Chênh vênh hai lăm
o thông không liên quan đến mình.
Nhưng người ta thường không bỏ ra được 60 giây ngắn ngủi để chờ cho hết đèn xanh, đỏ, thứ mà ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống của họ.
Ở Sài Gòn, cái bận, rảnh nó thường nhập nhòe lắm…
Ở Sài Gòn, người ta nằm trong căn nhà xập xệ chờ giải tỏa bên dòng kênh bốc mùi hôi nồng nặc, đắp lên mình ánh sáng xanh ảo diệu từ mớ nhà cao tầng chọc trời bên kia sông chiếu sang. Chắc cũng mơ trọn vẹn một giấc.
Hay cũng ở Sài Gòn, nghe kể có cái xóm chen giữa hai tòa nhà cao tầng, người dân sống chủ yếu nhờ nghề bán nước miếng. Chọt bên này vài câu, bên kia vài câu là có tiền rủng rỉnh, sống phây phây.
Ở cái Sài Gòn đó, người ta vội vã đến mức đi uống ly café 65 ngàn với bạn bè mà quên đi buổi cơm tối, mẹ từng nói, “ráng vài ngày, mẹ lãnh lương tháng này rồi đưa con đóng tiền học.”
Cũng ở cái Sài Gòn đó, người ta thích sự ồn ào, náo nhiệt của quán bar đến mức chẳng màng đến cảnh cha mình lặng lẽ ngả lưng trên chiếc xe ôm ngồi chờ khách.
Có người sợ Sài Gòn, sợ xanh mật, trào đờm. Nghe than, đau lắm, “trước dưới quê, nghèo thì đói, vô Sài Gòn mới biết, nghèo là nhục. Mà nhục thì nó không chết như đói, nó làm con người ta cắm mặt mà đi, có khi cả đời chẳng ngẩng đầu nhìn lên nổi.”
Thấy cũng tội, mà thiệt thôi cũng kệ. Chuyện bá tánh, lo chắc hết ngày không xong.
Có người chết ở Sài Gòn, cái kiểu chết chắc không thể chết ở đâu được.
Chiều chạng vạng, tan tầm, đứng nép bên lề đường nhìn dòng người nêm chặt cứng. Tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi. Người ta cũng muốn nhích, muốn đi, mà chẳng biết lùi con ngựa sắt vô đâu để chừa đường cho con trâu trắng đang ò e.
Đến lúc kiếng xe hạ, một thanh niên thò đầu ra, tay đập rầm rầm vào thùng xe:
“Mẹ mấy người! Tránh ra cho người ta đi cứu em tui!”
Chắc do kêu mẹ mấy người tránh, nên “mấy người” vẫn cứ lơ lơ mà đứng, đi cũng hổng biết đi đâu cho được bởi chung quanh len chặt người chặt xe.
Ló ngó nhìn vô, thấy một tóc bạc đang nắm chặt tay tóc xanh nằm trên băng ca.
Chắc chỉ ở Sài Gòn, người ta mới chết vì không tìm được đường nhích.
Dân Sài Gòn nhiều khi thích dọ ý ông trời. Chuyện như mấy ông già dưới chân cầu Nhị Thiên Đường, hay ra cá cược thời tiết. Kiểu như hôm nay tắt nắng mấy giờ, ngày mai có mưa không, đêm mai gió hướng nào. Vậy mà cá cũng lên năm, bảy trăm chứ có ít. Đến lúc mấy bà vợ nháo nhào, hỏi tiền đâu mất mới lí nhí khai nhận, mấy ông chồng đi lo chuyện của ông trời mà sinh bịnh.
Cũng không ở đâu như cái đất Sài Gòn, lòng tin con người bị đem ra thử thách đến tàn tệ.
Bọn con nít 1, 2 tuổi lờ đờ thuốc ngủ được đem cho thuê, nằm trên tay mấy đưa lớn hơn ở ngã tư đèn xanh, đỏ dưới cái nóng 40 độ đổ lửa mướt mồ hôi, mục đích nhận vài ngàn bạc bố thí từ người đi đường qua lại.
Có lần rộ lên chuyện bà mẹ già cõng con tật nguyền đứng xin ăn ở ngã tư, hay ông già bán me bên vệ đường. Người ta chưa kịp thương thì đã đùng đùng giận vì có người bảo họ chỉ là lừa gạt miếng cơm manh áo hàng ngày.
Hay mấy ngày nay râm ran vụ mấy đứa nhóc nhờ quá giang xe, chở về nhà, đùng ra là cả ổ trấn lột, cướp xe người khác. Tin hay không thì cũng còn tùy, nhưng ắt hẳn lòng người ta cũng dợn lên hoài nghi, đắn đo.
Người ta nói dân Sài Gòn vô cảm, dửng dưng với nỗi đau của đồng loại… Nhưng nhìn lại, để vô cảm như Sài Gòn, cũng là kết quả của những lúc niềm tin bị chà đạp dưới gót giày mưu sinh tàn nhẫn.
Nhưng cũng chẳng phải vì vậy mà Sài Gòn không còn điều tốt. Người ta vẫn cứ yêu thương, cho đi mà chẳng mong hồi khứ.
Như chạy xe mấy ngày nóng đổ lửa sôi dầu, thấy bên lề đường thùng trà đá với mấy cái ly ghi rõ, “Nước đá miễn phí”. Bản thân cũng khát khô, muốn dừng lại uống nhưng thôi.
Nghĩ, mình khát bỏ 10 ngàn ra mua chai trà xanh được, để dành nước đó cho mấy người bán vé số đi bộ lầm lũi giữa trưa có lý hơn.
Cũng ở cái đất Sài Gòn, người ta có thể đi xe tay ga sang trọng, xài điện thoại đắt tiền, nhưng hàng tháng vẫn cố nài nỉ chủ nhà cho nợ thêm vài ngày tiền.
Hay người ta có thể bỏ lại tiền thừa đến hai, ba chục ngàn cho người phục vụ quán café để tỏ ra mình là người lịch sự, nhưng sẵn sàng ngửa tay đòi cho bằng được ba chục ngàn tiền mua tô phở cho cô ruột ở nhà.
Sài Gòn, vài người khắc chữ sĩ lên trán đến nỗi chảy hết máu tình thương.
Dân Sài Gòn khó hiểu như chính cái vùng đất họ sống.
Có thể nói chuyện cùng nhau, nhưng chưa chắc đã hiểu.
Có thể đi cùng nhau, nhưng chưa chắc đã thích.
Có thể nắm tay nhau, nhưng chưa chắc đã thân.
Có thể hôn nhau, nhưng chưa chắc đã thương.
Thậm chí có thể ngủ cùng nhau nhưng chưa chắc đã yêu.
Sài Gòn bí ẩn vậy, nên người ta có khi bỏ cả đời để tìm hoài mà không hiểu.
Chuyện Sài Gòn, nói cả đời nhiều khi hổng hết, nên thôi dừng ở đây. Ai muốn thì tự tới Sài Gòn mà coi cho biết!
Ai qua tử biệt rồi sinh ly
Nội bệnh nhập viện, cả đêm ngồi nhìn cánh quạt quay vòng vòng cầu cho mọi thứ an lành. Cũng nhờ thức mà thấy được mấy chuyện làm cứ day dứt nghĩ.
Là lúc chứng kiến một người già trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại đời đoạn trường đằng sau. Cô con gái quỳ bên cạnh, nắm chặt tay bà, khóc mà giọng lạc trong mấy dãy phòng drap trắng:
“Bác sĩ coi giùm! Má em còn khỏe lắm, mới hồi nãy mà còn kêu em cho uống nước, còn đòi về nhà với con cháu. Má em không chết được đâu!”
Đến khi người ta chứng minh hy vọng của cô đã mất sạch, mới cầm cái điện thoại lên nhấn số gọi đi.
“Út ơi, má đi rồi!”
Cả dãy phòng bệnh đêm đó tỉnh, lục đục nhìn người ta chuyển xác ra ngoài. Cảnh gia đình thân nhân ôm theo mùng, mền, chiếu gối, không quên quay đầu lại chào tạ từ những người còn ở lại, chạnh lòng.
Mấy người bệnh nhẹ, nhìn theo thương cảm. Mấy người bệnh nặng như đè lên tâm trí một câu hỏi chẳng ai trả lời cho đặng, “Khi nào đến mình…”
Nhìn lên giường bệnh, thấy nội nằm thiêm thiếp ngủ sau liều giảm đau mạnh, mắt đỏ, sống mũi cay. Mới hôm qua, ba nói dối nội, chắc ba cũng đau lắm vì câu nói đó: “Má ráng ăn, mấy bữa nữa khỏe rồi bác sĩ cho về với tụi con…” Nội giận, đút cháo vào cứ lắc đầu không ăn, đòi về nhà nằm cái giường có nệm quen thuộc mới chịu ngủ. Có ai nói người ta càng già, tính càng trẻ con, giờ mới thấy đúng.
Mấy ngày sau, bác sĩ cho nội về nhà, dặn gia đình chăm sóc, làm theo ý nội, vì với tuổi tác, sức khỏe hiện tại của bà, mọi cuộc phẫu thuật đều chỉ là hoài phí. Nên thay vì càng làm cho bà đau đớn, hãy cứ để bà được làm theo ý mình.
Nhà buồn, nuốt nước mắt vào trong nhưng vẫn làm theo. Những ngày cuối của nội ở nhà, nội đau khiến mọi người đau theo… nhưng rồi nỗi đau chẳng kéo dài nhiều, nội đi nhẹ nhàng, thanh thản sau khi gặp mặt được hết con cháu từ phương xa về thăm.
Lúc chuẩn bị đám tang, nhìn cảnh mấy thím soạn đồ của nội, ngắt bỏ cái nút áo, thấy đời sao trống trải muôn phần. Một đời người danh lợi, lợi danh, sân si để rồi khi nằm xuống, cả cái nút áo cũng chẳng được mang theo là vậy. Khi sinh ra, đôi bàn tay đứa bé luôn quơ quào, vùng vẫy, như muốn gom cả thế gian đầy sân si, ái dục. Để đến một ngày khi mất đi, đôi bàn tay thường buông xuôi, trả lại hết những gì còn nắm giữ. Hóa ra sau một kiếp người, cái cầm được để đi về bến kia… chỉ là hư vô.
Rồi thì cũng xong một cái đám tang, căn nhà tự dưng hẫng hụt đi hình bóng một người, như cảm xúc trong lòng cũng thiếu một thứ gì đó chẳng biết gọi tên.
Sự ra đi của nội, để lại trong lòng rất nhiều suy nghĩ. Bản thân đã từng hơn một lần chứng kiến ông bà qua đời, nhưng chỉ đến từng tuổi này, khi đã trải qua biết bao nỗi đau, mới nhận ra rằng, ai đã từng kinh qua sinh ly, tử biệt, mới hiểu được thế nào là nỗi đau…
Rồi mỗi lần đi qua một đám tang, lại tự hỏi, “Cái chết là như thế nào?”
Là nằm xuống, nhắm mắt, ngưng thở và chẳng còn biết xung quanh xảy ra chuyện gì?
Là đau đớn, quặn người vì những giọt nước mắt của người thân muốn níu kéo ta lại với đời?
Hay chết, đơn giản chỉ là chuyến thiên di về miền những linh hồn hội tụ…
Bản thân cũng đã có lúc đứng giữa lằn ranh của thở và không thở. Lâu lắm rồi, ở cái ngày nỗi đau tình cảm còn có thể điều khiển được lý trí làm những điều ngây dại. Lần đó đau… nhưng đáng, vì sau cái đau đó, chẳng còn cho phép ai quyền làm đau mình nữa.
Nhân nói về cái chết, chợt nhớ đến hai người quen cũ, từ nhiều năm trước. Cả hai đều biết bản thân nhiễm HIV.
Cả hai đều biết rằng số ngày còn sống ở cuộc đời của họ là một con số có thể hình dung ra cụ thể. Nhưng cách đón chờ cái chết của họ lại khác nhau.
Một người sợ hãi đến cuồng loạn, lao vào ăn chơi, hưởng thụ vì biết rằng mình chẳng còn sống được bao nhiêu ngày, nên cứ phải tận hưởng những lạc thú còn sót lại ở cõi đời chóng vánh. Tháng rồi, nhà mới làm giỗ cho anh xong, nhìn lên di ảnh, tưởng chừng như mới hôm qua anh em còn trò chuyện cùng nhau.
Người còn lại chọn cách sống khác, trân quý từng ngày mình còn sống và dùng nó để chuộc lại lỗi lầm của những ngày buông bản thân rơi vào vực thẳm. Anh tham gia hoạt động từ thiện, để tuyên truyền phòng chống HIV ở thanh thiếu niên để đừng ai rơi vào trường hợp của mình, anh sống trách nhiệm, tự bảo vệ bản thân cũng như những người bên cạnh. Café hôm rồi, anh kể sau 6 năm bệnh tật, đến nay anh mới thấy cơ thể mệt mỏi hơn xưa, chắc cũng gần đi rồi. Câu cuối anh nói, mắt cười buồn.
Chúng ta, rõ ràng rằng rồi ai cũng sẽ chết, bằng cách này hay cách khác. Nhưng biết điều đó, không có nghĩa chúng ta không còn thiết sống. Nếu đã biết bản thân chỉ còn sống được một năm, ta nên sống làm sao để một năm sống của mình bằng mười năm sống của người khác. Sống được như vậy, dù có chết đi, ta sẽ luôn sống trong tim mọi người.
Đôi khi suy nghĩ về cái chết… chẳng phải lúc nào cũng là tiêu cực, bi quan. Đó chỉ là sự chuẩn bị cho một sự thật tất yếu, để ta nhận ra rằng, mỗi ngày ta phải sống nhiều hơn và tốt hơn. Câu này nhận ra sau khi nói chuyện cùng bố già hớt tóc dưới nhà. Chuyện của bố, nhiều khi làm người ta phục.
Bố năm nay 74 tuổi, tóc tai bạc trắng, thêm chòm râu dài dài như mấy ông Bụt của chuyện cổ tích, người gầy, không cao. Trước 75, bố đi cách mạng, bị thương ở chân, từ đó đi lại hơi khó khăn, trái gió trở trời là cơn đau hành hạ. Kháng chiến xong thì bố làm nghề hớt tóc, đến nay cũng đã hơn 35 năm, tay múa kéo như người ta múa quạt.
Thấy tuổi bố lớn, có lần hỏi, “Sao bố không ở nhà nghỉ cho khỏe, con cháu nuôi, làm chi cho cực?”
Ổng cười hề hề, nói tỉnh rụi, “Tụi nó có cho làm đâu, mà nằm nhà là tay chân ngứa ngáy, khó chịu, nên quyết tâm đi làm. Làm là để thấy mình còn sống, chớ nằm một chỗ khác nào chết rồi bây.”
“Có bữa thấy bố mất tích đâu cả tháng, làm không có người hớt tóc cho con.”
“Tao đi du lịch, qua Campuchia đánh bài với mấy ông bạn già.”
“Dữ dằn heng!”
“Trước trẻ làm để lo cho nhà, giờ già thì phải tự lo cho bản thân. Ăn chơi một chút cho đời nó sướng chứ mậy!”
“Qua đó bố có đi kiếm em nào để thay đổi hương vị không?”
“Ui mày ơi, tao thì còn sống chứ thằng em tao nó ngủm rồi… ăn uống gì!”
Bố nói xong cười nhe hàm răng sún mấy cái… sợ chết bằng cách sống như bố, đúng thiệt đáng cho đàn con cháu học hỏi.
Mỗi lần đi làm, bước ra khỏi nhà vào sáng sớm, thường hay mỉm cười, nói với ba mẹ, em gái, những người thân rằng mình thương yêu họ rất nhiều. Có người cho rằng việc ấy là thừa thãi, là sến, nhưng bản thân thấy cần thiết. Vì có ai dám chắc rằng ngày hôm nay ta sẽ gặp những ai, trải qua chuyện gì, và có chắc rằng mình sẽ về được đến nhà chiều hôm đó. Nên hãy nhớ lưu trữ những gì ngọt ngào nhất dành cho nhau.
Vì đã biết cuộc đời là cõi tạm, có hạnh ngộ ắt đến lúc phân ly, thế nên ngày nào còn hơi thở, hãy cứ yêu thương, trân trọng những người bên cạnh từng phút giây quá trễ. Để không bao giờ hối tiếc vì sao ta đã chẳng bày tỏ hết khối tình cất trong lòng.
Nỗi sầu nhan sắc!
Ông anh trưởng phòng nhân sự bước ra, cầm xấp hồ sơ tuyển dụng cho vị trí Tư vấn viên quăng cái phẹp xuống bàn, phán câu xanh rờn:
- Ngu thì tao còn cứu được, chứ xấu thì thua!
Thấy ổng nói câu này đau, mà đúng!
Bây giờ cứ xấu thì coi như con người ta mất đi rất nhiều thứ, nhất là cái quyền lợi được ưu tiên trong cuộc sống.
Có lần bị công an thổi vô, đang đứng loay hoay trình bày đủ lý do, giấy tờ đủ loại, có bạn nữ xinh xinh cũng bị ngoắc vô cùng tội, quẹo trái không bật đèn tín hiệu. Thấy bạn nữ đứng õng õng ẹo ẹo, nói gì đó với anh công an, rồi leo lên xe phóng đi tuốt, chắc mừng đến mức quên luôn bật đèn xe mặc dù đã 7 giờ tối. Thấy thằng nhóc bên này đang đứng nhìn mắt chữ A mồm chữ O, anh công an già giải đáp thắc mắc: “Tại người ta đẹp, người ta được ưu tiên.”
Hay có lần lên xe bus đi công chuyện, xe chật ních, hết chỗ ngồi chỉ còn chỗ đứng đu dây như khỉ. Đang đứng lắc lư tận hưởng cảm giác trở về tổ tiên, xe dừng một tốp nữ sinh nhan sắc trên trung bình một chút bước lên, mấy anh đàn ông đang ngồi gấp báo, dừng điện thoại quan sát, rồi lại việc ai nấy làm. Xe dừng lần hai, chỉ có một cô nàng duy nhất bước lên, áo trắng xuyên thấu, váy đen ôm sát, giỏ xách hồng phấn xinh xinh, nước hoa ngọt đủ cho người ta tiểu đường. Lập tức hai ba tiếng gọi í ới, “Em em, ngồi đây nè em…”
Như công ty, lúc tuyển vị trí Tư vấn viên, dĩ nhiên điều kiện ưu tiên hàng đầu là ngoại hình dễ nhìn, bắt mắt. Chị trưởng phòng nhân sự nghĩ mãi, không biết khiếu thẩm mỹ nhìn gái của mình có bằng các anh không, bèn nhờ đâu ba anh của phòng nhân sự làm chọn lựa, cứ đưa hình ứng viên, hai người chọn thì cho một phiếu hẹn phỏng vấn. Cuối cùng người được chọn vô là một cô bé nghe nói từng đậu hoa hậu cấp trường, khiến mấy anh ú ớ, “Chị phải tuyển bé này để tạo cảm hứng cho cả công ty.” Thế mới thấy có vài trường hợp, hễ cứ đẹp là không bị lo đói.
Cái quan điểm, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” không sai, nhưng ngày nay thì chưa chắc đúng trong mọi trường hợp. Dĩ nhiên khi gặp một người lạ mặt ở lần gặp đầu tiên, chẳng ai có thời gian hay hứng thú để mà giới thiệu gỗ mình tốt cỡ nào, nhưng chỉ cần nước sơn bóng loáng, không tì vết là đã ghi trước vài chục điểm. Có thể nhiều người phản bác, cho rằng vẻ đẹp tâm hồn mới là điều quan trọng, kiến thức cao siêu mới là điều cần thiết. Nhưng hỏi thiệt, ở 18 giây đầu tiên nhìn nhau, ai đủ khả năng bộc lộ tâm hồn lẫn phơi bày kiến thức! Còn vì sao là 18 giây mà không phải 17 hay 20, đơn giản tại thích số 18, thế thôi.
Có bữa ngồi nói chuyện với ông anh đạo diễn, ổng cần tìm một vai gái xấu thật sự để vào vai chính phim truyền hình, mà khổ cái tìm nổ con mắt không ra được cô nào. Dĩ nhiên vào vai chính nên diễn xuất phải tốt, mà diễn xuất tốt thì chỉ có diễn viên, mà diễn viên nhìn đi nhìn lại toàn người đẹp. Ngay như cái hồi thi vào Sân khấu Điện ảnh, người ta cũng phải chọn người có nhan sắc, chứ còn hơi hơi có nhan sắc cũng thôi rồi.
Hay như có người nói cái phim Cô gái xấu xí, rõ ràng nói về một cô xấu quắc cần câu, mà cũng phải tìm một người đẹp, hóa trang cho xấu vào vai chính, chứ còn tìm người xấu mà đóng phim thì mơ đi bưởi.
Ai mà nói “bề ngoài không quan trọng”, thề là người đó nói dối hoặc là người đó… không có bề ngoài. Bởi rõ ràng trong mấy bài giảng văn hồi phổ thông còn học, thầy cô nào cũng nhồi vào đầu học sinh cái câu, ở đời phải tìm đến cái đỉnh cao nhất là “chân, thiện, mỹ” chữ mỹ trong đó chẳng phải là đẹp thì là gì.
Dĩ nhiên, đẹp ở đây không phải chỉ là cái đẹp bề ngoài, quần áo, gương mặt trang điểm, còn có cả cái đẹp thật sự từ bên trong. Ý là trong tâm hồn chứ không phải trong quần áo nhé. Nhưng ở đây, chỉ đủ thời gian bàn đến cái đẹp lồ lộ bên ngoài ai nhìn cũng thấy, còn cái bên trong, từ từ hậu xét.
Nói về cái đẹp, lại phải quy về cái chuẩn của cái đẹp. Mỗi thời đại thì cái chuẩn đó lại thay đổi xoành xoạch, xoèn xoẹt.
Như ngày trước, mắt thì phải to tròn, hai mí… nhưng cái đợt anh “Mưa” bên xứ Kim Chi nổi tiếng, là rộ lên phong trào đi dãn mí mắt từ hai còn một cho đẹp như thần tượng. Rồi hồi trước phụ nữ phải gầy nhom thì đẹp, người mẫu cô nào cô nấy cũng như bộ xương trong phòng thí nghiệm. Thế là các cô lo nhịn ăn để ốm, rồi khi kiểu bộ xương di động hết xinh, các cô lại chích mỡ vô người để cho mập lại. Thiệt kỳ công.
Nhưng cũng có nhiều tiêu chuẩn đẹp qua nhiều thế kỷ cũng không thay đổi, cụ thể như với cánh đàn ông thì cứ ngực to là đàn bà đẹp!
Chân lý nhiều khi đơn giản, nhưng không phải ai cũng nhận ra, thế nên đàn bà luôn đau đầu về nhan sắc là bởi vậy. Nhiều lúc cái việc làm đẹp của đàn bà chỉ do một mục đích duy nhất, cho đàn ông nhìn. Thế nên các anh làm ơn nhìn vài chỗ khác giùm để đỡ mất công người ta làm cho đẹp rồi phí.
Người ta bảo, không có người đàn bà đẹp, chỉ có người đàn bà không biết làm đẹp. Tới giờ nó biến thiên thành nhiều kiểu, thường nghe nhất là chỉ có người đàn bà làm hoài cũng không đẹp.
Công nghệ làm đẹp giờ phải nói siêu phàm, nhất là ở xứ sở Kim Chi, có dạo trên mạng té ngửa vì mấy cô ca sĩ, diễn viên đẹp lung linh đưa hình gốc lúc trước khi giải phẫu… người ta bắt đầu hoài nghi về vẻ đẹp, rồi cạnh khóe, “Lấy gái đẹp về mà cuối cùng đẻ con ra xấu quắc là hiểu rồi ha…” Đợt đó có cô nghệ danh “Nữ hoàng dao kéo” giận lắm, đập bàn cái rầm, hùng hồn tuyên bố, “Đẻ con có xấu thì cho nó phẫu thuật thẩm mỹ tiếp, lo gì!”.
Đừng tưởng đó là chuyện xứ người ta, giờ xứ mình cũng đâu có kém cạnh.
Có con bạn thân, nó duy mỹ đến mức lúc nào cũng cảm thấy mình chưa đủ đẹp, và muốn ở mọi góc độ thì mình đều phải “nhìn có vẻ đẹp”. Kiểu như sau mỗi bước chân đi, có thể dừng lại vài giây để nhìn xem ở góc độ này gương mặt đã đẹp chưa, thì nó cũng đã làm. Tiếc cái một ngày không đủ dài cho những việc đó nên thôi.
Mỗi lần café chung, câu đầu tiên ngồi xuống bàn nó không kêu nước, không chào, chỉ hỏi đúng câu: “Ê, hôm nay nhìn tao có đẹp hông bây?” mặc dù chán ngán đến tận cần cổ, nhưng cả đám đều phải ờ cho yên chuyện. Lỡ mà có ai trả lời sai chữ ờ, nó sẽ bắt đầu tra tấn bằng hàng loạt câu tiếp theo, “Mắt hơi lố mascara phải hông mậy, hay phấn dày quá, hay son tao lem, chết rồi tao nhớ canh kỹ lắm mà…”
Lúc nó vỗ bàn cái rầm, hét lên như Archimedes nói Eureka, cả bọn giật mình, ngơ ngác.
“Tao thiếu cái cằm!”
Vậy là vài tuần sau đã xách hơn chục triệu đi nhét dây gì đó cho cằm nhọn ra đôi chút, theo lời nó là “nhìn cho tự nhiên”. Sau đó chụp hình nó đều nghiêng nghiêng mặt để thấy mình đã có cằm.
Nói ra chẳng phải châm biếm, chẳng thấy đáng trách, chỉ thấy phục. Phục vì nó biết mình là ai, biết đâu là điểm mình chưa tốt và dám dũng cảm hoàn thiện bản thân mình bằng mọi cách nghĩ ra.
“Thà tao đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên! Đâu phải mày không thấy nhiều đứa xấu đau nên ế, mất cả tương lai?”
Câu này lại hoàn toàn đồng ý với nó. Nhớ có bà chị, nhan sắc không mặn mà cho lắm, phải thằng chồng vũ phu, nó cho ăn đòn thay cơm, nhiều bữa thấy xót, kêu bỏ cha cho rồi, chị thở dài cam chịu.
“Bỏ sao mà bỏ, xấu như chị, ai thèm lấy, giờ cứ coi như chịu đấm ăn xôi, có vì tương lai đám nhỏ…”
Ừ thì, đúng là đầu tư cho nhan sắc là đầu tư cho cả… tương lai!
Chuyện nhan sắc, nói mấy ngày hổng hết, mà ác cái càng nói càng buồn vì nhan sắc mình cũng dạng tầm trung trung xuống dưới…
Thôi thì ráng tự an ủi bằng câu, nó đẹp hơn mình thì dĩ nhiên mình xấu hơn nó, cũng là mình đã hơn.
Đúng là ngàn năm ôm một nỗi sầu tên nhan sắc!
Thương lắm một mối tình xa
Thường khi yêu, chúng ta luôn muốn được cạnh nhau để tận hưởng từng phút giây hạnh phúc, nhưng đâu phải ở đời mọi chuyện đều như nguyện. Có những lần duyên đưa phận đẩy, khiến ta yêu một người cách xa muôn trùng khơi. Gần, có thể là vài trăm cây số, kẻ Bắc, người Nam, xa thì lại phân chia bởi một đường biên giới, cách nhau cả nửa vòng trái đất.
Chuyện xưa cũng đã có ghi lại, như chàng Ngưu Lang cùng cô Chức Nữ, người trên trời, kẻ ở trần gian, mỗi năm nhờ đàn quạ xây cầu Ô Thước để hạnh ngộ cùng nhau một lần. Thảng hoặc trong muôn ngàn kiếp đợi, phải chăng có lần Chức Nữ đã hỏi, “Nếu duyên số trớ trêu, sao cao xanh còn cho ta gặp mặt…”
Và cũng chẳng cần đến Chức Nữ, bản thân ta đôi lần đã tự hỏi điều đó khi lỡ vương vào một mối tình vạn dặm.
Hình như ở hai khoảng trời cách biệt, ngày bên này là đêm bên kia, lòng người ta có nỗi cô đơn chẳng giãi bày cùng ai. Người nói, “Bên đây chỉ đi làm rồi về ôm máy tính, chẳng dám đi đâu, chẳng dám tìm ai để tâm sự…” Có lẽ vì vậy người tìm đến ta.
Ở khoảng giao thoa của cô đơn, tuyệt vọng, chúng ta tìm thấy nhau.
Những câu chuyện vô thưởng vô phạt của cả hai người về cuộc sống, về gia đình, về công việc cứ vậy mà kéo ta nhích gần lại cùng nhau. Đến cả cái ngày ngập ngừng, ta nói một câu, “Mình làm người yêu nhau đi nhé, để có chuyện rồi chia tay như người ta cho vui…” Người bật cười, im lặng một chút rồi biến mất. Ta lạnh lòng tự hỏi, người từ chối ta sao?
Điện thoại reng, số từ phương xa lắm, “Muốn nghe chính miệng người ta nói ra…” Ừ thì nói lại, rồi lại cười òa, cười xong mới chịu gật đầu đồng ý. Giọng vọng về từ mấy ngàn cây số, mà cứ ngỡ như cạnh bên.
Ngày đó yêu, tình yêu xa nhưng sao đẹp lạ. Có giấc mơ nào, ước làm sao để trái đất như một trang giấy học trò, chỉ cần gấp đôi là hai phần nửa có thể gặp nhau.
Có lần người hỏi, yêu xa vậy có mệt không? Dĩ nhiên là sẽ mệt, vì mang trong mình một nỗi nhớ quá lớn.
Có lần người nói, nếu yêu một người ở cạnh bên, tình yêu đó là một phần, thì yêu một người ở xa, tình yêu đó phải đủ mười phần.
Chín phần còn lại. Ba phần cho nhớ. Ba phần cho tin. Ba phần cho chờ.
Người hỏi ta làm được chăng, ta nói sẽ làm được nếu làm cùng người.
Có những ngày mùa đông bên kia, tuyết rơi trắng cả mảnh vườn con con, người co ro, bật hình ảnh cho ta coi đang cuộn tròn trong chăn, câu người nói làm lòng ta se thắt… “Phải chi có ai đó nằm cạnh bên, ôm cho đỡ lạnh.”
Có những ngày mùa mưa bên này, đứng trú mưa dưới mái hiên nhà xa lạ, ta chụp tấm hình, gởi sang cùng lời chú thích… “Phải chi có ai đó đứng cạnh bên, cho mượn tay, nép vào nhau một chút tìm hơi ấm.”
Xa vậy mà cũng yêu, yêu vậy mà vẫn phải xa…
Người hỏi, ta chờ được bao lâu, câu trả lời của ta bao giờ cũng chỉ là, “Không biết”.
Thật, ta không biết tình yêu trong mình đủ lớn để bay qua những đoạn đường vặn dặm hay không. Hay ta sợ tim mình chẳng còn chỗ chứa nỗi nhớ ngày càng quá lớn. Ta chẳng biết gì cả, ngoài chuyện yêu người.
Hai năm dài ta cùng nấu nồi canh tình yêu bằng thứ mật ngọt từ ngữ, bằng chút vị mặn của nỗi nhớ, bằng cả đắng cay của giận hờn. Mải miết nấu, đến khi nhìn lại, nồi canh tình yêu của ta cạn khô nước tự bao giờ.
Người khẽ khàng đề nghị, “Dừng lại nhé”, ta gật đầu, dù lòng còn thương, còn yêu vô hạn. Nhưng ta biết, đó là cách tốt nhất để ta và người còn có thể chào nhau nếu một ngày hạnh ngộ.
Hai năm sau quyết định dừng lại, ta gặp người trên con đường vắng trước sân bay. Còn nhớ trước khi về nước, người hỏi, “Có thể đón nhau như hai người bạn?” và ta đã ra đón người về quê hương.
Ngồi trong quán café nhiều lần kể nhau nghe, câu chuyện nói ra, phảng phất hương quá khứ, cuối buổi hôm đó, câu chào của người khiến lòng ta bồi hồi, “Chỉ tiếc là đến nay, khi cùng nhau ngồi trong quán café này, chúng ta đã chẳng thể là tình nhân.”
Có lẽ trong tất cả những cảm giác yêu của đời ta gộp lại, mối tình xa cùng người sẽ làm ta nhớ mãi. Nó chưa hẳn là hoàn hảo, nó chưa hẳn là đẹp nhất, nhưng nó là mối tình giúp ta hiểu được giá trị của niềm tin và sức mạnh của đợi chờ.
Trước ngày người về phía bên kia màu nắng, ta cùng nhau đi xem một bộ phim cổ trang xưa cũ, chuyện rắn trắng thành người, lỡ phạm tình duyên rồi cả đời bị giam trong bảo tháp. Chuyện phim chẳng mới, duy chỉ bài nhạc phim làm ta lẫn người chạnh lòng…
Trăm năm rồi lại trăm năm,
Chỉ cần người hứa sẽ về, ta sẽ đợi.
Vì người mà sống là thề nguyện của ta.
Chỉ cần hạnh phúc, yêu nào có gì sai,
Gông xiềng thời gian chẳng làm ta nhu nhược.
Kiếp lai sinh này… xin người hãy vì ta chờ đợi.
Gió hôm đó lạnh lắm, người hôm đó ngồi cạnh mà cứ như tận muôn trùng. Thì ta mất người, chỉ thương hoài cho một mối tình xa.
Nếu đang cầm hòn đá nặng 1kg trên tay, được hỏi: “Hòn đá đó nặng cỡ nào?”
Chắc hẳn bạn sẽ trả lời rằng nó nặng 1kg.
Nhưng thực ra, hòn đá đó nặng ra sao còn tùy thuộc vào ta đã cầm nó trong bao lâu.
Nếu chỉ vừa mới cầm lên rồi bỏ xuống, sẽ chẳng cảm nhận được nó nặng thế nào.
Nếu đã cầm 1 tiếng, nó sẽ nặng hơn. Và nếu cầm nó suốt 1 ngày, đôi tay ta sẽ mỏi nhừ.
Ở đời cũng vậy, giá trị, sức nặng của nhiều thứ đôi khi không tùy thuộc vào bản chất của nó mà tùy thuộc vào thời gian ta đã nắm giữ nó trên tay.
Sẽ có lúc, ta phải chấp nhận bỏ đi vài thứ, chỉ để cảm thấy rằng, đáng lý đã phải bỏ đi sớm hơn.
Cổ tích tình yêu
Để anh kể em nghe câu chuyện cổ tích về tình yêu ngàn năm trước.
“Ngày xưa rất xưa đó, xưa lắm rồi, khi mà Adam và Eva vừa mới được sinh ra trên trái đất. Khi ấy, họ sống cùng nhau rất vui vẻ và hạnh phúc trên thiên đường, dưới sự bảo vệ của Thượng đế và các thiên thần tổng quản. Đó là lúc câu chuyện này xảy ra.
Đọa thiên thần Lucifer, vì lãnh đạo đội quân chống lại Chúa Trời nên bị đày xuống Địa ngục tăm tối. Từ đấy, ông ta đổi tên thành Satan và bắt đầu thực hiện công việc chống phá lại những gì Chúa gây dựng nên và mục tiêu chính là Adam và Eva, hai đứa con cưng của Chúa.
Một ngày nọ, Satan nhập linh hồn mình vào thân xác một con rắn và trở lại thiên đàng. Nó tìm đến Eva, dẫn dụ cô đến nơi để trái cấm trong vườn Địa đàng, đó là thứ trái mang đến cho con người Tri thức, để nhận ra rằng thiên đường họ sống thực chất chẳng phải là nơi hoàn hảo nhất. Sở dĩ con rắn tìm Eva vì nó biết phụ nữ bao giờ cũng dễ bị lôi kéo, nhẹ dạ, mềm lòng, cả tin hơn.
Bị nhưng lời nói của Satan (bấy giờ đang trong hình hài con rắn) làm cho thích thú, Eva dẫn Adam vào vườn Địa đàng, tìm đến trái cấm. Trái cấm có hình dạng của một quả táo chín đỏ mọng. Khi hai người vừa nếm được hương vị đầu tiên của trái cấm thì Chúa phát hiện ra, Người rất giận dữ, hét lên: “Hai con là người ta tin yêu nhất, vậy mà cũng làm ta thất vọng…”
Với tiếng hét đó, Thượng đế vung tay đập mạnh con rắn, làm cho xương trên người nó vỡ vụn ra và cũng từ đó, loài rắn phải đi uốn éo trên đường chứ không thể đi thẳng như trước kia được nữa. Nối đoạn, Chúa buộc Adam và Eva ra khỏi thiên đàng, bắt họ phải xuống hạ giới chịu những vui buồn, khổ đau, bệnh tật và cả cái chết, những thứ chưa bao giờ xuất hiện ở chốn thiên đường. Từ đó, loài người bắt đầu xuất hiện trên hạ giới.
Vậy còn số phận của trái cấm thì sao? Có ai biết?
Khi nghe Thượng đế hét lên, Adam hoảng hốt, vứt trái cấm đi thật xa, làm cho nó văng xuống hạ giới trước cả hai người. Nhưng tiếc thay, vì văng mạnh như vậy trái cấm bị vỡ ra làm hai mảnh và nằm ở hai nơi cách xa nhau.
Bây giờ ta gọi một nửa là anh, một nửa là em nhé.
Khi anh tỉnh dậy, nó thấy mình cô độc và lẻ loi biết bao khi không còn em bên cạnh. Và rồi nó biết mình sẽ không thể nào sống mà không có em. Từng cơn gió lạnh thốc qua làm anh run rẩy, nó biết không chóng thì chầy, nó sẽ rữa nát. Thế là anh quyết định phải đi tìm em, dù cho phải trải qua bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu hiểm nguy, muôn trùng xa vợi.
Anh đi trên đường dài, qua nhiều đoạn đường đá, làm cơ thể trầy xước, nhưng vẫn nhất quyết đi cho bằng được. Qua nhiều cánh đồng, nhiều đồi núi cao, nhiều thung lũng hẹp. Mặt trời trên cao cũng bớt chút nắng để anh không thấy mệt. Cô mây đôi lần cũng ghé xuống che bóng mát cho anh nghỉ ngơi. Bác gió thi thoảng thổi vài làn hơi giúp anh lăn lên một đoạn đường dốc. Vạn vật giúp anh tìm em. Nhưng tìm hoài vẫn không thấy em đâu…
Một ngày nọ, khi anh đã mệt mỏi, niềm tin bắt đầu lung lay, ý chí cũng dần phai phôi thì anh gặp được một nửa, nhưng lại là một nửa quả cam. Cam hỏi, “Anh đi đâu đó?”
“Tôi đi tìm một nửa của mình.”
“Tôi cũng chỉ có một nửa thôi, hay anh hãy ở cùng tôi đi.”
Thế là anh ghép vào ở cùng. Thời gian đầu tiên, mọi chuyện cũng khá tốt đẹp, chúng chung sống bình yên cạnh nhau. Nhưng rồi, anh bắt đầu nhận ra rằng cam không thể nào sống với mình mãi được. Không như táo, cam có vị chua. Cam lúc nào cũng muốn giữ anh kè kè bên mình, không cho rời xa nửa bước. Cam nói vì sợ mất anh, nhưng anh biết đó là cam ghen, vị chua đó là vị của sự ghen tuông. Anh bắt đầu nhớ em. Thế là anh quyết định sẽ rời xa cam và tiếp tục đi tìm em.
Anh lại lăn đi, lăn đi qua bao nhiêu ngày dài, đêm ngắn, qua nhiều mùa xuân hạ thu đông. Qua luôn những ngày trời đầy lá rụng, qua những ngày bông tuyết bay bay, qua những ngày trăm hoa đua nở, qua cả những ngày mưa lất phất rơi. Rồi anh lại gặp một nửa của nho.
Anh lại thử cùng nho chung sống, và cũng như với cam, sau thời gian đầu tiên khá tốt đẹp, anh nhận ra rằng nho hoàn toàn không hợp với mình. Anh phát hiện ra, đằng sau vị ngọt của nho là một vị chát khó tả. Thêm vào đó, nho quá nhỏ so với một nửa quả táo là anh. Anh phải che chở và làm tất cả mọi chuyện cho nho. Anh cho nho tất cả những gì mình có, trong khi nho chỉ biết đến mỗi bản thân mình. Đó là vị chát, sự ích kỷ, chỉ muốn nhận mà không muốn cho đi.
Anh lại đi tiếp trên con đường tìm em. Trước khi đến đích, số phận lần nữa để anh gặp dưa hấu. Anh và dưa hấu lại ghép chung cùng nhau. Dưa hấu ngọt ngào, tươi mát, không có vị chua, không có vị chát. Dưa hấu lớn hơn nên luôn che chở, bảo bọc anh, cho anh rất nhiều mà không cần nhận lại.
Thế nhưng, anh nghĩ, “Rồi sẽ đến một ngày, dưa hấu sẽ bỏ đi như mình từng bỏ nho.” Sự tự ti càng lớn, nuốt chửng bao nhiêu suy nghĩ khác trong anh, khiến lúc nào anh cũng không vui, mặc cảm như một kẻ chỉ ngồi chờ ban ơn, bố thí. Và anh lại nhớ em đến quay quắt, thế là lần nữa anh đi. Lần này, anh nhất định sẽ không ở chung với một ai khác ngoài em mà thôi.
Đã bao ngày dài, đoạn đường đời cô đơn mình anh bước… đến một ngày khi nỗi nhớ lớn dần thành tuyệt vọng, anh gục ngã trên đường tìm về em.
Qua một khu vườn khô cằn sỏi đá, anh nằm xuống nghỉ, bao nhiêu sức lực như bay mất khỏi cơ thể, mắt mệt đến mức không còn gắng gượng để nhìn xung quanh. Một cơn mưa lớn rơi rụng từ trời, gió bần bật đuổi nhau. Anh thiếp đi và từ từ mất dần cảm giác…
Trong giấc mơ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, anh nghe một giọng nói thận quen, rồi vị ngọt và hơi ấm đã từ lâu không gặp… cố chút sức tàn mở mắt, anh nhìn thấy em đang ôm chặt anh vào lòng.
Ra là bấy lâu nay, khi không có anh bên cạnh, em cũng đã mãi đi tìm anh khắp nơi. Ta cứ mãi tìm nhau, để rồi chỉ khi một người dừng lại mới có thể gặp. Định mệnh là thế sao?
Cơn mưa ngưng rơi tự lúc nào. Mặt trời nhẹ nhàng gởi tặng chút nắng để anh và em cùng sưởi ấm. Cảm động trước tấm lòng, tình cảm của hai nửa quả táo, Thượng đế dùng quyền năng của mình để hàn gắn chặt vết tách đôi ngày trước, đồng thời, Người cũng chọn trái cấm làm biểu tượng của tình yêu thăng hoa và hòa hợp. Ấy vậy mà đến ngày nay, chúng ta vẫn luôn được dạy rằng, khi tình yêu đến một ngưỡng nhất định, người ta sẽ được cùng nhau nếm trái cấm.
Khi sống cùng cam, nho, dưa hấu, một nửa trái cấm đã mang trong mình chút vị chua, vị chát, vị ngọt ngào… cũng như trong tình yêu, sẽ có chút ghen tuông, ích kỷ và có cả bao dung, vị tha lúc cần thiết. Có thể đôi khi những việc không hay trong tình yêu làm nó rạn nứt, chia lìa, nhưng với tình yêu đích thực, một duy nhất mà Thượng đế đã an bài cho mỗi người, thì tình yêu sẽ luôn luôn bền vững, vì vốn “sự gì Thiên chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”.
Tình yêu cơ bản giống như một phép thử, để đến được đáp án cuối cùng, chúng ta phải chấp nhận những lần thử và sai. Cái sai có khi làm ta nản lòng, nhưng vẫn tiếp tục thử vì nhu cầu tìm được đáp án luôn là cần thiết.
Sẽ có lúc chúng ta cảm thấy cô đơn đến cùng cực, nhìn bao người tay trong tay, lòng dâng lên nỗi buồn không nhẹ. Nhưng hãy tin rằng, ở đâu đó trên thế gian này vẫn có một người chờ đợi, tìm kiếm ta, và đến một ngày ta sẽ gặp nhau, như hai nửa trái cấm vẫn tìm nhau dù muôn trùng sóng gió!
Luận đàn bà
Chẳng biết từ lúc nào mà cụm từ “tính đàn bà” luôn được dùng tặng cho một thằng đàn ông không đúng chuẩn đàn ông. Nói nôm na ra thì cứ hễ đàn ông mà nói nhiều, nhỏ nhen, ích kỷ, so đo… thì đều được tặng cho cái chữ “đàn bà”.
Rõ ràng trong lịch sử ghi lại, đã không ít người đàn bà được vinh danh trên lịch sử, từ nữ hoàng, đến thủ tướng, từ nữ tướng đến anh hùng… nhưng đàn bà vẫn cứ ngàn đời bị cho là không tốt. Ừ thì cánh đàn ông sẽ bảo, số trường hợp nổi trội kia chỉ là cá biệt, còn phần nhiều vẫn là xấu xa. Rõ ràng người ta lờ đi, lảng tránh, sợ hãi khi nhìn nhận rằng một con đàn bà có thể hơn mười thằng đàn ông gấp bội.
Một thằng đàn ông nói nhiều, người ta kêu nó là đàn bà. Còn một con đàn bà ít nói, họ gọi nó là con câm!
Vậy chung quy… con đàn bà là thế nào?
Theo kinh nghiệm non nớt của bản thân cùng những gì chứng kiến, con đàn bà cơ bản nhất sẽ phải làm những việc sau.
5 giờ sáng, con đàn bà lồm cồm tỉnh giấc, trong khi thằng đàn ông vẫn ngáy o o trên giường, rồi thì bắt đầu chuẩn bị vở tập, quần áo, lo buổi ăn sáng cho chồng con. Thằng đàn ông thì ngủ dậy, ngồi nhàn nhã ăn sáng, đọc báo, lâu lâu vỗ đùi cái đét vì biết đội banh mình thích tối qua bị loại, xoay qua cằn nhằn đàn bà sao đồ ăn hôm nay hơi mặn. Xong xuôi, đàn bà ngồi ăn qua quýt cho qua bữa rồi lại ào đến công ty làm việc. Tranh thủ đứng trong thang máy nhìn lại nhan sắc dần tàn phai.
Việc của con đàn bà ở công ty ai dám nói ít hơn cánh đàn ông, có khi còn nhiều gấp bội. Vừa ra khỏi đống công việc cao như núi, con đàn bà lại tất tả đi đón con về, nháo nhào vào bếp nấu cho kịp bữa cơm tối, dọn dẹp nhà cửa, tắm cho con, cho nó học bài rồi chờ đàn ông về nhà ăn cơm. Thấy trễ quá chưa về, đàn bà nhắn tin vẫn không hồi âm, lo lắng nên gọi điện thoại thì khóa máy… bồn chồn cả đêm không yên nhưng vẫn phải dối con là ba đi công chuyện để nó vào ngủ trước.
Đàn bà ngồi chờ mòn mỏi như cây kim giây quay hoài không nghỉ, hỏi đời mình cứ như cái vòng bất tận đó sao, có khi nào đến lúc nhắm mắt xuôi tay thì mới dừng lại? Tàn nửa đêm thì thằng đàn ông mò về, người nồng nặc mùi rượu, phảng phất trong đó cả mùi nước hoa xa lạ. Đàn bà cũng nuốt buồn, vứt sầu mà dìu đàn ông vào giường, thay đồ, lau người cho nó. Chờ cho đàn ông ngủ say, rồi ra ngoài ăn chén cơm nguội lạnh chan nước mắt… Đàn bà là vậy đó, đàn bà ơi!
Đàn ông có thể đi bất cứ nơi đâu, gây ra bao nhiêu lỗi lầm, để rồi khi quay về nhà, chỉ một câu xin lỗi chưa chắc thật lòng, một lời hứa chưa chắc làm được, thì đàn bà đã phải nuốt nước mắt mà thứ tha, bởi cái lý cái lẽ giữa cho gia đình hạnh phúc, giữ cho con còn cha, giữ cho nhà êm ấm. Đàn bà là vậy, cái lẽ thứ tha, cái đạo gia đình lúc nào cũng đặt để trên đầu mà thờ cả kiếp.
Là vị tha hay ngu ngốc… Là yêu thương hay cả tin khờ dại…
Người ta không thích đàn bà, luôn đặt đàn bà ở vị trí thấp có lẽ bắt nguồn từ sự cả tin, nhẹ dạ của đàn bà mà gây nên tội. Nếu ngày xưa đàn bà không nghe lời con rắn, dắt đàn ông đi ăn trái cấm thì có lẽ đến nay người ta sẽ còn sống ở miền hoan lạc.
Đó là cái tội lỗi đàn bà!
Cái tội lỗi đàn bà mấy ngàn năm trước kéo dài cho đến tận mấy ngàn năm sau không xử sao cho hết. Như có đợt cô chân dài nào đó rất được vọng trọng lộ ra mớ ảnh chụp cảnh quấn quýt cùng bạn trại không mặc đồ. Vậy là báo chí bắt đầu lôi cô ra như thể đấy là cái điều kinh tởm nhất mọt người đàn bà có thể phạm phải. Thử hỏi, bao nhiêu người trong cả cái cuộc đời dài đằng đẵng này không một lần quan hệ dục tính?
Cái tội lỗi đàn bà kia, phải chăng chỉ là quá tin vào người đàn ông nằm cạnh mình, để ghi lại cảnh yêu đương mà không ngờ có lúc nó biến thành con dao sắc nhọn cắm vào tim. Ừ, tội lỗi lắm đàn bà ơi!
Với đàn ông, đàn bà đóng cả năm vai trò, là vợ, là mẹ, là bạn, là người tình và là người làm không công.
Đàn bà là vợ đàn ông, sinh con cho đàn ông là điều hiển nhiên. Đàn bà là mẹ đàn ông, chăm sóc cho đàn ông từng miếng ăn, giấc ngủ như con trai mình. Đàn bà là bạn đàn ông, sẵn sàng nghe nó tâm sự chuyện đời, chuyện việc, đàn bà là người tình muôn năm, để dìu đàn ông lên những cao trào của nhục cam, cũng dĩ nhiên đàn bà lắm lúc là người làm không công, dọn dẹp, nấu nướng, giặt ủi quanh năm mà chưa bao giờ nhận lương.
Viết truyện ngắn, vẫn luôn xây dựng hình ảnh đàn bà vùng vẫy để thoát khỏi cái kiếp đàn bà mà xã hội đặt để. Đàn bà hút thuốc mạnh mẽ, độc lập nuôi con, sẵn sàng lên giường với thằng đàn ông mình thích, sẵn sàng đá nó xuống khỏi giường nếu không làm mình thỏa mãn.
Vậy mà đến cuối cùng, đàn bà cũng phải thổn thức trên vai đàn ông lúc yếu đuối nhất. Phải chăng cái bản chất sâu thẳm nhất của một con đàn bà vẫn là khao khát được khóc trên khuôn ngực vuông của bọn đàn ông?
Có con bạn thân là gái nhưng ai cũng bảo “tính đàn ông”, tách bạch rõ ràng, nó cũng nói luôn bản thân chẳng muốn sinh con hay ở nhà tề gia. Chồng thì cần cưới, nhưng làm vợ lại không muốn làm. Nghĩ thì ca này cũng khó, chuyển lên tuyến trên chắc giải quyết cũng không xong. Đàn ông để nó yêu cũng phải thuộc loại khó tìm. Mà trong đám, lại thương và lo cho nó nhất, cứ nhớ hoài mấy câu ngày xưa nội nói, “Đàn bà mà tính đàn ông, cả đời kiếp sống long đong lận đận con ơi.”
Bữa đọc được cái tài liệu về Tính nữ thiêng liêng, thấy người ta nói chẳng sai.
Dù là đàn ông hay đàn bà, thì trong 9 tháng đầu tiên hình thành nên cơ thể, người ta vẫn phải sống trong một môi trường thuần chất nữ, là tử cung người mẹ. Khi ra đời, đứa bé cũng phải vục mặt vào ngực người phụ nữ để lấy những dưỡng chất ban đầu hình thành cơ thế. Đàn ông, cũng là từ máu thịt đàn bà tạo nê.
Vậy đàn ông vì sao là phái mạnh? Cái mạnh chắc chắn không thể tính vào cơ bắp, vì giờ nữ lực sĩ cũng chẳng ít.
Như đã nói ai sinh ra cũng phải sống trong môi trường thuần chất nữ thiêng liêng, nên cái mạnh của đàn ông là có thể chống lại được chất nữ còn ăn sâu trong tâm thức để trở thành đàn ông đúng nghĩa.
Thế nên đàn ông khi khinh thường đàn bà, làm ơn hãy nhớ rằng mình đã phải vất vả cỡ nào để chống lại chất đàn bà trong mình nhé.
Đàn ông đàn bà cơ bản là khác nhau và chẳng bao giờ hiểu hết về nhau. Mà có lẽ do vậy nên lúc nào cũng bí ẩn trong mắt nhau, để rồi lao vào nhau mà tìm hiểu, mà khám xong rồi phá… thế nên chuyện đàn ông, đàn bà, vài trăm năm kể cũng chả hết.
Chung quy, xét về mặt nào, đời đàn bà cũng khổ hơn đàn ông. Mà cái khổ nhất, nhiều khi lại là chọn nhầm thằng đàn ông cho đời mình.
Có một ngày Sài Gòn cúp điện
Sài Gòn ngày cúp điện.
Đám con nít trong nhà lôi bộ cờ tỷ phú đóng bụi ra ngồi chơi, đổ xí ngầu leng keng, hỏi nhau, “Ê, đường Nguyễn Huệ mắc nhứt Sài Gòn hả mậy!?”, lát cãi nhau ỏm tỏi.
Sài Gòn ngày cúp điện.
Đám trẻ trong xóm ào ra sân, bu quanh bà giáo già 73 tuổi, nghe bà kể mấy câu chuyện ma da, ma trơi, ma xó, mấy bài học quả bão nhãn tiền lồng trong câu chuyện khơi khơi làm lũ trẻ vừa sợ vừa mê.
Sài Gòn ngày cúp điện.
Thằng bạn thân nhào qua tận nhà rủ, “Lên quận 2 thả diều mậy! Gió mát lắm!” Tới nơi chen chúc lắm mới không để diều vướng dây.
Sài Gòn ngày cúp điện.
Người yêu chạy qua kêu đi ăn tối cùng, nói “Em yêu anh nhiều lắm”, câu mà trước giờ chỉ được nhìn thấy trên mành hình điện thoại.
Sài Gòn ngày cúp điện.
Đám bạn thân rủ nhau đi quán café, lâu lắm rồi nói chuyện rôm rả vì pin điện thoại còn dưới 10%, không ai dám dùng.
Sài Gòn ngày cúp điện.
Ba với mấy chú pha ấm trà, kể chuyện ngày nội còn sống đã cực khổ thế nào để nuôi lớn anh em… Cô ngồi cạnh bên, lần tay lật mấy tấm hình ngày nội tươi cười móm mém, may mà tấm hình bọc nhựa, không cũng đã nhòe nhoẹt.
Và rồi Sài Gòn chợt có điện.
Đám trẻ bu vào máy tính đánh game online.
Con nít ru rú trong nhà xem hoạt họa.
Bà giáo già cô đơn trong khoảng sân hẹp.
Thằng bạn châu đầu vào thị trường cổ phiếu.
Người yêu gởi tin nhắn “Em nhớ anh”,
Quán café ồn ào đến mức đám bạn lại mở điện thoại nhấn.
Ba và mấy chú tập trung vào ti vi coi phim hành động.
Hình như lâu lắm Sài Gòn mới có một ngày cúp điện…
Hoa rơi hữu ý
Một câu chuyện cho những mối tình đầu dang dở… dù yêu thương nhưng vẫn không thể ở cùng nhau…
Ngày xửa ngày xưa, xưa lắm rồi, khi mặt đất chưa tồn tại sự xuất hiện của loài người và khi đó vạn vật có thể nói chuyện cùng nhau bằng một thứ ngôn ngữ chung được gọi là mật ngữ thiên nhiên.
Ngày đó, mặt trời là con của mẹ Thiên nhiên, ngụ trên đỉnh núi cao nhất trái đất, ngày ngày theo lời mẹ gởi vạn vật sinh trưởng. Có một loài hoa dại nhỏ bé, không tê. Hoa vàng tươi, cánh hoa mỏng manh đung đưa theo gió. Đặc biệt, hoa có hương thơm ngào ngạt, dù cách xa vạn dặm vẫn có thể cảm nhận được rõ ràng.
Hoa ngày này tắm mình trong ánh sáng từ mặt trời đem tới, vô tư như thiếu nữ mười tám. Hoa đâu biết mặt trời từ trên cao cũng cảm nhận được hương thơm từ hoa rồi đem lòng yêu thích. Cứ vậy, ngày ngày chúng trao nhau tình cảm trẻ dại qua tia nắng, mùi hương, cái kiểu như “tình trong như đã mặt ngoài còn e.”
Từ đằng xa, còn một người cũng yêu hoa, nhưng lại chưa dám thổ lộ, đó là nước. Nước cũng như mặt trời, là người mang đến sự sống cho vạn vật, nhưng lại âm thầm hơn khi len lỏi qua từng mạch ngầm. Nhìn thấy mặt trời đối xử với hoa tốt đẹp, nước biết nếu không thổ lộ sẽ là kẻ chậm chân.
Vậy là cùng lúc, hoa được cả người nói yêu thương mình. Cả hai đều là người tốt, đều quan trọng với cuộc đời hoa, làm sao hoa có thể lựa chọn trong tích tắc.
Những ngày sau, hoa băn khoăn, chẳng còn vui vẻ tắm mình trong ánh nắng như trước, cũng chẳng còn muốn gặp nước để nói chuyện, sẻ chia.
Thấy tình hình đó, nước và mặt trời nói chuyện cùng nhau, cãi nhau ỏm tỏi để rồi đến cuối cùng, nước buông lời thách thức, “Mày nói mày yêu hoa, có chắc mày đến được cùng hoa?”
Sáng ngày hôm sau, cả dương gian đỏ rực như tận thế. Mặt trời quyết định xuống thật gần để được ở cạnh hoa. Hoa biết chuyện có người vì mình mà dám làm chuyện cãi ý mẹ thiên nhiên, nên vội chạy đến bên mặt trời. Chỉ tiếc là chưa đến gần được thì cả cơ thể đã bừng bừng bốc cháy, đau đớn đến ngất xỉu. Vạn vật héo khô cùng hoa. Mẹ thiên nhiên giận giữ, bắt buộc mặt trời trở về ngọn núi của mình tuốt đằng phương xa. Nước cũng kịp nhào đến ôm trọn hoa vào lòng.
Mấy ngày sau đó, hoa nằm mê man, miệng vẫn lẩm nhẩm gọi tên mặt trời, nước bên cạnh đau lòng khôn xiết, nhưng vẫn ân cần chăm sóc. Khi hoa tỉnh dậy, liền nhìn quanh quất, hỏi mặt trời ở đâu? Hoa nhìn lên ngọn núi xưa cũ đã không còn thấy bóng người thương, nhưng tại sao ánh nắng vẫn đang chan hòa, nhìn lên cao hơn nữa mới thấy được mặt trời đang tít ở một vùng không gian xa lạ.
Thì ra do gây nên chuyện, bản thân mình biết cũng không thể nào bên cạnh hoa được, mặt trời quyết định nghe theo mẹ thiên nhiên để ra không gian rộng, đứng từ xa gởi ảnh sáng đến trái đất cho muôn loài. Trong từng tia nắng, vẫn còn có những yêu thương thầm trao hoa.
Giờ không còn mặt trời cản trở, những tưởng nước và hoa sẽ có thể thành đôi. Nhưng hoa chối từ, bởi tim đã dành cho người dám vì mình mà bỏ qua tất cả mọi chuyện. Nước hiểu chuyện, không oán trách hoa mà quyết định trở thành tri kỷ, suốt cuộc đời bảo bọc, chăm sóc.
Biết rằng mặt trời ở tận nơi xa, hoa từ nhỏ bé, ráng vươn người thật cao để trở nên trưởng thành hơn cho mặt trời nhìn thấy. Mùi hương của mình, hoa cũng cất đi, bởi với hoa, chỉ có mặt trời là xứng đáng nhận được mùi hương đó. Và từ đó, ngày ngày hoa cứ dõi theo mặt trời, để rồi từ vô danh, người ta gọi hoa là Hướng Dương…
Chuyện tình của nước, mặt trời và hoa, có kết thúc không đẹp, nhưng với tôi là một chuyện tình đẹp, bởi trong đó, họ dám sống vì nhau và biết giữ nhau ở một khoảng cách để yêu thương luôn hiện hữu.
Yêu là vậy, chắc hẳn có nhiều người đã từng trải qua một lần trong đời cái cảm giác, dù yêu thương một người đến vô cùng, nhưng vẫn không dám nói ra để người ta biết, chỉ là do sợ sẽ phá vỡ mối quan hệ bạn bè hiện tại.
Người ta thường gọi đấy là tình đơn phương. Tôi thì nghĩ rằng nó chẳng nên gọi là tình, mà chỉ đơn giản là “cảm giác yêu từ một phía”.
Bởi tình là phải song phương, cả cho đi và nhận lại, như cái kiểu hai bàn tay cùng vỗ mới tạo ra được tiếng động. Có thể bạn nói rằng một bàn tay đập vào tường, vào bàn ghế cũng tạo ra tiếng. Chẳng sai, nhưng sau đó thì tay đau, hiển nhiên là vậy.
Và khi đã không phải vì tình, ta cũng chẳng nên đau vì nó quá lâu như những loại tình khác sẽ trải qua trong đời.
Tội tình chi phải vì một người chẳng đoái hoài mà biến ta thành một thằng hề thất bại. Cứ làm đủ trò mua vui, để rồi kẻ khóc, cười chỉ là chính ta, còn người xem chẳng buồn nhếch mép.
Cũng có lúc, ta rơi vào hoàn cảnh, “hữu ý trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”. Với người ta có cảm tình, lại chẳng toại nguyện, trong khi đó thì lại có kẻ đang ngày đêm yêu thương ta mà không dám ngỏ lời.
Cái tam giác đều ấy nhiều lúc cứ phải giữa trong thời gian dài, một trong ba góc di chuyển thì phá vỡ luôn tất cả.
Yêu từ một phía, thường làm người ta đau và khó chịu. Nhưng ai cũng có lần lâm vào, muốn tìm cho riêng mình cái cảm giác chỉ cần một câu nói của người ta, một cái cười, một ánh mắt là có thể khiến mình trăn trở cả đêm để suy nghĩ, để hi vọng…
Và để rồi thất vọng. Vì đó cũng chỉ là “hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình…”
Ừ thì nó đau… nhưng đôi lần vẫn thấy nó đẹp. Đẹp như một điệu khiêu vũ.
Một người tiến, một người phải lùi. Có lúc cao trào quấn vào nhau, nhưng rồi lại phải dãn ra ngay để giữ được tạo hình đẹp.
Và cứ vậy, người ta quay cùng nhau trong những điệu vũ đau thương đến đam mê, ám ảnh…
Chuyện đàn bà
Có lần nghe được người ta nói, “Đứng trước bất kỳ ai, tôi cũng nhận họ là thầy, vì ít nhất học được một điều gì từ họ”. Người thì đồng ý, kẻ thì không, ví dụ, so sánh, dẫn chứng đủ loại, cuối cùng cũng chả đi đến đâu.
Riêng bản thân, có bốn lần học từ bốn con người, trùng hợp thay đều là đàn bà.
Thầy.
Cách hơn chục năm, cái thời còn ngổ ngáo, hổ báo ở trường, ngu khờ làm sao dính vào việc bị phát hiện chứa sách đen trong cặp, dù chỉ là giữ giùm một đứa bạn. Khi đó vẫn thường xuyên hoạt động phong trào cho Đoàn sôi nổi, được nhiều thầy cô thương. Xảy ra việc, cô chủ nhiệm lập tức kéo vào phòng riêng để nói chuyện. Cậu chuyện thầy trò khi đó, gói gọn trong niềm tin, “Cô tin em, nhưng em làm cô thất vọng”. Và lần đầu tiên, nên ngoài việc sửa sai ra chẳng còn nghĩ được cách nào khác.
Ráng học, ráng tham gia phong trào, chỉ vì một nguyên nhân duy nhất, lấy lại niềm tin từ cô. Mười năm cô trò gặp lại, cô vẫn còn nhớ đứa học trò ngỗ nghịch này, dẫu trảu qua đã không biết bao lần đưa đò, nhưng chuyến đò năm đó, cô chẳng quên.
Ngoài những bài học cô dạy trên bục giảng, được học thêm về sức mạnh của niềm tin. Tin tưởng và được tin tưởng luôn là thứ giúp con người ta sống, để hoàn thiện bản thân giữa đời đầy phong ba.
Chị.
Nhiều lúc muốn gọi chị là Thầy, nhưng chị không nhận, theo lời chị là “Tao có dạy mày cái gì đâu, chỉ là tao truyền lửa cho mày làm những việc nên làm.”
Cách khoảng hai năm trước, chị em biết nhau do cùng tranh luận sôi nổi về một truyện ngắn trong diễn đàn. Ai cũng máu lửa, cũng muốn giữ cái lý lẽ cho riêng mình. Không đánh không quen biết, để rồi phải lôi nhau ra ngoài để nói chuyện phải quấy. Nói rồi mới thấy hai người chẳng qua là cùng tâm huyết, cùng yêu thương nên phải khắt khe với văn chương, vậy mà thân.
Mấy buổi café, chị em phì phèo thuốc lá, nổi da gà vì bàn được cái ý tưởng tuyệt vời cho một câu chuyện nào đó. Khi đó có nói, “Chẳng biết khi nào em mới được ra sách”, chị bảo, “Sớm thôi, cứ nhìn chị, lăn lộn với đam mê thì sẽ có ngày đc đền đáp…”
Nhớ hoài câu ấy, lấy chị làm hình ảnh để noi theo, để thắp lửa đam mê trong lòng.
Giờ cả hai bận rộn với quá nhiều dự án cá nhân, hiếm hoi lắm mới có được một lần nói chuyện. Có khi chị giận… nhưng thực tâm, vẫn luôn coi chị là người thầy đã truyền cho sức mạnh vô biên của sự đam mê.
Cô.
Cô hơn mẹ một tuổi, ở cái tuổi này đáng lý đã phải có gia đình riêng cho mình… nhưng số cô lận đận, tới giờ vẫn chỉ có được gia đình chung và mấy đứa cháu.
Từ nhỏ cha mẹ bận làm, nên chăm sóc chính vẫn chỉ có cô và bà nội. Giờ nhà vắng vẻ hơn trước, nhưng cô vẫn ngày ngày lui cui lau dọn. Đợt nội bệnh, hai ba giờ sáng, cô cũng là người duy nhất thức dậy chăm lo, sáng đến nơi nhìn cô mệt mỏi xách giỏ đi chợ sớm, lòng đau.
Con chú sinh ra hơi khó nuôi, cô nhận về dưỡng dục, đó giờ nó cũng kêu cô là mẹ. Nhớ năm nào con bé bệnh nặng, cô ôm nó trong tay nước mắt chảy ướt áo, chỉ xin Trời Phật cho tai qua nạn khỏi. Giờ con bé đã gần 15, có tháng chú thím kẹt tiền, cô lấy tiền túi ra đóng cho nó.
Đôi khi đi chơi, đến tầm 1, 2 giờ sáng, nghe tin nhắn báo, không cần mở lên cũng biết là cô, đơn giản ba chữ “Có về không” nhưng đựng đầy cả đêm dài chờ đợi, quan tâm.
Cha nói, “Cô không con cái, sau này bây phải lo cho cô…” Cười với cha, “Đâu cần cha dặn, chuyện này con biết là nghĩa vụ rồi…”
Nói nghĩa vụ nghe sao nặng, nhưng thực lòng biết, đã từ lâu coi cô là Mẹ thứ hai, Mẹ mà cả một căn nhà không thể nào thiếu. Từ cô, học được bài học về tình thường bao la.
Bà.
Là một người đàn bà xa lạ, tầm ngoài 50, bán vé số ở một ngã tư trên đường đi làm ban sáng, hầu như ngày nào cũng có lần gặp qua.
Đôi chân teo cơ cong quắp, cánh tay ngoặt ngoẹo cố gắng xếp từng tờ vé số, đôi khi là cố lùa muỗng cơm vào miệng. Đầu bà quẹo sang một bên, hơi cúi xuống, do vậy mà mắt muốn nhìn ai cũng xếch ngược dữ tợn.
Mỗi lần đèn đỏ, xe dừng kế chỗ bà, bà lại cất giọng rao, “Vé số chiều xổ” bằng cái giọng cao vút, chói tau, khó khăn lắm mới nghe ra được. Ngày nắng thì có thêm cái nón lá rộng vành rách vài chỗ, mưa thì gặp cảnh bà chống tay, nặng nhọc lê thân mình vào núp mưa trong cây xăng gần bên.
Tội, thương, có lần dừng xe để vào chiếc nón của bà 10 ngàn đồng rồi tính chạy xe tiếp. Chưa gì thấy tay bị níu, bà cầm tờ vé số, ấn vào tay, cũng bằng cái giọng cao vút, khó nghe, cố nói rõ ràng từng chữ, “Cầm, tui không ăn xin.” Dừng xe, cúi đầu xin lỗi rồi nhận tờ vé số, lòng hổ thẹn vô cùng. Từ đó hiểu ra, cho tiền một người có khi lại là cách làm tổn thương người ta vô cùng tận.
Họ xuất hiện từ bốn mốc cuộc đời, và dạy về bốn bài học khác nhau, chỉ là có chung một chất đàn bà trong cơ thể. Có mấy người cứ coi khinh đàn bà, nhưng xin lỗi, chuyện đàn bà đôi khi mất cả đời vẫn không sao hiểu cho hết.
An toàn
Hai lăm, chợt nhận ra bản thân thấy sợ mỗi khi bước vào thang máy, dù đông nghịt hay chỉ một mình. Hiểu đó là cảm giác vù