--> Chiếc áo tặng cha - game1s.com
Teya Salat

Chiếc áo tặng cha


Thế là ước nguyện mua tặng cha một bộ áo quần mới của tôi không thành. Tôi ân hận vô cùng.
***
Cha tôi mất đã lâu lắm rồi. Ông mất vào một ngày giữa mùa Đông năm 1983 bởi một cơn bạo bệnh.
Đã 26 năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về cha thì không bao giờ phai trong ký ức của tôi.

Cha tôi sinh ra ở một huyện vùng quê có cánh đòng thẳng cánh cò bay nằm gối đầu lên dòng sông Ngàn Sâu và gác chân lên hạ nguồn con sông Ngàn Phố. Mới 12 tuổi đầu, cha tôi phải theo ông nội tôi đi ở làm thuê cho một nhà giàu ở huyện bên cạnh. Thấy ông nội và cha tôi làm ăn chịu thương, chịu khó nên ông chủ nhà nhận kết nghĩa anh em với ông nội tôi và cha tôi thì được họ nhận làm con nuôi. Đất lành chim đậu, ông bà nội tôi chuyển đến lập nghiệp tại nơi đi ở. Được anh trai kết nghĩa giúp đỡ, ông nội tôi mua được đất làm nhà và 2 mẫu đất canh tác. Khi ông bà nội tuổi cao sức yếu, cha tôi trở thành lao động chính của gia đình và nuôi nấng, lập gia đình và làm nhà ở riêng cho các cô, các chú của tôi.
Cha tôi có vóc người to, khỏe nhưng lưng của ông bị còng. Có lẽ vì làm việc nặng quá sớm và vất vả lo toan cho các em nên lưng cha tôi ngày một còng hơn.
Tôi sinh ra khi ông nội tôi không còn nữa, còn bà nội thì già lắm rồi. Thương bà nội nên chẳng bao giờ cha tôi để cho bà làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn.
Tôi còn nhớ vào những năm 55-56 của thế kỷ 20 quê tôi đói lắm. Gia đình tôi thuộc loại khá nhất làng nhưng cả ngày mỗi người chỉ được ăn có một chén cơm độn khoai lang. Gọi là cơm nhưng thực ra chỉ toàn khoai lang có dính mấy hạt cơm bên ngoài. Khoai lang thì củ chỉ bằng ngón tay út. Củ nào lớn thì may ra bằng ngón chân cái. Món lương thực của cả vùng hồi đó chủ yếu là rau má, rau lang nấu với tấm hoặc cám gạo.
Hồi đó người ta hầu như không bao giờ nhắc đến thời trang như bây giờ.
Quần áo của già trẻ gái trai hồi được may bằn vải bố - bây giờ gọi là vải thô. Vải mua về được nhuộm bằng nước củ nâu giã nhỏ. Một mảnh vải trước khi mang đi may được nhuộm trong nước nâu khoảng 15 đến 20 lượt. Mảnh vải nhuộm xong cứng như chiếc mo cau. Còn nếu muốn may quần cho chị em thi sau khi nhuộm nâu xong phải đem mảnh vải đó ngâm vào bùn nhiều lần đến khi nào chuyển sang màu thâm đen thì thôi.
Mấy thứ quần áo mới cha tôi chỉ dành cho con cái mặc đi học. Còn cha tôi lúc làm việc thì khoác bộ áo quần cũ rách không còn chỗ để vá. Không đi làm thì cha tôi mặc áo "da".
Tài sản của cha tôi là bộ cánh nái. "Nái" là tiếng gọi của quê tôi để chỉ loại vải được dệt thủ công bằng loại nguyên liệu là tơ tằm do người dân quê tôi ươm ra từ kén tằm. Sợi tơ mộc chỗ thì lớn, chỗ thì nhỏ nên khi dệt lên nhìn mảnh vải thô ráp và xấu xí.
Bộ cánh này chỉ sử dụng khi cha tôi đi hội, họp hay thăm viếng bà con họ hàng, xui gia.
Ngày thường cha tôi giặt phơi khô gấp cẩn thận và được xếp vào trong một rương bằng gỗ với các giấy tờ viết bằng chữ Hán mà ông bảo là rất quan trọng.
Năm lên mười tám, tôi thầm hứa với lòng mình là khi nào học xong, đi làm, tháng lương đầu tiên của tôi sẽ giành mua tặng cha tôi một bộ quần áo mới để cha thay bộ cánh "nái" cũ kỹ kia. Và năm 18 tuổi, tôi đã chia tay cha mẹ và gia đình để ra đi.
Tôi không phải đi làm ăn lương mà là vào bộ đội. Mỗi năm 2 bộ quân phục, tôi đã phải giữ gìn cẩn thận mới may ra đủ mặc cho mùa chiến dịch. Hơn mười năm tham gia quân ngũ và làm sinh viên của một trường đại học, tôi không thể mua được cho cha tôi một bộ quần áo.
Cho đến khi ra trường đi làm, chưa kịp mua áo quần tặng cha thì tôi đã lập gia đình rồi sinh con, đẻ cái. Tôi đã có lương rồi nhưng vải thì được cấp theo tem phiếu. Tiêu chuẩn mỗi cán bộ nhân viên được phiếu vải 2 mét/năm. Đã là cán bộ Nhà nước thì phải ăn mặc đàng hoàng lịch sự để " quan trên nhìn xuống, người ta trông vào". Không những thế, tem phiếu còn phải phụ thêm để mua tả lót cho con cái.
Hồi đó, việc mua một bộ áo quần để tặng cho người thân là cực kỳ khó. Thế rồi, cố gắng lắm, vợ chồng tôi cũng dành dụm được 4 mét phiếu vải và mua cho cha và mẹ tôi mỗi người một bộ quần áo mới.Vợ chồng tôi dự định hè năm ấy sễ dẫn con gái đầu lòng về quê thăm ông bà, họ hàng, quê hương, làng xóm. Cũng dịp đó sẽ mang áo quần về làm quà biếu cha mẹ.Thế rồi, một ngày mưa phùn, gió bấc tháng 12 âm lịch, tôi nhận được bức điện tín đã nhàu nát với nội dung:" Cha ốm nặng, khó qua các con về gấp". Anh em bạn bè trong cơ quan người gọi xe, người quyên tiền để giúp chúng tôi về kịp gặp mặt cha. Vợ tôi thì bắt đầu chuyển dạ đứa con thứ hai. Chị em phụ nữ thì lo đưa vợ tôi vào bệnh viện.
Với chiếc U-OAT cũ kỹ, chúng tôi chạy suốt một buổi chiều và một đêm. Dọc đường đi con gái lớn của tôi mới hai tuổi say xe nôn thốc nôn tháo trông thật tội nghiệp. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà.Về đến đầu làng thấy cả làng im ắng thanh bình, tôi nghĩ rằng cha tôi đã tai qua nạn khỏi. Nhưng khi vào nhà đã thấy bức ảnh cha tôi được đặt trên bàn thờ được lập ở góc nhà, nhang còn cháy và khói hương tỏa ra trầm mặc. Anh chị em và họ hàng ôm lấy tôi mà khóc và bảo rằng cha tôi đã mất trước đó 1 tháng.
Khi nhìn kỹ lại bức điện báo thì thấy ngày ở dấu bưu điện cũng vừa đúng 1 tháng. Thì ra hồi đó đường sá, xe cộ trắc trở nên một điện báo gửi từ quê tôi vào miền Nam phải mất cả tháng trời mới đến tay người nhận.
Thế là ước nguyện mua tặng cha một bộ áo quần mới của tôi không thành. Tôi ân hận vô cùng.
Tôi nhẹ nhàng trân trọng dâng gói quà tặng cha đặt lên bàn thờ, kính cẩn thắp nén hương xin lỗi cha tôi vì đã không mua và tặng cha sớm hơn. Tôi gục đầu lên bộ áo quần và khóc nức nở.Nước mắt tôi đã thấm ướt gói quà tặng người quá cố.Một kỷ niệm buồn đã in đậm vào tim tôi và nó sẽ mãi theo tôi đến cuối cuộc đời.
Hai mươi sáu năm trôi qua, cứ mỗi mùa lễ Vu lan hay mỗi lần gỗ cha, tôi lại chạnh buồn khi nghĩ về món quà tặng cha mà không được trao đến tận tay Người.






Thông Tin
Lượt Xem : 834
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN