--> Chênh vênh hai lăm - game1s.com
Disneyland 1972 Love the old s

Chênh vênh hai lăm

ng an toàn cá nhân bị phá vỡ, hoặc cảm giác cô đơn giữa khoảng không lơ lửng dịu vợi.
Mỗi một con người tồn tại, đều hình thành một khu vực gọi là vùng an toàn cá nhân, hình dung đơn giản, nó là một vòng tròn với tâm là chính ta.
Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tính cách con người, vùng an toàn đối với người xa lạ thường nằm trong khoảng 50-100cm. Bạn hãy nhớ lại những lần gặp gỡ một người hoàn toàn xa lạ, chúng ta luôn cố gắng giữa một khoảng cách nhất định với đối phương, thường khó chịu khi người ta tiến đến quá gần mình, cũng như thấy mất thân thiết nếu một người mà ta biết lại cố ý giữ khoảng cách xa.
An toàn luôn là cảm giác mà bất cứ ai cũng cần đến đầu tiên.
Có lần học về tâm lý, nge thầy giảng người ta đôi khi có dạng tâm lý như con nhím và ốc sên.
Nhím thực chất rất yếu đuối, nên tạo hóa cho lớp gai xù cứng nhọn làm vũ khí. Chỉ tội cái, nó yếu đuối đến nỗi bất cứ ai đến gần, dù là muốn nựng nịu hay quan tâm cũng sẽ xù gai nhọn, vô tình làm đau những người thương.
Ốc sên thân mềm, ai cũng biết, nên lúc nào cũng chui rúc trong vỏ ốc, ít khi dám chường mặt ra ánh sáng. Trong vỏ ốc là cả thế giới tối đen, thế nên chỉ vì bản tính của mình, ốc đã làm lãng phí cả bầu trời đầy nắng.
Con người ta cũng vậy, đôi khi yếu đuối, nhưng lúc nào cũng phải giả vờ mạnh mẽ, bất cần. Dù cho là người quan tâm lo lắng thật lòng, hỏi tới cũng cáu gắt hay gạt phăng đi rằng có gì đâu mà buồn, để rồi tối về, lại gặm nhấm nỗi buồn một mình cô đơn.
Bóng tối có lúc là bạn thân và vùng an toàn cho rất nhiều người.
Cũng có khi, người ta cứ giấu nỗi buồn vô nụ cười, cảm thấy nơi đó an toàn lắm. Quen dần, đến khi quá nhiều, cười mà cũng vương màn sầu.
Có dạo thèm ôm một người để ngủ.
Không phải là “ngủ” mà người ta hay nghĩ, chỉ đơn giản là nằm cạnh nhau, ôm nhau vào lòng, nắm chặt tay rồi nhắm mắt vào mộng.
Nhiều người nghĩ phải tin tưởng lắm mới dám quan hệ tình dục cùng nhau, kiểu như đối phương phải cho mình cảm giác an toàn lắm thì mới trao thân gởi phận.
Lầm!
Dù cho là khi chúng ta quan hệ xác thịt cùng đối phương, cũng là khi ta còn đủ tỉnh táo, vẫn có thể quan sát được nhất cử nhất động, của người kia, nếu có chuyện gì không như ý, cơ chế an toàn của bản thân sẽ có phải ứng. Vậy nên sự tin tưởng tuyệt đối là dám nằm cạnh một người rồi ngủ một giấc không lo toan, nghĩ ngợi. Chỉ bởi khi ngủ, con người ta mới rơi vào trạng thái vô thức, mất đi tất cả khả năng phòng vệ.
Nhưng ngày hai lăm, khi bắt đầu một mối quan hệ mới, luôn tự nhận thức rằng người ta có thể đến được mức nào trong vùng an toàn của cá nhân ngay từ lần đầu gặp. Hai lăm như con nhím… sợ tổn thương nên cứ phải xừ lông dữ.
Con em gái
Nhà có hai anh em, con em nhỏ hơn đúng một giáp, xấp xỉ hai thế hệ. Những tưởng khoảng cách đó làm hai đứa khó hiểu nhau, nhưng ai ngờ lại gần được. Chẳng biết nên khen hay bản thân trẻ hay chê nhỏ em mau già.
Thằng anh hai lăm, con em mười ba, có bữa giành nhau máy tính của cha để đánh game cho đã. Dĩ nhiên nó là con gái, lại út, nên luôn là kẻ chiến thắng trong bất cứ trận tranh giành nào mang tính chất quyết định. Mà thôi, lớn thì nhường nó một chút cũng chả sao.
Nhỏ em đầy cá tính, kiểu như con trai. Thích coi hoạt họa, nhưng ghét mấy cái thần tiên, công chúa, chỉ khoái anh hùng, rô-bô, sung ống để cứu cả nhân loại đang gặp nguy.
Dĩ nhiên có con gái trong nhà, chuyện yêu đương của nó luôn là mối lo hàng đầu, nhất là giờ hiểu được giới trẻ phát triển nhanh cỡ nào. Năn nỉ, dụ dỗ để dẫn nó đi ăn gà rán, hai an hem có dịp tâm sự loài chim biển cùng nhau. Nói chuyện cùng nó, ăn chả thấy ngon, trong khi nó nhai ngồm ngoàm, trả lời thẳng te, “Có mấy đứa thích em, mà đừng có mơ, giờ lo học, đám con trai tuổi này ngu lắm, em không mê đâu, hai yên tâm.”
Nghe con em nói xong, lòng cũng yên tâm hơn hẳn, bởi biết nhỏ này cá tính chẳng kém thằng anh trai, chẳng lo ai bắt nạt.
Có tối, thằng anh hai đang nằm coi phim hoạt họa “Sakura – Chủ nhân thẻ bài ma thuật” thì con em hỏi cha, “Tía, tối nay mấy giờ Barca đá với Real vậy?”
Thiệt kinh hồn con em!
Nhưng dù gì, lắm lúc vẫn thấy cái tính con nít trong nó hiện rõ. Cha la, nó ngồi trong góc giường, vai run run, thỉnh thoảng đưa tay quẹt nước mắt mà không khóc thành tiếng, hỏi gì cũng lắc đầu. Mấy tiếng sau mới ra ngoài, uống ly nước, nghe giọng thấy thương, “Tía chưa hiểu đã la…”, đúng là con nít!
Có lần mẹ nói, “Sau này tao với ổng cũng đi… còn hai anh em, ráng lo cho nhau mà sống nghe chưa…” thấy nhỏ em ngồi trầm ngâm, rồi ôm chầm lấy mẹ.
Ừ thì… đời sau này chỉ còn hai an hem là cùng chung máu mủ, ruột rà…
Nhưng đó nằm ở tương lai, còn giờ, sáng vẫn xách cây chổi lông gà hú hét, bắt nó dậy sớm để đi săn sáng, dọn dẹp, nó vẫn ề à, tru tréo, “Tối qua thức khuya đánh game mà hai… hôm nay nghỉ mà hai…”

Chuyện cái ly nước giữa trời nắng
Có ai đó đặt một ly nước giữa trời nắng. Và người ta bắt đầu quan tâm đến nó.
- Người bi quan nghĩ, "Xui quá, ly nước bị bốc hơi một phần rồi."
- Người lạc quan nói: "May quá, ly nước chưa bị bốc hơi hết."
- Người thực dụng nhưng cạn nghĩ bước đến cầm ly uống luôn nước.
- Người có suy nghĩ sẽ cầm ly, nếm thử một chút trước khi quyết định.
- Kẻ phá hoại thì vung chân đá đổ ly.
- Người có lòng tốt cầm ly cất đi để không bốc hơi hết.
- Người có làm biếng di chuyển, chỉ thấy bên này ly không có quai.
- Người nhìn đa chiều thấy được dáng ly đẹp và có quai ở mặt bên kia.
- Người trăn trở tự hỏi nước trong ly là nước gì, có thành phần ra sao.
- Một số người thực tế nhìn nhận rằng: Đang có một cái ly chứa nước để dưới nắng.
Vậy đó.
Bản chất của một sự vật, sự việc, đôi khi lại không do chính bản thân nó quyết định, mà lại tùy vào nhận định của bản thân rất nhiều người xung quanh. Tùy theo những cảm quan, trải nghiệm của cá nhân mà sự vật lại được đánh giá khác đi chút ít.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nhận định vẫn chỉ đơn thuần là nhận định, nó vốn không thể biến đổi bản chất của việc đang diễn ra. Dù người ta có nói hay suy nghĩ đến thế nào, thì ly nước vẫn là ly nước, nó không thể biến thành ly chứa cát hay cái ly không nếu không ai tác động đến.
Cuộc đời chúng ta khi gặp một sự việc khó khăn trước mắt, nếu không đứng dạy, chọn phương pháp hành động, thay đổi bản chất của nó thì rắc rối vẫn luôn luôn tồn tại, không thay đổi cũng chẳng biến đi.
Như cái ly chứa nước vẫn chỉ là đang chứa nước.
Cũng như bạn, chắc hẳn đôi lần bạn khó chịu về quá nhiều lời nhận xét từ người khác, đến mức hoang mang rằng mình có thực sự sống đúng hay không?
Chẳng ai khác bạn có thể trả lời tốt nhất cho câu hỏi đó.
Cứ bình tâm, làm những việc khiến bản thân thoải mái nhất, tránh hoặc giảm thiệt hại đến mức thấp nhất đến những người xung quanh, thì đó đã là cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề.
Hay có lúc, người ta nói rằng: “Anh/em thay đổi nhiều quá!”
Đừng vội loay hoat ngẫm thử xem mình đã thay đổi ra sao, rồi tự bản thân đặt mình vô những tình huống nhức đầu, nan giải.
Thực tế, có ai trải qua thời gian mà lại không có sự thay đổi? Hôm qua không như hôm nay cũng chẳng bao giờ giống ngày mai. Chỉ đơn giản, bạn đang trưởng thành và sống khác với cách mà người ta muốn bạn sống. Đừng bận tâm vì điều đó.
Được thoải mái sống là chính mình, luôn là điều tuyệt vời nhất chúng ta có thể có được. Đừng bao giờ vì một người mà cố tình thay đổi bản thân, để rồi khi mất đi người ta, bản thân mình cũng mất đi chính mình.
Anh giữ xe
Có ngày mưa lớn, ngồi trong quán café quen thuộc viết sách đến tầm hơn 10 giờ đêm thì phải đi về.
Đang loay hoay mặc cái áo mưa mỏng tang vào người, bước đến xe ngạc nhiên thấy nón bảo hiểm được để gọn gàng trên yên, cẩn thận úp xuống để nước mưa không chảy vào bên trong. Nhìn quanh quất mới biết người làm việc đó chẳng ai khác anh giữ xe đang co ro trong cây dù dựng nơi góc quán.
Ống quần xắn cao, hộp cơm dang dở, lạnh tanh. Quán giữ xe miễn phí.
Học được rằng chẳng cần làm ông này, bà nọ, giám đốc hay trưởng phòng mới có được sự trọng vọng từ người xung quanh. Đơn giản chỉ là làm công việc với cái tâm mong muốn đem điều tốt nhất đến người có liên quan thì đã một điều đáng ngưỡng mộ.
Dĩ nhiên nếu được chọn, đa phần người ta sẽ chọn cho mình những nghề nghiệp thường “được cho” là cao quý trong xã hội, kĩ sư, bác sĩ, thầy giáo… Nhưng ngẫm thử, một kĩ sư rút ruột công trình, một bác sĩ lấy tiền hối lộ hay thầy giáo gạ tình đổi điểm, thì một anh giữ xe cẩn thận lo cho cái nón của khác lại đáng cho ta kính nể.
Về nhà viết vài dòng chia sẻ đăng lên facebook về anh giữ xe, rất nhiều người thích, đăng lại. Và cũng không ít người ngạc nhiên ở Sài Gòn vẫn còn người tốt như vậy.
Thật lòng mà nói, ở bất cứ nơi đâu cũng có những người tốt, sống thầm lặng cống hiến cho đời mà không cần phô trương để người ta biết dến.
Như chuyện trước bệnh viện ung bướu có một người phụ nữ chừng 50 tuổi, cứ cách ngày lại khệ nệ xách hai bao cơm hộp đến phát miễn phí cho người già hay người nghèo cần sự giúp đỡ. Phần cơm cũng không nhiều nhặn gì, chỉ là thịt kho với vài cọng rau đạm bạc, nhưng cơm trắng thì khá đầy, nếu nhín nhút hai người cũng có thể ăn qua một bữa.
Hai bao cơm được khoảng 50 phần, người ta đến lấy một vèo chừng mười mấy phút là xong. Người nhận cơm cũng lịch sự đường hoàng dù lắm người chỉ mới dừng chiếc xích lô để bước xuống. Người ta cũng biết nhường nhau, ưu tiên cho người già, phụ nữ, trẻ em trước, dư thì đám thanh niên mới dám nhận. Đến sau thì hết, đành ra về chứ cũng không cằn nhằn điều chi.
Người nhận cơm thì nhiều, nhưng hỏi có biết về người cho cơm thì chẳng ai trả lời xác đáng. Lân la làm quen, lần dò mới hỏi để được biết người cho cơm cũng từng chịu hành hạ bởi căn bệnh ung thư vú. Đến mức phải cắt bỏ cả hai để không bị di chứng. Suốt khoảng thời gian nằm viện, chứng kiến bao nhiêu người nghèo đến mức bữa cơm bỏ bụng cũng là cả vấn đề, cô nghĩ đến việc giúp đỡ họ.
Bản thân đi làm, hoàn cảnh cũng không phải giàu có nứt đố đổ vách, lại một thân một mình nấu cơm, nên cô chỉ có thể nấu nhiêu đó phần và phát cách ngày. Tính viết một bài nho nhỏ về cô đăng báo, mà cô cản, giọng nghe hờn trách, “Thôi thôi… cô sợ lắm, mắc công người ta nghĩ mình làm vì danh vì lợi…”
Ra về thấy thương và phục cho những con người nhỏ nhoi giữa dòng đời hết sức.
Sáng hôm sau, đọc báo mạng thấy cô hoa hậu nọ đi làm từ thiện, mặc áo bà ba hồng tươi, mang giày cao gót, trang điểm đậm… Thấy buồn cười, mà cũng thôi.
Đời mà, cười bao giờ cho hết đây.
Có bạn nghe chuyện anh giữ xe xong, chỉ gởi bình luận là: “Cho tiền đi.”
Nhìn xong thấy buồn, vì người đó trước giờ mình luôn đánh giá là người có suy nghĩ thấu đáo. Thôi thì chỉ trả lời, “Cho tiền người khác, đôi khi lại là một cách đối xử thô lỗ làm tổn thương họ.”
Người Sài Gòn nhiều khi nghèo tiền nghèo bạc, chứ lòng tự trọng thì giàu lắm!
Ngày chẳng bình thường
Sáng sớm, con nuôi gọi điện thoại, thằng nhỏ năm tuổi, con của cặp bạn thân, lanh nhưng không hay nhõng nhẽo. Con khóc, không chịu đi nhà trẻ, gọi qua để méc “ba Thạch”. Ba Thạch cũng chẳng biết dỗ con làm sao. Mẹ con kể, do ba Thạch mỗi lần qua nhà, dắt đi học là có mua bánh, kẹo hay đồ chơi, giờ nó quen, không có thì chẳng chịu đi học. Thôi thì ba Thạch xin lỗi con, ba thương con mà giờ làm cho con phải khóc…
Café sáng với thằng em hơn 3 năm mới gặp. Nó cũng như mình, người đời gọi chung là “yêu đương khác thường”. Cu cậu mới đây kể cho nhà nghe chuyện bản thân, dắt luôn cả cậy người yêu kém hai tuổi về ra mắt. Ba giận, đuổi đi, mẹ khóc, xin ở lại. Giờ thi cũng khó khăn lắm mới ngồi ăn cơm chung cả nhà bốn người. Mẹ nó cứ lâu lâu nhắc chừng ông ba, “nó là con một nghen mình”.
Bố gọi, nói vớ va vớ vẩn gì đó về mấy cái yêu đương nhăng nhít, nhớ nhung lung tung. Hỏi gọn một câu, “Xong chưa?” rồi cúp máy làm việc. Hai lắm, chẳng thấy bản thân còn đủ sức để giả vờ yêu như kiểu mười tám, hai mươi. Yêu là hiểu rằng đối phương cần thời gian cho bản thân và công việc. Soạn luôn cái tin nhắn chia tay, chờ tối gởi cho thêm phần bi đát.
Con đồng nghiệp nhào vô công ty, khóc một trận điên cuồng. Hỏi ra mới nghe đem qua thằng người yêu ú ớ kêu lộn tên con nào khác. Mấy bà chị nghe xong, vỗ vai ra chiều thông cảm, đòi thiến thằng bồ khốn nạn ó đâm. Mấy ông anh nghe xong, cũng ra chiều thông cảm, nhưng cho thằng kia chứ không phải con này. Đàn ông có cái ngu nào hơn ăn vụng mà không biết chùi mép. Khóc một hồi, nó nói, “Không chia tay được, xấu như em có ảnh chịu là mừng.”
Ba gọi điện, kể chuyện. Internet ở nhà bị hư gần tháng, gọi lên tổng đài than phiền chửi bới, hăm dọa đủ kiểu vẫn chưa có gì cải thiện, vậy mà sáng nay ông nhân viên thu tiền lại lớ ngớ bấm chuông, “Chú cho con lấy tiền net 6 tháng nay, nhà chú nợ lâu quá.” Ba tròn mắt, chạy vô moi đóng biên lai ra coi, đóng đủ mà sao còn đòi. Hỏi ra mới biết do con nhân viên tính lộn, thành ra nhà bị cắt net oan.
Chiều chạy xe về, anh giao thông ngoắc hai thằng nhóc đầu xanh, tóc đỏ, mỏ đen, khoe răng tím, chắc thấy hai thằng nhỏ bệnh, tính hỏi thăm sức khỏe. Cùng đoạn, cặp vợ chồng tống bốn, một con bé ngồi yên trước, một con bé lớn hơn ngồi sau, đầu ngoẹo ngả vào vai mẹ, chân teo cơ quặp vô hông đấng sinh thành. Anh giao thông thấy, vội vã thổi còi, dạt xe ra để cả gia đình sớm về tới nhà.
Café tối với ông anh lâu ngày không gặp, có lúc ông anh từng nó nên yêu nhau, nhưng bản thân từ chối, an hem là anh em, yêu rồi sẽ chia tay, anh em thì không thể nên thôi. Hôm nay ra gặp, anh than mới chia tay người yêu, quen nhau được 7 tháng 26 ngày, yêu mà đếm từng ngày từng tháng, chia tay cũng đúng.
Bật máy tính, nhận mấy cái thư lạ, chào mời đủ các loại hàng. Đợt vừa rồi gởi thư nói về chuyện cần làm trang web, thì thấy có quảng cáo mua tên miền, có lần bạn hỏi về việc đi spa thì hôm sau có cái quảng cáo về thẩm mỹ viện. Nhận ra mail cá nhân cũng chẳng phải hoàn toàn bảo mật.
Đêm, giấc mơ trôi về miền nào xa lạ, thấy ôm trong tay hình bóng ai như sương khói. Giật mình tỉnh giấc, mồ hôi mặn môi, lần hồi ra thắp nén nhang, chẳng biết muốn dựa vào cái gì cho tâm hồn tạm yên tĩnh. Chỉ là một đức tin nhỏ nhoi để củng cố thêm ngày sống.
Chẳng thể ngủ lại nên hút thuốc… Lâu rồi mới có một ngày, lòng người ngổn ngang trăm điều lạ. Điều hoang hoải chẳng tỏ cùng ai…
Chẳng ai đánh thuế ước mơ
Năm hai tư, ngồi với một bà chị bên vài chai bia nạt, chị hỏi mấy năm tới có tính gì chưa? Ngẫm một hồi, trả lời mơ hồ, “Em sẽ ra một cuốn sách, sớm muộn gì cũng sẽ ra.”
Cuối hau lăm, xuất bản cho mình ba cuốn sách, nghĩ lại, hóa ra mình đi qua ước mơ một năm trước hồi nào không hay.
Năm hai ba, ngồi lụi cụi viết truyện ngắn đầu tay “Một con đĩ yêu nghề”, khi viết, trong đầu hình dung nếu được dựng thành phim, nó sẽ ra sao, nhân vật sẽ nói thế nào, mặc đồ gì. Tự cười bản thân vì ước mơ xa vời.
Đầu hai sáu, ngồi cùng ông anh đạo diễn, coi bản dựng cuối cùng của phim ngắn “Một con đĩ… yêu nghề” do chính mình làm biên kịch, kềm lắm mới không chảy nước mắt trước mặt mọi người.
Kể hai câu chuyện nhỏ, chẳng phải muốn khoe khoang rằng bản thân đã làm được những gì, chỉ là hy vọng bạn hiểu, nếu có ước mơ, hãy tìm cách biến nó thành hiện thực.
Dĩ nhiên những ước mơ đó phải nằm trong giới hạn cho phép của thực tế và bản thân. Chúng ta không thể mơ ước rằng mình trở thành siêu nhân, có siêu năng lực giải cứu thế giới. Cũng như việc bản thân không có năng khiếu vẽ, cũng chẳng có đam mê nhưng lại muốn lớn lên làm họa sĩ.
Chẳng ai đánh thuế ước mơ, nên cứ ước mơ, lập ra kế hoạch để thực hiện nó lần hồi, rồi sẽ đến một ngày, phần thưởng xứng đáng nhất nhận được chính là lúc ước mơ thành hiện thực.
Bus
Trước hai lắm, thứ phương tiện ghét nhất luôn là xe bus, dù chỉ đi được một lần.
Không thích cảm giác phải đi kiếm tìm một cái trạm dừng giữa đường Sài Gòn hối hả, nắng như đổ lửa, để rồi đứng chờ đợi một chuyến xe ào tới như hội, có khi cũng là xe, nhưng khác số cần đến nên cứ cho lướt qua mặt, như cái kiểu nhìn người ta cần đi ngang đời mà không thể níu kéo được.
Không thích cái cảm giác phải chen chúc trên một chuyến xe, có khi đứng chứ chẳng còn đủ chỗ để ngồi, rồi chứng kiến bao điều trái khuấy, có cô gái xinh đẹp bước lên, cả đám thanh niên nháo nhào nhường chỗ, có người công nhân nữ quần áo lấm bụi đường, lại cứ phải đứng bám vào tay vịn.
Không thích cả cái cảm giác tới nơi, bước xuống chiếc xe đông người, cả cơ thể ám thứ mùi xa lạ, bước vào văn phòng thấy sao lạc long quá, như thể mình đang rơi từ một nơi khác đến chỗ này. Nghĩ lại, giận chiếc xe bus vừa bước lên quá thể, tự nhủ thầm dù có phải tốn tiền taxi chứ cũng không bước lên lần nữa.
Đến hai lăm, hoàn cảnh buộc phải sử dụng xe bus như một thứ phương tiện duy nhất để đi về hai lần trong tuần. Và cũng từ đó, nhận ra trên một chuyến xe bus, có nhiều điều để người ta ngẫm nghĩ.
Xe bus giúp bản thân có được sự quan sát tỉ mỉ. Trên đường xe cộ tấp nập, giữa những con phố nghẹt kín người, hàng quán chen chúc, vẫn có một trạm xe bus, hay đơn giản chỉ là một cột báo lặng lẽ đứng tại đó. Rồi chợt thấy thích thú khi nhận ra mình đã không bỏ qua những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống bộn bề, những thứ mà lắm lúc đời quên hẳn.
Ngồi chờ xe bus, hiểu rõ được cảm giác nôn nao chờ đợi để được về với gia đình, là gia đình thực sự chứ chẳng phải đơn thuần là một căn nhà. Là “home” chứ chẳng phải “house”. Thứ cảm giác đó, những ngày còn ở cạnh người thân, chưa bao giờ hiểu được trọn vẹn và quan trọng bao nhiêu.
Bước lên xe bus, nếu còn trống chỗ, vẫn thường chọn cho mình cái ghế gần sát cửa sổ bên phải, để được nhìn dòng người ngoài kia đang chạy cùng hướng đời. Biết là đời họ, đời ta chắc khó tìm ra điểm giao kết, nhưng vẫn có lúc tự an ủi rằng, dù sao vẫn còn rất nhiều người cùng lối, trên cái đoạn đường đời này, mình không cô độc.
Khi xe đông người, thường kín đáo, im lặng quan sát rồi phỏng đoán những người đi cùng làm nghề nghiệp gì. Có cô sinh viên bước lên xe, mặt buồn xo, mắt đỏ hoe, hỏi ra mới biết biết vừa chia tay bồ. Có anh công nhân lên xe xách theo cái hộp cơm nhỏ, do sáng vợ nấu gởi chồng mang theo. Có cô hàng rong đặt gánh mưu sinh cạnh bên, lần áo bà ba móc ra đông tiền lẻ ngồi đêm, trăm lẻ hai ngàn năm trăm, nghe cô nói, thương lắm, “Vậy là đủ đóng tiền học cho thằng út.”
Nhớ đến tối nay có hẹn ở quán café mà khoảng tám mươi ngàn một ly, chạnh lòng.
Trên xe bus tập dần thói quen thấy người già, người tàn tật hay chị phụ nữ mang bầu thì vội đứng dậy nhường chỗ. Hay có lúc, dù đó chỉ là một cô công nhân quét rác người còn lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn đứng dậy nhường chỗ. Chả phải để khoe khoang rằng ta là người có ý thức, chỉ là nhận thấy họ cần được nghỉ ngơi hơn bản thân.
Có những lúc vừa nói chuyện được dăm ba câu, người đi cùng đã phải xuống ở trạm kế tiếp, chút gì đó tiếc nuối đậu lại trong lòng. Chưa đủ hiểu, chỉ là vài câu xã giao nhưng vẫn thấy được quan tâm từ người xa lạ. Ít nhiều gì, cũng đã có lúc cùng chung vài cây số ngắn ngủi bên cạnh nhau.
Ban đầu rất khó chịu, nhưng rồi lại nhận ra thứ mồ hôi phảng phất của chuyến xe đông người lại là điều làm cho mình ấm lòng hơn. Có lúc vào văn phòng, cạnh những con người sực nức nước hoa, tựa hồ hốt hoảng như thể đứng cạnh những con ma-nơ-canh vô tri vô giác.
Rồi thì việc cũng xong, trở lại với con ngựa sắt cũ, những chuyến xe bus đi về cứ thế trôi vào ký ức. Có hôm Sài Gòn đẩy người ra xa khỏi nó, mệt mỏi đến mức chẳng còn tâm trí để làm gì hay gặp ai. Đứng bên đường thấy chiếc xe bus qua, thế là cứ vậy mà leo lên, ngồi yên lặng.
Xe cứ đi qua bao con đường, qua bao trạm dừng, người lên, kẻ xuống, đến trạm cuối cùng, anh phụ xe báo rằng đã không còn nơi đến, chỉ im lặng, rồi nói khẽ, “Vậy xin cho một vé về.”
Như một lãng khách quay đầu tìm lại cố hương, như một kể sai tìm con đường đúng, như những bản ngã vội vã tìm nhau.
Qua hai lăm nhìn lại, cơ bản cuộc đời như một chuyến xe bus ngắn.
Chúng ta là những người hành khách đi cùng nhau dọc một đường đời.
Có người lên ở trạm này, xuống ở trạm kia. Có người lạ, cũng có người quen. Có người kịp chào, có người chẳng lưu lại chút ấn tượng.
Nhưng chí ít, ta đều biết đã có lúc đi cùng nhau một đoạn ngắn cô đơn…
Ngày bé, có lần mải chơi, vấp té đến chân chảy máu, rưng rưng nước mắt về ăn vạ với cha, mẹ.
Mẹ xót con, dỗ dành đủ cách. Cha nhìn, chỉ nói, “Cho chừa, lần sau đi đứng phải cẩn thận”. Khi đó cứ ngỡ cha không thương lại càng khóc tợn.
Giờ mới hiểu bài học cha dạy ngày đó.
Có vấp ngã, mới hiểu thế nào là đau để sau này đi cẩn thận.
Đã là người, ai chẳng một lần té đau, quan trọng rằng bản thân có biết đứng lên từ nơi đã ngã, phủi hết bụi trên người để rồi bước đi tiếp.
Và học được rằng, đôi khi con người cần trưởng thành bằng nỗi đau.
Mẹ
Ngày còn bé, cứ nghĩ ba là siêu nhân, mẹ là bà tiên. Giờ mới biết ba mẹ còn giỏi hơn cả siêu nhân với bà tiên. Vì hai người kia chỉ xuất hiện khi ra cần, còn ba mẹ bất cứ lúc nào cũng bên cạnh.
Ngày còn trong bụng mẹ:
Mẹ kể con nghe, con làm mẹ khó chịu thế nào. Thằng cu mới mấy tháng mà chòi đạp loin hoi, ba cười hết cỡ đặt tay lên bụng mẹ, cứ tấm tắc, “Thằng cu này lớn chắc làm cầu thủ đá banh”. Khi đó, mẹ đã hạnh phúc biết bao khi sinh linh trong cơ thể mình một lớn mạnh.
Ngày con chào đời:
Mẹ kể con nghe. Tối đó mẹ chuyển dạ, ba tất tả chạy đưa mẹ vào nhà bảo sanh, vậy mà thằng con cứng đầu, đến 10 giờ sáng mới chịu lọt lòng mẹ. Sau cơn đau banh da xẻ thịt, mẹ mệt mỏi nằm trên bàn sanh, vẫn ráng gượng nói cùng cô hộ lý, “Con tôi đâu?” để rồi nhìn thấy con đầy đủ tứ chi hình hài, cất tiếng khóc nằm bên cạnh mẹ, mẹ quên ngay cơn đau vừa trải qua để mang con đến với cuộc đời này.
Ngày con 5 tuổi:
Con nằm sấp, mẹ vút roi đánh vào mông, con đau, ghét mẹ ghê gớm. Mẹ kể con nghe, ngày đó đánh con chứ lòng mẹ đau gấp bội, nhưng con hư, lại là đứa cứng đầu, không đánh thấm thì chẳng bao giờ sợ. Giờ đây, con cảm ơn mẹ, vì những đòn roi mẹ đánh con lúc đó, êm ái và nhẹ nhàng hơn biết bao nhiêu lần những đòn roi mà cuộc sống đang quất vào con.
Ngày con 7 tuổi:
Mẹ dắt đi học về, con chèo nèo năn nỉ. Mẹ chiều con nên mua cuốn Đôrêmon tập 4, “Nôbita lạc vào xứ người tí hon”. Tối đó về con bỏ cơm ôm truyện, nhưng chỉ biết coi hình, nhờ mẹ đọc cho nghe. Mẹ cười nói, “Muốn đọc thì con phải học cách đọc”. Giờ con hiểu, kiến thức của cuộc đời này, là phải do chính ta tích góp và giữ làm của riêng cho mình, không thể nhờ vả ai cho được.
Ngày con 12 tuổi:
Con mê điện tử, mấy cái trò nấm đuôi, bắn Contra, bắn xe tăng ngày nào cũng đứng dưới hàng thèm thuồng được chơi. Con xin, mẹ chỉ nói rằng, “Nếu tháng sau không tụt hạng, mỗi tuần mẹ sẽ cho con đi chơi một lần 2 tiếng đồng hồ”. Giờ đây con mới biết, mẹ dạy con rằng, có những thứ trong đời này phải trả giá để có được nó, chính vì vậy mà phải biết trân trọng nó khi ta có được.
Ngày con 15:
Con quên mẹ, quên gia đình, lao đầu vào những cuộc vui bùng nổ của lứa tuổi ẩm ương. Khi đó mẹ cùng cha đi làm ăn xa, chẳng thể nào gần con để la trách. Mẹ gọi cho con, giọng nghèn nghẹn, nước mắt rơi mà cách hơn trăm cây số con vẫn nghe được. Lần đầu trong đời, con hiểu được sức mạnh từ giọt nước mắt của người đàn bà.
Ngày con 18:
Báo tin đậu đại học sau bao vất vả, mẹ cười, niềm vui lẫn sau bao lo toan… rồi tiền học phí, rồi tiền cho con… Đời mẹ sao luôn bọn bề, niềm vui chưa bao giờ trọn vẹn.
Ngày con 20:
Thằng con trai thỉnh thoảng về thăm mẹ, vẫn giữ cái thói quen ngày còn con nít, ôm chầm lấy mẹ mỗi khi có thể. Có lúc mẹ ngồi, lật đật chạy đến sau lưng, bóp vai, đấm lưng. Mẹ cười, hỏi, “Lại muốn xin gì nữa đây cậu?”, con làm mặt giận, “Người ta thương mà nghi ngờ…”
Ngày con 22:
Cuộc sống nhiều đổi thay, nhà mở quán cơm để mưu sinh. Cha chở mẹ đi mua từng cái bàn, cái ghế. Cha cong lưng ôm nồi cơm lớn, mẹ dậy từ sớm kịp phiên chợ đêm. Ròng rã vậy mà mấy tháng đầu vẫn lỗ. Mẹ giấu tiếng thở dài vô đêm thườn thượt. Trời thương, vài tháng sau việc làm ăn khởi sắc, mẹ gọi điện về khoe, “May là mẹ hay đi chùa khấn vái.”
Ngày con 23:
Con đi lính, mẹ lo trăm bề. Thương thằng con trước giờ sung sướng, giờ vào chịu cực làm sao thấu. Gọi điện vào thăm, chưa kịp nói gì mẹ đã sụt sùi, “Thôi ráng, một năm rưỡi thôi rồi về với mẹ.” Hàng tuần, mẹ thu xếp để chạy lên thăm, nhìn con trong bộ đồ lính, mẹ cười, “Thôi kệ, vậy mà cứng cáp hơn, bớt cái bụng bia.”
Ngày con 25:
Cầm cuốn sách đầu tiên con viết trên tay, mẹ nâng niu lắm. Không nói không rằng, gia tài của mẹ giờ có thêm cuốn sách của con. Cái hộp thiếc bấy lâu nay mẹ giữ lại được mở ra, trong đó, mấy cái giấy khen từ ngày con còn học mẫu giáo, sổ liên lạc của năm cấp hai, cả bài văn đầu tiên con viết về mẹ được điểm mười… Mẹ bỏ sách vào, hơi chật, thừ người suy nghĩ, nói khẽ, “Cậu ráng sao, để tui mua cái kệ đựng riêng sách của cậu nghen.”
Tháng rồi…
Lấy lương xong, con mua tặng mẹ, cha mỗi người một cái điện thoại nho nhỏ, vì thấy cái của hai người đang xài đã cũ. Bẵng đi tháng trời nhìn lại, cả hai vẫn đang lụi cụi bấm bàn phím của hai cái điện thoại mòn lờn. “Con mua đồ tặng mà tía má chê đồ dỏm, không chịu xài phải hông, con buồn đó nha!”
“Thôi đi cậu, sáng mẹ đi chợ để lấy đồ bán, tay chân dơ lắm, xài dơ cái điện thoại con trai tặng mắc công uổng, tiếc…”
Con nghe xong mà mắt đỏ hoe.
Sao cả đời mẹ lúc nào cũng lo vẹn toàn mọi việc, đời này dài, tay ta không đủ rộng, ôm làm sao cho hết mấy mối bận tâm.
Có lần mẹ hỏi, “Không biết khi nào cậu mới chịu lớn để không ngồi ôm tui?”
Con trả lời, “Con mà có con, có cháu luôn thì vẫn cứ ngồi ôm mẹ, mẹ không trốn được đâu.”
Mẹ cười, đuôi mắt hằn rồi vết thời gian…
Muốn viết một cái gì đó về cha, nhưng rồi lại thôi, bởi đàn ông thường yêu thương một cách thầm lặng, không cần phô trương, hoa mỹ. Vậy nên chỉ nói một câu duy nhất, “Cảm ơn cha vì đã là cha con, một người cha tuyệt vời!”


Giọt buồn không tên

Hai lăm thích đi café, mặc dù thường chỉ vào đó kêu soda đá bào, cam ép, sinh tố, nhưng vẫn luôn gọi là đi café cho sang chảnh.
Café Sài Gòn mấy quán lúc nào cũng tấp nập người, toàn lạ, thi thoảng có quen. Công việc nhiều khi cũng lôi ra café giải quyết. Có khi bí bách cùng đường, cũng nhào ra café ngồi một mình, lộc cộc gõ cho xong cái bản thảo cận ngày nộp.
Thường nhất vẫn là đi café cùng đám bạn thân, kiểu thân ai nấy lo. Nhóm đâu chừng bảy đứa, chơi chung hồi đại học, rồi bạn bè lần hồi giới thiệu mà quen, giờ thành nhóm, cứ rảnh lại hú hí.
Mỗi cây mỗi trái, mỗi nhà mỗi cảnh, dĩ nhiên bảy đứa ngồi café cùng thì đứa nào cũng có công việc, cuộc sống riêng, tụ chung nhiều khi chỉ để than rằng đang buồn chán quá. Thế nên gọi cái bài viết này là “Giọt buồn không tên” mặc dù viết cho đám bạn thân khùng điên, xàm xí.
Chuyện từng đứa, kể ra cứ như đại diện cho từng nhóm người trẻ, ít nhiều gì đọc xong cũng thấy na ná mình trong đó. Thôi thì đắc tội, mang tiếng làm kẻ vạch áo cho người xem bụng mỡ.
Chuyện của G.
Cái thằng nói đúng theo quan điểm thông thường là đời nó trải hoa hồng. Tiếc là người ta chưa chịu bẻ gai cho đám hồng đó.
Con một trong gia đình toàn các bà, các dì, mẹ, bà ngoại, chị gái... túm lại là trai độc nhất, nên phần thừa kế nghe đâu phải tính bằng hecta đất ở khu dân cư chuẩn bị mở rộng. Ban đầu cả đám chơi chung như anh em cùng nhà, nhưng từ khi nghe cu cậu có đống đất, tự dưng được yêu chiều hơn hẳn bởi các thành viên khác. Thôi kệ, có đất có quyền.
Nhưng có mà không được xài thì cái nỗi tức nó dâng cao tận họng. Con một, út nam, nên nó bị gia đình lúc nào cũng đóng cho cái mộc “con nít” dù bằng tuổi nó (lẫn mình) giờ người đã có con hai, ba tuổi. Việc gì cũng cấm, cũng cản, việc gì cũng không tin tưởng cho làm, đến nỗi cu cậu pháy cấy, phát bực.
Hôm nọ giận quá, gọi cả đám ra café tâm sự, nhấn mạnh “tao bao” (việc này hiếm). Thì chuyện cũng chỉ quay quanh là nó muốn mở một tiệm net, hay một cửa hàng gì đó, mà má và các chị, các bà không chịu, bàn ra đủ kiểu.
Cả đám nghe, chỉ là ngậm ngùi, chia sẻ, chứ cũng chẳng biết khuyên thế nào cho đúng. Chỉ là nghe xong mới hiểu, hóa ra thằng bạn mình cứ như kiểu chim đang trong lồng. Được cho ăn, được cho uống, ở máy lạnh, nhưng tội cái mất tự do.
Mà sống vậy… chán chết.
Với G, nhiều khi chỉ muốn nói cho nó hiểu. Muốn làm gì cũng cần phải có những việc nhỏ dần, để chứng minh khả năng mình cho gia đình hiểu. Đùng một cái kêu bỏ cả đống tiền đầu tư mà chưa biết bản thân con cháu mình khả năng đến đâu, làm sao phụ huynh chịu cho được. Thế nên, ráng lên G ạ… Tao tin rằng mày sẽ làm ông chủ trong tương lai để còn mướn tao về làm bảo vệ.
Chuyện của H.
H không biết giàu không, nhưng có một căn nhà ở Sài Gòn và có xe hơi để đi làm. Nói chung là đủ ăn đó. Thế nên ngoài cái ăn, nó chỉ quan tâm đến hai thứ, nhan sắc của mình và nhan sắc của những người theo mình.
Công tâm mà nói, trong mắt mình thì H nó khá đẹp. Chỉ cần độn cằm, cắt mí mắt, cà da mặt, gọt cạnh mặt thêm là coi như hoàn hảo. Vậy mà lúc nào nó cũng lo lắng thấy thương.
Thường bắt đầu bữa café, nó luôn lấy điện thoại ra chụp một tấm hình xong, hỏi cả đám, “Hôm nay mặt tao có tự nhiên hông bây?”. Cả đám ráng ừ, dù rằng cái tự nhiên đó là hai lớp phấn nền, ba lớp chì và hơn hai chục ký son.
Sau khi luận bàn nhan sắc, H thường nói đến những người muốn theo mình. Nói chung là đủ cả, mà nỗi lo lớn nhất của H là bản thân bị lợi dụng. Đến mức có đứa từng nói, “Nghèo như mình mà khỏe heng mậy, khỏi lo bị trai lừa.”
H yêu nhưng ít tin. Thường tìm mọi lý do để nghi ngờ người mình yêu. Mà mỗi lần chia tay thì cả đám khổ, câu than thở của nó nếu chất được, chắc cũng đè chết vài người.
Có lần yêu người kia đẹp lắm, sợ mình không bằng nên H tìm đủ cách để đẹp, cắt bơm chích gì đó, nhưng xui, dị ứng, mặt lấm tấm máu tươi. Kể lại mà giờ còn xót cho nó, thương, nhưng khuyên thì cũng chẳng biết làm sao để nó nghe.
Thôi thì nếu mày có đọc được tới đây, nhớ lời tao, “Khi yêu thì trong mắt tình nhân, Thị Nở cũng hóa Hằng Nga”, mình cứ là mình trước đã rồi sẽ có một người yêu mình bằng chính con người thật của mình. Và tao hi vọng lắm sớm nghe mày than, “Thằng này nó yêu tao thật lòng quá mày ơi!”
Chuyện của L.
L có người yêu, cũng yêu, nhưng tội cái ít khi thoải mái được với người yêu như bên bạn bè. Cái kiểu đi với người yêu như bên bạn bè. Cái kiểu đi với bạn cười nói ha hả, đi với bồ thì phải nhẹ nhàng, từ tốn. Việc đấy cũng chẳng có gì hại ai, ngoại trừ việc thỉnh thoảng nó năn nỉ, “Ê, đừng có chụp hình đăng lên là tao đang đi café nha…” do sợ bồ thấy mình không đẹp trong hôm đó.
Tính ra L giỏi, nhà xa nên thuê nhà ở Sài Gòn, thân gái một mình tự làm tự sống. Ban đầu cũng lăn tăn lắm chuyện chồng con, vì tuổi này chúng bạn có chồng, con đề huề, còn mình sao cứ lông bông café sớm hôm. Nghe đâu nếu không có gì thay đổi, hai năm nữa thì L chịu lên xe bông.
Thôi thì cũng cầu cho L lên xe bông thành công hơn mong đợi.
Chỉ là, mày nhớ lời tao, “vợ” hay “chồng” người ta còn thường gọi là “bạn đời”. Trên cơ bản hai người phải ở trong tư thế là “bạn” rồi cùng nhau chia sẻ phần đời còn lại. Đôi khi có những lúc chúng ta không thích một điểm gì xấu ở đối phương, hoặc cứ lo nghĩ người ta không thích gì đó ở mình, cứ mạnh dạn nói ra, tâm sự như hai người bạn.
Điều đó không làm xấu đi mối quan hệ hiện có, chỉ là giúp người ta có thể đứng ở một vị trí, góc cạnh khác để nhìn nhận về những thứ cả hai người đang có mà thôi.
Chuyện của T.
T có một giấc mơ, mang tên “Mỹ”. Nghe nói lại ngay từ nhỏ T đã muốn sang đất nước đó để sống, lớn lên giấc mơ càng lớn, đến mức những mối tình sau này đều đặt điều kiện đó lên hàng đầu.
Có lúc hoài nghi, chẳng biết T yêu có thật không? Hay chỉ là cố gắng để hoàn thành giấc mơ của mình? Nhưng có lần thấy T khóc, nước mắt thiệt, mặn và ướt vai áo, mới hiểu nó không chỉ đơn thuần vì giấc mơ riêng.
T yêu nhưng cũng không tin, lúc nào cũng tìm cách kiểm soát người yêu của mình. Điện thoại phải bật 24/7, để khi nào gọi cũng phải nghe, nhắn tin phải trả lời. Câu đầu tiên cả đám ghi nhớ khi nó bật điện thoại lên nghe là “Đang ở đâu với ai?”
Chỉ tiếc là bao nhiêu lần đến rồi đi, giờ T chịu làm mẹ, làm vợ trên đất nước hình chữ S này. Vài tháng nữa sinh con đầu lòng, nghe mà mừng, mà thương. Vài tháng nữa sinh con đầu lòng, nghe mà mừng, mà thương. Nhớ đến cái ngày nào chở nhau đi học khiêu vũ, nó giận bồ, khóc cả đoạn đường trên xe, người ta nhìn như thể đang đóng vai kẻ phụ tình, bạc nghĩa.
“Quan trọng không phải là sống ở đâu, mà là sống với ai…” nhiêu đó dành cho mày có lẽ là đủ rồi, tình yêu nhỉ?
Chuyện của K.
K cũng giỏi, làm thiết kế cho công ty quảng cáo, đời sống đúng mẫu của nữ nhân viên văn phòng hiện đại.
Sáng đi làm, vào công ty tám với đồng nghiệp, kịp chụp hình post lên facebook khoe coi hôm nay mình mặc vầy có đẹp không. Trưa đi ăn cơm, cũng chụp hình món ăn, để dành ngày sau đăng vì sợ nhiều làm người ta nhàm.
Chiều làm về là đi tập gym, nói theo cách của cả đám là đi tập tạ. Tối đến la cà, café cùng đám này đám kia, có khi là bia bọt một chút. À không, nhiều chút.
Như đợt đó, có cái quán bìa đẹp đẽ khai trương, khuyến mãi lớn, tặng cái thẻ miễn phí 100 ly bia. K được, nên tuần ghé đó khoảng ba lần!
Có bữa thấy nó vắng mặt, không café cùng nhóm chưa kịp hỏi đã nghe thông báo, “Qua quán bia mà kiếm, giờ nghe nói nó làm luôn giám đốc kinh doanh trá hình cho bên đó rồi.”
K cũng yêu, người yêu cùng tuổi, tự lập sớm, hai đứa dành dụm tiền về vài năm sau cưới, nên giờ cái gì cũng tiết kiệm, thấy thương, mà kệ, bởi sau này sẽ tốn cục tiền dự đám.
“Lấy một người cùng tuổi, là chấp nhận mình lớn hơn người nó khoảng ba cái đầu” câu này chắc chẳng sai mày nhỉ. Thế nên với ba cái đầu lớn hơn đó, hi vọng rằng mày bình tĩnh suy nghĩ đủ để chẳng còn giận hờn vu vơ.
Chuyện của F.
F dễ thương, nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực và cứng cáp, bằng chứng là sau khi đi khỏi Việt Nam, bôn ba xứ người một thân một mình vẫn sống tốt.
Ngày còn đi học, hai đứa gần nhà nhau nên cũng thân với F nhất, thân luôn cả với má của F. Hai đứa vẫn thường chở nhau trên chiếc xe cà tàng đi khắp nơi hàng quán. Giờ thì nó đã ở cách cả nhóm nửa vòng trái đất. Lệch giờ nên nói chuyện cùng nhau cũng không nhiều được, nhưng biết chắc rằng trong lòng vẫn luôn dành riêng một khoảng nhỏ cho nhau.
Với F, có lẽ sự ra đi đột ngột của cha là chuyện làm trái tim nó đau nhất, đến nay chắc cũng chưa lành. Đằng sau cái dáng nho nhỏ, đi vẫn thường cố thẳng lưng để được cao hơn một chút, là một nghị lực lớn, và đằng sau cái nghị lực lớn, là một trái tim rất dễ tổn thương.
“Chuyện sinh ly, tử biệt, ai rồi cũng sẽ trải qua, chỉ là may mắn, điều đó đến trễ hơn…” Nỗi đau của mày, ít khi nào tao hỏi đến, nhưng tao biết và cảm nhận nó dù cách nhau mấy ngàn cây số. Mạnh mẽ lên cô gái nhỏ bé, rồi sẽ có ngày cùng nhau rong ruổi khắp những con phố Sài Gòn thương quen.
Chuyện của C.
Đời C bằng phẳng… nhiều khi đến chẳng ai ngờ. Nghe kể lại hơn hai chục năm đầu đời, nó chẳng yêu ai, học cũng kha khá, cõng ra trường về công ty làm luôn đến giờ, chưa từng đổi chỗ.
Đùng cái yêu một anh cùng công ty, hai ba năm rồi cưới, chồng hơn một giáp nhưng tâm hồn còn tươi trẻ, cuối tuần vẫn dắt vợ đi coi phim, café cùng đám bạn, xách theo cái máy ảnh, lâu lâu chụp lại mấy lúc vợ cười vui bên bạn, nhưng chắc về coi xong xóa hết nên tới giờ chưa ai nhận được hình.
Ngày C đám cưới, dĩ nhiên cả đám có mặt đông đủ. Nó xúng xính trong áo cô dâu bên chú rể, gương mặt cười tươi đến rạng ngời, chắc chẳng biết dưới này là cả đám đang ngồi thầm ganh tị, nhưng vẫn chúc phúc thiệt lòng. Đám cưới xong, cả đám lại lăn tăn cái câu hỏi, “Con C cưới rồi, khi nào đến mình?”
Rồi thì khi đang gõ lộc cộc thế này, C đang mang bầu, con đầu lòng. Bà bầu khó tính, hay cằn nhằn, mỗi lần qua nhà chơi lèm bèm thấy sợ. Nhưng cả đám biết bầu bí cũng chẳng để tâm, mà để tâm thì cũng chẳng làm gì được nó.
“Tính chúc mẹ tròn con vuông, nhưng biết mày sợ mập xấu nên gọi là mẹ đẹp con xinh nhé… Chỉ cầu chúc cho gia đình nhỏ của mày luôn tràn ngập hạnh phúc, tiếng cười, để còn có chỗ cho cả đám tụ tập tiệc tùng!”
Chuyện của N.
N khiến bản thân phục nhất. Nó con gái nhưng tính đàn ông, nghị lực và mọi thứ rõ ràng theo kiểu một cộng một là hai. Đi học rồi đi làm, dọn ra ngoài sống và tự lo cho chính bản thân mình. Mẫu của N khiến đàn ông thích, nhưng đa phần chỉ đứng từ xa ngưỡng mộ, vì biết yêu N thì phải là đứa cực kỳ bản lĩnh.
N ít khi công khai chuyện tình cảm, yêu cũng âm thầm, chia tay có buồn thì cũng vài ngày, tinh ý lắm mới nhìn ra được. Đàn ông thích N nhiều, nhưng để N thích lại không bao nhiêu. N từng tuyên bố, chỉ lấy chồng giỏi hoặc giàu, ai chửi thực dụng thì nó chịu, chứ rõ ràng như nó, không lấy người giỏi, hay giàu thì phí. Bản thân đồng ý với nó.
Chỉ là mỗi lần thấy N chạy xe về sau mỗi cuộc vui, biết là chờ nó chỉ là căn phòng trọ, bốn bức tường phẳng lì lì, thấy thương…
Có lần hai đứa ngà ngà say, lôi nó ra nói chuyện, nói luôn cho nó biết là trong những đứa bạn, thương là thương nó nhất, và lo cũng là lo cho nó nhất. Biết nó có cần đâu, nhưng tính vẫn thích lo chuyện bao đồng là thế. Bởi hiểu, những đứa bạn kia, đến khi có chuyện gì đó bất ổn, dẫu sao vẫn còn một gia đình để tìm về, còn N…
Nhưng luôn tin rằng với bản tính của N, sẽ chẳng có gì làm khó được.
“Nhiều lúc tao ngưỡng mộ vì sự thật rằng tao chẳng bản lĩnh bằng mày, và tao không đàn ông như mày. Nhưng cũng như tao đã từng nói, tao thương mày là thiệt. Có thể mày rất mạnh mẽ, hay đôi khi cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng tao vẫn nhớ hoài cái lần ngồi giữa sân trường, mày gục trên vai tao vì chuyện tình cảm… Ai rồi cũng sẽ buồn, chỉ hi vọng mày đừng cố nén nỗi buồn đến khi vỡ tan…”
Hai lăm, những buổi sáng café cùng đám bạn hai lăm vẫn đều đặn như một thói quen khó bỏ, thói quen để thả nỗi buồn rơi giọt, tan tành.
Có lúc nghĩ, năm bảy năm sau, đứa nào cũng con cái đùm đề, có khi nào dắt con ra ngồi cùng nhau cho rôm rả chuyện trò?
Những ngày khi tuổi tác dần trở thành nỗi sợ hãi, người ta lại thường có cái thú nhớ về những kỷ niệm như một bài thuốc chữa bệnh quên. Đắn đo lắm mới viết mấy dòng này lại, bởi sợ biết đâu thêm mấy năm nữa, dòng đời cuốn cả đám xa nhau đến mức vô tình gặp, lại chẳng hỏi, “Ai đây?”
Như một người anh đã từng nói, “Ngày nào còn được ngồi tán gẫu bên ly café thì đã là bạn bè, thứ ấy sau này mất khó tìm, nên ráng mà trân trọng…”
Chuyện ấy đơn giản, nhưng đâu phải mấy ai cũng nhớ mà làm được, bởi…
“Bằng hữu khắp thiên hạ, tri kỷ được bao người?”
Những hình nhân phấn trắng
Ngày chạy xe về từ chỗ làm, thấy người bu đen đỏ. Giữa lòng đường, một hình nhân vẽ bằng phấn trắng nằm chơ vơ. Mẫu để vẽ hình được đặt bên lề đường, chiếu phủ kín người, ai đó đang lum khum thắp hai nén nhang tàn, huyễn hoặc.
Lạnh người.
Chừng vài phút nữa, gia đình sẽ biết. Mẹ mất con, chú bác mất cháu, vợ mất chồng, con mất cha… nhà mất đi một người mới sáng nay vừa chào nói.
Nghe đâu năm nào Sài Gòn cũng có trăm ngàn người ra đi vì tai nạn giao thông, cái chết chẳng đâu xa, nó đồng hành cùng người ta trên đoạn đường đang băng băng chạy.
Bản thân lúc nào cũng tự nhủ, phải chạy xe thật cẩn thận, đời còn dài ngày để yêu thương, đừng chỉ vì sự bất cẩn mà đánh mất tất cả.
Viết đôi dòng, chỉ hi vọng có đi đâu, mọi người hãy nhớ đến những hình nhân bằng phấn trắng chơ vơ, mà đảm bảo an toàn giao thông cho cả mình, cả những người xung quanh.
Thầy
Có bữa nằm nhà, thấy con em đang loay hoay vẽ vẽ, viết viết, hỏi ra mới biết đang làm báo tường nhân ngày Nhà giáo. Chưa kịp nhìn ra dòng khẩu hiệu con em viết là gì, thằng nhóc em họ đi học về, mượn điện thoại gọi cho mẹ nó.
“Tặng cái gì cho cô đây mẹ?”
“Gì mà chẳng được, bận quá thì bỏ phong bì ba bốn trăm cũng được.”
Thấy vừa buồn, vừa thương cho cái nghề được gọi là “thầy” thiên hạ.
Đọc báo, có đợt người ta làm căng lắm cái vụ cô giáo nọ không biết dạy cho học sinh rằng “canh gà Thọ Xương” có nghĩa là tiếng gà gáy báo canh, nên bọn trẻ con cứ nghĩ là món canh nấu bằng cốt gà.
Người kiện, kẻ thưa, nghi ngờ cái sự chuyên nghiệp của bậc làm thầy khiến cô đau buồn, nộp đơn xin nghỉ rồi đến cả phải nhập viện cho tâm được tịnh.
Phân định đúng hay sai thì các cơ quan chức năng có nhiệm vụ, bản thân chẳng liên quan, nhưng thật trước cái cơ chế thị trường, dòng chuyển hóa của xã hội quá nhanh, người thầy dần dà bị biến thành “thợ dạy”.
Chuyện một ông thầy sáng đi dạy ở trường này, tối xách cặp chạy “sô” ở hai ba trung tâm khác là như cơm bữa, thầy cũng như ca sĩ, hết dạy chỗ này lại phải dạy chỗ kia. Khổ nỗi dạy riết đâm nhạt, đâm nhàn, cứ lên bục là cầm giáo án rồi đọc ra rả, mặc cho học sinh bên dưới đứa ngủ, đứa nghe nhạc, đứa nhắn tin, đọc truyện…
Lương chính của thầy ở trường không đủ sống nên mới đành vất vả ngược xuôi. Nhưng đó là thầy cô nào vinh quang được chọn vào các “môn chính, hệ số cao” chứ tầm tầm mấy môn phụ như giáo dục công dân, sử, địa thì có mà ngất ngư, vì mấy đời nay ai lại xách giỏ đi học thêm sử, địa, công dân.
Trường cũ có đợt lên báo ầm ầm, cũng vì mấy chuyện thị phi của việc dạy – học.
Vì là trường điểm, chất lượng cao gì đấy nên muốn vào phải có người quen, không quen thì phải có chút tiền trà bánh, không nhiều lắm, nghe đâu tính bằng ngàn đô. Người đứng ra nhận lại là một cô giáo dạy Văn nhiều thâm niên, do cô thân cùng cô hiệu trưởng. Chẳng hiểu làm sao vụ việc bị người ta phát hiện, rồi cả trường cũng vì vậy được thanh tra, được kiểm chứng, hàng loạt sai phạm rộ lên như nắm mùa mưa.
Có thầy giáo tốt nghiệp môn Lý thì về cho làm bảo vệ, có cô giáo dạy trước đây rất giỏi môn Sinh thì được điều làm giám thị, có người học xong Sử phải dạy Công dân, có người đi theo ngành Toán nhưng phải chọn Thể dục nếu muốn ở lại trường… hóa ra trong cả ngôi trường danh tiếng, thầy, cô cần phải nhìn mặt ban lãnh đạo để mà được phân chia lớp dạy, phân chia lịch giảng, không thì có nguy cơ mất việc như chơi.
Năm đó đọc hàng loạt bài báo về sai phạm trường mình, lòng vừa đau, vừa tủi. Hóa ra ở một môi trường cao quý như sư phạm, cái phe phái, bè cánh vẫn đeo bám, làm tha hóa người thầy.
Trước cũng đi học thêm về sư phạm, được giảng về đạo đức nghề, cao quý làm sao. Rõ ràng trong mặt bằng chung xã hội, làm thầy luôn là một nghề được nhận vọng trọng rất cao. Cả một thế hệ mai sau đều được gởi trên tay thầy. Thầy nhận tri thức rồi kế thừa nó cho đàn đàn lớp lớp sau mình. Vì vậy, trong tất cả các ngành nghề, duy chỉ có nghề làm thầy là cái đạo đức phải được đặt lên hàng đầu, trên cả cái chuyên môn.
Vậy mà đâu đó, người ta vẫn có bài viết báo, thầy giáo dạ tình đổi điểm, có cả người làm thầy ban ngày rồi đi làm điếm ban đêm… đọc xong nước mắt lưng tròng, thương cho cái kiếp bọt bèo của những người “thợ dạy” bị tha hóa đến tận cùng.
Vài tháng trước, thầy giáo dạy Văn năm lớp 10 gọi điện hỏi thăm. Chuyện vãn xong mới thấy thân làm học trò thật vô đạo, chẳng biết kính mà phải chờ thầy đến hỏi. Về thăm trường cũ, đi ăn trưa cùng các thầy, nghe thầy bảo mà chỉ biết cúi đầu mắc cỡ, “nhìn dọc nhìn ngang học trò mình cũng chẳng biết thế nào là đứa viết văn kiếm sống.”
Hết bữa cơm trưa, từ biệt để thầy còn chuẩn bị cho buổi dạy chiều. Lảng qua sân trường, nhìn cô lao công lui cui hốt đống rác bọn học trò để lại, chợt nhớ câu chuyện ngày xưa.
Ngày Nhà giáo cuối cùng của đời học sinh, năm đó cùng con bạn thân đi mua một bó hồng lớn, về gói ghém cẩn thận, đi tặng cho tất cả những người làm việc trong trường nhưng lại chẳng được gọi là thầy, cô. Chú bảo vệ, cô lao công, cô thu ngân hay anh giữ xe… khi ấy chẳng hiểu vì sao lại có cái thôi thúc để làm vậy…
Giờ nghe cuộc nói chuyện của em họ và thím mới hiểu, cái sự kính người truyền tri thức, nó xuất phát từ tâm chứ không phải bằng mớ vật chất hữu hình.
Mắt đời
Có lần, câu chuyện của hai đứa nhỏ, một giàu, một nghèo dạy cho người bài học về giá trị cuộc sống.
Đứa giàu nói:
“Nhà nghèo như bạn, chắc không bao giờ hiểu được cảm giác muốn mua món đồ chơi gì là cầm tiền ra mua ngay cái đó đâu ha.”
Đứa nghèo trả lời:
“Nhưng mình tin chắc rằng nhà giàu như bạn, cũng không bao giờ hiểu được cảm giác mỗi ngày nhịn ăn sáng, dành dụm tiền để mua một món mình thích. Rồi đến khi mua được, nâng niu nó trong tay mà vui mừng muốn khóc luôn đâu.”
Cuộc sống là vậy, giá trị của tất cả mọi thứ nên được đánh giá tùy vào vị trí mà mỗi cá nhân đang đứng.
Chẳng bao giờ chúng ta có thể nhìn bằng con mắt của người khác, nên chắc chắn cũng chẳng bao giờ thấy được thứ mà người ta đang thấy.

Chuyện facebook

Facebook có một cái nút HOME, có nghĩa là NHÀ.
Thế nên khi vào facebook của ai đó cũng giống như vào nhà người ta, nên biết phép lịch sự tối thiểu của chủ - khách.
Trước khi tìm hiểu coi người đó là ai, đừng nên dùng lời lẽ suồng sã, quá lố.
Thấy người ta nói chuyện, đùa giỡn với bạn bè thân, không có nghĩa là mình cũng có thể nói đùa kiểu đó, vì mình đang thuộc dạng “thân ai nấy lo.”
Nói chuyện lịch sự để thể hiện rằng mình là người được giáo dục, chí ít là biết giao tiếp thông thường.
Tuyệt đối không săm soi giới tính của người đó, người ta có là gì đi chăng nữa cũng vốn không ảnh hưởng đến bản thân ta hay hòa bfnh thế giới, thế nên đừng chỉ trích.
Với người lạ, khen được thì khen, hạn chế chê, muốn góp ý thì dùng từ đàng hoàng, lịch sự. “Mình tôn trọng ý kiến của bạn, nhưng mình nghĩ…”
Nên đọc nhiều thứ của người ta chia sẻ rồi hãy chia sẻ cùng, đừng thấy một hai cái status buồn, chán rồi phán người ta sống bi quan, không tích cực, hay một hai hình ảnh lung linh thì cho rằng đây chỉ là kẻ đi chụp hình đẹp để dụ dỗ thiên hạ.
Bên cạnh đó, facebook mặc dù là của cá nhân, nhưng phải ý thức rằng những gì ta viết sẽ thể hiện ở trang bạn bè, thế nên cũng cần tránh vài chuyện nho nhỏ, đừng thể hiện quá đà những thứ sau:
1. Mâu thuẫn cùng gia đình.
Bạn có thể post một cái status than vãn rằng nhà gia đình mình thường xuyên cãi nhau, bạn không vui vì điều đó. Nhưng liên tục dùng những lời lẽ không hay nói về gia đình, người thân, chỉ khiến mọi người hiểu rằng bạn là một người con bất hiếu.
2. Mâu thuẫn với đồng nghiệp.
Khi đi làm, dĩ nhiên không thể lúc nào mối quan hệ cùng đồng nghiệp và sếp cũng tốt đẹp, tuy nhiên với facebook thì nên tránh thể hiện sự bức xúc lên đó. Bạn có chắc rằng đồng nghiệp không có cách facebook của mình, và những gì bạn nói sẽ không đến tai sếp để mang tiếng chia rẽ nội bộ?
3. Người yêu cũ.
Nhớ về mối tình đã qua luôn tốt, nó thể hiện rằng bạn là người biết trân trọng quá khứ. Nhưng nếu suốt ngày than vãn về nỗi đau đó, chỉ làm những người muốn đến bên cạnh bạn sẽ phải e ngại, biết đâu trong số đó lại là một người tốt cho tương lai. Càng không nên nói xấu người yêu cũ, vì điều đó chẳng bao giờ khiến bạn đẹp hơn.
4. Tài sản cá nhân.
Bạn có thể rất giàu có, điều đó sẽ được nhiều người vui mừng vì hoàn cảnh bạn tốt. Nhưng việc suốt ngày post ảnh chụp cùng cả xấp tienf, những chiếc giỏ xách đắt đỏ, những đôi giày hàng hiệu, những bộ thời trang tính bằng triệu… chỉ khiến mọi người cho rằng bạn là kẻ khoe mẽ, và bạn biết không, xã hội không nhiều người giàu được như bạn đâu.
5. Thành tích cá nhân.
Dĩ nhiên khi bạn đạt được một thành tích nhất định, bạn luôn muốn nhiều người vui mừng cùng mình. Nhưng nếu liên tục cập nhật những thứ nhỏ nhặt, mà theo nhiều người thì nó hoàn toàn không thể được coi là một thành tích, thì sẽ dễ biến bạn trở thành một cái thùng rỗng kêu to.
Với những điều trên, không có nghĩa là bạn không được post những thứ như vậy, vì chả ai cấm được bạn sử dụng facebook cá nhân của mình ra sao. Nhưng nên học cách cân bằng cuộc sống từ những thứ mình thể hiện, đừng tự làm mình mất đi sự yêu thích của bạn bè, dẫu, chỉ là bạn bè trên thế giới ảo.
Sài Gòn mắc nhất thứ chi?
Có người hỏi, Sài Gòn cái gì mắc nhất?
Chuyện là ngày ngày đi làm ngang ngã tư có thùng trà đá ai để bên đường, viết rõ câu mời “Trà đá thơm ngon miễn phí”, để luôn mấy cái ly nhựa hơi bẩn.
Có bữa dừng đèn đỏ, nghe hai mẹ con trò chuyện.
“Con khát quá, mẹ cho con uống nước đi.”
“Không, lát rồi uống, nước đó uống không được.”
“Sao không được, người ta ghi là thơm ngon, miễn phí mà mẹ?”
“Không được cãi lời, nước đó là nước dơ bỏ đại vô dụ người ta uống…”
Rồi hai mẹ con rồ xe chạy mất, mặt thằng nhỏ vẫn còn tiếc nuối.
Có lần, một người thanh niên dừng xe đạp lại, rót ly trà đá mát lạnh uống. Hai bạn trẻ đi xe tay ga đắt tiền bên cạnh xì xầm:
“Nghèo lắm hay sao mà cái thứ nước này cũng dám uống…”
Thật chẳng thể biết bạn thanh niên kia nghèo hay không, chỉ thấy ít ra bạn ấy giàu lòng tin hơn hai bạn trẻ kia.
Hóa ra ở Sài Gòn, lòng tin là cái mắc nhất mà không phải ai cũng đủ khả năng mua cho mình.

-- HẾT --
Thông Tin
Lượt Xem : 2075
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN