--> Hương Vị Đồng Xanh - game1s.com
Duck hunt

Hương Vị Đồng Xanh

Tình yêu là một thứ gì đó không thể chiếm giữ cũng không có cách nào chiếm giữ, càng muốn nắm lấy nó thì nó lại càng xa khỏi tầm tay của mình hơn. Có tình yêu là em sẽ có tất cả ba điều còn lại nhưng đôi khi trong tình yêu, em không chỉ có chiếm giữ mà phải có cho đi, cho đi mà không cần nhận lại. Đôi khi tình yêu là phải biết hy sinh, hy sinh sự ích kỷ của bản thân để cho người mình yêu được hạnh phúc.

Em có hiểu hạnh phúc là gì không? Hạnh phúc không phải là cái hạnh phúc nhỏ nhoi của chính bản thân, mà là chứng kiến những người mình yêu mến có được hạnh phúc. Tình yêu cũng vậy, cái thứ tình yêu bất tử hoàn toàn không hề có trên cõi đời đâu. Tình yêu thật sự không phải nhờ ta được yêu mà nhờ ta biết hy sinh cho người mình yêu.

[Tải ảnh'>
Tuy là hai chị em sinh đôi nhưng tính cách của Việt Phương và Việt Tình hết sức khác biệt. Nếu Việt Tình được sống trong tình yêu thương của cha mẹ từ nhỏ khi theo lên thành phố, thì cô em gái Việt Phương lại bị bỏ lại nơi thôn quê và do vậy cô luôn mặc cảm bởi hoàn cảnh của mình. May mắn thay, Việt Phương đã gặp Thiên Phong, cậu bé đã giúp cô bé có lại được hi vọng và tìm thấy niềm vui trong cuộc đời. Nhưng rồi Thiên Phong cũng trở lại nơi thành phố xô bồ kia, để đến lúc quay trở lại khi đã lớn, anh chẳng còn nhớ gì về cuộc sống trước kia...

Sâu lắng, nhẹ nhàng, cuốn truyện sẽ mở ra trước mắt người đọc khung cảnh êm đềm của tuổi thơ nơi thôn quê, và những tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của trẻ thơ. Quá khứ luôn chất chứa thứ kỷ niệm dịu ngọt trong lòng mỗi người, liệu có lẽ nào dễ dàng tàn phai đến thế? Nếu Thiên Phong cứ tiếp tục cuộc sống nơi thành phố của anh, nếu Việt Phương cứ ôm lấy những hoài niệm xưa cũ một mình, chỉ coi mọi thứ như một hồi ức đẹp, thì mọi chuyện đã khác. Nhưng định mệnh đã cho họ gặp lại nhau, trong một hoàn cảnh trớ trêu nhất, để thử thách tình cảm của mỗi người.

Một câu chuyện tình yêu sâu sắc đang chờ đợi các bạn mở ra.

Mời các bạn đón đọc.



Chương 1: Nét buồn tuổi thơ



Ở bờ hồ, nơi mà những hàng dừa đang rũ bóng in soi dưới mặt nước. Phía xa xa, mấy mươi con vịt đang tung tăng bơi lội lặn hụp dưới nước thật bình yên. Ánh nắng dát xuống mặt hồ phản chiếu lấp lánh đầy màu sắc, chỉ có những cơn gió nhẹ hòa vào làn nước khiến nó lăn tăn.

Đứa bé gái ở dưới hồ vùng quẫy thật lâu, nó trồi lên rồi ngụp xuống, hết lần này đến lần khác, miệng chẳng thể thốt nên lời. Mái tóc dài bị dính nước bết lại phủ lên mặt càng trông nó thảm hại hơn bao giờ hết. Hai hốc mắt bị nước làm đau xót cùng nỗi hoảng sợ đến phát khóc nhanh chóng đỏ ngầu lên. Mặt nước vốn phẳng lặng dưới trưa nắng hè gay gắt đã bị phá vỡ bởi những cú va đập tung tóe một góc hồ.

Đứa bé gái ở phía trên sợ hãi dõi mắt nhìn xuống, nó lui về sau vài bước, tay giữ lấy miệng, hoảng sợ nhìn đứa bé có gương mặt giống mình y hệt đang vẫy vùng dưới hồ đầy hoang mang. Cuối cùng cô bé nhìn thấy đứa bé kia chìm xuống nước lần nữa thì mới kinh hãi hét lên:

- Cứu với... ba ơi, mẹ ơi... cứu với!!

Mọi người trong nhà đang bận rộn nấu đồ chuẩn bị đám giỗ, nghe tiếng kêu cứu thì hoảng loạn bỏ hết mọi thứ chạy ra bên ngoài tìm kiếm nơi phát ra tiếng kêu cứu yếu ớt kia. Mọi người thấy đứa bé gái đang khóc thét lên thì chạy đến lo lắng hỏi:

- Chuyện gì vậy, con bị làm sao à? Có phải bị ong đốt rồi hay không? - Bà mẹ lo lắng chạy đến ngó xung quanh con gái hỏi chuyện.

Đứa bé gái đứng trên thấy mọi người đến, trong đó có cả ba mẹ mình thì mặt càng tái mét hơn nữa. Cả thân người nó run lên, ánh mắt lấm lét, chần chừ một lúc rồi cô bé chỉ tay về phía bờ hồ, bị ẩn khuất bởi hàng dừa và lá dừa che phủ nói:

- Chị Việt Tình bị rơi dưới nước.

Mọi người kinh hoàng nhìn ra hồ, thì chỉ còn thấy được những vòng nước đang lan truyền ra khắp phía. Ngay tức khắc, một người thanh niên nhảy xuống hồ, lao nhanh về phía nơi đó rồi lặn hụp xuống, mau chóng ôm lấy đứa bé bị ngất xỉu vì ngộp nước trồi lên mặt nước. Nhanh chóng đưa nó vào bờ với sự trợ giúp của nhiều người nữa.

Mọi người ai cũng hoảng hốt lo lắng, nháo nhào ầm ĩ cả lên, bu quanh người thanh niên và đứa bé gái. Một tiếng hét vang lên:

- Mọi người tránh ra, để thằng Nhân làm hô hấp cho nó, nhanh lên!

Đứa bé gái nhanh chóng được đặt dưới đất. Cả thân người nó ướt nhẹp. Mẹ nó lo lắng nhào đến ôm lấy nó gào thét gọi tên con:

- Việt Tình, Việt Tình con sao rồi? Đừng làm mẹ sợ!

- Em à, mau tránh ra cho thằng Nhân làm hô hấp cho con! - Chồng bà cũng lo lắng cho con gái, ông ôm lấy vợ kéo ra đứng một bên để thằng em họ hô hấp nhân tạo cho con gái mình.

Nhân lập tức áp tay vào ngực ấn mạnh xuống, thao tác tốt từng bước, thổi ngạt ép ngực. Sau vài cái, đứa bé cuối cùng cũng chịu ói nước trong bụng ra. Mọi người vui mừng trào nước mắt khi con bé được cứu sống.

- Mau đem nó vào nhà! Thay quần áo ra kẻo nó bị lạnh. - Bà nội của bé gái lập tức lên tiếng thúc giục.

Ba Việt Tình vội vã cúi xuống ôm chặt lấy đứa con gái bé bỏng vừa mới được 8 tuổi của mình chạy nhanh vào nhà. Mọi người cũng vội vã vào theo, không ai còn chú ý đến đứa bé kia đang hoảng hốt đứng nép một góc kia nữa. Đứa bé gái còn lại nhìn theo mọi người, trong lòng nó phập phồng lo sợ, chuyện gì sẽ xảy ra khi mọi người biết được sự thật đây.

- Việt Phương, chị xin lỗi! - Cô bé nhìn theo bóng mọi người đang khuất dần vào trong nhà mà nhủ thầm.

Trong lúc hoảng sợ, cô bé đã nói dối mọi người. Thật ra người té xuống nước chính là Việt Phương em gái cô bé chứ không phải cô bé - Việt Tình.

Sở dĩ Việt Tình nói dối vì cô bé rất sợ mẹ, mẹ so với ba thì rất hay nổi nóng, hễ giận lên là mẹ lại đánh đòn. Cô bé rất sợ bị mẹ đánh, cô bé rất sợ mẹ không thương mình nữa vì không chịu nghe lời mẹ dặn. Khi về đây, mẹ đã dặn đi dặn lại cả hai chị em rằng: ”Không được ra hồ chơi khi không có người lớn đi cùng!” Vì tính ham vui nên Việt Tình đã rủ Việt Phương lén lút ra hồ chơi, nhân lúc ba mẹ và mọi người lo nấu tiệc làm giỗ.

Việt Tình không thích mấy anh chị em của mình dưới quê tí nào cả bởi vì nhìn chúng dơ bẩn, lôi thôi lếch thếch không chịu nổi. Có đứa cứ chảy mũi lòng thòng nhìn phát gớm, lại thích chơi mấy trò chơi vận động đầy mồ hôi rích trịch khó chịu. Việt Tình chẳng chút hứng thú nào với chúng, vậy mà Việt Phương, em của cô bé lại rất hòa hợp với bọn trẻ dưới quê.

Chán nản, cuối cùng Việt Tình lôi Việt Phương lén lút đi ra ngoài chơi, mặc dù nhìn thấy vẻ mặt luyến tiếc của Việt Phương với bọn trẻ. Từ xưa đến nay, Việt Phương luôn là đứa em ngoan, rất biết nghe lời chị. Việt Tình bảo cái gì Việt Phương đều làm theo cái đó, chưa bao giờ thắc mắc hỏi lại, cũng không làm trái ý bao giờ.

Hai chị em giống nhau y như khuôn đúc, đến nỗi cả ba mẹ nhiều khi còn nhầm lẫn. Có thể nói Việt Tình thông minh hơn Việt Phương, lại khỏe mạnh hơn. Nghe mẹ kể lại, ngày xưa, mẹ sinh Việt Tình xong thì kiệt sức, không thể sinh tiếp Việt Phương ra. Bác sĩ phải lập tức tiến hành mổ, Việt Phương cũng xém tí nữa là bị ngộp chết. Vì thiếu oxi nên khi sinh ra Việt Phương rất yếu, hay bệnh tật, lớn rồi nhưng rất chậm chạp, không thông minh lanh lợi như Việt Tình. Đi đến đâu, người ta cũng khen Việt Tình hết lời, nhiều lúc khiến mẹ cô bé vui mừng hớn hở, có thể ưỡn ngực tự hào. Việt Phương ngoài vẻ ngoài xinh xắn giống chị ra thì mọi thứ đều thua xa, kể cả việc học.

Tuy nhiên, Việt Phương hiền hậu, ngoan ngoãn, lại rất hiếu Thảo, không vòi vĩnh như Việt Tình nên ba cô bé rất thương. Mẹ cô bé thì lại thương Việt Tình nhiều hơn, bởi nhiều lý do. Lý do thứ nhất: Việt Tình có thể khiến mẹ tự hào hãnh diện với mọi người; thứ hai: Việt Phương khờ khạo, bị Việt Tình dụ dỗ, mỗi khi Việt Tình làm sai chuyện gì Việt Phương đều đứng ra nhận lỗi, bởi vì cô bé rất thương chị, sợ chị bị đánh đòn đau, cũng sợ chị giận dỗi không thèm chơi với mình nữa. Cho nên trong mắt người mẹ nghiêm khắc nóng tình của mình, cô bé so với Việt Tình thua xa.

Hai chị em cũng thường chơi trò tráo đổi thân phận cho nhau rất nhiều lần, nhiều lúc khiến ba mẹ điên đầu vì chẳng biết đứa nào là Việt Phương, đứa nào là Việt Tình.

Lần này vì sợ hãi nên Việt Tình cố gắng đổ hết mọi tội lỗi cho Việt Phương, coi như mình mới là nạn nhân.

Việt Phương bị té xuống nước cũng là do Việt Tình nằng nặc đòi bứt lá dừa ở đằng ngọn để chơi. Cô đứng đu tàu dừa cho nó rũ xuống, Việt Phương đi đến mà bứt lấy. Nào ngờ lá dừa quá gần mép bờ hồ, Việt Phương chẳng may bị trượt chân nên rơi tõm xuống hồ như thế.

Khi Việt Phương tỉnh lại, bà Thu Hà hỏi rõ đầu đuôi sự việc. Việt Phương nghe mẹ gọi mình là Việt Tình, cô bé hiểu ra hai người lại tiếp tục chơi trò chơi tráo đổi thân phận cho nên cũng nhận mình là Việt Tình. Vì là ngày giỗ, cũng có nhiều người khuyên giải nên bà Thu Hà không nổi giận la mắng hay phạt đòn Việt Tình. Cô bé thở phào nhẹ nhõm mừng rỡ.

Tuy nhiên đêm đó, bà Thu Hà lại cùng chồng là ông Việt Tuyên bàn bạc chuyện hai cô con gái. Bởi vì công việc của bà dạo gần đây rất bận, bà đang chuẩn bị để được đề bạt thăng tiến, mà hai đứa con lại chiếm gần hết thời gian chăm lo của bà. Bà lại không thích người giúp việc vì dạo gần đây, người giúp việc không trở thành kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc của người ta thì cũng trộm tiền của chủ nhà bỏ trốn. Vì vậy quyết định gửi Việt Phương ở lại nhà nội.

Mặc dù ông Việt Tuyên không đồng ý để lại Việt Phương nhưng công việc của ông cũng khá bận, công ty ông đang trong giai đoạn đổi mới, bận rộn liên tục cho nên dù không muốn, ông cũng đành chấp nhận nghe theo lời vợ. Nhưng ông không nỡ để Việt Phương một mình dưới quê.

Bà Thu Hà cũng đưa ra nhiều lý do để chọn Việt Tình sống chung thay vì Việt Phương với chồng:

- Việt Phương thật thà, khờ khạo, bình thường phải nhờ Việt Tình chăm sóc; bây giờ tách riêng ra, lấy ai chăm sóc Việt Phương. Chương trình học ở thành phố lại nặng hơn ở dưới quê, Việt Phương sợ rằng khó nắm bắt kịp. Vả lại, hai vợ chồng bận rộn không có thời gian chăm sóc con cái, Việt Tình có thể tự biết đi đến nhà hàng xóm chơi trong khi chờ ba mẹ về; còn Việt Phương từ trước đến giờ chỉ toàn bám theo Việt Tình mà thôi, không có Việt Tình chỉ sợ nó chỉ thui thủi một góc. Ở dưới quê thì còn ba mẹ, cô dì chú bác chăm sóc giúp. Hơn hết là Việt Tình vốn không thích sống dưới quê.

Bà Thu Hà suy tính rất nhiều mới đưa ra quyết định thế này. Không phải bà không thương Việt Phương, bà cũng hiểu là tại mình kiệt sức mới khiến con gái khờ khạo như thế. Bà thấy Việt Phương thích hợp ở dưới quê hơn mới ra quyết định này. Xa con, làm mẹ như bà cũng chua xót, bà nhất định sẽ cố gắng gửi nhiều tiền về bù đắp cho con gái.

Ông Việt Tuyên cuối cùng cũng bị thuyết phục, chấp nhận để Việt Phương ở lại quê. Trước khi trở về thành phố, ông dặn dò Việt Phương rất nhiều, nhìn thấy cô bé khóc lóc đòi theo dù đau lòng cũng đành nhắm mắt quay lưng bỏ đi.

Việt Phương biết ba mẹ bỏ rơi mình ở nhà nội, cô khóc thét nắm chặt lấy áo ba mẹ không buông, cầu xin đừng bỏ rơi mình.

- Con sẽ ngoan mà, ba mẹ đừng bỏ con một mình!

- Bé Phương ngoan! Con đâu có ở một mình, con còn ông bà nội, cô chú và mấy anh chị em mà. Chẳng phải lần nào nói về quê, con đều rất thích hay sao? - Bà Thu Hà dỗ dành con gái.

- Nhưng ở đây không có ba mẹ và chị hai. - Việt Phương nức nở cương quyết lắc đầu đáp rồi nhìn sang chị hai mình cầu cứu. - Chị, chị xin ba mẹ cho em đi chị! Em không muốn xa chị đâu.

Việt Tình cũng thương Việt Phương nhưng cô bé hiểu, nếu bây giờ mình mở miệng cầu xin, nói không chừng cũng bị ba mẹ bắt ở đây luôn với Việt Phương, cho nên quay mặt bước vào trong xe.

Việt Phương đau buồn khi thấy người chị gái thân thương của mình lại bỏ đi như thế. Cô bè gào lên, chạy đến xe đập cửa cầu xin Việt Tình đừng bỏ mình đi.

Chú Nhân thấy vậy thở dài thương cảm vội đến bế Việt Phương lên dỗ dành:

- Việt Phương ngoan! Nghe lời chú Nhân, để ba mẹ trở về thành phố, chú Nhân sẽ dẫn con đi chơi khắp mọi nơi, có được hay không?

- Con không chịu, con không chịu! - Việt Phương khóc thét, vùng vẫy ra khỏi tay chú Nhân đòi xuống.

Ông Việt Tuyên với bà Thu Hà đau lòng nhìn con lần cuối rồi lên xe bỏ đi. Việt Phương nhìn theo xe rời đi, sợ hãi cắn mạnh vào vai chú Nhân, khiến chú đau mà bỏ nó xuống. Nó lập tức chạy đuổi theo, vừa chạy vừa gào khóc, nhưng chiếc xe đã chạy xa rồi. Việt Phương cuối cùng cũng té oạch xuống đất, đau đớn nhìn chiếc xe xa dần.

Chú Nhân thương bèn bế Việt Phương dỗ dành:

- Bé Phương ngoan, ở đây mọi người đều thương con hết mà.

Việt Phương chỉ biết khóc trong lòng chú Nhân. Hàng xóm thấy cô bé khóc thì cũng thương cảm nói nhỏ với nhau:

- Con bé thật tội nghiệp! Đưa con chị đi mà bỏ con em ở lại, đúng là ác thật.

- Tại con em không bằng được con chị. - Một người chép miệng đáp.

Câu nói này lọt vào tai Việt Phương.

Giữa trưa nắng hè nóng bức, một đám trẻ trèo lên cây xoài của một nhà hàng xóm, lặt từng trái xoài sống thả xuống bên dưới cho tụi đồng bọn ở dưới nhặt. Có hai đứa con trai nhưng chỉ có duy nhất một đứa bé gái trèo lên cây.

Đứa bé gái có gương mặt lanh lợi, mái tóc tém trên vầng trán nhô cao, nước da đen nhẻm; nhìn nó chẳng khác nào tụi con trai đang leo cùng. Nếu người ngoài không biết, người ta rất dễ nhận lầm nó là một thằng con trai.

Tuy nó là con gái nhưng trông còn gan dạ hơn cả tụi con trai nữa. Trái xoài xanh to lớn, nhìn bóng loáng ngon vô cùng, nằm tuốt ở đằng ngọn. Hai thằng con trai, chẳng thằng nào dám ra hái; vậy mà con bé đã uyển chuyển đu thân người ra đến đằng ngọn cây, bám chặt vào một nhánh cây nhỏ, chồm người ra trước hái trái xoài. Nhiều lần nó xém chút nữa là rơi xuống đất nhưng nó vẫn gan lì không chịu buông tha cho trái xoài đó. Mấy đứa tụi nó sợ hãi, đứa nhắm mắt, đứa cắn răng lo lắng nhìn. Trái xoài vừa chạm vào tay nó liền ngắt ngay không chút do dự, nó giơ cao chiến lợi phẩm trong tay mình cho tụi bạn; cả bọn vui mừng muốn hoan hô tán thưởng nhưng chỉ dám vỗ nhẹ mà thôi.

- Mấy ông hái nhanh lên đi, kẻo ông Năm thức dậy thì chết. - Mấy đứa con gái bên dưới thu dọn xoài vào bịch rồi thúc giục.

- Nói nhỏ tiếng một chút, ông Năm nghe thấy bây giờ. - Đứa bé gái vội nhắc nhở.

Đáng tiếc là lời nhắc của nó quá muộn rồi, con chó đang cột nhà ông năm nghe động liền ngóc đầu dậy và bắt đầu sủa ầm ĩ. Ông Năm bị phá giấc ngủ trưa bực tức la con chó im miệng, ngăn nó tiếp tục phá giấc ngủ của người trong nhà, rồi xách cây ra vườn xem lũ trẻ phá phách nào vào vườn nhà ông.

Một đứa có nhiệm vụ cảnh giới, nhác thấy bóng ông Năm lập tức gọi báo động cho tụi bạn. Mấy đứa bọn nó hò hét nhau ầm ĩ cả lên rồi kháo nhau chạy:

- Ông Năm ra đến tụi bây ơi, mau mau chạy thôi!

Thế là hai thằng con trai vội vã leo xuống đất, gần chạm đất chúng nhảy xuống luôn, bỏ mặc đứa bé gái vẫn còn đang ở tuốt trên ngọn cây chưa leo xuống kịp. Mà đứa bé gái cũng không ngu dại gì mà leo xuống, nó lẩn nhanh vào trong các tàng cây, núp mình im hơi lặng tiếng trên đó, nhìn đám bạn đang chạy tán loạn của mình mà cười khẽ. Ông Năm hậm hực khi không đuổi kịp tụi nhóc, đứng nhìn tụi nó tháo chạy mất tiêu thì tức giận mắng:

- Tổ cha tụi bây! Tối ngày đi phá làng phá xóm, không cho người ta nghỉ ngơi gì hết!

Ông không tiếc mấy trái xoài, chỉ là tụi này cứ nhằm giờ nghỉ trưa sau một ngày mệt nhọc của ông mà phá rối. Ông Năm quăng cái cây rồi lủi thủi đi vào nhà tiếp tục nghỉ ngơi. Đứa bé gái cười hì hì rồi mới leo xuống dưới đi đến chỗ tụ tập của tụi nó.

Mấy đứa bạn thấy nó thì hớn hở reo lên, chạy đến:

- Việt Phương! Tụi tui cứ tưởng bà bị bắt rồi chứ.

- Hứ, có đồ ngốc mấy người mới lo bị bắt thôi. - Việt Phương kênh mặt đáp, rồi hỏi cộc lốc. - Xoài đâu?

- Ở đây. - Một cô bé gái cột tóc đuôi ngựa, gương mặt có vẻ hiền lành chỉ tay vào đống xoài được giấu dưới một đống rơm.

Việt Phương dùng chân hất hất đống rơm ra ngoài, nhìn số xoài xanh mà cả đám chôm được bắt đầu đếm. Được một lúc nó ra lệnh:

- Hải, mày chạy về nhà bê cái cân của mẹ mày ra đây nhanh lên!

- Để làm gì? - Thằng Hải ngây ngô hỏi lại.

- Để cân chứ để làm gì. - Việt Phương ném ánh mắt tức giận lên thằng Hải rồi mắng. - Mày còn dùng cân để làm gì nữa, chẳng lẽ để cân cái đầu heo của mày à?

Bị mắng nhưng thằng Hải không nổi giận, nó chỉ khụt khịt mũi rồi nhún vai mấy cái quay người chạy nhanh về nhà. Lát sau nó khệ nệ bê một cái cân tới. Cái cân có vẻ hơi quá sức với nó nên bước chân khá chậm chạp khiến Việt Phương sốt ruột, cô bé liền giục hai thằng đang đứng bên cạnh:

- Hai đứa bây lại bê phụ nó đi!

Hai thằng này lập tức chạy đến bê phụ thằng Hải ngay, ba thằng nhanh chóng đem cái cân đến rồi đặt xuống. Hai đứa con gái còn lại lập tức chất xoài lên cân. Việt Phương đứng phe phẩy tay cho mát nhìn tụi nó ra lệnh:

- Tụi bây nhẹ tay thôi, đừng có làm dập nha, làm dập rồi bán không được tiền đâu.

Hai đứa kia bỏ xoài vào bọc cân hết sức cẩn thận, rồi đếm từng kí lô gam một, quyết không để lỗ một tí nào. Thằng Nam bước đến bên Việt Phương nói:

- Bán được tiền rồi tụi mình mua bánh ăn nha Phương!

- Ăn ăn ăn cái đầu mày. - Việt Phương cung tay ký lên đầu thằng Nam một cái mắng. - Về nhà lấy cám heo mà ăn. Tao đã nói tiền này không phải để ăn bánh mà. Muốn ăn bánh thì về xin tiền mẹ mày mà mua.

- Vậy chớ mà lấy tiền này làm gì? Mắc công tao cực khổ trèo cây hái trái. - Thằng Nam vừa xoa xoa đầu vừa nhăn nhó hỏi lại, mặc dù bị Việt Phương ký đau nhưng nó chẳng hề trách gì hết, cứ như đã quen với việc bị Việt Phương thượng cẳng tay hạ cẳng chân rồi.

- Đã bảo tiền xoài này là để giúp cho hai bà cháu thằng Bảo mà. - Nhỏ Thảo, đứa con gái có gương mặt trắng sáng hiền lành thắt tóc hai bím đứng lên lau mồ hôi nói.

- Ờ ha, tao quên mất. - Thằng Nam cười giả lả đáp.

- Cái thằng heo như mày tối ngày chỉ nghĩ đến ăn thôi! - Thằng Hải cũng nhìn thằng Nam mắng.

- Có thực mới vực được đạo chứ. - Thằng Nam hất mặt cười lớn đáp.

- Thôi nhanh lên đi, còn đem bán chứ. - Việt Phương bèn thúc giục.

- Xong rồi, hết 22,6 ký xoài. - Con Thắm đứng lên phủi tay đáp. - Mà mày định bán cho ai hả Phương?

- Thì bán cho cái dì Tư Hoa bán hàng mực đó, chỉ có bả mới mua đồ ăn cắp của tụi mình thôi. - Thằng Hiển nhìn dáng vẻ khờ khờ giọng hơi ngọng đáp.

- Con mẹ đó hay ăn gian lắm nha tụi bây. - Thằng Hải tỏ vẻ như hiểu rõ tính tình của dì Tư Hoa lắm bèn nói giọng khinh khi.

- Bởi vậy tao mới kêu mày về nhà lấy cân ra cân trước xem thế nào. Tao đố bả ăn gian được tụi mình. - Việt Phương nghênh ngang đáp. - Mau đem xoài đến cho bả thôi.

Đám nhỏ liền khệ nệ đem xoài đi đến một cái lán được lợp lá dừa nhìn thoáng mát vô cùng, phía trên có treo đầy khô mực. Bà Hoa bán khô mực nướng, hay mua xoài sống để làm gỏi cho các bợm nhậu cho nên là mục tiêu đầu tiên mà tụi nó muốn bán số xoài này. Bà Hoa chỉ ngoài 40 tuổi, nhìn bà cũng còn trẻ trung phơi phới do biết sửa soạn, nhưng không hiểu vì sao đến giờ vẫn chưa có chồng con gì cả. Cũng nhờ vậy, hàng quán của bà luôn đông khách.

- Nè, một trăm rưỡi nè, cầm lấy! - Bà Hoa chìa ra hai tờ polymer màu xanh và đỏ trước mặt sáu đứa trẻ. - Cầm lấy mà mua bánh ăn.

- Cái gì? Nhiêu đây xoài mà chỉ có một trăm rưỡi thôi á? - Con Thảo giật mình kêu lên. - Dì Tư có tính lầm không đó?

Bà Hoa lườm con Thảo một cái rồi cong môi đanh đá bảo:

- Lầm gì mà lầm. Chỉ có 16 ký xoài thôi. Mà xoài chỉ có mười ngàn đồng một ký, đây lại là xoài tụi bây ăn cắp, tao tính như vậy là đúng rồi.

- Rõ ràng tụi con cân là 22,6 ký mà. Sao giờ lại thành 16 ký được chứ? - Con Thắm phẫn nộ bảo. - Cái cân của dì Tư có vấn đề rồi.

- Ối giời đất ơi! Xoài có nhiêu đây mà đòi hơn 20 ký à? Tụi bây định lừa tao chắc? Thôi mau cầm lấy tiền rồi đi mua bánh ăn đi!

- Ba mươi ngàn chắc giá! - Việt Phương nãy giờ nín thinh bỗng lên tiếng, cô bé nhìn bà Hoa với ánh mắt cương quyết đáp.

Bà Hoa nhìn thấy Việt Phương nói thế thì trề môi bảo:

- Thôi thấy tụi bây cần tiền như vậy, dì Tư đây thêm cho tụi bây 50 ngàn nữa, vậy là chẵn hai trăm. Đừng có đòi hỏi nữa nếu không tao không thèm mua nữa đâu.

- Không mua thì thôi, tụi tui cũng không muốn bán cho bà nữa. - Việt Phương cao giọng đáp rồi ra lệnh cho tụi trẻ. - Mang xoài đi tụi bây!

Tụi trẻ nghe lời ngay lập tức, lại khệ nệ bê xoài đi. Bà Hoa thấy vậy có chút chột dạ, bèn gọi với theo:

- Nè, tao thêm cho tụi bây 50 ngàn nữa được không?

Tụi nhỏ vẫn không thèm quay đầu lại. Bà Hoa càng bấn lên, ba mươi ngàn so với 22,6 ký xoài vẫn còn rẻ chán. Nếu bà phải đi mua đừng nói ba mươi, 500 ngàn vẫn không mua đủ; cho nên bà liền gọi theo lần nữa:

- Được rồi. ba mươi thì ba mươi. Mang xoài lại đây đi!

- Ai thèm bán cho dì nữa chứ. Dì keo như vậy hèn chi đến giờ vẫn ế là phải. - Thằng Hải quay đầu cười đáp trêu tức bà Hoa. Nó vừa nói xong cả bọn cười vang rồi kéo nhau bỏ chạy.

Bà Hoa bị tụi nhỏ trêu lại nói trúng tim đen của bà ta thì tức giận đùng đùng nhìn theo tụi nó mắng chửi không ngớt lời.

Cả bọn chạy xa rồi thì con Thảo mới nhìn Việt Phương hỏi:

- Bây giờ tụi mình phải làm sao?

- Thì đem ra chợ ngồi bán chứ sao nữa. - Việt Phương đáp gọn.

Cả bọn nhìn nhau im lặng một hồi rồi nghe theo lời Việt Phương đem số xoài ra chợ bán.

Chợ chiều tuy nói là vậy nhưng so với ban ngày nó còn xôm tụ nhiều hơn, bởi vì giờ đó công nhân bắt đầu ùa ra đi chợ về nhà nấu cơm, còn ban ngày họ bận lo đi làm nên chợ sáng bán ít hơn. Tụi nhỏ bán xoài vừa mới hái, trái tròn rõ to, nhìn trông ngon mắt, lại bán rẻ hơn so với trong chợ đến 3 ngàn nên người ta cũng lại mua nườm nượp. Tụi trẻ vui vẻ đếm tiền thu được, một số tiền kha khá. Cả bọn cười sung sướng đem đến cho thằng Bảo, thằng trong nhóm chơi cùng tụi nó.

Nhà thằng Bảo nghèo nhất xóm. Ba nó bệnh mất sớm, mẹ nó bỏ đi lấy chồng, nó sống với bà nội già yếu; hàng ngày sống nhờ tình thương của xóm làng và nghề lặt hành của bà nội nó. Nhưng nay bà nó ngã bệnh, tiền lo ăn hàng ngày còn chưa đủ, lấy tiền đâu mà mua thuốc. Khi Việt Phương chìa tiền trước mặt nó, nó hơi ngạc nhiên nhưng cũng cầm lấy, nó cũng hiểu tiền này từ đâu có. Cũng biết tính Việt Phương, nếu không cầm tiền thì từ nay về sau đừng hòng cô bé nói với nó một câu nào.

Sau khi từ nhà thằng Bảo về thì Việt Phương về nhà, trời cũng đã ngả chiều, cũng đến giờ về tắm rửa chuẩn bị ăn cơm rồi. Bây giờ Việt Phương được nghỉ hè nên tha hồ rong chơi khắp nơi. Nào ngờ vừa vào nhà, nó thấy một chiếc xe hơi bóng loáng sang trọng đậu trước nhà. Nó biết là xe của ai, mắt bỗng tối sầm lại rồi bực tức đá vào xe một cái, hầm hầm đi vào nhà.

Nhìn thấy ông bà nội đang cười nói vui vẻ với ba mẹ mình, bên cạnh còn có Việt Tình ăn bận xinh đẹp chẳng khác nào một con búp bê kiêu sa; Việt Phương không nói không rằng, lầm lũi đi vào trong nhà.

- Việt Phương, tại sao con không chào hỏi ai hết vậy hả? - Ông Việt Tuyên thấy con gái thì vui mừng, nhưng cũng khó chịu vì cô bé có chút hỗn láo.

- Con chào ba mẹ! - Việt Phương miễn cưỡng chào rồi tiếp tục bước đi.

- Con... - Ông Việt Tuyên có chút tức giận.

- Con mau lại đây cho mẹ! Dì Hoa vừa đến đây kể lại, con cùng đám trẻ trong xóm đi ăn cắp xoài bán cho dì, dì không chịu mua thì tụi con mắng dì, còn nói dì ế nữa có đúng hay không hả? Ai dạy con cái kiểu mất dạy như thế hả? Bây giờ đi về gặp mọi người còn không biết chào, phải đợi nhắc nữa hay sao!? - Bà Thu Hà đập bàn tức giận quát lớn. - Con hư quá rồi! Dám tự tập chơi với bạn bè xấu.

- Thôi, nó còn nhỏ mà, từ từ dạy dỗ! Cũng tại bây bỏ rơi nó ở đây, nó buồn mới đi chơi với tụi kia mà thôi. - Bà nội vội vàng lên tiếng bênh vực, bà rất thương Việt Phương, đêm nào nằm trong vòng tay của bà cô bé cũng mớ gọi mẹ, khiến bà thương lắm; cho nên hết lòng chiều chuộng, không dám lớn tiếng lấy một lần. - Cũng chỉ là chuyện trẻ con phá phách mà thôi, cũng đâu phải gây chuyện gì độc ác đâu.

Ba mẹ Việt Phương nghe vậy thì đắng lòng, cũng tại họ lo làm ăn bỏ bê Việt Phương. Nhìn lại Việt Tình trắng trẻo xinh xắn, còn Việt Phương thì đen đúa nheo nhóc, hai người cũng thấy hổ thẹn vô cùng. Bà Thu Hà thở dài nói:

- Thôi con mau vào tắm rửa đi rồi ra ba mẹ cho quà! Ba mẹ mua rất nhiều quà cho con, rất đẹp, con nhìn thấy sẽ rất thích.

- Dạ! - Việt Phương khẽ gật đầu rồi cứ thế đi tắm.

Nhưng tắm xong cô bé chui vào phòng của chú Nhân khóa cửa lại nhất quyết không mở, ai gọi thế nào cũng không chịu ra.

Bà Thu Hà thở dài chua xót. Có phải bà quá sai lầm khi bỏ rơi con gái như vậy hay không? Khiến con gái từ một đứa ngoan hiền bỗng như một thằng con trai suốt ngày phá phách. Nhưng lần trước là bất đắc dĩ thôi, lần này về quê bà quyết định rước con lên thành phố, cho con một cuộc sống đủ đầy hơn.

Cả buổi tối, Việt Phương không chịu mở cửa bước ra ăn cơm; dù ông bà nội hết lời nài nỉ, cô bé vẫn bướng bỉnh không chịu ra ngoài.

- Bé Phương, mẹ giận thì trách vài câu thôi chứ có phải ghét bỏ con đâu cơ chứ. Con đừng có buồn mà trốn trong phòng chú Nhân mãi như thế. - Bà nội Việt Phương ra sức dỗ dành cô bé. - Mau ra ăn cơm với bà nội; bà nội chờ cơm con nè, con mà không ra ăn, bà nội cũng không ăn cơm đâu.

- Mẹ à, mặc kệ nó đi! Nếu nó không ăn thì cho nó nhịn đói đi. Nó đúng là cần dạy dỗ lại, còn bé mà cứng đầu cứng cổ như thế, không biết sau này sẽ thế nào nữa đây. - Bà Thu Hà giận dữ nói. - Đợi khi thằng Nhân về mở cửa, con nhất định phải đánh đòn nó mới được.

Việt Phương nghe bà nội bảo thế thì thương bà vô cùng, cô bé biết bà nội rất thương mình, ngoài chú Nhân vẫn chưa lấy vợ ra thì chỉ có nó mới ở chung với ông bà, cho nên tình yêu thương ông bà đều dành hết cho cô bé. Việt Phương tuy ngang bướng nhưng cũng không nỡ để bà nội già cả phải nhịn đói chờ cơm mình, cô bé đang định đưa tay xoay cửa mở ra thì nghe mẹ mình mắng thế. Việt Phương bặm môi, đóng chặt cửa lại rồi bấm khóa, nhất quyết không chịu đi ra ngoài.

Bà nội Việt Phương thấy vậy thì xót cháu bèn quay sang mắng bà Thu Hà:

- Bây cũng thật là, không lên tiếng khuyên con thì thôi, hễ lên tiếng là lại trách mắng con. Bây xem giờ con bé đang định ra thì nghe bây nói vậy lại tiếp tục đóng cửa.

Ông Việt Tuyên nghe mẹ trách vợ thì cũng nói vào:

- Con nó còn nhỏ, từ từ dạy con, sao em cứ đòi đánh nó hoài. Có đứa trẻ nào mà không sợ đòn chứ. Em làm nó hoảng sợ như vậy làm sao nó dám đi ra.

Bà Thu Hà im bặt, vốn chỉ là khẩu xà tâm phật, mà tính bà cũng có chút nóng nảy. Không ngờ lại thành ra thế này. Nhưng vì tự ái, bà bèn bảo:

- Vậy thì anh hãy dỗ nó đi, em mệt quá rồi, con với cái. Việt Tình ngoan là thế, con bé này thì lại...

- Ý con là ba mẹ đây không biết dạy cháu đúng không? - Bà nội Việt Phương cho rằng con dâu trách mình không dạy cháu. - Con bé vốn ngoan ngoãn, chỉ tại tụi bây về nó mới như thế. Hai vợ chồng tụi bây bỏ mặc con cái cho vợ chồng già này nuôi, ba bốn tháng mới về nhà một lần thăm nó, bây nghĩ cứ mua cho nó nhiều quà thì nó sẽ vui sao? Cái nó cần là tình thương của bây kìa. Đêm nó nằm với tao gọi ba gọi mẹ, bây có biết hay không hả? Tao thương cháu tao bị ba mẹ bỏ rơi, một câu mắng cũng không nỡ nói. Tụi bây từ xa về, không xót con thì thôi, vì sao mở miệng là mắng chửi, là đòi đánh hả.

Ông Việt Tuyên thấy mẹ nổi giận mắng thì hổ thẹn, ông nghẹn ngào nói:

- Mẹ, con xin lỗi mẹ! Là tụi con đã sai. Đáng lý dù bận cỡ nào cũng không nên bỏ rơi con bé như thế.

- Mẹ à, con không có ý trách mẹ không biết dạy cháu đâu, con chỉ là nhất thời nóng giận nên mới nói thế. Con biết ba mẹ cực khổ nuôi dạy con gái mình, con mang ơn ba mẹ không hết nữa là. Con cũng biết mình có lỗi với con bé nhiều nên lần này về đây là để rước con bé lên thành phố ở; cho gia đình sum tụ, cho có chị có em với Việt Tình. - Bà Thu Hà thấy mẹ chồng nổi giận thì sợ hãi, vội vã giải thích.

- Con không đi, con không về nhà đâu! Con muốn ở đây với nội thôi. - Việt Phương đang ngồi co rúm trên giường của chú Nhân bên trong bỗng hét lên.

- Bé Phương, con ngoan! Về thành phố có nhiều thứ đẹp lắm, con thích cái gì ba đều mua cho con. - Ông Việt Tuyên bèn lên tiếng khuyên con gái. - Ba sẽ mua cho con nhiều đồ chơi, nhiều quần áo đẹp, nhiều bánh kẹo ngon.

- Con chẳng phải bảo ba mẹ bỏ rơi con hay sao? Bây giờ ba mẹ đưa con về nhà, bù đắp cho con. Ba mẹ sẽ thương con như thương chị Việt Tình.

- Con không cần, con không thèm những thứ đó, con muốn ở đây thôi. - Việt Phương hét lớn tiện tay chụp lấy cái bình nước bằng thủy tinh trên bàn sách của chú Nhân quăng mạnh về phía cửa bày tỏ sự phản đối của mình.

Cả nhà nghe tiếng đổ vỡ thì kinh sợ cuống quýt cả lên, không ai nghĩ một cô bé như Việt Phương lại bày tỏ thái độ quyết liệt như thế.

- Bé Phương, cẩn thận đó con, coi chừng đứt tay đứt chân! - Bà nội hốt hoảng kêu lên .

- Mau gọi điện cho thằng Nhân về bảo nó mở cửa! - Ông nội Việt Phương nãy giờ không lên tiếng cũng hoảng sợ bảo.

Ông Việt Tuyên vội vàng lục tìm điện thoại bấm số em trai gọi.

- Việt Phương, con đứng yên một chỗ nha, coi chừng giẫm phải miểng chai. Con là con của mẹ, mẹ chỉ nói thế thôi chứ không nỡ đánh con đâu. - Bà Thu Hà thấy mình sai nhiều vội vàng nhận lỗi. - Là mẹ sai, mẹ xin lỗi con!

Cũng may ngay lúc đó chú Nhân trở về, lập tức dùng chìa khóa mở cửa vào phòng. Việt Phương nhìn thấy người mở cửa thì co rúm lại, nhưng thấy người bước vào là chú Nhân thì đứng bật dậy lao đến ôm lấy chú. Chú Nhân cũng bế lấy đứa cháu gái nhỏ của mình vỗ về.

- Chú Nhân, con không muốn về nhà đâu, không muốn về đâu.

- Bé Phương ngoan, chú sẽ không để ba mẹ bắt con về đâu, đừng sợ.

- Chú hứa nha! - Việt Phương mếu máo yêu cầu.

- Chú hứa đó.

Được lời hứa của chú Nhân, Việt Phương nguôi ngoai nỗi sợ ngay lập tức. Cô bé vẫn bu lấy chú Nhân không chịu xuống. Từ lúc ở nhà nội, hay nói chính xác hơn từ lúc chú Nhân nhảy xuống hồ cứu Việt Phương, bế Việt Phương khi ba mẹ bỏ cô bé lại, bất giác Việt Phương thấy tin tưởng vòng tay của chú vô cùng. Đôi khi ông bà nói cô bé không nghe nhưng chỉ cần chú Nhân lên tiếng, Việt Phương lập tức nghe lời.

Cho Việt Phương ăn rồi dỗ cô bé ngủ xong thì Cảnh Nhân nhìn anh chị hai mình khẽ nói:

- Em thấy con bé sống ở đây cũng khá tốt. Nó còn nhỏ, không khí dưới quê khá thích hợp với nó. Chị xem, giờ nó hoạt bát hơn xưa nhiều. Thôi thì cứ để nó ở đây thêm một thời gian nữa, đợi nó lớn rồi hiểu chuyện, em sẽ lựa lời bảo nó trở về.

Ông Việt Tuyên và bà Thu Hà nhìn nhau hồi lâu rồi thở dài gật đầu.

- Ê Phương! Tui nghe nói chị gái bà trên phố mới về đúng không, sao không dẫn ra đây chơi? Nghe nói người thành phố đẹp lắm! - Giọng ngọng nghịu của thằng Hiển vang lên khi cả đám đang ngồi chơi bắn bi.

Việt Phương lườm mắt nhìn thằng Hiển không thèm đáp, cô bé tiếp tục nhắm bắn viên bi còn lại cần tiêu diệt.

Póc...

- Thắng rồi... haha... mấy ông mau đưa bi đây! - Con Thắm vui mừng hớn hở chìa tay đòi bi của ba thằng con trai.

Thằng Hiển, thằng Nam, thằng Hải quẹt mũi miễn cưỡng đưa bi cho con Thắm, trong bụng vừa tức vừa không cam tâm. Tức vì bị mất số bi mới mua về tay tụi con gái, vừa không cam tâm vì là con trai mà cả ba thằng chẳng lần nào thắng được Việt Phương cả. Nhưng nói chung vẫn thích chơi với Việt Phương.

Bỗng nhiên một bé gái xinh như búp bê, mặc váy dài quá gối - váy màu hồng kẻ sọc có thắt lưng ngoài sau, đầu cài một cái cài màu xanh hình con bướm rất đẹp; đang cầm trên tay một chiếc bánh khá ngon lành. Con Thắm và con Thảo nhìn thấy thì tỏ vẻ thèm thuồng, xóm quê như tụi nó, dù cha mẹ có tiền nhưng quần áo thôn quê dù mắc đến thế nào cũng không thể so với quần áo đẹp thời trang của thành phố, càng không thể so với hàng hiệu mặc trên người của Việt Tình.

Việt Tình đi đến, nở nụ cười đẹp rạng ngời của mình nhìn mọi người nói:

- Chào các bạn! Chơi gì thế, cho mình chơi chung với! Mình tên Việt Tình, là chị gái của Việt Phương.

Việt Phương nhìn chị gái mình một cách lạnh lùng rồi quay đi, cô bé mãi mãi không quên cái ngày chị gái bỏ rơi mình leo lên xe một cách ích kỷ như thế.

- Chị mặc đẹp như vậy, chơi với tụi này mất công dơ áo đẹp.

- Không sao, dơ thì thay cái khác, dù sao thì chị cũng có nhiều đồ đẹp lắm. - Việt Tình tươi cười đáp.

- Nhưng mà tui không thích chơi với chị. - Việt Phương cộc cằn đáp rồi quay lưng bỏ đi.

Vẻ mặt Việt Tình bỗng xụ xuống, cô bé bặm môi nhìn Việt Phương và đám trẻ con xung quanh. Sau đó nhìn đám trẻ giơ ra hộp bánh trên tay mình, cao giọng nói:

- Nếu chơi với mình, mình sẽ cho các bạn ăn bánh. Đây là loại bánh ngon nhất ở thành phố đó, phải có nhiều tiền mới mua được. Ngon lắm đó. Thế nào mọi người muốn ăn không?

Đám trẻ nghe Việt Tình nói thì đưa mắt nhìn hộp bánh ngay, tuy chúng không biết rằng hộp bánh đó ngon thế nào nhưng ánh mắt thèm thuồng thấy rõ. Tuy vậy, hộp bánh đó không đủ sức quyến rũ để tụi nhóc làm mất lòng Việt Phương. Đối với tụi nhóc Việt Phương chính là thủ lĩnh, tuyệt đối tuân phục.

Tụi nhóc quay lưng bỏ đi theo Việt Phương, Việt Tình càng bực tức, cô bé tháo chiếc nơ cài tóc của mình bảo với hai cô bé Thắm và Thảo:

- Nếu hai bạn chơi với mình, mình sẽ tặng bạn hai bạn rất nhiều đồ đẹp.

Nhưng hai cô bé nhìn chiếc nơ xong thì bĩu môi, chiếc nơ rõ ràng là rất đẹp, nhưng những thứ này cứ vài tháng Việt Phương lại cho chúng hết cả. Toàn là những thứ ba mẹ mua gửi về nhưng Việt Phương chẳng bao giờ ngó ngàng tới. Ba mẹ càng mong cô bé trở thành con gái thì cô bé càng đi ngược ý muốn của họ.

Việt Tình thấy tụi nhóc chẳng bị mình mua chuộc, nhưng ở nơi buồn chán này chỉ có thể chơi với tụi nhóc này mà thôi, đành lẽo đẽo theo sau.

Việt Phương đang đi thì thấy quán hàng khô của bà Hoa trước mặt, nhớ lại chuyện hôm qua bà ta dám đi kể cho ba mẹ cô bé nghe, không khỏi tức giận; bà ta đúng là ăn không được, phá cho hôi mà. Cô bé quyết định phá bà ta một phen. Việt Phương bèn kề tai nói nhỏ với đám nhóc, bọn chúng cười khúc khích khi nghe Việt Phương nói.

Việt Tình cũng tò mò không biết là Việt Phương và đám trẻ định làm gì, cô bé đứng sang một bên chờ đợi.

Lát sau Việt Tình thấy bọn nhỏ chờ cho bà Hoa đi ra ngoài chợ mua đồ, bèn chạy đến mở cửa chuồng vịt nhà bà, sau đó lùa chúng hết vào trong sân quán rồi đóng cửa lại. Bầy vịt hơn ba mươi con, dù chưa bự là bao nhưng với cường độ đào thải của nó, chắc chắn bà Hoa phải mệt nhọc dọn dẹp cho xong mới mong buôn bán được.

- Ê Phương, tao tìm được hai quả trứng vịt hình như bị hư rồi. Để tao thảy lên nóc nhà, cho nó thúi hoắc để bả khỏi bán luôn. - Thằng Nam cười đắc ý đề nghị.

- Thôi đủ rồi, bỏ hai quả trứng đi! Dưới sân bà ấy còn dọn được. Trên nóc làm sao dọn. - Việt Phương cau mày đáp, dù có ghét bà Hoa thế nào đi nữa, cô bé cũng không làm chuyện quá đáng hơn nữa.

Làm xong xuôi mọi việc, bọn trẻ khoái chí phủi tay ra về. Chờ cho tới khi bà Hoa về thì quán của bà cũng tanh bành vì phân vịt và phải tìm cách lùa đàn vịt về chuồng. Bọn trẻ vui vẻ hùa nhau chạy về nhà Việt Phương rồi thi nhau nhảy tùm xuống hồ nước thỏa mãn vùng quẫy bơi lội. Đương nhiên về khoản bơi lội Việt Phương hoàn toàn mù tịt, một lần bị rắn cắn - suốt đời sợ dây thừng, cô từng bị té xuống nước thiếu chút nữa là chết nên chỉ đứng ở trên nhìn tụi bạn tắm vui vẻ giữa trời nắng chang chang mà thôi. Cũng may hàng dừa soi bóng, mặt hồ mát rượi, tủi trẻ thỏa thích tung tăng.

Việt Tình thấy bọn trẻ phá phách như vậy, lại không chịu chơi với mình mà chỉ mải chơi với Việt Phương thì bực mình vô cùng. Cô bé nhìn hai trứng vịt thằng Nam để lại dưới đất, dường như đã có vết nứt; nhớ lại lời thằng Nam đã nói, Việt Tình cố ý nhặt hai quả trứng, dùng sức ném lên nóc lá che quán chòi bán hàng của bà Hoa. Trứng vịt vốn bị nứt lại thêm va đập, nhanh chóng bể nứt ra bám vào từng phiến lá, rồi lăn vỏ rơi lộp bộp xuống nền đất.

Việt Tình cười đắc ý nhìn tác phẩm của mình vừa hoàn thành. Trứng hột vịt bị ung, vỡ ra thúi kinh. Cô bé phải trừng trị đám trẻ kia và Việt Phương mới được, phải cho chúng một bài học để chúng thấy việc không chơi với cô bé phải lãnh hậu quả gì.

Đợi đến khi bà Hoa trở về, nhìn thấy cái quán của mình tanh bành như thế thì hét lên. Việt Tình giả vờ ngây thơ kể tội Việt Phương và đám trẻ.

Việt Phương đi chơi về tâm trạng rất vui vẻ, cô bé nhảy chân sáo vào tới sân nhà bèn gọi to:

- Nội ơi, con đã về!

Chẳng thấy tiếng trả lời, Việt Phương đoán bà nội đã đi sang nhà hàng xóm trò chuyện với mấy người bạn già của bà. Cô bé nhìn lại những bông hoa trên tay mình, đó là những bông hoa dại trên cánh đồng mà cả một buổi Việt Phương hái được khi lũ trẻ bạn cô bé tung tóe dưới sông.

Việt Phương muốn tặng những bông hoa này cho mẹ.

Tuy Việt Phương rất giận ba mẹ đã bỏ rơi mình nhưng cô bé vẫn khát khao tình cảm thương yêu của họ. Chẳng có đứa trẻ nào không yêu thương ba mẹ của mình, dù ba mẹ có lỗi với nó bao nhiêu đi chăng nữa. Việt Phương cũng vậy. Tuy tỏ vẻ xa cách nhưng cô bé vẫn luôn mong muốn mẹ nhìn mình cười âu yếm gọi: ”Con gái của mẹ ơi!” Và như thế, cô bé sẽ sung sướng sà vào lòng mẹ mà nũng nịu như Việt Tình thường làm.

Những giận hờn ngày hôm qua cứ theo cơn gió bay đi mất, chỉ còn lại tình yêu với ba mẹ mà thôi.

Việt Phương hí hửng đi vào trong, tay còn mân mê bó hoa dại đủ màu sắc mà cô bé có thể hái để tặng mẹ. Mỗi khi về đây, lần nào Việt Phương cũng theo chú Nhân đi chơi ngoài ruộng, lần nào cô cũng hái những đóa hoa dại để đem về tặng mẹ. Lần này, cô bé cũng hái, vui vẻ bước vào nhà, phấn khởi lên tiếng gọi:

- Mẹ ơi mẹ!

- Con đi đâu giờ này mới về? - Bà Thu Hà bỗng xuất hiện với gương mặt kém vui, hay nói đúng hơn là cực kì tức giận. - Tại sao con càng lúc càng hư như thế hả?

- Con đi chơi với các bạn. - Việt Phương có chút sợ sệt đáp, tay siết chặt bó hoa dại mình đang cầm.

- Lại là cái lũ hư hỏng đó! - Bà Thu Hà cau mày tức giận.

Việt Phương có chút không hài lòng khi nghe mẹ nói bọn trẻ bạn mình như thế, cô bé liền cự cãi lại:

- Các bạn ấy không có hư hỏng.

- Không hư hỏng! Bắt vịt bỏ vào quán người ta, còn chọi trứng thối lên nóc nhà người ta mà bảo là không hư hỏng à? - Bà Thu Hà giận dữ quát lớn. - Để người ta đến tận nhà mắng vốn như thế. Con có biết mẹ xấu hổ đến thế nào hay không hả? Sao con lại có thể hư đốn đến như thế. Con làm như thế, người ta sẽ bảo mẹ không biết dạy con, con có biết không hả?

Việt Phương giật nảy mình, không ngờ bà Thu Hà lại biết được sự việc nhanh đến như vậy. Nhưng rõ ràng, Việt Phương nhìn xung quanh không có ai hết mới dám làm mà, vì sao bà Hoa lại biết được mà đến mắng vốn như thế cơ chứ. Cả đám cũng chỉ là lùa vịt vào thôi chứ cũng đâu có quăng trứng lên nóc nhà. Chẳng lẽ thằng Nam lén lút quăng lên nóc nhà bà Hoa nên mới bị ai bắt gặp? Nhưng từ trước đến giờ, thằng Nam ít khi nào dám làm trái ý của cô bé lắm.

Việt Phương cắn môi cúi đầu im bặt, chấp nhận nghe lời mắng của mẹ mình.

- Từ nay mẹ cấm con đi chơi cùng tụi đó nữa, bọn chúng chỉ toàn dạy hư con mà thôi! - Bà Thu Hà cho rằng, Việt Phương từ nhỏ vốn hiền lành ngoan ngoãn, do chơi chung với đám trẻ hư dưới quê nên mới trở nên cứng đầu ngỗ ngược như thế. Bà quyết ngăn cản con gái giao du với bọn trẻ hư hỏng đó.

- Mẹ, các bạn ấy không dạy hư con. Bắt vịt bỏ vào quán dì Hoa là ý của con, chọi trứng lên nóc nhà cũng là ý của con. Các bạn ấy là nghe theo lời con thôi. - Việt Phương không tán đồng ý kiến của mẹ, cô bé giậm chân đáp. - Mẹ đừng có hễ chút là nghĩ xấu các bạn ấy.

Bà Thu Hà nghe con gái cãi lại mình thì càng giận thêm, bèn nói:

- Mẹ vốn suy nghĩ xem có nên để con lại đây không. Nhưng lần này, dù ai nói gì, mẹ cũng nhất quyết không để con lại đây đâu. Ba ngày nữa, theo ba mẹ về nhà!

- Con không về! Con không thích cái nhà đó! - Việt Phương nhìn bà Thu Hà trừng trừng đáp, nhất quyết không chịu về thành phố.

- Con... Không về cũng phải về! - Bà Thu Hà cũng phản ứng không kém, bà quyết không cho con gái cơ hội phản kháng.

- Con ghét mẹ lắm! - Việt Phương hét lên rồi ném bó hoa cỏ dại mà mẹ thích xuống đất trước mặt bà, sau đó quay đầu chạy đi.

- Việt Phương... Việt Phương... - Bà Thu Hà thấy con gái tức giận bỏ chạy thì giật mình vội vã kêu lại, nhưng Việt Phương đã nhanh chóng biến mất trên con đường quê đầy cây mát.

Lòng bà Thu Hà bỗng sợ hãi, có phải bà đã quá đáng khi mắng những đứa trẻ ấy không? Trẻ con thường nghịch ngợm, đôi khi người lớn còn không thể theo kịp trò đùa của chúng. Mà trẻ con thường thích kết bạn cùng nhau, bà lại cấm chúng chơi chung, có phải là đã làm tổn thương đến tình cảm của chúng hay không? Bà đột nhiên cảm thấy mình chẳng thể hiểu được đứa con do mình đứt ruột đẻ ra này, có phải là do ba năm tình cảm cách rời kia không.

Đột nhiên nhìn lại, bà thấy mình đã bỏ rơi đứa con gái quá lâu rồi, thật có lỗi với nó.

Việt Tình đứng trong nhà nhìn ra, cảm thấy hả hê khi mẹ mắng Việt Phương, cho đáng tội ai bảo không chịu cho cô bé chơi chung chứ. Nhưng khi nghe mẹ bảo muốn dẫn Việt Phương về nhà thì tái mặt. Việt Phương giờ không giống như đứa em nhỏ ngốc nghếch nghe lời nữa, càng không thích chơi trò tráo đổi thân phận với Việt Tình nữa. Vậy thì mỗi khi cô bé gây lỗi không ai nhận tội thay, ba mẹ sẽ giận như thế nào đây. Không có Việt Phương, ba mẹ cưng chiều, không nỡ trách phạt. Nếu có Việt Phương, như vậy chẳng thể nào làm nũng như trước nữa.

Việt Tình cắn môi, cô bé không muốn Việt Phương cùng về nhà chút nào cả.

Việt Phương tức giận chạy đi, cô bé chẳng biết đi đâu, chỉ muốn chạy khỏi mẹ mà thôi.

Tụi bạn cũng vừa thay quần áo xong, thằng Hiển được ba nó cho một rổ khoai sống, nó mừng rỡ kêu thằng Nam cùng bê ra chỗ tụ tập để nướng khoai ăn. Thằng Hải có nhiệm vụ đi kêu mấy đứa con gái, nó thấy Việt Phương đang cắm đầu chạy thì gọi lại:

- Phương! Bà đi đâu đó?

- Tui muốn đi khỏi nhà. - Phương đứng lại đáp cộc lốc.

- Thằng Hiển có một rổ khoai kìa, đang chuẩn bị nướng, đến đó thôi. - Thằng Hải chẳng hiểu mô tê gì nhưng cũng bảo.

- Ừ.

Việt Phương liền đi cùng thằng Hải đến chỗ tụ tập của tụi nó, nơi đám bạn đang chuẩn bị củi để lùi khoai.

Chỗ tụ tập của tụi nó là sau hè của một ngôi đình trong làng, chỉ đến ngày lễ lạc gì đó thì đình mới đông người. Bình thường thì vắng hoe, cho nên đám nhỏ tụi nó thích tụ tập chơi trò chơi; la hét om xòm mà không sợ phiền đến ai, không sợ ai mắng mình.

Thấy Việt Phương đến tụi nhỏ vui mừng hớn hở rồi bảo:

- Mau lên, tắm xong thì bụng đói cả rồi!

Ở bên đám bạn, Việt Phương chẳng còn buồn phiền gì nữa, cô bé hòa mình vào trong cuộc chơi vui vẻ. Nhưng đến khi trời gần tối, tụi nó phải về nhà, thì Việt Phương ngồi im không chịu về.

- Sao vậy, sao bà không về nhà? - Con Thắm nhìn Việt Phương hỏi.

Việt Phương bèn kể hết mọi chuyện cho tụi bạn mình nghe. Cô bé quay sang hỏi thằng Nam:

- Có phải mày chọi trứng thúi lên nóc nhà dì Hoa không? Tao đã bảo mày đừng chọi mà.

Thằng Nam nghe Việt Phương hỏi thế thì ngơ ngác đáp:

- Đâu có, tao đâu có chọi. Mày chẳng bảo, chọi lên nóc nhà thì không thể nào dọn được mà, tao đâu có dám. Tụi bây tin tao đi, tao có thể thề đó...

- Vậy thì ai chọi? - Con Thảo đăm chiêu nghĩ.

Ngoài tụi nó ra, chỉ có Việt Tình là lẽo đẽo đi theo thôi. Như vậy chắc chắn là Việt Tình đã chọi chứ không ai hết. Đã vậy, dì Hoa biết chuyện bọn nó làm, chắc chắn là do Việt Tình đã méc lại.

Việt Phương cắn môi tức giận.

- Mà bây giờ mày định tính sao hả Phương? - Thằng Hải đột nhiên lên tiếng hỏi.

- Tính gì? - Việt Phương nói cộc lốc.

- Ờ thì... cái vụ về lại nhà mày ở thành phố đó. - Thằng Hải gãi gãi đầu trông nó có vẻ buồn bã nói.

- Phương, mày đừng về thành phố nha! Mày đi rồi, tụi tao sẽ buồn lắm đó. - Con Thắm mếu máo nói, nó nắm tay Việt Phương.

- Phải đó, tụi tao không muốn mày đi đâu Phương, không có mày thì không có vui. - Thằng Hiển cũng nhìn nó với ánh mắt buồn vô hạn nói.

Tụi trẻ chơi với nhau bao nhiêu lâu rồi, thật sự mà nói, có Việt Phương, tụi nó lúc nào cũng thấy vui hết. Hết chơi trò này đến chơi trò khác. Thích nhất là chú Nhân rất thương Việt Phương nên thường giúp bọn trẻ làm những thứ chúng thích, lâu lâu còn được chú mua bánh cho ăn. Bánh kẹo ba mẹ Việt Phương gửi về, tụi nó cũng được hưởng ké.

- Tao sẽ không về đâu. - Việt Phương đanh mặt đáp lời chúng.

- Thật sao? - Con Thảo mặt mày hớn hở nhìn Việt Phương nhưng ngay sau đó nó trở lại vẻ mặt buồn xo bảo. - Mày là con ba mẹ mày, ba mẹ mày muốn mày về, mày làm sao cãi lại được. Ba mẹ thế nào cũng bắt mày về nhà thôi.

- Phải đó. - Thằng Nam cũng tiu nghỉu đáp.

- Hay là... - Thằng Bảo, cái thằng mà bọn trẻ ăn cắp xoài bán kiếm tiền cho nó mua thuốc cho bà nội, lúc này cũng có mặt tham dự buổi tiệc khoai lang nướng của bọn nhóc bèn lên tiếng nói. - Mày trốn đi!

Tất cả bọn trẻ đều quay đầu nhìn thằng Bảo, thằng này có chút bối rối, hắng giọng nói tiếp:

- Chỉ có cách này thôi. Con Phương trốn tạm ở đâu đó mấy ngày, để đến khi ba mẹ nó về lại thành phố, lúc đó nó mới đi ra ngoài. Tụi bây thấy sao?

Thằng Bảo liếm mép hồi hộp nhìn đám trẻ chờ đợi ý kiến. Cả bọn đều nhìn Việt Phương im lặng, chờ đợi quyết định của cô bé.

- Được, quyết định như vậy đi. - Việt Phương gật đầu.

- Vậy thì cứ trốn đi. Đến lúc đó, tụi tao sẽ thay phiên nhau đem thức ăn nước uống cho mày, đừng lo chết đói. - Thằng Nam tỏ vẻ chí khí bảo.

- Nhưng tao nên trốn ở đâu mà người nhà tao không tìm ra kìa. Chứ cái xóm này, chỗ nào mà mọi người không biết tao chứ. - Việt Phương nghiêm mặt bảo.

- Tao có một chỗ trốn rất lý tưởng. - Thằng Bảo đột nhiên lên tiếng nói.

Việt Phương về nhà tự mình tắm rửa sạch sẽ. Trong khi Việt Tình phải chờ mẹ tắm cho. Ở quê không giống như thành phố, không có vòi nước nóng, tắm nước lạnh, Việt Tình không quen nên lúc nào cũng mè nheo đòi phải nấu nước sôi mới chịu tắm.

Việt Phương nhìn thái độ của bà Thu Hà cưng chiều Việt Tình thì thấy tủi thân vô cùng, vì sao mẹ chưa từng tỏ ra dịu dàng với cô bé bao giờ. Giả vờ bĩu môi khinh rẻ Việt Tình, Việt Phương bỏ đi lên nhà trên.

Cũng may, ông Việt Tuyên, ba cô bé lại rất thương cô. Một người đàn ông duy nhất trong nhà, nên tình thương của ông chia sẻ đều cho hai đứa con gái. Ông càng thương Việt Phương hơn vì bị bỏ rơi mấy năm nay.

- Ngày mốt ba về thành phố rồi, mai ba sẽ dẫn con đi ra chợ huyện, con thích gì ba sẽ mua cho con.

- Thật hả ba? Ba mua cho con nhiều tranh vẽ nha ba! - Việt Phương reo lên mừng rỡ.

- Ừ. - Ông Việt Tuyên mỉm cười gật đầu.

- Mua thêm cho con bút màu và màu vẽ nha ba! - Việt Phương nói thêm.

- Được. - Ông Việt Tuyên nhìn thấy ánh mắt mong đợi của con gái thì vui trong lòng, thỏa mãn niềm vui của con cái cũng là niềm vui của ba mẹ .

Việt Tình tắm xong thấy ba và Việt Phương nói chuyện vui vẻ với nhau như thế thì có chút bực dọc. Việt Tình lao đến ôm chầm ông Việt Tuyên từ phía sau rồi nhõng nhẽo vòi vĩnh:

- Ba, ba mua cho con nữa nha ba!

Bình thường Việt Tình đòi gì đều được không ngờ lần này ông Việt Tuyên lại từ chối, còn nghiêm khắc dạy dỗ:

- Lần trước ba mua cho con rất nhiều nhưng con chơi vài bữa là chán, rồi quăng bỏ lung tung. Ba sẽ không mua cho con nữa đâu. Về nhà nhặt lại mấy thứ đó mà dùng.

Việt Tình nghe vậy thì xụ mặt buồn xo, giậm chân hậm hực nói:

- Con ghét ba!

Nói xong thì bỏ chạy ra nhà sau đầy hờn dỗi.

- Nhưng con thương ba! - Việt Phương kề tai ba nói nhỏ khiến ông Việt Tuyên vui vẻ cười lớn xoa đầu cô.

Đến khi cả nhà cùng tụ họp ăn cơm, bà Thu Hà bỗng buông đũa xuống nhìn ba mẹ chồng lần nữa nói:

- Ba mẹ, con suy nghĩ kỹ rồi, con quyết định sẽ đưa Việt Phương về thành phố. Con thấy điều này là cần thiết cho con bé. Thành phố có đủ điều kiện sống tốt hơn. Hơn nữa con có thể tự mình dạy bảo nó, chăm sóc nó. Dù sao con cũng là mẹ, con không thể để con mình ở xa hoài như vậy được. Lúc trước vì công việc bận rộn nên bất đắc dĩ mới phải gửi cho ba mẹ. Nhưng hiện tại công việc đã ổn định rồi, con muốn rước Việt Phương về nhà. Điều kiện học hành ở thành phố tốt hơn, chương trình học cũng tiếp cận được với kỳ thi đại học hơn. Tương lai sau này của Việt Phương sẽ vững chắc hơn.

Ông bà nội Việt Phương nghe nói thì buông đũa trầm mặc. Dù sao mẹ Việt Phương nói cũng đúng, thành phố tốt hơn là thôn quê này; dù sao họ cũng là mẹ con của nhau, ai lại nỡ chia cắt mẹ con người ta. Một phần là ở thành phố, việc học sẽ tốt hơn, tương lai sẽ được bảo đảm hơn. Chỉ là... ông bà đã quen với sự có mặt của Việt Phương, nếu không có tiếng nói nụ cười gọi ông gọi bà của cô bé, họ sẽ thấy buồn và cô đơn rất nhiều.

- Tùy con vậy. - Ông nội Việt Phương bèn lên tiếng.

Bà nội Việt Phương chỉ lặng lẽ đứng dậy rồi bảo:

- Tụi con ăn trước đi, mẹ muốn nằm nghỉ một lát.

- Bà cứ nhất định nói chuyện này trong bữa cơm mới được hay sao? - Ông Việt Tuyên thấy mẹ bỏ cơm biết mẹ rất buồn nên quay sang trách vợ.

Bà Thu Hà muốn cãi lại nhưng nghĩ lại rồi thôi, đành lặng thinh ăn cơm.

Việt Tình thấy mẹ lần nữa nhắc chuyện đưa Việt Phương về nhà liền nói:

- Chẳng phải em ấy không muốn về nhà hay sao? Ba mẹ cứ để em ấy sống với ông bà cho vui.

- Con nít biết gì mà nói! - Bà Thu Hà mắng con gái.

Việt Tình xụ mặt cúi đầu ăn cơm trong ấm ức.

Cảnh Nhân thấy anh chị hai đã quyết định như vậy rồi thì chỉ có thể thở dài lo lắng nhìn Việt Phương để xem thái độ của con bé thế nào. Nhưng bất ngờ là Việt Phương chẳng nói tiếng nào phản đối, cô bé vẫn ăn uống bình thường, giống như không hề nghe thấy những lời nói vừa rồi. Còn vui vẻ gắp đồ ăn cho mọi người.

Ông Việt Tuyên thấy con gái không phản ứng dữ dội như trước nữa bèn
ĐẾN TRANG
Thông Tin
Lượt Xem : 7226
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN