--> Chiếc cầu - game1s.com
Duck hunt

Chiếc cầu


(game1s.com) Không biết ông nói gì mà kể từ giờ phút đó bố mẹ không trò chuyện, không ngồi cạnh, đi chung, không ăn chung và cuối cùng đêm đến cũng không nằm ngủ chung với nhau nữa.
***
Bố mẹ đưa nhau đến một ngôi nhà rất lớn. Ngôi nhà phía trước có hàng cột màu đen sừng sững. Đứng nơi đây ai cũng cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, khiếp sợ. Trong nhà có một căn phòng rộng, đặt nhiều ghế, giống như rạp hát, nhưng không phải rạp hát vì không có sân khấu. Cuối phòng có bục cao ngang ngực, trên có đặt mấy cái ghế bành, tất cả đều sơn màu đen, một màu lạnh lùng khắc khổ. Bé nghe có tiếng chuông hét lên. Mấy người đàn ông lớn tuổi đi ra, họ trịnh trọng ngồi lên ghế. Người nào cũng mặc áo choàng màu đen, cổ áo có mảnh vải rủ trước ngực, bên vai có tua vải đen, đầu tua có dính chùm lông nhỏ trắng. Tất cả đều nghiêm nghị với giọng nói đanh thép, không biểu lộ chút tình cảm nào. Sau này bé mới biết đó chính là tòa án với phòng xử án cùng những ông quan tòa.
Người ta gọi bố mẹ đứng lên trước mấy người này. Họ hỏi, bố mẹ trả lời, Cuối cùng cái ông ngồi giữa đứng lên đọc một tờ giấy mà ông ta đã viết sẵn. Không biết ông nói gì mà kể từ giờ phút đó bố mẹ không trò chuyện, không ngồi cạnh, đi chung, không ăn chung và cuối cùng đêm đến cũng không nằm ngủ chung với nhau nữa.

Trước đây đâu có thế, bố mẹ luôn luôn vui cười và thân mật với bé, với nhau. Đêm nào bé cũng nằm giữa, mẹ một bên, bố một bên. Bé có thể xoay qua bên này ôm mẹ, quay qua bên kia gác bố... Bây giờ không có chuyện ấy nữa. Đêm đầu tiên, chưa chuẩn bị nhà cửa, bố mẹ còn ở chung phòng, hai người nằm hai giường riêng. Bé không muốn nằm với mẹ, sợ bố giận. Bé cũng không dám nằm với bố, sợ mẹ buồn. Đêm đó bé lấy cái khăn lông – thứ khăn tắm lớn – trải trên nền nhà ở chính giữa giường mẹ, giường bố. Đêm đầu tiên bé cũng chẳng ngủ được, bé để ý thấy hai người trằn trọc cả đêm, nhưng không ai hé miệng nói với ai câu nào. Bố vào giường nằm rất khuya nhưng sáng dậy thật sớm tới bàn viết đọc sách. Mẹ cũng thế, thức khuya lại dậy sớm xuống bếp rửa nồi niêu. Cả hai người đều làm việc nhưng không tránh khỏi nỗi buồn. Bé có hỏi, hai người không hẹn lại trả lời một cách: "Không có gì". Không có gì là thế nào? Có chứ, có gì to lớn lắm đã xảy ra trong ngôi nhà chỉ có ba người xưa nay vốn vui vẻ thuận hòa, yêu thương nhau hết lòng.
Một ngày của bé trước đây thường diễn ra như thế này: Bố thức dậy sớm nấu nước pha trà thắp hương cúng ông bà, viết văn đọc sách. Bảy giờ sáng bố mới dịu dàng với mẹ: "Mình vào đánh thức thằng cu Sao dậy cho nó đi học. Đánh thức từ từ, chầm chậm để con không giật mình. Nhớ quan sát đôi mắt nhắm nghiền của cu cậu, khi thấy tròng con mắt phía sau mi mắt cử động qua lại hay lên xuống và nhất là thấy làn môi nó mỉm cười thì nán lại để con ngủ thêm vài phút nữa. Ấy là lúc cu cậu đang trong cơn mộng đẹp, thức dậy vỡ mộng tội nghiệp". Mẹ vào phòng đứng yên nhìn bé, cặp mắt trìu mến vô cùng. Mẹ cuối xuống hôn lên mi mắt bé. Bé mở mắt thấy mẹ mặt sát kề, bé đưa tay vít cổ mẹ xuống. Mẹ đứng lên lôi bé theo như con nhái. Mẹ đi thẳng vào phòng tắm tập cho bé đánh răng rửa mặt xong thì hai mẹ con ra bàn ăn. Trước đó bố đã xuống bếp chuẩn bị bữa sáng, trứng gà la cót, bánh mì nướng, sữa. Trong bữa điểm tâm cả bố mẹ hết lòng chăm sóc bé. Bố chở bé đến trường mẫu giáo, chiều đưa về. Mẹ tắm rửa cho bé rồi cả nhà xúm vào bữa cơm chiều đầm ấm. Tối lại bé leo lên giường nằm giữa hai người. Ki thì mẹ, lúc thì bố kể chuyện bé nghe. Mẹ kể chuyện cổ tích. Bố sáng tác chuyện ra kể cho bé nghe. Chuyện của bố khi nào nhân vật chính cũng là bé. Bố luôn luôn cho bé trở thành người hùng trừ gian diệt ác làm việc tốt cho đời.
Đó là thời kì bé còn học mẫu giáo. Mấy năm sau cũng sung sướng vui vẻ như thế. Chỉ có năm gần đây, hình như có cái gì to tát lắm xảy ra giữa bố và mẹ. Hai người không còn nói năng tử tế hòa nhã với nhau nữa, bố mẹ luôn luôn tìm cách gây gổ nhau. Mỗi lần như thế mẹ khóc bố bỏ nhà ra đi.
Sau giai đoạn ồn ào đó thì tói thời kì trầm lắng. Cả hai lầm lì, suốt nhiều ngày không nói với nhau lời nào. Lúc này bé trở thành người liên lạc giữa bố và mẹ. Mẹ muốn đưa tiền cho bố sửa nhà bếp cũng nói với bé để bé nói lại. Bố đau răng không ăn cơm được nhờ bứ nói mẹ nấu cháo. Bố có bạn riêng, mẹ cũng có bạn, cả bạn trai lẫn bạn gái. Hai người thường vắng nhà và không lo cho bé như trước nữa. Cho đến cuối cùng là cái ngày cả hai người kéo nhau tới ngôi nhà lớn nghe lão già áo đen đọc tờ giấy, trở về ai sống theo cách của mình, không chăm sóc nhau, cũng chẳng lo lắng cho bé. Bé buồn lắm. Bé không biết hai người có biết bé buồn đến ngần nào không? Lần đầu tiên bé nghe đến từ "ly dị". Đó là lúc cô Thu, cô giáo của bé nói. Bé hiểu ly dị là không nói, không ăn, không ngủ, không thương yêu nhau. Sống mà như thế còn sống làm gì? Nhưng tại sao phải làm như thế? Cô Thu giảng giải cho bé nghe: Cái cầu nối hai bờ cho người qua lại. Ly dị là phá cái cầu đi. Hai bờ từ nay cách biệt, không qua lại với nhau. Bé hỏi: xây lại cây cầu khác được không?". Cô Thu trả lời:
- Khó lắm
Bé tự nhủ! Mình sẽ xây lại cây cầu khác cho bố mẹ qua lại với nhau.

Bé biết bố mẹ còn giận nhau, làm cho họ gần nhau rất khó, song bé biết bây giờ bố mẹ chỉ còn một mối lo chung ấy là bé. Một hôm bé kêu đau đầu, mẹ bảo lên giường nằm, rồi đưa nhiệt kế, bé ngậm vào miệng. Một lúc sau bé lấy nhiệt kế ra xem, chẳng đến vạch đỏ gì cả. Lúc sau mẹ vào phòng bé nói khát nước, mẹ rót cho bé cốc nước ấm. Chờ lúc mẹ đi ra, bé nhúng nhiệt kế vào nước nóng, chờ nhiệt kế lên tới vạch đỏ, bé lấy ra đưa cho mẹ. Mẹ xem, la lên hoảng hốt:
- Trời ơi, sốt rồi, nóng quá, 39 độ.
Bố nghe chạy vào, cả hai nhìn nhau lo lắng. Mẹ nói:
- Đem con đi bác sĩ, em chuẩn bị cho nó, anh lo xe.
Bố nói:
- Khoan đã, chờ cho nó viên thuốc giảm nhiệt.
Cả mấy tháng nay bố mẹ không mở miệng nói với nhau lời nào. Đây là chiến công đầu tiên của bé. Bé nằm im, mắt lim dim trong bụng vui lắm vì họ đã trúng kế, nhưng bé lại giả vờ mệt mỏi đau đớn. Mẹ ngồi bên nhìn bé lo âu:
- Môi nó khô quá, đỏ quá, sốt cao là phải!
Bố đứng đầu giường nhìn bé, nói:
- Trông ngực con nhấp nhô thở gấp, chẳng cần đo cũng biết nó sốt cao. Coi chừng nóng quá nổi kinh phong.
Bố mẹ lo nước đá đắp lên trán cho bé. Bé nằm nghe, cố cắn môi nín cười. Môi đỏ vì bé vừa cắn môi, môi khô vì mấy ngày qua gió bấc thổi môi ai chẳng khô. Ngực nhấp nhô vì bé bấm bụng cố nín cười. Bé biết cả bố mẹ đều là người có học, tinh nhạy, lần này sở dĩ họ bị lừa chính là vì quá lo cho bé. Bé giả vờ đau đớn đưa bàn tay lên chới với. Mẹ vội nắm tay bé, quì xuống cạnh bé hỏi: "Con thấy trong người thế nào?". "Mệt lắm...", bé giả giọng thều thào. Bé đưa bàn tay kia lên. Bố vội nắm lấy và cũng ngồi xuống cạnh bé. Bây giờ trong tay bé là hai bàn tay bố mẹ. Bé bóp chặt hai bàn tay đã đan vào nhau, bật cười thành tiếng. Bố mẹ rứt tay lại. Bé la:
- Cầu đã bắt xong, nối nhịp. Cấm phá!
Bố mẹ giật nảy mình:
- Thế ra con chẳng đau ốm gì cả hay sao?
Bé giả vờ rên rỉ:
- Sao lại không đau? Đau lắm chớ. Bố mẹ giận nhau như thế làm sao con không đau được.
Bố mẹ cùng cười:
- Thằng này ghê thật!
Bé kéo đầu hai người lại:
- Hôn đi! Mắc cỡ thì hôn chung, cả ba...
Hồ Phước Quả






Thông Tin
Lượt Xem : 882
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN