--> Nước ốc - game1s.com
Polaroid

Nước ốc


Mỗi khi kể lể về cuộc đời của mình. Cha tôi thường nói về nước ốc. Là nhạt như nước ốc. Nhiều lúc ông còn cáu, khi tôi cà kê bảo ông kể. Tôi đặc biệt thích nghe những chuyện trong quá khứ, ít ra tôi thấy mình ở nhiều hơn trong đó, nhưng hẵng khoan, ở đây tôi không nói gì về đời mình. Sau này, dù có cà kê kể lể cho con cháu mình nghe, tôi chỉ nói về cha. Về thứ nước ốc, thứ nước ốc mà cha tôi nhắc tới, không biết nó có thật sự nhạt hay không. Có nhạt như cái cách mà ông nói về cuộc đời mình. Cha cười khẩy. Cũng không hẳn như vậy. Nhiều khi nó mặn chát. Mặn chát như thứ rượu ông thường uống. Chắc là pha lẫn cả nước mắt nữa nên mới mặn như thế chứ.
Dành tặng cha!
***

1.
Chẳng biết tự lúc nào, cha tôi đâm ra thèm rượu đến như vậy. Thèm tới mức cuồng si, mê mẩn. Thèm như cái cách chúng tôi mỏi mắt nhìn theo lão bán kem đang thong dong rao bán trên chiếc xe đạp cà tàng, vào mùa hè. Thèm như thèm kẹo kéo, thèm kẹo mũ xanh đỏ. Thèm như cách trèo lên cái cây bên tường ngóng qua nhà lão Năm, bấy giờ đang chiếu bộ phim Tây du ký của Trung Quốc sản xuất vào năm 1986.
Ấy là cái thèm của cha tôi. Thèm tới mức cuồng si, mê mẩn. Nghe chị cả tôi nói, lúc chị ấy mười tuổi, bằng tuổi tôi bây giờ thì cha tôi đã uống rượu rồi.
Trong năm chị em nhà tôi, chắc tôi là người thân với cha tôi nhất. Chẳng bao giờ cha nói là, tao thân với con út nhất, tao thích nói chuyện với nó, nó mới là con tao. Trời có sập thì cha tôi cũng không bao giờ nói thế. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi cứ thường trực cái cảm giác, mình thân với cha nhất.
Nhà có tới năm đứa con gái, mẹ tôi nữa là sáu. Chỉ một mình cha là đàn ông trong nhà. Ông không thích con gái, ông thích có con trai. Mẹ tôi bảo vậy. Nhưng nhà tôi lại có tới năm đứa con gái. Năm con vịt trời. Thời bấy giờ, nhà nào mà sinh được dưới mười con thì cũng được liệt vào hàng hiếm hoi trong làng rồi. Quan niệm đông con nhiều của cứ thế ăn mòn cả một thế hệ. Nhà tôi hiếm hoi thật, đã thế lại sinh toàn con gái. Cha không thích điều đó, và ông lại uống rượu nhiều hơn.
Những lúc ông say, ông lại mang lũ con gái chúng tôi ra chửi, nào là trời sinh con gái vô phúc, con gái như lũ vịt trời sinh ra lớn lên, rồi bay đi chẳng được cái mẹ gì cả. Cha tôi thường nói thế. Cả nhà ai cũng nghe được, nhưng chẳng ai nói gì. Không để ý thì đúng hơn.
Nhiều lúc tôi thấy, xét theo cái nọ cái kia thì chuyện cha say sưa đâm ra lại hay. Lúc say rượu ông nói chuyện nhiều hơn, ít ra ông cũng chịu mở miệng để lảm nhảm điều gì đó, nhiều hơn so với lúc ông tỉnh. Lúc tỉnh táo, thành ra cuộc đời của ông như nước ốc thật. Cha im lìm như một cái bóng bất động hằn lên bức tường, chỉ xoay đổi tư thế theo ánh nắng mặt trời, dù thay đổi nhưng vẫn giữ mãi tư thế đó. Chúng tôi hỏi một thì cũng ừ, hỏi hai thì cũng ừ, hỏi tới lần thứ n thì vẫn cứ ậm ừ như thế.
Năm tôi được mười tuổi, thì mẹ tôi bệnh mất. Cha tôi uống rượu nhiều hơn trước, nhiều hơn bất cứ khi nào. Trong ký ức của tôi, vào những buổi chiều chập choạng tối thứ ánh sáng vẩn đục hoen ố. Cha tôi ngồi im bên bếp lửa, ông ngâm nga một giai điệu cổ nào đó bằng cái giọng khản đặc vì rượu, còn bóng ông đổ thành một vệt dài loang loáng bên bức tường đối diện. Hình ảnh của những con quỷ trong sách khải huyền.
Cha tôi say triền miên. Tôi thường ngồi cạnh cha. Mặc cho ông lẩm bẩm chửi rủa chúng tôi. Mặc cho lũ vịt trời thế nào. Tôi vẫn ngồi cạnh ông. Tôi hỏi ông nhiều thứ. Ông bảo tôi câm miệng. Tôi vẫn cứ thế hỏi. Sau cùng ông trả lời, cũng không hẳn là một câu trả lời đúng nghĩa cho những câu hỏi, cũng có thể là một chi tiết rời rạc, một kiểu độc thoại nội tâm, nhưng hơn hết nó chắp nối thành những câu chuyện cuộc đời.
2.
Trong thời chiến, cha tôi là một cán bộ hậu phương mẫn cán. Ông làm chủ nhiệm hợp tác xã, chuyên trách các công tác về hậu phương để phục vụ cho chiến trường.
Nghe mấy người già trong làng kể lại, hồi đó, cha tôi trông oách lắm. Có lẽ là oách nhất trong đám trai làng lúc bấy giờ. Ấy thế nên, nhiều cô gái trong làng( giờ người còn người mất), mến mộ cha tôi lắm. Nói theo kiểu bọn trẻ bây giờ thì phải liệt cho cha tôi vào hạng "hotboy" lúc bấy giờ. Công nhận nhìn ảnh cha tôi chụp trông cũng đẹp trai ra phết, chứ không lụ khụ như bây giờ.
Đẹp trai hay không? Nhiều cô mến mộ hay không, thì cuối cùng cha vẫn lấy mẹ tôi. Mẹ hơn cha tới tận 6 tuổi. Chẳng biết ông bà tôi mối lái thế nào, mà cha lại lấy mẹ tôi. Nói thật, trong cái đám gái làng lúc bấy giờ thì mẹ tôi cũng chẳng có gì đặc biệt đâu, nhan sắc thì chẳng thể nào gọi là mặn mà được. Ấy thế, mẹ lấy được cha tôi, điều mà những cô gái mến mộ kia không làm được. Lúc còn sống, mẹ tôi cũng thuộc dạng ít nói, với cha là điều đương nhiên, với chúng tôi cũng không. Mẹ tôi suốt ngày ở ngoài đồng, không ngoài đồng thì lên nương, không lên nương lại bận túi bụi với đám lợn, đám gà, đám chó mèo trong nhà.
Lúc mẹ tôi chết đi, tôi khóc rống lên. Điếc tai quá. Cha tôi thì quở rằng: "Mẹ mày mất thì có gì to tát đâu, bà ấy sinh trước tao thì chết trước là phải lẽ rồi". Theo cha thì cái gì mới là to tát chứ.
Sau ngày mẹ tôi mất thì mọi việc trong nhà đều do chị cả tôi quán xuyến. Chị cả hơn tôi tận mười sáu tuổi. Lúc tôi mới sinh ra thì chị đã thành người thiếu nữ đảm đang rồi. Trong năm chị em nhà tôi. Chị cả giống mẹ nhất. Từ mái tóc dày rối nùi, lúc nàocũng có mùi khói mùi nắng chiều, đến cái ánh nhìn có gì đó sâu trũng và xa xăm.
Chị cũng không bao giờ nói chuyện với cha, thêm một điều nữa giống mẹ. Ít ra, mọi việc trong gia đình chị cũng không hỏi tới ý kiến cha, dù chỉ một lần. Còn riêng cha, ông cũng để mặc điều đó, mặc cho chị tôi muốn làm gì thì làm.
Khi tôi được mười hai tuổi, chị hai tôi, chị ba, rồi cả chị tư nữa đều đi lấy chồng xa. Đi rồi mất tăm, có khi tết cũng chẳng thấy trở về.
Năm tôi hai mươi hai tuổi, tôi lấy chồng rồi cất nhà ở xóm bên. Chị cả cũng lấy chồng xóm bên. Nhưng tới năm thằng cháu con của chị lên mười tuổi, thì chồng chị bỏ đi mất tăm và không bao giờ trở lại nữa. Kể cả sau này, thằng cháu lấy vợ, cũng chẳng thấy ổng đâu. Nghe đâu sau này lấy vợ ở vùng dưới, rồi sinh mấy mụm con.
Lúc anh rể tôi đi, thằng cháu khóc rống lên như bò. Chị tôi thì ngồi im. Cha tôi cũng ngồi im bên hiên nhà, dĩ nhiên ông say khướt, được thể ông lẩm bẩm điều gì đó, nào trời sinh con gái vô phúc,nào đáng đời lũ chúng mày ăn ở bạc nghĩa bạc tình.
Sau chiến tranh kết thúc, cha không làm chủ nhiệm hợp tác xã nữa. Ông chuyển sang nghề mo. Ở làng tôi mo cũng được coi là một nghề, lúc nào cũng coi là một cái nghề và nghề cao sang là đằng khác. Từ cưới xin, ma chay đến cúng vái lễ Tết người ta đều mời cha tôi tới hành lễ. Có khi suốt cả buổi ông cứ lầm rầm đọc hết bài này đến bài kia, khổ nhất là đám ma, có khi đọc lầm rầm xuyên tới sáng hôm sau luôn. Nghệ này, do ông nội truyền lại cho cha tôi, ông nội tôi có mỗi cha là con trai nên không học, không được. Thế nên, năm 12 tuổi bằng độ tuổi của con trai tôi bây giờ, tất tần tật những bài mo chay cưới xin, ma chay rồi lễ Tết cha tôi thuộc làu làu. Có khi chẳng nghĩ ông cứ thế tuôn ra, lúc say sưa mê man tôi còn thấy ông lầm rầm nữa là.
Đi mo chay như thế, lại được người ta cho rượu cho thịt, có lúc họ còn cho cả tiền. Cha tôi không lấy tiền, ông chỉ lấy rượu thịt. Rồi ông say triền miên.
Thằng cháu tôi lầm lì từ nhỏ, tính tình thì cục cằn, nóng nảy. Chẳng bao giờ nó im lặng như mẹ tôi hay mẹ nó cả. Hễ thấy cái gì, nó cho là chướng tai gai mắt thì nó nói liền chẳng bao giờ suy nghĩ, cả nể cái gì cả, mà nhất là cha tôi, ông nội nó. Hai người có bao giờ hợp tính nhau đâu. Thi thoảng, có vài trận cãi vã nảy lửa cũng là chuyện bình thường như cơm bữa.
Có một lần, ngày ấy cháu dâu tôi chưa về nhà, chẳng hiểu vì chuyện gì, cái chuồng gà chuồng bò gì chẳng biết mà hai người cãi nhau, rồi động chân động tay, với sức của ông già bảy mươi suốt ngày rượu chè thì làm sao mà ăn được cái đám trai tráng trẻ tuổi đôi mươi khỏe hùng hục như trâu chứ. Lần đấy, cha tôi tính ăn vạ. Vừa mới bước vào trong cửa, đã thấy ông bù lu bù loa cả lên, trông thấy tôi ông được nước lấn tới.
"Có chuyện gì thế bố?" Tôi vờ hỏi.
"Thằng cháu đích tôn của tao đòi chém chết tao đấy. Mày thấy thế nào?". Ông hằn học đáp lại.
"Chém bố á? Tôi vờ vịt đáp lại. Ai mà chém được bố chứ. Chẳng phải ngày xưa bố chạy đuổi chém lũ trai làng bên ầm ầm đấy thôi".
"Mày không phải bênh nó".
"Sinh con gái vô phúc, nhưng có con trai rồi cũng chẳng đâu vào với đâu bố nhỉ". Tôi giả bộ thở dài.
"Đúng là một lũ ăn hại, tới nước này thì tao đuổi hết, tao tống cổ hết ra ngoài đường ngoài chợ mà hành khất".
Bố tôi giận thật, mắt ông ánh lên những tia giận dữ hằn học. Thằng cháu tôi nghe lời mẹ nó đi sang nhà hàng xóm chơi tạm, đợi lúc ông ngủ thì về.
"Một lũ ăn hại mà, đến nước này thì tao đuổi đi hết".
"Nhà còn ai đâu mà bố đòi đuổi hết, đuổi hết rồi thì bố ở với ai. Đuổi mẹ con, chị hai, chị ba, chị tư, rồi cả con nữa".
"Tao đếch cần ai hết".
Tôi im lặng một hồi lâu, mặc cho ông chửi rửa. Lúc tôi quay sang hỏi: "Bố có cần nước không?", thì ông đã ngủ rồi. Đầu ông tựa vào bồ thóc cũ rách, ngủ ngáy ngon lành.
Tôi khẽ cười.
3.
Năm 2008, thằng cháu tôi lấy vợ ở xóm bên.Thế là nhà có thêm một người, thành 4 người. Xem ra cũng còn phúc, còn phận đấy chứ. Thằng cháu lầm lì, nóng tính, cái thằng mà mấy năm trước đòi chém ông nó giờ lại lấy được vợ. Cháu dâu tôi, xem ra cũng khá đấy chứ, được cái mau mồm mau miệng, tháo vát, chăm chỉ. Đàn bà thời này mà cứ câm như hến rồi cũng vứt xó, đàn bà thời này phải nhanh mồm, nhanh miệng mới sống được, khác xa so với thời của chúng tôi, thời đấy hễ đứa con gái nào nhanh mồm nhanh miệng là người ta kỳ thị, nhìn với ánh mắt chẳng mấy thiện cảm. Nhưng thời nay khác rồi, người ta coi trọng điều đó. Vấn đề của thời đại nên cũng chẳng bàn nhiều.
Cháu dâu tôi, học xong cấp III dưới huyện, cũng chưa tính đi học đâu thì được người ta cho đi học cảm tình Đảng trên tỉnh, bồi dưỡng rồi trở thành Đảng viên. Đảng viên trẻ tuổi thì xem ra oách rồi. Sau thành Đảng viên thì nó cũng được giữ một chân bên đoàn Thanh niên xã, chuyên phụ trách các công tác đoàn đội gì gì đó. Mọi công việc trong nhà, từ nhỏ tới lớn đều do nó quán xuyến hết. Nhiều khi, con trai tôi nói với tôi: "Chị dâu thực sự là mẫu người phụ nữ của gia đình hiện đại đấy mẹ ạ". Tôi chỉ cười, bởi cũng chẳng biết cái con trai tôi gọi "mẫu người phụ nữ hiện đại" là gì, nhưng cứ nhìn vào việc nhà cửa, con cái thì thấy đâu vào đấy là ổn rồi. Người phụ nữ hiện đại chắc chỉ cần thế thôi. "Lũ chúng mày học tập lấy chị dâu mày ấy".
Hơn một năm sau ngày cháu dâu tôi về nhà. Nó sinh được thằng cháu trai kháu khỉnh, thế là cha tôi có chắt trai. Tôi chắc là ông thích.
Thi thảng sang bên nhà chơi, thường thấy ông ngồi lúi húi ở góc sân, đang đục đẽo thứ gì đó. Thì ra ông đang làm cho thằng chắt ông cái xe bằng gỗ, loại xe bằng gỗ mô phỏng lại mẫu xe công nông ngày xưa. Cha tôi khéo tay mà, mọi thứ rổ rá trong nhà đều do ông đan lát đấy chứ. Không chỉ có công nông đâu, súng ống đạn dược đều được ông làm ra, chỉ với mục đích duy nhất là mua vui cho thằng chắt ông thôi. Lúc nào làm xong, ông lại gọi thằng chắt ông( lúc nó 3 tuổi), khoe với nó, hướng dẫn nó cách sử dụng, điều khiển này nọ.
Tôi mua cho thằng cháu quả bóng nhựa viền xanh trắng ngoài chợ, rồi hai người một già một trẻ cứ líu tíu ở khoảng sân hết cả những buổi chiều mùa hè. "Cứ như thằng bố nó thì tao cũng đuổi nốt".
Đương nhiên cha tôi không thể nào bỏ rượu, thứ ông nói đã dính chặt thành một phần cuộc đời. Rượu giống như cuộc đời. Bỏ rồi thì đời cũng vứt nốt đi mà thôi. Ly rượu vần xoay như cuộc đời. Đó là triết lý của cha tôi, về cuộc đời của ông.
Vào năm 2012, lúc con trai tôi vào đại học năm nhất. Mùa hè năm đó, cha tôi được mấy cậu nghiên cứu sinh ở trường khoa học xã hội và nhân văn mời xuống để chia sẻ về văn hóa dân tộc Mường. Tôi nghe nói, họ cần thu thập các tài liệu về ngôn ngữ, nét văn hóa truyền thống sinh hoạt gì gì đó, mà công việc ở các trường đại học yêu cầu. Lần đấy cha tôi đi Hà Nội một tuần, đó là lần thứ hai cha tôi xuống Hà Nội kể từ năm 1987. Lúc về, cứ mỗi lúc rảnh rỗi hay có mặt chúng tôi, mấy đứa cháu chắt thì cha lại hào hứng kể chuyện, kể bất cứ khi nào, kể nhiều hơn vào những lúc say. Nào là chuyện những ngôi nhà cao chọc trời mọc lên, nào là chuyện những con đường lớn mới mở thông thoáng không nhỏ hẹp xấu xí như ngày xưa, nào là thành phố văn minh này nọ...Cha tôi kể miên man, chắc sáng mai cũng chưa hết.
4.
Tới đây, với tôi những thứ kể về cha là quá dài dòng lê thê rồi. Tôi chẳng viết hồi ký, cha tôi cũng chẳng thể viết hồi ký. Chẳng có gì để viết, chẳng thể in thành sách, rồi phát cho con cháu và bắt chúng đọc này đọc nọ. Chúng sẽ mau chán, chúng còn bận đi chơi, bận chát chít với cái màn hình xanh lè đầy cám dỗ.
Có thể coi thứ xót lại riêng tôi là những mảnh ký ức vụn vỡ, những câu chuyện về cha, những chuyện mà tôi nói, sẽ kể lại cho lũ con cháu chúng tôi nghe. Mong chúng sẽ lắng nghe một chút.
Nói dài dòng thế thôi, tôi sẽ kết thúc câu chuyện của cuộc đời cha tôi bằng một chuyện hy hữu, lãng xẹt như thế này.
Có một ngày sau Tết, khi ấy tôi đang ở ngoài đồng, thằng cháu tôi hớt ha hớt hải chạy tới: "Ông...ông....rách trán". Nói bảo. Tôi bình tĩnh đi về.
Cha tôi chẳng biết đi uống rượu ở đâu, về nhà say lướt khướt, đi chẳng vững, tựu trung những người say rượu đều thế, khỏi cần bàn. Chẳng hiểu cha vấp ngã kiểu nào, đập vào cái gì khiến chỗ da trên lông mày ông rách toạc. Mang ra bệnh viên đa khoa huyện, bác sỹ người ta khâu cho năm sáu mũi gì đó. Thật là. Chúng tôi chỉ thở dài. Nhìn ông thi thoảng lại khẽ rên lên vì đau lại khiến tôi bật cười mới lạ.
"Tao chưa chết mày ông phải mừng vội. Đúng là sinh con gái vô phúc mà"
"Con trai con còn chưa lập gia đình, bố không chết được đâu".
"Thằng đó bao nhiêu tuổi rồi?"
"Hai mươi ba tuổi rồi cha".
"Lấy cho tao cốc nước đi mày?"
Tôi chạy vào nhà, rót nước đưa cho cha, ông uống một cách từ tốn.
"Sau này tao chết bay tính chôn tao ở đâu đây?"
"Chắc là ở cạnh mẹ". Tôi nói tỉnh bơ.
"Đúng là sinh con gái vô phúc mà ".
Cha nói rồi, uống nốt chỗ nước còn lại. Rồi ông cằn nhằn
"Nước gì mà nhạt thế không biết ".
"Là nước ốc đấy bố". Tôi cười!
Nguyên Nguyên
 






Thông Tin
Lượt Xem : 956
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN