--> Ngoảnh lại hóa tro tàn - game1s.com
Snack's 1967

Ngoảnh lại hóa tro tàn

ô vào..”

Phương Đăng bước vào nhà, hỏi trêu: “Anh đã cất hết những thứ nên cất đi chưa?”

Lục Nhất vội giải thích, “Không phải như cô nghĩ đâu, mời cô ngồi.”

“Anh nghĩ tôi nghĩ cái gì?” Phương Đăng bị đẩy tới ghế sô pha, bèn nhìn quanh tứ phía rồi ngồi xuống. Kết cấu căn hộ của Lục Nhất gần giống của Phương Đăng, chỉ khác một căn ở tầng mười sáu, một căn ở tầng trên cùng. Nếu đem so, nội thất nơi này đơn giản hơn nhà cô rất nhiều, toát lên vẻ giản dị và gọn gàng của cuộc sống một người đàn ông trẻ tuổi đơn thân, biết rèn luyện những thói quen tốt.

“Cô muốn uống gì?” Lục Nhất hỏi.

“Gì cũng được, anh cứ mặc tôi.” Phương Đăng vẫn đang nhìn ngắm căn nhà, hỏi một câu cho có lệ, “Trước khi dọn đến đây anh sống ở đâu?”

“Sau khi cha mất, tôi đến nhà họ hàng ở vài năm, sau khi vào đại học tôi ở nội trú luôn, khi đi làm thì thuê một căn phòng gần công ty ở mấy năm, cảm thấy cần tìm một chỗ nào đó cho ổn định, nên tôi đã mua căn hộ này, không ngờ lại trùng hợp…”

Phương Đăng dĩ nhiên không gặng hỏi cái gọi là “trùng hợp” của Lục Nhất.

“Thế anh sống tốt không? Ý tôi là sau khi cha mất, mẹ không còn, người mẹ kế có vẻ cũng không sống cùng anh nữa, khoảng thời gian đó chắc không mấy dễ chịu.” Cô thận trọng hỏi.

Lục Nhất từ trong nhà bếp đi ra, vẻ mặt không nghiêm trọng như cô tưởng tượng. Anh nói: “Thật ra thì bình thường, họ hàng đối xử với tôi không tệ. So với những đứa trẻ mồ côi khác, tôi vẫn còn hạnh phúc chán.”

Anh đặt xuống trước mặt Phương Đăng ba cái cốc, một cà phê, một trà nóng, còn một cốc có lẽ là nước sôi để nguội.

“Cho tôi cả ư?” Phương Đăng không nhịn được hỏi, “Anh làm như tôi là trâu không bằng?”

Lục Nhất bật cười, “Tôi không biết cô muốn uống cái gì, trong nhà chỉ có ba loại này, cô cứ tự nhiên.”

“Con người anh thú vị ghê, tôi bắt đầu nghi ngờ liệu anh có phải dân buôn đồ uống hay không. À đúng rồi, bây giờ anh làm gì?” Phương Đăng phát hiện ra mấy năm nay dù anh thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống của cô, nhưng cô biết về anh quá ít, trước đây cũng chưa từng nghĩ rằng sẽ tìm hiểu.

“Tôi ấy à? Tôi chẳng có tài gì đặc biệt, thứ duy nhất tạm chấp nhận được là việc học. Tôi ở lại trường lâu hơn bạn bè cùng trang lứa một chút, mấy năm trước thầy hướng dẫn ra ngoài mở công ty riêng, liền cho tôi theo cùng, từ đó về sau tôi trụ lại ở đó giúp thầy. À, tôi học ngành vi điện tử.”

“Vi điện tử? Anh là dân IT à?”

“Dân IT? Không phải d ân ET[1'> là được. Thật ra tôi chỉ hơn anh công nhân kỹ thuật một chút thôi. Cô uống nước đi, kẻo nguội.” Nói được mấy câu, Lục Nhất có lẽ thoải mái hơn nhiều, còn mang bản thân ra nói đùa nữa. Anh định bưng cốc nước lọc đưa cho Phương Đăng, đúng lúc Phương Đăng thò tay định lấy tách cà phê, ngón tay hai người không cẩn thận đụng vào nhau. Lục Nhất rụt tay lại như bị điện giật, xém chút đánh đổ cả cốc nước, gương mặt lại bắt đầu đỏ ửng lên.

[1'> ET: cư dân ngoài trái đất.

Phương Đăng rất hiếm khi gặp phải một người đàn ông vừa nghiêm túc vừa có chút thẹn thùng thế này. Điều kiện của anh ta phải nói là rất tốt, vẻ ngoài sáng sủa, có học thức, lời ăn tiếng nói dễ nghe. Tòa chung cư cô đang ở thuộc loại tiêu chuẩn, miễn cưỡng có thể xem là gần biển, giá cả không hề rẻ, mua được căn hộ tại đây, đủ thấy anh sở hữu công việc và thu nhập không thể xem thường. Dù mất cả cha lẫn mẹ, nhưng nếu muốn tìm một cô gái tốt để chung sống không phải là việc khó. Vậy mà nơi anh ở, nếu không là sách, đĩa CD, thì là trò chơi điện tử các loại. Công việc đều đặn sáng đi tối về, nói chuyện chẳng hề có nửa câu giả dối, gặp cô gái mình thầm ngưỡng một là đỏ cả mặt… Nhìn qua cũng biết môi trường sống hằng ngày của anh quá đơn thuần, các mối quan hệ xã hội càng ít ỏi, người gần ba mươi tuổi, mà tâm tính chẳng khác gì một đứa trẻ mới lớn.

Phương Đăng uống hết nửa tách cà phê, chợt thấy Lục Nhất đã mắc xong tấm rèm cô mang đến tự bao giờ.

“Anh làm xong hết cả rồi, tôi biết làm gì đây!” Nụ cười trên môi Phương Đăng vụt tắt.

“Cô cứ ngồi đấy, mặc tôi.” Lục Nhất phủi chút bụi bám trên vai áo.

Phương Đăng bỗng đứng dậy, “Thôi rèm đã mắc xong rồi, tôi cũng phải về thôi, cảm ơn cà phê và trà… cả nước lọc của anh.”

Lục Nhất chẳng ngờ mình nhiệt tình quá đâm phá hoại, hận không làm sao tháo tấm rèm xuống như cũ. Anh hơi buồn, nhưng chẳng còn cách nào khác, Phương Đăng đã ra tới cửa, anh chỉ đành theo sau.

“Anh đừng tiễn, có mấy bước chân thôi ấy mà, hẹn hôm khác.”

“Hôm khác… À này, chờ tôi một chút!”

Phương Đăng đột nhiên bị gọi giật lại, quay đầu nhìn, mặt đầy vẻ ngờ vực, “Việc gì thế?”

“Nếu cô không bận, thì ngồi với tôi thêm một lát.” Lục Nhất hơi hồi hộp, hành động đường đột này có vẻ đã rút cạn dũng khí của anh. Mấy năm nay, anh cảm nhận được sự lạnh nhạt từ phía Phương Đăng, không muốn khiến cô sinh ác cảm, nên chẳng dám đến gần quá, lại cũng không nỡ rời đi xa quá. Lần này cô chủ động bước vào cuộc sống của anh, trước đây anh chưa từng dám nghĩ đến chuyện này. Trong lòng anh sợ cơ hội hiếm hoi này mà qua đi, sẽ chẳng thể có lần thứ hai.

Phương Đăng nửa cười nửa không, nhìn anh chăm chú, “Anh có việc gì khác cần nhờ tôi không?”

“Không… à, đúng rồi, có chút việc, cô giúp tôi test thử cái Kinect mới mua được không?”

Phương Đăng thấy anh nói vừa chân thành vừa tha thiết, bèn theo anh vào lại trong nhà.

“Cô chờ chút, xong ngay đây.”

Lục Nhất nhanh như chớp vào phòng làm việc lấy ra món đồ mình cần, lóng ngóng lắp bắp nối nối. Phương Đăng lúc này mới biết, cái Kinect mà anh trịnh trọng mời cô ở lại “kiểm nghiệm”, hóa ra là một thiết bị trò chơi cảm ứng có thể nắm bắt động tác cơ thể của người chơi.

Trò chơi anh chọn có tên “Kỵ binh đoạt bảo”, màn hình tivi xuất hiện hai hình người bé xíu.

“Cô đứng ở đây, khẽ di chuyển một tí… giơ tay trái lên, nhảy lên… đúng rồi, cứ như thế… thằng người kia là tôi, gắng chạm vào mấy cái kia là ăn điểm đấy…”

Phương Đăng không nói không rằng, cứ tuần tự bắt chước những hướng dẫn của anh, dần thâm nhập vào trò chơi, nhờ cảm biến của máy, cứ như chính cô hóa thân thành nhân vật bé nhỏ trong màn hình, lắc lư bên này, lay động bên kia, lúc thì vẫy tay, lúc thì giơ chân, vượt qua hàng tá chướng ngại để tìm kiếm kho báu.

“Cô học nhanh quá, đáng lẽ tôi phải chọn trò nào khó hơn.” Lục Nhất nói.

Phương Đăng vừa cử động vừa cười, “Cái này dễ ợt, trẻ con chơi cũng được.”

Cô dường như dồn hết tâm trí vào trò chơi, bỗng, trên màn hình hiện ra một dòng chữ cảnh cáo màu đỏ. Phương Đăng tò mò quay đầu lại, nhận ra Lục Nhất đã dừng chơi tự lúc nào, đứng phía sau cách cô một bước chân, vừa ngắm người đẹp vừa cười ngẩn ngơ.

Trò chơi cảnh báo không gian kết nối giữa hai người chơi không đủ.

Phương Đăng cười khẽ xích lại gần Lục Nhất, thông báo biến mất, cô lại tiếp tục đuổi theo nhịp độ trò chơi.

“Tôi thắng rồi!” Cô reo lên một tiếng, dừng lại thở dốc. Tuy là trò chơi, nhưng vận động nhiều cũng khá mệt. Đương đầu xuân, đêm xuống trời lạnh ghê gớm, vậy mà chơi xong một ván người cô đẫm mồ hôi.

“Già nên xương cốt không chịu nổi nữa rồi. Anh bảo người ở dưới lầu liệu có lên đây mắng cho chúng ta một trận không?” Phương Đăng thở ra một hơi, quay người định tìm nước uống. Lục Nhất đang ngẩn ra như sực tỉnh khỏi giấc mộng, lật đật cầm lấy ly nước, “Tôi rót cho cô cốc khác cho ấm.”

Phương Đăng lắc đầu, gương mặt cô đỏ bừng, “Không cần đâu, tôi về tắm một cái là xong ấy mà.”

“Cô muốn về à? Còn nhiều trò lắm…” Mới đấy mà đã chơi xong “Kỵ binh đoạt bảo”, sao lại nhanh thế nhỉ?...

“Sao cơ?” Phương Đăng dừng trước cửa, lấy tay chỉnh lại chiếc áo khoác, quay lại ra ý hỏi.

Lục Nhất gãi gãi đầu, “Còn trò ‘Kungfu Panda’ với…”

Phương Đăng cười gập cả bụng, “Ý tôi không phải cái đó. Lục Nhất, tôi hỏi thật, anh không có bạn gái à?”

“Hả?” Lục Nhất chẳng ngờ cô lại hỏi câu đó, lắc đầu một cách khó khăn, trong lòng dấy lên sự kỳ vọng lạ thường. Sao cô ấy lại muốn biết nhỉ?

“Anh có rồi à?” Phương Đăng thấy anh không đáp, ngạc nhiên hỏi lại.

“Không. Tôi không có!” Lục Nhất nói bằng giọng điệu chắc chắn như thế đang thề thốt điều gì.

Phương Đăng bật cười, “Đúng rồi, thế anh có muốn biết vì sao lại thế không?”

Lục Nhất lắc đầu, trong lòng đong đầy nụ cười tươi sáng của cô.

“Nể tình quen biết bao năm nay tôi nói à biết. Sau này nếu dẫn con gái về nhà, đừng bao giờ mời người ta chơi mấy trò điện tử ngốc nghếch này nữa, nếu không coi chừng ế cả đời đấy!”

Trông bộ dạng của Lục Nhất như chỉ mong có cái lỗ nứt mà chui xuống trốn, chẳng còn can đảm đâu giữ Phương Đăng lại. Cô ra hành lang ấn nút thang máy, anh theo tiễn, nhìn gương mặt đỏ lựng là biết hẫng còn chưa hoàn hồn. Cô lắc đầu cười nói: “Còn nữa, đừng đến tiệm của tôi mua đồ nữa, thêm vài ông khách như anh, sợ tôi lãi quá phải nghỉ hưu sớm mất thôi.”

Lục Nhất thì thầm: “Có sao đâu, tôi rất thích những món đồ mua từ tiệm của cô.”

Mặt Phương Đăng lộ vẻ ngạc nhiên, “Vậy ư, tôi cứ tưởng anh thích tôi.”



Chương 24: Hai Cái Ôm



Hạ quyết tâm thì khó, nhưng để chinh phục một người đàn ông như Lục Nhất đối với Phương Đăng mà nói thực sự quá dễ dàng. Cô chẳng phí sức dệt lưới thật sít sao, con mồi cũng đã vội vã tự nhảy vào. Lục Nhất tuy chưa từng chính thức thổ lộ tình cảm, nhưng hễ bị Phương Đăng trêu chọc là lại đỏ cả mặt. Không quá hai tháng, anh ta đã chủ động giao chìa khóa nhà mình cho Phương Đăng, lấy danh nghĩa là: anh em xa không bằng láng giềng gần.

Được mời, Phương Đăng tới nhà Lục Nhất thêm vài lần nữa, tuy không bày Kinect ra chơi nữa, nhưng những “chiêu trò” mới cũng chẳng thú vị hơn bao nhiêu. Có lúc anh làm bữa cơm mời cô ăn, có lúc gọi cô sang cùng xem đĩa phim, lần sáng tạo nhất, anh mời cô chơi bóng bàn ngoài hành lang. Phương Đăng ngầm ghi nhớ kết cấu và nội thất trong nhà Lục Nhất, nhân lúc anh đi làm từng lén vào lục soát một lần. Tuy không tìm được thứ cần tìm, nhưng lại phát hiện một chiếc hộp để ở ngăn kéo bàn làm việc, bên trong đựng đầy ảnh. Nhân vật chính của tất cả đống hình này là cô, có tấm từ thời còn ở cô nhi viện, có tấm chụp trước cổng trường y, có một số chụp tại cửa hàng vải nội thất và quanh khu cô sống, Phương Đăng thầm nghĩ, ai mà ngờ Lục Nhất cũng biến thái như vậy, khá có tiềm năng làm paparazzi, chắc hẳn đây là thứ mà anh ta vội vàng đem giấu trong lần đầu tiên cô tới thăm căn nhà.

Tháng Năm, Phó Kính Thù lần nữa về nước, chẳng bao lâu sau, trên miếng đất được hắn thu mua thành công mọc lên một trung tâm mua sắm hoàn toàn mới. Đây là lần đầu tiên sau nửa thế kỷ bặt vô âm tín, tập đoàn “Phú Niên” do nhà họ Phó làm chủ lại lần nữa ghi dấu ấn trên lãnh thổ mà nó được sinh ra. Sự kiện này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến “Phú Niên”, mà trong mắt bà Trịnh, đây cũng là một việc có ý nghĩa trọng đại. Bà thúc giục cháu trai nhất định phải tận tâm tận sức làm ọi thứ thật hoàn mỹ, Phó Kính Thù dĩ nhiên không dám xem nhẹ.

Lễ ký kết chuyển nhượng đất cho tới ngày khởi công xây dựng cách nhau một khoảng thời gian, nên lần trở về này Phó Kính Thù không vội vã như mọi lần, thời gian bầu bạn bên Phương Đăng cũng thoải mái hơn rất nhiều.

Phương Đăng đem những tiến triển trong vụ Lục Nhất nói lại với hắn.

“Anh có chắc nguồn tin của Thôi Mẫn Hành không có vấn đề không? Biết đâu bà mẹ kế của Lục Nhất nói nhăng nói cuội, món đồ đó không ở trong tay Lục Nhất.”

Phó Kính Thù không tin mọi chuyện dễ dàng như vậy, “Người đàn bà đó dù không được bình thường, nhưng anh không nghĩ bà ta đặt chuyện. Vấn đề là Lục Nhất để thứ đó ở đâu.”

Phương Đăng nói: “Em không thể nào hết lần này đến lần khác lẻn vào nhà anh ta lục lọi như ăn trộm được, như thế thà anh thuê dân chuyên nghiệp. Vả lại em đã từng hỏi dò mấy lần chuyện di vật của Lục Ninh Hải, nhưng không thể tìm ra bất cứ manh mối hữu ích nào cả.”

Phó Kính Thù nghe giọng điệu Phương Đăng có chút nóng nảy, bèn thở dài, “Phương Đăng, anh biết chuyện này khiến em…”

“Đừng nói đến việc đó! Em chỉ muốn biết phải làm gì tiếp theo.”

“Bên em thật sự không có tiến triển gì, để anh tìm cách khác…”

Phương Đăng nghe hắn nói như vậy chẳng thấy thoải mái hơn là bao, mặc dù sâu thẳm trong lòng cô không muốn gần gũi với Lục Nhất thêm nữa, anh ta vô tội, cô không muốn anh ta bỏ ra quá nhiều song lại phải chịu tốn công vô ích. Nhưng Phó Thất phải để cô ra tay, chắc chắn là vạn bất đắc dĩ lắm. Hắn liệu còn cách gì khác, chẳng lẽ mạo hiểm giao việc này cho Thôi Mẫn Hành?... Kẻ thâm độc như Thôi Mẫn Hành, chưa biết chừng sẽ giở thủ đoạn gì để làm lợi ình.

“Nếu anh có cách khác, lúc đầu việc gì phải tìm đến em?” Phương Đăng ngồi trước bàn trang điểm, chốc chốc lại đưa lược lên chải mái tóc xõa bời, “Về phía Lục Nhất, cứ cho em thêm một thời gian.”

Mái tóc cô bị rối một chỗ, chải mấy lần cũng không ra, bực mình, bèn dùng răng lược tuốt mạnh mấy cái. Phó Kính Thù nhìn thấy chịu không nổi, giành lấy chiếc lược, “Mái tóc đẹp thế này, em sao cứ trút giận lên.”

Hắn dùng tay gỡ chỗ bị rối, Phương Đăng nhìn hắn qua tấm gương trước mặt, hỏi bằng vẻ vô cảm: “Anh giành được miếng đất kia, bà già chắc vui lắm. Bà ta nên mừng vì nhặt được của quý, đầu tư cho anh chẳng lỗ vốn tí nào.”

Phó Kính Thù không nói gì. Phương Đăng quay đầu nhìn, bị hắn đẩy về như cũ, “Đừng động đậy, đúng lúc anh sắp gỡ được ra thì lại…”

Hắn cúi đầu, vẻ như toàn bộ tâm tư đều dồn cả vào búi tóc rối, nhưng Phương Đăng biết hắn có tâm sự. Mọi người cảm thấy hắn là người thâm trầm khó đoán, nhưng cô thuộc lòng những thói quen nho nhỏ của hắn. Mỗi khi tâm thần rối loạn, hắn cứ làm luôn tay luôn chân một việc, nhưng kỳ thực chẳng biết mình đang làm đến đâu. Đặc biệt là khi chăm chú vào những chi tiết nhỏ nhặt, trước kia là tỉa tót mấy chậu cây cảnh, bây giờ loay hoay với mái tóc của cô cũng bởi thế.

“Anh có chuyện muốn nói với em à?” Cô mân mê chiếc lược trong tay, “Thôi mà kệ nó, lấy kéo cắt một cái là xong!”

“Đã bảo em đừng cử động, dứt tóc lại kêu đau!” Ngón tay Phó Kính Thù vẫn hí hoáy ở chỗ ngọn tóc, chẳng hiểu sao có mấy sợi tóc cuốn lại thôi mà khó gỡ thế không biết.

Phương Đăng uể oải dài giọng, “Nói đi…”

“Anh sắp kết hôn.”

Phương Đăng thình lình quay lại, quả nhiên da đầu nhói đau. Trong khoảnh khắc gương mặt cô hiện lên vẻ đau xót, nhưng chỗ tóc rối cũng chính vào lúc ấy được gỡ ra.

Phó Kính Thù buông thõng tay, đứng im bất động.

Phương Đăng xuề xòa búi tóc lên, “Kết hôn? Bà già ấy sắp xếp phải không? Thế bao giờ? Cô gái kia là người thế nào? Thế cũng tốt chứ sao, ai sớm muộn rồi cũng phải kết hôn…”

Phó Kính Thù cắt ngang đoạn thoại liên miên của cô, “Phương Đăng, em nghe anh nói đã! Đây không phải là lần đầu bà tiến cử đối tượng cho anh, mà lần này thái độ của bà rất kiên quyết. Anh cũng nghĩ, không thể cứ mãi ngang ngạnh với bà. Cô gái đó là người Đài Loan, gia cảnh không tệ, cha cô ta làm ăn rất lớn, lại là một tay chơi biệt thự cổ, không hiểu thế nào mà mê mệt Phó gia viện. Đầu tiên ông ta tìm đến Phòng Nhì, em biết Phòng Nhì đông người thế nào rồi đấy, lại sống phân tán khắp các nước. Ông bỏ ra hơn bốn năm đi tìm tất cả những người có quyền thừa kế Phó gia viện của Phòng Nhì, thuyết phục họ ký tên sang nhượng. Tổng cộng mười chín người có quyền thừa kế tài sản, sống khắp nơi từ Đài Loan, Mỹ, Châu u, Nam Phi, Singapore đều đã ký tên vào thỏa thuận của ông ta. Việc này nếu là anh cũng chưa chắc đã làm được. Xong xuôi ông ta tìm đến bà Trịnh. Nói thế nào bà cũng không chịu bán, trong mắt bà, Phó gia viện là gốc rễ của nhà họ Phó, tay bà nắm đại quyền thừa kế tài sản Phòng Lớn và Phòng Ba, bà nói không thì ý nguyện người đàn ông kia coi như rơi vào bế tắc. Thế rồi không rõ họ bàn bạc ra sao, chỉ biết nhà đó có một cô con gái duy nhất năm nay hai mươi tư tuổi, hai bên gia đình đều cảm thấy anh và cô ta rất xứng đôi.”

“Dĩ nhiên là xứng đôi. Bà già có nằm mơ cũng muốn căn nhà tổ hoàn toàn thuộc vào tay mình, bây giờ có người tình nguyện đỡ đần công cuộc khó khăn nhất, còn có lý do gì mà không tác thành. Nếu hai nhà các người thành thông gia, nhà tổ sẽ hoàn toàn thuộc về đôi vợ chồng trẻ, lại thêm môn đăng hộ đối, đã xứng lại càng xứng thêm. Gừng càng già càng cay, bà già họ Trịnh tinh đời hơn anh nhiều.” Phương Đăng tiếp tục liến thoắng.

“Điều quan trọng nhất là, nếu Phó gia viện hoàn toàn thuộc về Phòng Ba, thì có thể chính thức đi vào trùng tu. Đây là di nguyện của ông nội, bà đợi ngày này đã lâu lắm rồi. Tâm nguyện này được hoàn thành, bả sẽ chẳng còn gì vướng víu nữa, tất cả tài sản tự đứng tên sẽ chính thức chuyển sang anh…”

“Đến lúc ấy, anh sẽ danh chính ngôn thuận trở thành chủ nhân nhà họ Phó, tốt quá, đúng là tốt quá còn gì!” Phương Đăng cười tươi.

Phó Kính Thù cảm thấy cổ họng nghẹn lại, “Đừng thế, Phương Đăng, nhìn em như vậy lòng anh càng buồn thêm.”

“Em làm sao nào?” Phương Đăng quay lại cười, đặt tay lên mu bàn tay hắn, “Chúng mình chờ đợi biết bao năm, chẳng phải mong ngày này đến hay sao? Sao lại phải buồn? Anh không cưới cô ta thì cưới ai? Chẳng lẽ là em? Chúng mình là người thân anh à, người thân!”

Phó Kính Thù không nói gì nữa, thở một hơi thật dài, bất chợt ôm ghì lấy Phương Đăng vẫn đang thao thao bất tuyệt.

Phương Đăng không cự tuyệt, cũng không đón nhận. Cô tựa vào ngực hắn như một khúc gỗ, cứ nói liên miên, âm thanh khẩn thiết.

“Kết hôn rồi, nhà họ Phó sẽ thuộc về anh, sẽ có một gia đình nhỏ chờ anh mỗi tối đi làm về. Em sẽ không cần giúp anh nữa, cũng chẳng thể giúp anh gì nữa. Trùng tu Phó gia viện, hay lắm, hai mươi tư tuổi, hay lắm! Phó Thất, em mừng cho anh, sao anh lại không vui?”

“Suỵt!” Phó Kính Thù không để cô nói tiếp, hắn ôm lấy cô thật chặt. Nhưng dù có chặt đến đâu, hai người cũng không thể hòa làm một, “Phương Đăng, em còn trẻ, ngày tháng sau này còn dài, anh sẽ…”

“Em không cần anh làm gì cả.” Phương Đăng áp lòng bàn tay mình lên lồng ngực hắn, rồi chậm rãi đẩy ra, tự tạo ình một khoảng cách, “Em không sợ già.”

Trẻ trung có ích gì. Tuổi thanh xuân đối với đa số phụ nữ vốn chẳng có ý nghĩa. Đàn ông ưa trẻ đẹp, phụ nữ mới sợ già. Phương Đăng không sợ, dẫu sao hắn không yêu cô, làm một bà cô tàn tạ già nua thì đã sao? Cô chỉ mong mau chóng đi hết quãng đời này, nếu may mắn, kiếp sau sẽ quên được hắn.

Không rõ vì không muốn chạm mặt Lục Nhất, hay còn lý do nào khác, mà lần này về nước Phó Kính Thù không đến ở luôn nhà Phương Đăng. Ban ngày hắn bận bịu công việc và tiệc tùng xã giao, đêm lại về khách sạn nghỉ ngơi.

Cuối tuần Phương Đăng không đến cửa hàng, nằm nhà đánh một giấc không biết trời đất là gì. Trong lúc mơ hồ dường như nghe có người bấm chuông cửa, cô trùm chăn qua đâu, một lúc sau đến lượt chuông điện thoại reo. Là Lục Nhất, anh nói thấy xe của Phương Đăng trong gara, hỏi cô xảy ra chuyện gì mà ở lì trong nhà, gọi cửa không chịu mở.

Trong một thoáng, Phương Đăng muốn chặn cửa lại, gào thét đuổi anh đi, nhưng cuối cùng cô vẫn bò dậy khỏi giường. Lục Nhất trông tỉnh táo nhanh nhẹn, đứng trước cửa cất lời chào hỏi. Anh chàng mắc chứng đỏ mặt kinh niên Lục Nhất trông thấy cô mặc chiếc áo ngủ trễ nải, chân lệch xệch đôi dép lê thì không khỏi xấu hổ, bối rối hỏi cô có muốn đi ăn cùng mình không.

Phương Đăng tựa vào khung cửa nửa phút, đủ khiến bản thân thật sự tỉnh ngủ, rồi vào phòng chải đầu trang điểm qua loa, cùng anh ra ngoài.

Cô cứ tưởng Lục Nhất cuối cùng đã đả thông tư tưởng, dẫn cô đến nhà hàng nào đó dùng bữa dưới ánh nến, ai ngờ anh ta chỉ huy xe cô lòng vòng một hồi, tiến vào một khu dân cư kiểu cũ. Sau đó nhanh nhẹn dẫn đường, cả hai lên tầng tám một khu tập thể, không có thang máy. Phương Đăng thở chưa ra hơi đã thấy cửa mở toang, một đám người già có trẻ có ùa ra vây lấy hai người.

Sau khi vào nhà, Lục Nhất giới thiệu với cô, nào là bà cô ruột, ông chú chồng bà cô ruột, chị họ, anh rể họ, cháu giá, lại thêm mẹ của chú, tóm lại đây là gia đình bà cô ruột của anh ta. Về phía Phương Đăng, anh chỉ đơn giản giới thiệu với người thân đó là “một người bạn”.

Đến đứa cháu năm tuổi của anh ta nghe xong cũng phải phì cười, cả nhà ai nấy đều ra vẻ hiểu ý. Phương Đăng chưa kịp giải thích, đã bị mấy người đó vây vào giữa sô pha.

Tiếng trong tivi phát ra thật to. Một giọng nữ đang hát vang vang: “Hôm nay ngày đẹp nắng hồng, muốn làm cái gì là thành công cái đó…” Cô bé tên Giai Giai ôm con búp bê lon ton khắp phòng, được một lát lại chạy ra ngồi bên chân Phương Đăng, mở to đôi mắt tò mò hỏi: “Chị ơi, chị có phải là người yêu của cậu em không? Cậu em hơi bị đẹp trai đấy nhá!”

Mẹ con bé nhẫn nại nhắc con phải gọi Phương Đăng là “cô”, lại mắng con nhóc không được nói linh tinh, nói xong đến ngồi cạnh Phương Đăng, liến thoắng hỏi Phương Đăng quen Lục Nhất thế nào, đang làm gì? Ông anh rể họ đứng bên mang hạt dưa và hoa quả ra, rồi pha ấm trà, lỡ để nước nóng quá liền bị vợ mắng ột trận. Ông bác rể ngoài mặt ngồi xem tivi chăm chú, nhưng cứ chốc chốc lại liếc mắt về phía sô pha. Bà mẹ ông nhìn chằm chằm mặt Phương Đăng còn chưa chán, lại đòi xem chỉ tay của cô. Lục Nhất vào nhà chưa bao lâu, đã được bà cô điệu riêng vào phòng, từ chỗ Phương Đăng ngồi chỉ thấy miệng bà cô nói một tràng giang đại hải, còn anh chàng cứ cười suốt.

Phương Đăng vốn quen một thân một mình, nhất thời khó mà thích ứng với tình cảnh này, phải cố gắng lắm mới giữ được nụ cười, hết trả lời câu hỏi bên này, lại đón lấy đồ ăn thức uống từ bên kia, bàn tay thì bị bà lão giữ lấy săm soi, bận chết đi được. Cố gắng chèo chống một lúc, cuối cùng đứng dậy vào nhà bếp để xem Lục Nhất đang làm gì, tiện thể kiếm cớ hỏi xem anh ta định giở trò gì. Ai ngờ vừa bước vào nhà bếp, đã gặp phải bà cô, bà vừa xào nấu xủng xẻng vừa xởi lởi gọi cô đến bên cạnh, lại hỏi một lượt, nào là cô bao nhiêu tuổi, gia đình có phải người bản địa không, bố mẹ làm nghề gì…

Phương Đăng lườm Lục Nhất một cái, anh chột dạ cuối xuống nhặt rau. Phương Đăng chỉ đành lần lượt xử lý từng câu hỏi trong công cuộc “điều tra hộ khẩu” của bà cô. Khi cô nói mình bị mồ côi, bà cô ngạc nhiên nhìn cô gái trước mặt mấy cái liền, gương mặt lộ rõ vẻ sửng sốt và cảm thông.

Nói là nhặt rau, nhưng đầu óc Lục Nhất để tận đâu đâu, phần ngọn rau đem vứt, còn lá già thì để lại trong rổ. Phương Đăng thấy chướng mắt quá, chẳng biết làm thế nào đành ra nhặt hộ. Những việc này cô làm thạo từ hồi nhỏ, dù hiện tại hiếm khi phải tự mình động tay vào, nhưng làm một lúc quen tay thì nhanh nhẹn đâu ra đấy.

Cô vừa nhặt rau vừa giúp bà cô thái cà rốt, động tác nhanh nhẹn dứt khoát, thái miếng nào đều tăm tắp miếng ấy. Ban đầu Lục Nhất chỉ nói hẹn Phương Đăng ra ngoài, cô liền bỏ công trang điểm ăn diện, bà cô thấy cô xinh đẹp, áo quần cầu kỳ, không ngờ vào bếp lại khéo léo đảm đang đến thế, nụ cười của bà dần điểm thêm vẻ hài lòng.

Cơm nước chuẩn bị xong, cả gia đình quây quần bên bàn bắt đầu dùng bữa trưa. Cô cháu gái lỡ làm rơi cơm ra bàn liền bị mẹ mắng ột chập, ông bố trẻ thấy thế lại đền cho con một cái đùi gà. Bà cô gắp thức ăn cho Phương Đăng liên tục, tiện miệng liệt kê một loạt những ưu điểm của “Nhất Nhất nhà bác”. Anh rể họ cứ mời Lục Nhất uống rượu, nhấp môi được nửa chén, mặt Lục Nhất đã đỏ phừng, bèn chối đây đẩy, nói mình không biết uống. Ông chú hỏi mấy câu về công việc của Phương Đăng và Lục Nhất, tiện thể cáu kỉnh về tiền lương hưu quá bèo bọt của mình.

Tivi vẫn đang phát bài hát ban nãy, mùi dầu mắm từ nhà bếp bay ra còn chưa tan. Phương Đăng ngồi đây, bao bọc lấy cô là thứ mùi vị khói hương nhân gian đã từ lâu rơi vào quên lãng, thật náo nhiệt, sinh động, hỗn tạp và nồng nực, một cuộc sống bình phàm rất tròn vẹn. Khung cảnh thế này đã từng có lúc lóe lên trong giấc mơ của cô, nhưng cô chưa từng được đặt mình vào ấy để cảm nhận nó chân thực như lúc này.

Lúc tiễn họ ra cửa, bà cô nắm lấy tay Phương Đăng thật lâu, cứ nhắc đi nhắc lại mời cô lần sau lại đến. Phương Đăng phải dối lòng đồng ý rất nhiều lần. Khi cùng Lục Nhất xuống dưới tầng, cô mới dám thở hắt ra như trút được gánh nặng.

“Ngại thật, đáng ra tôi phải nói rõ với cô trước khi đi, họ quan tâm đến tôi nhiều quá. Cô không giận chứ?” Lục Nhất dè dặt chờ đợi phản ứng của cô.

Phương Đăng cười cười, anh ta chắc chắn phải hiểu nếu “nói rõ” trước khi đi, chắc gì cô đã đồng ý đến, đây có nên xem là trò bịp của một kẻ thành thật như anh? Cô hỏi: “Anh nói với họ thế nào mà họ cứ tưởng tôi là bạn gái anh thế?”

Lục Nhất xua tay lia lịa, “Không hề không hề, tôi chỉ nói cô là bạn. Họ chưa thấy tôi dẫn con gái về nhà bao giờ nên hiểu lầm ấy mà.”

“Thế sao anh phải dẫn tôi về, dù biết thể nào họ cũng hiểu lầm?” Phương Đăng nghiêm mặt.

“Xin lỗi cô! Tôi cũng không hiểu sao mình lại làm thế. Tôi rất hy vọng hôm nay được cùng cô và người thân của mình ăn một bữa cơm.” Anh ngượng ngùng tiếp, “Hôm nay là sinh nhật thứ ba mươi của tôi. Sau khi cha mất, tôi đã sống cùng gia đình cô tôi tới tận khi vào đại học, cả nhà họ đều rất tốt.”

“Thế còn tôi, anh gọi cả tôi đến, cũng vì tôi là người tốt à?” Phương Đăng cố tình trêu chọc, để xem lúc nào anh chàng mới chính miệng thổ lộ tình cảm trong lòng, dù bây giờ nó đã viết rành rành trên mặt anh.

Ai ngờ Lục Nhất chỉ cúi đầu cười, thẹn đỏ mặt né tránh câu hỏi ấy.

Phương Đăng lại cười nói: “Đằng nào người nhà anh cũng coi tôi là bạn gái anh rồi. Thế ‘Nhất Nhất nhà bác’ thử nói xem họ đánh giá tôi thế nào?”

Lục Nhất nghe Phương Đăng gọi mình như thế, cảm thấy toàn thân ngứa ngáy, nhưng vẫn gắng đáp: “Giai Giai rất thích cô, bảo lớn lên phải trở thành người giống như cô. Chú và anh rể họ đều khen tôi khéo chọn, may mắn lắm mới yêu được cô. Ừm, chị họ lại lo tôi không nuôi nổi cô, chị nói quần áo và túi của cô đều thuộc hàng đắt đỏ, đúng thế không?”

Phương Đăng cười không đáp.

---------- BỔ SUNG THÊM ----------

“Cô tôi thấy cô rất tốt, bất ngờ khi thấy cô đảm đang cả việc nhà. Cô hỏi tôi bao giờ thì làm đám cưới. Còn bà thì…”

“Bà nói gì?” Phương Đăng bị vẻ chần chừ của anh làm cho tò mò.

“Bà nói cô đẹp quá, sợ tôi không giữ được.”

“Chắc bà bảo tôi là hồ ly tinh, kêu anh tránh xa tôi ra chứ gì.” Khi bà lão vừa liếc mắt nhìn Phương Đăng, vừa thầm thì vào tai Lục Nhất, nhìn khẩu hình và nét mặt của bà, cô đã đoán được tám chín phần.

“Bà lớn tuổi rồi, trong đầu toàn chất chứa những suy nghĩ cố chấp kỳ quặc, cô đừng để tâm.” Lục Nhất vội nói.

Phương Đăng làm vẻ mặt dữ tợn, “Thế để lần sau tôi vẽ mặt cho xấu đi một tí.”

Lục Nhất buột miệng nói, “Có hiệu quả không? Nếu cô không đẹp như bây giờ, tôi có giữ chân được cô không?”

“Sợ đến lúc ấy anh còn chẳng buồn ngắm tôi nữa.” Phương Đăng lờ đi khuôn mặt đỏ ửng của anh ta.

Lục Nhất ngẫm nghĩ một lát, liền nói: “Cô có tin không, lần đầu gặp cô ở nhà tang lễ, tôi ấn tượng sâu sắc với những điều cô nói hơn là gương mặt.”

“Tôi đã nói câu gì mà kinh thiên động địa quỷ khóc thần sầu thế?”

“Cô quên rồi ư? Lúc đó cô nói cho dù tôi muốn hay không, mọi thứ sẽ không vì cảm xúc của tôi mà thay đổi, so với việc chạy trốn, thà dũng cảm lên, mở to mắt nhìn mọi chuyện xảy đến. Về sau càng ngẫm tôi càng thấy cô nói đúng. Khi xem phim kinh dị đến đoạn ghê nhất tôi còn không thèm nhắm mắt, nên là, người có xấu mấy đứng trước mặt tôi cũng không sợ đâu.” Lục Nhất nửa đùa nửa thật nói, “Khổ thân tôi cứ đinh ninh cô tên Phó Kính Như, sao cô lại nghĩ ra được cái tên đó?”

“Ăn ốc nói mò thôi.” Phương Đăng đáp, hai người đã đi bộ đến bãi đỗ xe, “Nếu không có việc gì nữa, chiều tôi muốn ra cửa hàng xem thế nào.”

“Để tôi đưa cô đi.” Lục Nhất vội vã nói.

Phương Đăng phì cười, “Cho tôi xin, tài xế vốn là tôi, anh định đưa tôi đi thế nào?”

Mỗi lần lúng túng, má lúm đồng tiền ở khóe môi Lục Nhất lại càng lúm sâu, Phương Đăng hiếm khi nhìn thấy đàn ông có má lúm đồng tiền ở vị trí đó, kể ra cũng rất đáng yêu.

“Tôi đi cùng cô đến tiệm, rồi bắt xe về nhà coi như là tiễn rồi còn gì.” Lục Nhất ngượng ngùng nói.

Phương Đăng dựa bên cửa xe, tò mò hỏi: “Này, anh không mua xe riêng, chắc không phải vì bây giờ vẫn mắc bệnh mù đường đấy chứ.”

Nghi vấn của cô không hoàn toàn vô lý, một người đàn ông trẻ tầm tuổi anh, thu nhập tương đối khá, rất ít ai chọn cách di chuyển bằng xe bus, hoặc đi bộ như vậy, đến tấm bằng lái cũng không có.

Lục Nhất lặng thinh hồi lâu, nói: “Cha mẹ tôi đều mất vì tai nạn xe cộ, khi mẹ ra đi, trong bụng đang mang em gái tôi. Cả ông bà ngoại nữa, hai người đi du lịch, chiếc du thuyền bỗng nhiên gặp sự cố. Cứ như ma ám vậy. Tôi cảm thấy, cả nhà tôi đều không thoát khỏi việc mất mạng vì tai nạn giao thông. Tôi thật sự thấy sợ. Cô cứ cười đi, không sao cả.”

Phương Đăng cười không nổi, cô nhớ lại hình ảnh Lục Ninh Hải bị mắc kẹt giữa hai hàng ghế xe biến dạng, miệng sủi đầy bọt máu. Nếu lúc ấy cô không lên xe, hoặc giả cô cố gắng nghĩ cách kéo ông ta ra, có khi nào Lục Nhất của ngày hôm nay không rơi vào cảnh mất cả cha lẫn mẹ?

“Xin lỗi.” Cô nhìn anh nói.

“Sao lại xin lỗi, tự tôi cũng thấy rất buồn cười mà. Có một câu thành ngữ hình dung loại người như tôi rất đúng: Phải một cái, vái đến già, đúng lắm!”

Phương Đăng lắc đầu, “Tôi không nói đến chuyện đó. Lục Nhất, anh biết khi xảy ra chuyện tôi có đi cùng cha anh phải không? Tôi không thể cứu ông ấy ra ngoài, tôi cảm thấy rất hối tiếc, thật đó.” Đây là lời tận đáy lòng cô luôn muốn nói với Lục Nhất, nhưng cô không thể nói ra rằng, vào cái lúc thích hợp để cứu người nhất, cô lại đang nghĩ mọi cách tiêu hủy tất cả chứng cứ liên quan đến bí mật thân thế của Phó Kính Thù. Chính vì thế, mỗi lần ở bên Lục Nhất, trong lòng Phương Đăng không thể rũ bỏ được cảm giác bất an.

Gương mặt Lục Nhất lộ rõ vẻ kinh ngạc, dường như không nghĩ cô lại nói như vậy.

“Đó là chuyện ngoài ý muốn, sao có thể trách cô? Người lái xe là cha tôi, là do ông khiến cô bị thương lây. Giả sử sự cố không xảy ra, nói không chừng chúng ta còn trở thành người một nhà. Đáng ra cô đã có gia đình, vậy mà tai nạn đến, cô phải quay về cô nhi viện, chẳng còn chỗ dựa nào nữa. Tôi được cả nhà cô ruột chăm sóc, vẫn còn may mắn chán. Ngay từ hồi đó, tôi đã luôn hy vọng được thấy cô sống hạnh phúc…”

Lục Nhất không thể nói tiếp được. Bởi Phương Đăng đột nhiên kiễng gót chân, trao cho anh một cái ôm nhẹ tênh.

“Lục Nhất ạ, anh là người tốt. Bà anh nói đúng, hãy tránh xa tôi ra.” Phương Đăng áp mặt vào anh thầm thì.

Lục Nhất chẳng nghe thấy gì cả, mọi giác quan của anh bây giờ đã bị mùi hương gần trong gang tấc và thân hình ấm áp ấy chiếm hữu. Tất cả như một giấc mộng, tới tận khi Phương Đăng buông tay, anh cũng không kịp phản ứng, cứ tiếc mãi sao không dang tay níu kéo người ấy lại.



Chương 25: Mùi Vị Dễ Chịu Nhất



Phương Đăng không ra tiệm, cô nghe lời khuyên của Lục Nhất, anh nói cuối tuần nên đi đâu đó thăm thú giải khuây. Cứ đi mãi đi mãi, trước mặt họ giờ là bến tàu dẫn ra đảo Qua Âm.

Lục Nhất chỉ về chóp một toà kiến trúc nhô lên khỏi những bóng râm bao la trên hòn đảo nhỏ, “Kia là giáo đường đúng không?”

Phương Đăng gật đầu.

“Mẹ tôi và ông bà ngoại là Hoa kiều Malaysia, họ đều theo đạo. Cha tôi không phải là giáo đồ, nhưng từ khi mẹ tôi mất, ông thường dẫn tôi đến đó, chỉ vào đỉnh chóp giáo đường mà nói, mẹ tôi chắc chắn đã nghe theo tiếng gọi của Chúa trời mà bà hằng kính ngưỡng, bay lên thiên đường rồi. Cô nói xem, người theo Đạo và người không theo Đạo sau khi chết có thể đến cùng một nơi không? Tôi rất sợ họ không có cách nào đoàn tụ trên thiên đường.” Lục Nhất nói.

Phương Đăng trả lời: “Vấn đề này anh phải hỏi Chúa.”

“Cũng được đấy, tôi sẽ hỏi Người xem sao. Cô có muốn lên đảo với tôi không? Có dân bản địa đi cùng, Chúa chắc sẽ không lừa tôi.”

“Nhưng Chúa có phải là thần thổ địa của đảo Qua Âm đâu, sao phải nể mặt tôi.” Phương Đăng cười trêu. Cô vốn không muốn lên đảo, đặc biệt là cùng Lục Nhất. Nhưng cô lại muốn nghe những chuyện liên quan đến bố mẹ anh ta, biết đâu có thể tìm thêm manh mối về di vật Lục Ninh Hải để lại. Bây giờ cô chỉ muốn lấy được vật kia càng sớm càng tốt, như vậy Phó Thất đỡ phải âu lo hậu hoạn, mà cô cũng được giải thoát, cô sẽ rời xa Lục Nhất, sẽ không còn cảm thấy day dứt vì lừa dối một người lương thiện.

Hai người đến giáo đường ngồi cả buổi. Dĩ nhiên, Chúa chẳng thể trả lời câu hỏi của Lục Nhất, nhưng anh vẫn cảm tạ sâu sắc vì nhờ có Người mà lúc này anh có được Phương Đăng ở bên. Cách giáo đường không xa là cô nhi viện Thánh Ân, Lục Nhất hỏi Phương Đăng có muốn ghé qua thăm nom không, Phương Đăng dứt khoát cự tuyệt.

Lục Nhất cũng không nài ép, anh hiểu có những chốn mà đã rời đi, người ta không muốn quay lại nữa. Anh theo chân Phương Đăng đi tiếp về phía trước, lắng tai nghe những tiếng cười đùa trẻ con vọng ra từ cô nhi viện, bèn nói: “Tôi ngốc thật, trước khi gặp cô, tôi luôn cho rằng cha mình sẽ nhận nuôi một ‘bé gái’, ai ngờ cô chỉ kém tôi có một tháng tuổi. À cô chưa kể tôi nghe, cô và cha tôi làm thế nào mà quen biết?”

Phương Đăng lảng đi: “Tôi không rõ lắm, khi cha anh đề nghị nhận nuôi, tôi cảm thấy rất bất ngờ. Có lẽ ông thấy tôi đáng thương.”

Lục Nhất không mảy may nghi ngờ, gật đầu nói: “Tôi cũng đoán vậy. Kể ra cô và cha con tôi có duyên đấy chứ?”

Nói xong anh cố tình liếc nhìn Phương Đăng một cái, chẳng hề hay biết lời mình vừa thốt ra vào đến tai Phương Đăng lại đầy vẻ mỉa mai. Quả thật có duyên, nhưng là hoạ hay phúc chỉ có trời mới rõ, biết đâu ngày nào đó, anh cũng sẽ cảm thấy hối hận vì đã gặp phải cô, như người cha đã chết của anh.

“Bình thường trông cha tôi nghiêm khắc vậy thôi, kỳ thực ông rất tốt, không những đối với tôi, mà với những người yếu thế ông rất quan tâm, muốn giúp đỡ. Tôi còn nhớ có một người rất nghèo đến xin ông đánh kiện cho, ông đã nhận làm mà không lấy một xu nào. Cha nói, trên đời này luôn tồn tại công bằng và chính nghĩa. Từ nhỏ tôi đã coi cha là tấm gương, tôi luôn muốn làm một người chính trực, cao thượng, đối tốt với mọi người như ông.”

Phương Đăng cố giấu nụ cười nhạt. Cô không muốn phá hỏng hình tượng người cha cao đẹp trong lòng một cậu con trai. Cô cúi đầu, trân trối nhìn những viên đá xanh dưới chân: “Nói như vậy, quả thực trời cao không có mắt.”

Lục Nhất khẽ cười, “Dù cha tôi không còn, nhưng nhờ ông mà tôi quen biết cô, tôi tin lúc ấy ông thật lòng muốn cho cô một gia đình và cuộc sống ổn định. Nếu ông thấy bây giờ chúng ta... làm bạn với nhau, chắc là vui lắm.”

“Có thể.” Phương Đăng lạnh nhạt đáp.

Đang là cuối tuần, lượng du khách đổ về đảo Qua Âm không ít, Phương Đăng đã rất lâu không trở lại, nơi này đã thay đổi rất nhiều. Do mấy năm gần đây ngành du lịch trên đảo phát triển mạnh, các khách sạn và quán cà phê đủ kiểu cách quy mô mọc lên như nấm sau mưa, rất nhiều ngôi nhà cổ niên đại xấp xỉ Phó gia viện được tu bổ lại, mở cửa đón khách tham quan, hoặc trở thành các khách sạn tư. Từ cổng cô nhi viện Thánh Ân lùi lại vài mét, là một dãy những nhà hàng thủ công mỹ nghệ và tiệm bánh kiểu Tây mang đầy phong vị tiểu tư sản. Ngôi nhà xây chui của lão Đỗ đã bị dỡ bỏ, thay vào đó là một siêu thị cỡ nhỏ. Căn gác xép từng là nơi trú mưa trú nắng của cô dĩ nhiên không còn tồn tại. Trải bao phong ba bão táp, chỉ có Phó gia viện là vẫn như ngày xưa.

“Phương Đăng, trước khi vào cô nhi viện, cô sống ở nơi nào trên đảo?” Lục Nhất tò mò hỏi.

Phương Đăng chỉ về phía cái siêu thị nhỏ, “Ở kia. Cha con tôi thuê một căn gác xép nhỏ trên tầng hai.”

“Tiếc là không được trông thấy dáng vẻ ngôi nhà đó thế nào nữa.” Lục Nhất có vẻ tiếc nuối.

“Có gì mà tiếc, một chốn lụp xụp tàn tạ như bao chốn nhà nghèo hay ở thôi.”

“Hồi đó cô có nghĩ những ngày sau này mình sẽ ra sao không? À đúng rồi, tại sao cô lại mở cửa hàng vải nội thất?” Lục Nhất có vẻ vô cùng hiếu kỳ với tất cả mọi thứ thuộc về Phương Đăng, chỉ hận không biết hết mọi chuyện kiếp trước kiếp này của cô cho rồi.

Phương Đăng kiềm lòng không đặng chậm lại bước chân, nhìn về Phó gia viện cách đó không xa, “Tôi thích những món đồ làm bằng vải, nó cho con người ta cảm giác như đã về nhà vậy.”

Cô lại nói dối. Cõi đi về trong cô chẳng có gì khác ngoài một khung cửa sổ nhỏ bé phủ rèm nhung màu đỏ tươi. Trong giấc mơ, cô chạy về phía ấy biết bao lần, mà khi đến đích, trước mắt vĩnh viễn chỉ có đường cầu thang chật hẹp và căn gác xép lúp xúp tồi tàn. Người rời, vườn không, Phó gia viện càng hoang phế thê lương. Rất nhiều đồ và vật trang trí đã bị tháo mất, tấm rèm nhung đỏ không cánh mà bay. Sau khi đủ tuổi trưởng thành, Phương Đăng từng tìm kiếm khắp nơi chất vải và màu sắc tương tự đấy, đâm ra cô mở luôn một cửa hàng vải nội thất. Sau này cô mới hiểu, rằng mình không thể nào tìm lại tấm rèm ngày ấy, bởi đến cái người đứng sau rèm trong ký ức kia, cũng không còn dáng vẻ xa xưa nữa.

“Tôi cũng nghĩ vậy.” Lục Nhất phụ hoạ. Anh đưa mắt nhìn căn nhà cổ phía trước. Dù cho hoang tàn đến nhường nào thì trên đảo Qua Âm, sự tồn tại của nó vẫn là không thể thay thế được. Mấy ai đi qua đây mà dám không ngước đầu ngưỡng vọng?

“Biết bao căn nhà cổ đã xây mới, mà sao căn nhà nổi tiếng nhất lại cứ bỏ hoang tại đây nhỉ? Không biết con cháu họ Phó có thấy đau xót không. Tôi từng đọc một số tài liệu liên quan đến hòn đảo này, năm xưa nhà họ Phó nghe nói lừng lẫy có một không hai.”

“Có thể họ có nỗi khổ tâm riêng.” Phương Đăng nói.

Lục Nhất tỏ ý đồng tình. “Ngày trước tôi từng nghe cha nói, gia tộc nào trong quá khứ càng cường thịnh, thì quyền thừa kế nhà cửa sản nghiệp càng phức tạp. Phương Đăng, trước đây cô sống ngay cạnh Phó gia viện, có từng nghe lời đồn về nơi ấy chưa?”

“Đồn đại gì, cũng chỉ là ngôi nhà hoang thôi mà!”

“Tôi nghe nói Phó gia viện là căn nhà ma nổi tiếng trên đảo, cứ đêm đến là nghe tiếng gió gào thảm thiết, có người gọi đó là biệt thự hồ ly, cô có biết nguyên do từ đâu không? Sống ngay cạnh đó cô có thấy ghê không?”

“Dĩ nhiên là ghê rồi. Trong cái nhà đó có con ma nữ, mỗi đêm trăng tròn nó xoã mái tóc dài thò đầu từ dưới giếng lên, vừa dạo quanh vườn vừa khóc lóc tỉ tê.” Phương Đăng vờ doạ dẫm.

Lục Nhất là đàn ông con trai, đương nhiên không thấy sợ, anh cười nói: “Cô lại đùa rồi. Tôi thì thấy những tin đồn ma quỷ đó chỉ là tam sao thất bản mà thôi.”

Phương Đăng và Lục Nhất vào siêu thị mua hai chai nước, như nhớ đến điều gì, Phương Đăng thốt nhiên nói: “Để tôi kể cho anh một câu chuyện liên quan đến Phó gia viện nhé, chuyện này không phải do tôi chế ra đâu.”

Cô ngồi xuống cửa siêu thị, vừa uống nước, vừa dịu giọng kể lại câu chuyện hồ ly nhỏ và hồ ly đá của Tiểu Xuân cô nương. Lục Nhất nghe rất chăm chú, nghe xong, anh nói: “Câu chuyện này còn ghê hơn chuyện ma nữ đáy giếng ban nãy.”

“Sao lại thế?”

“Cô nghĩ mà xem. Mấy chuyện ma nữ gì đó ở đâu chẳng có, nhưng câu chuyện cô vừa kể, càng ngẫm sâu xa, càng khiến lòng người nghe khó chịu. Con hồ ly nhỏ moi trái tim hiến cho hồ ly đá, chẳng có được người bầu bạn như nó hằng mong, lại phải thay hồ ly đá chịu hình phạt ngàn năm và bị nỗi cô đơn giày vò, thật quá bất công. May mà nó không còn trái tim, nếu còn, chắc cũng nguội lạnh.”

Phương Đăng cười: “Công bằng? Anh tin trên đời này tồn tại công bằng ư?”

“Dĩ nhiên!” Lục Nhất nói một cách kiên quyết, “Thế gian này chắc chắn tồn tại công bằng và chính nghĩa. Người tốt phải được báo đáp, hồ ly tốt cũng vậy.”

Phương Đăng không đồng tình. Chỉ có người từ nhỏ luôn đắm chìm trong ánh mặt trời, tâm địa thuần lương như anh ta mới có niềm tin nhảm nhí như vậy.

“Chỉ là chuyện kể cho vui, nghe rồi thì thôi.”

“Câu chuyện này cô nghe từ ai thế?” Lục Nhất hỏi.

“Tôi quên rồi.” Phương Đăng đáp một cách mơ hồ.

“Tôi nghĩ người ấy chưa kể xong đâu, chẳng lý do gì câu chuyện lại kết thúc ở đó.”

“Anh lại xoắn rồi.” Phương Đăng cười cười, kiếm cớ trêu. “Hay anh định viết tiếp hộ người ta?”

Lục Nhất cũng cười, anh cầm chai nước khoáng trong tay, quả thực ngẫm nghĩ một lúc, nói: “Nếu để tôi viết tiếp câu chuyện này thì... Cho dù hồ ly đá không quay lại, cũng chẳng lý do gì để con hồ ly nhỏ phải cô đơn mãi, một ngàn năm quá dài, phải có cái gì đó xuất hiện chứ...”

“Ví dụ như chuột chũi, hay là côn trùng gì đấy?”

“Cô không nghĩ ra cái gì xinh xắn hơn một tí được à?” Lục Nhất cười như trẻ con, “Để xem nào, bọn gia cầm là chúa thích tha thẩn trong vườn hoang. Đúng rồi, một con chim.”

“Một thời gian sau, có con chim bay đến?” Phương Đăng vừa uống một ngụm nước, suýt nữa phun cả ra ngoài.

“Cô muốn nghe thì nghiêm túc một tí đi.” Lục Nhất cố tình xị mặt ra vẻ cảnh cáo, “Cứ cho đó là một con chim sơn ca đi.”

“Sao lại là sơn ca, chim sơn ca trông thế nào?”

Lục Nhất cười nói: “Cô hỏi tại sao tại sao nhiều thế, tóm lại chim sơn ca là loài chim tốt... à, loài chim có ích! Này đừng có cười, nghe tiếp đây này. Sau khi hồ ly đá đi rồi, một hôm, có con chim sơn ca bay vào vườn. Nó thấy con hồ ly con cô đơn quá, nên ngày nào cũng bay đến, đậu trên ngọn cây hót...”

“Vì sao lại thế?”

“Hả?” Lục Nhất không hiểu.

Phương Đăng nói: “Chuyện anh sáng tác có lỗ hổng, con sơn ca đó tự dưng sao lại tốt với hồ ly nhỏ vậy, ngày nào cũng đến hót cho nó nghe!”

“Con người cô thật là, cứ nghĩ mọi thứ đều xấu xí. Thế cô nói xem, tại sao hồ ly nhỏ lại hiến tim mình cho hồ ly đá?” Lục Nhất ấm ức vặn lại.

Phương Đăng chợt sững người, cô chẳng hề nghĩ đến điều này.

“Bởi vì hồ ly nhỏ và hồ ly đá ít nhất cũng là đồng loại.” Cô gắng gượng lý sự cùn.

“Ai bảo không phải đồng loại thì không thể đồng cảm? Mà nói chung câu chuyện của tôi là như thế. Ngày nào sơn ca cũng bay đến hót cho con hồ ly nhỏ nghe, dùng mỏ chải lông cho hồ ly nhỏ. Lại có người bầu bạn, trái tim hồ ly nhỏ dường như bắt đầu đập trở lại.” Lục Nhất có vẻ rất hài lòng với tác phẩm của mình.

“Mất tim rồi làm sao mà đập được nữa?” Phương Đăng khinh khỉnh, “Bố mẹ anh ngày xưa chắc suốt ngày kể chuyện cổ tích cho anh nghe đúng không, bị lậm nặng quá rồi đấy.”

“Tôi chẳng hiểu nổi suy nghĩ trong đầu cô, Phương Đăng. Tin vào những điều tốt đẹp trên đời này khó vậy sao?” Lục Nhất khi trở nên cứng đầu cũng dễ khiến người ta chịu không nổi.

Phương Đăng đứng bật dậy nói: “Nếu chuyện cổ tích có thật, sao không thấy cô công chúa nào từ trên trời rơi xuống cứu rỗi anh chàng kỹ sư ế như anh?”

Lục Nhất định nói: sao cô biết không có, nhưng lại không dám nói ra lời lộ liễu quá, đành tiếp tục cúi đầu cười.

Chộn rộn một hồi, tâm trạng Phương Đăng bỗng tốt hơn hẳn. Cô đi men theo chân tường căn biệt thự, đến thẳng chỗ tường giáp với vườn sau, trong quá khứ đã bao lần cô ra vào vườn từ đây.

“Anh có muốn tận mắt nhìn thấy bức tượng hồ ly đó không?” Cô quay lại mỉm cười, cởi phăng đôi giày cao gót.

“Muốn chứ... Ơ kìa, đừng bảo cô định trèo tường vào đấy nhé? Tuyệt đối đừng nên, cẩn thận có người trông thấy bây giờ.” Lục Nhất ngoái nhìn tứ phía, anh không ngờ Phương Đăng lại liều lĩnh như thế. Người chưa từng làm việc xấu trong lòng tất lo lắng khác thường.

“Sợ người ta nhìn thì im lặng.” Phương Đăng thầm thấy may vì hôm nay mình mặc quần. Thực ra cô thừa biết, sau khi già Thôi được Phó Thất đón sang Mỹ dưỡng già, trong vườn này chẳng còn ai. Đã nhiều năm không giở ngón nghề, lúc đầu cô thấy hơi khó dùng sức một chút, nhưng quen rồi mới hay mình còn dẻo dai chán, chẳng bao lâu đã đu được lên đầu tường.

---------- BỔ SUNG THÊM ----------

Lục Nhất thấy người đẹp leo tường, bất ngờ suýt rơi cả kính, Phương Đăng ngồi vắt vẻo trên tường, phủi phủi bụi trong lòng bàn tay, ra hiệu cho Lục Nhất làm theo.

Hồi nhỏ Lục Nhất chẳng mấy khi đi học trễ, chứ đừng nói là leo tường trèo cây. Nhưng một cô gái liễu yếu đào tơ thế kia còn trèo được, mình thì đàn ông con trai sức dài vai rộng... Anh cứ ngần ngừ không biết có cần cởi giày để leo không.

“Này, giày cởi ra để ở đâu?” Lục Nhất thì thào hỏi.

Phương Đăng nhìn vào trong vườn, không trả lời. Một thoáng, Lục Nhất còn chưa kịp cởi giày, đã thấy Phương Đăng khẽ khàng nhảy xuống bên mình, đi giày rồi rảo bước. Trong mắt cô không còn lung linh thứ hào quang rực rỡ vừa nãy, cả người cứ như hồn bay phách lạc.

“Phương Đăng, cô sao thế?”

Lục Nhất vội đuổi theo hỏi.

Phương Đăng càng đi càng mau, như thể bị ma đuổi. Cô không hề nói với Lục Nhất ban nãy mình đã nhìn thấy điều gì.

“Cẩn thận nhé.” Phó Kính Thù rảo bước trên con đường nhỏ dẫn ra vườn sau, cỏ hoang nơi này giờ đây cao không quá cẳng chân hắn. Phó Kính Thù hiểu rõ từng bí mật ẩn giấu dưới mỗi gốc cỏ dại nơi này, nhưng vị khách mặc váy ngắn đi giày cao gót sau lưng thì chưa chắc nên hắn không thể không quay lại nhắc nhở.

Khi chủ nhân “Tố Thành”, nhà họ Cổ ở Đài Loan chính thức ngỏ ý muốn kết thông gia với bà Trịnh, bề trên hai nhà đều tỏ ý rất sốt sắng, dốc sức mai mối cho đôi trẻ, hận không thể đưa hai người vào lễ đường thành hôn ngay cho xong.

Bà Trịnh từng gặp cô gái này một lần, lần đó cô gái kia và cha cùng tới Malaysia thăm hỏi, đúng lúc Phó Kính Thù phải ở lại Mỹ để lo công việc. Khi trở về, hắn nghe bà Trịnh khen cô gái kia không tiếc lời, nào là vừa xinh đẹp vừa cởi mở, vừa nhìn đã biết xuất thân trong gia đình tốt, hiện đại tân thời, nhưng cử chỉ vẫn có chừng mực, rất có giáo dục.

Chuyện bà Trịnh đã quyết định, Phó Kính Thù đương nhiên không tiện nêu ý kiến. Ý hai nhà đều mong họ gặp mặt càng sớm càng tốt, đẩy nhanh tiến độ tìm hiểu. Nhưng thứ nhất là Phó Kính Thù quả thực trăm công nghìn việc, thêm nữa cô gái kia suốt ngày rong chơi khắp nơi, muốn tìm một cơ hội thích hợp để gặp mặt chẳng phải dễ dàng. Vừa may lần này, Phó Kính Thù cần quay về làm một số công tác chuẩn bị cho việc trùng tu nhà tổ, cô gái kia lại đang tham gia khoá học chuyên sâu ngắn hạn tại một trường đại học trong thành phố, người lớn hai nhà bèn nhắc họ sắp xếp cuộc hẹn. Các bậc bề trên nhận thấy đây là một cách quen biết “tương đối hiện đại” và dễ được đám con cháu chấp nhận. Đều còn trẻ trung, lại sinh trưởng trong hoàn cảnh gia đình và có nền tảng học vấn khá tương đồng, nhân phẩm tài mạo cũng tương đồng, dù chưa thể nảy nở tình cảm ngay tức khắc, chí ít họ cũng không thiếu đề tài để giao lưu.

Sau khi giải quyết xong công việc, Phó Kính Thù bèn gọi điện cho cô gái kia chính thức ngỏ lời mời. Đối phương không tỏ ra ngạc nhiên, còn chủ động ấn định nơi gặp mặt là Phó gia viện, điều này ít nhiều vượt ngoài dự liệu của Phó Kính Thù. Song nghĩ đến cha cô ta điên cuồng vì căn biệt thự cổ này, cha nào con nấy, cô yêu cầu như vậy cũng hợp tình hợp lý.

Để giữ phép lịch sự, sau khi lên đảo Phó Kính Thù đưa cô gái đi dùng bữa trưa trước. Cô gái tên Minh Tử kia đích thực kiều diễm tươi tắn như lời bà Trịnh kể, hiếm có hơn nữa là, cô ta không giống một số cô “hot girl” mà Phó Kính Thù từng tiếp xúc, người thì Tây hoá quá đà, người thì kiêu căng quá trớn. Cô cởi mở, hiếu động, hành sự tự nhiên thoải mái, ấn tượng đầu tiên trong Phó Kính Thù về cô không tệ.

Dùng bữa xong, Phó Kính Thù đưa Minh Tử về Phó gia viện. Sau khi già Thôi rời đi, bà Trịnh không buồn thuê người chăm lo cửa nhà vườn tược nữa, có lẽ bà định trước mắt cứ để nó hoang phế, nhưng bà có lòng tin sẽ trông thấy căn nhà được trùng tu trước ngày mình ra đi. Lần này trở về, Phó Kính Thù nhận ra rằng, khu vườn phía đông, nơi duy nhất trước kia còn khang trang gọn gàng giờ đây đã trở thành vương quốc cỏ dại, chẳng còn chút nào dấu tích xinh đẹp xưa kia nữa.

Cổ Minh Tử vừa đi theo Phó Kính Thù, vừa ngoái nhìn tứ phía. Mặc dù đến đây lần đầu, nhưng cô ta có thể thao thao bất tuyệt về phong cách, các chi tiết trang trí, thậm chí cả đến xuất xứ và đặc điểm các vật liệu xây dựng của căn nhà, rất có hiểu biết, quả nhiên chịu ảnh hưởng không nhỏ từ người cha.

Đôi chân mang giày cao gót bước đi trên thảm cỏ khó tránh khỏi vất vả, cô vừa cẩn thận đặt chân, đôi mắt vừa không kiềm chế được quan sát xung quanh. Có lẽ cô không nỡ bỏ qua bất cứ chi tiết kiến trúc nào, mỗi lần phát hiện ra điều gì là không ngớt lời tán tụng.

“Ngày trước cha từng nói với tôi, Phó gia viện chính là tinh hoa của kiến trúc thời bán thực dân, lúc ấy tôi chưa tin ngay. Sao bên anh nỡ nhẫn tâm để nơi tuyệt vời này biến thành thế này?! Tây Lầu sắp sửa hoàn toàn biến dạng, Đông Lầu đỡ hơn một chút nhưng cũng chẳng ra sao, tiền viện và hai vườn hoa nhỏ trông đến là đáng thương.” Minh Tử than thở.

Phó Kính Thù nói: “Một lời khó nói hết, ngày đó gia đình tôi dời đi là bất đắc dĩ, ai mà ngờ thế cục và chính sách về sau lại như vậy. Hiện giờ căn nhà đã được trả về, nhưng người nhà họ Phó quá nửa lưu lạc ở nước ngoài, người cả ba phòng quá đông, quyền thừa kế rất phức tạp. Ai nấy đều suy tính ình, muốn trùng tu căn nhà là một chuyện không dễ. Nếu không nhờ cha cô thần thông quảng đại, thuyết phục được toàn bộ người Phòng Nhì ký vào giấy chuyển nhượng, chẳng biết nơi này còn bị bỏ hoang đến bao giờ.”

Minh Tử nói: “Khi lần đầu tiên nhìn thấy Phó gia viện ở Đài Loan cha tôi đã rất thích rồi, nhưng có người mách ông, căn nhà ở Đài Loan chỉ là bản sao căn nhà tổ của họ Phó tại Đại Lục. Người Phòng Nhì sau khi di cư sang Đài Loan, nhằm biểu thị lòng tưởng nhớ tổ tông, dựa vào ấn tượng về căn nhà tổ mà xây nên. Năm tôi mới mười mấy tuổi, cha đến Đại Lục công cán, đặc biệt bỏ thời gian tìm tới đây, khi trở về, trước mặt chúng tôi ông cứ nhắc mãi không thôi rằng thật đáng tiếc, một căn nhà có quy mô, phong cách độc đáo vậy mà tàn tạ đến đau lòng. Nếu căn nhà thuộc về ông, bất kể bỏ ra bao nhiêu tiền của và sức lực, ông cũng sẽ khôi phục nó về nguyên dạng bằng được. Tôi đoán từ lúc đó, ông đã nuôi ý định mua lại Phó gia viện. Cha tôi là người đã muốn thì phải làm bằng được, ông phái người đi tìm kiếm suốt bốn năm, tìm tới từng người một trong số những vị đứng tên thừa kế của Phòng Nhì nhà họ Phó, dùng đủ mọi biện pháp cứng có mềm có nhằm thuyết phục họ đồng ý chuyển nhượng, tôi nghe nói mà sợ thót
ĐẾN TRANG
Thông Tin
Lượt Xem : 7588
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN