Đó chỉ là tên giống truyện
(game1s.com - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?")
Em biết không? Người ta bảo chị tên Vân mà đẹp người nữa nên sẽ sướng lắm. Nhưng chị lại khổ sở sống dở chết dở như thế này đây. Ông trời thật quá bất công...
***
Chị Bông xuất hiện...
Dưới cái nắng hè gay gắt của vùng đất Quảng Nam quê tôi, mọi người ai cũng nheo nheo đôi mắt mỗi khi ra đồng nhưng sự cần cù, chịu khó của người dân luôn tiếp thêm cho tôi niềm tin yêu cuộc sống và quê hương. Trên chiếc xe bon bon mỗi ngày đến công sở, tôi chợt nhớ về một ký ức...còn nguyên trong ký ức.
Lần nào nghĩ về chị, người đàn bà bạc mệnh, tôi cứ băn khoăn về mấy câu thơ: "Vân xem trang trọng khác vời - Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nan - Hoa cười ngọc thốt đoan trang - Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da".
Ngày xưa, tôi rất say mê vẻ đẹp của Thúy Vân trong tác phẩm kiệt xuất Truyện Kiều của Nguyễn Du qua giọng giảng truyền cảm của cô giáo. Thúy Vân không như Thúy Kiều, vẻ đẹp của cô thùy mị chứ không sắc sảo. Cô cũng không khiến cho trời đất phải nỗi cơn ganh ghét. Cụ Nguyễn đã dành những động từ nhẹ nhàng như: thua, nhường để chỉ vẻ đẹp của Thúy Vân như muốn nhắn nhủ cho ta biết cuộc đời của cô sẽ hạnh phúc và êm đềm chứ không vùi dập, lênh đênh như Thúy Kiều. Từ ngày có Truyện Kiều, người đời thường quan niệm hễ ai mang tên Kiều đều phải khốn khổ, còn Vân là hạnh phúc.
Mảnh đất Quảng Nam quê tôi ngày ấy sao yên bình và êm đềm đến lạ lùng, cuộc sống người dân tuy vất vả nhưng không khí trong lành, mát mẻ, người người vui tươi, phấn khởi làm ăn, xây dựng.Mỗi mùa trăng rằm lại đến, bọn trẻ con trong xóm thường tụ tập lại trước sân nhà tôi. Bọn chúng rất thích nghe bà Nội tôi ngâm nga Truyện Kiều và kể những câu chuyện cổ tích đầy lí thú. Miệng nhai trầu đỏ thắm, bà cười bảo:
- Mấy bây sau này lớn lên có dựng vợ gả chồng thì chớ đặt tên cho con là Kiều đấy nhé! Đời Thúy Kiều trôi nổi thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. Khổ lắm con à!
Bà thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và cả truyện thơ nữa nhưng bà thích nhất vẫn là Truyện Kiều. Bà thường hay trầm trồ:
- Cụ Nguyễn nhà ta tài ba xuất chúng lắm!
Có khi, tôi thấy bà xem quẻ Kiều. Trong nhà tôi có chuyện gì xảy ra, bà cũng bốc xăm quẻ từ truyện Kiều. Mà bà nói rất đúng, tôi nghe mẹ bảo vậy chứ cũng không biết có đúng không? Bởi vì tôi tên Kiều!. Bà không bao giờ gọi tên thật của tôi cả. Bà bảo mẹ gọi tôi là Cái gái!. Thế là từ nhỏ đến giờ tôi đổi tên là Cái gái nếu là ở nhà, còn đi học thì gọi là Gái. Tôi thấy thật rắc rối quá, nhiều lúc nhỏng nhẻo nói bà và mẹ cứ mê tín hoài!.
Năm tháng trôi qua, tôi không còn được nghe bà ngâm nga Truyện Kiều nữa. Bà đã ra đi vào cõi vĩnh hằng để lại trong tôi bao nhớ thương về một ký ức tuổi thơ được sống bên bà. Khi đã là cô nàng sinh viên choi choi năm thứ nhất của trường Đại học Sư phạm Ngữ Văn, tôi vẫn cứ luôn băn khoăn tự hỏi: "Không biết có đúng những ai tên Vân là sướng không nhỉ?"
Nhớ lại ngày thơ ấu, còn là cô bé con hay cởi truồng tắm mưa, ngồi trên lưng trâu, tắm suối, cắt cỏ, tôi đã rất thân với chị. Mọi người hay gọi chị là bé Bông vì chị đẹp như một bông hoa của núi rừng quê tôi. Từ ngày gia đình chị chuyển từ nơi khác đến, xóm tôi trở nên vui hơn.
Khi tôi học lớp 6 thì chị đã là nữ sinh lớp 12. Khuôn mặt trăng rằm lại thêm hai má lúm đồng tiền khiến ai cũng muốn nhìn chị. Chị cũng là con nhà làm ruộng như bao gia đình trong xóm tôi, cũng chăn trâu, cắt cỏ, dãi nắng dầm mưa, vậy mà chị vẫn sở hữu một làn dan trắng như bông. Mái tóc dài, đen mượt, hai mắt bồ câu sáng lúng liếng. Đặc biệt, dù một buổi đến trường, một buổi phải chăn trâu, cắt cỏ phụ gia đình nhưng lúc nào chị cũng cười đùa vui vẻ chưa bao giờ tôi thấy chị buồn điều gì. Đôi môi son, dáng người mảnh mai của chị đã khiến bao chàng trai trong xóm tôi phải ngây ngất. Chị đẹp như một bông hoa mà thiên nhiên ban tặng cho cái xóm nghèo quê tôi.
Bọn con trai thi nhau sắp hàng có khi từ ban ngày đến cả tối ở nhà chị. Rồi bọn chúng còn đánh nhau, chém nhau rất hung dữ. Nhiều lần lũ con nít chúng tôi đi rình xem bọn chúng bị ba chị lấy chuỗi rượt cả lũ. Học xong 12, chị không thi vào Đại học mà đi học nghề hớt tóc. Quán tóc có chị, đông như hội. Ngày nào cũng có cả chục anh thanh niên đến hớt. Có anh đến hôm nay rồi mai lại đến nữa. Mỗi khi đi ngang qua quán tóc chị, chúng tôi thường đọc thật to: Bé Bông hớt tóc khách đông/ Tóc hớt đi rồi lại trông tóc mọc/ Mọc rồi lại đến quán Bông/ Vừa hớt vừa ngắm em bông hồng hồng.
Thằng Hiền trong nhóm bọn tôi là chúa giỏi Văn nên nó hay bịa ba cái thơ, hò, vè để chọc người khác. Nó tự đắc:
- Bửa nào thi học kỳ xong, tao sẽ làm nguyên một bài thơ dài về chị bé Bông hay không kém gì cụ Nguyễn viết Truyện Kiều cho tụi bây ngâm.
Riêng tôi chẳng thấy nó giỏi tí nào cả. Thơ gì mà nghe dở ẹc, vậy mà cũng đòi hơn cụ Nguyễn - bậc danh nhân của dân tộc ta chứ.
Chị Bông lấy chồng...hụt
Một buổi trưa hè gay gắt, chúng tôi đi học về, mệt lã, dừng lại ngồi dưới gốc cây đa đầu làng nghỉ mát, thằng Hùng bỗng từ đầu đường chạy tới :
- Ê tụi bây. Nghe tin gì chưa? Chị bé Bông sắp có chồng rồi. Chị Bông lấy anh Bình con ông trưởng thôn đó.
Thế là, tối đó, chúng tôi lên kế hoạch đi rình hai người họ nói chuyện yêu đương. Thường thì những cặp yêu nhau ở xóm tôi hay ra ngồi ở gốc cây đa bên giếng làng để tình tang tính.
- Bông có thương anh không?
Tôi thấy khuôn mặt tròn vành vạnh của chị Bông mờ mờ dưới ánh trăng, chị có vẻ e thẹn.
- Anh đã hỏi nhiều rồi mà !
- Ừ, thì...anh muốn hỏi nữa, hỏi một ngàn lần cũng muốn hỏi nữa.
- Anh chọc em hoài...!
Lúc đầu, chúng tôi còn cười hi hí sau lại càng to hơn làm hai người họ phát hiện, thẹn muốn đỏ mặt. Anh Bình xách đá ném bọn tôi chạy tán loạn. Còn chị Bông thì đứng mỉm cười.
Nghe tin chị Bông lấy chồng nhiều chàng trai trong xóm tôi đã rất buồn, có người bỏ đi tu, có người thì ở vậy đợi chị, nhiều anh thất tình vô duyên cớ. Trong số đó gã Tâm người được ba chị Bông cưu mang từ nhỏ là buồn nhất. Mọi người ai cũng biết gã yêu chị lắm. Từ nhỏ, gia đình gã vì quá nghèo khổ, anh em đông nên không nuôi nỗi gã. Ba chị Bông vì thương người nên đã đem gã về nuôi. Ông cụ rất thương gã vì gã hiền lành, chịu thương chịu khó. Khi gà chưa gáy gã đã thức dậy cho cá dưới ao ăn, nấu cám cho lợn, quét lá cây ngoài vườn,...gã làm như một con trâu cho nhà chị. Nhà chị ai cũng thương gã nhưng duy chị Bông thì ghét lắm. Gã không chịu lấy vợ, dù ba chị đã nhiều lần tạo điều kiện và xem gã như con trong nhà. Gã bảo:
- Con chỉ yêu có mỗi em Bông thôi. Con sẽ ở vậy đợi khi nào em lấy chồng con mới cưới vợ.
Mỗi lần đi củi trên rừng xa, mấy ngày không gặp chị là gã nhớ đến cồn cào, gã quên ăn, quên ngủ vì chị. Gã bảo với mẹ chị:
- Con chỉ cần được nhìn thấy em Bông là sung sướng lắm rồi mẹ ạ!
Rồi ngày đám cưới chị cũng đến. Nhưng tiệc cưới của chị lại biến thành đám tang thương đau đớn nhất trong đời chị. Anh trai chị đã bị anh trai anh Bình đâm chết do một sự hiểu lầm. Từ đó, hôn lễ bị hủy bỏ, chị đau khổ trước nỗi đau quá lớn này. Chị không còn như ngày xưa nói cười nữa mà trở nên lặng lẽ.
***
Chị Bông...chính thức lấy chồng
Từ sau ngày tang thương của gia đình chị, thì lại có nhiều anh trong xóm tôi vui mừng vì chị vẫn chưa có chồng. Nhất là gã, tuy gã rất đau lòng khi thấy chị đau khổ nhưng ít ra gã vẫn còn có hi vọng. Đây là cơ hội cho gã ở bên và chăm sóc cho chị. Nhưng rồi chị bỏ nhà lên thành phố, chị được người chú giới thiệu đến một nhà hàng phục vụ khách du lịch ở thành phố. Chị cố gắng làm việc thật nhiều để quên anh Bình, quên đi nỗi đau mất anh trai. Chị còn yêu anh Bình lắm và anh cũng vậy. Nhiều lần anh đi tìm chị nhưng vì gia đình phản đối nên anh đành cưới vợ.
Nghe người ta kể rằng, từ khi có chị làm tại nhà hàng thì khách đến đông như kiến. Ai cũng muốn ngắm cô đứng quầy lễ tân trẻ trung xinh xắn, mang vẻ đẹp nhà quê mặn mà của chị.
Nhiều ông khách dòm ngó chị mà chị vẫn kiên quyết giữ vẻ mặt lạnh như băng. Nhưng rồi tức nước vỡ bờ vào một ngày.
- Em lại uống với anh ly nào. Em xin quá. Em tên gì?
- Cháu chỉ đứng quầy chứ không uống bia được mong chú thông cảm? Cháu tên Bông.
- Ồ! Tên đẹp giống người quá.
- Cho anh hôn cái nào cưng? Tối nay đi với anh nhé! Tiền với anh không thiếu đâu cưng.
Rồi gã ôm và ve vuốt lên khuôn mặt chị. Chị giảy dụa và bỏ chạy vào trong khóc nức nở, chưa bao giờ chị thấy nhục nhã đến vậy. Một người đàn ông bằng tuổi cha chị mà.... Rồi chị nghỉ việc quay về quê ở với ba mẹ như xưa. Dù sao vết thương tình trong chị cũng đã được thời gian vá lại tuy chưa lành hẳn nhưng vẫn đủ cho chị nguôi ngoa.
Gã vẫn còn ở nhà chị, chờ đợi ngày chị về. Chị vẫn không mẩy mây để tâm đến gã. Sau ngày ấy, chị cũng có vài mối tình nữa nhưng rồi cũng không đi đến đâu. Ba mẹ chị buồn bã:
- Có con gái lớn trong nhà như hũ mắm treo đầu giàn, mẹ lo lắm, con liệu mà có chồng đi. Năm nay đã ngoài ba mươi rồi. Mẹ thấy thằng Tâm vừa hiền lành, vừa đảm đang, con yêu nó về sẽ hạnh phúc nhất đó. Ba mẹ thương nó lắm. Mà nó yêu con đến vậy nữa. Coi như con vì mẹ mà ưng thằng Tâm có được không?
Ba chị cũng muốn chị lấy gã nên nhiều lần đòi chết vì chị.
- Tao nuôi mày đến tầm này tuổi rồi giờ coi như tao van xin mày đấy.
Thế là, chị cắn răng làm đám cưới với gã. Sau bao nhiêu năm chờ đợi, mơ ước cuối cùng gã cũng cưới được chị. Điều mà gã có nằm mơ cũng không thể xảy ra. Gã chăm lo cho chị như chăm một quả trứng sợ nó vỡ, như bông hoa sợ tàn.
Hai tháng trôi qua kể từ ngày chị lấy gã, mặt chị lặng lẽ, nghe đâu chị và gã chưa bao giờ nằm cùng nhau. Gã vẫn kiên trì chiều chuộng chị, đến cả quần áo những ngày chị có bịnh, gã cũng giặt sạch và thơm phức. Gã làm hết mọi việc không để chị phải lo toan điều gì. Vậy mà chị vẫn ghét gã như ghét một kẻ thù vậy.
***
Những đứa con lần lượt ra đời...
Thời gian, đúng là điều kỳ diệu, nó có thể gắn kết hai kẻ thù lại thành bạn của nhau, có thể mang tình yêu đến cho tất cả mọi người. Dần dần từng đứa con của chị ra đời, đứa đầu tiên, đứa thứ hai,...đứa thứ bảy. Là người mẹ của bảy đứa con nhưng chị vẫn đẹp một vẻ đẹp sắc nước hương trời. Khi ba mẹ chị qua đời đã để lại cho chị một số gia tài đủ để chị và gã mua một căn nhà ở thành phố. Họ đã chuyển đến thành phố ở. Gã chỉ có một nghề đó là phụ hồ, gã làm tối ngày để nuôi những đứa con ăn học và nuôi chị. Chị lo việc gia đình. Như thế cũng đủ cho chị cảm nhận những gì là hạnh phúc đời thường. Nhưng rồi đứa con đầu tiên của chị không may bị cháy xăng, nằm một chỗ. Đứa thứ hai bị té lầu ở trường học, đứa thứ ba bị tai nạn giao thông,...những nỗi bất hạnh cứ dồn dập đến với chị. Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai, người ta nói chẳng sai. Đau đớn tột cùng, chị như điên dại. Cố gượng sống vì các con, chị đi giúp việc cho nhà giàu để có tiền trang trải thêm. Từ ngày, các con bị nạn gã trở nên lầm lì, lại thêm say xỉn tối ngày.
***
Chị Bông đi làm Osin...
Gã yêu chị lắm và muốn người đàn bà của gã chỉ ở nhà thôi. Từ ngày chị đi giúp việc cho nhà giàu thì ai cũng biết đến cái đẹp của chị. Ông chủ có khi đánh xe đưa chị về tận nhà. Gã cấm chị đi làm nhưng gã không đi làm, ăn nhậu mãi những đứa con của chị sẽ chết đói. Gã chỉ ở nhà và chờ chị về để chửi rủa, mắng nhiết. Đêm đến, gã hành hạ khiến chị phờ phạt. Chị mà không chiều thì gã đay nghiến:
- Mày ra ngoài đi với hắn chứ gì? À! Mày ăn nằm với hắn chán chê rồi nên thấy lão già bao năm làm trâu ngựa cho mày giờ mày chê hả?
Vừa nói gã vừa chộp lấy chị như một con thú dữ vồ lấy con mồi. Cay đắng hơn có khi gã bắt chị phải yêu gã trước mặt các con để chứng tỏ rằng chị là vật sở hữu của riêng gã.
***
Tôi đã gặp lại chị...
Ra trường, tôi về dạy ở một trường phổ thông cách nhà chị năm cây số. Vì vậy, thỉnh thoảng lại thăm chị. Còn vì con trai lớn của chị là học trò của tôi. Nhìn thấy chị gặp tai nạn tôi xót xa lắm. Ngồi nghe chị ngậm ngùi kể lại chuyện gia đình và biến cố ở chỗ làm, tôi thấy nghẹn ngào thay chị. Giờ là thời đại gì rồi. Làm sao có những chuyện kinh khủng này nữa...Tôi không tin nhưng nhìn chị rỏ hai hàng nước mắt, tôi nghe tim mình thắt lại.
- Mấy ngày, chị không đi làm vì ốm, hắn - ông chủ của chị đã đứng ngồi không yên. Hắn mua thuốc gửi đến, hắn quan tâm ân cần như một vị thần thương xót cho chúng sinh. Chị đi làm lại, hắn mừng lắm. Nhân lúc vợ đi công tác xa, hắn có cơ hội chăm sóc cho chị hơn. Hăn cố tình đổ cả hũ mắm lên người chị, rồi nói:
- Ôi! Em xin lỗi. Em bất cẩn quá. Chị đi tắm và lấy đồ của nhà em mà thay khỏi bị ngứa đó.
Ông chủ lịch lãm, nghiêm túc, ngoài mặt lúc nào cũng vui vẻ và kín đáo tế nhị trước chị, vậy mà ai ngờ lại không thể cưỡng lại trước sắc nước nghiêng trời của người đàn bà có bảy mặt con. Hơn nữa, hắn còn nhỏ hơn chị cả chục tuổi.
Có lẽ hắn đã ngồi bên ngoài mà trong lòng hừng hực như lửa đốt, cùng tiếng nước rưới lên thân thể dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên của chị khiến hắn không cầm được. Hắn lao vào phòng tắm ôm chầm lấy chị, hắn thực hiện trò quái vật với chị. Cố chống lại người đàn ông như một con mãnh hổ đang siết chặt con mồi. Những xấu xa, bỉ ổi, những đê tiện,....đã phơi bày hết lúc này đây. Đau đớn, tủi nhục vì các con chị như một người đàn bà điên dại.
Hai hàng nước mắt ngân ngấn nơi khóe mắt, chị nói với tôi:
- Em biết không? Người ta bảo chị tên Vân mà đẹp người nữa nên sẽ sướng lắm. Nhưng chị lại khổ sở sống dở chết dở như thế này đây. Ông trời thật quá bất công.
Tôi ngạc ngiên:
- Chị tên Vân thật à?
- Chị là Phan Thị Thúy Vân
Ra về, những ký ức về bà Nội chợt hiện về trong tôi, lòng tôi dằn vặt tự hỏi: Đặt tên cho con là gì thì có quan trọng không...?. Nhưng sao chị lại khốn khổ vậy?. Chị tên Vân mà?. Nhưng không đâu! Đó chỉ là vì tên giống truyện thôi!. Tôi thầm nghĩ, chị hãy cố lên, mọi chuyện rồi sẽ qua hết thôi! Rồi chị sẽ được hưởng hạnh phúc. Chúc chị may mắn!
Bích Kiều