--> Thuộc về má - game1s.com
Polaroid

Thuộc về má


Người đời luôn có những khoảng cách, không bao giờ có công bằng, chị biết. Nhưng chị đã không nghĩ tới, ranh giới đó cũng tồn tại giữa chị và má, và bà con họ hàng quê xứ.
***
Đưa má ra bến xe, giỏ xách đứt quai, đồ đạc đổ lủ khủ ra đường, hai má con nhặt nhạnh giữa những làn xe xuôi ngược. Chị càu nhàu, "trời đất ơi, má mang về làm chi mấy thứ này?". Cái chị nói là những chai lọ rỗng đang nằm lăn lóc. Má chỉ cười, hối chị mau mau thu dọn, đừng có ngồi đó nhăn nhó như khỉ ăn gừng.
Ngồi sắp xếp lại đồ đạc bên vỉa hè, má mới nói, coi đồ bỏ vậy mà trong quê quý lắm, má đem về để chiết dầu hôi, nước mắm cho bà con trong xóm. Bất giác chị nhớ tới cái tiệm tạp hóa nhỏ nhà mình, nhớ những khách hàng chân dính bùn chỉ dám đứng ngoài sân, bồn chồn gọi vào, "bán con hai ngàn đường, năm trăm đá cục...". Chị thấy cơn bực bội dịu xuống.

Ngồi với má, lặng lẽ chèn những cái chai vào mấy giỏ xách chật cứng, chị nhận ra sự chu đáo của đứa em gái đang trọ học ở nhà mình. Em đã chuẩn bị cho má rất nhiều thứ. Những chai lọ là do em súc rửa. Và trong giỏ, như mọi khi là trà, xà bông, bột ngọt, thuốc lá, báo cũ, mớ củ cải muối nằm còng queo, những bộ quần áo trẻ con nhà chị đã mặc qua mà má nói đem cho mấy đứa nhỏ nghèo. Bỗng dưng chị thấy ngượng ngập.
Những thứ má cùm nụm cùm nịu mang về, một nửa là phế thải trong nhà chị. Một nửa, như bột ngọt, đã lâu không có trên kệ bếp, vì những khuyến cáo ảnh hưởng đến sức khỏe, đến trí nhớ. Thuốc lá ba chị hút, là loại không đầu lọc, rẻ tiền, khói thuốc vo tròn những cơn ho khan rát ngực. Những cái bánh bột đậu ba má chị hay ăn trong lúc uống trà, cũng đã lâu chị chẳng mua về, bởi trẻ chê không ngon.
Những gì chị từ bỏ, má lại nâng niu. Nhà thay ti vi mới, chị gửi cái cũ về, má mừng nói hồi nào giờ mới thấy Lệ Thủy đánh má hồng, tô son môi. Nhà chị lót gạch mới, ba chạy xuồng máy ra chở gạch cũ về lót đường đi, vạc giường cũ đóng vách chuồng gà. Xấp báo mang về từ gầm tủ nhà chị, má nhen lửa, má gói hàng cho khách. Những bữa chị về ghé qua bếp, thấy ơ cá kho mặn quắt, má kho bằng loại nước mắm giá chỉ vài ba ngàn một lít, má cũng biết đó chỉ là nước muối nhưng má cười, "xóm mình cũng ăn như nhà mình..."
Cũng những bữa canh rau suông đậm bột ngọt để nuốt xuôi cơm cháy, để giả vờ cái vị ngọt của thịt mà vì chợ xa, vì nghèo... lâu lâu mới hiện diện trong mâm cơm một lần. Cũng những chai nước đường thêm thắt chút vị coca mà đứa trẻ năm tuổi thành phố đã biết nguây quẩy từ chối. Cũng những chai (giống như) nước tương cáu cặn không xuất xứ, không hạn dùng.
Thành phố xem chúng là rác. Má biết điều đó, thậm chí chị đã chỉ cho má cách từ bỏ chúng. Nhưng má chỉ cười buồn, tiền nào của nấy, và người nào thì tiền nấy. Ở quê, mua món gì là người ta cầm mấy giạ lúa đi mua, nên tiền nặng lắm... Người đời luôn có những khoảng cách, không bao giờ có công bằng, chị biết. Nhưng chị đã không nghĩ tới, ranh giới đó cũng tồn tại giữa chị và má, và bà con họ hàng quê xứ.
Giờ thì khoảng cách đó rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngồi chờ xe lăn bánh, cạnh má và mấy giỏ xách lỉnh kỉnh, giữa những hành khách nhếch nhác mệt mỏi khác. Chị nhìn chiếc xe chút nữa đây sẽ đưa má về quê, nó cũ nát, gỉ sét, nóng hập và loang lổ bụi. Chiếc xe có cánh cửa sắp rơi ra và một mảng kính rạn nứt này sau khi mỏi mòn chạy trên những quốc lộ liên tỉnh, người ta mới đem nó về những con đường huyện lị heo hút. Và má, những người dân quê má vẫn lấy làm hạnh phúc chen chúc đi về.
Trên chuyến xe xốc xếch đó, có bà mẹ trẻ đang ngồi cạnh chị đây, đang nâng niu xếp ra xếp vào mấy gói kẹo sặc sỡ phẩm màu, chắc chắn cũng rất đậm đà vị ngọt của đường hóa học. Nhưng dù chúng được làm bằng gì thì chúng cũng được chào đón bằng tất cả nỗi vui mừng, chờ đợi, thèm thuồng của những đứa trẻ ở nhà. Chúng cũng ngọt lịm cả một ký ức, mỗi khi nhớ lại, như chị nhớ lại tuổi thơ mình.
Những viên kẹo đã từng ám ảnh chị, giờ đã thuộc về má, làng quê của má, thế giới của má. Xa xôi...
Nguyễn Ngọc Tư






Thông Tin
Lượt Xem : 1032
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN