Anh trai em gái
n gái, coi thường em ruột, uổng công mẹ nuôi dưỡng!".
"Lại còn con bé An An nữa, lạ thật, nó còn khóc nỗi gì, có khóc cũng đừng để Mai Mai nhìn thấy mới phải, đừng để chị lo nghĩ".
"Mẹ, không phải con nói mẹ, nhưng quả thật mẹ quá thiên vị!". Cuối cùng tôi không chịu được bật ra, tôi cảm thấy lúc này không thể không nói. "Mẹ không để ý đến con cũng chẳng sao, dù gì con cũng là con trai. Nhưng sao lúc nào mẹ cũng thiên vị Mai Mai, không để ý đến tình cảm của An An?".
Lúc đó, mẹ đang tìm cái áo nhung của Mai Mai trong tủ, vẫn đang phàn nàn không biết nó để đâu. Nghe tôi nói vậy mẹ không ngẩng đầu, nói ngay: "Mai Mai từ nhỏ đã không nói được, nó bị câm, mẹ là mẹ, không thương nó thì thương ai". Mẹ nói câu đó bằng cái giọng chắc như đinh đóng cột, như điều đó là đương nhiên, mà ngữ khí này còn mang hàm ý: con nghĩ không thông, con bé An An sức khoẻ tốt, học giỏi, mẹ chẳng cần phải lo nhiều cho nó, sau này thế nào chẳng có người thương nó.
Tôi quá đỗi kinh ngạc. Khi nói với mẹ chuyện này, tôi hy vọng mẹ sẽ thanh minh, đại loại: "Con ngốc ạ, mẹ đâu có thiên vị vì mẹ đối với ba anh em như nhau, cùi tay và bàn tay đều là thịt da". Ai ngờ mẹ lại giải thích như thế, lại còn thừa nhận mình thương con gái lớn. Tôi lập tức nhớ lại lời An An.
"Chị bị câm, cho nên em đành chịu thua".
Tôi thấy cần bênh vực An An. Đều là con mẹ sinh ra, nhưng lại thương yêu khác nhau, đối xử khác nhau. Tôi là con trai, ăn to nói lớn, trước đây thấy mẹ đối xử không công bằng với tôi, tôi cũng bất bình, song không nói ra, nhưng mẹ không thể cư xử như vậy với An An được.
Trước kia tôi cũng không để ý lắm đến tâm tư của con gái, sau này có Hồ Khả, để nịnh nàng, tôi bắt đầu lưu tâm tìm hiểu nên cũng biết sơ sơ. Phụ nữ, dù có kiên cường, cứng rắn đến đâu cũng rất dễ bị tổn thương. Đàn ông được nặn từ đất sét, phụ nữ được làm từ nước, đàn ông ít nghĩ ngợi linh tinh, phụ nữ lại đa sầu đa cảm, mềm mại như nước. Cho nên hôm nay, lúc trong viện An An đã khóc. Tôi không biết hằng ngày khi tôi thanh thản ngủ say trong chăn, An An đã âm thầm khóc một mình ra sao.
"Mẹ hãy quan tâm hơn đến An An, mẹ có biết nó như một đứa trẻ không mẹ không?".
Lúc đó, mẹ mới ngừng lời, quay ngoắt lại, sửng sót nhìn tôi. Tôi định nói thẳng với mẹ rằng mẹ thiên vị, nhưng nhìn mái đầu bạc của mẹ càng trắng hơn dưới ánh đèn, nhìn rõ nếp nhăn trên trán mẹ, nhìn thấy sự mệt mỏi của mẹ, và phúc chết lặng trong cái nhìn của mẹ đang gục bên giường bệnh của con, nói rằng mẹ quá thiên vị đứa con này.
Mẹ chậm rãi đi đến bên giường, ngồi xuống cạnh tôi. Tôi định vuốt mái đầu rối bù còn chưa kịp chải của mẹ. Mắt nhìn tôi, nhưng tôi thấy ý nghĩ của mẹ hướng đi nơi khác. Tôi lập tức ý thức được, tôi đã nặng lời; tôi nói thế, khác nào bảo mẹ: Bà không xứng là người mẹ.
"An An nói với con như vậy sao?". Mẹ cúi đầu hỏi nhỏ.
Tôi nắm tay mẹ, nói: "Không phải, An An không nói gì, có lẽ bởi vì nó luôn rất lạc quan, chỉ do con đoán thế thôi. Con chỉ là...con cảm thấy...so sánh ra hình như mẹ thích Mai Mai hơn". Tôi giải thích tế nhị, chỉ sợ mẹ buồn.
Mẹ không nói, đoán được mẹ đang nghĩ gì, tôi không muốn quấy rầy. Tôi đi lấy lược, vụng về chải đầu cho mẹ. Do không quen nên mặc dù chải đi chải lại, tôi vẫn không làm sao gom được mớ tóc. Mẹ để mặc tôi đánh vật với mái tóc, cuối cùng mẹ giữ tay tôi, giơ tay búi gọn sau gáy, tôi phấn khởi nói tốt tốt, rồi ngoẹo đầu ngắm nghía "tác phẩm" của mình, thấy mẹ khóc.
Tôi nói: "Sao mẹ lại khóc?", vội lấy khăn lau mắt cho mẹ.
"Đâu có", mẹ kéo tay tôi, "mẹ không khóc", mẹ lấy tay lau nước mắt, "mẹ chỉ rất cảm động, rất vui vì mẹ có ba anh em con". Tôi nắm tay mẹ, bàn tay mẹ nhỏ nhắn nhưng đầy vết nứt nẻ, nắm bàn tay mẹ, tôi thấy hoàn toàn không giống bàn tay Hồ Khả. Tay Hồ Khả mềm mại, tay mẹ thô cứng. Tôi là con trai của mẹ, tôi mới chỉ chải đầu cho bà mà bà đã khóc vì xúc động rồi. Tôi muốn hỏi sao mẹ dễ thoả mãn vậy?
"Dương Dương, con nói rất đúng. Nghĩ lại, mẹ thấy mẹ hiểu về An An ít quá, chăm sóc nó cũng chưa đầy đủ". Từ trước đến nay, đây là lần đầu mẹ nhìn nhận lại bản thân. "Hai đứa đều là con mẹ, thực ra mẹ không có ý yêu ai hơn, ghét ai hơn; chỉ có điều đôi lúc cứ nghĩ Mai Mai bị câm là do lỗi của mẹ nên mới muốn bù đắp cho nó chút ít, đứa con khốn khổ của mẹ. Còn An An, mẹ cho rằng nó sẽ hiểu lòng mẹ".
"Mẹ ơi, đâu phải lỗi của mẹ? Có lẽ là do số của Mai Mai khổ, việc gì mẹ phải để cho đứa kia đau buồn?".
Mẹ suy nghĩ một lát, thở dài: "Dương Dương, con lớn thật rồi, những điều con nói mẹ sẽ suy nghĩ".
Tôi dìu mẹ đứng lên, mẹ lại đi tìm những thứ cần tìm, nhưng động tác chậm chạp hơn. Mẹ cũng không phàn nàn gì nữa. Đột nhiên mẹ đứng ngây nhìn bức họa của Mai Mai, rồi gọi tôi lại: "Dương Dương, trước đây con có thấy Mai Mai vẽ những bức như thế này không?".
Tôi băn khoăn bước lại gần mẹ, cúi nhìn, một tập tranh đều là hình mặt người, mới chỉ phác thảo, mà hình như toàn là một người, nhìn thẳng, nhìn nghiêng, kiểu tóc như nhau, những nét vẽ vội vàng, như là vẽ trộm mặt sau mỗi bức đều ghi ngày tháng với dòng chữ: "Em yêu anh".
Người đàn ông trong tranh chính là tôi. Tất cả chúng tôi đều biết Mai Mai chưa bao giờ vẽ người.
Lật nhanh tập tranh đầy bụi, không biết nó đã tồn tại mấy năm, tôi kinh ngạc. Vậy mà cả gia đình tôi không ai phát hiện ra!
"Thì ra là thật...thì ra những gì An An nói đều là thật! Trời ơi!". Mẹ rên rỉ, tôi không hiểu, nhìn mặt mẹ càng lúc càng trắng bệch. Tôi vội đỡ, suýt nữa mẹ ngã khuỵu, tôi hỏi mẹ có sao không.
"Trời ơi! Tôi đã phạm tội gì hả trời?". Mẹ ngồi xuống giường, nắm chặt tập tranh, tay run lên. "Như thế là loạn luân! Đứa con gái u mê khốn khổ của tôi". Mẹ lại nức nở.
Tôi biết có những điều tôi không hiểu, nhưng từ loạn luân thì tôi hiểu. Thì ra An An đã sớm nghĩ đến. Nếu trước đây đoán động cơ vẽ của Mai Mai thì bây giờ mẹ đã phải công nhận. Cô em gái cùng cha cùng mẹ của tôi đã yêu tôi.
Tôi cảm thấy mọi chuyện đều rõ ràng, tự nhiên - sự công kích thù địch của nó với Hồ Khả, cả ánh mắt sắc lạnh liếc trộm chúng tôi khi An An và tôi bên nhau. Thì ra tất cả đều do đố kỵ!
Có một ngọn lửa vừa nhen lên trong tôi. Tôi hổ thẹn vì đã cho mình là anh hùng, trong đó có cả sự hổ thẹn, hối hận đối với Hồ Khả.
Mẹ lúc sau đau đớn ngẩng đầu, bảo tôi giữ kín chuyện, dù sao chuyện xấu trong nhà không nên để lọt ra ngoài.
Mẹ nói: "Việc này để mẹ nói với Mai Mai, chắc tại từ nhỏ nó đã cô độc nên thành ra lẩn thẩn như vậy. Dương Dương, con giữ kín chuyện này nhé!".
Tôi nhìn mẹ đang cố trấn tĩnh, một mình giải quyết chuyện đau đầu này, không đành lòng, nhưng chẳng thể làm sao được.
Tôi không biết mẹ xử trí thế nào.
"Mẹ, Mai Mai vì ích kỷ đã làm tổn thương bạn gái con!". Tôi nhất định phải nói với mẹ điều đó. Mai Mai không nói được, luôn tỏ ra trầm tĩnh nhưng đàu óc lúc nào cũng suy tính. Vẻ bề ngoài của nó giống như ngọn núi lửa quanh năm tuyết phủ, bên ngoài bình yên nhưng bên trong sôi sục.
'Dương Dương, nó là em con. Cùng lớn lên với các con. Con tin nó xấu thật sao?". Mẹ nhìn tôi băn khoăn.
Mai Mai xấu thật sao? Mai Mai từ nhỏ luôn lặng lẽ, lúc nào cũng mỉm cười nhận sự khen ngợi của người khác, dửng dưng trước những lời bình luận của mọi người. Không khóc, không cãi, dường như ngay cả thời thơ ấu nó đã không có tuổi thơ. Ai biết được, ngoài phá tình yêu của tôi và Hồ Khả nó có những lỗi lầm nào khác! Tôi quả thật không hình dung được Mai Mai xấu đến đâu.
Vừa lúc đó An An đột nhiên xuất hiện ngay trước phòng Mai Mai. Nó đứng đó, khóc ròng, trên trán vẫn buộc cái khăn màu da cam gắn bó với nó bao nhiêu năm. Nó như con ngựa nhỏ màu hồng xinh đẹp, hoạt bát, khoẻ mạnh - nếu không có vết sẹo trên trán, An An đúng là công chúa xinh đẹp hạnh phúc.
Nó đứng ngây nhìn mẹ, mắt ngấn nước; tôi không hiểu ý nghĩa những giọt nước mắt ấy. Con mèo Sbin luẩn quẩn dưới chân kêu meo meo, nó mặc kệ, chỉ nhìn mẹ đăm đăm. Tôi bảo An An vào phòng, nó cũng không nói gì.
"Mẹ, con chôn vùi bí mật bao năm như vậy, mẹ còn muốn con phải lẩn tránh bao lâu nữa?". An An nói, bước từng bước vào phòng, vẻ trịnh trọng xen lẫn khổ tâm: "Những gì mẹ và anh nói con đã nghe thấy hết. Mẹ, con đã định nói câu này lâu rồi, mẹ thiên vị!". An An nói chậm rãi. Tôi kinh ngạc nhìn nó, lại nhìn mẹ. mẹ vừa đau khổ vừa hổ thẹn, mẹ lắc đầu nói mẹ không thiên vị. "Mẹ nói thực, khi nhìn thấy chị Hồ Khả khóc lóc bị anh đuổi đi, con đã biết xảy ra chuyện gì. Có lẽ, con là người hiểu chị sớm nhất, sớm hơn bất kỳ ai trong nhà mình. Sự thật Hồ Khả bị đuổi là do chị, kết cục đó con đã dự đoán từ lây. Khi con biết anh cũng nhìn ra con người của chị, con vui hơn tất cả mọi người. Đúng là con rất vui! Mẹ có thể nói con ích kỷ, nhưng dựa vào cái gì mà chị lại dùng cách cực đoan đó! Dựa vào đâu chị làm hại người khác mà lại được chúng ta che đậy, giấu giếm. Còn nữa, dựa vào đâu...". An An càng nói càng gay gắt. "Con đã phải trả giá như thế nào cho tình yêu bệnh hoạn của chị!...Mẹ!". Nói đến đó nó kéo tuột cái khăn vàng trên đầu xuống, lộ ra vết sẹo lớn hằng ngày do được che đi chỉ nhìn thấy thấp thoáng, lúc này hằn lên như một con rết trườn trên vầng trán phẳng phiu.
Nói dồn dập một lúc, cuối cùng tuyệt vọng, nó ngồi thụp xuống. Nó ôm đầu ngồi bên cạnh mẹ. "Con cũng là con gái mẹ...từ nhỏ con đã mong mẹ cũng yêu con như yêu chị. Nhưng...con không những không được cái bình đẳng tối thiểu đó, thậm chí khi con nói với mẹ vết thương của con là do chị gây ra mẹ cũng nghi ngờ. Mẹ thiên vị, thiên vị! Mẹ có biết ở trong nhà này con đã phải chịu bao nhiêu tủi hổ, ấm ức không? Mẹ có biết con đã bị chế nhạo thế nào vì vết sẹo không thể xoá đó không? Mẹ chỉ biết chị bị câm, chị rất đáng thương, chị bỏ học, chị thế này, chị thế khác, cái gì cũng chị! Lẽ nào toàn vẹn cũng là tội lỗi ư? Mẹ, nếu tàn tật mà được mẹ yêu như cậy, con sẵn lòng tự làm tổn thương mình để trở thành tàn tật, con thà làm một kẻ đui mù...".
Cuối cùng, mẹ lại bị đánh bại hoàn toàn khi nghe câu "con thà làm một kẻ đui mù". Lúc đầu mẹ chỉ kinh ngạc nhìn con gái, nghe nó khóc lóc kể lể, rồi không chịu nổi, mẹ cũng ngồi sụp bên nó, ôm lấy thân mình run rẩy của nó, khóc oà.
Tôi vừa nghe thấy tiếng kêu từ một trái tim khác. Tôi hãi hùng không nói nên lời. Tôi cứ ngồi trên giường, im lặng, sững sờ nhìn hai người thân đau khổ, lòng như dao cắt.
"Con! Con! Đúng là mẹ không tốt! Mẹ tưởng tự con biết cách chăm sóc bản thân! Mẹ đoảng quá, mẹ thiên vị, mẹ không biết cảm xúc của con, mẹ đáng chết!". Mẹ nói, vậy là An An lao vào lòng mẹ, khóc không thành tiếng/ "Nhưng con biết không, trong trái tim mẹ, ba anh em con đều là ruột thịt, sao mẹ lại không yêu con? Mẹ yêu tất cả. Nhìn các con khôn lớn, trưởng thành, hiểu biết, học hành, lòng mẹ rất vui!".
Lời nói từ đáy lòng mẹ khiến tôi chảy nước mắt. Mẹ ngẩng đầu, dịu dàng lau nước mắt cho An An, khuôn mặt nó đã nhem nhuốc. "Mẹ là gà mẹ, các con là gà con, nhưng với một con gà ngốc nhất, khiếm khuyết nhất, mẹ sẽ phải quan tâm, chăm sóc nó hơn. Sau này các con có gia đình, con cái, các con sẽ hiểu. Chẳng có bà mẹ nào không thương xót con, nhưng quan tâm hơn đến đứa yếu đuối nhất, cô đơn nhất. Nếu các con không tha thứ cho mẹ thì mẹ cũng không biết nói thế nào nhưng bảo mẹ không yêu các con thì không bao giờ có chuyện đó". Lần đầu tiên thấy mẹ xúc động như vậy.
"Mẹ, con biết mẹ yêu con, là do con ích kỷ, hẹp hòi, con ghen với tình yêu của mẹ dành cho chị. Mẹ là người mẹ tốt. Mẹ đừng khóc nữa!". An An ôm lấy mẹ, gục đầu vào lòng mẹ, lau hết nước mắt cho mẹ. Đó là hạnh phúc.
"Con ngoan, mẹ có lỗi lớn, mẹ không chú ý đến tình cảm của con, con đừng trách mẹ!".
An An lắc đầu. Hai mẹ con ôm nhau, lát sau tiếng khóc nhỏ dần. Tôi lặng lẽ đi rửa mặt, quay vào thấy hai mẹ con vẫn ôm nhau không biết đến sự vắng mặt lẫn hiện diện của tôi.
Tôi nghĩ tâm sự bấy lâu giấu kín trong lòng An An cuối cùng cũng đã được bộc lộ. Tôi khâm phục phụ nữ, họ có thể suy nghĩ mọi việc thấu đáo như vậy. Phụ nữ thật đặc biệt!
Mẹ dìu An An đứng dậy, ngồi lên giường, mẹ lại lau nước mắt cho nó, nó vẫn ôm chặt mẹ, không rời. "Con đáng thương, vết sẹo sao lại lớn như vậy!". Mẹ run run sờ vết sẹo, nước mắt lại ứa ra.
"Mẹ, không sao đâu, để tóc mái che đi là được, người ta không nhìn thấy đâu!". An An cố tỏ ra vui vẻ khiến tôi một lần nữa phải nhìn nhận lại cô em mà trước đây tôi vẫn nghĩ nó vô tư không biết điều – Thì ra nó còn thấu tình đạt lý hơn tất cả chúng tôi.
Tôi là kẻ ngốc nghếch; không biết lúc đó nghĩ thế nào mà tôi lại hỏi: "Lẽ nào vết sẹo trên trán An An là do Mai Mai gây ra sao?".
Mẹ cau mày lườm tôi, nhưng ánh mắt mẹ chuyển sang An An lại trở nên bối rối, bất lực. An An vừa nín, giờ lại chảy nước mắt. Tôi ân hận mình quá nông nổi.
Tự dưng thấy sợ hãi, không biết sau này tôi làm thế nào đối diện với An An. Mẹ thở dài: "Mẹ rất hiểu các con, kể cả Mai Mai, dù nó chưa bao giờ nói được". Ngập ngừng một lát, mẹ lại tiếp tục: 'Thực ra nó đâu có xấu đến vậy, nó rất lương thiện nhưng mặc cảm, tự ti, lòng thiện của nó bị cái tự ti lấn át thôi".
Tôi suy nghĩ rất lâu về câu nói của mẹ. Có phải mẹ muốn nói với chúng tôi, Mai Mai lương thiện, mọi việc làm nếu có sai trái thì cũng chỉ do sự khiếm khuyết của nó, tất cả chỉ bởi nó bị câm, nó không nói được?
Chương 36 - Tâm tư
"Thôi, mẹ phải đến bệnh viện đây, nếu không Mai Mai lại sợ". Mẹ vội vàng lau nước mắt, hấp tấp đi ra.
"Mẹ!". Tôi gọi.
"Gì thế?". Mẹ vừa xỏ dép vừa hỏi.
Tôi nhìn mẹ, người đàn bà trái tim đang nhỏ mắt buộc phải đẩy nỗi đau vào trong để đối diện với trăm ngàn lo toan của cuộc sống, đau đớn vì tình cảm bệnh hoạn bất thường của con, nhưng trái tim người mẹ có cách lý giải riêng. Bà càng xót thương đứa con gái bất hạnh, càng thấy mình có lỗi trong những bất hạnh của nó. Bà sốt sắng đến với nó, không muốn nó một mình đối diện với cô đơn.
Mẹ là người vĩ đại, những câu phàn nàn của mẹ chứa đựng tình mẫu tử sâu nặng.
"Nói đi cái thằng! Đang bận chết đi được! Mai Mai lại sốt ruột lắm đây".
Mai Mai? Tôi không biết mẹ sẽ xử lý việc này thế nào. Mẹ bảo cứ để mẹ lo, không biết mẹ sẽ đơn giản hoá hay phức tạp hoá chuyện này. Đằng nào tôi cũng thấy chuyện khá rắc rối, cho nên quyết đinh né tránh. 'Mẹ, con muốn chuyển vào ký túc xá sống".
"Hả?". Mẹ vừa nghe vậy, quay ngoắt đầu lại. "Ở ký túc?". Bà ngơ ngẩn nhìn tôi.
"Mẹ, con cũng muốn ở ký túc". An An cũng đứng lên nói.
"Ký túc? Cả hai anh em đều muốn ở nội trú?". Mẹ suy nghĩ, có bẻ không muốn nhưng thấy thái độ kiên quyết của chúng tôi nên lại do dự. "Thế cũng được...". Cuối cùng mẹ thở dài nói như hụt hơi, rồi quay đi, bước chân lầm lũi, nặng nề.
Mẹ đi rồi, tôi và An An nhìn nhau cười gượng gạo, không biết lúc đó nó nghĩ gì, nhưng cả hai anh em đều thấy sự bế tắc của hoàn cảnh này. Bàn tay An An sờ lên vết sẹo trên trán một cách vô thức. Tôi không tưởng tượng được nó đã khó khăn thế nào để giấu mình trong cái mặt nạ vô tư, lạc quan ngần ấy năm rồi.
"An An, em có hận Mai Mai không?". Tôi thận trọng hỏi.
An An không trả lời, chỉ thở dài, quàng tay ôm con mèo, vuốt ve một lát rồi đứng dậy thu xếp đồ đạc, chuẩn bị vào nội trú.
Việc ở nội trú không có trở ngại gì. Nhà trường lấy lý do kỷ luật, yêu cầu học sinh vào ở nội trú. Học sinh nhà gần trường, muốn ngoại trú, hoặc những người muốn thuê nhà sống ở bên ngoài cho thoải mái đều bị phản đối quyết liệt, cho nên mỗi chúng tôi đều có một cái giường cá nhân ở khu nội trú, nộp tiền lệ phí rồi coi như xong, nhà trường không bận tâm sinh viên có ở hay không. Có lẽ bố mẹ sau khi nộp lệ phí cho con là yên trí chúng sẽ chăm chỉ học tập. Cho nên, bây giờ tôi chỉ cần thu xếp ít đồ để chuyển vào trường là xong.
Lý do ở nội trú càng đơn giản. Khi tôi và A Thụ và Hà Tặc đến chuyển đồ, trước lời chất vấn của hai gã, tôi phẩy tay, buông đúng một tiếng "nhàn".
Đúng vậy, sống ở nội trú rất nhàn. Ở nội trú có thể ngủ chán chê. Cái gọi là cuộc sống nề nếp chúnh là: đánh bài thâu đêm, ngày ngủ vùi.
Tôi và Hà Tặc ở chung một phòng. Buổi tối đầu tiên khi tôi vào trường, gần chục gã trai cùng phòng và mấy phòng lân cận mở một cuộc liên hoan nhỏ chào mừng thành viên mới của ban "mạt chược" khiến tôi rất đỗi cảm động.
Ở nội trú quả thật rất nhàn. Năm thứ tư bài vở ít, càng nhàn. Hằng ngày tôi nằm trên gường nhìn bạn bè đi đi lại lại, cảm thấy vô cùng sung sướng. Nhưng sau những ngày sung sướng đầu tiên là nỗi buồn không thể xua đuổi: luận văn chưa đâu vào đâu, công việc chưa có manh mối, tương lai là một dấu hỏi lớn, cha mẹ lại lo âu.
Ở nội trú thể nghiệm sự nhàn rỗi thật tuyệt. Nhưng sinh viên năm cuối mà vẫn nhàn rỗi thì có ba loại. Loại thứ nhất là không tìm được việc, dứt khoát học tiếp nghiên cứu sinh. Loại thứ hai là có bố mẹ làm quan. Loại thứ ba là phó thác tất cả cho tương lai. Còn những sinh viên năm cuối thực sự có chí hướng tuyệt đối không nhàn rỗi. Họ luôn tất tả hoạt động, thận trọng lựa chọn các công ty, cố tìm những công ty ưu tú nhất, họ trau chuốt bản luận văn sao cho thật vừa ý.
Tôi thuộc đối tượng ba, chắng có gì, nhưng ép mình nhàn rỗi trong tư duy rối rắm. Nhiệm vụ hằng ngàu của tôi là ngủ đến lúc chán mắt thì tự thức dậy, tuy đã tỉnh nhưng mắt vẫn nặng trịch, không mở ra được, sau đó nhanh chóng vào nhà vệ sinh, rồi bật ti vi (Hà Tặc dạy tôi cách nằm trên giường mở ti vi, thật độc đáo, không ai bắt chước được). Đi vệ sinh xong chẳng cần rửa tay, vớ ngay bánh mỳ tối hôm trước đã nhờ bọn con gái mua hộ, đủng đỉnh vừa gặm bánh mỳ vừa lên mạng tán gẫu với bạn chat. Buổi tối, sau một chầu tán gẫu về bọn con gái, lại bận bịu với trò đen đỏ - "công việc thường trực" hằng đêm. Hay nhất vẫn là tiết mục "nói mơ giữa ban ngày".
Trong hành trang "vào đời" của sinh viên chắc chắn có một "tài sản tinh thần", đó là kỷ niệm "nói mơ giữa ban ngày" của bạn bè. Chuyện như sau, hằng đêm, khi đám con trai đang bận tụ tập "đấu địa chủ" (chơi bài) dưới ánh đèn điện tù mù, đúng lúc cuộc vui đang hồi gay cấn, chợt có tiếng kêu thất thanh: "Cứu! Cứu với!".
Mọi người ngơ ngác nhìn quanh, đó là tiếng kêu của gã con trai duy nhất đang nằm ngoan ngoãn, yên giấc trên giường của mình. Tưởng hẳn gặp nguy hiểm, chạy đến thấy hắn nằm đó, mắt nhắm nghiền, người đầm đìa mồ hôi, chân tay quờ quạng. Lay hỏi: "Sao thế?". "Ối giời ơi, tớ lọt vào hang ổ của thổ phỉ!". Hắn thở hổn hển, miệng lắp bắp, mắt vẫn nhắm nghiền. Tất cả cười ồ. Hôm sau hỏi hắn: "Đêm qua đi gặp thổ phỉ hả?", hắn há hốc mồm, kinh ngạc: "Sao biết? Hôm qua tớ xem truyện truyền kỳ!".
Cuộc sống của sinh viên năm cuối rất nhàn rỗi. Tôi nhàn rỗi đến phát ngán, ngày ngày gục đầu trên bệ cửa sổ nhìn ra sân trường. Hà Tặc có một dạo cũng bắt chước tôi làm vậy, nhưng gã đang săn "gái đẹp". Hà Tặc thích gấp máy bay giấy, trong viết mấy câu thơ tình, nhìn thấy em nào bắt mắt là hét tướng lên để đối tượng buộc phải chú ý, rồi gã ném máy bay về phía họ kèm câu nói: "Người đẹp ơi!", mới đầu chẳng ai để ý đến. Sau bị ban quản lý ký túc bắt nộp phạt 20 đồng vị tội vứt rác lung tung, gã mới thôi không tiếp tục trò đó nữa.
Hà Tặc bảo tôi là con gấu lười nhác, lười nhác đồng nghĩa với truỵ lạc, gã không hiểu, cũng không biết dùng từ nhàn rỗi, gã bảo tôi truỵ lạc. Mỗi khi có người tìm tôi, gã không thèm ngẩng đầu, chỉ hất hàm về phía cửa sổ: "Thằng cha đang truỵ lạc ở kia", hoặc "Hắn hả? Không biết hắn đang truỵ lạc ở đâu!".
Trong lúc nhàn rỗi ở trường, tôi cố gắng không nghĩ về nhà, không nghĩ đến người thân; chia tay với Hồ Khả và câu chuyện éo le của em gái khiến tôi nẫu ruột. Rất ít gặp Hồ Khả, những lúc bất chợt nhìn thấy, tôi vội vàng lướt qua, chỉ có A Thụ gặp Hồ Khả ở nhà ăn tập thể vẫn "chị dâu, chị dâu" rối rít khiến tôi và nàng cùng bối rối.
Hà Tặc mắng A Thụ gọi lung tung nhưng A Thụ cãi lại: "Thì trước đây chẳng phải vẫn gọi như vậy sao?". Tôi bảo hắn bây giờ Hồ Khả đã có cuộc sống khác rồi.
"Chị dâu đã có cuộc sống khác? Thế là thế nào?". A Thụ giả bộ không biết. Khi nói với A Thụ như vậy, hình ảnh Hồ Khả trong tôi chỉ còn lờ mờ như sương mù Trùng Khánh, dần dần tôi đã xếp nàng vào kho ký ức và phủ lên đó tấm thảm dạy được kết bằng những mảnh ghép, trong đó khuôn mặt Hồ Khả khi thì lạnh tanh như lúc nàng nói: "Tôi sắp lấy chồng", khi thì thoả mãn trong vòng tay gã con trai bề thế đó; cùng có cả khuôn mặt tội nghiệp ngấn nước mắt khi nàng gọi tên tôi trong cái ôm cuối cùng nơi cổng trường.
Câu "sương mù Trùng Khánh" không phải vô cớ. Mùa đông Trùng Khánh quả thật có rất nhiều sương mù. Ý nghĩ cuộc đời sinh viên của mình cũng trôi qua một cách vô vị như sương mù khiến tôi tiếc nuối, buồn bã.
Mẹ ngày nào cũng gọi điện thoại, chỉ toàn những chuyện vặt vãnh, như Mai Mai đã xuất viện, Mai Mai bị con mèo Sbin cào, Mai Mai lại vẽ mặt trời trong sương mù Trùng Khánh, vân vân...Mẹ có vẻ phấn khởi. Khi luôn mồm nhắc đến Mai Mai, không hiểu mẹ có nghĩ tới chuyện bại hoại luân lý của nó đã gây ra không. Mai Mai là con của mẹ, mẹ vẫn yêu nó. Mai Mai cũng là em gái tôi, mẹ yêu nó. Mai Mai cũng là em gái tôi, nó đã quấn quýt, tựa vào tôi gần hai mươi năm, nó cũng chăm sóc tôi gần hai mươi năm, liệu tôi có đủ độ lượng tha thứ cho nó không?
A Thụ nói tôi quá tàn nhẫn với Mai Mai, hắn bảo: "Dù sao cậu vẫn nên đến thăm cô ấy. Lỗi lớn nhất của em gái cậu là đã yêu anh trai". Lời A Thụ làm tôi như thức tỉnh, tỉnh rồi lại thấy đau lòng. Bở vì tôi cũng rất yêu em gái, nhưng không chịu nổi tình yêu bệnh hoạn của nó, tôi biết nó cô đơn, tôi biết tôi rất quan trọng với nó, đó là tình ruột thịt, còn tình yêu trai gái khác hẳn, làm sao có thể mập mờ? Thực là rắc rối! Tôi ghét mọi sự rắc rối, tôi yêu sự đơn giản, nhàn nhã.
An An cũng thường xuyên gọi điện, nó thề trong điện thoại là sẽ cố gắng học, nhưng hôm sau là quên ngay, nó khoe bạn trai Liêu Văn Đạo bắt đầu theo học tốc ký...tuyệt nhiên không nhắc đến chị gái. Tôi nghĩ sau những việc vừa qua, sự bất mãn của An An với chị gái được che đậy bấy lâu cuối cùng đã bộc lộ hoàn toàn.
Cuộc sống vô vị cứ thế trôi qua, A Thụ nói sắp nghỉ đông rồi. Nghỉ đông xong là mùa xuân. Mùa xuân đến thật mới mẻ, bất ngờ. Nó lặng lẽ đến khi người ta không mong đợi; nếu không có sự phát dục của con Sbin, chắc tôi đã bỏ quên mùa xuân Trùng Khánh ngắn ngủi, quý báu. Nhiệm vụ duy nhất của tôi trong mùa xuân là chờ đợi mùa hè. Đúng vậy, nghĩ lại những ngày ở nhà thật bình an, mãi mãi là ba anh em ríu rít, mãi mãi là bà mẹ lắm điều và ông bố kiệm lời, liên tục rít thuốc lá. Rồi chuyện xảy ra, ai cũng đau lòng, tôi và An An chọn giải pháp né tránh, dồn trách nhiệm nặng nề lên đôi vai gầy của mẹ, trông chờ vào phép màu nào đó của mẹ. An An thông minh nhất, con nhỏ này thường xuyên không về nhà. Tuần trước mẹ bảo đó đưa người yêu về để mẹ xem mặt, có nghĩa là mẹ đã không ngăn cản, không ngăn cản tức là đồng ý. An An sau khi nhận được thánh chỉ, lẽ ra phải vui nhưng lại nơm nớp lo lánh nạn, rất ít về nhà, tuy vậy cũng không bị truy cứu. Mẹ không dám trách móc nó, có lẽ là do vết sẹo trên trán nó.
Mai Mai thực ra không thay đổi mấy - vẫn nét mặt bình thản cố hữu, ít cười, vẫn những cử chi ra hiệu tao nhã như xưa, buổi sáng vẫn bóc hai quả trứng sạch tinh bỏ vào bát cho tôi, nhưng sự xa lánh rõ rệt của tôi khiến ánh mắt nó nhìn tôi càng trở nên u ám, vời vợi nỗi buồn, khiến mẹ càng đau lòng, muốn nói nhưng lại lặng thinh.
Học kỳ mới bắt đầu, kỳ học cuối cùng của đời sinh viên. Tôi bắt đầu thử tìm việc, thử đến các buổi gặp gỡ, giao lưu với các nhà tuyển dụng. Hà Tặc thấy tôi bận rộn, lại giễu tôi. Hắn nói tôi giống con thú gặm cỏ sau khi tỉnh ngủ.
Trên bảng không biết gã nào rỗi việc viết mấy chữ to tướng: "Thời gian biểu đếm ngược ngày tốt nghiệp", bên dưới có hàng chữ nhỏ hơn bằng phấn màu: "Cách lễ tốt nghiệp x ngày".
Còn nhớ hồi năm thứ hai, áp lực thì cứ quá lớn, chúng tôi sửa: "Đồng hồ đếm ngược ngày thi" thành: "Đồng hồ đếm ngược nghỉ hè", hiệu quả rất tốt, ai cũng cảm thấy dễ chịu. Bởi người ta chỉ muốn hướng tới những ngày hè thoải mái, không ai mong đợi các kỳ thi.
Nhưng bây giờ, câu: "Cách ngày nghỉ hè còn x ngày" viết trên bảng của sinh viên năm cuối lại không mang đến niềm vui cho họ như những năm trước, bởi đây là kỳ nghỉ hè cuối cùng. Nghỉ hè có nghĩa là tự lực cánh sinh, đơn độc đi ra xã hội. Nghỉ hè có nghĩa là đơn độc đối diện với thế giới mênh mông đầy biến động. Nghỉ hè có nghĩa là trách nhiệm, là gánh nặng của gia đình đã chuyển sang vai bạn, có nghĩa là bạn đã trưởng thành. Càng nghĩ càng thấy buồn; đó là nỗi luyến tiếc những năm tháng vô tư.
Mỗi lần bước ra khỏi cổng trường, không dám ngoái nhìn lại, tôi sợ tiếng đồng hồ đếm ngược. Nó như nhắc tôi: "Bạn còn có thể ngoái nhìn cổng trường mấy bận nữa, ngoái nhìn trong nhàn rỗi như vậy?".
Thực ra điều tôi sợ nhất cũng chính là sự nhàn rỗi đó.
Chương 37 - Tình yêu?
Hôm nay đã xảy ra ba chuyện.
Chuyện thứ nhất, đồng hồ đếm ngược trên bảng do không có ai chịu trách nhiệm cập nhật thường xuyên nên đã mấy ngày không được chỉnh sửa. Hôm nay vào giờ học Chính trị, thấy con số chỉ ngày thiếu mất một tuần, càng thấy chán nản, đến giữa buổi bỏ về - thời sinh viên mấy ai không bỏ tiết! Nếu trước đây trốn học là sự hưởng thụ thì bây giờ là bất đắc dĩ, là nỗi lưu luyến một thói quen, giống như hoài nhớ một kỷ niệm.
Chuyện thứ hai xảy ra tại phòng ở của chúng tôi. Tôi nhận được một bức thư.
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển như vũ bão còn có người viết thư tay? Đúng là hành động yêu nước ủng hộ ngành sản xuất giấy thiết thực nhất! Trong suốt mấy năm học đại học, tôi chưa hề nhận được thư, trước đây viết cho Hồ Khả đều là thư điện tử. Cho nên khi cô gái phòng bên đưa cho tôi phong thư với cái nhìn ngạc nhiên pha chút hiếu kỳ, phản xạ đầu tiên của tôi là nhìn vào địa chỉ người gởi. Tôi tò mò không biết nhân vật yêu nước nào đây!
Bóc thư, lướt nhìn ngay xuống phần ký tên, dòng chữ khiến tôi choáng váng: "Em gái, Mai Mai".
Tôi cầm bức thư của Mai Mai, lòng băn khoăn, thư dài mấy trang. Trước khi đọc, tôi cẩn trọng đóng cửa sợ mấy gã xem trộm.
Bây giờ chỉ có một mình tôi.
Anh thân yêu!
Chúc vui vẻ!
Đây là lần đầu tiên em viết thư khi đã ngoài hai mươi tuổi, cũng là lần đầu tiên em bộc bạch với anh nỗi lòng em: đau khổ, hạnh phúc, chân thành, giả trá, hối hận, day dứt...
Anh có biết không? Trong cuộc đời em, ước nguyện lớn nhất là có thể gọi anh trai của em một tiếng: "Anh!"
Lúc nhỏ, ngoài anh và em gái, không có ai chơi với em. Bởi vì em bị câm. Trẻ hàng xóm bắt nạt em, xa lánh em. Em không biết ngoài nỗi bất hạnh không nói được, em đã làm gì tổn hại đến chúng. Khi em vừa ra cửa, luôn có những tiếng hét đằng sau, khi to, khi nhỏ: "Con câm! Con câm!" Chúng gọi em như thế. Em quay mặt lại, chúng trốn hết. Đến nỗi trong em thành phản xạ tự lúc nào: mỗi khi ra đường là có cảm giác có người đang giễu em, chỉ trỏ vào em. Em rất sợ - em sợ tất cả mọi người, trừ người nhà.
May mà gia đình mình đối xử với em rất tốt. Mẹ đặc biệt cưng chiều em, điều đó đã phần nào cân bằng tình cảm trong em. Ai cũng biết trong nhà mình có hai chị em sinh đôi, cô chị điềm đạm, cô em thông minh, hoạt bát.
Em thề rằng lúc đầu em ngưỡng mộ An An. Nhìn những vị khách đến chơi nhà vui cười với An An, An An biết hát, biết múa, em thường nghĩ, vì sao bọn em chỉ ra đời cách nhau mười hai phút đồng hồ, vậy mà em gái lại hạnh phúc như vậy, còn em chỉ là "con câm" ? Lúc đó em ngưỡng mộ em gái bởi vì nó có tiếng cười lảnh lót, có giọng nói ngộ nghĩnh, dễ thương; còn em, ngoài lòng mẹ, em không có gì hết, không ai biết đến em! Vậy là em trở nên nhút nhát, chỉ khi gục vào lòng mẹ mới cảm thấy bình yên. Quả thực em đã mong muốn mình cứ yếu đuối gục vào lòng mẹ suốt đời như vậy, đơn giản và thanh thản!
Anh, không biết hồi nhỏ anh thích em hay thích An An hơn? Em chỉ biết, khi nhìn em, anh không có biểu hiện gì, anh chỉ vui đùa với An An. Sự thiệt thòi của em, hồi còn nhỏ em cũng không nghĩ nhiều, cho rằng, em cứ mãi mãi lặng lẽ ở bên An An, cùng hưởng sự âu yếm, cưng chiều của mẹ. Lúc bấy giờ em rất dễ thỏa mãn. Cho đến một ngày, khi anh dũng cảm đánh lại trẻ con hàng xóm để bảo vệ em, lòng em xúc động khôn cùng. Em thấy anh lúc đó bị chảy máu, rất nhiều máu, chắc là đau lắm, anh đã dũng cảm lao vào đánh bọn chúng. Em rất sợ hãi, nhưng trong lòng lại trào lên cảm giác ngọt ngào chưa từng có.
Anh, hôm ở bệnh viện mắng em. Em nhớ đó là lần đầu tiên anh mắng em, anh nói em tâm địa độc ác, chắc anh thấy em rất xấu xa. Anh! Em đã trở nên xấu xa, sự xấu xa của em bắt đầu từ chính lần anh bảo vệ em.
Anh, em là đứa trẻ xấu xa. Đầu tiên là ngưỡng mộ em gái, sau là đố kỵ, ghen ghét, em thấy anh cưng chiều nó, thích chơi với nó, tìm cách đánh lừa nó để nó gọi một tiếng "anh", để được nghe giọng nói dễ thương của nó, những lúc như thế trông anh sung sướng làm sao. Anh sẽ không bao giờ hiểu được nỗi tủi hổ, đau đớn của em lúc đó! Đó là lần đầu tiên em nếm trãi nỗi đau và trở thành nỗi đau thường trực, hiện hữu mỗi ngày, trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ của em, nó khiếm em không có tuổi thơ. Chưa bao giờ em được hưởng niềm hạnh phúc tuổi thơ.
Anh! An An gọi anh nũng nịu và ngộ nghĩnh, em đã thực sự đố kỵ với nó. Em nghĩ tại sao em gái nói được còn em thì không, nếu như em nói được, em có thể gọi anh, anh cũng sẽ vui. Mọi sự chăm sóc của em với anh đều không bằng một tiếng gọi của nó. Em có lỗi gì đây, phải chăng là lỗi muốn được hưởng tình yêu thương thân thiết của anh trai?
Anh có biết không? Em thường nhìn trộm anh, sau đó thầm gọi trong lòng: Anh! Anh!
Nếu anh thích An An gọi như vậy thì tiếng gọi thầm của em cũng không ít hơn An An. Về sau An An đi học. Có một hôm về nhà, anh bảo sau này lớn lên anh sẽ cưới An An làm vợ, anh không thích em vì em bị câm. Đó là lần thứ hai trái tim non nớt của em như bị bóp nát. An An chắc chưa bao giờ nếm trãi nỗi đau như vậy, bởi vì nó chưa bao giờ không được nâng niu. Người khác gọi em là con câm, em chỉ thấy buồn, nhưng người anh thân thiết nhất gọi em như vậy, em không chịu nổi. Anh thấy đấy, mới năm, sáu tuổi đầu em đã phải chịu sự bất công ở đời.
Em bị người anh trai yêu mến nhất gọi là con câm, em không trách anh, bởi vì anh là anh trai yêu quý của em, anh làm chuyện gì em cũng tha thứ. Em chỉ đành trút mọi sự phẫn nộ lên An An, bởi vì nó được anh yêu mến.
Khi ấy, lòng đố kỵ của em lên đến độ điên cuồng.
Tình yêu và sự ghen tuông khiến em trở nên ranh ma. Dưới vẻ ngoài bình thản, em có một toan tính sâu xa. Mẹ muốn em và An An học vẽ, em không có năng khiếu bẩm sinh như nó, nhưng em miệt mài hơn nó. Bởi vì em không thể nói được, chỉ có thể dùng tay, dùng nét vẽ bộc lộ tình yêu của em. Anh trai, tình yêu của em, đó là anh.
Em thích vẽ mặt trời, dù rằng ánh mắt trời có thể làm hỏng mắt, bởi không thể vẽ anh một cách đàng hoàng, bởi tên anh là Dương Dương, nghĩa là mặt trời; em say mê vẽ mặt trời.
Bây giờ em sẽ nói với anh câu chuyện em đã giấu kín trong lòng mười lăm năm nay. Nói ra chuyện này có nghĩa tội ác của em đã bại lộ, nói ra anh sẽ càng hận em. Nhưng nếu không nói ra, em sẽ bị lương tâm lên án suốt đời. Em vốn định giữ kín câu chuyện này, bởi vì quả thực em rất hối hận, và sợ ánh mắt khinh bỉ của anh.
Anh, bây giờ em có thể nói to rằng, nếu anh có thể cảm nhận được nỗi lòng em, anh nhất định nghe thấy tiếng thét đinh tai nhức óc. Nó tượng trưng cho sự chuộc tội của em. Vết thương trên trán An An là do em gây ra, do em cố ý gây ra.
Em gái An An vốn ngây thơ hoạt bát, ai cũng thích. Là chị em sinh đôi, chúng em có ngoại hình và gương mặt giống hệt nhau. Lúc còn nhỏ, em không biết tình cảm với anh có phải là tìn yêu? Em chỉ cảm thấy, khi anh ở bên An An, em khó chịu kinh khủng. Nhưng anh vẫn thích An An. Vậy là em hận nó, nó đã dùng tiếng nói để "lừa" anh! Đúng thế! Anh là của em, em muốn độc chiếm anh, ý nghĩ này nhất định khiến anh kinh sợ, nhưng lại khiến em vô cùng dễ chịu, giống như được an ủi. Đúng vậy! Còn gì an ủi con tim nhức nhối ghen tuông hơn khi gây tổn thương cho "tình địch"; từ đó em bắt đầu trở nên xấu xa, và như một người trượt dốc, em không thể nào dừng lại được.
Sự việc xảy ra khi chúng em năm tuổi. Em nghĩ có lẽ không ai trong gia đình mình có thể quên. An An bị thương, gương mặt xấu đi, khiến cho một gia đình vốn vui vẻ phải buồn rầu một thời gian. Em thừa nhận em đã đẩy An An từ phía sau. Lẽ ra em phải đau buồn, phải hối hận nhưng khi nhìn thấy máu chảy trên mặt nó, em lại cười! Em cười, cười đắc thắng, đủ chứng minh em xấu xa đến mức nào.
Về sau, được mẹ cưng chiều, em lại càng có cơ hội xấu xa hơn. Em giống như mụ phù thủy luôn bày mưu tính kế, luôn đề phòng tất cả. Khi lớn lên một chút, nhìn thấy vết sẹo trên trán An An, em cảm thấy một niềm vui sướng, mãn nguyện ngấm ngầm, lòng em thư thái tựa như được an ủi. An An cuối cùng cũng không còn hoàn mỹ nữa, nó đã có khiếm khuyết.
Nhưng có lúc cũng thấy buồn. điều em không thể chịu đựng nổi là rõ ràng. An An bị em đẩy ngã, có một vết sẹo to xấu xí trên mặt, vậy mà nó vẫn yêu em một cách thơ ngây, lúc nào cũng ở bên em. Sự lương thiện hồn nhiên của nó khiến em tức giận, càng kích thích tính ích kỷ trong em. Đó là khi chúng em đang học lớp Bảy, nó là công chúa được mọi người ngưỡng mộ, còn em là mụ phù thủy âm thầm.
Em không hề tỏ ra thích An An. Nhưng thâm tâm em thực sự yêu nó, trớ trêu thay em phải cố kìm chế tình cảm tốt đẹp đó, em hận nó, lý do duy nhất em hận nó chính là bởi vì anh thích nó. Chỉ cần ai đến gần anh là em hận người đó. Em quyết định bỏ học, em muốn có cơ hội gần anh, không để cho ai cướp mất anh, em như bị ma ám, càng ngày càng không thể kiểm soát bản thân. Có lúc bình tâm lại, nghĩ đến việc làm của mình, em cũng căm tức bản thân, nhưng không biết làm thế nào. Vẫn biết như thế là độc ác nhưng không dừng được. Thì ra, em đã yêu anh sâu sắc như vậy.
Em đoán mẹ biết chuyện, có lẽ mẹ cố không muốn nghĩ, không muốn tin, hơn nữa mẹ thấy em đáng thương, lại càng muốn bảo vệ, cưng chiều em, khiến em khi nhìn thấy An An bị mắng oan, tủi thân lại thấy vui mừng xen chút áy náy. Em nghĩ An An cũng đoán biết chuyện, nhưng do tốt bụng, nó không tố giác em, nó còn phần nào sợ em nên ngoan ngoãn nhượng bộ, xa lánh anh. Thấy nó lặng lẽ rút lui khỏi cuộc chiến âm thầm tranh giành tình cảm của người anh giữa hai chị em, em vừa đắc ý vừa khổ tâm. Em bị giằng xé giữa tình ruột thịt và dục vọng ích kỷ. Tình ruột thịt khiến em thương xót em gái, dục vọng ích kỷ xui khiến em phải bảo vệ tình yêu. Bởi vì em bị câm, em đầy mặc cảm. Ngoài phá hoại tình cảm giữa anh và An An, em không có cách nào khác để chia rẽ hai người, để kéo chúng ta lại gần nhau.
Khi anh rời gia đình đi học đại học, em rất đỗi hoảng sợ. Em xúi An An, em khẩn cầu nó cũng thi vào Đại học Trùng Khánh. Bởi vì em không muốn xa anh. Em chỉ sợ trong bốn năm học ở thành phố khác, anh sẽ quen và yêu cô gái nào đó. Em tuyệt vọng, hoảng hốt, lòng như lửa đốt.
Một chuyện khiến em phải biết ơn An An, đó là cuối cùng nó cũng thi đỗ đại học – một trường cùng thành phố với anh. Hôm nhận được giấy báo đỗ, em vui hơn ai hết.
Bởi vì em không phải xa anh, em lại sắp được trở về bên anh.
Đến Trùng Khánh em mới biết, thì ra trong cuộc đời em, không phải chỉ làm tổn thương An An mà em sẽ còn làm tổn thương nhiều người con gái, nếu người đó đến bên anh.
Nghe nói anh thích một cô gái, em lại một lần nữa hoảng sợ, nhưng em không nghĩ ra cách nào để ngăn cản anh. Em chỉ có thể đối xử tốt với anh, chăm sóc anh từ li từ tí. Khi anh đi học, em ở nhà nghiên cứu các món ăn. Mỗi khi anh khen ngợi món ăn em nấu, em lại hy vọng anh nảy sinh tình cảm với em, đó là phần thưởng lớn nhất dành cho em: người em yêu một ngày nào đó sẽ yêu em!
Khi tận mắt nhìn thấy Hồ Khả, em mới biết tất cả chỉ là hão huyền.
Lần đầu nhìn thấy Hồ Khả, sự ích kỷ che giấu trong lòng bao năm lại lộ ra, và vẫn không thể kìm chế được. Ngày ngày em suy tính tìm cách phá hoại tình cảm hai người. Em chuyển toàn bộ sự đề phòng từ An An sang Hồ Khả. Cho đến hôm đó, bằng một dòng chữ đơn giản, cuối cùng em đã đuổi được Hồ Khả, mà lại là mượn bàn tay của anh.
Xin lỗi anh, em đã khiến anh bị oan. Xin lỗi, em đã làm anh trách oan Hồ Khả. Anh và Hồ Khả chia tay nhau em mừng lắm, em nghĩ cuối cùng anh lại thuộc về em, chỉ riêng một mình em. Em tưởng chỉ cần em tốt với anh, anh sẽ quên Hồ Khả.
Nhưng có lẽ em đã sai, mặc dù anh không nói ra, nhưng nhìn mắt anh, em biết anh rất yêu Hồ Khả, anh không muốn xa chị ấy.
Mãi đến bây giờ em mới hiểu, dù em có cố gắng đến đâu, chúng ta cũng chỉ có thể là anh em, anh luôn coi em là em gái, vì vậy em tốt với anh là chuyện đương nhiên. Tiếp nhận sự quan tâm của người thân đâu cần bất cứ lý do gì!
Anh ơi, em hiểu, anh không thể yêu em, em hiểu chúng ta không có bất kỳ kết quả nào, song em không thể kìm chế được bản thân. Trong những lúc bình tĩnh, có thể em là một người mạnh về lý trí, có trái tim lương thiện như hầu hết những cô gái cùng tuổi. Nhưng thực tế chứng minh, chỉ cần tiếp xúc với anh là em trở nên điên cuồng, em chỉ có thể mặc cho cái ác trong em hoành hành.
Khi tận mắt chứng kiến anh đau lòng như thế nào vì mất Hồ Khả, em mới nhận ra ngoài nấu cơm, giặt quần áo cho anh, em không thể nào đánh thức tiếng cười trong lòng anh. Phát hiện đó khiến em đau đớn.
Em bắt đầu nghĩ em có nên từ bỏ tình yêu tội lỗi, bởi vì anh không vui? Em không muốn anh không vui. Em muốn anh vui vẻ chơi đùa hạnh phúc như hồi nhỏ.
Em không ngồi một mình thẫn thờ, em nghĩ, nếu em không phải là em gái anh, liệu anh có yêu em? Nhưng chỉ là suy nghĩ vậy thôi.
Em vốn định không bao giờ nói với anh những điều này. Hôm ở bệnh viện, em tận mắt chứng kiến anh tức giận với em, tận mắt chứng kiến cơn phẫn nộ của anh. Anh mắng em là yêu tinh, ác độc. khi đó em mới biết, dù anh chăm sóc em chu đáo đến đâu, dù tình yêu của em với anh sâu nặng đến thế nào thì khi biết rõ mọi chuyện, anh nhất định sẽ giận dữ, sẽ căm hận em. Anh, em đã bao lần thành tâm cầu khẩn Thượng đế để người khiến cho anh yêu em, nhưng chỉ nhận được sự căm hận, vậy em còn sống vì cái gì?
Khi em thấy anh quát mắng em, khi em thấy An An cuối cùng đã ngồi khóc một cách tuyệt vọng, em mới biết tội lỗi mà em gây ra trong mười mấy năm qua khủng khiếp đến mức nào.
...
Mấy tháng nay, anh và An An đều tránh em. Em như lại trở về thời thơ ấu với những lời chế nhạo: "Con câm! Con câm!", nhưng em không hận anh, tất cả đều do em gây ra, là hậu quả của sự độc ác của em, nó sẽ giày vò suốt đời, khiến em sống trong thế giới đơn độc, tối tăm, không lối thoát.
Anh, anh chưa bao giờ lạnh lùng với em đến thế. Những ngày này, anh thậm chí không thèm nhìn em, anh chuyển vào sống trong ký túc. Anh đã để trái tim đầy cát bụi của em có thời gian dài suy ngẫm. Rốt cuộc, em yêu anh là phúc hay là họa của anh?
Nếu tình yêu của em là mối họa đáng ợ của anh, làm cho anh căm hận, vậy thì xin anh hãy trở về nhà, em sẽ ra đi.
Nếu tình yêu của em được tạo nên bởi vô số vết thương của các cô gái thì em nguyện từ bỏ.
Nếu tình yêu của em được vun trồng bằng những thủ đoạn ti tiện, bằng một loại vũ khí tội nghiệp, gây ra những vết thương torng lòng anh thì xin anh đừng tha thứ cho em, em sẽ dùng sinh mệnh nhỏ nhoi, tội nghiệp còn lại của mình để sám hối.
Anh, cuộc đời này đã cho em một ân huệ lớn nhất, đó là làm em gái anh. Lỗi lầm đáng tiếc nhất của Thượng đế là để cho chúng ta làm anh em.
Em không dám mong được sự tha thứ của anh và An An, em là một tội nhân.
Dù em xấu xa đến đâu, dủ em có gây bao nhiêu tội ác, nhưng sự lương thiện của em vĩnh viễn bị anh cầm tù, suốt đời vì anh.
Cầu cho anh trọn đời bình yên!
Em gái Mai Mai
Ngày 2 tháng 4 năm 2003
Đó là thư em gái gửi cho tôi, bức thư loang lổ nước mắt.
Tôi đờ đẫn đến mức Hà Tặc lôi mấy đứa bạn về phòng, ồn ào, huyên náo mà tôi vẫn không hay biết.
Vừa đọc xong thư, sóng gió trong lòng chưa kịp lắng xuống thì xảy ra chuyện thứ ba. Điện thoại réo. Tôi lặng lẽ lau nước mắt nhấc máy.
"Anh, anh đang ở đâu?" tiếng An An gấp gáp, thảng thốt.
"Đang ở trường, có chuyện gì?"
"Anh đến ngay, Mai Mai bị thương." An An bật khóc.
Tai tôi ù đặc, máu như dồn cả lên đầu. Tôi choáng váng lao ra khỏi phòng, vừa chạy vừa hỏi: "Bình tĩnh! Em đang ở đâu? Mai Mai bị thương thế nào? Ở đâu?"
"Bị dao đâm, đâm từ phía sau, sâu đến gần tim."
Chương 38 - Chị em
Bí mật giấu kín mười mấy năm trời, cuối cùng cũng được làm sáng tỏ, lẽ ra An An phải vui. Nhưng sau đó An An lại không biết nên đối diện với chị gái thế nào.
Khi anh trai biết Hồ Khả bị oan, biết tội lỗi của Mai Mai mười lăm năm trước, anh đã xa lánh Mai Mai. An An không biết anh trai nghĩ thế nào, nhưng cô không thể nào vui lại được.
Trước đây buồn tủi thân một mình, trong đau khổ, An An chỉ tượng tưởng đến khi mọi người biết chuyện thì sẽ ra sao, chị sẽ bị báo ứng thế nào. Nhưng dẫu sao vẫn chỉ là ý nghĩ. Lúc tĩnh tâm, lại không đành lòng nhìn chị gái đáng thương bị trừng phạt.
Hôm đó, anh tức giận, gào thét trong bệnh viện. Anh mắng chị. Anh yêu quý chị là thế, vậy mà sau khi biết sự thật lại phẫn nộ chửi bới chị, An An càng thấy tủi thân. Mới một chút anh cũng không kìm chế được, còn mình đã nhẫn nhịn mười mấy năm trời. Cho nên mỗi khi ngồi một mình lại khóc, khi được mẹ và anh quan tâm lại tủi thân, càng không thể giữ cho nước mắt khỏi rơi.
Khi An An khóc trước mắt mọi người, cô thầm trách mình yếu đuối, nhưng rốt cuộc An An cũng chỉ là một cô gái bình thường.
Sau đó, cũng giống anh trai, cô muốn tạm lánh một thời gian. Thực tình, An An không quá ghét chị, chỉ cảm thấy khó xử, nhìn nhau thấy bẽ bàng, bèn dứt khoát chuyển vào nội trú.
Nhà chỉ còn mình Mai Mai và mẹ. Mẹ vẫn lầm lụi làm việc nhà, vẫn gượng nhẹ, nâng niu chị. Cả con Sbin cũng đi tìm bạn tình.
Mẹ vẫn chăm sóc Mai Mai không dám mắng một câu, nhưng khi có mặt cả ba anh em, bà thường tỏ ra thận trọng.
Nghỉ đông, An An không về nhà.
Vẫn ngôi nhà cũ, có người nấu ăn, giặt giũ cho cả ba anh em, có bàn tay mẹ chăm lo mọi việc nhưng gia đình đã không còn là gia đình cũ nữa, không khí tẻ nhạt, gượng gạo, không còn tình ruột thịt tự nhiên đơn thuần nữa. Mỗi khi An An thấy Mai Mai nhìn anh trai với ánh mắt tĩnh lặng sâu thẳm như đáy hồ, u uất tuyệt vọng, cô không chịu nổi. Suốt cả mùa đông chị ngồi một mình trên đi văng, cô đơn, lặng lẽ đan áo. Đến khi chiếc áo thành hình mới nhận ra là kiểu dáng của đàn ông. An An thường thấy mẹ trốn xuống bếp, vừa dọn dẹp vừa lén lau nước mắt.
An An cho rằng tình trạng buồn tẻ, trớ trêu của gia đình như thế này cũng là lỗi của cô. Mặc cảm có lỗi với chị, không còn mặt mũi nào nhìn chị, cô dứt khoát ở lỳ nhà người yêu Liêu Văn Đạo, tâm sự chuyện gia đình với anh. Anh an ủi cô "Đừng tự trách bản thân như thế, chị ấy tự làm tự chịu."
Liêu Văn Đạo nói Mai Mai sẽ bị báo ứng, An An nghe vậy, lại thấy khổ tâm, máu chảy ruột mềm, người ngoài làm sao hiểu nổi.
Dạo này, Liêu Văn Đạo khá bận, buổi tối đi làm, ban ngày tham dự lớp tốc ký, học vi tính. Hai người đã qua thời kỳ bốc lửa ban đầu, sống yên ả giống như đôi vợ chồng trải qua nhiều thăng trầm. An An không còn thức suốt đêm chờ Liêu nữa. Liêu cũng không còn thích bữa sáng do An An làm nữa.
Khi Liêu và Chàng Béo đi làm, An An rỗi rãi, lên mạng chơi game. Đang chơi, thấy tín hiệu QQ hiển thị, có người đã nhận ra mình, nhảy vào nói chuyện. "Vậy là đã tìm được em, Dương An, dạo này thế nào?" Đối phương gọi đúng tên cô.
An An kinh ngạc hỏi là ai.
"Anh hỏi thăm rất nhiều mới biết được số QQ của em! Anh là Lý Khoa!"
Lý Khoa? An An thấy ngờ ngợ, nghĩ một lát mới nhớ ra đó là mối tình đầu của cô, anh chàng có dáng ngang tàng, hút thuốc như đốt lò, một thời rất yêu bóng đá, có cô bạn gái mặc váy xanh dữ tợn từng đâm An An một nhát dao.
Hận cũ An An không để bụng, gặp lại vẫn thấy vui.
"À, anh đấy hả, tôi cũng được. Còn anh?"
"Anh ư? Cũng vậy vậy thôi, vẫn theo dõi tình hình của em, quan tâm đến em, nhưng em thì dường như đã quên gã trai bất hạnh này rồi, không đúng sao? Anh đang nghĩ nên giải thích thế nào với bạn vè về quan hệ trước đây của chúng ta: Bạn học hay người tình?"
An An cau mày, không thích kiểu vòng vo như vậy, cô nhắc anh ta: "Trước đây anh không như vậy."
"Có vẻ em rất hiểu anh, vậy em nói xem trước đây anh thế nào, là người tốt phải không? Ha ha!"
Không biết vì sao tiếng cười nghe rất thê thảm.
"Bây giờ anh sống thế nào?" An An hỏi lại lần nữa.
"Không tốt, cũng không tồi. Bây giờ anh cũng đang ở Trùng Khánh. Biết cùng ở một thành phố với em, anh rất vui."
"Anh đến Trùng Khánh để tìm tôi?"
"Ha ha, chỉ là ngẫu nhiên gặp may, nghe nói em ở Trùng Khánh, vậy là tìm QQ của em."
Hai người bắt đầu tán gẫu, Lý Khoa nói đùa với cô, không nồng nhiệt cũng không lạnh nhạt, rằng cô có thể giới thiệu cho anh ta vài cô gái đẹp không.
"Mình anh cần đến mấy cô sao?"
"Ha ha, đương nhiên không phải cho một mình anh!"
An An nghĩ Lý Khoa thay đổi quá nhiều, không còn là gã trai trẻ yêu bóng đá, hình dung con gái như hoa bồ công anh nữa. Tán thêm vài câu, Lý Khoa có việc, thoát ra.
Sau đó, An An quên ngay chuyện đó, cả khi Liêu về cô cũng không nhắc đến chuyện gặp Lý Khoa trên mạng.
Những ngày tháng đi đi lại lại giữa ký túc xá và nhà thuê của Liêu Văn Đạo yên ả trôi qua. Chỉ cần không về nhà! Chỉ cần không gặp Mai Mai!
Vui nhất là lúc buôn điện thoại với anh trai, chế nhạo thói đa cảm của anh, chưa tốt nghiệp đã lo nhớ trường. Đôi khi anh cũng tâm sự nỗi nhớ Hồ Khả. Anh và Hồ Khả không đáng phải chia tay, thâm tâm An An vẫn thích Hồ Khả, chị ấy thẳng thắn, đáng yêu.
An An không muốn về nhà, ở nhà rất bức bối, nhưng không muốn không có nghĩa là không về. Vào năm học mới được hai tháng, cô chỉ về nhà một lần, bất đắc dĩ vì phải lấy thêm đồ.
Bước vào nhà, nghĩ lại lần về trước, đúng lúc thấy mẹ đi chợ. Mai Mai ngồi một mình ngoài ban công vẽ tranh, dáng lầm lụi, bỗng thấy chị cô đơn đến nao lòng. Không nén được, cô thốt lên: "Chị, em đã về", nhưng Mai Mai không đáp, chỉ ngước nhìn, ánh mắt xao động. An An im bặt không biết nói gì.
Cô không thích nhìn khuôn mặt tuyệt đẹp mà sầu muộn như vậy, một thiếu nữ kiều diễm đang độ tuổi thanh xuân rực rỡ lại trầm mặc, thâm u như một bức tranh cổ, giống như Giả phủ trong Hồng lâu mộng, đã qua mọi thăng trầm, yên ả, nhẫn nại thách đố.
An An lẳng lặng vào nhà - cảm giác vào nhà của mình mà như kẻ trộm. Mẹ đang ngồi xem ti vi một mình. Mẹ nói chị đi mua đồ. An An thở phào, vội tìm mấy bộ quần áo mùa xuân, định trở lại trường ngay.
Mẹ nói: "Ăn cơm rồi hãy đi, chị con chắc cũng sắp về." An An từ chối, muốn chuồn cho nhanh.
Xuống lầu, gặp ánh nắng mặt trời giữa trưa ấm áp, cảm thấy dễ chịu.
Phía trước có tiếng ồn ào, một đám đông đang tụ tập ở góc phố. Chuyện thường thôi! Người Trùng Khánh ưa chuyện tầm phào, động thấy ở đâu có gì ồn ào là tụ lại như đàn kiến. Chẳng có gì đáng xem cả.
An An hấp tấp len vào đám đông, bởi vì cô thoáng nhìn thấy chiếc giày màu hồng rơi gần đó là giày của chị. Lúc ấy, cô quên hẳn mọi nỗi oán hận trong lòng.
"Lui ra! Lui ra!" An An vừa gạt đám người, chưa len được vào trong đã nghe thấy tiếng đàn ông: "Dương An, có đi theo chúng tao không?"
Khó khăn lắm mới chen được vào trong, cảnh tượng trước mắt thật bất ngờ: Mai Mai đầu tóc xổ tung, một chiếc giày tuột khỏi chân, co ro góc tường, trong tay ôm chặt thứ gi đó, xung quanh toàn những gã lạ, mặt mày hung dữ; xem ra họ đang gây sự với chị.
"Đồ lưu manh! Tại sao chúng mày bắt nạt chị tao?" An An tức điên xông lên, bước đến gần chị: "Chị đừng sợ, có em đây..." Cô vỗ nhẹ vào vai Mai Mai, chợt nhớ lời hứa với mẹ từ thuở nhỏ, "ra đường phải bảo vệ chị". Lúc này, cô đã hiểu lời mẹ, chị gái luôn cần bảo vệ!
"Khốn kiếp!" An An đứng lên: "Đứa nào bắt nạt chị tao?" An An bắt chước giọng Trùng Khánh quát to, mặt vênh lên, chứng tỏ mình không dễ bị bắt nạt.
Mấy gã thoạt đầu hơi sững người, nghĩ ở đâu ra con bé giống hệt thế này, sau thấy vẻ ngang ngạnh của cô, chúng phì cười.
"Cười cái con khỉ! Tao và chị phải đi, chúng tao không có thời gian với lũ chúng mày!" An An biết không thể đấu lại bọn này, kéo tay chị đứng dậy, toan bỏ đi.
"Dương An?"
"Ai?"
"Thì ra cô mới là Dương An?" Người vừa nói bước ra, trố mắt nhìn hai cô gái: "Ồ, rất giống, hèn nào các ông anh nhầm lẫn."
An An cau mày nhìn người lạ, lại nhìn đám đông, nghi hoặc hỏi: "Ai vậy?" Thấy quen quen như