Nợ em một đời hạnh phúc
Tặng cho mỗi người con gái từng may mắn gặp được tình yêu: Càng can đảm, càng hạnh phúc!
Bảy năm trước.
Cô nói: -Tôi cố ý đấy, để dính bầu là tôi cố ý, nạo nó đi cũng là theo kế hoạch, chỉ để hành hạ anh. Trên đời này chuyện tàn nhẫn nhất là gì anh biết không? Là khiến người ta tưởng rằng mình có được tất cả, nhưng cuối cùng mới phát hiện ra lầm to. Mất mát là thế nào anh biết không? Tương lai sụp đổ là thế nào anh biết không? Tôi chưa bao giờ yêu anh cả, giữa chúng ta thế là hết rồi.
Anh nói: - Hết ư? Chưa đâu, chưa làm cô thân bại danh liệt, thì tôi chưa buông tay.
Bảy năm sau.
Cô nói: - Mười vạn. Anh biết tôi cần tiền mà, có lẽ anh vẫn... còn thích tôi. Vì thế, nếu anh muốn ở lại đêm nay, được thôi, nhưng đưa tôi mười vạn.
Anh nói: - Romeo chưa gặp được Juliet, không phải, Romeo đã gặp được Juliet rồi, nhưng Juliet đâm chàng một nhát, lại còn đâm trúng tim, khiến Romeo không sao vùng thoát ra được... Chàng cũng không nghĩ đến chuyện vùng vẫy, nên cứ thế bị Juliet giết chết. Bị người mình yêu thương đâm thẳng vào tim, còn chuyện gì tàn nhẫn hơn chuyện này nữa?
Nhiếp Vũ Thịnh và Đàm Tĩnh, bảy năm trước xa cách vì hiểu lầm, bảy năm sau tái ngộ lại đeo sầu mới. Chỉ có điều, số mệnh đã định sẵn rằng, có một kiểu tình yêu mà cho dù chia cắt bao lâu, thì mỗi lần tương hợp lại nhen lên những điều kỳ diệu.
[Tải ảnh'>
CHƯƠNG 01:
Đàm Tĩnh làm ca chiều, lại đúng vào hai ngày nghỉ cuối tuần, bận đến không mở mắt ra được, cuối cùng đến giờ đóng cửa còn phát hiện nhận phải tờ 100 tệ giả. Vớ phải tiền giả là chuyện chán nhất trần đời, Đàm Tĩnh trước giờ luôn cẩn thận, chưa bao giờ phạm phải sai l như vậy, hôm nay đúng là bận quá đâm ngớ ngẩn. Vương Vũ Linh cùng làm ca chiều với cô hôm nay, nói: "Hay là đưa cho Lương Nguyên An." Lương Nguyên An tuy lúc nào cũng nhăn nhở cười cợt, chẳng có gì nghiêm túc, nhưng lại rất quan tâm mấy chị em trong cửa hàng, thỉnh thoảng có người nhận phải tiền giả, đưa cho Lương Nguyên An, chẳng bao lâu sau anh ta liền cầm đến một đống tiền lẻ, nói: "Này, lấy 15 tệ đi mua thuốc lá rồi nhá." Tuy bị thiếu mất 15 tệ, nhưng cô nào cũng vui, có cô khéo mồm còn nói: "Cảm ơn anh An."
Đàm Tĩnh thấy như thế không hay lắm, tuy Lương Nguyên An cũng chỉ là mang đi tiêu mà thôi, nhưng người khác làm ăn nhỏ, vớ phải tiền giả, chắc chắn sẽ khó chịu chẳng kém.
Vương Vũ Linh lại không nghĩ như vậy: "Cậu đúng là ngớ ngẩn."
Đàm Tĩnh cười hiền lành: "Thôi, coi như là mua lấy bài học vậy."
Thực ra trong lòng cô cũng xót lắm, tiền lương một tháng cộng với tiền làm thêm giờ cũng chỉ có hơn 2000 tệ, tự dưng mất 100 tệ, đương nhiên là buồn chán rồi. Đang cắm đầu kiểm tra sổ sách, bỗng nghe thấy tiếng chuông gió kêu. Vương Vũ Linh liền nói: "Xin lỗi, chúng tôi đã đóng cửa rồi "
"Tôi muốn đặt bánh ga tô."
Một giọng nam trung trầm ấm dễ nghe, như có sức hút nam châm, lọt vào tai khiến người ta không khỏi rung động.
Đàm Tĩnh ngẩng đầu lên, cái cô nhìn thấy đầu tiên là cổ áo, cổ áo sơ mi, không thắt cà vạt, phanh hai khuy trên, trông có vẻ rất thoải mái, một bên khuỷu tay vắt chiếc áo vest. Từ phía quầy thu ngân trông ra, chỉ thấy một bên mặt của khách, tuy chỉ là một bên mặt nhưng mặc mũi rất sáng sủa, đúng là một anh chàng đẹp trai hiếm có.
Đàm Tĩnh phát hiện ra mình hơi thất thố, liền cúi đầu xuống tiếp tục đếm tiền, bên tai vang lên tiếng nói đã mềm mại đi rất nhiều của Vương Vũ Linh: "Hay là thế này vậy, nếu như anh không vội thì hôm nay cứ chọn kiểu bánh ga tô trước đi, ngày mai quay lại lấy được không?"
Dường như người đàn ông kia đắn đo giây lát rồi nói: "Thôi vậy.''
Thấy anh ta quay lưng đi ra cửa, Vương Vũ Linh bỗng nhiên thông minh đột xuất, cất gọi giật lại: "Phiền anh chút ạ, có một anh thợ làm bánh vẫn chưa về, hay tôi bảo anh ấy nán lại làm cho anh một cái."
Thật ra Lương Nguyên An đã về rồi, nhưng Vương Vũ Linh vẫn gọi điện, cũng may anh ta chưa đi đến bến tàu điện ngầm nên rất vui vẻ quay trở lại, rửa tay, thay quần áo rồi bước vào phòng làm bánh.
Người đ cảm ơn, sau đó lựa một chiếc bánh ga tô, có lẽ là mua để tặng bạn gái, bởi anh ta lựa một chiếc hình trái tim, phủ đầy hoa hồng. Kiểu bánh ga tô này bán chạy nhất trong cửa hàng, tầm thường thì đúng là tầm thường thật, ướt át thì đúng là ướt át thật, nhưng tình yêu có bao giờ không tầm thường, không ướt át đâu.
Vương Vũ Linh tiếp tục nhẹ nhàng hỏi khách xem có phải viết chữ gì không, có phải rắc bột sô cô la lên không, có phải cho thêm bột đường không, người đàn ông nói: "Cho tôi tấm thiệp."
Tấm thiệp cửa hàng tặng kèm với bánh ga tô trông rất đẹp, người đàn ông như sực nhớ ra chuyện gì, buột miệng nói: "Tôi ra xe lấy cái bút." Vương Vũ Linh vội vàng ngoái đầu lại gọi: "Đàm Tĩnh, cậu mang bút ra đây."
Đàm Tĩnh đành phải mang bút ra, cô đứng rất gần người đàn ông, đến nỗi có thể ngửi thấy được mùi thơm thoang thoảng toát ra từ anh ta, nửa giống mùi bạc hà mát lạnh, lại có vẻ như mùi trà xanh thơm ngát, vừa thuần khiết, vừa sạch sẽ.
"Cảm ơn."
Người đàn ông quay đầu đi viết chữ, Đàm Tĩnh hơi cúi đầu nên có thể nhìn thấy tay anh, những ngón tay rất thon và dài.
Đàm Tĩnh vội vàng quay trở lại quầy thu ngân, lục tục xếp tiền, khi người đàn ông tiến đến quầy để trả tiền, tim cô vẫn còn đang đập thình thịch, hệt như lần đầu tiên cô nhìn thấy Nhiếp Vũ Thịnh vậy.
Hồi đó cô vừa thi đỗ vào trường trung học số 14. Bài vở thì nặng, nhà lại ở xa nên một tuần cô mới về nhà một lần. Lần nào về nhà cũng là thứ Bảy, mẹ sẽ nấu chút gì đó cho cô ăn, chẳng kịp nói chuyện được mấy câu lại vội vàng chuẩn bị đi dạy. Hồi đó, mẹ cô thường tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần đi dạy gia sư đàn piano, học sinh đều ở xa, đi đi về về phải đổi mấy tuyến xe buýt, có điều, thu nhập cũng khá tốt. Đàm Tĩnh biết mẹ vất vả nên xưa nay luôn rất ngoan ngoãn.
Khi lần đầu tiên mẹ phát bệnh, Đàm Tĩnh đang học trên lớp. Cô chủ nhiệm gọi cô ra ngoài, bảo rằng mẹ cô vừa nhập viện. Đàm Tĩnh hoảng loạn vội vàng chạy vào bệnh viện, cô không tìm thấy mẹ ở phòng Cấp cứu, đang định hỏi thăm y tá chỉ nghe thấy phía sau có người hỏi: "Bạn có phải là con gái của cô Tạ không?"
Một giọng nam trung trầm ấm dễ nghe, như có sức hút nam châm, lọt vào tai khiến người ta không khỏi rung động. Đàm Tĩnh ngoái đầu lại, thứ đầu tiên cô nhìn thấy là cổ áo, cổ chiếc áo phông kẻ màu xanh nhạt, là một cậu thanh niên rất sáng sủa và phóng khoáng.
Lúc ấy Đàm Tĩnh đang cuống quýt đến lú lẫn cả đầu óc, chỉ biết hỏi: "Mẹ tôi ở đâu ạ?"
"Đã chuyển sang phòng Theo dõi rồi, bác sĩ nói tạm thời phòng bệnh chưa có giường, đợi lúc nào có giường rồi sẽ chuyển đến phòng bệnh." Cậu hơi ngập ngừng, rồi nói: "Để tôi dẫn bạn đi."
Đàm Tĩnh cùng cậu thanh niên băng qua một dẫy hành lang dài dằng dặc, ngoặt qua một khúc quanh mới đến phòng Theo dõi của khoa Cấp cứu. Mẹ cô đang nằm trên giường bệnh, người cắm mấy ống dẫn từ máy móc gì đó nối ra, bà đắp chiếc chăn của bệnh viện, gương mặt trắng bệch, cả môi cũng tím tái. Tiếng gọi "mẹ" của Đàm Tĩnh nghẹn lại trong cổ họng, nước mắt cô trào ra.
Cậu thanh niên an ủi: "Bác sĩ nói đã ổn rồi, bạn đừng lo lắng quá."
Đàm Tĩnh không hề biết mẹ bị bệnh tim, hai mẹ con sống nương tựa vào nhau bao nhiêu năm nay, đột nhiên nghe nói mẹ bị bệnh tim, cô thấy trời như đổ sập xuống, hoang mang lo lắng vô cùng. Cũng may cậu thanh niên kia tuy không lớn hơn cô là bao nhưng xử lý mọi việc rất bình tĩnh. Nghe cậu kể đầu đuôi sự việc, Đàm Tĩnh mới biết hóa ra cậu ta tên là Nhiếp Vũ Thịnh, hôm nay mẹ cô đến nhà dạy cậu học đàn piano, ai dè đang dạy nửa chừng thì bị ngất xỉu, may mà đưa đến bệnh viện kịp thời, sau khi được các bác sĩ cấp cứu, đến giờ đã không có gì nghiêm trọng nữa.
Đàm Tĩnh tất nhiên cảm kích vô cùng, cứ rối rít cảm ơn. Cô cảm ơn nhiều đến mức cậu thanh niên cũng phải áy náy: "Bạn đừng khách khí như thế, đừng nói là cô giáo, cho dù là người lạ gặp phải chuyện này, tớ cũng phải đưa người ta đến bệnh viện mà." Rồi cậu ta bổ sung thêm một câu: "Cô Tạ bình thường đối xử với tớ rất tốt."
Sau này Đàm Tĩnh mới biết, Nhiếp Vũ Thịnh còn ứng trước 5000 tệ đặt cọc tiền viện phí. Mẹ cô nằm viện hơn nửa tháng, sau khi ra viện mới đi ngân hàng rút tiền, vị bác sĩ đã nhắc kỹ bà phải nằm trên giường dưỡng bệnh, nên Đàm Tĩnh nhận nhiệm vụ đem tiền đi trả cho Nhiếp Vũ Thịnh.
Khu nhà Nhiếp Vũ Thịnh ở nằm trên núi, lưng dựa núi mặt nhìn ra biển, phong cảnh đẹp vô cùng. Mùa này đang độ hoa phượng nở rộ, hai bên đường toàn những cây phượng vừa to vừa cao, nhìn từ xa những chùm phượng rực rỡ trông giống như một đàn bươm bướm đầy màu sắc. Hàng cây cao ngất kéo dài đến tận đỉnh núi, góp phần tô điểm thêm cho con đường nhựa. Đường núi quanh co, Đàm Tĩnh ngồi trên xe buýt đến tận bến cuối cùng, cả chiếc xe rộng thênh thang, chỉ còn lại một mình cô.
Bảo vệ ở cổng không cho cô vào, Đàm Tĩnh phải nhờ điện thoại bàn của bảo vệ gọi điện cho Nhiếp Vũ Thịnh, rồi đứng dưới bóng cây phía ngoài cổng chờ. Hai bên vỉa hè rụng đầy hoa đỏ, như vừa có một trận mưa hoa đổ xuống vậy. Đàm Tĩnh đứng một lát, bỗng thấy có gì đó r xuống đầu, đưa tay lên sờ, mới biết hóa ra là một bông hoa rụng xuống. Cô vừa gỡ bông hoa trên đầu xuống, thì nghe thấy tiếng bước chân phía sau.
Đàm Tĩnh quay người lại, quả đúng là Nhiếp Vũ Thịnh. Cậu mặc một bộ áo phông quần trắng, sải bước trên lớp lớp hoa rụng đỏ chói, nở nụ cười với cô: "Chắc cậu chờ lâu rồi hả?"
Bấy giờ Đàm Tĩnh mới nhìn kỹ dáng vẻ của Nhiếp Vũ Thịnh, trông cậu ta mặt mũi sáng sủa, là một anh chàng điển trai hiếm có. Đàm Tĩnh là người sống khép kín, ở trường rất hiếm khi nói chuyện với con trai, nên còn chưa mở mồm, mặt cô đã đỏ ửng lên: "Đâu có." Lấy lại tinh thần, cô rút chiếc phong bì trong tay ra đưa cho cậu, "Cái này mẹ tớ bảo mang đến cho cậu, còn nữa, cảm ơn cậu."
Nhiếp Vũ Thịnh không nhận ngay phong bì, mà hỏi trước: "Cô Tạ đã khá hơn chưa?"
Đàm Tĩnh đáp: "Đỡ nhiều rồi, cảm ơn cậu."
Nhiếp Vũ Thịnh nói: "Thật ngại quá, tiền học phí mấy tháng nay còn chưa gửi cô Tạ, 5000 tệ này trả trước tiền học phí đã, còn hơn 1000 tệ nữa, đợi vài ngày nữa tớ gửi nốt, được không?"
Cậu nói rất lịch sự, Đàm Tĩnh cũng không nắm rõ việc dạy học của mẹ, chỉ biết mẹ ra ngân hàng rút tiền rồi bảo mình đưa đến đây, nên cô lí nhí: "Hay là cậu cứ nhận số tiền này trước đi, tiền học phí gửi mẹ tớ sau cũng được"
Nhiếp Vũ Thịnh bật cười, để lộ hàm răng đều đặn trắng muốt: "Sao cậu bướng bỉnh thế nhỉ?"
Vốn dĩ chỉ là một câu nói bình thường, nhưng tim Đàm Tĩnh lại đập rộn lên như vừa mới thi chạy 800m đường dài ở trường vậy, đập đến nỗi tim muốn nhảy ra ngoài luôn.
Một buổi tối rất lâu sau đó, hôm ấy Vương Vũ Linh, người bạn ở trọ cùng cô không có việc gì chán quá, bèn thuê mấy đĩa phim DVD về xem, trong đó có một bộ phim tên là "Rung động", Đàm Tĩnh đang cắm cúi giặt quần áo, cả một chậu to tướng toàn là quần áo với ga giường, cô vò đến mỏi nhừ cả hai tay, thỉnh thoảng lại ngẩng đầu lên ngó màn hình ti vi. Phim điện ảnh đương nhiên là rất đẹp, rất lãng mạn, hóa ra cảm giác rung động của tất cả các chàng trai cô gái trên thế giới này đều đẹp và lãng mạn như vậy, đẹp đến nỗi khiến người ta thương cảm khôn nguôi.
Đợi vị khách đem bánh ga tô đi, Lương Nguyên An rửa tay thay quần áo đi ra ngoài, cười hề hề hỏi: "Cùng đi ăn đêm chứ?" Vương Vũ Linh đồng ý ngay, Đàm Tĩnh nói: "Tôi còn phải về giặt quần áo..."
"Vài bộ quán áo đó của cậu giặt tí là xong." Vương Vũ Linh ngt lời cô, "Đã bảo cậu mua cái máy giặt từ lâu mà cậu cứ không chịu."
Đàm Tĩnh không đáp, mỗi tháng tiền thuê nhà rồi tiền điện, nước, cái gì cũng cần tiền, cuối cùng cô chẳng còn được bao nhiêu. Vương Vũ Linh đã lôi cô xềnh xệch: "Đi thôi đi thôi, về nhà cũng chỉ xem ti vi chứ làm gì."
Đến ngã tư, rẽ vào một cái ngõ, trong ngõ có mấy hàng thịt nướng. Đang lúc đông khách, hàng nào cũng thấy lửa cháy ngùn ngụt. Lương Nguyên An hẳn là khách quen ở đây, vừa vào đã oang oang chào hỏi chủ quán, tự mình gọi một đống đồ ăn, rồi lại kêu thêm ba cốc bia hơi. Đàm Tĩnh nói: "Tôi không biết uống bia."
Vương Vũ Linh đẩy cốc bia về phía Lương Nguyên An : "Đàm Tĩnh, cậu nhà quê hết chỗ nói, cái gì cũng không biết, cái gì cũng không dám." Rồi nhớ lại chuyện tiền giả, cô liến thoắng kể cho Lương Nguyên An nghe, "Anh xem, cô ấy có phải là ngớ ngẩn không chứ?"
Đàm Tĩnh cười trừ, Lương Nguyên An hỏi: "Tờ tiền giả đó đâu, cho tôi xem được không?"
Đàm Tĩnh cúi xuống lấy trong túi ra, Lương Nguyên An giơ lên lật đi lật lại xem xét, đoạn nói: "Tờ này giống thật lắm, bảo sao mà cô không phát hiện ra."
Đàm Tĩnh phân trần: "Tại tôi bận quá nên lú lẫn, lẽ ra phải soi qua máy, nhưng tôi quên khuấy đi mất."
Lương Nguyên An giữ tờ tiền lại : "Để tôi tiêu cho, tôi biết cô không có gan đem đi tiêu."
"Như thế không hay đâu."
Vương Vũ Linh phì cười: "Anh thấy chưa, cô ấy thật thà thế đấy."
Đàm Tĩnh xấu hổ, nhưng không dám làm căng đòi tờ tiền giả từ tay Lương Nguyên An. Đúng lúc này, thịt nướng được mang tới, Lương Nguyên An nhanh nhảu: "Ăn đi, để nguội rồi không ngon nữa đâu." Anh ta và Vương Vũ Linh cười cười nói nói, chuyện này cứ thế mà qua đi.
Căn nhà bây giờ Vương Vũ Linh thuê thuận đường với nhà của Lương Nguyên An, hai người họ cùng nhau đi tàu điện ngầm, còn Đàm Tĩnh đi xe buýt về, cả chiếc xe trống trải chỉ lác đác vài hành khách, vẻ mặt ai cũng mệt mỏi. Từng ngọn đèn đường chiếu vào trong xe, như bản sao một bộ phim nhựa đã bị hỏng, khiến trong xe thoắt sáng thoắt tối. Đàm Tĩnh gác khuỷu tay lên cửa sổ xe, gió về đêm se se lạnh, chỉ có lúc sau ca tối, xe buýt mới có chỗ ngồi, bởi vì cô thường tan làm rất muộn. Và cũng chỉ lúc này, cô mới có thời gian để nghĩ ngợi gì đó – thực ra cô chẳng nghĩ gì cả. Đối với cuộc đời, cô đã chai sạn từ lâu rồi, có điều tuy đầu óc cô trống rỗng, nhưng con người cô lại không thể thanh thản
Xuống xe buýt còn phải đi bộ hơn 10 phút nữa, cả khu này đều là những dãy nhà kiểu cũ, hai bên đường san sát những cửa hàng và quán ăn nhỏ, lúc này vẫn còn rất nhiều hàng mở cửa, ánh đèn trong tiệm hắt xuống mặt đường, phản chiếu những hình ảnh ngược. Ngang qua cửa hàng hoa quả, Đàm Tĩnh dừng lại, mua một cân đào. Mùa này đào rẻ, lại rất ngọt. Lúc nhận tiền thừa, có đồng hào lẻ rơi xuống đất, cô tìm mãi không thấy, may sao cuối cùng chủ quán tinh mắt, nhặt lên trả lại cho cô.
Túi ni lông đựng đào vừa mỏng vừa nhỏ, có mỗi 5,6 quả đào mà đựng đầy cả túi, chẳng mấy chốc đã khiến các ngón tay cô mỏi nhừ. Cô bèn đổi sang tay kia, lúc đi đến cổng khu nhà, vừa lúc có ánh đèn đường rọi vào. Vẫn là cánh cửa sắt kiểu cũ, bóng những thanh sắt in rõ dưới đất, cô do dự đôi chút, rồi quay đầu lại.
Chiếc xe không bật đèn pha, chỉ lặng lẽ dừng lại. Đã có lúc cô tưởng rằng đây là một giấc mơ, vì chỉ trong mơ mới có thể có cảnh này. Cô cười gượng gạo, như thể đang nhạo mình không biết lượng sức, nhưng ngay lập tức cô biết đây không phải là giấc mơ. Bởi Nhiếp Vũ Thịnh đã bước xuống xe, không những thế, còn đi về phía cô.
Đàm Tĩnh không nhúc nhích, gió đêm thổi nhẹ gấu váy cô, như đôi cánh của chú bồ câu, nhẹ nhàng vỗ về làn da cô. Mấy quả đào trong tay nặng tựa nghìn cân, nặng đến nỗi ngón tay cô đỏ lên, bầm tím rồi đau nhói, cô hơi hối hận vì mình đã mua đào, nếu như đi tay không, chắc cô có thể tháo chạy nhanh hơn. Nhưng rồi cô lại đứng thẳng lưng lên theo phản xạ. Chạy ư? Không, cô không cần phải chạy. Sự việc xảy ra cách đây bao nhiêu năm rồi, cô luôn cảm thấy mình đã trở nên yếu đuối hơn cả khi trước, nhưng đến hôm nay, cô mới chợt nhận ra, cuộc sống khó khăn không làm cho cô yếu đuối, mà ngược lại còn khiến cô kiên cường hơn.
Nhiếp Vũ Thịnh đi thẳng đến trước mặt cô, dưới ánh đèn đường chiếc bóng cao lớn của anh phủ chụp lấy cô, cô từ từ ngẩng đầu lên nhìn anh, ánh mắt đầy vẻ bình thản.
Vừa nãy khi ở trong tiệm bánh ga tô, anh đã nhận ra cô, nếu không anh đâu có đặt chiếc bánh đó, thế nhưng năm đó, khi cô giáng cho anh một cái tát nảy lửa, bọn họ đã đường ai nấy đi từ lâu, không ai nợ ai cả. Bao nhiêu năm tháng qua đi, khi gặp lại nhau lần nữa, cô chợt phát hiện ra mình đã không còn chút oán hận nào cả. Tất cả những đau khổ và tủi nhục trước kia hóa ra đã phai nhạt, thậm chí biến mất theo thời gian.
Nhiếp Vũ Thịnh không có phản ứng gì, chỉ lẳng lặng nhìn cô. Đàm Tĩnh thấy mình nên nói gì đó, không phải vì bị khí chất của anh lấn át, mà lại cô thấy nhất định phải nói gì đó mới được. Tại sao anh lại đi theo cô về nhà? Là vì tò mò ư? Không, Nhiếp Vũ Thịnh không bao giờ tò mò, anh cũng ch từng làm những chuyện vô bổ. Cô thấy cô không thể không cất lời, cậu bé áo trắng sải bước trên lớp lớp hoa rụng tiến về phía cô ngày xưa đã chết rồi, cuộc gặp gỡ ngày hôm nay, chỉ lả giữa hai con người ở hai thế giới khác nhau mà thôi.
Thậm chí cô còn cười hỏi: "Lâu lắm rồi không gặp."
Anh nhìn ngôi nhà cũ nát phía sau lưng cô, khẽ hỏi: "Em sống ở đây sao?"
"Vâng." Giọng điệu cô hoàn toàn bình thản, như gặp lại một người bạn cũ, "Anh có muốn lên nhà ngồi chơi không?"
Anh nhướn mày, người đàn ông này vẫn đẹp trai như vậy, nhất cử nhất động đều toát lên vẻ xuất chúng phi thường, giọng nói trầm ầm vẫn có vẻ cuốn hút như trước kia, chỉ có điều không giấu được sự cay nghiệt lạnh lùng như dao cắt trong từng câu nói: "Cô thường xuyên mời đàn ông lên nhà ngồi chơi ư?"
"Đương nhiên là không phải." Cô đáp trả rất nhanh, "Tôi không có ý gì khác. Chồng tôi cũng sắp đi làm về rồi, nếu anh không ngại thì lên nhà uống chén trà"
Anh cười nói: "Thôi, khỏi cần."
Anh lái xe theo cô về đây, là để tận mắt thấy cô sống không tốt, anh mới cảm thấy an lòng. Cô cười nói: "Hay anh lên ăn chút hoa quả đi, tôi nhớ anh thích ăn đào nhất."
Có lần anh bị sốt phải truyền nước, ngồi trong phòng truyền nước, cô gọt từng miếng đào bón cho anh ăn, vừa bón vừa xót xa vì thấy anh sốt đến đỏ hoe cả mắt, đáy mắt còn hằn lên máy đốm máu nhỏ li ti. Hồi đó anh còn gọi cô là vợ, hồi đó cô cứ nghĩ rằng họ nhất định sẽ lấy nhau, hồi đó sao mà ngốc nghếch vậy, cái gì cũng tưởng thật.
"Cám ơn, để lần sau đi." Anh vẫn lịch sự như vậy, giống như đối xử với một người xa lạ.
Cô cười thoải mái: "Vậy tôi đi lên đây, tạm biệt."
Anh không chào tạm biệt cô, tạm biệt, không, là vĩnh biệt mới phải. Cuộc gặp gỡ ngày hôm nay quả là thừa thãi, cả đời này cô không muốn gặp lại anh nữa, hẳn anh cũng vậy.
Đi đến tận chân cầu thang cô mới phát hiện ra lòng bàn tay mình ướt sũng, mu bàn cũng lấm tấm mồ hôi lạnh. Cô ôm túi đào như ôm bảo bối gì đó, dò dẫm bước từng bước lên cầu thang tối thui, chỉ lo làm kinh động cái gì đó.
Hóa ra - hóa ra đã bảy năm trôi qua rồi.
Cuộc sống của cô không tốt, rất hợp với mong muốn của anh. Cô cũng không hề nói dối, có điều, khi cô m lên nhà, trong lòng quả có lo anh lên thật, lúc đó thì đúng là không biết phải ứng phó thế nào... Đang tìm chìa khóa mở cửa, cô bỗng nghe thấy tiếng loảng xoảng phát ra từ phòng khách, không biết thứ gì bị rơi xuống đất. Cô bước vào trong bóng tối, quả nhiên Tôn Chí Quân đã đi làm về, có điều vẫn như mọi ngày, anh ta lại uống say mèm. Chưa bật đèn cô đã ngửi thấy mùi rượu nồng nặc và mùi thuốc lá khét lẹt, phải đứng im một lát như để lấy lại sức rồi mới đưa tay lần tìm công tắc bật đèn lên.
Tôn Chí Quân nôn đầy cả nhà, cô mở cửa sổ cho thoáng khí, rồi xuống bếp xúc ít xỉ than lên quét dọn đống thức ăn anh nôn ra. Vốn nhà nào cũng dùng bếp gas cả rồi, nhưng cô vẫn xin rất nhiều xỉ than của chị Vương trông thang máy trong khu nhà, chị ta ở trong một căn nhà cấp bốn ngay cạnh bãi xe, sống rất tằn tiện, thường hay đốt than tổ ong nấu nướng. Sở dĩ cô xin xỉ than là vì mỗi lần Tôn Chí Quân uống say lại nôn đầy nhà. Rất nhanh, Đàm Tĩnh đã thu dọn sạch sẽ nhà cửa, rồi bê một chậu nước ấm đến cho Tôn Chí Quân rửa mặt. Vừa chạm chiếc khăn vào mặt Tôn Chí Quân, đúng lúc anh vung cùi chỏ lên đập trúng mũi Đàm Tĩnh, mạnh đến nỗi cô chết lặng đi, cả người đổ về phía sau, ngồi phệt xuống đất.
Mũi bắt đầu chảy máu, cô vớ lấy ít giấy vệ sinh, vò lại nhét vào mũi, rồi tiếp tục lau mặt, lau tay cho Tôn Chí Quân. Máu mũi ấm nóng từ từ thấm đẫm nút giấy vệ sinh, lúc cô cúi xuống vắt khăn mặt, máu mũi cô nhỏ xuống chậu nước, biến thành những sợi tơ máu, chẳng mấy chốc đã tan ra trong nước, không còn thấy đâu nữa. Cô đi thay chậu nước khác, lúc này Tôn Chí Quân trở nên ngoan ngoãn hơn trước, mặc cho cô muốn làm gì thì làm. Cô lau rửa cho anh xong, lại giúp anh cởi giày, rồi lấy chiếc khăn khác lau chân cho anh.Thấy anh nằm vật trên sofa, cô biết mình chẳng có cách nào bê anh lên giường được, đành vào phòng ngủ mang chăn len ra đắp cho anh, để anh ngủ ngon.
Dọn dẹp xong đâu đấy, tóc mái của cô cũng ướt sũng, dính chặt vào trán. Cô lấy quần áo ngủ đi tắm, tắm xong lại bắt đầu giặt quần áo. Quần bò của Tôn Chí Quân vừa dày vừa nặng, cô chỉ có thể dùng bàn chải chải thật lực, thiếu chút nữa lại đầm đìa mồ hôi khắp người, sau cùng cô đem quần áo ra ban công phơi, gió ngoài ban công thổi thốc vào người mát lạnh, cô không đừng được, bèn đứng đó hóng gió một lúc.
Chỉ một lúc cũng đủ để cô nhớ lại rất nhiều chuyện, con người trong lúc mệt mỏi cực độ hay khốn đốn cực độ, thường hay hồi tưởng lại quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời mình. Ký ức này quá xa xỉ đối với cô, cô tựa vào rèm cửa, xung quanh đều có nhà ở, ánh đèn sáng phát ra từ những ngôi nhà như những vì sao trên bầu trời, tiếng xe ô tô từ phía xa vọng lại, nghe như ở một thế giới khác. Trước đây cô cứ tưởng rằng trái tim mình đã chết, vậy mà sự xuất hiện của Nhiếp Vũ Thịnh hôm nay vẫn làm cô xao xuyến, nhưng tại sao anh lại tuyệt tình đến vậy
May mà cô đã kết hôn rồi, chưa bao giờ cô thấy may mắn đến vậy, nhưng trong thâm tâm cô vẫn có chút lo sợ. Thực ra nếu chưa kết hôn thì cũng có thể làm sao đây? Mối hận giữa họ đã khắc sâu vào tận xương tủy, Nhiếp Vũ Thịnh từng nói: "Đàm Tĩnh, cô tưởng rằng như vậy là kết thúc ư? Đừng vội mừng, còn chưa làm cho cô thân bại danh liệt tôi thề không bao giờ buông tha."
Thân bại danh liệt thì sao chứ, có những điều còn đau khổ hơn thân bại danh liệt gấp hàng nghìn, hàng vạn lần, có điều đã trải qua rồi.
Đến cô cũng không hiểu tại sao mình có thể chịu đựng được tất cả, cũng may mà tất cả đã qua rồi.
Ngày hôm sau khi cô tỉnh dậy, Tôn Chí Quân đã tỉnh rượu đi làm. Cô có lúc làm ca sáng, lúc làm ca tối, còn anh cũng có lúc làm ca sáng lúc làm ca đêm, hai người họ thường không gặp nhau, có gặp cũng chẳng nói với nhau được mấy câu. Sau khi tan làm Tôn Chí Quân hay đi uống rượu với bạn ngoài quán, không uống đến say mèm không biết trời đất gì thì quyết không về nhà. Đầu tiên cô còn khuyên, bởi nói cho cùng rượu cũng làm hại sức khỏe. Sau đó có một lần cô khuyên can hơi nhiều, anh bèn vung tay lên đấm, hất bát canh giải rượu trên tay cô văng xuống đất vỡ tan tành, canh đổ vung vãi đầy sàn nhà, từ đó về sau, cô không bao giờ khuyên anh một lần nào nữa.
Cô cứ đi làm một ngày lại được nghỉ một ngày, cả ngày hôm nay cô không phải tới tiệm bánh. Đàm Tĩnh dọn dẹp một chút rồi ra chợ mua thức ăn, làm món nấm bò hầm cà chua, cả cá viên nữa. Thịt bò tăng giá ghê quá, nhưng cô mặc kệ, làm xong hai món, cô đựng vào cặp lồng, vốn đã cầm thẻ xe buýt chuẩn bị ra ngoài, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, cô lại thôi không đi nữa. Hôm nay cô chẳng muốn đi đâu hết, kể cả chỗ bà Trần.
Tự nhiên có một ngày rảnh rỗi, cô đem tất cả ga giường, chăn màn trong nhà ra giặt hết, rồi lau sạch sẽ những vết dầu mỡ cáu trên bức tường gạch sứ trong bếp, cuối cùng đến nhà vệ sinh. Cả trong lẫn ngoài đều dọn dẹp tinh tươm, trông chỗ nào cũng sạch sẽ sáng loáng, bấy giờ cô mới tháo đôi găng tay cao su ra, uống cốc trà lạnh để trên cửa sổ. Uống trà một lát, cô lại thấy bứt rứt trong người, liền cầm chìa khóa mở ngăn kéo, lôi cuốn sổ tiết kiệm giấu dưới đáy ra. Đã gần hai năm nay, Tôn Chí Quân không đưa cho cô một đồng nào cả, chút tiền ít ỏi của anh ta uống rượu, đánh bài còn không đủ. Tiền điện, tiền nước, tiền gas, cái gì cũng phải tiền, cô chỉ còn cách cố gắng tiết kiệm. Thế nhưng có tiết kiệm thế nào đi nữa thì cũng không được là bao, bấy nhiêu năm nay, trong sổ tiết kiệm của cô chỉ có vẻn vẹn hơn một vạn tệ, đấy là tiền cứu mạng của cô, cứ cách một khoảng thời gian cô lại lấy ra xem, có điều càng xem càng thấy đau lòng. Cô đã từng nếm trải nỗi khổ vì không có tiền, hồi mẹ cô nguy cấp trong bệnh viện, chờ tiền để cứu mạng, nhưng cô không nghĩ ra được cách nào cả. Từ đó trở đi, cô mắc một căn bệnh, cứ cách vài ngày lại phải đem sổ tiết kiệm ra xem, nhưng dù có xem thế nào đi nữa thì đằng sau các con số trong sổ tiết kiệm cũng chẳng mọc thêm được con số không nào cả.
Cô vội vàng cất cuốn sổ tiết kiệm vào ngăn kéo khóa lại, đưa mắt nhìn sang mấy quả đào hôm qua mới mua. Mấy quả đào tươi còn nguyên lông tơ mượt mà, trông như những thiếu nữ yêu kiều vừa đến tuổi dậy thì, dậy lên hương thơm tươi mát ngọt ngào. Thực ra lâu lắm rồi cô không còn ăn đào nữa, hôm qua chẳng biết ma xui quỷ khiến làm sao, cô lại mua một cân đào. Trước đây cứ nhìn thấy Nhiếp Vũ Thịnh là cô lu mờ hết cả lý trí, mãi đến hôm nay sau khi gặp lại anh, cô vẫn còn hồn bay phách lạc.
"Mau nhìn này! Nhiếp Vũ Thịnh!"
Khi Nhiếp Vũ Thịnh đi đến cửa phòng khám bệnh, cô y tá đứng gần đó nhìn thấy, lập tức kéo tay một cô y tá khác, cứ như fan hâm mộ nhìn thấy thần tượng vậy, mấy cô y tá trẻ đều ngoái hết lại, đứng nghiêm thẳng hàng ngẩng cao đầu như chào cờ trước mặt anh. Thực ra anh không hề để ý thấy có người đang nhìn mình, nên cứ đi thẳng về phía thang máy. Đám y tá bấy giờ mới thả lỏng người, một cô nói: "Ai cũng bảo bác sĩ Nhiếp đẹp trai nhất viện mình, quả không sai." Cô khác nói chen vào: "Là bác sĩ đẹp trai nhất trong số những bác sĩ còn độc thân thì đúng hơn, tiếc rằng bác sĩ Thường lấy vợ rồi, chứ thực ra bác sĩ Thường đẹp trai hơn bác sĩ Nhiếp."
"Tớ lại thấy bác sĩ Thường không đẹp trai bằng bác sĩ Nhiếp, hơn nữa bác sĩ Nhiếp cao hơn bác sĩ Thường, đàn ông phải ới phong độ chứ. Nhưng bác sĩ Thường trông giống Lục Nghị nhỉ, cười lên đẹp trai ghê cơ. Bác sĩ Nhiếp ít nói, suốt ngày mặt mày nghiêm nghị, cô bạn tớ làm ở khoa Ngoại Tim mạch kể rằng chưa bao giờ nhìn thấy bác sĩ Nhiếp cười, chẳng biết có đúng không."
"Cậu có bạn ở khoa Ngoại Tim mạch à? Thế mà còn không tranh thủ cơ hội 'nhất cự li nhì tốc độ'? Ai cũng nói bác sĩ Nhiếp chưa có bạn gái, bảo cô ấy cố gắng trói chặt chàng hoàng tử bạch mã này đi, tốt thế còn gì!"
"Nhất cự li nhì tốc độ thì có tác dụng gì, cả viện ai cũng biết bố bác sĩ Nhiếp là Nhiếp Đông Viễn. Nhiếp Đông Viễn cậu có biết không? Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty lớn trên sàn chứng khoán đấy, hằng ngày tiền kiếm được đếm còn không xuể. Nghe nói nhà anh ấy có cả máy bay riêng ấy, hoàng tử bạch mã thế này hoành tráng quá, người thường ai mà sánh được, chúng mình chỉ ngắm như vậy cũng thỏa rồi."
Thang máy dừng lại ở tầng bốn, khoa Ngoại Tim mạch và khoa Ngoại Lồng ngực đều tầng này. Trong sảnh có rất nhiều bệnh nhân đang chờ được gọi tên, màn hình điện tử thay đổi liên tục, thông báo thứ tự khám bệnh. So với khu điều trị thì ở đây ồn ào hơn nhiều. Nhiếp Vũ Thịnh hiếm khi đến khu khám bệnh, dù theo thông lệ, hàng tháng mỗi bác sĩ phải khám bệnh ba buổi, chỉ có Phó khoa và Chủ nhiệm là ngoại lệ mà thôi. Thế nhưng, các ca phẫu thuật của Nhiếp Vũ Thịnh quá nhiều, không còn thời gian trống nào cả, nên Trưởng khoa đã tuyên bố: "Không xếp giờ khám bệnh cho Nhiếp Vũ Thịnh nữa."
Trong khoa không có ai dị nghị gì, vì dù sao thì phẫu thuật cũng mệt hơn khám bệnh. Hồi anh mới đến bệnh viện, tuy các đồng nghiệp đều đối xử với anh rất lịch sự, nhưng đằng sau vẻ lịch sự đó là thái độ xa cách. Một cậu công tử con nhà giàu, du học ở Mỹ về, hai bằng Tiến sĩ, lại cứ nhất quyết đòi làm ở bệnh viện nhà nước. Mặc dù bệnh viện này cũng là bệnh viện đứng nhất nhì cả nước, nhưng hầu hết các đồng nghiệp đều thấy khó hiểu, ngay cả Chủ nhiệm Phương cũng vậy, nghe nói Chủ nhiệm còn bất mãn với Giám đốc, không muốn nhận anh vào làm. Nhưng rồi thời gian trôi qua, mọi người hiểu nhau hơn, Chủ nhiệm đã đối xử rất tốt với Nhiếp Vũ Thịnh. Dù sao trình độ của anh cũng cao hơn người khác, đối xử với bệnh nhân lại rất chu đáo, không hề ra vẻ công tử nhà giàu. Có một ông bố làm Chủ tịch Hội đồng quản trị giàu có không phải là lỗi của anh, vì thế mà đại đa số đồng nghiệp trong khoa Ngoại Tim mạch đều có ấn tượng tốt với anh. Chủ nhiệm càng quý mến anh, lần nào đi hội chẩn cũng dẫn theo, ai cũng bảo đến người tính tình kỳ quặc như Chủ nhiệm còn thích anh thì anh quả là người đáng mến.
Có điều đối tượng thích anh nhất phải kể đến đám y tá trong bệnh viện, tuy anh không hay nói, cũng rất ít khi tham gia các hoạt động tập thể của bệnh viện, nhưng "độ nổi" của anh luôn luôn đứng đầu bảng xếp hạng "tin giải trí" trong viện, thậm chí bác sĩ Thường khoa Tiêu hóa, người dễ gần nhất viện cũng phải ngậm ngùi xếp sau anh. Mấy cô y tá trẻ thích nhất là nghiên cứu xem Nhiếp Vũ Thịnh đi giày gì, vì khi khoác chiếc áo blouse vào thì chỉ có mỗi giày lộ ra bên ngoài thôi, nghe nói còn có người dùng di động chụp trộm giày của anh rồi gửi lên trang mạng nội bộ BBS của bệnh viện.
Bác sĩ Lý đang xem kết quả chụp X-quang động mạch vành, thấy anh đi vào, ông gật đầu với anh, rồi nói: "Tôi không chắc lắm, nên bảo cậu qua đây xem."
Băng kết quả rõ ràng không phải là của bệnh viện anh làm, cũng thường xuyên có bệnh nhân cầm theo băng kết quả và bệnh án chuyển lên viện anh, nên Nhiếp Vũ Thịnh không thắc mắc gì, anh cẩn thận xem một lượt, rồi tua lại xem thêm lần nữa, mới lên tiếng: "Cứ để bệnh nhân chụp X-quang lại đi, nếu như vẫn muốn làm phẫu thuật."
Bác sĩ Lý nói: "Phụ huynh bệnh nhân nói chụp X-quang động mạch vành ở chỗ chúng ta đắt hơn ở bệnh viện họ chụp cả nghìn tệ, có vẻ không muốn chụp ở đây lắm."
Nhiếp Vũ Thịnh xem lại băng một lần nữa, rõ ràng là tim của một đứa bé, phụ huynh bây giờ đều sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu con, kiểu phụ huynh tiết kiệm thế này quả có hơi hiếm thấy. Vì vậy anh hỏi: "Bệnh nhân đâu?"
"Đang chờ ở bên ngoài. Để tôi kêu y tá gọi họ vào."
Đàm Tĩnh có nằm mơ cũng không ngờ được mình lại gặp Nhiếp Vũ Thịnh ở đây, cô bất giác ngây người ra trong giây lát. Nhiếp Vũ Thịnh rõ ràng cũng bất ngờ, nên cũng ngớ người ra. Đàm Tĩnh hoang mang ngồi xuống, đổi tay để cậu bé ngồi lên đầu gối mình, Nhiếp Vũ Thịnh nhìn lại bệnh án, tên tuổi ghi bên ngoài bệnh án đều do bệnh nhân tự viết, anh nhận ra nét chữ thanh thoát của Đàm Tĩnh. Trên đó có viết Tôn Bình sáu tuổi, nam. Nói là sáu tuổi, nhưng vì đứa bé gầy yếu quá, nên trông chỉ như trẻ bốn, năm tuổi. Tóc nó lưa thưa, vừa vàng vừa chẻ, nên được cắt rất ngắn. Nhưng trông nó rất giống Đàm Tĩnh, chỉ cần nhìn thoáng cũng biết hai người la mẹ con. Chắc hẳn do tim không bơm đủ máu nên môi đứa bé cứ tái nhợt, biểu hiện rõ rệt của triệu chứng xanh tím. Có điều cặp mắt nó lại đen tuyền long lanh, đẹp như đá quý, rụt rè nhìn người lạ đứng trước mặt một chốc rồi quay mặt đi, khẽ gọi: "Mẹ."
Đàm Tĩnh nựng con: "Ngoan, chúng ta không tiêm đâu." Bác sĩ Lý chỉnh lại gọng kính, nói: "Chúng tôi vẫn thấy cần phải chụp lại hình X-quang, hiện nay tình trạng của mạch máu không được rõ lắm. Tấm phim X-quang động mạch này đã chụp từ năm ngoái, lần lữa đến bây giờ là quá lắm rồi, nếu còn kéo dài thêm thì không còn cơ hội phẫu thuật đâu."
Đàm Tĩnh run rẩy: "Tôi biết."
"Biết thì đừng có chần chừ nữa." Bác sĩ Lý nói, "Có rủi ro trong phẫu thuật, nhưng tỷ lệ chữa khỏi cũng rất khả quan. Cô về bàn bạc với bố cháu đi, càng phẫu thuật sớm thì càng có hiệu quả, đừng trì hoãn thêm nữa."
"Vâng." Đàm Tĩnh nhìn xuống dưới, "Cảm ơn bác sĩ."
Chờ họ đi khỏi, bác sĩ Lý lắc đầu: "Thật tội nghiệp, thoáng nhìn là biết ngay không có tiền làm phẫu thuật, nếu cứ tiếp tục trì hoãn, chỉ e cậu bé này không cứu được." Nói đến đây ông chợt nhớ ra, "Ôi, sao lại quên cái băng chụp X-quang động mạch vành ở đây thế này." Ông vội gọi y tá. "Cô Trần ơi, mau gọi bệnh nhân quay lại đây, cô ấy quên cầm băng đi rồi."
"Để tôi đi cho." Nhiếp Vũ Thịnh cầm lấy cuộn băng, đi thẳng ra khỏi phòng khám. Anh liếc nhìn thang máy rồi quay người đi xuống cầu thang bộ. Quả nhiên, Đàm Tĩnh đang bế cậu con trai cúi đầu đi xuống
"Cô quên cuốn băng rồi."
Đàm Tĩnh im lặng, đặt con trai xuống đất, nhận lấy cuốn băng cho vào ba lô, rồi lại bế con trai lên.
"Triệu chứng điển hình của Tứ chứng Fallot, hẹp động mạch phổi, thông liên thất, động mạch chủ lệch sang phải, phì đại thất phải, Tứ chứng Fallot là một trong những bệnh tim bẩm sinh hay gặp nhất. Phương pháp điều trị duy nhất là làm phẫu thuật chỉnh hình, nếu không sẽ không sống quá 20 tuổi, chứng hẹp động mạch phổi của con trai cô rất nghiêm trọng, khó mà sống được quá 10 tuổi."
Đàm Tĩnh ngước mắt nhìn anh: "Anh muốn nói gì?" Anh đứng ở chỗ cao hơn cô, mà anh vốn đã cao hơn cô rất nhiều, vì vậy anh chỉ nhìn thấy đỉnh đầu cô, mái tóc bù xù khô xác buộc tạm bằng sợi chun vòng đằng sau gáy. Không phải anh chưa từng nghĩ sẽ có ngày gặp lại cô, anh cũng đã cho rằng sẽ có ngày cô biến thành một người đàn bà tầm thường. Bây giờ đúng là như vậy, cô tầm thường đến mức khiến người ta chán ghét, làn da trắng như ngà anh hằng say đắm trước kia giờ sạm đi như một miếng nhựa cũ, mái tóc đã không còn mượt mà từ lâu, cả đôi tay đang ôm khư khư cái túi kia nữa, các đốt ngón tay thô kệch, làn da khô ráp, già hơn hẳn tuổi đời của cô - trước kia cô chỉ đeo nhẫn số 9, ngón tay thon nhỏ mềm mại của cô khi cầm vào khiến người ta phải mê đắm, vậy mà giờ đây anh gần như không nhận ra nổi hai bàn tay này nữa. Chắc hẳn một đứa con bệnh tật và một người chồng thờ ơ đã khiến cô thành bộ dạng ngày hôm nay.
Bỗng nhiên một cơn giận độc địa trỗi dậy trong lòng, anh cười nhạt, dằn từng chữ: "Đây là báo ứng!"
Cô nhìn chằm chằm vào anh, rồi ôm chặt con vào lòng theo phản xạ. Có vẻ cô không nghe thấy, hoặc cũng có thể không dám tin vào tai mình, bèn li nhí: "Anh nói cái gì cơ?"
"Tôi nói bệnh của con trai cô." Anh đưa tay chỉ gương mặt xanh tím của dứa trẻ, sảng khoái nhả từng chữ một: '"Bệnh của nó, là báo ứng của cô."
Anh tưởng cô sẽ nói gì đó, thậm chí sẽ gào lên chửi anh, anh đã từng nhìn thấy nhiều người phụ nữ chửi nhau, bộ dạng gào thét cấu xé của họ khiến người ta phát ghét. Nếu như cô chửi anh té tát, anh sẽ thấy thật sảng khoái.
Nhưng cô không nói câu nào. Đôi mắt đen giống cậu con trai như đúc chỉ hơi ngân ngấn nước, vẫn nhìn chằm chằm vào mặt anh, như thể không hề quen biết anh vậy. Bao nhiêu năm rồi, có lẽ họ đã căm hận nhau từ lâu, chỉ mong sao đối phương không sống nổi mà thôi. Anh thấy một niềm khoái cảm của tên sát nhân vừa giết người, giống như vừa mới cắt bỏ được một mầ bệnh, bóc tách một khối u trên bàn mổ vậy. Cô từng là khối u trong cuộc đời anh, bây giờ cuối cùng anh cũng đã có thể cắt bỏ cô một cách sạch sẽ rồi.
Cô chỉ nhìn anh bằng đôi mắt ngấn lệ trong giây lát rồi vội vã cúi gằm mặt xuống, có lẽ là không muốn anh nhìn thấy cô khóc. Cô vẫn luôn kiên cường như vậy, cô bế con trai lên, quay người đi tiếp.
Trong cầu thang tranh tối tranh sáng, cô từng bước dấn thân vào bóng tối, anh không còn nhìn thấy cô đâu nữa.
Sắp đến giờ tan làm, Nhiếp Vũ Thịnh nhận được điện thoại của thư ký Trương, anh ta nói: "Ông Nhiếp muốn hẹn cậu cùng ăn cơm."
"Tôi không rảnh."
Thư ký Trương tính tình hiền lành, không hiền lành thì cũng không làm thư ký cho ông Nhiếp Đông Viễn được, anh ta cười nói: "Cậu nên đi gặp ông Nhiếp thì hơn, gần đây ông ấy cũng bận lắm, phải hủy bao nhiêu buổi tiệc để đi ăn với cậu đó."
Hai bố con anh căng thẳng với nhau không phải chuyện nửa năm hay một năm, đầu tiên Nhiếp Vũ Thịnh còn tức giận, nhưng đến giờ, anh chán chẳng buồn giận nữa. Thư ký Trương cứ dỗ dành anh đi, thì anh đi vậy. Nơi hẹn đương nhiên là tại nhà hàng sang trọng, từ bên ngoài đi vào, trừ mấy cậu phục vụ ra, gần như không thấy bóng người. Bước vào trong phòng riêng anh mới nhìn thấy bố mình ngồi bên bàn, mấy năm nay ông sống trong nhung lụa và quyền uy, trong đế quốc kinh doanh của mình, ông nói một là một, hai là hai, bất kể gặp gỡ ai, ông cũng luôn uy phong nghiêm nghị. Nhưng hôm nay nhìn thấy con trai, ông vẫn tỏ ra rất vui: "Thế nào? Tối nay chúng ta ăn gì?"
"Tùy bố."
Nhiếp Đông Viễn đưa thực đơn cho cậu phục vụ cầm đi, nói: "Cậu sắp xếp đi."
Đuổi hết những người không liên quan đi ra, ông mới ngắm nghía cậu con trai: "Sao lại gầy đi thế này?"
"Đâu có." Nhiếp Vũ Thịnh chẳng buồn ngước mắt lên nhìn, "Con biết thời gian của bố là vàng bạc mà, có gì bố cứ nói thẳng ra đi."
"Con ấy, có lớn đến mấy thì cũng vẫn trẻ con." Nhiếp Đông Viễn tự tay rót trà cho con, ông nói "Phải đến hơn nửa năm nay con chưa về nhà rồi, dù giận bố thì cũng không cần phải thế chứ?"
Nhiếp Vũ Thịnh chẳng buồn trả lời, luôn tay táy máy di động của mình.
"Con cũng biết đấy, bố bị huyết áp cao, mỡ máu cao, không chừng ngày nào đó nhắm mắt xuôi tay sẽ chẳng còn được nhìn thấy con nữa." Ông Nhiếp Đông Viễn có vẻ rất buồn, "Con thật sự không tha thứ được cho bố ư?"
"Bố đâu có làm việc gì sai, cần gì con phải tha thứ."
Nhiếp Đông Viễn cười: "Ương bướng!"
Ở ngoài có tiếng gõ cửa khe khẽ của nhân viên phục vụ, hai bố con không nói thêm nữa, hết món này đến món khác được bưng lên, dưới ánh đèn ấm áp, màu sắc, hương thơm và mùi vị của món ăn đều đầy đủ cả.
"Con thử cái này xem." Ông Nhiếp Đông Viễn nói, "Chẳng phải con vẫn thích ăn món thịt viên 'Đầu sư tử', còn chê đầu bếp ở nhà nấu ra toàn là mấy cục thịt to đùng đó sao? Nghe nói đầu bếp ở đây là người Tô Châu, nên hôm nay bố mới bảo con đến đây, nếm thử xem tay nghề của anh ta thế nào." Nhiếp Vũ Thịnh im lặng không nói gì, nhân viên phục vụ đã bưng cái âu bằng sứ lên từ lâu, mùi vị của món Đầu sư tử kho tàu rất hấp dẫn, nhưng anh cũng chỉ gắp đưa lên môi rồi đặt xuống bát, không hề có ý muốn ăn. Chợt anh nghe thấy bố mình nói: "Con cũng phải tìm bạn gái đi, gần 30 tuổi rồi, suốt ngày cứ cắm đầu vào mổ với xẻ. Đàn ông tuy cần lấy sự nghiệp làm trọng, nhưng cũng không thể vì thế mà không tìm bạn gái chứ. Cứ tiếp tục thế này, e rẳng đến ngày bố mất, cũng không được chứng kiến con lập gia đình."
"Con không có hứng thú với phụ nữ." Nhiếp Vũ Thịnh không mảy may động lòng, "Bố cứ coi như con thích đàn ông là được rồi."
"Vớ vẩn!" Cơn giận mà ông gắng ghìm nén nãy giờ cuối cùng cũng bùng lên, ông ném chiếc thìa sứ nhỏ xuống đĩa ăn đánh "choang", "Chẳng qua là vì con Đàm Tĩnh đó chứ gì? Đã bảy, tám năm rồi mà con vẫn giữ bộ dạng sống dở chết dở ấy à? Sao tao lại sinh ra đứa con như mày chứ? Mày bị ma làm rồi hả con! Mấy năm nay mày sống thế nào, tưởng bố không biết ư? Cái con Đàm Tĩnh đó đã chẳng lấy chồng sinh con từ lâu rồi, mày còn ở đây chung thủy với ai, nó có điểm nào xứng với mày hả? Nó có điểm nào đáng để mày như vậy hả con?"
"Không liên quan đến cô ta."
"Không liên quan đến cô ta?" Ông Nhiếp Đông Viễn cười nhạt, "Mày là con bố, chỉ cần mày cau mày, bố đã biết mày nghĩ gì rồi. Không liên quan đến cô ta, mà bảy, tám năm nay mày sống như hòa thượng, không thèm nhìn đến đám đàn bà con gái xung quanh? Không liên quan đến cô ta, mày học khoa Ngoại Tim mạch làm gì? Không liên quan đến cô ta, mày có dám to mồm là mày không có hứng thú với phụ nữ? Bố thấy mày bị bỏ bùa mê thuốc lú rồi, bố thật sự muốn biết cái con họ Đàm ấy có điểm nào đáng để mày mê nó đến thế?"
"Thật sự không liên quan đến cô ta mà." Nhiếp Vũ Thịnh mệt mỏi, "Bố không cần phải đoán mò linh tinh, có người h thì tự khắc con sẽ dẫn về cho bố xem."
Ông Nhiếp Đông Viễn lại cười nhạt: "Câu này bảy, tám năm trước mày đã nói rồi. Ở nước ngoài mày không gặp được người nào thích hợp, về nước làm trong bệnh viện, mày cũng không gặp người nào thích hợp. Trong tim mày, cả thế giới này chỉ có Đàm Tĩnh là hợp với mày nhất. Tiếc rằng bây giờ nó đã đi lấy chồng, không chừng con nó được mấy tuổi rồi cũng nên."
Thấy Nhiếp Vũ Thịnh từ từ siết chặt nắm đấm lại, ông Nhiếp Đông Viễn liếc xéo anh: "Sao? Lại nói đúng chỗ của anh rồi chứ gì?"
Nhiếp Vũ Thịnh tức giận nhắm nghiền hai mắt không nói năng gì.
"Anh bỏ ý định ấy đi." Ống Nhiếp Viễn nói: "Trên đời này phụ nữ tốt còn nhiều lắm, mở to mắt ra mà tìm lấy một người, bất cứ ai cũng tốt hơn cô ta gấp trăm lần."
"Con ăn no rồi." Nhiếp Vũ Thịnh quẳng khăn ăn lên bàn, "Con phải về bệnh viện trực đêm."
Lái xe đến tận vành đai bốn, anh mới phát hiện ra mình chưa đóng cửa kính, gió từ bên ngoài ào ào thổi vào trong xe, khiến má anh nóng ran lên. Anh đạp chân ga, thật ra xe anh có chức năng duy trì tốc độ tự động cruise control, nhưng lúc này anh không được minh mẫn, đầu óc anh chỉ còn là một mảng trống không.
Đã rất nhiều lần, rất nhiều lần, anh từng nghĩ, nếu như anh sơ sẩy, liệu có thế nào lao sang làn xe ngược chiều, rồi bị đâm tan xương nát thịt không.
Thế nhưng cuối cùng cũng không xảy ra chuyện gì cả. Thời gian ở nước ngoài, anh có thể dùng bài vở để làm tê liệt bản thân, một lúc học hẳn hai bằng tiến sĩ, bao nhiêu thí nghiệm làm không hết, bao nhiêu bài luận viết không xuể; trở về nước, anh có thể lao mình vào công việc để quên đi tất cả, những cuộc phẫu thuật liên tiếp mãi không hết, những buổi hội chẩn mãi không xong. Ấy vậy mà, chính giây phút gặp lại Đàm Tĩnh, tất cả lại quay về, nhanh như một cơn sóng thần. Cách xa như thế mà chỉ thoáng nhìn anh cũng nhận ra đó là Đàm Tĩnh. Cô mặc đồng phục của cửa hàng bánh ga tô cúi đầu mải miết làm việc. Cuộc sống đã tôi luyện cô thành một con người khác, thế nhưng anh vẫn nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên, đó là Đàm Tĩnh của anh.
Đúng là ma xui quỷ khiến thế nào, anh mới bước vào trong, lúc đó anh giống như đang đứng trên mây vậy, cứ chăm chăm nhìn cô mỗi lúc một gần hơn, gần hơn nữa, gần đến mức có thể chạm tay vào. Sau đó, trong khoảnh khắc cô ngước mắt lên nhìn anh, dường như cả quãng thời gian bảy, tám năm nay giữa hai người chưa từng trôi qua. Lòng anh bất giác chùng xuống, anh cảm thấy mình không thể tự khống chế bản thân được nữa, chỉ muốn đưa tay ra chạm vào mặt cô, x phải là thật không, có phải đang đứng trước mặt anh thật hay không.
Cô thay đổi rất nhiều, nhưng lại tựa hồ không thay đổi chút gì, giống như trong mơ vậy.
Đã vô số lần anh thầm tưởng tượng, không biết nếu gặp lại Đàm Tĩnh thì sẽ ra sao, có lúc nghĩ đến phát điên, anh đành tự nhủ lòng thôi không nghĩ nữa, nhưng khi ngày ấy xảy đến thật, hóa ra cũng chỉ thế mà thôi.
Không có long trời lở đất, không có dời núi lấp biển, hóa ra cô cũng chỉ là một người bình thường sống giữa thế giới này.
Hóa ra, tình yêu sâu đậm trước kia, cuối cùng cũng chỉ có một nỗi hận không cách nào xóa bỏ.
Đến bản thân anh cũng không hiểu, tại sao anh lại nói ra những lời cay nghiệt đến như vậy, nhất là đối với một đứa trẻ vô tội.
Giờ phút này anh mới dần dần hiểu được, hóa ra đó là lòng đố kỵ.
Đố kỵ người đàn ông đã kết hôn với cô.
Đố kỵ người đàn ông đã sinh con với cô.
Đố kỵ đến phát điên.
Anh gần như không thể tưởng tượng được cô lại có thể sống cùng người khác, anh không thể nghĩ đến điều đó, hễ ý nghĩ này trỗi dậy, anh liền cảm thấy mình không thể khống chế nổi bản thân, cảm giác manh động muốn hủy diệt tất cả lại dâng lên trong anh. Sự manh động này thôi thúc anh hủy diệt bản thân mình, đồng thời hủy diệt cả thế giới.
Đàm Tĩnh.
Đàm Tĩnh.
Hai chữ bình thường đến vậy, nhưng lại khắc sâu vào tim anh, cả đời này không thể nào quên được.
CHƯƠNG 02:
Đến giờ tan làm, Lương Nguyên An dúi cho cô 90 tệ, một tập toàn tờ 10 tệ đã cũ mèm, anh nói: "Còn 10 tệ mua thuốc lá rồi nhé."
Đàm Tĩnh đang định từ chối thì Lương Nguyên An đã huýt sáo đi vào phòng thay đồ. Vương Vũ Linh thấy cô cứ ngập ngừng đứng đó không đi, liền nói: "Cậu cứ cầm lấy đi, có thể mua thức ăn mấy ngày đấy!"
Câu này thì hoàn toàn chính xác. Đàm Tĩnh lặng lẽ cất nắm tiền vào túi. Vì mắc bệnh tim nác nhà trẻ đều không chịu nhận Tôn Bình. Mỗi khi đi làm Đàm Tĩnh đều phải gửi con ở nhà bà Trần gần cửa hàng, hằng tháng gửi bà Trần 600 tệ tiền công. Bà Trần là người nhân hậu, đối xử với con trẻ rất tốt, thỉnh thoảng Đàm Tĩnh làm ca tối, không kịp đón con, bà lại cho cậu bé ngủ lại qua đêm. Đàm Tĩnh thấy áy náy, nên thường hay mua hoa quả hay bim bim bánh kẹo cho cô cháu nội bà Trần. 90 tệ mất đi rồi lấy lại được này đủ để cô mua thức ăn mấy ngày liền. Có nên cầm 90 tệ này không cô chỉ do dự một thoáng rồi cũng chẳng nghĩ nhiều nữa.
Cô đã nếm trải quá nhiều đau khổ vì không có tiền, các cụ có câu một đồng làm khó anh hùng hảo hán, huống hồ đây những 90 đồng.
Hôm nay cô làm ca sáng, 3 giờ chiều cô tan làm. Việc đầu tiên là ra chợ mua thức ăn. Cô xa xỉ mua hẳn một con cá, chuẩn bị về làm món cá kho, cải thiện cho con trai. Thật ra con trai cô ăn gì cũng gầy, nhưng hễ có điều kiện, cô vẫn tìm mọi cách để con trai được ăn uống ngon lành hơn. Trước đây, sức khỏe của mẹ cô không được tốt, nên cô học nấu ăn từ nhỏ, tay nghề nấu ăn cũng rất khá. Trước kia, Nhiếp Vũ Thịnh thích nhất là được ăn đồ do cô nấu, cô chỉ làm hai món ăn thông thường, anh cũng ăn đến hai bát cơm. Phong thái của anh lúc ăn cơm rất lịch thiệp, ăn gì cũng chậm rãi, chỉ riêng cá là ăn cực kỳ nhanh, hệt như mèo vậy, hơn nữa còn nhằn xương rất sạch sẽ. Ăn xong anh lại ngồi lên ghế sofa xoa bụng: "Vợ ơi, em lại vỗ béo anh rồi." Hoặc nếu không thì: "Vợ ơi, cứ thế này thì anh phải giảm béo mất thôi." Cô tự thấy mình không thể tiếp tục nghĩ linh tinh nữa, hai lần liên tiếp gặp lại anh đã làm xáo trộn cuộc sống bình dị của cô rồi. Thế nhưng có cần thiết không? Nhớ đến anh chỉ càng khiến cô thêm phiền muộn mà thôi.
Con trai trông thấy cô, vô cùng mừng rỡ, liêu xiêu chạy về phía mẹ, bà Trần lo thằng bé bị ngã, cứ chạy theo sau kêu nó chậm thôi, chậm thôi. Cô cười ôm lấy con, hỏi: "Cháu có ngoan không ạ?"
"Ngoan lắm." Bà Trần nói, "Hôm nay còn học phép cộng trừ với Mai Mai nữa."
Cháu nội bà Trần đang học tiểu học, lúc làm bài tập thường hay dạy Tôn Bình đếm hay gì đó, Đàm Tĩnh rất biết ơn, vội vàng đặt túi táo lên bàn, nói: "Cái này là cho Mai Mai ạ."
Bà Trần từ chối không nhận, nói: "Cứ vài ngày lại tốn tiền, cô mang về cho Tôn Bình ăn đi."
Đàm Tĩnh vừa nói không cần, vừa ôm con trai chui qua cửa chống trộm, bà Trần bị kẹt lại phía trong, đành gọi với theo: "Thế thì lần sau cô đến ăn cơm nhé."
Đàm Tĩnh "vâng" một tiếng, rồi nói vọng lại chào tạm biệt bà Trần.
Cậu con trai ôm cổ mẹ, vẫy tayngoan: "Cháu chào bà ạ."
"Chào con!"
Ngồi xe buýt lúc nào cũng là khoảng thời gian vui vẻ nhất, thấy cô bế con, nhất định sẽ có người nhường chỗ cho cô. Cô rối rít cảm ơn đoạn ngồi xuống, nghe con trai bi bô hỏi đủ các câu hỏi ngây thơ, cùng cô ngắm nào phong cảnh, nào người, nào trung tâm thương mại hai bên đường, rồi lại làm toán cho cô nghe, khiến cô thấy mình vẫn còn chút hy vọng trong cuộc đời tẻ nhạt này.
Bế con leo một mạch lên tầng bốn, cô không khỏi thở hổn hển. Vừa đặt cậu con trai xuống, đang tìm chìa khóa mở cửa thì cánh cửa sắt bỗng mở bật ra từ bên trong. Trông thấy gương mặt Tôn Chí Quân, cô ngớ cả người. Hiếm khi cô gặp được Tôn Chí Quân vào ban ngày, và cũng thật hiếm khi anh không say rượu như hôm nay. Anh ta không nói gì, chỉ mở hẳn cánh cửa sắt ra.
Con trai từ trước đến nay vẫn có vẻ sợ bố, lần nào bất chợt gặp bố cũng đờ ra sợ sệt, như nhìn thấy một người xa lạ vậy. Đàm Tĩnh nói nhỏ: "Sao không chào bố?"
"Con chào bố."
Tôn Chí Quân "ừ" một tiếng, coi như đáp lời. Rồi chẳng buồn để ý đến hai mẹ con, anh quay trở lại ghế sofa.
Lúc này cô mới phát hiện ra trong nhà bừa bộn như bãi chiến trường, va li, hộc tủ rồi ngăn kéo đều bị lục tung lên, ý nghĩ đầu tiên của cô là trong nhà có trộm, nhưng nhìn Tôn Chí Quân đang ngồi chễm chệ, mặt mày sưng sù, cô sực hiểu chuyện gì đang xảy ra, liền hỏi: "Anh tìm cái gì vậy?"
"Không tìm gì hết!"
Cậu con trai sợ sệt đưa mắt nhìn cô, điều cô không muốn nhất là cãi nhau trước mặt con, vì thế mà cô ít khi đón con về nhà, cứ gửi hoài ở nhà bà Trần. Thấy giọng điệu Tôn Chí Quân có vẻ không bình thường, cô quỳ xuống hỏi con: "Bình Bình, con có mệt không, có muốn đi ngủ không?"
Cậu bé miễn cưỡng gật đầu, cô bế con vào phòng ngủ, phát hiện ra phòng ngủ cũng bị lật tung lên, thậm chí hộp giày để dưới gầm giường cũng bị lôi ra. Cô dọn dẹp qua loa đống quần áo đồ đạc trên giường rồi đặt con nằm xuống