửa tinh tươm, đến trường đón Bim về.
Có hôm thấy Bim chờ một mình vắng ngắt: "Bạn em đâu cả?". "Tụi nó rủ nhau đi ăn chè". "Lần sau em cứ đi với bạn, nhắn lại với bà hàng nước cho anh biết chỗ đến tìm là được". Bim cười, ngúc ngắc hai đuôi sam: "Ai lại thế, anh đi làm mệt cả ngày, về mà không thấy Bim, anh có buồn không?".
Lòng tôi như chao đi, lần đầu tiên thấy trên khuôn mặt Bim nét dịu dàng thiếu nữ. Bim của tôi lớn rồi và biết nghĩ, không còn ngốc nghếch ham chơi như tôi tưởng. Bất giác, tôi ôm Bim vào lòng. Bim cười nhắm mắt, rúc vào ngực tôi hít một cái thật dài rồi chuồi người, đẩy tôi ra. "Sao thế?". "Người ta cười". "Đồ sợ chết".
Một buổi sáng chủ nhật bên suối Trà Am, lần đầu tiên Bim cho tôi ôm trong tay... Bim cười, ghé cái tai nhỏ hồng sát ngực tôi, lắng nghe tim đập. "Nhè nhẹ thôi, anh siết mạnh em đâu cả người" .
"Bim ơi!". "Gì anh?". Tôi bồi hồi nhớ lại cái đêm trời lụt. "Cho anh cõng Bim đi xem suối". Chân tôi đi qua những mỏm đá trơn. "Em sợ anh cõng em nặng, té gãy cổ cả hai đứa".
Tôi giữ chặt Bim sau lưng. "Đừng lo. Hai bộ xà sứ vừa nặng vừa cứng anh còn cõng qua suối Nam Đông, bây giờ cõng Bim nhẹ và mềm như con gấu bông, anh đi lên thấu trời". Bim cười, tiếng cười như suối. Tôi đặt Bim ngồi trên cành cây ươi đổ ngang, giữa những cánh hoa nhung đỏ hé mở. "Anh Tuấn ơi! Con muỗi!".
Tôi định đập, Bim bỗng xua cho nó bay đi. "Tội nghiệp, tha cho nó anh ạ!". Bắp tay Bim sưng lên một đốm hồng. Tôi gãi cho Bim, Bim nũng nịu: "Tuấn không có móng tay, gãi bằng cục chai trong lòng bàn tay ấy...".
Cô Hạnh than thở với tôi: "Em nó ăn nhiều mà sao vẫn xanh. Hay là có giun?". Tôi chạy mua thuốc xổ. Lại mua cho Bim một đôi giày vải. Sáng sớm tôi đến, gõ cửa, dựng Bim dậy. Bim mắt nhắm mắt mở, chạy thể dục với tôi từ Tây Linh ra đến Tây Lộc rồi lại theo đường vòng quay về.
Bữa đầu, Bim khóc mếu: "Tuấn độc tài". Dần dần quen, sáng nào tôi không ra, Bim giận lẫy. Tôi hỏi Bim: "Có muốn học bơi không, sáng ra bến Me bơi mát lắm, anh tập cho" . Bim lắc đầu quầy quậy: "Mắc cỡ lắm". Tôi chợt nhớ, chân Bim có sẹo. Chẳng hiểu sẹo ra sao? Nếu giờ mà lại có một đêm lụt như đêm nào, tôi sẽ đếm lại những cái sẹo trên người Bim, tôi sẽ đền cho Bim bằng cả đời tôi...
Cái tin Bim đi thi người đẹp làm tôi ngạc nhiên. Cô Hạnh hớn hở: "Chương trình có phần thi mặc áo tắm, nhưng toàn thể phụ huynh đều phản đối, dọa nếu thi áo tắm thì đem con về. Thế là Ban tổ chức phải chịu". Tôi cười: "Chắc cô Hạnh là người phản đối mạnh nhất". "Nghe nói giải thưởng mười triệu cháu ạ". Nghe giọng cô hí hửng như trẻ con, tôi cười thầm. Hy vọng Bim của tôi trúng giải quá mong manh, nhưng thôi cứ để cho cô tha hồ bay bổng.

Những ngày sau đó tôi quay như cái vụ. Nào chở Bim ra tiệm Mỹ Trang thuê áo soiree. Nào chở Bim đi may áo dài. Tối lại ra nhà Bim đàn cho Bim tập đi. Rồi lại phải chọn áo.
Tôi ngắm lui ngắm tới Bim của tôi trong hơn hai chục cái váy. Cuối cùng chọn được một cái soiree màu lam óng ánh, vải dịu và mềm. Bim giãy nảy: "Cái này cũ rồi". "Nhìn ban ngày cũ thế, nhưng dưới ánh đèn nó sẽ đẹp rực lên. Còn những cái kia trông huy hoàng nhưng lên sân khấu sẽ cải lương hết sức, rồi em xem". Nói mà Bim không nghe, tôi lại giở thói "độc tài".
"Còn thi ứng xử nữa, em nói kém lắm làm sao thi đây".
Tôi kiếm một cuốn sổ nhỏ, lần giở sách báo, tìm những câu châm ngôn sắc sảo ghi vào. Câu nào cũng ngọt ngào bay bổng, toàn những lời có cánh về tình yêu, tình bạn, sắc đẹp...
Đêm thi đã đến, cô Hạnh lo lắng nhịn cả bữa ăn chiều. Tôi cũng đã xin nghỉ phép hai hôm. Giờ đây, trong tiếng nhạc đánh chậm bài La Paloma, Bim đang xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu. "Vũ Tuý Diễm, nữ sinh lớp 10 trường...".
Tôi dụi mắt. Có phải là Bim của tôi đây không? Tôi bỗng nhớ đến những trái táo trên sạp hàng trái cây của mẹ tôi, vốn tầm thường khiêm tốn, chỉ cần lấy khăn lau một lượt, phun nước lên, bỗng bóng loáng, chín ửng, ai nhìn cũng muốn cắn.
"Vũ Tuý Diễm năm nay mười bảy tuổi, sở thích đọc truyện, ca hát, nấu ăn...". Hừ, Bim có nấu ăn bao giờ đâu, thoáng nghĩ thế nhưng chẳng nghĩ được lâu vì tôi còn bận dán mắt vào cô gái trên sân khấu, cô gái vốn là Bim của tôi.
Một chút ngập ngừng làm tăng vẻ quyến rũ thơ ngây trong dáng đi uyển chuyển. Chiếc soiree màu lam bạc ôm khít lấy tấm thân mảnh mai nẩy nở, lớp váy trong rất ngắn cho thấy đôi chân dài thẳng băng, trắng muốt. Lớp váy ngoài xẻ bốn đường rất cao, ôm rất khéo, làm dáng người đài các, thướt tha. Bim đang cười... đôi môi tô son màu hồng, sống mũi cao mềm mại thanh tú, đường nét nào cũng sắc sảo, rực rỡ hơn hẳn thường ngày. Chỉ có đôi mắt là vẫn mở to, ngơ ngơ dưới cặp lông mày cong như trăng hạ huyền.
Bên cạnh tôi, cô Hạnh hể hả: "Đi lùng suốt ba bữa mới mua được đôi tất ngoại mỏng đẹp như vậy đó. Cháu thấy chưa, tôn tạo lên một chút là ăn đứt... ủa Tuấn, làm chi mà sững ra rứa, con Bim chứ ai xa lạ?".
Điểm ngoại hình Bim cao nhất tất cả thí sinh. Tiếc rằng Bim chẳng nhớ câu nào trong số những câu tôi đã tủ cho cô bé. Ban Giám khảo hỏi: "Em nghĩ gì về ngày 8 tháng 3?". Bim đứng ngẩn một lúc: "Em nghĩ... 8 tháng 3 là một ngày nhộn nhịp..." . Biển người lố nhố làm Bim hốt hoảng.
Sau này, Bim bảo: "Em quớ quá, nhìn xuống mà chẳng thấy Tuấn đâu. Chỉ thấy tay với đầu người, hàng vạn cái". Cô Hạnh cứ tiếc mãi: "Giá nó trả lời được, thì đã là hoa khôi xứ Huế". Bim được danh hiệu Á khôi thứ nhất. Với tôi, thế cũng danh giá quá rồi. Đi đâu người ta cũng trầm trồ thằng Tuấn tốt số, có người yêu đẹp lắm trúng giải nhì kỳ thi Duyên dáng cố đô.
"Ngày nhộn nhịp" đã tới. Tôi xin nghỉ, nhưng anh Hạp không cho. "Hôm nay thay gấp đường dây ở đường Huyền Trân Công Chúa. Thương tình mày chưa vợ cho nghỉ buổi chiều thôi" .
Tôi lắp bộ xà sứ trên đỉnh cột, vừa vặn ốc vít vừa nhìn ra xa, thấy có mấy gánh hàng hoa đang bán. Có hoa hồng nhung đỏ thắm, hay quá, Bim rất thích hoa hồng ở Huế vì nó nhỏ hơn nhưng nở tự nhiên, chứ những búp hồng từ xa chở đến đẹp thì có đẹp nhưng do bị phun thuốc nên chẳng bao giờ nở.
Làm xong, quần áo còn lấm lem, tôi phóng tới ngồi lựa hoa. Mấy cô giáo mặc áo dài đang trả tiền hoa nhìn tôi mỉm cười: "Cô nào may mắn mới gặp anh này".
Tắm xong, mặc bộ đồ bảnh nhất, tôi phóng đến Bim. Trên bàn một lẵng hoa vừa to vừa đẹp, hoa hồng Đà Lạt đỏ tươi xen lẫn hoa thạch thảo lấm tấm trắng. Tôi khựng lại.
Cô Hạnh hể hả: "Tuấn này, bây giờ văn minh thật, người ta tặng nguyên cả lẵng hoa, cứ thế mà đặt trên bàn chẳng mất công cắm tỉa gì nữa". Tôi ngồi yên, rầu rầu. Bim từ trong phòng đi ra: "Hoa 8 tháng 3 của em đâu?". Thấy vẻ mặt tôi, như hiểu ý, Bim giải thích: "Không phải của ai đâu. Đó là quà tặng của Hội Phụ nữ, khen tặng thành tích đóng góp...".
Tôi tươi lên như cây héo được tưới nước. Chiều đó, dắt Bim đi ăn kem, tôi khoe đã được thao tác trên cột, lắp đặt xà sứ thành thạo. Bim cầm bàn tay tôi, áp những cục chai to vào má: "Tuấn nhớ làm việc cho giỏi, sau này nuôi Bim". "Ừ, ba năm nữa là Tuấn vững rồi, Bim thích gì Tuấn cũng mua". Bim cười, nét mặt giờ đây lại mộc mạc như những trái táo chưa chùi bóng: "Bim chỉ cần ăn cơm có cá, và mỗi tuần được đi ăn kem như thế này". Tôi trêu: "Em bây giờ là á khôi xứ Huế rồi, phải kiêu lên đi chứ".
Tháng năm, thành phố cử Bim đi Sài Gòn dự thi hoa hậu. Cô Hạnh khoe: "Kinh phí hạn chế nên ngoài hoa khôi, chỉ có á khôi thứ nhất mới đi được".

 
Ngày Bim đi, tổ tôi thi công lắp đặt đường dây số 6 ở trạm Nong. Bim dặn lui dặn tới: "Bốn giờ chiều là tàu đi ngang qua ga Hương Thuỷ. Tuấn nhớ chạy qua ga, Bim thò đầu ra cửa sổ, cầm cái khăn màu xanh, chào Tuấn một cái rồi Bim đi". Nghe tiếng còi tàu, tôi ba chân bốn cẳng phóng xe. Tàu đi ngang, lừ lừ một chút phóng nhanh, mất hút. Tôi đứng bần thần ngẩn ngơ trên sân. Lủi thủi về trạm, tôi đọc mấy dòng chữ trên máy nhắn tin của anh Hạp: "Tuấn ơi đừng chờ nữa. Bim đi máy bay rồi".
Tối đó đến thăm cô Hạnh, cô liến thoắng: "Có người Mạnh Thường Quân có lòng ủng hộ quê hương, bỏ tiền ra lo đi lại, ăn ở cho thí sinh Huế...". Tôi nhìn cô. Thảo nào, mẹ tôi vẫn gọi cô là Hạnh tồ.
Cả hai cô gái đều phải về sớm không dự kỳ thi hoa hậu được vì ai cũng thiếu một phân chiều cao. Cô Hạnh thất vọng. Giờ đây, tôi đã biết ích kỷ. Sau khi Bim nhận giải 5 triệu ở kỳ thi Duyên dáng cố đô, căn nhà nhỏ đã được lát gạch hoa láng bóng. Buổi trưa, Bim vác gối ra nằm, đi ngoài đường nhìn vào thấy cô nàng nằm khoanh trên sàn như con chó Nhật. "Vào trong mà ngủ, không được nằm đây". "Trong kia nóng lắm". "Nóng thì mở quạt. Con gái nằm ngay giữa cửa để phơi cho thiên hạ nhìn à?". Bim ấm ức: "Tuấn độc tài. Sau này chỉ có hành hạ Bim!".
Tổ tôi nhận thi công đường dây Bắc Hải Vân, cả mấy tháng đi liên miên. Cuối tuần mới về chở Bim đi chơi Trà Am. Tôi nói với Bim tôi làm việc khéo nhất trong tổ. Anh Hạp đề nghị tăng lương sớm cho tôi... Bim chỉ bảo: "Thế à?". Hai đứa đi men theo con suối: "Tuấn cõng Bim nhé?". "Thôi, lớn rồi, cõng như con nít ấy, kỳ lắm". Bim ngồi dưới bóng cây ươi, giữa những bông hoa nhung đỏ. Muỗi từ ven suối bay lên, Bim tự đập bép bép liên hồi, không nhờ tôi... Tôi ngửa lòng tay nhìn những cục chai to, ngó vu vơ lên trời...
Rồi tôi gặp người đàn ông ấy, một tối trời trăng. Gã ngồi song song với Bim, nơi chỗ tôi thường ngồi. Thấy tôi vào, Bim chào, ngượng ngùng. Cô Hạnh bảo: " Đây là Tuấn, cháu cưng của cô. Năm nào trời lụt cũng nhờ một tay nó" . Gã chào tôi qua loa rồi nhìn lên trần nhà. "Chỗ này chỉ cần bỏ vào chừng năm ngàn đô, lên thêm một tầng kiên cố thì chẳng lo gì lụt".
Tôi về nhà, ngồi nhìn ra cửa sổ, châm thuốc hút. Mẹ tôi hỏi: "Măng, con sao vậy?". "Có gì đâu?". "Sao con ngậm ngược điếu thuốc?". Lúc bấy giờ tôi mới nhìn thấy cái đót thuốc đang cháy phừng phừng. Tôi ngước lên nhìn mẹ. Cái nhìn của người vừa bị dao đâm. Mẹ tôi đỏ mắt: "Chuyện con Bim phải không? Lâu nay mẹ nghe đồn...". Bà nổi tam bành: "Đồ tham vàng bỏ ngãi. Cái năm trời lụt to, không có Măng thì còn đâu mà gả đi Tây đi Tàu". Tôi quờ tay ngăn lại: "Thôi mẹ ơi. Chuyện xưa rồi, đừng nhắc".
Tôi biết, Bim của tôi từ nhỏ loanh quanh nơi cái xóm thấp như rún biển, cả đời mới ra khỏi thành phố một lần. Gã phương xa kia với Bim là cả một chân trời. Cũng phải thôi. Ai muốn giam mình trong ao, mà chẳng muốn vươn ra ngoài biển rộng?
Mai lại, đang làm việc, tôi nháng một nhát búa vào tay. Ngón cái dập nhỏ máu. Anh Hạp nhìn tôi thẫn thờ: "Công anh xúc tép nuôi cò, cò ăn cho lớn, cò dò cò đi". Thằng Tín cầm lấy cái búa đứng thay vào chỗ tôi, trêu già: "Cò khôn, cò ăn cơm Tây. Ăn chi tôm tép ruộng lầy quê ta...". Tôi trừng mắt: "Chó chết. Câm!". Trở về, tôi sốt cao, vết thương sưng húp. Mẹ tôi lo cơm cháo hơn một tuần. Bim không biết tôi ốm, có lẽ còn lo cho ngày đi...
***
Ba năm sau. Tôi đã lên bậc, tăng lương hai lần. Làm được bao nhiêu tiền nướng hết vào thuốc lá. Tính lầm lì, cả ngày chỉ biết làm.
Đi làm về, chưa thay áo, tôi nghe mẹ nói:
- Con Bim mới về, có bồng con qua đây thăm.
- ...
- Lấy chồng Việt kiều, đi Tây về mà không mập, lại còn gầy đi nữa chớ.
- ...
- Sao Măng im như thóc không nói gì cả vậy?
- Thì có gì đâu mà nói. - Tôi ư hử.
Mẹ tôi im. Nửa như cụt hứng, nửa lại như mừng thầm. Mừng cho con trai đã quên khuấy chuyện xưa.
Hơn tuần sau, Bim gọi điện cho tôi.
- Nghe mẹ nói lụt năm nào anh cũng vào dọn cho mẹ, em cảm ơn anh nhiều lắm!
Lâu lắm mới nghe Bim nói - giờ giọng Bim khác xưa, từ tốn, buồn buồn. Cái vẻ buồn làm lòng tôi bỗng chùng xuống. Muôn vàn điều muốn nói mà sao chẳng nói được gì. Lâu quá lầm lì đã thành thói quen, phản xạ nói năng hầu như chẳng có. Mãi mới kiếm được một câu để nói:
- Em gắng giúp mẹ sửa cái nhà. Ở có một mình mà năm nào cũng vất vả.
Bim ấp úng:
- Thương mẹ lắm mà chưa làm sao được anh ạ. Tiền chồng, chồng giữ, tiền vợ, vợ giữ, em mới sang đâu làm được bao nhiêu...
Tôi thở dài:
- Nghe mẹ anh nói, em gầy hơn trước?
- Dạ, em đi làm xa lắm, mỗi ngày đi về phải ngồi trên xe điện ngầm hơn bốn tiếng đồng hồ. Ngồi trên xe chẳng biết làm gì, cứ nhớ nhà, nhớ hồi xưa...
Hai tiếng " hồi xưa" nghe sao mà âm vang. Tôi lặng yên, bồi hồi lắng nghe tiếng rung ngân của hai chữ đơn sơ ấy.
- Hồi xưa, anh tốt với em nhiều lắm. Khi ra đi, em cứ nghĩ sau này giàu có sẽ đền công anh...
Giọng Bim nghẹn như sắp nức nở. Bỗng dưng, nước mắt tôi ràn ra không giữ nổi.
- Bim ơi, lớn rồi, sao còn nói ngơ ngơ?
Chiều đó, tôi về lại Trà Am, ngồi một mình dưới gốc cây ươi bên suối. Nước cứ chảy xuôi, chảy mãi. Bim ơi, biết nơi đâu là biển của đời người.

Trần Thùy Mai






Thông Tin
Lượt Xem : 1324
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN