Đèn Không Hắt Bóng
cũng tự mình cảm biết được. Chúng ta không có nhu cầu phải nói rõ ra.
- Thế còn...
- Bệnh nhân sẽ im lặng khi biết rằng không còn ai có thể cứu mình nữa. Và đồng thời lại bấu víu lấy niềm hy vọng cuối cùng. Bệnh nhân sẽ không oán giận nếu người ta không nói với họ là họ bị ung thư...
- Nhưng tại sao, tại sao tiên sinh lại cho rằng bệnh nhân sẽ im lặng mà nuốt lấy sự dối trá ấy?!
- Tại vì bản thân họ không muốn tin vào sự thật khủng khiếp ấy! Họ không muốn nghĩ rằng đây là sự kết thúc. Tại vì họ sợ nghe sự thật. Họ sẽ biết rằng các bác sĩ nói dối, nhưng lại sẵn lòng tin lời bác sĩ. Nếu chúng ta sẽ im lặng, họ sẽ cố gắng tự thuyết phục mình. Xét cho cùng, chết trong khi vẫn tin vào một sự dối trá đầy sức an ủi cũng không có gì quá tệ.
Đột nhiên trong đôi mắt trũng sâu của Naôê hiện ra một nỗi buồn da diết, tuyệt vọng. Kôbasi chợt nghĩ: Hay có lẽ Naôê nói đúng? ... Không! Dù sao làm như vậy vẫn đê hèn. Đó là một sự phỉ báng đối với con người.
- Tôi không thể chấp nhận điều đó được, - Anh nói, giọng rắn rỏi.
- Kôbasi - san! - trong giọng nói khe khẽ của Naôê nghe như lanh lảnh những âm thanh kim loại - Không được ủy mị!
- Tôi không hề ủy mị - Kôbasi nổi giận - Chẳng qua tôi muốn phụ vụ con người một cách thật trung thực, không cần đến sự dối trá.
- Anh là thấy thuốc hay là người nhà của bệnh nhân?!
- Dĩ nhiên tôi là thầy thuốc.
- Vậy thì hãy lập luận như một người thầy thuốc!
Naôê trùm lên Kôbasi một cái nhìn có sức hủy diệt, quay ngoắt đi và ra khỏi phòng điều hành.
Chương 5:
Sau năm giờ chiều trời đã bắt đầu tối dần. Khí lạnh tê buốt của buổi hoàng hôn mùa thu thấm vào đến tận xương tủy. Naôê chuẩn bị ra về. Thắt xong cà-vát, ông ra đứng ở cửa sổ phòng điều hành.
Dưới cầu trời phủ kín một lớp mây thấp, những mái nhà chen chúc chạy dài đến vô tận, nép dưới chân những tòa cao ốc đồ sộ. Như thể mọc lên từ lòng đất, hằng hà sa số những ngọn đèn lần lượt sáng lên, và những ngọn đèn li ti ấy thắp lên càng nhiều thì bóng tối lại càng dạy đặc thêm. Naôê yêu thích thời gian này, khi ánh hoàng hôn dần dần chìm vào đêm tối. Chính đây là giờ phút mà cái bộ mặt thật của thành phố hiên lên trong khoảnh khắc, như thể được vẽ lên bằng một chất mực thần diệu. Một diện mạo khác biết bao nhiêu với diện mạo ban ngày... 'Cái tôi thứ hai, cái bản ngã thầm kín cũng tỉnh dậy trong con người như thế này đây', Naôê thầm nghĩ trong khi ngắm cảnh thành phố trong bóng chiều. Một sự so sánh kỳ lạ. Nhưng, không hiểu tại sao, nó lại làm cho ông sợ hãi. Ngoài đường xe cộ nối đuôi nhau chảy thành dòng bất tận, khách bộ hành nườm nượp qua lại trên các vỉa hè, thế nhưng từ trên nóc những tòa nhà cao ốc, chắc hẳn thành phố tưởng chừng như im lìm bất động...
Có tiếng ai gõ cửa. Naôê rời cửa sổ.
- Mời vào.
Mikikô, cô con gái của bác sĩ trưởng, rụt rè bước vào phòng.
- Tiên sinh chưa về ư?
Hơi thở Mikikô hình như hơi dồn dập.
- Có việc gì không?
- Nếu không có gì vội lắm, xin tiên sinh trước khi về hãy ghé vào phòng văn thư một chút. Có người đang đợi tiên sinh ở đấy.
- Cha cô à?
- Không mẹ em.
Mikikô nhìn thẳng vào mắt Naôê.
Naôê gật đầu, mặc áo vét-tông vào và vắt chiếc áo choàng trên cánh tay Mikikô lặng lẽ chờ ông bên khung cửa.
- Đi chứ?
Mikikô mở cửa và ra hành lang trước. Một người hộ lý đi qua. Trông thấy Naôê và Mikikô, người ấy kính cẩn cúi chào. Phòng văn thư cũng ở tần với phòng điều hành. Tòa nhà được xây thành hình chữ U, thành thử muốn đến phòng văn thư phải đi dọc hành lang vòng qua góc nhà. Phòng văn thư đặt kế cầu thang. Đi đến cầu thang, Mikikô đứng lại.
- Thôi xin chào bác sĩ.
- Cô về ư?
- Không, hôm nay em phải đi học Ikêbuna. Buổi học này không vắng được.
Mikikô mặc một chiếc áo măng-tô trắng có thắt lưng, trên cổ choàng một tấm khăn màu thiên thanh, tay xách một chiếc ví xếp của thanh niên.
- Vậy tạm biệt nhé?
- Không, khoan đã, xin bác sĩ đợi cho một chút...
Naôê quay lại.
- Bác sĩ có thích ba-lê không?
- Ờ-ờ... Vũ kịch ấy à?
- Vâng. Cuối tháng này bắt đầu có hội diễn...
- Cô sẽ biểu diễn chứ?
Mãi đến bây giờ Naôê mới sực nhớ ra rằng Mikikô có tham gia biểu diễn ba-lê.
- Không ạ. Lần này không phải trường chúng em biểu diễn, mà Đoàn ba-lê Tôtô. Nếu em... Nếu tiên sinh không từ chối... Em có vé đi xem.
- Bao giờ biểu diễn?
- Ngày hai mươi chín và ba mươi - hai ngày liền.
Mikikô nói ngập ngừng giọng hơi khàn đi vì hồi hộp.
- Tôi không hứa chắc được, nhưng có lẽ tôi sẽ đi.
- Vậy em để dành vé cho bác sĩ nhé? Còn nếu bác sĩ bận việc gì không đi được, xin báo trước cho em biết.
Mikikô quay đi và chạy xuống cầu thang rất nhanh, như thể trốn tránh một người nào.
Trong phòng văn thư có bà Ritsukô và một thiếu phụ làm việc ở phòng.
- Xin lỗi bác sĩ nhé. Chắc bác sĩ đang sửa soạn về nhà phải không? - Ritsukô sắp xếp lại những thứ giấy tờ đặt trước mặt và mời Naôê ngồi xuống đi-văng. - Tôi hy vọng không quấy phiền bác sĩ. Bác sĩ có việc gì quan trọng phải đi ngay không?
- Không ạ
Ritsukô đến cạnh cái tủ con đặt ở góc phòng.
- Trà hay cà phể
- Gì cũng được ạ.
- Hay có lẽ uống bia? Hay là whisky?
- Xin bà đừng bận tâm.
- Một ngày làm việc đã qua. Có thể tự cho phép mình rượu chè một chút chứ!
Bà lấy bia trong tủ lạnh ra, với tay lên kệ lấy một chai whisky và mấy cái cốc rồi bày lên bàn con trước mặt Naôê.
- Bác sĩ nhắm cái gì nhé? Có lẽ phó-mát chăng?
Naôê ngập ngừng.
- Không thì sasimi vậy. Cô Muraki, - bà quay về phía người thiếu phụ, - cô làm ơn gọi điện đến hiệu Tamađzusi bảo đem gấp một đĩa sasimi đến đây nhé.
- Mấy suất ạ?
- Một thôi. Nhớ dặn cho thêm các món gia vị nhé: mỗi thứ một ít, những thứ gì ngon nhất ấy.
- Quả thật, bà bày vẽ làm gì thế, - Naôê lại nói.
Ritsukô ngồi xuống trước mặt ông rót bia vào ly cho ông. Lúc bấy giờ đã quá năm giờ nên viên quản lý và cô kế toán thứ hai đều đã về nhà.
- Phải đợi chút xíu. Độ mười phút.
- Dĩ nhiên. Xin cám ơn bà.
Yasukô Murakami xếp dọn bàn làm việc của cô, mở tủ lấy áo ngoài ra mặc.
- Thế bác sĩ trưởng ở đâu ạ? Hôm nay ngài bận những việc gì? - Naôê hỏi thăm.
- Ông ấy có buổi họp ở ban quản trị Hội Lương Y.
- Lúc nào cũng bận rộn...
- Ông ấy thích bận rộn thế đấy, lại còn đi tìm việc cho nó bận rộn thêm nữa, - Ritsukô so vai. - Cả tối hôm nay cũng vậy, thế nào ông ấy cũng tìm cách chuồn đi đâu cho mà xem.
- Bác sĩ trưởng nhiều việc quá...
- Không sao đâu. nếu còn đủ sức vui chơi giải trí tức là vẫn còn sức khỏe! - Ritsukô cười xòa.
- Thế tôi đi gọi nhé - Murakami hỏi.
- Cô đừng quên đấy. Những giấy tờ kia đến mai nhất thiết phải xong đấy nhé, - Ritsukô nhắc nhở.
- Dĩ nhiên, tôi mang các thứ ấy về nhà làm đây.
Murakami cúi chào rồi ra khỏi phòng. Naôê nhìn theo, rồi nâng ly lên.
- Có lẽ tôi cũng uống với bác sĩ nhé?
- Bà cũng biết uống rượu ư?
- Chút xíu thôi. Tôi thì uống độ hai ly đã thấy choáng váng rồi.
Ritsukô lại rót đầy cốc cho Naôê, rồi rót cho mình chút ít và đưa lên môi nhấp vài giọt.
Một khuôn mặt hơi thiếu sinh động nhưng cũng đẹp... Có lẽ không ai ngờ là bà đã bốn mươi tám tuổi. Các cô y tá thường kháo nhau: hồi trẻ bác sĩ trưởng đã phải quì xuống van xin Ritsukô vui lòng làm vợ ông. Bây giờ thì dĩ nhiên tuổi trẻ đã qua, nhưng những dấu vết của nhan sắc thời xưa vẫn còn.
- Có lẽ vẫn phải uống whisky tiên sinh ạ. Tôi xin phép được hầu rượu tiên sinh.
Ritsukô lấy một cái ly sạch, cho nước đá vào và rót whisky.
- Nhà tôi uống whisky bao giờ cũng pha nước.
- Không cần ạ.
Naôê uống một hơi cạn cốc rượu. Ông ưa thích cái cảm giác ấy - cái cảm giác nồng cháy của một làn sóng nóng hổi từ từ chảy dọc thực quản xuống dạ dày. Vào những giây phút như vậy trong trí Naôê bao giờ cũng hiện ra một hình ảnh bất di bất dịch: lớp niêm mạc màu đỏ tươi của thực quản dần dần đen đi và cháy thành than...
- Xin nhị vị thứ lỗi cho vì đã để nhị vị phải chờ...
Trên ngưỡng cửa xuất hiện người hầu bàn của hiệu ăn phái đến.
Trên một cái đĩa hình bầu dục có bày những món gia vị xếp thành những ô ngũ sắc rất đẹp mắt.
- Các vị dùng xì dầu ạ?
Ritsukô dẹp cái gạt tàn sang chỗ khác và đặt lên bàn dĩa sasimi người hầu bàn vừa lấy ra.
Naôê thường thích uống whisky mà không nhắm. Ông chỉ cần mấy hạt dẻ muối, và nếu không có thì chỉ uống nước xen vào. Ông vẫn thường uống rượu kiểu đó trong những tối ngồi một mình trong căn nhà vắng vẻ của ông.
- Bác sĩ không thích ăn cá à?
- Sao lại không? Rất thích!
- Hình như bác sĩ sinh trưởng ở đảo Hôkkaiđô thì phải?
- Vâng, ở Sappôrô.
- Hôkkaiđô nhiều cá lắm.
- Đúng thế. Nói chung tôi thích cá ở các vĩ tuyết bắc hơn. Có lẽ vì đã quen từ bé. Tôi có cảm giác là cá vùng bắc ngon hơn và tươi được lâu hơn.
Naôê dùng đữa gắp một miếng cá thu.
- Bác sĩ có con người nhà ở Sappôrô không?
- Còn mẹ tôi.
- Bà cụ ở một mình ư?
- Còn có em trai tôi và chị tôi, tuy chị ấy đã có chồng.
- Còn bác sĩ cũng nên lấy vợ đi thôi.
Naôê im lặng uống nốt cốc whisky. Ông uống từng ngụm lớn, nhưng rất chậm, cố kéo dài cảm giác khoái lạc. Cái cảm giác như có một hòn lửa từ từ chảy xuống trong họng bây giờ đã bớt rõ rệt đi một chút.
- Tôi cứ nghĩ không biết có nên làm mối cho bác sĩ không...
Bàn tay Naôê đang cầm cốc nhưng hẳn lại.
- Bác sĩ không muốn à? Một người đàn ông dễ mến như vậy mà cứ phải một thân một mình? Thật đáng tiếc. Tôi có biết một người con gái tuyệt vời. Có lẽ để bác sĩ gặp cô ta chăng?
- Thôi.
Câu trả lời của Naôê nghe khá thô lỗ.
- Đáng tiếc... - Ritsukô thất vọng thở dài. - Được gặp bác sĩ chắc cô ấy cũng sẽ rất mừng.
Naôê vẫn một mực lặng thinh.
- Cô ấy tốt nghiệp trường đại học K., khoa văn học Anh. Năm nay hai mươi sáu tuổi. Cố nhiên cái tuổi ấy... Nhưng mà xinh đẹp lắm. Trông cứ trẻ măng. Cha cô ấy làm kiểm tra viên ở ngân hành T. Cô ta là con gái duy nhất trong nhà, được bố mẹ cưng chiều hết mức. Khi họ phái ông bố đi làm việc ở chi nhán Luân Đôn của nhà ngân hàn, bà mẹ ở nhà, còn cô ta đi theo bố sang Anh, cho nên mới chưa có nơi có chốn. - Vì hơi bia, mắt Ritsukô sáng long lanh. - Ở nước ngoài mà cô ấy chẳng kiêu chút nào. Khiêm nhường, tế nhị... Thật đáng yêu hết chỗ nói. Tôi có quen với cô ấy: cô ấy thỉnh thoảng vẫn ghé với con Mikikô ở nhà.
Gương mặt Naôê vẫn im lìm như một cái mặt nạ, không hể hiểu được ông ta có nghe thấy hay không.
- Hai vợ chồng chúng tôi mấy hôm trước có bàn về việc này. Chúng tôi đều thấy nếu hai người mà lấy nhau thì rất hợp.
Ritsukô ngước mắt lên nhìn Naôê có ý dò hỏi.
- Ông thử xem qua ảnh cô ta nhé.
- Thôi.
- Thử xem qua một chút thôi mà!
Bà đứng dậy rút ngăn kéo bàn lấy ra một cái phong bì giấy trắng.
- Cô ta đây này.
Ritsukô đưa cho Naôê một tập ảnh. Mấy bức ảnh dường như được rửa riêng cho những chàng trai đang đi kiếm vợ: một bức chụp cô thiếu nữ mặc kimônô, một bức khác - cũng cô ta nhưng mặc âu phục.
Cô thiếu nữ mặc kimônô đứng giữa một phong cảnh rất ăn ý với trang phục. Cô thiếu nữ mặc áo đầm thì ngồi thoải mái trên một bãi cỏ. Cả hai bức đều là ảnh màu. Ritsukô không hề nói ngoa: cô ta quả thật xinh đẹp và trang nhã.
- Ông thấy thế nào?
Naôê trả tập ảnh cho Ritsukô
- Không thích à?
- Không phải thế. Chẳng qua tôi không cần.
- Nhưng theo tôi thì cô gái thật tuyệt vời!
Chương 6:
Kể từ khi làm "phẫu thuật" cho cụ Isikura cho đến nay đã được ba ngày đêm. Suốt thời gian này ông cụ phải nằm ngửa, nhưng bây giờ người ta đã cho phép cụ nhổm dậy ngồi trên giường. Lẽ tự nhiên là một sự hồi phục nhanh chóng như vậy không làm cho ai ngạc nhiên.
Sáng hôm ấy, khi Naoêê đã mặc blouse trắng và xuất hiện ở phòng y tá, Nôrikô bước tới gặp ông.
- Chào bác sĩ, - cô chào Naôê một cách lãnh đạm. Sau những cuộc ái ân nồng cháy đêm nào, Nôrikô khi vào bệnh viện lại nói chuyện với Naôê như thể hai người chỉ quen sơ nhau.
- Cụ Isikura rất mong bác sĩ đến.
- Thế sao, Kôbasi chưa ghé thăm ông cụ à?
- Chưa.
Nôrikô, với một cử chỉ thuần túy sự vu đẩy về phía Naôê tập bệnh án của Isikura. Nhiệt độ: 37, 1, mạch: 70. Mọi thứ đều gần như bình thường.
- Bác sĩ Kôbasi có nói rằng kể từ nay ông từ chối việc theo dõi bệnh tình cụ Isikura. Kôbasi nói rằng ông đã báo điều này cho tiên sinh biết.
- Cho tôi?
- Bây giờ đặt bình tiếp huyết thanh cho cụ Isikura phải không ạ?
- Có lẽ Kôbasi sẽ chịu khó thêm một ngày nữa chăng?
- Bác sĩ Kôbasi hiện đang đi thăm các bệnh nhân.
- Ra thế...
Gạt tập bệnh án sang một bên, Naôê đưa mắt nhìn quanh. Trong đám nữ y tá đang vội vàng qua lại không thấy có Akikô Takaghi.
- Xin bác sĩ nhanh cho.
Nôrikô tay cầm ống nghe đứng đợi ở cửa. Naôê đứng dậy và đi ra hành lang.
- Chẳng lẽ bác sĩ Kôbasi không nói gì với tiên sinh sao?
- Tôi chưa nghe ông ta nói gì cả.
Nôrikô đi trước Naôê một chút. Có thể thấy rằng cô đang có chuyện gì bực tức lắm. Đi dọc hành lang bên phải khoảng ba mươi thước, họ đến gần cầu thang gác. Và đến đây Nôrikô không chịu được nữa:
- Bác sĩ đừng bao giờ làm một việc gì để sau đó người ta cười cho!
- Cười ư?
- Tôi nói chuyện tối hôm qua.
Một bệnh nhân đi lên thang gác qua mặt họ, và Nôrikô ngừng bặt.
Naôê nhún vai.
- Tôi không hiểu.
- Tối qua ông uống rượu với bà vợ ông bác sĩ trưởng. Mà lại uống ngay trong bệnh viện! Ông chọn được một chỗ thích hợp quá nhỉ!
Ngay cả tấm lưng của Nôrikô cũng hừng hực niềm công phẫn. - À, té ra là chuyện ấy!
- Sáng nay cả viện chỉ kháo nhau mỗi một chuyện này.
Câu chuyện đã lọt ra ngoài. Rõ ràng là có người nào đó trong bệnh viện đã lâm vào tình trạng quá nhàn rỗi...
Khi Naôê bước vào phòng, cụ Isikura mới được thay quần áo sạch.
- À à, tiên sinh. Lão đang đợi tiên sinh. - Cụ Isikura chắp tay vái theo phong tục cổ.
- Sao, cụ thấy trong người thế nào?
- Cám ơn bác sĩ, đỡ nhiều rồi... Nghĩ cũng lạ, cắt bớt dạ dày mà vẫn cứ thèm ăn! Tôi vẫn chưa ăn được cháo gạo sao?
- Kể từ ngày mai chúng tôi sẽ chuyển cụ sang chế độ ăn cơm.
- Đa tạ bác sĩ - Cụ Isikura lại kính cẩn chấp tay vái rồi quay về phía con dâu đang ngồi ở đầu giường:
- Nào, con muốn hỏi gì thì hỏi đi.
- Thưa bác sĩ, cha tôi rất thèm hoa quả.
- Được. Cô cứ cho cụ ăn táo. Nhưng nhớ gọt vỏ.
Nôrikô tháo băng cho cụ Isikura. Đường khâu kéo dài suốt bụng. Trong khi Naôê dùng bông tẩm dung dịch sát trùng lau vết mổ, Isikura nhắm mắt nằm im không động đậy. Khi đã thay băng xong, ông cụ nói:
- Trước kia tôi thấy nặng trịch trong dạ dày, thế mà bây giờ đã tan biến đi đâu mất.
- Thế thì hay lắm.
Naôê nghe tim và bắt mạch cho ông cụ, rồi ra khỏi phòng. Khi ông đã gần tới phòng y tá, Kôbasi, vừa về phòng trước đó một chút, ra gặp ông.
- Tôi muốn nói chuyện với tiên sinh về cụ Isikura. - Gương mặt Kôbasi sắt lại - Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc này và đã đi đến kết luận rằng tôi không thể nói dối được.
- Tôi đã hiểu hết rồi, và hiểu rất rõ.
- Tôi cho rằng một bác sĩ phẫu thuật không có quyền làm những cuộc phẫu thuật vô nghĩa.
- Anh có thể tiếp tục giữ lấy ý kiến đó.
- Xin lỗi.
Naôê dặn dò cách đặt bình tiếp huyết thanh và đi ra hành lang. Kôbasi theo sát ông.
- Thưa tiên sinh, chưa hết đâu. Ở phòng ba trăm linh tư mới đưa vào hai bệnh nhân bị trẹo thớ ở khu vực cổ. Một công chức và một người lái xe.
- Thế thì sao?
- Có phải tiên sinh đã ra lệnh cho họ nằm viện không?
- Không.
- Thế thì ai?
- Theo tôi, đó là quyết định y tá trưởng.
- Y tá trưởng có quyền gì quyết định những vấn đề như vậy?
- Dĩ nhiên, đó là một việc không đúng quy chế. Nhưng hình như bà ta chỉ thừa hành chỉ thị của bác sĩ trưởng.
Naôê và Kôbasi cùng xuống cầu thang gác.
- Có nhiều phòng bệnh nhân bỏ trống, cho nên bác sĩ trưởng yêu cầu Sêkgiuchi là hễ ai có điều kiện nằm thì cho nằm vào các phòng ấy.
- Chỉ có bác sĩ điều trị mới biết được ai cần cho nằm viện, ai không.
- Đây không phải là trường đại học mà cũng không phải là bệnh viện công của thành phố.
- Những vẫn là một bệnh viện! - Trong khi đi vòng qua nhịp cầu thanh uốn, Kôbasi ngừng nói một chốc, rồi tiếp tục nói rất hăng:
- Có thể là tôi quá bao biện, nhưng tôi đã khám hai bệnh nhân này và không hề thấy ở một người nào có những triệu chứng parathénie và tay. Cả hai chỉ kêu là hơi đau ở phần dưới cổ. Ảnh X-quanh cho thấy ở người công chức các khớp xương bị mòn nhiều, còn phần còn lại thì bình thường. Không có lấy một lý do gì để cho hai người này hưởng chế độ điều trị nội trú. Hơn nữa, họ thậm chí cũng không cần đến chế độ nằm yên!
- Có lẽ thế.
- Cho họ nằm viện đúng là xử sự không trung thực đối với họ.
- Nhưng chính họ yêu cầu như thế.
- Chính họ?! Tại sao?
- Người lái xe sống độc thân trong một ký túc xá, còn người công chức thì đã năm mươi lăm tuổi, chỉ ít lâu nữa phải về hưu. Cho nên ông ta muốn lợi dụng dịp này để nghỉ ngơi.
- Nhưng dù có thế thì tại sao lại phải nằm viện mới được?
- Cái đó rõ như ban ngày.
- Tôi không hiểu, xin tiên sinh giải thích cho.
- Đã muốn nghỉ ngơi thì nghỉ ở bệnh viện tốt hơn nghỉ ở nhà. Như cái ông công chức kia chẳng hạn, rõ ràng là ông ta rất mệt mỏi. Dù sao cũng nhiều tuổi rồi.
- Và theo tiên sinh đó là một lý do có đủ trọng lượng để cho ông ta nhập viện.. ?
Giọng Kôbasi run lên vì phẫn nộ. Đã bắt đầu có mấy người quay lại nhìn họ.
- Dĩ nhiên đó không phải là lý do chính. Nhưng là một trong những lý do.
- Tiên sinh! ! Ở đây là bệnh viện! Ở đây chúng ta chữa bệnh nhân! Nếu cứ người nào muốn nghỉ ngơi một chút ta đều cho cả vào đây thì...
- Nhưng giúp cho người ta có điều kiện nghỉ ngơi một chút thì có gì mà xấu?
Hai người đã xuống đến tầng một. Trong phòng tiếp bệnh nhân có khoảng hai mươi người ngồi đợi. Kôbasi và Naôê đi qua các dãy ghế và mở cửa vào phòng khám. Trên bàn xếp một chồng bệnh án.
- Nếu chúng ta cho nhập viện với một bản chẩn đoán như vậy, bệnh viện sẽ thành cái gì? Chẳng hóa ra bạ ai muốn nằm viện thì nằm sao? - Nhìn người nữ y tá đang đứng đợi, Kôbasi nói thêm: - Ngoài ra... người ta lại kê cho họ những thứ thuốc uống và thuốc tiêm chẳng có được bao nhiêu tác dụng với họ.
- Các thứ thuốc uống và tiêm là do tôi kê đơn.
Kôbasi giật mình im lặng.
- Có công hiệu, không công hiệu - dù sao cũng phải kê đơn. Nếu các bệnh nhân chỉ trả tiền khám bệnh thì bệnh viện sẽ phá sản.
- Hóa ra chỉ vì thế mà tiên sinh quyết định một cách điều trị như vậy?
- Cố nhiên.
Kôbasi buông mình xuống một chiếc ghế và rút điếu thuốc lá. - Ai trả viện phí cho họ?
- Vì đâu là hậu quả của một tai nạn giao thông cho nên công ty bảo hiểm xe hơi phải trả một số tiền nhất định.
- Thành thử nạn nhân không phải trả một đồng tiền túi nào phải không?
- Trong phạm vi của số tiền đó quy chế bảo hiểm ấn định, ngay cả người gây ra tai nạn cũng hầu như không phải trả gì. - Hóa ra chính vì thế mà y tá trưởng cứ nào họ nằm ở viện ta... .
- Hình như thế.
- Ở bệnh viện của trường đại học người ta không đời nào làm như vậy. Những chuyện đó thối quá.
- Chắc ở đấy mọi sự đều tốt đẹp nhỉ - Naôê nói qua khẽ răng.
Kôbasi kinh ngạc nhìn ông nhưng Naôê đã cầm lấy tờ bệnh án để trên cùng, ra lệnh cho cô y tá:
- Mời bệnh nhân vào khám!
Chương 7:
Ba giờ chiều, Yutarô Ghyôđa ra khỏi bệnh viện. Ông chuẩn bị đến Ban bảo vệ môi trường để lấy những tài liệu về một số vấn đều ông đang quan tâm.
- Bao giờ ông về nhà? - Ritsukô hỏi khi tiễn chồng ra xe hơi.
- Có thể sẽ phải ăn cơm tối với họ, cho nên có lẽ tôi sẽ về muộn một chút.
- Tức độ chín mười giờ chứ gì?
- Không biết nữa, - Yutarô lúng búng. - Còn tùy.
- Thế ông sẽ ăn tối với ai? Chắc mấy người ở ban chứ gì?
Yutarô sốt ruột ra mặt.
- Thôi được rồi. Tôi sẽ cố về sớm.
Ông ngồi lên xe và vẫy tay từ biệt vợ.
Nômura, người lái xe của Yutarô, năm nay hai mươi bảy tuổi. Ở bệnh viện Oriental anh làm việc đã gần ba năm và am hiểu tất cả những công chuyện ở đây, trong đó có cả những chuyện thuộc đời tư của ông chủ.
- Ra tòa thị chính ạ? - Anh ta hỏi trong khi cho xe chuyển bánh.
Yutarô gật. Họ đi về phía trung tâm dọc theo đường Aôyama. Cũng như thường lệ, dòng xe cộ nối đuôi nhau đi rất chậm, thỉnh thoảng lại dừng lại hồi lâu dưới bầu trời u ám thấp lè tè. Yutarô rút trong túi ra một cuốn sổ ghi và vừa nhìn đồng hồ vừa ghi ghi chép chép cái gì không rõ. Khi họ đến ngã tư Miyakêđzaka, đồng hồ chỉ ba giờ rưỡi.
- Chỉ đội hai mươi phút tôi sẽ xuống, thành thử anh cứ đợi tôi ở đây.
- Rõ, - Nômura đáp, mắt nhìn thẳng phía trước.
Yutarô vào tòa thị chính đúng hai mươi phút như ông đã nói. Đi rất nhanh ra xe hơi, ông bước vào, buông phịch người xuống ghế,
- Bây giờ đi đâu?
- Ờ-ờ! ... - Yutarô rút khăn mùi soa, và mặc dầu trên trán ông chẳng có một giọt mồ hôi nào, ông cũng lau thật kỹ.
- Đến trạm Êbisu nhé?
Nômura lặng lẽ ấn lên bàn đạp.
- Tháng mười một mà nắng thế này! Thật là trái tiết... - Yutrô nói, giọng cầu cạnh.
- Trời u ám thế này là hay xảy ra tai nạn lắm đâu -
- Có lẽ thế.
Những câu trả lời của Nômura không lấy gì làm sốt sắng. Yutarô thì cứ phút phút lại nhìn đồng hồ. Khi họ đã qua phố Tegenđzi và đến gần khi Êbisu thì đã bốn giờ rưỡi.
- Nhà số một chứ?
- Phải, phải.
Con đường đi ngang nhà ngân hàng vượt qua hai ngã tư rồi dần dần lên dốc. Trên đỉnh dốc có một ngôi biệt thự. Mái nhà màu xanh tươi mát đặt trên những bức tường trắng xóa, mái hiên có dãy bao lơn sơn đên. Nhưng giọng văn quảng cáo thường nói đây là một ngôi "nhà xây theo phong cách Bắc Âu". Xe dừng lại trước cửa chính.
- Cám ơn nhé! - Yutarô dúi vào tay anh lái xe một tờ giấy bạc ba ngàn yên trong khi len ra cửa. - Này cầm lấy.
- Thôi ạ! Ông làm gì thế...
- Cầm đi, cầm đi! - Anh lái xe ngơ ngác nhìn tờ giấy bạc rơi xuống ghế xe bên cạnh anh. - Tôi bảo là cầm đi mà! Tôi cần nhờ anh một việc. - Yutarô nháy mắt có vẽ ngụ nhiều ý nghĩa, ra khỏi xe và đi về phía khung cửa chính trang trí bằng gạch tráng men nhiều màu.
Trên cánh cửa mang số 818 có dòng chữ đề họ 'Uêgusan' Yutarô bấm chuông và đứng im chờ đợi.
Bên kia cánh cửa rõ ràng là người ta đã nghe thấy tiếng chuông, nhưng hình như chẳng vội gì ra mở cửa. Yutarô bấm chuông một lần nữa và ghé mắt vào cái lỗ tròn tròn bằng đồng xu trên cánh cửa dòm vào trong.
Vừa lúc ấy sau cánh cửa vang lên một giọng nói phụ nữ.
- Ai đấy?
- Anh đây.
Có tiếng chìa khóa vặn lách cách trong ổ, rồi cánh cửa mở ra. - À-à, papa!
Tóc người phụ nữ chải túm lên phía trên. Tay cô ta ép lên ngực để giữ hai tà áo choàng không cài khuy.
- Thật bất ngờ..
- Thế nào, em đang tắm à?
- Vâng. - Người đàn bà để Yutarô bước vào rồi đóng cửa lại.
- Tại sao lại đến đột ngột thế?
- Thích đến thì đến thôi.
Yutarô cởi áo khoác, ngờ vực nhìn quanh. Những đồ đạc thông thường của một phòng khách, một dàn máy stéréo, một chiếc máy thu hình. Bên phải, sau bức màn, là gian bếp. Tận cuối phòng còn có một buồng nữa rất nhỏ bày biện theo phong cách Nhật Bản. Bên trái gian bếp là phòng tắm. Toà nhà mới xây cách đây nửa năm, tường còn trắng muốt. Căn họ nhỏ này sạch sẽ tinh tươm, cũng như bất cứ trong căn nhà nào mà chủ nhân là một người đàn bà.
- Nếu định ghé thì ít ra cũng gọi điện thoại cho người ta biết chứ.
- Đôi khi đến bất thình lình cũng có ích.
- Ô-hô! Papa lại nghi ngờ rồi chăng?
Yutarô ôm lấy cái thân hình phụ nữ hở hang chỉ mặc chiếc áo choàng mỏng.
- Buông ra! Em đang tắm dở mà!
Cô gái cố vùng ra, nhưng nhỏ bé và mảnh khảnh thế kia, cô ta làm sao chống cự nổi Yutarô. Ôm gọi cô gái trong tay, ông bế cô ta vào gian buồng nhỏ, ném lên giường. Làn da còn ướt tỏa ra một hơi ấm dịu dàng, làm Yutarô không còn chút tự chủ nào nữa.
- ... Hứ! Người đâu mà tởm! - Vừa thở hổn hển, cô gái vừa nhổm dậy bỏ chân xuống đất.
Yutarô mỏi mệt và thỏa thuê nhìn theo cô ta qua đôi mi mắt lim dim.
- Nước trong buồng tắm chắc nguội hết rồi còn gì!
- Thì vặn thêm nước nóng.
- Thế thì lâu chết.
Cô cái vừa càu nhàu vừa đi vào buồng tắm. Một phút sau cô quát vọng ra:
- Thế papa không tắm à?
- Em tắm trước đi, Mayumi ạ.
- Ừ đúng đấy, - cô ta cười ha hả, - chứ không thì papa to béo thế kia, nước tràn ra nhà mất một nửa còn gì!
Mayumi là cái tên chỉ dùng ở quán rượu Alônika ở khu Ghinđzê, nơi cô làm việc. Tên thật của cô Machikô - Machikô Uêgusan, nhưng Yutarô thích gọi cô là Mayumi hơn.
Họ quen nhau cách đây hai năm ở quán cà phê Ôđillya, hồi cô còn làm việc ở đấy và nửa năm sau Yutarô bắt đầu bao hẳn cô ta.
Mayumi mới hai mươi ba tuổi, còn Yutarô thì đã quá ngũ tuần, nhưng túi tiền của Yutarô hoàn toàn đủ để bù lại cho Mayumi sự chênh lệch lớn về tuổi tác này. Còn Yutarô thì tuổi càng cao lại càng thích phụ nữ trẻ. Thêm vào đấy Mayumi với vẻ đẹp trang nhã, với cái thân hình rắn chắc, với cái mũi hơi hếch, hoàn toàn hợp với khẩu vị của ông. Nhược điểm duy nhất - nếu có thể coi đó là một nhược điểm - là ở chỗ Mayumi vừa đúng tuổi con gái Yutarô.
Khi Mayumi đã ra khỏi buồng tắm và rót bia ra uống thì đã gần sáu giờ.
- Thôi chết! Em muộn mất!
Mayumi ngồi xổm xuống trên cái đệm đặt trước gương và bắt đầu vẽ mắt.
- Hôm nay em phải làm việc à?
- Vâng. Thế sao papa rổi à?
- Không. Sau bảy giờ anh phải gặp một người ở tòa thị chính. Mayumi vừa ngắm mình trong gương vừa gật đầu.
- Nhưng cần gì dến quán cà phê trước tám giờ?
- Em phải đến mỹ viện chậm nhất là sáu giờ rưỡi.
- Tiếc nhỉ.
- Sau đó lại phải ăn tối, thành thử vừa sát tám giờ.
- Hay là ta ăn tối với nhau đi?
Mayumi ngẫm nghĩ.
- Anh đã mà.
- Thật không? Thế nếu mađam Ritsukô biết rồi làm toáng lên thì sao?
- Không biết đâu.
- Nhỡ bà ấy sinh nghi thì sao? Nghĩ mà sợ.
Mayumi đưa cái bông phấn lên hai má và nhăn mặt ra chiều sợ hãi.
- Sao, em nhìn thấy bà ấy rồi à?
- Papa không nhớ sao? Hôm ấy em bị sái chân phải vào bệnh viện chiếu điện ấy mà?
Yutarô gật đầu.
- Ấy đấy: Hôm ấy em thấy trong hành lang có một bà đang nói chuyện với một cô y tá. Bỗng có một nhân viên nào đấy chạy vào gọi: "Thưa bà, thưa bà! ".
- Ra thế...
- Papa chọn giỏi thật! Người đẹp thế kia ai dám bảo là đã bốn tám.
- Em lại còn biết cả tuổi bà ấy à?
- Dĩ nhiên, papa nói với em chứ ai.
- Thế à? ... - Yutarô phì cười. Ông ta đang mặc áo quần lót ngồi uống nốt cốc bia thứ hai.
- Chỉ có điều...
- Chỉ có điều gì?
- Chỉ có điều mặt bà ấy.. hơi khùng. Chắc bà ấy hơi loạn thần kinh.
Mayumi ngắm mình trong gương một lát rồi thè lưỡi ra.
- Em thấy thế à?
- Papa không bằng lòng ư?
- Ồ không, có gì đâu.
- Nói chung, không hiểu tại sao em cứ có cảm giác như thế.
Mayumi nhún vai rồi bắt đầu dán lông mi giả. Yutarô đứng dậy cài áo sơ mi. Trang điểm xong, Mayumi bơm nước hoa rồi quay về phía Yutarô.
- Em muốn hỏi ý kiến papa một chút...
- Về việc gì thế? - Ông vừa hỏi vừa thắt chiếc ca-vát trên cái cổ béo phì.
- Em sắp tròn hai mươi bốn tuổi...
Yutarô băn khoăn nhìn cô.
- Em không muốn cứ mãi mãi là cô gái bán bar.
- Nếu em muốn đi khỏi nơi ấy, anh không có gì phản đối.
- Vâng. Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Không phải chỉ muốn đi, em còn muốn làm bà chủ, muốn có hiệu cà-phê của chính em cợ
- Hừm... Ở khu Ghinđzê chứ gì?
- Dĩ nhiên.
- Mới hăm bốn mà đã làm bà chủ... có sớm quá chăng?
- Em có đòi hiệu cà-phê lớn đâu. Chỉ cần một cái bar nho nhỏ, một quầy thôi cũng được, không cần có bar con.
- Tìm được một cái bar nhỏ nhỏ ở khu Ghinđzê cũng chẳng dễ gì đâu.
- Đường Namiki, phường tám. Hiện đang rao bán một hiệu cà-phê rất dễ thương.
- Việc gì phải vội thế? - Yutarô nhăn mặt. Lúc này ông đã thắt xong ca-vát.
- Thế tức là papa từ chối à?
- Tự dưng nghĩ ra những chuyện không đâu, thật điên rồ!
Mayumi phì cười.
- Chẳng có gì mà cười!
- Đồ keo kiệt! ...
Mayumi quay ngoắt đi. Bộ đồ trắng bó sát vào người cô, nhất là đôi đùi.
- Sẽ mua quán cà-phê cho em, nhưng chỉ khi nào anh đã hoàn thành một việc.
- Một việc à? Việc gì thế? - Cô tò mò hỏi, trong khi luồn qua đầu chiếc áo dài crêpe trắng như tuyết.
- Anh quyết định xây một bệnh viện mới.
- Ố-ồ! ở đâu?
- Ở khu Nakamêgurô
- Nhưng hiện thời mới chỉ là dự án, anh chưa nói với ai.
- Chúa thật.
Trong chiếc áo crêpe trắng tinh, tóc chải cẩn thận, Mayumi trông trang nhã và tinh tế một cách bất ngờ.
- Bệnh viện có lớn không?
- Chừng bốn mươi giường.
Ghyôda cài khuy quần và bắt đầu chải tóc.
- Thế nghĩ là cái bệnh viện hiện nay thu nhập rất khá phải không?
- Thu nhập gì! - Ông ta nhăn mặt. - Anh phải lấy tiền tín dụng mà xây.
- Thế nghĩa là mấy thằng cha keo kiệt ở nhà băng cuối cùng cũng vui lòng mở hầu bao à?
Yutarô vuốt phẳng mái tóc, mặc áo vét-tông vào và cũng biếng thành một gentleman hào hoa phong nhã. Bây giờ thì khó lòng có ai đoán được những trò điên rồ vừa qua của ông trên trường tình ái.
- Hiện nay thì đó chỉ toàn là những dự án.
- Thế papa định làm gì với bệnh viện Oriental?
- Cứ để nó đây thôi. Nhưng nếu anh xây được bệnh viện mới, thì ở đây sẽ chỉ có những phòng thượng hạng và chỉ nhận chữa những người trả tiền mặt chứ không phải nhận theo giấy bảo hiểm.
- Nhưng ở bệnh viện Oriental thì ngay bây giờ cũng có những phòng thượng hạng giá mỗi ngày mười lăm ngàn yên.
- Đúng thế, nhưng cũng có cả những phòng công cộng trả tiền theo giấy bảo hiểm.
- Chẳng lẽ như vậy không tốt sao?
- Không phải là không tốt... Chẳng qua khi có ai nằm lâu trong bệnh viện thì các bệnh nhân khác bắt đầu nghiêng ngó. - Có lẽ thế thật.
Mayumi rời tấm gường ra ngồi cạnh Yutarô.
- Thế nếu em ốm, papa sẽ cho em nằm ở phòng thượng hạng chứ? - Cái mũi hếch xinh xinh của Mayumi gần như giúi vào mặt Yutarô.
- Thế nào?
- Có thể.
- Thật vô tình!
- Không phải đâu.
- Thật đấy, em mà gặp phải tai nạn gì thì thật khốn khổ! Papa sẽ chẳng thèm lo gì cho em. - Mayumi cười khúc khích...
- Chứ còn gì nữa, chăm các bệnh nhân giàu vẫn hay hơn...
- Này, chuyện này đừng nói ra với ai nhé. - Yutarô uống một cốc bia. - Phòng thì sang trọng mà chẳng có ai nằm. Chả ra cái nghĩa lý gì.
- Papa cứ cho người ta nằm nạo thai, - Mayumi khuyên - Món này thì ai cũng phải trả tiền mặt. Thu hoạch sẽ được bảo đảm.
- Nhưng lấy đâu ra những bác sĩ giỏi?
- Cái ông bác sĩ khám em hôm trước mà không giỏi ư?
- Em nói ai thế?
- Cái ông cao cao, trông hấp dẫn lạ lùng ấy...
- Naôê ấy à? ...
- Đúng rồi! Ông ấy đấy.
- Sao, đã khắc sâu vào tâm khảm rồi kia à?
- Ôi chao, thôi đừng nói nữa. Ông ấy vừa chạm vào người em một cái là em đã lịm đi rồi! - Mayumi ép hai tay lên ngực, làm như thể sắp ngất xỉu đến nơi. - Đẹp trai, trang nhã... mà cái áo blouse trắng ông ta mặc mới hợp làm sao! ...
- Đó là một bác sĩ rất lành nghề.
- Vừa trông thấy một cái em đã biết ngay mà!
- Thôi đừng nói phét.
- Thật một trăn phần trăm đấy mà! Chỉ có điều ông ta ít nói dễ sợ, mà lại lạnh như băng ấy, đến rùng mình!
- Quả đúng như thế...
- Trông ông ta có cái gì làm cho người ta phát sợ.
- Một Nômuri Kyosirô tái thế...
- Đấy đấy! Nômuri Kyosirô mặc áo blouse trắng, thế nhưng em vẫn năm mơ thấy ông ta! Thôi, - Mayumi mỉm cười, - bây giờ ta đi dâu ăn tối đi!
- Em hôm nay hư lắm đấy nhé. Thôi được, ta đi đi.
- Ghyôđa đứng dậy cầm áo khoác lên.
Tối hôm ấy bác sĩ Kôbasi trực. Trong phòng khám, ngồi đó đối diện với anhh là Đirô Tôđa.
Đã qua năm giờ từ lâu, phòng cấp cứu vắng tanh. Trong bệnh viện chỉ còn có Kôbasi và Akikô Takaghi ở lại, nếu không kể cô nữ y tá Miđôri Tanaka vì phải giúp đưa bữa ăn chiều cho bệnh nhân nên còn náu lại trên các phòng nằm.
- Họ nói với anh từ bao giờ? - Kôbasi xoay ghế về phía người bệnh. Chiếc ghế khẽ két lên một tiếng.
- Tối hôm qua.
Đầu và mắt phải của Đzirô Tôđa lấp sau một lớp băng dày đặc.
- Anh không nhầm đấy chứ? Đúng là bà y tá trưởng chứ?
- Dĩ nhiên. Bà ấy gọi tôi ra hành lang và nói chuyện rất khẽ đừng ai nghe thấy.
- Anh kể những điều thật khó nghe. - Kôbasi cau mày và im bặt.
Đzirô Tôđa chính là tên du đãng bị thương ở quán rượu hôm trước. Hắn nằm viện đã được bốn ngày. Máu không còn chảy nữa, và vết thương đang dần dần khỏi, nhưng cho đến bây giờ mổi khi đi, Tôđa vẫn còn cảm thấy hơi chóng mặt và đau đầu. Ba vết sẹo sâu cắt ngang trán và má bên phải có những chỗ cương mủ, và khi nào Tôđa mấy máy đôi môi, cảm giác đau làm cho mặt hắn giật giật. Hắn đã mất nhiều máu cho nên cần phải ở lại bệnh viện ít nhất là năm ngày nữa cho đến khi nào tháo chỉ khâu, nhưng tối qua bà y tá trưởng bỗng dưng bảo hắn chuẩn bị xuất viện.
- Khi họ chở tôi đến đây, họ chỉ nộp có ba mươi ngàn yên. Dĩ nhiên tôi hiểu số tiền này chẳng bao lâu sẽ hết, nhưng... - Tôđa nói rất khẽ, phải chú ý lắm mới nghe được. Những ai đã từng trông thấy Tôđa trong cái đêm đáng ghi nhớ ấy sẽ không thể nào tin được rằng giọng hắn có thể yếu ớt đến như vậy. - Thế nhưng tôi vẫn nghĩ người ta sẽ còn giữ tôi nằm lại... Thế ra số tiền ba mươi ngàn yên ấy đã hết rồi ư?
- Sở dĩ như vậy là vì người ta đưa anh vào nằm loại phòng tốn ba ngàn yên một ngày, - Akikô phân trần như thể để tự thanh minh.
- Mãi hôm qua tôi mới được nghe điều đó lần đầu!
- Ngày hôm ấy trong số tất cả các phòng còn chỗ, chỉ có phòng anh nằm là rẻ tiền nhất.
- Hôm ấy lẽ tự nhiên là tôi không thể nhớ gì.
- Anh không đăng ký bảo hiểm phòng khi đau ốm cho nên mới đến nông nỗi này.
- Tôi xin lỗi...
- Ngoài tiền giường ra, còn phải tính tổn phí phẫu thuật và tiền thuốc men, - Akikô lại xen vào câu chuyện.
- Nhưng nói chuyện tiền bạc ở đây làm gì?! - Kôbasi đột nhiên nổi giận. - Bảo hiểm là cái quái gì?! Giá tiền phòng có nghĩa lý gì?
Akikô sợ hãi im bặt.
- Có tiền hay không có tiền! Chẳng lẽ chuyện đó lại có tác dụng quyết định đối với việc nhập viện hay xuất viện của bệnh nhân? Chỉ có thể có một tiêu chuẩn duy nhất: tình trạng của bệnh nhân! - Cũng như thường lệ những lúc giận, hai bên mép Kôbasi run lên. - Thế mà trong bệnh viện này lúc nào cũng chỉ toàn nghe nói tiền, tiền! ...
Để tự kiềm chế, Kôbasi nắm chặt hai tay và nhìn trừng trừng vào khoảng không.
Kinh hãi trước cơn giận của Kôbasi, Akikô bà Tôđa lặng thinh. Cuối cùng Tôđa nói, vẻ như người biết lỗi:
- Hôm ấy tôi không có tiền, thế mà tôi đã hành động dại dột biết chừng nào... Tôi đã gây ra cuộc cãi vã ngu xuẩn ấy...
Kôbasi im lặng.
- Khi quá chén, tôi không biết tôi làm gì nữa...
- Bây giờ nói chuyện ấy cũng muộn quá rồi.
Tôđa lại cúi mái đầu băng bó xuống.
- Cái bà y tá trưởng ấy thật! - Kôbasi bực bội thốt lên.
- Bà ấy chẳng có lỗi gì. Đây là lỗi của tôi: Tôi đã không trả tiền...
- Anh đọc thứ kinh sám hối gì thế? Anh muốn được người ta tống ra ngoài lắm phải không?
- Dạ không! Sao bác nói thế? - Tôđa hoảng hốt chống chế.
- Thế thì đừng nói bậy.
- Vâng ạ
- Anh chưa khỏi đâu. Các vết thương đang cương mủ, anh còn buồn nôn, còn đau đầu, có đúng không?
- Đúng ạ
- Anh phải nghĩ cho kỹ đi.
- Nhưng còn biết làm thế nào được?
Kôbasi tay bứt rứt rút ra một điếu thuốc lá. Quả nhiên, còn biết làm thế nào? Anh ta mắng Tôđa, nhưng bản thân anh cũng chẳng nghĩ ra được một cách gì...
Akikô lấy bao diêm đặt cạnh nôi tiệt khuân, để trước mặt Kôbasi. - Bây giờ anh có bao nhiêu tiền?
- Độ năm sáu ngàn.
- Năm sáu ngàn... - Kôbasi lẩm bẩm, vẻ trầm ngâm, tay đưa que diêm lên châm thuôc lá. - Bình thường anh làm gì?
- Tôi chơi nhạc trong giàn nhạc nhẹ.
- Ở quán rượu à?
- Đại loại như thế...
- Còn những người đến bệnh viện với anh, họ cũng ở trong giàn nhạc?
- Nói chung là thế.
Những câu trả lời của hắn khá mơ hồ. Một người chơi nhạc nhẹ... Thế mà các cô y tá lại nói rằng những tên đến thăm hắn đều là những tên cướp thực thụ. Thành thử câu chuyện nhạc nhẹ này... Khó tin lắm.
- Anh không thể mượn thêm của các bạn được sao?
- Ờ-ờ -ờ, họ... tôi... - Tôđa nói lúng túng rồi im bặt.
Các bạn hắn đến bệnh viện cả thẩy hai lần, vào những ngày đầu, rồi sau đó chẳng còn thấy tăm hơi đâu nữa.
- Anh có gia đình chứ?
- Không.
- Thế còn bố mẹ?
- Ở rất xa...
- Xa thì xa nhưng vẫn có chứ?
Tôđa gật đầu.
- Anh có thể xin họ được không?
Tôđa nghẹn ngào lẩm bẩm cái gì không rõ, và đưa tay lên bưng lấy khuôn mặt quấn băng.
- Tiên sinh, - Akikô lên tiếng. - Thế còn chế độ cứu trợ người túng thiếu thì sao ạ? ... Có lẽ thử xin trợ cấp của nhà nước chăng? ... . .
- Tôi đã nghĩ đến điều ấy. Họ sẽ không cấp ngay đâu. Dù họ có chuẩn y thì thủ tục vẫn chiếm không ít thì giờ, và rốt cục phải ba tháng sau là ít, bệnh viện mới nhận được tiền.
- Nếu anh ta không có tiền mặt thật, thì không còn cách nào nữa ư?
- Rốt cục là như thế, - Kôbasi xác nhận, vẻ mặt lầm bầm. - Tôi không tin rằng những kẻ keo kiệt kia bằng lòng đợi ba bốn tháng.
Ở bệnh viện Oriental người ta thường tránh những bệnh nhân trả viện phí bằng tiên trợ cấp. Những khi vẫn cứ phải tiếp xúc với những bệnh nhân như vậy thì người ta tìm cách giải quyết sao cho họ đi thật nhanh...
- Bố mẹ anh sống ở đâu? ...
- Ở Miyađza.
- Ừ, cũng xa thật. Nhưng nếu viết thư xin ngay thì sao... ? Dĩ nhiên ông bà sẽ ngạc nhiên, vì mọi việc xảy ra đột ngột quá. Nhưng đây là vấn đề sức khỏe của anh. Ông bà sẽ không từ chối đâu!
Tôđa gật đầu, rồi lại đưa hai bàn tay bưng khuôn mặt quấn băng.
- Anh sẽ nằm đây thêm ba bốn ngày nữa, nhiều nhất là năm ngày; nếu ông bà gửi độ ba mươi ngàn yên thì mọi việc sẽ êm xuôi. Rồi sau anh sẽ gửi trả lại. Anh sẽ ra viện và sẽ làm việc để kiếm tiền.
- Nhưng bà y tá trưởng đã quyết định cho anh ta xuất viện từ ngày mai. Dù anh ta có xin bố mẹ được nữa thì vẫn đã quá muộn, - Akikô lại xen vào câu chuyện.
- Thế thì đã sao? Tôi sẽ yêu cầu bà ta đợi một chút.
- Vấn đề không phải là bà y tá trưởng. Sau lưng bà còn có đích thân bác sĩ trưởng...
- Bác sỉ trưởng ư?! Nhổ toẹt vào!
- Tiên sinh? Hảy cẩn thận...
- Cẩn thận à? Tại sao? Tôi chỉ muốn làm những gì cần làm.
- Nhưng bệnh nhân quả thật là có lỗi. Anh ta không trả tiền điều trị...
- Một người thầy thuốc không được nghĩ đến tiền! Bổn phận của hắn là chữa bệnh một cách tận tình.
- Nhưng trong môt. bệnh viện tư thì như thế không được.
- Cô thay lòng đổi dạ từ bao giờ thế?
- Thay lòng... ? - mặt Akikô như hóa đá. - Chẳng qua em cho rằng không thể cái gì cũng đổ lỗi cho một mình bác sĩ trưởng. Ông ấy không đến nỗi xấu như thế.
- Không, rất xấu. Ông ta chẳng nghèo môt. chút nào, thế mà vẫn cố vắt cái bệnh vei^. n này ra cho được thật nhiều lợi nhuận. Ông ta đã biến y học thành phương tiện làm giàu. Theo cô như thế là bình thường à?
- Tiên sinh, trước mặt bệnh nhân... - Akikô đưa mắt chỉ Tôđa.
Kôbasi, dường như thể mới nhìn hăn lần đầu, im lặng. Anh thấy ngượng. Bới đống quần áo bẩn lên, mà lại trước mặt bệnh nhân...
- Dù có thế nào... - Kôbasi cố thở lại cho đều, - Anh cũng cứ nên viết thư ngay cho mẹ anh.
- Vâng ạ.
- Nếu bác sĩ trưởng có giục tiền thì chính tôi sẽ cho anh vay.
- Tiên sinh! ... - Akikô thốt lên, giọng trách móc.
- Không sau đâu. Số tiền ấy sẽ không làm cho tôi túng quẫn quá đâu.
Tôđa cúi đầu rất thấp, thấp đến nỗi có thể trông thấy mớ tóc buột ra ngoài băng ở phía sau gáy.
- Nào thôi, bình tĩnh lại đi.
Trong tâm hồn Kôbasi thấy nhẹ nhõm và vui mừng. Anh làm việc đã đến năm thứ ba, nhưng hôm nay là lần đầu anh thực sự cảm thấy mình là một người thầy thuốc. Akikô nhìn anh trong một nỗi kinh ngạc thầm lặng.
- Anh không nên ngồi lâu quá, lại bắt đầu chóng mặt cho mà xem.
- Thế... - Tôđa từ từ ngẩng đầu lên. - Thế thì không cần nói gì với bác sĩ trưởng nữa ạ?
- Bác sĩ trưởng nào? Bác sĩ Naôê ấy à? Thế anh có nói gì với ông ấy à?
- Vâng, sáng nay, sau giờ thăm bệnh nhân. Tôi có hỏi ông...
- Như vừa hỏi tôi chứ gì?
- Vâng.
- Thế ông ta trả lời anh thế nào?
- Ông ấy bảo là phải ra viện thôi.
- Ra viện?!
Tôđa gật đầu.
- Ông ấy nói: ' Phải ra viện thôi', có đúng thế không? - Kôbasi không dám tin ở tai mình nữa.
- Đúng ạ.
- Thật là ngu xuẩn! Nhưng anh làm sao ra đường đi giữa đám đông được. Một khi người ta chóng mặt. Naôê phải hiểu điều đó chứ!
- Tiên sinh! ... - Akikô lại nhắc nhở anh.
- Bác sĩ Naôê viết trong bản kết luật rằng bết thương hãy còn đau, nhưng có thể chữa ngoại trú được.
- Chẳng lẽ ông ta lại có thể viết như vậy? - Nếu bác sĩ trưởng nói như vậy thì còn khả thứ, chứ nếu là Naôê thì không thể tưởng tượng được.
- Chế độ chữa ngoại trú không thể dùng cho anh ta thật sao? - Akikô hỏi.
- Tuyệt đối không. Vả lại chính Naôê cũng đã nói rằng Tôđa phải nằm viện ít nhất là hai tuần.
- Nhưng bây giờ ông ấy khẳng định rằng Tôđa có thể ra viện đấy thôi!
- Ông ấy nói gì kệ ông ấy! Thực chất là nếu cho Tôđa ra viện bây giờ thì quá trình hồi phục sẽ kéo dài, - Dường như Kôbasi tự bei^. n luận với mình. - Trong bệnh viện này có những bệnh nhân vẫn còn nhẹ hơn nhiều mà vẫn được nằm. Những bệnh nhân như thế thì giữ lại, còn Tôđa thì tống đi; thử hỏi như thế có đúng không?
Tôđa tiếp tục nhìn xuống đất. Đầu quấn băng gần kín hết, hắn trong còn trẻ hơn cả cái tuổi hai mươi lăm của hắn - một cậu bé bơ vơ tội nghiệp.
- Nói chung tôi đã rõ hết rồi. Anh cứ tin ở tôi. Hôm nay anh có thể ngủ yêu.
- Cám ơn bác sĩ. Bác sĩ tha lỗi cho tôi...
Tôđa đứng dậy, cúi chào và ra khỏi phòng khám.
Khi cánh cửa đã đóng lại và những tiếng chân bước ngoài hành lang đã im hẳn, Akikô quay sang phía Kôbasi.
- Sao anh có thể ăn nói như vậy?
- Những điều tôi nói đều đúng, đúng từng chữ một.
- Đúng thì đúng. Nhưng cái anh bệnh nhân này rất kỳ quặc.
- Tại sao?
- Trẻ thế mà không có việc làm thường xuyên chỉ đi lang thang, kết bè với những tên rất khả nghi... Em thấy chẳng ưa hắn tí nào.
- Ưa, không ưa - điều đó có liên quan gì đến bệnh?
- Dù sao hắn cũng rất khả ố.. Mỗi lần đo nhiệt độ hay bắt mạch, tay hắn cứ sờ soạng lung tung.
- Hắn hãy còn trẻ.
- Hắn đưa cho chúng em xem đủ thứ ảnh bậy bạ...
- Thật à?
- Các chị y tá không chị nào chịu nổi.
Kôbasi cảm thấy quả thật mình đã nói nhiều điều hơi quá. Tuy vậy anh vẫn nói một cách ngoan cố.
- Thực chất không phải ở đấy.
- Liệu bố mẹ hắn có gửi tiền cho hắn thật không?
Nói cho thật ra, bản thân Kôbasi cũng không tin chắc điều đó.
- Cho hắn vay có nguy hiểm không?
- Mọi sự đều sẽ ổn thỏa, - Kôbasi trả lời, cố khắc phục mối ngờ vực trong lòng mình, rồi nhìn lại cái biển treo ở sau lưng: - Phòng công cộng đã hết chỗ..
- Chỉ còn chỗ trong các phòng hạng nhì và các hạng cao hơn.
Kôbasi im lặng quay mặt đi.
- Anhh muốn chuyển Tôđa sang một phòng rẻ tiền hơn ư?
- Ừ, làm như thế ít nhất cũng kéo dài thêm một ngày.
- Ta chỉ có cả thảy hai phòng công cộng.
- Phải.. Ở đây người ta cố sao chỉ giao dịch với người giàu... Thế mà cứ leo lẻo chuyện "xây dựng một xã hội của phúc lợi toàn dân "!
- Cái gì? - Akikô giương cao đôi mày.
- Đó là lời hứa hẹn của bác sĩ trưởng khi ông ra ứng cử vào Hội đồng đôi thị...
Akikô cười ngặt nghẽo.
- Thế còn hai người kia thì ta có giải quyết không?
- Viên công chức và anh lái xe ấy à?
- Họ đã không có việc gì làm trong bệnh viện thì ta cho họ xuất viện quách nhé?
- Tôi xin cô...
Bây giờ khi trong phòng chỉ còn lại hai người. Akikô ăn nói với Kôbasi khác hẳn. Có thể cảm thấy giữa hai người có những mối quan hệ rất gần gũi.
- Gần đây anh đã từ bỏ việc tìm hiểu Naôê.
- Tại sao?
- Ông ta để mặc cho bà y tá trưởng muốn làm gì thì làm, cho những người khỏe mạnh vào nằm viện, kê đơn cho những thứ thuốc hoàn toàn vô ích, làm một cuộc 'phẫu thuật' vô nghĩ lý, trong khi Tôđa vết thương còn mưng mủ thì lại đuổi về...
- Đó là chính sách của bác sĩ trưởng, chẳng ai làm gì được.
- Nhưng Naôê là một bác sĩ rất giỏi! Bất cứ một trường đại học nào cũng phải lấy làm tự hào nếu có được môt. bác sĩ như thế. Nếu ông ta không chịu khuyên răn bác sĩ trưởng thì còn ai làm được việc ấy?!
- Bác sĩ Naôê và bác sĩ trưởng rất khác nhau.
- Chỉ khách nhau ở chỗ Naôê không phải là nhà tư bản.
- Không, không phải chỉ có thế. Naôê có những quan điểm riêng, đáng cho mọi người kính trọng.
- Khó tin lắm.
- Ông ấy là một con người lỗi lạc.
- Không, ông ấy là một người xấu.
- Sao anh có thể nói như vậy về Naôể!
- Có thể trước đây ông ta là một người thầy thuốc lỗi lạc.. Dù sao đó không phải là môt. bạn học của tôi, cho nên tôi có thể tự cho phép mình lên án ông ta.
- Nôrikô mà nghe được những lời như vậy thì không biết sẽ ra sao?
- Mặc. Tôi còn cảm ơn cô ấy nữa là khác, nếu cô ấy truyện đạt những lời của tôi cho Naôê nghe.
- Anh ngốc quá. Chỉ chuốc lấy những việc phiền phức!
- Nếu ở đây tình hình không còn chịu nỗi thì anh sẽ về bệnh viện đại học. Làm việc dưới quyền một người như thế thì có ra gì!
- Ôsamu - Tyan! - Suốt buổi tối, đây là lần đầu tiên Akikô gọi Kôbasi bằng tên riêng của anh. - Sao anh có thể?
Nói đoạn cô lao ra cửa chạy như bay theo cầu thang lên tầng hai.
Chương 8:
Đồng hồ đã điểm mười giờ mà Naôê vẫn chưa thấy đến.
Người tiếp bệnh nhân trong phòng khám là Kôbasi : Hôm qua anh đã ở lại trực đêm.
Naôê xưa nay không bao giờ đến sớm, nhưng quá mười giờ mà ông vẫn chưa đến thì đó là chuyện không bình thường. Các nữ y tá bắt đầu lo lắng. Bà y tá trưởng Sêkiguchi từ trên tầng ba chạy xuống phòng khám: Chắc ở phòng ghi danh đã gọi điện cho bà.
- Sao, bác sĩ Naôê vẫn chưa đến à ?
Đồng hồ trên tường chỉ mười giờ mười lăm.
- Chưa. - Akikô Takaghi ngừng tay thay băng ngước mắt nhìn Sêkiguchi.
- Chắc các bệnh nhân đã chờ từ lâu, phải không ?
- Người đến sớm nhất đã chờ từ chín giờ.
Trên bàn của Naôê có một chồng gồm khoảng năm tập bệnh án.
- Có lẽ hôm nay ông ấy nghỉ chăng ?
- Không phải đâu. Sau giờ nghỉ trưa có phẫu thuật.
Akikô gật đầu.
- Phẫu thuật à ?
Bà y tá trưởng nhìn lên tấm biển treo trên tường. Dưới các ô ghi đơn thuốc, ở cuối cùng bản có đề tên và ngày giờ làm phẫu thuật. Không thấy đề một phẫu thuật nào cho ngày hôm nay.
- Đêm qua tôi trực, sau giờ nghỉ trưa hôm nay tôi muốn về nhà.. Có được không ạ ? - Akikô hỏi.
- Tôi nghĩ là có thể, - Sêkiguchi nói một cách thiếu quả quyết. Bà ta nhìn quanh. Trong phòng tiếp nhận ngoài Akikô ra còn có Kaôru Unô và Miđôri Tanaka, còn trong phòng ghi danh thì có Nôrikô Simura và Akikô Nakanisi. Thường thường đối với một phẫu thuật nhỏ như cắt bỏ ruột thừa thì chỉ cần hai y tá.
- Phẫu thuật gì thế ?
- Nạo thai.
Bà y tá trưởng trợn mắt tròn xoe.
- Chính bác sĩ Naôê sẽ làm à ?
- Hình như thế. Bác sĩ Murasê hôm nay sẽ không đến. Không phải ngày.
- Lần đầu tiên tôi nghe thấy.
- Vậy ra chị không biết à ? - Akikô ngạc nhiên nhìn bà y tá trưởng.
- Không.
Kôbasi lúc bấy giờ đang khám bệnh nhân, quay lại.
- Sao, chính Naôê sẽ làm ư ?
- Vâng, - Akikô nhún vai - Anh cũng chưa nghe nói ư ?
- Chưa.
Kôbasi đã khám xong. Bệnh nhân cúi chào rồi ra khỏi phòng.
- Chính em cũng mãi đến tối qua mới biết. Bác sĩ Naôê có gọi điện cho em lúc chín giờ, yêu cầu chuẩn bị các dụng cụ.
- Những chuyện này thực bất ngờ. - Bà y tá trưởng liếc mắt nhìn về phía Akikô, vẻ bất mãn rõ rệt và nói thêm: - Dù sao thì lẽ ra cô cũng nên nói cho tôi biết khi giao ban.
Akikô lúng túng.
- Em tưởng mọi người đều biết, cả chị cũng vậy.
- Chưa ai biết cả. Thì ngay bác sĩ Kôbasi cũng có hay biết gì đâu ?
Bị vặn lại như vậy, Akikô ngượng nghịu cúi đầu, tuy cô tuyệt nhiên không có lỗi trong việc cả Kôbasi lần bà y tá trưởng đều không biết gì; Những cuộc phẫu thuật đều do các bác sĩ ấn định, còn các cô y tá thì chỉ được chỉ thị khi cần thiết.
- Phẫu thuật này làm cho bệnh nhân nào ?
Akikô lặng thinh.
- Sao, cô không biết à ?
- Tôi chỉ được lệnh chuẩn bị dụng cụ ! - Akikô đáp xẵng.
- Rốt cục là chỉ một mình Naôê biết... - Bà y tá trưởng lẩm bẩm đoạn nói, giọng dàn hòa : - Ông ấy thấy cần làm gì là cứ thế mà làm, còn chúng ta bị đặt vào một tình thế ngu xuẩn ra sao thì ông ấy cũng mặc.
Cuộc phẫu thuật này, xét tự bản thân nó, là một phẫu thuật sơ đẳng. Chỉ cần một bác sĩ và một y tá là hoàn toàn đủ. Nhưng Sêkiguchi chảm thấy lòng tự ái của mình bị tổn thương nặng nề. Làm y tá trưởng mà lại chỉ nhờ sự tình cờ mới biết được là sắp có một cuộc phẫu thuật ! Chẳng ai coi bà ra gì !...
- Như thế tức là nữ bệnh nhân chưa vào viện.
- Hình như thế.
- Ai thế nhỉ ?... Tiên sinh không biết à ? - Sêkiguchi quay sang hỏi Kôbasi.
- Tôi không biết, - Kôbasi đáp xẵng trong khi lấy tập bệnh án tiếp theo.
- Thật là vô lối.
Bà y tá trưởng nhìn đồng hồ. Vào lúc ấy Nôrikô từ phòng ghi danh bước sang.
- Nôrikô này, - bẽ mặt thì thái độ lạnh nhạt của Kôbasi, Sêkiguchi vội quay sang cô nữ y tá, - cô không biết gì về cuộc phẫu thuật hôm nay à ?
- Phẫu thuật ạ ? Không.. tôi không biết.
Rõ ràng là Nôrikô nghe nói đến chuyện này lần đầu.
- Thế mà bác sĩ Naôê maĩ bây giờ vẫn chưa đến...
Kim phút trên đồng hồ treo tường nhích lên một quãng ngắn. Mười giờ hai mươi phút.
- Có lẽ bác sĩ ốm chăng ?
Nôrikô nhún vai. Cô rất muốn trả lời : "Sao các người lại hỏi tôi ? Tôi có phải là vợ ông ấy đâu mà biết ".
- Nếu ông ấy không định đến hôm nay thì ít ra cũng phải báo chứ ! Cô thử gọi điện về nhà ông ấy xem !
- Tôi không biết số điện. Bà tự gọi lấy thì hơn.
Nôrikô quay lưng về phía bà y tá trưởng lấy trong tủ thuốc ra hai ống thiazin à quay về phía phòng ghi danh.
- Mời bệnh nhân tiếp theo, - Kôbasi nói với Akikô lúc bấy giờ đang ngồi trầm ngâm.
- Thế-ế-ế đấy... Mãi vẫn không thấy đến, - Cô trấn tĩnh, bà y tá trưởng nhìn ra hành lang. Khoảng hai mươi bệnh nhân đang ngồi im lặng kiên nhẫn chờ.
- Tiên sinh, - Sêkiguchi yê