Chuông gió từ thiên đường
Một buổi chiều cuối tháng ba, nắng mới luôn làm cho Tôi khó chịu và mệt mỏi, Tôi đang trống tay ngủ ngon lành ở chiếc bàn cuối lớp mà Tôi độc chiếm từ đầu năm học bỗng có tiếng thầy giáo chủ nhiệm gọi to tên ai đó, Tôi giật mình thức dậy ngơ ngác nhìn quanh. Chỉ đến khi thằng Long ngồi bàn trên quay xuống nói nhỏ: “gọi mày đấy!” Tôi mới lật đật đứng dậy ấp úng: “thưa thầy, em…em…”. Là nỗi kinh hoàng của không chỉ riêng Tôi, ông nhìn Tôi nghiêm khắc một lúc lâu rồi nói ngắn gọn một câu:
-Em có biết chỉ vài tháng nữa là phải thi tốt nghiệp rồi thi chuyển cấp không?
Thấy Tôi chỉ cúi gầm mặt chẳng nói gì, ông phán một câu chắc nịch như Bao Công xử án: “đứng ở cuối lớp cho đến giờ ra chơi mới được về bàn”. Vừa tức, vừa xấu hổ, Tôi cúi gầm mặt đi về cuối lớp. Ông quay ra cửa vẫy tay gọi:
-Trang, vào đây em!
Một con nhỏ ngộ nghĩnh bước vào đứng cạnh thầy, ông giới thiệu vài lời đại ý nó chuyển trường theo gia đình về đây học, được phân về lớp Tôi, và dặn dò cả lớp giúp đỡ bạn mới. Tôi nói nó ngộ nghĩnh vì nó róc hai cái đuôi tóc dài sang hai bên đung đưa trước ngực, nó mặc một cái áo trắng xanh kiểu hải quân giống đồng phục của học sinh Liên xô, trên mặt nó là cặp kính dày như đít chai, khoác sau một cái ba lô mà Tôi chưa nhìn rõ to nhỏ thế nào.
Tôi chưa kịp quan sát xong thì thấy nó bước về phía Tôi rồi ngồi ngay vào cái bàn mà Tôi độc chiếm hai năm nay. Trời ạ, đúng là một thảm họa, tự nhiên có một con nhóc không biết ở phương nào đến chiếm mất một nửa cái lãnh thổ vốn đã nhỏ bé của Tôi, mà lại là con gái nữa chứ… Từ trước đến giờ Tôi chúa ghét con gái, bây giờ lại phải chia sẻ với một con nhóc kỳ lạ và xui xẻo, tương lai của Tôi quả là mù mịt, chẳng biết sẽ bị nó ám đến bao giờ.
Ra chơi xong Tôi vào chỗ ngồi, cố tránh xa nó ra mép bàn như tránh bệnh dịch hạch, vậy mà con nhỏ lại chẳng biết điều, nó quay sang Tôi nhếch môi cười rồi nói:
-Chào bạn, mình là Trang, tớ học kém lắm nên mong cậu giúp đỡ tớ nhiều.
Ôi trời! nó vừa đến là Tôi bị phạt, vậy mà nó còn cười nhạo Tôi nữa chứ. Tôi gằn giọng:
-Sao lại ngồi ở đây?
Nó mở to đôi mắt sau cặp kính rồi ngơ ngác:
-Thầy Minh bảo tớ ngồi đây mà, với lại làm gì còn bàn nào trống nữa đâu?
Tôi chỉ đáp câu hỏi của nó bằng tiếng hầm hừ trong cổ họng rồi quay đi, trong đầu lập ra một kế hạch để chiếm lại lãnh địa của mình.
Từ những ngày sau đó, hôm nào Tôi cũng nghĩ ra cách để quấy phá con nhỏ mới đến, hôm thì Tôi để bã kẹo cao su dưới ghế khi nó đang đứng lên phát biểu, khi thì vờ lỡ tay quay bút làm bắn mực loang lổ lên cái áo trắng tinh của nó, khi thì xì lốp xe đạp trong giờ ra chơi để nó phải dắt xe hơn 3km giữa trưa nắng về nhà… Con nhỏ hình như cũng biết Tôi chẳng khoái nó, nên mỗi lần như vậy nó chẳng nói gì, chỉ thấy nó buồn buồn. Tôi cũng chẳng thèm để ý nó nghĩ gì, chỉ quyết tâm làm nó nhanh chóng biến khỏi chỗ của Tôi càng sớm càng tốt.
Đỉnh điểm của những trò nghịch của Tôi là lần Tôi lén bỏ con rắn chết vào trong cặp sách của nó trong giờ ra chơi. Khi vào tiết học, nó quay về chỗ ngồi nhìn Tôi cảnh giác, sau khi kiểm tra không có bã kẹo cao su dưới ghế, không có sâu trong ngăn bàn, sách vở của nó cũng không bị dính chặt vào nhau… nó mới yên tâm ngồi xuống. Tôi thì thản nhiên như chẳng có chuyện gì sảy ra, ngồi nhìn chăm chăm vào quyển sách giáo khoa như lần đầu tiên được nhìn thấy quyển sách và thầm nhủ “hà, hãy đợi đấy! xem lần này có gan lỳ được nữa không?”. Chỉ 15 phút sau, khi cả lớp đang chăm chú nghe giảng còn Tôi cũng đang chuyên tâm ngủ gật thì nghe một tiếng hét kinh hoàng. Tôi tỉnh gần như ngay lập tức, chỉ thấy con nhỏ nhìn Tôi bằng ánh mắt và nét mặt kinh hoàng, mặt nó bắt đầu chuyển sang trắng bệch, hai tay nó ôm ngực rồi từ từ ngất lịm ra đất. Trong góc lớp, con rắn nằm ngoằn nghèo phơi bụng bên đống sách vở, bút mực lộn xộn. Gần như chết lặng, Tôi chẳng biết làm gì ngoài đứng trơ ra nhìn mọi người đưa con bé đi cấp cứu. Chỉ khi thằng Long đập vào vai hỏi: “mày làm phải không?” Tôi mới choàng tỉnh, không trả lời nó, Tôi lẳng lặng sách cặp bỏ về.
Sao con nhỏ đó lại có thể sợ con rắn bé xúi đến mức đó được nhỉ, sao nó lại có thể ngất vì sợ được nhỉ, không biết nó có bị làm sao không…?! Tôi cũng bị sốc vì hiệu quả bất ngờ do trò nghịch của mình gây ra, nhưng Tôi lo lắng nhiều hơn, vì từ bé đến giờ, mặc dù đã nghĩ ra hàng vạn trò nghịch ngợm để trêu mọi người, Tôi không thể nghĩ một người có thể ngất đi vì sợ như vậy.
Sáng hôm sau Tôi dậy mà mặt phờ phạc vì một đêm mất ngủ làm mẹ và bà cuống lên vì lo lắng, Tôi nói dối là tại bài vở hơi nhiều rồi ôm cặp ra khỏi nhà. Nhưng Tôi không dám đến trường mà lang thang hết công viên rồi quán điện tử cho hết ngày… Sau hai ngày như thế, khi vừa về đến nhà Tôi thấy thầy Minh đang ngồi nói chuyện với bố mẹ, Tôi biết mọi chuyện không còn giấu được nữa. Ngay lập tức Tôi được nghe một bài giảng về việc Tôi đã phụ công lao và lòng tin của gia đình và thầy cô như thế nào, đã cư xử tồi tệ với bạn bè như thế nào, đã hèn nhát như thế nào khi không dám nhận lỗi, nhận trách nhiệm về hành vi của mình… Tôi im lặng không nói gì cả, trong thâm tâm Tôi biết mình không đúng, nhưng nếu con nhỏ đó không xuất hiện thì đâu có xảy ra những chuyện thế này được?
Ngay tối đó, sau khi ăn cơm xong Tôi được bố mẹ “hộ tống” đến nhà con nhỏ xúi quẩy để xin lỗi nó và gia đình. Con nhỏ nằm trên giường, nét mặt xanh xao, chỉ có đôi mắt vẫn sáng kỳ lạ sau cặp kính cận. Nghe Tôi lắp bắp lời xin lỗi, nó chỉ cười:
-Tớ không sao đâu, mới chuyển đến nên tớ chẳng có bàn bè nào cả, tớ chỉ muốn có một người bạn thôi. Nếu cậu thực sự ghét mình như vậy, mình sẽ xin thầy Minh để nhường chỗ cho cậu.
Câu nói ngắn gọn ấy bỗng làm Tôi thấy mình nhỏ nhen và ích kỷ vô cùng, nó làm Tôi thấy thấm thía hơn tất cả những lời dăn dạy của bố mẹ và thầy cô trước đó, lần đầu tiên trong chuyện này tôi thấy thực sự ân hận.
Sau hai ngày nghỉ, Tôi đến trường trở lại. Bước vào lớp, Tôi đã thấy Trang ngồi lặng lẽ ở chiếc bàn quen thuộc của Tôi, à quên, của Tôi và nó… Trang không nhìn Tôi, chỉ khẽ nói:
-Mình đã xin thầy chuyển chỗ rồi.
Tôi nhìn Trang, thành thực nói:
-Cậu cứ ngồi lại với tớ cho vui nhé, tớ… tớ…!
Trang quay sang nhìn Tôi, nụ cười nở rạng rỡ trên khân mặt còn hốc hác, nhưng đã bớt xanh hơn trước.
Trang và gia đình chủ động xin nhà trường “giảm án” cho Tôi nên Tôi chỉ phải trực quét lớp một tuần. Từ đó Tôi thôi những những nghịch ngợm và chú tâm vào học tập, Trang nói chuyện nhiều hơn và nhắc nhở Tôi chuyện học hành. Thực ra Trang chẳng học kém như nó nói, tuy chẳng nổi bật môn nào nhưng lại học đều tất cả các môn. Tôi chỉ khá các môn tự nhiên còn tạm được, chứ các môn xã hội thì lẹt đẹt đứng cuối lớp. Vậy mà hè năm đó, không những Tôi thi đỗ tốt nghiệp mà còn vào Cấp III với số điểm cao, bố mẹ tự hào về Tôi ghê lắm. Nhưng Tôi biết, tất cả đều nhờ có Trang.
Sau đó chúng Tôi vẫn ngồi cùng bàn và học chung lớp, chúng Tôi thân nhau kỳ lạ, mặc kệ bạn bè trêu chọc, ghán ghép. Tôi luôn tìm được những trò vui nhộn để chọc hoặc kể cho Trang cười, còn Trang luôn biết khuyên can tôi đúng lúc mỗi khi tôi sắp làm chuyện gì đó nông nổi. Những kỷ niệm chung cứ dần dầy lên theo năm tháng. Có lần sau khi học thêm, trên đường đưa Trang về nhà thì bị một đám thanh niên say rượu trêu chọc, máu yêng hùng đã bị Tôi kìm chế lâu nay thức dậy, hậu quả là Trang vào viện thức 3 đêm trông Tôi.
Cho đến một ngày cuối tuần năm lớp 12, sau một hồi trầm ngâm trong quán nước quen thuộc Trang nhìn tôi bằng ánh mắt cười cười rồi hỏi:
-Nếu một ngày nào đó cậu và mình không gặp nhau được nữa, cậu sẽ vẫn nhớ đến mình chứ?
-Vớ vẩn, đúng là đồ con gái, trong đầu toàn chuyện linh tinh.
-Nếu ngày đó xảy ra, nhất định cậu phải sống thật tốt nhé. Mình biết sau này cậu sẽ làm được nhiều điều còn lớn hơn những gì mà bố cậu mong đợi.
Nói xong Trang nắm chặt bàn tay tôi lắc lắc, đôi mắt sáng long lanh nhìn tôi như muốn nói điều gì, tôi thì chỉ biết mở to mắt nhìn biểu hiện kỳ lạ đó rồi đặt tay lên trán xem thân nhiệt của cô bạn mình.
-Tớ chỉ giả dụ thôi mà, nhưng cậu hãy hứa với tớ, hứa đi!
Tôi ậm ừ cho qua chuyện, nhưng phải hôm sau đến lớp, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Giáo viên chủ nhiệm thông báo Trang đã nghỉ học để chuyển đi nơi khác, tôi không thể tin chuyện đó, tôi lao đến căn hộ tập thể quen thuộc nhưng đã có gia đình khác ở đó. Tôi về nhà đóng cửa phòng và ở lỳ trong đó hai ngày, mặc mọi người nói gì thì nói. Và rồi tôi dậy lục tìm tất cả những gì liên quan đến Trang, những bức ảnh, chậu cây sương rồng cô ấy nhờ chăm, quần áo, những món quà sinh nhật… thậm chí cả cuấn vở có chữ của cô ấy cho hết vào thùng giấy và mang đặt thùng rác trước nhà. Chẳng nhẽ cô ấy không biết tôi đã quan tâm, đã dành cho cô ấy biết bao tình cảm sao? Vậy mà đổi lại… Sáng hôm sau tôi ra khỏi phòng, lặng lẽ cạo râu, ăn sáng rồi đến lớp, từ nay trong đầu tôi sẽ không còn Trang nào hết.
Tôi thi đậu một trường đại học nhiều người mơ ước, sau bữa liên hoan nhận được giấy báo trúng tuyển, mẹ bước vào phòng đưa cho tôi một bì thư và hai hộp giấy, chiếc hộp to chính là những thứ hôm trước tôi định vứt đi. Mẹ nói:
-Lá thư này mẹ Trang gửi cùng với một lá thư cô ấy gửi cho mẹ. Mẹ biết cả hai đứa đều không còn nhỏ… mẹ mong con sẽ can đảm và chín chắn, đừng phụ tình cảm mà Trang dành cho con. Trang đã mất cách đây hai tháng vì bệnh tim, nó bị bệnh tim bẩm sinh, đáng ra con phải biết điều đó chứ! Nó biết bệnh nó không thể chữa khỏi nên xin bố mẹ đưa về quê…
Mẹ tôi chỉ nói được vậy, rồi nấc lên. Tôi vội mở lá thư ra đọc:
“Mình biết khi cậu đọc lá thư này, cậu đã hoàn thành nhiệm vụ lớn đầu tiên của đời mình, để hoàn thành ước mơ chế tạo những con tàu ra biển lớn. Mình cũng biết ngày mình ra đi, cậu sẽ rất giận mình, nhưng cho dù vậy thì cậu vẫn phải nhớ thực hiện lời hứa với mình nhé. Nếu thực sự có thiên đường, mình sẽ luôn dõi theo và phù hộ cậu ở nơi ấy. Dù sao đi nữa, mình vẫn cảm ơn cuộc sống đã cho mình một người bạn tốt như cậu…
Tái bút: tặng cậu chiếc chuông gió mình làm từ những con ốc biển mà mình nhặt được trong lần bố cậu cho tui mình đi biển ý, nhớ đừng bao giờ làm mất nó nhé!”