--> Nợ em một đời hạnh phúc - game1s.com
Old school Easter eggs.

Nợ em một đời hạnh phúc

ũ Thịnh sang Mỹ, anh chưa được ngồi bao giờ. Lòng anh đang nóng như lửa đốt, sau khi lên máy bay, biết có thể sử dụng điện thoại vệ tinh, anh liền gọi điện cho luật sư Khương. Luật sư Khương cho biết ông Nhiếp Đông Viễn đã được đưa vào phòng phẫu thuật, bây giờ vẫn chưa thấy bác sĩ ra. Bây giờ Nhiếp Vũ Thịnh mới sực nhớ ra, Chủ nhiệm Phương từng nhắc đến một người bạn của ông ở Hồng Kông, là một chuyên gia về gan mật. Vì thế, anh lại gọi cho Chủ nhiệm Phương hỏi điện thoại liên lạc của vị bác sĩ tên Mạnh Hứa Thời kia. Đoạn, anh lập tức nhờ luật sư Khương liên lạc với bác sĩ Mạnh. Bác sĩ Mạnh sớm đã ra ngoài làm riêng, tự mở một bệnh viện tư rất lớn. May mà Chủ nhiệm Phương đã có lời nhờ vả trước, nên khi nghe nói có một bệnh nhân họ Nhiếp, ông biết ngay đó là bố của cậu học sinh mà Chủ nhiệm Phương yêu quý nhất. Chẳng cần nói thêm câu nào, ông lập tức đến bệnh viện.

Khi Nhiếp Vũ Thịnh tới Hồng Kông thì ca phẫu thuật đã kết thúc. Cả bác sĩ mổ chính và bác sĩ Mạnh Hứa Thời đều ở đó, bác sĩ Mạnh nói với anh: "Cậu là ngoại khoa, hẳn cũng hiểu xác suất tỉnh lại của người bệnh sau khi mổ tương đối nhỏ, tình trạng bệnh nhân đến mức này, cậu nên chuẩn bị tâm lý đi."

Giọng Nhiếp Vũ Thịnh đầy chua chat: "Cảm ơn bác Mạnh."

"Không có gì, thầy cậu cũng vừa gọi đến, dặn đi dặn lại tôi phải chăm sóc cậu cẩn thận." Mạnh Hứa Thời vỗ vai anh nói, "Bố cậu vẫn đang nằm trong phòng Chăm sóc đặc biệt, cậu có thể vào thăm."

Từ xa, Nhiếp Vũ Thịnh đã trông thấy mặt bố, gương mặt ông bị phù sau mổ, nên trông hơi béo hơn thường ngày. Ông Nhiếp Đông Viễn nằm bất động, xung quanh là các thiết bị giám sát. Nhiếp Vũ Thịnh làm việc tại bệnh viện, đã ra vào phòng Chăm sóc đặc biệt để cấp cứu cho bệnh nhân không biết bao nhiêu lần, vậy mà giờ đây, tại một thành phố xa lạ, một bệnh viện xa lạ, một phòng bệnh xa lạ, khi đứng giữa các thiết bị quen thuộc, ngửi mùi thuốc khử trùng quen thuộc, anh lại cảm thấy như đang mơ.

Là một cơn ác mộng.

Ông Nhiếp Đông Viễn vẫn phải đeo máy hỗ trợ thở, Nhiếp Vũ Thịnh biết bệnh nhân ở trong tình trạng này sẽ vô cùng khó chịu, may sao ông vẫn chưa tỉnh lại. Trong một vài giây ấy, dường như anh cảm giác bố mình đã ra đi, bỏ lại đứa trẻ mồ côi là anh bơ vơ một mình giữa cõi đời này, khiến anh muốn quỳ xuống đất khóc òa lên. Nhưng anh chỉ bần thần một thoáng rồi đứng vững lại ngay, khẽ gọi một tiếng: "Bố..." Ông Nhiếp Đông Viễn vẫn vô thức nằm đó, như thể đang ngủ say vậy.

Hồi tưởng lại trước kia, khi anh còn rất bé, lúc ấy bố anh đang đi đầu huy động mọi người góp vốn mua lại xưởng Lão Tam, thường phải đi công tác khắp nơi lúc chỗ này khi nơi khác, thời đó, đi công tác thường là đi tàu, lại rất khó mua vé nằm. thời gian bố anh ở nhà rất ít, dù có ở nhà cũng luôn trong trạng thái mệt lử đến chẳng thiết nói năng. Có lần đi công tác về, ông ngủ quên trên ghế, khi ấy anh còn rất nhỏ, lại nghịch ngợm, bèn quậy tung lên để bố phải tỉnh dậy chơi với mình, nhưng ông vẫn ngủ say sưa không dậy. Anh bèn lấy bút bi vẽ một chiếc đồng hồ lên cổ tay ông rồi viết lên cánh tay ông một hàng chữ: "Bố là sâu lười!"

Sau đó anh ra ngoài chơi một mình. Lát sau, ông bị tiếng chuông điện thoại làm cho tỉnh giấc, đang mơ mơ màng màng lại vội vã ra ngoài mời cơm khách hàng. Dọc đường ông vẫn không phát hiện ra chiếc đồng hồ trên tay mình, mãi đến khi tới nhà hàng mới bị khách hàng phát hiện, mấy vị khách đều ôm bụng cười lăn lóc, khiến ông mất mặt. Từ đó trở đi, dù ông có uống say đến đâu, chỉ cần anh véo tai ông nói: "Bố là sâu lười", ông sẽ lập tức bật dậy, chỉ sợ con trai lại vẽ đồng hồ lên tay mình.

Anh vuốt ve tay bố, tay ông hơi lạnh, có lẽ vì hôn mê lại đang truyền nước, trên tĩnh mạch tay phải còn buộc ống truyền. Nhiếp Vũ Thịnh nghe thấy mình đang thì thào: "Bố là sâu lười!"

Anh im lặng một chút rồi nói: "Bố, bố mà không tỉnh lại, con sẽ vẽ đồng hồ lên tay bố thật đấy...!"

Thấy ông vẫn bất động nằm đó, nước mắt anh cuối cùng cũng rơi xuống.

Anh chỉ ở Hồng Kông một ngày, hôm sau lại phải vội vã quay về, vì đã đến ngày thanh toán tiền. Bệnh tình của bố ngày càng xấu đi, tin ông bị hôn mê phải nhập viện đăng đầy trên báo chí Hồng Kông. Tin tức trong nước tuy chậm hơn một chút, nhưng về cơ bản, tin này cũng đã lọt ra rồi. Anh buộc phải để bố nằm lại Hồng Kông, trở về lo liệu tiền nong. Anh không thể lần nữa được, bởi trong thời điểm mấu chốt này, chỉ cần Đông Viễn không thanh toán nổi khoản tiền hàng quan trọng nhất, thì chờ đón họ sẽ là vực sâu thăm thẳm.

Sau khi xuống máy bay, anh lập tức về thẳng công ty. Ban lãnh đạo đang chờ anh, Nhiếp Vũ Thịnh gắng giải thích cho họ về bệnh tình của bố mình một cách rành mạch nhất. Khả năng tỉnh lại của bố anh rất nhỏ, hiện ông vẫn đang trong phòng Chăm sóc đặc biệt, chưa qua 48 tiếng nguy hiểm nhất sau phẫu thuật, mà dù qua được chăng nữa, có lẽ ông cũng phải dựa vào máy móc để duy trì sự sống.

Mọi người trong phòng họp đưa mắt nhìn nhau, lúc Ủy ban Giám sát thị trường chứng khoán mới bắt đầu tiến hành điều tra, mọi người chỉ cảm thấy tình hình nghiêm trọng, nhưng không ngờ đột nhiên lại xấu đến mức này. Nhiếp Đông Viễn mất tự do và mất ý thức là hai chuyện khác nhau, chuyện sau còn nghiêm trọng hơn chuyện trước nhiều. Tập đoàn Đông Viễn to lớn có đội ngũ nhân viên hùng hậu, dù ông Nhiếp Đông Viễn tạm thời vắng mặt, cũng không ảnh hưởng đến công việc thường ngày của công ty. Nhưng nếu ông ra đi mãi mãi thì sao?

Tan cuộc họp, tâm trạng ai nấy đều nặng nề, Nhiếp Vũ Thịnh lần lượt nói chuyện với từng người, nhưng thời gian trò chuyện với mỗi người đều rất ít. Anh giải quyết những việc còn lại trong hai ngày vừa qua, rồi yêu cầu tất cả mọi người trong hai ngày vừa qua, rồi yêu cầu tất cả mọi người trong Ban lãnh đạo chia ra tìm phương án giải quyết, chỉ cần bảo đảm một việc: có thể thanh toán tiền hàng đúng hạn cho các bên cung ứng.

"Tôi đã lấy danh dự của bố tôi ra đảm bảo, nên không thể kéo dài thời hạn, thiếu một đồng cũng không được."

Không một ai thấy anh non nớt nữa, trong giai đoạn then chốt này, chỉ cần sơ sẩy một b thua cả ván cờ. Bây giờ là lúc bên ngoài đang nghe ngóng, thu thập thông tin về Đông Viễn, càng như vậy thì càng không được để lộ bất cứ khó khăn nào về tài chính.

Cuối cùng, vẫn là Thịnh Phương Đình gợi ý cho anh: "Thử thương lượng lại với ngân hàng lần nữa xem sao, dùng cổ phần của Ban lãnh đạo mà thế chấp. Việc kinh doanh của Đông Viễn khá tốt, phía ngân hàng cũng biết rõ, dùng bất động sản để thế chấp e rằng người ta không chịu, nhưng nếu dùng cổ phần, có lẽ sẽ được."

"Đã thương lượng rồi, nhưng phía ngân hàng không đồng ý. Hiện nay lãi suất dự trữ bắt buộc cao như vậy, mà số tiền chúng ta cần quá lớn, lại quá gấp nữa, ngân hàng quả thật cũng không còn cách nào cả."

Thịnh Phương Đình hỏi: "Thế các cổ đông lớn khác thì sao? Họ có nghĩ được cách gì không?"

Câu nói này đã nhắc nhở Nhiếp Vũ Thịnh, anh nói: "Một cổ đông lớn khác của công ty chính là Tập đoàn Khánh Sinh. Chắc có thể thử đàm phán với họ."

Nhiếp Vũ Thịnh đích thân tới gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Khánh Sinh, lần trước đến gặp chỉ là để trấn an họ, còn lần này đến là để mượn tiền, càng khó mở miệng hơn. May mà Nhiếp Vũ Thịnh còn trẻ, nghé non không biết sợ cọp, hơn nữa trong tình thế cấp bách trước mắt, dù có khó khăn thế nào, anh cũng phải quyết tâm làm. Anh cố tình mang theo Thịnh Phương Đình, thay vì Phác Ngọc Thành, cũng bởi sợ họ e ngại.

Cũng may, thái độ của Tập đoàn Khánh Sinh có thể coi là thân thiện, họ mau mắn đồng ý mở cuộc họp thảo luận về vấn đề này. Lúc về Nhiếp Vũ Thịnh hỏi Thịnh Phương Đình: "Anh thấy thế nào?"

Thịnh Phương Đình nhắc nhở Nhiếp Vũ Thịnh: "Lúc nãy anh nói sẽ dùng cổ phần của Ban lãnh đạo để thế chấp, vậy anh đã bàn bạc với Ban lãnh đạo chưa?"

Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Lúc bố tôi xảy ra chuyện, Tổng giám đốc Phác đã bày tỏ thái độ sẵn sàng dùng cổ phần của Ban lãnh đạo để thế chấp vay ngân hàng."

Thịnh Phương Đình im lặng một lát rồi nói: "Thời thế thay đổi, mọi chuyện đều có thể thay đổi."

Nhiếp Vũ Thịnh ngớ người, anh chưa bao giờ nghĩ tới chuyện này. Mấy ngày nay, anh nghiễm nhiên cho rằng, Ban lãnh đạo chắc cũng giống như mình, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu Đỗng Viễn ra khỏi tình thế nguy cấp. Nhưng anh hiểu câu nói của Thịnh Phương Đình, lúc trước Phác Ngọc Thành đồng ý thế chấp cổ phần, vì ông Nhiếp Đông Viễn mới chỉ bị tố cáo có hành vi giao dịch ngầm, c bây giờ ông đang nằm trong phòng Chăm sóc đặc biệt, mất hết ý thức, hy vọng tỉnh lại đã vô cùng mong manh.

Nhiếp Vũ Thịnh lòng đầy tâm sự, sau khi lên xe, di động reo chuông hai lần anh cũng không nghe thấy. Tài xế phải nhắc anh: "Anh Nhiếp, anh có điện thoại kìa."

Nhiếp Vũ Thịnh nhìn di động, là số từ bệnh viện gọi đến, mấy hôm nay anh quá bận, không còn bụng dạ nào để ý đến công việc của bệnh viện nữa, thầm nghĩ nếu không phải chuyện gì khẩn cấp, chắc bên đó cũng không tìm mình làm gì, nên anh thấp thỏm bắt máy. Hóa ra là bác sĩ Đồng, vừa lên tiếng đã hỏi một câu chẳng đâu vào đâu: "Cậu Nhiếp à, cậu đã xem tin thời sự chưa?"

"Cái gì cơ?" Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, Nhiếp Vũ Thịnh tưởng đại sư huynh gọi điện đến an ủi mình, liền đáp: "Xem rồi, tin tức tài chính hằng ngày tôi đều xem cả, yên tâm đi, tôi không sao."

"Không phải, bệnh nhân giường số 41 làm phẫu thuật theo chương trình CM ấy, cậu nhớ không? Bây giờ người ta chết rồi, người nhà liền đến làm ầm lên, nói rằng bệnh viện chúng ta xử lý không ổn thỏa, là sự cố y tế, còn nhờ người báo cho phóng viên nữa. Hôm qua đài truyền hình đưa tin, hôm nay lên mạng đâu đâu cũng bàn tán về chuyện này."

Nhiếp Vũ Thịnh ngây ra mấy giây mới có phản ứng, nói: "Biên bản nói chuyện, giấy đồng ý phẫu thuật, lúc đó bọn họ đều đã ký tên, chúng ta hoàn toàn tuân thủ theo quy trình mà. Bấy giờ tôi còn đề nghị họ phẫu thuật theo cách thông thường, nhưng họ thấy làm như thế này có thể tiết kiệm vài chục nghìn tệ, nên đồng ý làm phẫu thuật theo chương trình CM. Tất cả đều có chữ ký của người nhà bệnh nhân..."

"Bây giờ, người ta không nói những việc đó nữa, mà quả quyết cho rằng chúng ta đã làm chết người. Gia đình đó đúng là lưu manh, ỷ vào một người bà con xa làm ở đài truyền hình, quay chương trình bóp méo sự thật, làm như bệnh viện chúng ta đem bệnh nhân ra thử nghiệm phương pháp mới vậy. Buổi sáng hôm nay còn đến bệnh viện đe dọa Chủ nhiệm Phương. Một đám người la mắng chửi bới, khăng khăng nói rằng cậu đã dụ dỗ lừa gạt bệnh nhân làm ca phẫu thuật này. Chủ nhiệm Phương nói lý với họ, còn bị xô ngã. Họ rêu rao đòi một mạng đền một mạng, khiến phòng Bảo vệ rất lo lắng. Nghe nói một người anh của bệnh nhân từng ngồi tù, còn có quan hệ gì đó với xã hội đen, chính tên đó cầm đầu vụ lộn xộn hôm nay, tóm lại những người đến đều không có ý tốt. Đúng rồi, cậu là bác sĩ điều trị chính của bệnh nhân, nhất định phải cẩn thận đấy."

Nhiếp Vũ Thịnh ngơ ngẩn hỏi: "Chủ nhiệm Phương bị ngã ư

"Bị trẹo chân, còn bị thương phần mềm nữa." Anh Đổng đáp, "Vừa rồi chúng tôi đã kéo Chủ nhiệm vào kiểm tra toàn thân, chắc không có vấn đề gì lớn đâu."

Nhiếp Vũ Thịnh vẫn không yên tâm, bèn tự mình gọi điện cho Chủ nhiệm Phương. Chủ nhiệm Phương nói: "Ai nhanh mồm nhanh miệng kể cho cậu biết thế? Năm nào trong bệnh viện không có vài vụ rắc rối thế này chứ?"

Nhiếp Vũ Thịnh hỏi: "Có cần cháu quay về bệnh viện một chuyến không?"

"Cậu nhất định không được về đây! Vừa hay tôi cũng đang định tìm cậu. Cậu lập tức bảo người làm thủ tục xuất viện cho Tôn Bình ngay, đám người gây rối đó không biết từ đâu nghe nói Tôn Bình là người thân của cậu, hôm nay suýt chút nữa đã xông vào phòng bệnh, đòi nợ máu trả bằng máu rồi. Cậu mau chóng đem thằng bé về nhà đi. Mấy ngày này cậu ra ngoài cũng phải cẩn thận một chút, đám người đó đều là lưu manh, không biết chúng có thể làm ra những chuyện gì đâu."

Nhiếp Vũ Thịnh giật thót mình, hỏi: "Tôn Bình có thể ra viện rồi ạ?"

"Cũng hòm hòm rồi, nếu cậu không yên tâm thì cứ để thằng bé đeo máy đo nhịp tim thêm vài ngày nữa. Mấy ngày sau đều là dùng kháng sinh, cậu tự truyền cho nó là được... À, nếu cậu bận không đến được thì cứ nhờ y tá giúp, truyền dịch ở nhà, hoặc bảo mẹ thằng bé hằng ngày đưa nó đến bệnh viện khác truyền đều được. Cậu mau đón thằng bé về đi, càng nhanh càng tốt."

Nhiếp Vũ Thịnh thật sự rất lo lắng. Mấy năm gần đây, mâu thuẫn giữa bác sĩ và bệnh nhân gia tăng, người nhà bệnh nhân hơi một tí là đánh người. Ở bệnh viện của anh, từng có bác sĩ bị người nhà bệnh nhân đá gãy xương sườn, y tá đang mang thai cũng bị người nhà bệnh nhân đánh đến sảy thai. Chính anh Đổng năm ngoài vì không cứu được một bệnh nhân, mà bị con của người đó đánh thủng cả màng nhĩ. Bấy giờ Chủ nhiệm Phương đã nổi giận đùng đùng, nói chúng tôi đâu phải là bác sĩ, đến nô lệ cũng không bằng. Nhiếp Vũ Thịnh tốt số, bình thường được Chủ nhiệm và các sư huynh che chở nên chưa từng bị người nhà bệnh nhân rầy rà như thế bao giờ. Hôm nay, nghĩ đến những chuyện dã man mà người nhà bệnh nhân từng gây ra, anh càng lo lắng cho Tôn Bình. Vì vậy, anh vừa gọi điện cho Đàm Tĩnh, vừa chỉ đường cho tài xế đi thẳng đến bệnh viện. Thịnh Phương Đình thấy Nhiếp Vũ Thịnh lo lắng, bèn chủ động yêu cầu anh cho xuống xe giữa đường, bắt taxi quay trở lại công ty.

Nhận điện thoại của Nhiếp Vũ Thịnh, nghe anh nói phải lập tức xuất viện, Đàm Tĩnh giật thót mình. Lúc sáng cô cũng nghe thấy một đám người làm ầm ĩ ở khoa Ngoại Tim mạch, láng máng nghe nói có người nhà bệnh nhân đến gây chuyện, sau đó hành lang chật kín những người, Đàm Tĩnh vốn không thích nhiều chuyện nên chẳng buồn nghe ngóng, cũng không ra ngoài xem. Thêm vào đó, hai ngày gần đây, nhờ Thịnh Phương Đình cậy người đến cơ quan Vệ sinh phòng dịch xin giùm mà cửa hàng của Vương Vũ Linh đã được mở cửa trở lại, Nhiếp Vũ Thịnh lại chưa đi làm, một mình cô ở bệnh viện chăm sóc Tôn Bình, nên càng ít rời khỏi phòng bệnh.

Nhiếp Vũ Thịnh sợ làm cô lo lắng nên không nói nhiều, chỉ viện cớ gần đây bệnh viện quá ồn ào bát nháo, không được yên tĩnh, nên cho Bình Bình ra viện, tài xế sẽ đến ngay lập tức, dặn Đàm Tĩnh không cần thu dọn gì cả, đợi tài xế đến thì xuống thẳng dưới lầu. Ngay cả thủ tục xuất viện, anh cũng định để xong chuyện mới bổ sung, dù sao anh đã có lời với Trưởng khoa và y tá trưởng rồi.

Đàm Tĩnh thấy anh giục riết, vội vàng thay quần áo cho Tôn Bình. Nhiếp Vũ Thịnh bảo cô không cần thu dọn gì cả, nhưng Tôn Bình nằm viện lâu như thế, ít nhiều vẫn có chút đồ lặt vặt, cô không thể không thu dọn. Tôn Bình ôm máy tính bảng, tò mò nhìn Đàm Tĩnh tất bật. Không lâu sau tiếng gõ cửa vang lên, tài xế đang đứng trước cửa, vẫn cẩn thận gõ cửa đánh tiếng.

Đàm Tĩnh nhận ra đây là tài xế của Nhiếp Đông Viễn vì trước đó anh ta và thư ký Trương hay mang đồ chơi đến. Chợt thấy phía sau tài xế thấp thoáng bóng dáng của một người khoác áo blouse, đội mũ bịt khẩu trang, hệt như vừa bước ra từ phòng phẫu thuật, Đàm Tĩnh bỗng ngây ra. Nhưng chỉ một thoáng, cô đã nhận ra ngay đó là Nhiếp Vũ Thịnh. Chủ nhiệm Phương bảo anh không được quay về bệnh viện, nhưng anh lo ẹ con cô, bèn đến khoa Ngoại lấy quần áo và khẩu trang, ăn vận kín mít rồi theo tài xế lên lầu.

Tôn Bình cũng đã nhận ra anh, mau miệng chào: "Chú Nhiếp!" Nhiếp Vũ Thịnh vội đặt ngón trỏ lên môi, ra dấu im lặng, nào ngờ Tôn Bình tưởng anh muốn chơi cùng bé, liền cười hi hi giơ tay ôm cổ anh.

Nhiếp Vũ Thịnh bế Tôn Bình, tài xế giúp Đàm Tĩnh xách túi, mấy người đi xuống bằng thang máy của phòng phẫu thuật. Ra tới bãi đỗ xe, bước lên xe, Nhiếp Vũ Thịnh mới thở phào nhẹ nhõm. Tài xế không đợi anh nói gì, lập tức khởi động xe rời khỏi bệnh viện.

Nhiếp Vũ Thịnh gỡ khẩu trang xuống, rồi cởi áo blouse ra, Tôn Bình cười tít mắt, hỏi anh: "Chú Nhiếp, chúng ta trốn khỏi bệnh viện ạ?"

"Ừ." Nhiếp Vũ Thịnh đã mấy ngày không gặp con trai, anh ôm con trong lòng nhìn mãi mà không thỏa, ngắm nghía Tôn Bình hồi lâu, lại hôn một cái lên trán, anh hỏi: "Mấy ngày nay cháu có ngoan không?""Cháu nghe lời lắm! Không tin chú hỏi mẹ xem. Chú Nhiếp, mấy ngày hôm nay chú đi đâu đấy? Cả ngày chẳng đến thăm cháu gì cả. Ngày nào cũng có rất nhiều chú bác sĩ đến kiểm tra phòng, mỗi chú là không đến."

"Chú đang bận việc khác..." Nhiếp Vũ Thịnh an ủi Tôn Bình, "Cháu xem, không phải hôm nay chú đã đến rồi sao?"

Tôn Bình lại hỏi: "Thế ông thì sao ạ? Ông ngoắc tay với cháu, nói ngày nào cũng muốn chat webcam với cháu, nhưng mấy hôm rồi ông không lên mạng... Cũng mấy hôm rồi không gọi điện thoại cho cháu..."

Nhiếp Vũ Thịnh ngập ngừng một lát mới nói: "Ông bị ốm rồi."

"Vậy ông cũng phải làm phẫu thuật ạ?" Tôn Bình buồn rầu, "Mẹ của ông có tiền cho ông làm phẫu thuật không? Lúc trước, mẹ vì không có tiền cho cháu làm phẫu thuật nên ngày nào cũng khóc, toàn khóc trộm thôi, khóc thương tâm lắm. Nếu mẹ của ông không có tiền cho ông làm phẫu thuật, chú bảo bà đừng khóc nhé, cháu bán hết đồ chơi đi cho ông làm phẫu thuật."

Nghe những lời này, Nhiếp Vũ Thịnh thấy lòng đau như dao cắt. Anh không dám nhìn Đàm Tĩnh, chỉ ôm chặt Tôn Bình nói: "Ông đã làm phẫu thuật rồi, ông có tiền làm phẫu thuật mà."

Tôn Bình thở phào nhẹ nhõm, hệt như ông cụ non: "Thế là tốt rồi!"

Mái tóc Tôn Bình cắt từ trước khi nằm viện mềm mại cọ vào cổ Nhiếp Vũ Thịnh, Nhiếp Vũ Thịnh ôm con trai, cảm thấy xương cốt toàn thân thằng bé cộm lên. Chế độ dinh dưỡng của Tôn Bình vốn không được tốt, sau khi phẫu thuật lại phải ăn kiêng nhiều nên trước sau vẫn gầy nhẳng, ôm con trong lòng mà anh không nén nổi xót xa. Đàm Tĩnh thấy mắt Nhiếp Vũ Thịnh hoe đỏ, mấy ngày không gặp, trông anh tiều tụy như một người vừa bệnh nặng vậy, cũng chẳng biết mấy ngày vừa rồi anh sống như thế nào nữa. Nhìn Tôn Bình bám lấy Nhiếp Vũ Thịnh như con khỉ nhỏ, cô liền nói: "Bình Bình, ra đây ngồi với mẹ đi."

Tôn Bình bám dính lấy Nhiếp Vũ Thịnh không chịu xuống: "Không, con muốn chú Nhiếp ôm cơ." Hai tay Tôn Bình ôm chặt lấy cổ Nhiếp Vũ Thịnh, như sợ bị Đàm Tĩnh kéo ra vậy.

Nhiếp Vũ Thịnh sực nhớ ra một việc, liền bảo tài xế lái xe tới Trung tâm thương mại, nói: "Mua cho thằng bé một cái ghế an toàn, trẻ con ngồi ô tô không nên ngồi thế này."

Đàm Tĩnh hoàn toàn không hiểu sao phải cầu kỳ đến vậy, tới Trung tâm thương mai, vốn dĩ cô định cùng Tôn Bình ngồi đợi trên xe, nhưng Tôn Bình nhất định đòi đi mua cùng chú Nhiếp. Ru rú trong bệnh viện bấy nhiêu Tôn Bình đã chán lắm rồi. Nhiếp Vũ Thịnh chỉ cảm thấy hai cánh tay nhỏ của thằng bé ôm chặt lấy cổ anh, một khắc cũng không chịu rời, hệt như một chú Koala vậy. Anh cũng không nỡ làm Tôn Bình mất hứng, thầm nghĩ vừa rồi vội vội vàng vàng xuất viện, trong nhà không có thứ gì, e rằng còn phải mua cho thằng bé ít quần áo, anh liền nói: "Được, cùng đi với chú. Nhưng không được đòi quà vặt đâu đấy!"

Tôn Bình mừng rỡ tuyên bố: "Cháu không cần quà vặt!"

Thế là tài xế đợi trong xe, Đàm Tĩnh, Nhiếp Vũ Thịnh, Tôn Bình ba người cùng đi vào Trung tâm thương mại. Mua xong ghế an toàn cho trẻ em, Nhiếp Vũ Thịnh còn mua cho Tôn Bình ít áo quần chăn đệm, anh không biết chọn những thứ này, Đàm Tĩnh nhìn không nỡ, liền thay anh chọn, lòng cô thầm nghĩ anh rốt cục vẫn là bố đẻ của thằng bé, xuất viện vội vàng như vậy, rất nhiều quần áo của Tôn Bình không mang theo, anh mua mấy bộ quần áo cho thằng bé, nếu cô còn ngăn cản thì không khỏi quá vô tình, nên không nói gì cả. Xách túi nhỏ túi lớn ra ngoài, chợt Nhiếp Vũ Thịnh nhìn thấy quầy mỹ phẩm, anh như nhớ ra chuyện gì, bèn đi thẳng tới đó.

Anh bế Bình Bình bằng một tay, tay kia cầm ghế an toàn mới mua, còn Đàm Tĩnh thì xách túi đồ. Nhân viên bán hàng tại quầy mỹ phẩm rất tinh mắt, liếc ngay thấy đôi giày dưới chân Nhiếp Vũ Thịnh và chiếc đồng hồ trên tay anh, lập tức cười tươi như hoa hỏi: "Anh muốn giúp chị nhà mua gì ạ?"

Đàm Tĩnh cảm thấy hết sức ngại ngùng, trong khi Tôn Bình hiếu kỳ nhìn ngó đống chai lọ đựng mỹ phẩm. Nghiêng bên nọ ngó bên kia chán, chợt nhìn thấy trên quầy đặt một tấm gương trang điểm, Tôn Bình càng thêm cao hứng, bèn đối diện với mặt phóng đại của chiếc gương làm mặt xấu, cả mũi cũng chun lại. Nhiếp Vũ Thịnh thấy thằng bé chơi vui vẻ liền đặt tạm bé xuống chiếc ghế cao trước gương trang điểm, bảo nhân viên bán hàng: "Có cả bộ sản phẩm chăm sóc da không?"

"Có ạ có ạ." Nhân viên bán hàng quan sát Đàm Tĩnh, nói: "Da chị nhà rất đẹp, nhưng vẫn có một số vấn đề, năm nay chúng em có ra một dòng mỹ phẩm chống lão hóa..." Cô ta bắt đầu thao thao bất tuyệt giới thiệu đặc tính sản phẩm, rồi kéo tay của Đàm Tĩnh, dùng hàng thử xoa lên mu bàn tay cô.

Nhiếp Vũ Thịnh còn chưa nói gì, Đàm Tĩnh đã nhìn anh, hỏi: "Mua cái này làm gì?"

"Chỗ anh không có đồ dùng của phụ nữ." Nhiếp Vũ Thịnh không quay đầu lại, nói với nhân viên bán hàng, "Lấy bộ này, viết hóa đơn đi."

Trong Trung tâm thương mại đông đúc nên Đàm Tĩnh nén lòng không hỏi, sau khi lên xe mới hỏi anh: "Còn muốn đi đâu đây?"

"Mấy ngày nay em và thằng bé ở nhà anh." Nhiếp Vũ Thịnh nói, "Bệnh viện xảy ra chút chuyện, không an toàn lắm, nên phải cho Bình Bình xuất viện. Thằng bé còn phải theo dõi hậu phẫu, tuy xuất viện trước thời hạn, nhưng hai ngày này vẫn phải truyền nước, anh tính tìm người về nhà truyền cho nó, hoặc đưa tới Trung tâm y tế phường, có điều trong Trung tâm y tế phường có nhiều bệnh nhân bị cúm, sợ lây bệnh..."

Đàm Tĩnh nói: "Em có thể về nhà..."

Mấy ngày này Nhiếp Vũ Thịnh đã mệt đến phát cáu, anh buột miệng mỉa mai: "Em mang thằng bé về nhà? Nhà em điều kiện thế nào? Nói không chừng đến điều hòa cũng không có, em không sợ để thằng bé nóng đến sinh bệnh à?"

Đàm Tĩnh không nói gì, Tôn Bình sợ sệt nhìn Đàm Tĩnh, rồi lại sợ sệt nhìn sang Nhiếp Vũ Thịnh, nói: "Chú Nhiếp, chú đừng giận... Cháu không nóng đâu..."

"Chú không giận." Nhiếp Vũ Thịnh nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, dỗ dành Tôn Bình: "Bình Bình tới nhà chú ở mấy ngày được không? Chú Nhiếp dạo này rất bận, toàn phải đi vắng thôi, Bình Bình và mẹ trông nhà giúp chú, không để kẻ trộm vào nhà nhé?"

"Được ạ." Tôn Bình đồng ý ngay, lại quay đầu nhìn Đàm Tĩnh, "Mẹ, được không ạ?"

Đàm Tĩnh chưa kịp đáp, Nhiếp Vũ Thịnh đã nói: "Em yên tâm, dạo này anh đang bận, ngày nào cũng ngủ ở văn phòng. Em đem thằng bé đến đi, ở đó có người giúp việc lo chợ búa cơm nước chu tất. Nếu một mình em trông nom thằng bé, không lẽ định mang cả nó đi chợ sao?"

Đàm Tĩnh nghe câu đầu tiên của anh, cũng muốn giải thích cô không có ý đó, nhưng nghe tới hai câu sau liền im luôn. Nhiếp Vũ Thịnh vốn định sắp xếp cho cô và Tôn Bình ở trong căn hộ của anh, nhưng lại nghĩ nhà anh không lớn, còn có người giúp việc hàng ngày ra ra vào vào, càng trở nên chật chội, nên anh thay đổi chủ kiến, bảo tài xế đưa về biệt thự nhà họ Nhiếp.

Đàm Tĩnh chưa từng tới đây, nhưng Tôn Bình lại rất hào hứng, vừa xuống xe liền hoan hô ầm ĩ: "Nhà ông! Đây là nhà của ông! Ông có ở nhà không ạ?"

Nhiếp Vũ Thịnh không nhịn được, hỏi: "Sao cháu biết?"

"Ông cho cháu xem ảnh! Còn hỏi cháu ở phòng nào! Ông nói trên lầu có bốn phòng, cháu có thể chọn một phòng!"

Nhiếp Vũ Thịnh không ngờ bố còn làm chuyện như vậy, anh đoán chắc điều này nằm trong sắp xếp của ông, ông muốn đ thằng bé về nhà. Có điều bây giờ bố anh đang cô đơn nằm trong phòng Chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện Hồng Kông, còn anh phải ở đây vắt óc đối phóc với đống việc ở công ty, nghĩ tới đó, anh lại thấy đau lòng. Nghe nói là nhà của Nhiếp Đông Viễn, Đàm Tĩnh có phần sợ hãi, nhưng Nhiếp Vũ Thịnh đã ôm Tôn Bình bước vào, tài xế còn xách một đống đồ đứng sau lưng cô, cô do dự một lát, thấy mình chỉ tạm thời ở đây mấy ngày, hơn nữa tài xế vẫn đứng đó, vẻ như đang đợi cô đi trước, cô cũng ngại ngùng, đành rảo bước vào nhà luôn.

Nhiếp Vũ Thịnh chẳng có thời gian sắp xếp cho hai mẹ con cô, vừa bước vào nhà, anh liền gọi giúp việc đến dặn dò mấy câu rồi lại vội vội vàng vàng quay về công ty. May mà, người chuyên lo việc cơm nước là cô Tần trước kia từng được Nhiếp Đông Viễn sai mang cơm tới bệnh viện, nên đã quen với Tôn Bình từ trước, hiểu tính tình thằng bé. Trước tiên bà dẫn nó đi rửa tay, rồi gọt hoa quả cho nó ăn, sau đó lại bế nó ra hồ nước ở vườn sau cho cá ăn, chỉ một lát đã khiến Tôn Bình vô cùng hào hứng. Một người làm khác là cô Lý lại đang giúp Đàm Tĩnh thu dọn căn phòng cho Tôn Bình ở tầng trên, Nhiếp Vũ Thịnh là người chu đáo, ban nãy khi ở Trung tâm mua sắm, anh đi mua chăn bông và ga trải giường lông vũ dành riêng cho chiếc giường nhỏ của Tôn Bình. Cô Lý nói: "Thứ này phải giặt sạch thì mới cho trẻ em dùng được, dù là đồ mới tinh chăng nữa, nhưng mở ra rồi mà không giặt, e rằng không được sạch sẽ. Tiểu Nhiếp là đàn ông, tuy rất chu đáo nhưng cũng không thể nghĩ đến những điều này." Nói rồi, bà liền đem vỏ chăn đi giặt, nói chỉ cần giặt xong sấy khô là tối nay có thể dùng ngay được. Cửa sổ phòng này trông thẳng ra sân sau, nghe được cả tiếng Tôn Bình ríu ran với cô Tần dưới gốc cây, không biết có trò gì vui mà Tôn Bình bật cười khanh khách, dù bị hoa lá che khuất, nhưng cũng có thể tưởng tượng được gương mặt hồn nhiên trong sáng của Tôn Bình. Cô Lý không kìm được than: "Nhà có thêm đứa nhỏ mới giống một gia đình. Trước đây ông Nhiếp lúc nào cũng lủi thủi một mình, Tiểu Nhiếp cũng rất hiếm khi về, cả nhà luôn vắng vẻ, lạnh lẽo."

Đàm Tĩnh lúc này mới hỏi: "Ông Nhiếp... sao rồi ạ?"

Cô Lý đã xem Đàm Tĩnh như nữ chủ nhân tương lai từ lâu nên không dám nói bừa trước mặt cô, chỉ đáp: "Báo chí viết kinh lắm, nhưng Tiểu Nhiếp không thấy nói gì. Chúng tôi cũng không biết rõ, chỉ nghe nói ông Nhiếp đã nhập viện, bệnh tình có vẻ rất nghiêm trọng."

Đàm Tĩnh cũng không muốn hỏi nhiều, chuyện đến nước này, cô thấy mình đã hoàn toàn đi ngược lại dự định ban đầu. Nhưng Bình Bình không có tội, mỗi khi nhìn thấy ánh mắt con, cô lại cảm thấy day dứt. Từ trước đến nay, Bình Bình ở với cô đã phải chịu đựng bao nhiêu khổ cực, cô chẳng thể cho còn được thứ gì, còn Nhiếp Vũ Thịnh - rốt cuộc là cô nợ anh hay là anh nợ cô... cô cũng không sao nghĩ tiế được nữa.

Sau khi trở lại công ty Nhiếp Vũ Thịnh không hề đề cập tới chuyện thế chấp cổ phần với Phác Ngọc Thành mà chỉ thông báo cho ông ta rằng mình vừa đến Tập đoàn Khánh Sinh, đối phương đã đồng ý xem xét cho vay. Nhưng Phác Ngọc Thành lại chủ động hỏi: "Khoản tiền này không nhỏ, bên Khánh Sinh muốn chúng ta thế chấp bằng cái gì?"

Nhiếp Vũ Thịnh quyết định nói thẳng: "Khánh Sinh mởi chỉ đồng ý xem xét thôi, cho nên lúc đó cháu đã hứa với họ, sẽ lấy cổ phần để thế chấp."

Phác Ngọc Thành trầm ngâm một lát rồi nói: "Cậu Nhiếp, cậu nên thương lượng chuyện này với chúng tôi trước mới phải."

Nhiếp Vũ Thịnh cố nín nhịn, cuối cùng cũng nhếch được mép lên, miễn cưỡng nặn ra một nụ cười: "Thế Ban lãnh đạo có ý kiến gì?"

Phác Ngọc Thành lấp lửng: "Bây giờ Khánh Sinh vẫn chưa đồng ý, chỉ nói là xem xét, chờ họ quyết định xong rồi tính."

Đợi Phác Ngọc Thành ra khỏi phòng, Nhiếp Vũ Thịnh vội gọi Thịnh Phương Đình vào kể khổ: "Không ngờ anh lại đoán trúng... Năm đó bố tôi mời ông ta về từ doanh nghiệp nhà nước với mức lương cao, coi trọng tài năng của ông ta nên cho làm Tổng giám đốc, tín nhiệm ông ta như thế, vậy mà hôm nay ông ta lại giậu đổ bìm leo!"

Thịnh Phương Đình nhẹ nhàng đính chính: "Cái này không phải giậu đổ bìm leo mà là khôn ngoan giữ mình."

"Vong ân bội nghĩa!" Nhiếp Vũ Thịnh tức quá lại đổi từ khác, "Bố tôi còn chưa chết, mới chỉ nằm viện mà bọn họ đã muốn bán Đông Viễn rồi!"

"Đây không gọi là bán, chỉ là giữa việc bảo toàn thực lực và lợi ích công ty thì họ chọn việc bảo toàn thực lực mà thôi."

"Sao anh cứ nói thay cho người khác thế?"

"Anh Nhiếp, nếu ở vào vị trí của anh, ông Nhiếp sẽ không bao giờ có ảo tưởng đối với bất kỳ ai. Từ trước đến nay, ông ấy luôn dựa vào bản thân mình, bởi ông ấy biết chỉ có bản thân mình mới đáng tin cậy. Ban lãnh đạo hay CEO, cũng chỉ là những người hỗ trợ cho người sáng lập, giảm bớt áp lực công việc cho ông, chứ không phải kẻ có thể thay thế người sáng lập. Thành thực mà nói, nếu ở cương vị của Tổng giám đốc Phác, tôi cũng sẽ chọn bảo tồn thực lực. Bây giờ Chủ tịch Hội đồng quản trị bị tố cáo có giao dịch ngầm, vụ này sáu tháng một năm chưa chắc đã xử xong, dẫu có xử xong thì Chủ tịch bây giờ vẫn đang hôn mê bất tỉnh, dù vụ việc như vậy thì cục diện cũng đã hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Đúng là Chủ tịch còn có một cậu con trai, nhưng anh ta lại là người ngoài ngành, không có thứ gì trong tay - toàn bộ cổ phần của bố anh đã bị phong tỏa, anh không thể mang nó đi giao dịch, cũng không thể chuyển nhượng, càng không có cách nào đổi ra tiền mặt. Đúng là anh có thể bỏ phiếu, nhưng như thế thì làm được gì chứ? Anh muốn cứu Đông Viễn, nhưng anh đi đâu mà gom được tiền hàng? Ngân hàng nào chịu cho anh vay? Ai chịu cho anh vay chứ?"

Nhiếp Vũ Thịnh sững sờ vì giọng điệu mỉa mai của Thịnh Phương Đình, nhưng anh lập tức hiểu ra những lời Thịnh Phương Đình nói đều là sự thật. Phải một lúc lâu sau, Nhiếp Vũ Thịnh mới lên tiếng: "Mảng kinh doanh chính vẫn đang có lãi."

"Đúng vậy, mảng kinh doanh chính vẫn đang có lãi, công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn vẫn là một con gà mái vàng, ai cũng muốn chấm mút. Anh nghĩ xem, Tập đoàn Khánh Sinh chắc đến tám phần sẽ đồng ý cho anh vay ba trăm triệu tệ để xoay xở, nhưng điều kiện của họ có lẽ là tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần."

"Tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần?"

"Đúng vậy, chẳng phải anh nói Tập đoàn Khánh Sinh có 13% cổ phần ư? Bố anh có 25%, Ban lãnh đạo có 4%, các cổ đông khác 10%, nếu như Tập đoàn Khánh Sinh yêu cầu tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần lên 20% thì sao? Thậm chí bọn họ có thể đòi tăng lên đến 25% đấy? Vốn lưu động của họ dồi dào, hoàn toàn có thể xảy ra khả năng này, đến lúc đó anh làm thế nào? Anh định mua lại nó hay sao?"

"Sao họ lại làm như vậy?"

"Mang ngọc thì mắc tội thôi, đại thiếu gia." Thịnh Phương Đình liếc anh: "Anh cũng vừa nói đấy, mảng kinh doanh chính của công ty vẫn có lãi, bao nhiêu năm nay bao sản phẩm nước tinh khiết và trà sữa của công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn luôn dẫn đầu trên thị trường. Thức uống dinh dưỡng lại càng khỏi phải nói, riêng giá trị của thương hiệu đã là bao nhiêu rồi? Tập đoàn Khánh Sinh thèm rỏ dãi bao nhiêu năm nay còn gì?"

"Mảng kinh doanh chủ yếu của họ là dược phẩm, hoàn toàn khác với mặt hàng kinh doanh của chúng ta..."

Thịnh Phương Đình lấy một ví dụ minh họa: "Giả sử bây giờ trong tay anh có tiền, có rất nhiều tiền. Tập đoàn Khánh Sinh gặp vấn đề về quay vòng vốn, nên muốn mượn tiền của anh, còn anh lại phát hiện mình có thể khống chế được mảng kinh doanh thu được nhiều lợi nhuận nhất của Khánh Sinh là Dược phẩm Khánh Sinh bằng cách tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần, liệu anh có khăng khăng đòi tăng tỷ lệ không? Dù rằng Tập đoàn Khánh Sinh bán thuốc, không liên quan gì đến nước tinh khiết của anh cả. Thương nhân trục lợi, đây là bản chất rồi."

Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Nếu tôi không đồng ý thì sao?"

"Với tình hình hiện nay, anh tìm ai vay tiền thì họ cũng sẽ đưa ra điều kiện tương tự như vậy thôi. Đông Viễn giờ chính là kẻ mang ngọc mà bị tội, nhân lúc giá cổ phiếu của anh thấp, lợi dụng thời điểm quan trọng khi anh hụt hơi này, ai chẳng muốn cắn anh một phát? Bằng không, đợi đến lúc anh trở mình vượt qua được khó khăn rồi, còn ai cạnh tranh nổi với anh nữa?"

Thư ký Hàn chuyển lời tới Nhiếp Vũ Thịnh, nói Tập đoàn Khánh Sinh gọi điện tới, gọi điện tới như thế này giống như điện báo ở Bộ ngoại giao, ít nhiều có vẻ mang tính chất công việc. Nhiếp Vũ Thịnh nhận điện thoại, trao đổi với đối phương vài câu rồi chốt lại: "Chúng tôi cần phải mở cuộc họp thảo luận vấn đề này."

Gác điện thoại xuống, anh nói với Thịnh Phương Đình: "Anh lại đoán trúng rồi, Tập đoàn Khánh Sinh yêu cầu tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần, muốn tôi đem 5% cổ phần mà bố tôi tặng Tôn Bình chuyển nhượng cho họ."

Thịnh Phương Đình nở nụ cười hiếm hoi: "Làm phẫu thuật thì anh là người trong ngành, tôi là người ngoài ngành. Nhưng về kinh doanh tôi lại là người trong ngành, còn anh là người ngoài ngành."

Nhiếp Vũ Thịnh khẽ nhếch mép, sự sắc sảo và ngoan cường thời niên thiếu dường như trong phút chốc đã trở lại với anh: "Tôi là người ngoài ngành nhưng tôi có thể học. Tôi tuyệt đối không khoanh tay đứng nhìn Đông Viễn bị xâu xé. Bố tôi là Nhiếp Đông Viễn, Tập đoàn Đông Viễn mang tên ông, cũng là thứ mà ông vất vả bao năm, gây dựng từ hai bàn tay trắng. Khi còn ở Mỹ, giáo viên hướng dẫn từng nói với tôi một câu: "Chỉ cần cậu muốn thử sức, toàn tâm toàn lực cứu chữa bệnh nhân, cho dù thất bại một vạn lần đi nữa, vẫn luôn có một lần kỳ tích chờ đợi cậu." Anh dằn từng chữ: "Tôi muốn thử một lần."

Thịnh Phương Đình nhìn anh hồi lâu, rồi thốt ra bốn chữ: "Khí phách thư sinh."

Nhiếp Vũ Thịnh thừa hiểu cách nói khách khí này của anh ta, thực chất là đang mắng mình ngây thơ ấu trĩ. Hai ngày nay anh chứng kiến hết nhân tình ấm lạnh, trước sự khinh thường không giấu giếm của Thịnh Phương Đình, anh lại có cảm giác thân thiết và cảm kích, ít nhất thì con người này cũng không nịnh bợ mình. Anh hỏi: "Anh có cách gì không? Tôi thật sự không cam tâm để Tập đoàn Khánh Sinh được toại nguyện như vậy."

Thịnh Phương Đình đáp: "Vậy để xem anh có sẵn sàng làm người xấu, làm chút việc thất đức không đã."

Nhiếp Vũ Thịnh cười khổ, trước đây có nằm mơ cũng chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày anh lại thảo luận vấn đề này với một người như vậy trong phòng làm việc của bố. Anh hỏi: "Chuyện thất đức gì? Có phạm pháp không?"

Thịnh Phương Đình nói: "Không đến mức phạm pháp, có điều cũng gần giống thủ đoạn của ông Nhiếp, tóm là lợi mình hại người."

Nghe anh ta chế giễu bố mình, Nhiếp Vũ Thịnh cảnh cáo: "Anh nên nhớ anh đang là trợ lý của tôi, đừng quá đáng quá!"

"Thôi được rồi, Quyền Chủ tịch, chiêu mà tôi nghĩ có thể gọi là giấu trời qua biển, rút củi đáy nồi."

"Hả?"

Thịnh Phương Đình tiện tay vớ lấy tờ giấy, bắt đầu giải thích tỉ mỉ cho Nhiếp Vũ Thịnh làm thế nào để giấu trời qua biển, giải quyết dứt điểm.

Bận rộn tới tận nửa đêm, Nhiếp Vũ Thịnh rất muộn, rất muộn mới ra về. Ban đầu anh định ngủ lại văn phòng, nhưng nhớ ra hôm nay Tôn Bình xuất viện, không biết tình hình giờ ra sao nên anh muốn về nhà xem thử. Thêm vào đó, Đàm Tĩnh hoàn toàn không biết kháng sinh ngày mai phải tiêm như thế nào, vì thế nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng anh vẫn kêu tài xế đưa mình về biệt thự nhà họ Nhiếp.

Cô Lý ra mở cửa cho anh, vừa nhìn thấy anh cô liền nói: "Bình Bình ngủ rồi, ở phòng cuối cùng bên phải trên lầu."

"Vâng." Anh đáp. Là bác sĩ ngoại khoa nên anh hơi sạch sẽ thái quá, cả ngày lăn lộn bên ngoài, chỉ sợ sẽ mang vi khuẩn virus gì đó truyền sang thằng bé, nên vừa về đến nhà, anh lập tức vào phòng thay đồ tắm rửa sạch sẽ, sau đó mới tới thăm con. Phòng của anh cũng ở trên tầng hai, chỉ cách phòng Tôn Bình một cái hành lang, rất thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc. Cửa phòng thằng bé khép hờ, từ khe cửa có thể thấy ánh đèn ngủ mờ mờ, không nghĩ ngợi gì nhiều, anh đẩy cửa bước vào.

Vừa bước chân vào phòng, anh liền trông thấy Đàm Tĩnh đang nép mình ngủ bên mép giường. Chắc hẳn cô sợ sẽ chèn phải thằng bé, nên chỉ nằm nép bên mép giường, quay mặt ra ngoài. Thật ra chiếc giường rất rộng, cô không cần phải lo lắng như vậy. Cửa sổ trong phòng vẫn mở, gió đêm lành lạnh lùa vào nên cũng không cần bật điều hòa. Tôn Bình đắp một chiếc chăn mỏng ngủ say sưa, còn Đàm Tĩnh chỉ đắp một góc chăn, cô mặc một chiếc áo phông cũ thay cho đồ ngủ, gương mặt vẫn phảng phất vẻ thuần khiết và tươi tắn thời thiếu nữ.Nhiếp Vũ Thịnh cúi xuống kéo chăn đắp cho cô. Tóc cô loà xòa trên gối, càng tôn lên khuôn mặt trắng trẻo, sau khi phẫu thuật cho Tôn Bình, nét u sầu trên gương mặt cô đã bớt phần nào, khi ngủ cũng không còn thấy thần thái cô đơn sầu muộn như trước nữa. Nhiếp Vũ Thịnh chợt có cảm giác dường như ngần ấy năm xa cách chưa từng tồn tại, trước mắt, tất cả mọi chuyện như vừa mới hôm qua, còn Đàm Tĩnh của anh đang ở rất gần, chỉ cần với tay ra là chạm vào được.

Anh phải hết sức kiềm chế mới không hôn lên mái tóc cô.

Anh lấy nhiệt kế cặp nhiệt độ cho Tôn Bình, sau đó lại kiểm tra máy trợ tim 24/24. Tuy động tác của anh nhẹ nhàng nhưng Đàm Tĩnh vì lo lắng cho con nên không dám ngủ quá say, cô mơ màng tỉnh giấc, còn tưởng mình vẫn đang trong bệnh viện. Nhìn thấy Nhiếp Vũ Thịnh cô liền nghĩ: "Tối nay anh ấy lại phải trực đêm à? Sao không mặc áo blouse nhỉ?"

Cô chỉ mơ màng trong giây lát rồi tỉnh hẳn dậy, hốt hoảng tung chăn bước xuống giường hỏi: "Sao vậy? Bình Bình lại làm sao à?"

"Đâu có." Nhiếp Vũ Thịnh đáp: "Các chỉ số vẫn bình thường, anh chỉ kiểm tra thôi."

Đàm Tĩnh thở phào nhẹ nhõm, bấy giờ mới để ý Nhiếp Vũ Thịnh đang mặc đồ ngủ, đi dép lê, thậm chí tóc còn chưa khô hẳn, anh cúi người đắp lại chăn cho Tôn Bình, khi cúi đầu, sợi dây màu đỏ đeo trên cổ anh lộ ra khỏi cổ áo ngủ, Nhiếp Vũ Thịnh vốn trắng trẻo nên càng thấy rõ chiếc dây cũ kỹ, phai màu. Hai ngày nay anh cũng gầy rộc đi, vành mắt thâm quầng, phong thái cẩn trọng và ung dung đã bị thay thế bằng vẻ trầm tư. Nhớ lại những gì anh nói ở bệnh viện hôm đó, Đàm Tĩnh thấy lòng mềm nhũn ra, liền hỏi: "Anh ăn cơm chưa?"

"Anh ăn tối trong lúc bàn công việc với người ta rồi."

Cô có xem một ít tin tức, biết được cuộc sống của anh hiện giờ như trong chảo dầu, phải vật lộn với nước sôi lửa bỏng. Nhiếp Vũ Thịnh rất kén ăn, điều này thì cô biết, lại đang bàn công chuyện với người ta, nhất định ăn không thấy ngon. Cô hỏi: "Anh có đói không, trong bếp vẫn đang hầm cháo chuẩn bị sẵn để mai Bình Bình ăn sáng, còn nhiều lắm, em múc cho anh một bát nhé?"

Sợ làm Tôn Bình tỉnh giấc, Nhiếp Vũ Thịnh xuống lầu ăn cháo, cô Lý đã ngủ từ lúc nào. Đàm Tĩnh vào bếp lục đục một hồi rồi bê ra cho anh một tô cháo, còn cả một đĩa thịt muối. Nhiếp Vũ Thịnh gắp một miếng thịt bò muối, vừa cắn liền nhận ra ngay do chính tay Đàm Tĩnh chế biến. Đàm Tĩnh thấy anh ngây người, biết anh đã nhận ra, cô sợ anh cho rằng người làm lười biếng, vội vàng giải thích: "Lẽ ra cô Tần định làm món thịt muối, nhưng em nói để em muốiBình Bình không ăn đồ muối do người khác làm..." Nói đến đây, giọng cô bỗng nhỏ dần, vì nhớ ra rằng Nhiếp Vũ Thịnh cũng không ăn đồ muối do người khác làm. Lúc ăn ở ngoài anh không bao giờ gọi những món muối, trừ món muối do chính tay cô làm ở nhà.

Đàm Tĩnh thấy bối rối, đành nói lảng sang chủ đề khác: "Hai ngày vừa rồi có bận lắm không?"

"Cũng bình thường." Nhiếp Vũ Thịnh vừa cúi đầu ăn vừa trả lời, mới ăn được mấy miếng cháo mà đã hết nửa chỗ thịt muối, Đàm Tĩnh thái thịt rất khéo, miếng thịt mỏng tang, trông thì đầy nhưng thực chất chẳng nhiều nhặn gì. Biết anh vẫn đói, cô bèn nói: "Trong tủ lạnh còn nữa, để em lấy ra thái thêm cho anh."

Cô vừa đứng lên thì nghe tiếng anh gọi: "Đàm Tĩnh."

Cô quay lại nhìn anh, ánh đèn trong phòng ăn rất sáng, chiếu xuống mái tóc đen bóng, cùng đôi mắt đen lấp lánh của anh. Lúc anh chăm chú nhìn người khác, ánh mắt như mang một ngọn lửa thiêu đốt khiến cô cảm thấy không sao chống đỡ nổi.

Anh nói: "Ly hôn đi, anh sẽ cưới em."

Cuối cùng anh cũng thốt ra được câu này, thì ra nó không khó như anh vẫn tưởng tượng. Nhưng nhìn Đàm Tĩnh lại có vẻ như kinh hoàng cực độ, nỗi buồn một lần nữa tràn lên khóe mắt cô, phải rất lâu sau cô mới đáp: "Em không xứng."

Anh quăng đôi đũa xuống, nằm lấy tay cô, cô gồng mình giãy giụa như một con chim nhỏ, nhưng anh vẫn ôm chặt cô không buông, thì thầm: "Cái gì mà xứng với không xứng? Anh muốn ở bên người anh thích, anh muốn ở bên người anh yêu, anh yêu em, anh thấy hai chúng ta rất xứng đôi."

"Nhiếp Vũ Thịnh..."

"Hai ngày vừa rồi anh gần như phát điên em có biết không?... Mỗi khi anh sắp tuyệt vọng, mỗi khi anh muốn bỏ cuộc, mỗi khi bị người khác ghẻ lạnh anh đều nghĩ tới Bình Bình, nghĩ tới em. Anh không thể bỏ cuộc, anh không được thua, anh nhất định phải thắng, bởi anh còn có người cần phải chăm sóc, có người cần phải bảo vệ, anh hy vọng bố sẽ tỉnh lại cho dù anh biết có thể ông vĩnh viễn sẽ không bao giờ tỉnh lại. Anh hy vọng Bình Bình sẽ ở bên anh, anh không muốn làm lỡ dở sự phát triển của con, nhưng điều anh hy vọng nhất là được có em ở bên."

"Chúng ta đã không thể nào..."

"Nếu như anh không có gì cả, em còn cho rằng em không xứng với anh không?"

Đàm Tĩnh nhìn anh bằng ánh mặt: "Anh đừng ép em như thế."

"Anh không ép em, Đàm Tĩnh, là em vẫn luôn ép anh." Vành mắt Nhiếp Vũ Thịnh đỏ lên, "Là em ép anh rời xa em, em ép anh không được yêu em, anh rất đau khổ... Bảy năm nay, anh vẫn luôn đau khổ như vậy. Đàm Tĩnh, nếu em thật sự không yêu anh thì tại sao lại ép anh như thế?"

"Em phải lên xem Bình Bình thế nào..."

Anh kéo cô lại, ngấu nghiến hôn cô, Đàm Tĩnh cắn vào môi anh đau điếng nhưng anh vẫn nhất quyết không chịu buông tay. Đàm Tĩnh cảm thấy anh đã say rồi, nhưng rõ ràng người anh không phả ra chút hơi men nào cả, mà như một người bị mất lý trí, sau cùng, thấy cô sắp phát khóc lên, anh mới từ từ lỏng tay, lảo đảo buông cô ra như người say.

Cuối cùng, Nhiếp Vũ Thịnh cũng bình tĩnh trở lại, anh chăm chăm nhìn cô hồi lâu rồi nói: "Đàm Tĩnh, anh đã dành tất cả để yêu em, nếu em không cần, thì thôi vậy."

Có lẽ cả đời Đàm Tĩnh cũng không thể quên được, lúc anh thốt ra câu này, giọng nói bình thản đến gần như tuyệt vọng.



CHƯƠNG 25:



Tập đoàn Đông Viễn đã thanh toán tiền hàng cho các doanh nghiệp cung ứng đúng thời hạn. Theo đề xuất của Thịnh Phương Đình, công ty Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn đã ký hợp đồng 1 năm cung cấp hàng giá rẻ với công ty BQC, siêu thị bán lẻ đa quốc gia lớn nhất nước, Đông Viễn cung cấp cho BQC hai loại mặt hàng là nước tinh khiết và trà sữa với giá gần bằng giá thành sản xuất, đồng thời phải đảm nhận các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đổi lại, BQC sẽ thanh toán ngay một khoản tiền hàng lớn của quý sau cho Đông Viễn. Tiếp đó, công ty Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn lại hứa với tất cả các nhà cung ứng nguyên liệu sẽ tăng giá nhập nguyên liệu thêm 1%, hy vọng bọn họ không gây khó dễ trong thời điểm quan trọng này.

Ngoài việc đắc tội với các doanh nghiệp bán lẻ trong ngành và bị tổn thất lợi nhuận cho công ty BQC thì không còn vấn đề gì nữa, dù sao, vào phút chót, Đông Viễn cũng đã nhận được tiền hàng của BQC, và thanh toán hết tiền hàng cho các nhà cung ứng của siêu thị Đông Viễn, đồng thời làm đẹp lòng các nhà cung ứng nguyên liệu của công ty Thực phẩm và Nước giải khát Đông Viễn.

Có lẽ người không vui nhất là các doanh nhiệp bán lẻ khác, Đông Viễn làm vậy không những đã tự gây tổn thất một khoản lợi nhuận khổng lồ, mà còn khiến cho sự cạ tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ và BQC không cùng một vạch xuất phát. Rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đua nhau gọi điện thoại kêu khổ với Phó Tổng giám đốc Quản lý thị trường của Đông Viễn, một số doanh nghiệp bán lẻ lớn còn gọi thẳng cho Nhiếp Vũ Thịnh: "Nhiếp tổng, các anh làm như thế, chúng tôi còn cần phải bán nước giải khát của Đông Viễn nữa không đây? Tất cả các cửa hàng của BQC chuẩn bị hạ giá xuống còn một đồng tư một chai, trong khi giá các anh giao cho chúng tôi đã là một đồng tư rồi!"

Người đe dọa cũng có, người kêu khổ cũng có, về sau hầu hết những cuộc điện thoại kiểu như vậy đều bị chặn lại ở chỗ thư ký Hàn. Nghe nói, còn có người phao tin sẽ cho "Tiểu Nhiếp tổng" biết tay. Nhiếp Vũ Thịnh gần đây có thêm biệt danh là "Tiểu Nhiếp tổng", cũng không biết ai lại ác mồm ác miệng như vậy. Dư luận đặt cho anh biệt danh này, có thể thấy lần này họ đã đắc tội quá nặng với các doanh nghiệp bán lẻ.

"Đắc tội thì đắc tội!" Thịnh Phương Đình đưa cho Nhiếp V

Thịnh một điếu thuốc, nói: "Bị ép quá, chúng ta chỉ còn cách giở trò lưu manh, buộc họ phải bán nước tinh khiết và trà sữa cho Đông Viễn... ai bảo thị phần của Đông Viễn lớn như vậy? Người nào có thị trường thì người đó có tiếng nói."

Nhiếp Vũ Thịnh cùng Thịnh Phương Đình ngồi trong phòng làm việc nhả khói, cảm thấy đôi khi làm lưu manh cũng thú vị ra phết.

Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Anh gọi điện cho Thư Cầm hỏi cô ấy tối nay có rảnh thì cùng đi ăn tối."

Thịnh Phương Đình lườm anh: "Anh hẹn bạn gái tôi ăn cơm, còn bắt tôi gọi điện thoại, dù là ông chủ cũng đừng bắt nạt người khác như thế chứ?"

Trải qua cuộc chiến khó khăn này, Nhiếp Vũ Thịnh đã xem Thịnh Phương Đình là người của mình từ lâu - người chung hoạn nạn mới có thể tin tưởng được. Anh nói: "Tôi định sẽ thay đổi nhân sự Ban lãnh đạo, hẹn Thư Cầm đi ăn, là định mời cô ấy về làm giám đốc Nhân sự cho chúng ta."

Thịnh Phương Đình thoáng sững ra: "Nếu tôi và cô ấy đều ở Đông Viễn thì không hay lắm."

"Hai người còn chưa kết hôn, hơn nữa, tôi tin tưởng Thư Cầm, cô ấy sẽ công tư phân minh mà." Nhiếp Vũ Thịnh cầm lấy điện thoại: "Anh không gọi thì tôi gọi nhé?"

Quả nhiên khi ăn cơm tối, Thư Cầm vừa nghe thấy ý kiến của Nhiếp Vũ Thịnh liền lắc đầu nói: "Nhiếp tổng, trước tiên cảm ơn anh, chức vụ đó rất hấp dẫn nhưng tôi và Thịnh Phương Đình đều ở Đông Viễn thì không thích hợp."

"Đánh hổ không gì bằng anh em ruột, ra trận không gì bằng bố con. Bạni không nhiều, người tin tưởng được cũng chẳng bao nhiêu. Lo xong vụ tiền hàng, tôi định sắp xếp người của mình vào Ban lãnh đạo. Bộ phận nhân sự là một bộ phận rất quan trọng, hoặc em tự mình đảm nhiệm, hoặc giới thiệu người tin cậy vào, dù sao anh cũng chỉ tin tưởng mỗi em thôi, tùy em tính, nếu em không làm thì anh sẽ dùng kế phản gián. Bây giờ ông chủ của em cũng biết anh rồi, anh cứ nói em là bạn gái của anh, em nghĩ xem liệu ông ta có chịu được 'bạn gái của Nhiếp tổng' Tập đoàn Đông Viễn tiếp tục ở công ty ông ta quản lý nhân sự nữa hay không?"

Thư Cầm nghe vậy trợn mắt nhìn anh: "Nhiếp Vũ Thịnh, trước đây anh đâu có thế này! Ai dạy anh thành ra trơ trẽn như vậy?"

Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Để đạt được mục đích một cách nhanh nhất, thi thoảng cũng đành làm lưu manh thôi."

Lại một lần khác giở trò lưu manh là nhắm vào Ban lãnh đạo. Thịnh Phương Đình bày cho anh, sau khi trả hết tiền hàng, tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn, thì lập tức triệu tập một cuộc họp cổ đông đặc biệt. Trong cuộc họp cổ đông, Nhiếp Vũ Thịnh đề xuất hai việc: Thứ nhất là thay đổi kế hoạch thưởng quyền mua cổ phần ưu đãi, vốn dĩ kế hoạch này là do Nhiếp Đông Viễn đề ra, đặc biệt dành cho thành viên Ban lãnh đạo, nên khi đề cập đến chuyện thay đổi, Ban lãnh đạo rất không hài lòng. Chuyện thứ hai còn trực tiếp hơn, Nhiếp Vũ Thịnh đề xuất việc bầu lại thành viên Hội đồng quản trị.

Mặc dù cổ phiếu mang tên Nhiếp Đông Viễn đã bị phong tỏa nhưng quyền bỏ phiếu vẫn không thay đổi. Đó cũng là lần đầu tiên Đàm Tĩnh đến Đông Viễn dự họp, bởi Tôn Bình có 5% cổ phần, còn cô là người giám hộ.

Đàm Tĩnh mấy ngày nay không thấy Nhiếp Vũ Thịnh, từ sau buổi tối hôm ấy, dường như anh đã hoàn toàn tuyệt vọng về cô. Anh sắp xếp bác sĩ, y tá hằng ngày đến tận nhà tiêm cho Tôn Bình, kiểm tra tình hình phục hồi vết mổ của nó, nhưng anh không quay về lần nào nữa.

Người trong Đông Viễn đều rất lịch sự với cô, ngay cả thư ký Hàn cũng tưởng cô là vợ của Nhiếp Vũ Thịnh. Nhiếp Vũ Thịnh trước nay rất trầm tính nên người ở Đông Viễn cũng không rõ anh đã kết hôn hay chưa. Lần trước khi có thông cáo thay đổi cổ phần, Ban lãnh đạo mới láng máng đoán già đoán non, còn kháo nhau rằng Tôn Bình là con riêng của ông Nhiếp Đông Viễn, vì dù sao cũng không mang họ Nhiếp. Nhưng sự việc xảy ra quá đột ngột, ông Nhiếp Đông Viễn lại giữ kín như bưng nên không ai dám dò hỏi cặn kẽ. Thư ký Hàn mấy ngày gần đây thường xuyên ra vào phòng làm việc của Chủ tịch nên biết được Nhiếp Vũ Thịnh ngày nào cũng phải gọi điện về nhà, người nhận điện là một cậu bé, thậm chí thư ký Hàn từng nhìn thấy cậu bé qua điện thoại, lúc ấy Nhiếp Vũ Thịnh đang trả lời email trên máy tính, điện thoại mở chế độ video call, trên màn hình một cậu bé rất đáng yêu đang nặn đất sét, vừa nặn vừa hỏi: "Chú xem này, cái này có giống mẹ không?"

Nhiếp Vũ Thịnh dù đang bận tối mắt cũng cố ngó xem con búp bê bằng đất sét đó, thư ký Hàn bắt gặp nụ cười toát ra từ tận đáy lòng anh, trước nay ông chưa bao giờ thấy Nhiếp Vũ Thịnh cười, đặc biệt là từ sau khi ông Nhiếp xảy ra chuyện. Ông vào để đưa văn bản, cũng không dám nấn ná lâu, đặt xuống bàn xong liền đi ngay, lúc ra đến cửa còn nghe thấy tiếng Nhiếp Vũ Thịnh hỏi cậu bé qua điện thoại: "Mẹ con ngủ trưa rồi à? Con uống sữa chưa? Cốc sữ
ĐẾN TRANG
Thông Tin
Lượt Xem : 10574
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN