Tìm lại tình yêu
(game1s.com - Tham gia viết bài cho tập truyện "Hay là mình cứ bất chấp yêu nhau đi")
"Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh!
Hay để chắc chắn anh cứ lắng nghe tim muốn gì, rồi nói cho em nghe,
một câu thôi:
Một, hai, ba, năm anh có đánh rơi nhịp nào không?"
***
Hoàng hôn giăng xuống cây cầu bắc ngang qua con kênh nhỏ, nắng phủ một màu nhợt nhạt trên đường, ông lão ngồi lặng lẽ ngắm dòng người qua lại tấp nập giữa phố phường, thở một hơi dài, khói thuốc bay tỏa xung quanh. Ngày nào cũng như vậy, công việc của ông lặp đi lặp lại dường như không có gì thay đổi, dọn dẹp nhà cửa, xem TV, đi ăn cơm quán, đánh cờ tướng với mấy ông bạn già dưới gốc cây đa cổ thụ, và ngồi nghĩ ngẩn ngơ về cuộc đời, về con người.
Ông sống một mình trong căn nhà khang trang tại một thành phố lớn, bà đã bỏ ông mà đi khi lâm phải một cơn bạo bệnh từ chục năm về trước. Ông bà có duy nhất một cậu con trai, nhưng nó sau khi trưởng thành đã lập gia đình với một người phụ nữ nước ngoài, rồi vợ chồng con cái kéo nhau qua bên đó sống. Bao nhiêu lần chúng nó bảo đón ông qua để chăm sóc, phụng dưỡng khi tuổi già, nhưng ông không chịu. Sống một thân một mình, cô đơn lắm chứ, nhiều lúc ông cũng muốn nghe theo lời con cái, về bên đó để sống cho có hơi ấm gia đình, nhưng cứ nghĩ tới việc phải xa quê hương, xa nơi chôn rau cắt rốn, và xa những kỷ niệm của cả một đời người, ông không đành lòng đi nổi. Thế là ông cứ một mực trì hoãn, quyết ở lại với mảnh đất này. Cậu con trai sau nhiều lần thuyết phục không thành, chỉ còn biết chấp nhận việc để ông lại nơi đây, hàng tháng gửi một khoản tiền khá lớn về để chắc rằng cuộc sống của ông không có gì thiếu thốn.
Nhưng tiền bạc chỉ có thể bù đắp về vật chất, làm sao dùng để khỏa lấp được sự thiếu thốn trong lòng. Càng ngày, ông càng thấy mình yếu hơn, yếu vì cuộc sống cô đơn, vì nhớ con nhớ cháu, nhớ bà. Có lẽ, ngày ông không muốn đến cũng chẳng còn xa, ông đang nghĩ, hay là...tạm biệt nơi này để đi, đi một lần và đi mãi mãi.
Trở về với thực tại, bóng tối đã sắp bao trùm không gian màu xám nhạt, ông vặn mình toan đứng dậy để về nhà, đã đến lúc thả con chó Mẫn Mẫn ra và chuẩn bị ăn cơm tối. Bất chợt, một tiếng rao nhẹ bẫng vang lên, tiếng rất quen như nhắc ông về một người nào đã từng là thân thiết lắm:
- Aiii...bánh bao đi! Aiii..bánh bao nào!
Ông quay đầu lại, hướng mắt về phía một bà lão đang gánh thúng bánh trên vai, vừa đi vừa lặng lẽ quệt mồ hôi trên trán. Bất giác, như thể có một sự vỡ òa nào đó lan ra trong đôi mắt mờ đục, ông luống cuống, cất giọng không bình thường.
- Loan, là Loan phải không?
Nghe thấy tiếng ông run run, bà lão quay lại, cố nheo mắt nhìn xem trước mặt mình là ai, người nào mà có thể nhận ra bà ở cái thành phố xa lạ này. Bà bước tiến lại gần hơn, rồi bỗng đôi quang gánh trên vai bị buông thõng xuống, bà reo lên:
- Anh là...anh Tâm? Anh Tâm đúng không?
Sự xúc động phút chốc bốc lên nơi cánh mũi, ông loạng quạng bước đến bên bà. Tay run run giúp bà gỡ quang gánh đặt sang một bên, ông nhìn thật sâu vào đôi mắt đã hằn những nếp gấp thăng trầm của năm tháng.
- Sao...sao lại đi bán buôn ở đây thế này? Bao năm qua em sống thế nào? Ở đâu? Anh tìm em rất lâu, nhưng không hề có tin tức gì cả! – Ông hỏi dồn dập, quên cả việc mời bà ngồi xuống, cũng chẳng để ý những ánh mắt lạ lẫm từ phía xung quanh đang chăm chú nhìn.
- Em cũng tìm anh nhưng không được. – Bà nói ngắn gọn, nhưng đủ để cho ông thấy tim mình rộn rã hẳn lên. Ông cứ nghĩ bà đã quên, nhưng không phải!
Dìu bà ngồi xuống, gọi một ấm trà đặc, ông nhìn bà chăm chú hơn. Nét đẹp thuở thanh xuân dẫu bị thời gian che phủ vẫn còn đó. Ngày xưa, ông vẫn nhớ, ông yêu bà ngày từ lần đầu gặp gỡ, cái tình yêu thuở thanh niên nó khao khát bỏng cháy đến điên cuồng. Ông yêu mọi đường nét trên khuôn mặt bà, từ đôi mắt sáng thông minh đến đôi môi lúc nào cũng chực cười, đem lại cho người đối diện cảm giác an nhiên đến lạ. Nhưng ngày ông gặp bà cũng là ngày ông nhận ra bà đã đi trước một bước, bà đã có một đời chồng, chồng bà hi sinh ngoài chiến trận khi đám cưới vừa diễn ra được chừng vài năm. Lúc đầu, ông buồn chán với thực tại trớ trêu, nhưng rồi ông dần xác định lại, bà là người mà ông yêu và ông quyết tâm theo đuổi bà, đưa bà về làm vợ. Thuở ấy, cái suy nghĩ cổ hủ phong kiến còn ăn sâu vào tiềm thức con người, khi biết chuyện tình cảm "động trời", bố ông ra sức cấm cản quyết liệt, đến mức sẵn sàng từ mặt nếu ông không chấp nhận quên đi tình cảm của mình để làm theo ước nguyện của gia đình, đó là lấy một người con gái ông không hề quen biết, chỉ vì gia đình đã có mối giao kết với bố mẹ cô gái kia từ thuở xa xưa. Rồi cuối cùng, ông bà cũng không chống lại được sự trớ trêu định mệnh và sự cay nghiệt của cuộc đời, chấp nhận rời xa bà, ông an phận với cuộc sống không tình yêu với một người dù khi ấy, trái tim ông đã chẳng còn nằm trong lồng ngực nữa. Còn bà, bà cũng chẳng biết làm gì, bởi với cái danh góa phụ, bà chỉ biết trông đợi, biết hi vọng và rồi bỏ xứ mà đi sau khi tham dự lễ vu quy của người mình yêu mà không một lần được gọi bằng chồng theo đúng nghĩa. Ông và bà đã gặp và xa nhau như thế, rồi như một sự trêu đùa của số phận, hôm nay, khi cả hai đã gần đất xa trời, ông được gặp lại bà, chính vào cái lúc ông tưởng chẳng còn điều gì có thể níu chân ông lại với cái mảnh đất này nữa.
- Sau ngày đó, em một thân một mình lên đây, ở cái thành phố này, em làm đủ mọi nghề từ công nhân, giúp việc đến buôn bán. Cứ thế qua ngày, qua tháng, phút chốc ngoảnh lại, thấy mình hai thứ tóc, chân yếu tay mềm rồi. Người ta có con bế cháu bồng, còn mình thì cứ một thân một mình, thui thủi thế này thôi.
- Ngày ấy em còn trẻ quá mà, tại sao không tiến thêm bước nữa?
- Người trước của em tuy trên danh nghĩa là chồng, nhưng là được gả chứ không phải em tự nguyện lấy. Chỉ có duy nhất một người mà em đã yêu, nhưng người ấy không vượt qua được rào cản gia đình, định kiến xã hội để lấy em làm vợ. Sau này em không còn có thể rung động trước ai được nữa. Có lẽ, số em nó vậy rồi... – Bà nói, giọng nói thoảng chút xót xa. Ông biết, bà vẫn còn giận ông lắm.
Ông chậm rãi kể cho bà về những năm tháng đã qua, những giây phút đầu tiên khi biết bà bỏ đi, ông đã vùi mình vào men rượu, về những đêm trằn trọc không ngủ, ông nhớ bà đến trào nước mắt, về những ngày khó nhọc, ông đi đâu làm gì cũng chỉ thấy hiện lên hình ảnh, giọng nói tiếng cười của bà. Rồi thời gian trôi qua, dần dần, ông tập quen với suy nghĩ hai người đã được định mệnh xe duyên nhưng không kết phận, ông đành chấp nhận việc quay trở lại với cuộc sống của mình, với những lo toan cho một gia đình mà ông là trụ cột. Thoáng chốc, chỉ như một cái chớp mắt, ông được gặp lại bà, mọi xúc cảm trong ông chợt hiện về, trọn vẹn và lành nguyên, như chưa hề bị cách ngăn bằng năm bằng tháng.
- Em sống cuộc sống có vất vả lắm không? Anh xin lỗi, để em phải một mình cực nhọc thế này, là tại anh ngày xưa không tốt!
- Thôi, bây giờ còn nhắc chuyện cũ lại làm gì. Tại số phận hết cả thôi, thấy anh khỏe mạnh thế này, em vui lắm! – Bà quơ tay lấy đôi quang gánh, có vẻ như muốn đứng lên – Giờ em phải đi bán rồi về sớm kẻo trễ.
- Cho anh địa chỉ, anh sẽ tới thăm em!
Ông nhìn theo cái bóng của bà bước chậm rãi qua bên kia cầu, tay cầm tờ giấy ghi với những nét chữ nghiêng nghiêng, trong lòng trào dâng một nỗi xót xa và tiếc nuối vô hạn. Ngay lúc này, ông chỉ muốn được ngồi cạnh bên bà, thủ thỉ những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, nhìn bà cười nụ cười vô tư, bởi lâu lắm rồi ông mới thấy lòng mình bình yên như thế.
Suốt đêm không ngủ được, ông nằm cố gắng nhớ lại từng kỷ niệm với bà dù là nhỏ nhất, từ lần đầu tiên hai người gặp mặt, đến từng khoảnh khắc và câu chuyện ông và bà nói với nhau, những lời hứa để dành cho đến mai sau, và cả phút giây xa nhau mà ông nghĩ tình yêu của mình cũng theo đó mà chết. Hóa ra, định mệnh là có thật, và định mệnh đã cho ông gặp lại bà, dẫu là phải bước qua một đoạn đường quá dài, quá xa, ông nghĩ, vẫn còn là chưa muộn. Sáng mai, ông sẽ đến tìm bà sớm, ông không thể ngăn được mình khỏi sự háo hức và trông ngóng, như cái ngày mới yêu thời trai trẻ. Có lẽ tình yêu trong sâu thẳm trái tim ông mới chỉ ngủ quên mấy chục năm thôi chứ chưa hẳn là đã trôi đi đâu mất. Và ông tin chắc, nếu quả thực ông và bà sinh ra là để yêu nhau, thì giờ là lúc thích hợp nhất để ông bắt đầu lại từ đầu, bằng một tình yêu không quá cuồng nhiệt đậm sâu, nhưng vừa đủ để ông và bà dìu nhau đến tận cùng của hạnh phúc, một thứ hạnh phúc già nua nhưng chưa một lần cũ kỹ, chưa một lần bị lãng quên.
***
Sáng sớm, khi tiếng gáy đầu tiên của con gà trống vang lên, ông lục đục trở mình dậy. Không hiểu sao, ông thấy lòng khoan khoái và thấy thân thể khỏe khoắn lạ thường. Con Mẫn Mẫn ngoe nguẩy nhìn ông bằng đôi mắt tròn khó hiểu, chắc lâu lắm rồi, cũng có thể là lần đầu tiên, nó thấy ông chủ mình huýt sáo theo một bản nhạc yêu đời đến thế. Ông dọn nhà sạch sẽ, thay nước cho con chim chào mào trong chiếc lồng màu xanh treo trước hiên nhà. Sau đó, ông là bộ quần áo vest tinh tươm, rồi soi mình trong gương. Nhìn ông vẫn còn phong độ đấy chứ! Mỉm cười, ông ngẫm nghĩ, không biết hôm qua sau khi gặp ông về, bà có vui như thế này không nhỉ?
Chỗ bà ở cách nhà ông chừng năm cây số, ông lấy chiếc xe đạp cũ kỹ ra, lau chùi bóng loáng, rồi khóa cửa nhà, dắt xe ra cổng. Bà Năm hàng xóm là người đầu tiên nhận ra sự khác biệt của ông so với thường ngày, bà hỏi khi thấy ông tủm tỉm đạp xe qua:
- Ông lão này hôm nay có việc gì mà ăn mặc nhìn bảnh bao vậy?
- Ừa, mới hồi xuân! – Ông nói nửa đùa nửa thật, cố cất giấu niềm vui vào bên trong nhưng hình như nó vẫn nở ra ngoài, trên khóe miệng ông tươi roi rói.
Nhà bà ở là một khu trọ khá tồi tàn, nơi có mấy căn phòng cấp bốn cũ kỹ liêu xiêu nối tiếp nhau, có lẽ người thuê trọ ở đây cũng toàn người làm công việc bán buôn đầu tắt mặt tối. Kiếm được một chỗ ở thoái mái đàng hoàng ở cái thành phố xa hoa bậc nhất này đâu phải là điều đơn giản, nhất lại đối với một người phụ nữ lao động chân tay, côi cút một thân một mình như bà. Ông cũng nghĩ là cuộc sống của bà còn khó khăn, nhưng thực sự không tưởng tượng được rằng bà thiếu thốn đến như vậy. Dựng xe trước cổng, ông bỗng thấy trong lòng ngập ngừng chững lại. Có một chút gì đó như xót xa, day dứt đang làm tâm trạng của ông như chùng xuống. Liệu bà có đối diện với ông bằng ánh nhìn mặc cảm, liệu bà sẽ chấp nhận để cho người bạn già như ông tới lui san sẻ nhọc nhằn, hay bà sẽ lại một lần nữa bỏ ông mà đi như mấy chục năm về trước? Bất giác, giọng một người phụ nữ lớn tuổi vang lên phía sau lưng:
- Ông tìm ai?
- Tôi...à, tôi tìm bà Loan! – Ông cười, thoáng chút bối rối.
Bà lão chừng sáu mươi tuổi nheo mắt nhìn ông một lượt vẻ tò mò, rồi bước lại gần nói nhỏ:
- Có phải ông là...ông gì nhỉ, hừm...
- Tôi tên Tâm, bạn cũ của bà Loan.
- A đúng rồi! – Mắt bà lão bỗng sáng lên, bà chợt nắm lấy khuỷu tay ông, mời vào ngồi trong căn phòng thứ hai từ ngoài vào. – Hôm qua về bà ấy vui lắm, ngồi kể là số phận run rủi thế nào lại được gặp lại người bạn thân thiết sau mấy chục năm trời. Bà ấy còn nói là chắc ông sẽ tới thăm, ông ngồi chơi một lát, bà ấy đi bán đồ rong cũng sắp về rồi...
- Phiền bà...
- Tôi chuyển đến khu trọ này cũng vài năm, còn bà ấy không biết ở đây bao lâu rồi nữa. Bà Loan hiền lành, tốt tính lại chịu khó cần mẫn nên cả xóm ai cũng quý. Chỉ tiếc là số bà ấy khổ, đến lúc về già rồi cũng không có một mụn con, người thân cũng chẳng còn, cứ một mình thui thủi gánh gồng hết ngày này qua ngày khác, nghĩ cũng tội.
Người đàn bà đối diện buông một cái lắc đầu khiến cho lòng ông se sắt lại. Ông hỏi thêm về cuộc sống của bà bấy lâu nay, và từng câu chuyện nhỏ vụn vặt dần được mở ra, chắp nối chúng lại, ông thấy mình xót xa và thương bà quá! Người phụ nữ ông đã từng coi là cả cuộc đời mình, đã vì ông mà phải chịu cô đơn, buồn tủi gần trọn cả kiếp người.
Gần trưa bà mới về, vẫn là đôi quang gánh và cái thúng trên vai, nhìn bà bước khoan thai qua cánh cổng nhỏ, mắt ông rưng rưng...Bà quay lại, nhìn thấy ông đang bước theo chân, thoáng chút giật mình, như một thói quen, và đưa tay lên vén tóc rồi luống cuống không nói được thành lời.
Vào phòng bà chơi, ông đưa mắt nhìn khắp nơi, là một không gian nhỏ hẹp với rất ít đồ đạc, một ít quần áo được gấp ngăn nắp dưới chân giường, một cái bếp ga nhỏ và vài cái bát cơm, ngoài ra chẳng còn gì khác. Bà nhìn ông bằng ánh mắt ngại ngần, nói khẽ:
- Nhà em chỉ tuềnh toàng thế này thôi, anh không ngại thì ở lại dùng cơm với em nhé!
Ông gật đầu cười, không hiểu sao ông thấy trong lòng ấm áp lạ thường. Ông và bà lại tiếp tục câu chuyện dang dở từ hôm qua, biết ông cũng đang sống một mình, nụ cười của bà như có chút buồn và lo lắng hơn.
- Già cả rồi, sao không để con cháu phụng dưỡng chứ?
- Thì cũng định nghe lời chúng nó rồi, nhưng tại vì không quen với cuộc sống bên đó. Với lại, giờ thì không nỡ rời xa nơi đây, vì...
Ông bỏ lửng câu nói, nhìn bà quay mặt đi chỗ khác. Ông muốn nói tiếp, nhưng không biết phải mở lời thế nào.
Bữa cơm đạm bạc với thịt luộc và rau luộc được bê ra. Ông hít hà mùi thức ăn bà nấu, như để thưởng thức cái hương vị quá khứ từ rất xa xôi dội về. Hai ông bà vừa ăn, vừa nói cười vui vẻ, quả thực, đã rất lâu rồi ông mới được ăn bữa cơm ngon đến như vậy. Ông hào hứng nói với bà:
- Hay chiều nay về nhà anh chơi cho biết nhà biết cửa!
- Thôi, để khi khác cũng được. – Bà cười bẽn lẽn, gắp miếng thịt vào bát ông.
- Khi khác gì nữa, hôm nay nghỉ bán hàng chiều một hôm đi, được không?
Bà quay đi, không dám đối diện với cái nhìn đầy háo hức từ phía ông. Bà gật nhẹ, nụ cười như thuở con gái lại chực nở trên môi. Gặp lại ông, bà cũng thấy bồi hồi, xao xuyến lắm. Ông lúc nào cũng vậy, lúc nào cũng rất cuồng nhiệt, lúc nào cũng lấn át những xúc cảm của bà, kể cả khi cả hai đã về già, thì không hiểu sao bà vẫn không thể ngăn lại những cảm xúc mãnh liệt sâu thẳm bên trong mình khi đối diện với ông.
Buổi chiều, bà sửa soạn thay bộ quần áo mới. Nói là mới thôi, nhưng bà mua lâu rồi, chỉ là rất lâu không có dịp mặc, bà bỗng muốn mình xinh đẹp, khi bên cạnh ông. Hai ông bà đèo nhau qua những con đường đầy ắp xe cộ, ngồi phía sau, bám vào lưng áo ông, bà nhớ lại cái thuở ngày xưa, khi chàng trai trẻ ngày nào cũng lóc cóc đạp xe hơn hai cây số đến gặp cô gái, chỉ chốc lát thôi rồi lại lầm lũi đạp về. Đúng là không thể tin được, như một cái chớp mắt, bà lại được ngồi sau lưng ông, nhưng cuộc đời thì đã đổi thay nhiều quá.
- Anh có mệt không anh?
- Mệt chứ! Nhưng còn chút hơi sức cuối cùng, không dùng nó phí!
Bà bật cười, vẫn là cái cách nói chuyện tưng tửng đó, giọng điệu đó đã làm bà chết mê chết mệt thuở xuân thì, giọng nói ám ảnh bà trong suốt những giấc mơ mấy chục năm qua.
Đứng trước cửa ngôi nhà khang trang với giàn hoa giấy trắng, bà gật gù vui vẻ, vậy là ít ra ông cũng được con cái lo cho một cuộc sống đủ đầy. Bước theo ông vào bên trong, bà nheo mắt, rồi bước đến bậu cửa sổ, thu gọn chỗ quần áo ông vứt ngổn ngang.
- Bao năm rồi vẫn vậy, có con có cháu cả rồi mà cái tính lôi thôi vẫn không chịu sửa! Quần áo khô rồi thì phải là lượt cần thận rồi cất vào tủ chứ.
Ông cười xuề xòa nhìn bà lẩm bẩm, sao ông thấy yêu cái cách bà càu nhàu đến thế! Bà liến thoắng dọn dẹp lại căn phòng mà ông đã dọn buổi sáng, ông ngồi im nhìn, đôi mắt long lanh ngập tràn cảm xúc. Bất giác, ông bật ra một câu nói, hình như ở một cái truyện gì đó mà ông không nhớ nữa:
- Hay mình về ở với tớ một nhà cho vui!
- Cái lão già này, linh tinh quá! – Bà che miệng cười, giấu đi cả một niềm vui râm ran trong lồng ngực.
- Anh đi chợ, vợ ở nhà nấu cơm nhé!
- Đã bảo không nói lăng nói cuội cơ mà, ai là vợ ông hả ông già xấu tính kia?
Ông chạy nhanh ra cửa để không phải nghe tiếng bà mắng yêu. Loáng một cái, ông đã về với mấy cái túi to đầy ắp đồ ăn tươi sống. Lâu rồi căn nhà của ông không có tiếng nói cười, không có hơi bếp núc. Ông muốn tận hưởng cảm giác hạnh phúc này, và muốn nó kéo dài thật lâu hơn nữa.
Bà lại lục đục sắp sửa, nấu nướng, mùi thơm ngậy của đồ ăn khiến ông không kiềm chế được. Ông cứ lúi húi đứng sau bà, không trêu chọc linh tinh thì cũng pha trò đủ chuyện. Hôm nay, ông nói nhiều lắm, bà cũng cười, những tràng cười vang lên không ngớt. Hơi ấm của căn nhà đượm lên mọi vật xung quanh, cả không gian như ngập tràn trong một tình yêu cháy hồng hạnh phúc.
Là bữa cơm thứ hai ông được ngồi bên cạnh bà, được ngắm nhìn khuôn mặt thân thương của bà, được nghe bà cười nói, ông thấy mình thực sự may mắn, khi còn có thể sống lại những giây phút tưởng không bao giờ quay trở lại trong đời mình.
Thời gian sao mà trôi nhanh quá, đã hết một ngày ngắn ngủi với biết bao nhiều kỷ niệm xưa tìm đến, bao nhiêu cảm xúc trỗi dậy và bao nhiêu điều ông muốn nói, nhưng chẳng biết làm gì ngoài lặng im trên cả quãng đường đèo bà về. Đứng trước cửa, ông lại ngập ngừng như khi chàng trai bẽn lẽn chào tạm biệt người yêu năm nào. Thực sự, ông không nỡ quay lưng để lại bà một mình, dẫu biết rằng ngày mai thôi ông và bà hoàn toàn có thể gặp lại, nhưng vẫn có một nỗi sợ hãi vô hình nào đó khiến cho ông không thể quay đi.
- Anh về đi, muộn quá rồi, hôm nay cảm ơn anh lắm!
- Ngày mai, anh lại đến đón em nữa nhé!
- Đi đâu vậy?
- Đi hẹn hò.
- Cái lão già này! – Bà lại tủm tỉm cười, đấm nhẹ vào vai ông một cái.
Ông bật cười vang, quay xe đi về nhưng vẫn ngoái lại nhìn bà vẻ nuổi tiếc. Ngước mắt lên trời cao, ông thấy sao mà yêu đời thế, cuộc đời này sao mà đáng sống thế. Ngày mai thôi, sẽ lại là một ngày hạnh phúc nữa trong những ngày ngắn ngủi còn lại của cuộc đời.
***
Tiếng chim hót véo von trên cây ổi ngoài cửa sổ khiến ông tỉnh dậy, ông vươn vai hít một hơi tràn ngập phổi những hương vị ngọt lành của buổi sáng tinh sương. Nằm trên giường, mắt ông nheo lại, chân rung khe khẽ, miệng lẩm bẩm hát thầm theo một bản tình ca lãng mạn tụi trẻ nhà bên đang bật. Ông tưởng tượng ra cảnh một sớm mai mở mắt, thấy cả ông và bà đều trẻ lại như hồi mới đôi mươi, sống giữa cái đô thị và cuộc sống tân tiến thế này, không biết hai ông bà sẽ hạnh phúc đến thế nào nữa. Sẽ là những buổi hẹn hò, xem phim, đi chơi công viên, đi du lịch...À, vậy bây giờ thì sao? Việc gì ông phải ước những điều ông hoàn toàn có thể làm được chứ? Ông nghĩ rồi, ông sẽ đi rút tiền, số tiền thằng con trai gửi về mỗi tháng ông đều dành dụm lại được hơn một nửa. Ông sẽ dành tặng cho bà những món quà, đưa bà đi chơi khắp nơi, đó chẳng phải ước nguyện cả đời cho một tình yêu thầm kín ông giấu sâu trong lòng bấy nhiêu năm hay sao?
Nghĩ là làm, ông vội vàng trở dậy, xoa đầu con chó Mẫn Mẫn đang nghiêng nghiêng nhìn ông bằng đôi mắt ướt. Hôm nay ông không mặc vest nữa, ông mặc chiếc áo sơ mi kẻ trẻ trung, và quyết định đến đón bà bằng taxi. Ông cũng không quên dừng lại ở chợ hoa trước cổng nhà, mua một bó hoa hồng đỏ tươi, chắc hẳn bà sẽ thích lắm.
Bà lững thững bước ra cổng khi thấy bóng ông thấp thoáng bên cạnh chiếc taxi màu trắng. Thấy ông, bà che miệng cười rồi mắng yêu:-
- Cái lão này! Già mà ăn mặc nhìn kỳ quá! Anh đợi em lâu chưa?
- Mới có năm chục năm chứ mấy! – Ông nheo nheo đôi mắt, đưa bó hoa ra trước mặt bà.
Bà bất ngờ reo lên khe khẽ, rồi như nhớ ra điều gì, bà đưa mắt nhìn xung quanh. Khuôn mặt bà bỗng nhiên đỏ ửng lên, thẹn thùng nhận bó hoa từ tay ông, bà nói nhỏ:
- Lại còn hoa hoét nữa, người ta nhìn thấy người ta cười cho!
- Đứa nào cười là đứa đấy ghen ăn tức ở!
- Chúng ta đi đâu đây?
- Đi ăn kem, xem phim, đi chơi công viên...
- Răng đâu nữa mà ăn, nhìn thấy gì nữa mà xem, sức đâu nữa mà đi chơi công viên? – Bà nói, lườm ông rồi bước lên xe taxi.
Trên thế gian này có hai loại tình yêu vô cùng giống nhau. Đó là tình đầu và tình già. Tình đầu là mối tình trong sáng, ngây thơ, vô tư, thuần khiết bởi mọi thứ cảm xúc diễn ra đều là lần đầu tiên. Tình già cũng ngọt ngào và mãnh liệt như thế, chỉ khác, rất có thể, những cảm xúc đó là lần cuối cùng. Vì sau cả cuộc đời dài người ta mới tìm thấy nhau, hoặc tìm lại được nhau, nên người ta luôn muốn trao cho nhau những gì tinh túy nhất trong tình yêu, là rung động trong sáng, là những ân cần dịu ngọt, và hơn cả là sự trân trọng từng giây phút quý giá dành cho nhau. Vì họ biết, thời gian còn lại để sống, để yêu không còn bao nhiêu nữa...
- Bộ phim hay quá nhỉ!
- Cả rạp quay lại nhìn hai ông bà già dắt nhau đi xem phim hoạt hình, xấu hổ quá đi mất!
- Ăn nhanh đi không kem chảy hết ra bây giờ!
Bà nhìn ông bằng đôi mắt nhăn nheo trìu mến, khẽ lấy chiếc khăn mùi xoa lau đi vệt kem dính trên miệng ông. Bất chợt, ông quay lại, nhìn xoáy sâu vào đôi mắt bà. Bối rồi cụp mắt, rụt tay lại, bà thấy người mình bỗng chốc nóng ran lên. Ánh mắt này chưa bao giờ thôi khiến trái tim bà đập loạn nhịp. Ông quay đi chỗ khác, rồi như chợt nhìn thấy thứ gì ở đằng xa, ông kéo tay bà bước vội.
Rẽ qua đám đông đang tụ tập ở sân công viên, trước mặt ông bà là một dàn nhạc đường phố, họ vui vẻ hát những bài hát trong sáng, nhí nhảnh của tuổi mới yêu. Ông nhìn bà, cười vẻ bí ẩn rồi tiến tới, nói vào tai người nhạc công điều gì đó. Cuộc chuyện trò rất nhanh, cả hai đều gật gù vẻ hào hứng. Khi bài hát kết thúc, tiếng của người nhạc công cất lên rành rọt:
- Sau đây là một bài hát đặt biệt, của một ca sĩ đặc biệt dành tặng riêng cho một nửa hạnh phúc của đời mình.
Tiếng vỗ tay vang lên xung quanh, ông ngồi xuống bậc cầu thang dưới đài phun nước, đặt chiếc guitar trên đùi, hướng đôi mắt nồng nàn về phía bà. Bà đứng chôn chân giữa đám đông tỏa về thành một vòng tròn ngày một lớn. Tim bà đập rộn rã không ngừng, không biết cái lão già lắm chuyện này còn định bày trò gì nữa đây.
Từng nốt guitar vang lên trong bầu không khí tĩnh lặng, bà chưa bao giờ biết ông đánh đàn hay như vậy. Âm thanh ngọt ngào từ miệng ông vang lên, là một bản tình ca Acoustic ngọt ngào, bản nhạc mà lũ trẻ choai choai vẫn hay hát cho nhau nghe. Bà tự hỏi, ông già này học thuộc ở đâu và từ bao giờ không biết?
Tiếng xì xào bắt đầu vang lên, kèm với đó là tiếng xuýt xoa không ngớt. Giọng hát của ông hay quá, da diết quá! Cả không gian như trôi trong tiếng nhạc du dương và những lời hát thiết tha đếm mềm lòng:
"Người nói yêu anh đi, người nói thương anh đi...
Để cho con tim này đừng ngóng trông hao gầy.
Hãy đến bên anh đi, để cho tình trọn vẹn chúng ta
Vì nơi con tim này luôn có tình yêu giấu kín cùng thương nhớ cho em..."
Những nốt nhạc cuối cùng dừng lại nơi ngón tay ông, bà cũng không nhớ mọi thứ xung quanh thế nào nữa. Chỉ nhớ ông đứng dậy, nhận lời chúc mừng và những tiếng vỗ tay của mọi người, rồi dịu dàng kéo bà ra khỏi đám đông huyên náo. Có lẽ cả cuộc đời bà, đây là khoảnh khắc lãng mạn, hạnh phúc nhất. Nó ngọt ngào đến mức tâm trí bà không còn đủ tỉnh táo để có thể thu lại trọn vẹn những cung bậc cảm xúc mà nó mang lại.
Ông vẫn bước cạnh bên bà, cười hiền và im lặng. Rồi ông từ từ nắm lấy bàn tay gầy guộc, xanh xao của bà:
- Về với anh, em nhé!
- ...
Một nỗi sợ hãi vô hình dâng lên khiến tim bà như thắt lại. Bà muốn lắm, thực sự muốn nhận lời lắm, đó là mong muốn suốt cả thời thiếu nữ, là ước mơ biết bao nhiêu đêm trằn trọc của bà. Nhưng bây giờ, liệu bây giờ còn có thể? Khi ông và bà đều đã ở tuổi gần đất xa trời rồi, làm sao hai người có thể về với nhau được nữa, con cháu ông trông vào, cả xã hội trông vào. Định kiến, lại là định kiến! Tại sao cả cuộc đời ông và bà phải bị trói buộc trong hai chữ "định kiến" như vậy, tại sao không thể sống cho riêng bản thân mình dù chỉ một lần? Một giọt nước mắt của bà lăn ra, trôi theo nếp gấp thời gian nơi khóe mắt, rỉ xuống một bên má đã có vài vết đồi mồi. Lâu lắm rồi, bà lại khóc, và vẫn là khóc cho một người, khóc trách than cho cái số phận, oán ghét cái dòng đời.
- Muộn rồi, anh à!
- Muộn ư? Anh đã phải dành hai phần ba cuộc đời mình để trả nghĩa cho một người. Bây giờ, mong muốn cuối cùng của anh là được sống cho chữ tình, sống theo những gì trái tim mình mách bảo, và khi cả anh và em đều biết chúng ta cần có nhau, em lại sợ rằng đã muộn rồi ư? Anh biết em lo sợ điều gì, nhưng ở cái tuổi này rồi, đã trải qua mọi đắng cay khổ cực rồi, liệu những thứ đó còn quan trọng nữa không?
Bà nghe từng tiếng của ông mà thấy trong lòng mình dường như vỡ vụn. Sự mẫu thuẫn giằng xé tâm can khiến bà rụt mạnh tay khỏi lòng bàn tay ông, bước nhanh về phía trước. Ông bước nhanh, níu tay bà lại:
- Ngày xưa, vì quá sợ hãi mà anh đã đánh mất hạnh phúc của mình. Điều đó khiến anh trăn trở và không bao giờ yên lòng. Bây giờ, số phận cho chúng ta cơ hội, anh không muốn lưỡng lự để lại một lần nữa xa nhau. Em có biết không, xa nhau lần này, là xa nhau mãi mãi...
- Chúng ta có thể làm những người bạn già của nhau!
- Đến lượt em lo sợ, tại sao? Tại sao khi đã sống vì người khác cả đời rồi, lại không thể vì nhau đôi ba ngày cuối chứ?
Bà không trả lời, chỉ im lặng bước đi. Tâm trạng của bà đang thực sự xáo trộn, có một sự mâu thuẫn rất lớn giữa trái tim dường như đã ngủ yên và lý trí chưa bao giờ muốn ngừng lại. Có lẽ, bà cần thời gian...Nhưng, thời gian của ông và bà đâu còn nhiều nữa?
Dừng chân lại trước cửa, bà lặng lẽ quay đầu lại, ông vẫn bước theo, nhìn bà bằng đôi mắt cương nghị, ẩn sâu bên trong là cảm xúc vô cùng mãnh liệt và dồi dào.
- Anh về đi! Em cảm ơn vì ngày hôm nay, em thật sự vui lắm!
- Mai anh lại đến!
- Đừng, từ mai em phải đi làm , tiếp tục cuộc sống thường ngày thôi...
- Anh vẫn đến, từ mai cho đến cuối đời. Anh sẽ đời em ở trước cửa, cho tới khi nào em đồng ý về với anh!
- Kìa, chúng ta đâu còn là trẻ con nữa!
- Ừ, trẻ con thì không hiểu tình yêu. Còn chúng ta thì hiểu, chúng ta đã yêu nhau nhiều đến mức không thể không về bên nhau được.
Ông nói dứt khoát, rồi quay lưng bước thẳng. Bà đứng lặng thinh, nhìn cái bóng lững thững chứa đầy nỗi thất vọng của ông khuất dần phía sau con ngõ nhỏ. Lại một lần nữa bà đứng trước hai sự lựa chọn, liệu lần này bà có bỏ ông như ngày trước mà đi?
Sáng hôm sau, bà uể oải dậy dọn dẹp căn phòng bé nhỏ. Cả đêm bà không ngủ được, một phần vì cơn mưa rào quá to khiến nước trên trần nhà rỏ xuống, mỗi lần mưa to là bà phải khổ sở chống chọi trong căn phòng tồi tàn như thế. Nhưng không ngủ đươc cũng là vì tâm trí bà cứ mê mải cuồng quay bởi những hình ảnh khi cũ khi mới, lúc tỏ lúc mờ. Bà cứ nghĩ mình mơ, nhưng mở mắt ra lại thấy đang là thực. Sự thật là bà đã được gặp lại ông, đã được sống lại những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời. Sự thật là ông đã ngỏ lời, rằng muốn bà về lại bên ông mãi mãi. Sự thật là bà vẫn chưa cho ông một câu trả lời cuối cùng, thứ mà có lẽ trong sâu thẳm thâm tâm bà đã tìm được rồi, nhưng không hiểu có thứ gì đó ngăn bà lại, không để cho bà nói ra. Hôm nay, bà không đi bán hàng, bà muốn ở nhà đợi ông. Chẳng biết để làm gì nữa, có thể, vì bà biết ông sẽ tới, bà không muốn ông phải đợi. Ông đã đợi bà mấy chục năm trời rồi mà...
Giữa trưa, đôi mắt bà vẫn ngóng ra ngoài chiếc sân ngoài hiên ẩm ướt. Cơn mưa rào đã ngớt, tại sao vẫn không thấy cái bóng quen thuộc của ông? Hay là ông giận bà, ông giận vì bà đã quá sợ hãi mà không dám chấp nhận sự thật là bà muốn về với ông? Nghĩ tới đây, bà thấy đau nhói trong lòng. Không phải đâu, bà...cần ông lắm, sao bà lại không muốn về bên cạnh ông được. Suốt đời bà chỉ mơ ước có vậy thôi mà! Chỉ cần ông xuất hiện trước mặt bà thôi, bà sẽ không đắn đo nghĩ ngợi nữa, bà sẽ mặc kệ những con mắt xung quanh, những câu nói tiếng cười của người đời, bà sẽ nắm lấy tay ông và nói : "Anh ơi, em đồng ý!" Khi bà nói ra câu đấy, chắc hẳn bà sẽ ngại ngùng lắm, chắc hẳn ông sẽ hạnh phúc lắm. Và rồi ông và bà sẽ về chung một mái ấm, bà sẽ thức dậy cùng ông, sẽ chăm lo từng bữa ăn cho ông, sẽ được nhìn thấy ông cười vui mỗi ngày, bà sẽ bắt ông đàn hát cho nghe, bà không cho ông lang thang ra ngoài đánh cờ nữa, bà muốn ông ở nhà để trò chuyện với bà suốt thôi...
Màu xám nhạt của hoàng hôn nhập nhoạng tràn qua khu trọ, đôi mắt bà mệt mỏi vẫn chưa thôi ngóng ra ngoài. Tại sao ông không tới? Phải chăng, ông không bao giờ tới nữa? Ông không tới nữa thì bà biết phải làm thế nào? Bà đã chuẩn bị mọi thứ để nói với ông rồi cơ mà? Hay là...Bỗng bà thấy chân tay mình bủn rủn, quờ tay lấy chiếc áo mưa giấy bên góc nhà, bà chốt cửa rồi bước ra ngoài sân. Bà không thể đợi thêm nữa, bà quyết định sẽ tự mình đi tìm tình yêu. Lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần duy nhất trong đời, bà mạnh dạn đưa tay ra với lấy hạnh phúc của mình. Bà sẽ tìm gặp ông, sẽ nói hết những yêu thương, nhung nhớ trong lòng, không ngại ngần gì cả...Bỗng trong lòng bà trào lên một niềm vui rộn rã, bà đã tìm được cho mình một lối đi rồi, và lần này chắc chắn bà sẽ không bao giờ hối hận, chắc chắn là như vậy!
Đứng trước ngôi nhà cao tầng khóa cửa, chân tay bà như rụng rời. Ông đã đi đâu?
- Bà tìm ông Tâm phải không? Người nhà của ông ấy hả? – Một bà chừng sáu chục tuổi bước lại gần, nhìn bà vẻ lúng túng.
- Vâng, tôi tìm ông Tâm.
- Bà vào bệnh viện ngay đi! Ông ấy bị ngã trước cửa nhà từ sáng, chúng tôi đưa đi cấp cứu rồi. Xem chừng không nhẹ đâu, bà đi nhanh đi!
Chiếc áo mưa trên tay bà rơi xuống đất. Mọi thứ như quay cuồng...Anh, anh ơi!!!
***
Bình minh dần ló dạng.
Bà ngồi cạnh bên ông trong căn phòng đơn đầy mùi thuốc kháng sinh và những loại máy móc, dây dợ. Ông đang ngủ thật say, khuôn mặt lộ rõ vẻ hạnh phúc, có lẽ ông đã muốn đến gặp bà, không biết ông muốn nói với bà điều gì...Những giọt nước mắt của bà đã thôi rơi, có lẽ, cũng chẳng còn nữa để rơi.
Ông dần mở mắt ra, nụ cười khẽ nở trên đôi môi nhợt nhạt, khi ông vừa thấy khuôn mặt thân thương của bà.
- Đỡ anh dậy, anh muốn ngồi cạnh em. – Giọng ông thì thào, rất khẽ.
Hai ông bà ngồi sát cạnh nhau, hướng mắt nhìn ra cửa sổ. Bên ngoài cửa sổ là một không gian tĩnh lặng màu xanh của cây lá. Ông khó nhọc đưa tay lên vuốt lọn tóc rối của bà:
- Sau này ngày nào cũng chải tóc cho em!
- Ông lão gàn dở, mau khỏe lại đi – Bà nhìn ông trìu mến.
- Khỏe lại để đón em về, phải không?
- ...- Bà cười hiền, cúi mặt xuống.
- Anh vui lắm, sáng hôm qua điện cho thằng con, nói hết mọi chuyện rồi. Nó bảo nó đồng ý em ạ, nó vui vì anh tìm lại được em, và tuần tới nó sẽ về thu xếp chuyện cho chúng mình. Anh mừng quá, tính chạy đến báo tin cho em, nhưng trời mưa, sân lại trơn nên...- Giọng kể của ông bị đứt quãng bởi một tràng ho. Nước mắt bà lăn xuống không ngớt, bà vuốt nhẹ phía sau lưng, ra dấu ông không nói thêm nữa, nhưng ông lắc đầu bảo muốn nói.
- Chuyện tình của chúng mình sẽ có một cái kết hạnh phúc, phải không?
Bà không trả lời, nhìn ông mệt mỏi quá rồi. Mi mắt ông như muốn cụp xuống, ông hạ nhẹ mái đầu đã bạc phơ xuống bờ vai gầy guộc của bà. Bà ôm lấy ông, mắt rưng rưng nhìn dòng kẻ lên xuống màu đỏ chạy đều trên chiếc máy đầu giường đang ngày một thu hẹp lại. Bà muốn làm gì đó, bà muốn nói gì đó với ông trong lúc này, bà biết phải làm gì đây? Rồi như một sự bừng tỉnh, giọng bà vang lên, bà cất lời hát khe khẽ, như tự mình cởi bỏ tất cả những chất chứa trong sâu thẳm đáy lòng, như để nói với ông rằng:
"Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh!
Hay để chắc chắn anh cứ lắng nghe tim muốn gì, rồi nói cho em nghe,
một câu thôi:
Một, hai, ba, năm anh có đánh rơi nhịp nào không?"
Bà mỉm cười, hôn nhẹ lên trán và siết chặt ông vào lòng. Trên khóe môi ông, nụ cười vẫn còn chưa dứt.
Dòng kẻ đỏ trên chiếc máy đầu giường giờ chỉ còn là một đường thẳng chạy dài, dài mãi.
Hai ông bà đã hạnh phúc, cho tới tận giây phút cuối của cuộc đời mình.
Du Phong