--> Ngoảnh lại hóa tro tàn - game1s.com
XtGem Forum catalog

Ngoảnh lại hóa tro tàn

, chẳng làm được gì hết.”

“Giữ được cái mạng đi rồi hẵng tính đến chuyện làm việc khác.”

“Phương Đăng, Phương Đăng… Nếu tôi nói, có ngày tôi sẽ xây dựng lại căn nhà này, em tin không ?”

Hai mắt cậu nhắm chặt, những lời lúc này gần như là mê sảng.

“Không được rồi, phải đưa anh đi khám ngay.” Phương Đăng muốn đỡ Phó Thất dậy, nhưng người cậu ta vừa nóng hầm hập vừa nặng trịch, thần trí mê man đi mất rồi.

“Em tin không ?” Đến tận lúc này cậu ta vẫn lẩm nhẩm câu hỏi ấy.

Đôi mắt Phương Đăng hoe đỏ, lớn tiếng đáp: “Tin! Dĩ nhiên là tôi tin chứ!”

Cậu nên biết rằng, dù cậu nói muốn xây vườn Viên Minh, nó cũng sẽ tin. Trước cậu, nó luôn là con ngốc thế đấy.

Vẻ như câu trả lời này khiến Phó Kính Thù được an ủi sâu sắc, cuối cùng Phương Đăng cũng dìu được cậu ta ngồi dậy, nhưng người cậu ta mềm nhũn như bị rút hết xương, lả vào người nó.

“…Vừa nãy tôi tin. Nhưng bây giờ tôi bắt đầu hết tin rồi.”



Chương 8: Quyết Chẳng Rời Xa



Phương Đăng lục tung tầng hai lên, chỉ tìm ra một lượng thuốc cảm nhỏ. Chút thuốc đó không đủ để đối phó với bệnh tình đang chuyển biến xấu của Phó Kính Thù. Xem tình trạng phát sốt và mê man của cậu ta, nếu không hạ nhiệt kịp thời, không biết chừng sẽ trở thành sưng phổi.

Ngoài cửa sổ trời đã tối, lúc này cô nhi viện đã vào giờ giới nghiêm, chẳng thể trông mong cậu binh tôm tướng cá A Chiếu sang giúp, già Thôi đoán chừng chắc không về kịp lúc này. Phương Đăng không biết nhờ ai cùng dìu Phó Kính Thù đến trạm y tế, chỉ đành miễn cưỡng để cậu nằm trở lại ghế tựa, một mình chạy đi tìm bác sỹ.

Trên đảo chỉ có một trạm y tế duy nhất, thường ngày sau tám giờ, y bác sỹ đều tan ca về nhà cả. Phương Đăng cắm đầu chạy, đến trước cửa trạm y tế, con bé thở không ra hơi, tóc tai rối bù, mừng rỡ khi thấy bên trong đèn vẫn sáng.

“Bác sỹ…” nó đẩy cửa bước vào, phát hiện ra bên trong chỉ còn bà lao công đang lau nhà.

“Đóng cửa rồi.” Người đàn bà đang cắm cúi lau ngẩng lên nói.

Phương Đăng ngước nhìn đồng hồ treo trên tường. Đồng hồ chỉ tám giờ mười phút.

“Nhưng… nhưng có người bệnh đang ốm nặng!”

“Bác sỹ vừa tan ca xong. Bệnh thường thường thì sớm mai đến, nặng thì cáng vào thành phố.”

“Bác sỹ sống ở đâu ạ ? Cháu đi tìm ông ấy.” Phương Đăng không cam tâm nói.

Bà lao công tiếp tục chậm chạp kéo qua kéo lại cái giẻ lau sàn. “Sống trong thành phố.”

Phương Đăng chẳng nói chẳng rằng quay đầu chạy thẳng ra bến tàu, nếu may mắn nó sẽ kịp chặn ông bác sỹ trước khi ông lên tàu. Trạm y tế tới bến tàu gần bằng khoảng cách từ đầu nọ sang đầu kia hòn đảo, đến khi Phương Đăng gập bụng thở dốc dưới ánh đèn sáng choang trên bến, cũng là lúc còi báo hiệu tàu rời bến vang lên.

Cái đuôi gà bướng bỉnh giờ xõa tung qua hai vai, gió biển mơn man mấy lọn tóc bám hờ gương mặt dậy lên cảm giác lâm râm khó chịu. Cổ họng nó như có ngọn lửa đang bốc cháy, khóc không thành tiếng.

Khi Phương Đăng trở lại, Phó Kính Thù vẫn mê man trên ghế. Nếu không bận tâm đến khóe miệng mím chặt và gương mặt đỏ ửng, thì lúc này cậu ngủ thật an nhiên. Đôi hàng lông mày lẫn gương mặt thấp thoáng vẻ bất an non trẻ, cậu bây giờ trông mới ra dáng một chàng thiếu niên mười bảy tuổi.

Cậu không cho Phương Đăng biết phải liên lạc với già Thôi bằng cách nào, trong nhà thậm chí không thể tìm ra bất cứ số điện thoại nào để liên lạc với thế giới bên ngoài. Trong lòng Phương Đăng hiểu không cách nào đưa người ra khỏi đảo vào lúc này, chỉ đành tận lực chăm sóc, cầu cho cậu bình yên qua khỏi đêm nay.

Lúc nó đi khỏi, ông phn chưa về nhà, cơm nước nó đã dọn sẵn để trên bàn. Không rõ người cha khi đêm xuống trở về không thấy con gái đâu sẽ phản ứng ra sao. Liệu có đi tìm nó ? Hay nổi trận lôi đình ? Hoặc, vui mừng khôn xiết vì bớt được một gánh nặng trên lưng ?

Từ cửa sổ phòng Phó Kính Thù nhìn sang, căn gác xép phía trên tiệm tạp hóa đã sáng đèn. Giả dụ nó về nhà “điểm danh” lúc này, chắc chắn đừng hòng bước ra khỏi cửa nửa bước.

Phương Đăng rón tay vén tấm màn nhung đỏ lên, biết bao lần con bé nhìn thấy nó từ xa, đến bây giờ mới được tận tay chạm vào. Tấm màn trơn mượt, nằng nặng y như tưởng tượng. Chưa bao giờ nó nhìn cái cửa sổ rách nát nhà mình từ vị trí này, cảm giác thật kỳ lạ. Như thể trong nhiều giấc mơ, nó và Phó Kính Thù nhìn nhau mỉm cười qua kẽ hở giữa các cây chuối tây bày trước cửa sổ này, vậy đứa con gái cô độc đang chống cằm ở kia lại là ai ?

Phương Đăng chẳng nhớ đã thay cho Phó Kính Thù bao nhiêu lần khăn mặt, chỉ biết là liên tục cả đêm. Rạng sáng gần bốn giờ, nó vào nhà bếp đun nước, trong lúc chờ, nó ngủ gật, nằm bò ra bệ bếp. Sực tỉnh, con bé giật mình đánh thót, may mà nước chưa sôi cạn, nếu không đã gây ra họa lớn.

Nó cầm non nửa ấm nước trở lại phòng khách tầng hai, kinh ngạc nhận ra Phó Kính Thù đã ngồi dậy, choàng chiếc chăn mỏng nó đắp cho ban nãy lên vai. Hai tay cậu ôm trán, dường như vẫn chưa tỉnh hẳn.

“Mệt thì nằm xuống đi.” Phương Đăng rót một ly nước, định giúp Phó Kính Thù thổi nguội. khi đưa nước tói, thuận tay nó chạm thử lên trán cậu. Tạ trời tạ đất, cơn sốt cao dường như đã bị đẩy lui, có điều vẫn còn ho. Nó định vỗ lưng cho cậu, lại suýt chút nữa làm cậu chết sặc.

Con bé xấu hổ lỏn lẻn cười khan hai tiếng.

Phó Kính Thù nhấp một miếng nước, đặt cốc sang bên, ngẩng lên định mở miệng. Phương Đăng đoán ra cậu định nó gì, bèn ngắt lời : “Không cần cảm ơn, tôi làm sao trơ mắt nhìn anh chết được.”

“Cái cô bé này sao cứ thích nhắc đến chữ ‘chết’ mãi”. Phó Kính Thù như cười như không, giọng khàn đặc, nhưng ngữ điệu dễ chịu thường ngày đã trở lại, “Tôi muốn hỏi, trong lúc tôi mơ mơ màng màng, em ở bên lẩm nhẩm hát bài gì vậy?”

“Lẩm nhẩm hát á?” Cậu ta không nhắc, chỉ sợ Phương Đăng chẳng nhận ra mình đã hát.Ngập ngừng một lúc, mặt con bé đỏ dần lên. Trước nay Phương Đăng nổi tiếng là giọng ca vịt đực, từ hồi tiểu học đã mấy lần được gọi vào đội văn nghệ trường vì ngoại hình xinh xắn, nhưng chỉ cần nó cất giọng, thầy cô nào cũng giơ tay đầu hàng.

Lúc ấy đã khuya, màn đêm yên tĩnh rợn người, cứ lặp đi lặp lại công việc thay khăn, nó bất giác ngân nga hát lúc nào không hay. Phương Đăng không thích phải thừa nhận cho lắm. “Có à?” Nó hỏi lại.

“Có mà, em hát rất to, làm tôi tỉnh luôn.” Phó Kính Thù ngẫm nghĩ, khẽ ư ử ngân thử một đoạn giai điệu đơn giản, “Thế này này, là bài gì vậy?”

Cậu đã hát lại được cả giai điệu như thế, Phương Đăng đành phải thừa nhận trong lúc cậu hôn mê, bản thân nó cứ như bị tẩy não vậy, không nhớ kỹ mình đã làm những gì.

“Đó là khúc hát ru.” nó nói.

Phó Kính Thù nghi ngờ, “Trước nay tôi chưa nghe qua khúc hát ru này bao giờ.”

“Cô tôi bảo, hồi nhỏ mỗi lần tôi không chịu ngủ hoặc bị ốm…” Phương Đăng buột miệng phân trần, rồi ngừng bặt. Hai người chìm vào một khoảng lặng im khó xử.

“Phương Đăng, sao em tốt với tôi vậy?” Phó Thất đánh tan căng thẳng, nhưng hỏi câu này thật khó trả lời.

Phương Đăng nghịch nghịch tóc, lẩm bẩm như nói cho chính mình nghe, “Tôi đối tốt với anh á?”

“Năm tôi lên bảy, cha bay đi Malaysia, ông nói không thể đưa tôi đi theo cùng. Tôi biết thừa, bà Trịnh chỉ cho ông đi một mình, ngược lại ông thở phào nhẹ nhõm. Trên đời này người ông không muốn thấy nhất là tôi. Mười năm xa cách, ông hiếm khi gọi điện về. Nếu không vì chút trách nhiệm và nghĩa vụ, tôi đoán ông chẳng muốn duy trì mỗi năm một lần gửi thư và bưu kiện. Già Thôi… già đối với tôi rất tốt, tôi cảm kích vô cùng. Già chăm sóc tôi như chăm sóc cha tôi vậy. Đây vừa là nhiệm vụ chủ nhân Phòng Ba đã giao cho ông, vừa vì bố con tôi là máu mủ của chị ông. Trên đời này trừ ông ấy, chẳng ai để ý tôi sống hay chết, hoặc có đang hạnh phúc hay không…”

“Vì tôi quan tâm anh.” Phương Đăng vội nói, hận không moi tim ra cho cậu xem được, ”Tôi mong được thấy anh cười. Anh muốn làm gì, tôi cũng sẽ giúp anh. Thật đấy, làm gì cũng được, tôi sẽ bảo vệ anh.”

“Em bảo vệ tôi?” Phó Kính Thù bật cười, ”Con trai mới nói thế chứ, còn em…”

Nó chỉ là một con bé đáng thương hơn cả cậu ta.

Phương Đăng đỏ bừng mặt, nhưng không có ý định thu lại lời vừa nói, “Tôi thật lòng mà!”

“Vì sao lại thế?”

Tại sao ư? Nếu bản thân nó biết đáp án thì tốt biết mấy. Cậu ta như thỏi nam châm, nó bị hút như bản năng. Vì cậu ấy là đồng loại, một đồng loại vừa giống, lại vừa tốt đẹp hơn nó nhiều lần, vì thế ư? Nó không thể nói thành lời. Cậu cần một đáp án, vậy nó sẽ cho cậu câu trả lời dễ hiểu nhất.

“Tôi không còn nhiều người thân.” Phương Đăng đánh liều lên tiếng.

Nó đoán không ra sau nét mặt kia đang là điều gì. Phó Kính Thù cúi đầu kéo tấm chăn trên vai. Khi Phương Đăng bắt đầu hối hận vì những gì vừa nói, cậu bỗng cất lời bằng giọng nhẹ tênh : “Bà ấy là người thế nào… Ý tôi là, cô của em ấy.”

Phương Đăng ngồi bệt xuống sàn, ngả nửa người lên chiếc ghế dựa, ngẫm nghĩ một lát, đáp : “Cô rất đẹp, nhưng rất buồn.” Đây là ấn tượng rõ nét nhất về cô Chu Nhan trong ký ức ấu thơ Phương Đăng. Mười mấy năm, nhan sắc của cô bị hao mòn vì cuộc mưu sinh, nhưng nỗi buồn của cô như phù sa dưới đáy sông ngấm ngầm tích tu, dù cô chẳng bao giờ khóc hay nói ra.

“Cô nói mình có một đứa con trai. Đôi khi cô ngân nga khúc hát ru bên cửa sổ phòng tôi, cứ như hát cho con trai mình nghe vậy.”

“Thế ư, vậy sao bà ta lại vứt bỏ con mình?” Phó Kính Thù dửng dưng phản bác.

“Sao mà thế được ? Rõ ràng là cha anh đòi ly hôn, là ông ta đuổi cô tôi đi.”

“Đó là vì bà ta lẳng lơ dâm đãng, bà ta hoàn toàn chẳng yêu cha, trong lòng không hề có cha con tôi.”

“Ai bảo anh thế?” Phương Đăng kinh ngạc quay sang nhìn thẳng vào Phó Kính Thù, thật ra chẳng nói cũng biết, dĩ nhiên là ông Phó Duy Nhẫn cha của cậu ta nói, “Cha anh chắc chắn đã lừa anh.”

“Suốt bao năm ông ấy vì chuyện này mà u sầu thảm não, em nghĩ đó là đóng kịch để lừa tôi ư?”

Phương Đăng không biết vì sao cô Chu Nhan không trở về tìm con, nhưng nếu nói cô không yêu người đàn ông họ Phó kia, không nhớ nhung đứa con trai duy nhất của mình, đánh chết Phương Đăng cũng không tin. Nếu không phải yêu thương, vẻ đau đớn những khi cô đơn hoặc thinh lặng kia từ đâu mà ra ? Cô Chu Nhan thường xuyên rơi vào trạng thái thất thần, không phân biệt được đâu là quá khứ đâu là hiện thực. Ông Phương Học Nông thường bảo, những khi đầu óc cô không được minh mẫn. Tình trạng này càng lúc càng dữ dội khi cô ốm nặng, những ngày tháng sau cùng, người ở bên cô nhiều nhất chính là Phương Đăng.

“Sao gã lại lừa ta ? Con ta đâu mất rồi?” Giờ phút hấp hối, cô nhắc đi nhắc lại lời này đến tắt thở.

Phương Đăng nhớ dáng hình tiều tụy của cô trước lúc lâm chung, không nén được kích động, “Rõ ràng là cha anh vì muốn giành cơ hội học đại học mới lấy cô tôi, lợi dụng xong liền ruồng rẫy.” Vốn nó định nói thêm hành động này quá bỉ ổi, nhưng nghĩ dù gì đó cũng là cha người ta, đành cắn răng nuốt vào bụng.

Những chuyện này Phương Đăng gom nhặt từ trong lúc chửi say của ông bố Phương Học Nông. Lúc tỉnh táo ông Phương Học Nông chẳng dám động đến cô Chu Nhan, gì thì gì ông vẫn ăn cơm bằng tiền kiếm trên thân xác cô. Nhưng chỉ cần uống vào hai hớp, ông liền chỉ vào mặt cô chửi đồ ngu xuẩn, đê tiện, chỉ muốn trèo cao, kết quả là hỏng hết nửa đời người.

Phương Học Nông và Chu Nhan là anh em cùng mẹ khác cha, trong thời kỳ cách mạng Văn hóa, cha cô Chu Nhan từng làm chủ tịch Ủy ban Cách mạng đảo Qua Âm, tay nắm đại quyền sinh sát. Phó Duy Nhẫn một lòng muốn đi học, khổ nỗi bị gán vào thành phần “Phần tử tàn dư của chủ nghĩa Tư Bản”, nếu không cưới cô Chu Nhan, ông ta không cách nào được cho phép học đại học. Sau này phong trào cận động dần lắng xuống, cha cô Chu Nhan gây thù chuốc oán quá nhiều, chẳng mấy chốc bị thanh trừng. Cơ thể ông cụ vốn không khỏe, nhanh chóng chết bệnh trong ngực.

Cô vừa hạ sinh con trai không lâu, Phó Duy Nhẫn liền viện đủ lý do kiên quyết đòi ly hôn, cô Chu Nhan không buồn rầy rà, một mình ra đi, cùng anh cả rời khỏi đảo, chẳng bao giờ quay về nữa. Mỗi lần ông Phương Học Nông chửi bới lung tung, Phương Đăng đều không thể chịu nổi, vậy mà cô Chu Nhan vốn đáo để chưa bao giờ nói lại nửa lời. Cô ngẩn người hồi lâu, hoặc rít liên tục loại thuốc lá rẻ tiền. Khi ấy bệnh lao phổi của cô đã nghiêm trọng lắm rồi.

“Không thể nào.” Đôi lông mày Phó Kính Thù nhăn tít lại, “Em không biết cha tôi là người thế nào. Ông ấy thanh cao từ tận xương tủy. Bảo ông mang hôn nhân ra đổi lấy cơ hội học đại học, cưới một người ông không yêu, việc đó tuyệt đối không thể nào, tôi đoán ông thà chết còn hơn. Ông ấy chắc chắn có tình cảm với… cô của em, nếu không sao cứ một mực canh cánh chuyện bà ta phản bội trong lòng.”

“Có bằng chứng gì mà nói cô tôi phản bội cha anh?” Cô Chu Nhan là người thân cận nhất với Phương Đăng thời nhỏ, còn thân hơn cha ruột, con bé không thể chịu nổi trò vu khống trắng trợn này, cho dù đó là Phó Kính Thù cũng không được. Nó hơi mất bình tĩnh.

“Em đừng nóng, tai tôi sắp vỡ tung ra mất.” Phó Kính Thù tỏ ra bình thản và biết điều hơn hẳn, mặc dù cậu cũng quan tâm đến cậu chuyện này y như Phương Đăng, “Tôi loáng thoáng nhớ cả cha và già Thôi đều từng nói, cô của em có một mối tình đầu sâu nặng. Vì ông ngoại, à không đúng, là cha-của-cô-của-em ngấp nghé tiếng tăm nhà họ Phó trên đảo này, định nhân lúc họ Phó sa cơ bắt quàng làm họ, bèn ép con gái gả cho cha tôi bằng được. Bản thân cô của em không mong muốn chuyện đó. Sau khi lấy nhau cha tôi mới biết sự thật. Ông không cách nào chiếm được trái tim của bà, đó là một chuyện không thể chấp nhận được.”

Phương Đăng không thể dung thứ cách nói này, ”Các người ngậm máu phun người. Chính là tai tôi nghe cô nói, lần đầu tiên cô biết yêu là vào một ngày đảo Qua Âm họp chợ. Hôm ấy cô cùng các chị em đang chọn gương trong một sạp nhỏ bán đồ trang điểm. Cô giơ chiếc gương lên soi mặt, trong gương bỗng xuất hiện một người qua đường. Ngay lúc ấy cô đã nghĩ, mình sẽ lấy anh ta, người con trai đó chính là Phó Duy Nhẫn ! Anh nói cái gì mà mối tình đầu sâu nặng, toàn là nói quàng nói xiên.”

“Không đúng.” Phó Kính Thù dường như lờ mờ nhận ra manh mối sự thật, có vẻ cũng vô cùng kinh ngạc, tấm chăn rớt khỏi vai lúc nào không biết, “Em nhắc đến cái gương, tôi cũng có chút ấn tượng. Già Thôi nói, mối tình đầu của Chu nhan từng tặng bà một chiếc gương, bà thường soi gương đến ngẩn người. Cha nhìn thấy, vậy là hai người bắt đầu cãi cọ không ngừng… Nếu lời em là thật, già Thôi cũng chẳng lừa tôi, thì vấn đề nằm ở đâu?”

Cậu chìm vào im lặng, Phương Đăng cũng lặng lẽ vắt óc suy nghĩ.

“Chẳng lẽ…”

“Hiểu rồi!”

Hai đứa gần như cất tiếng cùng lúc, có điều phản ứng của Phương Đăng mạnh hơn, con bé đứng bật cả dậy.

“Chẳng lẽ cái ‘mối tình đầu’ mà ông hận thấu xương lại là chính ông ? Cô tôi và cha của anh đều không nói dối, tiếc là… Trời ạ, sao lại đến nỗi!” Ý nghĩ này thật hoang đường nhưng chắc gì không thể xảy ra. Phương Đăng giậm chân thình thịch.

Phó Kính Thù hơi ngẩn người, chắc cậu cũng đang nghĩ điều tương tự.

Kỳ thực Phó Duy Nhẫn và Chu Nha yêu nhau thắm thiết. Từ nơi khác đến, cô thiếu nữ Chu Nhan vừa nhìn thấy Phó Duy Nhẫn trong gương đã trúng phải tiếng sét, còn Phó Duy Nhẫn âm thầm để ý tới nàng từ lúc nào không hay. Trước khi hai người kịp tỏ tấm chân tình, ông bố vô tâm lẩm cẩm kiêm chủ tịch Ủy ban Cách mạng của Chu Nhan để mắt đến danh tiếng trăm năm của họ Phó, muốn mượn cái giấy thông hành vào đại học trao đổi, hy vọng hai nhà kết thông gia, tiện dát vàng lên thể hiện của mình. Chuyện hôn sự này thuận lợi tiến hành, chỉ tội cho đôi trẻ, kẻ thì cho rằng người kia bị cha gây áp lực mới gả ình, người lại tưởng người mình yêu khát khao vào đại học nên lấy hôn nhân ra đánh đổi. Đây rõ ràng là hiểu lầm trong gang tấc, tiếc cho cả hai quá đỗi kiêu ngạo. Phó Duy Nhẫn không biết cách thể hiện sự quan tâm, còn Chu Nhan hiếu thắng phải chịu ghẻ lạnh bèn giận dỗi nhận bừa mình chỉ nhớ nhung người trong gương. Thực ra từ đầu chí cuối, tình lang trogn gương của cô cũng chính là Phó Duy Nhất đang đứng phía sau đau lòng.

Nghiệt ngã một điều đến tận ngày xa cách, họ vẫn không thể bộc bạch tấm lòng mình với người kia. May có hai kẻ hậu nhân tình cờ gặp nhau, mang tất cả manh mối khớp lại, chân tướng sự việc mới ló dạng. Sự thật này tuy nực cười mà thấm thía. Đôi khi chúng ta cũng thế, những lời thật lòng, thường chỉ nói được trước người dưng.

Tất nhiên, cái gọi là “chân tướng” kia chỉ nằm trong suy đoán của Phương Đăng và Phó Kính Thù, còn sự thật thật sự, đã vĩnh viễn vùi chôn theo cái chết của Chu Nhan.

“Anh có nói với cha về việc này không?” Phương Đăng vẫn nuôi hy vọng, dù cô Chu Nhan đã mất, nhưng nếu biết ông Phó Duy Nhẫn hiểu lòng mình, chắc cô dưới suối vàng cũng ngậm cười. Về phần ông Phó Duy Nhẫn, tâm tư nặng trĩu bao năm của ông sẽ được giải thoát.

Chẳng ngờ, Phó Kính Thù nghe xong chỉ lắc đầu, “Cha tôi không thích tôi gọi điện sang Malaysia, dù có viết thư gửi đi, liệu ông có tin ? Những điều mấy đứa nhóc tưởng tượng liệu có là thật ? Sự việc đã trôi qua quá lâu, ông vốn không có ý định quay về, cho dù đây là sự thật, ông biết rồi sẽ thư thái ư ? Ngày xưa người buông tay là ông, giờ đây ông sẽ càng buồn, việc gì phải thế. Chân tướng sự thật không quan trọng như người ta tưởng, con người thích tình nguyện tin vào ảo giác để an ủi linh hồn mình hơn.”

Cậu nói không phải không có lý, Phương Đăng hết đường phản bác. Lầm lỗi vô tình ngày ấy, dưới con mắt kẻ ngoài cuộc là câu chuyện ly kỳ, nhưng trong lòng hai người ấy mãi chỉ là tai nạn tàn khốc. Chẳng bằng để cho thời gian chôn vùi nó hoàn toàn.

“Chữ ‘Kính’ trong tên anh xuất phát từ đó ư?” Phương Đăng hỏi.

Phó Kính Thù cười đáp, “Ngốc. Anh họ tôi tên là Phó Kính Thuần, chẳng lẽ cũng vì đó ? Hàng anh em tôi dùng chữ ‘Kính’, như đời bố tôi là chữ ‘Duy’ vậy. Tên tôi là Phó Kính Thù, em biết rồi đấy, chữ ‘Thù’ nghĩa là khác biệt. Chắc vì trong số tất cả anh em họ tộc, tôi là đứa không giống ai. Thân thế cha nhạy cảm, bà Trịnh thu nhận ông vì đó là di nguyện của ông nội, với một người đàn bà việc này đã không hề dễ dàng. Còn tôi ư, từ nhỏ không có mẹ, cha thì bỏ đi, ngoài kia người ta đồn ầm rằng mẹ ruột tôi làm cái nghề…”

“Đó là bất đắc dĩ, là bố và tôi làm liên lụy cô.” Trong đầu Phương Đăng luân chuyển ngàn vạn ý nghĩ, muốn nói gì đó, chỉ thấy cổ họng khô rát, không thốt nên lời. Mất một lúc nó mới lên tiếng : “Cô thật sự rất đáng thương. Lúc ra đi trong người chẳng có gì, còn một đôi khuyên tai bằng bạc cũng bị cha vặt đem đi bán. Chỉ có chiếc gương trân quý nhất, khi cô ra đi tôi đặt cạnh, để cô có nó bầu bạn trên đường xuống suối vàng.”

“Gương gì vậy?”

“Chỉ là cái gương cũ rích, chẳng đáng tiền. Tôi đoán đó là cái gương giúp cô nhìn thấy cha của anh, nếu không chắc cô đã không luôn mang theo mình.”

Phó Kính Thù bỗng nhiên chống tay xuống ghế định đứng dậy, Phương Đăng cuống quýt đỡ lấy, “Anh muốn làm gì?”

“Em chờ tôi một chút.” cậu đẩy od ra, chậm chạp đi vào phòng riêng, rất nhanh mang ra một vật. Một cái gương nhỏ bằng phân nửa lòng bàn tay.

Phương Đăng khó hiểu cầm lấy cái gương, đặt trong bàn tay giở đi giở lại xem xét. Chiếc gương này tinh xảo hơn chiếc của cô Chu Nhan nhiều. Mặt trái của nó dường như bằng bạc, hơi xỉn màu, có vẻ lâu năm, bên trên là vân mây điêu khắc độc đáo. Đúng là danh gia vọng tộc, đến vật dụng hằng ngày cũng vô cùng tinh tế.

“Đồ cổ à?” Phương Đăng đang nghĩ, món đồ này nói không chừng khá đáng tiền.

Phó Kính Thù nói, “Chưa đến mức là đồ cổ, niên đại từ cuối Thanh đầu Dân quốc là cùng. Chiếc gương này ban đầu do ông nội tặng Tiểu Xuân cô nương. Tiểu Xuân cô nương nhờ già Thôi đem nó cho cha, coi như kỷ niệm. Về sau cha dùng làm lễ vật tân hôn tặng cho cô của em, khi bà rời đi đã để nó lại. Cha tôi sang Malaysia không mang theo, thành ra đến tay tôi.”

Phương Đăng ngầm đoán ra vì sao cô Chu Nhan lại trả vật này cho Phó Duy Nhẫn, chỉ một mực xem cái gương nhựa rẻ tiền là bảo bối. Có lẽ trong lòng cô, chỉ để tâm đến mặt người phản chiếu trong gương thuở ban đầu ấy mà thôi.

“Ấy, phía sau còn có chữ.” Phương Đăng gắng sức nhận hai dòng chữ tiểu triện, ”Quyết không…cái gì…rời…một lòng…cái gì dạ.”

“Một lòng một dạ, quyết chẳng rời xa.” Phó Kính Thù chán ngán đỡ lời.

Phương Đăng nhẩm một lượt, hiểu được ý tứ bên trong, “Đây là lời thể của ông nội anh với Tiểu Xuân cô nương?”

“Tôi không rõ.” Phó Kính Thù lạnh nhạt đáp, “Chiếc gương này qua tay bao người, cứ nói quyết không rời xa, rồi cuối cùng chẳng phải đều rời xa đó sao?” Phương Đăng đưa trả, Phó Kính Thù bèn đẩy lại, “Em giữ đi, để ở chỗ tôi cũng vô dụng, dù sao đây là quà cha tôi tặng cô của em.”

Cậu ta vẫn chưa chịu gọi cô Chu Nhan tiếng “mẹ”, nhưng hiện giờ nhắc đến bà, thái độ đã dịu dàng hơn nhiều. Phương Đăng không cảm thấy lạ vì Phó Kính Thù chưa đổi cách gọi. Cô Chu Nhan bỏ rơi cậu bao năm qua, tim cậu đã quen để trống vị trí ấy. Trong tim mỗi người đều có một lỗ hổng, lỗ hổng mà họ không nguyện đắp bồi.

Phương Đăng không dám cầm.

“Chính vì cái gương này đã qua tay nhiều người nhà họ Phó, nên anh phải giữ lại.”

Phó Kính Thù cười khẽ, “Phương Đăng, em không hiểu thật ư?”

“Cái gì?” ánh đèn dường như dao động, trái tim Phương Đăng chợt run rẩy.

“Tôi từng hỏi em vì sao em tốt với tôi, em đã trả lời thế nào?” Nụ cười của Phó Thất tan biến, điều gì đó khiến Phương Đăng cảm thấy khó hiểu trong đôi mắt kia, “Lý do tôi tặng nó cho em cũng tương tự. Người thân của tôi không nhiều.”



Chương 9: Giặc Nhà Khó Phòng



Phương Đăng nhận lấy chiếc gương nhưng không mang đi. Cái gương và chậu chuối tây, cả hai đều là những thứ rất tốt rất tốt, có điều nó không mang bên mình được. Đặc biệt chiếc gương này trông ra tấm ra món, con bé không muốn nó bị bán rẻ cho ai đó để đổi lấy vài đêm tiền rượu.

Nó để Phó Kính Thù thay mình bảo quản chiếc gương, biết đâu ngày nào đó điều kiện cho phép, nó sẽ đòi lại. Thật ra Phương Đăng có ý của mình, nó mong Phó Kính Thù nhìn thấy tấm gương này sẽ nhớ đến cô Chu Nhan… sắn tiện nhớ luôn nó. Thế là giữa hia người lại nhiều thêm một ràng buộc, thứ ràng buộc mong manh hơn huyết thống một chút. Lời thề “Quyết chẳng rời xa” trong gương với Phương Đăng như một lời nguyền huyền bí, khó có thể kháng cự.

Sau khi hạ sốt, tinh thần Phó Kính Thù trở nên tỉnh táo hơn nhiều. Cậu đồng ý với Phương Đăng không vội tới trường, nghỉ ngơi thêm một ngày, nếu lại phát sốt sẽ đến trạm y tế khám ngay. Con bé nhìn người ta nuốt hết viên thuốc cảm mới đành lòng về lo việc của mình.

Phương Đăng đoán chắc về tới nhà tránh không khỏi ầm ĩ một trận. Vừa mới mở cửa gác xép, còn chưa kịp đặt chân vào phòng, con bé đã giật thót bởi một vật xé gió bay thẳng vào mặt. Theo bản năng nó vụt né sang một bên. Chỉ thấy một hũ rượu rỗng va vào tường cầu thang phía sau, vỡ đánh choang.

“Tưởng chết rũ xác ngoài đường rồi, vẫn còn dám vác mặt về?” ông Phương Học Nông rít lên từ trong cổ họng.

Phương Đăng xác định tay cha đã hết “hung khí”, bèn chạy vèo vào phòng, ăn miếng trả miếng, “Con không về liệu bố có cái mà ăn không? Sớm muộn cũng chết đói thôi.”

“Mày khai mau, mày đi đâu?”

“Sang nhà bạn học ngủ một đêm.”

“Bạn học cái con khỉ, dám lừa lão đây.” Phương Học Nông nổi điên, chỉ ra ngoài cửa sổ, “Chính mắt tao trông thấy mày bước ra từ bên kia. Cái loại vô liêm sỉ, chết đi cho rảnh, đừng gây ra những chuyện xấu hổ làm bẩn mắt tao.”

Phương Đăng nghe ra ý tứ của ông, biết rằng cái cha đang nghĩ đến có khi còn nhơ nhớp hơn điều mình đoán, lập tức đỏ bừng mặt, phân trần.”Bố nói linh tinh cái gì đấy, người ta bị ốm, già Thôi thì không có mặt, con đi chăm sóc một chút thì đã sao?”

“Nó sống hay chết liên quan quái gì đến mày, chết sớm ngày nào đời bớt nhơ ngày ấy!”

Đây là việc khiến Phương Đăng luôn khó hiểu. Cha nó dẫu là tên vô lại, ngày thường trừ nghiện nặng mấy hũ nước đái mèo, hiếm khi để ý chuyện người ta. Nhà họ Phó, nói cách khác là tất cả mọi thứ về Phó Kính Thù cứ như điều cấm kỵ với ông, hễ dính đến bọn họ, cơn giận của ông có thể bùng lên bất cứ lúc nào, thâm thù đại hận này từ đâu mà ra?

“Cậu ấy rốt cuộc làm gì bố nào?” Phương Đăng quyết định khơi chuyện ra nói, làm cho rõ ràng, “Ừ thì cha cậu ấy, ông Phó Duy Nhẫn không phải với cô Chu Nhan, nhưng nói gì thì nói vẫn là con trai của em gái bố, cháu trai của bố! Mười mấy năm nay bố chưa về đảo, người ta làm gì có lỗi với bố được?”

“Tao nhổ vào, loại tạp chủng!” Mồm mép Phương Học Nông vẫn cứ là bẩn thỉu nhất hạng.

Phương Đăng rầu rĩ nói: “Bố mắng cậu ta là tạp chủng, khác gì mắng cô Chu Nhan, trừ phi đó không phải con của cô.”

Ông Phương Học Nông thở phì phò, không đáp. Một lúc sau, thấy Phương Đăng cho sách vở vào cặp chuẩn bị đi học, ông lại hậm hực nhiếc, “Đừng có để tao lại troogn thấy mày và thằng lỏi đó quấn lấy nhau lần nữa, cái đồ lẳng lơ, mày nghĩ gì tưởng tao không biết đấy? Bỏ công bỏ sức đeo bám thằng tạp chủng, chỉ bằng ra ngoài kiếm tiền về cho tao!”

Những lời này khiến Phương Đăng thấy chướng tai vô cùng, nó quẳng cặp sách xuống đất, vở bút bắn ra tung tóe. Con bé đỏ mắt lớn tiếng hỏi ngược lại, “Kiếm tiền giúp bố kiểu gì, lại như cô Chu Nhan à? Bố có còn là thằng đàn ông, có còn là con người không? Mấy đồng bạc đó bố nắm trong tay mà không thấy mình như phế vật ư? Chẳng trách hồi còn sống cô chẳng coi bố vào đâu, cô bảo đến chết mới hết nhuốc nhơ, đến chết mới thoát khỏi bố!”

Cơn bùng nổ của Phương Đăng nhất thời khiến Phương Học Nông chấn động. Ông ngồi bệt xuống giường trúc, thừ người, vẻ như không hiểu lời cáo buộc của con gái, lại vẻ như đang ngẫm nghĩ ý tứ trong đó.

“Nó nói thế thật sao?” Rất lâu, ông mới ngước cặp mắt đục ngầu nhìn xoáy vào Phương Đăng, hỏi.

“Không chỉ cô nói, con cũng nghĩ thế. Bố chửi giời chửi đất chửi người khác là tạp chủng, còn bố là cái gì? Bố là người đàn ông như nhược nhất mà con từng thấy! Xui xẻo nhất đời con và cô Chu Nhan là gặp phải lão quỷ hút máu như bố. Bố cho con được cái gì ngoài cái mạng này? Vẫn còn bình rượu đấy, bố ném đi, ném vỡ đầu con đây này, thế là hết nợ. Con đi theo cô Chu Nhan cũng tốt, đỡ phải nhìn thấy bố rồi buồn nôn.”

Phương Đăng ầng ậng nước mắt hét lên, ông Phương Học Nông ngồi trơ như phỗng. Nó không muốn rơi nước mắt trước con người này, bèn cúi xuống thu dọn vở bút, chạy đi.

Phương Đăng chạm mặt A Chiếu trên đường. Cậu nhóc thấy bà chị khóe mắt đỏ hoe, liền đuổi theo hỏi: “Chị, sao lại khóc? Đứa nào bắt nạt chị, để em cho nó một trận.”

A Chiếu múa cái cặp sách đựng đầy sỏi trong tay. Phương Đăng quay lại lườm, thân hình A Chiếu ốm nhom, gió thổi cái là bay, ánh mắt thì ngơ ngác, hiện rành rành mấy chữ “em hơi nản, nhưng phải giả vờ chẳng ngán bố con thằng nào.” Phương Đăng nghe nói vẫn có mấy đứa lớn đem nó ra làm trò cười, nhưng ít nhiều lũ chúng phải e dè thứ đựng trong cặp sách của nó. Ít nhất, giờ đây nó được ăn no, không đến nỗi và hai miếng cơm vào miệng liền bị đứa khác cướp mất cái bát.

Phương Đăng nói giọng khó ưa: “Muốn làm anh hùng à, còn xanh và non lắm!”

Chiều sau giờ lên lớp, Phương Đăng và A Chiếu cùng đến thăm Phó Kính Thù. Cậu ta đã đi lại làm mọi việc được như thường, mặc dù vẫn ho không ngừng. Khi hai người đến, Phó Kính Thù đang định xách nước ra tưới vườn hoa đã bỏ bê mấy hôm nay. A Chiếu hăng hái vơ hết việc nặng vào mình, nghiến răng xách xô nước nặng chẳng kém trọng lượng cơ thể bao nhiêu, đôi mắt đảo ngang đảo dọc ngắm nhìn căn biệt thự huyền thoại, nơi mà nó chưa từng đặt chân tới trước đây. Phương Đăng và Phó Kính Thù ngồi bên đình tạ đổ nát buôn chuyện, A Chiếu tất tả làm việc, gương mặt đứa nào cũng rạng rỡ tràn trề, như thể đứa bé mồ côi tìm lại gia đình đã mất.

Phương Đăng cố tình đợi đến đêm mới về nhà, nó không muốn lại ầm ĩ lên với bố. Ông Phương Học Nông nằm dài trên giường ngáy o o, chẳng rõ đã ăn tối chưa. Phương Đăng nhặt hũ rượu rỗng dưới chân giường, ngạc nhiên thấy ông quắp cái chăn, trên nếp nhăn nơi khóe mắt hẵng còn dấu nước mắt chưa kịp khô.

Một tuần sau già Thôi trở lại, dắt thêm một người lạ. Phương Đăng nghe được từ chỗ Phó Kính Thù rằng, già Thôi lần này vội vã tới nhà người anh họ xa ở phương Bắc chịu tang, đây là một trong vài người ruột thịt ít ỏi còn lại của già. Người thanh niên theo ông về tên Thôi Mẫn Hành, là cháu trai họ xa, nghe nói gia cảnh không mấy dư dật, cha mẹ đều qua đời, không rõ trước đây làm nghề gì mưu sinh, nay cứ muốn theo già Thôi kiếm cái ăn.

Thôi Mẫn Hành trạc hăm bảy hăm tám tuổi, người tầm thước, chắc nịch, trông trung hậu mà nhanh nhẹn, trên mặt luôn nở nụ cười dễ mến. Già Thôi van nài mãi, Phó Kính Thù đành đồng ý cho hắn ở lại nhà họ Phó. Hắn dựng tạm một gian nhà gỗ trong khu vực của người dưới làm chỗ ăn ở, thường ngày giúp già Thôi lo lắng việc vặt trong nhà, rảnh rỗi thì nhận làm mấy việc chân tay trên đảo.

Phó Kính Thù nguyên muốn cho Thôi Mẫn Hành ở trong căn phòng nhỏ dưới tầng một lầu đông, nhưng già Thôi kiên quyết từ chối. Ông có cái tư duy bất di bất dịch rằng, lầu đông là nơi ở của chủ nhân Phòng Ba. Dù đáng ra Phó Thất còn phải gọi già Thôi tiếng “ông”, nhưng già chưa bao giờ dám lên giọng người trên, chỉ cần người của Phòng Ba ở đây, ông vẫn cứ là một người gác vườn, Thôi Mẫn Hành cũng vậy. Phó Kính Thù biết ông cố chấp, không tiện bàn thêm. Nghe nói già Thôi đánh điện hỏi ý bà Trịnh, bên ấy đã đồng ý nhận Thôi Mẫn Hành vào làm. Dù sao già Thôi tuổi tác đã cao, sớm muộn cũng phải tìm một người trẻ tuổi tráng kiện thay ông đảm đương trọng trách canh giữ Phó gia viện, không thể để căn biệt thự hoang phế. Bên ấy cũng không ngại trả thêm tiền công ột người nữa.

Già Thôi liên lạc với Phòng Ba còn nhiều hơn Phó Kính Thù. Đôi khi, ông là cầu nối giữa Phó Kính Thù và bà Trịnh. Chi tiêu hằng ngày cùng một số lời căn dặn từ bên ấy thường là ông chuyển lời đến Phó Kính Thù. Đối với chỉ thị từ Malaysia, Phó Kính Thù hiếm khi phát biểu ý kiến riêng, chuyện gì cũng chỉ xem cho biết, rồi để trong lòng.

Từ khi vào ở trong nhà, Thôi Mẫn Hành luôn tỏ ra vô cùng vồn và niềm nở với Phó Kính Thù. Hắn trẻ hơn già Thôi, tay chân nhanh nhẹn, đầu óc linh hoạt, rất nhiều việc già Thôi còn chưa nghĩ ra hắn đã làm xong, còn tìm kiếm khắp trong ngoài đảo mang về những loại hoa cỏ trong vườn chưa có bởi hắn biết Phó Kính Thù có thú chơi cây. Phó Thất lại không mấy thiết tha, cậu vốn là người khó lấy lòng, đối với ai cũng lạnh nhạt, khách sáo, từ đầu chí cuối giữ một khoảng cách an toàn.

Phương Đăng giờ đây trở thành khách quen của Phó gia viện, già Thôi ban đầu mở của cho con bé vào vẫn còn miễn cưỡng, nhưng Phó Kính Thù đã ngầm cho phép, ông không dám nói nhiều. Về thân phận của Phương Đăng, nếu bảo già Thôi không đề phòng cảnh giác thì là nói dối. Nhưng thấy con nhóc này và Tiểu Thất của ông chơi với nhau hòa hợp vui vẻ, dần dần ông cảm thấy, để nó đến thường xuyên cũng hay. Có Phương Đăng ở đó, kẻ quen lầm lũi một mình như Phó Kính Thù mới nổi hứng tán chuyện. Sau khi tan học, hai đứa thường cùng nhau ra vườn sau, Phó Kính Thù bày biện màu bút căng giá vẽ tranh, Phương Đăng lăng xăng lúc bên này, lúc bên kia. Già Thôi len lén núp một chỗ quan sát, phát hiện có lúc Tiểu Thất trêu con nhóc kia cười hi hi ha ha, có lúc hai đứa lại vì một chuyện cỏn con cãi nhau mẻ đầu sứt trán. Dù gì vẫn chảy chung một dòng máu, mặc cho xuất thân có khác biệt, gãy xương gân vẫn liền. Nghĩ thế, về sau mỗi lần chuẩn bị trà nước điểm tâm cho Phó Kính Thù, già Thôi làm luôn cho Phương Đăng một phần. Thi thoảng con bé ở lại ăn cơm, ông cũng không xị mặt nữa.

A Chiếu theo Phương Đăng vào vườn, chăm chắm muốn ăn chực mấy món ngon của già Thôi, thế là cứ quấn lấy chân lão cả ngày, xắn tay đòi giúp làm cái này cái nọ. Già Thôi chẳng biết làm thế nào, chỉ biết quát, “Thằng ranh con, thằng ranh con.” Nể tình chủ, ông không nỡ đuổi nó đi. So với già Thôi bảo thủ cứng nhắc, Thôi Mẫn Hành có vẻ nhiệt tình với “hai người bạn” của Phó Kính Thù hơn. Phương Đăng thì không nói, con bé luôn miệng bảo “Vô cớ xun xoe không định lừa đảo thì trộm cắp.”; A Chiếu có vẻ khá thích tm. Cái ông chú mới đến này chẳng những hào phóng cho nó đồ ăn hơn, còn dạy nó tết lá cỏ thành đủ thứ đồ chơi thú vị.

Sau bận cãi nhau to với con gái, ông Phương Học Nông im ắng đi nhiều. Rượu vẫn ngần ấy, mỗi lần uống xong vẫn nát như tương, nhưng chỉ cần Phương Đăng cơm nước đàng hoàng, sau đó có đi đâu ông cũng hiếm khi hỏi đến. Phương Đăng mấy lần bắt gặp Thôi Mẫn Hành dìu bố mình ngất nga ngất ngưởng về đến nhà, ông Phương Học Nông còn giơ cao bình rượu cung kính gọi hắn là “người anh em”. Phương Đăng thấy khó hiểu, Thôi Mẫn Hành lên đảo chưa lâu, sao đánh bạn được với cha mình nhanh thếm ông Phương Học Nông chẳng có chút giá trị lợi dụng nào, sao hắn lại vui vẻ kết giao? Phương Đăng bỏ công quan sát, phát hiện Thôi Mẫn Hành đối với ai cũng cười nói vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ, lại thêm hắn khéo ăn khéo nói, chỉ trong thời gian ngắn hắn đã tạo được mạng lưới quan hệ rộng lớn ngay giữa hòn đảo khép kín bài ngoại như đảo Qua Âm. Với một người lạ mặt mới đến mà nói, đây thật sự là việc không dễ dàng. Có thể thấy hắn có đôi ba phần bản lĩnh, chẳng trách già Thôi lặn lội xa xôi đưa hắn về.

Thời gian vùn vụt trôi đi, vào một ngày cuối tuần sau tiết đông chí không lâu, Phó Kính Thù đi học vẽ tại nhà thầy giáo trong thành phố như mọi lần, vì cái hẹn ra bờ hồ vét bùn bón hoa trước khi mặt hồ đóng băng với Phương Đăng, nên về đảo sớm hơn vài tiếng.

Phương Đăng đứng ở bến tàu đón, thấy cậu trang phục mỏng manh, khăng khăng bắt về nhà mặc thêm áo, tiện bỏ lại đống giá bút lỉnh kỉnh. Hai người về đến Phó gia viện, vừa vào cổng chính Lầu Đông, đúng lúc gặp Thôi Mẫn Hành đi từ bên trong ra.

“Hôm nay cậu chủ về sớm thế!” Thôi Mẫn Hành hơi sững người, cười tít mắt chào hỏi.

Phó Kính Thù liếc anh ta một cái, hỏi: “Già Thôi không có nhà à?”

“Dạ không, chú tôi đi mua gạo. Trước khi đi ông có dặn rảnh rỗi thì mang mấy chậu hoa ngoài sân sau lên ban công tầng hai, đêm lạnh, sợ ngấm sương không tốt.” Thôi Mẫn Hành xoa xoa tay, ve áo vẫn còn dính mảnh lá mục, “Hai người mau vào đi, bên ngoài gió to, tôi đi tìm mấy khúc gỗ tốt đóng lên giàn hoa cho chắc.”

“Ừm.” Phó Kính Thù ra hiệu cho Phương Đăng theo mình vào nhà, lại quay ra dửng dưng hỏi tm, lúc này đã đi tới cái ao hình bán nguyệt: “Có phải già Thôi bảo anh mang cậy thụy hương Nam Vang tối qua tôi vừa tỉa cành lên không?”

Thôi Mẫn Hành cười đáp: “Không sai không sai, chính là chậu hoa tối qua cậu vừa chăm sóc. Cậu lên xem thử, hoa nở đẹp lắm. Tôi phải đi đây, không là không kịp đóng lại giàn hoa trước khi trời tối mất.”

“Anh đi đi.”

Thôi Mẫn Hành vừa xoay mình, lại nghe Phó Kính Thù với theo một câu, giọng điệu không nhạt không nồng, “Người cứ đi, nhưng đồ để lại.”

“Cái gì cơ ạ?”, Thôi Mẫn Hành khựng bước.

Phó Kính Thù nói: “Anh là thân thích của già Thôi, tôi không muốn phải khám người anh.”

“Ô… Cậu nói gì thế, tôi chẳng hiểu gì cả, cô bé kia giải thích lại giúp tôi không?” Mặt Thôi Mẫn Hành tràn đầy kinh ngạc.

Phương Đăng không nói gì, ngẩng lên nhìn Phó Kính Thù, không kim được nhìn Thôi Mẫn Hành dò xét một lượt.

“Già Thôi sẽ không cho anh mang chậu thụy hương Nam Vang vào phòng. Loài hoa đó ưa râm ưa lạnh, chú ấy càng hiểu tôi không thích mùi hương quá nồng của nó.”

“Cậu không thích, tôi lại mang nó xuống là được chứ gì?” Thôi Mẫn Hành ngọt giọng.

“Tôi bảo rồi, để đồ lại, còn anh có thể đi. Anh muốn đợi già Thôi về, hay đợi tôi gọi người đến?”

Thôi Mẫn Hành đờ người đứng tại chỗ mất một lúc, nụ cười trên mặt dần xơ cứng, nguội ngắt. Hắn lôi trong túi ra một cái đồng hồ quả quýt cũ, một cây bút nạm vàng, hai con dấu, lại thêm một tờ tiền loại cũ, không nói không rằng đặt xuống bậc thềm trước cửa.

Phó Kính Thù cúi xuống nhìn một lượt quay sang nói với Phương Đăng: “Hắn khôn lắm, biết chọn những thứ ngày thường không dùng đến nhưng lại đáng tiền.”

Phương Đăng tiến tới nhặt các thứ đó lên, lạnh lùng liếc xéo Thôi Mẫn Hành một cái. Đúng như lời Phó Thất nói, Thôi Mẫn Hành là kẻ hai mặt, hoặc ít ra cũng rất biết ngụy trang. Hắn biết già Thôi bình thường không thích hắn vào lầu Đông, đề phòng người trong nhà có ai về sớm, liền mang cây thụy hương Nam Vang tối hôm trước Phó Thất vừa chăm sóc ra làm bình phong.

“Anh chuyển vào đây đã lâu, chúng tôi đối với anh đâu có bạc.” Phó Kính Thù trầm giọng nói.

Thôi Mẫn Hành bị bóc mẽ, mà chẳng chút nao núng, ngược lại tỏ vẻ khinh khỉnh, sấn lên một bước. Phương Đăng kéo Phó Kính Thù lui lại hai bước, tỏ ra đề phòng, “Anh định làm gì?”

Thôi Mẫn Hành đứng mân mê tay vin cầu thang làm bằng đá Đại Lý trổ hoa văn, “Cái thứ này chẳng xoàng. Tao lấy làm khó hiểu, cùng là người với nhau, sao mày được đứng trên cao chỉ tay năm ngón, còn tao như con chó sống trong vườn nghe mày sai khiến. Chẳng qua là tổ tiên tích hộ chút đức, để lại mấy món đồ tốt. Tao chỉ mượn vài cái vặt vãnh đem đi tiêu chơi, làm gì mà kẹt xỉ thế.”

“Cho dù có cho anh thêm nhiều món đồ đáng giá, cũng chẳng thấm vào đâu, bạc khát nước đỡ sao nổi. Tôi sẽ không làm rộn, anh tự giác đến chào từ biệt già Thôi đi, chú ấy đã lớn tuổi, tôi không muốn chú ấy buồn.”

Đêm ấy Thôi Mẫn Hành từ biệt già Thôi, rời khởi Phó gia viện. Già Thôi có chút kinh ngạc, nhưng chẳng buồn níu giữ. Ông ngần ấy tuổi đầu, đã chứng kiến biết bao biến cố loạn ly, có lẽ trong lòng cảm thức được điều gì rồi cũng nên. Phó Kính Thù để ý, thấy già không nhắc đến chuyện kia nhiều, nhưng dường như tinh thần sa sút đi không ít, dáng vẻ lại càng già nua thêm vài phần.

Vừa qua tiết Thanh Minh, nửa đêm già Thôi nhận điện thoại từ Malaysia gọi về, nghe xong, già cứ im thin thít. Một lát sau, già bịt đầu ống nghe kéo đến bên lò sưởi, nơi Phó Kính Thù đang đọc sách. Vẻ mặt già phức tạp, định nói gì lại thôi.

Kỳ thực tâm tư Phó Kính Thù không hoàn toàn đặt vào cuốn sách, liền quay sang hỏi: “Có phải bên đó bảo tôi nghe điện thoại không?”

Già thôi gật đầu, đặt ống nghe vào tay cậu chủ, rồi lật đật đứng sang một bên.

Phó Kính Thù hít một hơi dài, kề ống nghe lên tai, rất nhanh, tia hy vọng trong mắt cậu tiêu tan, cậu ngồi thẳng lên, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi lạnh.

“… Tôi biết rồi.” cậu nói với đầu dây bên kia. Điện thoại được trả về chỗ cũ, cậu quay sang, thấy già Thôi đang len lén quệt nước mắt.

Phó Duy Nhẫn đã chết. Người đàn ông mới hơn bốn mươi tuổi ấy đã chết vì suy tim.

Già Thôi đi xa chịu tang trở về không lâu, bên Malaysia đã đánh điện sang, báo rằng Phó Duy Nhẫn, người mà một tay già nuôi lớn gần đây tình trạng sức khở không mấy khả quan, vì thế chẳng thể gửi đồ về cho con trai như mọi năm. Có điều già Thôi và Phó Kính Thù đều cho rằng ông chẳng may lâm bệnh, điều dưỡng một thời gian sẽ đỡ, có ai ngờ ông bỗng chốc ra đi ở tuổi sức vóc còn tráng kiện như vậy.

Tin dữ đến quá đột ngột, già Thôi dầu rất đỗi xót xa, nhưng già biết có một người thậm chí còn không thể tiếp nhận sự thực nghiệt ngã này. Phó Duy Nhẫn là người thân yêu nhất trên đời của Tiểu Thất, là hy vọng duy nhất. Nếu ông còn sống, tương lai Tiểu Thất sẽ có người làm trung gian hòa giải khúc mắc về thân phận, nhưng giờ, chỉ sợ Phòng Ba ở Malaysia từ đây sẽ chẳng buồn hỏi han gì đến đứa trẻ mồ côi ở Phó gia viện nữa. Cậu khó mà có ngày trở mình.

Già Thôi nuốt nghẹn, định an ủi Tiểu Thất mấy câu, nhưng Phó Kính Thù giơ tay ra ngăn, không muốn để già nói. Cậu chầm chậm trở lại chỗ ngồi ban nãy, bước chân bình ổn. Đóng lại cuốn sách đọc dở một nửa, tờ dấu sách không cẩn thận rớt xuống sàn nhà, cậu cúi xuống nhặt hai lần vẫn không thể cầm được cái thẻ dấu sách mỏng dính. Cậu lùi lũi đóng cửa phòng lại, trước ánh mắt lo lắng của già Thôi. Trắng một đêm ấy, già Thôi không nghe được tiếng động nào phát ra từ trong phòng.



Chương 10: Thuốc Chữa Mòn Tim



Đã lâu Phương Đăng không trèo tường vào Phó gia viện, giờ đây tay chân không được lanh lẹ bằng trước kia nữa. Mấy hôm nay trời còn đổ mưa, lớp rêu dày cộp trở nên vừa ướt vừa trơn, chưa leo tới nơi, con bé đã xém chút ngã dập mặt.

Ban nãy nó gọi cửa, già Thôi miệng nói Tiểu Thất không có nhà, nhưng mắt lại lén liếc về vườn sau. Nó không ngốc, dĩ nhiên là hiểu được ý tứ người già thế nào.

Phó Kính Thù quả nhiên ở đó, giá vẽ được dựng bên miệng giếng từ bao giờ, mà vải căng hẵng trắng nguyên. Cậu ta tựa mình vào con hồ ly đá trong lụm cỏ rầm rì, chốc chốc lại thò tay dứt dứt mấy cọng cỏ đuôi chó.

“Nếu như cha anh vô lại như cha tôi, biết đâu anh sẽ không buồn đến thế.” Phương Đăng vắt vẻo trên đầu tường, phủi bùn đất trong tay nói.

Hắn nghiêng đầu ngó về phía âm thanh truyền tới, đáp với gương mặt vô cảm, “Câu an ủi của em chẳng ra làm sao.”

“Tôi không giỏi mấy việc này đâu.” Phương Đăng thừa nhận.

“Già Thôi nói với em à?”

Phương Đăng ậm ừ một tiếng cho qua chuyện. Nó không muốn nói ra, rằng mình biết tin dữ từ cái miệng hỉ hả của thằng nhóc Phó Chí Thời đầu tiên.

“Tôi cứ sợ anh trốn ở đây khóc nhè, may mà không phải.”

Phó Kính Thù ném cọng cỏ đuôi chó vừa nhổ lên về phía Phương Đăng, ai ngờ bị gió thổi ngược lại, cọng cỏ đậu dưới chân, “Xuống đây, con gái gì mà leo trèo như khỉ, chẳng ra làm sao.”

Phương Đăng nhảy đánh huỵch xuống đất, ngồi xuống phía bên kia con hồ ly, hai đứa quay lưng với nhau.

“Thật ra bây giờ anh khóc cũng là lẽ thường ý mà. Tôi giả vờ không thấy nhé !” Nó nhắm mắt lại, cảm thấy gió lướt nhẹ qua vầng trán.

Phó Kính Thù lặng thinh, hồi lâu mới nói: “Em tin không, tôi chẳng thể khóc được. Từ khi biết tin, đầu óc tôi trống rỗng, không thể nghĩ ngợi được gì. Chẳng rõ đó là buồn hay gì. Em có thấy tôi quá bất hiếu không?”

Phương Đăng đáp: “Lúc cô mất, tôi cũng không rơi nước mắt. Ông bố vô lại của tôi thì vừa khóc vừa chửi ầm ĩ mới buồn cười chứ. Khó khăn lắm cô mới được nghỉ ngơi vậy mà… Có điều tôi cảm giác như chỗ này bị ai đó dùng roi quất mạnh.” Nó chỉ vào trái tim mình, “Chắc như thế nghĩa là buồn.”

“Tôi thì dường như đã học được cách sống như một đứa con côi từ lâu rồi.” Lời nói của Phó Kính Thù không khỏi có ý tự trào, “Năm nào tôi cũng chờ thư và bưu kiện cha gửi, chẳng khi nào nguôi nghĩ đến việc bao giờ ông gọi điện ình. Kỳ thực mấy bức thư quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy câu, nhắc tôi đừng quên mình họ ‘Phó’. Đồ đạc trong bưu kiện quá nửa là thứ tôi không dùng được. Tôi luôn nói với bản thân, rằng mình vẫn có một người cha, thế nào rồi cũng có ngày tôi được về bên ông, được thu nhận, được thừa nhận như ông, danh chính ngôn thuận là người nhà họ Phó. Kỳ thực, tôi chỉ hiểu rõ mấy nhân vật nhà họ Phó trong tranh treo bàn thờ, đến cả cha mình, tôi cũng sắp quên cả dáng dấp, gương mặt nữa là.”

“Bây giờ ông ấy mất rồi, mấy thân nhân ở hải ngoại liệu có bỏ mặc anh không?” Phương Đăng lo lắng thay cho cậu.

Phó Kính Thù lắc đầu nói: “Không rõ. Này, tôi giống thằng ngốc nằm mơ giữa ban ngày quá nhỉ,

cứ mong được một đám người ở đâu đâu nhận làm thân thích.”

“Mơ được là tốt, tôi còn chả hình dung sau này mình sẽ ra sao.”

“Khái niệm về nhà họ Phó của tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ cha. Ông là một người vừa kiêu hãnh vừa mẫn cảm. Từ khi hiểu chuyện tôi đã biết, không ngày nào cha không khao khát đứa con riêng như mình được nhận tổ quy tông. Sau này ông đạt thành nguyện vọng, nhưng ông nội chẳng còn, bà Trịnh có con cái riêng, một người đàn bà tinh minh sắc sảo nhường đó, làm gì có chuyện xem trọng đứa con trai do chồng mình và một ả người hầu sinh ra ? Cha sống ở Malaysia không được vui. Từ những lá thư gửi về, tôi có thể cảm nhận được. Dầu cho không phải lo toan cơm áo gạo tiền, bà Trịnh đối xử với ông cũng tử tế, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ như người ngoài.”

“Toàn tại ông nội anh, làm ăn thì giỏi giang ít ai bằng được nhưng mặt kia thì… Nếu đã sợ vợ, thì không nên lằng nhằng với cô hầu, làm khổ hai đời con cháu.”

“Mỗi người đều có nỗi khổ riêng. Già Thôi nói, mẹ của chú ấy và Tiểu Xuân cô nương là nhũ mẫu của ông nội, Tiểu Xuân lớn hơn ông nội năm tuổi, nếu bảo bà ấy đã bế ẵm ông suốt thời thơ ấu cũng không quá. Có một chuyện già Thôi nói chẳng hiểu có đúng không, năm ông nội hai mươi học trường tây trở về, vẫn phải để Tiểu Xuân cô nương bón mới chịu ăn cơm.”

Phương Đăng rõ ràng chịu không nổi, nhe răng thè lưỡi nói: “Chỉ có cậu ấm nhà giàu mới mắc cái bệnh ấy.”

“Thời đó trong các nhà phú quý, giữa cha mẹ và con cái có khoảng cách rõ rệt, không thân thiết như gia đình bình dân. Tôi đoán trong lòng ông nội, Tiểu Xuân cô nương nửa là mẹ, là chị, là bạn… nửa như người yêu thanh mai trúc mã.”

“Bà Tiểu Xuân trong tranh đẹp quá đi chứ. Anh có nhiều nét giống bà ấy.”

Phó Kính Thù thở dài hai tiếng, cậu chẳng biết phải phản ứng thế nào với lời khen hồn nhiên của Phương Đăng.

“Đáng tiếc hồng nhan thường bạc mệnh.” Phương Đăng gật gù vẻ thấu hiểu, ngay sau ấy nó quay ra phía sau hỏi: “Đúng rồi, Tiểu Xuân cô nương sao lại chết thế ? Anh gặp bà bao giờ chưa?”

“Sao tôi gặp được, hồi cha còn rất nhỏ bà đã mất rồi. Nhảy xuống giếng mà chết.” Phó Kính Thù vừa nói vừa chỉ về bên trái Phương Đăng.

Cái miệng giếng ở trước mặt chỉ cách Phương Đăng năm sáu mét.

“Được lắm, sao không nói sớm.” Phương Đăng ôm lấy đầu gối, cảm thấy cơn gió bỗng chốc ẩn tàng một luồng âm khí lạnh lẽo, cuồn cuộn bốc ra từ lỗ giếng đen ngòm. Thế mà không chỉ một lần nó ló đầu xuống đó. Đường kính giếng không quá nửa mét mà sâu không thấy đáy, một con người muốn chết đến mức nào mới dám nhảy vào cái lỗ nhỏ hẹp ấy ? Bỏi một khi đã nhảy xuống không cách nào cựa mình lẫn quay lại.

Phó Kính Thù thủng thẳng nói: “Em cũng biết sợ cơ đấy.”

“Sợ cái gì mà sợ, có phải tôi hại bà ấy đâu.” Phương Đăng cứng miệng tỏ vẻ điềm tĩnh, nhưng lại co người lui về sau một ít. Con hồ ly bằng đá vừa cứng vừa lạnh sau lưng, lại trở thành điểm tựa vững chắc.

“Con hồ ly bằng đá em đang dựa vào là của bà ấy để lại. Đáng ra có một đôi, con kia bà buộc vào người rồi nhảy…”

“Phó Kính Thù anh ác ghê, định dọa chết tôi à?” Phương Đăng ngoảnh ra sau đấm Phó Kính Thù một đấm. Nó chưa quên, trong bức ảnh đó, Tiểu Xuân cô nương cũng ngồi tại đây tựa lưng vào con hồ ly đá. Chuyện “tai nghe mắt thấy” bao giờ cũng gây lạnh sống lưng hơn truyện ma bình thường.

Dang bực, thấy khóe miệng Phó Kính Thù khẽ nhếch lên, Phương Đăng càng nóng máu. Lúc này mà cậu vẫn còn chọc ghẹo nó cho được, lần này thu hoạch to rồi.

“Không phải anh bịa ra để lừa tôi đấy chứ?”, Phương Đăng nghi ngờ.

“Chuyện này làm sao mang ra đùa được ? Già Thôi nói về sau ông nhờ người, tốn rất nhiều công sức mới vớt được chị mình lên. Cảnh tượng lúc đấy thôi tôi không tả nữa nhé. Thanh Minh năm nào già Thôi cũng ra miệng giếng đốt giấy tiền cho Tiểu Xuân cô nương. Năm ngoái ông không khỏe, tôi đem vàng mã đốt hộ, bao nhiêu tro đem đổ cả xuống giếng.”

Phó Kính Thù thuyết phục người khác chẳng lấy làm khó, thường ngày hiếm ai dám nghi ngờ khả năng này của cậu. Phương Đăng chỉ còn một chi tiết nghĩ không ra, “Theo như anh nói, con trai được vài tuổi Tiểu Xuân cô nương mới nhảy xuống giếng tự vẫn, nhưng lúc ấy ông nội Phó Truyền Thanh đã rời khỏi một thời gian khá lâu, là đả kích gì khiến bà nghĩ quẩn như thế?”

“Nghe nói không có dấu hiệu gì rõ rệt. Phía Malaysia không ai về hay gửi thư, tất cả không khác gì trước đó.”

“Giỡn mặt à, một người đang sống sờ sờ sao bỗng dưng, vào một ngày chả liên quan, lại nhảy xuống giếng mà chết. Người mà bà yêu đã đi khỏi nhà từ vài năm trước, nỗi buồn chia tay cũng vượt qua rồi, còn có điều gì khiến bà bỏ đứa con nhỏ, khăng khăng tìm chết như thế?”

Phó Kính Thù ngả người, gối hai cánh tay lên lưng con hồ ly, “Điều này chẳng ai biết rõ. Có lẽ xa cách lâu ngày, bà bỗng nhiên tin rằng người mình chờ đợi sẽ không bao giờ trở lại, mà ngày tháng còn quá dông dài.”

“Ngày tháng còn quá dông dài…” Phương Đăng liếc nhìn miệng giếng, đột nhiên cảm thấu phút lĩnh ngộ kia càng khiến người ta tuyệt vọng hơn biệt ly ngắn ngủi. Vết thương gây đau đớn nhất không phải vào lúc thịt da đứt lìa, bởi vì khoảnh khắc đó trôi qua rất nhanh, chưa kịp phản ứng, máu đã phun đầy mặt đất. Ngay lúc đó người ta sẽ bưng miệng nó lại, băng bó, cầm máu cho nó. Kỳ thực lúc đau đớn nhất là sau một thời gian dài, ta khẽ khàng gỡ bỏ lớp vải trắng, phát hiện miệng vết thương vẫn ngoác ra. Hóa ra nó luôn ở đó, mục rữa, hôi thối, chỉ mình mình hay biết.

“Tự tay Tiểu Xuân cô nương chạm ra con hồ ly đá này ư?”

“Em không ngờ một cô người hầu mà lại tài hoa như vậy phải không?” Phó Kính Thù nói, “Cha Tiểu Xuân cô nương và già Thôi là thợ đẽo đá. Bà rất có khiếu, ông nội từng mời người Tây trên đảo đến dạy bà về mặt này. Một năm nọ trong nhà làm đại thọ cho bà cố, Tiểu Xuân cô nương đích thân tạc một bức tượng quan âm đem biếu. Ai nhìn thấy cũng phải khen, Quan Âm mà chớp mắt một cái là hóa thành thật.”

“Đôi tay bà chắc là khéo lắm, hiện nay chỉ còn sót lại mỗi vật này thôi sao?” Phương Đăng quay lại ngồi xếp bằng, nhẹ nhàng vuốt ve, bức tượng này dầm mưa dãi nắng hàng thập kỷ mà vẫn sáng bóng như thuở ban đầu. Ngón tay Phương Đăng vô ý lướt qua mấy ngọn tóc của Phó Kính Thù.

Chất tóc tơ thật mềm mượt, chẳng như mái tóc đen vừa dày vừa cứng của nó, không buộc lên là rối bù như Xúy Vân giả dại. Ngón tay Phương Đăng khựng lại giây lát, đụng chạm ấy càng thận trọng và dịu dàng, hơi thở nó càng gấp gáp.

Phó Kính Thù dường như chẳng hề hay biết, “Vừa nãy tôi nói bà buộc một con hồ ly đá vào người nhảy xuống giếng là dọa em thôi. Người nhảy xuống là thật, nhưng bức tượng này vốn chỉ có một. Bà tạc sau khi người Phòng Ba dọn khỏi vườn.”

“Sao phải đặt con hồ ly đá ở đây, ai mới nhìn cũng khiếp vía.”

“Bà có cách lý giải của riêng mình. Em nghe nhé?”

“Em cứ coi như nghe chuyện bịa cũng được.” Phó Kính Thù gần như thì thầm, “Ngày xửa ngày xưa, một con c
ĐẾN TRANG
Thông Tin
Lượt Xem : 7563
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN