-->
Dị Ngọc Phụng vừa thoáng thấy hai người đó, vội định lui ra, nhưng một trong hai người đã cất tiếng gọi:
- Ca ca!
Thì ra hai người đó chính là Dị Cư Hồ và Đào Lâm.
Đào Hành Khản vừa đáp lại một tiếng, Dị Ngọc Phụng đã thấp giọng nói:
- Chúng ta tránh xa họ ngay.
Tiếng nói của nàng tuy rất khẽ, nhưng đâu thoát khỏi tai Dị Cư Hồ, chỉ nghe Dị Cư Hồ lạnh lùng nói:
- Nơi đây về đêm có rất nhiều sói xám xuất hiện, chớ ương ngạnh mà làm mồi cho lũ sói.
Hai cha con Dị Ngọc Phụng tuy đã trở mặt, nhưng con cái có thể bỏ cha mẹ, còn cha mẹ dù có tuyệt tình đến mấy cũng không khỏi quan tâm cho con cái, lời nói của Dị Cư Hồ quả là đúng sự thật.
Dị Ngọc Phụng buông tiếng cười khẩy, chẳng thèm đếm xỉa đến Dị Cư Hồ, nắm tay Đào Hành Khản kéo đi.
Đào Hành Khản thấp giọng nói:
- Ngọc Phụng, nàng hà tất phải quyết liệt với lệnh tôn như vậy?
Dị Ngọc Phụng liền lộ mặt giận. Trong mấy ngày qua, tình cảm của Đào Hành Khản vô hình trung đã bị Dị Ngọc Phụng chi phối hoàn toàn. Một là bởi vì Dị Ngọc Phụng định tâm trút lên mình Đào Hành Khản niềm căm hận do Đào Lâm đã gây ra cho nàng, nên luôn tỏ vẻ đặc biệt thân mật với Đào Hành Khản, hầu cám dỗ chàng sa vào lưới tình.
Hai là Đào Hành Khản sau khi trải qua biến cố lớn lao, bỗng được Dị Ngọc Phụng hết sứ chăm lo chiều chuộng, khiến chàng cảm thấy vô vàn ấm áp.
Do đó, đối với Dị Ngọc Phụng thì có mưu đồ riêng, nhưng đối với Đào Hành Khản thì đã thật sự một lòng một dạ thương yêu Dị Ngọc Phụng, nên vừa thấy Dị Ngọc Phụng lộ vẻ giận, Đào Hành Khản vội cười nói:
- Thôi được, tùy ý nàng vậy.
Dị Ngọc Phụng mừng thầm, tiểu tử này giờ đã triệt để vâng lời mình, mai đây khi kế hoạch của mình từng bước triển khai, nhất định sẽ khiến y đau khổ đến tột bậc.
Hai người ra khỏi sơn cốc, đi xa chừng nửa dặm, cũng đốt lên một đống lửa, bắt lấy vài con thú rừng nướng ăn tạm.
Lát sau trời đã tối mịt, Đào Hành Khản giục Dị Ngọc Phụng nghỉ ngơi trước, chàng một mình ngồi chống cằm bên đống lửa.
Chừng nửa giờ sau, Đào Hành Khản đang cảm thấy xung quanh tĩnh lặng đến mức lạ thường, bỗng nghe “hu” một tiếng rất thấp trầm từ xa vọng đến, tiếng vang ấy chẳng như khóc mà cũng chẳng như cười, nghe hết sức ghê rợn, vang lên mấy tiếng rồi lại im lặng.
Đào Hành Khản nhớ lại lời nói của Dị Cư Hồ khi nãy, loài sói xám trong rừng hết sức hung dữ, bất giác rùng mình đứng phắt dậy.
Chàng vừa đứng lên, chợt thấy trong bóng tối, nơi ánh lửa không soi tới, đầy những con mắt lấp lánh màu xanh biếc, cách mặt đất chừng hai thước, đang chầm chập nhìn vào mình và Dị Ngọc Phụng.
Đào Hành Khản kinh hãi, vội lay Dị Ngọc Phụng dậy, khẽ nói:
- Ngọc Phụng, hãy xem gì thế kia?
Dị Ngọc Phụng đưa mắt nhìn, cũng liền giật mình kinh hãi, thì ra chẳng rõ từ bao giờ, xung quanh hai người đã bị hằng trăm con sói to bao vây vào giữa.
Đêm nay không sao trời lại tối mịt, căng mắt ra nhìn cũng không thấy rõ được thân sói, nhưng mắt sói lại sáng ngời trong bóng tối, trông thật ghê rợn.
Dị Ngọc Phụng từ bên lưng rút ngọn ngân tiên cầm tay, Đào Hành Khản cũng tuốt kiếm khỏi vỏ, tiện tay hất một cục than vào đàn sói, chúng lập tức nhốn nháo, nhưng lát sau lại yên lặng trở lại.
Hai người biết sở dĩ đàn sói chưa lao tới tấn công là bởi lửa hãy còn cháy, nhưng đống lửa này đâu thể nào kéo dài đến khi trời sáng.
Nếu lửa mà tắt, giữa người và sói sẽ lập tức diễn ra một cuộc ác chiến, nhưng đàn sói đông thế kia, mình chỉ có hai người, liệu chống chỏi được chăng?
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản đều im lặng, lòng hết sức hồi hộp. Hồi lâu, Đào Hành Khản mới hối hận nói:
- Nếu biết trước chắc chắn lũ sói kéo đến, lẽ ra chúng ta nên nhặt nhiều cành cây hơn, cho lửa cháy kéo dài đến sáng thì chúng ta bình yên vô sự rồi.
Dị Ngọc Phụng cười khẩy:
- Bây giờ hối hận thì có ích gì, hãy chuẩn bị liều mạng đi thôi.
Đào Hành Khản lặng thinh, chỉ thấy trong bóng tối mắt sói ánh lên xanh rờn, trông thật ghê rợn, và khi yên lặng còn nghe rõ tiếng gầm gừ của chúng, còn đống lửa thì mỗi lúc một nhỏ dần.
Ánh lửa càng yếu đi, đàn sói bao quanh càng tiến tới gần hơn, sau cùng vòng vây đã thu hẹp chỉ còn chừng một trượng nữa thôi.
Dị Ngọc Phụng vung ngọn ngân tiên trong tay lớn tiếng nói:
- Thay vì chờ đàn sói lao đến tấn công, chi bằng chúng ta ra tay trước thì hơn.
- Phải rồi! Chúng ta hãy tìm một ngọn cây to trèo lên chẳng hơn sao?
Thế là hai người sóng vai nhau lao vào đàn sói.
Lúc này đàn sói vây quanh đông đến hơn ba trăm con, hai người vừa hạ xuống đã vang lên hai tiếng rú thảm khốc, hai con sói xác đã bị gãy xương lưng chết ngay.
Nhưng ngay trong khoảng khắc ấy, “soạt soạt” hai tiếng, tay áo Dị Ngọc Phụng đã bị vuốt sói cào rách.
Dị Ngọc Phụng kinh hãi, ngọn ngân tiên trong tay vung động, tạo ra một màn sáng bạc bao vây khắp người, đồng thời nàng quát to:
- Xông tới.
Đào Hành Khản liên tiếp quét ra ba kiếm, ba con sói xám ngã gục, song nơi bắp tay trái cũng thọ thương bởi vuốt sói.
Hai người biết rõ cuộc chiến này quả thật rủi nhiều may ít, bởi vì đàn sói quá đông, giết sạch chúng chẳng phải dễ dàng.
Hai người một bước cũng chẳng dám rời xa nhau, ráng hết sức xông tới, đến đâu xác sói ngã nhào, máu sói văng bay đến đó.
Thế nhưng, sau nửa giờ, hai người tính ra cũng vượt qua hơn nữa dặm, song vẫn chưa thoát ra khỏi vòng vây của sói, bởi họ di động thì đàn sói cũng di động theo.
Trong khi ấy hai người mình đã đầy thương tích, tuy chưa đến đổi táng mạng, nhưng vuốt sói có chứa chất độc, nơi bị cào trúng vừa đau vừa ngứa, hết sức khó chịu.
Hai người biết là xông ra vô ích, bèn đứng dựa lưng vào nhau, một kiếm, một roi chống lại đàn sói,
con nào lao tới đều ngã gục ngay.
Thế nhưng, tiếng sói tru liên hồi đã khiến lũ sói từ nơi khác kéo đến, mỗi lúc càng nhiều hơn lên.
Chừng một giờ sau, hai người thật không còn thời gian để mà nghỉ thở nữa, đã bắt đầu cảm thấy đuối sức.
Đào Hành Khản nói:
- Ngọc Phụng, lệnh tôn đang ở gần đây, sao không lên tiếng nhờ ông cứu giúp?
Dị Ngọc Phụng tóc tai rối bời, nghiến răng nói:
- Thôi đi, Ngọc Phụng này thà chết dưới vuốt sói chứ không bao giờ lên tiếng cầu cứu với ông ta.
Trong khi hai người nói chuyện thì thoáng phân tâm, đã có hai con sói to im lìm lao tới. Vừa đến trước mặt hai người, bỗng đứng thẳng lên, chiếc lưỡi đỏ lòm thò ra và hai vuốt trước chộp mạnh vào ngực họ.
Đào Hành Khản vột quét ngang đường kiếm, tiện phăng cả đầu lẫn hai vuốt trước của con sói, song thế lao tới của con sói quá mạnh, tuy đã chết ngay bởi nhát kiếm, nhưng thân dưới vẫn tiếp tục ập tới trúng vào lòng Đào Hành Khản, chẳng những khiến chàng máu me đầy mình, mà còn xô chàng bật lùi ra sau nửa bước.
Và ngay khi ấy, Đào Hành Khản bỗng cảm thấy sau lưng đau nhói, vội trở tay vung kiếm quét ra, lại một luồng máu nóng bắn vào người. Đến lúc này Đào Hành Khản muốn lo cho Dị Ngọc Phụng thì cũng chẳng thể được nữa.
Chỉ nghe Dị Ngọc Phụng quát tháo liên hồi, Đào Hành Khản biết là nàng chưa đến đỗi táng mạng, bèn cũng lớn tiếng la hét hầu thông thanh lẫn nhau. Thế rồi nửa giờ lại trôi qua, hai người đều cảm thấy khó mà chịu đựng tiếp được nữa.
Đào Hành Khản bỗng nghĩ mình đằng nào cũng chết, sao không thố lộ ra những lời đã dấu kín trong lòng bấy lâu nay?
Thế là chàng liên tiếp quét ra ba kiếm đẩy lui lũ sói gần bên, lớn tiếng nói:
- Ngọc Phụng… nàng có hiểu… nỗi lòng ngu huynh không?
Dị Ngọc Phụng chẳng bao giờ ngờ mình lại chết như thế này. Trước đó tuy nàng ương ngạnh bảo là không cần Dị Cư Hồ cứu giúp, nhưng giờ đây nàng lại mong Dị Cư Hồ và Đào Lâm đến đây.
Song nàng lại hiểu rất rõ cá tính của phụ thân, đàn sói đông thế này, chưa chắc ông ta đã thắng nổi, mà đã không nắm chắc phần thắng, thì ông ta không bao giờ đến.
Do đó, Dị Ngọc Phụng cơ hồ tuyệt vọng, nay nghe Đào Hành Khản nói vậy, nàng nghe lòng vô cùng chua sót, bất giác ha hả cười vang, tiếng cười ngập đầy đau khổ.
Đào Hành Khản cũng cảm nhận được nổi lòng nàng qua tiếng cười đau sót ấy, chàng cũng cười ha hả.
Nam nữ thanh niên nói chuyện yêu đương vốn là việc rất bình thường, nhưng bày tỏ tình yêu trong hoàn cảnh thế này như hai người thì thật chưa từng có bao giờ.
Đào Hành Khản chưa dứt tiếng cười, nơi vai trái lại bị một con sói cào trúng, nhưng chàng không cách nào di chuyển đến gần Dị Ngọc Phụng được.
Mây đen tan dần, ánh trăng đã hiện ra lờ mờ. Hai người cùng đưa mắt nhìn nhau cười ảo não, mắt thấy chẳng bao lâu nữa hai người ắt sẽ táng mạng dưới vuốt sói, bỗng trông thấy ba ngọn lửa sáng rực từ hướng đông nam tiến nhanh đến, thoáng chốc đã đến gần.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng lúc này đã trông thấy rõ đó là ba người tay cầm đuốc to, bèn mừng rỡ lớn tiếng nói:
- Các vị bằng hữu, hãy mau dùng đuốc xua đuổi đàn sói giúp chúng tôi với.
Hai người vừa dứt tiếng, chỉ thấy họ đã dừng lại cách đàn sói chừng hai mươi trượng, rồi bỗng quay người chạy đi, hiển nhiên là không muốn đa sự.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng thấy vậy thì cố hết sức quát:
- Thấy chết mà không cứu là nghĩa lý gì chứ?
Chỉ nghe ba người kia đáp:
- Bọn ta…
Ba người đó chính là Tát Thị Tam Ma, họ chỉ nói được hai tiếng, bỗng một bóng đen lao tới nhanh như chớp, chỉ nghe Tát Thị Tam Ma thét vang như gặp quỷ mị, rồi chia làm ba hướng bỏ chạy bán mạng.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng vừa chống chỏi với đàn sói vừa liếc mắt nhìn, thấy bóng đen kia thân pháp nhanh nhẹn, tưởng đâu là Dị Cư Hồ. Đến khi bóng đen đã cướp lấy ba ngọn đuốc cầm trong tay, ánh sáng soi rõ phạm vi hơn trượng, họ bèn nhận ra đó không phải là Dị Cư Hồ mà là Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô.
Đào Hành Khản từ khi bị Trịnh Tâm Cô ép buộc bái làm sư phụ đến nay, bởi không hề thấy Trịnh Tâm Cô có hành vi tàn ác gì, nên Đào Hành Khản không còn thù ghét Trịnh Tâm Cô như trước nữa. Thế nhưng, giữa hai người vẫn không sao thuận hòa được với nhau, đó là lẽ tất nhiên.
Nhưng giờ đây trong cơn nguy cấp, Đào Hành Khản vừa trông thấy sư phụ, dĩ nhiên hết sức mừng rỡ, “vút” một kiếm, một con sói to đã bị tiện đôi, chàng lớn tiếng nói:
- Sư phụ, đến đây mau.
Chàng vừa dứt tiếng, Trịnh Tâm Cô đã với thân pháp nhanh tới tột độ lao tới.
Lũ sói tuy hung tàn nhưng rất sợ lửa, Trịnh Tâm Cô hai tay cầm ba ngọn đuốc to vung liên hồi, đàn sói lập tức bị hỗn loạn.
Đồng thời Trịnh Tâm Cô hai chân liên hoàn vung ra, lũ sói lần lượt ngã gục.
Lát sau, Trịnh Tâm Cô đã đến bên hai người, cắm quanh ba ngọn đuốc xuống đất, lập tức đàn sói còn hơn trăm con không dám đến gần nữa.
Và lúc ấy trời đã mờ sáng, chỉ cần trời sáng tỏ là đàn sói sẽ bất chiến tự lui.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng sau hai giờ kịch chiến, giờ đây vừa ngơi tay, liền không đứng vững được nữa, ngồi bệt xuống đất thở hổn hển.
Hồi lâu, nắng ban mai ló dạng, đàn sói dần lui đi.
Đào Hành Khản thở phào hỏi:
- Sư phụ đã bảo đồ nhi với Ngọc Phụng tới tây Côn Lôn gặp sư phụ, sao sư phụ lại quay về đây?
Trịnh Tâm Cô mặt lộ vẻ rất thâm trầm, thò tay vào lòng lấy ra hai hoàn thuốc nói:
- Hai người hãy nửa thoa nửa uống, lo chữa thương trước rồi hãy tính.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng vội đón lấy thuốc.
Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô chắp tay sau lưng đi tới đi lui, bỗng nghe một tiếng ngựa hí từ chỗ không xa vọng đến.
Trịnh Tâm Cô vụt ngẩng lên quát to:
- Ai trộm ngựa hả?
Tiếng quát như sấm rền, vọng đi chẳng rõ bao xa. Tiếng quát vừa dứt lại nghe tiếng vó ngựa vang lên và xa dần.
Trịnh Tâm Cô biến sắc mặt, giận dữ gầm vang, loáng cái đã lướt đi hơn ba mươi trượng, đoạn mới nghe tiếng lão vọng lại:
- Hai người hãy theo sau ta mau.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng đưa mắt nhìn nhau, trong lòng đã biết nếu có kẻ dám trêu vào Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô ngoài Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ, không còn người thứ hai nào khác.
Hai người tuy đã gắng sức theo Trịnh Tâm Cô, song chưa đầy một khắc đã bị bỏ rơi một quãng rất xa, khinh công của Trịnh Tâm Cô quả là cao siêu khôn lường.
Hai người đành cố gắng đuổi theo, lát sau đã đến bên một gốc cây to, một con ngựa toàn đen đang được buộc vào thân cây, và thân cây bị bóc đi một mảng vỏ to, khắc chữ “Trả lại hắc mã, lấy về bạch mã, hẹn gặp lại tại tây Côn Lôn”, bên dưới in dấu một bàn tay.
Dị Ngọc Phụng vừa nhìn thấy, biết ngay là do phụ thân đã vẽ lại, buông tiếng cười khẩy nói:
- Mọi người đều đến tây Côn Lôn, hẳn là sẽ có náo nhiệt lớn để xem rồi.
Đoạn nàng nắm lấy tay Đào Hành Khản, cùng tung mình lên ngựa. Dị Ngọc Phụng vung tay, dây cương đứt lìa, hắc mã liền xoãi vó lao vút đi.
Đến trưa mới gặp Trịnh Tâm Cô trên một ngọn đồi bừa bộn đá núi, chỉ thấy lão ta phóng tới rồi lại phóng lui, đá vụn tung bay và tiếng ầm ầm vang lên không ngớt.
Hai người chẳng hiểu lão đang làm gì, vội ghìm cương dừng ngựa, chỉ nghe “ầm” một tiếng, Trịnh Tâm Cô một quyền đấm vào một trụ đá, trụ đá gãy làm đôi ngay.
Trịnh Tâm Cô vẻ mặt đầy tức giận, ngẩng đầu lên, hai mắt rực vẻ kỳ dị, mũi chân hất nhẹ, một tảng đá to liền bay thẳng về phía Dị Ngọc Phụng và nói:
- Ngươi hãy xem đây.
Dị Ngọc Phụng kinh hãi, vội lộn người xuống ngựa, tảng đá to mang theo một luồng kình phong bay vút qua, nếu Dị Ngọc Phụng mà không nhận thấy sớm, hẳn đã bị luồng sức mạnh ấy xô ngã xuống ngựa rồi.
Nàng vừa đứng yên thì “bình” một tiếng, tảng đá to ấy đã lún xuống đất.
Dị Ngọc Phụng ngoảnh lại nhìn, thấy trên tảng đá có khắc chữ “Sấm chớp (ý nói con bạch mã) ngàn dặm, đâu thể đuổi kịp, nhất định sẽ chờ tại tây Côn Lôn”.
Dị Ngọc Phụng biết là Trịnh Tâm Cô đã tức giận vì bị đối phương diễu cợt, bèn ngẩng lên lạnh lùng nói:
- Trịnh bang chủ, Ngọc Phụng đã đoạn tuyệt tình phụ tử với ông ta từ lâu, Trịnh bang chủ hà tất giận lây Ngọc Phụng làm gì?
Trịnh Tâm Cô tung mình, hạ xuống trước mặt Dị Ngọc Phụng, gằn giọng nói:
- Nay ta với y đã thành thế bất lưỡng lập, còn cô nương thì sao?
Dị Ngọc Phụng chẳng chút sợ hãi, đáp:
- Tiểu nữ dĩ nhiên cũng vậy thôi.
Trịnh Tâm Cô gật đầu:
- Tốt lắm!
Đoạn lão quay sang Đào Hành Khản nói:
- Hành Khản, hai người vẫn tiếp tục đi đến tây Côn Lôn, ta vẫn phải đi trước một bước.
Đào Hành Khản không hiểu sao lão lại giữ hành tung thần bí, chẳng biết lão ta thật ra là muốn chàng làm vì việc gì, nên đành lẳng lặng gật đầu.
Trịnh Tâm Cô liền giở khinh công phóng vụt đi, thoáng chốc đã mất dạng.
Dị Ngọc Phụng trèo lên ngựa, thẳng tiến hướng tây.
Hai hôm sau, hai người thấy phía trước toàn đường núi, ngựa chẳng thể tiến bước được nữa. Hai người bèn xuống ngựa bộ hành.
Lại trải qua ba hôm vượt núi trèo non, hết sức gian khổ, đến sáng ngày thứ tư, chỉ thấy trước mặt ánh tuyết sáng lóa, đã bước chân vào vùng núi Côn Lôn, trên đường đi không thấy một bóng người nào cả.
Hai người vừa định vượt qua ngọn núi, bỗng nghe sau lưng có người đang phóng nhanh đến. Cả hai liền ngoảnh mặt lại nhìn, chỉ thấy hai con quái xà màu vàng kim, dài chừng năm thước và nhỏ cỡ ngón tay, vun vút bò nhanh tới.
Sau đó mới thấy một người tay cầm chiếc gậy thép chín khúc, một con rắn xanh quấn quanh gậy, theo sau hai con rắn vàng phóng nhanh đến.
Dị Ngọc Phụng thoáng nhìn đã nhận ra đó chính là Linh Xà tiên sinh.
Linh Xà tiên sinh gặp Dị Ngọc Phụng tại đây, không khỏi kinh ngạc, lạnh lùng nói:
- Thì ra cô nương cũng có ở tại đây?
Dị Ngọc Phụng biết Linh Xà tiên sinh rất xảo quyệt, cũng chẳng muốn nói chuyện với lão, song vì muốn biết phải chăng lão cũng muốn đến tây Côn Lôn, bèn nói:
- Linh Xà tiên sinh cũng định đến tây Côn Lôn góp vui phải không?
Linh Xà tiên sinh cười nham hiểm:
- Không dám, không dám. Lão phu chỉ muốn đến xem thôi.
- Tiên sinh bất tất hoài công, Ngân Lệnh Huyết Chưởng và Hắc Thiên Ma đều đã có mặt tại đó, chả lẽ tiên sinh đã chán sống rồi hay sao?
Linh Xà tiên sinh thoáng biến sắc mặt, nhưng lão lập tức lấy lại bình tĩnh nói:
- Cũng chưa hẳn, người ta thường nói hữu duyên ắt được, biết đâu lão phu hữu duyên cũng nên.
Đào Hành Khản xen lời:
- Tôn giá muốn được gì?
Linh Xà tiên sinh cười ha hả:
- Hai vị muốn được gì thì lão phu cũng muốn được nấy.
Dứt lời Linh Xà tiên sinh chúm môi huýt dài, hai con rắn vàng mở đường lập tức phóng vút tới, lão nhẹ gật đầu chào hai người rồi phi thân theo sau ngay.
Đào Hành Khản trông theo bóng sau lưng lão, buông tiếng thở dài, nói:
- Chẳng biết là ở tây Côn Lôn có gì mà lại khiến mọi người đều muốn tới đó tranh giành.
Dị Ngọc Phụng trầm ngâm hồi lâu, mới nói:
- Chúng ta cũng nên tới đó xem là biết ngay chứ gì.
Hai người bèn lại tiếp tục lên đường. Trong ngày hôm đó họ đã gặp tất cả ba nhóm người vượt qua họ.
Nhóm thứ nhất là Tát Thị Tam Ma, nhóm thứ nhì gồm bảy tám người, cầm đầu là một lão nhân y phục kết đầy khuy vàng, từ xa đã thấy ánh vàng sáng chóa, nhưng chẳng rõ họ là ai.
Nhóm thứ ba là một nam một nữ, nam thần thái thanh cao, trong lòng ôm một cây đàn nhỏ, vừa đi vừa thỉnh thoảng lại khảy đàn “tang, tang”, xem ra như là Mộc Tranh tiên sinh ở trên núi Võ Di Phúc Kiến theo lời đồn đại. Còn nữ thì vô cùng xấu xí, y phục cũng rất dị hợm, tay cầm một thanh trường kiếm dị dạng dài chừng năm thước, nhưng lại chỉ nhỏ cỡ ngón tay.
Ba nhóm người ấy đều hối hả vượt qua hai người, phóng nhanh đến trước, nên không hề xảy ra xung đột.
Đêm hôm ấy, lại có rất nhiều người vượt qua họ, một số đi luôn trong đêm, một số dừng lại phía trước đốt lửa nghỉ ngơi qua đêm.
Bao nhiêu người như có hẹn từ trước, đều cùng tiến về một hướng, và trong số đó cũng có rất nhiều người thuộc giới chính phái.
Vào lúc nửa đêm, có ba tăng nhân đi qua, người đi giữa là một lão hòa thượng râu bạc phơ, tướng mạo uy nghi, chẳng rõ là trưởng lão của môn phái nào, nhưng hiển nhiên không phải là nhân vật tầm thường.
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản chỉ bàng quan tọa thị. Sáng hôm sau, hai người lại tiếp tục lên đường. Vào khoảng trưa, phía trước đã hiện ra một ngọn núi cao chót vót, rất cheo leo và từ lưng núi trở lên đều phủ đầy tuyết trắng.
Dưới chân núi đang tụ tập rất nhiều người, và tất cả đều ngước mặt nhìn lên, hẳn là đang tính cách vượt qua ngọn núi ấy.
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản đứng nhìn từ xa, thấy họ toàn là những người đã gặp ngày hôm qua, nhưng không có mặt Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô và hai vợ chồng Dị Cư Hồ.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng cũng đang lưỡng lự, bởi ngọn núi quá cao, xem ra khó thể vượt qua được.
Bỗng, trong đám đông có một tiếng nói sang sảng vang lên:
- Nếu mà không đi vòng, làm sao đến được tây Côn Lôn?
Ngay lập tức có mấy người vượt đám đông tiến ra, đi vòng sang hướng đông. Rồi thì mọi người lần lượt nối gót theo sau, không đầy một giờ sau dưới chân núi không còn một bóng người nào cả.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng bấy giờ mới đi đến dưới chân núi, ngước lên xem xét hồi lâu, thấy ngoại trừ đi vòng, thật chẳng còn cách nào khác hơn.
Đang vô kế khả thi, Dị Ngọc Phụng bỗng kinh ngạc reo lên:
- Ồ, hãy xem kìa.
Đào Hành Khản chẳng rõ nàng đã phát hiện gì, bèn nhìn theo hướng tay chỉ của nàng, chỉ thấy một tảng đá to, bên trên mọc đầy rêu xanh, nhưng nơi góc trái bên dưới thì lại tróc đi khá nhiều, trông như dấu vết để lại do có người di chuyển.
Đào Hành Khản chợt động tâm nói:
- Chả lẽ sau tảng đá có gì lạ hay sao?
Dị Ngọc Phụng thoáng ngẫm nghĩ:
- Chưa chắc, tảng đá này nặng ít ra cũng năm vạn cân, ai di chuyển được kia chứ?
Đào Hành Khản nói:
- Không sai, vừa rồi đông người thế kia, chưa chắc là đã không có người phát hiện ra dấu vết trên tảng đá này.
Nói đến đó, chàng chợt nảy ý, lại nói tiếp:
- Ngọc Phụng, người nào trông thấy dấu vết này cũng đều nghĩ như nàng cả.
Nhưng nếu tảng đá này mà không di chuyển thì sao lại có dấu vết như vậy? Chúng ta hãy thử xem.
Dị Ngọc Phụng thoáng nhíu mày:
- Cũng được.
Thế là hai người hợp liền sức xô đẩy, chẳng ngờ tảng đá ấy không nặng lắm, chỉ chừng một ngàn cân thôi. Với công lực của hai người, di chuyển một vật nặng ngàn cân dĩ nhiên chẳng có gì là khó.
Trong chốc lát, tảng đá đã bị xô ra chừng hai thước. Hai người bỗng cảm thấy một cơn gió lạnh ập vào mặt, thì ra phía sau tảng đá là một hang động to sâu tối om.
Hai người bất giác vừa kinh vừa mừng, mừng là đã dễ dàng di chuyển được tảng đá, kinh là không biết hang động này thông đến đâu.
Dị Ngọc Phụng nghiêng người bước vào động trước, bật cháy hỏa tập, nhưng từng cơn gió lạnh thổi tạt, ngọn lửa chỉ cháy leo lét.
Tuy vậy, Dị Ngọc Phụng vừa đưa lên soi, lập tức trông thấy con bạch mã đã chết cứng ở trong động. Nàng liền nháy mắt ra hiệu, Đào Hành Khản hiểu ý, lập tức nhặt một bó to cành cây khô, vác trên vai đi vào động.
Hai người dời tảng đá bít cửa động lại, dùng hỏa tập đốt cháy cành cây khô, ở trong động chỉ cảm thấy gió rét căm căm, lạnh thấu xương tủy.
Dị Ngọc Phụng trỏ xác ngựa nói:
- Ngựa đã chết tại đây, nhất định là họ đã vào trong hang động này rồi.
Đào Hành Khản đến bên xác ngựa, kỹ lưỡng xem xét một hồi, phát hiện một mũi cương chân đen cắm nơi cổ ngựa, chàng lùi sau một bước nói:
- Không sai, con ngựa này chính là đã chết bởi Hắc Tằm Châm.
Dị Ngọc Phụng ngẩn người:
- Vậy là hai người đã động thủ rồi ư?
Đào Hành Khản nhẹ lắc đầu:
- Cũng chưa hẳn, có lẽ là Dị..
Dị… lão tiên sinh đã bỏ ngựa đi bộ thôi.
Khi xưng hô Dị Cư Hồ, Đào Hành Khản thấy hết sức lưỡng lự. Dị Cư Hồ là phụ thân của Dị Ngọc Phụng, lẽ ra chàng phải gọi là “lệnh tôn” nhưng hai cha con giờ đã như kẻ lạ người xa. Mà Dị Cư Hồ hiện tại là em rể chàng, nhưng Đào Hành Khản thật khó mở miệng gọi là “muội phu”, nên suy nghĩ một hồi mới gọi quách là “lão tiên sinh” cho xong.
Dị Ngọc Phụng gật đầu:
- Vậy là sơn động này tuy ở đây rộng rãi, nhưng vào trong hẳn là rất chật hẹp, ngay cả ngựa cũng khó qua lọt.
Hai người vừa nói vừa tiến vào, ánh lửa do cành cây phát ra chỉ chiếu xa chừng năm sáu thước, bởi dường như trong động có một làn hắc khí bao phủ, nên đã khiến ánh lửa không chiếu xa được hơn một trượng.
Hai người sợ trong động có quái vật gì, nên bước đi hết sức thận trọng, hồi lâu sau mới vượt qua được chừng ba dặm, trước mắt bỗng hiện ra một chút ánh sáng xanh mờ.
Hai người đến gần xem, thấy sơn động tại đây đã hẹp vào, chỉ đủ cho một người lọt ngang qua, ánh sáng xanh mờ là do một loài nấm ở trên vách đá phát ra.
Dị Ngọc Phụng thấy mình đoán đúng, nàng đứng lại trước chỗ hẹp, đưa đuốc lửa vào soi, thấy con đường hầm này sâu thăm thẳm.
Hai người bàn bạc hồi lâu, sau đó nghiêng người chui vào, càng vào trong càng chật hẹp hơn, sau cùng phải ra sức chen mới tiến vào được, nhưng qua khỏi chừng năm dặm, sơn động lại rộng rãi như trước.
Hai người thở phào một hơi dài, biết mình đã không đi lầm đường. Nghỉ ngơi một hồi, vừa định tiếp tục tiến vào, bỗng nghe một chuỗi cười lạnh lùng vang lên ở phía trước.
Tiếng cười ở trong sơn động vang vọng không dứt, gây cảm giác hết sức ghê rợn.
Hai người đưa mắt nhìn nhau, nhận ra tiếng cười ấy là của Dị Cư Hồ.
Rồi sau đó, lại nghe tiếng Dị Cư Hồ nói:
- Hắc Thiên Ma, với thanh danh của tôn giá trong võ lâm mà đã luyện võ công được thế này, chả lẽ còn chưa thỏa mãn hay sao? Dị mỗ khuyên tôn giá nên từ bỏ ý định này đi là hơn.
Hai người liền tung mình phóng tới, đồng thời lại nghe Trịnh Tâm Cô nói:
- Dị bằng hữu đã biết được bao nhiêu về sự việc tây Côn Lôn?
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng phóng đi được hơn trượng, đã trông thấy hai đuốc lửa to. Bên dưới một bó đuốc là Dị Cư Hồ và Đào Lâm còn dưới bó kia là Trịnh Tâm Cô, hai người đang đứng đối diện nhau.
Điều kỳ lạ nhất là dưới ánh đuốc sáng, chỉ thấy sơn động đã đến đường cùng, không còn lối đi nữa. Nơi tận cùng là một bức vách đá trắng như ngọc và rất bóng loáng, rộng chừng ba trượng.
Trên bức vách đá trắng ấy lại có một bức họa đồ to được vẽ bằng sơn đen.
Trịnh Tâm Cô vừa thấy hai người đến, bèn nói:
- Hai người hãy đến đây.
Hai người chưa kịp xem kỹ bức họa trên vách đá vẽ gì, liền đi đến bên Trịnh Tâm Cô.
Trịnh Tâm Cô nhẹ gật đầu với hai người, đoạn lại quay sang Dị Cư Hồ nói:
- Hiện nay bảy con Thông Thiên Bửu Long đã có sáu con nằm trong tay Trịnh mỗ, và mảnh vải gai Trịnh mỗ cũng có nửa phần. Tôn giá hãy nhìn kỹ bức họa trên vách xem, toan tranh đoạt với Trịnh mỗ thì quá ngu xuẩn còn gì?
Vừa nói vừa chỉ tay lên bức họa đồ trên vách đá.
Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng bây giờ mới có dịp xem kỹ bức họa trên vách đá. Thấy đó là bảy người Ba Tư, trên đỉnh đầu người nào cũng có một con rồng nhỏ nhe nanh múa vuốt, và bên cạnh họ còn có một người Trung Quốc, thân hình ngũ đoản, tướng mạo thanh tú, tay cầm một mảnh vải gai.
Bức họa ấy thật ra có ý nghĩa gì, Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng đều hoàn toàn mù tịt.
Chỉ nghe Dị Cư Hồ lạnh lùng nói:
- Không sai, bảy con Thông Thiên Bửu Long, có sáu con ở trong người tôn giá, nhưng Dị mỗ cũng có một con. Một con tuy ít nhưng so với sáu con của tôn giá lại có tác dụng như nhau. Chả lẽ tôn giá không biết là phải có đủ bảy con Thông Thiên Bửu Long thì mới mở được cánh cửa kia hay sao?
Trịnh Tâm Cô buông tiếng cười vang:
- Dị Cư Hồ, các hạ mơ tưởng đó ư?
- Tôn giá không tin Dị mỗ có một con Thông Thiên Bửu Long chứ gì?
- Dĩ nhiên! Thông Thiên Bửu Long gồm có bảy con, khi xưa do bảy người Ba Tư đã mang đến Trung Nguyên, bảo là bảy con Thông Thiên Bửu Long và một mảnh vải gai liên quan đến một đại sự có thể thay đổi hiện trạng của cả võ lâm, nhưng bấy giờ không một ai tin. Mãi sau cùng, họ mới thuyết phục được giáo chủ của Ma Giáo đương thời, cùng đến tây Côn Lôn.
Việc ấy thì Dị Cư Hồ đã biết, nhưng đó là qua thư điển tàng trữ trong Ma Giáo, không ngờ Trịnh Tâm Cô cũng biết, không khỏi lấy làm lạ, bèn cười khẩy nói:
- Việc này trong võ lâm ai ai cũng biết, có chi là lạ?
Trịnh Tâm Cô cười:
- Nếu trong giới võ lâm ai ai cũng biết, vậy các hạ nói tiếp nghe xem.
Dị Cư Hồ ngẩn người, bởi y chỉ biết vị giáo chủ Ma Giáo lúc bấy giờ cùng bảy người Ba Tư đến Tây Vực, rồi từ đó biệt vô âm tín, không còn tin tức gì nữa.
Còn về việc bảy con Thông Thiên Bửu Long và mảnh vải gai do đâu lại trở lại Trung Nguyên thì y không hề biết, nên Trịnh Tâm Cô bảo y nói tiếp, đương nhiên là y không thể nói được.
Dị Cư Hồ từ khi thành danh đến giờ, cả hai giới chính tà gặp y thảy đều hết sức khách sáo, chưa từng gặp cảnh bẻ bàng như thế này bao giờ, lúc này bị Trịnh Tâm Cô hỏi cho cứng họng, không khỏi thẹn quá hóa giận, sầm mặt nói:
- Các hạ định động thủ ư?
Dứt lời lão đã tiến tới một bước.
Trịnh Tâm Cô gật đầu, nhếch môi cười nói:
- Không sai! Trịnh mỗ cũng muốn thử xem môn Huyết Chưởng của Ngân Lệnh Huyết Chưởng ra sao.
Dị Cư Hồ ha hả cười to:
- Trong hai mươi năm qua, chưa ai dám nói lời như vậy với Dị Cư Hồ này.
Đoạn lão chầm chậm đưa tay lên, chỉ thấy bàn tay y trắng như ngọc, chẳng rõ hai từ Huyết Chưởng từ đâu mà có.
Nhưng trong chớp mắt, đã thấy lòng bàn tay y loáng thoáng như có màu đỏ chuyển động, lát sau đã trở nên đỏ như máu và thoảng mùi tanh tưởi.
Mùi tanh tuy không nồng lắm, nhưng cũng gây cảm giác tởm lợm.
Dị Ngọc Phụng và Đào Hành Khản thấy môn Huyết Chưởng công chưa thi triển mà đã khủng khiếp như vậy, không khỏi kinh hãi vô cùng.
Nhất là Dị Ngọc Phụng, tuy sớm biết phụ thân mình hiệu xưng Ngân Lệnh Huyết Chưởng, nhưng nàng chưa từng trông thấy phụ thân sử dụng môn Huyết Chưởng bao giờ.
Lúc này chẳng qua Dị Cư Hồ mới giơ tay lên, chưởng lực chưa phát mà đã kinh khủng như vậy, đủ biết thanh danh trong võ lâm cao thế kia, hoàn toàn không phải do sự may mắn.
Trịnh Tâm Cô hai mắt sáng quắc nhìn vào lòng bàn tay Dị Cư Hồ hồi lâu mới lạnh lùng nói:
- Các hạ quả danh bất hư truyền.
Dứt lời, đột nhiên lật tay lên, chỉ thấy nơi lòng bàn tay lão có một vệt đen chuyển động như có rất nhiều tằm đen bò lúc nhúc, lão nói:
- Huyết Chưởng công đành rằng lừng danh thiên hạ, nhưng Hắc Tằm Chưởng cũng chưa hẳn thua kém. Dị Cư Hồ, hai ta hãy thẳng thừng đối nhau vài chưởng, thế nào?
Dị Cư Hồ đanh giọng:
- Được!
Hai người lập tức xáp vào nhau, chỉ thấy bóng người nhấp nhoáng, không sao rõ họ đã sử dụng chiêu thức gì, tai chỉ nghe bốn tiếng “bốp bốp bốp bốp”, rồi lại tách nhau ra. Hai người đều mặt mày trắng bệch, lập tức ngồi xuống đất, không nói một lời.
Đào Hành Khản, Dị Ngọc Phụng và Đào Lâm đều không rõ việc gì đã xảy ra, chỉ ngơ ngác nhìn nhau. Chừng nửa giờ sau, mới thấy hai người không hẹn đồng đứng lên cùng một lúc.
Đồng thời, Trịnh Tâm Cô cười ha hả nói:
- Dị Cư Hồ, nếu hai ta mà là bạn ắt thiên hạ vô địch, còn như là địch, ắt khiến kẻ địch của chúng ta cười cho.
Vừa qua, Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đã chớp nhoáng trao đổi với nhau liên tiếp bốn chưởng, nhưng kết quả đã bất phân thắng bại, và cơ hồ lưỡng bại câu thương.
Đối với Dị Cư Hồ, đó là điều chưa từng có, nhưng mặc dù y không phải là người chính phái, song rất tự phụ, cũng không bao giờ chịu đứng chung hàng ngũ với Trịnh Tâm Cô, bèn cười khẩy nói:
- Đừng nói lôi thôi, hai ta quả cũng có thể hợp tác, nhưng lợi ích do Thông Thiên Bửu Long có được phải chia hai, các hạ đồng ý không?
Trịnh Tâm Cô cười quái dị:
- Các hạ dựa vào đâu mà đòi nửa phần chứ?
Dị Cư Hồ lạnh lùng:
- Dị mỗ có một con Thông Thiên Bửu Long.
Trịnh Tâm Cô cười tợn hơn:
- Thông Thiên Bửu Long vốn quả là có bảy con, nhưng hiện tại chỉ có sáu, và sáu con ấy thảy đều ở trong tay Trịnh mỗ. Các hạ bảo chỉ có một con, sao không lấy ra xem thử?
Dị Cư Hồ hết sức lấy làm lạ, trong người mình rõ ràng là có một con Thông Thiên Bửu Long, vì sao Trịnh Tâm Cô cứ khăng khăng bảo mình là không có thế này? Xem chừng đó nhất định là quỷ kế, mình đâu thể mắc mưu y được. Lão bèn cười khẩy nói:
- Vật của Dị mỗ hà tất phải cho các hạ xem!
Trịnh Tâm Cô nhếch môi cười:
- Đó đủ biết là các hạ không có rồi. Bởi các hạ không rõ phần sau sự việc khi xưa nên mới định đánh lừa Trịnh mỗ, các hạ có biết khi giáo chủ Ma Giáo cùng bảy người Ba Tư rời Trung Nguyên đến Tây Vực, sau đó lại xảy ra việc gì không?
Dị Cư Hồ chỉ cười khẩy không đáp.
Trịnh Tâm Cô lại nói tiếp:
- Khi tám người đến đây, giáo chủ Ma Giáo bỗng sinh dị tâm, lẽ ra họ đã thỏa thuận với nhau là tám người sẽ chia đều lợi ích có được do Thông Thiên Bửu Long đem lại, và giáo chủ Ma Giáo cũng phải thu nhập họ vào trong giáo, cùng nhau tạo dựng sự nghiệp lừng lẫy trong chốn võ lâm.
Dị Cư Hồ càng nghe càng kinh ngạc, mình đã ở trong Ma Giáo lâu thế kia mà cũng không hề hay biết việc này, vậy thì Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô sao lại biết được nhỉ?
Nên lão chỉ cười khẩy nói:
- Dị mỗ xin rửa tai lắng nghe.
Trịnh Tâm Cô cười ha hả:
- Các hạ không tin lời nói của Trịnh mỗ ư?
Dị Cư Hồ lặng thinh.
Trịnh Tâm Cô lại nói tiếp:
- Nhưng giáo chủ Ma Giáo đã sinh dị tâm, đã ra tay sát hại họ. Nhưng vị giáo chủ ấy lại không ngờ đến là trong số họ có một người từng luyện qua mấy mươi năm nội công, ông ra tay quá nhẹ nên người đó chưa chết, và đã nuốt chửng một con Thông Thiên Bửu Long vào bụng.
Dị Cư Hồ cười khẩy:
- Có lẽ các hạ lúc bấy giờ đã có mặt tại chỗ phải không?
- Tuy Trịnh mỗ không có mặt, nhưng người đó sau khi trốn thoát, đã vào Trung Nguyên ghi lại hết mọi sự và Trịnh mỗ đã được xem qua quyển ký sự ấy.
Dị Cư Hồ nghe vậy, lòng đã tin đối phương nửa phần.
Trịnh Tâm Cô lại nói tiếp:
- Chính ngay tại nơi đây, giáo chủ Ma Giáo đã tiếp tục tiến vào, nhưng vì Thông Thiên Bửu Long thiếu mất một con nên chưa thể thành sự, sau cùng ông đã chết trong vách động này. Trước khi chết, ông ta xé đôi mảnh vải gai, ném ra ngoài cùng với sáu con Thông Thiên Bửu Long. Mấy trăm năm qua, lại có người tới lui vùng Tây Vực nhặt được và mang vào Trung Nguyên.
- Vậy thì con Thông Thiên Bửu Long thứ bảy cũng có khả năng xuất hiện chứ?
- Con Thông Thiên Bửu Long thứ bảy bị người Ba Tư kia nuốt vào bụng, sau đó y lại mất tích, các hạ biết đâu tìm?
Dị Cư Hồ cười khẩy:
- Rất có thể y đã chết trong núi, mấy trăm năm qua, dĩ nhiên thi thể cũng đã sớm hóa thành tro bụi, việc con Thông Thiên Bửu Long thứ bảy tái xuất hiện cũng đâu có gì lạ.
Trịnh Tâm Cô cười:
- Tất nhiên chẳng phải là không có khả năng, nhưng cơ hội thật quá mong manh.
Dị Cư Hồ thò tay vào lòng, lấy ra một con rồng vàng nói:
- Hãy xem đây là gì?
Trịnh Tâm Cô lập tức biến sắc mặt.
Dị Cư Hồ dương dương đắc ý, nói tiếp:
- Hắc Thiên Ma, giáo chủ Ma Giáo khi xưa cũng có sáu con Thông Thiên Bửu Long mà bất thành sự, hẳn là các hạ không muốn theo gương ông ta chứ?
Trịnh Tâm Cô nhếch môi cười gượng:
- Các hạ quả thật là lợi hại.
Dị Cư Hồ trầm giọng:
- Những gì có được do Thông Thiên Bửu Long, hai tay sẽ chia đều nhau, thế nào?
- Không ai biết được đó là những gì, nếu là thứ xấu xa, các hạ cũng đòi chia phần nữa ư?
Dị Cư Hồ cười ha hả:
- Đó là lẽ tất nhiên.
Rồi thì hai người không hẹn cùng quay người, đặt tay lên vách đá đẩy tới, chỉ nghe tiếng kèn kẹt vang lên, cả bức vách đá trắng đã bị chuyển dịch, lát sau đã đẩy được năm sáu thước.
Hai người cùng thoái lui, đồng thanh nói:
- Xin mời!
Đào Hành Khản, Đào Lâm và Dị Ngọc Phụng thấy vậy đều hết sức kinh ngạc, định thần nhìn, hang động sau vách đá tối mịt, không trông thấy gì cả.
Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô sau khi lên tiếng mời, nhưng chẳng người nào chịu tiến vào động trước.
Hồi lâu sau, Trịnh Tâm Cô cười ha hả nói:
- Lão Dị, hai tay nắm tay nhau cùng vào nhé?
Dị Cư Hồ đáp:
- Được!
Đoạn hai lão đưa tay ra, “bốp” một tiếng, hai người nắm chặt tay nhau, cất bước đi vào hang động.
Lúc này ngoài Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô, chỉ có Đào Lâm là biết đại khái vì sao họ đã vào trong hang động, bởi nàng từng được nghe Dị Cư Hồ nói về sự tích của bảy người Ba Tư và giáo chủ Ma Giáo.
Còn Đào Hành Khản và Dị Ngọc Phụng biết được càng ít hơn, hai người chỉ mới vừa nghe Trịnh Tâm Cô đề cập đến, nên hết sức do dự, không biết có nên theo vào hay không.
Ba người đứng chờ ngoài cửa động, Dị Ngọc Phụng trừng mắt giận dữ nhìn Đào Lâm. Đào Lâm và Đào Hành Khản thì xót xa đưa mắt nhìn nhau.
Lát sau, từ trong động vang lên tiếng Dị Cư Hồ nói:
- Phu nhân, hãy vào đây.
Rồi tiếng Trịnh Tâm Cô cũng nói vọng ra:
- Hai ngươi cũng vào đây đi.
Ba người liền cầm đuốc đi vào hang động. Lát sau, tiếng kèn kẹt lại vang lên, vách đá lại từ từ khép lại, và rồi bên ngoài động lại tối mịt. Lúc này nếu có ai đến đây mà không biết vách đá có thể chuyển dịch, nhất định cũng tưởng nơi đây là đã cùng đường.
Nhóm Dị Cư Hồ năm người sau khi vào trong động, thật ra đã đi đâu và đã làm gì, đã trở thành một điều bí mật, bởi sau đó không ai phát hiện tông tích của họ nữa.
Việc Ngân Lệnh Huyết Chưởng Dị Cư Hồ và Hắc Thiên Ma Trịnh Tâm Cô cùng đến tây Côn Lôn bởi có liên quan
đến Thông Thiên Bửu Long, tuy hai người hành sự hết sức kín đáo, nhưng trong giới võ lâm chẳng có bí mật nào là giữ kín được mãi cả.
Do đó có rất nhiều cao thủ võ lâm hay tin kéo đến, hy vọng sẽ có được chút ích lợi gì đó. Nhưng dĩ nhiên là họ chẳng có được gì cả.
Và lẽ đương nhiên, giới võ lâm chẳng ai lại không rõ về võ công của Trịnh Tâm Cô và Dị Cư Hồ, nên người đến đó thảy đều là cao thủ bậc nhất của các môn các phái.
Nhưng khi họ đến tây Côn Lôn, lại không hề phát hiện tông tích Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô. Song đã vượt vạn dặm đến đây, đương nhiên họ đâu chịu dễ dàng quay trở về Trung Nguyên, nên đã tìm kiến suốt hơn ba tháng dài, lùng sục khắp khu vực phía tây núi Côn Lôn hàng ngàn dặm. Thế nhưng, sau hơn ba tháng ròng rã, họ vẫn không hề phát hiện ra tông tích của Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô.
Lúc này, họ còn tưởng là tin đồn thất thiệt, nhưng có vài người lại chính mắt trông thấy Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đi về hướng tây. Sau khi tìm kiếm không có kết quả, họ liền nghĩ là rất có thể hai người đã lấy được báu vật và trở về Trung Nguyên rồi.
Họ vừa nghĩ vậy, thảy đều không khỏi kinh hoàng, bởi sự vật liên quan đến Thông Thiên Bửu Long tuy chưa rõ là gì, nhưng đó hẳn là một pho võ học tuyệt đỉnh, nếu Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đã lấy được, nhất định giới võ lâm sẽ khó có thể bình yên được nữa.
Do đó, họ lại cùng quay về Ngân Hoa Cốc, họ đã vào trong xem thử, Ngân Hoa Cốc điêu tàn đổ nát, chứng tỏ đã vắng bóng người từ lâu.
Trong một năm sau đó, mọi người đều nơm nớp lo âu, sợ Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô đột nhiên liên thủ xuất hiện, gây giông gió trong chốn giang hồ.
Nhưng một năm sau, Dị Cư Hồ và Trịnh Tâm Cô vẫn biệt vô âm tín, nên giới giang hồ cũng cảm thấy yên tâm dần. Có kẻ đoán là hai người có lẽ đã sinh tâm độc chiếm, nên đã xảy ra xung đột và cả hai đã chết tại tây Côn Lôn rồi.
Sự suy đoán ấy vốn cũng chẳng mấy ai tin, nhưng thấm thoát ba năm trôi qua, tông tích hai người vẫn như đá chìm đáy biển, nên đã có rất nhiều người bắt đầu tin vào lập luận ấy. Thế rồi, câu chuyện này đã trở thành đề tài đàm luận trong lúc trà dư tửu hậu.
Thương Gia Bình Quần Hùng Tụ Hội
Vào đầu xuân ba năm sau, các môn phái trong võ lâm thảy đều nhận được một thiệp mời của Thương Gia Bình ở Tứ Xuyên, mời cao thủ các môn phái đến Thương Gia Bình phó hội, bảo là có việc hệ trọng liên quan đến toàn thể võ lâm, cần thương thảo.
Người đứng tên trong thiệp mời là Thương Chấn và Thương Pháp.
Trong võ lâm vốn đã hơn ba năm không có việc gì xảy ra, nên vụ thiếp mời rộng rãi này lại gây ra rất nhiều xôn xao. Bởi vì vụ toàn gia họ Thương bị thảm tử, giới võ lâm ai ai cũng biết, giờ đây bỗng lại có người dùng danh nghĩa Thương Gia Bình phát thiếp mời, sự việc quả đáng khả nghi.
Mọi người trong giới võ lâm đều cảm thấy một cơn giông tố kinh hoàng sắp ập đến.
Trong khi cao thủ các môn phái lục tục kéo đến Thương Gia Bình, trên đường đến Tứ Xuyên vào lúc chiều tối đã xuất hiện một thanh niên chậm rãi bước đi.
Thanh niên ấy vẻ mặt có vẻ rất u uất, như có tâm sự hết sức trọng đại không sao giải quyết được. Trong ráng chiều rực đỏ, bao hào khách võ lâm đều phi ngựa về hướng tây đến Thương Gia Bình. Nhưng chàng thanh niên ấy lại ung dung bước đi, thỉnh thoảng lại đứng hơi lâu trước vách núi cao, hoặc thở dài, hoặc cúi đầu lẩm bẩm một mình.
Lát sau, trời đã tối dần, lại nghe tiếng vó ngựa dồn dập vang lên, chàng thanh niên ngoảnh lại nhìn, chỉ thấy ba con tuấn mã và người trên lưng ngựa đều tay cầm một ngọn đuốc to đang phóng đến như bay.
Khi đến cạnh chàng thanh niên, ba con ngựa bỗng dừng lại, một người cất tiếng hỏi:
- Này, đến Thương Gia Bình phải đi thẳng tới, phải không vậy?
Chàng thanh niên không quay đầu, chậm rãi nói:
- Phải…
Ba con ngựa lại định phóng đi, nhưng một người bỗng nói:
- Ủa, người này trông quen mặt quá nhỉ.
Một nữ nhân gầy gò và xấu xí tiếp lời:
- Phải rồi! Này bằng hữu, chúng ta có từng gặp nhau chưa?
Chàng thanh niên nhếch môi cười:
- Không chừng có cũng nên.
Ba người ấy là hai nam một nữ, đưa mắt nhìn nhau, một người mập lùn dắp ngựa đến gần, đưa mắt nhìn chàng thanh niên.
Vừa lúc chàng thanh niên quay đầu lại, người mập lùn bỗng cười ha hả nói:
- Thì ra là ngươi.
Chàng thanh niên này chẳng phải ai khác mà chính là Lý Thuần Như.
Hai người kia cũng phá lên cười, như chẳng xem Lý Thuần Như ra gì cả.
Lý Thuần Như mặt vẫn trơ khấc, lạnh lùng nói:
- Ba người cần đến Tứ Xuyên phó hội, sao không đi mau, còn ở đây lôi thôi làm gì?
Gã cao gầy cụt hai chân, cười quái dị nói:
- Đại ca nghe đó, hắn lại còn thắc mắc đến việc của chúng ta nữa chứ.
Lý Thuần Như quay mặt đi, gã mập lùn tiến tới một bước, vỗ vai chàng nói:
- Này, ba năm qua ngươi ở đâu? Người của Ngân Hoa Cốc có tin tức gì không?
Đào cô nương của ngươi đã trở thành Dị phu nhân…
Lý Thuần Như bỗng quay người, trầm giọng quát:
- Im ngay!
Gã mập lùn cười vang:
- Tiểu tử, ngươi hùng hổ gì kia chứ? Ba năm trước ngươi với Dị phu nhân…
Lý Thuần Như mắt bỗng lộ dị quang, tay áo nhẹ phất, chớp nhoáng đã quấn vào cổ tay gã mập lùn…
Gã mập lùn giật mình kinh hãi, vội vung chỉ điểm thẳng vào ngực Lý Thuần Như, nhưng chỉ nghe “rắc, rắc” hai tiếng, và gã mập lùn rú lên đau đớn.
Lý Thuần Như an nhiên vô sự, còn gã mập lùn thì gãy mất hai ngón tay trái.
Lý Thuần Như buông tiếng cười khẩy, tay áo phất nhẹ, đẩy gã mập lùn loạng choạng bật lùi ra xa hai trượng, mới “thịch” một tiếng, ngã lăn ngồi xuống đất.
Nhưng gã mập lùn võ công quả là cao cường, lập tức đứng bật dậy, tung mình lên ngựa, lớn tiếng nói:
- Đi mau!
Hai người kia đồng thanh nói:
- Đại ca, Tát Thị Tam Ma chúng ta đã mất uy thế như thế này từ bao giờ chứ?
Gã mập lùn quát:
- Đi mau, đừng lôi thôi.
Trong khi gã giật mạnh dây cương, giục ngựa phóng đi, hai người kia cũng đành phải theo sau.
Trong Tát Thị Tam Ma, Tát Băng tuy là nữ giới, nhưng tính tình hết sức nóng nảy, đã đi xa ngoài một trượng mà vẫn vung tay ném ra hai ngọn cương tiêu, nhanh như chớp bay về phía Lý Thuần Như.
Lý Thuần Như sau khi phất tay áo đẩy lui Tát Nguyên Bá, chỉ đứng thừ ra như phỗng đá, mắt thấy hai ngọn cương tiêu sắp trúng vào mình, chàng mới uể oải đưa tay kẹp lấy, đoạn lại tiện tay ném đi.
Tuy trông động tác của Lý Thuần Như uể oải là thế, nhưng hai ngọn cương tiêu rời khỏi tay chàng, đã rít lên ghê rợn, bay vút vào trong bóng tối.
Cơ hồ cùng trong một lúc, lại nghe hai tiếng “á, á” vang lên trong bóng tối, rồi thì có tiếng quát to:
- Kẻ nào đã ra tay ám toán?
Lý Thuần Như ngẩn người, vẻ thẫn thờ trên mặt liền tan biến đi, ngoảnh mặt lại định nói gì đó, nhưng lại không thốt nên lời, bởi chàng chẳng ngờ mình tiện tay ném hai ngọn cương tiêu đi, vốn không hề có ý đả thương người, vậy mà trời xui đất khiến lại trúng nhằm người ta.
Nghe tiếng quát đầy vẻ tức giận, hẳn là có người nào đó đã bị ngộ thương, như vậy biết giải thích sao đây?
Ngay khi ấy, mây đen bị gió thổi tan, ánh trăng soi sáng cảnh vật, bốn năm bóng người đã xuất hiện trước mặt Lý Thuần Như cách chừng hai trượng, một bóng người cao to đang sải bước tiến đến, thoáng chốc đã đến trước mặt chàng.
Chỉ thấy thân hình người này cao to, tuổi trạc thất tuần nhưng tinh thần vẫn quắc thước, chiếc áo trên mình đầy ánh vàng lấp lánh.
Lão nhân ấy đi đến trước mặt Lý Thuần Như, đưa mắt quan sát chàng một hồi mới gắt giọng nói:
- Ám khí vừa rồi chính do ngươi đã phóng ra phải không?
Lý Thuần Như ngẩng lên nhìn, thấy hai trong số bốn người đi cùng lão nhân này đang được đồng bọn dìu đỡ và tay bụm vào vai, sắc mặt trắng nhợt, hiển nhiên đã bị cương tiêu đả thương.
Lý Thuần Như vội áy náy nói:
- Hai ngọn cương tiêu quả là do tại hạ đã tiện tay ném đi…
Lão nhân quát to:
- Im ngay, đưa thuốc giải ra đây mau.
Lý Thuần Như giật mình:
- Hai ngọn cương tiêu ấy có chất độc ư?
Lão nhân ấy vốn đã mặt đầy vẻ tức giận, nghe Lý Thuần Như nói như vậy càng giận đến tóc bạc dựng ngược, gầm vang như sấm rền, ngũ chỉ như móc câu chộp thẳng vào ngực Lý Thuần Như.
Lý Thuần Như thấy đối phương vung tay, năm đầu ngón tay cũng ánh vàng lấp lánh, nhìn kỹ thì ra có đeo móng tay bằng vàng rất sắc nhọn, nếu bị chộp trúng, không chết cũng bị trọng thương.
Lý Thuần Như vừa thấy lão nhân vung tay, vội lùi nhanh ra sau một bước và nói:
- Ngũ lão tiền bối, xin tạm nguôi giận.
Lão nhân rụt tay, nhưng năm ngón tay vẫn thấp thó, bao vây Lý Thuần Như trong phạm vi chiêu thức, quát:
- Ngươi đã biết danh tánh của lão phu, hãy trao thuốc giải ra mau thì còn có thể tha chết cho ngươi.
Thì ra lão nhân này chính là Kim Thần Ngũ Lâm, một cao thủ vùng Hồ Bắc, người chính phái, hào khí ngút mây và võ công cao cường, rất lừng danh trên chốn giang hồ.
Lý Thuần Như lại áy náy nói:
- Ngũ lão tiền bối, hai ngọn cương tiêu ấy thật ra không phải là của vãn bối.
Kim Thần Ngũ Lâm vụt sầm mặt, ngũ chỉ đột nhiên vươn tới hơn thước, rồi lại vụt về ba bốn tấc nhanh như chớp, đồng thời tạt người sang bên, vung tay ra ngoài, đảo một vòng rồi chộp vào mạn sườn Lý Thuần Như, chiêu thức quả là kỳ ảo.
Lý Thuần Như nhanh nhẹn lách người, năm móng tay vàng của Kim Thần Ngũ Lâm lướt qua bên mạn sườn chàng, chộp vào khoảng không.
Kim Thần Ngũ Lâm càng thêm thịnh nộ, trầm giọng quát:
- Thảo nào ngươi đã dám sử dụng ám khí tẩm độc, thì ra ngươi cũng có được chút bản lĩnh.
Lý Thuần Như vội nói:
- Ngũ lão tiền bối…
Nhưng chàng chưa dứt lời, Ngũ Lâm đã liên tiếp vung ra ba trảo, chỉ thấy ánh vàng lấp loáng, phủ trùm lấy Lý Thuần Như.
Lý Thuần Như nhanh nhẹn lách tránh, ba chiêu vừa hết, đã thấy chàng lướt nhanh ra ngoài ba trượng, lớn tiếng nói:
- Ngũ lão tiền bối không tin ám khí ấy không phải là của tại hạ?
Ngũ Lâm thấy mình liên tiếp công ra bốn chiêu mà đối phương chỉ dựa vào thân pháp nhanh nhẹn tránh khỏi, lòng cũng không khỏi kinh hãi, nghĩ đối phương tuổi còn trẻ, đã từ đâu học được võ công kỳ ảo thế này?
Hơn nữa, trông chàng ta mặt dầu chính khí, xem ra cũng không phải là hạng người tà ác, bèn nén giận nói:
- Không phải ngươi vậy chứ là ai?
Lý Thuần Như buông tiếng thở dài:
- Khi nãy vãn bối vừa mới đánh đuổi Tát Thị Tam Ma rời khỏi đây, trước khi bỏ đi họ còn ném ra hai ngọn cương tiêu, vãn bối bắt lấy và tiện tay ném đi, chẳng ngờ lại lỡ gây thương thế cho môn hạ tiền bối.
Kim Thần Ngũ Lâm bán tín bán nghi, bởi Tát Thị Tam Ma khét tiếng võ lâm, mà thanh niên này lại có thể đánh đuổi, đó quả là một điều khó có thể tin được.
Kim Thần Ngũ Lâm bèn hỏi:
- Sư trưởng của ngươi là ai?
Lý Thuần Như lặng thinh một hồi, đoạn lộ vẻ đau buồn nói:
- Gia phụ là Kim Ngân Bát Quái Kiếm Lý Viễn, vãn bối là Lý Thuần Như.
- Ồ, ra là Lý công tử, cũng là đến Thương Gia Bình ư?
Lý Thuần Như gật đầu. Ngũ Lâm lại nói tiếp:
- Nghe đâu lệnh tôn và lệnh đường đã chết tại Thương Gia Bình rồi không phải?
Lý Thuần Như thờ thẫn:
- Vãn bối cũng chỉ mới được nghe trên giang hồ đã đồn đại như vậy, sự thật thì vãn bối chưa được rõ.
- Nếu đã là Lý công tử, lệnh tôn lúc sinh tiền với lão phu có gặp gỡ vài lần, cũng kể được là người nhà, vậy chúng ta hãy đuổi theo Tát Thị Tam Ma để lấy thuốc giải, Lý công tử nghĩ sao?
Lý Thuần Như có vẻ miễng cưỡng gật đầu:
- Cũng được!
Kim Thần Ngũ Lâm khoát tay, bốn người kia liền đi đến gần. Chỉ thấy hai người thọ thương mặt mày trắng bệch, mồ hôi đầm đìa, xem ra hết sức đau đớn.
Lý Thuần Như nghe lòng hết sức áy náy, đi đến vung chỉ điểm mấy cái lên vai hai người, xuất thủ rất thuần thục. Hai người mới thở phào một hơi dài, ra chiều đã dễ chịu hơn nhiều.
Ngũ Lâm thấy Lý Thuần Như võ công như còn cao hơn mình, không khỏi rất lấy làm lạ, bởi ngay cả Lý Viễn lúc sinh tiền, võ công còn thấp hơn ông, vì sao võ công Lý Thuần Như lại cao cường và quái dị thế này?
Thế là mọi người lên đường ngay trong đêm, nhưng không hề thấy bóng dáng Tát Thị Tam Ma đâu cả.
Hai người thọ thương được Lý Thuần Như vận nội công thâm hậu phong bế huyệt đạo, chất độc tạm thời không đến đỗi bộc phát, và họ biết Tát Thị Tam Ma cũng là đến Thương Gia Bình phó hội, nên cũng không lo lắng lắm.
Khi trời hừng sáng, họ đã có mặt bên ngoài Thương Gia Bình, chỉ thấy cầu treo không kéo lên và trong trang đèn đuốc cũng chưa tắt, chứng tỏ đã thắp suốt đêm để chờ khách đến.
Họ vừa đặt chân lên cầu treo, thì thấy hai người từ trong đi ra, đưa mắt nhìn, mọi người bất giác sửng sờ. Thì ra hai người đó có vóc dáng cao to ghê gớm, phải ngước lên mới trông thấy mặt họ.
Kim Thần Ngũ Lâm vốn cũng là người vóc dáng cao to, nhưng so với hai gã khổng lồ này, thật hãy còn kém xa.
Hai người ấy chẳng những vóc dáng to cao mà trang phục cũng kỳ lạ chưa từng thấy, hai người đều khoác trên mình một chiếc áo giáp vàng có dạng vẩy cá, và mỗi vảy trên giáp dầy đến hai phân, trông rất là nặng nề, nhưng hai người vẫn ra chiều hết sức nhẹ nhõm, và trong tay mỗi người đều có ngọn giáo vàng dài chừng bảy thước.
Kim Thần Ngũ Lâm cả đời rất yêu thích màu vàng, ngoại hiệu là Kim Thần cũng chính vì vậy mà có, nhưng thấy hai gã khổng lồ này khắp người đầy vàng cũng không khỏi chau mày hết sức lấy làm lạ.
Hai người vừa ra khỏi cổng trang, liền chia ra đứng hai bên tả hữu, khom mình nói:
- Khách đến xin báo danh tánh.
Kim Thần Ngũ Lâm sải bước tiến tới nói:
- Hồ Bắc Kim Thần Ngũ Lâm.
Lý Thuần Như cũng tiến tới nói:
- Tại hạ Lý Thuần Như.
Hai gã khổng lồ quay người, hướng vào trong lớn tiếng nói:
- Kim Thần Ngũ Lâm và Lý Thuần Như đến.
Vừa rồi hai gã khổng lồ cất tiếng hỏi, tuy to lớn nhưng chưa đến đổi kinh người, lúc này họ lớn tiếng hô, thật hệt như sấm nổ ngang trời, chân khí dồi dào, mọi người nghe liền biết ngay nội công của hai gã khổng lồ này rất có hỏa hầu.
Ngũ Lâm và Lý Thuần Như kinh ngạc, thầm nghĩ hai người này chẳng qua chỉ là kẻ tiếp đón khách đến, địa vị thấp kém mà đã có trình độ võ công thế này, đủ biết cuộc thịnh hội của Thương gia phen này nhất định sẽ xảy ra một trận giông tố lớn chứ chẳng không.
Hai gã khổng lồ vừa dứt tiếng, liền mời mọi người vào t