Đèn Không Hắt Bóng
a xuân, công ty truyền hình đã quyết định dựng một vở kịch cùng tên, và tối hôm qua trong buổi họp báo, Đzyunkô phải bắt tay người diễn viên đóng vai chính, rồi sau đó trả lời những câu hỏi của một tờ tuần báo phụ nữ.
- Ngay giữ cuộc họp báo à ? !
- Ông bầu là Ôôba- san có kể lại rẵng lúc đầu Đzyunkô bỗng nhợt nhạt hẳn đi, nhưng vẫn còn đứng vững được, rồi sau đó mỉm cười với anh diễn viên ấy như thế này này ! - Yurikô mỉm một nụ cười tươi rói - Rồi bỗng kêu lên một tiếng rồi ngã xuống.
Yurikô không phải chỉ kể suông : Cô ta còn diễn lại hẳn hoi. Kết quả là cô ta đã làm cho mọi người hình dung được sự việc một cách khá trực quan.
- Xung quanh có cả một đống những phóng viên nhiếp ảnh !... Lúc bấy giờ anh diễn viên đã chuẩn bị bắt tay Đzyunkô. Thế là anh ta đứng sững ra. Và cũng la lên.
- Thế là bức ảnh chưa kịp chụp à ?
- Sao lại chưa chụp ? ! Những cảnh như thế thì người ta chụp mệt nghỉ ấy chứ, bao nhiêu cũng vừa... Hanađzyô Đzyunkô dưới ánh sáng của những ngọn đèn Jupiter !... Cô ca sĩ nổi tiếng đang mỉm cười... Hanađzyô Đzyunkô đang được đưa vào bệnh viện !
- Nghĩa là cô ta cố gượng được một lúc rồi sau đó vẫn xỉu, phải không ?
- Ngã lăn ra đất à ? - Một cô y tá khác háo hức hỏi.
Phụ nữ vốn rất mê những chuyện xì-căngđan, nhất là khi những chuyện ấy không có liên quan đến bản thân họ.
- Chứ sao nữa. Nhưng người ta lập tức bế cô dậy và đặt nằm ở đi-văng.
- Việc ấy xảy ra ở phòng tiền sảnh à ?
- Không. Khách sạn đã tràn thiết một phòng lớn cho buổi họp báo.
- Thế cô ấy ăn mặc thế nào ?
- Ô- ô ! Rất các liệt ! Các cô thử tưởng tượng mà xem, một chiếc xoa màu vàng rực, có thêu một con bướm đỏ chạy những đường xanh xanh. Thêu ở đây này. - Yurikô dùng hai tay vẽ thành một vòng tròn lớn trên vạt áo của mình. - Một con bướm to tướng hai cánh dang rộng. Nói chung, rất thần tiên. Mình chưa bao giờ trông thấy một cái gì tương tự.
- Rất hợp với bài hát nhỉ.
- Chinh thế. Và các cô thử tưởng tượng xem : Cô ta đã ngất đi trong một trang phục như vậy.
Các cô y tá cố sức tưởng tượng cho ra cái khung cảnh ấy.
- Chắc trông đẹp lắm nhỉ ?
- Cái gì đẹp ?
- Thì cái con bướm ấy.
- Con bướm thì đẹp tuyệt. Chỉ có điều là lúc ấy nó ướt đầm những máu...
Mấy cô y tá nhìn nhau cười khúc khích.
- Nhưng có ai biết sự thật do đâu mà ra thế đâu !...
Các cô rất lấy làm hãnh diện vì chỉ có họ chia xẻ được điều bí ẩn của cô "minh tinh".
- Khi chở đến đây cô ấy vẫn mặc chiếc áo ấy à ?
- Thì dĩ nhiên. Còn thì giờ đâu mà thay áo cho cô ấy, nếu chậm trễ thì chỉ có nguy thêm.
- Thế mặt cô ấy ra sao ?
- Tái xanh như chết rồi ấy. Nhưng rất đẹp, trông mà choáng người đi ấy !
Yurikô ép chặt hai tay lên ngực, hai mắt đảo lên mi trên trông khi ôn lại cái cảnh bất hủ cô vừa được chứng kiến.
- Rồi sao nữa ?
- người ta đã gọi điện cho bác sĩ Naôê, và bác sĩ đã ra lệnh đưa ngay cô ta vào phòng mổ.
- Vẫn để nguyên chiếc áo ấy à ?
- Bác sĩ Naôê khi bước vào phòng mổ cứ há hốc mồm ra.
- Thế rồi sao nữa, sao nữa ? - Akikô giục rối rít.
- Rồi thì... Ôi khủng khiếp quá ! Khi ông ấy nghe nói huyết áp còn có tám mươi, ông ấy tiêm ngay thuốc cầm máu và mổ lại lần nữa. Lại tiếp huyết thanh. Sáng hôm nay cô ấy đã hơi đỡ. Ông bầu ở bên cạnh cô ấy suốt đêm không rời một bước.
- Giữa hai người có cái gì không nhỉ ? Akikô hỏi.
- Biết nói thế nào với cậu đây.. Không biết cô ấy có quá quen thuộc với ông ta không ? Hôm qua ông ta đưa vào bệnh viện đủ thứ đồ, kể cả đồ lót, thế mà cô ấy vẫn tỉnh bơ như không.
- Ông ấy chăm sóc cô ta từng li từng tí...
- Nhưng cái thai hình như không phải của ông ấy.
- Thế- ế- ế à ? !
- Hôm nay Kenđzi Tanimôtô có đến thăm Đzyunkô. Đem vào cả một đống quả và một bó hoa to tướng.
- Đúng, đúng. Chính đó mới là kép của cô ta. Thậm chí trên các báo người ta còn viết về chuyện này.
- Ôi, không thể hiểu được mấy ông bà nghệ sĩ.
Và mấy cô gái thở dài thườn thượt.
Naôê chỉ khám được Đzyunkô lúc hai giờ - Ông trở lại bệnh viện sau mười giờ, cho nên không có thì giờ đi thăm các phòng bệnh trước buổi nghỉ trưa. Nôrikô, vẫn còn buồn bực vì câu chuyện hôm qua, không muốn đi theo Naôê thăm các phòng bệnh nhân lắm, nhưng cô cũng muốn nhìn Đzyunkô một chút. Sự tò mò đã giành phần thắng, và Nôrikô quyết định đi đến phòng cô ca sĩ với Naôê.
- Lấy nhãn áp kế ! - Naôê nói, như thế giữa hai người không hề có chuyện gì xảy ra, không hề có cuộc chia tay nặng nề hôm qua. Trong khi vội vã bước theo ông, Nôrikô nhớ lại mấy tấm phim X-quang mà cô đã tình cờ phát hiện. Nhìn vào lưng Naôê, cô chợt hình dung rõ nét những đốt xương được tia Roentgen vạch trần ra : Những khối trắng trắng trên cái nên đen của âm bản.
"Nhưng tại sao anh ấy lại chỉ nghiên cứu cột xương sống của bản thân mà thôi ? " - Nôrikô thắc mắc. Hôm qua cô đã nghĩ rất lâu về vẫn đề này, nhưng rốt cục vẫn không tìm được cách giải thích. Cô rất muốn hỏi thẳng Naôê, nhưng lại hiểu rằng việc đó không thể được. Vì cô mới chỉ nảy ra cái ý lau bụi trong tủ thôi mà anh ấy đã giận điên lên rồi. Nếu cô thú nhận là đã trông thấy mấy tấm phim thì mọi thứ sẽ tiêu ma. Có thể biết chắc như thế. Ý muốn biết sự thật tha thiết đến nỗi cô có thể vui lòn ghy sinh tất cả những gì mình đang có.
"Chỉ một ngày sau mọi sự sẽ bị quên hết ", - Nôrikô tự nhủ.
- Trên cánh cửa dẫn vào phòng Hanađzyô có treo một tấm giấy nhỏ đề hàng chữ : "Cấm thăm hỏi bệnh nhân ". Hai người gõ cửa và bước vào. Trong phòng ngự trị một ánh sáng mờ mờ màu xanh lục. Đzyunkô đang nằm yên, hai mắt nhắm nghiền. Khuôn mặt cân đối được hóa trang cẩn thận của Đzyunkô chìm trong đống gối đệm.
- Ngủ à ?
- Cách đây một giờ có tỉnh dậy một lát, nhưng rồi lại ngủ...
Ông bầu ngồi ở cạnh giường đứng dậy đưa tay về phía chồng gốị
- Thôi. Nếu cô ấy ngủ thì đừng đánh thức.
Naôê luồn tay dưới tấm chăn, cầm lấy cườm tay mảnh khảnh của Đzyunkô bắt đầu đếm mạch.
- Không có gì thay đổi chứ ?
- Không. Cứ ngủ li bì thế thôi.
- Mấy hôm vừa rồi quá mệt.
Ông bầu ngượng nghịu giấu kín đôi mắt.
- Để cô ấy nghỉ.
- Vâng ạ
Sau bài học kinh nghiệm cay đắng vừa qua, ông bầu không có ý định chống chế gì nữa.
- Cô ấy chưa ăn gì à ?
- Kể từ hôm qua chưa ăn chút gì.
- Khi nào cô ấy tỉnh dậy, ông phải ép cô ấy ăn một chút.
- Vâng.
Naôê đã toan bỏ đi, nhưng ông bầu giữ lại :
- Dĩ nhiên sau khi xảy ra những việc như vừa rồi mà hỏi ngay thế này thật không phải... Cô ấy còn phải nằm ở đây bao lâu nữa ạ ?
- Được năm ngày thì tốt.
- Năm ngày ? !
- Ông lại định lôi cô ta đi đâu nữa sao ?
- Ồ không, bác sĩ hỏi gì lạ thế. Cô ấy đã ngất đi trước mặt mọi người. Bây giờ sẽ không có ai dám nói gì, dù cho chúng tôi có xé hợp đồng chăng nữa.
- Thế à ?
- Bác sĩ không biết, chứ ông chủ tịch công ty truyền hình đã cho tôi một trận nên thân.
- Vì sao ?
- Tôi đã giấu không cho ông ta biết cuộc phẫu thuật, và bây giờ mọi việc đều đã lộ ra hết. Ông ta chửi tôi thậm tệ vì đã không cho ông ta biết sự thật.
- Ừ- ừ...
- Tình cảnh thật là... - Ông bầu gãi gãi sau gáy và nói thêm : - Tôi đã bàn kỹ với ông ta và cả hai đã quyết định không nên vội. Cứ để cho Đzyunkô nghỉ ngơi cho thật lại sức.
- Cho cô ấy nằm một tuần thì tốt.
- Cũng được, chỉ lo bọn phóng viên.
- Vậy ông đề nghị thế nào ?
- Tôi nghĩ rằng hôm nay sẽ có bọn phóng viên của tuần báo phụ nữ kéo đến, có thể có cả phóng viên của mấy tờ báo khác nữa... Phải giấu sao cho họ đừng biết sự thật.
- Ta sẽ nói là cô ấy viêm ruột thừa.
- Có đủ để cho họ tin không ? Họ không đóan ra được sao ?
- Có thể nói rằng từ hôm qua cô ấy đã lên cơn đau, liền tiêm thuốc giảm đau để lên sân khấu, nhưng rồi cái ruột thừa bị viêm đã đột nhiên vỡ ra.
- Trong những trường hợp như vậy phải nằm viện bao lâu ?
- Khoảng một tuần.
Ông bầu ngẫm nghĩ một lát.
- À khoan đã, - Naôê như sực nhớ ra điều gì, - Cô ấy đã mổ cắt ruột thừa chưa ?
- Chưa. Không có sẹo.
- Hừm... Mổ mà không có đường khâu - chuyện đó không thể có. Tuy.. Thôi được, để đánh lừa bọn nhà báo thì như thế cũng được.
- Xin bác sĩ làm ơn giúp cho, chúng tôi rất cảm ơn.
Ông bầu xoa hai tay và cúi chào.
Đêm hôm ấy Kôbasi trực. Theo lệ thường, cô y tá cùng ở lại trực với anh ta là Akikô Takaghi. Ngoài ra còn có một y tá tập sự là Tômôkô Kawaai ở lại giúp Akikô. Kôbasi ngồi bên máy thu hình một lát rồi sang phòng nữ y tá nói chuyện phiếm. Nhưng các cô y tá chỉ dám nói chuyện phiếm sau chín giờ, khi đã tắt đèn ở các phòng bệnh nhân. Nếu bác sĩ có thì giờ rỗi, thì như thế không có nghĩa là các nữ y tá không có việc gì làm. Tối hôm ấy công việc cũng không thiếu. Có ba bệnh nhân lần lượt đết phòng khám ngoại trú. Lẽ ra họ phải đến ban ngày, nhưng vì bận công việc nên phải đến vào lúc tám giờ. Sau đó lại có một người đàn bà đưa đứa con trai năm tuổi đến bệnh viện. Thằng bé kêu đau đầu dữ dội. Cặp nhiệt kế thì thấy ba mươi tám độ. Amiđan của nó đỏ và sưng. Kôbasi bôi thuốc vào họng nó, tiêm cho nó rồi kê đơn xirô hạ sốt có pha chất kháng sinh. Sau đó lại có một chiếc xe cấp cứu chở đến một người bị ngất ở ngoài đường.
Mặt người đàn ông xanh xao và bất động. Thoạt nhìn đã có thể thấy rõ ngay người ấy ngất không phải vì mệt, mà vi một bệnh gì đấy. Tuổi người đàn ông vào khoảng sáu mươi. Tóc ông ta gần bạc hết, hàm răng đã rụng khá nhiều. Ở bên ngoài bộ com-lê có khoác một chiếc áo măng-tô, nhưng cả áo măng-tô lẫn bộ đồ đều đã sờn cũ, riêng cái áo măng-tô lại mất hẳn lớp vải lót.
- Người này từ đâu đến ?
- Có ai biết đâu. Trong túi thấy có tờ giấy. Cứ theo tờ giấy thì tên ông ta là Kôkichi Uênô, nhà ở gần Namikibasi, - người hộ lý tải thương nói. - Hiện đang tìm cách bắt liên lạc với gia đình, may ra sẽ có người nhà ông ta đến.
Kôbasi đo huyết áp, nghe phổi cho bệnh nhân. Huyết áp gần như bình thường, thậm chí hơi gấp một chút. Phổi không có tiếng ran nhưng tim thì hình như có tiếng thổi. Kôbasi là bác sĩ phẫu thuật cho nên không dám tin lắm vào những tri thức của mình về nội khoa. Có thể là nhồi máu nhẹ chăng ? Vả chăng xem ra tình trạng giống như kiệt sức nhiều hơn. Giá là ban ngày có thể rỏ ngay, nhưng bây giờ thì không thể kiểm tra toàn diện được.
- Cứ tiếp glucôza cho ông ta đi đã, để tăng cường hoạt động tim mạch.
Kôbasi ghi chỉ định này vào bệnh án.
- Bác sĩ cho nhập viện chứ ?
- Dĩ nhiên. Chẳng lẽ tôi lại cho ông ta về trong một tình trạng như thế này !
- Phòng nào ạ ?
Akikô đưa mắt nhìn ông già đang nằm yên, mắt nhắm nghiền. Trông ông ta chẳng có vẻ sang trọng chút nào.
- Phòng chung còn chỗ không ?
- Hết rồi ạ.
- Còn phòng hạng ba ?
- Cò một phòng bỏ không, nhưng sắp có người vào nằm rồi.
- Thôi được. Tạm thời đưa vào đấy.
- Mức chênh lệch sẽ là một ngàn yên mỗi ngày.
- Tôi biết. Không việc gì phải nhắc tôi những chuyện như vậy. Hãy lo lấy việc mình thì hơn. Đưa ngay về phòng đi.
Akikô cau mày.
Kôbasi quay trở về phòng điều hành, ngồi uống trà một mình. Anh nhìn lên đồng hồ thì thấy đã tám giờ rưỡi.
"Trong cái bệnh viện này lúc nào cũng chỉ nghe nói tiền với tiền... " - Anh bực tức nghĩ thầm. Cứ mỗi lần có bệnh nhân mới đến lại phải xác định xem người ta có thể trả bao nhiêu, rồi sau đó mới chỉ định cho người ta nằm phòng nào.. Nếu lúc nào cũng phải nhớ đến tiền thì làm sao có thể yên tâm mà điều trị bệnh nhân ?... Trong bệnh viện của trường đại học, Kôbasi không phải nghĩ đến những chuyện như vậy. Ở đấy tất cả đều do tình trạng của bệnh nhân quyết định, thêm vào đấy có chăng cũng chỉ là vấn đề còn chỗ hay hết chỗ. Trong một bệnh viện tư thì tình hình khác hẳn. Hình như mọi người ở đây không lo đến sức khỏe của con người bao nhiêu, mà lo nhiều hơn đến số tiền mặt hay giấy bảo hiểm của bệnh nhân.
"Họ ra sức nuông chiều các bệnh nhân phòng thượng hạng và hạng nhất. Còn các bệnh nhân khác thì họ nhổ toẹt vào... "
Kôbasi hết sức phẫn uất về cái tình trạng phân biệt bệnh nhân giàu nghèo trong bệnh viện Oriental. Theo anh nguyên tắc duy nhất đúng là cho các bệnh nhân nặng nằm phòng riêng, còn bệnh nhẹ thì nằm phòng chung. Trong khi đó ở đây tình hình khác hẳn. Trong các phòng thượng hạng và hạng nhất nhiều khi được dành cho những người đau những bệnh hết sức đơn giản, hoặc dành cho những người muốn nghỉ ngơi.
"Không biết những bệnh nhân như thế thì việc gì phải khám với chữa ? "- Kôbasi tự hỏi.
Ông thân sinh của Kôbasi làm việc trong một nhà máy cán thép ở Kamêiđô, gia đình ông sống rất thanh bạch và từ bé đã dạy cho anh quen tiết kiệm, cho nên anh thấy những người ném mỗi ngày mười lăm ngàn yên để mua ái quyền hưởng thụ sự yên tĩnh là những con người thực sự bất bình thường.
- Thật là kỳ quặc ! - Kôbasi lầu bầu thành tiếng rồi uống nốt chén trà nguội.
Anh đã định mở tivi thì có tiếng chuông điện thoại. Máy điện thoại đặt ở cuối phòng.
- Alô ! - Trong ống máy có thể nghe rõ một giọng đàn ông rắn rỏi. - Bệnh viện Oriental phải không ?
- Vâng.
- Tôi cần nói chuyện với bác sĩ trực.
- Tôi nghe đây.
- À, chính tiên sinh đấy à ? Xin lỗi tiên sinh, muộn thế này...
Giọng nói rất thân mật, nhưng không hề gợi một ký ức nào trong trí Kôbasi.
- Đzyunkô Hanađzyô hình như đang nằm ở bệnh viện các ngài phải không ạ ?
Kôbasi đã biết rằng cách đây hai ngày Đzyunkô đã qua một phẫu thuật và bây giờ cô ta lại vào bệnh viện sau một tai biến gì đấy.
- Cô ta bây giờ ra sao ?
- Xin lỗi, ông là thế nào với cô ấy ?
- Tôi tên là Murai. Tôi là chỗ rất thân tình với Hanađzyô. Cho nên tôi rất lo, không biết cô ấy...
- Nói chung là khả quan.
- Bao giờ cô ấy sẽ ra viện ?
- Ít nhất là hai ba ngày nữa.
- Hai ba ngày... - Người đàn ông nhắc lại, ra vẻ tư lự.
- Lần trước cô ấy ra viện sớm quá. Cho nên kết quả mới thế này. May mà không có mệnh hệ nào. Chỉ hơi bị băng huyết.
- Thế à ? Bác sĩ nói là băng huyết à ?
- Tôi không phải là bác sĩ điều trị bệnh nhân này nên không biết chi tiết. Nhưng theo chỗ tôi được nghe thì mọi biệnh pháp cần thiết đã được thi hành.
- Thế thì ca này cũng nghiêm trọng phải không ạ ?
- Những chuyện này không đùa được đâu. Dẫu sao cũng được ba tháng.
- Thế- à- ế- à... ?- Murai dài giọng ra có vẻ kinh ngạc.
- Đây tuyệt nhiên không phải một chuyện không đâu. Phá thai chính là một sự can thiệp thô bạo vào quá trình tự nhiên trong một cơ thể sống.
- Sao ?! Cô ấy... có...
- Một phẫu thuật như thế là một sự báng bổ đối với thiên nhiên, một sự vi phạm đối với những quy luật của nó.
- Ra thế đấy... Vậy thì còn hai ngày nữa ?
- Cô ấy là người giàu có, thành thử tôi cũng khó trả lời câu hỏi của ông - Kôbasi nói qua kẽ răng, giọng khó chịu.
- Xin lỗi, ngài cho biết quí danh ?
- Kôbasi.
- Ngài là bác sĩ nội khoa ạ ?
- Phẫu thuật.
- Xin cảm ơn rất nhiều.
Trong ống máy vang lên những tiếng tít tít ngăn Kôbasi lấy làm khó chịu vì người ta đã làm phiền anh vì Đzyunkô Hanađzyô.
Một đối tượng cưng chiều của báo chí và truyền hình... Vào bệnh viện lúc tối mịt, được đưa vào phòng mổ ngay, rồi sáng hôm sau bất chấp ý kiến của các bác sĩ, vội vàng ra viện vì có "chương trình".. Thế rồi lại trở vào vì có tai biến, và lần này cũng khá khuya. Trả đến mười lăm ngàn yên một ngày, ông bầu và cô thư ký phải nhón chân đi lại xung quanh, còn cô ta thì cứ nằm yên đấy, có ai hỏi trong người ra sao cũng không buồn mở miệng, đã có mấy người hầu trả lời thay.
"Thôi thì cứ cho rằng Hanađzyô là một nghệ sĩ, có thể nói là không phải người trần. Nhưng việc gì cả bệnh viện phải cuống cuồn lên vì một cô đào hát như vậy ? Dĩ nhiên đây là lỗi của Naôê. Cứ cho là hiện giờ ông ta làm cho một nhà kinh doanh tư nhân, thế nhưng dù sao cũng đã có thời tỏ ra xuất sắc trong bệnh viện của trường đại học và được coi là một ngôi sao sáng của khoa học. Lại còn chiều chuộng ông bầu của Hanađzyô.. như thế nghĩa là ông ta cũng chịu khuất phục sức mạnh của đồng tiền... "
Kôbasi buồn thở dài.
Trên tivi người ta đang truyền hình một buổi biểu diễn ca nhạc. Các minh tinh của loại nhạc nhẹ lần lượt ra trước micrô trình diễn những ca khúc được ưa chuộng nhất của tuần qua. Người điều khiển buổi diễn, mà Kôbasi nhìn mặt thấy quen quen tươi cười mời lên sân khấu môt nữ ca sĩ mảnh khảnh. Cũng giống như Đzyunkô, cô ta có cái giọng hơi khàn. Kôbasi đã trông thấy cô trên màn ảnh nhiều lần. Sau khi trao đổi với cô ca sĩ mấy câu khách sáo, người điều khiển bỗng nói :
- Gần đây Đzyunkô Hanađzyô bị ngất xỉu ngay trên sân khấu. Tôi hy vọng rằng cô sẽ không gặp phải cảnh ấy chứ ?
- Tôi thì không thế đâu, - Cô ca sĩ cười.
- Cô cẩn thận đấy. Chứ không thì.. Cô nên biết rằng đã có một ngôi sao rơi thì sẽ có những ngôi sao khác rơi theo. Không khéo nổ ra cả một nạn dịch tễ. Nhưng tôi nói gì thế này ? Bệnh viêm ruột thừa có bao giờ truyền nhiễm đâu !
- Ôi, đến chết cười ! - Cô gái cười phá lên, rồi dùng một cử chỉ rất kiểu cách, cô ta cầm micrô đưa lên môi.
- Viêm ruột thừa ư ? - Kôbasi lẩm bẩm, lòng hoang mang. Anh không nghe nhầm : người điều khiển vừa rồi nói rất rõ "viêm ruột thừa"... Cô ta đã trả lời : "Ôi, đến chết cười!" - và cả hai đã cười rộ.
"Ra thế đấy.. Như thế có nghĩa là đối với công chúng thì Đzyunkô bị viêm ruột thừa... "
Kôbasi có một linh cảm rất khó chịu. Rõ ràng là khi trả lời điện thoại anh đã nói ra những điều tuyệt nhiên không nên nói một chút nào. Kôbasi tắt máy thu hình và đi xuống phòng các nữ y tá. Cô Kawaai ngồi buồn một mình đang cầm bút chì đỏ vẽ cái gì trên tờ giấy ghi nhiệt độ.
- Takaghi ở đâu ?
- Cô ấy đi thăm qua cái ông già vừa được xe cấp cứu chở vào.
Kôbasi ngồi xuống đi-văng và thẫn thờ nhìn lên bức tường. Cái giá đựng thuốc, cái tủ con đựng dụng cụ.. Những cái ống tiếp huyết thanh...
- Người nhà ông ấy chưa đến à ?
- Bà vợ vừa đến xong.
- Ông ấy có con cái gì không ?
- Hình như không.
- Giấy bảo hiểm ra sao ?
- Ban nãy có điện ở sở cảnh sát gọi đến. Hình như ông ấy được hưởng phụ cấp cho những người nghèo túng. Nhưng cũng chưa rõ lắm.
- Chế độ cứu trợ cho những người sống trong cảnh khốn cùng...
Kôbasi ngán ngẩm. "Bác sĩ trưởng lại tha hồ mà nhăn nhó !"
Anh đứng dậy và bứt rứt đi đi lại lại trong phòng. Mãi bây giờ Akikô mới trở về. Trông thấy Kôbasi, cô ta báo cáo :
- Bệnh nhân bắt đầu ớn lạnh, nhiệt độ ba mươi chín.
Ban nãy Kôbasi phỏng đoán rằng ngất đi là vì trương lực bị giảm. Nhưng bây giờ anh thấy hình như tình hình tuyệt nhiên không đơn giản như vậy.
- Có kêu đau gì không ?
- Không. Nhưng nhịp thở hơi mau.
- Rất lạ...
Kôbasi không hiểu gì hết. Bệnh gì thế nhỉ ?...
- Dù sao cũng phải tiêm thuốc hạ sốt. Mêtilon một ống.
Kôbasi buông một tiếng thở dài nặng trĩu và ngước mắt lên Akikô. Cô đang bưng trên tay một cái chậu tiểu tiện của bệnh viện.
- Của ông ấy à ?
- Không. Của Đzyunkô Hanađzyô.
- Cha chả... Lại còn phải đi đổ bô cho cô ta nữa đấy à ?
Kôbasi thấy chỗi quá. Akikô nâng cái chậu lên, và chất nước vàng vàng ở bên trong chao qua chao lại.
- Mới mổ xong, cô ta đã chạy đi biểu diễn ! Thế thì việc gì bây giờ phải lăng xăng hầu hạ cô ta ?
- Cô ta cần chăm sóc rất cẩn thận. Đã một lần tai biến rồi.
- Đáng lẽ cô ta phải đi được từ lâu rồi.
- Cô ta ngủ suốt ngày.
- Còn cô thì đi đổ bô cho cô ta. Cứ như công chúa ấy !
Akikô giận đỗi trao cái chậu cho cô Tômôkô đang hóng chuyện.
- Đi đổ đi.
Tômôkô ngoan ngoãn gật đầu cầm lấy chậu và ra khỏi phòng.
Khi cánh cửa đã đóng lại sau lưng Tômôkô, Kôbasi hỏi :
- Này, có phải giữ bí mật không ? Chuyện Hanađzyô ấy mà ?
- Dĩ nhiên. Bác sĩ Naôê đã dặn nói với người ngoài là cô ta bị viêm ruột thừa.
- Thế ra vẫn là viêm ruột thừa... - Kôbasi bực tức nhắc lại.
- Có việc gì thế - Akikô chột dạ
- Vừa rồi có một người gọi điện cho tôi...
- Em biết rồi. Người ấy hỏi bác sĩ trực, và em nói cho người ấy biết số điện của anh.
- Hắn nói tên hắn là Murai và hắn là chỗ thân tình của Đzyunkô Hanađzyô.
- Hắn cần hỏi gì ? - Akikô ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Kôbasi.
- Tôi đã nói cho hắn biết sự thật...
- Thật à ?! - Akikô kêu lên.
- Phải. Hắn tự giới thiệu là bạn thân của Đyunkô mà...
- Không phải đâu. Chắc lại là một anh phóng viên nào đấy.
- Tôi làm sao biết được !...
- Có lẽ ta thử hỏi Hanađzyô-san xem sao ?
- Có lẽ thế. Nhưng thôi, khoan đã, - Kôbasi do dự.
- Thế anh không hỏi xem hắn ở đâu, làm gì à ?
- Không. Chỉ có hắn hỏi suốt.
- Nếu đó là một gã phóng viên... Ôi, cớ sự sẽ ra sao !...
- Thế sao, chỉ có ông bầu biết sự thật thôi à ?
- Ông ta, cô thư ký của Hanađzyô và chủ tịch công ty truyền hình. Ngoài ra không còn ai nữa. Có lệnh không cho khách vào thăm cô ta. Chỉ có ông bầu tiếp họ.
- Ra thế...
Kôbasi siết mấy ngón tay mạnh đến nỗi phát đau lên. Anh đã vô tình làm một việc cực kỳ ngu xuẩn.
- Vậy em sẽ hỏi Hanađyô-san ?
- Thôi đừng. Bây giờ chẳng còn ăn thua gì nữa.
- Thế nhỡ họ quen nhau thật thì sao ? Có phải là anh trút được một gánh nặng không!
- Cái đó không liên quan gì đến vấn đề. - Kôbasi đột nhiên nổi khùng. - Vả chăng người thầy thuốc không hề có bổn phận xác minh căn cước và tư cách của những người hỏi thăm sức khỏe của bệnh nhân.
- Nhưng Hanađzyô-san không phải là người thường.
- "Không phải người thường" nghĩa là thế nào ? Làm như thế cái đó có một ý nghĩa gì. - Môi Kôbasi run lên. - "Minh tinh" cơ chứ ! Cô ta cũng là một con người như ông già vừa chở đến hôm nay. Ở cái bệnh viện này người ta quá ưa chuộng những người nổi tiếng !
- Nhưng vị trí của cô ấy...
- Đối với những người chữa bệnh điều đó không có ý nghĩ gì.
- Chẳng lẽ bác sĩ Naôê không dặn anh ?
- Tôi không nhớ.
- Lạ thật. Hôm nay có người phóng viên của tuần báo phụ nữ đến và bác sĩ Naôê có nói với anh ta rằng Hanađzyô bị viêm ruột thừa, sau đó bà y tá trưởng tập hợp chúng em lại cảnh cáo là không được nói hở chuyện này ra.
- Tôi không hề biết chút gì về những việc đó.
Chuông điện thoại trong phòng reo lên, Akikô cầm lấy ống máy. Kôbasi đứng im nhìn ra cửa sổ. Quả thật anh không biết chút gì về cách thuyết minh chính thức của bệnh tình của Hanađzyô, nhưng bây giờ thì đều đó là một niềm an ủi quá yếu ớt.
- Chờ cho một phút, - Akikô lấy tay bịt ống máy, - Họ đến đấy ! Người của báo "Syukan Lady".
- Họ muốn gì ? - Kôbasi chau mày khó chịu.
- Vẫn chuyện ấy. Vẫn chuyện Hanađzyô-san !
- Nói với họ là tôi không có ở đây.
Akikô gật đầu và áp ống máy vào tai.
- Bác sĩ Kôbasi về nhà rồi... Vâng, hoàn toàn bất ngờ... Cái gì ạ ? Không, việc đó tôi không biết.
Sau khi trao đổi với những người ở bên kia đường dây mấy câu vô nghĩ nữa, cô đặt ống máy xuống.
- Cái thằng cha lì lợm !
- Hắn nói gì ?
- Hắn nói : Bác sĩ Kôbasi ắt là có mặt ở đây. Cô phải cho tôi nói chuyện với bác sĩ. Việc này rất quan trọng.
- Ắt phải có mặt ở đây à ? - Kôbasi ngạc nhiên hỏi.
Akikô ngẫm nghĩ.
- Thế còn cái lão Murai ấy, không biết có phải ở tòa bao "Syukan Lady" không ?
- Không có lẽ.
- Họ cứ một mực nói rằng mới cách đây một giờ anh còn ở đây. Họ làm thế nào mà biết được nhỉ ?
- Ừ- ừ...
- Họ lại hỏi đúng "bác sĩ phẫu thuật Kôbasi" kia chứ.
Kôbasi nhớ lại rằng trong khi nói chuyện với Murai mình đã xưng tên ra.
- Chắc chắn đó là một tay phóng viên ! Vì thế hắn mới biết Hanađzyô.
Kôbasi bực mình tặc lưỡi một tiếng rồi đứng dậy.
- Nếu thế thì hắn đểu thật !
- Theo em, phải nói hết với bác sĩ Naôê
Akikô với tay về phía tập danh bạ điện thoại treo phía trên bàn.
- Khoan đã. - Kôbasi hằn học nhìn Akikô. - Không cần gọi.
- Tại sao ?
- Đã bảo không cần là không cần.
- Nhưng mà ông ấy có thể lâm vào một tình thế rất gay go. Mai cái gã phóng viên ấy sẽ chạy đến đây từ lúc tờ mờ sáng.
- Hắn cứ việc
Kôbasi bứt rứt tựa mình trên ghế.
- Hai bác sĩ của cùng một bệnh viện mà lại nói khác hẳn nhau, như thế có phải là kỳ quặc không ?
- Dĩ nhiên là kỳ quặc. Nhưng còn biết làm thế nào.
- Thật là ngoan cố một cách ngu xuẩn.
Trong những cuộc cãi nhau, Akikô rất chống mất tự chủ và trong cơn nóng giận cô nói chuyện với Kôbasi với cái giọng mà chỉ có một người tình mới có thể tự cho phép mình dùng - không giữ một chút lễ độ nào hết.
- Chà, ngoan cố à ?
- Anh có hiểu anh đã gây ra một tai họa như thế nào không ? Vì anh mà thanh danh của bác sĩ Naôê có thể bị vùi dập !
- Bậy bạ ! Thanh danh của tôi đi đời thì có : Mọi người đều nhổ toẹt vào cái thanh danh ấy. Có ai thèm nói với tôi là Hanađzyô Đzuynkô bị "viêm ruột thừa" đâu ? Tôi là bác sĩ mà người ta coi tôi không bằng một cô y tá quèn.
Ở Kôbasi sự chân thành và tính cương trực phối hợp lại thành một tính nóng nảy không có gì kiềm chế nổi. Akikô yêu thích cái tính bộc trực như trẻ con của anh, nhưng nhiều khi cô cũng thấy sợ cho anh.
- Bác sĩ Naôê không nói với anh, chắc hẳn không phải vì có chủ ý như thế đâu. Chẳng qua ông ta quên, - Akikô phỏng đoán.
- Cái đầu của ông ta làm việc một cách tuyệt hảo. Tôi không tin rằng ông lại có thể "quên" một cách dễ dàng như thế.
- Anh cứ để em kể cho ông ấy nghe, làm như thể nhân tiện trong khi nói một chuyện gì đó.
Tômôkô đã quay vào, cho nên Akikô hạ giọng thì thầm:
- Làm như vậy thì anh sẽ không cần phân trần gì nữa.
- Đừng có xen vào việc của người khác khi người ta không yêu cầu !
- Nhưng...
- Chẳng qua tôi biết cái gì thì tôi chỉ nói đúng như thế. Tôi thấy không cần phải tự thanh minh, - Kôbasi dằn từng tiếng và quả quyết bước ra cửa.
Như có thể dự kiến trước, hôm sau có điện từ tòa soạn báo "Syukan Lady" gọi đến hỏi xem cụ thể việc gì đã xảy ra với Đzyunkô Hanađzyô. Phòng ghi danh trả lời rằng từ hôm qua bác sĩ Naôê đã thông báo mọi việc một cách cặn kẽ và không còn có gì để bổ sung vào đấy nữa.
Thế mà trong giờ nghỉ trưa, một tốp phóng viên đã đột nhiên xông vào bệnh viện.
- Chúng tôi đã cố hết sức mời họ ra về, nhưng họ cứ một mực: "Không sao, chúng tôi sẽ đợi". Và mãi cho đến giờ họ vẫn không chịu đi cho, - cô thư ký trực ở phòng ghi danh than phiền với Naôê như vậy. (Cô ta đã được lệnh tống khứ những ông khách không mời mà đến).
- Thật là trơ tráo !
Lúc bấy giờ Naôê sau khi ăn trưa, đang đánh cờ gô với kỹ thuật viên X- quang Sawađa. Xong ván cờ, ông miễn cưỡng đứng dậy.
Bọn phóng viên đang ngồi đợi ở phòng khách. Họ có hai người : Một người cao và gầy, người thứ hai thì ngược hẳn lại, thấp và mập.
- Xin lỗi bác sĩ, đã đến làm phiền...
Gã cao và gầy chia cho Naôê xem tấm danh thiếp. Hắn tên là Tanabê. Gã mập là phóng viên nhiếp ảnh.
- Tôi đã trả lời hết các câu hỏi của các ông rồi.
- Vân. Nhưng chúng tôi muốn... - Người gầy nói, và vừa lúc ấy ánh đèn flash chớp lên. Gã phóng viên nhiếp ảnh chồm về phía Naôê.
- Mặt mũi của tôi có ích gì cho các ông ?
- Dạ đó là đề phòng xa. Vì ngài là bác sĩ điều trị Hanađzyô.
Gã gầy nói chuyện thay cho cả gã nhiếp ảnh vì cấp bậc của hẳn cao hơn.
Naôê cau mày khó chịu.
- Thưa bác sĩ, có thật. cô ấy bị viêm ruột thừa không ạ ?
- Tôi còn phải nhắc lại câu đó bao nhiêu lần nữa ?
- Thế mà chúng tôi lại nghe nói khác hẳn: Cô Hanađzyô đã được phá thai ở đâu. - Gã phóng viên nhìn chằm chằm vào mặt Naôê, nhưng gương mặt ông vẫn điềm nhiên như không.
- Và cô ấy bị ngất là vì sau khi phá thai cô ấy ra viện sớm quá... Xin bác sĩ cho biết ý kiến về những điều đó.
Naôê nhìn kỹ hai gã phóng viên. Rồi ông liếc mắc xem lại tấm danh thiếp một lần nữa.
- Ai nói với các ông như vậy ?
- À, có một người nói...
- Tôi nhắc lại : Cô Hanađzyô bị viêm ruột thừa.
- Xin bác sĩ tin tôi, - gã gầy không nao núng, - chúng tôi không hề bịa đặt. Tin này chúng tôi lấy được ở một nguồn đáng tin cậy nhất.
Hai gã phóng viên hết sức chăm chú theo dõi Naôê. Ông dửng dưng nhún vai.
- Thế rồi sao nữa ?
- Chúng tôi muốn được nghe bác sĩ cho biết sự thật. Không nên lừa dối chúng tôi. - Gã phóng viên xử sự một cách tự tin và trâng tráo. - Sự việc đã xảy ra đúng như tôi vừa nói chứ gì ?
- Không.
Naôê trầm ngâm ngắm nghía cánh cửa kính.
- Chúng tôi có những bằng chứng không thể bác bỏ được.
- Đó là các ông tưởng thế.
- Được. Chúng tôi sẽ nói hết. Chỉ xin bác sĩ đừng té xỉu vì ngạc nhiên. Người đã kể cho chúng tôi nghe việc này làm việc trong bệnh viện của các ngài.
Gã phóng viên đưa mắt sợ sệt nhìn quanh. Trong phòng tiếp khách không có lấy một bóng người. Cô thư ký trực phòng thi danh đang thùa ren. - Vậy bác sĩ thử đoán xem ai ?
- Tôi không biết.
- À, thế thì chúng tôi xin giúp bác sĩ đoán ra đây, xin thêm một đặc điểm nữa : đó là một bác sĩ.
Gương mặt Naôê như có một bóng mây lướt qua, nhưng chỉ trong khoảnh khắc. Chỉ giây sau nó đã lại thản nhiên như không.
- Cũng một bác sĩ phẫu thuật như ngài. Ngài đã hiểu ra chưa ? Bác sĩ Kôbasi đấy ! - Gã phóng viên đắc chí cười gằn. - Tối hôm qua chúng tôi có gọi điện lại đây hỏi thăm sức khỏe của Hanađzyô. Bác sĩ Kôbasi đã ra trả lời điện thoại và đã nói hết ra một cách hoàn toàn bất ngờ.
Naôê im lặng gật đầu.
- Bây giờ bác sĩ sẽ nói ra sao đây ? Vẫn khẳng định rằng cô ta bị "viêm ruột thừa" như trước chăng ?
Lại một ánh chớp đèn flash. Naôê liếc nhìn cái máy ảnh, rồi khinh bỉ nhìn từ đầu đến chân gã phóng viên.
- Chỉ có thế thôi à ?
- Vâng. Bác sĩ thấy chưa đủ sao ? - Gã gầy làm ra vẻ ngạc nhiên. - Bác sĩ mà còn lừa dối chúng tôi, thì tôi sẽ viết cả về việc đó nữa.
- Các ông đang định viết về chuyện này à ?
- Chứ còn sao ? Đzyunkô Hanađzyô, người được công chúng ưa chuộng, ngất đi trước mắt mọi người. Đzyunkô Hanađzyô có thai. Với một gương mặt ngây thơ vô tội thế kia ! Ai mà tin được ! - Gã phóng viên nghẹn nào vì hưng phấn. - Chúng tôi nhất định sẽ viết ! Đây sẽ là một chuyện giật gân khiến ai nấy phải kêu trời lên. Thiên phóng sự hay nhất trong tất cả những thiên phóng sự về nàng đã được đăng trên các báo.
Naôê ngắm cái bể cá đặt ở phía sau lưng hai gã phóng viên. Trong bể mấy con cá kiểng nhiệt đới đang uể oải bơi, mình loang lỗ những vêt. màu vàng và màu xanh lục.
- Nói tóm lại, bệnh cô ta không phải là viêm ruột thừa.
- Viêm ruột thừa.
- Xin tiên sinh đừng cố chấp. Đằng nào chúng tôi cũng sẽ biết.
- Các ông bịa ra được cái gì thì cứ thế mà viết.
- Thế tức là bác sĩ đã trả lời "đúng"?
- Các ông lấy ở đâu ra thế ?
- Thì bác sĩ vừa nói là cứ viết như thế kia mà ?
- Vì các ông nói là đằng nào các ông cũng sẽ viết.
Hai gã phóng viên thở dài mệt mỏi.
- Tôi là bác sĩ điều trị Đzyunkô. Tôi nói với các ông rằng cô ấy bị viêm ruột thừa. Nếu các ông không tin tôi, các ông cứ xử sự theo ý các ông.
Naôê quay đi và bước về phía thang máy. Hai gã phóng viên nhìn theo cái bóng dáng cao và mảnh của ông.
- Thật là một món khó gặm, - gã phóng viên gầy lẩm bẩM khi Naôê đã khuất sau cánh cửa buồng thang máy.
Chương 10:
Trong phòng văn thư, Yutarô Ghyôđa đang nói chuyện với Tsuruyô Sêkiguchi. Hôm nay bà Rittsukô không đến bệnh viên, cho nên hai cô kế toán ở phòng văn thư tự động làm công việc điền các giấy tờ thanh toán tiền bảo hiểm.
- Kết quả chuẩn đoan vẫn chưa rõ à ?
Yutarô nhìn tờ bệnh án.
- Hôm nay chính bác sĩ Naôê đã khám bệnh nhân. Bác sĩ có thiên hướng nghĩ rằng tình trạnh có liên quan đến vấn đề máu.
- Bệnh máu ư ?...
- Bác sĩ Naôê có yêu cầu làm cả một loạt xét nghiệm : Trong khoảng năm ngày nữa mọi vấn đề sẽ hoàn toàn rõ.
- Ừ- ừ...
Bác sĩ trưởng lẩm bẩm, vẻ lầm lì, tay giở giở mấy tờ bệnh án.
Họ đang nói đến cái ông già mới được xe cấp cứu chở vào bệnh viện hôm qua. Khoảng hai giờ sau đó có một người đàn bà đứng tuổi chạy đến bệnh viện xác nhận rằng quả thật bệnh nhân tên là Kôkichi Uênô. Trước kia ông ta làm nghề mua bán đồ cũ, nhưng cách đây mấy năm ông bị đau chân không đi được nữa. Thậm chí có những ngày ông không ra được khỏi giường. Sau đó cả bà vợ cũng bắt đầu bị tê thấp, buộc lòng phải thôi việc ở quán nhậu, nơi bà làm công việc rửa bát đĩa, và bây giờ hai vợ chồng sống bằng số tiền trợ cấp của nhà nước dành cho những người bần cùng.
Bác sĩ trưởng rất ghét người nghèo, nhất là những người sống bằng trợ cấp.
- Cũng kỳ, trông người thì già khọm. Nhưng tuổi chỉ mới năm mươi hai!
- Vâng, không thể nào tin được, - bà y tá trưởng lă‘c đầụ – Trông phải đến ngoài sáu mươị
Năm mươi hai - tuổi Yutarô Ghyôđa cũng gần bằn ngần ấy. Nhưng đối với một nhà kinh doanh, lòng trắc ẩn là một xa xỉ phẩm không thể dung thứ được.
- Lão ta sống bằng tiền trợ cấp, thế mà lại cho nằm ở phòng hạng ba. Hạng này đắt hơn hạng công cộng. Lão ta làm sao có thể bù được chỗ chênh lệch?
- Có lẽ không bù được đâu, - Sêkiguchi thở dài.
- "Có lẽ" gì nữa! - Ghyôđa vặn lại. - Phải coi chừng nhắc lão ta trả cho đúng.
- Bác sĩ Kôbasi ra lệnh cho nằm đấy. Hôm qua ông ta trực. Mấy cô y tá đã can ngăn đủ cách mà ông ta vẫn không nghe.
- Cần phải quản lý bác sĩ Kôbasi! Mà đó chính là việc của cô và các nữ y tá. Kôbasi mới rời khỏi ghế đại học, còn nông nổi lắm. Lúc nào cũng chỉ chực xông ra trận. Lúc nào cũng chỉ biết "công bằng, công bằng" Chưa nếm mùi đời mà.
- Dù có thế nào thì ông ta vẫn là bác sĩ. Làm sao một cô y tá trẻ lại có thể dám cả gan nói với bác sĩ : "Không được cho bệnh nhân này nằm" ?!
- Có ai bắt cô ta phải nói như thế đâu. Có thể nói cách khác: "Một bệnh nhân sống bằng trợ cấp thì nằm ở phòng chung tốt hơn. Không nên để cho hắn ta nằm ở một phòng đắt tiền hơn, vì hắn ta không bù được số tiền chênh lệch". Đằng này lại vì một bệnh nhân như thế mà khước từ một người đang sắp sửa vào viện !
- Nhưng ở phòng chung làm gì còn chỗ. Chẳng nhẽ đuổi ông ta ra cửa ?
- Từ chố thì cũng có thể từ chối một cách thông minh : "Chúng tôi rất muốn nhận ông, nhưng chúng tôi hết chỗ rồi, vậy ông chịu phiền nhé, chúng tôi buộc lòng phải chở ông sang một bệnh viện khác ". Thế là chẳng ai mếch lòng.
- Bác sĩ Kôbasi dự kiến rằng người bệnh sẽ chóng khỏi. Kết quả là như thế đấy.
- Mấy cái anh chàng ở trường đại học ra chỉ biết bày chuyện nghiên cứu những vấn đề chẳng cần thiết cho ai và những cuộc tranh luận hoàn toàn vô bổ! Họ không hiểu được các bác sĩ tư sống khổ sở như thế nào.
- Tốt hơn là chính ngài nên nói thế nào đó cho bác sĩ Kôbasi hiểu. Chứ các nữ y tá phải có bổn phận thi hành răm rắp những mệnh lệnh của bác sĩ.
- Có nói hay không nói thì cái bọn bác sĩ trẻ ấy cũng chẳng hiểu gì.
Bác sĩ trưởng sai mấy cô kế toán pha trà. Bà y tá trưởng, như sực nhớ ra điều gì, nhìn đồng hồ rồi nói:
- Tôi phải đi.
- Theo như tôi hiểu, trong tình trạng này không thể động đến người bệnh à ?
- Nhất định như vậy.
- Có ai đến với hắn ta không?
- Vợ lão ta. Bà ấy thường xuyên ở bên cạnh lão ta!
- Thật đến khổ với cái bọn khố rách áo ôm ấy ! Tiền viện phí nhà nước trả cho họ bao giờ cũng đến chậm hàng háng, đôi khi còn chậm hơn nữa, rồi sau đó lại còn phải tiếp đủ các thứ ủy ban đến làm khổ mình... Họ cứ moi móc từng chuyện nhỏ không đâu. Họ hạch sách là mình kê đơn thuốc nhiều hơn số thuốc cần thiết, rồi trừ tiền đi... Dù là bác sĩ ở trường đại học thì lẽ ra cũng phải hiểu cho người ta chứ, - Yutarô càu nhàu.
- Rõ ràng là ở các trường đại học người ta không chịu dạy những chuyện đó. - Bà y tá trưởng vốn là bậc thầy trong nghệ thuật nói những câu xỏ xiên với một vẻ mặt và một giọng nói hoàn toàn ngây thơ vô tội.
- Không sao. Đến khi nào họ mở bệnh viện tư thì họ sẽ khắc hiểu. - Nói đoạn Yutarô đưa tập bệnh án cho Tsuruyô. - À, thế còn cái cô Đzyunkô Hanađzyô ra sao rồi nhi??
- Không có chuyển biến gì đáng kể.
- Vẫn ngủ à ?
- Có thức dậy được một lát rồi lại ngủ lại.
- Chà, giá được xem mặt cô ta một chút nhỉ !
- Xì, tiên sinh thật ! - Bà y tá trưởng cau mặt.
- Tôi nói thật đấy. Cứ muốn ghé một chút mà không làm sao tìm ra được một cái cớ hợp lý.
- Thì bác sĩ trưởng cứ làm như thể đi kiểm tra các phòng bệnh nhân. - Sêkiguchi mách nước.
- Ừ, thật đấy, có lẽ được đấy nhỉ.
- Không, có lẽ không được. Ông có phải là bác sĩ phụ khoa đâu ?
- Vậy thì làm thế nào bây giờ?
- Tôi nghĩ ra rồị Tốt hơn cả là ông cùng đi với bác sĩ Naôê.
- Ý hay đấy ! Naôê thì muốn đến phòng cô ta lúc nào cũng được.
- Đến chịu ông ! - Bà y tá trưởng nhíu đôi lông mày ra vẻ nghiêm khắc trong khi mấy cô gái ngồi phía sau Yutarô cười khúc khích. Giả sử bà Ritsukô có mặt ở đây thì Sêkiguchi chắc hẳn đã không tự cho phép mình ăn nói tự do như vậy, mà Yutarô cũng sẽ không dám đùa như thế.
- Các người giấu tôi một con búp bê mỹ miều như vậy để các người tha hồ ngắm nghía hẳn ?
- Nhân thể cũng nên biết rằng cô ta đã ba lần...
- Thế cơ à ?
Đôi mắt lươn của ông bác sĩ trưởng tròn xoe ra vì ngạc nhiên. - Vâng, - Tsuruyô mím môi - Trong bệnh án có ghi như vậy.
- Tôi không hiểu nổi những người đàn bà ấy... - Yutarô buông một tiếng thở dài nặng trịch.
- Vậy tôi sẽ nói với bác sĩ Naôê nhé ?
- Nói đi. - Ngả người trên đệm đi-văng, Yutarô chìm đắm vào những mơ ước êm đềm.
Chiếc xe hơi phóng vun vút về phía đông trên xa lộ tốc hành Tôkyô-Nagôya. Ở phía dưới, trên các sườn đồi có thể nhìn thấy những nếp nhà nép sát vào nhau. Tuy hôm nay là ngày nghỉ, đoạn xa lộ dẫn về thủ đô vẫn tương đối rộng rãi - đến tối hãy còn lâu.
Mayumi nói chuyện ríu rít mãi đến tận Yôkôhama, nhưng càng về đến gần Tôkyô cô càng sa sầm xuống và như khép kín mình lại.
- Papa sẽ về thẳng nhà à ? - Cô rời cửa kính và quay về phia Yutarô.
- Thì anh đã nói rồi mà.
- Thế là em lại chỉ còn lại một mình...
- Anh có việc mà.
- Em chả chơi thế đâu-u-u-u... - Cô nũng nịu.
- Em chịu phiền một tý. Từ tối hôm qua đến bây giờ chúng mình đã gần nhau suốt rồi còn gì.
Chiều hôm qua vào ngày thứ bảy Yutarô và Mayumi đã lên đường đi Hakônê, đến vùng suối nước nóng Ôôwakuđani và ở lại đêm ở đấy.
Chương 11:
Dĩ nhiên bà Ritsukô không biết gì về chuyến đi này. Ông Yutarô nói với vợ là mình đi dự cuộc thi đấu golf do hãng dược phẩm S. tổ chức. Quả thật cuộc thi đấu được dự định vào ngày chủ nhật và sẽ diễn ra ở thị trấn Sengôkuhara - về điều này Yutarô không hề nói dối, - nhưng trận đấu bắt đầu khá muộn, vào lúc mười giờ sáng, cho nên không cần gì phải lên đường từ ngày thứ bảy. Nhưng Yutarô khao khát hưởng thụ những cuộc ái ân với cô Mayumi tươi trẻ trong một khách sạn vùng núi bên cạnh những dòng suối, đã mời ông phụ trách tổ chức trận đấu về nhà và yêu cầu ông ta đóng cả một vở kịch trước mặt bà Ritsukô. Ông này, vốn là một phái viên thương mại của hãng S. lẽ dĩ nhiên đã đồng ý. Ông ta nói với bà Ritsukô, giọng phân trần.
- Cuộc tỷ thí sẽ bắt đầu rất sớm, vì vậy ông nhà phải lên đường từ hôm nay và ghé Hakônê nghỉ lại đêm.
- Tiếc nhỉ... Tôi cũng đã lâu không được đến Sengôkuhara...
Ritsukô đánh golf không thua chồng một chút nào, cho nên bà tiếc là phải. Bà buồn rầu ngước mắt lên bầu trời không gợn chút mây.
- Sau tết chúng tôi sẽ còn tổ chức một trận thi đấu nữa. Tôi hy vọng rằng lần này thế nào bà cũng sẽ đi dự !
- Thế bác sĩ Hirayama cũng đi chứ ?
- Dĩ nhiên.
Bác sĩ phẫu thuật Hirayama có một bệnh viện tư cách trường đại học Tôkyô không xa. Thời niên thiếu ông ta với Yutarô cùng học một lớp, rồi sau đó, khi đã bước lên con đường kinh doanh có thể, họ càng thân nhau và bây giờ cả hai gia đình thường lui tới nhà nhau rất thân tình. Sợ rằng Hirayama vô tình nói lộ ra, Yutarô và ông phụ trách tổ chức đã chịu khó mời ông ta cùng đi. Vì Hirayama không có nhân tình và tuyệt nhiên không thích thú gì việc phải ngủ lại đêm dọc đường, cho nên Yutarô phải chi tiền đi đường và phòng trọ cho ông ta. Một khi người ta có một địa vị tai mắt trong xã hội, ngay một cuộc du hý đơn giải cũng phải được trả giá không lấy gì làm rẻ.
- Tiếc thật đấy ! Hay có lẽ tôi cũng đi nhỉ ? - Ritsukô đột nhiên cao hứng lên.
- Bậy nào, bậy nào ! - Yutarô hốt hoảng xua tay lia lịa - Sao thế, mình quên rồi à ? Mai là lễ xem mắt của con Mikikô kia mà !
- Thì đã sao ? Mãi đến năm giờ chiều mới bắt đầu mà !
- Mình nói năng chẳng thèm suy xét gì cả
- Sáng sớm đã bắt đầu thi đấu. Phải không ?
Yutarô đưa mắt khẩn khoản nhìn ông phụ trách, mong tìm một chỗ dưạ.
- Phải, tám giờ, - ông xác nhận với cái giọng của một người có thẩm quyền. - Nhưng sau trận đấu của chúng tôi có tổ chức một bữa tiệc nhỏ, thành thử ít nhất phải đến ba giờ mọi người mới ra về.
- Thì đừng dự bữa tiệc nữa cũng được chứ sao, - Ritsukô bẻ lại.
- Sao bà lại nói vậy ! Làm sao đã tham gia cuộc thi đấu lại không đến dự cuộc gặp gỡ hữu nghị ?! - Ông phụ trách tỏ vẻ kinh ngạc.
- Đánh xong là cứ thế về thẳng à ? Người ta sẽ nghĩ về tôi như thế nào ?! - Yutarô tỏ vẻ tuyệt vọng.
- Thế ông làm sao về cho kịp buổi xem mắt nếu ông đi dự cái bữa tiệc ngu xuẩn ấy ? - Ritsukô thắc mắc.
- Tôi à... tôi sẽ ra về khoảng hai giờ. Nếu thấy đã cận giờ thì tôi sẽ đi thẳng đến khách sạn dự lễ xem mắt, không ghé về nhà nữa.
- Nếu vậy, tôi cũng có thể đi rồi về cùng một lúc với ông.
- Bà nói gì thế ?! Bà còn phải giúp con Mikiô mặc quần áo và sửa sang chứ ! Vào một ngày như thế mà cả bố lẫn mẹ đều bỏ đi đánh golf !... Thiên hạ tha hồ mà chê cười !
- Thì thôi vậy. Nhưng ông coi chừng đừng về trễ đấy. Lễ xem mắt mà đến chậm tức là không tôn trọng khách khứa. - Bực mình vì không được đi, bà Ritsukô nghiêm khắc răn đe ông chồng. - Tôi thì tôi biết ông quá đi rồi : hễ uống vào một giọt là chẳng còn nhúc nhích đi đâu được nữa.
- Xin bà đừng quá lo lắng, - ông phụ trách tổ chức xen vào. - Tôi sẽ luôn luôn bên cạnh ông nhà, tôi sẽ trông coi ông ấy.
- Thôi thôi, hai ông thì bao giờ chả thông đồng với nhau, - bà Ritsukô càu nhàu - các ông đã muốn cái gì thì...
- Chẳng lẽ tôi lại đi nói dối bà hay ao ? Xin bà đừng lo gì hết.
- Con người này là phải theo dõi từng bước ấy. - Ritsukô ném sang ông chồng một cái nhìn chứa đầy giông tố, và Yutarô sợ sệt ngoảnh mặt đi.
- Papa có việc thật à ? - Mayumi vẫn không buông tha.
- Thì anh nói rồi mà. Cũng vì thế mà anh phải bỏ bữa tiệc đấy chứ.
- Hông chơi thế đâu-u-u ! - Mayumi lại kêu lên với cái giọng của một đứa bé hờn dỗi.
- Chúng mình đã gần nhau mãi từ tối qua kia mà.
- Gần gì mà gần ! Từ sáng sớm đã bỏ người ta một mình, đi chơi cái trò chết tiệt ấy...
Vì sợ gặp phải người quen ở Kôđziri, Yutarô quyết định dừng lại ở Ôôwakuđani, tách riêng hẳn ra. Nhưng sang ngày chủ nhật, ngay từ sáng đã phải dự cuộc thi đấy nên phải ra sân trước ở Sengôkuhara, bỏ Mayumi lại một mình. Giá có thể được, ông cũng thích đem theo cô gái tươi trẻ và đầy sức quyến rũ này, nhưng ông hiểu rằng làm như vậy quá ư trơ trẽn. Thế là mãi đến một giờ chiều Mayumi bị bỏ mặc một mình.
Cô Mayumi xinh đẹp xưa nay vẫn được giới đàn ông săn đón. Cả lần này nữa cô cũng không phải buồn chán một mình : Trong khi đi lang thang quanh khách sạn, Mayumi tình cờ làm quen với một người đàn ông rất dễ ưa, trạc ba mươi lăm tuổi. Anh ta từ Nagôya đến. Hai người qua thì giờ một cách khá thú vị - thậm chí Mayumi còn được anh ta mời lên xe đưa đến tận suối nước nóng. Nhưng vì Yutarô không dám cùng đi với cô đến chỗ đông người, lòng tự ái của Mayumi bị tổn thương.
- Chiều chủ nhật thì có việc gì mà bận ?
Mayumi rất ghét ngồi nhà một mình. Bây giờ cô rất tiếc là đã không kịp hẹn ai đi chơi với mình tối hôm nay.
- Em phải hiểu chứ, anh không thể không đến được.
- Papa sợ vợ đến thế kia ư ?
- Vớ vẩn ! Vấn đề hoàn toàn không phải ở chỗ ấy.
- Thế thì ở chỗ nào ?
- Hôm nay là lễ xem mắt của con gái anh.
Yutarô cho rằng nói thật ra như vậy sẽ làm tiêu tan mối ngờ vực.
- Của Mikikô-san à ?
- Em biết tên nó à ? - Yutarô ngạc nhiên.
- Sao lại không biết ! Chính papa nói mà. Papa lại còn nói rằng em với Mikikô bằng tuổi nhau nữa.
Yutarô nhăn mặt
- Ra papa đi đến đấy, đấy !...
- Anh là bố nó, làm sao không đến được.
Mayumi đang chéo mây ngón tay vào nhau im lặng một lát, rồi nói, giọng đầy suy tư :
- Có lẽ em cũng đã đến lúc phải đi lấy chồng đấy, papa nhỉ ?
- Này, em nói bậy bạ gì thế ? - Yutarô phát hoảng.
- Thế sao ? Đến tuổi rồi còn gì ?
- Ừ thì thôi, thì thôi...
Yutarô thấy xôn xao trong lòng. Trong trận đấu golf ông đã bại trận, vợ thì trách mắng càu nhàu, rồi bây giờ đến lượt Mayumi....
- Khơ- ơ- ông, thật đấy mà, phải tổ chứ lễ xem mắt cho cả em nữa, ít nhất cũng được một lần chứ.
Mayumi quay ngoắt ra cửa sổ. Bóng hoàng hôn đang buông xuống cái thành phố nép sát chân đồi.
Yutarô bắt đầu hối hận vì đã nói thật một cách không đúng chỗ. Dĩ nhiên Mayumi không thể đặt ngang hàng với Mikikô, nhưng dù có nói ngang nói ngửa thế nào thì hai đứa con gái vẫn cung một lứa tuổi như nhau. Ông thấy đau nhói trong lòng khi hồi tưởng lại cái thân hình trẻ trung kiều diễm mà ông đã ôm ấp đêm qua.
- Anh sẽ tặng em một món quà, em có thích không ? - ông nói, giọng cầu cạnh. - Em muốn anh mua cái gì nào ?
- Papa có nhớ buổi nói chuyện hôm trước không ?
- Về chuyện gì ?
- Em xin rồi đấy. Cái hiệu cà-phê ấy mà.
- À- à... thì hôm ấy anh đã nói là phải đợi ba năm thôi.
- Đồ keo kiệt.
- Anh không keo kiệt đâu.
- Nhưng phải xong cái bệnh viện mới đã chứ gì ?
- Em thấy chưa : Chính em cũng hiểu rất rõ.
- Thôi được. Đã vậy em sẽ đi tìm một người khác hào phóng hơn.
- Ấy ! Em bỏ cái kiểu đùa ấy đi cho anh nhờ.
Yutarô cợt nhã chọc ngón tay vào sườn Mayumi, nhưng cô ta cũng chẳng thèm quay lại nữa.
- Đợi thêm chút xíu đi.
Xe đã vượt qua ngã ba Sêta, Yutarô nhìn đồng hồ : Bốn giờ kém mười. Nếu đi thẳng đến khách sạn thì thời gian hãy còn thừa khá nhiều.
- Em phải ngoan nhé, hôm nay em phải ở nhà nhé, - Yutarô quay sang người lái xe : - ghé vào khu Êbisu, rồi đến khách sạn R.
- Lễ xem mắt tổ chức ở khách sạn R à ?
- Cả nhà gặp nhau ở đấy.
- Này, có phải Đzyunkô Hanađzyô bị ngấ chính là ở cái khách sạn ấy không ? Bây giờ cô ta ra sao rồi ?
- Cô ta sắp được mổ. Bệnh trĩ.
- Bệnh ơi là bệnh ! - Mayumi phì cười.
- Này, chớ nói lại với ai đấy nhé. Ở bệnh viện của anh đã nhiều chuyện rầy rà lắm rồi. Có một bác sĩ trẻ đã nói lộ ra là cô ấy nạo thai.
- Papa đừng sợ, em không nói đâu. Một khi papa dặn là em không nói với ai hết đâu ! Thế ai sẽ mổ ?
- Naôê.
- A- a ! Nêmuri Kyôsiro.
- Biệt hiệu gì kỳ thế ?
- Lại bác sĩ Naôê.. hừm, ở chỗ papa việc gì cũng phải đến tay ông ấy nhỉ...
Mayumi cười phá lên, giọng cười cay độc. Nhưng Yutarô cũng cảm thấy như cất bỏ được một gánh nặng trong lòng.
Về đến nhà, Mayumi vặn nước cho đầy bồn tắm. Lúc còn ngồi trên xe cô vẫn lo phải ngồi nhà một mình buồn, nhưng bây giờ cô chỉ thấy mệt nhoài : Cô vốn không quen dậy sớm như sáng nay, vả lại cuộc dạo chơi ở suối nước nóng đã làm cho cô mệt thêm.
Thậm chí cô cũng không còn sức đi ra ngoài mua cái gì ăn, lại càng không đủ sức để tự nấu nướng, cho nên cô bèn gọi điện tới cái quán ăn gần đấy bảo đưa sushi đến.
Mayumi cởi áo quần, mở máy thu hình và nằm lên đi- văng. Khi cô ăn tối thì đêm đã xuống hẳn trên thành phố. Từ cửa sổ nhà cô ở tần tám có thể trông thấy những ngọn đèn nêông sáng chói nhấp nháy khắp thành phố như thường lệ. Đối với Mayumi cuộc sống thực sự bắt đầu khi những ngọn đèn này bắt đầu sáng lên, cho nên bóng hoàng hôn dường như tiếp cho cô những sức lực mới. Khi người ta ở tuổi hai mươi ba, chỉ cần nằm nghỉ nửa tiếng đồng hồ là bao nhiêu sự mệt mỏi đều tiêu tan.
Mayumi ngẫm nghĩ : "Đi đâu bây giờ nhỉ ?"
Cô đã ngồi xuống tấm gương trang điểm thì sực nhớ ra rằng hôm nay là ngày chủ nhật và những cửa hàng tử tế một chút đều đóng cửa. Hơn nữa đi chơi một mình chẳng có gì thú vị. Thường thường hễ biết rằng Yutarô không thể đến thăm mình vào ngày chủ nhật, Mayumi lập tức hẹn gặp một người nào đó trong các khách quen của quán cà-phê. Nói chung, những cuộc hẹn hò đó trước sau chỉ hạn chế trong một buổi đi dạo bằng xe hơi hay một chổ chơi ki, và sau đó là một bữa ăn tối ở nhà hành - Mayumi hầu như không bao giờ cho phép ai vượt qua những giới hạn của những mối quan hệ bạn bè. Khi đã trở thành người được Yutarô bao, cô càng giữ mình một cách nghiêm ngặt hơn, nhưng có lẽ không phải vì cô tha thiết với "papa", mà chỉ vì cô chưa thích ai thật sự.
Động cơ thúc đẩy Mayumi hẹn hò với những người đàn ông khác không phải là tình yêu : Chẳng qua cô thấy buồn chán khi phải ngồi một mình giữa bốn bức tường của căn nhà chật hẹp. Vào những ngày cô làm việc ở quán cà phê, thì khi xong việc có thể cùng một người nào đấy đi giải trí như vậy, về đến nhà bao giờ Mayumi cũng chuếnh choáng hơi men và đặt mình xuống là ngủ như chết.
Còn đến những ngày nghỉ thì Mayumi được mời mọc tới tấp, thành thử chưa có trường hợp nào Mayumi phải ngồi một mình vào ngày thứ bảy hay ngày chủ nhật. Khi nào quá nhiều người mời mọc, cô chọn người khách thường xuyên nhất và dễ ưa nhất của quán cà- phê, và do đó có thể nói là cô thực hiện được "nhất cử lưỡng tiện": Vừa qua thì được giờ một cách thú vị, vừa phục vụ được lợi ích của công việc làm ăn.
Nhưng hôm nay cô thấy rõ là mình sẽ mất đứt một buổi tối. Khi lên đường đi Hakônê, Mayumi chắc mẩm là sẽ về muộn hơn nhiều, và cũng hy vọng rằng Yutarô không về nhà ngay mà sẽ ngồi lại với cô ta cho đến mười giờ là ít.
"À, ra thế ! Lễ xem ra mắt của cô con gái... " - Mayumi nhìn vào gương, rồi vì đang lúc tức bực, thè lưỡi ra trêu cái cô con gái ở trong gương. Một quanh cảnh tuyệt vời đấy nhỉ - Cô bé Mikikô đóng vai một cô con gái nhà lành... bà Ritsukô loạn thần kinh... ông Yutarô với một bộ mặt đạo mạo hợp cảnh... một chàng thanh niên nghiêm trang đứng đắn đi cùng với hai vị thân sinh đáng kính... giờ này tất cả những con người đó đang ngồi bên bàn tiệc, trong phòng lễ tân của khách sạn.
"Còn tôi, chẳng lẽ chỉ là một con số không ?!"
Mayumi giơ hai tay vuốt thật mạnh mái tóc lên phía trên. Những món tóc uốn quăn được sắp xếp cẩn thận hai bên thái dương