--> Về nơi đáy mắt trong - game1s.com

Về nơi đáy mắt trong

Về Nơi Đáy Mắt Trong có lẽ vẫn là một câu chuyện nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng nhưng đau đớn chỉ có điều nỗi đau ấy chìm lẵn trong sâu thẳm nội tâm mỗi nhân vật. Bởi vậy mà không đao to, búa lớn. Leng Keng vẫn viết bằng cái chất văn ấy không khoa trương như bản thân con người tác giả vậy.

  Fan Pager tác giả: Lengkeng's story


Chap 1: Đừng quên, tôi vẫn là thầy của cô!


Gió nóng rát táp vào mặt. Đường bỏng rộp như muốn bức tử đôi chân trần. Nắng thiêu đốt mái tóc lùm xùm không mẫu nón, Linh bấm mạnh năm đầu ngón chân, chạy đến quên trời đất.

Chết tiệt! Buổi học đầu tiên, không được muộn.

Tự ra lệnh cho bản thân, cô luống cuống bấm giữ thang máy như cứu cánh cuối cùng. Lão trai bên trong râu tóc lùm xùm có vẻ khó chịu, đưa ánh mắt bất cần nhìn cô gái đang lơ ngơ như người ngoài hành tinh trước mặt.

- Tôi… à, em là … sinh viên năm nhất!

Tuyệt chiêu này là Hải Đăng dạy cô. Theo lời cậu bạn quý hóa thì sinh viên năm nhất lúc nào cũng được đặt ở chế độ ưu tiên, nhường nhịn kiểu để thể hiện ta đây khóa trên. Tuy vậy sau một quá trình dò xét từng chân mày nếp nhắn trên gương mặt người đàn ông đứng trong thang máy, cô vẫn không hiểu hắn đang biểu lộ cái cảm xúc gì nữa. Thương hại à? Hình như không phải? Cảm thông với bộ dạng của cô à? Càng không phải. Thế tóm lại là gì? Là “chẳng là gì cả”, nói tóm lại lão ta chỉ đang trừng mắt nhìn con nhỏ dở hơi từ trên trời rơi xuống bằng ánh mắt hoàn toàn lãnh đạm.

- Em… Anh có thể cho em vào không, em muộn…

Phựt.

Lão đưa tay ấn nút đóng cửa… Linh há hốc mồm nhìn cửa thang máy từ từ đóng lại. Hai tay giữ nguyên trạng thái vừa hoa lên để lên bật dây cót bắn mấy câu giải thích năn nỉ này nọ. “ Trời ơi! Lão mà để tôi gặp trong mấy năm ở cái trường này thì đừng trách ta đem đai đen karate ra dọa. Học sinh học trò gì mà mặt non choẹt bày đặt râu tóc xồm xàm lại còn thích độc chiếm thang máy. Ích kỉ, quá thể ích kỉ. Bực mình chết mất thôi”.

Ngán ngẩm nhìn bảng số thang máy bên cạnh tận tầng 12, Linh đành tặc lưỡi buông một câu “Chết tiệt” rồi phi như bay về cầu thang bộ, lóc cóc nhảy từng bậc với đôi chân đỏ ửng vì rát.

Tầng 5, buổi đầu làm sinh viên của cô. Ôi ác mộng!

Linh vừa dằn từng ngón chân ngang bướng xuống bậc cầu thang vừa hết lời ca thán về cái con người dị hợm ban nãy. Mặc kệ xung quanh cô, khối đứa sinh viên đang trợn mắt bình luận vì đứa con gái dị hợm đầu tóc rối bù, quần áo xộc xệch, tay xách dép phi như tên bay trên cầu thang tầng 4.

Cô đưa tay vào túi quần tìm chiếc điện thoại định hỏi Hải Đăng có xí chỗ cho cô không nhưng sực nhớ ra chiếc điện thoại và cả túi xách của cô đã yên vị trong hiệu cầm đồ nào đó rồi. Cô phì môi thở dài rồi nhét đôi dép đứt vào trong, luồn cửa chui vào cái giảng đường bé tẹo, xì xèo tiếng thở của hơn một trăm con người. Đấy chỉ thở thôi đã ồn như chợ rồi.

- Này! Làm gì mà lâu thế hả?

- Bắt cướp?

- Hả? Cái gì? Mày bắt cướp á? Điên à? Cướp gì? Cướp của ai?

- Không phải của tao.

- Thế ba lô mày đâu? Điện thoại mày đâu? Sao tao gọi mãi không được?

- Mất rồi!

- Ơ, con điên này? Sao lại mất mày vừa bảo không cướp của mày mà?

- Ôi dào! Tí kể. Để người ta thở đã.

- Trời.

Mặc kệ tiếng kêu không thành tiếng của thằng bạn, Hải Đăng vẫn thản nhiên vừa phì phò thở vừa đau đớn bắc em chân lên ghế, xuýt xoa vì đau.

- Chết dẫm! Xong luôn em chân của tao rồi! Tí mày cõng tao về là chắc

- Gì! Điên à?

- Điên cái đầu mày ấy, không nhìn thấy chân tao nát bét rồi à… Bạn với chả bè…

AAAAAA Á…

Chiếc giày thể thao của Hải Đăng đã đặt gọn trên mấy ngón chân đang tấy đỏ của cô. Cô quắc mắt quay lại nhìn thằng bạn “thân hơn chó với mèo” bằng ánh mắt hình viên đạn. Đang định quác miệng chửi thì giọng nói từ chiếc micro xa xăm vang lên, chầm chậm.

- Bàn thứ ba từ dưới lên? Đứng dậy!

Linh hơi khựng lại với chất giọng Hà Nội ấm áp, cô ngước lên nheo mắt nhìn thầy giáo ở tít tắp xa xôi mới sực nhớ ra kính của cô đã vỡ nát từ ban nãy và với khoảng cách này thì bằng đánh đố cô cũng không nhìn được một milimet nào trên mặt ông thầy Hà Nội luôn. Đã thế, mặc. Linh lại cúi xuống xoa xoa cái chân đau không quên đánh mắt lườm thằng bạn một cái sắt lẹm: “ Lát mày chết với bà, Đăng gà ạ”.

- Bàn thứ ba từ dưới lên, áo vàng đứng lên!

Đăng thúc nhẹ vào tay Linh nhưng cô mặc kệ, càu nhàu mắng thằng bạn rồi lại quay hí hoáy với cái chân đau. Bỗng dưng cô giật mình sực nhớ ra:” Màu vàng, í mình mặc áo màu vàng mà”. Tiếng xôn xao của mấy đứa xung quanh càng lúc càng to khiến Linh giật mình. Cô ngoái người lại lẩm bẩm đếm ngược từ dưới lên:

- 1…2…3… Bàn mình mà! Trời, con số ba oan nghiệt.

Chưa kịp định thần, giọng nói ấm áp giờ là khắc tinh lại vang lên:

- Giờ thì cô đứng lên được rồi chứ?

Linh vội bỏ chân xuống ghế, chân xỏ vào đôi dép đứt dở, lết lết xuống sàn cho quai dép đừng rơi ra rồi nhanh chóng đứng dậy, nở một nụ cười thảm thương nhất có thể.

Tiện tay, cô lôi tuột cái kính của Đăng già, đeo vào mắt:

- Dạ… Em…

Ố, ố… Cái gì thế kia? Lão lắm râu, tại sao lại là hắn. Ô ô, cái mặt non choẹt mà? Giảng viên cái nỗi gì. Trời ơi! Linh ơi là Linh hôm nay mày ra đường bằng chân trái hay phải?

- Cô nhìn xong chưa? Tôi hỏi cô la hét gì trong lớp tôi nãy giờ đấy hả?

- Ơ … Không! Em không… Em chỉ nói! Ý em là em có ý kiến?

Lão lắm râu, bây giờ là giảng viên nhìn cô, giọng vẫn đều đều:

- Được rồi! Ý kiến gì? Cô nói đi!

- Dạ… à, ý em là…

Linh cắn môi, cố phịa ra một lý do đảm bảo đủ đô chữa cháy cho cô. Rồi mắt cô sáng lên, miệng cười toét. Hải Đăng giật giật tay Linh, hơn ai hết cậu thừa hiểu cái biểu cảm này của Linh 99% là vừa nghĩ ra một ý tưởng điên rồ nào đó. Mặc kệ, Linh vẫn tiếp tục:

- Dạ! Em định xung phong làm lớp trưởng ạ! Thế nên đang hỏi bạn Đăng gà xem làm sao để được làm lớp trưởng ạ!
Cả lớp ồ lên trong tích tắc. Thầy giáo lắm râu nhìn Linh, lừ mắt rồi cầm chiếc micro lên. Tim Linh nhảy nhót đợi phán quyêt trọng đại của lão:

- Cô ra khỏi chỗ, đi lên đây.

- Dạ!

- Lên đây! Nhanh lên!

Linh lách ra ngoài, môi mím chặt, một tay xách dép bỏ ra ngoài, xỏ chân vào một chiếc, một chiếc lết đi trên sàn. Lão thầy lại đưa mắt nhìn bộ dạng thảm hại của cô nữ sinh. Tóc tai rũ rượi chưa vuốt lại, áo nửa trong nửa ngoài bám đầy đất. Dép chiếc lành chiếc đứt. Chính Linh lúc này cũng mới định hình được tình hình bi đát của mình, nhưng sự đã rồi cô đành đâm theo lao vậy.

- Dạ! Chào thầy, chào cả lớp! Mình là Hoàng Thị Thùy Linh…

- Cái gì? Hoàng Thùy Linh á?

- Hoàng Thùy Linh gì mà bê tha thế này! Tao không có thích! Haha

- Này cậu có em út gì với Hoàng Thùy Linh không thế?

Mấy đứa con trai ngồi dãy bên trái bắt đầu nhộn nhạo cả lên! Chủ đề quá được ưa thích mà lại!

“Ơ! Buồn cười! Đã nói là “Thị” mà. Rõ ràng tên mình có chữ Thị to đùng mà lại. Chết tiệt”

Linh còn đang lơ mơ chửi mấy tên con trai láo nháo thì có tiếng thầy vang lên:

- Trật tự! Cô tiếp đi! Hãy chứng tỏ mình ra dáng một sinh viên đi đã rồi hãy là lớp trưởng.

Linh quay ngắt lại nhìn ông thầy mặt râu. Cái lối ở đâu ra mà hạch họe, sỉ nhục sinh viên kiểu đó. Được. Để đó em cho thầy xem.

- Tớ là Hoàng Thị Thùy Linh. Chữ “Thị” là chữ đáng tự hào nhất trong tên tớ đấy ạ. Nhắc không cho mấy bạn nam trong lớp lại quên. Hì. Cấp 3 mọi người hay gọi mình là Hoàng Linh. Cả lớp có thể gọi mình vậy. Mình rất mong các bạn ủng …hộ…

- Này! Cậu làm gì mà như đi đánh lộn về thế hả? Vậy mà cũng đòi làm lớp trưởng.

Linh trừ mắt nhìn thằng con trai bàn đầu có vẻ cay cú vì chưa kịp xung phong đây mà. Tên con trai có vẻ thụt lại sau cái nhìn nảy lửa của Linh. Nhưng bất ngờ cô lại nhoẻn miệng cười.

- Tớ vừa đi đánh nhau với cướp về. Vừa nãy trên đường, tớ gặp một tên cướp giật túi xách của một bác gái. Thế là tớ xông ra… chạy theo nó… Chạy chạy… Đuổi đuổi…

- Rồi sao? Rồi sao?

Cả lớp nhao nhao.

- Tên cướp bị tớ tóm lại, hắn gạt tay, tớ ngã bay xuống đấy. Tớ khèo chân hắn thế là tên ấy cũng ngã chổng gọng theo. Với kinh nghiệm của một tay karate có nghề, tớ vùng dậy quật hắn xuống… Nhưng..

- Nhưng sao? Nhưng sao?

Cả trăm ánh mắt, trăm cái miệng há hốc hướng về phía Linh.

- Nhưng hắn khỏe quá, tớ chỉ kịp giật cái túi của bác kia, ném lại tít xa cho bác ấy lại nhặt thì đã bị hắn vật lại. Thế nên áo tớ mới bẩn vậy nè. Cú nhất là hắn dẫm lên dép tớ, giằng giằng, giật giật thế là đi toi em dép 50k mới mua của tớ luôn. Chưa hết….

- Cuối cùng thì thế nào? Chưa hết gì?

Cả lớp lại xôn xao đoán già đoán non.

- Ờ thì cuối cùng, tớ tỉnh dậy trên đường, muộn giờ học và em túi xách và điện thoại đã theo tên trộm mắt lác kia vào tiệm cầm đồ nào đó rồi. Nhưng có một điều tớ chắc chắn là tên trộm giờ đang chửi tớ tơi bời cả phi vụ hoành tráng của hắn chỉ thu được một chiếc nokia cục gạch đã hỏng pin và 2 cuốn vở bọ. Haha.

Cả lớp lại trợn tròn mắt nhìn Linh rồi cùng bật cười khanh khách.

- E hèm!

Tiếng e hèm của thầy giáo kéo Linh và hơn trăm con người dưới kia về thực tại. “Xong! Quả này hết đỡ”. Linh vừa nghĩ vừa hé miệng cười, nụ cười quyến rũ nhất có thể để mong thấy thương tình tha xử.

- Kể chuyện xong rồi nhỉ? Chuyện vui gớm nhỉ? Cô lớp trưởng! Nhưng mà trước hết cô nghe tôi nói đây:

1. Từ buổi sau, không ai trong lớp này được mặc áo vàng.

- Ơ! Thầy! Sao lại…

- Tôi là người không thích giải thích nhiều. Luật của lớp tôi từ trước đến giờ luôn vậy. Nếu ai không chấp hành được, chuyển lớp hoặc nghỉ học.

- Dạ!

Linh lí nhí có vẻ cam chịu nhưng kì thực là điên tiết lắm với cái ông thầy quái chiêu này lắm rồi. “Vàng thì sao? Vàng hợp tuổi? Mặc áo vàng thì đụng chạm gì đến nhà ông à. Xí. Vô lý.”

- Thứ hai, sau khi tôi đã vào lớp, những ai vào muộn vui lòng đứng ngoài. Và thứ ba, đừng nói và cũng đừng tò mò về tôi quá nhiều.

“Xí. Ai thèm tò mò về ông. Mới tí tuổi mà khó tính thấy mồ. Kinh quá. Kinh quá. Sao vừa mới vào trường đã gặp ông chủ nhiệm thế này không biết”. Linh nhăn mặt làm bộ sợ hãi, hướng về phía cả lớp khiến cả bọn nháy mắt cười thầm với cô lớp trưởng mới đáng yêu này thôi.

- Thứ ba, lớp trưởng ra ngoài cho tôi. Buổi học hôm nay cô phạm lỗi. Một: Đến muộn

Hai: Nói nhiều

Và Ba: Giành thang máy của giảng viên.

Mời cô ra ngoài.

- Ơ. Thầy… Thầy…

Linh đứng tựa vào thành cửa nghe tiếng giảng ì ạch của ông thầy lắm râu cũng lắm chiêu. Một lúc, mỏi chân quá cô chọn cách ngồi phệt xuống đất, ngay trước cửa lớp nghe giảng. Mắt lim dim mệt mỏi díp dịp lại. Mái tóc rối bù rũ mạnh xuống mặt.

Cốp.

- Ui da… Giết người à.

Linh hét lên cùng lúc ngã bật ra phía sau theo lực cánh cửa đẩy mạnh. Cô chống tay xuống sàn để có tư thế ngã đẹp nhất có thể theo đúng cái thói quen của “Vua tạo dáng” mà bọn Đăng gà sắc phong từ hồi còn bé tí. Rồi nghĩ thế nào ngay lập tức cô bật ngồi dậy.

- Này! Đi đâu đấy? Không biết xin lỗi à?

Kẻ vừa gây ra tội lỗi to đùng thản nhiên quay lại, tay vẫn cho vào túi quần, hắn nhíu mày nhìn Linh như muốn chứng minh mình hoàn toàn vô tội. Linh trố mắt nhìn hắn. Gã ta nhởn nhơ nhìn Linh ngã oành ra đất rồi lại nhởn nhơ đi thẳng như không.

Cái mặt đó nhìn từng milimet đều… đáng yêu không chịu được.

Không ai biết, con bé đang trong trạng thái bất động. Mái tóc màu café xoăn tít khiến hắn đặc biệt hơn tất cả lũ con trai Linh từng gặp. Cánh mũi cao và đôi môi hơi vênh lên càng tôn thêm vẻ đẹp trai ấn tượng của hắn, tên tội đồ cô không tiếc lời mắng nhiếc trong thâm tâm nãy giờ. Linh hết lè lưỡi rồi lại cắn môi. “Trời, sao đẹp trai dữ vậy. Chết, suýt nữa thì chửi rủa ầm ĩ. May quá mới chửi có câu vẫn may chán, không thì lại bô bô sỉ nhục cái đẹp rồi”. Linh mơ màng cười thầm với suy nghĩ của bản thân.

Hắn, tên tội đồ lại nhíu mày nhìn đứa con gái dở hơi ngồi bệt dưới đất rồi quay lưng định bước tiếp. Linh giật mình gọi giật lại.

- Ơ… Này, này… Đi đâu? Đi đâu đấy?

- Vệ sinh

- Ơ… Tớ…

Linh luống cuống chữa thẹn. Con bé vội cao giọng để che đi sự xấu hổ của mình.

- Sao không xin lỗi hả? Không thấy đẩy tôi bị ngã hả?

Linh múa may rồi nhìn lại cánh cửa vừa bật ra mới sực nhớ ra mình vừa ngủ gật lù lù ngay cạnh cánh cửa nhưng dù vậy vẫn nhất định phải xin lỗi chứ.

- Ừ thì… ừ thì tôi cũng có lỗi nhưng mà vẫn phải xin lỗi một tiếng chứ? Cứ đi thế hả?

- Không quen.

Tên tội đồ đáp lại cả một câu dài ngoằng lấy hết dũng khí của Linh bằng hai từ gọn lỏn hoàn toàn không chút hối lỗi. Gương mặt hắn nhìn Linh nhếch mép cười rồi đi thẳng, vẫn bỏ tay vào túi quần mặc cho Linh vẫn luôn miệng:

- Này này, cậu gì… cậu gì ơi.

Cứ thế mà đi à. Kì cục chết đi được. Sao ngày đầu tiên đi học đã gặp toàn người kì cục thế này hả trời.

Vừa lúc đó thì Đăng gà thò đầu ra cửa, nhăn mặt nhìn bộ dạng thảm hại của Linh hất hất tay:

- Vào lấy cặp, về thôi!

- Đã nghe thấy trống đâu mà nghỉ?

- Lạy mẹ! Đây không phải cấp 3 nữa đâu ạ! Vào lấy ba lô đi.

- Ba lô theo tên trộm rồi còn đâu! IQ mày chạm mốc zero quá à! Đi

Linh đập mạnh vào đầu Đăng gà khiến hắn tru tréo, rồi mặc kệ thủng thỉnh đi thẳng về phía thang máy, đầu óc vẫn quay cuồng gương mặt đẹp trai của tên tội đồ đáng ghét ban nãy. Rồi đi chậm lại, hắn kéo Đăng già chạy vù vù lại thang máy bên trái.

- Mày nhìn…

- Ờ… Vẫn nhìn.

- Thằng này… Nói nhìn cho tao xem nó có khác gì các thang máy khác không mà lão thầy lắm râu đó nói tao tranh của lão.

Đăng gà thở dài, đập lên đầu con bạn chí cốt rồi túm đầu Linh dí sát vào cái biển bên trái: “Thang máy phục vụ cán bộ công nhân viên”.

- Trời….

Tiếng kêu của Linh khiến cả lũ sinh viên bên cạnh nãy giờ vẫn tò mò nhìn hai đứa chả hỏi cũng biết sinh viên năm nhất lớ ngớ, dí mặt vào thang máy được phen trố mắt. Linh nhận thức được tình hình có vẻ muộn, cô cúi mặt, che tay nói nhỏ với Đăng gà:

- Mày ơi! Tao thề! Tao thề! Mấy tiếng trước ở đây không có cái biển này! Không nhìn thấy! Thật luôn! Mày tin tao đi! Thề mà! Huhu.

- Thôi đi! Mày đừng hâm nữa! Về nhà!

Đăng kéo áo Linh quay ngắt lại, ai ngờ phía sau hai đứa, vị thầy giáo lắm râu đang đứng chềnh ềnh như tượng đồng. Linh á lên một tiếng bàng hoàng trước khi bị Đăng gà kéo lết đi với đôi dép rách. Cô cúi xuống nhặt chiếc dép vừa rơi ra luống cuống nhét vào ba lô của thằng bạn, chạy thẳng không thèm quay lại nhìn. Mặc kệ phía sau cô đám đông đang được trận cười tha ga với con bé dở hơi. Thầy Lâm quay lại nhìn đám sinh viên ở thang máy bên cạnh, nhíu mày. Tiếng cười nói tắt ngụm như lửa bị cả thác nước lũ dội tới. Tiếng tăm của ông Lâm “sát thủ” cả trường này ai mà không biết.

Tháng 8, thời tiết đỏng đảnh như cô nàng mới lớn lúc nắng đến tắc thở lúc mưa bão ngập cả đường. Bá Lâm lững thững đi dưới sân trường. Tiếng la hét cười đùa của mấy đứa sinh viên ngay sát nhà xe khiến anh không lấy gì làm thoải mái. Rặt một lũ vô dụng, không ước mơ, không định hướng cũng không biết đấu tranh cho ước mơ của mình. Với Bá Lâm cái nghề giáo này nó nhạt hơn bát nước ốc pha thêm cả tỉ lít nước lọc nữa cũng nên. Anh lững thững tiến lại, mở cửa xe. Một chút bất ngờ, Bá Lâm đưa đôi mắt mệt mỏi, bất cần nhìn kẻ lạ mà quen mặt đang ngồi lù lù trong xe mình. Anh thở dài bước vào ghế lái:

- Đến lúc mày nên trả cái chìa khóa dự phòng đó cho tao rồi đấy! Xuống xe đi! Còn ngồi đó làm gì?

- Mệt!

- Ba không để cho cậu út quý tử đi bộ đâu. Đừng lừa tao. Xuống xe đi. Tao còn về.

- Tôi muốn về thăm mẹ cả.

- Nhưng mẹ tao không muốn.

- Chạy xe đi. Tôi vừa gọi điện cho mẹ cả rồi. Nếu anh về không có tôi thì coi chừng ăn đòn nhừ tử.

Bá Lâm nhìn cậu em trai đang lim dim ngủ ngán ngẩm. Đã nắng còn toàn gặp chuyện xui xẻo.

Minh Duy ấn nút mở cửa xe để gió tạt vào. Khoảng không trống vắng giữa hai anh em họ vốn chưa bao giờ được xóa nhòa. Chỉ là cả hai đều không quan tâm đến điều đó. Họ ngồi gần nhau, rất gần nhưng chìm đắm trong thế giới của riêng mình, hoàn toàn không hề quan tâm đến người còn lại. Đột nhiên Bá Lâm lên tiếng:

- Sao hôm nay lại chui vào lớp tao?

Minh Duy cười nhạt nhẽo rồi nói nhỏ:

- Học lại. Sao? Sợ dạy chán tôi nói lại với ba hả? Mà anh hành sinh viên cũng ác thật! Tiếng tăm nổi như cồn.

- Việc của tao tốt nhất mày đừng quan tâm. Cắt tóc ăn mặc cho tử tế. Tao có thể tống mày ra khỏi lớp bất cứ lúc nào đấy.

Minh Duy lại cười, vẫn nụ cười nhạt thường lệ, mắt vẫn khẽ lim dim đón những cơn gió hiếm hoi tạt qua:

- Anh quên được đuổi ra khỏi lớp là niềm vui của tôi à. Bao giờ thầy giáo còn râu tóc dài thượt thế này thì cái đầu này có đáng là gì đâu nhỉ?

- Đừng quên mày là con ai. Chẳng hay ho gì chuyện bỏ học đâu.

- Chả liên quan.

Ừ thì chả liên quan.

Bá Lâm lẩm bẩm rồi rẽ quặc chiếc xe vào ngõ nhỏ. Ngôi nhà ba tầng nhỏ nhắn, khiêm nhường nơi khu phố nhiều cây xanh và khá mát mẻ. Mỗi lần chỉ cần lái xe về đến đây thôi Lâm lại thấy cuộc sống đáng sống hơn chút ít dù rằng động lực trong anh đã cạn khô rồi. Bá Lâm xách cặp, bước chậm vào nhà.

- Mẹ! Con về rồi!

- Biết rồi! Khổ lắm. Mẹ nghe tiếng từ tít đầu ngõ rồi!

Người đàn bà nhỏ nhắn trong bộ quần áo lụa màu mận làm thuê sen làm nổi bật làn da trắng ngần và nét Á Đông đằm thắm. Khi còn trẻ hẳn bà phải là một mỹ nữ ăn đứt mấy cô chân dài bây giờ cho xem. Bà hồ hởi tiến chậm chậm lại, khẽ nắm lấy bàn tay cậu con trai. Bá Lâm lém lỉnh

- Mẹ đừng có mà xạo nha. Từ tít đầu ngõ nghe thế nào được. Con không tin.

- Chả bố anh. Mắt tôi mờ nhưng tai tôi thính gấp mấy lần mắt các anh các chị đấy. À à. .. Thằng Duy nó gọi điện bảo sang thăm mẹ. Lâu lắm rồi đấy.

Minh Duy tiến lại bên bà Ánh nói khẽ rất lễ phép, khác hẳn thói quen kiệm lời thường thấy:

- Con chào mẹ cả! Con mới về ạ!

- Tốt quá! Tốt quá rồi. Lại đây mẹ xem con trai mẹ béo ra tí nào không đã nào?

Bá Ánh chầm chậm đưa bàn tay thon thon chạm nhẹ vào mặt Duy. Cảm giác ấm áp chạy dọc sống lưng, nhẹ nhàng tỏa ra như mùi hương dịu dàng của nước lá bưởi mẹ thường nấu cho anh tắm ngày bé. Cái cảm giác êm ái này dù có đi đâu, có xa mẹ bao nhiêu, có phải sống ở một nơi rặt những điều tiếng về mẹ, Duy vẫn tin, tin vào sự hồn hậu, dịu dàng và thương yêu quá đỗi ở bà.

- Chà! Vẫn vậy! Nhưng mà lớn hơn bao nhiêu rồi! Cao quá quá mẹ rồi! Nhìn này, cái mắt, cái mũi cái miệng chỗ nào cũng đẹp hết đó!

- Trời! Nó mới đi nước ngoài có ba tháng mẹ không gặp mà mẹ làm như nó đi ba năm ấy. Đẹp ra nhiều vậy chắc nó sang nước ngoài thẩm mỹ quá!

Bá Lâm vừa thẩy quả táo trên bàn cho vào miệng cắn vừa tiến lại chỗ bà Ánh và Minh Duy buông một câu phũ phàng. Bà Ánh cười cười đập nhẹ vào người Lâm. Dù không nhìn thấy nhưng cảm giác của bà cực nhạy bén. Lâm không né người, anh nhìn bà cười cười.

- Cái thằng trời đánh này, ăn với chả nói

- Thôi, mẹ cả. Con không chấp người ghen tị với mình đâu.

- Mày…

Minh Duy cũng cười tít mắt nhìn cái điệu bộ tức ứa máu mà chỉ biết quay sang len lén nhìn mẹ không dám quát của Bá Lâm. Mỗi lần về ngôi nhà này,gặp mẹ cả, cậu thấy hình như ai cũng là một người khác, khác lắm. Cái vẻ bất mãn, thờ ơ với cuộc đời đến không thiết sống của lão giảng viên trẻ mà quái Bá Lâm cũng mất hút. Còn Duy, cảm giác ấm áp và dịu dàng ban nãy luôn khiến anh thấy được cởi mở lòng mình hơn.

- Thôi, thôi… Ngồi vào bàn ăn đi! Hôm nay mẹ đặc biệt chuẩn bị món canh chua mà Duy nhà mình thích nhất đó.

- Đi thôi mẹ! Bị hành hạ vì cả mấy trăm đứa sinh viên từ sáng con đói đến muốn xỉu mất rồi!

- Thôi đi ông tướng! Chứ không phải ông hành hạ, quát tháo mấy đứa nhỏ đến nổi tiếng luôn à?

- Chuẩn luôn. Chỉ có mẹ hiểu anh Lâm đến từng sợi tóc. Ha ha.

- Ừ đó! Nghe nói con vừa vào lớp thằng Lâm hả? Có chuyện gì cứ về méc mẹ. Mẹ xử hòa cho.

- Trời… Mẹ…

Bá Lâm hậm hực đi sau bà Ánh còn Minh Duy thì quay lại nhìn ông anh cười tít hết cả mắt, sung sướng vì hạ đo ván lão thầy nổi tiếng sát thủ. Đảm bảo bọn sinh viên mà nhìn thấy mặt thầy Bá Lâm như cái bánh bao nhão lúc này chắc bất ngờ mà ngất mất.

Minh Duy nhìn bàn ăn không quá thịnh soạn nhưng ấm nóng và thơm lừng trước mặt bỗng thầm ghen tỵ với Bá Lâm. Phải chi anh cũng được ở cạnh mẹ, cũng được mẹ chăm sóc, quan tâm như vậy. Phải chi anh đừng ngày ngày cố nuốt trôi từng hạt cơm cho xong bữa dù trước mặt là không thiếu sơn hào hải vị. Minh Duy ngồi sà xuống bàn ngay sát bát canh chua thơm lừng đối diện Bá Lâm.

Cả nhà đang ăn uống vui vẻ. Bà Ánh đôi lúc lại kể vài ba câu chuyện phiếm khiến hai cậu con trai cười rần rật… Đột nhiên, Bá Lâm nhận ra điều gì. Anh ngó nghiêng xung quanh rồi đặt đũa xuống bát:

- Mẹ!

- Ơi! Cái thằng này! Gì mà hét toáng lên thế? Sao?

- Anh ấy hét sinh viên quen rồi ấy mà mẹ!

Bá Lâm quay sang lườm Duy Minh đang cắm cúi vừa ăn vừa cười vì đá đểu được ông anh câu nữa, rồi quay lại hỏi mẹ:

- Con xin lỗi! Nhưng mà, con quên mất. Cô Lan đâu mẹ? Cô ấy ra ngoài thăm họ hàng ạ?

- À không? Tối qua cô ấy xin nghỉ mấy hôm để về quê chăm bố chồng ốm. Sáng nay đã đi rồi!

- Gì cơ? Đi từ sáng? Vậy bữa cơm này ai nấu? Ai đi chợ? Mẹ…

Bá Lâm lại buông đũa, đứng bật dậy hét lên. Rồi anh ngồi sụp xuống cạnh bà Ánh. Tay anh luống cuồng nắm lấy tay bà, hết tay này rồi tay kia, kiểm tra kĩ càng.

- Con đã nói mẹ không được vào bếp, không được đi ra ngoài khi không có con cơ mà. Sao mẹ không gọi cho con. Mẹ có làm sao không? Có bị đau ở chỗ nào không?

- Không! Mẹ không đau ở chỗ nào cả. Mẹ không bị gì cả.

Bá Lâm vẫn không yên tâm, anh lại luống cuống kiểm tra chân rồi cổ, rồi cằm bà rồi lại lật cánh tay áo kiểm tra.
Một vết xước nhỏ mới nguyên trên làn da trắng ngần của bà Ánh.

- Vậy mà mẹ bảo không sao hả? Mẹ bị sao đây? Đã bôi thuốc chưa?

- Rồi rồi! Bà Thu bán nước đầu ngõ đã giúp mẹ bôi thuốc rồi cũng qua lại phụ mẹ nấu cơm nữa. Ban nãy đi chợ, mẹ gặp tên cướp nhưng không sao. May quá gặp được người tốt đuổi lấy lại hết túi xách cho.

- Cái gì? Cướp?

Cả Bá Lâm và Minh Duy đều cùng hét lên.

- Trời ạ! Từ này mẹ còn ra ngoài thì đừng nhìn mặt con nữa.

Bá Lâm đứng phắt dậy, đi ra phòng khách. Gương mặt anh vừa đỏ ửng lên vì tức giận nhưng hình như nhiều hơn hết là đau đớn và xót xa. Bá Lâm thương mẹ hơn mạng sống của mình, hơn mọi thứ trên đời này. Anh có thể mất tất cả còn mẹ thì không, một giọt nước mắt của người mẹ đã hi sinh quá nhiều đã đau khổ quá nhiều vì anh ấy thôi cũng làm tim Lâm quặn lại, cảm thấy không thở nổi. Minh Duy từ từ đỡ bà Ánh ra ngoài phòng khách trước mặt Bá Lâm, anh quay mặt đi vẫn giữ gương mặt giận dữ.

- Mẹ hứa với con trai từ nay sẽ không ra ngoài nữa! Mẹ sẽ ở nhà đợi con về thôi. Không nấu cơm, không làm gì cả. Được rồi! Đừng giận mẹ nữa!

- Anh Lâm không giận nữa đâu mẹ! Anh ấy cười rồi kìa!

- Mẹ lại còn không biết anh con nữa. Nó mà giận thì cả tuần không thèm lên tiếng cho coi. Nhưng nó không giận mẹ đâu. Bá Lâm nhỉ?

Bà Ánh cười cười chạm vào vai Lâm vẻ hối lỗi. Anh đưa tay nắm lấy tay bà, gương mặt dãn ra:

- Vâng! Con đã hứa không bao giờ giận mẹ mà. Chỉ là con lo lắng quá thôi. Mẹ vào ăn cơm tiếp đi.

Trời đã sang giờ chiều. Sau một giấc ngủ vùi, Minh Duy đứng đợi Bá Lâm giải quyết xong đống bát đũa ban trưa chuẩn bị ra về:

- Kể ra tôi mà chụp cái ảnh này up lên facebook khối em sinh viên lại chả thay đổi cách nhìn về thầy Bá Lâm đẹp trai đấy nhỉ?

- Thôi. Để cho tao yên.

- Anh nên cưới vợ đi. Còn lo cho mẹ nữa. Mẹ ở nhà mãi sẽ thấy cô đơn.

- Được rôi, mẹ tao sẽ lo được. Mày không cần để tâm đến đâu.

- Anh sợ không lấy được vợ à hay vẫn chưa quên được …

- Im miệng.

Chiếc thìa sắt dính xà phòng rơi xuống sàn nhà gây lên tiếng keng nhẹ. Bá Lâm không quay lại nhưng giọng anh gằn lên đủ để Minh Duy hiểu gương mặt anh đang đỏ lên vì xúc động.

- Tùy anh thôi! Nhưng mà muốn cưới vợ thì anh cũng nên cạo râu, cắt tóc đi trả lại cậu sinh viên Bá Lâm đẹp trai tài giỏi niềm ước ao của nữ sinh cả trường ngày xưa đi. Chứ cứ thế này còn khuya mẹ mới có con dâu.

- Không phải việc của mày.

Minh Duy nhún vai, vặt một quả nho trên bàn cho vào miệng rồi đủng đỉnh đi ra phòng khách. Nước chảy tràn ngập cả bồn rửa bát, những chiếc đũa nổi lềnh bềnh, rơi xuống sàn cả loạt mới đủ kéo Bá Lâm thoát khỏi luồng suy nghĩ ban nãy. Những hình ảnh vụt qua tươi nguyên như mới chỉ hôm qua, hôm kia. Tim Bá Lâm đập mạnh, khẽ chua chát.

Bá Lâm thả mình xuống chiếc ghế xoay sát của sổ. Trời đã về chiều, những tia nắng đã nhạt màu tự bao giờ cố bám lại phủ chút vàng dịu dàng lên những tán lá cây xanh mát nơi ban công. Lâm với tay đẩy khẽ cánh cửa sổ để gió mang theo cái hanh hao của mùa hè tràn vào phòng chạm khẽ lên da thịt. Anh ngửa đầu tựa vào thành ghế, buông đôi tay hờ hững lơ lửng giữa lưng chừng. Trong Lâm lúc này mọi thứ cũng trống vắng, cũng chênh vênh đến vậy. Câu nói của Minh Duy vô tình cứa vào tim Lâm một vệt sắc lẹm. Những nỗi đau chưa bao giờ được nói ra không có nghĩa là đã quên, càng im lặng càng đau càng nghẹn thở, càng ủ mầm càng có khả năng sát thương bất cứ lúc nào. Những giọt nước mắt của Thảo Nhi hôm đó đến tận hôm nay vẫn quấn quýt lấy từng hơi thở của Bá Lâm. Trái tim anh hôm đó đau như thế nào thì hôm nay cũng đau đớn tức tưởi đến vậy. Thời gian có thể là liều thuốc công dụng cho ai đó còn với Bá Lâm thì không. Thời gian chỉ làm nỗi nhớ, nỗi đau và nỗi cô đơn luôn chầu chực cồn cào trỗi dậy trong anh. Lâm nhắm mắt lại để xoay vòng xoay vòng, thời khắc này trôi tuột đi trả lại anh lần cuối cùng được đứng trước cô, đứng trước người con gái anh yêu, yêu đắm say bằng cả tuổi trẻ, khát vọng , đam mê và bằng cả trái tim mình.

- Em sẽ quay về chứ? Một lúc nào đó, nếu có thể…

- Không!

- Vậy là nếu anh buông tay em hôm nay nghĩa là anh sẽ mất em mãi mãi?

- Vâng!

Em đứng đó mong manh và bé nhỏ dưới cơn mưa Hà Nội đầu thu nặng hạt. Mưa làm tóc em ướt đẫm, làm môi em bợt đi và tà áo em co lại bám chặt vào người. Nước mắt em hòa lẫn trong nước mắt của trời…

Và Em khóc. Mặc kệ những vòng xe vẫn đảo xoay bên cạnh, mặc kệ những ánh nhìn hiếu kì của người qua đường, Thảo Nhi đứng trước mặt anh bất động chỉ có nước mắt rơi ướt mềm bờ má. Chưa bao giờ Bá Lâm thấy mình bất lực đến thế, chưa bao giờ anh thấy mình hèn hạ và nhu nhược đến vậy. Anh thèm được ôm chầm lấy cô, ủ ấp cô trong đôi tay và bờ vai rắn chắc của mình, đặt tay cô vào tim anh để cô biết nó cũng đang đau lắm, đang nghẹn ngào và tức tưởi lắm. Nhưng không thể. Từng lời, từng lời buông ra khó nhọc, giữa họ lúc này là muôn trùng những chông gai, ngàn vạn những thách thức chẳng thể vượt qua. Bá Lâm nắm chặt lòng bàn tay, những ngón tay miết sát vào nhau như rứt máu. Anh quay người đi để nuốt chặt những nghẹn ngào chua xót trong cái nhăn mặt thật khẽ.

- Vậy… Em đi đi.

- Anh…

Tiếng “Anh” ấy vỡ toang trong khoảng không ngập mưa. Cô hét lên như tung ra mọi tủi hờn, mọi uất ức mọi đớn đau bấy lâu phải chịu đựng. Tiếng “Anh” vỡ ra nhưng chính những nát tan trong tim hai kẻ tình nhân bất lực. Cô ào đến ôm chầm lấy anh. Nước mưa xót buốt chảy tràn qua môi họ, men theo từng giác quan tràn đến tận tim. Nhưng nước mưa lúc này đâu ngọt ngào như nụ hôn đầu e ấp dưới mái trường đại học. Đắng… Chát. Và Xót buốt. Bờ môi vẫn áp sát vào lưng anh, cố công tìm kiếm, cố công níu kéo một chút yêu thương ít ỏi còn lại. Giọng cô thều thào trong nước mắt:

- Đừng anh! Đừng buông tay em! Anh có quyền lựa chọn. Nói với em là anh có quyền lựa chọn đi. Bá Lâm, em xin anh. Em có thể từ bỏ tất cả vì anh. Em không cần học bổng này, em không cần sang Anh. Em cần anh, chỉ cần anh thôi cũng được.

Tiếng nấc chẹn ngang cổ họng khiến tim Lâm đắng lại. Nỗi đau dài cứ dài thêm khi họ ở cạnh nhau. Đâu mới là điểm dừng, cô không biết, anh cũng không biết. Bá Lâm cắn chặt môi, nuốt nước bọt thật chậm:

- Xin lỗi em. Anh từ lâu đã không còn quyền lựa chọn.

Bá Lâm nói to và rõ. Từng chữ từng chữ xát muối vào tim Nhi. Cô hụt hẫng buông tay, hụt hẫng trong vòng ôm của chính mình, hụt hẫng trong tình yêu tưởng tròn vẹn mà bao lâu nay cô mộng mị trong nó. Cô đứng đó, cho mưa tát vào mặt, cho tim đừng gào thét tên anh, cho những nỗi đau mặc sức hành hạ, một lần, một lần cuối này thôi. Tự hứa với bản thân sẽ đứng dậy và đi tiếp.

Bá Lâm ngồi bật dậy nhìn sang bên đường, nơi bóng cây đối diện kia, ba năm trước anh đã đứng đó nhìn cô thả mình trong nỗi đau quá lớn, nỗi đau mất anh, người cô yêu cả một thời trẻ nhiều đam mê, nỗi đau bị anh phụ bạc, thằng con trai nhu nhược và không đủ bản lĩnh để yêu cô. “ Em là tình yêu của anh, còn ra đi là ước mơ của anh và cả của em. Anh không thể ích kỉ giết chết những điều thiêng liêng nhất ấy của mình...vì em và cả vì anh nữa. Chuyện chúng mình vốn không còn lựa chọn khác. Mạnh mẽ lên và bước đến một chân trời mới bình yên hơn nơi này. Nhi nhé!”
Đó là những lời cuối cùng anh viết cho cô sau hàng loạt những cuộc điện thoại đường dài anh ấn nút từ chối hoặc không bắt máy, hàng loạt những bức mail dài cả trang đong đầy nỗi nhớ và cô đơn. Bá Lâm ngồi dậy, di chuột trên máy tính tìm đến lịch sử thư thoại trước đây. Hai tháng sau ngày ra đi cô đã không còn gửi mail cho anh nữa. Anh đau đớn nghĩ đến hình ảnh cô một mình bơ vơ nơi đất khách quê người hẳn rằng cô đã hận anh, hận đến không còn muốn nhớ nữa. Vậy cũng tốt! Bá Lâm đưa tay xuống ngăn kéo lấy cuốn album ảnh ngày ấy. Thảo Nhi vẫn ở đó, cô sinh viên năm hai rạng rỡ và tươi tắn đứng cạnh anh trên bục nhận giải sinh viên ưu tú của khoa. Đó là lần đầu tiên họ đứng cạnh nhau, để ý đến nhau và rồi yêu nhau lúc nào không hay mà đâu ngờ mãi mãi phải rời xa nhau để lại nỗi đau có lẽ cả cuộc đời này chẳng thế quên.

Có tiếng gõ cửa và những bước chân nhẹ nhàng thân thuộc. Bá Lâm đặt cuốn sổ lại chỗ cũ, đứng dậy mở cửa cho bà Ánh. Anh khẽ nở một nụ cười nhẹ tênh khi nhìn thấy gương mặt phúc hậu của bà.
Thông Tin
Lượt Xem : 1434
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN