--> Nó là em con - game1s.com
XtGem Forum catalog

Nó là em con


(game1s.com - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?")
Tôi còn nhớ hôm đó là một buổi chiều mùa đông, cái lạnh xuyên thấu da thịt. Tôi co rúm người trong chiếc áo len dày cộm đang chơi bên hiên thì tôi thấy bố mẹ bế về một bé gái khoảng bảy tháng tuổi, nó được quận tròn tầng tầng lớp và bên ngoài là một chiếc khăn bông trắng tinh.
- Em gái con đó. - Mẹ tôi mỉm cười bế con bé cúi xuống ghé sát người tôi như để tôi biết đến sự hiện diện của nó. Chẳng biết vì còn lạ hay không thích mà ngay lúc đó tôi đã có ác cảm với nó rồi.
Nghe nói bố mẹ nhận nuôi nó ở một trại trẻ mồ côi. Nó trắng trẻo, hồng hào, hai má phúng phính, đôi mắt to đen nhánh. Nó nhìn tôi cười híp mắt. Rõ ghét, tôi thè lưỡi quay đi chẳng thèm cười với con nhóc ấy. Bố mẹ gọi nó là Hồng Anh, nghe còn kêu hơn cả tên của tôi - Mai Anh.
***
Tối đó, à không mà là từ hôm đó tôi phải nằm ngủ một mình trong phòng riêng, dạo trước khi đi ngủ bố mẹ hay cho tôi nằm giữa cứ lăn qua lăn lại giữa bố và mẹ thật thích, thi thoảng được bố kể chuyện cổ tích cho nghe nữa. Tôi nén nhìn vào phòng thì thấy con bé đang được mẹ bế nựng, bố thì lúi húi pha sữa. Trong lòng tôi chợt trào lên nỗi tủi thân vô hạn và ghét nó. Những ngày tháng tôi được bố mẹ cưng chiều đã khép lại từ hôm đó...
Từ ngày có nó, bố mẹ dường như không còn nhớ đến sự có mặt của tôi. Mẹ suốt ngày bế, ôm ấp và nựng nó như bảo bối.
Tôi chưa từng bế hay chơi đùa với nó. Nó đã cướp bố mẹ của tôi. Con bé đáng ghét.
Mẹ nghỉ việc ở công ty vài tháng để có thời gian chăm sóc nó nhiều hơn. Ai vào nhà cũng khen con bé xinh xắn đáng yêu, mọi người đều vây quanh nó mà chẳng ai thèm nhòm ngó đến tôi.
Đến khi nó được hơn một tuổi, tầm đó là đang chập chững biết đi và bi bô biết nói. Nhiều khi bố mẹ bận việc bảo tôi trông con bé nhưng tôi cứ ngồi lì ra mặc kệ nó chơi một mình, thi thoảng nó bước một đứng lên đi lạch bà lạch bạch trông như con vịt trong thời kì đẻ trứng. Con bé dỡ cái này, nghịch cái kia bày biện đầy ra nhà, tôi tức phát cho mấy cái vào mông. Mặt nó mếu máo rồi từ từ khóc òa lên ăn vạ, mẹ tôi hốt hoảng chạy lên và thế là tôi lại bị mẹ mắng không ra gì. Cứ thế, cái tần suất ngày một nhiều mà rõ ràng tôi chẳng làm gì sai.

Năm con bé lên hai thì tôi cũng đang học lớp ba. Lúc đó mẹ có thể gửi nó đi trẻ được rồi. Cứ sáng ra mẹ hoặc bố lại đèo tôi đến trường và đưa con bé đi trẻ rồi mới đi làm. Nó đi trẻ đến tối mới đón về nên tôi sung sướng không phải nhìn thấy mặt nó vào buổi trưa, và quan trọng nhất là tôi được sở hữu bố mẹ cho riêng mình dù chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng hai ngày nghỉ cuối tuần là một ác mộng với tôi vì con bé được ở nhà. Khi ấy nó đi và chạy tốt lắm rồi, tôi cứ như chiếc đuôi phải chạy theo trông chừng nó cả buổi, đó đang là tầm nghịch ngầm nên chẳng chịu ngồi yên một giây. Có lần mẹ bảo tôi trông con bé để mẹ nấu cơm.
- Con nhớ để ý em đấy.
- Vâng. - Tôi dạ dạ vâng vâng nhưng mắt còn nhìn xem phim hoạt hình, thi thoảng cũng ngó nó cái rồi thôi. Con bé chơi quanh bàn uống nước, tôi bụng bảo dạ đứng lên nhấc chiếc phích nước lên cao, nhưng phim đang đến chỗ hay nên tôi nhãng đi. Con bé muốn lấy chiếc dây chun ở bên dưới chân phích, nó kéo mãi không được quay ra đẩy và thế là một tiếng "Ùm" nó khóc thét lên, lúc tôi giật mình chạy ra thì đã thấy con bé khóc nức lên ngồi bệt ra bên cạnh là chiếc phích vỡ lênh láng đầy nước ra nhà. Mặt tôi tái mét bế nó ra khỏi đó, cũng may là phích nước đun từ hai hôm trước. Mẹ lên thấy thế phát cho tôi vài cái vào mông đau điếng người vì tội lơ đễnh. Tôi khóc nhưng mẹ không để ý mà cứ bế con bé xuýt xoa đưa bôi dầu. Đó là lần đầu tiên mẹ đánh tôi.
Con bé lên năm tuổi. Nó dành hết búp bê cùng đồ chơi của tôi, mặc dù tôi không còn hứng thú với chúng nhưng thà cứ để đó cho bụi bẩn bám vào chứ cũng không muốn cho. Và rồi bố mẹ ép buộc nên tôi đành ngậm ngùi để nó chơi. Đâu chỉ có thế, những chiếc váy xinh xắn ngày xưa của tôi, thứ mà tôi cất cẩn thận để thỉnh thoảng đem ra ngắm dù không còn mặc được thì mẹ lại lôi hết ra ướm thử cho con bé, thật lạ là nó đều mặc vừa như in, nhìn nó giống cô công chúa nhỏ đáng yêu. Con bé cười tít mắt vì có váy mới, còn tôi tức nghẹn mà không sao được. Tôi có cảm giác nó đang cướp mọi thứ của mình...
Tôi cứ nuôi nỗi tức giận như thế suốt một thời gian dài.
Giờ tôi đã học cấp hai, còn nó thì cũng đã vào lớp một. Hai trường không gần nhau nhưng lại cùng đường. Thế là bố mẹ giao cho tôi trách nhiệm, sáng ra đưa nó đến trường, dù không thích nhưng vẫn phải nghe. Tôi ấm ức nhìn nó. Còn nó cười toe híp cả mắt. Nhìn muốn ức lên.
Cứ sáng ra nó dậy từ sớm, ăn sáng mặc quần áo đàng hoàng rồi chân sáo nhảy nhót chờ tôi ngoài cổng. Thấy tôi dắt xe ra, nó cười toét miệng:
- Chị ơi, đi đi. - Hai tay nó víu vào áo tôi lay lay.
Tôi chả thèm nhìn, tôi lạnh lùng nói:
- Lên xe, nhanh muộn rồi.
Suốt quãng đường nó nói như một con vẹt, làm tôi ù hết cả tai. Có lúc tôi quát "Im lặng", nó lặng thinh được vài phút rồi lại thế. Nó làm tôi tức chết đây mà. Khi đến cổng trường, tôi thả nó xuống. Con bé chào tôi, tôi vờ như không để ý rồi cứ thế phóng xe đi. Được một đoạn tôi ngoảnh lại, tôi giật mình khi thấy con bé miệng tươi cười vẫn đang nhìn theo tôi. Tôi như vừa bị bắt quả tang nên vờ lảng nhìn chỗ khác và cắm đầu đạp.
Những ngày sau đó vẫn vậy. Tôi thực sự ngán ngẩm khi cứ phải đưa nó đến lớp như thế lắm rồi.
Có một sáng, hôm đó cả bố và mẹ đều bận nên dặn tôi trưa đi học về nhớ đón Hồng Anh. Tôi chỉ ậm ừ. Nhìn trời âm u cứ như lòng tôi vậy.
Tan học tôi rủ mấy đứa bạn đi ăn ngô luộc để cố tình kéo dài thời gian cho nó chờ một trận. Hết ăn ngô rồi lại ăn chè, từ đó giờ cũng hơi lâu rồi. Thấy trời kéo mây đen như sắp có cơn mưa nên mấy đứa vội vã ra về. Dù đã đạp rất nhanh nhưng tôi vẫn bị ướt. Về đến nhà tôi ướt sũng, người run lên vì lạnh. Vừa ngồi xuống ghế thì tôi lại đứng bật dậy như lò xo, tôi quên mất là chưa đón Hồng Anh. Tôi lo lắng rồi phóng ngay xe ra trường nó, đến nơi cổng trường đóng, sân trường không một bóng người. Đường cũng vắng tanh. Tôi định quay xe đi lên phía trên xem con bé có chạy trú ở đâu không thì thấy nó ngồi co ro ở góc tường, người nó ướt sạch. Tôi bực quát:
- Đồ ngốc, sao không tìm chỗ mà trú mà đứng ở đây!
Con bé ngẩng lên nhìn tôi, mặt mếu mó.
- Em sợ chị đến sẽ không nhìn thấy em.
Tôi lặng người không nói thêm được gì nữa chỉ bảo nó lên xe. Tôi và nó dùng chung cái áo mưa, con bé ngồi gần hơn mọi khi, hai tay nó ôm chặt eo tôi, mặt nó áp vào lưng tôi. Trời se lạnh mà bỗng dưng tôi thấy ấm áp đến lạ, không phải ấm người mà là ấm trong lòng, cái cảm giác này dễ chịu lắm, lần đầu tiên tôi thấy thế này. Mưa vẫn rơi suốt quãng đường. Khi xe tôi dừng trước sân, tôi cứ thấy nó ngồi lì trên yên xe không chịu xuống, khác với vẻ tinh nhanh của nó. Tôi bực mình quát:
- Không xuống đi định đợi tao bế à?
- Vâng. - Giọng nó như hết hơi. Nó lờ đờ từ từ xuống xe, nó xách chiếc cặp nhìn nặng nhọc lắm. Vừa đến cửa nhà, nó đi lảo đảo rồi ngã lăn ra đất. Tôi hốt hoảng không hiểu chuyện gì bế vội vào giường, thay quần áo cho nó xong tôi sờ trán thấy nóng sực. Nó sốt rồi. Tôi thật sự hoảng. Tôi lấy chiếc khăn làm ẩm đặt lên trán con bé, tôi vẫn thấy mẹ làm như vậy cho mình mỗi khi ốm. Rồi tôi chạy xuống bếp đặt nồi cháo, mở ngăn tủ tìm thuốc hạ sốt nhưng chẳng có viên nào thế là tôi lại phóng xe ra ngoài mua trong lúc trời đang mưa. Về đến nhà thì nồi cháo cũng được. Tôi múc ra một bát bưng lên nhà.
- Hồng Anh, dậy ăn cháo rồi uống thuốc nhanh lên. - Tôi lay lay người con bé, mắt nó nhắm nghiền, môi tái nhợt. Gọi mãi nó mới uể oải mở mắt ngồi dậy. Tôi phải ép mãi con bé mới chịu ăn được mấy thìa, ăn xong cho nó uống thuốc và để nó nằm nghỉ. Lúc này con bé hiền và ngoan hơn bình thường, nếu cứ thế này có phải tốt không, tôi nghĩ bụng. Nó nằm đó đã mấy giờ trôi qua, lòng tôi nóng như lửa đốt. Lần đầu tiên tôi tự tay chăm sóc cho người khác, lần đầu tiên tôi biết lo lắng cho một ai đó, tôi thấy mình đã lớn thật rồi, có chút gì đó tự hào về bản thân. Và điều tôi lo sợ nhất đã đến. Bố mẹ tôi về, thấy nó ốm, hai người lo lắng lắm. Mẹ ngồi giường, cầm tay con bé mắt mẹ như sắp khóc, mẹ hỏi tôi:
- Em làm sao mà bị ốm vậy con? Hay là hôm nay con để em bị ướt?.
Tôi ấp úng:
- Dạ...con...con...
Vừa lúc đó nó tỉnh dậy, tôi đoán nó sẽ mách bố mẹ chuyện hôm nay. Tôi chết chắc rồi. Nó nhổm dậy nhìn tôi khiến tôi nổi gai ốc. Nó nói:
- Không phải tại chị đâu ạ. Do con không đợi chị đón mà về trước nên bị ướt. Mẹ đừng trách chị.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Coi như nó biết đều. Mẹ tôi ôm nó rồi liếc tôi, tôi giả vờ như vô tội.
Tối hôm đó mẹ vào phòng tôi, lúc đó tôi đang định đi ngủ. Mẹ ngồi xuống giường, mắt mẹ nhìn tôi trìu mến.
- Mẹ biết hôm nay con không đón em.
Tôi cụp mắt cúi xuống, mẹ nó tiếp:
- Bao năm qua con không thể mở lòng với em hay sao? Con ghét nó vậy à?
Tôi mím môi:
- Nhưng nó không phải là em con. Mẹ đâu có sinh ra nó. Từ ngày có nó bố mẹ chả quan tâm gì đến con cả.
Mẹ im lặng một lúc rồi nói:
- Bố mẹ gặp em trong một trại mồ cô.Nghe mọi người kể, chẳng ai biết bố con bé là ai. Người ta tìm thấy hai mẹ con họ ở trong một đường cống bằng bê tông. Người mẹ đã lạnh cứng và chết vì mất nhiều máu và vì lạnh, còn con bé đã khóc đến khàn cả tiếng.
Nói đến đây mẹ như sắp khóc.
- Bố mẹ thấy thương và thật sự yêu con bé nên đã nhận về nuôi như con đẻ. Con không thấy thương em sao?
Mẹ gạt vội giọt nước mắt rồi đứng lên, trước khi về phòng mẹ nói thêm một câu khiến tôi chạnh lòng.
- Em nó yêu qúy con lắm...
Chẳng biết sao nước mắt tôi cứ chảy dài và không ngừng. Suốt một thời gian dài tôi coi nó như cái gai trong mắt, tôi luôn nghĩ nó là nguyên nhân chia rẽ bố mẹ với tôi, tôi thường nghĩ bố mẹ yêu qúy nó hơn mình và thế là tôi có ác cảm, tôi khóa chặt lòng mình lại, tôi nhỏ nhen chấp nhặt từng li từng tí để giờ khi biết con bé cũng tội nghiệp và đáng thương tôi mới thật sự thấy ân hận vì những việc đã làm với nó.
Tôi lén sang phòng nhìn nó ngủ. Tôi ngồi cạnh giường, đưa tay vén lọn tóc trước mặt nó. Tôi ghé sát khuôn mặt xinh xắn của con bé mà thì thầm.
- Em gái, chị xin lỗi...- Từ nay tôi sẽ nhường nhịn và yêu thương nó để bù đắp những thiệt thòi mà nó từng phải chịu.
Rồi tôi cứ nằm xuống mà ôm con bé ngủ từ lúc nào. Có một điều mà tôi không biết, đó là đôi mắt hạnh phúc của mẹ nhìn hai chị em tôi qua khe cửa.
Nguyễn Mai Dung






Thông Tin
Lượt Xem : 955
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN