--> Anh và em - game1s.com
Polly po-cket

Anh và em


Chúng tôi dời đi lúc chiều nhập nhoạng. Đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe. Tôi nhìn lại cái ngõ nhỏ mình đã sinh ra, biết bao nhiêu là kỷ niệm.
***
Phố nhỏ và dài. Ngõ hun hút sâu như một ngón tay trỏ. Một ngón tay trỏ dị dạng, vá víu trăm thứ nham nhở và cất trong mình đầy ắp những bộn bề phức tạp. Một cái ngõ ủm thủm và nhếch nhác...

Nhà nằm ở góc cuối, tối, nắng thì hầm hập nắng mà mưa thì lõng bõng mưa. Anh trai đi làm về, ném cái áo bảo hộ xuống giường, mặt đuỗn ra, mồ hôi bươn bã chảy qua hai gò má. "Mày nấu cơm chưa?" – anh hỏi, câu hỏi thoát ra từ hai hàm răng ám khói, nặng nề. "Anh ăn luôn chứ?". "Từ từ, Nóng bỏ mẹ".
Anh tôi đi làm thợ, suốt ngày leo trèo giữa cốt pha, xà gồ với giàn giáo, mới nghe đã thấy sờ sợ. Lại thêm việc thỉnh thoảng chạy mua nguyên vật liệu hộ chủ. Vất vả. Nhưng anh bảo kiếm cũng được, hình như mỗi tháng cả triệu bạc. Ki cóp mấy năm mua được cái tivi nội địa. Thêm cái xe Wave Tàu màu xanh thẫm. Anh kể, hai trăm tiền nhà, ba trăm tiền cơm, còn lại dành chi trả các loại phí, chủ yếu là phí của tôi. Tôi nghe, cũng biết vậy. Tôi sống trong sự bao bọc của anh tôi từ lâu lắm rồi. "Mày không bỏ học để đi chơi đấy chứ?". "Không ạ". "Hừ, tao mà nghe ai nói là mày cứ chết đòn".
Mâm bát dọn ra. Quạt trong góc nhà chạy lồng xộc, gió bạt bớt hơi nóng tỏa ra từ nồi cơm. Cả cái ngõ nhỏ rộn lên tiếng leng keng bát mâm, tiếng trẻ con chen lẫn tiếng người lớn, lại lép xép tiếng mèo kêu. "Ăn thôi!". Anh trai nhai cà rôm rốp, húp canh soàn soạt, nuốt ừng ực cả tôm tép lẫn mồng tơi. "Mày ăn đi chứ! Tối nay có đi học thêm không ?". "Không ạ". "Sao thế?". "Hôm nay là thứ bảy mà". "Ừ, thứ bảy, nhanh thật. Mà thứ bảy thì có khác quái gì ngày thường đâu".
Bữa cơm qua nhanh. Trong ánh đèn mờ mờ có tiếng bầy muỗi vo ve. "Anh đi chơi chứ?". "Hơi sức đâu. Đi ngủ cho khỏe". Đi ngủ cho khỏe. Với anh tôi thì thứ bảy cũng như chủ nhật thôi, cũng bình thường và đều đặn. Ăn xong, anh xem hết chương trình quảng cáo trên tivi rồi lăn ra ngủ. Sáng mai, khi đám các bà sồn sồn rủ nhau đi tập thể dục í ới thì anh ra ngoài hiên bẻ người kêu răng rắc rồi đem cái áo bảo hộ ra vỗ bồm bộp, vôi vẻ văng lả tả. Cuối cùng, anh ngồi ngay ngắn lên xe, nói với vào trong: "Đi học nhớ khóa cửa nhé". Rồi lừ đừ vặn ga. Cứ thế, tháng và ngày. Bình chân như vại. Và rất đơn giản.
Tôi ra ngồi phía ngoài hàng hiên. Đã bao nhiêu năm, con ngõ nhỏ này trở nên quen thuộc với những cái bóng nhập nhoạng đi về. Ông chủ nhà ở gian kế bên đang cắm cúi bước. "Bác mới về!". "Ừ, trời tối nhanh quá nhỉ?". "Tuấn khá chưa vậy bác?". "Ừ, à, cũng đỡ hơn rồi. Ở trung tâm người ta không cùm xích nhưng hiệu quả hơn ở nhà". Vừa nói ông vừa kì cạch mở khóa. Cái lỗ khóa rỉ sét kêu cọt kẹt, đâu đó lẩn vào tiếng mọt nghiến thâm u. "Mai bác cho cháu vào thăm Tuấn với được không ạ?". "Thăm à?" – ông già lưỡng lự. Chúng cháu là bạn mà bác!". "Bác biết, để bác xem lại đã nhé!". "Chỉ ngày mai cháu mới được nghỉ. Mai là chủ nhật". "Để bác, để bác sắp xếp nhé. Phiền cháu quá, phải không? Bác đi nghỉ đây. Chao, phố phường xác xơ rạc dài vì nắng". Cánh cửa có ổ khóa rỉ sét khép lại, khép cả tiếng dép loẹt quẹt trong bóng tối lờ mờ.
Tôi vẫn ngồi. Tôi nhớ cũng đã lâu lắm rồi, tôi mới có một buổi chiều như thế này, giống như những buổi chiều êm ả ngày xưa. Khi ấy có cả mẹ lẫn cha. Cái đốm sáng ký ức cứ chực vồng lên. Ừ, sao mà hạnh phúc! Tiếc là nó đã thành xưa cũ và quá xa xỉ. Bây giờ mẹ đang bộn bề cuộc đời của mẹ, cha đang vật lộn con đường của cha. Họ xa chúng tôi nhiều quá. Còn chúng tôi sinh ra ở cái ngõ thủng này. Ngõ vẫn nhỏ. Phố chẳng dài hơn. Nhưng chúng tôi phải lớn lên, trở thành người lớn, biết cất giấu dần những ước mẹ mơ cha. Cuộc sống trong gian nhà thuê trên mảnh đất mà chúng tôi đã sinh ra lâu dần đã thành quen. Hệt như con ngõ nhỏ này, nếu một ngày tiếng cãi vã chao chát mất đi tì lại thấy là lạ và hình như không có thật.

Chiều đã tàn thật. Bóng tối tràn xuống từ những hàng dây điện, ôm gọn những cột đèn. Đầu ngõ nhà ai mở đĩa Lam Trường nghe vừa buồn vừa xa lạ. Anh tôi ra ngồi bên cạnh, hỏi: "Mày đang muốn đi chơi phải không?". Tôi đáp: "Vâng, em muốn đi lăng quăng". Anh móc túi đưa tôi một nắm tiền nhàu. Những đồng tiền xanh mặt và nồng nàn mùi vôi vữa. "Nhớ là phải về trước mười giờ. À, đi với ai?". "Bạn em". "Bạn là thằng nào? Ở cái ngõ này chẳng tin ai được". "Bạn cùng lớp em". "Đi đi. Đừng làm gì dại dột. Lớn rồi".
Lớn rồi?! Tôi nhìn ra phía hàng cột đèn và những tàn cây rậm mắt. Rồi tôi đứng dậy, tôi đi. Phố đông người, toàn những xe cộ nhập nhằng với may ô, váy ngắn. Cả bụi nữa, bụi thành phố ngày cũng giống như đêm, mải miết đuổi theo, mải miết bám chặt lấy chân người. Người ta nói, ở phía cuối con đường có một quán kem tân kì, với những cái tên mang màu sắc nhạc Trịnh. Tôi định bụng rẽ vào đó, nhưng quanh quẩn đâu đây mùi xăng xe quyện với mùi vôi vữa xộc lên, bít chặt lấy cổ họng.
Nhớ hồi cha mẹ mới ly dị, hai anh em ki cóp nửa năm trời mới dám ra Tràng Tiền làm một bữa kem. Thứ kem đồng hạng, rẻ tiền nhưng vừa ăn vùa xuýt xoa ngon. Bây giờ anh tôi bảo: "Đi ăn kem là thú chơi xa xỉ, hoặc của trẻ con hoặc của người nhiều tiền". Anh tôi biết uống rượu rồi. Mà rượu thì tôi biết, rượu đắng lắm. Cay nữa. Loanh quanh một hồi rồi quay về. Chỉ có tiếng mèo cào khoèn khoẹt trên mái nhà. Ngõ vẫn sáng đèn. Anh trai ngồi đợi ở cửa: "Vui chứ?". "Vui ạ!". "Có chở cô bé nào không?". "Không, xe mình toàn vôi vữa". "Ừ, nó là phương tiện. Để – kiếm – sống". "Anh đi ngủ đi chứ!". "Nóng lột cả da, làm sao mà ngủ đây". Ông chủ nhà cũng mở cửa, ló ra: "Nóng thấy cả ông bành tổ. Rõ đất với trời. Mà cái tháng này, đã mưa là mưa bão mưa giông". "Bác, tháng này cho con thư thả tiền nhà được không ạ?" – anh trai ướm hỏi. Ông già gật đầu: "Ừ, cứ từ từ. Cũng là người nhà cả mà". "Tình hình Tuấn thế nào bác? Mai anh em cháu muốn vào thăm". "Ờ, ờ, được, mai". "Đợt này Tuấn về, phải sửa nhà cho cậu ấy làm ăn, bác ạ". "Ờ, ờ, sẽ sửa, sửa chứ. Chắc là cũng chỉ nay mai". Trong ánh sáng nhạt, ánh mặt ông chợt sáng lên, bao nhiêu tinh anh dồn cả lại, khuôn mặt ông sống động khác thường. Mới hay, với ông, cuộc đời luôn bắt đầu từ những đứa con.
Chúng tôi đón Tuấn ra trại, khấp khởi mừng cho ông già. Anh trai ngồi trong nhà ngó ra, bảo: "Dẫu sao mày cũng nên cẩn thận. Nó mới ra trại, chẳng biết thế nào". Tôi định bênh vực Tuấn, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Tôi đã chơi với Tuấn từ hồi học cấp hai. Nhìn từ bản chất, Tuấn vẫn là người tốt.
Buổi sáng, sau khi anh trai tôi đi làm, Tuấn sang nhà tôi: "Đi uống cà phê nhé". Tôi ngần ngừ: "Chín giờ Dương có ca học thêm". "Thì đi tới chín giờ". Tôi khóa cửa đi cùng Tuấn. Hàng xóm có người xầm xì. Tôi chẳng ngại những lời đó. Nhưng trưa hôm ấy về, nhà tôi mất cái remote vô tuyến. Anh trai gắt: "Chỉ có thằng Tuấn". Tôi bảo: "Ngõ này bộn bề lắm, lỡ nghi oan". Anh tôi im lặng, vẻ bực dọc. Tôi vẫn tin ở Tuấn. Nhưng khi tôi mất chiếc headphone thì buộc lòng phải đưa Tuấn vào diện nghi ngờ. Tôi cứ cầu trời là không phải. Tôi sợ mất đi một tình bạn. Mà tình bạn trong cái ngõ này, thật chẳng dễ kiếm chút nào.
Chiều, Tuấn qua nhà tôi: "Đi với tao". "Đi đâu?". "Đi lấy cái phone về. Đừng giận, tao tệ quá, phải không? Nhưng tin tao đi, đây là lần cuối". Tôi đi theo Tuấn. Đó là sai lầm lớn nhất mà chỉ khi mọi thứ đã qua rồi tôi mới nhận ra. Chúng tôi đi ra bờ đê, đi vào cái xóm nhỏ ẩm thấp và ngập mùi rác thối. Lần đầu tiên tôi bị lừa. Và lần đầu tiên tôi biết cái thứ bột trắng thơm hăng hắc ấy quyến rũ đến chừng nào. Tôi say lử đử. Cuộc sống trở thành một khái niệm mơ hồ. Và mẹ cha trôi chầm chậm qua trước mắt. Cho đến tàn chiều, anh trai tôi xồng xộc lao vào, kéo cổ áo tôi lôi đi. Ra đến bờ đê, anh dừng lại, tát thật mạnh vào mặt tôi. "Mày ngu lắm". Tôi đứng lặng im giữa bờ đê gió rít, thấy mặt mình như dày lên, bỏng rộp. "Đi về!" – anh tôi gào lên, mắt đỏ ngầu. "Mày phải đi bộ về nhà, để cho mày biết đi bộ sướng hay khổ. Mày hèn hơn tao tưởng, Dương ạ". Anh quay đi. Rồi lặng lẽ rong xe về. Tôi đi phía sau anh. Đi bộ. Anh em tôi là những kẻ lạc loài, muốn đi tới cuối con đường thì đôi chân phải phồng rộp lên và thành chai. Lần đầu tiên tôi nghĩ về ngày mai. Mắt tôi cay cay. Miệng tôi mặn chát. Sao lúc này tôi thèm một bàn tay mẹ dắt biết nhường nào. Phải rồi, mẹ! Nhưng mẹ đang ở đâu? Mẹ!
Anh em tôi đẩy cửa. Ông chủ nhà già ngồi gục bên bàn, mái đầu trắng xóa như khói bạc.
"Bác cho con gửi tiền nhà, tháng cuối".
"Thôi, cầm lấy đi, bác biết sẽ có ngày này mà".
"Cái ngõ này nhiều bụi quá, bác ạ. Bác cần con giúp điều gì không?".
"Bác đã coi chúng mày như con. Bây giờ... Đinh đây, đóng giúp bác. Cháu đóng chắc vào".
Tôi cầm cái búa, lại thót người nhìn cái cũi to đen sì, trống rỗng ở góc nhà. Tôi treo giúp ông chủ nhà tấm ảnh gia đình, cũng là một tấm ảnh xa xưa. Ở giữa là thằng cu Tuấn, hai tay bá cổ bố, miệng cười toe toét. Lúc ấy chúng tôi đều giống nhau, đều còn là những đứa trẻ.
Chúng tôi dời đi lúc chiều nhập nhoạng. Đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe. Tôi nhìn lại cái ngõ nhỏ mình đã sinh ra, biết bao nhiêu là kỷ niệm. Anh tôi lầm lũi đẩy xe đi trước, lẩm bẩm đáp lời những người hàng xóm tò mò: "Vâng, nhà mới gần một ngôi trường". Còn tôi ôm cặp sách theo sau. Đi bộ.
Phố vẫn nhỏ. Ngõ mãi vẫn như một ngón tay trỏ. Một ngón tay trỏ dị dạng và hun hút dài. Trong từng căn nhà, đèn đã rạng...
Dương Bình Nguyên







Thông Tin
Lượt Xem : 821
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN