Như chưa hề quen
1. Anh nhớ lần đầu tiên gặp cô, lúc đó nhìn cô hiền và mỏng mảnh như một con mèo hen. Đôi mắt tròn đen mở to, trong veo, áo sơ mi trắng, quần xanh, trông cô giống như một nữ sinh hơn là một sinh viên Văn khoa năm cuối đang đi thực tập.
Anh với cô ngày đó cùng là độc giả ở thư viện thị xã nơi anh sống, chính xác hơn, chỉ có anh là độc giả, còn cô thì đến liên hệ mượn tài liệu cho bài viết của mình về Hội An. Rủi làm sao (và cũng may mắn làm sao!), cuốn sách cô cần mượn lại là cuốn sách anh vừa mượn. Vậy là cô lúng búng mở lời, sau một hồi ngập ngừng ở quầy thủ thư, rụt rè mượn lại sách. Anh còn nhớ đó là một cuốn sách bìa màu xanh, có in hình Chùa Cầu ở ngoài, về lịch sử hình thành Hội An.
Thị xã của anh vốn nhỏ, cô lại đang có đợt thực tập dài ngày ở đây nên những dịp tình cờ gặp nhau sau đó ở những nơi bất kỳ nào đó không phải là chuyện khó khăn cho lắm. Và cũng thật tình cờ, anh và cô lại thân nhau, cái tình thân hoàn toàn trong sáng bởi với cô, anh dù là một công nhân điện lực bình thường nhưng lại là người rất thích đọc và biết nhiều về lĩnh vực cô đang quan tâm. Với anh, đơn giản hơn, cô là hiện thân của một điều gì đó thật thánh thiện, cô thuộc về một thế giới khác, cái thế giới mà có một thời anh mơ ước, nhưng vì hoàn cảnh, đã không thể bước chân vào. Và anh tạ ơn Chúa đã cho anh gặp cô!
2. Anh nhớ quán cà phê mà anh với cô vẫn thường ngồi với nhau, khá yên tĩnh ở một góc phố vắng, là một căn nhà gỗ xinh xắn xung quanh lắp cửa kính nhìn ra một bãi cỏ nhỏ xanh rì. Chủ quán, nghe đâu là một Việt kiều Pháp về làm ăn và lập nghiệp ở Hội An nên quán rất có gu, cả căn nhà đồ sộ kiểu Pháp phía sau nhìn cũng rất có gu! (Đã có lần cô ngồi ngắm ngôi nhà và ước ao sau này mình cũng có một căn nhà như vậy!) Mỗi lần anh và cô đến, như một quy ước ngầm định, cô nhân viên mặc áo bà ba phục vụ trong quán thay ngay dĩa nhạc thời thượng đang mở bằng một dĩa nhạc Trịnh Công Sơn do Khánh Ly hát vào một thời xa lắc, giọng hát thật nồng nàn với tiếng đệm guitar bập bùng. Cô với anh đều cùng quan điểm là Khánh Ly hát với tiếng guitar thùng hay hơn nhiều so với tiếng đệm nhạc cụ điện tử sau này. Những câu chuyện ở quán cà phê thường là những câu chuyện linh tinh, không đầu không đuôi nhưng nói với cô, anh có cảm giác mình được chia sẻ. Thỉnh thoảng, cô cũng nói với anh về dự định tương lai của mình là được làm ở một tòa soạn báo nào đó, được đi, được viết. Từ bé, cô đã mê nghề viết và mơ ước sau này trở thành nhà văn.
Lâu lâu, cô cũng có cho anh đọc những đoạn tản văn ngăn ngắn cô viết được đăng báo, thường là những đoạn tản văn nhẹ nhàng ghi lại những cảm nhận (cũng thật nhẹ nhàng!) về những nơi cô đã đi qua, những người đã gặp. Những lúc như vậy, cô thường giành trả tiền cà phê, nói là để “rửa” nhuận bút. Có lần anh hỏi cô: có bao giờ em viết về anh không, cô chỉ cười cười mà nói rằng thường thì viết xong về một người nào đó em quên mau lắm, còn người nào em không viết được thì sẽ đọng lại lâu. Cô làm anh lâng lâng vui vì ý nghĩ vậy là mình được “đọng lại” lâu trong cô. Cô trong sáng thế, anh không dám hy vọng là cô sẽ nghĩ đến một điều xa xôi hơn...
3. Anh nhớ hai tháng cô thực tập ở thị xã nhỏ bé của anh qua đi rất nhanh, nhanh đến tưởng chừng không có thật. Khi anh nhận ra có những buổi chiều anh lang thang trên những con phố hẹp, ghé quán cà phê quen mà không hề tình cờ gặp bóng dáng gầy guộc nhỏ bé của cô ở đâu đó, anh đã nhận ra mình mong gặp lại cô biết bao. Cô đang tất bật cho luận văn kỳ thi tốt nghiệp, vẫn không quên thỉnh thoảng điện thoại cho anh, nói dăm ba câu chuyện rời rạc về một đề tài vu vơ nào đó... Càng có khi, anh đóng vai là nhà tư vấn qua điện thoại của cô, trong những tình huống cắt đuôi khó xử. Anh thấy hạnh phúc, không phải vì những lời khuyên bá vơ của anh đã được cô chấp thuận nghe theo mà hạnh phúc vì được cô tin cậy. Đến mức, tuần nào không có tiếng chuông điện thoại của cô là anh thấy mong đến cháy lòng...
Cô không hề viết thư cho anh, vì cô luôn lười biếng với những con chữ. (Anh tự hỏi không biết làm sao cô có thể nuôi được ước mơ văn sĩ của mình nếu lười biếng với những con chữ!). Cũng không bao giờ cô sử dụng đến email, công cụ liên lạc điện tử hữu hiệu mà anh và cô đã hì hục bỏ ra cả buổi chiều để sign-up và học cách sử dụng nó. Đôi lúc nhớ cô, anh chỉ biết chờ điện thoại, anh không đủ tự tin để ra thành phố cô đang sống, đến trường tìm cô. Và thấy đau lòng với sự thiếu tự tin của mình...
Cô ra trường, sau vài tháng thất nghiệp nằm dài (thời gian này ngày nào cô cũng điện thoại cho anh!), đã xin được việc làm ở đài truyền hình tỉnh. Thỉnh thoảng, cô đưa những người bạn phóng viên truyền hình của cô về Hội An của anh làm phóng sự về du lịch, anh có dịp “kính nhi viễn chi” những người bạn nổi tiếng của cô mà lâu nay anh chỉ ngưỡng mộ qua tên mà chưa biết mặt, và anh tự hào có được một người bạn “oách” như cô. Anh thèm khát công việc cô đang làm, thành phố cô đang sống, những chuyến đi xa của cô, cả bầu không khí mà cô đang thở. Mà sao chẳng thể nói ra, chẳng thể bày tỏ thật tự nhiên như bất chợt cô gọi điện thoại cho anh, giọng thì thầm nửa đùa nửa thật: Em nhớ anh, thèm nói chuyện với anh quá trời...
4. Anh nhớ khi anh sắm cái điện thoại di động, số đầu tiên mà anh save vào máy là số của cô. Để bất cứ lúc nào cũng có thể nói chuyện với cô. Không còn cô ở đây, anh bỏ luôn quán cà phê quen, góc bàn quen, tự đến những nơi ồn ào để khỏi nghĩ về cô nhiều lắm. Lần anh thấy xa cô nhiều nhất là lần cô về thị xã của anh thăm chơi, mời anh đi uống cà phê cùng một đạo diễn phim truyền hình. Anh chàng đạo diễn là một người bặt thiệp, khá dễ thương và hiền lành, anh nhìn cô tíu tít bên cạnh anh chàng đạo diễn mà thấy giấc mơ xa xôi của mình ngày xưa phút chốc tan tành. Anh mong được ở gần cô, dù chỉ như là một người bạn... Những câu chuyện với cô sau đó bỗng trở nên rời rạc khi có nhiều nhân vật nổi tiếng khác được nhắc đến. Và quan điểm tình yêu, cuộc sống trở nên không có điểm gặp nhau, dù ngày xưa, nó gặp nhau ở rất nhiều điểm. Anh thấy trong anh đang có nỗi niềm mất mát lớn lao...
Cô trở nên nghiêm trang và xa lạ sau một thời gian dài không gặp nhau, không điện thoại. Sinh nhật cô, cô nhận lời chúc mừng qua điện thoại của anh một cách khá hờ hững. Cô khoe anh là được người này tặng điện thoại di động, người kia tặng gấu bông to gần bằng người thật. Rồi cô khoe sắp đi Sài Gòn học cao học ngành báo chí, cô nói cô sẽ bỏ xứ này mà đi vì cô thích Sài Gòn. Cô nói nhiều về những dự tính, ước mơ của cô khiến anh tự nhiên cảm thấy sợ lẵng hoa chúc mừng mà mình hì hục nhờ dịch vụ điện hoa gởi đến cô trong ngày hôm nay, sẽ trở nên lạc lõng...
Anh buồn đến mức nằm bẹp một ngày, việc đầu tiên anh làm khi bật dậy là xóa số phone của cô trên máy...
Nhưng liệu có thể coi nhau như người chẳng hề quen?