--> Cái cây non đã lớn - game1s.com
Snack's 1967

Cái cây non đã lớn

Chúc mừng những cây non đã lớn!

Thêm một lần, Khanh thẫn thờ hỏi Thuỷ:
- Đúng, chắc chắn và hiển nhiên là chúng ta chỉ còn buổi hôm nay rồi sẽ nghỉ Tết?
- 1000 lần, xin mày: Đúng!
- Ối giời ơi, buồn quá!
Ối giời ơi, 28 Tết, thiên hạ có kẻ... dở người nào không muốn nghỉ học? Hẳn trên trán nó cộp cái dấu “ngộ chữ” to vật vã. Chí ít cũng đeo quả đít chai tổ chảng!
Nhưng không. Chính cái mặt thẫn thờ + cái miệng rên rỉ ấy, hôm qua còn thoi thóp đếm từng phút cùng cái đồng hồ cát (cất công khuân từ nhà!), những mong sớm nghỉ Tết cơ mà!
Chuyện gì đã xảy ra, chỉ qua một đêm và trong một đêm đông rét run lập cập?
Xin thưa ngay: một sự chào đời với không bà đỡ nựng nịu, không tiếng khóc ré choé loé, cũng không có cảnh ông bố nhảy dựng lên sung sướng: “Con của tôi!”.
Vì đó là:
- Một- cái- cây- nảy- mầm!
- Ôi không... Có cái gì phình phường hơn không? – Thuỷ cụt hứng nhìn vẻ hơn hớn của Khanh khi thì thào “sự kiện vĩ đại” ấy.
- Mày không thấy điều này vô cùng đặc biệt à? Rét mướt thế, không vì đi học thì có đứa nào chịu chui ra khỏi chăn?
- Mà có đứa còn vờ ốm để cuộn tròn với cái chăn nhỉ!
Thuỷ đế thêm, Khanh lờ đi.
- Đấy, thế mà Em Cây của tao, hiên ngang và dũng mãnh và hùng hổ đội đất chui lên... Ôi, sao mà phi thường thế!!!

Thuỷ thở một tiếng thật dài, cho rằng ngán ngẩm có thể được tống ra hết theo đường... hô hấp. Nó chỉ muốn quạt vào mặt Khanh, rằng cái đồ “phi thường” là Trần Việt Khanh – 17 tuổi, lớp 12A2 trường Cây Bàng.
Trống hết tiết, Thuỷ ngỡ trống reo mừng dội từ ngực Khanh!
- Ohlalah, tao đi khoe đây!
Cười xoè xoẹt như bông thược dược, Khanh vút một cái ra hành lang, gặp đứa nào cũng túm lấy, hồ hởi:
- Mày ơi, cây của tao lớn rồi! Cái cây non của tao lớn rồi! Mày thấy nó giỏi chưa? Mùa đông rét như thế, nhiều bão bùng mưa gió thế mà nó vẫn lớn được! Chúng mày khen nó đi!!!
Ôi, thiên hạ quá quen mấy trò nhí nhố của Khanh rồi!

***

Hết giờ nghỉ. Nhưng chỉ khi cô giáo đặt chân vào cửa lớp, thì Khanh mới toe toe về chỗ. Thở chưa xong, nó đã xoàn xoạt xé giấy, cắm cúi viết. Không phải chép bài, mà là... viết thư ngăn bàn!
- Mày thấy không, mặc dù chỉ còn một ngày để được gặp mọi người và giới thiệu về Em Cây anh hùng, nhưng tao không đầu hàng số phận. Háhá...
Thuỷ chép miệng:
- Thủ công lắm! Sao mày không photo rồi rải truyền đơn khắp trường có phải nhanh không? Hay là đưa thông báo lên TV, hoặc ra thông cáo báo chí?
- Đúng là mày! Chả “pro” gì cả! Phải đi khoe trực tiếp và trực tiếp được khen thì mới sướng! Không nên hoãn cái sự sung sướng í lại, mày hiểu chưa? Làm những việc loằng ngoằng thế thì tao đợi Tết xong đi khoe cũng được à!
Nói rồi, nó chộp bút nhũ của Thuỷ.
- Vẽ hình minh hoạ cho hoành tráng!

Chỉ vì muốn đi khoe cho hết trường một cái cây nảy mầm mà có đứa không (thèm) muốn nghỉ Tết! Kinh khủng!

***

Tối. Chống cằm ngồi nhìn mầm cây bé xíu trong chậu nhỏ. Sau khi đã dùng... nĩa xới đất tơi lên và cẩn thận gắp ra từng viên đá. Sau khi đã lấy bình xịt tưới hoa phun một lớp nước êm như sương mai. Sau khi cái chậu cũng được lau cho bóng lộn!
Khanh cứ nhìn, nhìn mãi. Không biết phải làm gì nữa cho Em Cây “anh hùng”? Từ trường qua chỗ học thêm, vòng về nhà, cả hàng xóm láng giềng láng tỏi, cả họ hàng hang hốc, Khanh đã khoe được với khoảng vài... trăm người. Hừm, có lẽ cần thêm một người nữa. Chỉ một người thôi, kiểu “giọt nước tràn ly” í. Xong Khanh sẽ không lăn tăn nữa!
Ai nhỉ?
- Điệnnnn thoạiiiii!!!! Khánhhh!!!
Tiếng “Khanh” vút cao thành “Khánh” làm Khanh giật mình. Nó bổ đến chỗ điện thoại. Úi, sao nhiều “tạp âm” thế này?
- Cháu! Lâu lắm không gặp cháu! Có rảnh thì đến đây, đang party tất niên!
Khanh đơ cả người. “Chú” thầy và lớp học thêm Toán. Ôi không, lớp đội tuyển trùng giờ lớp Toán, nó bỏ lớp Toán hơn tháng nay...
- A, chú ơi, Em Cây của cháu đã lớn! Em í... ~!@#$%^&*()_+... Dạ, cháu đến ngay!
Rốt cục “giọt nước” đã “tràn ly” như Khanh mong muốn! Nó hí hửng xuống nhà, năn nỉ mẹ: “Con đi chút xíu, mai con được nghỉ rồi! Con sẽ làm bài tập Tết, dọn nhà, đi mua đồ, chuẩn bị đồ ăn giúp mẹ...”.
Thế là ra đường với con... mini chiến. Gió thốc qua tai vù vù. Chóp mũi như được đắp một cục đá. Tay nắm ghi đông như nắm khúc băng. Mà Khanh hớn hở vô cùng. Sẽ còn vài đứa lớp Toán để nghe nó khoe Em Cây...
Nhưng...
Trùi ui...
Những tiếng rin rít phát ra khi Khanh bóp phanh trong khi chân vẫn đạp đều đều.
Sao có một điều nho nhỏ kèm một điều to to mà nó lại quên béng thế này?
Cái cây. Cãi nhau.
Huhuhuhhh. Cái cây mọc lên từ hạt giống. Hạt giống là quà Noel của Chú thầy tặng nó và... nó cãi nhau với chú í, rồi lại nghỉ học đến bi giờ đây!

***

- “Chú” già Noel tặng quà cháu!
- Huraaa...
- Nào, quyền lợi phải đi kèm nghĩa vụ chứ! Nhận quà rồi thì nghe chú chúc cái!
Khanh nghển cổ “hứng” từng lời. Nghĩ thể nào chú cũng chúc chuyện thi cử. Ai dè...
- Cháu! 18 tuổi, lớn rồi. Bây giờ nói gì, làm gì cũng phải suy nghĩ trước sau. Không thể thích nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Mình không phải trẻ con nữa nhé.
Khanh bức xúc tuôn một tràng:
- Chú, cháu chưa có thời gian làm người lớn! Chú biết đi học có chuyện đúp lớp, cháu cũng đang bị đúp trong lớp người lớn đây! Cháu chưa lớn, cháu không muốn lớn và thực ra là cháu chả thèm làm người lớn!
- Hum... Biết thế!
Khanh... ôm quà đi về! Đúng là... chưa lớn! Bó tay!

***
Nhưng mà đã đến con đường với hai hàng xà cừ hai bên dẫn vào nhà Chú thầy. Đèn đường dát bạc như trăng, êm dịu. Khanh nhảy xuống, dắt xe. Còn lấn bấn chưa muốn vào.
Em Cây nằm im trong giỏ xe. Chả nhớ làm thế nào Khanh lại lộn lên phòng, tha em í theo đến party?
- Húhuuh! Khanh ơiii!
Những bóng người thấp thoáng trên ban công tầng hai của ngôi nhà quen thuộc. Chậc, thì... vào thôi!

***

Đặt Em Cây giữa “bàn tiệc”, trong lớp học nhỏ thân quen, bừa bộn mà ấm cúng. Cả lớp nhìn ngắm, gật gù. Tất nhiên là sau khi đã nghe Khanh khoe!
- Đây là em Mầm chứ nhỉ, như thế này ai gọi là cây!
- Nhưng mà em í lớn lên từ hạt! Em í đã lớn rồi! – Khanh gân cổ cãi.
- Cháu ơi, mưa xuân! Đem Em Cây ra đây cho mau lớn!
Chú thầy đứng ngoài ban công gọi Khanh. Sau cãi nhau mà hoà bình thế này thì... sao không nhỉ? Kệ. Nó lật đật ôm Em Cây, xông ra.
- Cháu ơi, cháu vô lý làm sao... Em Cây bé bằng móng tay thì cháu bảo em í đã lớn, còn cháu, không biết gấp em í bao nhiêu lần thì lại vẫn còn bé!
Ừ nhỉ! Khanh không biết nói gì, giả vờ dán mắt nhìn Em Cây hứng mưa.
- Cháu đến sao không vào ngay, loanh quanh ngoài kia làm gì? Tí nữa chú gọi điện về nhà!
- Cháu cũng sợ chú gọi thì mẹ cháu lại lo, nên đang định vào rồi. Tại lúc trước cãi nhau với chú... Mà, có phải vì thế mà party chả báo trước cho cháu?
- Hơ, trẻ con cần gì biết trước! Được đến dự là tốt chán!
Khanh quay sang nhìn chú, vẻ rất là cay cú.
- Quá đáng!
- Biết ngay mà. Bọn trẻ thời này ghê thật! Đụng đến nghĩa vụ thì bảo tôi trẻ con, nhưng dính vào quyền lợi lại kêu gào tôi người lớn! Này, chú nói cháu biết: thực dụng thế thì rõ là người lớn rồi đấy!
Mặt Khanh như làm bằng bánh đa bây giờ bị mưa ướt!
- Nhưng cháu ạ, biết nghĩ rằng có thể làm mẹ lo lắng, đó cũng là người lớn! Chà, cái gì chả có tính hai mặt?
Em Cây dù bé xíu nhưng Đã Lớn rồi. Và lại Vẫn Lớn nữa, thế mới hay!
- Khanh ơi, Khanh đã lớn rồi. Không phải từ chú, mà từ bất kỳ ai khi nói câu ấy, đó đơn giản là một lời thương yêu và thật lòng mong muốn cháu hãy trưởng thành! Không có gì là gánh nặng đâu, cháu ngốc!
Khanh muốn nói, mà không tìm ra lời để nói.
- Thế nào nhỉ... Chú ạ, cháu muốn nói: không phải The tree is growing, mà là The tree grows. Chú hiểu ý cháu chứ?
Chú thầy lên mặt người lớn, xoa đến bù cả đầu Khanh!
- Thì chú cũng từng trẻ con cơ mà!
Dù mới chỉ là nhánh cây khẳng khiu lơ thơ những lá non, hay là cái cây xù xì một vòng tay ôm không xuể, thì xuân đến, những lộc nõn vẫn nảy nở, những cành lá vẫn vươn dài. Và rồi tán xanh vẫn xoè rộng mãi, rộng mãi... Dù muốn hay không, thì cây cũng đã lớn rồi. Từ khi cựa mình tách khỏi hạt, từ những búp lá đầu tiên... cây đã lớn rồi, cây ạ!

Nghe trong nhà vang những tiếng bùm bùm. Bọn kia đang lấy... bóng bay nện nhau.
- Yahahaahhh!!!
Chúng nó bắt đầu xông pha ra ngoài này.
- Cứu giá! Bảo vệ Em Cây!
- Không cho chúng nó thoát!
- Nện nhầm quân mình, Thắm ơi!
- Hưng, sao đánh lén tao!
...
Chí choé, ồn ào, huyên náo trong mưa xuân êm êm đổ bụi trên tóc, trên áo. Li ti và dịu mềm, nhẹ nhàng và huyền ảo như một lớp voan.
Mùa xuân... một nhành lá xanh tươi lộc xuân... Một nhành lá non...
...Một tình yêu chưa biết đến... Phút giao thừa lặng lẽ.
Và cây ơi, cứ lớn!
Thông Tin
Lượt Xem : 1033
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN