Đi qua những mùa gió
(game1s.com - Tham gia viết bài cho tập truyện "Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi...")
Chỉ là một cái hẹn không cụ thể. Thậm chí là vu vơ. Nhưng dù sao cũng là một cái hẹn. Đủ để tôi cảm thấy mình cần cho ai đó. Ai đó muốn gặp mình, muốn nhìn thấy mình.
***
Đang phóng xe trên đường, tôi có cảm giác rung nhẹ trong túi. Có điện thọai! Tôi tấp xe vào lề, trong bóng râm của cây xà cừ, móc điện thọai. Tiếng nhạc chuông quen thuộc cất lên. Bài "Giấc mơ trưa"của nhạc sĩ Giáng Son: "Và gió theo em trôi về con đường/ Và nắng theo em trên dòng sông vắng/ Mùa đã trôi đi...". Tôi áp di động vào tai: "Alô! Vi nghe đây!". Tiếng trả lời là một giọng đàn ông ấm áp: "Vi ơi? Là Đông đây!".
Tôi cười rất nhẹ, thì thầm: "Ừa! Vi biết mà!". Rồi im lặng chờ đợi.
Từ khi quen Đông, tôi bắt đầu có thói quen chờ đợi. Những buổi mai, tôi chờ đợi tiếng nhạc chuông báo có tin nhắn. Của Đông. Vẫn biết, chỉ là những câu mặc định ("Chúc một ngày mới tốt đẹp, nhiều niềm vui!", "Vi khỏe chứ? Hôm nay định làm gì?", "Đêm qua Vi ngủ ngon không?", "Có nằm mơ thấy gì vui?"...) nhưng cái cảm giác hồi hộp vẫn luôn xuất hiện. Và câu kết trong tin nhắn của Đông thường là một cái hẹn: "Khi nào rảnh, mình gặp nhau nhé!". Chỉ là một cái hẹn không cụ thể. Thậm chí là vu vơ. Nhưng dù sao cũng là một cái hẹn. Đủ để tôi cảm thấy mình cần cho ai đó. Ai đó muốn gặp mình, muốn nhìn thấy mình.
Tôi gập điện thọai, đút vào túi, mỉm cười lơ đãng. Lòng tôi lâng lâng. Hóa ra hạnh phúc chỉ giản dị thế thôi. Và có thực trong đời. Là được một người nào đó quan tâm, để ý, dõi theo từng bước. Ở một nơi nào đó, có một người mình hay nghĩ đến, nhớ đến... cũng đang nghĩ đến, nhớ đến mình. Người ấy sẵn sàng chìa vai cho mình nương tựa, lau nước mắt lúc mình khóc, im lặng nghe mình kể lể...Với người khác, tất cả những điều ấy thật bình thường. Thậm chí, đôi khi còn bị cho là vớ vẩn, lãng nhách. Nhưng với tôi thì khác. Tôi đã từng mong ước biết bao được gặp một người như thế.
Tuổi thơ của tôi không êm đềm như những đứa trẻ cùng lứa. Ba đi theo một người đàn bà khác, bỏ lại đứa con gái mới chập chững biết đi. Ngay từ khi đó, tôi đã biết thế nào là cô đơn và buồn tủi. Không người chăm sóc, tôi như cây cỏ dại, suốt ngày lủi thủi một mình, chơi với khúc củi khô thay cho búp bê, ôm con mèo khoang lấy hơi ấm những khi mẹ đi vắng. Cả một quãng đời thơ ấu, tôi chỉ nhận được những tiếng thở dài của mẹ thay cho những lời yêu thương mà một đứa trẻ khao khát. Bởi mẹ lúc nào cũng tất bật. Mẹ tôi làm công nhân may, suốt ngày cắm đầu bên máy may. Những buổi tối, bà nhận thêm hàng gia công, hì hục chong đèn đến khuya. Công việc vắt kiệt sức lực đến nỗi chẳng mấy khi bà mở miệng, chẳng mấy khi cười. Ánh mắt lúc nào cũng hiu hắt.
Đến tuổi, tôi cắp sách đến trường, nằm phía bên kia một trảng cát rộng. Tôi đến trường và về nhà một mình, chẳng ai đưa đón. Chẳng ai muốn đi với tôi. Tôi cũng không muốn đi cùng ai. Lúc đầu, đi một mình cũng buồn và rất sợ. Nhưng riết rồi quen. Tôi vừa đi vừa la cà ngắm trời xanh mây trắng, ngắm những cành phi lao vẫy vẫy những nhánh lá xanh non trong nắng... Nhưng khổ nhất là những mùa gió. Những cơn gió vần vũ, quay cuồng, mạnh đến nỗi đôi khi tôi tưởng mình bị nhấc lên khỏi mặt đất. Lúc đầu, tôi rất sợ, vừa gào thét gọi mẹ vừa ngồi bệt xuống cát khóc nức nở. Trả lời tôi chỉ có tiếng rú rít của gió và những hạt cát tới tấp bay vào mặt. Sau, mẹ bày cho tôi cách cong người tránh gió, tránh cát, lúp xúp chạy hoặc núp sau những cây thông, tránh những con gió mạnh nhất.
Đi qua những mùa gió đầy cô đơn và nỗi sợ hãi ấy, tôi vẫn lớn lên thành thiếu nữ. Một thiếu nữ ít nói, rụt rè, mắt luôn nhìn xuống đất, lảng tránh. Thú vui, thú giải trí duy nhất của tôi, từ những ngày thơ bé đến tận bây giờ, là đọc sách.
Hồi đó, nhà tôi cạnh nhà bác Bình trong khu tập thể công nhân. Một hôm, đi ngang qua nhà, thấy tôi co ro ngồi ôm mèo, bác Bình rủ tôi sang nhà bác chơi. Bác lấy từ trên kệ một cuốn sách nhỏ, bảo tôi mang về đọc. Cuốn sách đầu tiên tôi được đọc ngày ấy có tên là "Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia"của Ian Lari, một tác giả người Nga. Câu chuyện kể về cuộc phiêu lưu của hai chị em sau khi bị biến thành tí hon do uống thứ chất lỏng kỳ lạ, một phát minh của Giáo sư Ivan Germogenovich Enotov. Để cứu các em, giáo sư tự biến mình thành tí hon. Cuộc hành trình trở về với đời thường của họ trải qua muôn vàn nguy hiểm nhưng hết sức thú vị. Tôi bị cuốn sách mê hoặc đến quên ăn quên ngủ. Nhiều đọan tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Sau đó tôi còn được đọc rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác trên kệ của bác Bình. Sách đem đến cho tôi niềm vui, niềm an ủi, sự khích lệ ...Tôi thường tưởng tượng mình là nhân vật trong sách để khóc ,cười, vui sướng, đau khổ và hạnh phúc... Có lúc, tôi thấy mình là Mecghi trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", khao khát tình yêu với cha Ranfơ. Khi khác, tôi là Giê Ma trong "Ruồi trâu", bị ám ảnh bởi dòng chữ khắc trên mộ Actơ "Tất cả những sóng cồn và bão tố của đời anh đã xô qua trên đầu tôi...". Nhờ hay đọc sách, tôi là học sinh giỏi môn văn. Nhưng chính cuốn sách đầu tiên về cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ là động lực để sau này tôi theo đuổi ngành Sinh học.
Ra trường, trở thành công chức nhà nước, tôi vẫn giữ nguyên bản tính nhút nhát, rụt rè cố hữu. Suốt ngày tôi ru rú trong phòng thí nghiệm, mắt dán vào kính hiển hay các hộp tiêu bản...Nỗi cô đơn, như một dấu ấn ẩn sâu trong tâm hồn, vẫn luôn theo tôi, ngay cả những khi tôi ở giữa đám đông. Tôi như bị nhốt trong một vòng tròn vô hình. Tự tôi không thể thóat ra. 28 tuổi, tôi vẫn một mình...
Ngòai sở thích đọc sách, tôi còn thích nghe nhạc. Tôi hay đến quán cà phê "Hòang hôn tím". Cách bài trí ở đó đơn giản mà tinh tế. Không gian yên tĩnh. Nhạc trữ tình sâu lắng... "Hòang hôn tím"trở thành chỗ ẩn mình những khi nỗi cô đơn trong tôi cồn cào khuấy động. Tại đây, tôi gặp Đông.
Hôm đó, Đông ngồi trong một góc khuất, tay chống cằm, lặng lẽ như vô hình. Trong ánh chiều nhạt nhòa, cái dáng ngồi bất động, lưng cong như một dấu hỏi của Đông gợi cho tôi nhớ bức tượng "Người suy tư"của nhà điêu khắc Auguste Rodin. Có vẻ như anh đang lạc đâu đó, không để ý đến xung quanh. Hình như anh giống tôi? Cũng cô đơn giữa cuộc đời?
Tôi đến gần, rụt rè hỏi, có thể ngồi bên cạnh? Bởi quán không còn chỗ nào trống. Đông ngước nhìn tôi. Một cái nhìn ngơ ngác.
Tôi nhắc lại câu hỏi. Đông nhún vai, im lặng. Tôi hiểu ý nghĩa của cái nhún vai ấy là "Xin mời!"nên ngồi xuống. Cái khỏanh khắc ánh mắt Đông chạm vào mắt tôi, tôi thấy mình trong đó, với một nỗi buồn câm lặng sâu thẳm.
Từ vài câu hỏi vu vơ, dè dặt ban đầu, câu chuyện dần cởi mở, thỏai mái như chúng tôi đã quen nhau từ lâu. Dường như có một mối đồng cảm vô hình nào đó đã gắn kết tôi và Đông. Sau này, tôi hiểu, đó là nỗi cô đơn.
Tiếp đến là những tin nhắn thường xuyên. Những tin nhắn vô thưởng vô phạt: "Chị đang làm gì đó? Ở Viện hay đi đâu?", "Hôm nay có gì vui không?", "Đề tài X ( Y) đến đâu rồi?"...Sau đó là những cuộc hẹn. Đi cà phê. Đi dạo phố. Đi picnic đâu đó ngày cuối tuần... Khi thì tôi mời. Lúc khác Đông gợi ý. Bao giờ cũng được sự ủng hộ nhiệt tình của người kia. Ở bên nhau, chúng tôi rất hợp nhau, nói chuyện hay im lặng đều không bao giờ cảm thấy chán.
Dù lớn tuổi hơn Đông, nhưng thật lạ là mỗi khi bên anh, tôi luôn cảm thấy bình an. Bình an như bên cạnh một người anh. Bình an đến độ tự cho phép mình bộc lộ hết con người thật, không dấu diếm, che đậy cảm xúc, giống như một đứa trẻ ở bên người lớn mà nó yêu thương và tin cậy. Đông luôn lắng nghe, chăm chú. Với tôi, thế là đủ. Bởi trước Đông, tôi chưa bao giờ gần gũi với ai đến thế. Ngược lại, Đông cũng hay tâm sự với tôi những vui buồn Đông gặp đâu đó. Cũng như tôi, Đông chỉ cần có người nghe. Như một cách giải bày.
Một lần, vào buổi chiều, Đông đến tìm tôi mà không gọi điện hẹn trước. Tôi hỏi: "Có chuyện gì không em?". Đông lắc đầu bảo không. Chẳng có việc gì. Chỉ là muốn gặp chị. Tự nhiên muốn gặp. Thế thôi. Hai đứa ngồi im lặng bên nhau trên sân thượng, cùng hướng cái nhìn về biển. Đang mùa gió. Gió làm cho những lá cờ cằm trên những con tàu bay phần phật. Gió thổi những tàu dừa dạt về một phía. Gió làm cho đôi mắt Đông thêm thăm thẳm và long lanh như có nước...
Ngồi với Đông một lúc, tôi nói: "Thôi! Chị xuống nghen! Còn mấy việc phải làm xong chiều nay! ". Đông khẽ "dạ"rồi đứng lên: "Chào chị". Rồi bước đi. Vội vã. Tôi nhìn theo cái dáng cao lớn của Đông chúi về phía trước. Chỉ là để tránh gió. Nhưng tôi lại cảm thấy hình như Đông đang phải gánh hay cõng một cái gì đó. Vô hình. Nhưng rất nặng. Nặng đến nỗi dáng đi cũa Đông cứ liêu xiêu như muốn ngã...Hình như Đông muốn nói với tôi điều gì?
Dạo sau này, nghe theo lời khuyên của tôi, Đông bắt đầu viết. Thỉnh thỏang, Đông gởi qua E-mail cho tôi cái tạp bút hay những truyện ngắn mi ni anh mới sáng tác. Bố cục chưa thật chỉnh, suy nghĩ chưa thật chín, lối viết không có gì sắc sảo... Nhưng trong đó chứa chất những nỗi buồn cô đặc và những vòng tròn lẩn quẩn không có lối thóat. Tôi đọc và viết vài lời nhận xét ngắn gọn. Đông trả lời: "Cám ơn Vi! Chị hiểu em lắm!". Đôi khi, tôi gặp cả những lời thổn thức: "Vi ơi! Em buồn lắm! Chị có biết vì sao không?". Tôi ngồi sững, dán mắt vào màn hình. Không! Tôi không biết! Nỗi cô đơn của Đông thì tôi cảm nhận được. Nhưng nỗi buồn thì không. Vào Yahoo Messenger, tôi hỏi chuyện gì làm Đông buồn? Đông trả lời sau một hồi im lặng: "Không có gì đâu! Chị đừng để ý!". Tôi chợt nhớ lại ánh mắt Đông. Đôi khi, nhìn thật sâu vào đó, tôi thấy có một nỗi niềm mà Đông đang che đậy, chẳng muốn ai động vào, ngay cả tôi.
Dạo sau này, Đông không gọi tôi là "chị", xưng "em"nữa mà xưng tên, rất dịu dàng. Lần đầu nghe Đông xưng tên, tôi hơi run rẩy. Hình như đã có điều gì mới lạ xuất hiện trong tình cảm giữa Đông và tôi? Có thể chưa phải là tình yêu nhưng không giản đơn là tình bạn. Đôi khi, Đông nói: "Cám ơn Vi nhiều lắm!". Tôi nhướn mắt nhìn. Đông tiếp: "Vì thật dễ chịu khi bên cạnh Vi!". Tôi cũng muốn nói với Đông như vậy. Nhưng im lặng.
Những truyện ngắn của Đông bắt đầu có mặt trên các báo. Giọng văn nao nao buồn, diễn tả một nỗi trống rỗng đến mênh mang khiến các cô cậu học trò tranh nhau tìm đọc. Có tiền nhuận bút, Đông nhắn tin rủ tôi đi ăn tiệm. Ở đó, đôi khi Đông uống rượu. Một ly, hai ly...Uống đến say mèm. Tôi phải dìu Đông ra tắc xi để đưa anh về nhà trọ. Ôi! Đông của tôi. Điều gì khiến anh day dứt đến thế? Hay là Đông đang yêu? Người đó là ai? Tim tôi chợt đau nhói...
Đông hỏi ý kiến tôi về các truyện ngắn. "Buồn quá!"- Tôi nói. "Sao vậy Đông?". Đông thở dài, im lặng quay đi nơi khác. Nhìn đôi mắt hoang hoải của Đông, tôi thương anh thắt lòng. Tôi rất muốn ôm anh, muốn được vuốt ve, được trao cho anh những cái hôn nóng bỏng. Như hai người yêu nhau. Nhưng hình như Đông lảng tránh. Một lần, không thể chế ngự mình, tôi ôm Đông, ghì chặt đầu anh xuống ngực, thì thầm: "Nào Đông... Hôn Vi đi... một lần thôi...". Vòng tay Đông siết qua vai tôi, chặt đến nghẹt thở. Môi anh gắn lên môi tôi. Hơi thở anh phả ra nóng hổi. Song, trong một tích tắc, Đông rùng mình, khẽ buông tôi ra, lắc đầu: "Xin lỗi! Đông ...Đông không thể!".
Sau lần đó, Đông biến mất. Không còn tin nhắn mỗi buổi sáng. Không có những cuộc gặp buổi chiều. Cái bàn trong góc của "Hòang hôn tím"cũng để trống. Các cuộc gọi của tôi luôn bị từ chối: "Số điện thọai này hiện nay không liên lạc được...". Trên Yahoo Messenger, nickname của Đông luôn tối...
Tôi vẫn lên sân thượng vào những buổi chiều đầy gió. Để hi vọng gió làm tan lõang nỗi buồn trong tôi. Có phải tôi đã vội vã trong mối quan hệ với Đông? Tôi làm Đông sợ khi bày tỏ tình cảm? Tôi đã tự huyễn hoặc mình về một tình yêu?
Tôi đã đến nhiều địa chỉ để dò hỏi tin tức Đông. Nhưng tất cả đều vô vọng. Ngay cả tòa báo nơi anh làm việc, người ta cũng trả lời tôi một cách thờ ơ: "Anh ấy chỉ là phóng viên tự do nên không có tên trong danh sách cơ quan".
Một năm sau. Tôi nhận được thư Đông. Thư tay. Ai đó bỏ trong thùng thư. Không có dấu bưu điện. Không có địa chỉ người gởi.
Tôi hấp tấp xé tọac cái phong bì nhàu nát, run rẩy đọc...
Những hàng chữ nhảy múa lọan xạ trước mắt tôi. Hóa ra, sự thực còn đau xót hơn những gì tôi tưởng: Đông là một người đồng tính. Cuộc sống của anh đầy ắp những trăn trở, bế tắc, lo âu, đau khổ...Và cô đơn đến tận cùng.
Đông thú nhận, anh không có cảm xúc với người khác giới. Anh không biết tại sao lại bị như vậy. Ngay từ nhỏ, anh đã thấy mình không giống đám bạn cùng lứa, dù mang hình hài một thằng con trai. Vì lẽ đó, Đông phải sống trong cảnh giác, luôn tìm mọi cách che dấu bản thân. Gặp tôi, ở bên tôi, anh cảm thấy rất vui vì được yêu thương, chia sẻ và tin cậy: "Thời gian bên Vi là quãng đời hạnh phúc và bình an nhất của Đông. Giống như một ngày lặng gió trong suốt những mùa gió mà Đông đã phải đi qua... ".
Đất dưới chân tôi như sụt xuống một mảng lớn. Tôi thấy mình chơi vơi như đang rơi xuống vực thẳm. Những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trên má, nóng hổi và mặn chát.
Ôi! Đông yêu quí của tôi! Lẽ nào anh cứ phải sống mãi trong những mùa gió?
Tran Giao Thuy