--> Để hôn em lần nữa - game1s.com

Để hôn em lần nữa

TraSua.Mobi - Bốn năm trôi qua, Quỳnh cứ nghĩ rằng Đăng không nhận ra cô, nhưng anh đã nhận ra và làm tất cả... “để hôn em lần nữa”.

Nếu ai từng đọc “Phải lấy người như anh” hay “Cocktail cho tình yêu” chắc không còn xa lạ với Trần Thu Trang và sự chín chắn trong từng câu chữ của cô. Quỳnh - nhân vật nữ chính của “Để hôn em lần” nữa mang một trái tim không lành lặn, quá khứ đầy vết hằn và nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai.

Quỳnh đã có tuổi trẻ hay nói hay cười, đầy nhiệt huyết, say mê với các hoạt động xã hội. Nhưng sau nửa tháng hè tham gia tình nguyện tại Xiềng Khoang, khi cô gặp Đăng, mọi thứ đều thay đổi.

Chỉ vì nụ hôn vội của Đăng, Quỳnh bị Phương - cô bạn thân đang yêu đơn phương Đăng hiểu nhầm. Những lời bàn ra tán vào ác ý biến cô trở thành kẻ tội đồ cướp người yêu của bạn, khiến bạn tự tử. Không ai tin Quỳnh, cô sống mà hàng ngày phải âm thầm chịu đựng sự lên án, chỉ trích cay nghiệt của người đời. Điều ấy tạo ra Quỳnh ngày hôm nay - luôn im lặng, trốn tránh và mang khuôn mặt vô hồn.

Bốn năm sau, Đăng lại xuất hiện trước mặt Quỳnh, muốn khuấy động tất cả, “để hôn cô lần nữa”. Nhưng anh phải làm sao khi người anh yêu không còn như ngày nào? Anh phải làm sao với thái độ lạnh nhạt, thờ ơ trước anh và cam chịu trước quá khứ của cô?

[Tải ảnh'>
Trong cuộc đời ai cũng có những vết thương, ẩn giấu ở một nơi nào đó không ai thấy, chỉ tình yêu đích thực mới có thể nhận ra, mới đủ sức mạnh để san sẻ nó. Suốt bốn năm Quỳnh như người đi lạc giữa biển sương mù, hoang mang và đơn độc, liệu Đăng có thể trở thành ngọn đèn dẫn lối đưa cô vượt qua khoảng tối âm u?

Từ cốt truyện đến lời văn đều đơn giản và chân thực nên khi mới ra đời, Để hôn em lần nữa nhận khá nhiều ý kiến phê phán của bạn đọc khó tính. Nhưng đây rõ ràng là một câu chuyện vừa vặn, gọn gàng đem đến cảm giác thư thái.

Miêu tả nỗi buồn vừa phải, niềm vui vừa phải, đắng cay vừa phải, cuốn sách không gây ám ảnh nặng nề hay gợi quá nhiều suy nghĩ. Khung cảnh thiên nhiên và các công việc có tính chuyên môn hiện lên sống động, gần gũi cũng là điểm cộng cho Để hôn em lần nữa của Trần Thu Trang.

***

Anh nhận ra cô ngay lập tức, khi cô còn ngồi lẫn trong đám ứng viên trên băng ghế ngoài hành lang, tươm tất và bồn chồn y như họ, sẵn sàng phản ứng với mọi tiếng động phát ra từ căn phòng cuối hành lang bằng vẻ nháo nhác tội nghiệp. Đúng lúc anh nhìn ra, ai đó động vào cánh cửa phòng khiến nó kêu cọt kẹt và hé rộng thêm một chút. Cô ngẩng lên, ngoái nhìn vào phòng một tích tắc rồi lại cúi xuống lật lật tập hồ sơ. Ngay khoảnh khắc ấy, bên trong căn phòng bật điều hoà 18 độ, anh cảm thấy có một ngọn nến nhỏ vừa được thắp lên trước mắt.

Giờ đây, cô đang cố ngồi thẳng lưng và mỉm cười với những người ngồi sau bàn, trong đó có anh. Nụ cười không mấy tự nhiên và gò má không mấy hồng hào của cô tố cáo hai điều: Cô hồi hộp với cuộc phỏng vấn và cô đã nhận ra anh. Đáp trả ánh mắt khó tả của cô bằng một cái nhìn thờ ơ như không hề quen biết, anh im lặng lướt mắt qua những dòng chữ trong CV. “Graded during the whole English – Vietnamese translation course with the average mark of 7.5″, “responsible for three translations of children’s books” cũng tạm được, nhưng không quá đặc sắc. Phó tổng biên tập khua bàn tay che qua loa cái ngáp dài, dường như bộ hồ sơ này không thắng được cơn buồn ngủ của ông. Anh khoanh tay, đưa ra một câu hỏi quen thuộc đến phát chán:

- So… tell me about yourself!

Từ lâu lắm rồi, cô đã ngồi trước gương tập trả lời những câu hỏi như thế này hàng nghìn lần, cân nhắc từng từ, trau chuốt đến từng chỗ nối âm. Có nằm mơ cô cũng không nghĩ đến tình cảnh trước một câu phỏng vấn không thể dễ hơn, mình bỗng ngồi đờ đẫn, tay chân lạnh toát, mặt mũi tái mét, mắt thì cứ trố ra, nhìn sững người vừa hỏi. Bốn năm rồi, anh ta chẳng thay đổi gì cả!

- Well, I graduated…

Cuối cùng, phần nào lấy lại bình tĩnh nhờ biểu hiện dửng dưng của cái người-chẳng-thay-đổi-gì-cả kia, cô cũng bắt trí não và đặc biệt là miệng mình hoạt động. Cô lục ra một cuộn băng ghi âm sẵn trong tưởng tượng, bật nó lên để những người đối diện biết cô tốt nghiệp trường nào, đã từng đi làm thêm ở đâu, cộng tác với ai, có khả năng nổi trội gì… Cuộn băng chạy đúng một phút rưỡi rồi dừng lại. Cô mỉm cười, một nụ cười thật sự dù vẫn chưa được tươi lắm. Từ giây thứ mười mấy, người đàn ông đứng tuổi ngồi giữa đã không còn ngáp nữa.

- Bạn biết gì về báo Quan Sát? – cô gái trẻ ngồi bên phải lên tiếng.

Lại một câu hỏi cơ bản nữa. Cô trả lời theo đúng những gì đã tìm hiểu, có thêm thắt một vài cụm từ màu mè như “tờ báo điện tử uy tín”, “lượng truy cập hàng đầu” để khen nịnh, cũng có chê một vài điểm không quan trọng, cốt để ra vẻ rằng mình có quan tâm đóng góp. Không may cho cô, người đặt câu hỏi chẳng có biểu hiện gì của sự hài lòng mà tiếp tục đặt một loạt câu hỏi đi sâu vào chi tiết như muốn bắt cô chứng minh rằng cô là fan cuồng của tờ báo điện tử này hai mươi năm có lẻ chứ không phải mới để ý đến nó nửa tháng trước, sau khi biết thông tin về đợt tuyển dụng. Cô bắt đầu phát hoảng!

Trời ạ, cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên của cô lại diễn biến theo chiều hướng xấu nhường này ư? Vị trí của tờ báo trên hộp thuốc giảm đau Alaxan(1) thì có liên quan gì tới vị trí biên dịch tiếng Anh cho mục tin tức quốc tế cơ chứ! Rồi những ưu nhược điểm của quảng cáo banner và quảng cáo pop-up, sự khác biệt của font Times New Roman so với font Arial, thoả thuận sử dụng lại bài của nhau giữa những báo lớn… cô đánh vật với từng vấn đề, cố sao cho từng câu trả lời của mình có vẻ ít ngu ngốc nhất, thậm chí không còn thời gian để mà phát khóc lên nữa. Rồi lượng oxy trong phòng cũng trở lại bình thường khi cô gái, có vẻ tạm thoả mãn với trình độ vặn vẹo của bản thân, chuyển sự chú ý sang chai La Vie 500ml trên bàn. Người đàn ông đứng tuổi lúc này mới lên tiếng:

- What have you done to improve your knowledge in the last year?

Chưa nghe hết câu hỏi, cô đã nhận ra ông ta nói tiếng Anh giọng Pháp. Những chữ r biến gần ra chữ g, chữ th thì không được phát âm theo lối đặt lưỡi giữa hai hàm răng, từ ngữ cứ như được ngậm lồng phồng trong miệng chứ không thoát ra đanh gọn. Tự nhiên cô nhoẻn cười.

- Forgive me if my opinion might be irrelevant but… how nice your French accent is!

(1): Thực ra không phải hộp thuốc giảm đau Alaxan mà là bảng xếp hạng web của trang Alexa.com

***

Anh có thể đọc được sự hài lòng của phó tổng biên tập qua những cử chỉ vô tình. Ông gật đầu và mỉm cười nhiều hơn, đôi lúc còn rung đùi. Những câu hỏi tiếp theo mà ông đặt ra càng lúc càng dễ trả lời hơn. Ít nhất anh cũng chắc chắn rằng chẳng ứng viên có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ nào lại đến nỗi phải lúng túng như gà mắc tóc trước những câu đại loại như “If you were hiring a person for this job, what would you look for?” hay “Đây có phải là công việc mà bạn thực sự mong muốn và quyết tâm theo đuổi?”. Và ứng viên trước mặt anh dường như đã chuẩn bị hơn cả đầy đủ. Cô trả lời trôi chảy, vui vẻ, thậm chí còn nhìn thẳng vào mắt anh, tự tin đến nỗi anh bắt đầu phải tự hỏi, liệu vừa nãy cô có nhận ra anh thật không hay chỉ là anh tưởng tượng.

Điệp bỏ cốc nước xuống, hắng giọng đầy ẩn ý. Chắc chị đang trông chờ anh sẽ đưa ra một câu hỏi “có độ sát thương cao” khiến ứng viên không bỗng dưng nói lắp cũng đột ngột cũng thấy tim nện theo điệu nhạc trance, như anh đã từng làm suốt từ sáng đến giờ. Được thôi, nếu chị muốn, câu hỏi ấy đây!

- Do you know anyone who works for us?

Khó khăn lắm cô mới giữ được nụ cười trên môi và hơi thở không đứt đoạn. Đôi mắt cô lục lạo mọi đường nét trên gương mặt – phải nói là đẹp trai kinh khủng – của chủ nhân câu hỏi, hy vọng tìm ra chút cảm xúc hay ẩn ý riêng tư. Nhưng không, ánh nhìn thẳng lạnh lùng, hai khoé miệng hướng lên phía trên tạo thành một thứ mà người ta vẫn gọi là nụ cười xã giao, bàn tay đặt hờ hững lên tập giấy trên bàn, anh ta trông chẳng khác gì cô gái bên cạnh, chẳng khác gì một nhà tuyển dụng đang chờ ứng viên trả lời, và chẳng khác gì một người ngồi im rình chờ con muỗi đang vo ve xung quanh đậu hẳn lên cánh tay mình để đập. Câu hỏi này có lẽ cũng nằm trong trình tự định sẵn thôi, cô tự bảo mình như vậy, chợt thấy một cơn mệt mỏi rã rời lao đến đâm sầm vào người.

- Yes, I know some – cô nhìn thẳng mà không nhìn ai cả – but, definitely, it’s not friendship or family relationship. So I don’t think they should be mentioned here.

Ngoài việc nín lặng gật đầu, anh còn có thể lựa chọn phản ứng nào khác nữa đây? Dù ở tư cách người đi xin việc hiện nay hay người con gái lướt qua đời anh bốn năm trước, cô cũng đã trả lời khôn khéo và trung thực hết cỡ rồi còn gì! Sau vài câu chào hỏi cảm ơn hứa hẹn qua lại theo đúng nghi thức, cô đứng dậy ra khỏi phòng. Anh cúi xuống dò danh sách tìm ứng viên tiếp theo. Còn nhiều cử nhân ngoại ngữ đang phấp phỏng ngoài kia. Chưa bao giờ anh muốn đánh trượt họ như lúc này!

***

Cô tần ngần mãi mới bỏ điện thoại xuống. Thông báo trúng tuyển vừa nhận lẽ ra phải làm cô nhảy cẫng lên thì lại trôi tuột khỏi đầu như lời giảng của một giáo sư ngành cơm nguội học. Tất cả những gì cô nhớ được bây giờ là một cái tên, của người sắp tới sẽ theo sát cô suốt hai tháng thử việc, và có thể gấp vài lần khoảng thời gian đó nếu cô được ký hợp đồng chính thức. Ngoại trừ một cơn chấn thương sọ não, không gì có thể che mờ cái tên đó trong tâm trí cô. Cái tên của người đã… Trời ơi, cô lại định nghĩ đến điều gì nữa đây? Anh ta thậm chí còn không nhướn nổi một phần tư cái lông mày khi cô bước vào!

Cô chợt hối hận vì mình đã quá tập trung vào một mục tiêu. Lẽ ra cô nên nghe lời bố mẹ xin vào trường tiểu học nơi bác họ cô đang làm hiệu phó chứ không nên nằng nặc đòi tự lập. Lẽ ra cô nên học theo đám bạn rải thảm hồ sơ đi mười mấy hai chục công ty rồi xếp lịch phỏng vấn như ca sĩ chạy show để đa dạng hoá cơ hội nghề nghiệp chứ không nhăm nhăm tìm việc đúng chuyên môn. Lẽ ra cô nên tìm hiểu kỹ hơn về tờ báo quái quỷ ấy, nếu không biết hỏi ông google trên mạng xem nó đứng thứ mấy trên Alexa – giờ cô đã ngộ ra Alexa không phải nhãn hiệu thuốc giảm đau – thì cũng phải biết hỏi bà lao công trong WC rằng sếp-trực-tiếp-giả-định của mình tên họ là gì. Nếu khôn ngoan như vậy, cô đã chả rơi vào tình cảnh sắp đến hạn bố mẹ cắt trợ cấp mà chỉ thấy đúng một chỗ có oan gia gọi đi làm như thế này…

Giờ thì cô không còn phương án nào khác mà chọn với lựa. Sáng thứ Hai tuần sau cô sẽ đối mặt với anh ta. Tốt hơn hết là hãy dành thời gian và chất xám cho những sự lựa chọn khác thiết thực hơn, chẳng hạn như chuyên đề Thời trang công sở hay “Tôi sẽ mặc gì cho ngày làm việc đầu tiên?”. Có lẽ cô nên ăn mặc đứng đắn một chút. Áo Orsay tay lỡ kẻ sọc đen trắng và chân váy màu ghi? Trông hơi tiểu thư quá, cô không muốn đồng nghiệp đánh giá cô là đứa điệu đà (mà trên thực tế có có điệu đà đâu). Hay là áo dài tay Esprit màu trắng với với quần jeans xanh? Không, mặc thế này nhìn cô như nữ sinh trốn học đi làm ấy. Thôi được rồi, có lẽ cô sẽ mặc bộ Mexx này. Áo tay hớt màu vàng có xếp li, thắt lưng bản to màu đen, quần âu đen. Trông lịch sự mà vẫn có vẻ bụi và năng động, rất hợp với nghề báo, ý cô là nghề biên dịch cho báo.

Rồi cái ngày cô vừa mong vừa không mong ấy cũng đến. Tám giờ kém năm, cô thấy cái bóng áo vàng của mình phản chiếu lên cửa kính của toà nhà văn phòng. Trong khi những đôi chân mang giày công sở vội vã đổ dồn về phía thang máy thì cô nhấc từng bước về phía lối thang bộ. Tội nhân áo vàng này chỉ còn cách đoạn đầu đài, nơi tên đao phủ có gương mặt ướp đá đang đợi, vài chục bậc thang nữa thôi.

Thực ra, tên đao phủ có gương mặt ướp đá chưa hề xuất hiện trên tầng sáu của khu văn phòng, nơi đặt toà soạn báo điện tử Quan Sát, bởi lúc tám giờ kém năm, anh chỉ mới tìm được một khoảng trống trong bãi gửi xe gần đó cho lách chiếc X-bike 125 vào. Không kịp mở yên để ngoắc mũ bảo hiểm, anh để nguyên nó trên đầu, gần như giật phắt tờ vé mỏng trên tay người trông xe rồi chạy đi. Chưa đầy 15 giây sau, khi ngón tay chạm được vào cái đích hình tam giác hướng đỉnh lên trên giữa bảng nút gọi thang máy, anh thầm nghĩ, vừa rồi, nếu Usain Bolt có ở vào địa vị mình chắc cũng chỉ guồng chân tít đến thế là cùng!

Nhưng thang máy dường như không quan tâm đến việc ai đã guồng chân như thế nào. Nó vẫn đủng đỉnh hoạt động theo nguyên tắc riêng đã được dân công sở biến thành định lý: luôn chậm khi người ta đang vội. Nó buộc người vừa đóng vai vận động viên điền kinh phải tiếp tục màn leo núi, nói đúng hơn là leo cầu thang. Nó cũng buộc tên đao phủ lẽ ra sẽ chào đón nạn nhân ở đoạn đầu đài trên tầng sáu lại suýt đâm sầm vào cô ở chiếu nghỉ tầng bốn rưỡi.

***

Cô đã chuẩn bị rất kỹ để gặp anh ta, nhưng là gặp trong văn phòng sáng choang đầy người chứ không phải trên lối thang bộ vắng vẻ với một chút nắng sớm len vào qua lớp kính cáu bụi thế này. Lúc nghe tiếng chân bước vội vã phía sau, cô thậm chí còn thấy vui vui, nghĩ đến cảnh mình mỉm cười thông cảm với một nhân viên nào đó ở cùng hoặc gần tầng cô làm, đang hớt hải vì đến muộn. Cô đã đi nép vào một bên và chuẩn bị sẵn mấy lời chào hỏi, phòng trường hợp người đó bắt chuyện. Nhưng khi người đó lên gần đến nơi, ngay cả một nụ cười xã giao cô cũng phải khó khăn lắm mới nặn ra được.

- Hi there!

Anh thầm cảm ơn xứ sở sương mù, nếu không có câu chào theo đúng nghĩa là chào của họ, anh sẽ thành thằng ngốc với một câu hỏi han vớ vẩn kiểu như “không đi thang máy à?”.

- Anh không đi thang máy ạ? – Cô dừng hẳn lại, luống cuống nghiêng người lễ phép như trong phim Hàn Quốc và hỏi anh đúng cái câu vớ vẩn mà anh vừa nghĩ đến.

Nếu ngẩng lên sớm hơn một giây, cô sẽ thấy anh phì cười. Nhưng là nhân viên, lại trong ngày đầu thử việc, cô nghĩ mình nên cúi xuống ngắm mặt đá lát cầu thang cho đến khi sếp đi qua, và đã làm đúng như vậy. Chỉ có điều, sếp của cô có vẻ không giống sếp trong phim Hàn Quốc. Thay vì vênh mặt đi thẳng một lèo như thể việc cô đứng chào ở đây là đương nhiên, anh đi qua chỗ cô, bước lừng khừng vài bậc rồi dừng hẳn lại, ngoái nhìn.

Nắng sớm đang hắt lên vạt áo cô làm cả góc cầu thang trống trải nơi cô đứng tràn một màu vàng rực của cánh hoa hướng dương. Theo những bước chân có phần rụt rè của cô, sắc hoa hướng dương trong không khí di chuyển dần về phía anh. Anh nắm dây mũ bảo hiểm chặt hơn, cố giữ giọng mình thật bình thản:

- Hình như em cao lên hả Quỳnh?

Cô suýt nữa thì bước hụt khi nghe câu hỏi tỉnh bơ như một đòn tấn công trực diện nhưng bất ngờ này. Chỉ còn cách nhau hai bậc, cô không thể không ngước mắt, đối mặt với anh ta.

- Anh vẫn nhận ra… ừm… ra tôi à? – cô hỏi với vẻ thẳng thắn nhưng không tránh khỏi run rẩy.

- Ừ, từ hôm phỏng vấn tôi đã biết rồi. Tôi còn hỏi em một câu về chuyện này mà.

- Tôi tưởng đấy chỉ là câu phỏng vấn bình thường.

- Em tưởng thế thật hả? – anh nheo mắt, không để ý rằng cử chỉ của mình làm tim ai đó đập mạnh.

- Vâng – cô lảng tránh ánh mắt gây rối loạn cả hệ tuần hoàn lẫn hệ hô hấp kia bằng cách đi vượt lên trên.

- Tưởng thế mà em trả lời… hay nhỉ!

- Tôi chỉ trả lời đúng sự thật thôi – cô nói mà không ngoảnh lại.

Cánh cửa dẫn vào tầng sáu chỉ còn cách hai người già nửa vế thang nữa. Anh sải bước hai bậc một lên song song với cô, nói bằng giọng trầm ấm, gần như thì thầm:

- Lẽ ra, em nên trả lời trung thực hơn nữa, rằng ở đây có người đã từng hôn em.

***

Chỗ ngồi của cô ở cuối dãy, sau lưng là cửa sổ trông ra những mái nhà dân đủ màu và một mảng trời mùa hè xanh bất tận. Chiếc ghế xoay hơi sờn một chút nhưng máy tính có vẻ còn khá mới. Mấy mẩu giấy vàng nhắc việc của người chủ trước vẫn còn đính trên màn hình. Nếu cô không

quá choáng trước mẩu đối thoại ngắn ngủi ngoài cầu thang, chắc hẳn cô đã tò mò đọc từng mẩu một. Nhưng bây giờ, cô chỉ có thể cầm cả lũ chúng nó trong tay, hết vò lại xé. Biện pháp hơi bạo lực này đã từng rất hiệu quả khi cô cần lấy lại bình tĩnh và tập trung, nhưng hôm nay thì không. Cô vừa ngượng vừa tức, đến nỗi không thể nói được câu gì khi ra mắt mọi người trong phòng, chỉ cười gượng gạo và cúi gằm mặt như thể bị gọi lên bảng mà không thuộc bài. Còn anh ta thì thản nhiên giới thiệu về cô như giới thiệu bất cứ nhân viên thử việc nào khác, rồi giao ngay cho cô một đống tài liệu cần sắp xếp và nhập vào máy tính. Không, cô không nói ngoa, một đống!

Cô ấn tay vào nút start trên case máy tính. Như để chào đón một buổi sáng không bình thường (cô chưa muốn dùng từ “tồi tệ” cho ngày đầu tiên đi làm), cái nút tụt tít vào trong. Máy tính thì đã bật nhưng cô vẫn loay hoay với những câu hỏi như “làm sao để cái nút lồi ra như cũ?” hay “nếu nó cứ ở tịt trong vỏ case như vậy thì lần sau phải làm thế nào để bật máy?”. Cuối cùng, vì không thể cứ ngồi đần ra mãi trước những con mắt dò xét của nửa tá ma cũ, hay ít nhất là của một con ma cũ nào đó, cô ngồi thẳng lên, bắt đầu soạn mớ tài liệu lộn xộn trên bàn.

Toàn là những bài báo vô thưởng vô phạt không có tính thời sự lắm được lọc ra từ các tạp chí buôn chuyện của Úc và Canada. Theo lời hướng dẫn không mấy tận tình của kẻ đẹp trai gần bằng Hyun Bin nhưng độc ác ngang Laden Bin, cô sẽ phải đọc qua một lượt để biết nó thuộc mảng sức khoẻ y tế, mẹo vặt gia đình hay chuyện lạ bốn phương. Sau đó, cô sẽ phải scan nhận dạng văn bản, lưu vào các folder khác nhau trong máy mình và kẽo kẹt dịch dần để ngày nào cũng có bài mới đưa lên mạng. Mọi việc thật đơn giản, trừ một vướng mắc nhỏ là cô chưa bao giờ được sờ vào một cái máy quét nào, kể cả loại bình thường nhất, chứ đừng nói là loại quét-nâng-cao biết nhận dạng văn bản.

Cuộc họp đầu tuần kết thúc sớm hơn thường lệ. Anh bước chậm dọc hành lang, tự hỏi không biết gần một tiếng qua cô đã đánh vật với cái scanner xong chưa. Là trưởng nhóm tin quốc tế, bàn của anh nằm riêng ở cuối phòng. Từ vị trí lý tưởng này, anh có thể bao quát được khắp các bàn nhân viên. Nhưng đầu giờ sáng nay, chữ “khắp” đã tự động biến đâu mất, tất cả những gì anh thấy chỉ là một cái lưng áo vàng đang loay hoay với việc căn chỉnh từng trang tạp chí trên mặt scanner. Giờ đây, khi ngang qua lối ra thang bộ, anh chợt dừng lại, nhìn xuống những bậc thang và nghĩ đến những lời ngắn ngủi mà anh đã nói với cô khi cả hai đứng trong khoảng không gian ngập nắng đó. Chẳng biết chiếc máy quét quái quỷ kia có chừa cho cô một khoảng trống nào để nhớ về điều mà anh đang nhớ…

Chuyện xảy ra vào đêm cuối cùng trong chuyến đi tình nguyện cuối cùng của cuộc đời sinh viên. Khi ấy cũng là những ngày cuối tháng Sáu đầu tháng Bảy nóng nực hệt như bây giờ, anh vừa bảo vệ xong luận văn, còn đang băn khoăn không biết nên ở lại trường theo lời đề nghị của bộ môn hay cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cùng bảng điểm đi xin việc. Và nửa tháng tình nguyện cùng với đội sinh viên năm thứ nhất về một xã miền núi do Đoàn trường tổ chức chính là cơ hội quý giá giúp anh kiểm nghiệm xem mình có thực sự phù hợp với vai trò giảng viên hay không. Trong suốt nửa tháng ấy, nói chính xác hơn là cho đến chín giờ tối ngày cuối cùng của chuyến đi, anh vẫn nghĩ rằng mình nên ở lại trường.

***

Xe đến Chiềng Khoa khi trời đã xế chiều. Những con dốc 12% và khúc cua gấp liên tiếp trên đường khiến tất cả mọi người đều gần như kiệt sức. Đám sinh viên nam lúc đi còn hăng hái trêu chọc cười nói, giờ chỉ im lặng bốc dỡ những đồ đạc cồng kềnh khỏi xe rồi ngồi phịch xuống ngay bên cạnh. Đám sinh viên nữ lả đi như tàu lá héo, nếu không túm tụm vịn vào nhau chắc đã ngã lăn ra đất. Ngay cả anh chàng cán bộ của huyện đoàn đi cùng cũng không giấu nổi vẻ mệt mỏi. Vừa vặn người kêu răng rắc, anh ta vừa hất mặt về phía trước, nơi có một dãy nhà cấp 4 quét vôi vàng đóng cửa im ỉm.

- Kia là trụ sở uỷ ban. Giờ này chắc chủ tịch xã đang ở ngoài suối, để tôi đi gọi.

Lát sau, anh ta quay lại với một người đàn ông đứng tuổi, quần xắn tận bẹn lộ hai cẳng chân khẳng khiu, tay xách cái lưới còn ướt sũng. Trong lúc chủ tịch xã kiêm ứng cử viên cho vai cao thủ ngư võng trận pháp trong phim chưởng, cán bộ huyện đoàn và thầy trưởng đoàn vào trong trụ sở để xem xét giấy tờ kế hoạch cũng như hương vị của loại chè Tô Múa đặc sản địa phương, đám sinh viên tập hợp, chỉnh đốn đội ngũ, dưới sự giám sát của một người khác. So với thầy trưởng đoàn, người này trẻ hơn, gầy hơn, dễ gần hơn (với đám con gái thì còn phải đưa thêm một so sánh nữa: đẹp trai hơn) nhưng không kém phần nghiêm khắc. Câu chuyện rỉ tai rúc rích suốt mười tiếng dọc đường khiến ai cũng biết đó là Đăng, sinh viên vừa tốt nghiệp của trường và giảng viên tương lai của khoa.

Đứng trước những ánh mắt còn chưa mấy nể phục của đám đàn em vừa qua năm thứ nhất, anh chỉ nói rất ngắn gọn yêu cầu tất cả thu xếp hành lý và chỉnh đốn trang phục để chuẩn bị đi bộ xuống bản rồi cúi xuống chằng buộc lại đống nồi niêu cuốc xẻng và mấy thùng các tông đựng quà cho người dân. Nhìn những hành động dứt khoát và gọn gàng của anh, mấy sinh viên nam không ai bảo ai, tự động làm theo, kiểm tra những hành lý còn lại. Chẳng mấy chốc mà bầu không khí uể oải biến mất, cả đoàn sinh viên râm ran tiếng phân công ai khiêng cái gì, hỏi han ai xách nặng nhẹ ra sao…
Rồi cuộc đàm đạo về cá suối, chè búp và chính sách đại đoàn kết dân tộc của ba người bên trong trụ sở uỷ ban cũng tạm kết thúc. Họ quyết định sẽ tiếp tục nó ở nhà ông chủ tịch xã và để Đăng dẫn sinh viên xuống nơi sẽ là địa bàn hoạt động của cả đoàn trong nửa tháng hè tình nguyện: bản Tin Tốc. Đó là một bản Thái nằm dưới một thung lũng nhỏ, cách khá xa trung tâm xã. Đường đi men theo những quả núi trọc chỉ có lơ thơ vài bụi cây nhỏ và những thân cây ngô buồn hiu. Nắng chiều không có chút bóng râm nào cản trở, đang xiên xiên vào những bàn chân không quen đi bộ làm chúng bỏng rát lên. Những tiếng than thở bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong hàng ngũ con gái.

- Thầy ơi, qua chỗ kia thì thầy cho bọn em nghỉ một tí nhé.

- Thầy ơi, sắp đến nơi chưa ạ?

- Thầy ơi…

Đăng im lặng rảo bước, cố kìm nụ cười mỉm để giữ cho gương mặt vẫn còn vẻ nghiêm nghị trước mấy lời đề nghị nhõng nhẽo ấy. Anh chưa chính thức làm giảng viên mà cái lũ nịnh bợ này đã thầy ơi thầy à thế này, thật là khó xử. Thấy anh đi nhanh hơn, mấy cô nàng lại càng được thể, kêu ca thảm thiết hơn:

- Thầy ơi, em bị huyết áp thấp nhỡ ngất ra giữa đường thì sao.

- Thầy ơi, nghỉ năm phút thôi được không ạ?

- Thầy ơi, chân em cọ vào dép rộp hết lên đau lắm…

Không xong rồi, có lẽ mấy con bé ranh ma này biết anh đang bối rối nên cố gây thêm sức ép. Nếu ngay ngày đầu mà đã nhượng bộ, chắc mấy hôm nữa anh sẽ bị chúng nó trèo lên đầu lên cổ mất! Nghĩ đến đấy, anh dừng hẳn lại, nhìn lướt qua những gương mặt nhăn nhó nhễ nhại mồ hôi, hỏi bằng vẻ lo lắng đến hớt hải:

- Mà này, mình đang đi đến bản gì ấy nhỉ?

Đám sinh viên ngơ ngác rồi quay sang nhau hỏi lao xao:

- Vừa nãy ông ở xã bảo là bản Tin Tốc, phải không mày?

- Hình như thế…

- Sao lại hình như, chắc chắn chứ…

Một anh chàng trông có vẻ chững chạc nhất nhìn Đăng nói quả quyết:

- Em nghe chính xác là bản Tin Tốc ạ.

Đăng mỉm cười gật đầu rồi khoát tay ra hiệu cho cả đám trật tự. Những tiếng lao xao tắt dần, đám sinh viên tự nhiên đổ dồn sự chú ý vào anh với vẻ hồi hộp của một khán giả đang theo dõi đoạn kết bộ phim kinh dị.

- Thế các bạn có biết Tin Tốc nghĩa là gì không?

Vài tiếng “không” nho nhỏ ngập ngừng phát ra từ đám sinh viên. Đăng hỏi tiếp, mặt vẫn hết sức hình sự:

- Vừa nãy bạn nào kêu chân bị rộp?

Im lặng một lát, rồi ở phía cuối hàng, một cánh tay con gái từ từ giơ lên.

- Bạn đi lên đây!

Cô gái mặc quần túi hộp và áo phông thể thao như con trai rẽ đám sinh viên đi lên. Đăng liếc xuống đôi dép tổ ong dưới chân cô rồi nheo mắt nhìn khổ chủ. Bắt gặp ánh mắt anh, cô ta vội cúi gằm mặt, tạo ra một dáng vẻ ăn năn rất tội nghiệp. Đăng suýt phì cười. Cái miệng hơi bĩu ra thế kia không phải là của một sinh viên đang hối lỗi mà giống cách các cô gái ngúng nguẩy làm duyên với bạn trai hơn. Rất tiếc, anh không có hứng tán thưởng.

- Bạn tên gì nhỉ?

- Thưa thầy, em là Quỳnh.

- Họ tên đầy đủ?

- Dạ, Phạm Thuỷ Quỳnh.

- Chân bạn đau như thế nào?

- …

- Bạn bỏ dép ra xem vết thương có cần phải sát trùng hay băng lại không?

- Không cần đâu ạ.

Đăng nghe được một chút hốt hoảng lẫn trong giọng nói lễ phép. Anh tung thêm một câu để “đàn áp” đến cùng.

- Bạn trả lời hộ mọi người xem Tin Tốc nghĩa là gì đi!

Tất nhiên, Quỳnh là người Kinh, lại mới lên đây lần đầu, cô không có khái niệm gì về những danh từ lạ lẫm của vùng dân tộc thiểu số. Nhìn cô cúi đầu im lặng sau khi nói lí nhí câu “em không biết”, Đăng tự thấy như vậy là tạm đủ. Anh rời mắt khỏi gương mặt đỏ nhừ và vầng trán lấm tấm mồ hôi của Quỳnh, lướt mắt qua tập hợp người trông rất giống đoàn quân thất trận, dõng dạc thực hành công việc mà anh sẽ làm trong tương lai trên giảng đường: dạy họ về ngoại ngữ.

- Các bạn muốn biết bao lâu nữa ta đến nơi thì hãy chú ý dưới chân…

Đám sinh viên vô tình đều liếc mắt nhìn xuống. Đăng vẫn nói tỉnh bơ:

- Các bạn mà thấy mỏi rã rời, thấy chân như chân của ai chứ không phải của mình, tức là bản ở ngay trước mặt. Vì Tin Tốc trong tiếng Thái nghĩa là “rụng chân”.

Bài học “ngoại ngữ” bất ngờ này có tác dụng nâng cao tinh thần rõ rệt. Sau chừng mươi giây khoe đủ kiểu cười từ khúc khích đến hi hí, cả đoàn quân thất trận lúc nãy trông tươi tỉnh hẳn lên, sẵn sàng đi tiếp. Ngay cả kẻ bị bẽ mặt nhất cũng không có phản ứng gì thái quá, chỉ hơi ngúng nguẩy trong động tác kéo sụp mũ xuống trước khi xốc ba lô rảo bước theo đoàn.

Nhưng dù có khí thế đến đâu thì mấy chục đôi chân thanh niên thành phố cũng không qua khỏi cái chân lý mà người đi trước đã đúc rút. Mãi đến khi trời tối mịt, đến khi những ngón chân đã cọ vào giày dép và phồng rộp, cả đoàn mới biết thế nào là (bản) Tin Tốc.

Thung lũng này nhỏ, những ngọn núi bao quanh cũng có vẻ không cao lắm. Dưới ánh trăng mờ mờ, mấy chục nóc nhà nhấp nhô xen giữa những lùm cây. Vẫn còn lác đác vài điểm có đèn sáng nhưng không gian im ắng, chỉ có tiếng gió núi xào xạc thổi qua tai. Đăng nhìn đồng hồ. Mới gần tám giờ, vậy mà cả con người lẫn cảnh vật dường như đã chìm sâu trong giấc ngủ. Anh ra hiệu cho cả đám dừng lại trước lối rẽ xuống bản rồi lia đèn pin. Một con đường đất rất dốc và hẹp hiện ra, chỉ có một vệt nhỏ ở giữa đường là ít gồ ghề và không có cỏ mọc. Đám sinh viên đờ đẫn nhìn Đăng, hầu như không còn đủ sức để bình luận hay yêu sách gì nữa. Đăng cũng thấm mệt, anh thấy giọng mình lạc vào cùng tiếng gió:

- Các bạn xếp thành một hàng ngang, nắm chắc tay nhau rồi bước dần xuống, người xuống trước đỡ cho người xuống sau, nhớ tránh những chỗ cỏ rậm.

Đăng đi đầu tiên, anh chọn một chỗ đứng tương đối vững ngay gần đỉnh dốc rồi quay lại soi đèn cho từng người một bước xuống. Nhóm nam xuống trước, hai ba người hơi loạng choạng nhưng nhìn chung tất cả đều có thể tự xuống mà không cần vịn. Đám sinh viên nữ thì đuối sức hơn, dù hầu hết được đi người không vì nhóm nam đã mang phần lớn hành lý xuống trước, họ vẫn không thể giữ thăng bằng. Người thì đi xuống quá nhanh mất đà, lao sầm vào bạn, người thì phải ngồi thụp xuống bám cả tay vào cỏ để đỡ ngã. Đăng chăm chú soi đèn, thỉnh thoảng nhắc một câu “cẩn thận đấy” lấy lệ, không hề nhìn vào ai, không hề chạm vào ai. Chỉ đến khi người cuối cùng đang xuống dốc thì bị trượt chân, buột ra một tiếng “ối” hoảng hốt, anh mới vội ngẩng lên và đưa tay ra đỡ. Nhưng tay anh đưa ra giữa chừng đột nhiên rụt lại. Lại là cô nàng Thuỷ Quỳnh vờ vịt lúc chiều!

Nhưng lần này Quỳnh không vờ vịt. Trong tích tắc, trạng thái chuyển động của cô biến đổi từ mức chới với sang mất thăng bằng hoàn toàn và

ngã nhào. Một bên hông cô đập xuống mặt đất và trượt đi thêm một quãng. Nếu cô không túm được vào vệ cỏ ria đường để hãm lại đà trượt, có lẽ cô sẽ tiếp cận chân dốc theo lối lăn lông lốc như các vai nạn nhân nữ trong phim hành động luôn! Trong khi người đóng vai nữ nạn nhân lồm cồm quờ quạng đứng dậy với sự nâng đỡ cùng những tiếng xuýt xoa hỏi thăm của đám diễn viên quần chúng, thì nhân vật nam phản diện bất đắc dĩ cố gắng giấu sự bối rối của mình bên dưới lớp da mặt cứng đơ. Anh ta quét đèn pin một lượt từ đầu đến chân Quỳnh, nói trống không:

- Không sao chứ?

Quỳnh định đáp trả bằng câu gì đó thật cáu kỉnh hoặc mỉa mai cho hợp với tâm trạng cô hiện giờ, nhưng một bên hông đau ê ẩm và bàn tay phải xước rớm máu khiến cô chẳng thể mở miệng, chỉ lắc lắc đầu. Ngay lập tức, lệnh hành quân lại dõng dạc vang lên, nghe khô khan như một đoạn băng ghi âm đã được lập trình sẵn, chỉ chờ nhận được cái lắc đầu của Quỳnh là tự động phát ra:

- Rồi, mọi người đi tiếp!

Hết câu, anh ta quay lưng bỏ đi. Đám sinh viên nam vô tâm cũng nhởn nhơ đi theo, để lại sau lưng ánh mắt phẫn nộ của mấy sinh viên nữ. Một cô tên Phương vừa phủi lại quần áo cho Quỳnh vừa lầu bầu:

- Lão ý đứng gần xịt, rõ ràng là đỡ được, tự nhiên rụt tay lại…

- Đúng là máu lạnh, chưa để người ta hoàn hồn đã bắt đi tiếp – một cô khác xen vào.

- Lão ý thù cái Quỳnh vụ lúc chiều rồi – một cô khác nữa nói chắc như đinh đóng cột.

Quỳnh lấy giấy ướt chấm chấm lên những vết xước lấm lem đất trên tay. Những lời bàn tán đoán già đoán non của đám bạn chẳng làm cho công việc lau vết thương dễ chịu hơn chút nào. Cô nhăn mặt, nói lảng sang chuyện khác:

- Tớ có mấy cái băng urgo trong túi quần, nhưng chắc phải rửa sạch đã.

- Ừ, tiếc là tớ mới uống hết chai nước rồi.

- Ba lô cái Hằng có oxy già đấy, để tớ lên bảo nó… – Phương nhiệt tình định chạy.

- Thôi, để tí nữa đến trường có đèn sáng sủa rồi làm – Quỳnh phẩy tay ngăn lại – Đi nhanh kẻo lại lắm chuyện.

- Ừ, đi!

Dù điểm trường Tin Tốc ở ngay trung tâm của bản nhưng cũng phải gần một tiếng sau, khi cả đoàn đã quét dọn mấy gian phòng học cáu bẩn rồi sắp xếp hành lý và kê dọn chỗ ngủ xong xuôi, Quỳnh mới có thời gian để ý đến thương tích của bản thân. Những vết sây sát trên tay hoá ra còn tệ hơn cô tưởng. Dưới ánh đèn vàng vọt, mấy vệt máu đã khô xỉn màu chẳng ra hình thù gì trên cườm tay giống như một dấu hiệu kỳ quái đáng sợ. Quỳnh lẩm bẩm:

- Thể nào cũng có sẹo cho mà xem!

Phương, cô bạn cùng lớp nãy giờ quan tâm tới Quỳnh nhất, thò đầu ra hỏi Hằng – cô gái có mái tóc nâu ép thẳng đang giơ máy ảnh “tự sướng” ở ngoài hiên:

- Hằng ơi, ấy có oxy già đúng không?

- Ừ. Sao?

- Cho tớ một ít rửa chỗ tay đau nhé. Băng luôn sợ nhiễm trùng mất – Quỳnh nói với ra, giọng có chút e dè. Hằng không học cùng lớp cô, lại thuộc nhóm hot girl của trường.

Quả đúng như Quỳnh dự liệu, cô tiểu thư vốn được gia đình chuẩn bị cho nào kem chống nắng nào túi ngủ để đi tình nguyện này không tỏ vẻ gì muốn chia sẻ những thứ trong cái hộp sơ cứu cá nhân còn nguyên mác tiếng Pháp của mình. Cô ngẩng lên khỏi màn hình máy ảnh, cười dễ thương:

- Lọ đấy nhỏ, sợ không đủ rửa đâu. Mà oxy già đổ vào nó sủi bọt lên ghê lắm. Ấy dùng nước muối xem sao.

Trong lúc Hằng cúi xuống tiếp tục cười với nụ cười của bản thân mình trong máy ảnh thì Quỳnh và Phương trao đổi một cái nhìn đầy ý nghĩa. Phương nói nhỏ:

- Để tớ đi xin muối.

- Thôi, không cần đâu, tớ có cách rồi.

Quỳnh vào trong lục ba lô lấy chai nước súc miệng TB. Lúc soạn đồ lần cuối, chẳng hiểu nghĩ thế nào mà cô lại dúi nó vào ngăn đựng đồ vệ sinh cá nhân. Hoá ra, cô lại cần đến cái thứ tưởng như chỉ khiến ba lô nặng thêm nửa cân vô ích này sớm hơn cả bàn chải đánh răng và lược. Trước vẻ mặt nghi ngại của Phương, những chỗ trầy xước trên tay Quỳnh được tưới đẫm nước súc miệng.

- Liệu có hại gì không ấy?

- Không sao đâu. Cái này có axit boric, sát khuẩn nhẹ mà. Súc miệng được tức là rửa vết thương được.

- Thật không?

- Họ nhà tớ có mấy bác sĩ đấy. Tớ mà không dốt lý với sinh thì cũng thi Y hoặc Dược rồi.

- Ừ, thế rửa đi, để tớ băng cho. Kiểu này chắc phải băng gạc chứ băng đứt tay bình thường không ăn thua.

Lát sau, hai cô vừa cất xong đống bông băng thì nghe thấy tiếng còi tập hợp. Ngoài sân trường, thầy trưởng đoàn đang cảm ơn đại diện dân bản. Họ đem cơm rượu tới thết đãi cả đoàn. Không có cơm lam hay rêu đá như mấy bài viết quảng bá du lịch vẫn ca ngợi, chỉ có cơm trắng, thịt lợn luộc, lòng xào măng và rượu ngô tự nấu. Trời vẫn nóng nên chẳng ai nghĩ đến chuyện đốt lửa trại, mọi người ăn uống trò chuyện phát biểu trong ánh sáng của bóng đèn duy nhất mắc ở đầu hồi dãy phòng học. Tiếng chúc tụng tiếng cười nói càng lúc càng ồn ào, sự thừa thãi âm thanh bù đắp cho sự thiếu thốn ánh sáng một cách hơi quá đà làm đám sinh viên nữ vốn đã rất mệt sau cả ngày đường giờ lại càng rũ xuống. Không thể dội nước lạnh vào sự nhiệt tình hiếu khách của dân bản bằng cách đứng dậy bỏ khỏi chiếu để vào trong ngủ, mấy cô gái ngồi co cụm một góc, nhai trệu trạo món cơm và thịt ba chỉ luộc nhạt nhẽo.

Đăng quan sát thái độ thiểu não của đám sinh viên nữ bằng cặp mắt bao dung khó tin, thậm chí còn thoáng thấy tội nghiệp. Ngay cả anh cũng không thấy vui vẻ gì với những màn xã giao kiểu miền núi này. Nhổm dậy cầm bát rượu đi mời vòng quanh một lượt cho phải phép rồi đến bên mấy cô gái, anh đặt miếng lá chuối đựng một thứ hỗn hợp lổn nhổn không rõ là gì xuống trước mặt họ:

- Các bạn chấm thịt lợn với cái này đi, đỡ ngấy hơn.

Trong khi mấy cô khác còn căng mắt nhìn “món quà” trên mặt chiếu tranh tối tranh sáng với vẻ nghi ngại, Hằng – cô gái chỉ khoác hờ chiếc áo xanh tình nguyện như một vật trang trí bên ngoài chiếc áo hai dây bằng thứ vải bắt sáng – đã bạo dạn ấn hẳn miếng thịt vào giữa nhúm gia vị chấm kia rồi bỏ ngay vào miệng. Gần như cùng lúc, cả Đăng và Phương hốt hoảng kêu lên:

- Cay đấy!

Dù bật ra rất nhanh nhưng hai người vẫn chậm hơn thứ gia vị kia một nhịp. Một hỗn hợp bao gồm ớt khô, tỏi và mắc khén đã kịp xộc vào cổ họng Hằng, làm cô nàng ho sặc sụa rồi nấc liên tục. Cô vừa ho nấc vừa la lối:

- Trời ơi… ặc ặc… sao không nói… hức… sớm.

Nhịp điệu giật cục của câu nói khiến không ai nhịn được cười. Đăng dù cố làm mặt nghiêm cũng phải tủm tỉm. Anh bảo một sinh viên nam chạy vào lấy thêm nước rồi ngồi xuống giữa đám sinh viên cả nam lẫn nữ, bắt đầu thu hút họ vào một bài giảng ngoại ngữ kiêm phổ biến kiến thức ẩm thực địa phương:

- Cái gia vị chấm này tiếng Thái gọi là chẳm chéo, người Kinh hay đọc nhầm là chẩm chéo. Thành phần chính có mắc khén, tức là hạt tiêu rừng, ớt khô, tỏi. Tuỳ cái cần chấm là cái gì mà họ cho thêm những thứ khác.

Một cô đưa một nhúm nhỏ lên nhấm thử rồi phát biểu ngay:

- Hình như có cả rau mùi tàu.

- Đúng rồi, có mùi tàu – Đăng gật đầu xác nhận – Loại này dùng để chấm thịt lợn luộc. Gọi là chéo hòm pẻn.

Được cung cấp thêm kiến thức, đám sinh viên háo hức chấm thử rồi phát biểu cảm tưởng với nhau:

- Ngon phết, mùi nồng lạ lạ.

- Ừ, hạt tiêu rừng thơm nhỉ.

- Các bạn ăn cả lòng xào măng đi, cũng ngon đấy.

- Vâng, thầy cũng ăn đi ạ.

Chỉ vài câu trao đổi qua lại cũng khiến cảm tình của họ đối với Đăng được cải thiện hơn hẳn lúc đi đường. Anh quay sang nhìn Phương, không ngần ngại mỉm cười thêm lần nữa:

- Sao bạn biết là sẽ cay?

- Dạ? – Phương ngớ ra trước giọng điệu và… lúm đồng tiền thoáng hiện ra ở một bên má của vị giảng viên tương lai, mãi mới ngắc ngứ nói tiếp – Tại… em cảm thấy thế thôi ạ.

Rồi không dám đợi Đăng phản ứng hay trả lời gì, Phương vội vã gắp măng xào vào bát rồi và như đói lắm. Cô cứ cúi gằm mặt xuống để muốn giấu gương mặt đỏ bừng mà không biết rằng bóng tối đã làm việc đấy rồi.

Trái hẳn với vẻ e dè của Phương, Hằng và một vài cô khéo miệng liên tục vặn vẹo Đăng về đủ chuyện trên đời, từ món măng này tên là gì, chế biến như thế nào mà lại dai dai và có vị gắt thế, đến “thầy” ở lại trường thì dạy lớp nào, thầy có người yêu chưa. Đăng ngồi ung dung trả lời đầy đủ các câu hỏi cả lặt vặt lẫn hóc búa của đám sinh viên nữ, lúc thì khiến họ cười ồ vì kiểu nói đùa tỉnh bơ, lúc lại khiến họ ngạc nhiên bởi những kiến thức mà người ta ít kỳ vọng ở một sinh viên vừa tốt nghiệp… Một lát, cảm thấy việc bồi đắp cảm tình như vậy là đủ, anh co chân lên nhổm dậy. Ngay lập tức, đám sinh viên cả nam cả nữ nhao lên:

- Thầy đi đâu ạ?

- Thầy ngồi đây với bọn em cho vui.

- Thầy ăn cái này đi ạ. Nãy giờ thầy chưa ăn…

Bao nhiêu níu kéo chân thành nhõng nhẽo khiến việc trở về chỗ cũ bên cạnh thầy trưởng đoàn trở nên một nhiệm vụ bất khả thi. Đăng bật cười, thầm nghĩ: Có lẽ phải buông xuôi để mấy đứa quỷ sứ này lôi mình ngồi xuống thôi. Nhưng đúng lúc đó, ánh mắt anh chạm phải một cảnh tượng nho nhỏ, hơi kỳ quặc. Quỳnh, giống như vùng lặng gió trong tâm bão, có vẻ “miễn nhiễm” trước sự sôi nổi của đám bạn xung quanh, đang cắm cúi móc bông bên trong lớp băng ở tay ra, nhét vào tai.

Đã một tuần trôi qua kể từ khi đoàn sinh viên tình nguyện đặt chân tới bản, người dân ở đây không còn nhìn những chàng trai cô gái miền xuôi bằng cặp mắt lạ lẫm nữa. Bọn trẻ con trong bản thậm chí còn thuộc tên và tính nết, thói quen từng người. Anh Trung da đen, cắt tóc rất đẹp nhưng không vui tính tí nào, đứa nào đã ngồi lên ghế cắt tóc mà còn ngọ nguậy sẽ bị anh cốc vào đầu ngay. Anh Bắc gầy nhom thường ngủ dậy muộn nên bị thầy giáo phạt đi dọn vệ sinh. Chị Linh mắt to, hay chăm vườn rau nhưng đến bữa lại chỉ tranh ăn thịt. Chị Hằng rất điệu và sạch sẽ, thường sai các anh xách thêm nước cho chị tắm. Chị Quỳnh thích ăn mặc như con trai, làm việc nặng rất nhiệt tình nhưng bị sốt hai hôm nay rồi…

Những vết sây sát trên tay Quỳnh không nhiễm trùng, cô bị sốt vì mấy ngày liền đội nắng lội nước làm cầu qua suối cho dân bản. Như đã phân công từ nhà, đoàn sinh viên tình nguyện chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất do thầy trưởng đoàn chỉ huy, đảm nhận những việc cách bản khá xa và nặng nhọc như bắc cầu, sửa đường. Nhóm thứ hai do Đăng phụ trách, làm những việc nhẹ nhàng hơn như dọn dẹp nhà cửa cho các hộ neo đơn, tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh… Là con gái, lẽ ra Quỳnh đương nhiên được xếp vào nhóm thứ hai, chỉ phải ở lại ở lại trong bản, làm những công việc tương đối nhẹ nhàng như dạy múa hát cho đám trẻ con hay phát thanh tuyên truyền vệ sinh. Nhưng phần vì một cậu bạn bị trượt chân bong gân khi lội suối, phần vì cô muốn tránh mặt Đăng nên xung phong nhận việc ở ngoài suối. Sau hai lần tạm gọi là va chạm trên đường xuống bản, giữa cô và anh ta rõ ràng đã tồn tại một cái hàng rào gai mang tên định kiến. Nếu cô vẫn lớ xớ trong tầm mắt của anh ta, ai dám đảm bảo sẽ không còn sự cố vớ vẩn nào nữa!

Thế nhưng cái nóng từ áp thấp phía Tây cùng với cái lạnh của nước chảy từ khe núi đã khiến Quỳnh chỉ tránh mặt Đăng được vài ngày. Chiếc cầu gỗ còn chưa bắc xong, cô đã lên cơn sốt. Buổi chiều từ suối về, trán cô mới hơi ran ran. Nhưng đến tối muộn, khi cả lũ bắt đầu bôi kem chống muỗi đi ngủ, Phương vô tình chạm vào vào tay Quỳnh và phát hiện ra người cô nóng giãy. Vậy là hôm sau, khi nhóm thứ nhất tiếp tục với cây cầu và nhóm thứ hai tiếp tục với chương trình sinh hoạt hè cho trẻ con, Quỳnh phải ngồi sau xe của một anh trong bản, lên trạm y tế xã.

Nhờ động cơ 110 phân khối của chiếc xe máy Tàu, con đường từ bản ngược ra trung tâm xã hôm nay như ngắn lại. Cơn sốt đã làm đầu óc Quỳnh ong ong, những góc cua gấp lại càng khiến cô nôn nao, may mà Bình – người chở cô – quen đường nhưng không đến nỗi phóng ẩu. Uống xong mấy viên hạ sốt và vitamin mà bà y sĩ ân cần đưa tận miệng, cô ngồi mớm lên thành giường, chờ Bình quay lại. Nhưng nửa tiếng rồi một tiếng trôi qua, liều thuốc vừa uống bắt đầu phát huy tác dụng, Quỳnh buồn ngủ rũ ra mà vẫn không thấy bóng dáng Bình đâu. Kim đồng hồ miệt mài nhích về phía buổi trưa, bà y sĩ đã chạy về nhà lo cơm nước cho lũ cháu, trạm xá chỉ còn nắng đang nhảy múa trên những tờ áp phích đã bạc màu, Quỳnh ngả đầu vào tường, lắng nghe sự im ắng, rồi thiếp đi lúc nào không biết.

Chỉ đến khi có tiếng người ồn ào, cô mới giật mình choàng dậy. Bình đang bế một thằng bé chừng ba bốn tuổi lên bậc tam cấp của trạm xá, theo sau là mấy đứa trẻ con nữa và một người đàn ông đứng tuổi. Quỳnh vội vàng đứng lên, vừa đỡ người đàn ông ngồi xuống giường, cô vừa quay sang Bình hỏi xem có chuyện gì.

- Nó chạy trong nhà ra, xe tôi đâm vào.

Thằng bé khóc mếu máo, chẳng biết đau ở những đâu. Người đàn ông đứng tuổi vừa phẩy tay xua đám trẻ con ra ngoài vừa nhìn quanh căn phòng. Quỳnh đón ý, vội nói:

- Bà Muôn về nhà rồi, mười hai giờ mới quay lại cơ ạ.

Ông ta gật đầu, quay lại nhìn thằng bé, lẩm bẩm gì đó. Quỳnh nhìn Bình dò hỏi nhưng anh ta lắc đầu. Cô đành quay sang người đàn ông, mạnh dạn nói:

- Cháu xem cho em, được không ạ?

Người đàn ông nhìn Quỳnh bằng cặp mắt e ngại. Trong thoáng chốc Quỳnh nghĩ, có lẽ ông ta không hiểu câu hỏi. Nhưng rồi ông ta cũng gật đầu. Cô ngồi xuống giường, bế thằng bé đặt vào lòng rồi cẩn thận sờ nắn khắp người nó. Sờ nắn mãi mà không phát hiện ra chỗ đau, thằng bé thì vẫn gào khóc chứ không chịu nói, Quỳnh ngẩng lên nhìn Bình, hỏi nghiêm khắc:

- Anh chẹt qua nó à?

- Không, không phải mà. Tôi phanh lại rồi, nó va vào xe, ngã xuống thôi.

- Nó có bị đập đầu không?

- Không.

- Không bị đập đầu đâu – người đàn ông lên tiếng xác nhận.

- Thế nó ngã như nào?

- Như là ngồi xuống ấy mà.

Câu nói tưởng như qua quýt của Bình làm Quỳnh chợt nghĩ ra. Cô lật thằng bé nằm sấp xuống, kéo quần đùi của nó ra và xem xét kỹ hơn. Không phải mất nhiều thời gian, cô thấy ngay mấy chiếc gai đang cắm sâu vào mông thằng bé. Xử lý cái mông trẻ con bị gai đâm chảy máu thì chẳng cần đến y sĩ của xã, Quỳnh cũng có thể làm tốt. Cô lấy kéo nhổ sạch gai, bôi cồn i ốt và băng cho thằng bé, thao tác gọn gàng chính xác, thái độ dỗ dành nhẹ nhàng, cứ như một y tá khoa nhi chính hiệu. Chỉ lát sau, thằng bé đã nín khóc, bắt đầu ngọ nguậy sờ mó mọi thứ đồ đạc trong trạm xá. Người đàn ông thấy vậy liền túm tay nó lôi ra cửa. Và chỉ đến lúc này Quỳnh mới nhận ra, ngoài Bình và bố con thằng bé, còn có một người đã đứng ngoài quan sát hết màn thao diễn kỹ thuật sơ cứu của cô…

Vị khách dự giờ đột xuất vươn tay đẩy cánh cửa cho nó mở rộng ra rồi lùi một bước nhường lối cho người đàn ông và thằng bé. Quỳnh nhìn sững anh ta. Trán, mắt, miệng… từng chi tiết nhỏ trên khuôn mặt hơi cúi xuống kia đều in đậm hai chữ vô cảm. Rồi anh ta ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên và câu chào đầy bối rối của cô, hai khoé môi khẽ nhếch về phía mang tai tạo ra một nụ cười hờ hững trước khi mấp máy phát ra một câu ngắn gọn, khô khan:

- Tôi đến lấy tài liệu tuyên truyền.

- Mọi người đi vắng hết rồi – Bình nhanh nhảu thông báo.

Sau hai tiếng “thầy ạ” cụt lủn, Quỳnh chẳng biết phải nói gì thêm. Cô cứ đứng đó, tay vịn hờ lên thành giường, hết nhìn Bình lăng xăng kéo ghế rót nước lại ngắm cái cây xiêu vẹo bên cổng rào. Những lời trao đổi bâng quơ của hai người trôi tuột qua tai cô, cho đến khi một trong hai người nhớ ra sự có mặt của cô. Thật may, người đó lại là Bình. Anh trai bản đứng dậy, niềm nở nhường ghế:

- Quỳnh ngồi xuống đây này.

- …

- Quỳnh?

Quỳnh vẫn không trả lời. Cô đang mải mê nhìn mấy con gà bới đất trong bóng râm của cái cây. Người còn lại quyết định đã đến lúc mình phải lên tiếng. Anh ta gọi giật giọng:

- Quỳnh!

- Dạ? – cô gái lập tức bỏ rơi lũ gà, quay nhanh vào.

Ánh mắt hơi hốt hoảng của Quỳnh dường như làm tác giả câu gọi giật vừa rồi có phần hối hận. Anh ta chỉ chiếc ghế trước mặt, dịu giọng:

- Anh Bình mời bạn ngồi. Bạn ngồi xuống đi.

Câu nói chậm rãi, bình thản, ít nhiều mang vẻ ân cần này hình như có chút tác dụng ổn định tinh thần. Ít nhất nó cũng kéo suy nghĩ của Quỳnh về với thực tại. Cô “vâng” một tiếng ngoan ngoãn nhưng không răm rắp ngồi xuống chiếc ghế Bình nhường, cũng không đứng nguyên chỗ cũ, mà chậm rãi vòng qua đầu giường, ngồi ghé xuống bên chiếc gối vải hoa đã sờn. Chọn vị trí này, cô không phải đối diện với Đăng (đúng vậy, chính anh ta) ở khoảng cách quá gần như ngồi ghế, cũng không trở thành một mục tiêu đập vào mắt như khi đứng gần cửa. Cô định tiếp tục theo dõi hành tung của lũ gà con, nhưng những bước chân vội vã của bà y sĩ đã xua chúng chạy mất. Vào trong trạm xá, bà vừa với tay bật nấc quạt to nhất vừa nhìn Quỳnh, hỏi han xởi lởi:

- Thế nào, đỡ mệt chưa? Còn nhức đầu không?

- Dạ, cháu hết đau rồi. Hình như cũng hạ sốt luôn rồi ạ.

- Để xem nào – bà y sĩ lôi chiếc nhiệt kế ra, chìa trước mặt Quỳnh – Ngậm vào đi này.

Trong lúc cô gái ngồi yên với cái ống thuỷ ngân trong miệng, bà y sĩ quay sang hai người con trai, vừa bàn giao tài liệu tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cho Đăng vừa nghe Bình trình bày một việc hệ trọng: xin phép đưa cháu gái bà đi chơi chợ. Khi lời xin phép trơn tru của Bình đã được duyệt và xấp tài liệu mỏng đã được cho vào túi, vừa hay chiếc nhiệt kế cũng cho kết quả. Quỳnh vẫn sốt nhưng chỉ hơn 37 độ một chút. Bà y sĩ ra vườn hái một nắm to lá me đất đem vào, dặn:

- Cháu gái giã cái này ra, cho thêm tí nước lọc, vắt lấy nước cốt, uống một hai hôm cho hết sốt hẳn. Nhớ chưa!

- Cháu nhớ rồi – Quỳnh chìa cả hai tay đón nắm lá, thoáng bối rối – Bác có túi nylon không ạ?

- Có cái vỏ mì tôm cũ thôi, cho tạm nhé.

- Vâng.

Bà y sĩ lục chạn lấy ra cái túi giấy tráng nylon của gói mì Miliket 2 tôm đưa cho Quỳnh. Cô vui vẻ nhồi nắm lá gọn vào trong túi rồi quay sang nhìn Bình chờ đợi. Nhưng dường như anh chàng trai bản không có ý định ra về. Anh ta đang lăng xăng bên bà y sĩ, ba hoa gì đó về mấy vị thuốc nam. Trong lúc Quỳnh còn đang phân vân không biết nên đứng đợi thêm chút nữa hay nhắc anh ta chở cô về luôn thì Đăng đã đến bên cạnh, nhấc gói lá me đất trong tay cô rồi quay người bước ra ngoài. Không kịp suy nghĩ gì, Quỳnh vội vã chào bà y sĩ và Bình, tức tốc đuổi theo.

Đăng cho túi lá me vào một ngăn nhỏ của chiếc túi vải bạt đựng tài liệu, đi nhanh về phía chiếc Minsk dựng ngoài hàng rào trạm y tế. Anh không quay lại dù đã nghe thấy tiếng chân và tiếng gọi đằng sau. Ngay từ ngày đầu tiên lao động ngoài suối, Quỳnh đã bị đám con trai gọi lén sau lưng là Cô Khùng, vì luôn có những hành động lạ lùng, không ai ngờ được. Anh muốn thử xem lần này của cô nàng sẽ… khùng đến mức nào.

- Thưa thầy…

- Bạn không định về à?

- Có ạ. Tại anh Bình anh ý…

- Nếu Bình còn ở đây đến chiều, bạn cũng đợi đến chiều hay sao? – Đăng trèo lên xe, tra chìa khoá vào ổ.

- Thầy cho em xin túi lá me.

- Tôi sẽ chở bạn về, lên xe đi.

- Dạ, thôi.

- Sao thôi?

- Thầy chở em rồi những người khác bàn tán linh tinh.

- Tôi không ngại đâu.

- Nhưng mà em ngại.

Khi nói câu ấy, mắt cô nhìn thẳng vào mắt anh, trong veo, không có vẻ e thẹn hay thách thức, chỉ có vẻ gì đó rất ngộ nghĩnh, tức cười. Đăng còn chưa biết phải phản ứng thế nào thì Bình đã chạy ra hiên trạm xá gào toáng lên.

- Này, Quỳnh về cùng thầy nhé, tôi ở lại sao thuốc cho bác Muôn.

Không để ai nói lại câu nào, anh trai bản hồn nhiên chạy vào trong. Quỳnh thở dài, nhìn Đăng, mặc cả:

- Thầy cho em đến đầu dốc rồi em xuống đi bộ từ đấy về trường, được không ạ?

Chiếc Minsk phóng được hơn nửa đường thì trời đổ mưa, không phải bắt đầu bằng vài giọt nước lộp độp mà ngay lập tức ào xuống như trút. Thật may là đằng sau xe có kẹp sẵn một chiếc áo mưa. Chiếc áo hơi cũ, lại có chỗ rách nhưng ít nhất nó cũng giúp hai người không ướt đầu và phần lớn thân trên. Tuy nhiên, để chiếc áo kiểu măng tô cá nhân che được cho cả hai người, Quỳnh phải ngồi chúi sát vào Đăng, gần như áp má vào lưng anh. Dẫu biết đây chỉ là tình huống bất khả kháng, không thể làm khác, Đăng vẫn cảm thấy thật khó chịu, nói đúng hơn là khó xử.

Dù cố gắng tỏ ra nghiêm khắc, nhiều lúc lạnh lùng đến vô lý, Đăng cũng chỉ là một chàng trai ngoài hai mươi chưa từng trải. Việc không thể giữ khoảng cách (theo đúng nghĩa đen về mặt không gian) với một sinh viên nữ, một cô gái kém anh vài tuổi, cũng làm tâm trí anh bị xáo trộn. Những ý nghĩ trái ngược cứ nhảy múa trong đầu, Đăng nửa muốn mở lời, hỏi han vài câu để cả hai cùng cảm thấy ấm áp hơn trong cơn mưa xối xả trên đoạn đường núi quanh co vắng vẻ, nửa lại muốn im lặng như để ngầm khẳng định với Quỳnh rằng giữa anh và cô, ngoài chiếc yên xe và áo mưa ra, chẳng có gì chung nữa.

Khi Đăng vẫn còn phân vân giữa hai vai trò, anh khóa trên thân thiện hay giảng viên mới xa vời, chiếc xe đã tới đầu dốc dẫn xuống bản Tin Tốc và Quỳnh đã dứt khoát hành động theo sự lựa chọn của cô. Cô nói to, át cả tiếng mưa:

- Thầy cho em xuống đây thôi ạ.

Từ khi chấp nhận lời kỳ kèo phảng phất giọng điệu trẻ con của Quỳnh, Đăng đã không nghĩ rằng cô sẽ giữ lời. Qua mấy hôm trông nom đám sinh viên nữ, anh cũng chai dần trước những kiểu nhõng nhẽo màu mè của các cô nàng thích làm hàng rồi. Ấy thế nhưng, cô gái có cái miệng lúc nào cũng như bĩu ra nũng nịu này lại đòi xuống thật! Khi anh vừa phanh xe để chuẩn bị thả dốc, Quỳnh đã chui ra khỏi áo mưa và trèo phắt khỏi xe. Đăng quay lại nhìn trân trối, một lần nữa lại không biết phải cư xử sao. Đội mỗi một chiếc mũ vải đã ướt sũng, cuốc bộ về bản giữa cơn mưa nặng hạt thế này ư? Có phải cô nàng ấm đầu rồi không?!

Chẳng cần biết đến những ý nghĩ đầy ác cảm của Đăng, Quỳnh vuốt nước mưa trên mặt rồi chìa tay:

- Thầy cho em xin túi lá me.

Trước kiểu ứng xử không theo bất cứ một logic nào như vậy, Đăng còn biết làm gì nữa cơ chứ! Anh móc gói lá me trong túi ra đưa cho Quỳnh rồi lao xe xuống dốc. Hừ, giờ thì anh hiểu tại sao đám sinh viên nam lại gọi cô ta là Cô Khùng!

Giờ thì Quỳnh hối hận vì hành động khí khái không phải lối của mình lắm rồi. Quãng đường từ đầu dốc xuống điểm trường Tin Tốc chẳng đáng bao nhiêu, ngày nắng ráo cô đi chậm cũng chỉ mất mươi phút. Nhưng dưới cơn mưa trắng trời trắng đất, lối mòn hẹp men theo những b
Thông Tin
Lượt Xem : 3315
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN