Đời game thủ
Đời game thủ thật lắm "chuyện's" để nói, nói rôm rả cả ngày không hết, đọc ra rả cả tháng chẳng xong. Chỉ biết rằng, đời game thủ lông bông lắm!
***
Những buổi tối Sài Gòn se lạnh, cảm giác lành lạnh khiến ta phải se thắt tâm tư, quặn người đến lạ! Đứng trên cầu Sài Gòn, ta nhìn xuống dòng người vàng vọt len chặt cùng nhau, mà thấy đời sao hối hả quá nổi, cảm thấy tiếc nuối thời gian còn đậu lại trong lòng.
Không biết dòng người dưới kia, ai đã qua quãng đời học sinh, sinh viên, công nhân... nhưng rồi phì cười, không biết trong số họ, có ai đã qua quãng đời game thủ chưa? Chắc không, à... chắc có, chắc có đấy!
Vì hai mươi năm qua, thụ hưởng sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, cụ thể là game, thì thuật ngữ "game thủ" không còn xa lạ với ta. Nhưng đâu đó, những ngộ nhận về game thủ là một thứ gì đó bờm xơm, ti tiện, xấu xa, tồi tệ vẫn len lỏi trong suy nghĩ của nhiều người, đặt biệt là ở Việt Nam.
Thôi thì rãnh rỗi, ta với ta chiêm nghiệm quãng đời game thủ ra sao, suy tưởng đời người thế nào, để thấy rằng đời cũng là trò chơi, và ta là game thủ. Chẳng qua, ta chưa bình tâm suy xét đấy thôi!
Từ 0-5 tuổi.
Khi cất lên tiếng khóc tu hoa, thì người ta gọi là chào đời. Chào đời để bắt đầu thời thơ ấu của một con người. Cũng là lúc, đời game thủ bắt đầu từ đây.
Khi ta còn 0 tuổi, đến 5 tuổi. Ta chẳng suy nghĩ, cũng chẳng buồn phiền. Chỉ biết nhe nú khóc oe oe, khoe răng sữa cười hả hể, và chơi đùa vô tư lự.
Ta chỉ cần mẹ mỗi lần thèm kẹo, đòi đồ chơi. Và ta chỉ kêu cha mỗi khi thả diều, đòi dắt đi dạo.
Game lúc này là những món đồ chơi, những trò chơi dân gian, những buổi vui chơi của gia đình. Vì ta thích tò mò, thích khám phá, chỉ vì ta cần rèn luyện thể chất, tìm kiếm cảm xúc để lắp ráp tư duy còn non nớt của ta.
Và tố chất game thủ bắt đầu thẩm thấu trong ta từ đây. Chỉ chờ ngày bộc phát.
Từ 5-10 tuổi.
Ta bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh qua trang sách, tập vở ở ghế nhà trường. Ta thích đọc truyện tranh, nghe chuyện cổ tích, và xem phim hoạt hình để suy tưởng nhiều điều trong thế giới cổ tích, xứ sở thần tiên.
"Mẹ ơi! Ông Kẹ có thật không ạ?"
"Có đó con, nếu không ngoan ông Kẹ bắt nhét vào cây dừa đó!"
"Ghê quá à, sau này con sẽ ngoan, mẹ đừng kêu ông Kẹ nha!"
Rồi thời gian qua đi, ta xa dần xứ sở thần tiên và thế giới cổ tích. Ta chán dần những trò chơi năm mười, banh đũa, nhảy lò cò. Vì cuộc sống ngày càng hiện đại, mọi thứ đều quay cuốn đến chóng mặt, ta dần thích thú những trò chơi điện tử. Chúng khiến ta thực hiện ước mơ thành siêu anh hùng, kẻ hủy diệt, công chúa hay hoàng tử một cách nhanh chóng, thông qua thế giởi ảo.
Chúng làm ta tuyệt dịu đến ngẩn ngơ, chơi một lần để mê mẩn suốt bao năm...
Khi có tiền.
Ta lân la vào những quán trò chơi điện tử thẻ, một thẻ 2 ngàn, cho ta một sinh mạng ảo trong thế giới ảo, để trở thành anh hùng cứu mỹ nhân, để trở kẻ hủy diệt phá đảo thế giới ảo.
Mẹ cho ta tiền xài vặt mỗi khi đi học, ta nhín nhút được 5 ngàn, rồi chiều chiều kiếm cớ ra ngoài dạo chơi, lén lút vào quán net để chơi game, rồi thập thò lo sợ bị gia đình phát hiện.
Khi chơi.
Ta cáu bẳn lên, vỗ đùi cái đét, đập bàn phím cái rầm mỗi lần over game. Cũng đúng thôi, tuổi ta lúc này còn ngây ngô đến ngu khờ, ngổ ngáo đến hổ báo.
Ta vẫn chưa hiểu mẹo là gì? Thủ thuật là chỉ? Nên thường bị kích động sau mỗi lần over game, vẫn còn "ẩm ương" trong tính khí khi gặp trở ngại trong một màng game khó.
Ngoài những trò chơi điện tử, ta thích đá bóng, ta thích bơi lội, ta thích học võ, ta thích học piano... để khoe mẽ với đám bạn, để bọn nó biết ta là người "đa năng vạn tài."
Nhưng mỗi lần đi học, về nhà, ngoài việc thưa gửi ông bà cha mẹ, ta lại cuốn cùng chạy nhanh ra quán net để chơi game. Những khi đó, ta luôn hình dung lảng bảng về những nhân vật hư cấu trong thế giới ảo, hình ảnh đó luôn bủa vây trong tâm trí ta mỗi khi nhàn rỗi... rồi cả khi nhàn tẻ trong cái bận rộn của mớ sách vở giáo khoa.
Ta chưa hiểu rằng, bản ngã yếu mềm vờ mạnh mẽ của học sinh, thường bị dập tắt đến trơ trụi khi đối diện với thế giới ảo, trong những trò chơi đến tử làm ta mê hoặc rồi huyễn hoặc chính mình một cách cuồng dại.
Nhưng may mắn thay, ta vẫn còn gia đình, vẫn bị cha mẹ riết róng mỗi ngày, mỗi buổi tối, mỗi sáng sớm.
Ta vẫn mê game, nhưng ta chưa nghiện game, đến nổi phải "gan trời" cúp học.
Từ 10-15 tuổi.
Ta bắt đầu dậy thì, những đậu thanh xuân bắt đầu chịu nảy mầm trên mảnh vườn xanh tươi căng đầy sức sống. Nhưng vẫn quần áo nhàu nhìn, đầu tóc bù xù, góc học tập bừa bộn, và hôi khét mồ hôi mỗi lần nghịch ngợm trong giờ ra chơi.
Nhưng ta cảm nhận sức bừng lên của tuổi dạy thì, cảm nhận nhiều sự thay đổi trong cơ thể. Khi tâm lý, suy nghĩ của ta với thế giới đã xa hơn, rộng hơn, sâu hơn.
Ta biết thưởng thức những món ăn ngon hơn, công phu hơn. Biết cảm nhận chút ít hương vị cuộc sống, khi thì dẻo quẹo như kẹo kéo, lúc béo ngậy như xôi gấc, và thi thoảng mềm tơi như xôi vò. Những món ăn bình dân, rẽ đến không ngờ nhưng quen thuộc thì đã từ lâu lắm rồi. Và ta bắt đầu suy nghĩ chậm... chậm hơn... chậm hơn nữa, so với lúc 0-10 tuổi.
Rồi nhiều lúc, tự xàm xí cùng chính mình. Tại sao trước kia cây chổi dài và to thế ấy, mà giờ đây lại bé tý thế kia. Có lẽ, ta cao hơn, to hơn, nên vạn vật xưa kia cũng dần thu nhỏ trong mắt ta.
Và tại sao trước kia ta thích thú đến mê mẩn những game có đồ họa đẹp theo kiểu phim hoạt hình, dễ thương, lối chơi đơn giản. Mà giờ đây lại muốn chơi những game phức tạp, thử thách hơn. Có lẽ, não ta cần thêm nếp nhăn.
Và khi chơi qua một game hay, ta thường rủ rê đám bạn, thậm chí cả những đứa chưa lần chơi game bao giờ. Cũng vì ta thích thể hiện, khoe mẽ về game đang chơi, và chứng minh ta là cao thủ của game đó.
Và nhiều lúc, cái tính tò mò, hiếu kỳ, thích trải nghiệm những cảm giác phiêu diêu trong thế giới ảo của ta, đâm ra ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hiện thực, của ta và nhiều người quen ta.
Từ 15-19 tuổi.
Ta bắt đầu đối mặt với những năm tháng căng thẳng cùng trường học. Phải đối phó mỗi khi họp phụ huynh nếu thi cử không đạt, phải lo âu mỗi lần thầy cô đứng lớp nếu chưa học kỹ bài tối qua, và bịn rịn những mối tình học sinh chớm nở chớm tàn. Lắm chuyện đến nỗi... chỉ muốn gạt phăng tất cả sau lưng, ngồi thu lu một góc phòng, châu đầu vào màn hình vi tính, nghe nhạc, lướt facebook, và chơi game cho hả hê tâm trạng.
Và những cuộc vui "tự kỷ" trong thế giới ảo ngày càng dày đặc hơn. Rồi khi offline, ta bị giày vò với mớ nghĩ suy, "Có nên tạo ra lớp vỏ cứng cáp, giả tạo, để che đậy ta là game thủ không? Hay cứ thể hiện huỵch toẹt ta là game thủ?"
Thôi cứ giấu đi, sợ lắm bị mẹ mắng rồi cắt tiền tiêu vặt, lo lắm thầy cô rầy rồi kêu lên bảng dài dài. Nên giấu là thượng sách. Thượng sách đó đem lại những ngày hoang hoải cho ta, những ngày bập bềnh lo sợ để ta rã rời tâm hồn tuổi thơ theo dòng thời gian.
Tháng qua tháng, năm qua năm... Ta bắt đầu đối diện với việc thi tốt nghiệp, rồi Đại Học, nhưng vẫn rãnh là lảng qua quán net, xem còn máy không, rồi vào chơi cho đỡ thèm.
Ta bắt đầu tranh cãi với những người bạn cùng niềm đam mê game, về những vấn đề xung quanh làng game, như, "PlayStation 4 với Xbox One cái nào chơi ngon hơn? Game online hay game offline nên chơi game nào? Rồi NPH game Online nào hút máu nhất? v.v..."
Ta bắt đầu lãnh hội những kỹ năng, kỹ thuật, thủ thuật trong quá trình chơi. Ta dần bổ sung những loại hinh game như FPS, TPS hay RPG. Nhưng ta chưa hiểu game đang chơi loại gì, có hợp với lứa tuổi ta không, có đáng để ta bỏ thời gian vào đó không? Khi ta đang là học sinh, đang tập trung trao dồi kiến thức tại ghế nhà trường, đang chuẩn bị thay đổi cuộc đời mình qua những kỳ thi cuối cấp trung học.
Cũng chỉ lay hoay học rồi chơi, chơi rồi học, có khi chơi nhiều hơn học... tư lự lắm!
Từ 20-25 tuổi.
Ta bắt đầu bước ra cánh cổng trung học, bỏ lại đằng lại những tháng năm sóng sánh cùng thầy cô, bạn bè, nhà trường. Để bắt đầu tự do khám phá cuộc sống hiện thực, để bước lên một nấc của cuộc đời.
Người thi vào Đại Học – Cao Đẳng, đứa thì học trung cấp, kẻ thì mưu sinh cùng gia đình. Còn ta vẫn cứ lông bông, nửa học nửa chơi, mập mờ tương lai, nửa vời hiện tại. Chán!
Ta bắt đầu tiếp xúc với nhiều người, làm quen nhiều "bạn", trong thế giới ảo cũng có, trong cuộc sống hiện thực cũng có. Nhưng khi ta không còn gì trong tay, luẩn quẩn nhìn lại, mấy ai vỗ tay lên vai động viên ta? Bần thần nhận ra, chữ bạn và chữ bè cặp kè sát bên những nghĩa xa cách vô cùng.
Ta thấy cuộc sống bắt đầu nhàn tẻ, nên ta chọn game để bày tỏ cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố vào thế giới ảo. Lúc thì game Online, khi thì game Offline, tùy vào điều kiện.
Và ta có thể...
Nhín tiền ăn cơm trưa, để mua 3 bịt mỳ gói ăn liền, chỉ vì cái thẻ cào nạp vào game Online.
Ta có thể nhịn ăn sáng một tháng trời, để đủ tiền chơi game tại quán net sang chảnh cùng đám bạn.
Và thậm chí, ta khổ lực làm bàn thời gian, chỉ vì một món đồ ảo trong game, một thiết bị phụ kiện chơi game (bàn phím, con chuột, tai nghe...).
Nhưng ta biết rằng, có lúc chơi game bị nghiện, nhưng có lúc chơi game chỉ vì đam mê, rồi chấp nhận nó vào đời sống tinh thần.
Vì thời buổi bây giờ cái gì cũng nhanh, hẹp, chớm nở chớm tàn. Đến cái ăn, miệng uống cũng nhanh, huống gì lối sống.
Thôi, cứ nấp vào đời sống online, dù thế giới ảo nhưng nó làm ta cảm thấy an toàn, an tâm, an phận... rồi an nhàn "chết" trong đó khi nào không hay!
Chó vẫn sủa, heo vẫn ăn nhiều, và mỗi ngày vẫn hả hê cười đùa cùng game online, tức ê chề với game offline. Cứ thế, ta lê thê đời sống ảo cùng những năm tháng đầy hoang hoải.
Phải qua một thời gian, thấm đẫm chữ đời, chữ mưu sinh, chữ trách nhiệm với gia đình, sức khỏe, công việc, đam mê và tình yêu. Thì ta mới dần dần thoát khỏi cơn nghiện game, nhưng ta vẫn đam mê nó, đam mê nó theo một cách khác, chơi ít vui nhiều. Chứ không chơi nhiều rồi nhiễu nhương cuộc sống cá nhân, như trước kia nữa.
Từ 25-30 tuổi.
Nghe tin báo tốt nghiệp của mấy đứa bạn học Đại Học, Cao Đẳng mà mừng cho bọn nó. Có thằng đã đi làm mấy năm nay, mừng rơn kể về hành trình tìm việc kiếm tiền để mua xe, mua nhà, mua vợ, à nhầm! Cưới vợ.
Ta hiểu rằng, không còn khỏe như hồi đôi mươi, cũng không còn cảm giác hâm hấp, hầm hập khó chịu mỗi lần over game như thời học sinh. Bởi đã qua rồi cái thời "trẻ trâu" trong thế giới ảo.
Ta biết kềm chế cảm xúc, biết suy nghĩ kỹ hơn khi quyết định, và già dơ chút trong thế giới ảo. Nhưng đôi lúc, cái tôi quá mức của ta khiến ta cáu kỉnh như đứa trẻ.
Ta vẫn còn độc thân, nhưng không đồng nghĩa là không tính chuyện lập gia đình. Nhưng ta cũng dợn sóng hoài nghi vào tình yêu thực sự, nên ta thường sống thực dụng bớt lãng mạn để giảm sự tổn thương nhất có thể.
Ta vẫn đam mê game online, nhưng vì cuộc sống tương lai, ta phải gác sang một bên, để kiếm tìm hạnh phúc thực sự.
Và ta hiểu rằng sắc vóc giờ đây là điều quan trọng, để ta phát triển công việc, vun đấp hạnh phúc gia đình trong tương lai, chứ không còn những đêm ngày thức ngủ cùng game.
Thời gian sau...
Ta có vợ, sinh con. Ta bắt đầu nghĩ suy, hồi đó, lúc này, ta cũng đang chập chững làm quen với những trò chơi điện tử thẻ và game online. Không biết, ta có nên gieo hạt giống game thủ cho con ta không?
Nếu sự ích kỷ của một người cha nổi dậy, không cho phép ta làm điều đó. Và ta cũng hiểu ra, hồi đó, cha mẹ ta cũng thương ta cỡ nào, khi mỗi ngày riết róng ta vì chơi game.
Từ 30-40 tuổi.
Ta không có nhiều thời gian để trải nghiệm cùng game. Ta bắt đầu cuốn cuồn nghĩ ngợi, "Làm sao để tăng lương, làm sao để vợ con hạnh phúc, làm sao vun vén tiền bạc sinh hoạt cho cả gia đình này?"
Ta không còn ngông nghênh như cái tuổi hai lăm, cũng không còn ẩm ương như tuổi mười tám. Và ta đã trưởng thành, già nua vì dòng mưu sinh cuốn ta vào lắm chuyện của chữ đời.
Lúc này, ta cảm nhận hạnh phúc gia đình là kho báu vô giá của một người đàn ông, chứ chẳng phải những tiếng bùm bùm, chéo chéo, ảo danh vô thực trong game nữa rồi.
Thi thoảng, ta thèm thuồng được chơi game mà mình ưa thích.Cũng phải nói dối vợ con để được giải trí một mình, chứ không phải cày cuốc như đám trẻ bây giờ. Thôi cứ nghĩ thoáng, chơi game mà giải trí cũng như đi nhậu với bạn bè, chắc cái tội nói dối không mang lỗi nặng với vợ, với con đâu.
Từ 40-45 tuổi.
Lúc thằng cu còn sơ sinh, khó mà nói dối vợ để được game, càng khó mà ngồi yên để chơi nốt một ván game mỹ mãn. Còn bây giờ, thằng cu đã biết đi, biết ăn, biết nói, biết gói ghém đồ đạc cá nhân, và đủ hiểu biết về sự vật xung quanh. Nó thích chơi game, đặt biệt là những game có chế độ co-op hay multiplayer.
Thôi thì cũng già rồi, chỉ biết chơi cùng nó, cùng nó trải nghiệm rồi sẻ chia những bài học sau những lần chơi game. Cao hứng thì tâm sự cùng nó những tựa game ưa thích thời còn trai trẻ. Để nó hiểu rằng, cha nó là người tuyệt vời nhất, hiểu tâm lý nó nhất.
Nhưng hai cha con cũng thỏa hiệp với nhau khi chơi game trong nhà, game thủ con được chơi sau khi hoàn thành bài tập và việc nhà. Còn game thủ bố có nhiệm vụ phụ trách thiết bị và quản lý giờ chơi. Làm vậy, để mẹ nó yên tâm, chứ khổ tâm thì mệt lắm!
Ngăn cấm nó chơi game ở tuổi này là điều không đáng. Để nó cởi mở, tiếp xúc với nhiều hình ảnh, âm thanh trong game, trong cuộc sống hiện thực. Để trí tưởng tượng nó được bay cao, bay xa, nhưng không phải bay mốt chỉ.
Nhưng cũng lắm lúc bị má nó rầy, "Dạy con mà dạy chơi game, hết chịu nổi ông!", nhưng cũng phì cười cho không khí gia đình hòa hợp, rồi nói nhỏ với thằng cu, "Chỉ có đàn ông với đàn ông là hiểu nhau, hê con."
Từ 45-50 tuổi.
Có đôi lúc, ta sẽ băn khoăn nghĩ rằng liệu có quá sớm để giới thiệu game cho cái không? Khi mà giờ đây ở tuổi vị thành niên của nó không có sở thích nào vượt quá phạm vi máy vi tính, hay console (thiết bị chơi game điện tử - game Offline).
Khi mà mỗi buổi sáng, thấy thằng cu vẫn đang ngủ gục bên cạnh máy vi tính, rồi nghe mẹ nó nổi cáu bẳn lên, trong khi ta vừa cố gọi nó dậy, vừa tìm cách xoa dịu mẹ nó nuốt giận, xả nóng.
Có một sự thật mà ta không dám thú thật với vợ, với con, đó là ngày xưa ta cũng đã từng như vậy, bởi điều đó có thể phá vỡ hình ảnh người cha gương mẫu mà ta dày công vun đấp bao năm qua.
Khoảng cách giữa hai thế hệ trong nhà có thể khiến game thủ con xa cách, bất đồng quan điểm, thậm chí xung đột với tạ, hay với mẹ nó. Nhưng may mắn thay, hai cha con có điểm chung là yêu thích, đam mê game. Nhờ game, ta có thể hàn gắn rạn nứt, giúp gỡ rối đang vất vít như tơ tầm, thậm chí giúp không khi gia đình đề huề hơn trước.
Trên 50 tuổi.
Tuổi ngũ tuần, luôn làm ta sợ hãi mỗi khi nghĩ đến khi còn trai trẻ. Nhưng khi bước vào tuổi ngũ tuần, ta mới cảm nhận nó tuyệt vời như thế nào. Bây giờ, khi game thủ con đã lớn khôn, trưởng thành từ thể chất đến tinh thần, có thể tự lo cho bản thân, không cần sự bao bọc, che chở từ gia đình. Ta có thể thoải mái làm bất cứ điều gì mình thích, mình muốn.
Không còn lờ đi, lảnh tránh, sợ hãi khi nghĩ đến quá khứ từng là game thủ, từng sa đà cùng game, chỉ vì muốn giữ hình ảnh người cha mẫu mực trước mặt con cái.
Và từ cái tuổi ngũ tuần, bầu nhiệt huyết thời xuân xanh ùa về và dâng trào trong cơ thể ta. Và ta bắt đầu tìm lại những kỷ niệm đẹp cùng game thời xưa.
Cũng với bầu nhiệt huyết xưa kia, cũng với những trò chơi ưa thích thuở nào, nhưng chỉ khác ở chỗ, thay vì một chàng trai thì giờ đây ngồi trước màn hình là một người đàn ông trung niên (tuổi ngũ tuần), đầu hai thứ tóc nhưng lại hò hét, cáu kỉnh gắt mắng, vô tư lự như một đứa trẻ, mỗi khi thắng thua trong thế giới ảo.
Nếu... nếu sức khỏe cho phép, vợ con ủng hộ, thì rất có thể ta lại giải quyết bữa tối với đồ ăn nhanh, nước ngọt hay mì tôm không chừng.
Thất thập cổ lai hy.
Bừng mắt đời người sắp hết. Thoắt cái đã tới tuổi thất thập cổ lai hy. Ta thấy trong tâm hồn đang héo hon lã chã, cô đơn đến quặn người.
Một năm qua đi, rồi một năm xông tới. Không biết rằng năm tới sẽ tổng kết cuộc đời ta, hay năm nay chỉ là sơ kết?
Nhưng mà hên, nhờ vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như y học, tuổi ngũ tuần cũng như tuổi đôi mươi, và tuổi thất thập cổ lai hy cũng không khác gì tuổi ngũ tuần.
Chuyện cụ bà, cụ ộng thích chơi game không khó tìm. Vì game bây giờ được phát triển thành nhiều loại, cho nhiều đối tượng sử dụng. Trong những loại đó, có loại dành cho người cao tuổi, nó vừa là bài tập thể dục (ví dụ, Wii - là bài thuốc giảm cân hữu hiệu), vừa là thuốc chữa bệnh cũng như chống lão hóa (Những tựa game mang tính tư duy cao như Rise of Nations hay Brain Challenge cũng giúp phần tăng cường trí nhớ và khả năng phán đoán tính huống cho ta).
Và ở tuổi thất thập cổ lai hy này, ta có thể định hướng, khuyên bảo cho con cháu khi tiếp xúc với game thế nào là hợp lý, đúng cách, nhờ sự từng trải và kinh nghiệm của ta thời còn thiếu niên. Chứ không phải riết róng con trẻ, để rồi chúng tìm cách đối phó ta, che giấu ta mỗi lần chơi game, như ta thời ẩm ương.
Và cứ thế, mỗi ngày trôi qua...
Ta cũng là người bình thường như bao người bình thường khác. Ta vẫn sinh hoạt, lao động, đóng góp, cống hiến cho gia đình và xã hội.
Ta cũng sống, cũng chết, rồi quay trở về cát bụi, rồi lại quay trở lại trong tâm trí của người thân hàng năm.
Nhưng khác biệt lớn nhất ở chỗ, ta là game thủ, nhiệt huyết và đam mê ta dành cho thế giới ảo nay đã hóa thành tình yêu. Nó len lỏi và xuyên suốt cuộc đời ta, chỉ khi nào ta "dừng lại".
Vì cuối đời là trò chơi, trò chơi... lên trời!