--> Ở Nơi Nào Có Cây Dẻ Gai - game1s.com

Ở Nơi Nào Có Cây Dẻ Gai

h.” Di sờ lên cổ, vẻ mặt khó chịu.

“Cô không muốn quàng để rộng chỗ còn gãi chứ gì? Cô nghĩ sao nếu cô có bốn, năm cái sẹo như con sâu róm trên cổ?” Anh ta nhìn chằm chằm vào bàn tay Di. Bị bắt quả tang, Di vội vàng bỏ tay xuống.

“Tôi bị như thế này là do ai?” Cô cáu kỉnh.

“Chính vì thế tôi cần phải đảm bảo là cô sẽ nhanh khỏi.” Anh ta quấn cái khăn lên cổ cô. Quấn xong, anh ta nhìn nó với vẻ hả hê, phủi phủi hai bàn tay vào nhau rồi ngồi xuống như kiểu anh nông dân vừa cột được cổ con bò vào gốc cây, Di bực bội nghĩ.

Đúng lúc ấy có tiếng bước chân lên cầu thang. Anh ta quay lại, vẻ mặt hồ hởi: “Chắc là mọi người lên thăm cô đấy.”

Thằng Phương, Thu và Vinh dẫn theo Thy lục tục bước vào phòng. Chưa kịp để Di nói câu nào, cũng chẳng có vẻ gì là thương cảm, cả bọn nhìn Di, phá lên cười. Anh chàng hàng xóm có vẻ bất ngờ. Di với cái lược ở bên cạnh, ném về phía đám bạn.

“Cười cái gì mà cười!”

“Mày có biết là cái khăn màu xanh rất hợp với cái đống nốt đỏ kia không?” Thu không nín được cười.

“Nhìn chị tếu không chịu được”, thằng Vinh tiếp lời.

“Mặc dù vẫn rất xinh.” Thy ngồi xuống bên cạnh cô, nói để xoa dịu.

Di gườm gườm nhìn cả bọn, anh chàng hàng xóm cũng đang cười hưởng ứng. Cô bực bội định kéo cái khăn xuống thì anh ta đổi mặt lạnh ngay, giả vờ nạt nộ mọi người: “Bây giờ ấm là quan trọng, xấu đẹp thì kể gì” rồi lại quay về phía Di, nhìn cô với vẻ cương quyết: “Cô có thể đeo kính hoặc bịt mặt, chứ không thể tháo cái khăn đó ra đâu nhé!”

Chỉ đợi có vậy, thằng Phương lấy ngay cái kính đen của nó đeo lên mắt Di và cả bọn lại phá lên cười.

“Anh Vũ có bận gì thì tí nữa cứ đi đi, ở đây có bọn em rồi.” Thy vừa giúp Vũ dọn cơm vừa nói.

“Phiền ông quá rồi.” Thằng Phương một tay cầm bát cơm, một tay cầm cái thìa, mắt thì liếc mấy

đĩa thức ăn, nói như có vẻ chân thành lắm.

Vũ đặt nồi canh xuống bàn, bàn tay chạm nhẹ vào túi quần rồi lắc đầu cười: “Tôi chả bận gì cả, với lại tôi là người gây ra hậu quả kia (anh ta nói mà không nhìn Di), bao giờ Di khỏi thì tôi tính tiếp.”

“Anh không đi làm à? Bọn tôi có thể thay phiên nhau lên trong cái hậu quả kia được mà.” Thu kéo đĩa thịt kho thằng Vinh và thằng Phương đang chuẩn bị tấn công về phía mình.

“Tôi nghỉ việc rồi”, anh ta điềm nhiên nói.

“Sao thế?” Mọi người “Ồ” lên.

Anh ta mỉm cười trấn an mọi người: “Không có gì đâu, lâu lâu muốn đổi chỗ làm để thay đổi không khí ấy mà.” Nói rồi, anh ta đi vào bếp, đút tay vào túi quần.

Lúc cái vé tàu rơi ra khỏi túi khi anh ta đỡ Di nằm xuống và đưa cho cô bịch khăn giấy mới mua thì chuyến tàu đã khởi hành được ba mươi phút. Di để cái vé bên cạnh chỗ cô nằm, dưới chân bàn phấn nhưng có lẽ anh ta không nhìn thấy.

Di cố nhoài người tới chỗ mâm cơm, gạt đám bạn ra, chen vào giữa, định với lấy cái bát nhưng không được. Anh chàng hàng xóm đã quay lại với bát cháo trên tay.

“Tôi không ăn cháo nữa đâu, tôi muốn ăn bánh mì, nếu không có thì cơm cũng được.” Di nói, mặt lạnh tanh, cô đã giành được cái thìa của thằng Phương, đang cầm lăm lăm trên tay.

“Cô đang ốm, ăn cháo mới tốt.” Anh ta đặt cái bát xuống bàn nhưng đó không phải là cháo. “Xúp cua, tốt cho xương nhưng mà đến tối lại phải ăn cháo đấy nhé!”

Thằng Phương và thằng Vinh nheo nheo mắt nhìn bát xúp cua, vẻ gian tà thấy rõ. Di gõ cái thìa vào đầu hai đứa rồi ôm bát xúp cua của mình, miệng lí nhí: “Cảm ơn.”

Anh chàng hàng xóm khẽ mỉm cười, đặt một cốc nước nhỏ bên cạnh cái bát cho Di. Thằng Phương và thằng Vinh chuyển sang nhìn anh ta chằm chằm. Anh ta bối rối thấy rõ. “Tối nay Di cũng ăn cháo cua, tôi sẽ mua thêm một con nữa nấu xúp cho mọi người.” Hai thằng đập tay với nhau vẻ chiến thắng trong lúc hai đứa con gái thì reo lên cổ vũ. Không biết là cả bọn tới để thăm Di hay tới để mè nheo Vũ nữa.

Tối hôm đó và những ngày sau đó, hôm nào mọi người cũng tới ăn cơm tối với Di. Có lẽ vì Vũ phải nấu ăn liên tục trong bếp và vì đông người mà Di thấy căn phòng của cô thật ấm áp. Mọi người ngồi quây lại với nhau, vừa ăn vừa chuyện phiếm rôm rả. Không khí này đột nhiên làm Di nghĩ tới mùa đông ba năm trước đó. Cô nhìn xuống cái điện thoại đặt bên dưới cổ chân băng trắng của mình. Đã hơn một tuần rồi, số lạ không gọi tới nữa.

Thu cầm điện thoại của Di, cho vào ngăn kéo, đóng sầm lại. Nó đưa cho cô cốc nước, nói: “Mày còn cần uống nhiều thuốc lắm”, rồi quay về phía anh hàng xóm đang hút thuốc ngoài ban công với đám con trai. “Nhanh lên còn vào xem phim, hôm nay xin phép cho hậu quả được ăn một miếng pizza, Vũ nhé!”

“Lại ăn nữa à, mà sao lại xem phim, không xuống quán? Tám giờ hơn rồi.” Di ngạc nhiên nhìn Thu.

Thằng Phương nhả khói, dập điếu thuốc rồi ném vào thùng rác. “Lạnh lắm. Đóng cửa một hôm.”

Thu đưa cho Di một cái đĩa phim kinh dị rồi thì thầm: “Với lại hôm nay thứ Tư, không có ca sĩ, ông chủ chê quán buồn.” Từ ngày Kimora nghỉ đến giờ chắc thằng Phương chưa tìm được người thay thế. Tối thứ Tư là tối của Kimora, chỉ có mình cô hát. Di và Thu ngồi dựa vào nhau, cùng nhìn ra ngoài ban công. Không có ánh đèn của biển hiệu và hàng hiên dưới nhà hắt lên trên nữa. Tối thứ Tư lúc nào cũng thưa vắng khách. Kimora tới chỉ để hát ba bài. Cả đám thường ngồi túm tụm trên sofa, hướng lên sân khấu xem cô biểu diễn. Đôi lúc thằng Phương cũng hát và đệm đàn cho cô. Kimora hát những bài tùy thích, không phải do quán chọn trước, thỉnh thoảng là bài mà khách đề nghị, cũng có khi là bài cô chợt nhớ ra, hát chẳng có nhạc đệm. Di có cảm giác những buổi tối thứ Tư đó là ngày Kimora hát chỉ để cho cô và mấy người bạn nghe mà thôi. Có lần Kimora nhớ ra một bài dân ca Philippines rất hay mà Di chẳng hiểu lời, bài hát về một cô bé vì ham chơi mà đi lạc mẹ. Cô hát đi hát lại hai lần và chỉ có bài đó là cô hát mà không có lần nào nhìn về phía thằng Phương.

Người ta đưa pizza tới. Đám con trai bước vào nhà. Thằng Vinh cho đĩa vào đầu máy rồi lật đật chạy đi tắt đèn. Anh chàng hàng xóm giúp Thu đỡ di ngồi dựa lưng vào bàn phấn. Cả bọn dàn hàng ngang. Di sợ nhất là phim ma nhưng lúc nào cũng háo hức muốn xem. Hôm nay chắc để chiều Di nên cả bọn mới mang cái đĩa phim này tới chứ thằng Phương thường vừa xem vừa ngáp vặt, mặc kệ Di đang run như cầy sấy bên cạnh. Thu thì lúc nào cũng đòi tua đến đoạn có ma vì đoạn mở đầu thường quá dài dòng. Chỉ có thằng Vinh là đồng minh của Di. Nó và Di xem từ đầu đến cuối, chăm chú, hồi hộp nhưng thường cũng chỉ có Di tỏ ra sợ hãi. Anh hàng xóm bỏ cái gối dựa lưng của mình xuống để Di kê cái chân đau. Anh ta chăm chú nhìn lên màn hình, gương mặt cũng có vẻ thích thú.

Bộ phim hôm nay khác với thường lệ, từ phân cảnh đầu tiên không khí rùng rợn đã bao trùm. Đó là hình ảnh hành lang của một nhà xác lúc nửa đêm, dài và sâu hun hút. Ánh trăng từ cửa sổ nhỏ xíu trên trần nhà hắt vào, trắng nhợt nhạt. Bỗng một trong những cái ngăn chứa thi hài người chết bật mở. Tiếng nhạc ma mị, réo rắt như tiếng gió. Di thở gấp, nhìn sang bên cạnh, Thu cũng đang có vẻ bị thu hút vào bộ phim. Di luồn cánh tay đang để trên đầu gối vào trong chăn.

Người bảo vệ ở nhà xác là một người đàn ông đã lớn tuổi. Ông ta đang cắm cúi sửa cái gì đó trong căn phòng của mình, cái bóng đèn vàng lắc lư ngay trên đầu. Chụp đèn làm cho ánh sáng chỉ tập trung đúng chỗ ông ta đứng, còn bốn bề tối đen. Tiếng lịch kịch vang lên trong gió, chậm nhưng liên tục. Ông gác già bỏ kính và dụng cụ xuống bàn rồi bước về phía hành lang. Di nín thở, bắt đầu bịt mắt, nhìn he hé qua kẽ tay.

“Trèo cây ngã rạn xương không sợ lại sợ cái này à? Bỏ tay xuống xem nào, thế này thì còn gọi gì là xem phim nữa.” Thằng Phương quay ra kéo tay Di xuống. Cả bọn cười rúc rích, đúng lúc ông gác già bước vào hành lang. Một ngăn chứa xác người đã bật hẳn ra. Trên đó là một cô gái với làn da trắng xanh, mái tóc lạnh cứng ép vào mặt, hai mắt mở trừng trừng. Người ta quay sát mặt cô gái đó. Vì không để ý nên vừa lúc quay lại đã nhìn thấy cảnh đó, ai cũng giật mình, kể cả thằng Phương. Cả bọn bỗng im phăng phắc nhìn lên màn hình. Anh hàng xóm nhích lên một chút để nhìn rõ hơn, để lại một khoảng trống sau lưng, hơi lạnh lùa vào làm Di sợ hãi. Cô kéo anh ta về chỗ cũ. Người gác già lúc này đã tiến tới chỗ cô gái nhưng ông không làm thế nào để vuốt cho mắt cô gái nhắm lại được. Ông đẩy cái ngăn đựng xác vào chỗ của nó, khóa lại rồi đi về phòng. Những bước chân lộp cộp trên hành lang xa dần.

Tiếng nhạc phim bỗng dưng tắt hẳn. Ông gác già vừa trở lại phòng mình thì âm thanh lịch kịch như tiếng người cựa quậy trong khoang kín lại vang lên. Cả bọn dường như nín thở. Di đưa tay lên bịt kín mắt. Anh chàng hàng xóm vỗ nhẹ tay lên chăn của cô, không biết là để trấn an hay kêu cô yên lặng cho anh ta xem nữa.

“Phim này được đấy”, thằng Phương lên tiếng.

Thu “Xùy xùy” ra hiệu cho nó giữ trật tự. Cảnh quay lại sát mặt cô gái nằm trong ngăn đựng xác. Cô ta mở bừng mắt. Di hét lên, Thu cũng hưởng ứng. Thằng Phương không cười nữa, vỗ vai hai đứa con gái trấn an.

“Công nhận nhạc phim hay quá, tự dưng làm mình thấy ghê hơn bình thường.” Thằng Vinh rời khỏi vị trí.

“Này, đi đâu đấy?” Thu cũng có vẻ đã sợ.

“Em đi lấy pizza chia cho mọi người, nguội ngắt rồi đây này.” Vinh mở hộp pizza, lấy ra một miếng nhưng ai cũng lắc đầu.

“Nhìn như thế rồi còn ăn sao được nữa…” Di chưa kịp nói hết câu thì trên màn hình, bộ phim đã chuyển cảnh, một bóng đen không nhìn rõ mặt, chỉ thấy mái tóc dài rủ xuống tận ngực, có vẻ là một cô gái hiện ra. Bóng đen đứng cúi đầu trước cửa ngôi nhà cuối hành lang rồi ngẩng phắt đầu dậy, hình ảnh phim giật giật. Di hoảng quá vơ vội cổ tay của anh hàng xóm bên cạnh, nắm chặt. Anh ta bị bất ngờ, mặt nhăn lại vì đau. Thu thì ôm chầm lấy Di vì chỗ bên cạnh cô đang trống. Thằng Vinh hấp tấp cầm miếng pizza cẳn dở vội quay lại chỗ ngồi.

Bóng đen giơ cánh tay lên như chuẩn bị gõ cửa. Tiếng thở của cả bọn dồn dập trong không gian vắng lặng. Không hiểu sao lúc đó tiếng gõ cửa lại vang lên chân thật như vậy. Phim đã chuyển sang cảnh cái cầu thang dẫn lên ngôi nhà rồi mà tiếng gõ cửa lộc cộc vẫn đều đặn vang bên tai. Mọi người chợt nhận ra đó là tiếng gõ phát ra từ chính cánh cửa nhà Di…

Di nhìn lại mọi người, tất cả đều ở đây, trong vô thức, bàn tay cô siết chặt cổ tay anh hàng xóm. Anh ta dùng bàn tay còn lại vỗ nhẹ tay cô như trấn an rồi bấm nút tắt màn hình.

“Chắc ai đến tìm Di đấy.”

“Làm gì có ai đến giờ này mà không gọi điện”, Thu nói, giọng e ngại.

“Để tôi ra mở, các bà cứ như trẻ con ấy.” Thằng Phương phủi phủi vụn pizza trên chăn rồi đứng dậy nhưng Vinh nắm lấy ống quần nó. “Từ lúc em ra lấy pizza đâu có chốt cửa. Vào đi”, Vinh nói.

Cánh cửa bật mở nhẹ nhàng nhưng cơn gió lớn bất ngờ thổi tới nên nó đập mạnh vào tường. Trước cửa phòng Di, trong bóng tối của cầu thang gỗ là một cô gái không nhìn rõ mặt, tóc dài, dáng người mảnh khảnh. Thu ôm chặt lấy Di, hai đứa hét lên ầm ĩ. Thằng Vinh lộ bản chất nhát ma, ra sức kéo ống quần của thằng Phương, nó đang đứng sững người bên cạnh. Cô gái bị bất ngờ, vừa luống cuống bước vào nhà vừa nhìn lại phía sau đầy vẻ sợ hãi. Vũ sững người nhìn cô ta. Cô gái đó thật gầy, mái tóc dài thả tự nhiên, đôi mắt nữa, to và đen láy đầy biểu cảm, đôi mắt mà chắc chắn nếu người ta nhìn kĩ một lần sẽ khó quên. Có lẽ thời gian đã làm cho mái tóc của cô dài hơn một chút nhưng gương mặt thì vẫn hệt như lúc cô chụp tấm ảnh trong tờ thông báo tìm người của Vũ. Sau một vài giây tự trấn tĩnh, Vũ đứng dậy nhưng gương mặt anh vẫn đầy thảng thốt. Bàn tay Di theo quán tính trượt khỏi cổ tay anh.

Vũ đưa cô ta về sau khi Di mời khách một cốc trà nóng. Lúc ở đây, cô gái đó chỉ làm có hai việc là liếc nhìn Vũ và cười nhẹ nhàng với mọi người. Chẳng ai nói câu nào. Cô gái hơi run rẩy vì lạnh, cái áo khoác dạ màu xanh tím than cô mặc khá mỏng manh. Cô hít hà hơi nóng của trà với vẻ tự nhiên. Vũ ngồi ngay bên cạnh cô gái và đối diện với Di, suốt thời gian uống trà anh không nhìn cô ta, chỉ có một giây anh liếc nhìn những ngón tay mảnh mai của cô ta ôm lấy cốc trà mà thôi. Di bảo Vũ cầm cái áo khoác của cô cho bạn anh choàng trên đường. Lúc đưa cái áo cho Vũ, Di mới để ý thấy cổ tay anh đã hằn những vết đỏ của ngón tay cô. Mọi người giữ yên lặng cho đến khi bước chân của hai người đó, người trước, người sau biến mất trên những bậc cầu thang gỗ. Cô gái đó có lẽ đã thấm lạnh rồi, sẽ tốt hơn nếu cô ấy đủ thời gian để uống hết cốc trà vẫn đang bốc khói kia.

“Tối nay tao ngủ lại đây”, Thu nói với Di.

Thằng Phương mang cái bếp nướng điện ra cắm rồi quẳng mấy miếng pizza lạnh ngắt lên trên.

“Trong tủ còn thịt nướng đấy”, thằng Vinh gợi ý.

“Vứt đi thôi, chị để trong ấy mấy tuần rồi.” Di xua tay, lắc đầu.

“Thịt của tiệc nướng tối nay cơ.” Thu mở tủ lạnh, lấy ra một đĩa những thứ đồ nướng thơm ngon, đặt xuống bên cạnh thằng Phương. Thấy Di có vẻ ngạc nhiên, nó nói thêm: “Cái này là nhờ ông Vũ làm, tối nay liên hoan chúc mừng chân mày đã khỏi.” Di gật đầu.

“Ai đấy?” Thằng Phương đột nhiên hất đầu ra cửa hỏi trống không trong lúc rót trà nóng cho cả bọn.

“Bạn gái.” Di uống trà.

“Làm sao chia tay?” Nó hỏi tiếp.

“Lạc nhau”, Di trả lời.

Thì làm gì có lý do nào khác nữa cho chuyện chia tay. Tình yêu của hai người xét cho cùng cũng chỉ là hai bàn tay nắm chặt lấy nhau. Chỉ cần một người buông là lạc mất. Di nghe tiếng nói của mình vừa nhè nhẹ thoát ra khỏi cổ họng đã như tan biến ngay vào không trung lạnh giá.

Thu lật trở những xiên thịt trên bếp, nói bâng quơ: “Thế thì chắc chẳng về nữa đâu.”

Thằng Phương và Vinh ở lại thêm một lúc rồi ra về. Phương có hẹn với thằng bé của nó và tiện đường đưa thằng Vinh về luôn. Thu nằm dài bên cạnh Di, hai đứa vẫn để một cái bóng đèn vì chẳng dám tắt hết. Di chui vào chăn, kê gối nằm.

“Làm sao mà lạc nhau vậy, mày có biết không?” Thu thì thầm.

Di kéo chăn lên đến cổ: “Vũ đi du học, cô gái đó ở nhà có bầu rồi bỏ đi mất.”

“Vậy là Vũ có một đứa con à?” Thu nhổm dậy, tròn mắt.

Di nhìn trân trân lên trần nhà, lắc đầu. Thu thở dài rồi lại nằm xuống, đút tay vào chăn.

“Một đứa con rồi, còn trẻ như thế, lại đẹp nữa.”

“Có con là hết đẹp sao mày? Vẫn đẹp mà.”

“Giờ ông Vũ tính sao?”

“Ai biết.”

“Vũ còn yêu không?”

“Yêu hay không thì có quan trọng gì.”

Nghe Di nói xong, Thu cười khúc khích. Phải rồi, đáng lẽ câu đó phải là câu nó nói mới đúng.

Hai đứa cứ câu trước câu sau nối tiếp nhau trong không gian im ắng như vậy, một câu chuyện nói mãi vẫn không đầu không cuối. Được một lát thì nó ngủ mất, bỏ lại mình Di nằm một mình nhìn về phía cửa, phía ban công nhà Vũ. Trời càng về đêm càng lạnh, cái khăn quàng cổ Vũ để quên treo trên tay nắm cửa ra ban công như sắp rơi xuống đất. Nếu ngày mai Vũ ốm, ai sẽ là người nấu cho anh ta ăn, cõng anh ta đi bệnh viện? Nếu Di có đủ quyết tâm để mua sẵn một cái vé tàu thì có lẽ Di sẽ rời nơi này đi ngay, không ngại ngần gì. Mùa đông ở đây lạnh quá nhưng Di, Di còn có những đứa bạn này. Di quay sang chỗ Thu đang say ngủ, kéo cái chăn cho nó rồi cứ thế nằm lơ mơ một mình nhìn ra cửa sổ. Đến lúc đêm gần tàn thì đèn ban công nhà đối diện bật sáng. Di thiếp đi.

Mùi bánh mì nóng thơm lừng đánh thức Di dậy. Với Di, có lẽ không có mùi vị nào ấm và ngon lành hơn mùi của vỏ bánh mì đượm lửa giòn tan vào sáng sớm. Di nhớ những buổi sáng mùa đông lúc nhỏ, cô thường vừa ngái ngủ vừa tha thẩn đi men theo đường ray tàu hỏa để tới cái lò bánh mì thủ công gần nhà. Mỗi lần được mẹ sai đi mua bánh về ăn sáng là mỗi lần cô muộn học. Di có thể đứng mê mải cả tiếng đồng hồ ngắm chú thợ, gương mặt đẫm mồ hôi, luôn tay dùng một thanh gỗ dài lấy bánh trong lò ra, từng chiếc, từng chiếc một nối đuôi nhau vàng rộm, phồng căng và thơm phức. Di ủ những ổ bánh nóng giòn bọc trong giấy báo vào bụng, hớt hải chạy về nhà, mồ hôi mướt mải, vừa cười vừa chìa bánh cho mẹ. Cả nhà ăn bánh mì với ruốc sợi bông hay món pa tê mẹ hấp đang sôi ùng ục trên bếp than ở giữa sân. Với Di, đó là những khoảnh khắc mùa đông ấm áp nhất trong cuộc đời. Hương vị của bánh mì nóng luôn làm cho dạ dày cô xao xuyến. Nó nhắc nhở Di về bữa sáng yên bình với những người thân và giờ đây là về sự hiện diện của một người xa lạ.

“Nếu cô ăn sáng nhanh, có thể vẫn kịp theo tôi và mọi người đi chợ hoa đấy”, người xa lạ lên tiếng.

Di tung chăn bật dậy sung sướng, tay xoa xoa cổ chân: “Hôm nay tôi được ra đường rồi à?”

Vũ gật đầu, kéo bàn ăn thấp ra giữa nhà.

“Không cần đâu, chân tôi đỡ rồi”, Di ái ngại nói.

“Tôi đã nói là đến khi nào hậu quả tôi gây ra hết hẳn. Mấy cái nốt đỏ của cô cũng sắp lặn hết rồi. Tôi không sốt ruột lắm đâu.”

Di sờ tay lên mặt mình, những vết sưng đỏ trên mặt giờ chỉ còn là những vệt mờ mờ.

“Cô ngồi xuống nhé, tôi phải chạy về bên nhà một chút!” Anh ta đặt đĩa trứng ốp lết lên bàn.

“Thu đâu rồi anh… Vũ?” Di ngập ngừng gọi tên anh ta rồi bẻ nhanh một miếng bánh mì.

“Thu ăn trước rồi, đang kiểm tra sổ sách dưới quán.” Anh ta nói rồi đi ra cửa, tay cầm theo một cái phong bì, trước khi bước xuống cầu thang, anh ta còn quay lại nói với Di thật tự nhiên: “Một lát tôi về.” Di cười với anh ta rồi vui vẻ quay lại với bữa sáng của mình. Nụ cười đã lâu Di không gặp làm ngượng nghịu đôi môi cô nhưng lại khiến cô thấy vô cùng dễ chịu.

Đang ăn dở thì Di bỗng thấy khát. Định vịn bàn đứng dậy rót nước uống thì tiếng ầm ĩ và tiếng người to tiếng từ dưới quán vọng lên làm Di chú ý. Nghĩ đến Thu, Di vội vàng bước về phía cửa, vịn cầu thang đi xuống dưới. Càng bước xuống gần tới nơi, tiếng người quát tháo càng lớn, xen giữa một giọng đàn ông và những tiếng đạp cửa, đá chân là tiếng một cô gái nói gì đó Di nghe không rõ. Di không thể bước nhanh hơn được nữa, tim cô đập hối hả trong lồng ngực.

Lúc Di xuống tới nơi thì người đàn ông hung dữ với bộ râu quai nón che gần hết gương mặt vẫn đang đá chân vào cái cột quán với vẻ tức giận, trông ông ta có vẻ nhếch nhác và hình như đang say.

“Mày ra đây, ra ngay, đừng tưởng trốn tao được nhé!” Lão ta rít lên, gương mặt đỏ tía. Cửa quán không đóng kín. Di cố nhấc cái cổ chân ê buốt tiến lại gần. Đứng chắn ngay giữa cửa là… Kimora. Kimora với mái tóc ngắn cũn cỡn, chải ngược về phía sau. Cô mặc jacket da và quần jean thụng, đi giày thể thao. Cô đứng chống tay vào tường, chắn ngang một bên cánh cửa đang mở.

“Thu!” Lão ta rít lên. “Mày trốn ở đâu tao cũng tìm ra thôi. Đừng tưởng không về nhà là thoát được tao. Mày đã không phải nuôi mẹ mày rồi thì mày phải nuôi tao. Tao đẻ ra mày!”

“Ông cút đi!” Tiếng Thu ở trong quán vọng ra gay gắt.

Lão ta sấn sổ chạy tới chỗ cửa: “Tránh ra, tránh ra ngay!” và giằng co với Kimora.

Kimora vất vả ẩy lão ra, gương mặt ửng lên vì tức giận: “Ông không được vào, tôi báo công an đấy.”

“Mày báo thử xem, tao chả có tội gì cả, tao đến gặp con gái tao, đứa con gái mất dạy của tao thôi!” Lão cười hà hà, phà hơi rượu vào mặt cô.

Di bấm điện thoại gọi cho Phương, sốt ruột theo từng nhịp chuông chậm chạp: “Mày đến ngay, có chuyện gấp.”

Di vội vàng cúp máy trong lúc lão ta nhặt một hòn đá, ném vào trong quán, ngay sau đó là tiếng đổ vỡ loảng xoảng.

Chương 19

Thu hét lên, lao ra phía cửa: “Ông cút ngay, tôi làm gì có bố, làm gì có trách nhiệm với ai, từ giờ một xu ông cũng đừng mong lấy!”

Lão ta nghe thấy câu đó liền gầm lên giận dữ, đôi mặt dài và to mà lão cho Thu từ lúc nó chào đời giờ ngự trên mặt lão lờ đờ, mệt mỏi nhưng ngầu đỏ và long sòng sọc.

Thấy vậy, Di quát lớn: “Ông làm cái trò gì đấy hả?” Di lê đôi chân tập tễnh tới gần. “Đây là quán của tôi, không được phép của tôi, ông không được vào!”

“Tao chẳng cần phép của ai hết, tao phải dạy cho nó một bài học!” Lão nói rồi dùng hết sức bình sinh quẳng Kimora sang một bên. Kimora ngã sóng soài dưới chân Di. Lão nhào vào quán, túm tóc Thu lôi xềnh xệch. Di đỡ Kimora đứng dậy, cả hai vội vàng chạy vào. Trong quán, lão già đã kéo Thu đến gần chỗ sofa. Thu nắm lấy hai bàn tay lão, cố gắng gỡ chúng ra khỏi tóc mình. Lão ghì đầu nó xuống thấp, ra sức thụi đầu gối vào bụng nó. Thu vẫn không bỏ hai tay trên đầu mình ra, nó bấu chặt những ngón tay gầy guộc vào bàn tay to lớn của lão ta trong lúc những cú đá làm cho cơ thể nó tung lên từng hồi. Di và Kimora lao tới, cố tách lão ra khỏi Thu. Trong men rượu và cơn tức giận, lão mạnh hơn Di nghĩ nhiều. Chỉ bằng một cánh tay lão đã có thể gạt Di sang một bên. Cổ chân còn yếu không đủ khả năng giúp cô giữ thăng bằng. Gỡ được tay lão ra, Di cũng ngã dúi vào đống bàn ghế sau lưng. Kimora tranh thủ đẩy Thu ra phía sau, dang hai cánh tay nhỏ bé che chở cho Thu: “Ông là đồ khốn nạn! Ông định làm gì?”

Lão cười hềnh hệch nhìn Thu qua vai Kimora: “Mày tưởng mày thanh cao à? Rồi mọt kiếp mày cũng chỉ là đứa phục vụ quèn ở đây, giao du với cái lũ này, một con què và một con (lão nhìn Kimora bằng ánh mắt lờ đờ) vịt đực…” Tiếng cười của lão chỉ còn là tiếng khùng khục trong cổ họng. “Có mấy đồng lẻ cũng làm cao, mày không đưa cũng được, không đưa thì để tao tự lấy.” Lão lè nhè, sấn tới.

Kimora lấy hết sức ẩy lão ra, lão không đề phòng nên loạng choạng, chân đập vào thành sofa. Tức tối, lão lao lên phía trước, vung một cái tát như trời giáng. Kimora văng vào tường, khóe miệng bật máu. Thu gào lên, òa khóc rồi lao về phía lão như điên dại. Lão không khó khăn gì khi hất bay nó về phía Kimora. Hai đứa dúi dụi một góc. Di cố gắng túm lấy lão từ phía sau nhưng lại một lần nữa cô bị đá văng vào đống bàn ghế. Vừa ngã nhào xuống đất, Di vừa chứng kiến lão ta tiến về chỗ Thu và Kimora, vung chân lên… Di nghe tim mình đau buốt, theo phản xạ, cô nhắm chặt mắt lại…

Nhưng không có tiếng hét hay tiếng kêu đau đớn của hai cô bạn. Lúc Di mở mắt ra, lão ta đã bị thằng Phương ghì chặt cổ. Lão vật vã cố giãy ra, huých cùi chỏ vào bụng thằng Phương. Bàn ghế, chai lọ bên cạnh lão đổ loảng xoảng xuống sàn nhà. Thằng Phương vật ngửa lão xuống đất, cố gắng giữ chặt lão nhưng trong lúc nó không để ý, lão đã vớ ngay cái vỏ chai bia vỡ… Di lao người về phía trước, cổ chân cô nhói lên một cái thấu xương, bàn tay với không tới lão. Lão giơ cái vỏ chai lên, nhằm ngực Phương đâm mạnh, may sao vừa lúc đó Kimora trờ tới, kịp túm lấy cái vỏ chai. Những cạnh sắc thủy tinh đâm vào bàn tay cô ứa máu. Di và Thu hét lên, nước mắt đầm đìa. Thằng Phương chỉ kịp đỡ lấy Kimora từ phía sau. Lão già được đà bật dậy nhưng cái chai trên tay lão ngay lập tức bị đá văng ra một góc, chưa kịp định thần thì lão ăn trọn một cú đấm như trời giáng của Vũ. Lão ngã lăn ra sàn nhà. Vũ túm cổ lão, vung nắm đấm nhưng chưa vội hạ tay xuống. Lão già vẫn rít lên the thé: “Thu, tao sẽ giết mày!”

Thu nấc lên một tiếng rồi khó nhọc đứng dậy, rút túi áo, lấy ra một nắm tiền ném thẳng về phía lão.

“Tiền của ông đây, ông cút đi!”

Lão gỡ tay Vũ ra, lồm cồm bò dậy, điềm nhiên thu góm đống tiền rồi đi ra cửa, không quay đầu nhìn lại: “Tháng sau tao lại đến, nhớ ở nhà.”

Thu nhìn theo lão, nước mắt ứa ra từ đôi mắt đầy căm giận, lồng ngực phập phồng theo từng nhịp thở nặng nhọc. Vũ kéo đầu Thu vào cổ anh ta rồi mới khẽ khàng ngước nhìn Di.

Cả ba đứa con gái đều thương tích đầy mình. Kimora bị nặng nhất, bác sĩ phải gắp mảnh thủy tinh từ bàn tay cô ra, khâu rồi băng kín lại. Một bên mặt cô đã sưng lên, hằn những vết ngón tay. Thu không chịu để bác sĩ xem vết thương ở bụng. Nó quanh quẩn bên Kimora và Di suốt buổi. Vậy là kế hoạch đi chợ hoa của Di phá sản, ngoài cái cổ chân yếu ớt và mấy nốt dị ứng sắp mờ, cô bổ sung cho bộ sưu tập thương tích của mình thêm vài nốt bầm tím khắp sống lưng. Cô lại bị cấm di chuyển nhiều thêm một tuần nữa.

Cả bọn về tới nơi khi thằng Vinh đang dọn dẹp những mảnh vỡ cuối cùng trong quán. Nhìn thấy ba đứa Di băng bó đầy người, nó đấm tay vào cột quán rồi nhìn Thu chăm chăm, ánh mắt phừng phừng lửa giận.

“Lên nhà đi rồi nói”, Thu nói với nó, vẻ bình thản.

Mọi người nối đuôi nhau lục tục lên nhà. Kimora đón lấy cốc nước từ tay Thu bằng bàn tay trái lành lặn, cốc nước rung rung trên tay cô. Bắt gặp ánh mắt lo lắng của Thu, cô nghiêng đầu pha trò: “Đừng có lo, ngày mai tôi vẫn đi hát lại, hát bài Zombie là khỏi phải hóa trang luôn.”

Mọi người bật cười, không khí bớt trầm lắng một chút. Vì cười quá cỡ, Kimora nhăn mặt đau đớn vì phần khóe miệng chảy máu và nửa gương mặt sưng đỏ. Thằng Phương vừa đỡ lấy cốc nước trên tay cô vừa lắc đầu: “Đã thấy đau chưa?” Kimora cười ngại ngùng.

Thu quay sang nhìn Di. Di tròn mắt nhìn lại nó, vẻ tò mò: “Sao? Đằng nào cũng đang sung sướng, tao không ngại được đút cho ăn và được bế lên nệm đâu.”

Thu cười buồn: “Vậy khổ cho anh Vũ rồi, lần này cái hậu quả là do tôi, để tôi giải quyết.”

“Hậu quả của tôi vẫn còn lấm tấm trên cổ và một phần năm gương mặt. Tôi chưa hết trách nhiệm được đâu.” Anh ta làm bộ thở dài.

Di kéo Thu lại gần, bắt Thu ngồi xuống rồi mở ngăn kéo lấy chai dầu: “Không nói nhiều nữa, vén áo lên.”

Thu nhìn mọi người rồi giữ chặt bụng mình: “Mày đừng lo hão.”

“Hay để bọn em xuống dưới”, thằng Vinh đề nghị.

“Không phải đâu, tại chị chúa ghét mùi dầu.” Nó nói rồi giằng lấy chai dầu. Di bực bội ấn một tay vào bụng nó, bị bất ngờ nó “Á” lên một tiếng đau đớn.

Giọng Di vô cùng cương quyết: “Kéo áo lên!” Cô nhìn Thu gườm gườm.

Kimora cũng gật đầu với Di, vẻ đồng tình. Thằng Phương móc bao thuốc ra khỏi túi, đám con trai theo nó ra ban công. Thu ngồi quay lưng về phía đó, nó thở dài rồi từ từ kéo áo lên. Phần bụng nó thâm tím từng mảng lớn. Kimora thốt lên bằng giọng Việt Nam nhừa nhựa: “Ối trời đất ơi!”

Đám con trai bị bất ngờ, vội quay đầu lại nhìn. Hai bên mạng sườn và phần lưng của Thu đầy những vết sẹo, chúng đã thâm lại trên làn da trắng nhợt của nó. Những vết sẹo như có sức hút kỳ lạ khiến không ai có thể rời mắt. Di miết ngón tay mình lên phần bụng thâm tím của Thu. Tưởng như hơi dầu theo từng đường miết dài làm bỏng giãy từng đầu ngón tay và cay sè khóe mắt.

Thu kéo áo xuống, giằng lấy chai dầu của Di: “Đưa đây, tao tự bôi.” Nó quay sang đám con trai đang đứng như trời trồng: “Còn nhìn gì nữa, hoặc là hút thuốc hoặc là đi mua đồ ăn, tôi đói lắm rồi.”

Thằng Phương ném điếu thuốc ra ban công. “Đi mua đồ ăn.” Nó nói trống không và bỏ đi trước. thằng Vinh không cục cựa, mắt vẫn dán vào phần lưng Thu. Vũ đi sau chót, phải cố gắng lắm anh ta mới đẩy được thằng Vinh về phía trước.

Đám con trai đi rồi, Thu lại vén áo lên tiếp tục bôi dầu. Nó đổ một vốc ra tay, xòe cả bàn tay xoa nháo nhào lên bụng. Xong, nó lau tay vào giấy, nhìn Kimora và Di. “Muốn một cốc Jack không?” Không đợi ai trả lời, nó đứng dậy lấy cốc.

Kimora mở tủ lạnh, lấy ra một lon tonic. Thu nhìn cô cười khúc khích: “Nếu không uống Jack tonic thì đành phải chịu khát thôi. Nó chẳng cho ai, kể cả nó, được quyền lựa chọn.”

Ba đứa ngồi dựa lưng vào thành giường hướng ra ban công. Thu duỗi chân trễ nải, nhấp một ngụm rượu. Kimora ngồi bó gối, xoa mái tóc ngắn ngủn của cô.

“Done thinking rồi hả?”[1'>Di hỏi.

[1'> Nghĩ xong rồi hả?

Kimora gật đầu: “Dù thế nào thì mọi người cũng cứ ủng hộ Kimora là được.”

Thu vuốt tóc cô: “Cái hội này toàn những đứa điên. Xinh đẹp như tiên lại không muốn.”

“Điên nhất là mày đấy.” Di dằn mạnh cái cốc xuống đất. Hình ảnh những vết sẹo khắp lưng và bụng Thu không sao dứt ra khỏi đầu cô, cô biết đó chỉ là một phần thân thể rất nhỏ mà cô có thể nhìn thấy. Di cảm thấy tức giận thực sự nhưng không phải trước sự che giấu của Thu mà là vì sự bình thản của nó. Cứ như thể việc bất kỳ phút giây nào trong cuộc sống, nó có thể phải đối diện với con người đó, nhận những cái bạt tai bật máu là một chuyện đơn giản, chả đáng phải bàn luận.

“Tao không nghĩ là khi quen một đứa bạn thì nên vạch áo cho nó xem sẹo của mình để làm quen. Với lại, mấy cái vết đó cũ lắm rồi.” Thu tự rót cho mình cốc nữa.

“Tại sao Thu còn đưa tiền cho ông ta?” Kimora có vẻ đã không kìm lại được thắc mắc đó.

“Vì tình yêu.” Thu cười buồn, gương mặt nó hằn lên những nét cay đắng. “Tất nhiên là của người khác vì Thu chẳng nhảm nhí thế.”

Từ những ngày đầu tiên quen nhau, Di đã biết Thu dị ứng với chuyện yêu. Khi nó một mình lẻ loi bên cạnh Di và anh, Phương và Nhã, nó không thấy ngưỡng mộ, tủi thân hay có chút ước ao nào. Nó thấy tội nghiệp cho bọn Di. Di có thể nhìn thấy điều đó trong mắt nó. Khi tình yêu của bọn Di tan vỡ, nó ở bên Di và Phương, lặng lẽ và cần mẫn nhưng cũng chẳng quá sốt sắng, ân cần. Điều gì đã làm cho thứ tình cảm nuôi lớn nhân loại này trở thành thứ nhảm nhí, hèn mọn, thậm chí chẳng bằng một miếng bánh mì khô trong mắt nó như vậy? Nó trả lời thắc mắc đó của người khác bằng những biểu hiện thực dụng, hiên ngang. Nhưng những người thực dụng, họ chỉ coi nhẹ tình yêu chứ không kỳ thị. Trên đời này liệu có bao nhiêu người đủ tự tin để kỳ thị tình yêu như nó bởi kỳ thị tình yêu cũng chính là hâm mộ sự đơn độc mãi mãi.

“Mày có biết điều cuối cùng mẹ tao nói với tao trước khi nhắm mắt là gì không?” Thu ngừng lại nhưng không phải để đợi câu trả lời của Di hay Kimora. Nó nuốt rượu xuống họng như thể muốn nuốt trôi luôn cả điều mà nó sắp nói ra: “Đừng bỏ bố con.” Nó thả cốc rượu xuống đất. Có lẽ nó đang nghĩ đến mẹ, đôi mặt dài to cụp xuống. “Trước đó chỉ vài tuần thôi, ông ta về bóp cổ mẹ tao trên giường bệnh để lấy tiền.”

Di

đã không biết rằng sau tất cả những gì đã trải qua, cho đến cùng, với mẹ Thu, nó vẫn là con gái của bố nó, là kết quả tình yêu của bà. Nỗi cay đắng đó có thể đã hành hạ nó hơn những vết sẹo rất nhiều. Có lẽ sự tồn tại của chính bản thân nó trên đời này cũng là một vết sẹo.

Kimora uống cốc rượu của mình. Thu ngồi bó gối, giọng đều đều: “Không hiểu mẹ tao thấy điểm gì tốt ở một kẻ kém tài luôn tìm cách đổ lỗi cho cuộc đời không công bằng với mình trên chiếu bạc. Với tao, ông ta chỉ giỏi mỗi việc uống rượu và đánh người. Mày cũng sẽ coi mấy vết sẹo trên người tao chẳng là gì cả nếu như mày nhìn thấy chỉ cần là phần trán của mẹ tao thôi.” Nó nheo nheo mắt như muốn nhớ lại hình ảnh đó. “Cách nhanh nhất để khiến người khác im lặng là nắm lấy tóc và đập đầu người đó vào tường.”

Người ta nói rằng nên biết hy sinh cho tình yêu của mình. Không biết trên đời này có thứ tình yêu nào đủ xứng đáng để đổi lấy sự hy sinh của mẹ Thu không.

Người ta cũng nói rằng những người không tin vào tình yêu là những người chưa từng được thấy một tình yêu thực sự chung thủy, mãnh liệt và vô điều kiện. Đó là một thứ tình yêu bất biến mà sự túng thiếu, hèn hạ và những trận đòn vô cớ cũng không thể nào lay chuyển nổi. Điều này tưởng như hoàn toàn sai với Thu. Nó chứng kiến thứ tình yêu đó từ mẹ nó, chứng kiến bà nhận lại cho mình toàn máu và nước mắt, máu và nước mắt của người mà nó yêu thương nhất trên đời.

Kimora quàng tay qua vai Thu, khẽ đung đưa vai nó. Gương mặt cô sống động hơn rất nhiều với mái tóc cắt ngắn. Trông cô dễ thương hệt như một chú bé mười lăm tuổi ngây thơ. Chú bé mười lăm tuổi triết lý bằng tiếng Việt: “Tình yêu thật là nhảm nhí, giống như Jack tonic ở trong nhà này ấy, cứ đến là phải uống. Nó chẳng cho ai quyền chọn lựa người mình sẽ yêu.” Cô nhìn Thu ân cần nhưng quả quyết: “Nhưng người ta vẫn có thể chọn hai thứ: cách yêu của riêng mình và khi nào thì nên ngừng yêu.”

Nói rồi, hai đứa đồng loạt đẩy ly Jack của chúng ra xa. Di nhún vai, uống tiếp cốc rượu của mình.

19

Thằng Vinh tách khỏi Vũ ở chỗ chân cầu thang. Gương mặt nó tái đi vì tức giận. Nó chạy như bay vào quán, lật giở quyển sổ ghi chép liên hồi.

“Làm gì nữa đây?” Phương nói.

“Ở đây chắc chắn có địa chỉ của lão, chỗ mà tháng nào bà Thu cũng gửi một nửa tháng lương.”

Phương giằng lấy quyển sổ, cho vào ngăn kéo rồi đóng sập lại.

“Anh làm cái gì đấy?” Thằng Vinh nổi cáu.

“Nếu đã chịu đựng chuyện này lâu đến như vậy thì nó phải có lý do của nó. Nếu mày chưa biết rõ thì đừng có xen vào.” Phương nói rồi quay người đi thẳng ra cửa.

Vũ vỗ vai Vinh, bỏ đi theo Phương.

Cả ba lững thững trên phố. Chẳng ai nói với ai câu nào. Mục đích đi mua đồ ăn dường như cũng bị quên lãng. Hết đoạn đường vắng ra đến con dốc là vào khu nhộn nhịp. Hai bên đường là các cửa hiệu lấp lánh ánh đèn. Cuối tuần nên lượng người đi bộ đổ về phố cổ rất đông. Cả ba tiến vào khi phố bán đồ len. Cơ man là mũ, khă

khăn, áo, găng tay, đủ mọi kiểu dáng, kích cỡ được treo thành từng dây dài trước những cửa tiệm. Trong nhà là từng dãy kệ nhỏ sát tường bày ra các cuộn len đầy màu sắc. Các bà, các chị kê ghế ra vỉa hè nhà mình, vừa trong hàng vừa đan khăn, áo. Phương phăm phăm đi trước mà Vũ cũng chẳng hiểu anh ta muốn đi đâu. Vinh thì tụt lại hẳn phía sau, gương mặt vẫn đăm chiêu, bực dọc. Vũ không còn cách nào, đành đóng vai điểm nối ở giữa. Có lẽ mấy cô gái ở nhà đã đói bụng lắm rồi, Vũ thầm nghĩ. Kimora với mái tóc ngắn ngủn và bàn tay băng trắng, Thu với đôi mắt hoang hoải và những vết sẹo, còn Di gương mặt lấm tấm vệt đỏ giấu trong chiếc khăn quàng cổ màu xanh và cái cổ chân bầm tím. Nếu so sánh ba cô gái đó với những cô gái vui vẻ đang đi lại trên đường kia thì từ ngoại hình cho đến biểu hiện Vũ thích những cô gái kia hơn. Vũ thích những cái khăn quàng ấm áp, những chiếc váy sặc sỡ, những mái tóc uốn xoăn bồng bềnh. Vũ thích nụ cười tươi tắn của họ, cách họ níu tay người bên cạnh và ríu rít trò chuyện. Họ sẽ kêu đau khi vô tình vấp phải hòn đá giữa đường, sẽ nhờ bạn trai xách hộ cái túi nặng, sẽ kiêng rượu và đồ nóng để giữ làn da đẹp. Tối nay, trở về sau chuyến đi chơi, họ sẽ yên bình chìm vào giấc ngủ, gác lại bản báo cáo hay đống bài tập tồn đọng cho đến tận đầu tuần sau. Những cô gái như vậy mới đúng là những cô gái dễ thương.

Vũ lặng lẽ quan sát họ. Chen giữa những khách ngoại quốc ở những dãy bàn kê ngoài cửa quán cà phê hay tiệm ăn, những cô gái đó với gương mặt ửng hồng, vừa nói chuyện vừa khẽ vén mãi tóc sang một bên. Ở những dãy bàn này, người ta thường thắp nến, để một lọ hoa nhỏ và phục vụ bữa tối ngoài trời. Làn khói từ những ly cà phê và những món ăn nóng sốt làm Vũ không thể rời mắt. Đột nhiên Vũ rất muốn nhìn thấy những cô gái không dễ thương của mình ở đây, dưới ánh nến và ánh đèn đường lấp lánh, ngắm nhìn dòng người qua lại và nhấp môi một ly ca cao nóng. Đám con trai sẽ ngồi ở những nơi có gió lùa…

Ý kiến của Vũ không vấp phải sự phản đối nào, thậm chí còn khiến gương mặt thằng Vinh dãn ra đôi chút. Ba thằng con trai dàn hàng ngang đi bộ về nhà. Vẫn không ai nói câu nào nhưng bước chân đều như dài ra và nhanh hơn.

Nghe tin được ra phố, cô hàng xóm hớn hở ra mặt, ánh mắt lấp lánh. Cô vội vàng lê cái chân cà nhắc đi sửa soạn. Nhưng không giống như suy nghĩ của Vũ, cô ta không đi về chỗ cái va li để quần áo.

“Đừng bao giờ nghĩ đến việc tha cái đống ống dài ống ngắn của mày đi rồi chụp tách tách bụp bụp cả buổi tối nhé, vác một cái chân thấp chân cao là quá sức rồi.” Không có vẻ gì là ngạc nhiên, Phương buông một câu lạnh lùng. Cô hàng xóm nhăn mặt, vẻ khó chịu.

“Muốn ra khỏi nhà thì trước hết các chị phải thay đồ đi đã, toàn mùi bệnh viện thôi”, thằng Vinh yêu cầu.

Ba đứa con gái quay sang nhìn nhau.

Vì những vết thương đủ loại của họ mà quần jean hay áo bó đều bị loại ra khỏi danh sách. Kimora mặc cái váy suông màu trắng, quà Giáng sinh của thằng Vinh mà Di chưa động đến một lần. Cô vẫn khoác chiếc jacket da đen. Di chọn cái maxi cotton màu lông chuột để che kín chân cho đỡ lạnh và cardigan len dày dặn khoác ngoài, cổ quấn bốn vòng khăn len xanh. Trông cô luộm thuộm một cách đáng yêu. Thu thì vẫn trung thành với kiểu váy len có ánh kim lấp lánh, đi bốt cao đến ngang gối.

Cả ba dắt tay nhau đi trước. Đám con trai lục tục theo sau. Thu và Kimora đôi lúc dừng lại để ngắm nhìn một món hàng nào đó còn Di thì bấm máy ảnh liên hồi. Cho đến lúc đi hết con dốc, ra đến khu phố bán len, cả ba cùng quay đầu lại đợi đám con trai, vừa vẫy tay vừa cười. Nụ cười tỏa ra hơi trắng của cái lạnh giá nhưng ánh mắt ai cũng thật ấm áp. Dường như không còn chút dấu tích của nước mắt và máu của ngày hôm này nữa. Giá như Vũ cũng có một cái máy ảnh trên tay như Di.

Bữa tối kết thúc khi mưa bụi và sương đêm đã giăng trên những con ngõ nhỏ. Phố trở lại với vẻ trầm mặc và yên tĩnh. Vũ đứng hút thuốc bên một mái hiên, chờ Di trả tiền hạt dẻ cho bà cụ già. Đã sắp nửa đêm, trong lúc ông chủ thì yêu cầu về mở cửa quán, bà chủ lại kiên quyết ở đây đợi hạt dẻ nổ tanh tách trên chảo rang nên cả bọn đành chia làm hai hướng. Di ôm khư khư bọc hạt dẻ trước bụng, cái máy ảnh thì treo toòng teng trên cổ. Thấy Vũ nhìn mình, cô bốc cho Vũ một vốc nhỏ, thả vào tay. Vũ cố đi chầm chậm để đợi Di, còn cô thì dường như chẳng để ý gì đến anh cả, cứ vừa đi vừa chăm chú với đám hạt dẻ bọc trong giấy báo. Cho đến lúc gần về tới quán, Di mới ngẩng lên nhìn anh.

“Bao giờ anh Vũ về nhà?”

Vũ xoay xoay đám vỏ hạt dẻ trong tay: “Ba ngày nữa.”

Cô ta gật đầu, quay lại với bọc hạt dẻ. Vũ đỡ lấy cánh tay co để giúp cô đi dễ dàng hơn, cô không phản đối. Vũ cảm thấy rõ hơi thở của cô ngay bên cạnh mình, nhịp nhàng theo từng bước chân.

“Vậy bao giờ Di về nhà?”

“Đây là nhà của tôi rồi.” Di chỉ về phía quán và cái ban công của cô. Lúc này quán đã sáng đèn, ánh đèn vàng sau lớp kính trong nhìn như ánh lửa, ấm áp. Đèn ở cầu thang gỗ cũng được bật. Đứng ở bên dưới vẫn có thể nhìn thấy bóng cái giày của Vũ với chậu xương rồng treo ở ban công. Hôm nay cái khăn xanh theo Di đi ăn tối nên chậu cây ở đó nhìn lẻ loi quá. Vũ thấy lòng mình chùng xuống.

Dù muộn như vậy mới mở cửa nhưng vẫn có khách tới quán. Thu thắp ở mỗi bàn một cây nến nhỏ cho không khí ấm áp hơn. Ngoài cửa sổ, mưa lây rây rơi như những mảng bụi sương trắng xóa. Cả bọn ngồi ở sofa nhưng không ai muốn uống rượu. Phương duỗi chân, kê lên mặt bàn hút thuốc. Di dựa lưng vào thành ghế, bật cái bóng đèn quen thuộc của cô lên, trên cuốn sách kẹp dưới giá đèn đã có một lớp bụi. Di cẩn thận lật trang mà cô đã đánh dấu. Thu ngả đầu về phía sau, mắt lim dim như chuẩn bị ngủ. Quan sát tất cả những điều đó với một cảm giác thật khác lạ, Vũ uống cốc trà nóng của mình. Anh thấy như không chỉ cốc trà này, hơi ấm này mà chính bản thân anh cũng đã trở thành một phần của những gì mà anh đang quan sát. Đêm nay có lẽ chỉ là một đêm trong hàng nghìn đêm khác, anh sẽ ngồi ở đây, uống một cốc trà và gõ nhịp ngón tay trên lớp nỉ êm mềm của bộ sofa. Ngày đầu tiên anh tìm tới đây, gặp cô gái kỳ lạ ngồi đọc sách trên sofa và hỏi xin lại chiếc giày, anh tưởng rằng đó chỉ là một giây phút trong hàng triệu những giây phút khác không tên trong cuộc đời mà anh sẽ chẳng bao giờ nhớ đến. Bây giờ thì hình ảnh đó với Vũ sẽ là ký ức. Sẽ không có đêm thứ một nghìn Vũ ngồi ở đây. Ba ngày nữa anh sẽ trở về nhà… Vũ đã thấy nhớ một cuộc sống mà anh còn chưa kịp làm quen, đã thấy nhớ một người mà anh còn chưa kịp biết. Nhưng tình cảm của những người đã quyết định nên xa lạ với nhau thì có thể gọi là gì?

“Gọi anh đấy.” Vũ giật mình ngẩng lên. Thằng Vinh hất đầu lên sân khấu ra hiệu. Một người khách đã mượn cây guitar của Phương, đang chuẩn bị biểu diễn bài gì đó. Mọi người ngồi xoay hết lại, chờ đợi tiếng hát của anh ta. Đó là anh chàng vừa nãy ngồi một mình bên cửa sổ, uống một ly scotch neat, nhìn như kẻ bỗng dưng có một đêm mất ngủ. Tiếng hát của anh ta trầm trầm.

“Còn rơi mãi… trên phím đàn, còn rơi mãi… những tiếng buồn thở than. Đã lâu rồi, nụ cười vắng trên môi…”

Không hiểu sao Phương đột nhiên quay đều ra phía cửa. Một chàng trai đang đứng trên lối cửa ra vào. Màn mưa lắc rắc đã gieo những hạt nước nhỏ li ti lên mái tóc của cậu ta. Kimora vừa lặng ngắm cậu ta vừa khẽ ngả người vào chân Di. Lúc này, Di đang ngồi bó gối.

Di lại ra ban công, dựa vào bậu cửa, kéo cái mũ áo hoodie qua đầu, đeo earphone ngồi nghe nhạc.

Mùi hương của thịt nướng trên chiếc vỉ điện khen khét, nồng nồng lại khe khẽ len trong không gian, làm Vũ không sao ngủ được. Đã gần hết đêm rồi. Vũ đứng ở cửa nhà mình nhìn cô với điều thuốc cháy dở trên tay. Có cái gì thú vị ở bậu cửa lối ra ban công, nơi gió và hơi lạnh có thể làm tê cóng cả mi mắt. Mùi thịt nướng hòa vào cơn gió lạnh ào đến không báo trước làm anh húng hắng ho. Di vẫn ngả người vào bậu cửa nhưng đưa một cánh tay lên ra hiệu cô đã nhìn thấy anh. Vũ gật đầu.

Vũ ôm một cái chăn ra ban công, ngồi xuống cạnh Di.

“Thức làm gì vậy?” Anh hỏi.

Di gỡ tai nghe: “Đợi thằng Phương.”

“Phương nói về đây ngủ à?” Vũ hỏi bâng quơ.

Cô lắc đầu, khẽ thở dài. Cô nhận lấy phần chăn của mình rồi quay sang nhìn Vũ: “Anh chuẩn bị xong đồ đạc chưa?”

“Tôi làm gì có gì mà chuẩn bị, nếu có chỉ là một nửa còn lại của đôi giày Ý hàng thủ công thôi.” Vũ chỉ chiếc giày treo trên ban công nhà Di.

hương 20

Di bật cười. Lần đầu tiên cô vừa nói chuyện vừa cười với Vũ, thân quen như một người bạn lâu ngày không gặp.

“Không biết rồi ai sẽ ở ban công đối diện nhà tôi nhỉ?”

“Cô tò mò lắm à?”

“Thì lo, không hiểu rồi họ có ném cái gì đó sang phá cái chậu hoa đặc biệt của tôi nữa không.”

“Lúc đó cô nhớ xử lý luôn cả phần tôi nữa nhé!”

“Ừ, xử đẹp.”

“Chào mẹ anh hộ tôi.”

Vũ gật đầu: “Mẹ cô nữa nhé!”

“Anh có thể chào ngay bây giờ.” Cô ngẩng đầu và chỉ lên bầu trời. Đôi mắt cô không ánh buồn mà tràn ngập sự ấm áp.

Vũ muốn ngồi gần lại một chút, anh hỏi khẽ: “Bố Di đâu?”

Có lẽ với cô, đó có thể là câu hỏi quá riêng tư mà một người xa lạ như Vũ không bao giờ nên hỏi. Vũ biết như vậy nhưng anh không còn quan tâm nữa.

Di không im lặng, chỉ không nhìn Vũ nữa: “Bố tôi có gia đình khác rồi. Nhưng tôi không buồn và khổ như Thu. Từ ngày mẹ tôi mất, gia đình với tôi đã không còn trọn vẹn. Thiếu bố với tôi cũng chỉ buồn thôi nhưng với một số người khác, thiếu bố tôi thì gia đình họ không trọn vẹn mà thêm tôi vào đó thì cũng vậy luôn.” Lúc này, cô mới nhìn Vũ. “Bây giờ đây là nhà của tôi, gia đình của tôi.”

“Vậy thì lúc nào tới thành phố này, tôi sẽ đến thăm cô, chỉ sợ cô lại đi đâu xa mất.” Vũ làm như kiểu đang chụp ảnh bằng tay.

Di gật đầu. “Tôi mà đi thì sẽ mất một, hai năm. Hai năm nữa, nếu trở về, tôi nhất định sẽ quay lại chỗ cây dẻ trên cao nguyên lần trước ấy, trước mùa hoa dại tàn. Ở đó đẹp quá!”

“Còn tôi thì phải chạy vài vòng mới được. Lần trước mọi người chừa lại mình tôi.” Vũ nói rồi cả hai khúc khích cười.

Hết đêm đó, Phương mới về tới nơi, nó chui luôn lên giường, trùm chăn ngủ, mặc kệ Vũ và Di ngồi thơ thẩn bên bậu cửa nhìn những ánh dương đầu tiên lóe lên từ phía con sông ở chốn xa xa.

20

Thằng Phương chẳng nói với Di câu nào đã định bỏ đi. Di ngồi trên nệm lười vào trưa ngày hôm sau, vừa uống sữa vừa nói với nó: “Cho tao ăn trưa đã.”

“Gọi đồ về mà ăn, tao phải đi có việc.” Nó quày quả nắm tay nắm cửa.

“Chân tao đau”, Di nói tỉnh bơ.

“Bấm điện thoại bằng chân à?” Nó cáu kỉnh. “Để tao gọi Vũ.”

“Người ta là osin của mày à? Cho tao đi ăn”, Di lặp lại.

Thằng Phương xoay tay nắm cửa. Di là ra vẻ thản nhiên, nhấc điện thoại lên, bấm số. Nghĩ gì đó, thằng Phương quay lại, giằng lấy điện thoại của cô, nhìn số trên màn hình rồi ngồi phịch xuống đất.

“Lằng nhằng quá, ăn gì?”

“Mì úp.” Nghe thấy vậy, thằng Phương trợn mắt nhìn cô. “Nước chanh nữa.”

Vì yêu cầu nước chanh của Di mà hai đứa chuyển địa điểm xuống quán. Thằng Phương đặt hai bát mì xuống bàn, mặt cau có.

“Chờ một tí, tao đi pha nước chanh.” Di gật đầu vui vẻ nghe tiếng giày của nó nện cộp cộp trên sàn vẻ tức tối.

“Làm gì có quả chanh nào đâu mà pha nước chanh.” Thằng Phương thò đầu lên khỏi quầy bar, mặt mũi nhăn nhó.

Di vẫn điềm nhiên ăn mì. Cửa quán bật mở, Kimora bước vào, vui vẻ giơ túi chanh lên bằng bàn tay lành lặn. “Đợi Kimora lâu không? Để Kimora pha nước chanh rồi…” Kimora bỏ dở câu nói, thảng thốt khi nhìn thấy thằng Phương.

Di tiến lại chỗ cô lấy túi chanh: “Di chẳng đợi được nữa đâu, từ lúc ngủ dậy đã thấy muốn uống nước chanh rồi. Để Di tự pha. Kimora ăn chưa? Ngủ dậy muộn quá nên bây giờ bọn Di mới ăn sáng.”

Di nói rồi bê luôn bát mì đang ăn dở của mình vào quầy bar. Kimora bối rối ngồi xuống bàn. Hôm nay cô mặc blazer mày xanh da trời, đi bốt da nạm đinh rất đẹp, một cô nàng tomboy hoàn hảo.

Thằng Phương đứng như trời trồng ở quầy bar. Nó lừ mắt với Di lúc cô bê bát mì vào. Di chen vào trong, dùng cái chân đau đẩy nó ra ngoài. Cô ra hiệu cho nó đi tới chỗ Kimora, rồi lôi earphone ra đeo lên tai, tiếp tục với bát mì ăn dở. Thằng Phương hậm hực nhìn cô rồi tháo tạp dề, bước ra ngoài. Di nhìn theo nó, phát hiện cô chỉ mang theo mỗi cái earphone mà để quên cái iPod trên nhà. Di đành ngồi lên ghế của quầy bar, tránh nhìn về chỗ Kimora ngồi, xì xụp húp mì rồi kì cạch pha nước chanh uống một mình.

Thằng Phương đẩy bát mì đi đâu đó nghe lạch cạch rồi hỏi: “Kimora ăn chưa?” Nó mở lời trước, Di thấy lòng vui vui.

“Anh ăn đi”, Kimora nói.

Thằng Phương kéo bát mì lại rồi so đũa lách cách. Thằng chết tiệt, Di nghĩ thầm, vắt mạnh nửa quả chanh.

Thằng Phương điềm nhiên ăn bát mì chắc đã trương phềnh mất rồi. Kimora đặt một cái túi lên bàn: “Lát đưa cái này cho Di hộ Kimora.”

“Cái gì đấy?” Thằng Phương hỏi.

“Cái váy lần trước Kimora mặc.” Kimora định đứng lên.

Thằng Phương cúi đầu xuống bát mì của nó, hỏi bâng quơ: “Tay đỡ đau chưa?”

“Đỡ nhiều rồi.”

“Tối nay có hát không?”

Kimora gật đầu. Thằng Phương hất đầu về phía cái váy.

“Vậy giữ cái đó mà mặc, chứ trả làm gì, Di mặc váy này chắc nhìn buồn cười lắm, đơ như khúc gỗ ấy.”

Cũng biết so sánh cơ đấy, Di tức tối nghĩ thầm.

Kimora cười khúc khích: “Hôm Valentine Di mặc váy đen đẹp lắm mà.”

Thằng Phương ngẩng đầu lên nhìn cô. Di không thấy ánh mắt của nó, chỉ nghe tiếng nó chậm rãi và rành rọt: “Còn Kimora mặc quần áo kiểu này, để tóc kiểu này nhìn cũng buồn cười lắm, chẳng hợp tí nào.”

“Kimora thấy hợp.” Cô cứng giọng.

Thằng Phương nhún vai: “Vậy thì tùy Kimora thôi.” Nói rồi, nó ăn mì tiếp.

Có lẽ ít người có được đặc quyền như Di là có thể bóp cổ thằng Phương khi nó nói chuyện khó nghe nên nó mới sống được tới giờ này. Di vừa nghĩ vừa thấy bứt rứt trong người. Cô không muốn thấy Kimora buồn. Có thể nào Di đã sai khi can thiệp vào chuyện này? Kimora đứng dậy, chắc là muốn ra về.

“Đừng dùng cách này nữa, không hiệu quả với em đâu.” Kimora phản đòn, thằng Phương chắc bị bất ngờ nên ngẩng lên. “Anh nghĩ em đã suy nghĩ bao nhiêu lâu để cắt cụt tóc của mình và ném tất cả high heels ra cửa?”

“Em không nên mất thời gian suy nghĩ ngay từ đầu.” Thằng Phương vẫn giữ giọng tỉnh bơ. “Thay đổi bản thân…”

Nó chưa kịp nói hết câu thì Kimora đã ngắt lời: “Đừng lo đến chuyện em thay đổi bản thân. Dù trên đầu em không còn một sợi tóc và em có mặc bao tải đi nữa, em vẫn là Kimora. Anh phân biệt đối xử với người khác vì cái vỏ thì em thay đổi cái vỏ thôi.”

Kimora đi ra cửa, mặc thằng Phương ngồi đơ trên ghế. Trước khi bước hẳn ra ngoài, cô còn quay đầu lại nhìn nó thật lạnh lùng: “Anh mới là người đang cố thay đổi bản thân. Và chỉ muốn giữ lại mỗi cái vỏ.”

Di thở phào nhẹ nhõm, dựa hẳn người vào bức tường sau quầy bar. Thằng Phương thả lỏng người trên ghế, bắt đầu đốt thuốc.

Chương 21

Suốt cả ngày hôm đó, Di không thấy Vũ đâu. Cô định nói với mọi người về việc Vũ sẽ rời đi sớm. Quán không đông lắm. Di giúp Thu và Vinh chạy bàn một hồi thì hết việc. Cô ngồi bó gối trên sofa, nhìn sang cầu thang nhà đối diện, chợt nhận ra suốt thời gian vừa rồi những lúc cô ở bên cạnh Vũ còn nhiều hơn nhưng khi cô ở một mình. Có lẽ vì thế mà cô ngóng anh ta chăng? Di nhìn cái điện thoại dưới chân mình. Chẳng phải lúc nào cô cũng đợi người ta gọi đến sao? Di tìm số của Vũ trong những cuộc gọi cũ, một dãy số dài chẳng có tên nằm chơ vơ giữa hàng chục cuộc gọi của những người thân thuộc. Thậm chí cô mới chỉ gọi cho anh ta có đúng một lần. Di bấm máy. Tiếng chuông đổ từng hồi chậm chạp. Bỗng Di lại cảm thấy hồi hộp, định tắt đi thì Vũ bắt máy.

“A lô.” Giọng Vũ qua điện thoại nghe thật gần.

“Tôi… đây.” Di bối rối.

“Di hả?” Vũ hỏi lại ngay. “Tôi có chuyện phải đi một chút, chắc tối nay về muộn, nếu kịp thì hẹn mọi người ăn đêm.” Anh ta tuôn một tràng.

Di ậm ừ.

“Tôi cúp máy đây, Di ăn tối đi. Hẹn tối nay nhé!” Tiếng Vũ theo tiếng gió xa dần rồi tắt hẳn. Di đặt điện thoại xuống chân, bất giác mỉm cười.

Tiếng gõ cửa lộc cộc vang lên khi Di đang đun lại nồi cháo trong bếp. Chán thật, mọi người vừa về xong. Di lẩm nhẩm rồi vội chạy ra mở cửa, tay vẫn cầm cái muôi.

Đứng trước cửa phòng Di không phải là Vũ. Người đứng đó là cô gái có đôi mắt đẹp làm Di phải ngắm mãi khi cô ngồi trên taxi đi tìm Vũ đêm hôm đó. Cô ta gật đầu chào Di vẻ bối rối, trên tay là cái áo khoác Di cho mượn.

“Cô đang nấu ăn à? Vũ ở đây à?” Cô ta hỏi dồn dập và còn khẽ liếc nhìn vào trong.

“Anh Vũ chưa về. Cô có muốn vào nhà đợi không?” Di ân cần.

Cô ta lắc đầu, thở phào nhẹ nhõm: “Tôi đến tìm cô.”

Qua phút bất ngờ, Di mời cô ta ngồi xuống nệm.

“Tôi đến để nhờ cô chuyển cái này cho Vũ.” Không đợi Di kịp mở lời, cô ta lôi trong túi ra một cái phong bì, đưa cho Di.

“Tôi nghĩ là cô nên đưa tận tay.” Di không đón lấy cái phong bì mà đẩy cốc trà nóng về phía cô gái lạ.

Cô ta mở phong bì, lấy ra một xấp tiền, đó chắc hẳn phải là một số tiền rất lớn.

“Tôi không thể nhận sự giúp đỡ này được.”

Nhìn xấp tiền trên tay cô gái, cảm giác nửa hụt hẫng, nửa như giải thoát xâm chiếm Di. Những suy nghĩ, đắn đo, lưỡng lự, hy vọng, chờ đợi mới nhen nhóm trong lòng Di phút chốc như thoát ra khỏi lồng ngực, bay đi. Nỗi e ngại và sự băn khoăn cũng vậy. Di cảm thấy đầu óc mình nhẹ bẫng. Hai người xa lạ thì có thể có sự gắn kết gì? Vũ đến thành phố này vì cô gái này, anh chưa rời đi cũng vì cô gái này mà thôi.

Di lặng lẽ quan sát người khách lạ với vẻ mặt dằn vặt nhưng cũng đầy cương quyết. Có lẽ cuộc sống đã không dễ dàng với cô ta, không dễ để cô ta quyết định tìm đến đây.

“Không phải cô còn có bé trai phải lo sao?” Di giúp cô ta cho tiền vào lại phong bì.

[
Thông Tin
Lượt Xem : 3765
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN