--> Vì thời gian nhiệm màu lắm - game1s.com
Disneyland 1972 Love the old s

Vì thời gian nhiệm màu lắm


(game1s.com - Tham gia viết bài cho tập truyện ngắn "Rồi sẽ qua hết, phải không?")
Bố bảo bố hết đau rồi, còn bảo mọi chuyện rồi cũng qua hết, vì thời gian nhiệm màu lắm.
***
Mẹ bắt đầu làm dâu năm 18 tuổi. Gia đình nhà nội thuộc diện khá giả trong làng nhưng mọi tài sản đều nằm trong tay bác Tiến – một người đàn ông nổi tiếng tham lam và bủn xin. Công việc hằng ngày của mẹ bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ đến tối mịt ngoài đồng – khi thì cấy lúa thì nhổ mạ, tát nước... tất tần tật những công việc đồng áng. Bác Huệ là vợ của bác Tiến, thấy mẹ làm giỏi thường  việc chừa việc lại, lấy cớ bận chỗ này, đau chỗ kia để về nhà trước. Mẹ chỉ về nhà khi mọi việc đã xong xuôi và hai bác đã lên giường.

Bố là một người đàn ông vô tư, theo bạn bè lên tận Cao Bằng đãi vàng, năm ba tháng mới về nhà một lần. Bà nội thương mẹ, nhưng cũng bất lực trước sự chỉ đạo của bác Tiến, chỉ dám lén lút để phần cơm và thức ăn vào bồ thóc cho mẹ trước khi hai bác và lũ con chén sạch. Mẹ sinh tôi năm 19 tuổi, là lúc bố ở nhà luôn, không đi đãi vàng nữa. Vốn tính ngang tàng nên bố không chịu ở chung với bác, bố dọn ra riêng. Mặc  dù vẫn ở sát nhau và chung cái bếp, nhưng cuộc sống của mẹ cũng dễ thở hơn.
Thế nhưng chưa được bao lâu, mẹ phát hiện ra bố bị nghiện hút thuốc phiện. Cuộc sống đãi vàng xa nhà nơi rừng thiêng nước độc đã dạy cho bố đến với thứ thuốc chết người ấy. Tối nào sau khi ăn cơm xong, bố cũng cùng một vài người bạn khác đến nhà ông Tung để "lên đèn". Sau khi phê thuốc, họ còn rủ nhau đi chơi gái. Trong làng có hẳn một gia đình nhà bà Mai gồm bà và ba cô con gái làm nghề bán thân. 20 tuổi, mẹ nếm vị nước mắt không biết bao nhiêu lần. Những lần khuyên răn bố không được, còn bị bố chửi té tát, mẹ chỉ biết ôm con mà khóc. Tất  nhiên, khóc chẳng thể giải quyết được gì, chỉ khiến cho trái tim khô cằn hơn, héo hon hơn mà thôi. Mẹ thôi khóc và quyết tâm kéo bố trở lại.
Bằng cách này hay cách khác, mẹ cố giữ chân bố ở nhà mỗi tối. Nếu có cố đi được, mẹ gửi tôi cho bà nội và nối gót bố. Mẹ đứng trước cửa nhà ông Tung, dằn lên từng tiếng "Nếu hôm nay ông cho chồng tôi hút, tôi sẽ báo công an!"  Mọi người, vì sợ bị ảnh hưởng nên đã đuối khéo bố về, không cho tham gia nữa.Tất nhiên, mẹ tôi sẽ bị đánh một trận nên thân vì khi cơn nghiện lên, người ta trở thành dã thú chứ không còn là người nữa. Mẹ cắn răng chịu đựng tất cả những sự dày vò cả về thể xác lẫn tinh thần một cách cứng rắn. Kết quả, bố tôi đã thôi thèm thuốc, còn lấy liềm rạch hẳn một vết vào ngực để thề thốt. Nhưng phải đến lần rạch ngực thứ 3, bố mới bỏ hẳn.
Hai mươi lăm tuổi, một lần nữa sóng gió lại nổi lên khi mẹ bị vu khống ngoại tình.  Chẳng là hôm đó, bố chở bà nội xuống tận Bắc Lý đám cưới nên không về. Lúc đó tôi đã có em gái 3 tuổi. Khi chuẩn bị đi ngủ thì chú Đông ở xóm trên đến tìm bố. Trong lúc nói chuyện, vô tình cái ổ điện bị hư, cháy khét lẹt. Điện nhà tắt tối om. Mẹ bảo tôi ngồi canh em để đi kiếm cái ổ khác cho chú Đông thay giùm. Mẹ vô kho gần bếp, vì tối qua nên đã vấp té. Chú Đông nghe tiếng mẹ la, đã chạy xuống và cũng té nhào vào mẹ. Đúng lúc bác Huệ chạy sang, nhìn thấy cảnh tượng ấy, bác dạng chân ra, chửi xơi xơi vào mặt mẹ:
-         Chồng mới đi vắng có một ngày, đã dẫn trai vào nhà mà đú đởn! Đẹp mặt chưa?
Bác Tiến rồi nhiều người hàng xóm khác chạy sang, mỗi người một cái đèn pin, rọi thẳng vào hai kẻ "phạm tội". Tôi cố đứng ra bảo vệ mẹ, nhưng lời nói của một đứa bé 6 tuổi như bị nuốt chửng trong những lời cay độc của mọi người. Có thể họ nghe thấy tôi nói, nhưng cố tình tảng lờ đi, để câu chuyện ngoại tình trở nên có thật. Họ còn cố tình thêu dệt thêm nhiều chi tiết khác để câu chuyện ngoại tình thêm phần hấp hẫn khiến bố tôi nổi điên khi trở về. Mặc dù chú Đông là bạn bố nhưng cái tính trăng hoa của chú đã góp phần không nhỏ vào việc bố tin vào những lời cáo buộc kia. Một cuộc họp gia đình khẩn cấp được mở ra dưới sự chủ trì của bác Tiến. Bác tuyên bố dõng dạc:
-         Nhà này không chứa chấp loại đàn bà lăng loàn! Chú liệu mà bỏ ngay cho tôi!
Bác Huệ - vẫn cái giọng chanh chua khó ưa – chêm ngay vào:
-         Đúng! Đúng! Vợ chồng như manh áo, không vừa thì cởi chứ có việc gì đâu!
Bố không phản ứng gì, chỉ lặng lặng về nhà, xách ba – lô đi tiếp. Sĩ diện một người đàn ông đã đẩy bố rời xa mẹ con tôi, biến những tháng ngày ở lại của mẹ thành địa ngục khi phải đối mặt với gia đình chồng và hàng xóm. Mỗi bước chân của mẹ đi đều có những lời xì xầm bàn tán, từ góc chợ đến cánh đồng. Tôi không thấy mẹ khóc, ngược lại vô cảm đến đáng sợ. Có thể vì mẹ đã quen với việc chịu đựng, hoặc cũng có thể, mẹ đã chẳng còn nước mắt mà khóc nữa rồi. Một đêm nọ, tôi bị đánh thức khi đang say giấc. Mẹ ôm em bé và dắt tôi đi giữa đêm tối mịt mùng. Đầu đường có một chiếc xe ôm chờ sẵn, đưa mẹ con tôi ra thẳng bến xe. Tôi lờ mờ nhận ra mục đích của mẹ, nên không hỏi mẹ một tiếng nào, suốt chặng đường dài. Ngược lại, tôi vui vì được giải thoát khỏi cái làng kinh khủng đó, tôi, mẹ và em sẽ đến một nơi xa lạ, nơi mà không ai biết chúng tôi là ai, sẽ cùng nhau sống hạnh phúc, không bao giờ phải lo người khác nhòm ngó, dèm pha, không phải thấy những ánh mắt đầy thương hại nhưng trong lòng thì lại vô cùng hỉ hả của những kẻ mà chúng tôi đã từng coi là người – trong – gia – đình. Chuyến xe lao vút đi trong đêm, đón một ngày mai tươi sáng.
Bảo Lộc chào đón chúng tôi bằng một buổi sáng mờ sương. Sau hai ngày hai đêm ngồi xe, chúng tôi mệt nhoài. Một người bạn của mẹ ra đón với nụ cười thân thiện. Sau một vài con dốc ngoằn nghoèo, chúng tôi đến căn nhà gỗ nhỏ xinh của cô Lâm, chú Bắc. Cô nói huyên thuyên về cuộc sống ở đây khác ngoài Bắc thế nào, hướng mẹ tôi phải làm những gì một cách nhiệt tình. Tôi lơ mơ nghe và chìm vào giấc ngủ sâu. Cuối cùng thì, cuộc chạy trốn của mẹ con tôi đã thành công trót lọt, tôi có thể yên tâm nhắm mắt ngủ mà không phải trông chừng ai đó có thể làm hại mẹ hay em bé của mình. Trong tâm hồn trẻ thơ của mình, tôi là người đàn ông duy nhất trong gia đình, thay người bố hèn nhát của mình, chăm sóc và bảo vệ họ.
Cô Lâm xin cho mẹ một chân làm công nhân trong nhà máy chè. Tôi được đi học chung với thằng con trai của cô ở một ngôi trường cách đó không xa. Còn em bé được mang đi gửi. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua. Mẹ tôi còn một ít tiền để dành cộng với tiền tích lũy được, mua một miếng đất và làm một căn nhà gỗ nhỏ, đủ sinh hoạt cho ba người. Mẹ còn trồng hai luống rau xinh xinh trước hiên, anh em tôi cứ ra tưới nước và bắt sâu phụ mẹ. Nhìn thấy mẹ vui, tôi cũng thấy lòng thanh thản lạ. Anh em tôi lớn lên dưới sự đùm bọc của mẹ, và câu chuyện quá khứ dần chìm vào quên lãng. Tôi không bao giờ hỏi mẹ về bố, về gia đình nhà nội. Tôi sợ những ký ức không mấy đẹp đẽ đó sẽ làm mẹ đau. Nhưng em tôi thì không. Vì nó chưa từng một lần gặp bố, nên thỉnh thoảng, nó lại gặng hỏi mẹ về ông ấy. 8 tuổi, nó đủ lớn để tìm hiểu về thân thế của mình. Những lúc như thế, mẹ cười thật buồn, bảo bố đi làm ăn xa, rồi sẽ về với nó. Tôi thì hay quát nó "Hỏi gì hỏi hoài vậy? Bố chết rồi, không về với mày nữa đâu!" Mẹ dọa sẽ đánh nếu tôi còn ăn nói lung tung như thế, còn em tôi thì khóc um sùm. Tôi ghét bố và những gì liên quan đến ông ấy. Vì bố chẳng cho mẹ tôi được một ngày hạnh phúc. Bố khiến mẹ phải đau, biến tuổi xuân của mẹ qua đi nhanh hơn mọi người. 30 tuổi, mẹ tôi trông già nua hơn cô Lâm thật nhiều, bàn tay mẹ cũng sần sùi hơn, chai sạn hơn. Tôi tự nhủ sẽ không tha thứ cho ông ấy, dù thế nào đi nữa.
Một ngày mùa đông cao nguyên. Sương vẫn phủ mù mịt trên các tán cây, nóc nhà. Anh em tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thi nhau phà hơi vào mặt nhau. Mẹ chiên bánh rán và làm chè trôi nước nhân ngày Tết Đoan ngọ. Những cái bánh rán mẹ nặn đều như chia và giòn tan với lớp đường phủ ngập khiến em tôi mê tít. Còn tôi thì thích bánh trôi hơn, vì nó dẻo và đỡ ngán hơn bánh rán. Trong lúc tranh cãi về cái nào ngon hơn, thì tiếng gõ cửa vang lên. Mới 6 giờ sáng mà ai đến vậy không biết? – Mẹ tôi chạy lên mở cửa. Im lặng một lúc, không thấy mẹ và khách xuống bếp, chúng tôi ù chạy lên nhà xem ai. Không khó để nhận ra bố đang đứng trước mặt mẹ mặc dù ông có già hơn, da đen hơn và tóc để dài, cột đuôi ngựa sau gáy.
-         Ông tới đây làm gì? – Tôi đứng chen vào giữa họ, dang tay ngăn ông ta tiến đến gần mẹ trước sự ngạc nhiên của cả mẹ và em tôi.
-         Không được hỗn, con!  - Mẹ đặt hai cánh tay lên vai tôi, bóp mạnh. Em tôi chạy đến bên mẹ, lắc lắc cánh tay bà:
-         Ai vậy mẹ?
Người đàn ông ngồi xuống, nhìn kỹ vào mặt nó, tôi có thể thấy ánh mắt ông long lanh:
-         Bé Tuyết đã lớn thế này rồi sao? Ra đây với bố nào!
Con Tuyết ôm chặt đùi mẹ, né cánh tay đang dang rộng của bố. Mẹ tôi sụt sùi:
-         Ra đi con! Ông ấy là bố con đấy!
Tôi tính cản nó lại, nhưng mẹ đã kịp giữ tôi lại. Con Tuyết đứng trước mặt bố, ngây ngô:
-         Bố đi làm xa về rồi hả? Thế có quà cho con không?
Bố ôm chầm lấy nó, khóc nức nở. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thấy một người đàn ông khóc. Tôi không thấy ghét ông ta nữa, ngược lại muốn chạy tới để được ông ôm như con Tuyết, bởi trong lòng tôi, vẫn còn một nỗi nhớ mang tên ông. Tôi nhớ ba vết sẹo dài trên ngực bố, mỗi khi cởi trần, tôi lại chạy tới vuốt ve chúng và luôn mồm hỏi bố có đau không? Bố bảo bố hết đau rồi, còn bảo mọi chuyện rồi cũng qua hết, vì thời gian nhiệm màu lắm. Lúc ấy, tôi không hiểu những điều ấy cho lắm, chỉ loáng thoáng biết rằng chẳng có nỗi đau nào là mãi mãi, vết thương nào rồi cũng liền sẹo theo thời gian. Đến giờ, khi gia đình tôi đã đoàn tụ, và tôi đã đủ trưởng thành, tôi mới hiểu được lý do mẹ tha thứ tất cả. Mọi chuyện, rồi cũng qua! Con hiểu rồi, mẹ ạ! Mỗi khi có gian khổ, con lại nhớ đến mẹ, để mạnh mẽ vượt qua tất cả vì ngày mai, trời lại sáng, phải không mẹ?
 






Thông Tin
Lượt Xem : 846
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN