--> Để hôn em lần nữa - game1s.com
XtGem Forum catalog

Để hôn em lần nữa

i cứ vài phút lại có một hai chiếc xe liều mạng phóng qua làm từng đợt sóng dềnh lên xô đẩy những người đi bộ đang men sát những hiên nhà. Nếu bản thân không phải nhân viên thử việc và không có kinh nghiệm từ những ngày lội nước đã đời trong trận “đại hồng thuỷ” tháng 11 năm ngoái, có lẽ cô đã đầu hàng từ lâu chứ không thể đi lại nghênh ngang giữa toà soạn trong bộ dạng kệch cỡm áo phông cũ, quần soóc, dép lê thế này…

Vì tình trạng ngoại hình đang giống oshin đi chợ hơn là biên dịch đi làm, dù chắc chắn đến 99% là trong phòng không có ai, Quỳnh vẫn thận trọng quyết định đi thẳng tới WC để chỉnh đốn trang phục trước. Một tay ôm chiếc túi đựng quần áo nghiêm chỉnh và sandal cao gót, một tay vung vẩy cái ô chưa thèm quấn gọn lại, cô vừa rẽ vào lối đi nhỏ thoang thoảng mùi sáp thơm vừa nhại giọng Rihanna:

Now that it’s raining more than ever
Know that we’ll still have each other
You can stand under my umbrella
You can stand under my umbrella
Ella ella eh eh…

Tất nhiên, phán đoán của Quỳnh về chuyện trong phòng không có ai đạt độ chính xác hẳn 100% nên người vài phút trước còn ở đó phải di chuyển sang chỗ khác để chạm mặt cô. Và chỗ khác đó chính là góc hành lang khuất nẻo này. Đúng lúc cô nghêu ngao cao hứng nhất, cánh cửa có tấm biển in chữ Gentlemen và hình người không-mặc-váy từ từ mở ra. Đăng, đang tận dụng nốt khoảng 20% diện tích khô ráo trên chiếc áo vừa thay ra để lau tóc, ngẩng lên nhìn cô không chớp mắt.

* Raining cats and dogs: Mưa rất nặng hạt.

Như một phản xạ tự nhiên, Quỳnh thu túi và ô vào sát người để che đôi chân đang hở quá tiêu chuẩn cho phép của tuyệt đại đa số các cơ quan sử dụng lao động. Cô nhìn người có thể coi là đại diện cho bên sử dụng lao động, lúc này đã bỏ “khăn lau tóc” xuống và đang che miệng ho sặc sụa (không rõ là ho thật hay chỉ giả vờ để che giấu vẻ bối rối), hỏi một câu thuộc dạng “đảm bảo không rắc tí muối nào”:

- Đường ngập thế mà anh vẫn đến ạ?

Đăng gật đầu, thầm cảm ơn cơn ho đã trở thành lý do vô cùng chính đáng giải thích cho việc mặt anh tự nhiên đỏ lên. Khoát tay về phía sau lưng, nơi có căn phòng mà anh chưa từng ngó vào chứ đừng nói là bước qua cửa, Đăng vội đưa một câu có nghĩa chen vào những tiếng ho:

- Vào thay quần áo nhanh đi!

Khi câu nói mang đậm phong cách Cúc Anh ấy đã rời khỏi miệng, chủ nhân của nó mới nhận ra sắc thái hơi bị nhạy cảm đằng sau sáu từ thoạt nghe chẳng có gì đáng chú ý kia. Thật may cho anh và cho cả người đối diện, câu mệnh lệnh mà nếu chỉ đọc mình nó chứ không biết ngữ cảnh, người ta sẽ dễ liên tưởng và suy diễn rất… lung tung, dường như đã rơi lăn lóc hoặc tan biến đâu đó trên quãng đường không đến dăm bước chân giữa hai người. Quỳnh, có lẽ còn bận áy náy với tình trạng trang phục rất thiếu nghiêm túc của bản thân nên không có thời gian lắng nghe hay suy nghĩ, chỉ cúi gằm mặt đi nhanh qua chỗ Đăng và trong tích tắc đã biến mất sau cánh cửa gắn tấm biển in hình người mặc váy.

Một lát sau, khi Đăng đã gửi xong mail phân công công việc cho những người vắng mặt và bắt đầu đảo qua một loạt trang tin quốc tế, nhân viên duy nhất chịu đội mưa lội nước đi làm mới rón rén bước vào phòng. Áo sơ mi kẻ sọc đen trắng, quần âu đen, sandal cao gót đen, ngay cả chiếc túi vải bạt to phồng đeo trên vai cũng đen thui một cục, nếu như trên tóc cô không có chiếc cặp mái hình cái kem ốc quế to tướng sặc sỡ – dấu hiệu duy nhất còn lại của nhân vật “oshin đi chợ” trên hành lang vừa rồi, chắc Đăng sẽ cho rằng cuộc gặp gỡ trước cửa WC là do anh tưởng tượng ra.

Quỳnh mải cúi xuống nhét chiếc túi vải bạt vào ngăn tủ nhỏ nên không biết sự biến đổi cả về trang phục lẫn phong cách của mình đang bị ai đó theo dõi và ghi nhận kỹ càng. Đến khi cô ngẩng lên, quan sát viên đã kịp chuyển mục tiêu sang màn hình kín đặc chữ. Anh nói mà không nhìn cô (vì vừa nãy đã nhìn đủ rồi, hí hí):

- New York Times mới có một bài về du lịch mạo hiểm ở Tây Phi, tôi copy vào folder share của server rồi, em dịch luôn nhé.

Từ lúc bắt đầu vào làm, chưa bao giờ Quỳnh dịch bài trong mảng Du lịch. Đây là một trong những chuyên mục luôn giữ vững chất lượng của báo, cũng là chuyên mục có biên tập viên “chảnh” nhất. Nghe nói người này có lần đã từng tuyên bố thẳng thừng với Đăng rằng anh ta không cần những bài “dịch ngu như lợn” của những nhân viên thậm chí còn chưa có hộ chiếu. Nhớ đến câu nói ấy, Quỳnh không thể ngăn được một câu hỏi tò mò. Chuyện gì xảy ra với Mr. Very Chảnh kia vậy?

Như đọc được ý nghĩ băn khoăn của cô, Đăng giải thích thêm:

- Đội bên kia chưa thấy ai đến, cũng không liên lạc được, em cứ dịch đi.

- Vâng – Quỳnh gật đầu, thoăn thoắt gõ mật khẩu log in máy tính.

Đúng lúc cô hăm hở muốn bắt tay vào dịch thật nhanh, thật chuẩn, cho Mr. Very Chảnh có lội được đến toà soạn cũng phải muối mặt sang cảm ơn, thì một sự cố chẳng biết là lớn hay nhỏ đã xảy ra. Khi mở mạng nội bộ, cô nhìn thấy thư mục chia sẻ của máy chủ nhưng không thể truy cập. Nếu là ngày bình thường, Quỳnh chỉ cần sang phòng kỹ thuật gọi Đức hoặc bất cứ IT-man nào là sự cố sẽ được khắc phục chỉ sau năm mười phút. Nhưng hôm nay, kể cả khi mọi người phòng kỹ thuật đều có xe lội nước hoặc trực thăng để đi làm đông đủ, cô cũng thấy việc sang đó gọi rồi chờ người qua xử lý mất thời gian và không cần thiết. Thay vào đó, cô sẽ…

- Em không vào được folder share. Anh gửi bài đấy vào mail chung được không ạ?

- Server mail của toà soạn đang chết, em cho tôi địa chỉ mail riêng đi.

- Dạ, kem ốc quế hai không không sáu viết liền, a còng ya hu chấm com.

Đăng lại phải dùng đến cơn ho để bào chữa cho gương mặt đang đỏ lựng lên (lần này là vì nhịn cười). Anh không biết là cô lại thích kem ốc quế đến vậy!

Bài báo trên New York Times dài và khó hơn Quỳnh tưởng, nhiều câu phức với các mệnh đề bổ nghĩa liên tiếp nhau, nhiều từ nguyên gốc của thổ ngữ châu Phi dù đã được tác giả giải thích nhưng vẫn không dễ hiểu hơn, nhiều hình tượng ẩn dụ liên quan đến hoàn cảnh lịch sử chính trị khá đặc biệt của các nước thuộc địa cũ… Dù đã đọc lại vài lượt và cơ bản nắm được nội dung chính trước khi bắt tay vào dịch, cô vẫn phải mở hàng loạt các trang web từ điển hoặc bách khoa toàn thư để tham khảo, tra cứu những khái niệm xa lạ. Cũng may, cô đã dịch xong một bài tổng hợp thành tựu y học mới và gửi sẵn vào mail từ đêm qua nên mục Sức khoẻ – Làm đẹp sáng nay không đến nỗi trống trơn.

Mải mê với bản dịch, Quỳnh quên hẳn thời gian cũng như khung cảnh có thể gọi là “trai đơn gái chiếc ở chung một phòng”. Dù tiếng ho của Đăng thỉnh thoảng lại vang lên từ chiếc bàn phía sau, cô không hề giật mình, cũng không phân tâm hay dè chừng, chỉ tập trung vào văn bản đang chậm chạp nhích thêm từng mươi từ một trên màn hình. Mãi đến khi anh đến sát bên bàn cô, cô mới choàng tỉnh, ngẩng lên.

- Mười hai giờ rồi, em đi ăn đi! – Đăng vừa nói vừa tránh gương mặt ngơ ngác dễ khiến người khác xao lòng của cô bằng cách liếc miếng “kem ốc quế” đậu trên mái tóc hơi rối.

Ánh mắt anh làm Quỳnh sực nhớ ra chiếc cặp nhựa quá sặc sỡ và trẻ con so với bộ đồ công sở. Cô vội đưa tay lên đầu định gỡ nó cất đi nhưng thấy Đăng bình thản đưa mắt sang màn hình máy tính, cô lại luống cuống bỏ tay xuống, nói như phân trần:

- Còn khoảng một trăm từ nữa là xong thôi ạ.

Đăng gật đầu, cố nói thật tự nhiên nhưng không hiểu sao vẫn thấy giọng mình khàn hẳn đi:

- Cứ để đấy, đi ăn với tôi đã.

Quỳnh thậm chí không dám ngẩng lên nhìn anh. Cô bắt mắt mình dán chặt xuống bàn phím còn đầu thì lắc như cái máy:

- Anh cứ đi trước đi ạ. Còn có một đoạn ngắn, em dịch nốt cho gọn ạ.

Đăng đã đoán được câu trả lời nên chỉ “ừ” một tiếng rồi đi thẳng ra ngoài. Hành lang toà soạn vẫn vắng lặng, thang máy và sảnh lác đác vài người. Ngoài đường, nước đã rút gần hết, chỉ còn vài vũng nhỏ. Bầu trời nặng trịch một màu xám chì như muốn trút thêm một vài trận mưa nữa. Bước nhanh về phía cuối đường, nơi có một hàng cơm bình dân nhưng không quá nhếch nhác, Đăng ho húng hắng, thoáng buồn cười vì sự dại dột đột xuất của mình. Lẽ ra anh nên gọi KFC hay cái gì đó tương tự về văn phòng, để không ai có thể từ chối được…

Cuối cùng thì bản tiếng Việt của bài viết dài một ngàn năm trăm từ mới đăng trên tờ báo danh tiếng nhất nước Mỹ cũng xuất hiện trong mục bài chờ duyệt của tờ báo điện tử nghiêm túc nhất Việt Nam. Quỳnh nhổm khỏi ghế, đứng im một lúc, chờ những đoá hoa cà hoa cải đang được cơn đói kích cho nở tưng bừng trước mắt tan dần rồi mới đi ra khỏi phòng. Đã gần mười hai rưỡi, vậy là suốt mười tám tiếng qua, cô không có chút gì vào bụng. Nhịn ăn, lội nước, dịch bài khó, buổi sáng cô vừa trải qua mới xứng đáng với hai chữ “mệt nhọc” làm sao. Giờ thì thẳng tiến đến No Ấm thôi!

Quán cơm bình dân có cái tên thoạt nghe hơi buồn cười ấy không phải hàng ăn gần văn phòng cô nhất, cũng không phải hàng bán rẻ nhất, càng không phải hàng có thức ăn ngon nhất. Quỳnh thích nó vì vài lý do hơi lặt vặt chẳng liên quan gì đến ăn uống. Trong số mấy quán quanh đây, nó là quán duy nhất treo biển hiệu viết đúng chính tả (cụ thể là “cơm suất”, chứ không phải “cơm xuất”) và dán trên bàn tờ giấy ép plastic ghi lời nhắc khách bỏ rác vào giỏ dưới chân.

Chị chủ có thân hình đẫy đà như cái ấm samovar thấy khách quen mặt nên cũng không vồn vã hỏi han mời chào món này món kia, chỉ lẳng lặng “nhận lệnh”. Gọi món xong, Quỳnh mới để ý là quán hôm nay đông nghẹt, bên trong không còn một bàn trống. Đang định nhìn xem có ai sắp đứng lên thì xí chỗ, thấy thằng bé giúp việc bê khay cơm của mình ra phía cửa, cô vội vã đi theo. Hoá ra ngoài hiên vẫn còn một bàn có thể ghép được, vì có một khách cũng đi một mình giống cô. Hẳn Quỳnh sẽ thấy mình thật may mắn vì không phải đứng chờ lâu, nếu như người ngồi ở nửa bàn bên kia không phải là Đăng.

Đăng nhìn những món trong chiếc khay vừa được thằng bé giúp việc nhanh nhẩu đặt xuống, suýt nữa thì sặc cơm lên mũi. Canh rau ngót, trứng đúc thịt, su su luộc chấm muối vừng, nếu bỏ qua bát cà pháo dầm ớt (hay bát ớt dầm, điểm thêm mấy miếng cà gọi là!) thì có thể nói hai người chọn món giống hệt nhau. Quỳnh chắc chắn cũng đã nhận ra điều đó, cô ngồi im như tượng, mắt nhìn đăm đăm vào suất cơm đã vơi quá nửa của người cùng bàn, hai má tự nhiên đỏ bừng như say rượu. Gương mặt dường như ngượng nghịu mà cũng rất giống phụng phịu của cô làm Đăng không kìm được, phải cười thành tiếng. Một lát, khi cả tiếng cười và tiếng ho của anh đều được nén trong cổ họng, thấy Quỳnh vẫn cúi gằm xuống nghiên cứu “thông điệp môi trường” dán trên mặt bàn, anh cầm đũa lên, nói nhỏ:

- Em ăn đi!

Quỳnh vẫn không nhúc nhích. Hai vành tai cô có lẽ sắp bốc khói khét lẹt đến nơi! Trời ơi, tại sao xưa nay cứ lúc nào cô hành động cư xử giống Cô Khùng hoặc Con Khờ nhất thì Đăng lại xuất hiện? Tại sao cô không để ý quan sát xung quanh? Nếu chịu khó nhìn trước ngó sau một chút, có phải cô đã tránh được tình cảnh trùng hợp khó xử này không?

- Come on, girl! – Thấy Quỳnh không có vẻ gì là muốn động đậy hay động đũa, Đăng đành phải dùng đến thứ tiếng mẹ… ghẻ – We had no more choice. Take it or leave it!

Tiếng Anh vốn trung tính, ngắn gọn và thẳng thắn nhưng đồng thời vẫn đủ biểu cảm cũng như tế nhị, Quỳnh chần chừ thêm một giây rồi cũng tỏ ra chấp nhận mấy câu nói mà nếu Đăng diễn tả bằng tiếng Việt hẳn sẽ không hề lọt tai ấy. Vẫn không ngẩng lên nhìn anh lấy nửa cái, cô bưng bát cơm, bắt đầu tấn công khay thức ăn, như thể có thù với nó từ ba kiếp trước.

Mười lăm phút sau, người ngồi chung bàn với Quỳnh ở hàng cơm quay về văn phòng, trên mặt vẫn phảng phất nét cười. Hình như anh vừa phá kỷ lục “ăn trưa tốc hành” của bản thân, và điều kỳ lạ là lý do của kỷ lục mới này lại không phải vì công việc. Rót một cốc nước ấm, bật màn hình máy tính và truy cập vào phần bài chờ lên trang, anh đọc lướt thật nhanh qua bài báo về du lịch Tây Phi. Không có sai sót nghiêm trọng nào, chỉ có một đôi câu dịch quá sát nghĩa đen trong khi ý của người viết lại thiên về nghĩa bóng. Mấy đoạn tác giả vận dụng chơi chữ để châm biếm cũng được biến thành những câu chơi chữ tiếng Việt khá trơn tru.

Sau khi sửa lại những điểm chưa chỉnh, đánh dấu duyệt và bấm nút gửi để bài báo lên trang, Đăng mới để ý trong phần bài mới gửi còn có một bài khác, một bản tổng hợp tin tức y học với khá nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó nhằn. Chưa kịp đọc hết cả bài, anh thoáng giật mình vì tiếng mưa rào rào đập vào lớp cửa kính sau lưng. Hơi ngoái nhìn ra ngoài một lát rồi lại quay ngay vào, anh lắc đầu chán nản. Dường như lượng nước bốc hơi lên trời trong suốt đợt nắng nóng vừa qua đang được gửi trả mặt đất, gửi cả vốn lẫn lãi! Đường sẽ lại ngập và văn phòng sẽ lại vắng tanh như từ sáng đến giờ… Nghĩ đến đó, Đăng chợt đưa mắt về phía góc bàn của người duy nhất trong phòng đội mưa đi làm (không tính anh). Chiếc ô lúc sáng đang nằm ngay ngắn cạnh màn hình.

Quỳnh hơi co người, lùi sát vào tường của một ngôi nhà đóng cửa im ỉm. Mái hiên di động đã gãy xệ không thể ngăn những dòng nước mưa đang xối xả trút xuống nhưng ít nhất cô cũng giữ cho đầu và vai mình khỏi ướt. Lá và rác bít kín những cửa cống, những rãnh thoát ven vỉa hè bắt đầu tỏ ra quá tải, nước dần dềnh lên vỉa hè nơi cô đứng trú. Chỗ này chỉ cách văn phòng vài chục mét, liệu cô có nên nhắm mắt đội mưa chạy về không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Quỳnh có thể nhắm mắt và đội mưa nhưng cô không thể chạy. Cô cúi xuống xắn quần, cầm đôi sandal cao gót lên tay, để mặc làn nước cùng mấy cọng lá rác liếm láp chân mình, lặng lẽ nhìn đường phố trắng xoá trong mưa.

Một chiếc xe máy chở ba chạy xẹt qua chỗ ngập, tiếng cười khanh khách vô tư lự của những người vẫn mặc đồng phục học sinh ngồi trên xe đuổi theo những bọt nước bắn về phía Quỳnh. Tự nhiên cô nhớ về một ngày mùa hè, một cơn mưa rào bất chợt, một con đường núi đầy cua dốc, một chiếc Minsk có tiếng nổ giòn giã, một chiếc áo mưa kiểu măng tô và hai người không thể coi là xa lạ nhưng cũng chẳng biết gì về nhau…

Khi đôi mắt to đen của Quỳnh dần phủ một lớp sương mờ mịt không rõ là hơi nước hay hồi ức, một trong hai người đã từng ở trên chiếc Minsk đi xuyên qua màn mưa, tiến dần về phía cô. Anh vừa đi vừa nhìn hai bên đường như tìm kiếm ai đó. Và khi thấy cô, tay xách đôi sandal, quần xắn đến sát đầu gối, hơi co ro nép vào một góc hiên, gương mặt vốn luôn bị coi là hờ hững, kém biểu cảm của anh bỗng hiện ra vài tia vui mừng.

Lội đến trước mặt Quỳnh, tránh ánh mắt ngỡ ngàng, thậm chí là hoang mang như đứa bé lạc đường của cô, Đăng một tay nâng cao chiếc ô, một tay khoát về phía toà nhà mà anh vừa đi ra, nói không nhanh không chậm:

- Gần hai giờ rồi, về văn phòng thôi!

Phải mất vài giây, Quỳnh mới tỏ dấu hiệu đã nghe và hiểu. Cô mấp máy môi định nói gì đó rồi lại thôi, vội vàng bước xuống khỏi bậc thềm và vỉa hè, cúi đầu tiến vào dưới tán ô. Chiếc ô nhỏ vốn chỉ đủ che cho một người, Quỳnh không cần liếc sang cũng biết một bên vai Đăng đang bị mưa quất, cô không nghĩ ngợi, thu người lặng lẽ nhích gần anh hơn. Khi vai cô theo đà di chuyển khẽ chạm vào cánh tay anh, Đăng thoáng khựng lại. Anh nghe thấy tiếng mưa lộp bộp trên tán ô, nghe thấy cả tiếng tim mình đập không theo quy luật nào. Anh cố gắng đẩy bật sự ngượng ngùng ra khỏi tầm che của chiếc ô bằng một lời nhận xét về công việc, cụ thể là về bài dịch vừa lên trang. Thật may, người bên cạnh cũng đang thật sự cần tham khảo kinh nghiệm. Những câu hỏi và câu trả lời liên quan đến nhiều kiểu chơi chữ và ẩn dụ trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Mỹ còn chưa chấm dứt, hành trình lội nước về văn phòng đã kết thúc.

Hai người bước vào thang máy, cảm xúc khá tự nhiên và nhẹ nhõm có được sau cuộc trao đổi công việc dưới mưa đột nhiên bị không gian quá chật hẹp yên tĩnh nuốt mất. Đăng ho khẽ, nhìn đôi sandal nãy giờ vẫn đung đưa trên tay Quỳnh, giọng không cố ý mà vẫn khàn khàn một cách… cuốn hút:

- Em… ừm… đang đi chân đất.

- Dạ? – Quỳnh nghiêng đầu quay sang, hơi ngơ ngác.

Đăng không nhắc lại câu nói, anh đưa mắt nhìn đôi bàn chân rám nắng với vài vệt da trắng do được quai dép che phủ của cô. Cô dõi theo ánh mắt anh, chợt “á” lên một tiếng, vội vàng thả đôi sandal xuống. Cử chỉ hấp tấp luống cuống và gương mặt đỏ ửng của cô khiến anh buồn cười. Để tránh cho cô thêm xấu hổ, anh cố nén, ngửa đầu nhìn bảng số. Khi thang đến tầng 5, một chuỗi âm thanh khúc khích đột nhiên vang lên. Chủ nhân của chúng không phải Đăng mà là Quỳnh, cô bây giờ mới để ý, chân anh đang xỏ vào đôi dép tổ ong cô đi lúc đầu giờ sáng.

Suốt buổi chiều, những tin tức về đợt mưa ngập gợi nhớ cơn đại hồng thuỷ cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008 vẫn tràn ngập trên các trang báo điện tử thu hút sự chú ý của phần lớn độc giả. Tại toà soạn báo Quan Sát, trong phòng làm việc của nhóm tin quốc tế, hai người hiếm hoi không “vắng mặt vì lý do bất khả kháng” chăm chú nhìn bảng số liệu thống kê lượt đọc trên màn hình máy tính, chẳng ai bảo ai, kín đáo thở dài. Chất lượng bài dịch hôm nay rất tốt, có thể nói là không chê vào đâu được, nhiều bài có thông tin hay và ảnh minh hoạ cũng bắt mắt, nhưng số lượng bài giảm mạnh nên tổng lượt đọc vẫn không mấy khả quan.

Quỳnh bấm nút gửi thêm một bài vào chuyên mục chuyện lạ bốn phương. Đây là chuyên mục vô thưởng vô phạt nên chỉ cần tuân theo quy định hậu kiểm, tức là kiểm duyệt sau khi đăng. Trước đây, chuyên mục thường chỉ đăng bài và ảnh do một số cộng tác viên tiếng Trung sưu tầm từ các mạng xã hội hỗn loạn hoặc các web không mấy tên tuổi của Trung Quốc, biên tập viên kiêm nhiệm thì lơ là nên thỉnh thoảng báo cũng bị độc giả mắng vốn vì tung tin vịt. Từ khi cô vào làm, số lượng bài có nguồn gốc từ báo, tạp chí phương Tây tăng lên, tin do cộng tác viên gửi được sàng lọc kỹ càng hơn, chuyên mục cũng trở nên gọn gàng và phần nào đáng tin cậy hơn.

Trong hành lang toà soạn bắt đầu xuất hiện tin đồn rằng sau thời gian thử việc, Quỳnh sẽ được “lên đời” thành người phụ trách chuyên mục. Tuy đây chỉ là một góc nhỏ vô thưởng vô phạt trên trang web đồ sộ của một tờ báo điện tử lớn, việc một nhân viên mà chữ “khá” trên bằng tốt nghiệp còn chưa ráo mực như cô có thể được giao cơ hội quản lý nó cũng khiến không ít người xôn xao. Nghe những lời bàn tán, háo hức có, ghen tị có, mỉa mai cũng có, Quỳnh giữ im lặng, coi như chúng đang nhằm vào ai khác. Trước mắt, tất cả những gì cô muốn là có thể cầm tháng lương thử việc đầu tiên, không bị trừ xu nào, để có thể tự lo cho bản thân và… trả nợ.

Chủ nợ của Quỳnh đang ngồi sau cô, chỉ cách vài bước chân. Bàn anh và bàn cô gần như song song với nhau, nếu muốn nhìn về phía anh, cô bắt buộc phải quay hẳn người lại. Cô không biết anh đang làm gì, nãy giờ trong phòng chỉ có tiếng bàn phím của chính cô. Cô muốn lên tiếng phá vỡ bầu không khí vắng lặng sũng hơi nước của văn phòng ngày mưa, nhưng rồi lại không dám. Đã lâu lắm rồi, cô không còn được mọi người khen vì nhanh mồm nhanh miệng. Sau gần một ngày với nhiều sự kiện không thể coi là bình thường, giờ đây, Quỳnh cảm thấy có một thứ gì đó rất tinh tế, như một sợi tơ mỏng manh nhưng dai dẳng, đang kết nối cô và anh. Cô sợ rằng nếu mình lên tiếng hay cử động, sợ tơ đó sẽ đứt, hoặc sẽ thít chặt vĩnh viễn.

Chỉ còn vài chục giây nữa là hết giờ làm việc, tiếng ồn của mưa đập vào cửa kính và sự im lặng quá mức của người ngồi sau khiến nỗi sợ của Quỳnh vơi đi, cô rụt rè quay lại. Đăng đang chống cả hai tay lên bàn, trán gục vào giữa hai bàn tay đan chéo, tư thế mà các diễn viên nam trong phim truyền hình Hàn Quốc vẫn hay làm sau khi đón nhận những tin tức bi thảm như công ty phá sản hay người yêu bị ung thư.

- Anh chuẩn bị về chưa ạ? – Quỳnh ngập ngừng hỏi, giọng nói không run nhưng vẫn mang vẻ nửa sợ sệt nửa lo âu.

Không có tiếng trả lời. Quỳnh đứng dậy, bước nhẹ đến bên bàn. Đăng đang nhắm nghiền mắt như ngủ. Cô chưa bao giờ thấy anh có vẻ mệt mỏi như vậy. Trong lúc cô còn đang phân vân không biết nên gia tăng âm lượng hay trực tiếp đưa tay lay lay anh, anh ngẩng đầu lên nhìn cô, ánh mắt hơi lơ mơ thất thần, giọng khàn đến kỳ cục:

- Em về trước đi. Tôi còn mấy bài chưa duyệt xong, chắc ngồi thêm lát nữa.

- Anh không sao chứ? – Quỳnh thấy cách phát âm của mình cứ như người nước ngoài lần đầu học tiếng Việt.

- Không sao, đau đầu chút thôi. – Đăng lắc lắc đầu, với tay di chuột để máy tính thôi chạy screensaver, liếc nhìn đồng hồ trên góc màn hình – Hết giờ rồi, em về đi!

Thấy anh có vẻ linh hoạt hơn, Quỳnh tuy không thật yên tâm nhưng vẫn gật đầu, quay lại bàn thu dọn đồ đạc, chào anh rồi ra khỏi phòng. Cô chậm rãi đi qua hành lang để tới cửa thang máy. Mọi ngày, đầu giờ sáng và cuối giờ chiều luôn là thời gian thang máy bận rộn đến mức quá tải nên Quỳnh thường đi thang bộ, dù sao thì văn phòng cũng chỉ nằm ở tầng 6, lên xuống ngày hai lượt cũng chỉ như là một bài thể dục nhẹ cho đỡ cắn rứt lương tâm vì trót mang thân phận nhân viên công sở lười vận động.

Hôm nay, vì cơn mưa chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhiều người vẫn nán lại văn phòng, hoạt động của thang máy nhàn đi trông thấy. Quỳnh thì đã vận động đủ chăm chỉ qua mấy chặng đường ngập nước lúc sáng, cô quyết định nuông chiều hai bắp chân vẫn chưa hết nhức mỏi của mình một chút. Cửa thang vắng tanh, chỉ có hai nhân viên vệ sinh đang vừa lau dọn vừa kể cho nhau về một ông nào ở tầng trên ngấm mưa bị cảm phát sốt. Quỳnh nhón chân đi qua chỗ họ vừa lau, với tay bấm nút gọi thang, những lời buôn chuyện lơ đãng bay tà tà ngang vành tai.

Đăng vơ lấy con chuột bấm nút duyệt cho thứ được gọi là “tin giải trí dịch từ báo Hàn Quốc” đang chình ình trên màn hình. Chỉ có lời dẫn ngắn gọn cùng vài dòng chú thích sơ sài, kéo theo gần chục bức ảnh của một ca sĩ thoạt nhìn không rõ giới tính đang vào vai thứ trong một bộ phim thần tượng, bài viết quá nghèo nàn và nông cạn, nhưng chính vì lý do đó nên nó chẳng có lỗi dịch nào, và anh vừa cho phép nó lên trang. Xét cho cùng, tin tức đó cũng thực sự có tính giải trí, ảnh thì rất đẹp còn phần văn bản đi kèm thì cực kỳ nhạt nhẽo. Người đọc, nếu không phải fan của ca sĩ – diễn viên kia, có thể đem nội dung quá hời hợt dễ dãi của bài báo cũng như toàn bộ những người có liên quan, bao gồm cả người duyệt bài, ra cười cợt một chút. Nhếch môi cười vì suy nghĩ không chút xây dựng nào của mình, anh hơi ngả người ra sau, nhắm mắt lại. Cổ họng càng lúc càng rát và đầu càng lúc càng nhức, giá mà được ngủ một giấc…

Ngoài hành lang, tiếng chân quen thuộc vang lên càng lúc càng gần làm Đăng mở mắt, anh chậm rãi ngồi thẳng dậy nhìn Quỳnh đẩy cửa bước vào phòng. Trước khi anh mở lời hỏi cô tại sao quay lại, cô đã đến bên bàn, nói nhanh như máy:

- Em xin phép!

Rồi cô đưa tay sờ lên trán anh. Đăng còn chưa kịp cảm nhận bàn tay mát lạnh của cô, chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra, cô đã lại tuôn ra thêm một câu nữa, cũng bằng tốc độ của một người gọi điện thoại kêu xe cấp cứu khi máy sắp hết pin:

- Anh chờ một chút, em xuống kia rồi lên ngay ạ.

Mươi phút sau, cô quay lại, đặt trước mặt anh một gói bánh ruốc và một túi nylon đựng thuốc. Cô mở túi thuốc, cả nhịp thở lẫn nhịp nhả chữ đều đã ở mức bình thường:

- Đây là thuốc giảm đau hạ sốt, còn đây sirô ho. Anh ăn bánh xong rồi hãy uống ạ.

Đăng chẳng biết làm gì hơn là nhìn sững vào gương mặt vừa ân cần vừa bẽn lẽn của Quỳnh. Cô vẫn vậy, luôn quan tâm đến sức khoẻ mọi người, thường quyết định mọi việc trong nháy mắt và thỉnh thoảng lại có những hành động chẳng ai (trừ Trần Thu Trang) lường trước được. Bốn năm qua, anh không lúc nào quên…

- Nếu không có việc gì nữa, em xin phép về trước. – Quỳnh cúi đầu tránh ánh mắt chắc chắn đang nóng hơn 36,5 độ của người ngồi bên bàn, trong ngực nảy lên một cảm giác là lạ, không hẳn bất an nhưng thật sự bất bình thường.

- Cảm ơn em – Cuối cùng thì người còn lại trong phòng cũng mở miệng. Anh tiếp tục nhìn cô đăm đăm, đơn giản vì chẳng biết nói gì thêm.

Cảm giác bất bình thường trong ngực Quỳnh càng lúc càng tăng cao, cô gật đầu thay lời chào rồi xốc lại chiếc túi trên vai, quay người bước về phía cửa.

- Đợi chút đã! – Người ngồi bên bàn đột ngột xô ghế đứng dậy.

- Có việc gì ạ? – Quỳnh thấy chân mình hơi bủn rủn.

Đăng dằn cơn ho, cúi xuống xách đôi dép tổ ong lên chìa về phía cô:

- Cái này, nãy giờ tôi vẫn đi, quên trả em.

- À… vâng… – Quỳnh hơi luống cuống trong vài tích tắc, cuối cùng vẫn mỉm cười – Anh cứ đi đi ạ. Nước rút hết cả, em đi sandal được rồi.

- Thôi, giày tôi để trong phòng điều hoà từ sáng cũng gần khô rồi. Em cầm về đi!

Cô ngập ngừng thêm chốc lát rồi gật đầu, vươn tay cầm lấy đôi dép trong tay anh. Đầu ngón tay người này khẽ quệt qua mu bàn tay của người kia, nhẹ và nhanh hơn cả một que diêm quệt vào cạnh hộp. Không có tia lửa nào loé ra nhưng gò má Quỳnh nóng bừng lên như vừa đi nắng còn Đăng thì thấy nhiệt độ cơ thể mình lại cao hơn một chút. Anh quay đầu ho mấy tiếng. Tiếng ho nằng nặng khiến Quỳnh thoáng nhíu mày, cô chỉ về phía bàn:

- Loại sirô ho kia tốt lắm, anh uống luôn đi ạ.

Đăng chỉ khẽ gật đầu, chân không hề nhúc nhích.

- Nếu cần uống kháng sinh, anh đi khám để bác sĩ kê đơn cho an toàn.

Đăng ậm ừ, vẫn đứng yên tại chỗ.

- Thuốc giảm đau hạ sốt kia ảnh hưởng đến dạ dày. Anh ăn hết bánh xong rồi hãy uống thuốc. Bánh chắc là không ngon lắm…

Người được căn dặn lại gật đầu, vẫn không rời mắt khỏi gương mặt đỏ ửng của cô. Quỳnh tránh ánh mắt anh, lí nhí thanh minh:

- Xin lỗi anh, nhà em có nhiều người làm nghề y dược nên em hơi… phiền phức.

Đăng bật cười, lắc đầu, đột nhiên đẩy về phía cô một câu hỏi, không hề liên quan đến dược phẩm hay thực phẩm:

- Chiều Chủ nhật tuần này em rỗi không?

Chắc hẳn Quỳnh vẫn còn tự hỏi Đăng có ý gì khi quan tâm đến việc chiều Chủ nhật tuần này cô rỗi hay bận nếu như vào sáng thứ Bảy, cô không nghe thấy mọi người trong phòng í ới hỏi nhau xem tiền lương đã về tài khoản hay chưa. Là nhân viên thử việc, cô chưa được trả lương qua tài khoản ATM mà phải lên phòng kế toán lĩnh tiền mặt. Cầm chiếc phong bì không dày không mỏng trong tay, cô để mặc cho những ý nghĩ lan man kéo mình đi.

Vào cuối giờ chiều của ngày đầu tuần mưa gió ấy, cô đã trả lời câu hỏi đột ngột và hoàn toàn không ở trong phạm vi công việc của Đăng bằng một cái lắc đầu chớp nhoáng rồi vội vã ra về. Thậm chí, vì không dám quay lại nhìn anh thêm chút nào, cô cũng chẳng rõ anh có nhận được tín hiệu từ chối của cô hay không nữa. Hôm sau, anh nghỉ làm, cô biết tại sao và muốn nhắn tin hay gửi mail hỏi thăm nhưng rồi lại không dám. Hôm sau nữa, anh đi làm và từ đó không hề gặp riêng hay nói chuyện riêng với cô lần nào. Tất cả những gì được trao đổi giữa hai người chỉ là mấy câu chào hỏi, vài lưu ý về công việc và một đống file chứa cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Mấy lần, trong lúc đợi cơm trưa hay dừng trước đèn đỏ, Quỳnh nhận thấy mình đang nghĩ về Đăng và về câu hỏi không chút “chí công vô tư” kia. Cô tự hỏi, phỏng đoán, có lúc còn thử đặt vấn đề xem nếu lúc đó cô mà liều lĩnh gật đầu thì mọi chuyện sẽ diễn biến ra sao… Tất nhiên, mọi suy luận đều chẳng đi đến đâu và Quỳnh vẫn luôn tạm biệt chúng rồi nhanh chóng kéo bản thân trở về mặt đất bằng cách tự nhủ rằng chắc người kia hôm đó bị sốt nên có phần mê sảng!

Nhưng hôm nay, sau khi ra khỏi phòng kế toán với tháng lương đầu tiên trong tay, cô không thể không ngoắc mấy sự kiện lại với nhau và tự vỗ vào trán mình mấy cái. Tại sao cô lại chậm hiểu và nhanh quên đến thế cơ chứ?! Cô còn cầm một triệu của Đăng và đã cam kết sẽ trả ngay sau khi lĩnh lương. Anh dĩ nhiên biết rõ ngày nào là thuận tiện nhất cho việc thanh toán nợ nần và chỉ tạo cơ hội cho cô không phải lấm lét đem phong bì tiền đặt ở bàn làm việc của anh thôi mà! Đành rằng câu hỏi của anh chẳng liên quan đến công việc, lại hơi (nói cách khác là vô cùng) đột ngột, nhưng dù sao cô cũng nên tiếp nhận rồi trả lời nó một cách tích cực, hoặc ít ra là nghiêm túc hơn một chút.

- À lố!

Giọng nói vui vẻ quen thuộc vang lên sau lưng khiến Quỳnh nhanh chóng gạt hỗn hợp giữa suy luận, tưởng tượng và tự trách kia sang một bên. Cô quay lại, nghênh đón ánh mắt quan tâm và nụ cười được nha sĩ khuyên dùng của Đức. Anh đang cầm một đống đĩa phần mềm, có lẽ là đi cài lại máy cho phòng nào.

- Sao anh gọi mấy lần không thưa thế? Bị sốc vì lương cao quá à?

- Em chỉ đang nghĩ xem có những khoản nào cần tiêu… – Quỳnh thoáng ngập ngừng, dù sao những lời này cũng không tính là nói dối. Chắc chắn cô sẽ phải tiêu ngay một khoản không nhỏ – Anh làm gì với tháng lương đầu tiên?

- Anh mời cả nhà đi ăn ở khách sạn.

- Ồ…

Trước vẻ thán phục của Quỳnh, Đức cười hơ hơ:

- Cả nhà ở đây là anh và ông già, không tính nhà bà chị.

Quỳnh mỉm cười, không bình luận. Đôi khi, cô thoáng thấy một chút buồn hay tủi thân trong nét cười tưởng chừng rất vô lo của Đức. Mẹ Đức mất cách đây gần hai mươi năm, chị gái thì đã đi lấy chồng, gia đình dù đủ ăn đủ tiêu nhưng thiếu bàn tay chăm chút của người phụ nữ chắc cũng không tránh khỏi cảm giác khô khan, chông chênh.

- Này, chiều mai em rỗi không? – Đức chợt hỏi một câu rất quen.

- Em… không rõ – Quỳnh quyết định trả lời nước đôi. Trong vòng vài ngày, cô đã nghe câu hỏi kiểu này hai lần nên ít nhiều cũng biết cách chừa đường rút lui – Em có việc nhưng chưa biết thời gian cụ thể.

- À, cũng không có việc gì đâu, anh định rủ em qua công viên Thống Nhất chơi, tầm bốn rưỡi anh cho Pizza ra đấy tập thể dục giảm cân.

- Vâng – Nghe đến tên con chó cưng của Đức, Quỳnh thấy mình bớt hẳn vẻ e dè – Để tí nữa em hỏi lại giờ rồi nhắn tin cho anh nhé.

Đức gật đầu, nhoáng cái đã biến mất phía sau một chỗ ngoặt. Quỳnh đứng nhìn hành lang trống trơn, chợt thấy đầu óc nhẹ tênh. Trước mặt Đức, cô luôn cảm thấy thật tự nhiên và dễ chịu, cảm giác gần giống như khi được xỏ chân vào một đôi dép tổ ong cũ vừa đủ rộng. Trời đất ạ, tại sao tự nhiên cô lại nghĩ về đôi dép tổ ong cơ chứ? Quỳnh lắc lắc đầu, cố bới ra một thứ gì khác để lấp lên hình ảnh hai bàn tay khẽ quệt vào nhau khi đưa và nhận đôi dép… Phải rồi, cô còn một bài cần dịch.

Trở lại góc làm việc quen thuộc, vừa khởi động máy, chưa kịp mở bài cần dịch, Quỳnh đã suýt đứng tim vì một bất ngờ nhảy xổ ra trên Yahoo Messenger: Đăng gửi yêu cầu kết nối với cô. Trong chốc lát, Quỳnh đờ ra trước màn hình, gáy và lưng nóng rực, đầu ong ong như có vài chiếc máy sấy tóc đang hoạt động hết công suất ngay đằng sau. Vừa rồi, khi bước vào phòng, dù đã tránh nhìn về phía bàn trưởng nhóm, cô vẫn biết anh không rời mắt khỏi một cử động nhỏ nào của mình. Lúc đó, cô chỉ hơi chột dạ, nghĩ mình rơi vào tầm ngắm vì đi lĩnh lương về muộn. Nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Quỳnh ngây ngốc nhìn tin nhắn gửi kèm yêu cầu kết nối của anh. Chỉ một câu tiếng Anh “I’m Dang” vô cùng cơ bản, sao cô dịch mãi không xuôi?

Đăng gần như nín thở chờ đợi phản ứng vô cùng chậm chạp của người mang nickname vừa ngộ nghĩnh vừa ngọt ngào mà anh vừa gửi yêu cầu kết nối. Cô ngồi bất động, mắt dán vào màn hình, tay nắm khư khư con chuột, thế nhưng chương trình trên máy anh vẫn chưa báo phía bên kia đã accept hay deny. Lâu lắm rồi anh không có cảm giác này, hồi hộp gõ nickname, đắn đo mãi mới viết được một lời tự giới thiệu vừa ý (“I’m Dang”, có cần phải ngắn và ngố như thế không?), bấm nút gửi yêu cầu kết nối mà tay còn hơi run run, cứ như cậu nhóc lần đầu lập nick chat. Tất cả chỉ vì anh không biết làm cách nào để nói chuyện riêng với cô mà không khiến cả hai ngượng nghịu.

Đầu tiên, anh định gửi tin nhắn, nhưng chưa kịp làm thì điện thoại của anh đã bị móc mất trong lúc đứng chờ lấy số ở phòng khám. Quỳnh dùng sim khuyến mại, số điện thoại vừa dài vừa trúc trắc, anh nghĩ nát óc cũng chỉ nhớ ra bốn số cuối. Mấy hôm sau, anh mất giọng, khào khào như con mèo hen, lại bận như điên do phải theo dõi tin tức của mấy sự kiện quốc tế lớn diễn ra cùng lúc nên cũng không có cơ hội thông báo về chuyện mất điện thoại và hỏi xin lại số của bất cứ ai trong phòng. Đến tận hôm nay, khi ngày thứ Bảy đã trôi qua được một nửa, anh mới tạm ngơi khỏi công việc để nhớ ra là cô đã từng đọc cho anh địa chỉ mail Yahoo.

Cuối cùng thì thông báo kết nối đáp lễ từ nick kemocque2006 cũng hiện ra màn hình của Đăng. Anh không do dự bấm nút Ok và mở cửa sổ chat. Nhưng anh đã chậm một bước, Quỳnh mới là chủ nhân của dòng đầu tiên hiện ra trên cửa sổ.

- Mấy hôm nay anh thấy khoẻ hơn chưa ạ?

- Cảm ơn em, đỡ hơn nhiều rồi. Thuốc em mua tốt lắm. Tôi mới uống đến 1/3 chai đã dứt hẳn ho. – Anh quyết định trò chuyện vòng vo để pha loãng sự ngượng nghịu của bản thân.

- Vâng. Loại đó là đông dược, hơi khó uống nhưng hiệu quả hơn sirô ngoại.

- Hình như cũng dễ mua đúng không?

- Dễ lắm ạ, hầu như hiệu thuốc nào cũng có. Loại đấy thực ra có cả thuốc viên nhưng dạng sirô phổ biến hơn vì dùng được cho trẻ con.

- À, ra thế – Đăng muốn đập đầu vào màn hình vì dòng đáp của mình thật vô duyên, nhạt nhẽo. Anh gấp rút bổ sung một câu – Em có vẻ rất tâm đắc với chuyện chữa bệnh, sao không theo truyền thống gia đình?

- Em học không vững hai môn sinh, hoá, cố lắm cũng chỉ được 7 đến 7,5 điểm là căng, mà điểm chuẩn của trường Y và Dược Hà Nội năm nào cũng xấp xỉ 25, 26 nên em không dám thi ạ.

- Dược thì tôi không rõ chứ Y thì có nhiều trường, ngay Y Hà Nội cũng có mấy ngành lấy điểm không đánh đố quá mà.

Cô trả lời anh bằng một biểu tượng mặt cười nhạt nhẽo – .

- Em hơi run vì áp lực ở nhà, thấy tiếng Anh của mình cũng tạm ổn chuyển sang khối D cho an toàn ạ.

- Tôi hiểu. – Đăng cũng đáp lại cô bằng biểu tượng mỉm cười, dù nó hoàn toàn không diễn tả được sự cảm thông và an ủi mà anh muốn biểu đạt. Thời sinh viên đi trông thi đại học, anh đã chứng kiến cảnh nhiều vị phụ huynh thúc giục, ép buộc con cái về chuyện phải thi khối nọ khối kia, đỗ vào trường này trường khác để làm rạng danh dòng họ. Có lẽ gia đình Quỳnh cũng chất lên vai cô những gánh nặng gần giống vậy… Anh gõ thêm một câu động viên nhưng cũng rất thật lòng – Anyway, tin bài y dược em dịch rất hay, cứ chủ động tìm bài đưa lên nhé.

- Vâng, nhưng pageviews thì sao ạ?

- Mấy mục này chỉ lo thiếu bài chất lượng chứ không lo thiếu pageviews. Cần thiết thì thay title thay ảnh một chút là được. Em có thể vào Dân Trí hay Ngôi Sao đọc thử mấy bài tương tự để biết cách treo đầu dê – Anh đưa kèm biểu tượng nháy mắt.

- Em vào ngay đây ạ. – Cô mạnh dạn dùng biểu tượng cười nhe răng, .

- À, về chuyện hôm trước, chuyện tôi hỏi em Chủ nhật có rỗi không ấy mà.

- Vâng?

- Xin lỗi, tôi hỏi đường đột quá, làm phiền em rồi.

- ….

- Tôi muốn mời em đi xem phim – Đăng gõ nhanh khi chương trình báo bên kia vẫn đang “typing a message”, có lẽ cô còn bận biên tập câu chữ để vừa công nhận là hôm đó anh đã làm phiền cô vừa không làm mất mặt anh – Chiều mai ở CLB Điện ảnh có một phim tài liệu về Việt Nam, đạo diễn người Mỹ sang đây giao lưu.

Buổi chiếu phim tài liệu và giao lưu với đạo diễn kéo dài đúng một tiếng rưỡi. Bộ phim có lời bình chậm rãi dễ nghe, chủ đề về cuộc sống Việt Nam sau Đổi mới nên cũng gần gũi và không có gì khó hiểu. Phòng chiếu không kín chỗ nhưng cũng khá đông, khán giả đa số là người nước ngoài hoặc người Việt Nam công tác tại các cơ quan nước ngoài nên hầu như không ai cần đến tai nghe khi xem phim. Trong phần giao lưu sau đó, vai trò của phiên dịch cũng vô cùng mờ nhạt. Vị đạo diễn nổi tiếng từng được đề cử giải Oscar cho phim tài liệu đang thu hút mọi ánh mắt bằng thân hình cao lớn, điệu bộ sinh động và cách nói chuyện hài hước của mình. Hình như chỉ có một khán giả nữ trẻ tuổi, có lẽ thuộc thế hệ người Việt sinh ra sau Đổi mới, còn thỉnh thoảng cưỡng lại được sức quyến rũ của ông để chú ý đến người phiên dịch đứng bên cạnh.

Đôi lúc, giữa những khoảng lặng khi micro chưa được chuyển cho khán giả có câu hỏi, cô lặng lẽ chuyển hướng nhìn, kín đáo quan sát anh. Hôm nay, Đăng mặc một chiếc quần âu màu đen cắt vừa người và áo sơ mi body màu hồng nhạt, khác hẳn loại quần âu và sơ mi rộng thùng thình cả kiểu dáng lẫn màu sắc đều cổ lỗ mà anh hay mặc tới văn phòng, tay áo xắn lên để lộ cánh tay khá trắng nhưng nhìn qua vẫn biết là thường xuyên luyện tập. Anh đứng hơi lui xuống phía sau, trầm lặng nhưng vẫn phản ứng rất nhanh nhạy trong các tình huống cần thiết, ngay cả chất giọng vẫn còn khàn khàn sau cơn viêm thanh quản cũng mang vẻ… gợi cảm đặc biệt, cô lấy làm lạ là tại sao mọi người cứ dán mắt vào ông đạo diễn và bắt đầu tự hỏi, có thật anh mời cô đến đây chỉ vì muốn tặng cho cô một cơ hội thực hành tiếng hay không…

Buổi giao lưu kết thúc lúc ba rưỡi chiều, vẫn hơi sớm để chạy qua công viên gặp Đức, Quỳnh nán lại ở quán cà phê trong sân câu lạc bộ điện ảnh. Vừa nãy, Đăng chỉ kịp nói qua loa vài câu với cô rồi phải đi theo ông đạo diễn, hình như ông phải dự một chương trình đột xuất ở một địa điểm khác. Cô không đợi ai cả, chỉ đơn giản là có cảm tình với bộ bàn ghế mộc mạc nằm dưới giàn cây leo và muốn ngồi uống gì đó, nghĩ ngợi vẩn vơ.

Đã sang tháng Tám, trời vẫn nóng nhưng nắng không còn chói chang nữa, những đốm nắng lọt qua lớp lá có răng cưa của cây leo, vẽ trên mặt bàn những đốm nắng lung linh. Quỳnh mở túi lấy cuốn sách mới mua, từ tốn giở từng trang. Cô đọc không nhiều lắm, chủ yếu chỉ đọc tiểu thuyết tình cảm nhẹ nhàng. Bên cạnh thần tượng Marc Levy, cô còn thích truyện của mấy tác giả văn học mạng Trung Quốc như Cố Mạn hay Tình Không Lam Hề. (Hừ hừ, nó toàn hâm mộ ngoại bang thế này có phẫn uất không?!)

Với sách của Marc Levy, cô chọn mua đơn giản vì hâm mộ tác giả. Với những cuốn của tác giả Trung Quốc, cô lại chú ý hơn đến người dịch. Cuốn cô đang cầm là truyện của một tác giả mới toanh, nói chính xác hơn là lạ hoắc lạ huơ đối với độc giả không mấy am hiểu như cô. Quỳnh chỉ chọn vì tín nhiệm dịch giả. Hải Thuỷ dịch không nhiều nhưng cuốn nào cũng mềm mại và trôi chảy. Nghĩ đến đây, cô chợt thấy buồn cười. Cô không học tiếng Trung, vậy mà nhận xét về dịch giả cứ như thật!

Một cái bóng tiến lại, lấn vào trang sách và đứng yên tại đó. Vì thấy vẫn đủ sáng, Quỳnh không định ngẩng lên, nhưng một giọng nói quen quen đã thay đổi quyết định của cô. Điệp, thư ký toà soạn, người có khuôn miệng nhỏ xinh như búp bê Nhật, đang đứng bên bàn mỉm cười với cô. Nhiệt độ của nụ cười này có lẽ cũng phải đến 33 hoặc 34, nhưng là độ F. Chỉ vào chiếc ghế trống bên cạnh ghế cô, Điệp nhả chữ nhỏ nhẹ, hơi kiểu cách:

- Ghế này có ai ngồi chưa em?

- Dạ… chưa. Chị ngồi đi ạ. – Quỳnh định buông quyển sách, lại lúng túng không biết phải để tay xuống bàn hay cất vào túi, đành cầm nguyên trên tay – Chị đi xem phim ạ?

Điệp không trả lời cô, nhìn quyển sách một lúc rồi lại mỉm cười, nụ cười không ấm hơn là bao nhiêu:

- Hải Thuỷ dịch được đấy chứ?

- Vâng, em mới đọc hai cuốn, đây là cuốn thứ ba.

Người phục vụ đi tới chìa thực đơn. Điệp phẩy tay:

- Không cần, chị đi bây giờ.

Câu nói rõ ràng dành cho người phục vụ nhưng vì ánh mắt Điệp không rời khỏi mặt Quỳnh nên cô cảm thấy nó cũng nhằm vào mình. Cô tránh cái nhìn thẳng tắp của chị, cố tìm một câu để hỏi lại chị cho phải phép:

- Chị đến xem phim ạ?

- Ừ, phim hay, nhân văn mà lại có chất giễu nhại… – Điệp gật gù, chèn thêm một tràng thuật ngữ liên quan đến phê bình điện ảnh cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt rồi hạ kết luận – Bác Steve này đúng là quái!

- Vâng – Quỳnh trả lời với một chút gượng gạo khó tả, rất giống cảm giác chột dạ. Cô tưởng rằng Điệp vừa mới tới và chuẩn bị xem suất chiếu tiếp theo. Chị nói thế này nghĩa là chị đã đến đây từ lúc hai giờ và hẳn đã thấy cô đi vào phòng chiếu cùng Đăng? Thậm chí, nếu ngồi ở một vị trí thuận tiện, Điệp còn có thể quan sát tất cả những biểu hiện ngưỡng mộ đến mức gần như sùng kính mà cô dành cho anh? Bỗng chốc, lòng bàn tay Quỳnh bị tráng một lớp mồ hôi dính, lạnh.

Điệp vẫn thản nhiên quan sát cô. Một lát, thấy cô có vẻ như đã đủ hoang mang, chị mấp máy môi, đuôi mắt ẩn ẩn nét cười:

- Trước khi vào báo mình, Đăng làm cho HDA.

- Thế ạ! – Quỳnh trả lời, không giấu được nỗi ngạc nhiên. HDA là một tổ chức lớn chuyên tài trợ cho các dự án phòng chống thiên tai và xoá đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển. Trong một buổi giao lưu hướng nghiệp mà trường tổ chức cho sinh viên năm cuối, cô nghe ai đó nói văn phòng HDA tại Việt Nam trả lương cao bậc nhất trong số các NGO, và nhân viên của họ dĩ nhiên phải có năng lực tương xứng với mức lương. Nếu Đăng thực đã làm cho họ, vậy thì chức vụ trưởng nhóm ở báo Quan Sát có vẻ là sự thụt lùi trong sự nghiệp của anh… Nhưng Điệp nói với cô chuyện này để làm gì?

Như đoán được câu hỏi của cô, Điệp mỉm cười, nói tiếp:

- Chị phải thuyết phục mãi, Đăng mới chịu về Quan Sát.

- À, vâng – Quỳnh cũng chẳng thể nói gì thêm. Cô biết Điệp đã từng giữ vị trí trưởng nhóm tin quốc tế, tức là người tiền nhiệm của Đăng, nhưng cô không biết chính chị đã kéo anh về báo. Khoan đã! Cô vừa nghĩ ra điều gì đó… Ý của Điệp khi nói ra hai câu vừa rồi chẳng phải là muốn tuyên bố về quan hệ gắn bó giữa chị và Đăng ư? Anh từ bỏ công việc đáng mơ ước ở HDA về đây là vì chị?

Tiếng chuông điện thoại vang lên cắt đứt mạch câu hỏi âm thầm của Quỳnh. Cô chộp ngay lấy máy với thái độ y hệt người chết đuối vớ được phao.

- A lô, em đi chưa? – Giọng Đức lẫn giữa những âm thanh huyên náo của công viên.

- Em sắp đi đây ạ.

- Nói to lên tí coi, bên này ồn quá, anh nghe không rõ.

- Em nói em sắp đi đây ạ! – Quỳnh thoáng mỉm cười, nói to hơn.

- Tạt qua hiệu thuốc mua cho anh lọ nhỏ mắt nhé.

- Mắt anh bị sao?

- Chắc bị cái gì bay vào mắt thôi, chả hiểu sao xót vật!

- Anh đừng dụi mắt, mười phút nữa em đem thuốc qua. Anh ở chỗ nào thế?

Đức ậm ừ một lát rồi tả cho cô góc công viên mà anh đang ngồi. Quỳnh nhanh chóng cúp máy đứng dậy vào bên trong tính tiền, không để ý đến ánh mắt gần như hằn học của người ngồi cùng bàn. Giờ đây, ngay cả nụ cười 34 độ F cũng không thể nở trên mặt cứng đờ của chị. Đợi cô nhận xong tiền trả lại và ra đến chỗ gửi xe, Điệp mới đứng lên đuổi theo, ném cho cô câu hỏi mà độ sát thương của nó không thua một nhát dao găm:

- Quỳnh còn nhớ Phương không?

______

1. Phần này là quà sinh nhật (muộn) dành tặng một dịch giả tiếng Trung thường xuyên ngó nghiêng web của mình. Có cần nêu đích danh không bé gì ơi?

2. Mình vừa đếm, phần này được những 1600 từ. Các bạn từ từ nhấm nháp nhé. Phần 40 mình đã viết lưng lưng nhưng chưa ưng nên sẽ câu giờ khá lâu.

3. Còn bạn nào nhớ Phương là ai không?
_______

- Chú nói thật ạ?

Đăng suýt nữa thì nhổm khỏi ghế, sửng sốt nhìn phó tổng biên tập. Cuộc họp giao ban cuối ngày vừa kết thúc, ông bảo anh nán lại để bàn về tình hình nhân sự của nhóm tin quốc tế. Và rồi ông thông báo cho anh một chuyện khó tin đến mức buồn cười. Nhân viên thử việc của phòng anh từ chối ký hợp đồng chính thức.

- Tôi tưởng cậu phải nắm được trước tiên chứ?

- Cháu nghĩ không có vấn đề gì nên cũng không trao đổi trước.

- Con bé này kể cũng lạ nhỉ! – Ông phó tổng biên tập gãi cằm – Nếu không định ký hợp đồng chính thức sao tháng vừa rồi còn làm như trâu?

Đăng không trả lời, cúi xuống lật giở xấp tài liệu trong tay. Chính anh cũng đang tự hỏi mình câu tương tự. Một lát, anh ngẩng lên, đón ánh mắt ái ngại pha lẫn nghi hoặc của người đối diện. Ông đang nhìn anh như thể anh là người thiếu trách nhiệm, chẳng quan tâm gì đến cấp dưới. Trời ạ, anh có quan tâm, đặc biệt quan tâm!

- Cô ấy có nói rõ lý do không chú? – Anh hỏi nhanh, mặc kệ bản thân đang tỏ ra nóng nảy, sốt sắng hay lố bịch đến mức nào.

- Chỉ thấy bảo là việc riêng thôi. Hay nó định học lên nữa?

Đăng nhíu mày một giây rồi lắc đầu, không chắc chắn lắm. Trong lần gần đây nhất chat với anh, Quỳnh bảo rằng cô không có ý định học lên. Nhưng cuộc trò chuyện đó là từ thứ Bảy tuần trước. Suốt tuần nay, anh không có cơ hội gặp riêng cô, dù là online hay offline. Một hội thảo quốc tế do báo Quan Sát đồng tổ chức, vài cuộc hẹn bàn công việc với biên tập viên nhà xuất bản và mấy buổi đi dịch đột xuất cho đạo diễn Steve Huntington đã vét sạch quỹ thời gian của anh. Những lúc hiếm hoi anh có thể vào Yahoo Messenger thì lại không thấy nick cô sáng. Ở văn phòng, hai người vẫn gặp nhau nhưng chẳng kịp nói gì ngoài mấy câu chào hỏi và vài lời trao đổi về bài dịch.

Một thành viên có năng lực của nhóm tin quốc tế xin nghỉ không lương dài hạn để đưa người thân sang Singapore chữa bệnh, lượng công việc dồn cho những người còn lại nhiều hơn và đòi hỏi phải có một bảng phân công mới. Đây cũng là lý do Đăng quyết định đề nghị phòng nhân sự ký hợp đồng chính thức với Quỳnh khi cô chỉ vừa xong tháng thử việc đầu tiên. Phần vì bận rộn, phần vì muốn cho cô một niềm vui bất ngờ, anh không nói gì với cô. Bây giờ thì người bất ngờ lại là anh, và bất ngờ này chẳng vui vẻ chút nào.

Rời khỏi phòng họp, Đăng bước dọc hành lang trong cảm giác thấp thỏm kỳ lạ, vừa mong Quỳnh vẫn còn ở lại để hỏi cho rõ ràng, vừa mong cô đã ra về để anh có thêm thời gian sắp xếp những ý nghĩ không được mạch lạc của mình. Mãi cho đến hôm nay, sau khi nghe tin cô từ chối ký hợp đồng, anh mới lờ mờ nhận ra suốt tuần qua cô dường như luôn tránh mặt anh. Tại sao lại như vậy? Mãi suy nghĩ, Đăng suýt nữa thì bỏ qua người đang đi về phía lối thang bộ, chính là người đang chạy marathon trong tâm trí anh.

- Quỳnh! – Tiếng gọi của anh vang khắp hành lang.

Quỳnh không dừng lại, dù chỉ một giây. Cô vội vã đi vào lối thang bộ, nép sát tường, lắng nghe động tĩnh ở bên kia cánh cửa. Không có tiếng chân đuổi theo. Cô chặn tay lên ngực, hít một hơi thật sâu. Vừa rồi, cô bước nhanh và thở gấp hệt như những nhân vật bị sát thủ truy đuổi trong phim hành động.

Tiếng chuông báo tin nhắn vang lên cắt đứt mạch tưởng tượng của cô. Từ quán chè chén bên hông toà nhà, Đức gửi cho cô một icon biểu thị sự sốt ruột vì chờ đợi. Chiều nay, cô hẹn Đức đi ăn hoa quả dầm để đền bù cho màn “leo cây ngoạn mục” hôm Chủ nhật. Vì cô muốn nán lại sửa mấy tin giờ chót, Đức xuống lấy xe trước. Quỳnh soạn mấy chữ “em đang xuống” trả lời anh, tự nhiên thấy vui vui.

Nhưng chỉ vừa xuống đến gần chiếu nghỉ tầng hai, cô đã hiểu thế nào là niềm vui “ngắn chẳng tày gang”. Đăng đứng tựa tường, tay khoanh trước ngực, đôi mắt mà ai cũng nghĩ là lãnh đạm đang ráo riết nhìn như muốn tạo ra một luồng năng lượng vô hình đẩy cô bắn ngược lên tầng sáu, thậm chí lên tầng cao nhất. Anh liếc nhìn màn hình điện thoại:

- Nếu đi thang máy, em sẽ tiết kiệm được khoảng một phút bốn mươi giây.

Quỳnh bám chặt tay vịn cầu thang, dở khóc dở cười trước câu nói nửa châm chọc nửa trêu ghẹo của Đăng. Cô đúng là ngu ngốc khi tin rằng anh không đuổi theo mình, và còn ngu ngốc hơn khi ung dung “trốn” anh bằng cách leo thang bộ. Trong lúc cô băn khoăn không biết mình nên bước xuống chỗ Đăng bằng tốc độ của rùa hay của sên, anh đã bắt đầu chứng minh rằng anh, lao ra khỏi thang máy rồi lại chạy như điên vào lối thang bộ, có mặt ở đây không phải để nói chuyện thời tiết hay thời trang.

- Tại sao em tránh mặt tôi? – Anh nhấc người khỏi vách tường, câu hỏi xen lẫn vài hơi hổn hển.

- Em có tránh gì đâu ạ!

- Tại sao không ký hợp đồng?

- Em có việc riêng ạ. – Cô nói nhanh rồi hấp tấp đi xuống để tránh khỏi sức nóng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của anh.

- Việc gì? – Anh cũng đi theo cô, không vội vã, đằng nào thì cô cũng đang ở rất gần.

- Tạm thời em chưa nói được.

- Chưa nói được hay không nói được?

Chỉ có sự im lặng trả lời cho câu hỏi vặn của Đăng. Không khí ở khu vực chiếu nghỉ đột nhiên trở nên ngột ngạt. Quỳnh miết những ngón tay nhớp mồ hôi vào tay vịn inox, cố bước nhanh hơn. Cô cần rời khỏi chỗ này để hít thở, trước khi người đặt câu hỏi dùng những vấn đề hóc búa hút hết oxy quanh cô.

Nhưng người đặt câu hỏi càng lúc càng không thể hiểu nổi cách phản ứng đầy bất an, gần như hoảng hốt của Quỳnh. Anh sải những bước dài xuống, kịp thời ngăn giữa cô và cánh cửa dẫn ra sảnh. Cô lùi lại. Trong tích tắc, tất cả những cách trả lời vòng vo tế nhị hay trắng trợn thẳng thắn mà cô đã chuẩn bị trước đều bốc hơi bằng hết. Cô chỉ có thể ngó thẳng về phía trước với vẻ vừa ngơ ngác vừa phiền muộn. Đăng dịch sang bên một chút để chừa cho cô thêm chút không gian cùng cảm giác yên ổn. Anh thở dài:

- Tôi làm gì mà em sợ tôi thế này?

- Em…

- Đừng nói là không sợ. – Anh đưa mắt nhìn xuống – Chân em đều run cầm cập kìa.

- Đấy là do em vừa xuống cầu thang. – “Với hai đầu gối có đinh vít”, Quỳnh bỏ qua về sau của câu, cố trả lời nghe thật đơn giản.

Đăng nhìn cô, nét mặt ghi rõ câu “Tôi chẳng tin”. Anh phẩy tay, quay lại vấn đề chính:

- Nói tôi nghe, sao lại từ chối ký hợp đồng? Trong phòng có ai phá em?

Quỳnh lắc đầu, chẳng biết phải nói gì. Ngoài lần tắt máy khó hiểu trong ngày đầu tiên đi làm, những tuần sau đó, cô thỉnh thoảng cũng gặp vấn đề với máy tính, dây mạng “tự nhiên” tuột, chuột “tự nhiên” bẩn hay bàn phím “tự nhiên” kẹt. Nhưng những sự cố này thực sự rất vặt vãnh, cô cũng chỉ tự khắc phục hoặc âm thầm nhờ Đức giúp chứ không cố truy xem ai ra tay. Dù sao thì cô mới vào làm, chịu thiệt một chút còn hơn là động đến “ma cũ” rồi bị chụp cho cái mũ “chuyện bé xé ra to”.

- Em đổi số điện thoại.

- À, vâng, sim kia hết tiền nên em bỏ luôn.

- Mấy hôm nay cũng không vào Yahoo Messenger?

- Em sợ log in rồi mất tập trung. Chị Hạnh vừa nghỉ, cộng tác viên lại gửi nhiều bài…

- Tối về nhà cũng không online?

- Máy nhà em có vấn đề, Yahoo bị lỗi.

- Tức là em cũng chưa đọc offline?

- Offline nào ạ?

Đến đoạn này thì nét mặt của Đăng biểu thị rõ câu “Em giỏi lắm!”, nhưng anh không nói ra lời mà tiếp tục hỏi:

- Thế còn mấy thứ em để ở bàn tôi thì sao? – Sáng thứ Hai, anh đi họp giao ban đầu tuần về thì thấy có một chiếc phong bì để bên trong một quyển tạp chí Y h
Thông Tin
Lượt Xem : 3179
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN