--> Trên sông - game1s.com
Polaroid

Trên sông



Một cuộc điện khẩn gọi tôi về. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi tức tốc thu dọn hành lí ra bến xe. Thì ra ở quê, Huế đang mang bầu.
Nàng mới mười tám, theo học trường cấp ba phố Huyện. Huế và tôi chơi thân với nhau từ nhỏ, gia đình nàng không ai ép được nàng khai ra tác giả của đứa con trong bụng. Cha Huế gọi tôi về. Không còn lí do gì khác.
***

Tôi về. Ánh mắt cha Huế loé lên chút gì đó như là niềm hi vọng. Mẹ Huế chôn chân trước của nhà. Thằng Quang- em Huế, lầm lũi ra với đứa bạn đang chờ trước cổng để cùng đi học. Không ai thấy bóng Huế, nửa ngày nay.
 
Sự tức giận đối với Huế dần chuyển thành nỗi xót xa thương cảm. Cha Huế quay sang bực tức với mẹ Huế. Đã bảo đừng có sồn sồn lên rồi. Con dại cái mang. Nó lại vốn tính yếu đuối…
 
Tôi không nghĩ gì nhiều, đặt ba lô, phi một mạch ra đồng. Căn chòi lợp rơm nằm chênh vênh mặt nước. Lật tấm liếp sang một bên: người con gái ngồi bất động, cằm tựa đầu gối, mái tóc dài xổ tung che kín mặt và vai. Huế ở đây thật!
 

 
- Cha em gọi anh về phải không?
 
Huế không quay lại, môi khẽ mấp máy, nghe như có gì vướng trong cổ họng.
 
- Ừ, cả nhà đang cuống cuồng tìm em đấy!
 
- Họ tìm để giết chết sinh linh chưa rõ hình hài trong bụng em!
 
-  …
 
- Thế…ai là cha đứa bé?
 
-  …
 
- Sao em dại dột thế!
 
Thở dài. Tiếng thở dài là của tôi. Còn Huế im lặng. Nàng khẽ nhấc cằm khỏi đầu gối, mắt mênh mông nhìn về phía mảnh cầu cong cong nối giữa hai lùm xanh xa xa… Tôi bỗng xốn xang. Kỉ niệm trỗi dậy. Ấu thơ ùa về. Con sông Kiến Giang. Biết bao mùa lúa qua đi, nó vẫn vậy. Sớm mờ sương mái chèo khua sóng nước, tựa chiếc đũa cả nguấy loang miệng nồi cháo khổng lồ. Chiều hoàng hôn dát đỏ, lóng lánh đàn cá mương mình dẹt huơ mồi. Những đêm trăng nằm thuyền thưởng nguyệt, nghe mang mang tiếng nước vỗ bờ, hoang sơ. Những nụ cười nhem nhuốc bùn nâu, bên chậu trai chậu ốc mùa nước cạn… Tất cả kỉ niệm đó, chỉ tôi và Huế biết cùng nhau.
 
Thuở ấy, Huế bơi lặn như cá chép, một mình băng sông dìu tôi trở về khi chẳng may tôi đạp phải mảnh sành lúc dận trai bên bãi.
 
Thuở ấy, Huế giấu cha mẹ, dỡ nguyên một ổ mười hai trứng gà sắp đến kì nở, đem luộc để tôi tẩm bổ những ngày ôn thi hết cấp hai…
 
Tôi quay sang nhìn Huế. Mắt nàng vẫn xa xăm. Không phải nàng nhìn về phía cây cầu, nàng nhìn ngược về tuổi thơ - như tôi!
 
- Qua rồi còn đâu…
 
- Vâng, qua rồi…
 
- Cứ để yên cho nó ngân vang trong lòng đi em!
 
- Vâng…vùng trời bình yên ấy, không ai có thể khuấy động anh à. Nhưng… trong em đang khuấy động một thứ khác…
 
Hoang mang. Thoáng hoang mang của sự bất lực! Chưa bao giờ tôi phải bối rối trước việc đoán ý nghĩ của nàng. Hai đứa hiểu nhau đến khó hiểu. Ánh mắt từng trở thành ngôn ngữ giao tiếp. Hai trái tim trẻ măng bỗng hoà chung nhịp đập. Giữa lúc ấy, câu nói của cha Huế “ chúng mày có họ” đột ngột giáng xuống như tia sét, thiêu rụi cây tình mới nhú chồi non…
 
- Thế…em đang nghĩ về điều gì?
 
- Em…nhớ.
 
- Nhớ?
 
- Anh ấy đã đi rồi, năm sau sẽ trở lại…
 
Tim tôi chợt quặn thắt. “Anh ấy”? Thì ra Huế đã đem lòng yêu một người con trai khác. Cũng phải thôi, sự thực thì tôi và nàng đâu thể có một tương lai như ước muốn! Ông trời quả thật rất khéo trêu ngươi lòng người. Nhưng…sự ích kỉ cố hữu không cho phép tôi vui mừng khi đột ngột biết sự thật này! Nước mắt tôi ứa ra, cảm giác như mình mất đi một phần cơ thể!
 
- Anh, em biết…
 
- Không, em đừng nói gì cả… Người con trai ấy, anh có được quyền biết không?
 
- Người ấy, anh đã từng gặp, cùng em, trên khúc sông này…
 
À, phải rồi, lòng tôi tựa mặt sông sau bão. Kí ức nở bung như cánh buồm gặp cơn giông…
 
***
 
Đêm ấy là một đêm không trăng. Khu nghĩa trang giữa cánh đồng hun hút gió, nổi lên như một vùng thánh địa có những ngọn tháp thâm u. Không một đứa choai choai nào dám bén mảng tới đây khi mặt trời khuất bóng. Ngoại trừ tôi và Huế. Sự can đảm, hay đúng hơn là hoang dã ấy, Huế học được từ tôi. Năm tuổi, một mình ngồi suốt đêm dưới gốc đa đầu xóm chờ bà về, với tôi không có gì e ngại. Khi ấy bà ngoại phải nhập viện, tôi ở với cậu mợ. Gốc đa chừng gấp tám cái cột đình, thân lằn lên nhằng nhịt gân guốc xù xì, ở những lỗ sâu, người ta đặt vào các bát hương. Mỗi lúc gió về, nghe u u thê lương hun hút trên phía tán lá sum suê, tàn nhang theo gió bay lả tả.
 
Thực ra, để thử thách lòng can đảm, chúng tôi cũng không nhất thiết phải mò ra nghĩa trang vào một đêm hoang vu thế này. Cái lí do duy nhất, và cũng vô cùng hấp dẫn, ấy là nơi đây nhiều cóc. Những con cóc: da không còn vàng trung niên mà chuyển sang sạm đen, các mấu mụn sần sùi vì thế cũng trở nên chai sạn săn cứng. Mỗi chú to bằng bàn tay duỗi thẳng của tôi ngày ấy. Cóc, người ta đang thu mua. Hàng ngày, độ hai tiếng, tôi và Huế bắt được khoảng năm cân, mỗi cân năm mươi nghìn, thử hỏi có cách kiếm tiền nào nhanh hơn thế? Đối với tầm tuổi choai choai như tôi, ở vùng quê nghèo này, cảm giác như được làm đại gia trong lòng tụi trẻ khu xóm!
 
Nghĩa trang, có những chỗ cỏ mọc ngang đầu gối, vẫn xanh mơn mởn. Vì vậy, ban ngày, bác quản trang khá vất vả trong việc ngăn cản người ta đem trâu bò đến cắm cọc. Cỏ ngọt, trâu bò xơi lén lút, nên chúng nèn rõ no, để đêm về ợ lên nhai lại. Báo hại những nấm mồ chưa quá ba năm, phải gánh trên mình không ít bãi chất thải nóng hổi ngồn ngộn từ ruột đám vô lại ấy. Đêm đó, tôi cũng trở thành nạn nhân.
 
Giọt điện cuối cùng đã cạn, ánh đèn pin sầm xuống đỏ quạch rồi tắt ngấm. Chiếc bao xác rắn cỡ nhỏ, dùng đựng thóc giống, đã căng phồng những cóc. Tôi dắt Huế ra về. Thình lình bàn chân chạm phải thứ gì sền sệt nhầy nhầy, rồi ngập sâu trong đó, đến tận cổ chân. Thôi rồi, cái mùi đặc trưng này còn lẫn vào đâu được. Tuy đầu trần chân đất lấm lem suốt ngày, nhưng lâm hoàn cảnh này, tôi vẫn thấy người run lên rần rật. Trí óc thoáng hiện hình ảnh mặt nước phẳng lặng. Rời khu nghĩa trang, tôi kéo Huế băng qua đường ruộng, về phía tây, chừng năm trăm mét nữa, sẽ tới bờ con sông Kiến Giang…
 
Sau trận mưa rào hai đêm trước, nước sống lớn bềnh, dềnh lên tận mép cỏ. Nước luồn lỏi, mơn trớn cẳng chân mát rượi. Hứng chí, tôi quay lại bảo Huế:
 
- Em ngồi đây chờ anh!
 
Chưa kịp để Huế hiểu về ý nghĩ đột xuất của mình, tôi lột áo, vắt lên vai Huế, nguẩy chân lặn mất hút xuống làn nước loang sương.
 
Khoan khoái quá! Dòng sông quê. Ai đó ví nó dạt dào như tình mẹ. Người mẹ hiền từ này âu yếm ôm tôi vào lòng, gột rửa đi bao nhiêu lo toan bất hạnh của một đứa trẻ mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Mỗi lần thả lỏng mình trong làn nước mênh mông, tôi cảm thấy thanh thản vô cùng, càng đặc biệt hơn khi hôm nay, lần đầu tôi biết cái cảm giác lâng lâng tột độ, chỉ mình tôi biết với dòng sông, trong đêm tanh vắng này…
 
Ngoi lên khỏi mặt nước, nhận ra mình đã đi khá xa nơi mép nước Huế ngồi. Tuy lặn lội con nước dường như đã thành nghề, nhưng tôi vẫn cẩn trọng: chỉ ra dìa bờ độ năm thước, bơi dọc lên phía trên. Yên ắng đến lạ, nghe rõ tiếng cá đớp chân bèo. Một chú vạc lạc bầy rót vào khoảng đen mênh mông tiếng gào thảm thiết.
 
Khi mắt đã quen với bóng tối, tôi nhận ra phía trước mặt mình, một chiếc nhà thuyền nhỏ, neo gần bãi rau súng.

Trong nền xám xám của nước và trời, hình như nó khẽ chuyển động.
 
Tôi lặn một hơi, ngoi tới vịn vào thân thuyền. Rõ ràng là nó rung thật. Lúc này, phía trong căn lán có cọng ăng ten chỏng chơ, một vài tiếng động, nghe như tiếng ngáy. Không phải, đó là tiếng thở mạnh…
 
Tôi men theo mạn thuyền rêu bám trơn tuột, chọn một vị trí thuận lợi, nhô đầu lên…Con thuyền rung mỗi lúc một mạnh, như chiếc phao câu khổng lồ báo hiệu cá cắn câu. Xuyên từ bên này qua bên kia, hai ô của sổ song song to bằng vành khung mặt ghế, hằn lên hai bóng đen nằm đè lên nhau, khò khè, thở dốc…
 

 
Trống ngực thình thịch, tôi quay người định lặn trở về. Hại thay, có cái gì vừa xuyên vào chân tôi, đau nhói. Tay tôi quờ phải một sợi dây cước, vật thể cay nghiệt kia đột ngột nghiến chặt hơn vào bắp chân tôi. Thôi rồi, mắc phải lưỡi câu ngâm rồi! Sợi cước căng ra, vạch một đường thẳng tắp từ mặt nước nơi tôi chạy lên mạn chiếc nhà thuyền. Tôi bấm răng, không để tiếng rên bật khỏi miệng. Kịp lúc nhận ra bóng đen thứ ba khum khum phía đuôi thuyền.
 
- Suỵt!
 
Tiếng ra hiệu phả ra như gió, tôi nhận ra trong đó tính chất mệnh lệnh, dứt khoát! Bóng đen gỡ cái cọng cần câu, nhẹ nhàng luồn mình vào làn nước mát. Bàn tay chắc nịch ghì tôi vào mạng sườn, khéo léo thân hình trơn tuột ấy dìu tôi vào bờ. Nhận ra sự giúp đỡ, tôi chỉ tay về phía Huế.
 
- Làm sao thế anh?
 
Giọng Huế hớt hải. Chiếc đèn pin đã hồi điện, ánh sáng vàng cam soi rõ phần thân trên chiếc lưỡi câu đang ngoạm sâu vào bắp chân tôi.
 
- Ngập qua hóc rồi!
 
Giọng bóng đen kia sốt sắng. Đoạn, người lạ móc trong cái túi đeo bên hông cái dao găm tuốt bao sáng loáng.
 
- Gắng chịu nhé! - lại là mệnh lệnh. “ Phựt”- chiếc lưỡi câu văng ra. Máu từ bắp chân tôi ùn lên đỏ thẫm. Người lạ xé toạc vạt áo quấn chặt vết thương cho tôi, mái tóc hung hung trùm kín nửa trên khuôn mặt. Xong, bóng đen đứng dậy, không nói một lời, quay đầu lao một mạch về phía bãi súng. Tôi và Huế ngồi sững sờ nhìn theo, quên mất một lời cảm ơn…
 
Người con trai trên chiếc nhà thuyền ấy tên Quý. Quý theo nghĩa là quý hiếm, quý tử. Đứa con trai duy nhất, khi mẹ cậu sinh, cũng tại bãi súng khúc sông này.
 
Quý người đậm, da ngăm đen, bàn chân có ngón cái toẻ ra như chổi sể. Cậu không biết chính xác tuổi mình, nhưng nhìn tầm tuổi tôi. Những lần gặp sau đó, Quý chỉ mặc duy nhất một bộ đồ: chiếc áo ngắn tay màu xám, cái quần ngố có hai vết vá ở đùi, luồn quanh hông một chiếc dây da cũ kĩ, cái túi vải lỉnh kỉnh đồ buộc vào đó, nhìn như cậu đeo súng lục.
 
Cạnh bãi súng đột ngột mọc lên một căn chòi. Mất tròn nửa ngày để Quý dựng nó. Hàng ngày, khi hoàng hôn dát bạc lên mênh mông nước, Quý thường leo lên đó, thả lỏng chân đung đưa theo nhịp sóng, mặt hướng về phía cây cầu cong cong nối giữa hai lùm xanh xa xa…
 
Hơn một lần, tôi và Huế bắt gặp cậu bất động trên căn chòi, trong dáng chiều đỏ lựng như thế! Những lúc ấy, trông Quý như người bị mộng du. Có đôi lần còn nghe tiếng sụt sịt nơi mũi cậu, không biết có phải cậu đang khóc không, vì nửa trên khuôn mặt cậu ngập chìm trong mớ tóc hung loà xoà…
 
- Lần đầu tiên anh ấy cất tiếng nói, với em - là một câu hỏi về anh.
 
Huế đột ngột cắt ngang dòng kí ức đang ùa về trong tôi, vẫn thứ giọng nghèn nghẹn thều thào.
 
- Cậu ấy hỏi anh?
 
- Anh ấy hỏi về sự vắng mặt của anh, lúc đó chừng được 3 tháng, phải chăng vì việc học?
 
-  …
 
- Em bảo vâng! Anh ấy lại hỏi: Huế yêu cậu ta phải không? Em khẽ gật đầu. Anh ấy thở dài: “con gái chỉ thích những chàng trai được học hành tử tế”. Em buột miệng “nhưng…em và anh ấy có họ”. Anh ấy ngoảnh mặt lại, chỉ thấy hai cánh mũi phập phồng. Rồi anh ấy kể về người con gái mà anh ấy thầm thương trộm nhớ. Tình yêu được đáp lại. Nhưng vào cái lúc hai người cảm thấy không thể sống thiếu nhau, thì gia đình cô gái đột ngột gả cô cho một chàng trai phố chợ! Gia đình cô gái cũng mưu sinh bằng nghề chài lưới, họ muốn lên cạn, họ không muốn con gái họ theo anh, để rồi lặp lại cuộc đời lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước…
 
-  …
 
-  Em đã bật khóc. Vì thâm tâm em lúc đó vừa xót thương cho hoàn cảnh éo le của anh ấy, vừa tái tê nghĩ đến sự trớ trêu trong tình yêu chúng mình…
 
Nước mắt Huế đầm đìa hai đầu gối. Khẽ xích lại gần hơn, tôi nhẹ nhàng áp đầu Huế tựa lên vai mình. Chúng tôi cần điểm tựa ở nhau. Là vì giây phút này, nỗi đau âm ỉ bấy lâu đang trào lên mãnh liệt, có điều: nước mắt tôi chảy ngược vào tim…
 
Siết chặt Huế hơn trong vòng tay mình, tôi khẽ giục:
 
- Rồi sao nữa? em kể tiếp đi.
 
- Vâng! - Huế úp mặt vào vai tôi lau nước mắt…- Một buổi chiều, không hiểu sao em đã không thể kiềm chế nổi nỗi nhớ anh dâng cuồn cuộn trong lòng. Em nghĩ tới căn chòi và chạy ra đây từ sớm, ngồi khóc. Bao nhiêu chất chứa tuôn trào thành nước mắt, và gửi một phần nơi đàn chim nghiêng cánh mãi xa… Đến khi em nhận ra một bàn tay đặt lên vai mình, rồi hơi thở nóng hổi phả đằng sau gáy. Quý đã áp mặt vào em, chặn tiếng khóc em bằng nụ hôn bất tận…
 
Em choàng người vùng dậy khi bàn tay Quý lần đến chiếc khuy áo cuối cùng. Nhưng anh biết không… Đôi mắt! Là đôi mắt của anh!- sau làn tóc hung loà xoà. Đôi mắt ấy đã khiến sức kháng cự của em bỗng tan biến đi đâu hết! Quý vùi mặt vào cổ em, khi bàn tay với sức đẩy yếu dần của em buông thõng…Một thứ gì đó dâng lên, chặn cứng họng tôi, nghe cơn đau ồ ồ bên tai như suối chảy…
 
- Quý có đôi mắt…giống anh ư?
 
- Vâng! Đôi mắt ầng ậng nước, xa xăm…cùng bản tính hoang dã.
 
- Một sự thế vai? Liệu có bất công không em?
 
- Hình bóng của anh…Nhưng dần dần, em nhận ra mình đã yêu Quý thật lòng…
 
- Thế còn…cái thai?
 
- Em sẽ giữ! Đó là cách duy nhất đảm bảo rằng anh ấy sẽ lên bờ. Chuyến phiêu lưu sông nước này của anh ấy, sẽ là lần cuối! Em đã xin bảo lưu kết quả học tập một năm rồi.
 
Tôi hít một hơi thật sâu, cố nén tiếng thở dài. Dưới chân tôi, nước vẫn miên man vũ điệu ngàn đời. Xuân rồi, sông Kiến Giang lại lớn bềnh, như gồng mình dang tay ôm lấy đôi bờ.
 
Bất chợt trong tôi hiện lên hình ảnh chiếc nhà thuyền, đêm không trăng, nó dập dềnh, dập dềnh, rung rung, tựa chiếc phao câu khổng lồ báo hiệu cá cắn…                                        







Thông Tin
Lượt Xem : 903
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN