--> Giấc mơ không có con dế nhỏ - game1s.com

Giấc mơ không có con dế nhỏ


Nơi ấy tôi đã từng sống. Nơi ấy có một dòng sông. Nó chảy qua vùng đất nghèo quê nội tôi như một ký ức tuổi thơ xam xám. Tôi đã từng cởi trần cùng lũ trẻ nhảy ào xuống dòng nước đen ấy để vùng vẫy cho thỏa thích.
***
Tôi, mẹ, ba, và mọi người sống ở đó nhiều năm. Ở đó tôi cũng có một gia đình, có mẹ, có ba, có bà nội nhưng không có một mái ấm hạnh phúc. Mẹ tôi thường nói vậy.
Khi tôi lên năm tuổi, ba bắt đầu nghiện rượu. Tôi thường cười khanh khách lúc thấy ông bước liêu xiêu. Nhưng tôi không biết những lúc ấy mẹ khóc, khóc rất nhiều vì những cái bạt tai, cái đấm, cái đá của ba dưới áp lực của men rượu. Chịu đựng để giữ hạnh phúc gia đình nên mẹ không than vãn một lời. Lúc đó mẹ mới hai mấy tuổi nhưng trông già xọp đi. Lúc đó tôi không hiểu gì.

Bà nội chơi số đề. Tỉnh mắt dậy là nội chạy sang hàng xóm để bàn tán về số. Nhưng số đề không mỉm cười với nội, bà thua liên miên. Đồ đạc trong nhà cứ đem bán dần. Bán hết nữ trang của mình, nội lại quay sang vòi tiền mẹ. Phận dâu con mẹ phải cắn răng chịu. Sợi dây chuyền mẹ đeo trên cổ mỗi tối tôi hay nghịch cũng biến mất theo những con số đỏ đen.
Cha tôi uống rượu nhiều hơn. Bà nội ngày càng cau có hơn. Mẹ càng khổ hơn. Tôi chẳng biết gì. Thua số đề nhiều quá, nội mất ngủ. Bà không thể nào tìm ra những giấc mơ như thưở trước để sáng ra qua hàng xóm bàn tán. Thế là nội quay sang tôi. Mỗi sáng nội kéo tôi lại gần: "Đêm qua cháu mơ thấy cái gì?"
Cả ngày lăn lóc ngoài bờ sông, đu trên lưng trâu mỏi nhừ nên lên giường là tôi ngủ say như chết, làm gì có giấc mơ nào. Thấy tôi đứng ngẩn tò te, nội giục. Tôi ấp úng. Mẹ đứng gần đó đỡ lời: "Cháu còn nhỏ, không biết gì đâu!".
Nội trừng mắt. Tối, mẹ bị một trận bạt tai, đánh, đấm từ bố. Nội trông thấy cười, bởi chính bà là người tạo ra với nguyên nhân hết sức đơn giản: "Nó là dâu mà dám hỗn với tao".
Phần sợ nội, phần thương mẹ, tôi bắt đầu nói láo. Chỉ cần ngoắc lại là tôi gào lên: "Đêm qua cháu mơ thấy... ". Khi thì con quạ, con ngỗng. Lúc thì con ốc, con nai. Thậm chí hỏi mấy đứa hàng xóm biết số đề có ông địa, ông thần tài, tôi cũng gào lên ông địa, ông thần tài.
Không hiểu thế nào mà mấy bữa đầu trúng, nội vui ra mặt. Bà coi tôi như thần thánh. Mua cho tôi đủ thứ từ cái chợ chòm hỏm (chợ ngồi chòm hỏm để bán chứ không có sạp, có quán) của thôn. Mấy ngày sau bắt đầu trật, trật liên miên. Có hôm tôi phải chịu sự gầm ghè, đay nghiến của nội. Mẹ chỉ biết thở dài và khóc thầm. Cuộc sống đối với mẹ bất hạnh, khắc khổ quá.
Như mọi ngày,tôi lao xuống dòng sông đầy rác với con Tẻo, thằng Rớt, thằng Đủn, thằng Đen... Cả nhóm chỉ có Tẻo là con gái. Tội nghiệp, bữa nay nó phải dắt trâu của ông Bá đi tắm giùm để lấy tiền mua kẹo cho em nó. Con trâu được tắm hứng chí tuôn ra mấy "bãi". Phân nổi lềnh bềnh với rác trên mặt nước. Tôi vô ý quạt tay vào làm cả bọn cười lớn. Nóng mặt tôi chửi Tẻo. Nó phân bua:
- Tại anh chứ, trâu "ỉ" kệ nó, ai bảo anh đụng?
Như lửa đổ thêm dầu, tôi lao tới đánh nó một cái thật mạnh cho hả. Con Tẻo khóc lu loa. Tự nhiên tôi thấy thương nó quá, liền xuống nước năn nỉ:
- Thôi mày nín đi, mai tao bắt cho mày con dế!
- Chừng nào có con dế tui mới hết nghỉ chơi với anh.

Con Tẻo ngoay ngoảy đi. Mấy ngày tôi mò khắp các bờ ruộng mà không tìm ra con dế nào. Nắng gió làm tôi mỏi nhừ. Buổi tối, tôi mơ thấy tôi bắt được con dế dễ thương lắm. Trời sáng, nội vào buồng lay tôi dậy:
- Đêm qua mày mơ thấy con gì hả?
Đưa tay dụi dụi mắt cho tỉnh ngủ, tôi đáp như reo mừng:
- Con dế nội ơi! Đêm qua cháu mơ thấy con dế!
- Láo toét, số đề làm gì có con dế. Láo này, láo này... Nội quơ lấy cái chổi quật lia lịa vào tôi. Vừa đau, vừa hoảng tôi khóc ré lên.
Mẹ chạy đến khóc theo tôi:
- Đừng đánh cháu nữa, nó nhỏ đâu biết gì...
- A, còn mày! Sinh con mà không biết dạy, để nó hỗn láo thế... !
Nội quất vào mẹ. Như một nỗi đau nén lâu ngày trào lên, mẹ giật lấy cái chổi trên tay nội. Đôi mắt mẹ long lên những tia lửa, từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ thấy mẹ như thế. Bà nội tỏ vẻ sợ sệt lui ra sân.
Buổi tối đêm đó, ba lại say rượu trở về nhà. Vẫn đánh, vẫn đập, vẫn chửi rủa. Và đêm đó mãi trong giấc ngủ tôi còn nghe tiếng hét của ba, tiếng cãi lại của mẹ, tiếng đổ vỡ to lắm. Đêm đó tôi kéo cả cái chiếu để quấn quanh mình mà vẫn thấy sợ.
Ba mẹ ly dị. Bà nội cười. Hàng xóm xôn xao. Tôi khóc.
Vài bộ quần áo cũ, cái xách tay nhỏ, mẹ dắt tôi đi. Đứng chờ đò để qua sông, tôi gặp con Tẻo. Nó biết tôisắp đi xạ Nó vẫn đi tắm trâu để lấy tiền mua kẹo cho em nó. Tôi nắm lấy bàn tay đen hoẻn của nó:
- Mày đừng giận tao nữa nghen. Tao tìm mấy ngày nhưng không bắt được con dế nào. Tao lên thị xã ở, nếu có dế tao sẽ bắt để dành cho mày.
- Anh ngu quá! Thị xã làm gì có dế.
Con Tẻo mắt đỏ hoẹ Tôi biết nó cũng buồn. Lúc này tôi mới thấy dòng sông đầy rác và lềnh bềnh phân trâu cũng dễ thương như con dế tôi còn mắc nợ.

Qua đến bờ bên kia, mẹ đứng rất lâu để nhìn. Hai giọt nước mắt mẹ rơi xuống đầu tôi nóng hổi. Mẹ thở dài:
- Con sông tên Hiền vậy. Nhưng, cuộc sống có hiền lành và lương thiện đâu!
***
Lên thị xã mẹ làm rất nhiều việc để nuôi tôi. Và cái nơi đang đô thị hóa này đã không phụ mẹ dù nhiều lúc mẹ phải rơi nước mắt. Tôi có nhà ở, có ăn có mặc, được đi học. Mặc dù âm vang "... con người sống ở bờ sông không hiền lành và lương thiện... " luôn bám lấy tôi nhưng tôi luôn nhớ về dòng sông ấy, nhớ từng kỷ niệm, từng con người.
Tôi làm thơ đăng báo. Những bài thơ của tôi thường mang nét buồn và thường nhắc đến dòng sông.
Chiều. Như bao chiều khác, tôi đi dạo các sạp báo. Một ánh mắt nhìn tôi nửa quen, nửa lạ. Tôi nhíumày. Thằng con trai đó thoáng bối rối rồi ồ lên:
- Lê Thụy Nhân! Còn nhớ tao không. Rớt nè!
Trời, thằng Rớt giờ to con như chú Chín (ba Rớt) hồi nào. Tôi kéo Rớt lại quán nước. Rớt vẫn cười luôn miệng:
- Lâu quá phải không mậy, hơn mười năm chứ ít gì. Tao không ngờ có một thằng bạn làm thơ hay như mày. Nè, cho tao hỏi chút. Dòng sông trong thơ mày có phải là sông Hiền không?
Tôi gật đầu. Dòng sông ấy vẫn trồi lên những nét riêng dù là nét buồn da diết. Bây giờ vùng sông Hiền đổi mới nhiều lắm rồi. Hơn mười năm tôi chưa về lại mảnh đất ấy. Rớt tiếp tục hào hứng:
- Ở quê, "nẫu" thích thơ mày lắm. Tờ báo nào có thơ mày là "nẫu" mua sạch. Còn tao, tao thích nhất hai câu: "ừ tôi con dế xưa đi lạc - Giờ thèm cọng rác phía sông quê". Mày viết bài này đề tặng "T" là tặng ai vậy?
- Ờ... ừ... , tao tặng con Tẻo đó. Con Tẻo hồi nhỏ tao đánh nó và mắc nợ nó con dế.
- Thôi đi cha nội. "Nẫu" lớn rồi mà còn kêu Tẻo. Đó là tên ở nhà, còn tên thật là Quỳnh Trâm.
- Quỳnh Trâm! Tên hay quá há! Tao đâu có biết, tao chỉ nhớ tên Tẻo thôi. Còn mày tên thật là gì?
- Tuấn, Phan Gia Tuấn nghiêm chỉnh nghe mậy!
Hai ly nước vơi dần cùng câu chuyện dài ra:
- Quỳnh Trâm hay nhắc mày lắm. Bữa nay nhỏ dễ thương gớm luôn. Mới được giải nhất học sinh thanh lịch của tỉnh đó.
- À, tao có biết. Nhưng tao đâu ngờ là Tẻo.
- Tẻo nữa! Biết tao lên thị xã, Trâm nhắc nếu gặp mày thì gởi lời thăm giùm. À, còn nữa, nếu mày rảnh thì viết thư cho Trâm. Trâm nhắc mày còn nợ nó con dế lâu rồi chưa trả. Chấm hết!

***
Câu chuyện của Tuấn làm tôi trỗi dậy những cảm xúc khó hiểu. Tuấn bây giờ đã thành anh thanh niên khỏe mạnh. Lũ trẻ trong xóm đã lớn. Quê nội tôi đã có trường cấp 3 khang trang. Bà nội vẫn khỏe. Ba tôi đã hết uống rượu và có vợ khác. Tẻo đã thành cô nữ sinh thanh lịch Quỳnh Trâm mà tôi thấy ở ảnh bìa tờ báo tỉnh. Tất cả đã thay đổi.
Suốt buổi tối tôi ngồi không học được gì. Mẹ vẫn cặm cụi với chiếc máy may xành xạch. Trời đêm nay đầy sao dù chỉ mới dứt mưa. Đi qua đi lại để lấy can đảm, tôi nói với mẹ:
- Mai mốt con thi đậu đại học rồi, mẹ cho con về quê nội một bữa ghen.
Mẹ ngừng máy maỵ Mẹ hiểu những gì tôi muốn nói. Rót cho mình ly nước, mẹ nhìn tôi. Khổ đau đời mẹ tụ lại thành những vết chân chim nơi khóe mắt. Tôi bối rối:
- Con xin lỗi nếu làm mẹ buồn. Con sẽ không đòi về quê nội nữa.
- Khi nào con muốn thì cứ về thăm nội với cha. Nhưng mẹ nói trước là mẹ không đi chung với con.
Mẹ thở dài. Một đêm tôi có thể đọc ngấu nghiến hết một quyển tiểu thuyết xã hội đau lòng. Nhưng mười mấy năm rồi tôi không biết giấu tiếng thở dài của mẹ vào đâu.

Trời đêm nay đầy sao. Những vì sao lấp lánh chắc sẽ hiểu mẹ, hiểu tôi. Dù mẹ và tôi có từ chối đi nữa cũng không che được tiềm thức về nơi ấy. Nơi ấy tôi thèm giấc mơ thấy ông Địa, ông Thần Tài thật sự để nội đánh số đề. Nơi ấy cha đã nợ mẹ một mái ấm hạnh phúc. Nơi ấy tôi đã để lại một tuổi thợ Nơi ấy tôi đã nợ Quỳnh Trâm một con dế. Nơi ấy có một dòng sông đã chảy qua ký ức tôi: Tên con sông rất hiền mà sao cuộc đời cực nhọc vậy.







Thông Tin
Lượt Xem : 911
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN