--> Phía sau một cô gái - game1s.com
80s toys - Atari. I still have

Phía sau một cô gái

“Phía Sau Một Cô Gái”- cùng “nhâm nhi” một chút rất con gái!

Ngọt ngào, lãng đãng, trầm ngâm và ưu tư nhưng luôn cuồng nhiệt sống và hồ hởi yêu… Đó chính là vị con gái thấm trong từng câu chữ của Ploy.

Tình yêu, tình bạn, đam mê, và cả những nỗi niềm mơ hồ nhất… tất cả được diễn tả trọn vẹn và tinh tế cùng “Phía sau một cô gái”.

Nếu bạn muốn hiểu một nửa của thế giới này thì cuốn sách này chính là một tặng phẩm vô giá để bạn khám phá từng ngóc ngách sâu kín nhất của họ.

Bạn sẽ bắt gặp nơi trang sách những tâm hồn hụt hẫng, trống rỗng, cô đơn vì những sứt mẻ của tình đầu để rồi đồng cảm và sẻ chia.

Bạn sẽ nhận thấy đâu đó hình bóng của mối tình đơn phương, thầm lặng hay sự theo đuổi một thứ tình yêu vô vọng, không hồi kết.

Và có khi bạn sẽ ngã ngửa bất ngờ với với một vài mốt tình ma mị đầy những ích kỷ và ham muốn chiếm hữu người mình yêu đến chết vẫn không thể từ bỏ.

Cùng với Ploy và “Phía sau một cô gái”, bạn đang đặt chân lên một chuyến hành trình đầy thú vị, đi tìm những bản ngã con gái rất riêng.

Với giọng văn nhẹ nhưng sâu, dịu dàng nhưng sắc nét, Ploy cứ thủ thỉ, thủ thỉ kể những câu chuyện để rồi từng lời, từng lời thấm vào tim ta tự nhiên đến lạ kì.

Hãy đọc “Phía sau một cô gái” như cách bạn nâng niu một tâm hồn nữ tính và ngọt ngào. Đây sẽ là một cuốn sách thú vị! Chắc chắn vậy!

[Tải ảnh'>


Chương 1: Hoa tai bên phải


Chuyện bắt đầu từ một tai nạn dễ thương vào ngày đầu tiên năm lớp 6. Cây bút mực đang chạy trơn tru thì nghẽn. Tôi vẩy mạnh nó để sửa. Một dòng mực phóng ra, đậu thẳng hàng lên chiếc áo trắng tinh của cậu con trai ngồi phía trên. Quay đầu lại, cậu ta rướn cổ nhìn xuống lưng áo. Tôi mím môi nặn ra một nụ cười giả lả, trong đầu nhanh chóng tính kế sách: Năn nỉ ỉ ôi. Đề nghị giặt giúp. Tồi tệ nhất là phải xin mẹ ứng trước tiền tiêu vặt để đền cái áo khác. Nhưng anh chàng lại cười khoái chí:

- Hớ, tớ mặc áo chấm bi đi học này. Mốt nhỉ!

Cậu ấy tên Nguyên. Và suốt sáu năm sau ngày hôm ấy, lúc nào chúng tôi cũng bên nhau. Cảm tình tôi dành cho Nguyên qua những ngày đến trường, qua những mùa hè đã từng chút, từng chút kết chặt lại.

Một Cuộc Mua Cốc.

Mùa hè năm lớp 11 lên 12, tôi tập tành uống cà phê. Hôm ấy là ngày thứ ba của tuần nghỉ hè đầu tiên. Mãi gần trưa, tôi mới ngủ dậy. Sau bữa ăn nhẹ, tôi pha một cốc cà phê ra ban công ngồi, đặng ngắm nghía những đám mây đen to như đàn khủng long đang tiến quân che kín bầu trời.

Ngay khi chạm môi vào làn cà phê ấm thơm, trong đầu tôi “bíng boong” suy nghĩ: “Phải mua một cái cốc cà phê. Một cái cốc xinh đẹp, chuyên dụng chắc chắn sẽ làm cà phê ngon lành hơn.” Nói rồi, tôi điện thoại rủ Nguyên cùng shopping mua cốc. Tuy lèm bèm đôi chút về thời tiết, cậu cũng đến.

Vừa bước vào siêu thị thì trời nhỏ giọt mưa đầu tiên. Tôi tần ngần rất lâu trước quầy sành sứ, cầm lên bỏ xuống mấy chục cái cốc. Nhiều cái rất lạ, rất bắt mắt nhưng không làm tôi vừa ý. Tôi tìm kiếm một chiếc cốc mà chỉ vừa chạm tay vào, cảm giác “phải rồi, chính nó” sẽ lan tỏa từ các tế bào da ở vùng tiếp xúc sang các tế bào da lân cận, rồi cứ thế lan khắp thân người. Lan truyền giống như hiệu ứng domino.

Nguyên chờ tôi, đứng ngắm nghía những chiếc đĩa pha lê nhập khẩu ở quầy đối diện. Tôi cầm lên một chiếc cốc màu hồng. Không hề xuất hiện cảm giác lan truyền mong muốn. Nhưng khiến tôi thích thú chính là chiếc cốc màu xanh dương đặt cạnh. Một cặp cốc hồng và xanh – hồng cho con gái và xanh cho con trai. Hai tay cầm cặp cốc ấy, tôi hí hửng bước đến bên Nguyên.

- Thích không? Mỗi người một cái nhé. – Tôi nhấn hơi mạnh chữ “người”, ngầm báo hiệu cho Nguyên rằng cách gọi của tôi đã bớt bạn bè hơn. Chứ bình thường tôi sẽ nói “Mỗi đứa một cái nhé”.

- Cốc đôi á? Thôi đi.

- Sao lại thôi? Xinh mà. Để ở nhà uống, có ai biết đâu mà sợ. – Tôi phụng phịu.

- Nhưng có phải cặp kè gì đâu. – Có một cái gì đó rất lạ trong giọng Nguyên.

Tôi nhìn thẳng vào Nguyên. Một suy nghĩ đến nhanh: Nếu bây giờ không nói thật ra hết những gì tôi cất trong lòng bấy lâu, chẳng biết bao giờ mới lại có một dịp vô tình thuận tiện như thế này. Hiện đã là mùa hè cuối cùng của trường trung học. Tôi hy vọng một mùa hè thật khác những mùa hè trước. Tôi đòi hỏi một sự tiến triển.

- Vậy thì bây giờ chúng ta có thể chính thức cặp kè. – Tôi nói sau một cái hít thở sâu.

- Không thể! – Nguyên nói mà từ chối nhìn vào mắt tôi.

- Tại sao? Đừng có chối là những năm qua cậu không có cảm tình với tớ. Tớ có linh cảm của con gái. Hơn nữa, cậu không phải là đang có bạn gái thì làm sao lại không thể? – Dòng máu di chuyển lên mặt tôi như bị đun nóng.

- Nhìn này! – Nguyên nghiêng mặt, chỉ cho tôi chiếc hoa tai pha lê đen lấp lánh trên dáy tai phải của cậu.

- Sao chứ? Bấm từ Tết vừa rồi mà, mới mẻ gì đâu! – Giọng tôi có âm hưởng của tức tối, nghĩ rằng Nguyên đang cố đánh trống lảng.

- Nam tả nữ hữu. Con trai đeo hoa tai chỉ đeo bên trái, hoặc cả hai tai. Chỉ gay mới đeo độc một chiếc hoa tai bên phải. – Nguyên bước đến sát trước mặt tôi, hai tay đút vào túi quần, nói rất thầm. Nhưng những lời ấy lại dội thình thịch lên màng nhĩ tôi.

Tôi nhìn sâu vào đồng tử mắt cậu ấy. Đồng tử bình thường là nói thật. Đồng tử nhỏ hẹp là nói dối. Sao tôi lại thấy đôi đồng tử ấy to đùng như cái chén thế kia?! Tôi định nói một lời nào đó để tình thế bớt tẽn tò, nhưng ngặt không một âm hơi bật ra. Nguyên nhìn tôi, mím môi một cái rồi bỏ đi. Cậu ấy không đưa tôi về.

Tôi không chủ động liên lạc với Nguyên sau đó. Cậu ấy cũng vậy. Suốt hai tháng đầu mùa hè, ngày ngày tôi đón xe buýt ra ngoại thành học làm gốm. Lần đầu tiên, tôi tham gia một hoạt động mà không có Nguyên. Tôi trống trải và buồn bực ghê gớm. Cứ như là bước ra khỏi nhà mà quên chải đầu, ngoại hình thiếu tề chỉnh nên kém tự tin. Sang ngày thứ hai. Sang ngày thứ ba …

Mọi chuyện dần ổn. Những ngày tôi sống tách ra khỏi Nguyên bắt đầu từ đó. Việc tôi và Nguyên từng chút một trở thành hai đường thẳng song song thân thiết – luôn luôn có nhau nhưng không bao giờ giao nhau – bắt đầu từ mùa hè mà tôi đi học làm gốm ấy.

Học làm gốm là cái cớ để tôi ép bản thân bận rộn và tìm một không gian xa Nguyên. Lòng tôi gào thét trong trận lụt những câu hỏi. Nhưng tôi biết tìm gặp Nguyên là điều tệ nhất để xử lý hoàn cảnh này. Tôi khó mà giữ được bình tĩnh và thông suốt nếu gặp cậu ấy ngay.

Tôi phải tìm cho mình một chính kiến trước. Tôi phải xác minh rõ ràng luồng cảm xúc trong mình. Vì cảm giác của tôi không phải là hụt hẫng và xấu hổ của một cô gái bị từ chối lời tỏ tình. Cảm giác trong tôi khó chịu hơn nhiều.

Suốt cả khóa học, tôi chỉ chuyên tâm nặn ra những cốc cà phê. Bài tốt nghiệp của tôi là một chiếc cốc cà phê trắng phau. Tôi quệt mực màu tím sẫm lên ngón cái tay trái của mình – ngón có hoa tay và in vân tay đó lên phần phía trên của quai cầm cốc. Nhìn hệt như tôi đã sử dụng chiếc cốc với bàn tay lem luốc.

Một ngày cuối hè, tôi hẹn Nguyên đi cà phê. Trong những lúc nặn đất sét, tôi đã nghĩ rất nhiều về những ngày tháng đã qua và lời thú nhận của Nguyên. Tôi quyết định không tin vào lời thú nhận ấy. Tôi quyết định sẽ gặp Nguyên lần cuối, rồi dứt luôn tình bạn. Bởi cậu ta đã nói dối quá đáng.

Có trăm vạn lý do để từ chối một cô gái, thế mà Nguyên lại chọn cái lý do rẻ nhất: Tự hạ thấp chính mình. Thời ấy, tôi nghĩ gay là một chuyện rất tởm, rất xấu.

Những Lời Quá Thật.

- Hãy thú thật rằng cậu đã phỉnh tớ đi. Chỉ là tớ quá hiểu lầm, khiến cậu khó xử nên cậu phải nói mình là gay. – Tôi chào Nguyên xối xả tại quán cà phê.

- Cho một espresso nóng. – Nguyên nói với anh phục vụ bàn, nhẹ nhàng kéo ghế ngồi, không đáp lại lời tôi.

Chúng tôi trân mắt nhìn nhau, để mặc hai cốc cà phê nóng ấm dần nguội lạnh đi. Rồi miệng Nguyên cong lên giống–một–nụ–cười:

- Ốm một chút. Nâu một chút. Nghe bảo cậu dành hết mùa hè tập tành làm gốm hả? Có làm quà cho tớ không?

- Trả lời câu tớ hỏi lúc nãy trước thì mới nhận được quà.

- Nếu tớ trả lời không giống những gì cậu muốn nghe, cậu có cho tớ quà không? – Ngón tay Nguyên di di trên mép cốc cà phê, mắt đăm chiêu nhìn vào mặt nước màu nâu sẫm trong ấy.

Tôi đặt lên bàn một chiếc hộp, bên trong có cốc cà phê tôi đã làm và đẩy nó về phía Nguyên. Tôi nhìn kỹ cậu ấy. Nguyên đã hớt tóc cao hơn, lộ hai tai ra. Chiếc hoa tai pha lê óng ánh đập vào mắt tôi. Nguyên xỏ lỗ tai cả hai bên, nhưng lúc nào cũng chỉ đeo bên phải.

- Biết như thế từ bao giờ? – Lúc đó, trong đầu tôi đã định sẵn là phải hỏi “Cậu thật sự bị gay à?” trước. Thế mà lại thốt ra câu này. Cứ như tư duy tôi đã mặc nhiên chấp nhận chuyện Nguyên gay, bỏ qua câu mào đầu mà vào thẳng vấn đề.

- Lờ mờ suy đoán như thế lâu lắm rồi. Tìm đủ mọi cách chữa, gặp cả bác sĩ tâm lý. Đến đầu năm 11 thì chắc chắn. Mệt mỏi rồi, chẳng muốn cố gắng chối bỏ sự thật làm gì nữa. Đeo cái hoa tai này để nhắc bản thân rằng mình là ai. Càng cố tìm cách lấp liếm cho một cái không thật, càng không thấy vui vẻ.

Nguyên đã nói rất nhiều. Những biện giải khoa học. Những phân tích tâm lý. Những suy nghĩ và lo toan. Tôi cảm giác Nguyên không phải đang trút sạch ra hết những tâm sự đã nén sâu trong lòng. Mà cậu ấy đang tấn công từ muôn hướng, hòng đâm chết cái hy vọng còn le lói trong tôi: Có thể bằng một phép tiên nào đó đem giới tính của Nguyên trở về bình thường, để chúng tôi có thể yêu nhau và tay trong tay cặp kè.

Mẹ Nguyên mang thai và sinh cậu ấy vào năm thứ hai đại học. Vừa học, vừa chăm sóc gia đình, vừa chuẩn bị sinh con khiến người phụ nữ 20 tuổi phải đương đầu với quá nhiều stress. “Có thể stress chính là lý do khiến từ tuần thứ 6 đến thứ 8 trong bụng mẹ, tớ – một phôi thai XY đã không nhận đủ lượng hormone testosterone cần thiết để phát triển hoàn chỉnh các đặc tính nam.

Sự thiếu hormone này không tác động lên cơ thể, nên tớ vẫn trưởng thành đầy đủ như một thằng con trai. Nhưng bộ não thì chịu trận. Nếu nó có mười phần, phải sáu, bảy phần là nữ tính mất rồi. Vậy đấy, tớ gay và không thể chữa. Chẳng lẽ lại múc não đổ đi, thay cái mới. Con người, dù thế nào cũng vẫn là nô lệ của sinh học, của tự nhiên.”

Cái cách Nguyên mạch lạc và chặt chẽ chứng minh mình gay đẩy tôi rơi vào một nồi súp cảm giác. Tôi thấy nhẹ nhàng khi không còn bị che mắt bởi bí mật. Tôi thấy ỉu xìu trước sự thật – chẳng còn gì để hy vọng, để tự huyễn hoặc bản thân.

Tôi hình dung ra Nguyên lúc né tránh những cặp mắt soi mói đến gặp bác sĩ tâm lý, lúc lục tìm tư liệu sinh học trong thư viện. Những lúc đó, tôi đã ở đâu? Tôi thấy mình vô dụng.

Bầu Trời Đêm Sẫm Màu Cà Phê.

Chúng tôi cùng sang Mỹ du học, nhưng ở khác bang. Nguyên rất “enjoy” cuộc sống mới. Bớt những ánh mắt đánh giá. Bớt những tiếng xì xầm. Lời nói và hành động của cậu trở nên phóng khoáng hơn. Rồi Nguyên biết yêu. Tôi nhớ như in đám sinh viên trong thư viện tròn vo mắt nhìn tôi phấn khích gào ầm vào điện thoại, lúc Nguyên thông báo sắp có cuộc hẹn đầu tiên với một người cùng lớp.

Rồi Nguyên nếm trải mùi vị chia tay, thất vọng vì yêu, tự đứng dậy và dũng cảm bắt đầu một quan hệ tình cảm mới. Tất cả những kinh nghiệm sống quý báu ấy, tôi luôn chia sẻ cùng cậu ấy.

Về phần tôi cũng trải qua không ít lần hò hẹn, vài lần mang chức danh bạn gái, nhưng chẳng bền lâu. Tôi luôn tìm kiếm cảm giác thoải mái cùng cực – khi con người tôi, cái tốt, cái không tốt–không xấu và cả cái xấu đều được tự do biểu hiện chẳng chút quan ngại. Cái cảm giác tôi có khi bên cạnh Nguyên. Nhưng tôi chưa tìm ra người thứ hai đem nó đến với mình.

Mùa đông năm ngoái, tôi khăn gói sang bang Nguyên ở chơi suốt kỳ nghỉ. Đêm Noel, sau bữa tối no say, sau khi chén sạch cái bánh khúc cây to đùng và xem hết hai cuộn video, chúng tôi tập tành thi vị: Kéo chiếc ghế bành lớn ra sát cửa sổ ngồi ngắm tuyết và uống cà phê.

Nguyên pha cà phê cho tôi vào chiếc cốc sứ trắng phau có in một dấu vân tay tím. Ủ chiếc cốc trong tay, tôi cảm giác như được chiêm nghiệm lịch sử. Chiếc cốc này, nhiều năm trước chính tay tôi đã mân mê cục đất sét nặn ra nó, tỉ mỉ từng chút thu vén thành hình, in dấu vân tay đẹp nhất của mình lên trang trí, rồi đem cho đi.

Để bây giờ, hai bàn tay tôi lại đang hưởng thụ hơi ấm tỏa ra từ nguồn cà phê nóng ấm trong nó. Nếu lúc đó không có Nguyên, thế nào tôi cũng hỏi cái cốc như hỏi một con người: “Mấy năm qua, mi có hoàn thành nhiệm vụ ta giao hay không? Mi đã cùng Nguyên vượt qua bao nhiêu đêm trằn trọc? Mi đã uống cạn bao nhiêu mỏi mệt, bao nhiêu tâm sự của cậu ấy rồi?”

Chiếc cốc ấy vốn là quà tạm biệt Nguyên. Tôi đã cho rằng “Nguyên gay” là lời nói dối được sáng tác nhanh gọn để từ chối mình. Tôi cảm thấy bản thân vô nghĩa trong cuộc sống của cậu – Nguyên nói dối tôi, trong khi tôi luôn đối với Nguyên bằng cả tâm trí và trái tim. Tôi không muốn bên cạnh cậu ấy nữa.

Dù thế, tôi vẫn muốn bằng một cách nào đó chăm sóc Nguyên. Tôi kỳ vọng cái cốc thay mình: Ngày ngày chăm chút cho cậu, ít nhất cũng làm tan được cơn khát. Tôi đã dốc trọn sự dịu dàng và mơ mộng của cô gái mới lớn vào cái cốc, trộn đều cùng các phân tử đất sét. Sau này, đến tận bây giờ, tôi chưa đối với ai ngọt ngào và tử tế như từng với Nguyên.

Hớp ngụm cà phê đầu tiên, tôi khẽ nghiêng đầu sang định khen ngon, thì mắt chạm vào chiếc hoa tai bên phải của Nguyên. Một viên pha lê tím sẫm.

- Mới à?! Màu gì tím rịm!

- Ừ. Lúc đi chọn, vừa nhìn thấy đã biết là phải mua ngay. Tím và tròn y hệt mấy cục mực cậu quăng vào áo tớ ngày xưa.

- Nhớ dai nhỉ! Cũng may là tớ, chứ là một cô gái nào khác thì cậu thành tội nhân thiên cổ. Nhớ kỷ niệm tình yêu kỹ như thế, ai nỡ đi yêu người khác. – Tôi nói rồi cười, cảm giác vừa ấm áp, vừa đằng đẵng.

- Tớ luôn biết là cậu rất khác mà. Cậu mạnh mẽ hơn bọn con gái bình thường. Từ xưa tớ đã biết. Đâu phải cô gái 17 tuổi nào cũng có khả năng đứng trước mặt con trai, dõng dạc nói anh ta không phải là đang có bạn gái thì tại sao lại không thể cặp kè với mình.

Tôi lườm cậu ấy. Tự nhiên tôi hiểu ra, cái cảm giác rất lạ tôi cảm nhận được trong giọng Nguyên từ chối mình năm xưa chính là hỗn hợp của phân vân và kiên quyết, của nói thật và nói dối, của tin tưởng và nghi ngờ. Cảm xúc của một người đang cân nhắc quyết định có nên chia sẻ bí mật lớn nhất đời mình với người khác hay không.

- Cái ngày theo cậu đi mua cốc là ngày dũng cảm nhất đời tớ. Trước đó, chưa bao giờ tớ nghĩ sẽ có thể nói thành lời cho người khác biết chuyện mình là gay. Ở quầy cốc tách, quả thật tớ rất muốn nhận lời cậu. Lúc đó, cái ý nghĩ ‘phải nói dối’ lớn gấp mấy lần ý nghĩ ‘nên nói thật’. Thậm chí tớ còn nghĩ rất ác là hãy sử dụng cậu để che chắn cho mình. Nhưng cuối cùng tớ lại không gạt cậu.

- Nếu đến bây giờ tớ vẫn còn yêu cậu thì sao? – Giọng tôi tỉnh táo như đó đơn thuần chỉ là một câu hỏi nếu–thì, nhưng lại là những lời thú nhận chân thành. Tình cảm tôi dành cho Nguyên theo thời gian chỉ có sâu sắc hơn, chứ không thể thui chột trở lại thành tình bạn.

- Thì tớ cũng chỉ có thể cám ơn cậu mà thôi!

Chiếc hoa tai màu tím ánh lên lóng lánh. Hoa tai bên phải – Nguyên không vô cảm với những ánh mắt liếc nhìn và âm thầm đánh giá của người xung quanh. Nhưng cậu vẫn ngang bướng đeo độc một chiếc hoa tai bên phải – Đó là lời tự nhắc nhở: “Phải thực tế và hài lòng với bản thân. Một người có thể nói dối chính mình thì vĩnh viễn cô độc.”

Tôi đã chịu ảnh hưởng quá mạnh, hấp thụ quá sâu triết lý này của Nguyên. Nên vào buổi đêm sẫm màu cà phê ấy, tôi đã can đảm nhìn thẳng vào cậu ấy, nói những lời thành thật nhất:

- Tớ thật sự rất yêu cậu! Yêu nhiều đến mức chẳng cần cậu yêu lại. Tớ chỉ cần yêu hết phần mình đã đủ nhiều để mãn nguyện rồi.

Tôi hớp thêm một ngụm cà phê, rồi ngước mắt nhìn hình ảnh phản chiếu của hai chúng tôi trong tấm cửa kính. Chiếc hoa tai màu tím lại ánh lên lóng lánh.



Chương 2: XỎ GIÀY VÀO VÀ CHẠY

(Cho tôi và một chiều Bangkok mưa!)


6:30. Đồng hồ nhảy nhót inh ỏi. Tôi vùng dậy, đánh răng, rửa mặt và tắm với một sự tỉnh táo bất ngờ. Tỉnh táo như thể tôi chưa từng ngủ, chưa từng thức dậy, mà đã thao láo một mạch suốt đêm cho đến sáng. Tôi thay vào áo thun sát nách màu trắng và quần nỉ đen hơi rộng. Tôi thoa son dưỡng môi và túm mái tóc màu hạt dẻ lỡ cỡ ngang vai thành cái đuôi gà. Rồi tôi đứng thẳng người, nhìn sâu vào mắt mình trong gương, mỉm cười. Một nụ cười chật căng năng lượng. Cứ như tất cả calories còn sót lại trong cơ thể từ bữa tối qua đã dồn hết vào nụ cười này vậy. Tôi xỏ vào đôi Converse đỏ và đóng cửa ra khỏi phòng. Trước khi đi ngủ tối qua tôi đã nghĩ “sáng nay mình phải chạy”. Sáng nay vừa mở mắt tôi cũng đã nghĩ “chút nữa mình phải chạy”. Trong mơ, tôi cũng thấy một đôi chân mang giày Converse đỏ đang chạy. Sáng nay, tôi muốn chạy trong đôi giày đỏ xinh xắn. Muốn chạy thật nhanh để xả cạn kiệt cái hồ mồ hôi đang chứa đựng trong cơ thể. Muốn chạy thật mệt để làm đơ hết tất cả các neuron.

Và buổi sáng cuối tháng 8 ấy, tôi đã chạy cật lực trên những con phố trung tâm Bangkok.

Đường Khó Đi Ở Bangkok.

Tôi đến Bangkok vào đầu buổi chiều một ngày giữa tháng 6. Trời nắng nhạt. Quang cảnh ướt sũng. Khắp nơi đầy những giọt nước phản chiếu ánh mặt trời bảy màu. Mùi đất ẩm phưng phức và lòng tôi rạo rực. Tôi hăm hở kéo hai chiếc valy to đùng ra khỏi sân bay, vào thành phố tìm phòng trọ. Hết trọn buổi chiều. Cuối cùng, tôi thuê một căn phòng nhỏ nhắn ở tầng 5 một căn nhà trong khu Siam Square, trung tâm Bangkok. Để lên nhà, phải leo trọn 121 bậc cầu thang sắt. Lại tốn một buổi tối để sắp xếp, dọn dẹp. Xong xuôi, tôi ngồi tựa vào một góc phòng, mãn nguyện ngắm nghía “cái tổ” tí hin của mình. Thành tựu đầu tiên ở Bangkok ☺. Tay nắm chặt, tôi đấm mạnh vào không khí: Trước mắt là đường khó đi! Nhưng tôi sẽ đi và sẽ đi rất tốt con đường mình đã chọn từ ba năm trước …

Mùa hè năm thứ nhất khi đang du học tại Mỹ, tôi theo Sar, anh bạn trai gốc Thái Lan, đến Bangkok chơi một tuần. Và tôi đã thích mê Bangkok. Những vật tôi chạm vào, những điều tôi làm khiến toàn thân tê lại với cảm giác đã – từng – có. Tựa hồ như tôi đã từng sống ở đây, cách xa lâu lắm rồi và giờ mới được quay trở lại. Bước chân tôi trên skywalk sang cả, làn không khí nóng hôi hổi tôi hít thở, những tiếng nói nặng và kéo dài tôi nghe. Tôi âu yếm với những điều tầm thường ấy. Nhất cử nhất động của tôi đều leng keng một sự rộn ràng gây thích thú. Tôi thương yêu vô lý cái thành phố mà mới tuần trước, khái niệm về nó chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ thế giới.

Rồi tôi rời Bangkok trong ngậm ngùi. Vừa bước vào máy bay là mắt tôi ầng ậng nước. Sar kinh ngạc. Tôi cũng kinh ngạc. Cho tới trước lúc đó, tôi đã luôn ra đi hay rời bỏ với nụ cười trên môi. Với người cũng vậy, với nơi chốn cũng vậy.

Vài tuần sau chuyến đi ấy, Sar biến mất. Đột ngột và sạch boong, như đã bốc hơi vào không khí. Bạn bè ái ngại có, hiếu kỳ có, tức tối dùm tôi cũng có. Chỉ mình tôi bàng quang trước sự biến mất êm ái ấy. Tôi không mấy quan tâm. Hoặc tôi yêu Sar nông cạn. Hoặc cả phần trí và hồn của tôi đều đang mải miết suy tính phải làm thế nào để nhanh chóng trở lại Bangkok.

Đến mùa hè đại học năm thứ ba, sau hàng chục cái đơn gửi đi, cuối cùng tôi lại đến Thái Lan theo một chương trình tình nguyện. Tôi đi qua nhiều tỉnh thành của nước Thái. Chiang Mai ở phía Bắc: tiết trời quanh năm đều như đang giữa mùa thu, nhịp sống êm đềm trong những kiến trúc cổ xưa. Krabi ở phía Nam: nắng vàng, biển xanh, cát trắng, những mái nhà nhỏ xây trên đồi, những con đường lát gạch kiểu cách. Khon Kean ở biên giới với Lào – Campuchia: có rất đông người Việt sinh sống, nắng to và đồ ăn ngon nổi tiếng nhất nhì nước Thái. Nhưng tôi vẫn thiên vị nhất, mê mẩn Bangkok nhất. Lòng tôi bắt đầu nung nấu một ý định.

Ước Mơ Lớn Đầu Tiên Trong Đời, Bạn Có Còn Nhớ?

Tôi luôn nhớ rất rõ. Ngay từ khi bé tí, tôi đã luôn khao khát thay đổi thế giới, thay đổi con người và càng nhiều người càng tốt. Tôi muốn trở thành vĩ đại. Ngày bé, khi thế giới còn mới mẻ và không bị cột chặt bởi các quy tắc, chúng ta tự do mơ mộng hơn. Ước mơ vì thế cũng mạnh mẽ hơn. Trong tưởng tượng thơ bé của tôi, đầu óc con người như một chiếc hũ: có thể dễ dàng lấy khăn chùi sạch những vết bẩn và cất vào trong đấy kẹo ngọt, hạc giấy, hoa khô – những thứ tốt đẹp.

Ước mơ quyền lực ấy đã theo tôi suốt thời thơ ấu, suốt thời thiếu niên. Khi tôi 18, ước mơ ấy đã thôi thúc tôi chọn quảng cáo để theo đuổi. Tôi tin tưởng bướng bỉnh rằng quảng cáo chi phối cuộc sống rất nhiều: Chúng ta lật phần phật vô số trang quảng cáo, click hàng chục web giới thiệu trước khi sắm một cái máy tính; chúng ta mua một loại bánh mới chỉ vì tối hôm trước đã thoáng thấy ai đó khoan khoái ăn nó trên tivi … Quảng cáo, nếu tôi làm tốt thì sẽ khiến rất nhiều người làm theo ý mình. Quảng cáo, nếu tôi làm khéo thì có thể thay đổi cả thế giới. Hay ít nhất cũng thay đổi được hướng đi của tiền trong ví người khác.

Lần thứ hai rời Bangkok, tôi đem theo một niềm tin và một kỳ vọng: Mơ ước của tôi hứa hẹn sáng láng bội phần nếu được thực hiện tại Bangkok. Bangkok là cái nôi của quảng cáo Đông Nam Á, là nơi các ý tưởng, các chiến dịch được lập trình và xuất khẩu sang các nước lân cận. Bangkok là nơi tôi thấy mình được rực rỡ. Dòng năng lượng trong người tôi cuộn mạnh như áp thấp nhiệt đới cấp mười, khi mới chỉ tưởng tượng đến những idea, những chiến dịch sẽ làm. Chỉ cần hình dung thôi, tôi cũng có thể trải nghiệm rõ mồn một cảm giác “biết ngay là nó sẽ tuyệt thế mà”, khi lần đầu nhìn những mẫu quảng cáo chào đời từ các kế hoạch, các phác thảo mà tôi góp công.

Năm học cuối cùng ở Mỹ, tôi lao vào nhiều công việc làm thêm, dành dụm tiền cho một quyết định liều mạng: đến Bangkok tìm việc. Không gia đình, không bạn bè, không sõi tiếng. Bangkok trên thực tế là một nơi xa lạ. Nhưng trong trái tim tôi, đấy lại là một cái tổ ấm áp. Tôi mong ngóng, vẽ ra hàng loạt viễn cảnh nguy nga về những ngày mình sắp sống. Tôi thích thú điên cuồng khi cuối cùng cũng sắp chờ được điều bấy lâu mình khát khao.

Công Việc Đầu Tiên: Phục Vụ Cà Phê.

Trong hai tuần đầu ở Bangkok, tôi gửi CV, gọi điện đến hàng loạt công ty quảng cáo xin một cái hẹn với creative director (1). Lúc ấy là đầu tháng 7, mùa các công ty quảng cáo ngập ngụa trong những chiến dịch. Khi tôi gọi đến, họ đều bận, bận và bận. Các cô thư ký khuyên tôi chờ: vài ngày nữa, tuần sau thì sếp sẽ về, sẽ rảnh, rồi tôi sẽ được xếp lịch phỏng vấn NẾU họ cần người.Chờ. Và cầu nguyện rằng họ đang cần người.

Tôi bắt đầu chuỗi giây – phút – giờ – ngày – tuần phấp phỏng. Ngay cả lúc ngủ, tôi cũng nắm chặt cái di động. Biết đâu có một creative director “điên điên” sẽ đọc CV của tôi vào đêm khuya hay sáng sớm, rồi phấn khích quá mà gọi! Di động rung thì tim tôi cũng rung. Lại có những ngày cái điện thoại bất động, còn trái tim và trí óc tôi vận động kiệt quệ. Tôi thầm khấn niệm rằng đâu đó đang có người bấm số của mình, thông báo một cái hẹn. Rồi tôi sẽ nhảy cẫng lên, hú hét ầm ĩ. Mà cái điện thoại vẫn không nhúc nhích! Chờ. Tôi cảm thấy bất lực, nhỏ bé và yếu ớt, như đang hai tay dâng cuộc sống cho người khác. Bây giờ tôi tiến hay lùi không do chủ ý của mình, mà do một creative director nào đó có hứng thú gặp gỡ một cô gái ngoại quốc non choẹt hay không.

Càng chờ, thời gian càng trôi đủng đỉnh. Không để sự chờ đợi làm bản thân lờ đờ, tôi bắt đầu hành trình city-tour. Điều yên tâm nhất khi sống ở Bangkok là sẽ chẳng bao giờ nhàn rỗi. Bangkok, luôn luôn có chỗ để đi. Mỗi sáng thức dậy tôi túi bụi với những dấu khoanh đỏ trên bản đồ. Tàu điện trên không, tàu điện ngầm, xe buýt, tuk-tuk, taxi, đi bộ … Tôi di chuyển không ngừng trong lòng Bangkok. Tôi tới hết tất cả các phòng triển lãm, phòng tranh, các trung tâm mua sắm, các khu chợ đêm. Qua hết hai tuần, tôi đã có thể vẽ ra cho riêng mình một tấm bản đồ Bangkok: Những địa chỉ dành cho người đam mê sáng tạo hình ảnh và shopping.

Bangkok rất kỳ lạ. Những nhân tố cấu thành đô thị mê ly này đối nhau chan chát, nhưng cũng vì thế mà độc đáo. Nằm cạnh trung tâm mua sắm cao cấp Gaysorn chuyên bán thời trang với giá 150.000 baht/cái (2) là một dọc những bàn gỗ tuềnh toàng của các nghệ nhân đường phố – họ làm và bán trang sức, quần áo, quà lưu niệm với giá chỉ 20-50 baht/cái. (Tôi thích vô cùng những vật phẩm nằm trên những chiếc bàn gỗ đó!) Đối diện đền Erawan linh thiêng tấp nập người khấn vái là một quảng trường chuyên tổ chức những tiệc ngoài trời ầm ĩ, được tài trợ bởi các hãng bia rượu. Nắm tay, khoác vai dập dìu trên phố là những đôi tình nhân đến từ hai quốc gia: chàng trai Âu Mỹ cao lớn, trắng phau như gấu Bắc Cực và cô gái Thái Lan nâu óng, nhỏ nhắn. Bangkok không có sự trung hòa. Bangkok rất thế này và rất thế kia.

Nhưng có những lúc ngay giữa chuyến đi đang thú vị, một niềm bi đát tự dưng kéo đến, khi tôi chợt nghĩ đến cái ước mơ đang mỗi ngày bớt đi một màu sắc và nhiều thêm một mảng xám. Một công ty gọi tôi phỏng vấn, họ nhận tôi, nhưng phút chót lại gặp rắc rối trong khâu visa làm việc. Đã có quá nhiều người nước ngoài ở đó và theo luật pháp thì không thể nhét thêm một người ngoại quốc nào vào nữa.

Tôi buồn bã hết một ngày, thẫn thờ ngồi trong tàu điện trên không đi từ đầu Đông sang đầu Tây Bangkok. Rồi lại từ đầu Tây ngược về đầu Đông. Toàn bộ thần kinh và cảm xúc nhúng sâu trong đắng chát. Tôi nhận ra rằng ước mơ đâu chỉ nằm gọn trong tay mình. Nó chịu sự đưa đẩy của muôn vàn điều kiện khác: luật pháp, chính sách công ty và tiền. Số tiền dành dụm đã bắt đầu không đủ cho các chi phí sống. Những đồng tiền đang siết chặt vòng vây quanh tim tôi, bóp thoi thóp ước mơ. Hết tiền thì tôi sẽ phải rời Bangkok.

Rời chuyến tàu điện cuối ngày, tôi đồng hành cùng sự bất mãn ghê gớm về nhà. Tôi có tài, có ước mơ, nhưng sao không thể có một cơ hội để chứng tỏ? Khởi nghiệp, cần nhất là tự tin. Nhưng niềm tự tin trong tôi đang hư hao dần. Mọi cách vỗ vễ, trấn an đều không kết quả. Không có tiến bộ thì làm gì có niềm tin. Chán chường và cảm thấy bị ruồng bỏ, tôi run rẩy nhìn đôi bàn chân bước và tự hỏi mình sẽ đến đâu. Ngay lúc ấy, mắt tôi lướt qua cái thông báo tuyển người treo ngoài cửa một quán cà phê – một ngôi nhà gỗ kiểu châu Âu xưa. Sáng hôm sau, tôi vào làm phục vụ tại đó.

Cũng không đến nỗi tồi! Ít nhất cũng có một việc để vận động chân tay và một chút tiền để tiếp tục bơm sự sống cho ước mơ – Tôi nhủ thầm với mình như thế trong lần đầu tiên đứng sau quầy cà phê. Sự khởi đầu của công việc tạm bợ này chí ít cũng đem đến cho tôi một niềm hưng phấn nho nhỏ. Ngày ngày, tôi xúng xính trong chiếc tạp dề màu xanh lá, chuyên cần làm việc. Và cái di động lúc nào cũng túc trực trong túi tạp dề. Tôi luôn chờ đợi một cuộc điện thoại có thể thay đổi cục diện đời mình.

Ba tuần chớp mắt trôi qua. Giấc ngủ trở nên đáng yêu vào những đêm thứ sáu và đáng sợ vào những đêm chủ nhật. Đêm thứ sáu: sau đó là hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi chẳng phải phập phồng chờ điện thoại. Đêm chủ nhật: hôm sau là thứ hai, một tuần mới mở ra với những cơn chờ đợi. CHỜ. Công việc dù luôn tay luôn chân nhưng chưa từng làm tôi nhức mỏi. Chỉ những cơn chờ đợi khiến phần hồn của tôi rệu rã thành từng khúc.

Sáng mai lại là một sáng thứ hai.

Người Cũ.

Buổi chiều, có một người khách đặc biệt bước vào quán cà phê: Sar.

Tôi đặt một cốc cappuccino trước mặt Sar. Cappuccino được làm theo cách của riêng anh, rót thêm rất nhiều sữa không béo không đường và rắc một lớp dày bột chocolate trên bề mặt bọt. Tôi làm cho mình một cốc latte và đến ngồi đối diện Sar. Cạnh bên cửa sổ, trời mưa, gần Sar, trong tôi là cảm giác đã – từng – có. Có thể đã từng có một buổi chiều mưa, tôi cùng Sar ngồi bên cửa sổ bay bổng theo hương cà phê và mùi đất ẩm.

Chúng tôi yên lặng, mỗi người đùa chơi với suy nghĩ của riêng mình. Tôi hình dung Sar của mùa hè ba năm trước tại Bangkok … Trái ngược với vẻ hăm hở khám phá của tôi, Sar có thái độ bất hợp tác. Tôi thấy Bangkok đẹp trong chính sự đối nhau chan chát. Sar lại cho là lai căng. Tôi thấy Bangkok lạ với những món thủ công tự chế bán ở lề đường, mộc mạc nhưng bắt mắt. Sar cho chúng là nghèo và bẩn. Tôi học lóm tiếng Thái mọi lúc mọi nơi. Sar luôn chỉ nói tiếng Anh. Tôi ra sức đón nhận. Sar cố gắng chối bỏ.

- Anh đã đi đâu mất?

- Anh bỏ học. Đi khắp nước Mỹ. Về Thái Lan. Đi khắp Thái Lan. Sang châu Âu. Anh cũng đã sang Nam Phi. Rồi về Mỹ. Rồi giờ thì anh ở đây, Bangkok.

- Tại sao lại đi nhiều như vậy?

- Anh muốn đi tìm … đi tìm … Đi tìm một cảm giác rất tuyệt vời giống như em đã nói. Em nói khi ở Bangkok, chỉ cần bước đi, hít thở, mở mắt nhìn, lắng tai nghe, em thấy thứ gì cũng tuyệt vời. Anh chưa bao giờ như vậy khi ở nơi mình sinh ra, hay nơi mình lớn lên, hay bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới.

- … - Tôi chẳng nói gì, nhoẻn cười và bắn thẳng vào mắt Sar ánh nhìn “Anh tiếp tục đi, câu chuyện đang hay.” Khi một chàng trai đang có hứng thú kể chuyện đời mình thì tốt nhất đừng nên cắt lời.

- Nhưng anh nhận ra một điều, nơi sống không quan trọng. Đi đến đâu thì tâm anh cũng chỉ ngập một cảm giác thất lạc, thiếu thốn. Nếu chưa gỡ được cái cảm giác ấy đi, thì ở bất cứ đâu anh cũng sẽ tự hỏi mình đang làm cái quái gì.

Chúng tôi lại rơi vào yên lặng một lúc lâu.

- Ước mơ lớn đầu tiên trong đời, anh có còn nhớ?

- Anh không nhớ rõ nữa. – Sar ngập ngừng – Nhiều lắm. Nhưng không ước mơ nào bền lâu. Anh chưa kịp thực hiện cái này thì đã lại thấy mình đang ước mơ một cái khác. Bây giờ, anh đang muốn trở thành nhà văn, muốn viết một cuốn tiểu thuyết.

- Anh có yêu ước mơ ấy không?

- …

Tôi và Sar chia tay hôm ấy đã không cho nhau số điện thoại hay email. Chúng tôi gặp gỡ thế là đủ. Năm xưa khi anh biến mất, tôi nhẹ tâng. Bây giờ, cũng thái độ nhẹ tâng ấy: Mỗi người bước vào cuộc sống của tôi đều có một vai trò nhất định. Hết vai trò, họ phải đi.

Trong cuộc sống tôi, Sar đóng vai một lời nhắc nhở. Nhờ anh, tôi nhận ra mình may mắn rất nhiều. Tôi có một ước mơ để yêu. Một ước mơ để chuyên tâm và chuyên cần, để không phải rảnh rỗi đấu tranh với đủ loại cảm giác thất lạc, thiếu thốn, đang–làm–cái–quái–gì. Một ước mơ để dù bước một mình, tôi vẫn không cô đơn. Nhất là tôi có toàn quyền với ước mơ của mình, không như với con người – họ muốn đi hay ở thì tôi chẳng cách chi tác động. Sở hữu một ước mơ là lời chúc phúc ngọt ngào nhất của cuộc sống.

Quyết Định Mới.

Đã từng có lúc vừa rửa cốc, vừa hít hà căng tràn hương cà phê đắng dìu dịu, tôi thấy bằng lòng. Tại sao phải gồng mình chen chân vào quảng cáo, cái ngành cạnh tranh nhất nhì Thái Lan? Trong khi bây giờ, ngày ngày tôi có thể thảnh thơi pha cà phê và ngắm thời tiết giao mùa; mỗi cuối tuần tôi được tung tăng ở các phòng tranh, các chợ lề đường. Tôi có thể để ước mơ lớn của mình bé nhỏ dần, kém quan trọng dần rồi trở thành ký ức? Pha và hít thở cà phê, hay bất cứ công việc nhàn nhã không cố gắng nào khác là điều mà tôi muốn nhẫn nại làm đến hết cuộc đời?

Nơi sống không quan trọng, cảm giác là quan trọng – Không rõ điều này đúng được mấy phần và có thể áp dụng được cho bao nhiêu người. Nhưng lúc này, nó đang vận vừa vặn vào hoàn cảnh của tôi. Tôi vui khi được ở Bangkok, nhưng cũng biết rằng đã đến lúc phải đi. Bởi tôi đang bắt đầu ngập ngụa trong bất mãn, nghi ngờ, mất kiên trì. Tôi cần phải tìm lại phiên bản tự tin, kiêu hãnh và hồ hởi sống của mình. Tôi không thể đứng chôn chân trong cuộc sống. Tuyệt đối không!

Tôi thôi việc ở quán cà phê và nán lại Bangkok thêm một tuần. Một tuần cuối cùng để chờ đợi. Tối thứ tư, tôi đang online gửi CV đến các công ty quảng cáo ở Việt Nam và Singapore thì bỗng góc màn hình nhấp nháy, báo hiệu một email mới. 9:10 tối. Một creative director hẹn tôi phỏng vấn vào thứ sáu. Quảng cáo thật là một ngành bận rộn và không có giờ công sở theo đúng nghĩa giấy tờ. Hai ngày nữa, lại thêm một cơ hội. Tôi bước đến cửa sổ, hướng mắt về phía đường tàu điện trên không. Một chuyến tàu điện phóng vụt qua. Ngay lúc ấy, ý nghĩ “sáng mai mình phải chạy” đến trong đầu tôi.

***

Tôi cảm thấy choáng, nên ngừng chạy, đứng chống tay vào một cột đèn. Hai chân hơi khụy, nửa thân trên chúi về phía trước và miệng hồng hộc thở. Tôi ngờ rằng những mạch máu quanh cổ đang trống rỗng. Cũng tốt. Máu ít lên não chừng nào thì tôi càng bớt nghĩ ngợi chừng ấy. Hôm nay, tốt nhất là tôi đừng nên suy nghĩ, nếu không thì sẽ tự dìm chết mình trong những suy toan, giả sử, lạc quan lộn xộn với bi quan. Hôm nay, tôi chỉ muốn chạy đến kiệt sức. Vì ngày mai là ngày hẹn phỏng vấn. Vì tối qua tôi đã nghĩ thấu đáo và hài lòng trọn vẹn với suy nghĩ ấy, không muốn vẽ thêm ra những viễn tưởng tương lai khác. Tôi đã chắc chắn rằng: Nếu Bangkok không dành cho một cơ hội, tôi sẽ đi. Làm mới mình một chút, rèn dũa mình một chút, tích lũy thêm một chút. Thời gian tíc tắc qua. Nếu phải đi, rồi cũng sẽ có một ngày tôi trở về trong lòng Bangkok và được bận rộn phấn đấu trở thành nhà quảng cáo tài ba.

Tôi tiếp tục chạy. Hôm nay, tôi sẽ chạy như con thoi trong lòng Bangkok. Và sẽ có một ngày của rất nhiều năm sau, tôi bắt đầu buổi sáng bằng cách xỏ giày vào và chạy trong lòng Bangkok. Tôi sẽ vừa chạy, vừa nhớ về những ngày đang sống đây: Một cô gái nhỏ với ước mơ lớn, tìm đến Bangkok vì yêu điên cuồng ước mơ ấy.



Chương 3: RẤT GIỐNG TÌNH YÊU

Tình cảm phải đến từ cả hai phía thì mới gọi là tình yêu. Vậy những cảm xúc rất giống tình yêu, nhưng chỉ đến từ một phía thì gọi là gì?


Tôi gặp Nathan hai tháng trước. Anh chuyển đến Hannover từ Texas. Nathan giống một chàng cao bồi với cái môtô thay con ngựa, điếu thuốc ngậm hờ trên môi, nón nỉ và kính chuồn. Anh luôn đem bên người một cuốn sách. Không ở trong lớp thì Nathan đọc sách cạnh cửa sổ, trên ghế đá hay dưới bóng cây. Thỉnh thoảng tôi thấy anh chăm chú hí hoáy vào một cuốn sổ dày, nhìn như tập bút ký của các nhà văn.

Điệu Disco Của Trái Tim.

Năm … bốn … ba …, “Ciao Bella”, Nathan nhếch mép cười khi sượt ngang qua tôi. Trái tim tôi xoay mấy vòng, nhảy cẫng lên và giậm xuống đánh bịch. Lại xoay vòng, nhảy cẫng, giậm xuống.

BỊCH!

Một giấc mơ đẹp. Và trái tim hưng phấn quá độ, đập với tốc độ điên cuồng 200 lần/phút (!) như thể tôi đang đối diện với Nathan ngoài đời thật khiến tôi … rớt khỏi giường. Lồm cồm bò dậy chui vào chăn, tôi rúc đầu vào chiếc gối bông to ụ êm ái. Thừa uể oải để bắt đầu một ngày mới.

Tôi nằm nghĩ miên man về bài thi tuần trước, về trang web bán hàng second-handed, về cặp kính gọng vàng mới mua, về những thứ có tên và không tên khác. Rồi đầu óc tôi lang thang vào tủ quần áo. “Cái áo thun xanh da trời sẽ hợp với cái váy nhung nâu. Hey, cái đầm ngắn màu đỏ đính một đống hạt lấp lánh sau lưng cũng ok. Đầm đỏ, nón đỏ, giày đỏ, túi đỏ. Girl in red.” Nghĩ. Nghĩ. Nghĩ. Cuối cùng, thứ mà tôi cố tập trung để không nghĩ tới cũng chui tọt được vào những tế bào thần kinh của tôi: Nụ cười của Nathan, ngạo nghễ và có một ma lực độc đáo.

Trước khi bản thân kịp hoang tưởng thêm về những chuyện ngọt ngào với Nathan, tôi ra khỏi giường. Tôi rất giỏi trong việc nghĩ ra những trò tuyệt diệu và điên cuồng mà các cô gái thích làm với bạn trai mình. Nhưng vấn đề là khi tôi thành nhân vật chính trong suy nghĩ của chính mình, chuyện đó không bao giờ thành sự thật. Tôi không muốn phí thời gian nghĩ lung tung về những chuyện to tát chẳng có cơ thành sự thật. Hôm nay, tôi chỉ mong một điều nhỏ bé và đơn giản: Nhìn thấy Nathan cười và chào tôi buổi sáng. Nhưng … nếu Nathan cười và chào tôi thì đấy 90% là do phép lịch sự xã giao. Nathan cười với tất cả mọi người anh gặp trong trường với đôi mắt ẩn sau cặp kính chuồn đen. Có Chúa mới biết là khi “say hi”, anh có nhìn người đối diện hay không.

“If I Kiss Him, Will He Stop Talking?”

Katt – chị tôi ngồi trên giường vừa đọc tạp chí, vừa nhìn tôi thử hết váy này đến áo kia trước giờ đi học. Hôm nay tôi có lớp học chung với Nathan. Tôi phải thật hoàn hảo. Katt ở đây để làm stylist cho tôi.

- Mặc ít màu đen thôi, Bella. – Katt nói khi tôi thử vào cái váy dài màu đen.

Ôi, tôi yêu Katt vô cùng. Chị luôn nói những câu đa nghĩa và việc tôi làm là chọn ý nghĩa mà mình muốn hiểu. Mặc ít màu đen trong trường hợp này là mặc một cái váy màu đen thật ngắn.

Mọi người trên đường và trong lớp đều nhìn chiếc váy không thể ngắn hơn của tôi và cái áo thun in hàng chữ “If I kiss him, will he stop talking?” trên ngực. Ngồi vắt chéo chân, tôi hồi hộp chờ Nathan bước vào lớp và ồ à nhìn tôi. Tôi hí hửng với suy nghĩ khi Nathan vào, tôi sẽ đánh bạo đến hôn vào miệng anh. Thì sao nhỉ? Nathan sẽ ngượng chín người và nổi giận với tôi. Hay anh sẽ đề nghị được hôn thêm một lần nữa? Tôi mỉm cười ranh mãnh. Tôi thấy thú vị khi nghĩ rằng mình là một đứa con gái táo tợn và hư hỏng. Tôi chờ. Giáo sư đến. Tíc tắc tíc tắc. Lớp tan. Còn mình tôi ở lại. Hôm nay Nathan không đi học. Tiu nghỉu.

Nhớ Chưa Chắc Là Yêu.

Tôi rất thích nhìn Nathan. Tôi thích nhìn anh ngồi một mình trên ghế đá đọc sách hay viết lách. Tôi thích nhìn anh dựa vào cửa sổ, hút thuốc và thi thoảng lại đưa tay chỉnh cặp kính chuồn. Có một sức hấp dẫn lạ kỳ khi nhìn Nathan một mình, tự do suy tư trong thế giới của riêng mình. Khi một người ý thức được những suy nghĩ và tình cảm, khi họ lạc sâu một cách hào hứng vào thế giới của mình, khi họ tập trung trọn vẹn vào điều mình đang làm, họ toát ra một sắc đẹp. Sắc đẹp của sự chủ động tồn tại.

Nhìn mãi hóa nhớ. Hôm nào không nhìn thấy Nathan, dù chỉ từ rất xa thôi, là hôm đó tôi bứt rứt khó chịu. Như lúc này đây, trên xe điện về nhà sau một ngày dài không tìm thấy bóng dáng chàng cao bồi Texas, tôi lầm bẩm một mình “Where are you now?”.

Nhưng nhớ chưa chắc là yêu. Tình yêu luôn khiến tôi ngộp thở. Tôi chưa bao giờ thu gom đủ tinh thần để chấp nhận chia sẻ cuộc sống của mình với một người khác. Cuộc sống mỗi người như một đường thẳng. Khi chúng giao nhau thì tạo thành ngã tư, hết ngã tư rồi thì vẫn sẽ là một đường thẳng. Tôi không muốn để người khác xâm nhập, giao tiếp với cuộc đời mình rồi khi người ấy ra đi, cuộc sống của tôi bẻ cong hay đổi chiều.

Rồi tôi tự vỗ về bản thân: Đó chẳng qua là một sự xâm lăng trí tuệ và trái tim. Những suy nghĩ, những ảo tưởng không đầu không đuôi về Nathan chắc chắn chỉ vì nhìn trộm anh đã thành thói quen của tôi. Tình yêu – thứ mà con người ngàn đời ca tụng chắc chắn phải được cấu thành từ những nguyên tố vĩ đại và rắc rối hơn là những cái nhìn trộm, những câu chuyện bâng quơ trong lớp học.

Người Trẻ và Stress.

Hôm nay là chủ nhật và tôi lục cục online vào 7 giờ sáng. Tôi phải gửi cho giáo sư lớp Tâm Lý Học bài luận nháp vào 3 giờ chiều để ông chỉnh sửa. Đề tài là “Người Trẻ Với Stress”. Sau một hồi lùng sục thông tin, tôi bắt tay vào tác phẩm của mình:

“Người Trẻ và Stress

Giới trẻ gặp rất nhiều nguồn stress. Đó có thể là vấn đề gia đình – bất đồng ý kiến với cha mẹ; hay vấn đề tại nhà trường, công sở – áp lực từ giáo viên, bạn bè, sếp, đồng nghiệp; hay vấn đề tình yêu – cãi vã với người yêu.

Nathan

Nathan

Nathan



Nathan

Nathan

Cách tốt nhất để đối phó với stress là tìm người nói chuyện để giải tỏa cảm xúc và suy nghĩ.”

Gửi. 2:30 chiều. Tôi có một tuần để hoàn thành bài luận nháp này nhưng tôi chờ đến những giờ cuối cùng mới bắt tay vào làm. Nước đến chân thì tôi mới có hứng nhảy. Tôi thích đặt mình dưới áp lực. Áp lực chính là thứ thúc đẩy trí sáng tạo của tôi hoạt động mãnh liệt.

2:40 chiều. Giáo sư gửi mail trả lời. “What did you write, Bella? Stress is not Nathan. You’ve got one more day to write. Anyway, who is that Nathan? Do I know him?” (Em viết gì vậy Bella? Stress không phải Nathan. Em có thêm một ngày để viết. Mà, Nathan đó là ai? Tôi biết cậu ta chứ?).

Thật là một vị giáo sư hài hước. Thầy cho thêm một tuần thì chắc tôi vẫn chỉ gõ tên Nathan ra khắp bài luận của mình. Thầy muốn tôi viết về stress của người trẻ thì tôi chính là ví dụ sống động nhất. Từ khi chuyển hộ khẩu vào đầu tôi sống, Nathan lấy hết mọi sự tập trung và mọi hứng khởi làm việc của tôi. Tôi cáu với chính mình vì việc nghĩ về anh chàng Nathan suốt. Anh là nguyên nhân gây stress cho tôi. Nhưng nhìn một bài luận với dãy dài toàn chữ “Nathan” xem, thật là sáng tạo!

Tình Yêu Là Mảnh Ghép Cuối Cùng?

Tôi hâm mộ những câu chuyện tình yêu kiểu Romeo & Juliet. Tôi luôn ửng má với một cảm giác lâng lâng mỗi khi xem cảnh lãng mạn của một đôi tình nhân trên màn ảnh, hay đọc tiểu thuyết đến đoạn tình ái ngọt ngào. Tôi luôn mong trong đời sẽ tìm được một người yêu tôi hơn chính bản thân anh ấy. Nhưng tình yêu vĩ đại là chuyện của thì tương lai xa lắm. Còn ngay lúc này, tôi chưa sẵn sàng để dấn thân vào tình yêu. Tôi luôn giữ một khoảng cách vô hình với các chàng trai. Tôi thích nhìn các anh chàng hay hay từ xa, gây sự chú ý của họ bằng những bộ cánh bắt mắt, những câu nói bông lơn, rồi thôi! Ngay khi một chàng nào phát tín hiệu muốn cặp đôi là tôi biến mất.

Có những lúc tôi cảm thấy mình đang bước đi, đang hít thở trong một không gian vô vị. Tôi cảm nhận được sự bấp bênh trong chính mình. Cuộc sống của tôi thiếu một mảnh ghép để trở thành hoàn hảo. Nhưng tôi không tin tình yêu chính là mảnh ghép cuối cùng đó. Từ lâu lắm rồi, tôi có niềm tin vững chắc rằng tình yêu không là món ăn chính trong bữa tiệc cuộc sống. Nó chỉ có thể là món gia vị cho thêm đậm đà, thế thôi. Có gia vị thì tốt, mà không có cũng chẳng chết ai. Chỉ là chịu khó ăn nhạt đi một chút.

Nằm im lặng trong bóng tối, tôi quyết định sẽ chấm dứt chuyện này trước khi nó kịp bắt đầu. Không như những lần trước, tôi sẽ không cố gắng tán tỉnh Nathan rồi biến mất tăm. Linh cảm của một cô gái nói rằng nếu dấn thân vào thì có thể tôi sẽ không rút ra được. Đã đến lúc quay trở lại nhịp sống bình thường. Cuộc sống còn có nhiều thứ để cố gắng, hơn là chuyện suy nghĩ mãi về một chàng trai mà chẳng biết nên làm gì với anh ta trong tương lai. Tôi thưởng cho quyết định đứng đắn của mình bằng những phút thả lỏng mường tượng về cái dáng Nathan đọc sách cạnh cửa sổ. Sẽ là lần cuối cùng tôi tự ám ảnh mình bằng hình ảnh anh ấy.

Tôi Lên Chuyến Bus Này.

Tôi có người mẹ lạ kỳ nhất thế giới. Mẹ tôi tin vào horoscope và tử vi một cách điên cuồng. Bà đọc sách horoscope để nuôi dạy các cô con gái. Bạch Dương là cung của tôi. Mẹ đã cố công nuôi dưỡng tôi thành một cô gái cung Bạch Dương hoàn hảo: độc lập, tham vọng và quyết đoán. Còn theo tử vi Ai Cập, tôi được sinh ra dưới sự bảo vệ của Osiris, vị thần của Cái Chết. Nếu một cô gái Osiris biết yêu quá sớm, cô ấy sẽ sa đà và nhanh chóng quên mất những dự định cuộc sống khác của mình. Cô ấy chỉ mờ mắt tuân theo những tiếng thì thầm của ái tình. Mẹ cũng tin vào điều đấy. Mẹ thường bất an khi biết chuyện tôi đang đong đưa với anh chàng nào đó, rồi hỉ hả ra mặt khi tôi báo tin đã tạm biệt chàng trai ấy.

Có phải vì bên cạnh người yêu, một cô gái sẵn sàng hy sinh cuộc sống và ước mơ cá nhân để đánh đổi lấy hạnh phúc? Có phải các chàng trai là nguyên nhân khiến thế giới có ít nữ vĩ nhân đến vậy? Có phải trong quá khứ các nữ vĩ nhân trên con đường của mình đều đã gặp một chàng trai và sau đó họ dừng lại, an phận với một cuộc đời mới?

Có phải đấy là điều mẹ tôi nghĩ khi bà quyết định ly hôn mười năm trước, đưa chị em tôi sang Đức vì nơi đây có tương lai hứa hẹn hơn cho những công trình nghiên cứu của mẹ? Bố thì ở lại Việt Nam. Tôi không biết mẹ đúng hay sai. Bà đánh đổi hạnh phúc gia đình để lấy hạnh phúc trong sự nghiệp. Mẹ lạnh lùng lúc ra đi. Mẹ lạnh lùng trong suốt mười năm. Mẹ luôn tỏ ra bằng lòng với cuộc sống, công việc kể từ ngày rời Việt Nam. Tôi chưa từng thấy mẹ nhớ nhà hay thoáng chút nhớ bố. Nhưng vừa rồi tôi lại thấy mẹ khóc lặng lẽ bên cửa sổ, sau khi biết tin bố sắp tái hôn. Đã mười năm rồi …

Không bao giờ chờ một chàng trai hay một chuyến bus, vì sẽ luôn có chuyến tiếp theo trong vài phút. Nhưng nếu tôi có thể lên chuyến bus này, tại sao tôi phải để lỡ nó?

“Em Yêu Anh”.

Trên con đường đá trong khuôn viên trường, vừa đi vừa dùng mũi chân nửa hất nửa hứng những bông tuyết rơi gần chạm mặt đất, tôi nhìn thấy Nathan không xa, đang ngồi trên bậc tam cấp, chúi mũi vào một cuốn sách. Tôi mím môi, chạy lại chỗ Nathan, e hèm một tiếng để thông báo sự có mặt của mình và …

- Em yêu anh.

Nathan ngước lên nhìn tôi, mặt nghệch ra. Anh chẳng hiểu tôi đã nói gì. Còn tôi thì đã nhanh chân quay phắt bỏ đi. Ơn Chúa, cũng may tôi đã nói bằng tiếng Việt!



Cái cảm xúc rất giống tình yêu đến từ phía tôi trước chính là tình yêu. Những điều xảy ra với chúng tôi sau lần tôi lấy hết can đảm nói “Em yêu anh” chứng minh điều ấy. Tình yêu … Thường thì sẽ bắt đầu trước với một người và nếu có duyên, nó sẽ dẫn truyền sang người kia.



Chương 4: ĐI TÌM CẦU VỒNG


1. Ngày thứ hai Tâm Khiết ở Moscow, trời bão tuyết. Cái lạnh thẩm thất vào từng giọt máu, rồi theo mạch lan khắp thân người. Cái buốt muốn cắt đôi từng tế bào. Ngồi cuộn mình trong hai tấm chăn bông bên cửa sổ, cô lạ lẫm chiêm ngưỡng khung cảnh trắng xóa mù mịt bên ngoài và lặng lẽ đếm từng nhịp thở. Thực tại lần bò trở lại tâm trí cô.

Cô bấm những đốt ngón tay, lẩm nhẩm: “Một, hai, ba, bốn, năm, sáu…” – Đã sáu ngày cô không nhìn thấy mặt anh. Và giờ cũng đã xa cách anh ngàn vạn dặm, có muốn gặp cũng không dễ dàng gì. Tim cô lên tiếng: “Mày thật dũng cảm!”. Nếu tâm tính cô mềm yếu như những đứa con gái bình thường, nãy giờ mặt mũi đã lem luốc trong nước mắt. Vậy nhưng lòng cô cứ cắn rức một nỗi đằng đẵn.

Tâm Khiết ngáp một cái dài, rồi uể oải đứng dật, nhích vào bếp, người vẫn bao vởi hai tấm chăn nặng trịch. Cô rót một cốc cà phê thật bực rồi quay lại ngồi bên cửa sổ, tiếp tục chìm đắm vào những suy nghĩ, nhung nhớ của riêng mình. Đêm qua cô không dám ngủ. Đêm hôm trước vật vờ trên máy bay, cô cũng không dám ngủ. Chỉ khi thân thể rã rời không chịu đựng nổi, thì cô mới vô thức thiếp đi. Chẳng biết là ngất hay ngủ. Còn không, dù ngáp sai quai hàm, cô cũng chẳng dám chủ động nhắm mắt. Bởi giấc ngủ sẽ không đến, mà cái cảnh chia tay của sau ngày trước thì cứ diễn qua diễn lại trên sân khấu tâm trí cô.

2.

“Em không tin tưởng bản thân mình khi bên anh!”, cô gái nói rời rạc từng chữ, rồi quay lưng bỏ chạy. Phía sau cô, chàng trai đứng yên như đá. Gương mặt anh sắt lại, không tồn tại một cảm xúc nào, hoặc vì đã thể hiện quá nhiều bi thương mà trở thành chai cứng…

Tâm Khiết vùi đầu sâu hơn vào gối, cố chặn một tiếng thở dài. Nước mắt không đủ lực nặn thành giọt, chỉ có thể làm những cọng lông mi ươn ướt. Bàn tay cô xoa xoa chà chà vào chiếc gối bông căng phồng, như để tìm kiếm thực tại sau giấc mơ. Hai ngày nữa, cô sẽ được nhìn thấy anh, vì cớ gì mà khung cảnh buổi chia tay hơn sáu năm trước lại tái hiện trong mơ? Như một điềm báo. Cô thoáng cau mày…

- Tâm Khiết này, con sang Singapore có muốn tiện thể về Việt Nam thăm mẹ luôn không? – Bố cô hỏi trong bữa ăn sáng, khi đang phết mứt dâu lên lát bánh mì đen.
- Không ạ. Đi lâu quá, bố sẽ thấy vắng – Cô cười với bố bằng một nụ cười thơ trẻ.

Bố cô không nói gì, cặm cụi với phần còn lại của bữa ăn sáng. Quan sát những nếp nhăn hằn trên trán và mái tóc muối tiêu của ông, một vệt êm ái vắt qua lòng cô… Suốt sáu năm qua, cô luôn cố gắng hoàn thiện vai trò “cô con gái nhỏ của bố”, và bố cô luôn cố gắng bù lại mười bảy năm ông tồn tại bên ngoài cuộc sống của cô. Nhìn bên ngoài, bố cô vẫn chưa thể lớn tiếng mắng khi cô sai, chưa thể vòng tay ôm cô khi chụp chung hình. Nhưng cô luôn cảm nhận được tình thương ông dành cho mình, quyện chặt trong những mặc cảm tội lỗi.

Tên cô – Tâm Khiết – trái tim trong sáng, không phải được bố cô đặt, mà do chồng của mẹ cô đặt. Ngày cô chào đời, đinh ninh rằng đây là thiên thần bé bỏng do mình tạo ra, người đàn ông ấy cưng quý cô như bảo vật. Những ngày thơ bé, ông yêu chiều co bao nhiêu, thì khi biết cô chẳng phải con mình, ông bạc với cô bấy nhiêu. Nếu năm 4 tuổi cô không gặp tai nạn cần truyền máu, thì sự thật sẽ chẳng bao giờ hé lộ: Mẹ cô trong phút yếu lòng đã qua lại với người tình cũ trước ngày người ấy đi xuất khẩu lao động sang Nga, rồi sinh ra cô. Nếu…. thì cô sẽ chẳng bao giờ dám yêu anh.

Trên giấy tờ, anh là anh họ của cô – con của anh trai chồng-mẹ-cô. Trên giấy tờ, giữa anh và cô không được phép tồn tại mối tơ tình nào. Nhưng đời thật đâu phải một mảnh giấy. Anh và cô chưa từng thốt lên một tiếng yêu vững chắc. Nhưng trái tim ai nấy đều thật thà với tình cảm của mình: Anh yêu cô, và cô yêu anh.

3.

Khi biết vì sao người bố đối đãi với mình như không khí, qua những lời bóng gió của xóm giềng, trái tim trong sáng của Tâm Khiết cứng lại dần. Trở thành một cô bé chai lì. Một cô bé chẳng bao giờ thật lòng. Cười không thật. Khóc cũng không thật. Chẳng bao giờ tin vào cái mà người đời vẫn ngợi ca là “tình cảm” – Bởi nếu tình cảm tồn tại trên đời, thì việc cô là con ai nào có quan trọng.

Những suy nghĩ lệch lạc như lớp vỏ xù xì bọc lại nội tâm mong manh. Tâm Khiết dần lớn lên. Trong một lần thu mình vào góc, lẩn trốn hơi ấm đoàn tụ của buổi họp mặt gia đình, cô đã gặp Hoàng Minh. Hai tâm hồn: Một nồng ấm, một giá buốt. Một luôn tin tưởng, một luôn nghi kị. Hai nửa đối kháng hoàn hảo khép chặt vào nhau. Chất lãng mạn của yêu đương đã phải mạnh những luồng tươi mới vào thế giới của cô. Rồi ngay khi cô bắt đầu đặt cược niềm tin vào cái mà con người vẫn ngợi ca là “tình cảm”, đời thật giáng vào anh và cô một cú mạnh: Anh và cô là anh em họ, dù chỉ trên giấy tờ.

Mẹ cô khóc van năn nỉ. Chồng của mẹ cô chửi mắng. Bố mẹ anh cấm cản. Anh cứng đầu không chịu buông, dọn đồ đạc đến tá túc nhà bạn. Cô phân vân, chẳng biết nên về phe trái tim hay lý trí. Dồn ép. Nằn nì. Sỉ vả. Bức bối… Đến một ngày, khi buộc phải chọn lựa giữa hai mối ích kỷ: Đổ thêm đau khổ vào cuộc đời mẹ mà yêu anh, hay đục thủng trái tim anh để bảo vệ mẹ, cô chọn mối ích kỷ thứ ba. Cũng là mối ích kỷ to lớn nhất: Cô sang Nga đoàn tụ với
Thông Tin
Lượt Xem : 3089
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN