Chiếc vé cuối cùng
Không phải là người đàn ông ngồi chòng chành trên bức tường kỷ niệm thơ dại. Nhưng làm sao có thể bé lại để vừa đủ một chuyến trở về?
***
Anh ngồi trên bến xe, tiếng chợ búa, tiếng hàng rông bắt đầu tràn ngập từng góc nhỏ bé nhất nơi phòng chờ mua vé. "Chú mua bánh mì nhé... Vâng, ăn sáng bằng bánh mì là yên tâm, vừa chắc dạ vừa vệ sinh". Cái bĩu môi dài thượt của nó ngay sau cái lắc đầu của anh. Con bé tóc đỏ như lông bò, loe ngoe cái đuôi gà như đang cố bơi mình ra để bưng thúng bánh mì kềnh càng. Lại thêm một thằng bé nữa: "Chú đánh răng không? Đây là nước muối, kem Close-up, bàn chải Oral B, một lần đánh chỉ hai ngàn đồng".
Lần này thì anh sửng sốt đến bàng hoàng. Một là vì trong tiềm thức cũng như ngay bây giờ đây, anh chưa hình dung lại có dịch vụ kỳ cục này, lại càng không bao giờ nghĩ sẽ cho một cái bàn chải ba vạ đầy vi trùng vào miệng mình. Hai là anh sửng sốt còn bởi thằng bé gợi cho tuổi thơ anh ở một nơi nào đó vừa xa lại vừa gần, thức giấc trở dậy. Thằng bé không đẹp, nước da màu đồng hun và đôi mắt sáng, báo trước với người đối diện một nét tinh anh. Dường như nó hiểu sự e ngại của anh: "Chú yên tâm. Bàn chải này chưa ai dùng. Mà nếu có dùng rồi cũng không sao, cháu đã luộc bằng nước sôi". Anh lại lắc đầu.
Chợt có tiếng loa thông báo, giờ bán vé đã bắt đầu. Anh vội đứng dậy làm thằng bé tối sầm mặt lại, quay đi. Chợt anh nghĩ, có thể thằng bé sẽ giúp được mình. Anh gọi: "Ê, nhóc, cho chú nhờ được không? Mua giúp chú cái vé, tiền đây, thừa sẽ là của cháu. Đưa đồ nghề đây chú giữ cho". Một thoáng tần ngần lướt qua nhanh trên khuôn mặt thằng bé "Chú mua đi đâu". Ừ lạ thật, đến giờ anh vẫn chưa dứt khoát. Đi đâu nhỉ? Liệu mình có đủ can đảm để đối diện với thời thơ ấu không?
"À mua cho chú vé đi Bắc Kạn". "Chú chắc chứ?" – Thằng bé nhướng mắt lên cố tỏ vẻ đĩnh đạc, hệt như người ta hỏi "câu hỏi hy vọng" trong chương trình "Đường lên đỉnh Olympia". "Ừ chắc".
Thằng bé chạy đi, lẩn nhanh vào đám hành khách đang chen lấn ở cửa bán vé. Cái lanh lợi ấy là cái lanh lợi của anh hai chục năm về trước.
Hai mươi năm! Quả là khi nhiễm thứ thuốc nhuộm màu của cuộc sống thì đứa trẻ khác đi nhiều lắm. Lớn hơn lên, hẳn rồi. Và cả những hạnh phúc chen lấn ngột ngạt với khổ đau ùa về. Ta cứ chờ ngày mai. Ngày mai ấy là cái gì? Thật xa cho một ngày mai sương khói màu hồng. Mà thật gần cho ngày vật lộn tảo tần cho cuộc sống, đắp đổi nợ nần, giật gấu vá vai. Cái thủa lanh lợi ấy của anh khép lại nơi thị xã nhỏ ấy. Cái thị xã buồn dìu dịu trong sương muối, thậm chí chưa có nổi một bến xe ô tô cho ra hồn nữa. Thơ ấu của anh được che bởi tà áo của mẹ, dịu dàng và lành sạch. Nói như người hàng phố thì anh có một gia đình lý tưởng, một gia sản khổng lồ. Có thể hình dung gia đình ấy sang cả và trưởng giả như trong tiểu thuyết chữ to của cánh thợ viết Sài Gòn.
Mẹ anh – người phụ nữ Tây với đôi mắt màu hạt dẻ, lúc nào cũng ngưng tụ một nét buồn. Cho đến tận ngày anh ra đi, ở bà vẫn luôn là đôi mắt buồn bã ấy. Một cuộc đời không vất vả nhưng nhàn nhạt và cô đơn đến hoang tê cả cõi lòng. Còn người đàn ông – ông chủ nhà – người mà anh vẫn gọi là cha ấy, ngay từ thời ấu dại anh đã được ông gắp bỏ vào tâm hồn những hòn than tính cách, nóng nảy và tự phụ. Để rồi, mười tám tuổi, anh thành kẻ giết người vì mối tình thời châu chấu và bọ xít. Học phí phải trả cho bài học nông nổi ấy là mươi năm tù – một phần sáu cuộc đời ngắn ngủi. Hai tám tuổi, anh dò dẫm trở lại cuộc dời và bắt đầu từ bục xuất phát. Anh cần biết bao nhiêu cái ký ức trong veo con trẻ để dũng cảm quay về. Ra tù, anh ở lại thành phố, làm bảo kê hai năm. Đẩy đưa chốn đèn mờ, anh biết mình sẽ ngã gục. Làm gì còn cơ hội cho người phạm sai lầm tới lần thứ hai? Thế thì phải đi thôi. Chán thành phố rồi mà tiền cũng lưng lửng túi. Phải đi thôi!
"Chú này, cháu chẳng thể làm gì được. Đã hết vé rồi. Hay là... chú chịu khó đứng, chắc cánh lơ xe cũng chẳng cần vé làm gì, tiền ra là yên chuyện". "Hừ, ông lỏi con, sành sỏi nhỉ!" – Anh bợp nhẹ tai nó. Làm gì với chặng đường hai trăm cây số khi người ta đứng? Không thể! Thế là anh lại đành lỡ một chuyến xe.
Thằng bé "đánh răng thuê" vẫn quay xung quanh anh, những người khách đang ngái ngủ, mời mọc. Cái duy nhất mà nó nhận được là những cái lắc đầu mệt mỏi và đồng loạt giống nhau. "Chán chết!" – thằng bé nói, giọng lộ hẳn vẻ thất vọng. "Sao nào, sao mà chán chết?" – Anh hỏi. "Cả buổi sáng, cháu không kiếm được vị khách nào". "Chuyện thường thôi mà. Ai dạy cháu làm cái nghề kỳ quặc này?". "Sao lại kỳ quặc? Vệ sinh là cần thiết chứ ạ?". "Nhưng cháu nhìn kìa, ở đây người ta chỉ lo đói, rét và khát thôi, đúng không? Còn bẩn thỉu vẫn được, nhất là bẩn thỉu ở những nơi mà người ta hoàn toàn có thể che giấu. Chẳng hạn như không nói, không cười nhiều và nếu cần thì không thở mạnh nữa". "Chú nói, cháu chẳng hiểu gì cả. Nhìn chú không giống một triết gia!".
Thằng bé thông mình đã lật tẩy anh. Những thứ "triết lý" ấy anh học được theo cách nói của "sư phụ" ở trong trại. Ông từng là thạc sĩ rồi bị tóm vì buôn lậu. Trong tù, anh có nhiều thứ từ ông. Ra trước anh hai năm, ông đang tấn tới cửa hàng may trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở Sài Gòn. Anh không phải là một triết gia! Anh là một tên tù mới ra trại, một tay bảo kê nhà hàng. Một công dân hạng xoàng. Một đứa con bất hiếu.
Nhưng quá may mắn, anh vẫn là một con người!
Vẫn là một con người nên vẫn có quyền hy vọng. Anh đã chờ mong chuyến xe nay biết bao. Để trở về. Chắc bây giờ mẹ đã xếp nếp gấp đợi chờ nơi đuôi mắt, tay đang cào mái tóc bạc xơ như mái cước rối, ngồi ngóng đợi anh ở hàng hiên. Mẹ không hiểu những cơn đau của đứa con hư khi quay đầu nhìn lại tình thương của mẹ. Anh đã nhận ra từ lâu lắm, nhưng làm sao anh dám quay về? Mẹ bao dung, mẹ hiền từ, nhưng anh trở về để đánh cắp dần dần lòng thương của mẹ? Không! Anh phải ra đi, tự lặn lội để nâng mình lên địa vị của một con người chân chính. Mẹ cần ở anh điều ấy. Và anh hiểu, điều ấy anh cũng cần cho chính mình.
"Chú lỡ xe rồi, chắc là chú buồn lắm?" – Thằng bé vẫn ngồi cạnh anh, vẻ lo lắng. "Nếu là cháu, cháu sẽ thế nào?" – Anh hỏi một câu nghe rõ buồn cười.
"Nếu là cháu, cháu sẽ về hỏi mẹ". "Hỏi mẹ?". "Vâng! Lúc nào mẹ cháu cũng nói đúng! Chú có muốn hỏi mẹ cháu không?". "Hỏi mẹ cháu à?" Anh hơi buồn cười nhìn thằng bé, định bụng đùa trêu nó để giết thời giờ. Nhưng mắt nó đã sáng rực lên, đôi mắt tràn đầy màu nắng sớm: "Vâng, nếu đang ở nhà thì chú cũng hỏi mẹ chú chứ?" Anh bật cười lớn và theo thằng bé, hệt như người ta đi tìm một câu hỏi hơn là một tiếng trả lời.
Anh đâu cần câu trả lời. Anh chỉ cần một chút dũng cảm, một tình yêu thương để trở về. Bắc Kạn! Bắc Kạn là tình yêu mãi mãi. Anh tin thế vì anh tin những người hạnh phúc nhất trên mặt đất luôn là những người còn có mẹ.
Thằng bé dẫn anh về khu ổ chuột giữa xóm liều với một niềm tin tuyệt đối, rằng mẹ sẽ giải quyết được mọi chuyện. Nhà nó tồi tàn nhưng sạch sẽ. Người mẹ còn trẻ nhưng khắc khổ và tàn tạ đang nằm ho sù sụ trên giường. Thằng bé lấy những viên Ampicilin cuối cùng cho mẹ: "Mẹ cố uống đi, mai con mua thuốc khác. Ampi chẳng ăn thua gì". Mẹ nó đưa đôi mắt lờ đờ nhìn nó, như thầm cảm ơn thái độ hiếu đễ ấy. "Chú ngồi tạm vậy. Ghế này cháu đóng đấy, xấu xí nhưng mà chắc, chú công nhận thế không?" Anh đưa mắt nhìn xung quanh nhà khi thằng bé đi rót nước. Ngôi nhà có thể ụp xuống bất cứ khi nào và trên bức tường duy nhất treo một cây đàn nguyệt. Đàn nguyệt khác đàn tính của mẹ trong ngày hội hát then. Đàn nguyệt cũng bày tỏ tình cảm bằng những cung bậc khác.
"Ai thế con?" Người mẹ thều thào khi vừa dứt cơn ho. Thằng bé tần ngân giây lát, rồi bảo: "Chú ấy lỡ chuyến xe và chẳng biết phải làm gì". "Ấy chết, sao con dại thế, sao lại cho người lạ vào nhà?" Anh lặng người đến nghẹt thở. Sao chẳng khi nào anh chịu nghĩ tới điều này nhỉ? Nhọc nhằn lắm anh mới nói thành câu: "Chị yên tâm, tôi đã giết người và phải trả giá tù tới mười năm. Bây giờ tôi cần làm người lương thiện. Người lương thiện, chị biết đấy, không thể làm điều ác cho ai". Người mẹ lại ho từng cơn không dứt, mắt cứ như lồi mãi ra. "Này cháu, có khi phải đưa mẹ đi bệnh viện thôi. Mẹ cháu không phải cảm thường đâu". "Tôi không sao đâu, anh. Cháu nó con dại, đâu biết gì. Mà anh trông đấy, bây giờ bệnh viện..." . "Tôi hiểu. Tôi sẽ đứa chị đi. Tôi có đủ tiền". Thằng bé ngơ ngác và sung sướng. Nó hỏi lại: "Chú chắc chứ?". "Ừ chắc!"
Anh đứa mẹ nó đi bệnh viện, nhưng nó không chịu ở nhà. "Cháu lo cho mẹ lắm, dù sao chú cũng là người ngoài" – nó bảo. "Người ngoài!". Câu nói giản đơn đã ném anh văng ra khỏi mẹ con nó rất dễ dàng. Anh chỉ là người qua đường thôi. Anh đành dìu mẹ nó đi. Bệnh viện chật ních người. Hai tiếng sau thì thằng bé òa khóc. Mẹ nó bị lao rồi. Bác sĩ nói bệnh lây, cần chú ý khi tiếp xúc. Nó nhào vào lòng mẹ thổn thức. Mẹ nó được chuyển sang khoa lây. Nhưng giường đã hết rồi, đành phải trải chiếu xuống nền gạch. Anh có cảm giác như mình đã gắn bó với họ từ lâu lắm, quên phắt chuyến xe của ngày mai. Anh đi thằng bé sẽ làm gì cho mẹ? Nó chẳng thể làm gì cả. Nó vẫn chỉ là một thằng bé giàu tình thương yêu.
Đêm. Anh nằm cạnh thằng bé trên manh chiếu ở hành lang bệnh viện nồng nặc mùi ê te mà tự dưng thấy lòng yên ổn. Ôi cảm giác yên ổn lâu lắm rồi mới chịu trở về cũng anh trong giấc ngủ muộn khuya. Tiếng thằng bé lảm nhảm nói mê nghe thật quen thuộc, giống như những lúc xưa anh vẫn thường bị mẹ mắng: "Ngày chạy nhảy cho cố vào để đến tối mê sảng, hét váng cả nhà". Anh chợt nhận ra một bóng áo trắng đi quanh. Nó đậu lại ở cạnh đồng túi và lần các nút khóa. Bác sĩ, y tá, hay là ma? – Anh tự hỏi. Không phải! Anh lao ra túm chặt tay nó và tông thẳng một quả đấm: "Thằng lưu manh". Thằng bé cũng vùng tỉnh dậy: "Ơ, anh Mạnh, sao anh lại..." Đó là một đứa lang thang vạ vật xóm liều, một đứa cùng chung số phận hẩm hiu với nó. Thằng trộm cúi đầu: "Tao không biết là của nhà mày". Rồi nó lủi thủi xuôi cầu thang, bóng chúi theo vệt sáng của ngọn đèn trần. Anh ôm thằng bé vào lòng: "Cuộc sống phức tạp thế đấy, chú bé ạ". Anh nằm xuống nhưng không ngủ được. Đến những kẻ bất lương, tù tội cũng đủ các hạng người. Trắng đen tù mù, làm sao chú bé có thể đi đúng đường nếu không có người chỉ lối? Cũng như anh, anh đã phải vứt bỏ cả thời tuổi trẻ vì những ảo ảnh hoang đường. Chú bé lún phún những chiếc lông tơ trên má, chú có hiểu những gì anh nghĩ không?
Anh cũng không nhớ mình đã ở đây cùng mẹ con thằng bé bao lâu, chỉ biết khi mẹ nó dứt cơn bạo bệnh về điều trị tại nhà thì thằng bé đã quấn anh lắm. Người mẹ nhìn anh bối rối: "Rồi tôi biết lấy gì để tạ ơn anh cơ chứ". "Nếu tôi cần sự sòng phẳng đến thế thì tôi có cần phải đưa chị đi bệnh viện không? Đừng khổ tâm vì điều đó. Tôi cho thằng bé đấy, bởi tôi tiêu tốn tuổi thơ mình quá nhiều". Thằng bé nhìn anh, giọng đầy nuối tiếc: "Thế chú đi thật à?" "Ừ, chú về với mẹ". "Chú chắc chứ?". "Ừ, chắc". Thằng bé mở to mắt nhìn anh, chực khóc. Cái gì đến với nó cũng không chắc chắn, bấp bênh.
Chia tay bịn rịn. Anh ra tới bến thì người chen người đã đông lắm. Thằng bé lại lẻn vào, nhoài người mua cho kỳ được tấm vé. Tấm vé nhỏ bé, giá ba mươi ngàn đồng, nhưng anh phải tích cóp từng đồng vốn kỷ niệm để dám mua nó trở về. Thằng bé sung sướng bảo: "Chú thấy cháu cừ không, đây là tấm vé cuối cùng đấy. Bác bán vé bảo nhường cho cháu, chắc bác ấy nghĩ cháu về quê với mẹ". Anh nắm tay nó ra xe. Chuyến xe ngày thường mà vẫn đông khách. Run run anh bước lên bậc cửa với chiếc vé cuối cùng: "Chú sẽ quay lại, nhóc ạ. Chắc chắn thế, chú hứa, có thể là rất gần thôi".
Anh nhìn mẹ con thằng bé hút dần theo cửa kính xe, lòng rộn lên những yêu thương kỳ lạ, bồi hồi như thời anh mười tám. Chiếc xe lao đi, mang đứa trẻ tha hương trở về với mẹ. Nơi ấy là thơ ấu của đời anh.
Hà Nội, 07/06/2000Dương Bình Nguyên