Giữa bầy đàn
"Người ta nhiều khi tưởng chỉ một mình lủi thủi nơi thâm sơn cùng cốc, xa làng xa chợ mới gọi là cô đơn.
Nhưng sống giữa bầy đàn đông đúc mà không ai hiểu được mình, không ai chia sẻ với mình, không ai trìu mến với mình, đâu thử lên núi cao xem có đỡ đau hơn không ?"
***
Quán chị cheo leo trên sườn núi, cạnh lối đi lên động Tiên Sơn. Nhưng nhà chị xa ngoài bến thuyền, nơi du khách bắt đầu cuộc hành trình vào Phong Nha. Từ mờ sáng chị quá giang thuyền lên núi, tàn chiều quay về nhà. Hôm nào đông du khách, chị kiếm được chừng ba mươi ngàn, nhưng có ngày vắng người, khách ngại leo núi, chị về tay không.
Chị đẹp, và khuôn mặt phúc hậu hiền từ đến mức người trong đoàn tôi phải thốt lên, “thấy thương đến nỗi không nỡ chọc ghẹo”. Chị hay cười, lúc cười còn hiền hơn. Tôi than đói, chị chia một cái bánh mì nhỏ teo và giở nắp nồi mời tôi, trời ơi, mớ khoai luộc còn nghi ngút khói, củ khoai cũng nhỏ, ngọt lừ, chị nói khoai này không bán, ăn với chị cho vui, có vẻ như chị đã san sớt cho đám người mệt nhừ, đói khát chúng tôi ít thức ăn của buổi trưa rồi.
Không biết cảm động vì điều đó, hay vì cái cười thuần khiết, vì giọng nói dịu dàng, vì sự thẹn thùng, sượng trân mỗi khi gã táo tợn nào gọi, “bán thêm chai nước, mình ơi" mà tôi bỗng nghĩ, trời ơi, mình đã gặp được người đẹp nhất Quảng Bình. Lúc ra về, một anh bảo, hẹn mai mốt gặp. Chị cười, “biết còn quay lại nữa không mà hẹn?!!”.Nghe ngậm ngùi, nghe buồn buồn, như chúng tôi vừa lỡ lời. Sau mỗi bậc thang, quán chị khuất dần.
Tôi bỗng nghĩ về những con người cô đơn tôi đã gặp suốt dọc đường. Như chị, lũ lượt một ngày bao nhiêu là du khách lên ngọn núi này, ai là kẻ tri âm? Dừng chân một chút, uống ly nước, ăn quả trứng, mua món hàng lưu niệm, ai chia sẻ với chị những vui buồn? Ai lo lắng cho chị nếu bất ngờ chị lên cơn sốt vì sương lam chướng khí? Lũ lượt ngang qua chị biết bao người phải chăng là bao nhiêu sự trơ trọi, cô đơn?
Như người thu phí cầu Mỹ Thuận, chị nhân viên tiếp tân khách sạn, anh bảo vệ trong lăng Tự Đức… tôi luôn đọc được sự lạc lỏng đơn độc của họ với cuộc đời.
Chúng tôi càng đông đúc, càng vui vẻ, càng phô trương và thoả mãn với những gì mình có càng đẩy họ ra xa mình. Đứng giữa dòng người, nhưng họ bị chìm khuất và quên lãng đi, vì chúng tôi tiếp xúc với họ chỉ bằng tấm lưng chứ không bằng khuôn mặt. Chúng tôi đi qua đi lại, cười cười nói nói, chọn những cảnh đẹp nhất để chụp tấm hình đem về khoe khoang, và chúng tôi đã bỏ họ lại phía sau, vì những bộ quần áo sang trọng lượt là, những món hàng lưu niệm xa xỉ.
Vì sau đó, chúng tôi sẽ về nhà, sẽ quên lãng họ. Họ thì vẫn ở đó, vật lộn với cuộc mưu sinh.
Có lần, tôi tấm tắc khen với một người Quảng Bình, Phong Nha đẹp quá, đẹp nhất nước đó, chị à. Chị chèo thuyền cười, tui cũng không biết nữa, hồi nào giờ tui chỉ biết bến thuyền, với một khúc sông Son, có đi khỏi đây đâu mà biết chỗ nào đẹp hơn chỗ nào”. Tôi định khen lấy lòng, để xem người phụ nữ nghèo khó này hạnh phúc tự hào như thế nào, không ngờ… Mất ba mươi năm tôi mới tới Phong Nha, cứ nghĩ quá dài, cứ xấu hổ với bạn bè về sự ngơ ngác, quê mùa của mình, còn chị gần năm mươi rồi, thị xã Đồng Hới vẫn là một nơi xa xôi, lạ lẫm.
Và người phụ nữ này vẫn vài ba ngày lại đưa rước khách vào thế giới hang động nổi tiếng thế giới, ghi tên mình vào bộ tộc những người cô độc, cười nói với người đời mà thui thủi ở một bến bờ xa xôi, nơi có bảy đứa trẻ trong ngôi nhà nhỏ bên sông Son đang hau háu đợi thuyền mẹ về.
Không phải ai cũng biết điều đó, người ta nhiều khi tưởng chỉ một mình lủi thủi nơi thâm sơn cùng cốc, xa làng xa chợ mới gọi là cô đơn.
Nhưng sống giữa bầy đàn đông đúc mà không ai hiểu được mình, không ai chia sẻ với mình, không ai trìu mến với mình, đâu thử lên núi cao xem có đỡ đau hơn không?
Nguyễn Ngọc Tư