--> Ngoảnh lại hóa tro tàn - game1s.com
Polly po-cket

Ngoảnh lại hóa tro tàn

ết. Chẳng rõ trong lòng cô có thực đau thương đến thế?

Phương Đăng từng có duyên gặp vợ góa của Lục Ninh Hải một lần. Đó là tại sở cảnh sát thành phố, lần cuối cùng Phương Đăng đến hợp tác điều tra sau khi xuất viện. Tai nạn xảy ra thảm khốc, có người mất mạng, nhưng tai nạn cũng chỉ là tai nạn. Người phụ nữ kia nhìn thấy đứa “con gái nuôi” mà chồng mình thu nhận trước khi chết, gương mặt quả nhiên lộ rõ vẻ kinh ngạc lẫn…. kinh tởm. Cô ta nôn nóng tra vấn vị cảnh sát, xem cái đứa được coi là con gái nuôi này có quyền thừa kế tài sản của chồng mình không. Khi Phương Đăng khẳng định mình không cần gì cả, người góa phụ buồn thảm kia liền mau chóng bỏ qua, coi như chẳng hề hay biết sự tồn tại của cô “con gái nuôi” nữa.

Di ảnh của Lục Ninh Hải được treo cao chính giữa linh đường, dường như đang lặng lẽ dõi theo Phương Đăng. Gương mặt phúc hậu đoan chính đó cứ như của người đang sống, có lúc đang nỗ lực kiềm nén dục vọng xâm chiếm, có lúc phủ đầy máu, dùng ánh mắt cầu xin Phương Đăng cứu lấy mình. Nó không thể ngồi thêm được nữa, bèn lẳng lặng rời khỏi đám tang.

Phương Đăng không lạ gì nhà tang lễ, lần trước từ nơi này nó đã nhận về tro cốt của Phương Học Nông. Mặc dù ông bố đã ra ma của nó chẳng có tư cách để được làm một lễ truy điệu đàng hoàng, cũng chẳng ai thực lòng khóc thương tiễn đưa, nhưng ra tro rồi, chẳng phải ai cũng như nhau sao?

Nhà tang lễ khá rộng, ngoại trừ khu vực cử hành tang lễ đang tập trung tương đối đông người sống, còn có một vạt rừng thênh thang, nằm giữa đài hóa thân và khu ký túc của nhân công. Phương Đăng không vội quay về cô nhi viện, trong lòng lại đang buồn phiền thảng thốt, định sẽ ra rừng dạo cho thoáng đãng. Thêm nữa, lần trước khi tới đây, nó nhớ rằng một góc rừng còn có nhà vệ sinh. Đến đó chắc chắn sẽ không phải chậm mặt mấy người bạn đang đau lòng của nhà họ Lục.

Cảnh vật trong rừng phải nói là không tệ, một con đường nhỏ lát sỏi đá quanh co dưới bóng cây râm mát, thi thoảng có tiếng chim chóc đâu đó khẽ cất giọng véo von, dưới gốc cây một băng ghế gỗ dài bạc màu bất ngờ hiện ra, điểm xuyết cho khung cảnh thêm phần thi vị. Không gian nơi đây vô cùng thanh tân mát lành. Chỉ đáng tiếc vì vị trí đặc biệt của nó, nên hai lần đến đây, Phương Đăng đều cảm thấy lạnh lẽo dị thường. Không rõ ban đầu vì sao người ta giữ lại khu rừng, hoặc có lẽ đối với những người quen chứng kiến cái chết ở nhà tang lễ này, chết cũng đồng nghĩa với sự thanh thản chay tịnh vĩnh hằng.

Phó Thất giờ đang ở đâu? Đã lên máy bay rồi ư? Sau mấy tiếng đồng hồ ngồi bó chân trong máy bay, điều gì đang chờ đợi cậu ở nơi đất khách quê người? Phương Đăng miên man trong dòng tâm sự, đi dạo loanh quanh vài ba vòng, chợt phát hiện lang thang ở đây không chỉ có mình nó: ở bụi cây cách đó mười mấy mét có một thiếu niên mặc sơ mi kẻ ca rô màu thiên thanh, đang đi đi lại lại vòng quanh mấy con đường nhỏ.

Người này dường như cũng nhìn thấy Phương Đăng, dừng bước lại nhìn nó một hồi. Phương Đăng tưởng cậu ta sẽ nói gì đó, nhưng người kia chẳng hé nửa lời, lại tiếp tục quanh quẩn ở chỗ cũ. Nếu không phải đây là một anh chàng nhát chết, thì chưa biết chừng lại là hồn ma phiêu bạt hiển linh giữa ban ngày. Phương Đăng chẳng thấy sợ, mà cũng không tâm trí nào lo chuyện bao đồng. Từ con đường sỏi nhỏ này lắng tai nghe, những tiếng nức nở vọng ra từ linh đường đã ngớt nhiều, đến lúc nó quay trở lại rồi.

Phương Đăng vào rửa tay đi ra, ngang qua bụi cây kia, vẫn thấy anh chàng kì quặc nọ loanh quanh ở chỗ cũ. Hơn nữa, bước chân của cậu ta có vẻ vộ vã hơn, trông chẳng giống đi dạo, gương mặt cũng phảng phất nét buồn bã. Có lẽ đây không phải là một người điên, lòng Phương Đăng nổi mối tò mò, liền quay nhìn thêm hai lần. Cậu ta cũng nhìn nó, đó là một gương mặt non trẻ, tuổi tác có lẽ tương đương Phương Đăng, mái tóc ngắn cũn, trông gọn gàng, không đến nỗi xấu. Phương Đăng chậm bước, nó chợt cảm thấy hình như đã trông thấy người này ở đâu rồi.

Lòng chợt rung động, vài ba lần nó rẽ lại gần người đó. Dừng lại ở khoảng cách mười mấy bước chân, nó nghi ngờ cất tiếng hỏi: “Ê, cậu làm gì ở đây thế?”

Cậu trai kia thấy nó chủ động đến gần, trong mắt dường như ánh lên niềm vui, nhưng vẻ mặt thì không hề biểu lộ. Cậu ta liếc nhìn Phương Đăng, vặn lại: “Thế cậu làm gì ở đây?”

“Tôi á? Tôi đi dạo, đừng có bảo cậu cũng như tôi nhé.”

“Sao tôi lại không được đi dạo ở đây nhỉ, chỗ này có phải nhà cậu đâu.”

Trong lòng Phương Đăng “hứ” ngầm một tiếng, nếu đây là vườn cây sau nhà nó, ngày đêm hưởng thụ không khí ở nhà tang lễ, không biết nó còn là người hay ngợm. Nó chẳng thèm khách sáo: “Thế này mà là đi dạo à. Tôi thấy cậu giống con ruồi mất đầu cứ bay nhặng quanh chỗ này thì có… Mất đồ hả?”

Cậu ta không nói gì nữa, chuyển hướng nhìn về chỗ khác, “Cậu đi đi, tôi cũng phải đi đây.”

“Cậu định theo đuôi tôi đấy à… Chết chưa, cậu không phải đang bị lạc đường mắc kẹt ở đây chứ.”

“Ai bảo thế!” Cậu trai lớn tiếng phản đối, nhưng cái tai đỏ bừng và vẻ mặt hậm hực đã bán đứng cậu. Phương Đăng lúc nãy mới nhận ra có khi mình đã đoán đúng. Ôi mẹ ơi! Trong lòng nó ngầm kinh ngạc, khu vực này quả thực có mấy con đường nhỏ đan xen vào nhau, nhưng chưa đến mức gây ra lạc đường, chỉ có người bị chứng mù hướng bẩm sinh mới có thể lạc ở nơi như thế này.

“Rõ rành rành ra còn cãi! Lạc đường mà không biết mở miệng ra hỏi người ta?”

“Ai biết được lúc nãy cậu lại vào nhà vệ sinh.”

Hỏi một đằng, cậu ta trả lời một nẻo, Phương Đăng phải mất mấy phút nghiền ngẫm mới hiểu. Chắc cậu chàng ban nãy thấy trong rừng có người, định hỏi đường, nhưng thấy đó là một đứa con gái, lại không muốn cầu cứu sợ mất mặt, định bụng theo sau con bé ra ngoài, ai ngờ nó lại đi thẳng vào nhà vệ sinh nữ. Cậu chàng sợ bị coi là kẻ biến thái, đành loanh quanh về chỗ cũ.

“Cậu đến dự đám tang à?” Phương Đăng hỏi.

Cậu chàng gật gật đầu, đằng nào cũng bị bóc mẽ rồi, liền trở nên thật thà hơn hẳn, “Tôi không ngờ mấy con đường và cây cối hai bên lại giống nhau như thế, đi một lúc lại quay về chỗ cũ, thật là kỳ quặc.”

Phương Đăng từ nhỏ là đứa ngang ngạnh trời đất không sợ, từ lúc mấy tuổi đầu, những chỗ đã đi qua một lần, lần sau dù có vứt nó ở góc nào, nó cũng sẽ tìm về bằng được. Nếu thằng nhóc trước mặt không phải người thiểu năng, không phải bị ma vờn, thì nó đành chỉ biết thở dài mà rằng: đúng là trên đời không có chuyện gì không thể.

“Tôi thấy cậu là kỳ quặc nhất đấy.” Phương Đăng tỏ vẻ khinh khỉnh, vẫy vẫy tay “Đi, còn đứng đực ra đấy làm gì, đi theo tôi.”

Mặt cậu trai kia vẫn hơi xấu hổ, vẻ mỉa mai vô hình của Phương Đăng khiến cậu chẳng muốn nhúc nhích, nhưng kì thực đâu còn biết dựa vào ai khác, đành ngậm miệng lại, lủi thủi đi theo. Hai người cứ thế rời khỏi khu rừng nhỏ.

Vài phút sau, lễ đường đã ở trong tầm mắt. Cậu thanh niên kia lẩm bẩm: “Quái nhỉ, cũng có xa lắm đâu.”

Phương Đăng cười nhạt hai tiếng, “Có xa lắm đâu, nhưng nếu cậu cứ đi vòng vòng ở chỗ đấy, thì bằng vào thời gian đi vòng quanh trái đất hai vòng cũng chưa đến nơi.”

Có vẻ trong lòng còn cảm kích nó, nên biết rõ bị trêu chọc, cậu trai kia cũng không buồn phản bác, chỉ gãi gãi đầu, khóe miệng lộ ra chiếc má lúm đồng tiền.

Cậu thừa hưởng tất cả những nét đẹp trên gương mặt người cha, có lẽ cả của mẹ nữa, nhưng dù thế nào, nhìn ở góc độ nào, trông cậu cũng khá giống người nằm trong linh đường kia. Phương Đăng không muốn tiếp tục phải nhìn gương mặt gợi ra đủ thứ hồi ức không vui, liền nói vội: “Cậu tự vào nhé, tôi phải đi rồi.”

Hai người đã đi đến bìa rừng, cậu trai ngó về hướng sảnh cử hành lễ truy điệu, chần chừ một hồi. Phương Đăng bước thêm mấy bước, không nghe thấy tiếng chân cậu ta theo sau, quay lại nhìn, phát hiện cậu đang ủ rũ ngồi trên băng ghế dài bên đường.

“Lại sao thế ?” Phương Đăng sốt ruột hỏi.

“Cậu đi đi, cảm ơn cậu.” cậu ta trầm giọng đáp, chẳng thèm ngóc đầu lên.

Phương Đăng đá một phiến lá rụng dưới chân, nói bằng giọng ngờ vực: “Từ đây ra kia chắc không lạc tiếp đâu nhỉ ?”

“Tôi ngốc thế cơ à ?” Cậu bị Phương Đăng chọc cười chỉ trong chớp mắt, nhưng thứ nhạc tang lễ từ phía xa vọng đến mau chóng kéo âm u trở lại xâm chiếm đôi mắt cậu, “Lạc đường càng tốt, lỡ mất buổi lễ, tôi đỡ phải nghĩ đến việc ông đã không còn nữa.”

“Trong kia….là lễ truy điệu của cha cậu à ?” Dù biết thừa, nhưng Phương Đăng cố tình hỏi.

“Ừm.” Cậu chàng không biết Phương Đăng, chỉ coi nó có ý tốt hỏi thăm, liền khe khẽ gật đầu.

Phương Đăng bỗng thấy cổ họng mình mặn chát, khô rang, “Cậu tiễn hay không, ông ấy cũng sẽ không thể trở lại.”

“Trước đây cha tôi cũng nói với tôi như thế. Lúc đó mẹ tôi vừa mất, tôi khóc lóc ầm ĩ, chẳng ai dỗ tôi đến đám tang cho được. Người lớn đều nghĩ tôi là đứa con duy nhất của mẹ, nên đến tiễn đưa giờ phút cuối cùng. Nhưng tôi sợ, sợ nhìn thấy cái xác. Cái xác cứng đờ vô tri vô giác nào phải mẹ tôi ?.. Cứ như nếu không đến đám tang, tôi có thể giả vờ coi như bà chưa rời xa mình vậy.”

“Được ư ?”

“Dĩ nhiên không thể được.” Cậu cười khổ, “Người chết nghĩa là hết, làm sao níu kéo cho được.”

Phương Đăng định đi cho xong chuyện, nó không có hứng ngồi nghe ký ức đau thương của người khác. Đời này nó gặp trẻ mồ côi còn nhiều hơn gặp người bình thường, ai chẳng có câu chuyện riêng đẫm máu và nước mắt. Thành viên mới của “Mồ côi hội” trước mắt nó kia không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền, cha cậu ta là người có sự nghiệp tốt, lại rất mực cưng chiều con, cho dù không còn cha mẹ, nhưng những người thân khác trong gia đình rồi sẽ thu xếp ổn thỏa cho cậu ta thôi. Định đi, nhưng gương mặt thê thảm trước khi chết của Lục Ninh Hải cứ ẩn hiện trên nét mặt cậu trai trẻ, khiến nó không làm sao nhấc nổi chân. Nói cho cùng, cậu ta lâm vào cảnh mồ côi cũng một phần vì nó.

“Cậu biết thế là tốt. Biết đâu, ông…. Ý tôi là người thân vừa ra đi của cậu, rất hy vọng được nói lời ly biệt với cậu trước khi ra đi.” Câu nói này xuất phát từ đáy lòng, Phương Đăng chưa quên trong cuộc nói chuyện cuối cùng, Lục Ninh Hải nhắc đến con trai với vẻ ấm áp và tự hào thế nào.

“Mẹ tôi mất vì tai nạn xe cộ, bây giờ đến lượt cha tôi. Cậu nghĩ xem, hằng ngày trên thế giới này biết bao con người đi lại ngoài đường đều bình yên vô sự, tại sao người nhà tôi lại như thế, sao nhà chúng tôi lại đen đủi đến thế !” Cậu nhóc ôm đầu suy sụp.

Phương Đăng ngồi xuống bên cậu, “Nếu tôi nói cho cậu biết, tôi chưa bao giờ gặp mẹ mình, chẳng biết bà là người thế nào, cha tôi là tên nát rượu, chết bất đắc kỳ tử ngay trước mắt tôi, cậu có thấy thế giới này công bằng hơn tí nào không ?”

Cậu ta quả nhiên bị những lời nói của Phương Đăng khiến cho chấn động, chầm chậm ngẩng lên nói: “Thật à ? Thế chắc cậu buồn lắm.”

“Ừ thì…. Cứ coi là như thế !”

Nếu người ngồi đây là Phó Thất, kể từ chữ đầu tiên nó thốt ra miệng, hoặc từ phút giây nó muốn đi mà rồi ở lại, cậu ta sẽ quan sát từng biểu cảm nhỏ mà phân biệt nó nói câu nào thật tình, câu nào giả dối, cũng sẽ nghi ngờ nguyên do và ý định khi nó xuất hiện tại nơi này. Nhưng cậu ấy không phải là Phó Thất. Cậu nhóc thật hồn nhiên. Một người sinh ra và lớn lên ở một gia đình hạnh phúc, chắc khi còn sống cha mẹ bảo bọc cậu ta rất kỹ.

“Thế cậu định thế nào ?” cậu trai quay sang nhìn cô bé đồng trang lứa, tâm lý bỗng chốc bởi thay thế bởi cảm giác đồng cảm.

Phương Đăng không đáp, vỗ vỗ lên chân cậu, “Cậu nhắm mắt giống tôi đi.”

Cậu ta bèn làm theo.

“Cậu thấy cái gì nào ?” Phương Đăng hỏi.

Cậu nhóc cảm thấy hơi khó hiểu, “Đen sì, có thấy gì đâu.”

“Cậu lại mở mắt ra xem nào.”

Cậu nhóc ngoan ngoãn nghe lời, mở mắt ngỡ ngàng nhìn ra xung quanh.

“Bây giờ cậu thấy cái gì ?” Phương Đăng lại hỏi.

Sau lưng cậu vẫn là mảnh rừng nho nhỏ, bầu trời vẫn trong vắt không bóng mây, lễ đường trước mặt vẫn bồng bềnh trong tiếng nhạc đám ma… Và vẫn cô gái nhỏ không biết từ đâu chui ra đứng bên cạnh.

“Chẳng thấy gì cả, mọi thứ vẫn y như trước lúc tôi nhắm mắt lại.” Cậu thành thật trả lời.

Phương Đăng lại vỗ vỗ vào chân cậu ta lần nữa, nói: “Thì đúng rồi. Khi cậu nhắm mắt, mọi thứ xung quanh không biến mất, những thứ mới sản sinh vẫn sẽ xuất hiện, cậu vẫn thê thảm như cũ, tôi cũng chẳng đột nhiên gặp may. Thế giới sẽ không vì cậu đau lòng sợ hãi mà thay đổi. Cách của tôi là thích làm thế nào hãy làm thế đó, nhưng dù làm gì, trước hết phải mở to mắt ra mà nhìn, nếu không ngày nào đó bỏ lỡ mất thời khắc cuối cùng, sẽ hối hận lắm.

Cậu nhóc nghe rồi ngẩn ra một lúc, có lẽ chưa từng nghe kiểu triết lý kỳ lạ này bao giờ, mất một lúc lâu mới khẽ nặn ra một câu: “Cậu nói đúng.”

Phương Đăng khá là hài lòng. Nó trải đời cũng nhiều, thuyết phục một cậu công tử đơn thuần thế này chẳng tốn mấy hơi sức. Khiến cậu ta nghĩ thoáng ra, bản thân nó cũng dễ chịu thêm đôi phần.

“Nếu thấy tôi nói đúng, thì cậu còn ngồi đây làm gì, mau vào đi, nghi lễ sắp kết thúc rồi kia kìa.” Nó phủi phủi đít quần định đi.

Cậu chàng lúc này mới nhớ ra một vấn đề quan trọng, “Mà cậu cũng đến dự đám tang à ?”

Phương Đăng không muốn cậu ta biết mình là ai, bèn tiện miệng nói bừa: “Ừ, tôi đến dự đám tang của dì tôi.”

“Cũng hôm nay à, thế dì cậu vì sao mà mất ?” Cậu hỏi tường tận gốc rễ thế này, chắc không muốn con bé lạ mặt kia đi quá mau.

Phương Đăng miễn cưỡng đáp: “Chết vì mất máu nhiều quá.”

“Sao mà mất máu ? Lễ truy điệu cũng làm tại đại sảnh trước mặt à ?”

“Ừ chuẩn, tôi có việc phải đi đây.” Phương Đăng quyết đánh nhanh rút gọn, mấy kẻ ngốc nghếch thật nguy hiểm.

“Chờ đã.” Cậu kia vội vã đứng dậy muốn ngăn nó lại, “Tôi tên Lục Nhất, còn cậu ?”

Phương Đăng dĩ nhiên sẽ không khai thật. Song thấy vẻ băn khoăn rất mực chân thành của cậu ta, nó nhất thời không thể cứ thế bỏ đi.

Nó bỗng nhớ đến con người đang cách xa nó từng phút một. Cậu từng nói, nó chính là cậu, một cái “tôi” khác. Phương Đăng thật khát khao bản thân mình thực sự biến thành cậu ấy, được trú trong thân thể cậu ấy, vĩnh viễn không phải biệt ly.

Nó liền nói với Lục Nhất: “Tôi tên Phó Kính Như.”



Chương 19: Một Gương Mặt Khác



Mái hiên cửa hàng đối diện treo đầy đèn màu, các nam thanh nữ tú mặc quần áo mùa đông so vai thở ra từng cột khói trắng. Họ qua lại dập dìu, trên gương mặt đượm vẻ âu lo lẫn vui sướng mà chỉ người thành thị vào những ngày Tết mới có. Cửa hàng vải nội thất treo chiếc đèn lồng lớn thông báo khuyến mãi nhân dịp năm mới. Năm mới, lại sắp sửa đến.

Phương Đăng tiễn vị khách cuối cùng khỏi cửa, quay vào nói với cô nhân viên đang đứng trước quầy thanh toán kiểm kê hàng: “Hôm nay chị về sớm một chút đi, năm nào đến tầm này cũng bắt chị ở lại trực, ai không biết lại tưởng tôi ngặt nghèo.”

“Dù có về sớm cũng chẳng biết làm gì.” Người phụ nữ cắm cúi xem sổ sách cất tiếng.

“Còn cháu gái chị đâu, không phải trông ư?”

“Trường nội trú có tổ chức đi chơi công viên nhân Tết Tây, mấy đứa trẻ con thích đến chỗ náo nhiệt hơn.”

“Mà chị đừng nên để bản thân quá cô quạnh.” Phương Đăng thở dài não nuột, tiện tay đón lấy vật trong tay người kia, “Đóng cửa rồi! Ngày mai cửa hàng nghỉ Tết một hôm, muốn làm gì thì làm cho thỏa thích. Tuổi thanh xuân dù không đáng tiền, thì cũng nên phung phí vào những việc có ý nghĩa một chút.”

Cô gái tuổi tác xấp xỉ Phương Đăng bèn cười, vào trong thay quần áo, tỏ vẻ thế nào cũng được. Nhớ lại sáu năm trước, cửa hàng mới mở chưa bao lâu, có một cô gái trẻ măng, nói năng dịu dàng, vừa khéo may vá vừa xinh xẻo đến ứng tuyển. Đúng vào lúc tiệm cần người, Phương Đăng liền hỏi cô cần thù lao thế nào mới chịu ở lại giúp. Cô gái kia chẳng đưa ra một cái giá nào, cứ lặng im một lúc rồi thốt nhiên nói: “Tôi từng đi tù, giờ chỉ muốn sống an phận, chị cần tôi là quý rồi, chỉ cần đủ dùng nhu cầu thiết yếu thôi, bao nhiêu tiền cũng được.”

Phương Đăng nghe nói khá là kinh ngạc. Cô khó mà nghĩ rằng một người phụ nữ trẻ trung, dịu dàng hướng nội, yếu mềm đến độ gió thổi bay mất thế kia lại từng là một tội phạm. Nói như vậy, chắc trước đây cô ấy đã bị không ít nơi từ chối. Cũng phải, người làm ăn chân chính, ai chẳng muốn quân nhà mình là người đàng hoàng trong sạch?

Vậy mà chỉ sau chốc lát do dự, cô đã nhận cô gái ấy. Có lẽ rằng mới hỏi sơ qua chuyện quá khứ, cô nhìn ra ngay trong ánh mắt người kia có một thứ gì thân thuộc. Phương Đăng cũng trải qua một tuổi thanh xuân khác với đa số mọi người, nên đối với thuở thiếu thời tàn khốc và cuồng điên của người kia, đối với việc định đoạt trắng đen, sai đúng, cô có cách nghĩ của riêng mình. Thêm nữa, cô rất tin vào mắt nhìn người của bản thân.

Cứ thế, cô gái tên Tạ Cát Niên kia ở lại cửa hàng vải nội thất của Phương Đăng chớp mắt đã sáu năm. Đôi khi Phương Đăng cảm thấy Cát Niên mới là bà chủ chứ không phải mình, cô ta tật tâm tật lực vì cửa tiệm hơn cả mình. Ban đầu khai trương cửa hàng này, chỉ vì Phương Đăng muốn tìm một nơi ký thác, nếu không nhờ Cát Niên dốc lòng dốc sức, chắc gì tiệm đã kinh doanh khấm khá như ngày hôm nay. Mỗi dịp lễ tết, các nhân viên khác đều nghĩ cả, chỉ có Cát Niên và cô bám trụ lại cửa hàng.

Đóng cửa hàng về tới nhà, đã gần chín giờ tối. Nơi ở hiện tại của Phương Đăng cũng có một cái gác xép nho nhỏ, mặc dù không hoàn toàn giống với nơi ở trước kia trên đảo. Một trong những lý do quan trọng khiến cô chọn căn nhà này, là vì cánh cửa sổ nhìn ra biển. Đứng trước đó, cô sẽ nhìn thấy đảo Qua Âm ở phía xa. Đặc biệt vào ban đêm, hồ như cô có thể tự tưởng tượng mà chỉ ra, đâu là bến tàu, đâu là giáo đường, đâu là cô nhi viện, đâu là nhà họ Phó… Ánh sáng từ ba công trình trước có lẽ đều là thực, duy nhà họ Phó chỉ là tưởng tượng. Đèn ở nơi ấy đã nhiều năm rồi không được ai thắp lên.

Phương Đăng đặt chìa khóa xuống bước lên gác xép, chỉ mới tới lưng chừng cầu thang đã nhìn thấy phía trên tỏa ra ánh đèn. Cây chuối tây trước cửa sổ ướt đẫm, như vừa được ai tưới tắm. Cô đưa ngón tay ra đón một giọt nước lăn xuống từ phiến lá, ngoảnh ra sau, Phó Kính Thù đã đứng ở cửa nhà vệ sinh tự lúc nào, tay cầm chiếc bình tưới cây.

“Em ấy à, bẩm sinh đã không có gen trồng hoa. Anh cứ tưởng cây chuối tây này được chăm sóc tốt lắm.” Hắn đứng bên Phương Đăng, lại tưới thêm một chút nước vào mấy tán lá, rồi dùng tay hái xuống hai phiến lá hơi cuốn lại, “Em xem này, mấy cái vân màu vàng đứt quãng trên lá là triệu chứng bị bệnh, nếu không hái đi ngay, cả cái cây sẽ chết khô.”

Một cách vô cùng tự nhiên, hắn cúi xuống nhỏ nhẹ bên tai cô, như thể sáng nay hai người vừa tạm biệt ở cửa, kết thúc một ngày làm việc, lại cùng nhau chăm sóc cây cảnh trong nhà.

Phương Đăng nói: “Anh không nhớ cái cây này do anh trồng ư. Nó có ốm đau quặt quẹo một tí, anh mới không quên.”

Cô chẳng rõ chậu hoa liệu có nhung nhớ chủ nhân. Mai là mùng một Tết Tây, đã tròn một năm họ không gặp mặt. Khi vừa rời đi, Phó Thất chỉ có thể hứa với cô mỗi năm trở về cùng cô đón Giao thừa một lần. Cả hai người đều không thể quên cái đêm tống cựu nghênh tân tăm tối vô biên của mười ba năm trước, họ bạt mạng trốn thoát khỏi cái nhà xác bỏ hoang đã giam giữ hắn suốt một ngày một đêm, tìm về chốn phố xá ồn ào, vội vã và tham lam hít hà chút ấm áp vào tim. Cái Tết ấy, có người mất, có người như sống lại lần thứ hai. Cũng chính cái Tết ấy, chúng nhận ra mình chỉ có thể dựa vào người kia mà tiếp tục tồn tại.

Năm nào cũng thế, ít nhất trong thời gian này, họ ở bên nhau. Đó là điều mà sau rất nhiều năm, hắn vẫn làm vì cô.

Khi vừa tới Malaysia, mọi chuyện với Phó Kính Thù không mấy thuận lợi. Dù trên danh nghĩa là về với bề trên của Phòng Ba, nhưng bà Trịnh rõ ràng không phải một người bà đôn hậu. Bà nhận “đứa cháu” này, là quyết định của lý trí, còn trên thực tế hai người đã làm “người dưng” suốt mười bảy năm, đột nhiên phải đối xử như người thân trong gia đình đâu có dễ dàng.

Phó Kính Thù cũng hiểu rõ điểm này, tất cả những gì hắn có thể làm được, là hoàn thành mọi việc một cách trọn vẹn nhất, hắn không ngừng rèn luyện để bản thân thêm phần ưu tú, nỗ lực chứng tỏ mình với bà Trịnh, tìm mọi cách khiến bà vui. Song, hắn làm quá tốt, lại khiến bà Trịnh buồn lòng. Bà sẽ nhớ về đứa con trai đã chết Phó Duy Tín, nghĩ đến việc người kế thừa con mình lại là một “đứa cháu” chẳng có quan hệ huyết thống thân thiết. Dĩ nhiên, bà còn nghĩ đến cái “đứa cháu” kia là hậu nhân của đức lang quân và Tiểu Xuân cô nương. Tỷ dụ hành vi của hắn nhất thời không khiến bà vừa lòng, thì chuyện ấy chẳng đáng bàn, dẫu gì từ nhỏ hắn không được bà dạy dỗ, đã thế lại còn trộn lẫn nòi giống tầm thường, bà chẳng bận tâm làm gì.

Bà Trịnh vốn trọng thể diện, có những thứ bà không tự nhiên mà nói thẳng ra, cho dù trong lòng không vui, bên ngoài cũng cứ như không. Có điều những người khác trong nhà mắt ai cũng sáng quắc. Trong biệt thự lớn của họ Phó tại Kuala Lumpur, ngoại trừ bà Trịnh và gia đình con gái con rể, còn có hai cậu em họ ngoại của bà cùng bảy tám người làm. Đói với một kẻ mới đến, họ đối xử nồng nhạt thân sơ ra sao, y hệt như mấy bộ phim mọi người thường xem.

“Cô” của Phó Kính Thù, Phó Duy Mẫn, là một người trực tính, trong lòng nghĩ gì viết cả lên mặt, ngay từ đầu cô ta đã không mấy tán thành mẹ mình đón một đứa trẻ cầu bất cầu bơ về nhà, cho nên cô ta không mấy thích Phó Kính Thù, điều này ai cũng biết, dù sao hãy còn quang minh chính đại. Chồng cô ta lại inh hơn nhiều, ngoài mặt cười nói, nhưng đâm sau lưng người ta lúc nào không hay, sơ ý với người đàn ông này là nguy hiểm đến tính mạng.

Hai “ông trẻ”, một người thời thanh niên làm ăn thất bát, bất đắc dĩ cả nhà già trẻ phải đến ăn chực chị gái, làm gì cũng phải để ý sắc mặt bà Trịnh, do đó chẳng tốt mà cũng chẳng hại Phó Kính Thù; một ông ế vợ, cả ngày vui chơi bài bạc, là một lão già ẩm ương, ai cho lão tiền thì người ấy là thánh, còn hạng trẻ ranh chẳng thể làm lợi gì dĩ nhiên lão chẳng coi vào đâu. Các người làm quá nửa là dân bản địa, ngoài mặt tuy không dám tỏ thái độ, nhưng sau lưng tám chuyện trên giời dưới biển, chẳng có ai thật lòng coi hắn là chủ.

Phó Kính Thù thâm nhập vào môi trường ấy, mới cảm nhận sâu sắc vì sao cha mình hoàn thành được giấc mộng nhận tổ quy tông lại càng âu sầu kém vui, cuối cùng ra đi trong buồn thảm. Nếu coi việc bị bỏ rơi ở nhà tổ giống như một mình phải đi giữa nơi hoang vu vắng lặng, thì trở về bên “người thân”, lại giống như lạc vào vùng đất lạ, mỗi giờ mỗi phút đều có người nhắc nhở, mày là kẻ lạc loài, mày không thuộc về nơi đây.

Nhưng rốt cuộc, Phó Kính Thù không phải là Phó Duy Nhẫn. Hắn đối đãi với bà Trịnh nhất mực tận tâm, ngoài ra trước ánh mắt lạnh nhạt của những người khác, hắn chỉ cười bỏ qua, từ đầu chí cuối chưa từng giận hay phản khác, biết tiến thoái, quan trọng hơn là không cho họ có cơ hội nắm được điểm yếu của mình. Lâu dần, những người kia không chiếm được phần hơn, cũng chẳng có cách nào, đành buông xuôi mọi sự, đến đâu thì đến. Dù không thể thân thiết như người một nhà, nhưng ít nhiều trong không ấm mà ngoài phải êm.

Bà Trịnh không còn mạnh khỏe như xưa, nhưng lòng vẫn sáng hơn ai hết. Bà ngấm ngầm quan sát nhất cử nhất động của hắn, dù vẫn cảm thấy hắn không mấy chân thành, nhưng không hề phủ nhận quyết định của mình là sáng suốt. Thích hay không thích “đứa cháu” này là một chuyện, nhưng đích thị đây là đứa trẻ thông minh, thậm chí còn giống ông nội nó hơn là giống cha mẹ.

Sống tại Malaysia hai năm, Phó Kính Thù nghe lời bà Trịnh đi Anh, vào học tại trường mà Phó Duy Tín đã từng học. Hai mươi ba tuổi, cầm trong tay tấm bằng theo đúng nguyện vọng bà Trịnh, hắn không về Malaysia ngay mà đến Hồng Kông, làm việc thêm hai năm. Tận khi đã hai nhăm tuổi hắn mới được triệu về bên cạnh bà Trịnh, chính thức tiếp cận với công việc làm ăn của gia tộc.

Khi nhúng tay vào công việc, Phó Kính Thù mới hiểu sâu sắc tình hình hiện nay của nhà họ Phó. Từ khi dọn đến Malaysia, nhà họ Phó luôn là một trong những đại gia tiếng tăm nhất, nhưng suy cho cùng tất cả đều chỉ là núp dưới hào quang của quá khứ. Họ Phó định cư đã lâu, nền móng vững vàng, danh tiếng hiển hách, nhưng tính về tài sản khó mà so sánh được với các hào phú mới nổi. Hiện nay sản nghiệp chủ yếu của nhà họ Phó tập trung ở lĩnh vực nhà ở và bất động sản, ngoài ra còn có vài xưởng gia công lớn cùng vườn thực vật dưới danh nghĩa của “Tập đoàn Phú Niên”, cổ phần rải rác tại mấy công ty lớn ở Malaysia. Để liệt vào hàng tỷ phú thì chưa đến, chỉ là một gia tộc đã từng có quá khứ vinh hiển mà thôi.

Từ khi chồng mất, bà Trịnh luôn một mình gánh vác mọi việc, giờ đây tuổi tác đã cao, bên cạnh không có ai thực sự là trợ thủ đắc lực, người già sức lực có hạn, phương pháp đầu tư cũng dần trở nên bảo thủ. Việc duy trì cơ nghiệp đã khó, nói gì đến mở mang. Trước đây bà có em trai cả và con rể giúp sức, Phó Kính Thù thành niên rồi, thi thoảng bà cũng nghe một vài ý kiến của hắn, nhưng chỉ lấy làm tham khảo. Đến khi Phó Kính Thù chính thức quay về, tình trạng kinh doanh buồn bã này mới xuất hiện những chuyển biến rõ rệt.

Vừa tiếp quản công việc không lâu, Phó Kính Thù đã có vài động thái lớn, mạnh dạn để đạt chủ trương của mình. Hai vợ chồng người cô cùng ông trẻ rõ ràng tỏ ra nghi ngờ, nhất cử nhất động của hắn đều vô cùng áp lực. Bà Trịnh mặc cho bọn họ tranh chấp, sau khi cuộc chiến giằng dai không dứt xảy ra được một thời gian, bà mới nói: “Để người trẻ thử sức đi, thất bại coi như mua lấy một bài học.” Kỳ thực trong lòng Phó Kính Thù biết rõ, nếu lúc ấy hắn thực sự thất bại, tuyệt đối sẽ không đơn giản chỉ là “mua lấy một bài học”, mà đó là nhà họ Phó sẽ không bao giờ có chỗ cho hắn nữa.

Thật may, hiện thực chứng minh những quyết định ban đầu của Phó Kính Thù đã mang lại cho nhà họ Phó lợi ích không nhỏ. Về sau hắn lại thuyết phục bà Trịnh thay đổi cách thức đầu tư, cùng hợp tác với một tài phiệt khác thu mua thành công tập đoàn dược phẩm E.G nổi tiếng ở Los Angeles, ngay sau đó hắn đưa thị trường nội địa Trung Quốc vào tầm ngắm, chi nhánh đầu tiên của E.G tại đây hoạt động vô cùng hiệu quả. Sau khi vững chân ở thị trường nội địa, Phó Kính Thù dần mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực nhà đất và tài chính. Chỉ trong vài năm hắn đã vực dậy con rồng già nua “Phú Niên”.

Chính vì Phó Kính Thù vượt qua những phép thử một cách quá xuất sắc, mà gần hai ba năm nay bà Trịnh mới bắt đầu yên tâm trọng dụng hắn, bớt thận trọng khi xem xét việc chuyển giao quyền lực. Bà đem phần lớn công việc cho hắn quản lý, chỉ khi gặp trở ngại mới lựa thế giúp đỡ. Những nhân vật cấp cao trong các xí nghiệp dưới quyền nhà họ Phó đã dần dần công nhận vị quản lý trẻ tuổi đầy tham vọng này, hai ông trẻ của hắn cũng mau chóng thức thời chuyển phe, cô và chú dù vẫn hay giở chiêu trò, nhưng cũng chẳng mảy may tác dụng. Thực tế mấy năm nay, hắn đã trở thành chủ nhân nhà họ Phó, thời niên thiếu âu sầu bất đắc chí đã trôi đi không còn vết tích, giờ đây cuộc sống của hắn là những chuỗi ngày được bao trùm bởi vinh quang bất tận.

Chính vì thế, Phó Kính Thù ngày càng ít thời giờ dành cho bản thân. Trước đây ngoài mấy năm sang Anh, hắn luôn tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi về thăm Phương Đăng. Mấy năm nay quá bận không thể phân thân được nữa, nhưng bất luận thế nào, mỗi khi năm hết Tết đến, nhất định hắn phải về bên cô, năm nay cũng không ngoại lệ.

Trong lòng Phó Kính Thù, Phương Đăng mới là người thân thực sự, hắn luôn cảm thấy chỉ khi ở bên cô, hắn mới thực sự tự do và là chính mình. Còn một điều hắn không thể chối bỏ, là hắn nợ cô quá nhiều.

Không thể mang Phương Đăng theo, đó là chuyện khiến Phó Kính Thù nuối tiếc bao năm nay. Bà Trịnh vô cùng chán ghét những gì liên quan đến nhà ngoại của Phó Kính Thù, coi đó là vết nhơ trong thân phận hắn, là thứ dòng giống đê hèn trộn lẫn trong huyết thống cao quý của hắn. Mỗi lần hắn có sơ suất, hoặc làm chuyện gì khiến bà không vừa lòng, bà thường đổ hết tội lỗi lên điều này. Do đó, sau khi tốt nghiệp Phó Kính Thù có thể đón già Thôi về với mình, nhưng không cách nào nhắc đến Phương Đăng trước mặt bà Trịnh. Dĩ nhiên, Phương Đăng cũng chưa từng nói rằng muốn đi cùng hắn.

---------- BỔ SUNG THÊM ----------

Sau khi Lục Ninh Hải mất, thỏa thuận nhận nuôi giữa Phương Đăng và nhà họ Lục bị bỏ mặc, cô trở về cô nhi viện Thánh Ân sống hai năm. Nhờ Phó Thất năm lần bảy lượt dặn dò già Thôi chăm sóc, lại thêm A Chiếu bầu bạn, hai năm ấy cô sống không quá cực nhọc. Năm mười tám tuổi, cô thi đỗ trường Y trong thành phố, học y tá trong ba năm. Do ngôi trường này có liên kết giáo dục với ba nước trong khối ASEAN, nên trong kỳ thực tập cô thuận lợi được điều tới một bệnh viện lớn thuộc Penang, Malaysia. Sau nửa năm làm việc tại đây cô chính thức tốt nghiệp, trở thành một hộ lý tư nhân người Hoa nổi tiếng tại bản địa, công tác một mạch ba năm nữa.

Đó là ba năm mà Phương Đăng lẫn Phó Kính Thù đều tuyệt không bao giờ nhắc lại. Không rõ Phó Duy Mẫn nghe được tin đồn ở đâu, trong một bữa cơm, trước mặt cả nhà, cô ta cười nói: Hóa ra cái nết mặt dày là di truyền, có những người trong xương cốt đã ngấm cái máu hạ tiện, cô làm gái, cháu cũng học theo.

Phó Duy Mẫn không quen biết Phương Đăng, mấy lời bóng gió xỏ xiên này dĩ nhiên là chĩa vào một người khác đang ngồi trên bàn ăn. Lúc ấy Phó Kính Thù cúi đầu uống canh, không tỏ vẻ gì, nhưng suýt nữa bóp gẫy đôi đũa trong tay. Hắn tưởng chuyện gì cũng nhịn được, nhưng khi vấp phải chuyện này, xém chút hắn đã trở mặt ngay tại trận. Đó cũng là lý do hắn luôn cúi đầu ăn cơm, hắn sợ không nhịn được đến lúc bà Trịnh trăm tuổi mà tính món nợ này.

Cuối cùng Phó Kính Thù cũng nuốt trôi được cơn giận. Âm thầm nhẫn nhịn là thứ áo giáp vững chắc nhất giúp hắn tiếp tục sinh tồn và giữ chỗ đứng ình, dù chính tấm áo giáp ấy đây đó đầy mấu sắt cắm vào da thịt, mỗi lần cử động là máu thịt bê bết.

Ba năm sau, gia chủ của Phương Đăng thanh lý hợp đồng y tá riêng, còn người nối nghiệp non trẻ của nhà họ Phó, thông qua hợp tác mà thắng lớn trong vụ thu mua E.G, hai bên cùng thu lợi không ít, từ đó mối quan hệ hợp tác trở nên vững bền, bà Trịnh phải nhìn hắn bằng con mắt khác. Đây có thể nói là thời điểm Phó Kính Thù chính thức lên nắm quyền trong nhà họ Phó. Không lâu sau đó Phương Đăng trở về Trung Quốc, không bao giờ đặt chân đến Malaysia lần nữa.

Về sau, Phó Kính Thù có hỏi Phương Đăng muốn gì, hắn nói từ nay về sau cô muốn cuộc sống như thế nào, hắn đều đủ khả năng đáp ứng. Phương Đăng chỉ mong hắn trồng tặng cô một chậu chuối tây, chậu hoa ngày xưa sau khi hắn đi đã chết khô rồi.

Cô đặt chậu chuối tây mới lên bậu cửa sổ căn nhà mới, mở một cửa hàng bán vải nội thất, bắt đầu những tháng ngày bình yên mà cô chưa từng được trải nghiệm trước đây. So với trong quá khứ, cuộc sống bây giờ của cô trơn mịn như sợi tơ, cứ thế tuột qua kẽ tay một cách chóng vánh, thoáng cái đã sáu năm.

Trong nhà Phương Đăng có treo một bức họa, đó là món quà năm mười tám tuổi Phó Kính Thù tặng cho bà Trịnh nhân dịp sinh nhật. Trong tranh vốn dĩ vẽ Quan âm Phật bà, tay cầm tịnh bình dương liễu, ánh mắt từ bi vô ngần. Hắn không giỏi vẽ tranh Trung Quốc, cố gắng miệt mài đến độ bàn tay lúc nào cũng nhoe nhoét phẩm vẽ xanh đỏ. Nghe tiếng một vị rất am hiểu về tranh Quan âm của Nhậm Bác Niên nhà Thanh, hễ rảnh rỗi là Phó Kính Thù đến tận nhà xin được chỉ dạy. Để mô phỏng cho giống nhất, Phó Kính Thù bỏ ra rất nhiều công sức, vào ngày đại thọ của bà nội, hắn đem biếu tác phẩm của mình, bà Trịnh chỉ mở ra xem một cái, rồi lạnh lùng bỏ qua một bên.

Ngày hôm sau, Phó Kính Thù phát hiện bức tranh mô phỏng của mình bị treo lên tường nhà, ngay cạnh bản gốc của Nhậm Bác Niên. Bà Trịnh đi qua nhìn thấy, trên mặt cũng không giấu được vẻ ngạc nhiên. Vợ chồng Phó Duy Mẫn và hai ông trẻ nhìn nhau cười thầm, Phó Kính Thù mới biết họ cố tình chơi khăm mình. Bà Trịnh dừng chân, ngắm nghía kỹ càng cả hai bức trong giây lát, rồi dửng dưng rằng: “Hình giống thần không giống.”

Phó Duy Mẫn đứng bên cạnh bật cười lớn, “Vẽ hổ hóa chó rồi.”

Đến đứa ở đang lau bàn gần đó cũng che miệng cười, ánh mắt tràn ngập ý chế giễu.

Phó Kính Thù không cười, càng không giận. Hắn lặng lẽ lấy bức tranh xuống, tự mình cuộn lại ngay ngắn. Tất niên năm ấy, hắn mang tranh vẽ về nước. Khi Phương Đăng hỏi người thân bên kia đối xử với hắn có tốt không, hắn chỉ cười không đáp, mang bút vẽ ra sửa lên sửa xuống, Phật bà Quan âm liền có thêm một gương mặt, mắt xanh môi đỏ, bàn tay nắm lấy con dao dính máu.

Hắn nói với Phương Đăng, đây chính là Bà La Sát trong Chư kinh, mặt mày hung tợn, dáng vẻ yêu dị, chuyên ăn thịt uống máu.

Nói đoạn Phó Kính Thù giơ tranh lên định xé nát, may có Phương Đăng cản lại kịp thời. Từ đó, Bà La Sát ngự mãi trong căn phòng này cho đến bây giờ. Khi không có hắn, cô thường ngắm bức tranh nửa thần nửa quỷ đó một mình đến xuất thần. Phải chăng trái tim mỗi người đều tồn tại hai diện mạo như vậy? Cô và Phó Thất cùng trải qua biết bao năm tháng, những lúc hắn vẻ vang đắc ý cô hiếm khi được trông thấy, nhưng những cảm xúc khó để lộ cho người khác biết hắn đều phô bày trước mặt cô. Phương Đăng cảm thấy, mình chính là một diện mạo khác tồn tại trong trái tim Phó Thất.



Chương 20: Chó Săn Rắn Độc



"Em đang trách anh lâu lắm rồi không trở về à?” Phó Kính Thù thấy Phương Đăng cúi đầu ngắm hoa hồi lâu không nói, liền quay sang hỏi.

Phương Đăng lắc lắc đầu, “Trông tiệm cả ngày nên em hơi mệt.”

Cô vào nhà vệ sinh rửa mặt.

Phương Đăng không hề dối lòng, cô chưa từng giận Phó Thất vì quá lâu không đến bên mình. Khi một người đàn ông càng thành công, thời gian riêng tư của anh ta sẽ càng ít. Cô biết mối quan hệ giữa họ sẽ không vì khoảng cách mà thay đổi, giống như Phó Thất hiểu rất rõ cho dù hắn làm gì, chỉ duy nhất Phương Đăng thực lòng không trách hắn, cho dù bao lâu hắn không quay lại, chỉ duy nhất Phương Đăng luôn chờ đợi hắn.

Có điều cô đã là người phụ nữ gần ba mươi, chẳng còn là cô bé con ngày nào, mỗi lần gặp lại là nước mắt ướt hàng mi. Những lần đầu chia xa luôn đong đầy lưu luyến, nhưng mấy năm nay cô đã dần quen với cuộc sống một mình bình lặng đơn sơ. Trước đây Phương Đăng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chịu nổi cuộc sống như vậy, nhưng bây giờ nó lại chính là cái cô mong muốn. Thậm chí cô không thấy cô đơn. Phó Kính Thù của hôm nay phiêu bạt đâu đó nơi đỉnh cao danh vọng rực rỡ, thây kệ hắn. Phương Đăng chỉ cần cái cậu bé vẽ tranh bên mái đình đổ nát, mỉm cười dưới dàn hoa ngày xưa là đủ. Mà Phó Thất của ngày xưa ấy, cô đã giấu kĩ vào đáy tim rồi.

Phương Đăng giờ đây thích nghi hoàn toàn với ly biệt. Từ khoảnh khắc cô vì hắn mà cởi chiếc nút áo đầu tiên trước mặt Lục Ninh Hải, nhiệt thành khuyến khích hắn bay đến phương trời mới, cô đã tự hiểu rằng, cô sẽ trở thành người không thể thay thế trong tim hắn, nhưng vĩnh viễn không thể là một nửa cùng hắn sánh vai dưới ánh mặt trời. Nếu muốn trách, chỉ có thể trách chính mình ngày ấy. Dĩ nhiên, phụ nữ là như vậy, nghĩ thông suốt là một chuyện, thi thoảng trong lòng dấy lên chút hi vọng ngông cuồng lại là chuyện khác. Miệng họ nói trên đời này không có bữa tiệc nào không tàn, nhưng trong lòng cứ mong người đàn ông ấy đừng đi.

Qua tấm gương trên bồn rửa mặt, Phương Đăng trông thấy Phó Kính Thù vẫn đang tỉ mỉ chăm sóc chậu hoa chuối tây. Hắn sao lại không hiểu, tham vọng lớn nhất của cô chỉ là cùng hắn sống cuộc sống bình thường, mỗi ngày bên nhau chờ hoa nở. Đáng tiếc cô vĩnh viễn chẳng thể có được cái hạnh phúc của một cặp vợ chồng bình thường, sớm tối quấn quýt, đến độ nhìn đâu cũng thấy tật xấu của nhau.

Ngày hôm sau, Phương Đăng dậy thật muộn. Phó Kính Thù sáng sớm đã ra ngoài, lần này trở về hắn còn bận công việc. Họ đã hẹn tối nay cùng đến quảng trường náo nhiệt nhất ở trung tâm thành phố, cùng đợi chuông đồng hồ điểm báo Giao thừa.

Đến chập tối,Phương Đăng nhận được điện thoại, hắn hỏi cô có thể đến khách sạn đợi hắn một lúc

Phương Đăng còn biết làm sao. Phó Kinh Phù phái người tới đón, xe đã chờ sẵn sàng dưới nhà. Cô đi ra mới phát hiện tái xế là Phó Chí Thời.

Phó Chí Thời xuống xe mở cửa cho Phương Đăng, niềm nở cất giọng: Cháu chào cô. Đây không phải lần đầu tiên Phương Đăng nghe thấy cách xưng hô này, hiện giờ Phó Chí Thời lúc nào cũng gọi Phó Thất là “Chú Bảy” ngọt xớt. Theo lẽ thường, cô là “chị họ” của Phó Thất, Phó Chí Thời gọi cô băng “cô” chẳng có gì ngược với luân thường đạo lý, nhưng bỗng dưng được gọi như vậy đúng là khiến người ta có hơi muốn lộn mửa.

Mấy năm trước, Phó Kính Thù chuyển hướng đầu tư vào trong nước, thành lập chi nhánh công ty dược phẩm E.G tại đây, liền giao chức giám đốc điều hành cho Phó Chí Thời, Phương Đăng lúc ấy đã phải ngã ngửa. Cô không hiểu nổi, dù hắn có độ lượng không chấp kẻ tiểu nhân, sớm đã quên chuyện ân oán thuở bé, nhưng cũng đâu cần hai tay dâng cho Phó Chí Thời một công việc béo bở như vậy? Về sau, khi chứng kiến Phó Chí Thời bộ dạng vừa mừng rỡ vừa kinh ngạc, tỏ vẻ đội ơn, Phương Đăng mới hiểu ra, đây chính là minh chứng cho lời Phó Thất nói năm nào: Cách tốt nhất để báo thù những đứa từng bắt nạt mình không phải là đánh cho nó một trận thật đau, không phải là ăn miếng trả miếng, mà hãy kiên nhẫn chờ đến khi bản thân hùng mạnh vượt xa kẻ thù bắt nó cam tâm tình nguyện quỳ xuống liếm chân mình. Phó Chí Thời bây giờ chẳng khác nào con chó trước mặt Phó Thất.

Phương Đăng ngồi ghế sau, suốt đường đi Phó Chí Thời đã thử gợi chuyện hàn huyên, nhưng thấy cô tỏ vẻ chán ngán, liền biết điều im miệng. Phương Đăng tự thấy mình chẳng có “sở thích ác ôn” như Phó Thất, rõ ràng rất ghét một người, còn cố tình bắt người đó lượn qua lượn lại trước mặt mình để sai khiến. Nếu là cô, cô chỉ muốn tránh càng xa càng tốt. Phó Chí Thời chẳng rõ vô tình hay cố ý liếc nhìn cô qua gương chiếu hậu, bị phát hiện, liền nhanh như cắt lảng ánh nhìn đi chỗ khác. Ngược lại, Phương Đăng lạnh lùng công khai quan sát kẻ ngồi phía trước mà chẳng thèm kiêng nể gì.

Thời gian trôi đi, ai cũng thay đổi, Phó Chí Thời càng không ngoại lệ. Hắn béo lên khá nhiều, dáng người cao to, nếu bỏ nụ cười nịnh bợ giả tạo kia đi, nhìn tổng thể cũng ra tấm ra món. Nghe nói hiện nay công ty E.G phát triển rất mạnh, trong vài năm ngắn ngủi đã tạo được chỗ đứng trong thị trường quốc nội, thậm chí gần đây còn có tin đồn E.G chuẩn bị thu mua công ty dược phẩm nổi tiếng trong nước Cửu An Đường. Đoán chắc Phó Chí Thời trong mắt người khác cũng là nhân vật được yêu mến kính trọng, con đường hoạn lộ trải dài thênh thang.

Được biết hai năm trước Phó Chí Thời đã kết hôn với một cô nhân viên vốn là gái quê lên tỉnh. Cô gái kia rất coi trọng cái danh “bà Phó”, dĩ nhiên sẽ đội hắn lên đầu mà nịnh nọt, không dám trái ý nửa lời. Nói một cách khác, Phó Chí Thời bây giờ nhờ ơn mưa móc của “Chú Bảy” mà được sống đời thoải mái, dẫu thi thoảng phải khom lưng uốn gối trước vài người cũng có là gì, kể cả mấy người đó từng là thứ “Chuột cùng một tổ” mà hắn chẳng xem ra gì.

“Chú Bảy đối với cô đúng là hết ý. Chú bận đến thế này, vẫn sợ cô vì đợi chú mà bỏ bữa tối. Đấy, lại còn bắt cháu đến đón nữa chứ.” Phó Chí Thời chuyên tâm lái xe được một lúc, lại cố tìm cớ bắt chuyện.

Mấy lần trước Phương Đăng không nhận ra hắn có hứng nói chuyện đến thế, bèn im lặng đợi xem rốt cuộc hắn muốn nói gì.

Quả không ngoài dự tính, Phó Chí Thời cười hì hì, chuyển ngay chủ đề, cứ như nói chuyện phiếm trong nhà: “Chú bảy hơn cháu một tuổi, cũng đến lúc tìm một ngưởi ở bên chăm sóc rồi. Cách đây không lâu nghe bố mẹ cháu nói, bà ba bên Malai đã tỏ ý sốt ruột với chuyện chung thân đại sự của chú. Nhưng người tài mạo song toàn như chú, phải tìm một cô thật môn đăng hộ đối mới được. Cô ơi, tính ra cô là người thân nhất của chú, cô bảo cô gái thế nào mới xứng với chú đây?”

Phương Đăng lạnh lùng đáp: “Đó là chuyện riêng của anh ấy. Đừng nói là tôi, đến bố mẹ ruột anh ấy có sống lại cũng chưa chắc nhúng tay vào được, phận cháu như cậu việc gì phải lưu tâm.”

Phó Chí Thời chẳng để ý đến vẻ lạnh nhạt của Phương Đăng, lại nói tiếp: “Có chuyện này chẳng biết cô đã nghe nói chưa, lần này chú bảy không về một mình….”

“Anh định nhắc đến cô Tư Đồ?”

Phó Chí Thời có lẽ không ngờ rằng Phương Đăng biết chuyện từ trước, lại đủ bình tĩnh ngắt lời hắn. Điều này khiến hắn cảm thấy nan giải, dừng một lát, hắn vẫn quyết định nói tiếp.

“Nếu cô đã biết đến cô Tư Đồ, chắc cô cũng biết rõ Tư Đồ là con gái chủ tịch của Cửu An Đường. Cô ta đi theo chú bảy còn là chuyện ngày một ngày hai. Dĩ nhiên, ý cháu không nói chú bảy thích cô này cô kia là không được, nhưng đàn ông ấy mà, có những thứ tiện tay thì chơi đùa một tí cũng không có gì lạ, cô nói có đúng không?”

“Anh muốn nói gì.” Phương Đăng không muốn nghe hắn vòng vo thêm, càng không thể nhịn thêm cái bản mặt đắc ý kia, hắn tưởng đã khiến người ta hoang mang được bằng mấy lời rẻ rách ấy.

“Cô đúng là người thẳng thắn…”

“Đủ rồi, tôi không phải là cô cúng gì của anh cả, đừng có giở cái giọng ấy ra với tôi.”

Đến nước này, Phó Chí Thời chỉ còn cách lỳ mặt tiếp tục: “E.G luôn muốn thu mua lại Cửu An Đường, chuyện này đối với công ty phải nói là trăm đường lợi không có một đường hại, nếu chú bảy không đồng ý thì chỉ là…”

“Anh quan tâm đến lợi ích của công ty như thế, sao không mang những câu này ra trước mặt chú bảy của anh mà nói.”

“Chuyện này, chuyện này dù sao cũng liên quan đến việc riêng của chú, chúng cháu sinh sau đẻ muộn sao tiện chõ mồm vào. Cô thì khác, cô là người có tiếng nói nhất bên chú…”

Phương Đăng bật cười chế giễu, “Anh biết chú bảy của anh trước giờ làm việc có cách riêng của mình, nếu anh ấy nghe lời tôi, thì chuyện của E.G chắc gì đã đến lượt anh nhọc lòng. Đã như thế, việc anh ấy từ bỏ thu mua Cửu An Đường vì một cô Tư Đồ, ai mà can được?”

Phó Chí Thời bị bức vào thế bí một cách ngọt ngào, e rút lui không nổi, định nói lời xoa dịu, lại sợ Phương Đăng chẳng nể mặt, đành gượng cười không nói gì thêm.

Phương Đăng làm gì không nghe ra ý tứ bên trong của Phó Chí Thời. NẾu con rùa này không bị áp lực bức bách, còn lâu mới dám táo bạo thăm dò cô như vậy. Hắn cũng là người thông minh, có lẽ nghĩ rằng lòng đố kỵ bẩm sinh giữa phụ nữ với nhau sẽ khiến cô cảm thấy không vui vì sự tồn tại của Tư Đồ Quyết, bất kể cô là “chị họ” hay là gì của Phó Kính Thù đi nữa. Phải nói rằng, suýt chút nữa hắn đã thành công, mặc dù không thể khiến Phương Đăng ra mặt can thiệp vào công việc của Phó Thất, nhưng ít nhất đã khiến lòng cô bực bội rồi.

Đáng tiếc Phó Chí Thời không biết rằng, Phương Đăng chẳng quá quan tâm đến việc cô gái nào đang ở bên Phó Kính Thù. Chỉ cần bà Trịnh còn sống một ngày, chỉ cần hắn còn mang họ Phó, thì hắn không thể nào cưới cô làm vợ. Với cương vị người kế tục nhà họ Phó, sớm muộn hắn phải kết hôn sinh con, bất kể cô sợ hay không sợ, ngày ấy thể nào cũng đến. Nếu đã là như vậy, hắn ở bên ai thì có gì là quan trọng?

Phương Đăng càng hiểu rõ rằng, Phó Kính Thù là một người khá bảo thủ trong tình cảm, phụ nữ và những thứ thuộc về tình cảm không phải là điều hắn khát khao nhất. Với những điều cô hiểu về hắn, nếu có một ngày hắn thực sự bước vào cuộc sống hôn nhân với một người phụ nữ, thì hành động đó xuất phát từ lợi ích chứ không phải tình yêu.

Tư Đồ Quyết sẽ không phải là người phụ nữ đó. Nửa năm trước Phương Đăng từng gặp cô ta, và nghe A Chiếu nhắc đến một lần. Lúc ấy A Chiếu hỏi cô: “Chị, chị có thấy cô gái đó trông hơi giống chị không, phải cái đen hơn một tí.”

Kỳ thực Phương Đăng chẳng cảm thấy Tư Đồ Quyết và mình giống nhau. Từ nhỏ cô gái đó sống trong nhung lụa, tính tình thuần khiết chân thành, vốn không phải mẫu người của Phó Kính Thù. Phương Đăng chỉ lấy làm lạ tại sao ngay cả Phó Thất cũng nói, cô và cô gái ấy nhìn thoáng qua có nét hao hao? Chỉ vì thế mà thậm chí hắn đồng ý với người chị họ Phòng Nhì đưa tay giúp đỡ một kẻ chưa hề quen biết. Càng hoang đường là, khi Tư Đồ Quyết gặp khó khăn ở Mỹ, Phó Thất từng đề nghị nếu cô muốn kết thúc cuộc sống nhập cư bất hợp pháp, cô có thể lấy già Thôi hiện đã được hắn sắp xếp dưỡng già tại Los Angeles, vậy mà Tư Đồ cũng đồng ý. Một cô gái nếu không đến bước đường cùng, tuyệt đối sẽ không làm như vậy. Việc cô ấy ở lại bên Phó Kính Thù cũng tuyệt đối không phải theo cách mà Phó Chí Thời nói đến.

Phương Đăng vốn không quan tâm chuyện E.G và Cửu An Đường, cô càng chưa từng hỏi thăm đến công việc của Phó Kính Thù. Ngược lại Phó Kính Thù biết A Chiếu nhanh mồm nhanh miệng, hắn sợ cô nghe được lại nghĩ ngợi, nên chẳng biết vô tình hay cố ý chủ động nhắc đến vài chuyện về Tư Đồ Quyết trước mặt cô. Chính nhờ đó mà Phương Đăng mới biết, sau khi con trai nuôi của cha Tư Đồ mất đi, Tư Đồ Quyết rất hy vọng được tiếp quản Cửu An Đường, mong Phó Kính Thù trợ giúp mình đạt thành tâm nguyện. Phó Thất nhất thời chưa đưa ra quyết định, đúng lúc phía E.G lại muốn thu mua Cửu An Đường, chẳng trách Phó Chí Thời sốt ruột.

Đến khách sạn Phó Kính Thù chỉ định sẵn, Phương Đăng xuống xe, chẳng thèm để ý đến Phó Chí Thời nữa. A Chiếu đứng chờ sẵn trước cửa, vừa gặp mặt, nó liền cười tươi như hoa. A Chiếu trưởng thành rồi, bé chuồn chuồn ngày xưa giờ cứ như một người khác, dáng người thẳng băng như ngọn thương, nụ cười như mùa thu tỏa nắng. Từ khi còn ở cô nhi viện nó đã luôn đi theo Phương Đăng, ba năm Phương Đăng đến Malaysia, nó lăn lộn khắp nơi, làm việc bán thời gian kiếm sống qua ngày. Phương Đăng từng cậy nhờ Phó Kính Thù, rằng cô có thể không ở bên hắn, nhưng nếu được, mong hắn để A Chiếu ở bên mình. A Chiếu tính tình hiếu động giản đơn, sơ sểnh một cái là gây rắc rối, nhưng bản tính nó lương thiện, lại rất nghe lời Phương Đăng và Phó Kính Thù. Có Phó Kính Thù ở bên, nó ít nhiều sẽ học được vài thứ, mà Phó Kính Thù cũng có thêm một người có thể tin cậy.

Cứ thế, A Chiếu làm việc cho Phó Kính Thù đã mấy năm nay. Nó coi Phó Kính Thù và Phương Đăng như anh chị ruột, hễ là việc hai người đã sắp xếp, nó chắc chắn sẽ làm theo. Có điều anh khác mà chị khác, so với tính cách phóng khoáng của Phương Đăng, Phó Kính Thù tâm tư sâu xa, vui buồn không lộ ra mặt, A Chiếu vừa kính trọng đồng thời cũng hơi kiêng sợ. Do đó sâu thẳm trong lòng, nó vẫn thích ở bên bà chị Phương Đăng cho thoải mái. Thường ngày hễ anh Bảy không giao việc gì, nó liền chuồn về thăm Phương Đăng, có rất nhiều việc liên quan đến Phó Kính Thù là do A Chiếu nói cho Phương Đăng biết. Phó Kính Thù biết thế nhưng cứ mắt nhắm mắt mở cho qua, có lẽ hắn cũng muốn những khi mình không thể phân thân để tới bên Phương Đăng, thì A Chiếu sẽ trở thành cầu nối giữa hai người.

“Chị, chưa ăn cơm đúng không? Anh Bảy bảo chị cứ ở nhà một mình là ăn uống chẳng có giờ có giấc chi hết. Anh bảo công việc chốc lát nữa là xong, chị cứ vừa ăn vừa đợi, nhanh thôi.”

“Giờ này rồi còn công việc gì nữa?” Phương Đăng thuận miệng hỏi.

A Chiếu đáp: “Nghe nói anh Bảy muốn mua một miếng đất, người quản lý đất hẹn đến đây bàn bạc, có vẻ anh Bảy xem trọng vụ này lắm.”

“Mọi chuyện ổn thỏa cả chứ?” Phương Đăng nghe nói Phó Thất rất coi trọng việc này, liền hỏi thêm một câu.

A Chiếu nhún vai, “Thấy bảo có đối thủ cạnh tranh, cũng là tay sừng sỏ, nên trước lúc đấu giá người quản lý mới hẹn phụ trách của hai bên ra. Em nghĩ anh Bảy mà đã đích thân ra tay thì gạo phải xay ra cám hết.”

“Cậu đấy, chị đã bảo cậu thường ngày cố mà đi theo học hỏi…”

Hai người vừa đi vừa khẽ giọng nói chuyện, tới trước cửa một phòng tiệc, vừa đúng lúc cánh cửa bật mở từ bên trong, một người phụ nữ hơn ba mươi tuổi xăm xăm bước ra, phía sau là hai tùy tùng mặc vest đi giày da.

Người tiếp theo xuất hiện là Phó Kính Thù.

“Nếu sếp Hướng có việc bận, hôm khác chúng ta gặp lại vậy.” Hắn ung dung khom người tiễn khách.

Phương Đăng dừng chân nhìn theo, người phụ nữ được Phó Thất gọi là “sếp Hướng” dáng người mảnh khảnh, mái tóc dài búi đơn giản đằng sau đầu, tác phong nhanh nhẹn dứt khoát, trông rất ra dáng phụ nữ thành đạt, chưa phải là đẹp, nhưng gương mặt trái xoan, cười lên cũng có nét duyên dáng. Có điều nụ cười của cô ta lúc này hơi gượng gạo, lại đầy ẩn ý.

“Dĩ nhiên rồi, ông Phó đây đã có lòng, sau này có cơ hội nhất định phải gặp nhau, để tôi tỏ rõ tấm lòng mến khách chứ.”

Phó Kính Thù cười mỉm, dáng vẻ khiêm cung, “Xin kính chờ dịp ấy.”

Người phụ nữ kia gật gật đầu, đi ra với vẻ gấp gáp, khi bước qua Phương Đăng, bỗng quay sang nhìn một cái.

“Em đến rồi à.” Phó Kính Thù nhìn Phương Đăng, gương mặt hắn giãn ra, “Cơm trưa em vẫn chưa ăn, anh nói có sai không? Phải đưa em đến bắt ăn bằng được mới xong. Em sang phòng bên đợi anh một lát, đồ ăn anh gọi cả rồi, có chuyện gì bảo A Chiếu gọi anh.”

Phương Đăng hỏi: “Vẫn chưa bàn xong ư?”

“Làm sao được, ông chủ tịch Cục Tài nguyên Quốc gia còn chưa đến.”

“Vậy người vừa đi là… người đang ganh đua mua miếng đất đó với anh?”

“Ừm.”

Phương Đăng không kiềm được cảm giác khó hiểu, “Nếu thế sao bây giờ cô ta đã bỏ đi rồi?” Nói đến đây, trong lòng cô lại ngộ ra mấy phần, “Anh đã làm gì?”

Phó Kính Thù cười nói: “Không có gì, anh chỉ tốt bụng nhắc nhở cô ấy, rằng người nhà hiện đang điều trị phục hồi chức năng trong bệnh viện của cô ta biết đâu sức khỏe lại gặp trục trặc bất ngờ.”

“Chẳng trách.” Phương Đăng hiểu rõ mọi chuyện. Nhớ lại ánh mắt của người phụ nữ đó, bỗng nhiên cô cảm thấy gai cả sống lưng. Phương Đăng thoáng chút lo âu, “Có nhất thiết phải giành bằng được miếng đất ấy không?”

“Hướng Viễn là một nhân vật ghê gớm, đi với bụt mặc cà sa, đi với ma phải mặc áo giấy. Anh từng nói rồi, đánh rắn phải đánh dập đầu.” Khi nói những lời này, Phó Kính Thù vẫn giữ nguyên vẻ mặt ôn hòa, giọng điệu không nhanh cũng không chậm, nhẹ nhàng tự nhiên như thể đang nói chuyện về hoa chuối tây với cô tối qua.

Phương Đăng cảm thấy khang khác trong lòng, chưa nghĩ ra nên nói gì, bỗng có người từ cửa khách sạn bước vào, đứng bên thì thầm vào tai Phó Kính Thù mấy câu. Phó Kính Thù nghe xong, lặng lẽ gật đầu.

Nếu sự xuất hiện của Phó Chí Thời chỉ khiến Phương Đăng cảm thấy buồn nôn, thì cái kẻ đứng bên Phó Kính Thù lúc này hoàn
ĐẾN TRANG
Thông Tin
Lượt Xem : 7571
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN