--> Chênh vênh hai lăm - game1s.com
XtGem Forum catalog

Chênh vênh hai lăm

“Lòng chênh vênh giữa lưng chừng cuộc sống.”

Xuất hiện một năm trước với truyện dài “Đời Callboy”, Nguyễn Ngọc Thạch nhanh chóng được biết đến như một tác giả trẻ thành công với những mảng đề tài gai góc như đồng tính, mại dâm, kinh dị hay chuyển giới.

Nhiều người cho rằng, Nguyễn Ngọc Thạch mãi cũng chỉ đi quanh những thứ gai góc như vậy, không thể viết được những câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm hơn. Và thế là “Chênh vênh hai lăm” ra đời như một thể nghiệm mới, một bước làm mới mình của tác giả, như một câu trả lời cho nhận định trên.

“Chênh vênh hai lăm” như cuốn sổ nhỏ ghi chép lại những điều vô chừng của cuộc sống một người trẻ giữa đất Sài Gòn. Những thứ được ghi lại không mới, nó bình dị và gần gũi đến mức đọc xong, người ta chợt nhận ra, ừ nhỉ, mình cũng đã từng trải qua cảm giác này, đã từng chứng kiến những việc này, chỉ là, mình không ngồi và viết lại chúng.

Đó là câu chuyện về một chú nhân viên bảo vệ công ty, ngoài 50 nhưng mỗi ngày vẫn gọi điện thoại cho vợ, mẹ tụi nhỏ muốn ăn gì, để ba về mua cho ăn. Đó là chuyện của anh giữ xe quán café, sợ trời mưa nên lấy nón bảo hiểm của khách úp xuống xe. Đó là chuyện của thùng trà đá miễn phí đặt bên lề đường và thái độ của những người đi đường dành cho nó.

Những câu chuyện tưởng chừng tủn mủn đó, lại góp cùng nhau để vẽ lên bức tranh cả một Sài Gòn nhiều mảng sáng tối.

Không giống với những tản văn của những người trẻ khác, thường mang giọng văn nhẹ nhàng, êm mượt, “Chênh vênh hai lăm” được viết với đúng với phong cách Nguyễn Ngọc Thạch, thực tế, gần gũi, không hoa mỹ nhưng vẫn lưu lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.

Có thể nói, “Chênh vênh hai lăm” là một tản văn lạ cho những người trẻ cần một góc nhìn mới từ những điều thân quen.

[Tải ảnh'>

CHÊNH VÊNH HAI LĂM


Cho những ngày Sài Gòn len chặt người cùng bụi

Có người hỏi, Sài Gòn cái gì mắc nhất?
Chuyện là ngày ngày đi làm ngang ngã tư có thùng trà đá ai để bên đường, viết rõ câu mời “Trà đá thơm ngon miễn phí”, để luôn mấy cái ly nhựa hơi bẩn.
Có bữa dừng đèn đỏ, nghe hai mẹ con trò chuyện.
“Con khát quá, mẹ cho con uống nước đi.”
“Không, lát rồi uống, nước đó uống không được.”
“Sao không được, người ta ghi là thơm ngon, miễn phí mà mẹ?”
“Không được cãi lời, nước đó là nước dơ bỏ đại vô dụ người ta uống…”
Rồi hai mẹ con rồ xe chạy mất, mặt thằng nhỏ vẫn còn tiếc nuối.
Có lần, một người thanh niên dừng xe đạp lại, rót ly trà đá mát lạnh uống. Hai bạn trẻ đi xe tay ga đắt tiền bên cạnh xì xầm:
“Nghèo lắm hay sao mà cái thứ nước này cũng dám uống…”
Thật chẳng thể biết bạn thanh niên kia nghèo hay không, chỉ thấy ít ra bạn ấy giàu lòng tin hơn hai bạn trẻ kia.
Hóa ra ở Sài Gòn, lòng tin là cái mắc nhất mà không ai cũng đủ khả năng mua cho mình.

Chênh vênh hai lăm

Hai lăm.

Chả xấu cũng chả đẹp, chỉ là biết cách nghiêng đầu, chọn một góc gương mặt nhìn được nhất rồi chụp lại, chỉnh cho mờ ảo, upload lên facebook nhận vài chục lượt like, thấy đời khoái trá hẳn. Để sáng lại quần áo xúng xính nhào ra đường đón nắng, bụi, gió ào vào khuôn mặt không trang điểm. Tự tin có nhiều người công nhận nhan sắc ta.
Hai lăm nổi mụn, mừng rơn, tự an ủi bản thân “lại” bắt đầu dậy thì, đậu thanh xuân chịu nảy mầm trên mảnh vườn cằn cỗi vết chân chim.
Hai lăm thích mặc quần đùi đi dự tiệc, lẹp xẹp dép lê lên thảm đỏ sự kiện. Không phải không đủ tiền mua áo vest, chỉ là nghĩ giữa đám người quần là áo lượt, lèng phèng lại thành phong cách riêng. Đến khi bị mời đi vì trang phục không phù hợp, cũng cười vì đã check-in cùng một tấm hình lung linh kịp chụp.
Hai lăm thích mang boots, bất chấp sự thật rằng nó khiến càng lùn thêm vài centimét hiếm hoi. Chỉ là thương cho gót chân mềm. Sợ có người thấy được điểm yếu Achilles nên phải bao bọc kỹ.
Chân dung hai lăm ngông ngênh đời, thích cười trong mưa, ngồi khóc khi nắng.
Những buổi sáng hai lăm nhàn rỗi, nằm dài nghe tiếng thời gian gõ nhịp lọc cọc, có con chim nhào ra cúc cu là biết đã sống thêm sáu mươi phút cuộc đời vô nghĩa.
Những buổi sáng hai lăm vội vã, ngược nắng, ngược gió mười một cây số rưỡi mua ly café đen ở quán quen ba hay uống, để kịp thấy tóc ba bạc nhiều hơn năm cọng so với hôm qua bên bàn cờ tướng lộp cộp.
Có lần nếm thử thứ café nắng gió, thấy cũng bình thường như bao nhiêu ly café đen khác. Hỏi thử mới được nghe, “Quán đó trước ba gặp mẹ lần đầu.” Hóa ra café ba uống không cần đường, nó ngọt bằng những kỷ niệm chẳng bao giờ phai nhạt.
Những buổi trưa hai lăm nhàn nhã, ngồi quán sóng sánh café đen không đường, sóng sánh nỗi nhớ chẳng biết nhớ ai, sóng sánh nhìn đời oằn người ngoài kia. Nhìn người ta chơi trốn tìm cùng nắng. Thấy đời hối hả trôi vèo khi chỉ mình ta chậm bước.
Những buổi trưa hai lăm bận rộn, lộc cộc gõ những từ vô nghĩa bằng con laptop bốn năm chinh chiến cùng nhau. Thấy phím muốn bung, thương, đời rồi khi nào bung bê như phím? Sợ mơ hồ vậy thôi chứ bản thân biết cũng đã chẳng còn khỏe như hồi bốn năm trước.
Thương thì thương thơ thẩn thế thôi.
Những buổi chiều hai lăm chạng vạng, ráng chạy theo chút nắng cuối ngày đang bỏ trốn màn đêm.
Thấy đời mong manh như pha lê.
Đưa tay níu nắng, giọt rớt trong lòng, lu mờ dần. Thấy đời cũng thế lu mờ dần.
Những tối hai lăm, thấy đau lòng. Vết thương cũ tưởng chừng thành sẹo, nay nứt toác, không chảy máu mà rỉ giọt tình, chẳng còn bao nhiêu để rơi vãi, chắc cũng vài lần nữa rồi lại khánh kiệt khô khan.
Hai lăm hay ra ban công nhà uống rượu, hút thuốc, thấy đời chấp chới vô cùng tận.
Nhìn người đi vàng vọt dưới kia, hỏi rằng người nào sống, người nào chết. Họ cứ bước đi trong đêm, chân rảo về những miền ký ức riêng không xác định, có khi ngày mai, một trong số họ chẳng còn ngẩng dậy nhìn mặt trời, nhưng đêm nay, chân vẫn cứ bước đều như đám lá vàng rơi xuống từng nhịp.
Đưa tay níu gió đêm, mát rượi. Thấy sẵn sàng để rơi. Nghĩ, rơi xuống có chết? Rồi lại nghĩ, có chắc đang sống?
Hai lăm bỏ công việc nhàm chán để theo đuổi đam mê. Nhìn người ta quây quần trong cơm áo gạo tiền cười khinh bỉ, đời không đam mê, sống chi cho hoài phí.
Nhìn lại thấy sống bản thân đeo đuổi đam mê để đến khi trong túi còn được vài chục ngàn, chẳng dám vào quán gọi ly café sang chảnh, thử hỏi không tiền, sống được sao?
Người cười ta điên?
Ta cười người quá tỉnh.
Những tối hai lăm lượn lờ hít bụi đường no phổi, ghé quán nhỏ ven đường, gọi ly sữa đậu nành nóng, uống cho đời bớt lạnh. Nghe câu chuyện của cô bán sữa mà mắt đỏ.
“Ráng vài năm nữa, thằng út xong đại học rồi về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chứ… sợ cái đất Sài Gòn này lắm rồi. Nó hút máu người ta.”
Chợt thấy bản thân xanh xao như thể máu đang bị rút cạn, minh chứng hùng hồn cho câu chuyện vừa nghe.
Hai lăm chạy xe thường hay hát. Chẳng đầu chẳng đuôi, cứ nhớ câu nào ráp lại thành câu đó, điệp khúc vậy mà ngân dài như quãng ngày hai lăm chưa đoạn lặp.
Hai lăm sợ những lần tụ tập cùng đám bạn thân. Nhan sắc tàn phai như xe mất thắng luôn là đề tài muôn thủa.
Chúng bảo nhau rằng phải bớt ăn, dành tiền cho mớ hóa chất người ta nghĩ ra để cứu vãn nhan sắc. Chúng bảo tao phải nhét thêm cái này vào người, phải rút bớt cái kia khỏi cơ thể. Chúng bảo tao phải cắt, phải nâng, phải cà… phải đẹp!
Lại vẫn lăn tăn hỏi nhau cái câu hỏi chưa bao giờ tìm được đáp án, “Sao vẫn chưa có tình yêu?”. Rồi lật đật nhìn lên cho kịp thấy một người đẹp đi ngang, tấm tắc, “Thế này mới mong cải thiện giống!”.
Hai lăm thường cô đơn ngay khi đang ngồi giữa đám đông nhiều người. Nói, cười như một thói quen khó bỏ.
Có thể an ủi người ta, nhưng chẳng thể làm bản thân hết buồn.
Có thể cho lời khuyên, nhưng mình thường bế tắc.
Có thể chọc cười thiên hạ, nhưng chẳng thể mua vui cho chính mình.
Có thể đi với rất nhiều người, nhưng khi cô đơn nhất lại chẳng muốn ai bên cạnh.
Thế thì đành lủi thủi một mình một ngựa sắt vượt đường đêm.
Hai lăm sợ những cơn gió ngược thốc vào người khi cô đơn lúc về. Thèm một vòng tay ôm siết từ phía sau đến lạnh.
Qua những đoạn đường vắng cũ, chợt nhớ khi xưa có lúc môi vội vã tìm môi, lén lút, vụng trộm, để rồi lưỡi chưa kịp chạm nhau đã tách ra vì sợ người ta thấy. Bất giác đưa tay sờ môi, thấy buốt mặn. Kịp ngẩn người về thực tại đã thấy bãi giữ xe trước mặt.
Hai lăm thấy kỳ cục, lúc chạy xe ra ngoài đường lại ngáp dài ngáp vắn, về đến nhà y rằng mắt mở thao láo. Chưa kịp thay bộ quần áo ra đã mở facebook, xem có ai khen tấm hình ban sáng chụp là đẹp không. Rồi lại phì cười khi thấy status người ta post cái gì liên quan đến nhớ nhung, chờ đợi. “Chắc nói về mình.”
Có lần, người ngỏ ý muốn sánh bước trong những ngày hai lăm buồn tẻ. Muốn mở cửa tim cho người ta bước vào. Nhưng khi người ta hỏi, “Tim còn đủ chỗ chứa thêm một người không?”, mới giật mình thấy hóa ra đã vun đầy. Tim còn nặng nề nhiều thứ quá, có những vết thương giờ chẳng hiểu vì sao bị thương, nhưng cái sẹo mờ vẫn hiển hiện khi liếc mắt nhìn qua nó. Thế là, người ta lại bỏ đi, chẳng thể nào tìm được đường vào tim lần nữa.
Hai lăm sợ cái gì đến nhanh, vì biết lúc đi cũng chẳng chậm. Vu vơ lắm.
Khuya hai lăm nằm coi phim bộ, tới mấy cảnh nam nữ yêu nhau, quơ quơ cái điều khiển cho nhanh qua. Thấy nhạt, yêu đương cũng quẩn quanh nhiêu đó, yêu, rồi chia tay, rồi lại yêu. Chạy hoài không khỏi.
Tới đoạn bà mẹ khóc tiễn con trên đoạn đường cuối. “Không thể được, sáng nay nó vẫn còn đang mỉm cười cùng tôi mà…”
Mắt lại đỏ hoe. Hai lăm, sợ cái gì liên quan đến sinh ly tử biệt của những người thân trong gia đình, vì chính bản thân đã kinh qua những lần ly biệt đó.
Hai lăm thích uống rượu vang, đã biết cảm nhận cái đắng chát của thời gian gìn giữ.
Và như thế, hai lăm chìm vào những cơn mộng sớm mai. Ngày mai ấy, mặt trời sẽ mọc, người ta sẽ thở, chó sẽ vẫn sủa và heo vẫn ăn nhiều. Hai lăm lại sống, lại cười nốt những ngày hai lăm nắng chao nghiêng tìm bến đậu.
Hai lăm, chưa phải ba mươi để chín chắn, già nua, nhưng cũng không còn hai mươi để trẻ trung, vô tư lự.
Vì vậy mà những ngày hai lăm, lòng thường chênh vênh lắm.

Taxi lạc lõng
Có những chuyến đi xa, mải miết suốt những chặng đường ngược nắng, ngược gió. Rong ruổi cùng tháng, cùng năm, cùng lòng người trắc trở lo toan. Mỗi chuyến đi như vậy, lại về nhà bằng chiếc xe khách chen chúc người và người.
Đã từng nghĩ, chuyến xe khách sẽ cho mình nhiều cảm giác yêu thương, bởi, nó là thứ vận chuyển đứa con về với gia đình, chồng về với vợ, mẹ về với con, người ta yêu được về với nhau, hay đơn giản, chỉ là về với căn phòng trống vắng hơi chủ dăm ba ngày.
Nhưng rồi chợt phát hiện ra cảm xúc mãnh liệt nhất mình nhận được, lại là lúc ngồi trên chiếc taxi vắng lặng từ bến xe hay sân bay về nhà, nơi bản thân im lặng nhìn đường, còn người xa lạ ngồi trên vẫn đang mải mê mưu sinh.
Vì chí ít, khi ngồi trên máy bay hay xe khách, chung quanh ta vẫn là nhiều hơn hai người, đến khi vào lòng taxi, chỉ mỗi mình ta với một người tài xế hoàn toàn xa lạ.
Đã có những ngày buồn và mệt mỏi, thay vì ngồi tù túng trong bốn góc tường ở căn phòng kín, hay thu lu tại quán café nghe những bài hát não tình, lại đứng bên vệ đường, đưa tay ngoắc một chiếc taxi, và cứ thế mà đi. Người ta hỏi muốn đi đâu. Chỉ bảo cứ đi. Đi, đâu cần phải đến, đơn giản chỉ là đi, đi khỏi cái nơi đang hiện hữu, đi khỏi những cảm giác trĩu nặng đang mang.
Cảm giác được bảo vệ trong bốn miếng sắt vuông vức, di chuyển chung quanh hàng trăm ngàn con người ngoài kia, an toàn lắm. Tấm kính của taxi cho phép nhìn những biểu cảm trên gương mặt người ta, mà không lo lắng bản thân để lộ cảm xúc. Thậm chí, có lần bắt taxi đi trong những giờ Sài Gòn cao điểm nhất, rồi ngầm nhìn ngắm người ta phản ứng ra sao trong mớ người chen chúc ngoài kia.
Có người bình thản, như thể họ biết có về nhà sớm một phút hay muộn ba mươi sáu phút cũng không khác nhau là mấy. Cũng chỉ đón họ là căn phòng cô đơn.
Có người mặt quạu cọ, người ta nhổm người coi đoàn xe diễu hành mà mình buộc phải tham dự còn kéo dài bao xa. Gấp rút như thể phải mang tim đi cấp cứu.
Có người lầm bầm gì đó mà đọc khẩu hình thì biết là một tiếng chửi thề, mô tả trần tục nhất bộ phận sinh dục đàn ông. Chắc chửi xong, con đường bỗng dưng rộng thêm vài chục mét.
Có người khe khẽ đưa tay nắm nhẹ bàn tay đặt sau lưng mình, mãn nguyện. Như đang cảm ơn đoạn đường lắm trắc trở khiến thời gian tình tứ bên nhau kéo dài được dăm bảy phút.
Có người ngồi trong taxi, nhìn những thứ ấy rồi loay hoay, chẳng biết nên chọn cho mình cảm xúc nào để dán lên gương mặt.
Ở cái khoảng không kín đáo bên trong taxi, thèm được nghe người ta hỏi: “Em có sao không?”. Nhưng ngồi cùng chỉ là một người đàn ông xa lạ đang thực hiện công việc nhàm chán, chở một người chẳng biết đi đâu. Ấy vậy mà người đàn ông đó cũng chẳng buồn nhấn còi. Đi không có đến, thì có gì để vội?
Lần cuối cùng anh ở Sài Gòn, khẽ nắm tay anh nói, “Em tặng anh một món quà, nhưng phải làm theo chỉ dẫn.” Anh gật đầu, cười hiền, “Ngày cuối cùng ở lại, là của em.”
Anh lên taxi ngồi, đóng cửa xe cho anh, dặn người tài xế cách đi vòng quanh những con đường vắng vẻ nhất của Sài Gòn. Lại vòng qua đưa anh cái máy nghe nhạc nhỏ xíu, bảo khi nào xe chạy, hãy bật lên nghe. Anh gật đầu rồi khuất dần vào dĩ vãng, vào ký ức ngủ quên.
Có người đỏ mắt nhìn theo.
Có người đỏ tim chờ.
“Những ngày bên nhau, Sài Gòn chật chội không chứa nổi hai trái tim yêu quá lớn. Ta cứ ngược nắng, gió, ngược luôn cả đời để yêu nhau. Giờ anh đi, Sài Gòn sẽ vẫn chật chội cho một nỗi nhớ quá lớn.”
Vắng anh, chỉ còn em cùng taxi lạc lõng. Vòng quanh mong nhìn lại bóng hình anh. Nhưng chơi vơi lắm một nỗi thất vọng trào dâng. Anh đâu giữa dòng đời vạn lối? Em đâu giữa muôn nẻo lòng người?
Những ngày nhớ, em sẽ ngồi một mình trong taxi lạc lõng. Sẽ đi lại những con đường cũ, để thấy em ngày hôm nay ra sao khi không còn anh.
Ở nơi nào xa xôi lắm, chắc anh sẽ đi taxi, và khi đó, hãy nhớ rằng ngày ấy ở Sài Gòn, đã có chuyến taxi đưa anh đi đến những miền yêu xa…”
Và vậy là anh đi.
Và vậy là chờ.
Những tháng ngày vắng lặng rơi xuống cùng từng tờ lịch xé vội. Tin nhắn, những cú điện thoại đường dài cũng lặn mất tăm giữa muôn vàn lo toan cuộc sống.
Lời hứa ngày xưa, nhắc lại chỉ để người ta thêm buồn cười vì một thời trẻ mình đã yêu hết mình. Chợt nhận ra sau mối tình đầu, đã chẳng thể nào toàn tâm toàn ý yêu thương một người cho trọn vẹn.
Hôm nay ngồi trên taxi lạc lõng giữa trăm vạn người xung quanh, lòng lại thấy tĩnh lặng như mặt hồ thu.
Những chuyến taxi như vậy cứ lần lượt lướt qua ký ức, đến những con đường thênh thang. Lòng người cũng thênh thang.
Có lúc nhìn ngắm bên vệ đường, mảng cỏ xanh mới lần trước ghé qua nay người ta đã bứng đi đâu, trơ trọi nền xi măng cứng ngơ cứng ngắc.
Có lúc nhìn mảng tường cũ kỹ, nhớ lần trước ghé qua vẫn còn cằn cỗi, trơ trơ, nay đám dây leo rảnh rỗi nơi đâu kéo đến mọc chơi. Mát rượi lòng người.
Xe vẫn cứ chạy, và nhạc vẫn cứ vậy nền nã bên tai.
One way ticket to the blue.
Vé một chiều đến những niềm đau…
Nếu một lúc thấy bản thân chẳng còn được an toàn, bạn hãy thử đứng bên vệ đường ngoắc một chiếc taxi, đi vòng quanh những con đường Sài Gòn chật chội và nhìn người ta sống ra sao. Để thấy rằng, được ngồi giữa taxi lạc lõng, lại thấy lòng mình lặng biết bao nhiêu.

Có đoạn đời cô đơn cùng facebook

“Ở thế giới đó, người ta có trăm ngàn bạn bè, vài ngàn người theo dõi, thế nhưng thực chất vẫn là như đứa trẻ tự kỷ ngồi thu lu trong căn phòng tù túng, loay hoay hoài chẳng biết làm cách nào thoát khỏi sự cô đơn đến nghẹt thở.”
4 tháng hai năm 2004, Mark có lẽ không bao giờ nghĩ rằng mạng xã hội mình sáng lập ra lại có thể làm được nhiều việc và trở thành một cuộc cách mạng như vậy. Nhưng đồng thời, nó cũng làm cho người ta tranh cãi, buồn, vui, đau khổ nhiều như vậy.
Chẳng ai phủ nhận, thực sự facebook kéo người ta chìm đắm trong thế giới ảo, nó như cơn nghiện dai dẳng chẳng thể nào tìm được cách cắt cơn.
Có người cáu bẳn lên, rồi post lên một cái status – lại trên facebook – rằng, họ sẽ từ bỏ nó, thế nhưng vài ngày sau, lại thấy người đó comment nhiệt tình ở những vấn đề vốn chẳng liên quan đến mình.
Như cái kiểu, “Bạn hãy thử cai nghiện facebook để tập trung học hành, làm việc đi. Tôi đã thử và thành công rất nhiều lần.”
Người ta mê mẩn facebook vì một lý do đơn giản, họ cần sự quan tâm, dẫu cho chỉ từ những người chưa quen biết, thông qua một cái nhấn like hay một dòng comment.
Thú nhận đi, nếu bạn đang sở hữu một cái facebook, dù bận rộn thế nào, bạn cũng muốn dành chút thời gian để kiểm tra coi có ai like, comment trên status, hay hình của mình không.
Nếu có, bạn hí hửng trả lời, tự cười và thỏa mãn vì thấy rằng chí ít cũng có người đồng cảm với ta, hiểu những gì ta muốn nói, chia sẻ những nỗi buồn vu vơ.
Nếu không, ta chợt thấy cô đơn kinh khủng, nhưng sẽ vẫn ngồi đọc để coi thế giới xung quanh đang diễn ra chuyện gì, và ta sẽ comment, like cho người khác, để hi vọng họ đối đáp tương tự.
Hay đơn giản, người ta muốn bật facebook lên để thấy câu: “Bạn đang nghĩ gì?” và thầm cảm ơn Mark đã luôn quan tâm ta.
Vì vậy, càng cô đơn người ta càng điên cuồng facebook. Được quan tâm, luôn là nhu cầu cơ bản nhất về mặt cảm xúc mà con người cần.
Có facebook, người ta bỏ đi nhiều thói quen nhàm chán.
Thay vì phải đọc hàng loạt tin tức chưa chọn lọc, chúng ta chỉ cần đọc những thông tin nhiều người chia sẻ, vì đó là thông tin đang nóng, chắc chắn thế nào ngồi café cũng được đem ra bàn.
Thay vì coi game show TV, chúng ta chỉ cần lướt facebook là đã có thể biết đội nào thắng, thua, ai hát hay, ai mặc đồ gì. Rồi có thể viết những status rất dài để thể hiện rằng dù chưa qua trường lớp nhưng ta vẫn là giảng viên thanh nhạc, nghệ thuật.
Thay vì đứng dậy đi làm từ thiện, giúp đỡ những người khốn khổ xung quanh, chúng ta cứ an tâm rằng những cú click like của mình sẽ biến thành cơn mưa tiền xu rơi vào túi người nghèo. Hay còn ghê gớm hơn, có thể chữa được luôn cho những người đang trong cảnh ngặt nghèo bệnh tật.
Mỗi lần bị thương tật, thay vì đi mua thuốc uống hay tìm cách chạy chữa, có người lại chụp hình rồi post lên facebook. Rồi ngồi đó, an tâm rằng những cú click like, những câu comment sẽ biến thành thần dược, chữa lành mọi vết thương nếu có.
Và ta an tâm chết trong cõi ảo.
Ở facebook, con người ta biết cách che giấu cảm xúc, che luôn cái tôi vị kỷ, hay tạo ra lớp vỏ bọc cứng cáp giả tạo để chống lại mọi thứ xung quanh.
Khi post một status buồn thảm, có người quan tâm, hỏi han, ta lắc đầu rồi comment bên dưới. “Chẳng có gì đâu, chỉ là lời bài hát, hay cảm xúc vu vơ thôi.”
Thực chất, lòng ta đang buồn vô hạn.
Facebook cũng thường là nơi ta thể hiện cái tốt nhất của mình.
Có người chụp hình, rất đẹp, rất rạng ngời với quần áo lung linh, khung cảnh hoành tráng, và rất nhiều người like.
Có người post những status vui vẻ, buồn cười, ai đọc vào cũng cảm thấy thư giãn, và rất nhiều người like.
Có người viết những câu chuyện sầu thảm về những số phận đau thương trong cuộc sống, và cũng rất nhiều người like.

Nhưng lạ lắm, có người thay vì post những điều thể hiện bản chất, nội tâm, suy nghĩ hay post những tấm hình chân thật của mình, họ kéo áo, tụt quần, trang điểm lòe loẹt, hở những nơi cần hở, thậm chí không cần cũng hở, rồi nhận được rất rất nhiều người like. Đến cuối cùng, họ than thở rằng: “Người ta chỉ đến với mình bằng nhan sắc bên ngoài, không ai hiểu mình đang cảm thấy thế nào…”
Phải chăng trong thế giới ảo, ta nghĩ rằng mình chẳng cần sống thật?
Nhưng chắc chắn có lúc người ta đã ganh tị, “post cái status nát óc nghĩ ra, nhận hai, ba lượt like, không bằng một bạn hotboy, hotgirl post tấm hình tự sướng có ngàn lượt like…”
Chuyện ấy đâu có gì là lạ nơi facebook, vì nhiều người, mắt họ nhìn thấy rồi truyền lệnh cho tay nhấn like, nhưng chắc chắn không kịp ra lệnh cho não để suy nghĩ và cho con tim để cảm.
Facebook cũng là chỗ ta thể hiện yêu thương.
Có người vài ngày trước tình trạng đang ở “single”, vậy mà nhìn lại đã “in relationship”.
Yêu thương, người ta đem lên facebook khoe để mọi người cùng biết mà chúc mừng. Nhớ nhung, hờn giận, hạnh phúc gì cũng đều cập nhật trạng thái.
Đến khi qua cơn, lúc lâm vào thù hận, người ta cũng lên facebook dùng những ngôn từ có cánh làm đau nhau.
Họ làm vậy, chỉ để cố ý làm xấu nhau, nhưng nào hay bản thân mình đã kịp xấu trong mắt rất nhiều bạn bè và người dùng facebook khác.
Cũng có lúc, ta post một status đầy tình cảm, yêu thương ngầm ý nói về một người, nhưng chẳng đủ can đảm để tag người đó vào để họ hiểu.
Nhưng khi thấy đương sự vào nhấn like, hay comment, ta mừng húm, hi vọng họ biết rằng ta đang nói về họ.
Facebook nói chung kỳ diệu lắm… nhưng chỉ xin nhắc rằng, facebook chỉ là một thế giới ảo.
Thay vì ngồi post một status cô đơn, hãy dứng dậy bước ra gặp gỡ những người bạn mới.
Thay vì ngồi like một tấm hình từ thiện, hãy đăng ký làm thành viên để đi đến tận nơi trao yêu thương.
Thay vì ngồi comment chia sẻ nỗi buồn, hãy gọi cho chủ nhân status đó và nói rằng bạn muốn gặp họ để nói chuyện.
Mọi thứ sẽ khác đi nhiều lắm.
Có người đã nói một câu, thấy rất có lý:
“Khi bạn post một status không vui trên facebook, có thể rất nhiều người vào like hay comment, nhưng chắc chắn không ai giải quyết được vấn đề giùm bạn, vì họ còn phải bận lo update status tâm trạng của chính mình.”
Nếu bạn đọc đến đây, chắc rằng bạn đang có một facebook nhiều bạn bè và thấy mình đã từng có một trong những tình trạng tương tự như vừa nêu. Chẳng sao cả, điều đó chỉ chứng tỏ bạn cô đơn và muốn được quan tâm. Điều đó chỉ chứng tỏ chúng ta đang sống trong một xã hội kết nối để phát triển.
Chỉ mong bạn nhớ rằng, nên nhớ giữa ảo và thực luôn hiện hữu một lằn ranh nhất định.
Ở nơi đó, có một thế giới.
Chuyện trò được thể hiện bằng comment.
Quan tâm bằng cách nhấn like.
Chia sẻ đơn giản qua nút share.
Và tâm trạng thể hiện trên status.

Công ty có chú nhân viên tên Mười, phụ trách mấy việc linh tinh như sửa ghế, sửa tủ, chỉnh âm thanh…
Chú gần 50, người đen, nhỏ thó, mặc bộ quần áo công ty thùng thình.
Nhưng tình yêu dành cho vợ thì lớn.
Có ngày đi làm về, nghe chú điện thoại, “Mẹ về trước đi, ba vòng ra chợ mua đồ, về nấu cơm cho cả nhà, tối mẹ muốn ăn gì?”
Hay nghe kể lại, sáng nào chú cũng phải tự tay dắt xe của vợ ra khỏi cửa rồi mới yên tâm đi làm.
Có một người yêu thương mình như vậy, thật không hoài phí một kiếp này…

Em rất tốt, nhưng anh rất tiếc
Thằng em họ năm nay 20 tuổi, yêu cô bé nhỏ hơn 2 tuổi đã được 3 năm. Đến nay không còn tình cảm nên quyết định tẽ đôi đoạn đường đời còn lại. Chỉ là thằng em không muốn gặp mặt cho đau lòng, nên chọn cách gửi tin nhắn để chấm dứt tất cả.
Con bé không cam lòng, quyết tâm lên nhà kiếm thằng em cho bằng được, làm thằng nhỏ hoảng, bỏ qua nhà bạn trú tạm hai, ba tuần lễ chưa thấy về.
Con bé ngốc nghếch chọn cách ngồi dưới ghế đá gần nhà, canh coi khi nào thằng nhỏ về để gặp mặt. Giết thời gian chết, nó lấy giấy xếp hình mấy ngôi sao con con, chắc hy vọng người ta nói, đủ 1.000 sao thì ước mơ thành hiện thực.
Nhìn cảnh đó, thương làm sao. Chợt nghĩ, phải chăng khi bắt đầu yêu, ta cần phải học luôn cả cách chia tay.
Dĩ nhiên, không phải mối tình nào rồi cũng đến lúc chia tay. Nhưng trước khi chiếc xe cuộc đời tấp vào bến cuối, chắc hẳn phải qua đến ba, bốn điểm dừng. Và kết thúc mỗi đoạn dừng chân, có lẽ ta nên chuẩn bị tinh thần cho một lời chào từ biệt.
“Chia tay”, hai chữ tưởng chừng đơn giản nhưng có đến cả ngàn cách nói. Khéo léo là làm sao để đối phương không thấy quá đau lòng, cũng có khi là để sau này còn gật đầu khẽ chào nhau được nếu vô tình gặp gỡ.
Có người chọn cách chia tay trong im lặng. Họ chỉ đơn giản là biến mất khỏi cuộc đời nhau như chưa từng tồn tại. Để lại đối phương với nỗi suy đoán, ngờ vực, thậm chí giày vò trong chính sự im lặng ghê sợ đó.
Có người chia tay trong nước mắt. Họ nói, và họ khóc. Họ hy vọng rằng nước mắt có thể hóa thành dây trói để siết chặt tim đối phương, chỉ tiếc là vô vọng. Khi nước mắt khô đi, thì tình yêu cũng cạn kiệt.
Có người chọn chia tay bằng nụ cười. Họ chỉ mỉm cười nhìn nhau, rồi quay lưng, mỗi người đi về một hướng riêng lẻ. Dẫu biết đoạn đường sắp tới chỉ còn mỗi mình ta độc bước, nhưng vẫn mỉm cười bước đi, vì cảm thấy ta đã yêu rất đủ đầy, rất vui vẻ.
Và có cả những người chia tay bằng nỗi đau. Từ đôi môi trước đây nói những điều ngọt ngào, họ tuôn ra thứ câu chữ cay độc cứa vào tim nhau cho rỉ máu. Họ thậm chí nghĩ đến việc đem những bằng chứng tình yêu trưng ra để đối phương nhục nhã. Cho đến khi ngôn từ bất lực, họ buộc phải để bạo lực lên ngôi. Nhìn thấy con người ta từng yêu thương trở ra như vậy, thử hỏi, lòng có chợt đau?
Khi chia tay, người ta thường hay nói:
“Anh xin lỗi… nhưng em là người anh đã yêu thương nhất. Hy vọng em sớm tìm được hạnh phúc.”
Câu nói ấy sáo rỗng làm sao, như cái kiểu “Em rất tốt, nhưng anh rất tiếc.” Nói vậy để làm gì nhỉ? Để cố gắng an ủi đối phương? Để thể hiện rằng ta đây là người vô cùng nghiêm túc trong chuyện tình cảm? Hay muốn gieo vào lòng đối phương cảm giác tiếc nuối, dằn vặt vì đã không biết giữ mình lại? Hay đơn giản chỉ là nói cho có nói vậy thôi. Vì sao lúc bên nhau không trân trọng, đến giờ lấy đi rồi lại chúc người ta tìm được một hạnh phúc mới.
Nói vậy, thà im lặng còn hay hơn.
Với mối tình vừa xa cách, câu cuối cùng đã nói với người ta là:
“Cảm ơn em đã đi cũng anh một đoạn đời cô đơn.”
Chẳng dám khẳng định hoặc cho rằng câu nói của mình là hay, là đúng, nhưng thiết nghĩ, thật sự phải cảm ơn người ấy cho những điều ngọt ngào nhất đã trao tặng trong lúc còn yêu thương.
Như thể chúng ta dừng xe, đón một người khách lên chuyến xe cuộc đời, rồi khi dừng ở một bến đỗ, người ta đi xuống thì người tài xế là ta nên lịch sự cảm ơn là điều hợp lẽ.
Đôi khi, cách chia tay của cả hai lại chẳng thể hòa hợp cùng nhau, và đó là vấn đề phát sinh nhiều chuyện đau đầu, như em họ và cô bạn gái.
Cô gái muốn gặp, nhưng chàng trai lại muốn im lặng rời khỏi, vì nhiều khi gặp lại càng thấy đau lòng hơn.
Một người muốn dùng lời lẽ cay nghiệt để làm đau đối phương, trong khi người kia chỉ biết mỉm cười cho qua việc.
Ta suy nghĩ coi có nên nhường nhịn cho đối phương, lần cuối cùng trước khi mãi xa cách, hay vẫn nhất quyết giữ cho bằng được cái tôi cá nhân. Đến đây, lại dùng cái nghĩa để phân trần vì lúc này tình thì đã hết. Nghĩa đấy là lúc nhớ lại những ngày còn hạnh phúc, vui vẻ cùng nhau.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, thì kết quả vẫn chỉ là một. Sau thời khắc ấy, cuộc đời chúng ta vắng bóng một con người từng khắng khít.
Hạnh ngộ rồi chia ly, cuộc vui rồi sẽ tàn, chỉ là sớm hay muộn. Chúng ta biết rằng, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ qua. Nhưng để quên đi những kỷ niệm ngọt ngào, quên đi hình ảnh một người yêu thương, là điều không hề đơn giản. Thế nên sau khi chia tay, ta cần phải học cách để sống… mà đơn giản nhất là tập làm quen dần với cảm giác thiếu vắng người kia trong cuộc đời.
Ngày còn yêu, khi đau buồn, tôi thường mượn vai họ làm điểm tựa, nay phải làm quen với việc úp mặt vào đôi bàn tay gầy guộc.
Ngày còn yêu, khi nước mắt lăn dài, họ thường tìm cách an ủi, dỗ dành, nay phải làm quen với việc nuốt nước mắt vào trong.
Ngày còn yêu, chỉ cần một tiếng ho nhẹ, họ đã khoác áo, hỏi han, nay phải làm quen với việc tự đi mua thuốc cho mình.
Ngày còn yêu, điện thoại luôn ngập tràn tin nhắn, cuộc gọi, nay phải làm quen với việc nó trống trơn, thỉnh thoảng báo tin nhắn của tổng đài khuyến mãi.
Ngày còn yêu, không khi nào thấy lạnh khi chạy đường đêm, vì có họ ngồi đằng trước, nay phải làm quen với cơn gió thốc ngược vào người.
Ngày còn yêu, được họ yêu, nay phải làm quen với việc tự yêu chính bản thân mình.
Và cứ như vậy, chỉ đơn giản là tập làm quen với việc sống mà không có người ta.
Quãng thời gian đó dài hay ngắn, còn tùy thuộc vào ta đã từng yêu nhiều hay ít.
Trong những ngày đau khổ nhất về một mối tình đã qua, mẹ không biết tường tận, nhưng linh cảm đàn bà để nói một câu bâng quơ:
“Mấy cái chuyện tình cảm, lúc đau thì nó đau ghê lắm, nhưng được một thời gian là thôi… chẳng còn nhớ gì đâu.”
Đến giờ vẫn luôn nhớ câu nói của mẹ và cảm thấy nó vô cùng đúng..
Cũng có nhiều người vào hỏi cách để quên đi một người, với những người như vậy, chỉ có một lời khuyên.
“Nếu khóc được, hãy cứ khóc. Vì ít ra nỗi đau cũng còn có chỗ nương nhờ rồi rơi xuống đất vỡ tan, hơn là phải cứ chất chứa trong lòng… Nếu thấy nhớ, thì cứ nhớ cho bằng hết. Vì lúc tìm quên là lòng lại càng nhớ nhung da diết, nên thôi đành dặn lòng cứ cố nhớ để tìm quên…”
Cách đấy đau lắm, mà cũng không dễ làm, nhưng đã làm được thì chắc chắn nỗi đau sẽ vơi đi rất nhanh.
Vậy nên mới thấy, yêu nhau khó một, giữ nhau khó mười thì đến lúc chia tay chắc phải khó một trăm lần.
Có lẽ vì vậy mà mỗi lần yêu, thường hay nói trước với người ta.
“Dù có giận cỡ nào, tức tới đâu, cũng đừng bao giờ nói chia tay. Chữ ấy không phải có thể đem ra đùa, để rồi nguôi nguây lại tìm về nhau để yêu…”
Cũng coi như là học cách chia tay ngay khi bắt đầu cuộc yêu.

Vợ chú Đơn
Vợ chú Đơn rất tốt bụng, nên thường đi đến gặp nhiều người, có khi ở với họ một khoảng thời gian dài… Người đàn bà đó, ta hay gọi là “Cô đơn”.
***
Những năm hai mươi mấy tuổi, cô đơn như cái kiểu thời trang chẳng đẹp đẽ gì mà người trẻ nào cũng khoác lên người. Người ta cô đơn ở mọi nơi, mọi lúc.
Cô đơn tìm ta bất cứ khi nào có thể mà không cần hẹn trước, cứ hung húc vào tim làm người ta ngẩn ra một lúc rồi mới kịp nhận biết, à, hóa ra đó là cô đơn.
Có khi ngồi giữa đám đông bạn bè, ta lại cô đơn.
Có khi đi với người yêu, chợt lòng cũng thấy cô đơn.
Có khi đang ăn cơm cùng ba mẹ, vẫn cảm thấy cô đơn.
Có lúc, cô đơn đến mức tự cầm điện thoại gọi vào số máy của mình để nghe tiếng báo bận. Đến cả mình còn chẳng thèm nghe điện thoại của mình, thì còn ai chịu quan tâm?
Có đoạn đời, lại phải đi mua một tấm gương lớn, đặt sát cạch giường ngủ. Để rồi nửa đêm trong cơn mơ màng mộng mị, cứ ngỡ như còn một bóng người kề bên.
Cô đơn có khi làm ta yếu đuối đến nỗi, chẳng dám để ai thấy mình khóc cười. Có khi thấy cơn mưa thoáng chốc, mừng rỡ chạy ào ra để khóc cho đã, vì khi ấy chẳng ai biết đâu là nước mắt, đâu là nước mưa.
Cũng có lúc, vì sợ cô đơn, muốn trốn khỏi tầm với, ta chấp nhận mở cánh cửa lòng để người khác bước vào. Để rồi chẳng bao lâu sau đó, người ta lại vội vàng rời khỏi, mang theo luôn nỗi cô đơn đã vừa kịp nhân bản từ ta.
Cô đơn như vậy mà trở thành thứ dịch bệnh lây lan trầm kha của những người còn trẻ.
Có mấy người hỏi, cô đơn là gì? Cảm giác cô đơn nó thế nào? Cũng chẳng biết, chỉ biết rằng lúc nó đến, chẳng làm người ta đau, chỉ làm người ta đột nhiên nhận ra xung quanh mình là bóng đêm đậm đặc dù thực chất đang giữa trăm vạn người.
Có ngày cuối năm trên đường từ công ty về bốn bức tường trống của thứ tạm gọi là nhà, cô đơn xồng xộc vào lòng, chẳng hiểu làm sao lại dừng giữa đường, ngồi nhìn hàng ngàn con người đi ngang qua mình rồi tự hỏi:
Giữa 7 tỷ con người kia, ai cũng cùng đang cô đơn như ta?
Phải chăng chỉ những người cô đơn mới có thể nhìn ra nhau giữa biển người muôn trùng sóng.
Và cô đơn để ta chờ đợi một người đánh cắp sự cô đơn từ ta… mà chờ đợi cứ trong vô vọng. Cái mình chờ đợi chẳng biết bao giờ đến, thậm chí có khi là mãi mãi chẳng thể đến bên cạnh. Như hai bờ sông hoài nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng sông cuộn trào lo toan.
Có khi ta mong chờ ai đó cho ta một chút tình để quên khoảng ngày mệt mỏi đứng chờ, nhưng hoài chẳng thấy, cảm giác đó vẫn là cô đơn.
Đến lúc cầm cả khối tình trên tay, loay hoay sợ hãi để rồi trao cho một người chính ta cũng chưa biết họ có phải là người xứng đáng. Để rồi ngay cả khi bên cạnh một người tưởng-như-người-yêu, ta vẫn cảm thấy cô đơn.
Cô đơn khi gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, những người đang yêu mà vẫn có thể cô đơn khi ở bên nhau. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Đã cay nghiệt mà vẫn phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn. Cái vòng luẩn quẩn như thít thành thòng lọng, siết dần mòn những cảm xúc còn sót lại trong ta.
Một mình ta cô đơn để đau một, thì ngay khi cạnh người yêu, ta cô đơn lại để đau đến mười.
Có khi giữa một đám đông con người, ta vẫn thấy cô đơn đến cùng cực. Vì trong mỗi ta, vốn dĩ tồn tại hai bản ngã. Một bản ngã để người khác nhìn vào, và một bản ngã chỉ để ta nhìn thấy. Nếu bản ngã chỉ chính ta nhìn thấy không vui, thì bản ngã thể hiện ra ngoài cũng gặp nhiều rắc rối. Có khi như một diễn viên, cứ cố vẽ lên gương mặt bao lớp trang điểm tươi cười, để rồi khi xóa đi lớp tẩy trang, chỉ còn trơ lại khuôn mặt vô hồn, không cảm xúc. Ta lạc lõng giữa muôn vàn người là do vậy. Ta cô đơn giữa 7 tỷ người cũng vì như vậy. Như bước vào một cửa hàng đầy đủ đồ đạc, nhưng không có thứ mình cần cũng phải vội bước ra với cảm giác trống trải, khó chịu.
Người ta cô đơn, đôi khi vì xung quanh không ai có thể hiểu ta. Cứ như con nước trôi qua bao bến bờ, có lúc gặp thuyền, có lúc gặp hoa trôi, nhưng cũng chỉ lướt qua một lần trong đời, hiếm hoi lắm mới có cơ hội tương phùng. Kiếp cô đơn ấy vậy mà vẫn hoài cô đơn.
Có khi chính bản thân ta lại bị kẻ khác hờ hững, dù ta nồng nhiệt đến mức nào chăng nữa. Đau cũng sẽ đau, buồn cũng sẽ buồn, nhưng trên hết, cô đơn vẫn sẽ là cảm giác kinh khủng nhất ta phải đối mặt. Ta cô đơn vì ta vô hình trong mắt họ.
Cũng có khi hai kẻ cô đơn lại tìm đến nhau lúc cùng đường bí bách. Những tưởng cô đơn vì vậy mà biến mất, nào ngờ, chỉ nhân đôi, đọa đày cả hai người trong đó… cô đơn đến cùng cực.
Có lẽ, chỉ có ai đã cô đơn mới có thể hiểu nỗi buồn, mới thấy cái hoang dại trong cuộc đời của kẻ cô đơn.
Có lần yêu, người bảo: “Bản chất của gió là tự do, bản chất của anh là cô đơn.”
Ta hỏi: “Vì sao đã cô đơn lại chọn yêu?”
Người im lặng.
Ta biết bản chất của gió là tự do, bởi đã đôi lần ta đưa tay nắm gió. Mở rộng bàn tay để thấy rằng gió mát, nhưng đến khi muốn giữ gió lại cho riêng mình bằng cách nắm chặt tay, gió đã đi mất, chỉ còn cảm giác hâm hấp, hầm hập khó chịu trong tay.
Ta biết bản chất của người là cô đơn, bởi đã có lần ta cô đơn cùng người. Trong căn phòng vàng vọt ánh đèn, người và ta im lặng, chỉ có khỏi thuốc, chỉ có tiếng nhạc rả rích âm âm.
“You and I, moving in the dark…
Body close… but souls apart.”
(Đôi ta cùng nghe bóng đêm qua…
Thân xác kề cạnh nhưng linh hồn tách biệt)
Và người cũng đã đi mất, chỉ còn cảm giác âm ỉ trong tim.
Và người có biết? Bản chất của ta là yêu người… dù người có đi đến một chân trời mới, ta vẫn sẽ một mình gặm nhấm nỗi cô đơn giữa chốn thành thị náo nhiệt này, chờ đợi người như một thói quen. Thói quen cô đơn khó từ bỏ.
Và gió vẫn cứ tự do.
Và người vẫn cô đơn.
Và ta vẫn hoài chờ.
Có lẽ vì vậy, mà chẳng ai thích “vợ chú Đơn”… Người ta thấy cô đơn đến thì lại lo âu, buồn bã, chẳng ai biết rằng, cô đơn lâu ngày lại cho ta những điều rất kỳ lạ.
Cô đơn lâu ngày, ta không còn muốn yêu thương nhăng nhít, sợ luôn những mối tình đến vội đi chóng vánh, thay vào đó quý trọng tình cảm bạn bè hơn.
Cô đơn lâu ngày, ta không còn thích những nơi ồn ào, náo nhiệt, đơn giản chỉ muốn ngồi trong căn phòng đón nắng bên ly trà và cuốn sách yêu thích.
Cô đơn lâu ngày, ta nhận ra gia đình là nơi quan trọng nhất, ta trưởng thành và yêu thương cha mẹ nhiều hơn.
Cô đơn lâu ngày, ta thích mua giày và đi du lịch, nhận ra rằng ở mỗi miền đất xa lạ, ta học được ngàn bài học hay ho.
Cô đơn lâu ngày, ta giỏi hơn khi vững vàng đối diện, buồn một mình nhưng luôn tìm cách để mọi người thấy ta vui.
Và có người, hiểu rằng cô đơn cũng tốt. Tốt hơn nhiều so với việc có ai đó bước đến, khuấy đảo cuộc sống ta… lấy đi tất cả rồi lại lặng lẽ rời xa mãi mãi.
Có khi qua trăm năm cô đơn nhìn lại… chỉ đáng là một hạt bụi thời gian.
Ngày thơ trẻ ta sống mòn hoài phí… chịu cúi đầu làm nô lệ của cô đơn.

Hạnh phúc đâu xa
Heo con buồn bã hỏi heo mẹ:
“Mẹ ơi, hạnh phúc là gì thế?”
Heo mẹ nhẹ nhàng trả lời:
“Hạnh phúc là cái đuôi của con đó.”
Heo con quay lại, cố lấy tay chụp cái đuôi của mình, nhưng vô vọng, nó lại buồn bã ngồi nhìn mẹ. Heo mẹ mỉm cười:
“Con thử bước đi bình thường xem sao.”
Heo con làm theo, và nó nhìn bóng mình dưới nắng, cái đuôi đang lẽo đẽo đi theo nó. Heo con mừng rỡ khoe với mẹ:
“Mẹ ơi, hạnh phúc đi theo con rồi mẹ ơi…”
***
Có lần say, đứa em gục mặt vào vai, khóc tấm tức, nghẹn ngào bởi trăm niềm đau bề bộn. “Sao cuộc đời em, chưa bao giờ được một lần hạnh phúc?” Dỗ dành mãi chẳng được, chỉ biết rót cho em tách trà nóng, hàn huyên giữa đêm gió cùng sao rủ nhau bỏ đi chơi biền biệt.
Em còn ba, còn mẹ. Em biết lúc nào mình có thể quay về gia đình để ăn bữa cơm không toan tính, lo âu. Em biết chỉ cần ho nhẹ, mẹ sẽ vội vàng đi mua thuốc. Em biết chỉ cần xe hư, ba sẽ dẫn giùm đi sửa. Đấy là em đã hạnh phúc hơn hàng vạn đứa trẻ chẳng thể biết được mặt ba mẹ là ai.
Em vừa chia tay mối tình để rồi gục ngã… nhưng ít ra, cũng đã có lúc em yêu và được yêu nồng nàn từ con tim hồng. Có lẽ trong khoảng thời gian yêu, em đã vui, để giờ khi tình yêu đi qua, em thấy mình bất hạnh. Nhưng ít ra, em đã hơn rất nhiều người chưa từng yêu hết mình vì còn vụ lợi, cân đong, toan tính trong tình yêu. Và họ chưa từng được yêu như em.
Em đang học Đại học, điều đó trong tâm thức của em, của rất nhiều người, bình thường đến tầm thường. Ấy vậy mà báo đài đưa tin, hàng ngàn trẻ em vùng Lạng Sơn phải ngừng giấc mơ đèn sách, con chữ chỉ bởi gia đình không đủ điều kiện. Hóa ra cái việc tưởng chừng như bình thường của người này lại là niềm hạnh phúc vô bờ của người kia.
Em sinh ra đời, ngày đó chắc hẳn như bao người đàn bà khác, mẹ em nhìn thấy con mình đầy đủ tứ chi, ngũ quan không tật nguyền, đã mỉm cười hạnh phúc. Bản thân em cũng đã là một hạnh phúc lớn lao của bậc sinh thành, bởi, em biết không… còn nhiều bạn phải ngày ngày gồng mình để viết bằng chân, lò mò tay qua từng dòng chữ nổi, hay quơ tay ra dấu khi muốn nói điều gì đó. Cơ thể ta lành lặn, đó đã là một hạnh phúc đặc ân của tạo hóa.

Ngay giờ đây khi khóc, em còn một người để dựa vào… ấy vậy đã là hạnh phúc hơn rất nhiều người đến cuối cùng chỉ còn biết bưng mặt vào tay hứng nước mắt. Có một người không phải người yêu, chỉ là để ở bên cạnh, nghe ta nói, cười, nhìn ta khóc, cũng đã là một hạnh phúc không phải ai cũng có được.
Hạnh phúc, hai chữ ấy đơn giản, nhưng hình như chẳng ai có thể gọi đúng hình hài của nó ra sao. Có khi mất cả đời để đi tìm, để rồi cuối cùng đến lúc nằm xuống, chợt nhận ra thứ ta vẫn có lâu nay vốn dĩ đã là hạnh phúc.
Hạnh phúc như nằm ở một khoảng lưng chừng nào đó trong cảm giác của con người ta, và nó cũng biến thiên theo từng thời điểm.
Có khi, hạnh phúc của người này là niềm đau của người kia.
Có khi, để đến được hạnh phúc, ta phải gạt đi rất nhiều nước mắt.
Cũng có khi, ta lầm tưởng thứ mình đang có tên là hạnh phúc, nhưng hóa ra gột đi lớp vỏ bên ngoài mới thấy thực chất chỉ là nỗi đau đậm đặc.
Hạnh phúc với ta, có lúc như viên kim cương đối với kẻ nghèo. Dành dụm cả đời không có tiền mua được. Có khi vô tình nhặt giữa dòng đời tấp nập, bon chen, lại chẳng thể nào giữ lấy để ngắm cho thỏa thuê, mà vội vội vàng vàng đem đi đổi lấy những thứ vật chất khác, tầm thường nhưng thiết thực hơn.
Có lúc người ta đứng chờ một chuyến xe hạnh phúc cho cuộc đời mình… hoài mà vô vọng. Chỉ để khi chán nản ra về, mới biết hóa ra đang ở một sân bay, và trên đầu đã bay qua hàng ngàn lượt máy bay mang tên hạnh phúc.
Hạnh phúc vốn xung quanh, chỉ là ta có đủ tầm nhìn để nhận ra đâu là nó hay không.
Khi chia tay một mối tình, người ta thường không bao giờ gọi đó là một mối tình hạnh phúc. Vì nếu hạnh phúc đã không chia tay.
Chưa hẳn đúng, có chắc rằng ở một mối tình sau, thậm chí đã là mối tình cuối, đã chung sống trọn đời, ta cảm thấy vui vẻ như mối tình vừa chia tay?
Có lẽ, khi hỏi “Hạnh phúc là gì?” ta nên hỏi lại, “Hạnh phúc với bạn là gì?” thì chính xác hơn.
Hạnh phúc ở mỗi người lại mỗi khác đi, tùy vào mức độ cuộc sống mà họ đang tận hưởng.
Có đứa bé nhà giàu, muốn cha mua cho chiếc xe hơi, đó là hạnh phúc.
Có đứa bé nhà nghèo, muốn mẹ mua cho chiếc xe đạp, đó cũng là hạnh phúc.
Có đứa bé ngồi xe lăn, chỉ ước sao mình có thể tự đi được, đó lại càng là hạnh phúc.
Cá nhân, hạnh phúc khi có được 3 trong 5 điều sau:
- Một gia đình để quay về.
- Một sức khỏe để sinh sống.
- Một công việc để bận tâm.
- Một đam mê để theo đuổi.
- Một con người để yêu thương.
Và cũng câu hỏi đó, “Hạnh phúc với bạn là gì?” thử trả lời coi sao!

Tin nhắn chơ vơ
Tự bao giờ ta ngóng chờ tin nhắn như kẻ khát thèm mưa, như đứa mù muốn ánh sáng, và như con tim khô héo chờ yêu thương.
Chẳng biết lúc nào, tin nhắn điện thoại trở thành công cụ cho nhiều người. Công việc, gia đình, bạn bè và những cuộc vui ngoài luồng, ẩn nấp sau màn hình chờ vắng lặng. Có lần bỏ quên điện thoại ở nhà, thấy lòng nôn nao vô hạn, chỉ mong về nhanh nhanh để xem ta được quan tâm, được bận rộn như thế nào, rồi tiu nghỉu khi màn hình chờ vẫn trống trơn, vẫn im lặng như bao lần.
“Em có thể cho anh số điện thoại không?”
Câu nói ấy trở thành tín hiệu cho những cuộc tình chớm nở. Có những thứ, ta chẳng dám nói thành lời, mà muốn mượn tin nhắn để giãi bày. Như câu “Mình yêu nhau nhé!” đã bao lâu rồi ta chưa mở miệng nói với người ta, mà chỉ là nằm, ngồi hí hoáy chạm bàn phím soạn tin?
Có kẻ đang chờ để nghe tiếng yêu thương phát ra từ đôi môi mềm… thèm lắm chứ chẳng phải chỉ là một mẩu tin trên màn hình đầy màu sắc.
Trong giọng nói người, ta thấy cảm xúc, lên hay xuống đều làm câu nói khác đi… Van xin hay ra lệnh, yếu đuối hay mạnh mẽ, giọng người cho ta biết chứ tin nhắn kia chẳng thể làm.
Mở đầu cho những ngày hò hẹn, người ta nhắn cho nhau rằng: “Ngày mai em có rảnh không?” để rồi khi yêu thương dần dà phai nhạt, tin nhắn họ gửi cho ta có nội dung khác hẳn: “Ngày mai anh bận rồi!”
Cũng chỉ là tin nhắn thôi mà, vì sao ta đỏ mắt buồn?
Những ngày yêu, điện thoại ít khi nào được nghỉ ngơi trọn vẹn. Có khi ngồi mệt mỏi trong cơ quan với giấy tờ và những cái hợp đồng chẳng biết giải quyết ra sao, điện thoại rung và tin nhắn người đến.
“Đây chỉ là một tin nhắn để nhắc cho người nhận tin nhớ rằng người gởi tin đang nhớ đến người nhận tin nhiều lắm.”
Ta mỉm cười, ta thấy đống công việc trước mắt chỉ còn như mớ bụi bay xa xa.
Có khi sáng nằm lăn dài trên chiếc giường chật hẹp, cảm giác lười nhác chẳng muốn đứng dậy đi làm, tin nhắn người đến như nắng sớm trên má đỏ hây hây.
“Nếu có một điều ước, anh ước rằng mỗi sớm mai thức dậy, gương mặt em là thứ anh nhìn thấy đầu tiên.”
Ngày vì vậy mà dài hơn đôi chút để có chỗ cất yêu thương.
Hay đến khi người và ta ngồi trong rạp vắng, bộ phim tình cảm làm tim nhỏ thổn thức, nước mắt lăn dài, điện thoại lại khẽ rung…
“Nếu em khóc, dựa một lúc vào vai anh nhé!”
Sao ngồi sát bên mà người còn soạn tin nhắn, chắc là vì không muốn phá vỡ những cảm xúc trong ta.
Có khi cả ngày người chẳng nhắn cho ta một tin ngắn, để ta nhớ, ta chờ, ta phải lui cui cầm điện thoại gởi tin đi trước, chưa đầy 30 giây sau, tin nhắn của người đã tới.
“Khi anh nhắn tin cho em, có nghĩa là anh nhớ em. Nhưng khi anh không nhắn tin cho em, có nghĩa là anh muốn em nhớ anh…”
Ngày ta yêu, tin nhắn xa gần, ngắn dài làm tình yêu vì vậy mà thêm vẻ lung linh huyền ảo. Để rồi khi yêu thương nhạt nhòa, tin nhắn vô tình lại cào cấu tim ta.
Những tiếng chuông báo cứ ít dần theo từng ngày tháng.
Cả ngày ta chẳng thấy người nhắn tin, để đến tối trước khi ngủ, một tin kiểu như, “Chúc em ngủ ngon!” cũng kịp tìm đến, nhưng ngày nào cũng chỉ là một tin nhắn như nhau, đến mức có khi ta tự hỏi, người đã lập trình sẵn để điện thoại tự gửi tin đi.
Rồi cũng chẳng được bao lâu, tin chúc ngủ ngon cũng mất dạng, người biết chăng thiếu lời chúc, giấc ngủ của ta chỉ toàn những cơn ác mộng không rõ hình hài bủa vây.
Ta trách, người giải thích rằng do rất bận.
Ta tự hỏi, bận đến mức nào mà không dành được 30 giây để yêu?
Ai đó nói với ta rằng, tình yêu dần kết thúc khi số lượng tin nhắn gởi đi ngày một nhiều trong khi tin hồi âm lại ít đi.
Đến nay ta nghiệm thấy điều ấy chẳng sai.
Ai cũng bận rộn, ngay cả một người đang nằm ngủ vẫn đang bận thở. Nhưng bận đến thế nào không dành ra được 30 giây nhắn tin trả lời cho một người đang ngóng chờ yêu thương hồi đáp, bận đến tàn nhẫn vậy sao?
Ta biết, chỉ là tình cảm của ta đã không còn sức để giành lấy người ra khỏi 30 giây cuộc đời.
Ta biết, và ta buồn.
Nếu người đã không còn yêu thương, cứ mạnh dạn nói ra, đâu cần viện một lý do ngây ngô nhưng ai cũng dùng như vậy.
“Bận!”
Tất cả mọi lý do, đều chỉ là ngụy biện.
Để rồi cuối cùng, lời chia tay người nói ta cũng chẳng thể nghe, chỉ là nhìn vào màn hình điện thoại đã nhạt nhòa nước.
“Anh xin lỗi…”
Không cần xin lỗi, ta không có nhiều lỗi lầm để cho đi. Ta chỉ có yêu thương để gởi tặng.
Những ngày tập sống thiếu người, ta làm quen luôn cảm giác điện thoại không còn rung liên hồi như trước.
Có khi nửa đêm mơ ngủ, ta nghe văng vẳng như tiếng điện thoại vang, bật lên, hóa ra chỉ là tin khuyến mãi từ tổng đài, bực đến mức quăng cái điện thoại vào tường rồi bật khóc ngon lành.
Ta ngây dại quá… yêu thương đã đi qua, có còn chi để ngóng chờ?
Những ngày đó ta thèm tin nhắn đến sợ.
Thèm tin nhắn chúc ngủ ngon.
Thèm tin nhắn chào ngày mới.
Thèm tin nhắn chúc bữa trưa ngon miệng.
Thèm tin nhắn hẹn hò cùng nhau.
Thèm tin nhắn người nói yêu.
Thèm luôn tin nhắn người nói nhớ.
Thèm đến nỗi ta nằm đọc lại từng cái tin nhắn người gởi từ ngày mới bắt đầu làm quen… đọc rồi để đau, đọc rồi để xóa… xóa luôn hình ảnh người trong đoạn đời còn lại của ta.
Ngày đau đó, qua rồi người ạ.
Khi mọi cơn đau chấm dứt, ta bình tâm lại, tự nhủ rằng nếu có tình yêu lần nữa, sẽ chẳng để tình yêu lệ thuộc vào những tin nhắn vô hồn.
Nếu có yêu, có nhớ, ta sẽ đến gặp, nói từ môi mềm rằng ta đã yêu, đã nhớ thế nào.
Và ta cũng tự nhủ, ai đó nhắn tin cho ta, ta sẽ trả lời sớm nhất có thể.
Rồi khi tin nhắn ta gởi đi ba lần không hồi âm, ta hiểu rằng người đó đã đánh mất chiếc vé vào tim ta.
Cảm ơn người về bài học tin nhắn đã dạy ta.

Hổng đâu như đất Sài Gòn
Sài Gòn lúc nào cũng bí ẩn như cái việc chẳng ai nói rõ vì sao nó tên Sài Gòn. Người đoán già, kẻ đoán non, chỉ là nó vẫn cứ đón hết người đến, tiễn bao kẻ đi.
Hỏi tuổi Sài Gòn, nhiều người kêu 18, trẻ nên đỏng đà đỏng đảnh. Sáng nắng, chiều mưa, trưa trưa buồn buồn là cúp điện.
Nhiều bữa làm về, trời còn nắng chang chang tự dưng mưa cái ào, ướt át. Tấp vô lề đường, chị chị bán em cái áo mưa nhỏ, chợt giật mình nhớ ra, áo mưa nhỏ còn hai, ba nghĩa khác.
Mới chọt tay vô cái bao ni lông cỡ bự hình áo mưa thì nghe cái bựt, tét làm hai, chẳng biết trách người ta làm đồ dỏm hay trách bản thận ngoại cỡ.
Chưa hết tức tìm cách về nhà đã thấy trời ráo quảnh, hơi đất hầm hầm bốc lên. Bà mẹ chở con trên xe lầm bầm, thời tiết kiểu này không bệnh mới lạ, tổ cha nó Sài Gòn!
Ờ! Tổ cha nó Sài Gòn đỏng đảnh!
Nhiều khi thấy ghét cái thói đỏng đà đỏng đảnh đó dễ sợ.
Mới ban sáng trời hừng đông se lạnh, lăn dài lười nhác trên giường quơ quào chẳng thấy cái mền đâu bèn lủi thủi ngồi dậy khép cửa sổ.
Đến trưa, Sài Gòn ỏn à ỏn ẻn nắng rót qua song, đang tập trung làm việc cũng phải dừng tay tìm chỗ tránh nắng cho khỏi sạm lòng người.
Chiều tối Sài Gòn lại sậm sà sậm sịch lạnh, lạnh để tự dưng nhận cái tin nhắn chẳng hiểu nói cho ai, “Phải chi có cái gối ôm 37 độ để ôm cho ấm.”
Ghét vậy, chứ xa chừng vài hôm lại nhớ quay nhớ quắt.
Hỏi Sài Gòn bao lớn, người nói lớn, người nói nhỏ.
Lớn cũng đúng, có ai vỗ ngực kêu là đi hết đất Sài Gòn đâu. Với lại, có lúc đi qua đoạn đường cũ, cố nán thêm một chút, hi vọng gặp lại người xưa… mà người cứ biền biệt, ôm cục nhớ đi về trong cái nắng nồng nàn. Tức thấy sợ, Sài Gòn nó lớn nên người ta lạc nhau.
Nhỏ cũng chẳng sai, bởi có mấy người không muốn mà cứ gặp hoài. Sáng đi làm gặp, chiều tan tầm cũng gặp, mà gặp là tránh. Sợ gặp cái lòng đau nên tránh, chứ nhớ, chứ thương cũng còn một mớ trong lòng.
Hỏi Sài Gòn có cái chi ngon? Thấy Huế có bún bò, Nam Vang có hủ tiếu, Sóc Trăng có bún nước lèo, phở Hà Nội cũng đặc biệt… giận thằng Sài Gòn không biết ăn gì cho riêng.
Có thằng nói, đặc sản Sài Gòn là bụi. Thấy cũng đúng.
Bụi Sài Gòn nó khác lắm, có lần ra Nha Trang, chạy xe máy tà tà 40 cây số, về lau mặt cái khăn trắng bóc, vô Sài Gòn thử, 5 phút chạy xe về bản mặt đen sì.
Mà dân Sài Gòn đúng lạ, ai cũng nói ghét bụi bặm, khói xe, mà tối nào rảnh là chở nhau chạy vòng vòng, ăn một bụng bụi về mới ngủ ngon.
Bụi Sài Gòn nó bám dai bám dẳng, sáng xịt đâu nửa chai nước hoa mà chạy xe một chút vào công ty, người đã đầy mùi Sài Gòn. Mà chắc vậy mới thấy đời đúng phong sương, lãng tử đặc trưng của dân Sài Gòn.
Có bầu chọn, chắc dân Sài Gòn đứng đầu vụ năng động. Nghe lục đục người ta bán khoai lang nướng có lời, là dọc chục con đường đi đâu cũng thơm lừng lừng mùi nướng khoai.
Có đợt món bạch tuộc nướng lên ngôi, vậy là xì xà xì xụp cảnh người ta ngồi ăn rồi hít hà vì muối ớt cay quá.
Hay như cái món trà chanh, bún đậu tuốt ngoài Hà Nội, cũng được người ta bưng vào Sài Gòn, bán như đặc sản. Dân chúng lại có dịp tưng bừng hưởng ứng. Mà cũng buồn, chưa thấy ngon bao lâu thì đã cùng tẩy chay trà chanh vì nghe đồn hóa chất. Thôi thì cái gì cũng một thời, qua rồi đừng nên tiếc.
Ở Sài Gòn, người ta có thể ăn mặc thật sành điệu, xài laptop hạng sang, ngồi café máy lạnh để gởi một cái đơn xin việc vị trí nhân viên bán hàng.
Và cũng ở Sài Gòn, người ta có thể mặc quần đùi, áo thun, dép lào, ngồi café lề đường, bàn chuyện đang xây cao ốc để cho thuê.
Ở Sài Gòn, cái áo cái quần nhiều khi chẳng nói lên được chi.
Cũng ở cái đất Sài Gòn, người ta bỏ ra 60 phút quý giá của cuộc đời để đứng dòm ngó, chỉ trỏ một vụ tai nạn gia
Thông Tin
Lượt Xem : 2070
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN