--> Ở Nơi Nào Có Cây Dẻ Gai - game1s.com
XtGem Forum catalog

Ở Nơi Nào Có Cây Dẻ Gai

Chương 1

Di đẩy cánh cửa, bước vào quán. Cái rét căm căm cuối tháng Giêng bám trên những ngón tay cứng đờ. Bóng đèn vàng trong những cái chụp đèn bằng mây chao đi chao lại, không gian tối trầm. Quán vắng khách, chỉ một, hai cái phản gỗ có người ngồi. Hơi nóng từ những nồi nước lẩu bốc lên bảng lảng. Di đứng phân vân giữa cánh cửa mở hé nhìn vào trong. Cảm giác chộn rộn trong lòng làm Di muốn lùi lại nhưng một người vào sau đã vô tình đẩy cô bước về phía trước. Cánh cửa đột ngột khép lại sau lưng, vừa lúc cơn gió lạnh thổi tới. Mớ tóc mới gội của Di bung ra, bay lên, kéo cái earphone rơi xuống ngực. Tiếng hát của Adele nhỏ dần: “Round my hometown, memories are fresh…” Di hít một hơi thật dài rồi vừa bước vừa gỡ mấy sợi tóc quấn lấy dây earphone, cuối cùng dùng cả bàn tay xoa chúng về hai bên mặt.

“Vẫn vén tóc kiểu ấy à?” Nam ngồi trên chiếc phản ở góc xa nhất, khoanh chân, vừa gãi cằm vừa liếc Di cười.

Ánh nhìn của mọi người đồng loạt hướng về phía Di làm cô bối rối.

Thy nhảy xuống phản, vội vàng xỏ dép rồi chạy đến bên Di: “Chị đến muộn thế! Vào đây ngồi nhanh không lạnh.”

“Làm ngay một chén cho ấm người.” Nam đẩy cái chén về phía mép bàn.

Di bỏ giày, trèo lên phản, chen vào giữa Thy và một cô gái lạ, nhanh tay tháo ba vòng khăn quàng cổ. Cô gái lịch sự mỉm cười với Di rồi đỡ lấy chiếc khăn, để lên trên túi xách của cô. Di gật đầu đáp lại. Nam chăm chú rót rượu vào chén từ một cái bầu.

“Chị ấy vừa mới đến, anh từ từ đã nào. Em gọi cho chị một ly cam nóng nhé?” Cô gái nhìn Di ân cần nhưng cô chưa dứt lời thì Di đã đưa chén rượu lên miệng, uống cạn. Di đặt chén xuống bàn, nhìn nụ cười dãn ra trên gương mặt Nam.

“Cám ơn em, chắc chị sẽ ăn thứ gì đó luôn cho ấm bụng.” Di nói mà không muốn nhìn thẳng vào đôi mắt dịu dàng với phần đầu chân mày hơi nhíu lại của cô gái, sợ nhìn thấy những thiện cảm về Di vỡ nứt ra trong đó.

Thằng Phương kéo một cái bát từ xa lại, đặt trước mặt Di. Cái áo len màu xanh nước biển hơi rộng và phần tóc mới cắt áp sát vào thái dương không khiến nó trông sáng sủa hơn, ngược lại để lộ rõ gương mặt gầy với lỗ tai trái xỏ khuyên đen.

Di ngước mắt, nắm đôi đũa gõ xuống mặt bàn, phá tan bầu không khí đã bắt đầu trở nên ngượng nghịu: “Giới thiệu đi để người ta còn ăn chứ nhỉ?” Di đưa ánh mắt một vòng rồi dừng lại chỗ Thái, nhướn mày.

Thái nhìn Di lắc đầu, tỏ vẻ chán nản. Mọi người ngay lập tức “ồ” lên vui vẻ. Bên cạnh Thái, cô bạn gái e dè níu tay người yêu, nhìn Di, nói rất ngại ngùng: “Em chào chị ạ!”

“Ai muốn biết thêm thông tin gì thì sau buổi này cứ liên lạc với anh. Bây giờ thì uống mừng đã.” Nam vừa nói vừa vung vẩy chén rượu rồi hất đầu ra hiệu với Di.

Đám bạn xôn xao nâng chén, đứa trách Thái thiên vị Nam, đứa lục túi áo nó tìm điện thoại, đứa đọc tin nhắn, đứa vỗ vai, đứa tưởng tượng, đứa bông đùa. Một góc quán náo nhiệt hẳn lên. Di ngồi lùi lại một chút nhưng vẫn cố giữ nụ cười trên môi. Điện thoại của Di để dưới gầm bàn nháy sáng. Trên màn hình là một số ẩn đang gọi. Di nhấn nút nghe. Chỉ có những tiếng lạo xạo và tiếng thở lúc xa lúc gần vọng lại. Di đặt điện thoại xuống phản, mặc cho đồng hồ cứ thế bấm giây. Bỗng nhiên cô thấy rõ từng chuyển động của dòng rượu nóng chảy trong huyết quản lạnh cứng của mình. Di kéo hai vạt áo khoác len, khẽ rùng mình. Thoáng thấy Phương liếc nhìn, Di so vai, khoanh tay lại bảo: “Mùa đông năm nay lạnh nhất trong mười năm trở lại đây đấy.”

Phương say ngất ngư, đã lâu rồi Di không thấy nó say như thế. Di nhờ Thái và Nam đưa nó về nhà. Lấy cớ không có ai trông quán vì cả nó lẫn cô đều đi từ sớm, Di tách khỏi mọi người, ra về vội vã. Kéo cái earphone lên tai, Di bước đi cắm cúi. Adele vẫn hát khan khan, trong tiếng gió ù ù, tiếng hát như vẳng ra từ một con ngõ hay góc phố ngay gần đó. Cảm giác tê cóng lan lên mí mắt, khăn quàng và tóc xõa không giữ ấm được gương mặt Di.

“Old friend, why are you so shy?

Ain’t like you to hold back or hide from the light…”

(Người bạn cũ, sao anh lại ngại ngùng?

Không giống là anh đang ngập ngừng hay lẩn tránh khỏi ánh sáng sao?)

Giờ đã khuya lắm rồi, quán chắc cũng chuẩn bị đóng cửa. Di như nhìn thấy hình ảnh cái bóng đèn treo dưới hàng hiên tầng một bên cạnh lối lên cầu thang với thứ ánh sáng vàng nhạt nhòa ngay trước mặt. Điều gì đó trong Di thúc giục bàn chân bước không ngừng, những bước chân thật dài và vội vã. Gió tạt những hạt mưa cuối mùa đông bay đầy lên mặt, lên khăn, lên cái áo len dài chấm gối. Nước mưa đọng trên những sợi len mảnh, li ti như sương. Di bước về phía trước, dùng cả bàn tay vén tóc sang hai bên mặt, ngạc nhiên vô cùng vì nước mắt trượt dài trên gò má. Trong một giây Di thấy mình như một cái vỏ cóng lạnh, trong suốt đang bước đi còn bên trong thì hoàn toàn trống rỗng.

“I remember you said

Sometimes it lasts in love

But sometime it hurts instead.”

(Em nhớ anh từng nói

Đôi khi tình yêu kéo dài yêu thương

Nhưng đôi khi nó lại bị thay thế bởi nỗi đau.)

Những hạt mưa lạnh bay xuyên qua Di…

Chương 2

“Có nhà không?”

“Có.” Di trả lời Phương rồi từ ban công bước vào nhà. Ngồi lọt thỏm trong cái nệm lười phồng căng, cô đặt điện thoại xuống đất, uống một ngụm sữa và chờ những bước chân lộp cộp của Phương trên cầu thang gỗ. Phương đẩy cửa, bước vào, mặt nó hồng lên vì lạnh, riêng đôi môi thì trắng bệch, khô rang. Di lấy chân đẩy một cái nệm khác cho nó, hất đầu về phía cái tủ ly ở đầu giường: “Nước chanh đấy, uống đi.”

Phương lắc đầu vẻ mệt mỏi, kéo cái quần jean tụt, định ngồi xuống. Di lừ mắt, hất đầu lần nữa. Nó lếch thếch đứng dậy, hậm hực nói: “Không hiểu sao tao lại rước mày về đây?”

Di cười khì khì, nhấp một ngụm sữa ấm, giả giọng ông già của Nam: “Đời còn nhiều điều không hiểu được lắm em ạ!”

Có cái gì đó lóe lên trong mắt nó rồi tắt ngúm vào tròng đen tối thẫm. Di hơi bối rối vì lỡ lời. Nó ngồi xuống, giằng lấy ly sữa trong tay Di rồi lại thả ra, vẻ thất vọng: “Tao muốn uống cà phê.”

Mỗi lần thằng Phương tìm cách lảng đi như thế Di đều thấy buồn. Nó biết là chẳng có giọt cà phê nào trong nhà Di cả. Cái triết lý đắng trước ngọt sau của cà phê Di không hâm mộ. Chẳng phải đã có quá nhiều thứ đắng mà mình buộc phải nếm rồi sao? Di không muốn tình nguyện nếm thêm một thứ khác. Không giống như rượu, đắng để say, cà phê đắng để tỉnh. Với nhiều người, tỉnh táo cũng không phải là một việc hay.

Phương uống một hơi cạn cốc nước, đặt mạnh cái cốc xuống sàn nhà rồi đứng dậy. Mỗi lần nó say, hôm sau đều đến, uống một cốc nước chanh giã rượu “báo cáo” với Di như thế rồi đứng dậy, ra về, biến mất trong hai tiếng đồng hồ và trở lại vào buổi tối, khi quán bắt đầu mở cửa. Di không bao giờ hỏi nó đi đâu cũng như nó không bao giờ hỏi Di sẽ làm gì trong hai tiếng tới.

“Thế nào mấy tuần tới ông Nam và Thy cũng qua nhiều đấy.” Phương nhìn sâu vào mắt Di, cô gật đầu. Nó ra khỏi cửa, đút tay vào túi áo, tiếng bước chân nhỏ dần. Di xoay người, bước ra ban công. Bầu trời loang lổ. Mặt trời như một vệt màu cam nhòe đi với những tia sáng cuối cùng. Dòng sông trước mặt bỗng xa vô tận. Người ta gọi nó là sông Hồng nhưng lúc này, khi bóng chiều sắp tắt, nó mang màu lục cũ kĩ như đã bị bỏ quên từ lâu lắm rồi. Phía xa xa là một cây cầu, mảnh và khô như được ghép lại bằng những mẩu than chì.

Đường phố dưới chân Di chật hẹp, nhà cửa như nêm, người qua lại ồn ào nhưng ở trên này khoảng không lại rộng mênh mông, mê mải. Ở đây không có những building chọc trời, cách một đoạn không xa chỉ có xóm bờ sông với những ngôi nhà mái bằng xam xám. Những ngõ phố nhỏ, quanh co, những ngôi nhà cũng nhỏ. Có nhà chồng lên vài tầng làm khách sạn rẻ tiền cho Tây ba lô thuê nhưng luôn vắng khách. Ba mẹ Phương để nó lại với căn nhà này, ra nước ngoài đã mười mấy năm. Lúc đầu nó nấn ná ở lại học cho xong trung học rồi nấn ná ở lại để yêu. Bây giờ Di không hiểu nó còn nấn ná để làm gì nữa.

Phương mở quán dưới tầng một, gọi là quán rượu cũng được, quán cà phê cũng được. Nhạc mở từ tám giờ tối và tắt lúc mười hai giờ khuya. Di hùn vốn với nó và kiêm luôn nhiệm vụ quản lý. Nó đi tối ngày, thi thoảng tạt qua như khách nhưng cũng có lúc chui ngay vào quầy bar pha rượu. Quán mở được hai tuần thì bỗng một ngày, nó sang nhà, mở tủ, tống quần áo của Di vào túi rồi quay ra bảo cô rằng: “Mày về kia mà ở, tầng hai bỏ trống chẳng để làm gì. Tiết kiệm đi. Trông quán để tao còn rảnh nợ đi chơi.” Lúc ấy Di đang ngồi mút kẹo và thất nghiệp.

Phòng của Di rộng chừng hai mươi lăm mét vuông, khi cô đến nó hoàn toàn trống không. Giấy dán tường cũng bong nham nhở. Sàn nhà lát gỗ tối màu. Di kê vừa một tủ ly, một kệ sách, một cái đệm, mấy cái nệm lười cho khách, một cái bàn phấn sát giường. Bếp đặt ở một góc nhỏ ngay sát cửa ra vào, sau đó đến phòng tắm, kề đó là chỗ ngủ của Di. Quần áo thì để luôn trong va li. Có những lần Thy đến ngủ qua đêm, tìm mãi không thấy chỗ treo quần áo, nó càm ràm chán chê. Di ngồi ì, ôm máy tính chịu trận. Được một lúc, nó chán, đẩy Di ra chiếm cái máy, ngồi xem các mẫu tủ quần áo mới, lẩm nhẩm kích cỡ nào cho vừa với phòng cô. Nhưng dự định của nó luôn thất bại, lần nào cửa hàng gọi điện tới, Di cũng không có nhà. Cô biết Thy giận lắm nhưng cũng chỉ được vài hôm, nó lại đến quán, nghe vài bài nhạc rồi lên nhà ôm Di ngủ, quần áo thì treo trong nhà tắm.

Di thích đứng ở ban công cho đến khi cái chuông treo ở cửa ra vào leng keng và đèn hiệu ở tầng một bật sáng. Trở vào trong nhà, tắm táp và thay đồ chừng nửa tiếng, cô xỏ giày, đi xuống dưới. Cầu thang lên tầng hai sát ngay bên quán. Thu đang lạch xạch quét thềm trước cửa. Di hay bảo Thu không cần làm như vậy, giống người ta mở quán ăn quá, nhưng lần nào nó cũng nhăn nhó: “Quán ăn cũng chẳng bẩn thế này.” Thấy Di đã xuống tới nơi, nó gom bụi và lá khô vào một góc, lau tay vào tạp dề. “Tối nay mày muốn ăn gì?”

Di nghiêng đầu nhìn vào trong quán, hỏi: “Thằng Vinh đến chưa?”

“Đang lau cốc trong kia rồi. Vinh ơi!” Thu gọi to rồi nhìn cô. “Đợi tao vào cất chổi rồi gọi nó luôn.”

Ba đứa đi bộ ra đầu đường, ngày nào cũng vậy, ăn tối cùng nhau. Hiếm khi Di nấu ăn ở nhà. Ăn cơm một mình là cực hình với cô. Khi nào buồn bực, cô mới chui vào bếp, nấu chật cứng một bàn thức ăn rồi gọi điện mời mọc từng đứa, nhẹ nhàng có, dọa dẫm có. Băm, thái, khuấy, đảo là một cách hữu hiệu để giảm stress, bởi thế Di cũng được cho là lành nghề. Những khi thằng Phương đập tay xuống nệm, kêu nhớ cơm, Di cũng hạ cố vào bếp làm cho nó nồi cá kho hay bát canh chua thịt. Nhưng phần lớn bữa cơm chiều của cô là phở rán, lòng xào Nguyễn Siêu, cơm rang dưa bò Mã Mây… hay miến ngan, cháo trứng ở gần nhà.

Thu kêu nhạt miệng, nó muốn ăn cháo trứng muối. Di và Vinh đồng ý liền. Vinh kém Di và Thu hai tuổi, vẫn là sinh viên, cao và trắng trẻo. Bị bạn gái chê công tử bột, nó quyết đi làm thêm để chứng tỏ vài điều. Từ cái lần nó vừa rụt rè gõ cửa quán xin việc vừa nơm nớp lo bị lừa vì quán gì mà vừa xa xôi vừa bé tí, đến giờ cũng đã gần hai năm. Không biết vì sao nó cần phải chứng tỏ lâu đến như vậy nhưng nó không bỏ quán và ngoan, vì thế Di chưa bao giờ cần thêm nhân viên mới.

Vinh kéo ghế cho Di ngồi, Thu đã yên vị, đút tay vào túi áo, co ro vì lạnh. Mái tóc dài ép thẳng của nó ốp sát hai bên mặt. Thu xinh xắn, gương mặt nó phảng phất nét thôn nữ dù sinh ra và lớn lên ở phố phường. Có lẽ vì thế con trai nhìn nó thấy ưa nhìn, dễ chịu, yên tâm và hài lòng. Thu thích những thứ sáng và màu sắc. Quần áo của nó đặc trưng là tím, đỏ, lóng lánh kim sa và bó chặt. Nó cao ráo, hơi gầy, vai và hông đều rộng, bởi thế khi mặc đồ bó trông càng gầy guộc. Di đấu tranh cho sự thay đổi về gu thời trang của nó một thời gian dài nhưng thất bại thảm hại. Thu thừa sắc sảo để làm một người bảo thủ.

Bát cháo được bưng ra khi cả bọn đã thấm lạnh. Thu bóc trứng rải lên trên thịt gà, trộn đều. Vinh thổi phù phù, còn Di ăn chậm chạp. Cô vẫn có cảm giác bên trong mình trống rỗng.

“Hôm nay lạnh thế này, chắc chẳng đông đâu chị nhỉ? Người ta ngại ra đường.” Vinh vừa đưa thìa cháo lên miệng vừa hỏi Di.

“Càng lạnh thì lại càng đông khách.” Thu ngẩng lên trả lời thay Di rồi nháy mắt với cô vẻ tinh nghịch.

“Càng lạnh thì càng dễ thấy cô đơn mà.” Di và Thu nhìn nhau, phá lên cười.

Vinh nhấp một ngụm trà nóng.

“Cô đơn vui lắm hay sao mà hai bà lại cười?”

“Bỏ bạn gái là biết ngay ấy mà.” Thu sặc trà ho sặc sụa.

Di vỗ nhẹ lưng nó: “Nó bỏ bạn gái thì chỉ là cô đơn tạm thời thôi, về bản chất thì không giống mình được đâu bà ạ!”

Di và Thu nhấm nháy trêu Vinh, thằng bé lắc đầu, nụ cười nhẹ như khói rồi cắm mặt vào bát cháo. Đột nhiên điện thoại của Di rung lên bần bật, phát ra những tiếng rù rù.

Di thò tay vào túi áo, rút điện thoại ra. Màn hình hiện số ẩn, cô ngước lên nhìn Thu lần nữa. Thu đặt ly trà xuống bàn. “Nghe đi”, nó nói.

Di không trả lời.

“Nghe đi!” Thu nhẫn nại lặp lại.

Di bấm nút nghe rồi trân trân nhìn màn hình.

Không có một tiếng động nào phát ra mặc dù đồng hồ điện thoại vẫn bấm giây.

Cô thấy tiếng thở của mình trắng như khói, phả vào màn hình.

Thu vỗ vai Di rồi cúi mặt khẽ thở dài. Di nhìn bát cháo còn hơn nửa, những sợi khói mỏng manh cuối cùng đang bay lên rồi gác thìa sang bên cạnh bát.

Chương 3

Cô gái ở căn nhà đối diện lại ôm chăn ra ban công ngồi. Vũ có thể đoán được như vậy bởi mùi thịt nướng đã bay tới, mùi của sả, hành lá và những giọt dầu hào rớt trên vỉ nướng bắt đầu cháy khét. Có lẽ thứ mùi đó đã đánh thức Vũ dậy. Vũ mở mắt, nhìn đồng hồ. Đã hơn hai giờ sáng. Trời trở rét, gió thổi ù ù ngoài ban công, đầu Vũ ê buốt vì thiếu ngủ. Không biết trong một ngày lạnh thế này, người ta làm gì ngoài ban công nhỉ? Vũ vơ lấy bao thuốc, bước ra ban công. Ở phía đối diện, cô gái quàng một cái khăn len xanh kín cổ, bên ngoài trùm chăn bông, ngồi thu lu, tư lự với chai bia trên tay. Cái vỉ nướng điện được nối dây từ trong nhà ra vẫn đang bốc khói nghi ngút. Cô gái giấu kín gương mặt trong chiếc khăn, mấy sợi tóc thoát ra được bay phất phơ trong gió. Thi thoảng cô đưa chai bia lên miệng nhấp một ngụm, đôi mắt nhìn vào bầu trời đêm không lay động.

Vũ thường không nhìn cô, chỉ cảm nhận sự có mặt của cô qua mùi của những xiên thịt nướng lúc nửa đêm khi đang nằm trên giường ngủ. Anh chưa bao giờ nhìn thấy gương mặt cô hay hình dáng cô lúc ban ngày. Ở hai căn phòng với hai cái ban công cách nhau bằng chiều ngang của con ngõ không rộng lắm nhưng họ chưa bao giờ nhìn thấy nhau. Ngay cả lúc này đây, khi Vũ đang lặng lẽ quan sát cô với điếu thuốc thứ hai đã tàn lụi trên tay, dường như cô vẫn không hay biết. Trong cái lạnh se sắt của thành phố này, mùi hương của lửa, của khói và sự ấm nóng thân thuộc bỗng khiến anh cảm thấy dễ chịu…

Vũ là thầy dạy nấu ăn kiêm bếp phó tạm thời cho một khách sạn nhỏ chuyên dạy khách Tây cách nấu món Việt trong khu phố cổ. Chương trình học nấu nướng này là một phần của tour du lịch Hà Nội mà khách sạn hay tổ chức cho khách nước ngoài. Đôi khi Vũ còn dẫn khách đi chợ Việt Nam, hướng dẫn họ chọn hàng, mặc cả và ăn vặt quanh chợ. Hầu như ai cũng vô cùng thích thú. Mỗi ngày, Vũ thường đứng lớp hai ca. Nhờ vốn ngoại ngữ phong phú, Vũ là thầy giáo được ưa thích nhất ở đây.

Chủ khách sạn là một ông già người Việt đã ngoài sáu mươi. Tiền thân của khách sạn là một nhà hàng chuyên bán món Việt được mở từ những năm 50 thế kỷ trước, nổi tiếng với món chim bồ câu quay, đến nỗi cứ tới năm giờ chiều, các bàn ăn lại chật cứng thực khách cả Tây lẫn ta với những cái đùi chim vàng óng, bóng mỡ trên tay. Vũ không có nhiệm vụ gì với món gia truyền đó, cho nên cứ đến bốn rưỡi chiều, sau khi dẫn khách đi chợ về là Vũ yên tâm nhảy lên con Chaly cúc cu ông chủ cho mượn, dựng ngoài vỉa hè với xấp giấy thông báo để sẵn ở giỏ xe, phóng đi khắp nơi.

Dù đã đi khắp chốn ở đất này, đối mặt với hầu hết các cột điện ở thủ đô nhưng lúc nào Vũ cũng có cảm giác xa lạ. Đường phố chật như nêm nhưng không có người nào Vũ quen. Giờ đây, mỗi lần dừng xe trước một cái cột điện, định dán tờ thông báo mới thì phát hiện ra ở đó đã có sẵn một tờ tự bao giờ, Vũ cũng nhớ tới ngày đầu tiên anh đến đây. Hình ảnh cô gái với mái tóc thẳng cắt bằng hơi nghiêng đầu, cười hồn nhiên trên những tờ thông báo đã mờ. Góc giấy có in số điện thoại của Vũ nằm bên dưới thường bị bong ra, bay lật phật. Gương mặt cô gái trên tờ thông báo đó và mùi khói nồng nồng, khen khét ở ban công nhà hàng xóm là hai thứ duy nhất ở thành phố này có chút liên hệ với anh, khiến anh thấy ấm áp và gần gũi.

Chương 4

Vẫn là số ẩn đang gọi và đoạn nhạc chuông đơn sắc của Di vang lên tẻ nhạt. Ngoại ô lùi lại phía sau lưng Di, một ngày qua đi thật vội. Di ngả người trên ghế taxi, cắm earphone vào điện thoại rồi bấm nút trả lời. Đường phố thay cho cảnh đồng quê đang loang loáng lướt qua bên cửa sổ. Phía bên kia đầu dây im lặng, chỉ thỉnh thoảng vọng lại vài âm thanh lạo xạo và tiếng thở nhè nhẹ khi xa khi gần. Bác tài tế nhị vặn nhỏ nhạc. Di ngả đầu vào cửa sổ, đặt máy ảnh sang bên cạnh. Thành phố về đêm thật khác lạ, giống như cô thiếu nữ lao động mới vui sướng khoác lên mình cái áo đắt tiền để dành trong tủ vậy, để rồi hôm sau, trong ánh sáng ban ngày lại trở về vẻ cần cù, nhẫn nại, bươn chải và vất vả đến tội nghiệp. Mỗi đêm giống như một giấc mơ. Con người trong thành phố này cũng sống cùng giấc mơ đó. Những con đường Di đi qua, người ta cười với nhau, nói với nhau, dịu dàng với nhau trong những cái chạm tay, những cái ôm, những ánh nhìn. Khi thành phố sáng đèn lung linh, dường như không có ai là kẻ lạc loài. Tiếng thở ở đầu máy bên kia đều đặn hơn, hòa lẫn trong tiếng radio rè rè:

“Is your heart filled with pain, shall I comeback again?

Tell me dear, are you lonesome tonight?”

(Trái tim em đong đầy nỗi đau, anh có thể quay về?

Hãy nói cho anh biết, đêm nay em có thấy cô đơn?)

Di muốn mở cửa để những cơn gió rét mướt ngoài kia làm cho cô tỉnh giấc.

Di về đến quán, tiếng nhạc khá nhộn, chắc giờ này khách đã đông. Cô hít đầy lồng ngực một hơi lạnh lẽo rồi bước vào. Cả những bàn gần lối ra cũng đã chật kín người. Di len qua đám đông vội vã, đập tay với ai đó, gật đầu với một người khác, nhận cái vỗ vai từ cô bạn quen. Vinh và Thu đang tất bật ở quầy bar, Vinh pha nước và Thu chạy bàn. Thằng Phương bê một đống ly len vào đám đông gần đó rồi quay lại. Nó ngồi xuống ghế, bên cạnh một thằng bé. Thằng bé mặc mỗi cái cardigan màu xanh nước biển mỏng manh bên ngoài áo chemise trắng cài kín cổ, gương mặt bầu bĩnh. Nhìn gương mặt đó, Di đoán nó chắc chỉ mới hai mươi. Phương châm thuốc hút, choàng tay qua vai thằng bé rồi nheo mắt vẫy Di lại. Phương hất đầu về phía bên phải, Nam và Thy đang ngồi đó. Thấy Di, Thy cười tươi rói, Nam đập đập tay vào cái ghế bên cạnh: “Đi đâu đấy? Làm hai đứa anh đợi mãi.”

“Vậy à?” Câu hỏi của Di bật ra, lạnh cóng và khô khốc.

Di cười gượng: “Mọi người uống đi, em vào lấy thêm chai nước lọc, khát quá”, rồi quay người đi vội vã.

Nam hơn Di nhiều tuổi nhưng ít khi cô dùng ngôi nhân xưng khi nói chuyện. Anh là anh mà cũng là bạn, thân thiết mà cũng xa xôi. Anh biết Di khi anh đã đủ lớn để mở lòng mà không dốc tất cả cho ai hết. Những điều mà Di không biết về anh tạo thành một khoảng cách vô hình nhưng hợp lý giữa hai người bạn. Di biết là anh luôn quan sát, nửa như xét đoán, nửa như quan tâm đủ để Di lo sợ anh sẽ nhận ra câu trả lời của cô hôm nay lạnh và khô hơn thường lệ.

Cô ca sĩ người Philippines nhỏ bé nhưng rắn rỏi với nước da ngăm ngăm vừa cất giọng giới thiệu đã lập tức nhận được tràng pháo tay hưởng ứng của mọi người. Lần đầu tiên nghe Kimora hát What’s Up, Di cảm thấy rất khó chịu. Không phải là âm điệu mạnh mẽ muốn vùng vẫy, muốn vượt thoát như thường thấy mà là sự cùng quẫn trong bế tắc. Nghe xong, có lẽ người lạc quan nhất cũng thấy tuyệt vọng. Nghe đến lần thứ bao nhiêu đó Di mới nhận ra rằng, Kimora không nhập thân vào bài hát mà bài hát này nhập thân vào cô. Qua khóe môi mỏng và đôi mắt buồn vô hạn kia, lời bài hát chảy tan ra như một dòng âm thanh mảnh sắc lạnh.

“Twenty-five years I’m alive here still

Trying to get up that great big hill of hope

For a destination.”

(Hai mươi lăm năm và cuộc đời tôi vẫn tiếp tục

Cố gắng vực dậy niềm hy vọng lớn lao

Cho một dự định.)

Di có một thói quen nho nhỏ, khi câu hát đầu tiên kết thúc, cô lại lần theo ánh mắt của Kimora để tìm chỗ thằng Phương đang đứng. Nó cũng nhìn trân trân lên sân khấu, cái kiểu nhìn thẳng như xuyên qua người khác vô cùng khó chịu rồi đặt ly xuống bàn, khoác vai thằng bé đang đứng cạnh. Di cúi xuống, uống một hớp nước lọc qua làn môi khô rang.

Trên sân khấu, bài hát đã đến phần điệp khúc, tiếng hát của Kimora đúng là “scream at the top of her lungs”[1'>. Đám đông “ồ” lên hưởng ứng. Thy đòi uống rượu. Cả bọn đều ngăn bởi nó không uống được mấy. Trong đám bạn, nó nhỏ tuổi nhất, nồng nhiệt và rất xinh đẹp. Xinh đẹp chứ không phải xinh xắn. Chỉ cần nó xõa mái tóc, đứng dựa lưng vào thành ghế là không ai qua bàn Di không phải liếc nhìn. Vì sự nhiệt tình và thật lòng thái quá của nó, cả bọn ra lệnh cấm nó uống rượu khi không có mặt đứa nào trong nhóm. Chỉ cần quá bốn ly, nó sẽ ngủ gục trên tay người đối diện và tỉnh lại tám tiếng sau đó mà chẳng nhớ gì.

Thy quàng vai Di, nhòm vào ly rượu rồi cười hớn hở: “Lâu lắm mới thấy chị chịu uống quá hai ly, hôm nay em vui lắm, sẽ uống năm ly.”

Di lắc đầu nguầy nguậy, đẩy cho nó chai nước lọc: “Biết chị ghét con gái say thế nào không?”

Thy gật đầu nhưng vẫn cười tít mắt: “Chị yên tâm.”

Về khuya, quán vắng dần, đường phố tắt đèn, người ta vội vã về nhà để chuẩn bị cho sự tỉnh giấc sáng ngày mai, khi bắt đầu một tuần làm việc mới. Thy đã ngủ yên trên sofa chỗ gần quầy bar. Di và Thu tiễn Nam ra tận cửa.

Phương khoác vai thằng bé của nó, bước xuống thềm, nhìn Di. “Tao về luôn đây, hai đứa dọn nốt với thằng Vinh nhé, mai tao bù.”

Nó không quay đầu lại nhưng giơ tay trái lên quá đầu, vẫy: “Ngủ sớm đi.”

Di nhìn theo cái dáng mệt mỏi của nó hồi lâu. Câu nói của Phương như còn vang vang trong không gian im ắng và những cảm xúc kỳ lạ trong lòng bỗng làm Di thấy dạ dày quặn lên, một cảm giác nôn nao, xây xẩm rất lạ. Còn vài tiếng nữa là trời sáng…

Thu giúp Di đỡ Thy lên gác, con bé hồn nhiên thở đều đều, gương mặt nóng bừng dựa vào vai cô. Ngay khi đặt lưng xuống đệm, nó quờ tay ôm hết chăn vào lòng. Thu chỉnh lại gối chăn cho nó. Di mở tủ lạnh lấy ra mấy xiên thịt ướp sẵn, bỏ vào đĩa rồi ngồi bệt, lui cui cắm cái bếp nướng bằng điện. Thu lúi cúi tìm gì đó trong tủ bếp. Lúc Di ngẩng lên thì nó đặt hai cái cốc thủy tinh xuống sàn, tay đang ôm chai Jack chỉ còn một nửa. Nó rót ra hai cái cốc. Mùi thịt nướng bốc lên xèo xèo. Di cầm cốc, định đưa lên miệng thì nó ngăn lại, mở tủ lạnh, lấy một lon tonic, mở ra và đổ vào hai cốc. Hai đứa chạm cốc. Nó uống xong, nhìn Di một lát rồi đặt cốc xuống, phủi quần đứng dậy.

Thấy Di có vẻ ngạc nhiên, nó hất đầu về phía chai rượu: “Tao cũng quen uống Jack với tonic mất rồi, nếu mày thấy chưa đủ thì cứ tự nhiên, tao phải về, thằng Vinh đang đợi.”

“Mày ngủ ở đây cũng được mà, đằng nào cũng muộn rồi, ăn nữa chứ.” Di chỉ mấy xiên thịt nướng.

Thu nhìn cô, cười thành tiếng rồi cúi người lấy một xiên thịt. “Cái này cho thằng Vinh, mày ghét con gái say mà, tao cũng ghét. Chắc phải đến sáng cái Thy mới tỉnh?” Nói xong, nó quay người đi thẳng, tiếng bước chân nhịp nhàng trên cầu thang gỗ.

Di nhìn Thy ngủ say rồi ngước ra ngoài trời, nếu không có ban công nhà đối diện thì tầm nhìn của cô sẽ rộng hơn rất nhiều. Màn đêm tối thẫm, thứ ánh sáng duy nhất Di thấy rõ là ánh đèn vàng sau lưng Di hắt trong cốc rượu. Không biết bằng cách nào Thu tìm thấy chai rượu cô đã giấu kín trong kẹt tủ, dưới ba lớp hộp carton. Di sợ cảm giác nóng bừng trong cơn say, bởi khi đó tất cả những ngóc ngách nhỏ nhất của ký ức bỗng sống dậy. Như một lần ra khỏi quán cà phê quen hình như có bà bán bánh mì đạp xe qua chầm chậm, hay khi đang đứng đối diện ở đầu ngõ, trên vai áo anh có một chiếc lá me… Và cứ như vậy, cả đêm dài là một cuốn phim vỡ nát, không có câu chuyện, chỉ có các hình ảnh cứ vụt qua trước mặt dù mắt đang nhắm chặt. Đến khi có thể mở bừng mắt ra thì trời đã sáng, cơn đau đầu khủng khiếp khiến cô không thể ra khỏi giường. Khoảng thời gian nằm im lặng với cái cổ họng khô rát đó ám ảnh cô.

Di mở tủ, lôi ra vài chai bia. Cái cô cần là một cái gì đó thật lạnh để tỉnh táo lúc này và để mơ hồ sau đó, đủ để bản thân chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Cô buông mớ tóc đang búi chặt, với đại lấy một cái khăn, quàng lên cổ. Mấy xiên thịt trên bếp đã sém mất một góc. Cô trở chúng, mùi khói ấm nồng lên, len vào khăn và tóc.

Đột nhiên đèn nhà đối diện bật sáng, ai đó giờ này mới trở về. Nghĩ cũng lạ, cô đã chuyển về đây gần một năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy ánh đèn nhà đối diện, không hiểu ai sống ở đó, bao nhiêu tuổi, già hay trẻ, làm nghề gì. Cuộc sống cũng chẳng đến mức hối hả, chỉ có điều người ta dửng dưng. Khoảng trời trước mắt cô đã bắt đầu trở nên mơ hồ thì có tiếng lạch cạch phía sau lưng.

Thy đã ngồi dậy, dụi mắt, giọng ngai ngái: “Em đói.” Không kịp để Di trả lời, nó bò bằng đầu gối đến bên cạnh cô. Di đưa cho nó một xiên thịt nướng, nó ăn ngon lành rồi chui vào chăn, dựa vào vai cô vẻ lơ đễnh.

“Sao chị không uống cái này?” Thy chỉ cốc rượu đang uống dở của Di.

“Em chưa tỉnh hẳn đâu, vào trong cho đỡ lạnh.” Di kéo cánh tay Thy xuống. Đột nhiên con bé khóc trên vai cô, những giọt nước mắt nóng như rượu mạnh tràn qua cuống họng. Có lẽ sự thực là nó đã tỉnh lại làm nó đau lòng. Kế hoạch chuốc say Di diễn ra đến cả năm trời nhưng chưa bao giờ khiến nó thất vọng đến bật khóc cả.

“Mọi người đều mong chị có thể bỏ đi đâu đó vài ngày, say xỉn một trận hay đóng cửa sáu tháng ở nhà như anh Phương.”

Di gật đầu, đưa tay ngăn Thy lại và xoa xoa vai nó trấn an: “Kể cho chị nghe chuyện của em.”

“Chị biết có bao nhiêu người nói yêu em không?” Giọng Thy chùng xuống, tiếng của nó nhỏ đến nỗi Di không biết mình có nghe chính xác không.

Di lắc đầu nhè nhẹ.

“Năm người.” Thy giơ cả bàn tay lên.

“Thế chị có biết bao nhiêu người thật lòng không?”

Di lại lắc đầu.

“Không ai cả.” Thy thu tay lại rồi buông thõng.

“Người ta nghĩ đến em chỉ vì em dễ nhìn, nếu ngồi cạnh trong quán cà phê hay chở đi trên phố thì chắc là trông cũng được. Được cho đến khi nào có một người khác dễ nhìn hơn.” Thy thở nhè nhẹ, giọng ngai ngái. Di cảm thấy người nó đè lên cánh tay cô nặng hơn.

“Có một người rất thật lòng.” Di choàng tay ra phía sau ôm lấy nó.

“Ai vậy chị?” Thy thì thầm.

“Em.”

Thy dựa hẳn vào người Di, thiếp đi. Di cúi xuống nhìn cốc rượu của mình, ánh đèn vàng khiến khối dung dịch óng lên màu hổ phách.

Chương 5

Vũ loạng choạng bước đi trong ngõ, đôi giày Ý hàng hiệu phát ra những tiếng lộp cộp liên hồi, hai thái dương nhức nhối. Những bước chân đan vào nhau khiến cho vệt bóng nơi mũi giày loang qua loang lại như pháo hoa trước mắt. Trước mắt Vũ nhòe nhoẹt hình ảnh của thằng Phong, thằng bạn duy nhất không phản đối câu chuyện điên rồ mà anh đang theo đuổi, hai tay bê đôi giày đặt trước mặt anh.

“Đi gặp người ta thì nên tươm tất một chút.” Nó kéo lại cái áo sơ mi cho Vũ trong lúc anh cười và ngắm mình trong gương.

Rồi hình ảnh đứa trẻ con chừng ba tuổi đứng trong cửa sổ nói với Vũ rằng mẹ nó đi chợ chưa về. Đôi má nó ửng đỏ vì nẻ, hai cánh tay nhoài ra ngoài song cửa sổ đang cầm hai thứ đồ chơi bằng nhựa. Miệng nó phát ra tiếng chíu chíu liên hồi.

Những bậc cầu thang chông chênh, chao đảo trong ánh sáng vàng vọt. Cánh cửa phòng Vũ bật mở, chùm chìa khóa rơi xuống tấm thảm ở cửa ra vào. Cả người Vũ đổ xuống giường, mọi thứ trong đầu căng ra, trước mắt anh mờ mịt. Anh vùi đầu vào gối, bịt chặt tai để ngăn những tiếng vo vo đang vang lên không ngừng. Bỗng dưng trong màn đêm tĩnh lặng, những tiếng hát chói lói từ đâu vọng lại, bài Kìa con bướm vàng. Xen lẫn tiếng hát đứt gãy là tiếng ợ hơi và mùi thịt nướng cháy khét. Vũ hét lên bực bội: “Im đi!”

Tiếng hát theo bước chân người bước vào nhà nhỏ dần rồi lại váng lên: “Kìa con bướm vàng… xòe đôi cánh.” Vũ kéo chăn qua cái gối, vùi đầu vào đó. Tiếng hát mỗi lúc một to, cả tiếng nấc, tiếng leng keng của thủy tinh cũng vậy. Vũ bật dậy khỏi giường, dò dẫm bước ra ban công. Ánh đèn phía đối diện vẫn lấp loáng trong sương đêm.Vũ hét lên lần nữa: “Im ngay!” Trả lời anh vẫn là tiếng hát sắp khản đặc. Vũ giẫm lên chân mình suýt ngã, một vệt bùn liếm ngang chiếc giày. Bực bội, anh rút chiếc giày đó ra, nhằm thẳng hướng ban công bên cạnh ném mạnh. Một tiếng choang và hàng loạt âm thanh loảng xoảng vang lên, tiếng hát tắt ngấm. Vũ cười sung sướng, ngây dại rồi vấp vểnh trở lại giường. Ngay khi anh vừa đặt lưng xuống, tiếng hát chói lói lại vang lên lần nữa.

Vũ choàng tỉnh vào ngày hôm sau, khi ánh nắng nhàn nhạt của buổi trưa cuối mùa giá lạnh rọi vào mắt anh. Anh khó nhọc ngồi dậy, ôm đầu, mồ hôi lạnh ướt đầm lưng áo chemise màu hồng phấn. Anh nhìn lại trang phục, vẫn nguyên xi tối hôm trước. Chỉ có điều, anh chỉ còn xỏ một chiếc giày. Vũ gỡ nốt chiếc giày đó ra, để ngay trước mặt rồi khua tay vào gầm giường tìm chiếc còn lại. Sự trống rỗng của khoảng không bên dưới giường khiến Vũ giật mình bừng tỉnh.

“Đôi giày ba ngàn đô”, Vũ lẩm bẩm. Anh bật dậy, chạy khắp nhà tìm kiếm, thậm chí lật cả nắp lavabo, nhìn vào trong nhưng vẫn không thấy tung tích chiếc giày kia đâu.

Vũ tự nhủ không nên hốt hoảng, anh đem bao thuốc ra ban công, đứng hút để trấn tĩnh. Ngay khi làn khói mỏng bay lên, anh nhớ tới cô gái lạ và mùi thịt nướng, rồi tiếng hát, tiếng ợ hơi, tiếng thủy tinh va vào nhau leng keng, tiếng chiếc giày từ bàn tay anh bay vút lên không trung và hạ cánh ồn ào bên ban công nhà hàng xóm. Trong một giây, tất cả hình ảnh của đêm hôm trước hiện về. Anh sững người khi nhớ lại.

Vũ lẩm

nhẩm ôn lại những câu xin lỗi trong đầu khi bước chân lên cầu thang nhà đối diện.

“Xin lỗi cô, hôm qua tôi có quá chén!” Nghe quê mùa quá nhỉ? Hay là: “Xin lỗi chị, hôm qua tôi quá chén!” Không được, không được! Phụ nữ thích được là em. Vậy thì: “Xin lỗi em, hôm qua anh quá chén” và mỉm cười. Vũ gật gù ưng ý với phương án cuối cùng. Anh hít một hơi trấn tĩnh rồi gõ cửa. Một hồi lâu không thấy động tĩnh gì, Vũ định gõ thêm lần nữa thì có tiếng bước chân vội vàng bướ

bước về phía cửa. Vũ nặn một nụ cười: “Xin lỗi…” Cánh cửa bật mở, một anh chàng cao lớn hiện ra, cởi trần, người ướt nhẹp như đang tắm dở. Thân hình anh ta không lực lưỡng nhưng săn chắc. Gương mặt đẹp với những đường nét xương xương, bên tai trái đeo cái khuyên nhỏ màu đen và quan trọng hơn cả, gương mặt đó đang tỏ vẻ vô cùng khó chịu.

Có thể là do mình đã cắt ngang chuyện gì đó. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Vũ.

“Anh tìm ai?” Anh chàng nhăn mặt.

Vũ nở một nụ cười. “Xin lỗi anh vì tôi đã cắt ngang, nhân tiện tôi cũng xin lỗi luôn chuyện hôm qua quá chén, tôi có ném một chiếc giày sang đây, liệu tôi có thể…?” Sau câu nói đó, chắc gã thanh niên sẽ túm cổ áo Vũ, gằn giọng: “Mày muốn gì?”

“Anh tìm ai?” Anh chàng xỏ khuyên đen lại hỏi, kéo Vũ ra khỏi dòng suy nghĩ.

Vũ giật mình : “Tôi xin lỗi, tôi… nhầm nhà.” Vũ mỉm cười vội vàng rồi quay người đi thẳng. Trời đất ơi, con gái thời nay, say rượu, hát hò lúc nửa đêm với một thằng con trai cởi trần. Vũ thở dài ngao ngán nghĩ đến mình. Trời đất ơi, con trai thời nay say rượu lúc nửa đêm và ném đôi giày ba ngàn đô ra cửa sổ. Anh lo lắng khi tưởng tượng ra gương mặt méo mó của thằng Phong công tử khi nhìn thấy chiếc giày còn sót lại của đôi giày Ý hàng thủ công của nó. Nhưng có lẽ nên đợi đến lúc cô ta ở nhà một mình, tối nay chẳng hạn, Vũ nghĩ như vậy sẽ tránh được những va chạm không cần thiết.

Chương 6

Thy hét toáng lên trong nhà tắm: “Ai thế anh? Nhanh lên, em sắp tuột tay rồi.”

“Nhầm nhà.” Phương cáu kỉnh chạy vội vào trong. Cái áo len ướt nhẹp của nó nằm trên sàn. Thy đang bịt chặt ống nước bằng cái giẻ lau. Phương nắm lấy cái vòi nước mới, ra hiệu cho Thy thả tay ra, cạu cọ: “Sáng mùa đông mà bắt tôi tắm nước lạnh thế này đây, có hai đứa con gái thôi mà nhà cửa tanh bành.”

Di vừa đậy vung nồi canh trên bếp vừa nói: “Mùa xuân rồi ông ạ, nắng sắp ấm, trời sắp xanh rồi. Làm nhanh lên còn ra ăn cơm, canh sườn khoai tây của ông được rồi đây này.”

Phương lầm bầm trong miệng vẻ khó chịu: “Suốt ngày canh sườn khoai tây, tao muốn ăn canh khoai sọ.”

Di nhìn nó, lắc đầu cười buồn. Quên một người đâu cần phải quên luôn món canh mà mình thích chứ.

Thy kéo cái bàn thấp ở góc nhà ra, sắp xếp bát đũa. Di lấy trong va li ra một cái khăn bông quẳng cho thằng Phương. Nó vừa lau đầu vừa nhìn bát canh khoai tây bốc khói trên bàn. Ba người ngồi quây lại với nhau. Thằng Phương ngoáy ngoáy cái muôi trong bát canh, múc cho Di và Thy trước. “Uống canh nóng đi cho giã rượu.” Thy vui vẻ bưng bát lên thổi phù phù. Di múc canh vào bát Phương, nó không phản đối. Khoai tây và cà rốt không để miếng to mà thái hạt lựu, trên mặt bát canh là rau mùi thái nhỏ. Sườn đã ninh đến mềm nhừ. Di đợi nó đưa bát canh lên miệng húp soạp một cái, đợi thấy nó la hoảng lên: “Nóng quá!” rồi với cốc nước bên cạnh tu một hơi. Cuối cùng nó sẽ nhìn người nấu canh cười thật tươi và chìa bát xin thêm. Nhưng thằng Phương ăn chậm chạp, nó xúc từng thìa, không ăn hết phần canh của mình.

“Sao anh lại bỏ mứa thế kia?” Thy gõ gõ vào bát Phương.

“Ăn nhanh đi rồi còn về, biết mấy giờ rồi không hả? Định trốn học đấy à?” Di đẩy đĩa thịt viên về phía Thy, con bé rụt cổ cười: “Xong ngay rồi đây ạ! Bạn ở cùng em chắc lo lắm, hôm qua em không gọi điện về”, rồi xúc một thìa cơm to.

Di quay sang Phương: “Tối nay tao trông quán cho, mày đi đâu thì đi nhưng ngày mai đến lượt mày đấy vì mai tao đi chụp xa rồi.” Thằng Phương gật gù: “Lại ảnh cưới à?” Di gật đầu.

Thằng Phương vẫn cho là Di làm cái nghề cám cảnh, suốt ngày chơi trò cô dâu với chủ rể giả vờ hôn nhau. Nó không đồng tình với việc chụp ảnh cưới trên đồi, trên biển, trong bách thảo hay bờ đê bởi những chỗ ấy chẳng liên quan gì đến tình yêu cả. Nếu có phải chụp một bộ thì nó sẽ yêu cầu Di chụp ở ngay trong nhà này chẳng hạn, cô dâu nấu canh và chú rể húp, chụp ở gốc cây chỗ chú rể thường đứng đợi cô dâu đến mọc cả rễ ra hay chụp ở bể bơi, cô dâu mặc bikini, đeo voan trắng còn chú rể mặc quần bơi, đeo cà vạt… Đó là những chỗ gắn liền với tình yêu bọ xít của nó, với nó như thế mới có ý nghĩa. Di nhăn mặt phản bác, nếu thật sự có một bộ ảnh cưới như vậy trưng ở cổng chào cho quan khách xem trước khi vào dự tiệc thì chắc trăm phần trăm cỗ cưới sẽ ế to vì người ta cười no bụng mất rồi. Mới đó mà từ cuộc tranh cãi của Di với nó tới giờ cũng đã hai năm, hai năm nó bỏ rơi món canh cà rốt, khoai tây ninh sườn.

Chương 7

Thằng Phong lại gọi điện. Chắc nó tò mò về cuộc gặp tối qua. Vũ không muốn nhắc đến chuyện đó và càng không muốn nhắc đến chiếc giày nên nhấn nút im lặng, mặc kệ cái điện thoại rung trong túi quần. Hôm nay, Vũ có lớp đột xuất buổi tối, dọn dẹp xong cũng đã hơn mười một giờ. Vũ định bụng về nhà tắm rửa một chút rồi mới sang gặp cô hàng xóm xin giày nhưng sợ cô ta ngủ sớm nên đánh liều sang luôn. Vừa mới giậm bước định lên cầu thang thì anh chàng phục vụ đang đứng hút thuốc gần đó ngẩng lên hỏi: “Anh đi đâu đấy?” “Tôi tìm chủ nhà.” Vũ chỉ tay lên gác.

Anh chàng phục vụ hất đầu về phía cửa quán: “Chủ nhà ở trong đây cơ mà, chủ nhà làm việc ở đây luôn.” Vũ gật đầu cám ơn rồi e dè bước vào quán. Quán không đông lắm, cũng không có nhiều bàn. Gần sát quầy bar kê một bộ sofa lớn, nhìn không hợp cảnh lắm nhưng lại có vẻ ấm cúng. Trên sân khấu, cô ca sĩ da màu đang hát một bài từ những năm 80 thì phải. Trong quán, chỉ có một người phục vụ đang thoăn thoắt đi lại giữa các bàn. Ánh sáng ở nơi ngồi của khách tối hơn hẳn sân khấu, chắc để người ta dễ tập trung, vì thế Vũ không nhìn rõ mặt cô phục vụ lắm. Anh bước lại gần phía quầy bar đợi cô.

“Nếu anh đi một mình, anh có thể ngồi đây.” Ai đó đột ngột lên tiếng. Trên bộ sofa nỉ màu xanh rêu nhạt, cô gái cất giọng khàn khàn rồi quay lại ôm khư khư quyển sách, không đợi Vũ trả lời. Anh ngồi xuống cái ghế đơn, còn cô gái duỗi thẳng chân trên cái ghế dài. Cô khẽ tựa đầu vào thành ghế. Trên tường có một cái đèn nhỏ hình như dành riêng cho việc đọc sách được bật sáng. Cô gái chừng hai mươi tư, hai mươi lăm tuổi, không cao lớn lắm nhưng nhìn khỏe mạnh. Mái tóc cô được bện lỏng lẻo lệch sang một bên, cái áo phao đen vắt trên thành ghế, cô chỉ mặc chiếc chemise kẻ mỏng manh bên ngoài áo phông. Cô đắp một miếng chăn đơn mỏng, loại bằng len sợi hay để trên sofa. Miếng chăn che đến ngang đầu gối cái quần jean rách.

“Cô…” Vũ khẽ khàng lên tiếng nhưng cô gái không có phản ứng gì. Cô có vẻ đang chăm chú vào cuốn sách, khóe miệng bên trái mím lại. Cô với tay sang bên cạnh lấy chai nước lọc. Vũ thở dài, quay lại thì cô phục vụ đã đứng ngay trước mặt. “Anh dùng gì ạ?” Cô ta hỏi.

Vũ bị bất ngờ nên hơi lắp bắp: “À, tôi… ờ… ở bên nhà bên kia.” Cô ta nhìn anh vẻ khó hiểu, chân mày trên đôi mắt to sắc sảo hơi nhướn lên vẻ nhẫn nại. Thân hình gầy guộc của cô cúi về phía trước, trên tay vẫn lăm lăm cây bút và xấp giấy ghi đồ uống.

“Tôi xin lỗi, đêm qua tôi quá chén, có ném một chiếc giày sang đây, cô có…”

Cô gái ngắt lời Vũ, giọng bình tĩnh: “Tôi không thấy, anh dùng gì ạ?”

Vũ nuốt nước bọt, khua chân tay miêu tả: “Đôi giày da còn rất mới, là loại giày buộc dây, tôi có lỡ tay ném sang bên này.”

Cô gái lộ vẻ sốt ruột: “Nếu anh sang tìm giày thì không có đâu ạ, vừa nãy tôi cũng quét dọn nhưng không thấy, xin lỗi anh, tôi đang bận lắm.”

Cô phục vụ quay người bước về phía quầy bar, bỏ Vũ ngồi ngay đơ trên ghế. Cô gái đang đọc sách có vẻ đã dừng lại, nhìn anh không chớp mắt. Anh thấy mặt mình nóng bừng, có thể cô ta đã hiểu lầm là anh kiếm cớ sang đây làm quen với cô phục vụ. Rõ ràng anh đã ném chiếc giày sang, còn có tiếng “choang” phụ họa. Không lẽ nào vì quá bực mình với anh mà cô ta làm lơ luôn? Vũ nhìn về phía quầy bar, cô phục vụ dường như đã quên phắt sự có mặt của anh, đang một tay lắc bình, một tay bỏ đá vào trong cái ly vẻ vội vã. Gương mặt cô ta lúc nãy cũng không có vẻ gì là nói dối cả. Vũ thấy băn khoăn vô cùng, tần ngần đứng dậy. Cô gái ngồi trên sofa cũng đã quay lại với quyển sách của mình. Lủi thủi, Vũ ra về.

Chương 8

Di nhìn theo cái dáng thẩn thơ của anh chàng ném giày cho đến khi anh ta đóng cửa quán. Cảm giác vừa bực bội vừa buồn cười, tội nghiệp khiến cho Di phân vân. Trong chuyện này Di cũng có lỗi phần nào, nếu như cô và Thy không say quá mà hát váng lên thì… Nhưng ném cả chiếc giày sang nhà hàng xóm để biểu lộ thái độ không đồng tình như vậy thì thật quá đáng. Quá đáng hơn nữa là sau những đổ vỡ mình gây ra anh ta lại còn dám sang xin lại giày. Người đâu mà bủn xỉn. Bỗng có người vỗ lên vai Di, cắt đứt dòng suy nghĩ của cô.

“Nước cam của chị đây, không giúp gì thì thôi lại còn làm người ta bận thêm.” Thu đặt ly nước cam xuống bàn.

“Xin lỗi chị, tôi tính tiền cho khách xong rồi mới ngồi đấy chứ. Với lại tôi có gọi nước cam đâu.” Di bắt chước giọng nghiêm trọng của anh hàng xóm và chỉ vào chai nước lọc trên bàn.

“Uống đi, thằng Vinh vào rồi, tao nghỉ một lúc.” Thu phì cười, ngồi xuống. “Mày ở đây hơn một năm rồi, có biết anh chàng này không?”

Di giả bộ dửng dưng lắc đầu.

“Nhìn cũng được đấy.” Thu uống nước trong chai của Di. “Nhưng trông có vẻ không giống kiểu có thể uống say rồi ném giày sang phá quán người khác.”

Di gật gù, giả vờ ngạc nhiên trêu nó: “Cứ tưởng sang đây tán tỉnh mày.”

Thu nheo mắt cười, nhìn ra cửa như hình dung lại hình ảnh của anh chàng: “Không phải típ của tao, cũng không phải vệ tinh của tao, radar tao không bắt được sóng, có khi vệ tinh của thằng Phương cũng nên.”

Di bỏ cái chăn sang một bên, ngồi thẳng dậy: “Vớ vẩn, không phải đâu.” Câu trả lời vô ý của cô hơi nặng nề, Thu có vẻ không vui: “Nó định thế này đến bao giờ, thằng bé hôm trước là người thứ mấy rồi? Nếu mày không nói chuyện với nó thì để tao.”

“Cho nó thêm chút thời gian nữa đi”, Di biết ý nhỏ nhẹ.

“Chúng mày thì lúc nào cũng thời gian, thằng đấy hai năm, mày cũng gần hai năm rồi đấy. Sống cả đời chắc cũng chỉ được tầm sáu mươi năm thôi, liệu mà cân đong đo đếm đi”, Thu gay gắt.

“Nó có lựa chọn của nó, mày có lựa chọn của mày. Tôn trọng một chút đi, tranh cãi vô ích thôi.” Di thở dài.

“Tao sẽ tôn trọng nếu nó là cái gì đó rõ ràng, người bình thường thì là người bình thường, gay thì là gay. Đằng này nó là thứ nửa nạc nửa mỡ, nói chung chẳng ra cái gì cả. Nó làm khổ tất cả những người yêu nó. Dù có đứa con gái dở hơi hay thằng gay chán đời, tao cũng chẳng bao giờ chấp nhận người như nó.” Nói xong, Thu đứng bật dậy, vẻ mặt kiềm chế trở lại, nó bước vào trong.

Không biết cần phải uống bao nhiêu cà phê để tỉnh táo được như Thu. Nó chỉ bắt đầu chuyện yêu đương với những anh chàng đủ tiêu chuẩn: nhan sắc trên năm, việc làm trên bảy, tính cách hài hòa, nhân thân tốt. Nhiều người nói Thu thực dụng nhưng Di không đồng tình. Thu chỉ tỉnh táo thôi, bởi lẽ khi đã đạt đủ tiêu chuẩn của nó rồi thì nó cũng yêu, cũng say mê, đắm đuối chẳng khác gì những đứa con gái khác. Yên tâm cũng là một cách để bắt đầu tình yêu. Mỗi người có một lựa chọn, không chỉ trong tình yêu, cuộc sống cũng đơn giản là vấn đề của sự lựa chọn. Cuộc sống là lựa chọn và đối mặt với hiệu quả cũng như hậu quả của sự lựa chọn đó mỗi ngày. Không phải thứ gì cũng có thể rạch ròi như trong suy nghĩ của Thu, trong chuyện tình cảm khó nói đúng sai, chỉ có hạnh phúc hay đau lòng mà thôi. Hơn nữa, không ai có thể cảm nhận sự đau lòng đó hơn chính bản thân người đưa ra lựa chọn được. Di luôn muốn biết, trong lòng Phương đang cảm thấy gì.

Chương 9

Tiếng nhạc trong quán dưới nhà nhỏ dần, khách đã lục tục ra về. Vũ đứng trên ban công nhìn xuống. Sự băn khoăn khó nói hay nỗi lo về đôi giày ba ngàn đô của thằng bạn khiến cho anh trăn trở trên giường, không sao ngủ được. Gương mặt ráo hoảnh của cô phục vụ và cái liếc nhìn của cô gái ngồi trên sofa vẫn làm anh nóng mặt. Vũ quả quyết rằng một con bé làm trong quán rượu, say xỉn lúc nửa đêm cùng một thằng con trai lãng tử cởi trần không thể là người đáng tin được. Anh tin vào trí nhớ của thằng Vũ say xỉn ngày hôm qua hơn. Cái giây phút anh đứng trước bậc thềm nhà An vẫn hiện ra mồn một, cả cảm giác đau nhói nơi ngực trái như có bàn tay tóm chặt lấy quả tim cũng vậy. Cái giày đã bay khỏi tay anh, nó không thể tan biến vào không trung được. Nếu thật sự nó không có ở ban công nhà hàng xóm và cô gái kia nói thật thì anh cũng muốn được nhìn tận mắt. Đó là yêu cầu chính đáng của người hàng xóm bị mất ngủ vì tiếng hát chói lói hôm qua. Cô phục vụ đang khóa cửa, anh chàng hút thuốc và cô gái sofa đứng ngay bên cạnh. Họ vẫy chào nhau. Cô gái sofa hơi run rẩy vì lạnh bèn khoác áo phao, kéo cái mũ áo trùm kín đầu. Cô phục vụ khoác tay anh chàng hút thuốc đi mất dạng. Vũ lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy cảnh đó. Vậy là lại phải đợi đến sáng ngày mai khi cô ta về. Còn lại một mình, cô gái sofa tắt bóng đèn vàng trước cửa rồi quay người bước lên cầu thang. Vũ không tin vào mắt mình nữa, cô ta bước lên cầu thang. Gương mặt bị che kín trong cái mũ áo phao, vài sợi tóc bay phất phơ trước gió. Gương mặt đó và gương mặt giấu trong cái chăn bông ngoài ban công thi thoảng anh vẫn thấy dường như là một.

Một lát sau, đèn ở phía ban công đối diện bật sáng. Vũ kiên nhẫn chờ đợi. Rất lâu sau anh thấy một dáng người nhỏ bé trong bộ đồ ở nhà rộng lùng bùng xuất hiện. Cô ta buộc gọn phần tóc mái thành một lọn nhỏ, tay ôm một quyển sách và một chiếc chăn bông. Cô ta trùm chăn kín đầu, dựa vào bậu cửa đọc sách. Vũ thấy mặt mình nóng bừng. Hai tiếng trước cô ta chăm chú nhìn anh, có thể đã cười thầm trong bụng.

Sáng hôm sau, Vũ gõ thình thịch lên cánh cửa nhà hàng xóm, cảm giác vừa sảng khoái như sắp bắt được kẻ gian vừa lo sợ kẻ gian quỷ quyệt sẽ không trả lại cho anh chiếc giày. Trả cho thằng Phong cục vàng của nó xong, anh sẽ dọn đồ và thoát khỏi thành phố này ngay khi có thể. Không có lý do gì để ở lại nữa, mà đúng ra là không có lý do gì để đến đây. Anh cay đắng suy nghĩ. Anh chỉ muốn ngay lập tức thoát khỏi cảm giác nặng trĩu đang đè nén trong lòng.

Cánh cửa bật mở, ngược với sự mong đợi của Vũ, xuất hiện ở cửa không phải là một con bé bê tha ngủ nướng với cái đầu xù rối tung mà là cô gái gọn gàng với mái tóc buộc cao, áo khoác màu xanh quân đội và cái quần jean hơi rộng, gấu xắn lên vài lớp tạo cảm giác vô cùng thoải mái. Trên tay cô là chiếc máy ảnh khá lớn. Vũ nhìn gương mặt hồng hào của cô với những lọn tóc mái nâu nâu trong ánh nắng của buổi sớm mai trong im lặng hồi lâu. Cô gái cũng có vẻ bất ngờ khi nhìn thấy anh. Cô mở rộng cánh cửa như ra hiệu cho anh bước vào. Anh vừa dợm bước thì cô lên tiếng: “Tôi không thể trả giày cho anh được đâu.”

Cô ta tiến về phía cái ba lô của mình, đứng bên cạnh đống đồ đạc lỉnh kỉnh, cho máy ảnh vào bao.

Không thể là thế nào. Anh không hiểu cô ta có ý gì. Cô ta đã thừa nhận chiếc giày đang ở đây. Chiếc giày đó không phải là cái gì quý giá, nó quý giá khi nó ở với chiếc còn lại. Khi đơn lẻ giá trị của nó bằng không.

“Tôi biết là tôi có phần quá đáng, tôi muốn sang để xin lỗi cô nhưng mấy lần không gặp được. (Anh nhấn mạnh chữ gặp để nhắc cô ta nhớ trò đùa tối hôm qua.) Qua chuyện hôm qua, chắc cô cũng bớt giận rồi, cô trả lại chiếc giày cho tôi nhé!” Vũ nhũn nhặn.

Cô gái điềm nhiên lắc đầu. Vẻ thản nhiên của cô ta làm anh bực bội.

“Tôi không giận chuyện anh ném giày sang đây, tôi cũng có lỗi vì đã hát to nhưng cái giày của anh đã làm vỡ chậu xương rồng của tôi rồi.”

“Vậy tôi sẽ đền cho cô chậu xương rồng khác nhé!” Vũ hào hứng đề nghị.

Cô ta ngay lập tức lắc đầu. Vũ có cảm giác mạch máu trên đầu mình như sắp nổ tung. Cô ta bước ra ban công, ra hiệu cho anh theo sau. Trên rào sắt bên hông nhà, Vũ nhìn thấy chiếc giày của mình ở đó, chiếc giày một nửa của ba ngàn đô được treo tòng teng bằng một sợi dây thép móc qua mấy cái lỗ xỏ dây giày. Ở đằng sau, chỗ xỏ chân, trên một tấm nylon lót bên ngoài giữ cho mấy mảnh sứ hình địa cầu vỡ nát đứng thẳng lên là một ít đất và cây xương rồng. Cô ta không thể trả anh chiếc giày được vì cô ta đã chưng dụng nó làm chậu cây xương rồng. Chiếc giày một ngàn năm trăm đô của thằng Phong công tử, cái gia sản mà lúc này đây anh không thể nào có được.

“Cũng may là cô có lót tấm nylon.” Vũ thở phào nhẹ nhõm. “Tôi sẽ mua một cái chậu khác về ngay.”

“Tôi phải đi bây giờ, cái cây của tôi đã quen với chỗ mới rồi, nếu bây giờ lại chuyển chậu nữa, nó sẽ chết. Với lại, cái giày của anh đã làm vỡ chậu cây của tôi thì nó thế chỗ vào đó là hợp lý nhất. Vừa vặn để tôi dựng được mấy mảnh vỡ lên.” Cô ta xem đồng hồ.

“Cái chậu sứ bé tẹo của cô đổi lấy đôi giày ngàn đô của tôi á?” Suýt chút nữa câu nói đó đã bật ra khỏi miệng Vũ. Anh cố hít thở để nhớ lại bài học của mẹ hồi còn nhỏ về việc đừng xem thường đồ dùng của người khác rồi mỉm cười nhẫn nại. “Tôi sẽ tìm cách để giữ cả mấy mảnh sứ và cái cây của cô vẫn sống, có được không?”

Cô ta bước vào nhà, khoác ba lô trên vai, đeo đủ thứ lỉnh kỉnh lên người. Không còn cách nào khác Vũ đành theo sau dù chỉ muốn bỏ quách về cho xong. Cô ta khóa cửa. Đúng lúc đó điện thoại của anh réo vang, bực bội anh bắt máy: “A lô.”

“Tao, Phong đây, gọi mày mãi không được, chuyện hôm nọ thế nào rồi, hạnh phúc quá nên quên bạn mày rồi hả? Tối ngày kia cầm cho tao đôi giày, tao đi hẹn hò với một em cực hot nhé!” Nó cười hề hề trong điện thoại. Vũ ậm ừ cho qua chuyện rồi cúp máy nhưng vừa ngẩng lên đã không thấy cô ta đâu nữa. Không kịp nghĩ ngợi gì, anh cắm đầu cắm cổ chạy theo. Cô ta đang lững thững đi bộ ra đầu ngõ. Cái số mình sao đen đủi đến như vậy cơ chứ, Vũ nghĩ thầm. Vũ gọi với theo: “Này, đợi tôi đã!”

Một chiếc xe trờ tới, cửa hông bật mở. Đám người lố nhố ngồi bên trong, cô ta nhanh chóng lên hàng ghế giữa còn trống nguyên. Vũ chạy ào tới vừa kịp lúc giữ cánh cửa lại, thở hổn hển: “Tôi… Chờ… tôi với…” Một anh chàng cao lêu nghêu ngồi hàng ghế trên thò cổ ra, kéo phắt Vũ lên xe rồi sập cửa lại: “Nhanh lên, muộn giờ của bọn em rồi”, sau đó quay sang phía cô ta. “Trợ lý nữa của chị hả?”

Hai người khác ngồi hàng ghế sau cùng quay sang nhìn Vũ. Vẻ mặt vẫn lạnh băng, cô ta lắc đầu, định mở miệng nói gì đó thì anh ngắt lời: “Là hàng xóm thôi, tôi đi cùng.” Vũ nhìn gương mặt thoáng nhăn lại của cô ta, trong lòng có chút hả hê. Từ lúc gặp nhau đến giờ cô ta toàn đưa anh vào thế bí. Anh chàng cao lêu nghêu “à” lên một tiếng rồi quay lại tay bắt mặt mừng: “Anh sắp cưới hả? Đi tham khảo đúng không? Thế cô dâu đâu?” Anh chàng ngẩn ra một giây rồi giật mình quay lại nhìn cô ta: “Chẳng lẽ…” Ba người còn lại có vẻ giống cô dâu, nhân viên trang điểm và trợ lý của cô ta nhìn Vũ sửng sốt. Cô ta xua tay, cười gượng gạo. Vũ viết vào phần tin nhắn trong điện thoại: “Tôi sẽ đi theo đến khi nào cô đổi ý, tôi đảm bảo sẽ giữ cây xương rồng của cô sống ngon lành, nếu như nó chết, tôi sẽ mua đền cả chậu, cả cây mới”, rồi chìa ra trước mặt cô ta. Cô ta không phản ứng gì, kéo headphone lên tai và nhìn ra ngoài cửa sổ.

Chương 10

Ánh nắng buổi sáng bắt đầu ửng lên trên con đường họ đi qua. Cây cỏ hai bên đường xanh mướt. Dưới ánh nắng mặt trời vẫn còn rất dịu dàng trong tiết đầu xuân, màu xanh đó bỗng trở nên trong suốt, có cảm giác như nếu nhìn kĩ sẽ thấy từng phiến lá là một mảnh ngọc bích mềm mại. Dấu hiệu của thành phố đã lùi xa là từng bụi, từng bụi dương xỉ rồi hoa dại nở trắng li ti hai bên đường. Không khí bắt đầu nhẹ hơn và thanh hơn. Di mở he hé cửa sổ xe, cơn gió lạnh thanh khiết len lỏi vào trong không làm ai khó chịu. Tất cả còn đang say sưa ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Có cảm giác lòng người nhẹ dần trên từng cây số mà chiếc xe đang lấn tới. Cả bọn hướng về phía cao nguyên.

Họ dừng xe trên một đồng hoa dại trắng trải dài ngút tầm mắt. Trong lúc mọi người lục tục chuẩn bị, cô dâu trẻ nhảy ào x

Thông Tin
Lượt Xem : 3764
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN