--> Mưa Sài Gòn - game1s.com
XtGem Forum catalog

Mưa Sài Gòn


Nhưng mẹ biết, dù mưa hay nắng, còn có một Sài Gòn khác có thể che mưa che nắng cho con.
***
Sài Gòn đang mùa mưa. Nghe bảo:"Mưa Sài Gòn giống tính tình con gái Sài Gòn". Hải mới đến, không biết con gái xứ này như thế nào. Còn cái sự mưa nơi đây thì hay ho lắm. Không làm mình làm mẩy, ọc ạch sấm rền, nổi giông, nổi gió báo trước, cứ mưa là mưa thôi. Mới rồi trời còn trong vắt như thế, mặt trời còn cười ngạo nghễ như thế. Phút chốc mây đã hùa nhau giam mặt trời trong tấm màn xám xịt, hối hả thả mưa xuống mặt đất. Mưa được tháo cũi sổ lồng, nắm tay giăng hàng, hỉ hả nhảy nhót trên sân. Những hạt mưa đáp trên mái hiên cũng nhanh chóng tạo thành dòng, ồ ồ chảy xuống góp vui, xiên xẹo, vung vẩy cả vào trong nhà.
Mẹ biết Sài Gòn đang mùa mưa thì lo lắm, gọi điện là hỏi ngay: "Có bị nhức đầu, sổ mũi không con?".
"Mẹ yên tâm, vào đây con khỏe như voi ấy". Mà đúng là Hải khỏe ra thật. Mưa Sài Gòn không nồng nồng, ngột ngạt như ngoài Bắc, mỗi trận mưa mang đến sự tươi mát, dễ chịu vô cùng.
Mẹ khẽ khọt: "Vào đó một thân một mình thì phải tự biết chăm lo". Hải cười hì hì, con đi rồi không ai nhổ tóc sâu cho mẹ. Mẹ bảo, mấy bữa nay không có ai nhổ, khó chịu lắm, đợi chị dâu mày sinh cháu, nó biết nhổ tóc sâu thì tóc mẹ cũng rụng hết rồi. Hải muốn nói, mẹ vẫn còn trẻ lắm, mà sống mũi cứ nghèn nghẹn, vội lảng sang truyện khác.

Hải kể mẹ nghe mấy hôm đầu An dẫn đi ăn, món nào cũng nhiều đường, chỉ cần đập đá bỏ vào là thành chè được. Hải nể mặt An lắm mà vẫn để thừa quá nửa, thế là chuyển sang ăn riết xôi, mì tôm. Cuối tuần An hì hụi sửa cái bếp gas mini cũ, Hải đứng ở cửa nhà hỏi với sang: "Bếp nhà An bị hỏng à?". An nhấp nháy cười: "Cho Hải đấy, không lẽ định ăn mì tôm thay cơm luôn sao". Ờ nhỉ, ở một mình Hải cũng sắp thành con heo lười mất rồi. "Lát tui dẫn ra siêu thị mua mấy đồ làm bếp, còn bát đũa, xoong chảo, đồ ăn vô chợ mua cho rẻ". Mặt Hải bỗng đỏ lần rần, nhìn căn phòng trống huơ trống hoác, chỉ còn biết cun cút đi theo An.
Mẹ không nói gì, Hải chỉ nghe thấy tiếng cười lục khà lục khục, mãi mẹ mới thốt lên: "Ôi con gái, rõ hay chưa con gái", rồi chừng như lại ngừng một lúc: "Cái thằng... thế mà tâm lý quá con nhỉ".
Mẹ biết An. Cái lần Hải lang thang qua mấy diễn đàn văn học, thấy một bút danh là lạ "Một chữ An", tác phẩm nghe lại rất đời "Phận mỏng", "Ông tơ bà nguyệt", "Sau song sắt"... thì tò mò đọc thử. Mẹ đang ở dưới nhà, nghe trên lầu đánh "choang" một tiếng, liền hốt hoảng chạy lên. Bình hoa vỡ tan tành, mảnh to mảnh nhỏ nằm dưới đất, mà Hải đang ngồi thu dọn, mặt vẫn đỏ bừng bừng, miệng lại lẩm bà lẩm bẩm: "Tức quá, tức chết mất thôi". Mẹ tái nhợt đi không biết có chuyện gì. Hải oan ức chỉ vào máy tính: "Tại cái ông tác giả ấy mẹ, ổng viết đến mức quỷ khóc thần sầu, con đọc như bị thôi miên. Đọc đến đoạn đứa con gái bị bố nó đuổi khỏi nhà thì con giận quá, đập bàn một cái, thế là cái mũ rớt xuống kéo theo bình hoa".
Mẹ cười chết ngất, biết tính con gái lúc nổi nóng thì như Trương Phi, quên cả việc trách mắng, lại còn bảo: "Con đòi ông tác giả ấy đền bù cho mẹ". Dạ, mẹ để con. Nói là làm, Hải đăng kí ngay nickname "Tiểu Quỷ", phải công nhận tác giả viết rất hay, nhưng điểm này vẫn còn thừa, điểm này vẫn thiếu logic, viết xong một cái bình luận dài dằng dặc, Hải còn cố ý ghi chú: "Mẹ tôi muốn chuyển lời cảm ơn đến tác giả, nhờ anh mà đứa con gái của bà vì thương nhân vật quá, đã lỡ làm bể cả bình hoa". Vị tác giả ấy cũng không phải dạng vừa: "Nhờ một bình hoa mà tui nhận được cái comment đáng giá như thế này, có đền mười bình hoa tui cũng chịu". Chuyện qua, chuyện lại, thế rồi thành bạn. "Ông" tác giả của những câu chuyện gai góc, sâu cay lại là một cậu chàng thư sinh, cao gầy, mặt hiền khô. Mẹ bảo cuộc đời thú vị thế đấy con, có người ở gần mà hóa xa vời vợi, người ở xa mà cứ đưa đẩy lại gần.
Quê An mãi Bạc Liêu, học xong rồi xin việc ở Sài Gòn luôn, làm ở phòng kinh doanh của một công ty nước ngoài, hết giờ lại bươn bải đi dạy thêm. Vậy mà vẫn đều đều một vài tháng ra lại ra truyện mới. Hải có viết, không nhiều, hạnh phúc của một biên tập viên đơn giản chỉ là khám phá ra những câu chuyện hay, những tác giả tiềm năng. Có lần, Hải hỏi An sao không nghĩ đến việc xuất bản sách. An bất ngờ, một nét ưu tư thoáng qua trong mắt nhưng bị ánh cười xóa đi rất nhanh: "Ai cầm bút cũng mong có một quyển sách của riêng mình. An còn phải học hỏi nhiều lắm. Mà Hải thấy ở Việt Nam có mấy người giàu nhờ việc xuất bản sách chưa?. An chỉ coi viết như một sở thích, một niềm vui, chứ không muốn lấy nó làm kế sinh nhai". Hải phản bác, tác phẩm đến gần hơn với công chúng, càng có động lực để viết chứ sao. An lắc đầu, cũng không hẳn, dưới sức nặng của đồng tiền, có khi cảm xúc nó tụt xuống tận mắt cá chân, tham gia các diễn đàn văn học cũng là một cách tiếp cận người đọc rồi.
Căn phòng Hải đang ở là An thuê giúp, "Tui ở cái xóm này từ hồi sinh viên, riết rồi chẳng muốn chuyển. Hải cứ ở đây cho rẻ, tìm được việc thì tính sau". Phòng nằm ngay đầu dãy trọ, hàng ngày có biết bao người đi qua, đi lại. Người thì rất tự nhiên, đứng trước cửa nổ máy xình xịch, người lại ý nhị, đến cổng tắt máy xuống xe. Có người niềm nở, nhìn thấy chủ phòng thì khẽ gật đầu chào, có người lại thờ ơ, một ánh mắt cũng không buồn liếc. An dặn: "Ở Sài Gòn phải cẩn thận, xểnh ra là mất đồ như chơi đó". Rồi bà Năm bán hàng nhà bên, kéo cái xe chở nước cho người trong xóm, đi qua thấy Hải ngủ gục trên bàn, sách ra đằng sách, người ra đằng người, bà thò cổ vào, chẳng nể nang: "Con gái con đứa, mặt trời chiếu đến mông rồi còn nằm ườn ra đấy". Giọng bà sang sảng làm Hải giật mình đánh thót, mắt còn bên nhắm bên mở, lại đã thấy bà cười hiền: "Phòng này cửa nẻo cẩn thận mà còn hai lần mất đồ rồi đó con ơi. Con ngủ để cửa tênh hênh thế này, khác nào mời trộm nó ghé chơi. Con mới vô đây, cô Năm sợ con không biết, trộm nó tha đồ đi thì tội. Đừng giận cô Năm lớn tiếng nghen".
Rồi hôm trước, Hải đi phỏng vấn. Chị trưởng phòng nhân sự là người Bắc, gặp được đồng hương thì tay bắt mặt mừng. Chuyện trò tỉ tê một hồi, chị mới chỉ vào túi xách của Hải: "Khu Thủ Đức này nhiều tệ nạn lắm nha bé. Hôm rồi đứa bạn chị đang chạy xe trên đường thì bị bọn cướp sáp lại, kề dao vào bụng, kêu giao hết tiền, điện thoại ra đây. Chị cũng mới bị giật mất sợi dây chuyền. Bé ra đường là không có được đeo túi hớ hênh như này, cho vào cốp xe ấy".
Hải nghe xong thì thần hồn nát thần tính, từ bữa đó sinh ra tâm lý phòng bị, một mình đâm ra lo đủ thứ, có khi ở nhà cũng chốt cửa chính, nhỡ ra mải nghe nhạc, đọc sách rồi ngủ quên, trộm nó khênh đồ đi lúc nào cũng không biết. Nhà mái tôn, mỗi lần mưa cứ nện ầm ầm, người trong nhà có cảm giác như máy bay đang đậu ngay trên nóc. Tiếng mưa át cả tiếng nhạc, Hải cũng không nỡ tắt, có tiếng người vẫn bớt trống trải hơn. Bạn bè đứa khen Hải giỏi thật, sao nỡ xa mẹ, một thân một mình. Đứa bảo Hải dại lắm, công việc đang ngon lành, người mơ chẳng được, người lần không ra, tự dưng đâm đầu vào đấy. Đứa khác lại mắng Hải vội quá, xin được việc rồi hãy đi. Hải cười lấn cấn, ờ nhỉ, sao thế nhỉ. Trót vào chơi một lần, rồi yêu luôn Sài Gòn hay sao?. Hay Hải xưa nay vẫn vậy, thích đi đây đi đó. Hải không biết, nghĩ cũng chẳng ra, nên lại cười xòa, tuổi trẻ mà, đi là đi, ngại cái gì chứ.
Hải vào đây đã được hai tuần. Vẫn lạ đủ thứ. Lạ từ đường đi, lối lại, lạ từ cách ăn, cách uống, lạ cả xưng hô, ứng xử. Ngày đầu, Hải lỡ hỏi đường mấy bác miền Tây, kết quả tiếng ta hóa tiếng tây, chai mặt hỏi đến mấy lần, dưới sự nhiệt tình của các bác, vẫn chỉ hiểu bập bõm: "dzô kia quẹo phải, đến...Canh ...quẹo trái", đành vừa đi vừa phán đoán. Hóa ra, ...Canh... là Kha Vạn Cân. Rồi cả nhớ. Nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ những cái gì không rõ tên. Sáng sáng thức dậy, nghe mấy người nhà bên buôn chuyện, Hải thấy nao nao, lại thèm vô cùng một giọng Bắc. Xóm trọ ba bốn chục phòng, người miền nào cũng có, chủ yếu là miền Tây và miền Trung. Mỗi lần đứng phơi quần áo, nhìn dãy trọ sâu hun hút, Hải thầm nghĩ có khi ở đây cả năm cũng không biết hết mọi người. Ngoài An cách đấy hai phòng, bà Năm ở đầu xóm, Hải chỉ quen thân cô Liên phòng đối diện. Cô Liên với chồng là người Nam Định, đã vào Sài Gòn gần chục năm, cô buôn bán đồng nát, còn chú làm thợ hồ. Sáng, Hải còn chưa mở cửa, đã nghe tiếng xe của cô lọc xọc ra ngõ. Chiều, cô về, lưng áo bạc phơ bạc phếch loang lổ mồ hôi, trên chiếc xe rỉ cũ là chai lọ, sách báo, sắt vụn của một ngày còng lưng lượm lặt khắp các ngõ ngách Sài Gòn. Hôm cô bưng cho Hải một bát canh cua đồng, "Nấu nhiều quá mà chú bận việc công trường không về, mày ăn đỡ cho cô kẻo uổng". Hôm cô cười rỉ rả, cho mày xem ảnh mấy đứa nhà cô. "Thằng lớn này, đây là lúc nó tốt nghiệp, giờ nó đi làm ở Hà Nội rồi. Còn đứa con gái, nó đang học đại học Thái Nguyên, mày nhìn nó giống chú không này". Cô nói, cô nhìn, như tất cả niềm tin và hi vọng đều chất chứa vào đó. Hải thắc mắc giờ con cái cô chú đã ổn định, sao cô chú không về, gia đình đoàn tụ có phải vui hơn không. Cô chỉ cười: "Cô chú còn khỏe, ở trong này đã quen, về ngoài đó rồi lại chả biết làm gì. Con cái nó trưởng thành là mừng, mong gì nó báo đáp. Cứ hai thân già tựa vào nhau mà sống thôi". Hải nghe cô nói mà mắt cay quá. Bữa đó ra sân bay, mẹ bảo con gái lớn rồi sẽ đi lấy chồng, không ở với mẹ cả đời được. Hải không dám nhìn mẹ, không dám nói chuyện nhiều, để rồi vừa lên máy bay là òa khóc nức nở. Mẹ ơi, giờ con đã lớn, giờ con đã khôn, con lại đi xa mẹ.
***************
Hải làm biên tập viên cho một nhà xuất bản ở quận Nhất, công việc cuốn đi, dần dần cũng nguôi ngoai nỗi nhớ nhà rấm rứt. Sài Gòn vẫn vậy, vẫn cứ bất chợt rào rào đổ mưa rồi lại nắng quay, nắng quắt, đường phố một chốc một lát đã khô ráo như chưa từng có trận mưa trước đó.
Chiều, Hải đi làm về, đầu xóm dềnh lên một vũng ao chưa kịp thoát. Hải mặc bộ đồ công sở, đẹp đẽ, tinh khôi, co hai chân song song, thích chí nhìn con xe rẽ sóng nước. Bà Năm ngồi ở chõng tre, gập cái quạt giấy đánh xoẹt: "Giời đất ơi, mặc như thế kia mà...mà...chậc chậc". Tiếng Hải cười vang đến tận cổng, xe vừa dừng đánh kít một cái, con Vàng sủa gâu gâu, nhấc mông chạy ra gặm gặm ống quần, ve vẩy cái đuôi ngắn lủn củn, mừng rối mừng rít. Bà Năm nhổm dậy, lấy cái quạt xùy xùy đuổi nó, ấy thế mà nó vừa cong đuôi chạy đi đã lại mủm mỉm: "Con Vàng này khôn đáo để nghen con. Gặp mấy đứa gian gian thì nó sủa đổng sủa đoảng điếc hết cả tai mà con gái ngoan hiền nó lại xúm xoa xúm xuýt". Hải cười rung cả xe: "Nó là giống cái mà cô Năm". Bà Năm đằng hẵng, lại phe phẩy cái quạt: "Bảo chuyển gần công ty mà ở cho nó tiện, sướng không muốn muốn khổ làm chi con". Hải chỉ ậm ừ, "Dạ con đang tính".
Hải tính mãi, tính mãi, rồi thì lại ăn sâu, bám rễ luôn cái xóm trọ ven sông Sài Gòn, từ đường quốc lộ rẽ vào, qua một dãy nhà cao tầng mới xây, sáng tinh tươm, lọc xọc chạy xe trên nền bê tông lún ngang lún dọc, hai bên lau mọc um tùm, băng qua mấy ngôi nhà mái tôn nhỏ nhắn, trước nhà trồng cây trứng cá, một vài bụi chuối tây.
An vẫn đi miết, từ sáng đến khuya, dắt xe qua cửa phòng Hải, kiểu gì cũng ló đầu vào, sốt sắng: "Ê, tiểu quỷ, đi làm có bị bắt nạt không?", rồi chẳng để cho cái miệng đang cong lên của Hải kịp trả lời, "Hải tha không bắt nạt người ta thì thôi, ai bắt nạt được Hải". Những lúc như thế, Hải thấy lòng mình tựa như có hàng ngàn con sóng nhỏ, nhè nhẹ, êm ái vỗ về.
Qua một mùa mưa, một mùa nắng, thấm thoắt đã sang mùa mưa thứ hai, Hải vẫn đi đi về về cái xóm cũ. Mẹ gọi điện, khoe con bé Ốc Tiêu biết lẫy rồi, ngoan lắm, ai bế cũng được. Miếng đất ở cuối vườn, bố con san cả buổi chiều, trồng vào đấy mấy cây chè, chả mấy chốc lại tốt um. Mẹ không quên hỏi, thế thằng An nó có khỏe không? Hải đùa, mẹ chưa gặp mà lần nào nói chuyện với con cũng một câu An, hai câu An, con mới là con gái của mẹ mà. Mẹ cười váng: "Con trai như nó giờ hiếm lắm con ơi". Hải bần thần. Mẹ biết An mới lên chức, vẫn miết mải làm việc như trước, vẫn tối khuya dắt xe qua lại ló đầu vào hỏi han mấy câu, vẫn cuối tuần Hải muốn đi đâu liền cho đi đấy, mẹ muốn biết nhiều hơn thế kia. Nhưng mẹ ơi, An không nói, con biết kể gì thêm hả mẹ.
Lần hai đứa đi dạo bên sông Sài Gòn, Hải bông đùa: "Nhìn cánh bèo dập dềnh mà giống Hải ghê, chạy tới chạy lui vẫn không biết nơi nào là bến". Giọng An xa lắc xa lơ, như trôi về tận cái miền nào đó: "Hải giống một chú chim thích nhảy nhót, bay liệng, liệu có cái lồng nào đủ rộng để Hải chịu nằm yên trong ấy". Hải nghe giọng mình lạ lắm, liệu có phải là tiếng nói phát ra từ tận đáy lòng: "Chim bay mãi cũng mỏi cánh, người chạy mãi cũng thấm mệt, nếu không có cái lồng nào đủ rộng, Hải lại về với mẹ thôi". Cả người An như chợt căng lên, Hải có nhạy cảm quá không, đôi mắt trăm năm vốn bình lặng ấy lại nhìn Hải sâu lắng như vậy, sâu lắm, sâu hun hút, sâu đến tận tâm can người đối diện. Mà rốt cuộc, An vẫn không nói.
Tối, Hải chờ, chờ đến khi chỉ còn tiếng côn trùng ro ro, tiếng ếch ộp oạp, tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc, mà không thấy tiếng cười rổn rang trước cửa. Sài Gòn hoạt động về đêm, dân kinh doanh như An càng hay về muộn. Hải chập chờn, trong giấc ngủ nửa mê nửa tỉnh vẫn chỉ mong thấy tiếng xe quen thuộc.
Sáng, Hải ló cái đầu bù xù ra nhìn, cửa phòng An vẫn đóng im ỉm. "An không về, An đi đâu mà lần này không nói Hải một tiếng". Chị Miền đặt tập tài liệu lên bàn Hải, gõ gõ tay: "Ai bắt mất hồn mà đờ đẫn cả ra thế kia". Hải bừng tỉnh: "Em đang nghĩ mấy vấn đề thôi chị". Chị Miền kéo cặp đít chai xuống thấp, môi trễ ra, kiểu như chị mày biết tỏng, còn đánh trống lảng à. "Anh Trần bên Nhã Phương hỏi cô bé ngoài Bắc hoài, coi bộ ổng kết em quá rồi. Mà không ưng, mai mốt chị giới thiệu cho mấy ông bạn của chồng chị, toàn hàng xịn đó nha". Hải cười, nghe như nước đổ trên lá khoai.
Lòng Hải có hàng ngàn con kiến bò ngang bò dọc, sốt ruột mà bấm máy. "Alo, Hải hả con". Một giọng phụ nữ lạ hoắc lạ hươ. "Dạ, con chào bác, bác là...". "Bác là mẹ An, con tìm An à, nó vừa chợp mắt được một lúc". Hải suýt rớt cả quai hàm, An kể gì mà nghe giọng bác như biết Hải lắm ấy. "Dạ, An đang ở quê à bác?". Giọng bác chùng xuống: "Không con, nó đang ở bệnh viện". Hải giật bắn cả người lên: "Bệnh viện?. Bệnh viện nào hả bác?".
Hải tự trách mình, Hải tự xỉ vả mình. Hải vẫn biết An là trụ cột trong nhà, bố An mất sớm, dưới An còn ba đứa em. Nhưng Hải không biết, thằng em út bị chậm phát triển, mười bốn tuổi mà chỉ có trí tuệ của trẻ lên sáu, hay ốm hay đau, lần này nhập viện vì tràn dịch màng phổi. Hải vẫn biết mọi gánh nặng trong nhà đổ dồn lên vai An, Hải vẫn biết An đi sớm về khuya vì muốn đỡ mẹ nuôi mấy đứa em nhỏ, nhưng An luôn cười, luôn nói như mọi thứ nhẹ tênh. Hải làm sao hiểu được, nếu không chứng kiến tận mắt. Hải làm sao hiểu được, nếu An không chia sẻ, hả An.
Mấy ngày thằng út nhà An nằm viện, Hải cũng hiếm khi ở nhà, chạy qua chạy lại ba nơi. Đôi lúc, Hải và An nhìn nhau, mấp máy môi, muốn nói mà lại thôi. Những thứ cần hiểu, những thứ cần nghe thì đã biết hết rồi.
Công ty kỉ niệm mười năm thành lập, bận rộn chuẩn bị, tiệc tùng liên miên từ chiều, đến lúc Hải lôi được con xe ra khỏi bãi, đêm đã khuya lắm. Điện thoại để quên ở túi xách trong cốp chẳng muốn lôi ra. Sài Gòn về đêm lành lạnh, có chút hơi men chuếnh choáng, Hải run tay. "Roạt", "roạt", con xe đổ kềnh ra đường, cả người Hải theo quán tính văng đi một đoạn. Mấy chục chiếc xe vẫn vèo vèo lướt qua, chỉ có hai ba chiếc dừng lại. Một người dựng xe, một người đỡ Hải: "Sao không vướng cái gì mà tự dưng lăn kềnh ra thế?". Hải cười gượng gạo, lắp bắp cảm ơn. Chân Hải bị sầy một mảng lớn, vai tê dần, má trái nhoi nhói. "Nhà còn xa không?". "Dạ, nhà em cách đây có một cây thôi". Người nọ đưa cho Hải lọ cao: "Xem chừng xe không chạy được nữa rồi, gọi người nhà ra thôi, một mình đi đêm nguy hiểm".
Mấy người thấy Hải chỉ bị sứt sẹo ngoài da, dặn dò vài câu rồi rời đi. Hải cà nhắc, cà nhắc kiểm tra một lượt, xót xa nhìn con xe chỗ cong chỗ vênh, thôi lại đi tong cả tháng lương. Mở cốp xe lấy điện thoại, chết toi, hết sạch pin. Hôm nay ra đường bước chân phải hay chân trái mà sao đen thế, gần đến đầu ngõ rồi còn ngã lăn quay ra đường. Hải ngửa mặt kêu trời, trời đen thăm thẳm, chỉ có ánh đèn lờ mờ như trêu ngươi. Tập tà tập tễnh đẩy con xe, mỗi cử động khiến vết thương ở chân co giật, Hải tái mét cả mặt. Đến con đường bê tông trong ngõ, Hải phải căng mắt ra nhìn, lỡ hụt chân vào ổ gà, lăn ra đây chỉ có nước nằm đến sáng. Lau hai bên cao lút đầu người, lởn vởn như những bóng ma, giờ mà có tên cướp nào chui ra thì hết đường chạy. Hải cắn chặt môi, không được khóc, không được khóc. Hải muốn gọi mẹ ơi, mẹ ơi. Hải lẩm bẩm, lẩm bẩm, giờ có An thì tốt biết mấy.
Lạch cạch, lạch cạch, Hải mở cửa. Phòng An đột nhiên sáng đèn. "Hải sao về muộn thế?". "Bị ngã". An lao sang như điện xẹt: "Bị ngã sao?. Điện thoại đâu mà không gọi?". Hải lí nhí: "Điện thoại hết pin", nói xong lại cắn chặt môi, mắt hoe hoe đỏ. An nghĩ Hải đau lắm, dìu Hải ngồi lên giường, lật đật chạy đi tìm thuốc rửa, bông băng.
"Nay An về sớm, nấu canh cá kèo gọi Hải về ăn, gọi cả chục cuộc không được. Tối mịt không thấy Hải về, An lo quá, lúc nãy chạy xe một vòng, nghĩ may ra gặp". Nước mắt Hải trào ra, cả người run run, run hơn lúc An rỏ thuốc sát trùng lên vết thương. An cuống tay cuống chân: "An làm Hải đau lắm sao", Hải lại khóc rưng rức. Sao An cứ thế, quan tâm Hải, nâng niu Hải. Sao An cứ lặng lẽ chịu một mình. Sao An không san sẻ bớt gánh nặng cho Hải.
Hải khóc, hệt như Sài Gòn đang nắng quay nắng quắt lại rào rào đổ mưa, cho đến khi cả người bị ai đó ôm trọn trong vòng tay, vỗ về, thủ thỉ: "Đừng khóc nữa, có An ở đây rồi".
Hình như trên mái có tiếng lộp bộp, lộp bộp.
Hình như trời lại sắp mưa.
Có sao đâu, hết mưa trời sẽ lại nắng thôi.
Mẹ ơi, con chỉ kể cho mẹ một Sài Gòn chợt mưa, chợt nắng, Sài Gòn với những hàng sao đen cao vút, Sài Gòn với những người bán hàng luôn mỉm cười, cảm ơn, Sài Gòn với cơm tấm, hủ tiếu, bánh tráng trộn dọc các ngả đường. Nhưng mẹ biết, dù mưa hay nắng, còn có một Sài Gòn khác có thể che mưa che nắng cho con.
Mẹ biết, phải không mẹ?
Nhung Phạm - 150702
 






Thông Tin
Lượt Xem : 1126
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN