--> Em gái tôi là...một con mèo - game1s.com
Old school Easter eggs.

Em gái tôi là...một con mèo


(game1s.com - Tham gia viết bài cho tập truyện "Những thiên thần ngồi trên cán chổi")
Nói một cách thật lòng thì tôi không an tâm giao con Mèo cho bất kỳ ai, không phải tôi không tin tưởng họ, càng không phải không tin tưởng khả năng của em tôi; mà bởi vì trong lòng tôi con Mèo là một thiên thần, thiên thần thì không thể để cho bất kỳ bàn tay trần tục nào chạm vào.
***
"Mượn truyện nữa hả? Một tuần bài tập toán nhá?" Giọng điệu đắc ý của nó cộng thêm cái mặt "thịt nhừ" đúng chất Tùng Tư Heo lần nào cũng làm máu tôi sôi lên sùng sục. "Mày muốn chết hả? Mới hôm trước ba ngày giờ lại lên một tuần. Vừa phải thôi nghen!". "Cái thằng tiểu-nhân-cơ-hội!", tôi chửi thầm trong bụng. "Không chịu à? Không chịu thì thôi!". Ai chớ thằng Tùng nói thôi là nó thôi thiệt, tôi biết tính thằng đó, nó không phải loại hay kèo nài làm giá. "Một tuần thì một tuần, nhưng cấm có tăng giá nữa nghen, mày mà tăng nữa là tao dẹp luôn ứ mượn". Nghe xong nó nhe răng cười khoái chí bỏ đi.
Thằng Tùng là con ông Tư, nhà nó mổ heo nên biệt danh của nó là Tùng Tư Heo. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu nhà nó không mổ heo thì chắc tụi tôi vẫn gọi nó là Tùng Tư Heo thôi, tại nó mập y chang con heo. Nhà ông Tư Heo giàu nhất xóm tôi, còn thằng Tùng học ngu nhất lớp.
Thằng Tùng là đứa vừa học ngu vừa làm biếng, nói như lời của tụi con gái thì nó thuộc dạng ngu lâu dốt bền khó đào tạo. Mỗi lần cho tôi mượn sách nó đều bắt tôi đưa vở bài tập toán về nhà cho nó chép. Lúc đầu nó chỉ đòi mượn chép một bữa rồi thôi, sau đó nó tăng giá lên hai ngày, rồi ba ngày, xong giờ nó hét giá một tuần. Mà tôi đâu có mượn sách gì của nó, tôi mượn sách của chị nó kia. Chị hai nó có cả một kho báu sách truyện đủ các thể loại mà con nít chúng tôi thời đó ai cũng phải ao ước (tất nhiên ngoại trừ thằng Tùng Heo). Thật lòng tôi không phải là đứa chăm ngoan yêu sách quý chữ, tôi cũng cóc cần đọc sách làm gì cho mệt, tôi mượn là để mang về cho con Mèo.

Sở dĩ tôi nói tôi chả cần đọc sách là vì tôi thông minh sẵn, không cần học bài tôi đây vẫn học giỏi nhất lớp. Đó là lời nhận xét tràn đầy nể phục của con Mèo dành cho tôi. Chưa hết, nó còn tặng kèm thêm một câu khiến tôi sướng rơn: "Anh hai thông minh, học giỏi vậy chắc chắn sau này làm gì cũng sẽ thành công" khi tôi kể với nó về ước mơ trở thành nhà khoa học "cao quý" của tôi. Tôi không chắc mình có giỏi như lời con Mèo nói, nhưng nghe những lời của nó xong tôi như sống lơ lửng trên chín tầng mây chứ không phải đang ngồi dưới nền nhà bắn thun chung với nó. Con nhỏ này, thiệt biết cách dùng lời lẽ để mơn trớn tâm hồn người ta.
Hạnh phúc đã đến với tôi từ những điều giản đơn như thế, là khi biết luôn có người bên cạnh ủng hộ tôi bằng cả tấm lòng, hạnh phúc là khi tâm hồn tôi được dạo chơi trên không trung rồi bay vút vào vũ trụ trên con tàu được ghép bằng những lời lẽ ngây thơ tràn đầy tình thương mến của đứa em gái bé nhỏ. Đây chính là lý do mặc dù rất không thích nhưng tôi luôn phải hạ tay xuống, nén cục tức, phải mua nước mía uống để hạ nhiệt máu đang sôi trong người lúc tìm thằng Tùng Heo mượn sách. Và đó cũng giống như một dấu hiệu dự báo cho cái tương lai khốn khổ vì gái của tôi sau này. Nói chính xác hơn là khốn khổ vì những lời đường mật của gái.
Con Mèo nhỏ hơn tôi hai tuổi, nó đang học lớp năm. Mặc dù rất siêng năng và ham đọc sách nhưng so với thằng anh "thiên tài" như tôi nó vẫn là đứa học dốt. Khi cô giáo hỏi cả lớp về ước mơ tương lai của tụi nhỏ trong giờ học đạo đức, đến lượt nó thì nó lúng túng không biết trả lời thế nào. Mặt nó buồn buồn lúc kể cho tôi nghe chuyện đó. Cũng không phải là con Mèo không có ước mơ, mà hễ mỗi lần nó đọc truyện xong mắt mơ màng nói, em thích sau này lớn lên làm cái này, cái kia giống mấy nhân vật trong truyện là tôi lại đá bay ước mơ của nó liền. "Học ngu như mày mà đòi làm cô giáo", hay đại loại như "Mày nhát gan lắm không làm được cái đó đâu" "...". Nhìn nó buồn tôi thấy thương thương, làm tôi thấy hối hận quá đỗi, hối hận sao lúc đó lại phản bội ước mơ chớm nở của nó phũ phàng đến vậy.
Một hôm sau khi xem tivi xong nó không lên giường đi ngủ mà chạy qua giường tôi hớn hở "Em biết sau này lớn lên em nên làm gì rồi. Em sẽ làm hoa hậu!". Tôi phá lên cười châm chọc "Có hoa hậu nào mà chân toàn ghẻ như mày hông?". "Chân em đâu có ghẻ, chỉ có vài cái mụt do bị muỗi cắn thôi à", con Mèo chống chế yếu ớt. Định bụng cười cho đã xong tôi sẽ tặng thêm cho nó câu nữa "Có hoa hậu nào mà tóc vàng hoe khét nắng như mày hông?", nhưng tôi chưa kịp nói thì nó đã biết thân biết phận lủi thủi bỏ về chỗ của nó. Chợt nhớ tới chuyện hôm trước, tôi đâm ra áy náy với nó, bèn rán với theo một câu "Tao chọc mày cho vui thôi, mấy cái mụt đó bé tí mai mốt lớn nó mờ dần không ai thấy đâu". Tôi nghe thấy tiếng "dạ" lí nhí của nó, như đã an tâm được phần nào nên nó im lặng ngoan ngoãn leo lên giường đánh một giấc tới sáng.
Không phải tự nhiên con Mèo muốn làm hoa hậu, mà do tối hôm đó nó xem chương trình chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1992 trên tivi, giải thưởng dành cho hoa hậu năm đó lên tới mấy chục triệu đồng, người đoạt vương miệng hoa hậu là Hà Kiều Anh. Khoản tiền mấy chục triệu thời đó vô cùng lớn, đặt biệt là trong mắt những đứa con nít ở quê như chúng tôi. Còn nữa, người lớn trong xóm tôi ai ai cũng bảo em tôi đẹp, cô Tú cạnh nhà hay xoa đầu con Mèo tấm tắt "Con bé này có nét ghê, lớn lên chắc chắn sẽ đẹp gái như hoa hậu cho mà xem." Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến nó nuôi dưỡng ước mơ trở thành hoa hậu Việt Nam sau này.
Con Mèo nói nếu trở thành hoa hậu nó sẽ chỉ giữ lại chiếc vương miệng cho nó, tiền thưởng nó sẽ đem giúp bà Tám già ở đầu xóm dựng lại mái nhà tranh đã cũ nát từ lâu. Bà Tám sống một mình, nghe nói chồng và đứa con trai duy nhất của bà đều đi lính và chết trong chiến tranh, quán của bà bán vài thứ linh tinh xếp trên cái kệ gỗ xù xì chỗ cửa sổ cạnh chiếc giường tre cũ kỹ bà vẫn hay nằm. Nó còn nói sẽ mua tặng cho con bé Tủn con cô Tú cạnh nhà một chiếc xe đạp, tiền còn lại sẽ dùng để sửa cái mái hiên trước nhà sắp đổ sụp vì gỗ mục. Dù không nói ra nhưng tôi thực sự nể phục tấm lòng lương thiện của nó. Và ngay từ giây phút đó, con Mèo đã là hoa hậu đẹp nhất trong lòng tôi rồi.
Giấc mơ hoa hậu rực rỡ cùng viễn cảnh tương lai rất đỗi huy hoàng của con Mèo vừa mới nhen nhóm chưa được bao lâu thì tai họa đã ập xuống. Hôm đó trước khi đi làm mẹ dặn hai anh em tôi ở nhà trông chừng con gà trống mẹ mới mượn của chú Năm về đạp mái, mẹ nhốt nó trong cái giỏ tre sau vườn. Lúc tôi loay hoay bỏ bình nước vào cho nó uống tự nhiên mắt nó trừng lên nhìn tôi như muốn nhào vô đá ngay mặt thằng oắt con này một phát, tôi hết hồn buông tay làm ngã cái giỏ tre, thế là nó xổng ra ngoài. Tôi cuống quýt gọi con Mèo, hai đứa hì hục đuổi bắt. Con gà trống chết tiệt, rượt một hồi nó nhảy phổng lên cái chảo gang cũ to đùng để gần chỗ sân giếng. Tôi không biết cái chảo đó ở đâu ra và để làm gì, chắc là từ thời chiến tranh hay xưa lơ xưa lắc gì đó, tôi đã thấy nó từ lúc còn nhỏ xíu. Vào mùa mưa mẹ dùng nó để hứng nước mưa uống, còn mùa nắng nó là hồ bơi của hai anh em tôi. Tôi nháy mắt với con mèo "Tao đếm đến ba hai đứa mình cùng nhào vô nghen". Con Mèo gật gật nhưng nhìn mặt nó tôi biết là nó cũng đang sợ, nghĩ tới ánh mắt lúc nãy của con gà tôi còn sợ hơn nó, tôi nghe toàn thân thoáng run lên một nhịp. Tôi đếm đến ba, con Mèo nhắm mắt nhắm mũi nhảy tới, đầu gối nó đập vô cạnh chảo kêu cái boong, nó té cắm đầu, con gà chạy mất, còn tôi đứng trơ mắt nhìn. Tôi luốn cuống chạy lại đỡ nó, đầu gối nó tét một đường rõ dài, máu chảy nhiều lắm. Tôi lay lay cánh tay nó một lúc nó mới nhúc nhích, bấy giờ nó mới khóc, nước mắt nó chảy thành dòng nấc lên không thành tiếng. Tay tôi run run bó đầu gối cho nó bằng cái khăn rút vội trên dây treo đồ, mặt nó càng lúc càng tái đi, tôi đỡ nó dậy cõng nó chạy ra trạm y tế xã. Tôi chạy một mạch như điên, vừa chạy vừa khóc. Tôi khóc còn to hơn cả con Mèo làm lúc vừa đến nơi cô Dung y tá tưởng chân con Mèo bị thương còn tôi thì sắp chết đến nơi.
Kết quả đầu gối con Mèo bị may sáu mũi. Tội nghiệp nó, chắc là đau lắm, chắc nó còn đau lòng hơn vì cái sẹo dài sẽ để lại trên chân. Không biết mai mốt lớn cái sẹo có mờ đi không nữa, tôi buồn hiu nghĩ ngợi. Con nhỏ cứ khóc mãi, tôi dỗ thế nào cũng không nín, tôi mua kẹo dừa là món nó thích nhưng nó cũng không thèm ăn. Làm anh thật khó, đúng là khó thiệt!
Chiều hôm đó tôi bị ăn đòn, vì hai tội. Tội thứ nhất là làm mất con gà của chú Năm. Mà con gà đó cũng ác thiệt, xổng ra là chạy mất tiêu, hành động của nó hôm nay cứ y như nó đã có thù với tôi từ tám kiếp trước. Tội thứ hai là làm em tôi té bị thương. Tội này tôi thấy mình bị oan, tại tôi đâu muốn nó té. Mẹ không đánh tôi, cũng không trách mắng tôi mà chỉ ôm con Mèo cuống cuồng lên, rồi thở dài thườn thượt, hình như mắt mẹ ươn ướt. Thì ra mắt mẹ tôi màu nâu, vậy mà lâu nay tôi không hề biết, đôi mắt sâu cùng hàng lông mi rậm khiến cho ánh mắt của mẹ lúc nào cũng trông buồn xa xăm. Điểm này con Mèo giống mẹ nhất, nó khôn ghê, toàn lựa những cái đẹp nhất để giống.
Ba tôi quan sát mẹ một hồi rồi tự nhiên đùng đùng nổi giận lấy roi đánh tôi. Thế là hôm đó cả ba mẹ con cùng khóc. Con Mèo khóc vì đau chân và đau lòng, mẹ tôi khóc vì thương em tôi, tôi thì khóc vì bị ăn đòn "oan".
Không khí gia đình tôi bỗng chốc trở nên ngột ngạt. Mẹ bỏ cơm tối, ba ăn qua loa một chén cơm rồi ra hiên ngồi hút thuốc. May mà vừa ăn cơm xong thằng Tèo con ông Ba Tránh trước nhà qua rủ tôi đi coi bê đê hát ở trên xóm chợ, hôm nay trên đó có đoàn lô tô mới về. Tôi nháy mắt với con Mèo rồi canh lúc ba tôi không để ý lẻn ra ngõ chạy mất, quên luôn cả trận đòn ban nãy. Tôi biết con Mèo cũng muốn đi lắm, nhưng với cái chân què của nó thì cho dù ba tôi có cho phép nó cũng không lếch nổi lên tới chợ. Thấy cũng thương nhưng thương rồi thì làm được gì, tôi tặc lưỡi phóng theo thằng Tèo hướng về phía chợ. Con Mèo đã bỏ lở rất nhiều trò vui ở đoàn lô tô tối hôm ấy, còn tôi bỏ lỡ cả một câu chuyện dài về gia đình mình, bỏ lỡ cả cơ hội được mẹ ôm lần cuối. Cuộc đời là chuỗi những lần lầm lỡ rồi lại bỏ lở.
Tôi trở về nhà lúc mẹ tôi đã bỏ đi, ba tôi đã say mèm còn em tôi đang thấp thỏm đợi tôi. Tôi và con Mèo không phải anh em ruột, hóa ra chúng tôi là anh em cùng mẹ khác cha. Đó là lỗi lầm của mẹ tôi nhiều năm về trước, khi bố tôi làm ăn xa nhà bỏ lại hai mẹ con tôi cô đơn với nỗi thiếu thốn vật chất lẫn tình cảm. "Mẹ đã nói với em là mẹ chỉ đi một lát thôi rồi mẹ sẽ về" con Mèo nấc lên từng tiếng khi hai anh em tôi ngồi thu lu trên giường đợi mẹ, nó nói rất khẽ để sợ bố nghe thấy, môi nó run lên và tay nó lạnh ngắt kể cho tôi nghe toàn bộ sự thật đau đớn ấy. Toàn thân tôi cũng bắt đầu lạnh tái đi như thể hơi ấm đã truyền từ tôi qua con Mèo để hâm ấm đôi tay bé nhỏ của nó, nhưng xót xa thay bởi chính tôi cũng đang run lên sợ hãi. Những đứa trẻ quê mùa lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ, sự quan tâm của làng xóm như chúng tôi, ở độ tuổi bắt đầu lớn như anh em tôi, để đối mặt với những "lỗi lầm" của người lớn, "sự thật" của cuộc đời quả là một bài học vô cùng khó. Mẹ tôi đã không quay về, tối hôm đó, hôm sau và cả nhiều những hôm sau nữa, mẹ đã không giữ lời hứa với em tôi. Người trong làng xầm xì, thêu dệt nhiều chuyện về gia đình tôi, rằng mẹ tôi đã bỏ lại hai anh em tôi để đi theo "ba ruột" con Mèo, rồi thì là tối đó có người đã nhìn thấy mẹ tôi nhảy xuống sông tự vẫn, ...
Trong những năm tháng dài chờ đợi ấy, tôi đã luôn cầu nguyện và tin rằng mẹ tôi vẫn còn sống ở một nơi nào đó, mẹ luôn nhớ về chúng tôi và rồi sẽ quay về nhà với chúng tôi; tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi chính mình rằng, mẹ bỏ lại anh em tôi để ra đi là vì giận bố đã đánh mẹ, là vì thấy có lỗi với bố hay mẹ xấu hổ với tôi và con Mèo? "Mẹ ơi, mẹ về nhà với chúng con đi. Con và con Mèo không giận mẹ đâu. Chúng con cần có mẹ, mẹ về với chúng con đi mẹ!" Giấc mơ được gặp lại mẹ đã ám ảnh tôi trong nhiều năm liền, nó lặp đi lặp lại nhiều đến mức tôi có thể hình dung ra cảnh tượng đó bất kỳ lúc nào, tôi có thể cảm nhận được vị mặn của nước mắt thấm vào da, vị đắng ngắt ở cổ họng mỗi lần nhớ lại.
Cuộc sống không có mẹ khó khăn hơn rất nhiều. Tôi và con Mèo phải chia nhau lo việc nhà. Con Mèo ít nói hơn hẳn, hiếm khi thấy được nụ cười ngây ngô của nó, thay vào đó là ánh mắt dè dặt mỗi lần nó liếc nhìn ba tôi. Có những buổi chiều lang thang dọc bờ sông bắt gặp con Mèo cũng thơ thẩn ở đó, không hẹn nhưng cả hai đứa đều hướng về phía hạ nguồn nơi giao nhau giữa sông và biển, nước mặn và ngọt, chờ đợi và gặp lại.
Lang thang qua những mùa mưa nắng, tháng năm; chúng tôi giờ đã khôn lớn. Anh em tôi đã lớn lên như thế, trong sự chờ đợi và hy vọng, thiếu vắng bàn tay chăm sóc yêu thương của mẹ. Đôi khi tưởng chừng như kiệt sức, nhưng chính hy vọng và sự mong chờ đó lại tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi; chờ đợi rèn luyện con người ta tính kiên nhẫn, hy vọng giúp ta tin vào sự kỳ diệu, hướng ta về phía chân trời ánh sáng. Tôi còn nhớ một buổi sáng mùa hè nào đó, em tôi thức dậy với khuôn mặt tái đi vì sợ hãi, nó vào nhà vệ sinh rất lâu và trở ra với sắc mặt nhợt nhạt. Tôi hỏi nó đau ở đâu nhưng nó chỉ lắc đầu, mắt đỏ hoe. Lúc đó tôi đã rất sợ, sợ nó mắt bệnh nan y, sợ nó chết, sợ lại bị bỏ rơi thêm một lần nữa. Tôi chắc là nó cũng đã nghĩ giống tôi như vậy. Đó là khi lần đầu tiên em tôi có kinh, một dấu hiệu rất bình thường của con gái đến tuổi dậy thì. Tội nghiệp con Mèo, nó đã lớn lên như thế theo tháng năm, lớn lên cùng một thằng anh đồng trang lứa vô tâm và một người ba cộc cằn không cùng dòng máu, nhưng nó vẫn xinh đẹp và tỏa sáng theo cách tự nhiên nhất.
Thì ra tôi không phải thiên tài, cũng không giỏi như con Mèo đã nói, tôi chỉ là một kỹ sư bình thường như bao nhiêu thằng kỹ sư xuất thân từ đại học Bách Khoa khác; con Mèo cũng không ngu như tôi như tôi nghĩ, nó tốt nghiệp khoa báo chí truyền thông đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, là phóng viên của một trang báo mạng uy tín, tác giả của một vài quyển sách, nó đã thật sự tỏa sáng theo cách của riêng nó. Tất nhiên việc nó không trở thành hoa hậu Việt Nam không phải tại cái sẹo năm đó, mà là do nó thấp quá không đủ chiều cao để thi hoa hậu. Hôm tết về thăm nhà gặp lại tụi thằng Tèo, thằng Tùng Tư Heo với mấy thằng đực rựa xóm tôi, chúng nó cứ trầm trồ mãi về con Mèo. "Em gái mày xinh quá!", thằng Đức Cống lên tiếng khơi mào. "Con Mèo vừa xinh, vừa hiền, lại vừa giỏi, tao phải tận dụng cái vụ mượn sách ngày xưa để tiến lên mới được. Haha...", thằng Tùng Heo vẫn giữ nguyên cái thói tiểu-nhân-cơ-hội. "Tao chơi thân với mày nhất, gả nó cho tao là hợp lý nhất!", thằng Tèo bữa nay đã biết nói mấy câu nịnh đầm, nói chung là có tiến bộ. "Haha... tao mà làm vậy khác gì giao trứng cho ác, hoa nhài cắm bãi cứt trâu, còn lâu!". Tôi nửa đùa nửa thật trêu chúng nó. Nói một cách thật lòng thì tôi không an tâm giao con Mèo cho bất kỳ ai, không phải tôi không tin tưởng họ, càng không phải không tin tưởng khả năng của em tôi; mà bởi vì trong lòng tôi con Mèo là một thiên thần, thiên thần thì không thể để cho bất kỳ bàn tay trần tục nào chạm vào.
- - Em gái tao là..
- Là gì?
Con Mèo đột nhiên xuất hiện giả vờ ra vẻ nghiêm mặt cao giọng hỏi. Cả bọn chúng tôi đều cười sảng khoái, tôi nháy mắt cười ranh mãnh:
- - Em gái tao là... một con Mèo!
Sài Sòn, 26/5/2014
Tram Nguyen 






Thông Tin
Lượt Xem : 1200
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN