Tháng ngày ngất ngưởng
lời động viên rất chân thành dành cho tôi. Sếp Kều sịt mũi cái nữa rồi liếc sang tôi khi chiếc thang máy vừa mở cửa:
“Làm việc với Thành thế nào?”
“Cũng thoải mái ạ.”
“Tốt! Nhưng cần cẩn trọng và tỉnh táo nhé!”
“Gì ạ? Ý sếp là sao ạ?”
“Không có gì! Mà tôi đi trước đây, hôm nay tôi có hẹn quan trọng.”
Tôi cũng sực nhớ, giơ tay lên nhìn đồng hồ rồi trợn mắt, nhón chân chạy trước. Chạy được một đoạn mới nhớ ra là chưa chào sếp, tôi ngoái lại hét to:
“Em muộn rồi! Em về trước sếp nhé.”
Sếp Kều lắc lắc đầu nhìn tôi rồi đi thẳng. Tôi chả còn tâm trí nào để nghĩ đến thái độ của Sếp nữa, nếu hôm nay mà không về kịp giờ thì bà Vịt bà ấy cầm dao làm thịt tôi mất.
Tôi leo lên xe, mắm môi mắm lợi đạp gần chục phát chiếc xe già nua mới chịu nổ máy, tôi vít ga phi như bay ngoài đường, lòng thầm mong giờ này bà Vịt mới bắt đầu nấu thì tôi sẽ về kịp để tăng thêm tình thiện chí thân hữu giữa bà và tôi.
Về đến nhà, tôi không kịp vào phòng mình để cất túi mà cầm nguyên túi và cân hoa quả mua vội bên đường phi thẳng lên nhà bà Vịt. Tôi chào bà và ông Chấu bằng thứ giọng không thể hụt hơi hơn được nữa. Bà Vịt đang dọn mâm, ông Chấu đeo tạp dề màu hồng đang kỳ cọ mấy chiếc nồi do bà Vịt nấu nướng để lại. Nhìn thấy tôi, ông Chấu liếc một cái đầy căm hờn, tôi biết, không căm hờn sao được, vì đáng ra nếu tôi về sớm hơn thì việc cọ rửa đó đâu đến lượt ông. Bà Vịt thì trợn mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, bà ngồi xuống soi:
“Mày không có cái váy nào tử tế à?”
“Váy này là tử tế nhất rồi đấy, váy cháu đi làm mà.”
“Ý bà là mày không có bộ nào hở hơn một tí à? Cứ kín như bưng thế thì làm ăn gì được!”
“Ôi, bà khỏi lo, cháu mặc kín nhưng cháu ăn giỏi lắm ạ, không có gì khiến cháu thấy vướng víu khi ăn đâu.”
Bà Vịt lại nheo mắt, chống nạnh, đập mạnh cái đũa to đùng xuống bàn:
“Về thay váy khác đi, hở cổ một chút!”
“Nhưng mà... nhưng mà...”
“Không nhưng nhị gì hết! Mày không có hả? Không có để tao cho mượn nhé!”
Ông Vịt vội vã chêm vào:
“Váy của bà làm sao nó mặc được, đến voi nó còn chào thua nữa là.”
“Ông im ngay!”
Bà Vịt lừ mắt nhìn ông Chấu, ông Chấu im lặng quay đi. Bà Vịt chuyển tông giọng dịu dàng, nỉ non sang tôi:
“Cháu về thay đi, nhanh lên còn sang ăn cơm! Bà chả thích ngồi ăn với mấy người ăn mặc kiểu nghiêm túc như thế đâu.”
Haiz, mời người ta ăn một bữa mà yêu cầu cao vút thế này thì thật là khó đỡ. Nhưng được rồi, chiều lòng bà nên tôi vội vã về thay váy.
Hơn ba mươi phút lục lọi, tìm kiếm tôi cũng tìm thấy cái váy “ngon lành” nhất mà Sâm Cầm đã tặng tôi vào sinh nhật năm ngoái. Váy ngắn qua đầu gối, hơi hở vai, xòe nhè nhẹ vẻ rất lãng mạn. Tôi nghĩ, bà Vịt sẽ thích bộ này lắm.
Vừa bước đến trước cửa, đã nghe tiếng nói chuyện rộn ràng ở phòng ăn. Lạ nhỉ? Không hiểu sao ông Chấu với bà Vịt tự nhiên lại thân thiết với nhau thế, bà Vịt còn cười rất to nữa. Tôi mạnh dạn bước vào xoay một vòng và hét lên:
“Bà Vịt! Trông cháu xinh gái hơn bà chưa?”
Bà Vịt đứng hình nhìn tôi, ông Chấu cũng không ngoại lệ. Ô! Chẳng lẽ vì thay một chiếc váy mà nhan sắc của tôi đã trở nên lộng lẫy mê hoặc người khác đến vậy sao? Quả thật, người đời nói cấm có sai “người đẹp vì lụa” là thế đấy! Đã thế, tôi lại cầm váy, xoay thêm một vòng nữa cho biết mặt.
Tôi xoay thêm một vòng nữa, thoáng thấy một bóng đen đang ngồi im lìm trên bàn ăn, tôi tá hỏa dừng lại. Chẳng lẽ vừa mới xoay có tí ti thế thôi mà đã hoa mắt rồi? Tôi dụi mắt đến lần thứ ba mới biết là mắt mình hoàn toàn bình thường. Nhưng mặt tôi lúc này chắc phải dài và ngẫn như cái bơm mất, vì bóng đen ngồi yên lặng ở bàn ăn nhà bà Vịt không ai khác chính là sếp Kều của tôi.
Tôi luống cuống suýt ngã ra ghế, may mà ông Chấu đỡ kịp. Bà Vịt hăng hái giới thiệu chúng tôi với nhau:
“Đây là Trăng Thanh, còn kia là Huân, cháu bên nhà ông Chấu! Hôm nay lừa mãi mới để hai đứa gặp nhau được đấy!”
Chết! Hóa ra đây là một âm mưu sao? Bà Vịt và ông Chấu đã cố tình sắp xếp một buổi xem mặt cho hai chúng tôi cơ đấy! Tôi choáng váng liếc sếp Kều. Có vẻ, sếp cũng bị bất ngờ như tôi, vì tôi thấy đôi mắt ốc nhồi của sếp vẫn mở to trừng trừng nhìn tôi như chưa thể tin rằng đây là sự thật. Tôi lắp bắp:
“Sếp... sếp... em không biết là...”
Ông Chấu nhảy vào có vẻ rất ngạc nhiên:
“Cái gì? Sếp á? Mày gọi ai là sếp đấy?”
Tôi che nửa mặt, tay chỉ chỉ về phía sếp Huân Kều. Ông Chấu bà Vịt nhìn nhau, đến lượt hai người trợn mắt kinh ngạc. Sếp Kều với tay nhấp một ngụm nước rồi lấy lại vẻ mặt bình thản vốn có:
“Vâng, cô ấy là nhân viên của cháu!”
Bà Vịt chợt vỗ tay đôm đốp, cười ha hả, bà luôn có cái điệu bộ vô duyên như thế mỗi khi phấn khích trước một việc gì đó. Bà vỗ luôn vào vai sếp Kều:
“Thế thì quá tốt rồi! Sau hôm nay hai đứa càng có thời gian gần gũi mà tìm hiểu nhau.”
Sếp Kều có vẻ ngại, ho ho mấy tiếng. Ông Chấu kéo ghế ngồi xuống, cũng phấn khích không kém bà vợ béo ú của mình:
“Hay thật đấy bà nhỉ? Hóa ra hai cái đứa ế chỏng ế chơ lại làm cùng một công ty cơ đấy! Sao chúng nó không tự yêu nhau đi mà phải cần đến mình nhỉ?”
Ối giời ơi! Sao cặp vợ chồng nhà này hợp nhau về mọi mặt thế nhỉ? Mà hợp nhất là sự vô duyên ấy! Tôi thấy bà Vịt liếc ông Chấu một cái sắc lẹm. Còn tôi, chả dám liếc ai nữa, mặt đỏ như gấc chín mà lòng thầm mong tìm thấy một lý do nào đó hợp lý để chuồn khỏi tình huống trớ trêu này. Ôi, ai cứu tôi không?
Cuối cùng, chả ai cứu tôi cả, tôi phải ăn uống trong một không khí rôm rả nhưng rất gượng gạo. Sếp Kều cũng thế, tôi thấy anh ta liên tục ho hắng và liếc mắt về phía tôi. Khổ, sao đến giờ tôi mới nhận ra “nhan sắc” của sếp tôi cũng có nét tương đồng với ông Chấu nhỉ? Người cũng nhỏ, mắt cũng ốc nhồi, da cũng đen, may mà sếp tôi không đến nỗi gầy quắt như ông Chấu nếu không thì không biết trông còn thảm hại đến chừng nào. Mà ông Chấu, bà Vịt này cũng lạ, ai cho ông bà cái quyền liệt kê cháu vào dạng gái ế kia chứ, cháu chưa sốt sắng tìm chồng thì thôi, việc gì mà ông bà phải nhiệt tình quá mức như vậy chứ.
Ô, mà cũng đúng thôi, có vẻ như ông bà ấy sốt ruột cho đứa cháu trai địa vị ngon lành nhưng nhan sắc có hạn của mình nên mới bày ra cái trò mai mối này. Thật bực mình, chẳng nhẽ ông bà Chấu - Vịt đánh giá tôi thấp đến nỗi tôi chỉ xứng đáng với một người có “dung nhan” tầm cỡ sếp Kều thôi sao? Mắt của ông bà có vẻ có vấn đề rất lớn đấy, sau đợt này, tôi hứa sẽ đưa ông bà đến viện Mắt khám xem tình hình thế nào.
Suốt cả bữa ăn, tôi rất kiệm lời, ai hỏi gì tôi nói nấy, không phải vì tôi ngại hay là đóng kịch để gây ấn tượng là cô gái nhu mì, chẳng qua tôi im lặng là vì đang quá bận rộn với việc tìm kế chuồn càng sớm càng tốt. Nhưng, có vẻ mọi mưu kế đều bị vô hiệu hóa, cuộc nói chuyện vẫn rất rôm rả nhờ giọng nói như loa phát thanh phường của bà Vịt Bầu. Sếp Kều giờ đỡ choáng hơn, nên tiếp chuyện bà Vịt rất nhiệt tình, chỉ có tôi và ông Chấu là cun cút ngồi ăn như hai đứa trẻ con không được can dự vào chuyện người lớn vậy.
Bữa tối cuối cùng cũng kết thúc, ông Chấu nhiệt tình giành phần rửa bát còn tôi thì mừng quýnh, lấy lý do bận việc nên cáo từ sớm. Sếp Kều tiễn tôi ra sân, anh ta có vẻ ngài ngại.
“Hóa ra cả hai chúng ta lại có duyên nhỉ? Hôm nay anh không nghĩ là sẽ gặp em ở đây.”
“Vâng, ai mà đoán được thế chứ! Em bị lừa một vố đau quá sếp ạ, cứ tưởng được mời ăn cơ!”
Do đang cơn bức xúc nên tôi tuôn ra câu nói đó, nói xong mới rụt lưỡi lại, thầm chửi mình thật ngu ngốc. Sếp Kều nhìn tôi cười:
“Dù sao cũng được ăn rồi còn gì!”
“Dạ vâng! Thôi, em về... sếp vào trong đi!”
Sếp Huân gật gật đầu, tôi đi được mấy bước chợt ngoái lại dặn sếp:
“Chuyện này đừng để lộ ra ở công ty sếp nhé! Dở hơi lắm.”
Sếp Kều lại bật cười, xoa xoa mũi.
“Ừ, tôi còn phải bảo vệ thanh danh của mình chứ!”
Là sao? Ý anh ta là nếu người ta biết anh ta đi gặp tôi thì mất hết thanh danh à? Anh nghĩ anh cao giá lắm chắc? Tôi hậm hực về phòng, vừa đóng cửa lại đã thở phào nhẹ nhõm. Được rồi, dù anh ta có nghĩ gì về tôi đi nữa thì tôi cũng cóc thèm quan tâm, miễn sao từ nay trở đi đừng bị bà Vịt, ông Chấu ghép đôi như thế là tốt lắm rồi. Tôi cố gắng kiềm chế lắm nhưng cuối cùng đành phải nhảy vào mạng facebook và rú lên một câu rằng “Tôi không phải là gái ế!”. Ngay lập tức “NGỰA NON HÁU ĐÁ” (tức Bắp Ngô) nhảy vào like, kèm theo một cái mặt cười là một câu bình luận rất có tinh thần ném đá: “Không phải chống chế”. Tôi điên tiết tắt facebook và leo lên giường nằm mở nhạc nghe. Thà nằm nghe nhạc sến còn hơn phải loanh quanh cãi nhau với Bắp Ngô trên mạng. Hôm nay quả là một ngày nhiều chuyện với tôi!
Chương 10: Đủ thứ chuyện loằng ngoằng
Chương 10.1
Không biết có phải vì tôi đã nhét căng một bụng thức ăn trong bữa cơm mai mối bất đắc dĩ của bà Vịt Bầu hay không mà vừa leo lên giường đã ngủ say như chết. Trong giấc ngủ, tôi nghe loáng thoáng có tiếng chuông điện thoại, nhưng không thể nào chống được cái mí mắt đang sụp xuống nên tôi đành buông em “dế” ra và ngủ một mạch đến sáng.
Khi tiếng chuông đồng hồ báo thức reo đến lần thứ ba, tôi mới uể oải bò dậy, đánh răng, rửa mặt qua loa rồi “chui” tạm vào bộ quần áo lấy từ trong tủ ra. Trước khi xách túi đi làm, tôi kịp liếc mình trong gương, thấy mọi thứ có vẻ ổn, ngoại trừ vài cọng tóc đang chổng ngược lên trên đầu. Tôi vuốt vuốt lại cho nó xẹp xuống và anh dũng bước ra ngoài.
Lụi cụi dắt được con ngựa già ra cổng thì thấy một cảnh tượng vô cùng bi tráng trước mắt, ông Chấu khốn khổ đứng khép nép run rẩy một bên còn bà Chấu lừng lững án ngữ ngay giữa cổng, mắt không ngừng liếc xéo về phía ông. Lại có chuyện rồi, cái đôi vợ chồng già này không ngày nào mà không có “chiến sự” và không có “chiến sự” nào là không gay go quyết liệt, ai cũng có chiến thuật riêng, cũng bày binh bố trận rồi có khi cũng đổ một ít máu nữa chứ chẳng vừa đâu. Nhìn dáng đứng như hổ vồ, voi cuốn của bà Vịt, tôi lại thấy thương ông Chấu biết nhường nào, lấy phải một bà vợ như thế thì làm sao mà béo lên cho được. Thôi thì, coi như kiếp này ông xui xẻo nên cứ ém mình mà chờ đợi kiếp sau ông Chấu nhé!
Tôi thương ông Chấu vậy thôi, chứ chẳng bao giờ tôi dám thốt ra miệng, tôi sợ bà Vịt mà nghe thấy thì lại chạnh lòng, mà mỗi lần bà buồn phiền gì đó về tôi thì y như rằng giá nước, giá điện sẽ tăng lên một chút. Vì vậy, tốt nhất là tôi cứ âm thầm quan sát các cuộc đụng độ của hai ông bà, và “giúp đỡ” phía sau chứ không bao giờ ra mặt. Lần này cũng không ngoại lệ, dù rất cảm kích vì bữa cơm hôm qua nhưng tôi vẫn quyết định điềm nhiên dắt xe qua cổng chứ nhất quyết không làm “Lục Vân Tiên” tả xung, hữu đột can ngăn nữa.
Khi tôi cố nở một nụ cười trước khi tìm đường lách xe qua người bà Vịt, thì không khí dường như đông cứng lại. Bà Vịt đứng im, nheo mắt lướt nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi đánh mắt sang phía ông Chấu. Ông Chấu cũng nheo mắt y như thế rồi liếc sang bà Vịt. Ôi, quái lạ! Vợ chồng nhà này lại chơi kiểu cãi nhau bằng “kịch câm” chăng? Công nhận, cãi nhau mà sáng tạo thế này chắc hàng xóm láng giềng được nhờ lắm, đỡ phải điếc tai.
Tôi lại mất công cười thêm một lần nữa, cơ mặt của bà Vịt đột nhiên giãn ra. Ông Chấu ngay lập tức lao đến, chặn xe tôi, hất hàm bằng thứ giọng bạc nhược quen thuộc của mình:
“Dừng lại!”
“Có chuyện gì vậy ông bà? Cháu sắp muộn giờ làm rồi đấy!”
Bà Vịt khoanh tay, lướt mắt thêm một lần nữa từ đầu đến chân làm tôi nổi hết cả da gà. Khiếp! Tôi có cảm giác như bà ấy coi tôi là miếng thịt quay béo ngậy dễ ăn ấy! Bà Vịt lừng lững tiến tới:
“Đi làm mà mặc thế này à? Quá xấu!”
Ông Chấu cũng hùng hổ đế thêm vào “Quá xấu!”
Tôi ngơ ngác nhìn hai người, bà Vịt đi một vòng quanh người tôi kéo kéo tóc tôi lên, chun mũi vẻ không hài lòng:
“Tóc nữa, tóc quá rối!”
Ông Chấu gật gù vẻ đồng tình. Tôi há hốc mồm nhìn hai ông bà, chẳng lẽ tối qua uống nhiều rượu quá đến giờ vẫn chưa tỉnh hay sao? Bà Vịt chả thèm quan tâm đến sự ngỡ ngàng của tôi, bà lăm lăm kéo tôi về phòng.
“Vào thay váy, váy đẹp đẹp vào!”
“Cháu thích mặc quần... mà cháu mặc gì thì có liên quan gì đến...”
Tôi chưa kịp nói hết câu, ông Chấu đã vội vàng chống nạnh, hét lên:
“Sao không liên quan? Cháu phải gây ấn tượng với sếp cháu chứ!”
“Đúng! Từ nay trở đi, không được ăn mặc xuề xòa như thế nữa! Vào, thay ngay váy cho tôi!”
“Nhưng mà... cháu chả thích... với cả chả cần gây ấn tượng gì hết đâu.”
“Nói không nghe à? Không gây ấn tượng được với thằng Huân thì mày đừng hòng... được ở trọ nhà này nữa! Nhanh... thay váy!”
Ông Chấu cũng cố rướn giọng hét vào tai tôi:
“Đúng! Mày mà không làm nên cơm cháo gì thì tháng này tiền trọ tăng gấp đôi! Tiền nước nữa, cũng gấp đôi nốt!”
Bà Vịt vừa lườm ông Chấu, vừa lôi xềnh xệch tôi vào phòng, chốt cửa lại và bắt đầu quá trình hì hục lục trong tủ đủ các loại quần áo ướm lên người tôi để ngắm. Tôi chỉ chống chế yếu ớt được mấy câu nhưng đều bị bà Vịt gạt đi hết! Than ôi! Giờ mới hiểu được tâm trạng bất lực và cam chịu của ông Chấu bấy lâu nay, tôi thương ông quá! Trước nay, tôi cứ quy kết ông là hèn, nhưng đứng trước một mụ vợ chuyên “lấy thịt đè người” như bà Vịt thì dù có muốn vùng lên đến mấy cũng đành cúi đầu bất lực thôi.
Loanh quanh mãi, cuối cùng bà Vịt cũng tròng được vào người tôi một chiếc váy màu ghi, bà túm tóc tôi tết lại thành một con... rết từ đỉnh đầu xéo xuống. Tôi liếc mình trong gương, ôi chao, bà Vịt trông thế mà cũng thời trang phết, nhìn tôi cũng “xì-tin” và dịu dàng giống như ai. Bà Vịt quả là lắm tài lẻ, chửi nhau hay, nấu ăn ngon, mà tết tóc, trang điểm cũng đâu ra đấy! Quả thật, bấy lâu nay tôi đã đánh giá sai con người này rồi.
Sau khi “tân trang” xong đâu đấy, bà Vịt đẩy tôi ra xa, ngắm lại một lần nữa rồi gật gù hài lòng:
“Tốt rồi! Giờ thì đi đi.”
“Bà làm cháu muộn giờ làm rồi đấy, cháu bị phạt nửa ngày lương thì ai đền cho cháu đây!”
“Lằng nhằng, muộn giờ làm còn hơn là muộn chồng con ạ!”
Tôi há mồm định cãi, bà nhầm to rồi, tôi hoàn toàn không phải là gái ế đâu nhé! Nhưng bà Vịt đã kịp đẩy tôi ra cửa bằng cánh tay hộ pháp của mình, bà dúi tôi lên xe, kèm theo một lời “đe dọa”:
“Từ ngày mai, phải ăn mặc như thế đi làm, nếu không là không ra khỏi cổng được với bà già này đâu.”
Thấy bộ dạng hùng hổ của bà Vịt, tôi đành ngậm miệng, gật gật vài cái lấy lệ rồi leo lên xe phóng vút đi. Thế coi như xong rồi, muộn mất gần hai mươi phút, trong một tháng mà đi làm muộn đến ba lần, lần nào cũng muộn đau muộn đớn, muộn đến nỗi không thể cứu vãn được mới chết chứ, nghĩ đến việc tiền lương bị cắt xoèn xoẹt vì những lý do đi muộn không đâu của mình khiến tôi buốt lòng ghê gớm.
Tôi nhè nhẹ đi vào phòng, kéo ghế ngồi cố để không gây một tiếng động nào, tôi không muốn gây chú ý cho mọi người ở phòng làm việc, bởi kiểu gì tí nữa cũng sẽ có cả một trận “mưa” bàn tán vây quanh nhân vật chính là tôi ngay. Tôi thở phào vì hình như mọi người quá bận rộn mà không để ý đến sự xuất hiện của tôi, tôi lặng lẽ cắm mặt vào đống tài liệu về công ty New Style như thể mình đã có mặt ở đây từ lúc sáu giờ sáng chứ không phải chín giờ như vừa nãy ấy!
Đột nhiên, có tiếng gõ nhẹ nhẹ lên mặt bàn, không cần ngẩng lên tôi cũng biết đó là sếp Thành, lại rủ đi ăn cơm cho mà xem, nhưng lần này tôi nhất quyết từ chối. Tôi không thể cả nể mãi được, tôi biết dư luận bàn tán gì đằng sau tôi, và cũng nhạy cảm để biết rằng sự thân thiết giữa tôi và sếp Thành có gì đó thật... không bình thường. Đương nhiên, vấn đề mờ ám là ở phía sếp, còn tôi thì hoàn toàn vô tư và vô can, tôi chẳng qua chỉ bất đắc dĩ mới thân với sếp Thành, chứ ai dại gì mà “bám” lấy chứ.
Bàn tay không kịp gõ đến lần thứ ba thì tôi đã vội vàng lên tiếng mặc dù mặt vẫn cắm vào màn hình máy tính chứ không dám nhìn thẳng lên.
“Em xin lỗi, hôm nay, em...”
“Xin lỗi vì đi làm muộn à?”
Tôi cứng người, giọng nói này không phải giọng của sếp Thành! Tôi vội vã ngẩng đầu lên và ôi thôi, đôi mắt ốc nhồi đang chăm chú nhìn tôi mỉm cười. Tôi vội vã đứng bật dậy, lắp bắp:
“Sếp... sếp Huân! Em cứ tưởng là...”
“... Thành phải không? Em đang chờ Thành à?”
“Dạ... không! Em chỉ... nói như thói quen thôi.”
“Thói quen sao? Thói quen như thế là không tốt đâu.”
Mặt sếp Huân Kều nhíu lại, ôi, bình thường mặt sếp giãn ra bao nhiêu cũng không thể đẹp trai lên được, giờ lại nhíu mặt chau mày thế này thật khó coi quá. Sếp Kều tủm tỉm cười, lôi trong túi áo ra chiếc khăn tay tôi đưa cho sếp bịt mũi từ hôm trước.
“Anh trả lại chiếc khăn hôm trước em cho anh mượn.”
“Ô! May quá! Em cứ tưởng mất luôn rồi cơ!”
Ối giời ơi! Cái mồm, cái mồm thật là đáng chết! Khổ quá, sao cái mồm luôn hại cái thân thế nhỉ. Tôi bối rối che miệng, sếp Huân Kều cười sảng khoái khiến cả văn phòng quay lại nhìn chúng tôi như người ở hành tinh khác đến vậy.
“Sao? Em nghĩ là anh sẽ lấy nó luôn mà không trả à?”
Tôi hoảng hốt phân bua:
“Không! Ý em là... em quên mất là đã đưa nó cho sếp, em tưởng em vứt đâu mất rồi.”
Sếp Huân Kều gật gật đầu:
“Anh cũng định chôm luôn, nhưng nghĩ lại, chắc em chẳng có cái khăn nào ngoài cái này nên trả lại đấy!”
Tôi cố gắng cười một cách tự nhiên nhất, đón lấy chiếc khăn rồi cho vào túi. Sếp Kều đi được mấy bước chợt quay lại nói nhỏ:
“Hôm nay ăn mặc có vẻ không giống em ngày thường cho lắm! ... À mà... chắc em phải thay dầu gội khác đi, sẽ gặp nhau nhiều đấy!”
Tôi sững người, không kịp nghĩ gì nhiều nên “vâng” đại một tiếng cho xong. Sếp Kều thong thả rời phòng làm việc, nhưng sếp không biết rằng sếp vừa “thả” một cơn sóng thần cực mạnh vào phòng này. Bằng chứng là sau đó, tôi ngoái lại thấy tất cả ánh mắt ở trong phòng đều mở to hết cỡ nhìn tôi, cái nhìn vừa bàng hoàng, vừa sửng sốt, vừa xen lẫn sự đố kỵ. Thôi xong, lại gây thị phi tiếp rồi. Trăng Thanh ơi là Trăng Thanh, cứ cố chăm chỉ hiền lành bao nhiêu cũng không thể thoát khỏi những tình huống gây nhiều lời đồn thổi. Tôi muốn sống yên ổn mà nào có được đâu, mà cái ông sếp Huân Kều này cũng kỳ cục thật, còn bao nhiêu chỗ kín đáo hơn thì không tận dụng, lại cứ nhất định “xông” vào chỗ “tai vách mạch rừng” làm gì chứ.
Cả ngày hôm ấy, trong lúc tôi cắm cúi tìm ý tưởng lên kịch bản cho buổi biểu diễn show Mùa Xanh của đối tác New Style thì các bạn đồng nghiệp tụm năm tụm ba xì xào với nhau, thi thoảng có người liếc về phía tôi tỏ vẻ cảnh giác lắm. Tôi thừa biết nhân vật trung tâm của câu chuyện là ai, cũng thừa biết họ sẽ bàn tán những gì, nhưng, thôi kệ, mình đã trót gây nên thị phi thì hãy chấp nhận đương đầu với nó. Mà cách đương đầu tốt nhất vào lúc này là cứ bơ đi, coi như không biết, không nghe, không thấy cho nhẹ lòng.
Chương 10.2
Tôi đã cố tình tảng lờ những soi mói quanh mình, nhưng cái môn “đưa chuyện” này thật lạ, mình càng bơ đi thì nó càng lan nhanh. Việc buôn chuyện cứ như một món ăn, người đầu tiên nếm được, thấy nhạt bèn cho thêm ít muối để người thứ hai thưởng thức, cứ thế, người thứ hai cho thêm ít đường, người thứ ba cho thêm quả ớt... Và khi, món ăn đó không thể cho thêm một thứ gia vị nào nữa thì nó được đặt lên bàn và mọi người xúm quanh nó để mổ xẻ, phân tích, phê phán và rao giảng đạo đức như chính họ mới là bậc vĩ nhân trong sáng vô ngần vậy. Tôi thì chả bao giờ dám nhận mình trong sáng, thánh thiện, cũng chẳng bao giờ dám mở mồm ra rao giảng đạo đức với ai, đơn giản vì bản thân tôi chả bao giờ tin vào lời nói của những kẻ thường lên mặt, vỗ ngực nói với người đời rằng tôi sống tử tế cả. Tôi nghĩ, phàm những kẻ mở miệng là lý luận về đạo đức thì chưa chắc họ đã sống đúng với lời họ nói ra.
Cả ngày làm việc mà thi thoảng vẫn phải đối diện với những cái liếc trộm rất “chuyên nghiệp” của các chị mái già trong phòng làm một đứa phớt đời như tôi cũng cảm thấy khó chịu. Tôi định bụng sẽ trốn về sớm, đi lang thang ăn uống gì đó cho đỡ bị stress thì có điện thoại của Bắp Ngô. Ô, sao anh chàng này luôn luôn xuất hiện đúng lúc tôi có nhu cầu ăn uống, chẳng lẽ thượng đế gửi hắn xuống để phục vụ cái dạ dày của tôi sao? Nếu thế thật thì con xin cảm ơn thượng đế nhiều lắm, vì nhờ có ngài mà từ hồi quen hắn đến giờ con không tốn một xu tiền ăn chơi nào.
Bắp Ngô nói ngắn gọn là đang định qua đón tôi đi chơi. Tôi như người chết đuối vớ được cọc, vội vã đọc địa chỉ công ty cho hắn rồi ôm túi chuồn khỏi phòng ngay lập tức. Tôi thà xuống sớm để đứng ngắm nghía đường phố một tí còn hơn là ngồi dè chừng lời ong tiếng ve trong văn phòng cho nhức đầu. Thực ra, tôi chả bao giờ bực mình vì lời dị nghị của những người không liên quan đến cuộc sống của mình, nhưng đôi khi cũng có cảm giác thật ngột ngạt khi phải đối diện với nó một cách bất đắc dĩ như thế này. Nếu bạn là trung tâm của mọi sự chú ý, bạn sẽ hiểu cảm giác ngộp thở và bí bách giống tôi thôi.
Bắp Ngô phi xe máy đến, lướt qua tôi rồi bất chợt phanh xe ngoái đầu nhìn lại. Hắn vòng xe lại, mặt gườm gườm nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi chột dạ nhìn xuống cả người mình. Ô, có hở hang cái gì đâu mà nhìn khiếp thế? Bắp Ngô đẩy cặp kính trễ dưới sống mũi lên cao rồi gằn giọng:
“Ăn mặc, tóc tai kiểu gì mà trông dị hợm thế?”
Cái gì? Dị hợm á? Đúng là mắt hắn phải đeo thêm cặp kính dày hơn chừng vài phân nữa mới xứng ấy! Lâu lắm tôi mới mặc váy bó sát, tết tóc lệch, trang điểm kỹ càng thế này mà hắn “phun” ra từ dị hợm sao? Tôi nheo mắt, mặt thản nhiên nhìn hắn:
“Anh cận bao nhiêu độ rồi? Có cần phải đi đo lại mắt không?”
“Thôi khỏi, chỉ cần nhìn cô là tôi đau mắt rồi, có đo cũng chả chính xác được.”
Tôi giậm chân, bặm môi lườm hắn. Bắp Ngô kéo tay tôi.
“Lên xe! Tôi đói rồi!”
Lên thì lên, anh tưởng mình anh đói chắc, tôi cắm cảu leo lên xe mà chả thèm đôi co qua lại làm gì cho tốn công, tốn sức. Bắp Ngô vít ga đột ngột khiến tôi suýt nữa thì ngã nhào ra phía sau, may mà với tay ôm được... eo của hắn. Tôi vội vàng thu tay về và ngồi đung đưa chân hát nghêu ngao bài hát về mùa đông Hà Nội. Không phải tôi yêu đời mà chẳng qua tôi không có cách nào khác để thoát khỏi sự bối rối khi “tự tiện” ôm eo hắn mà thôi.
Chúng tôi dừng lại ở hàng Bò nầm nướng vỉa hè, mùi bơ trên chiếc bếp nướng tỏa ra thơm phức khiến cái dạ dày yêu quý của tôi không ngừng gào thét đòi ăn. Bắp Ngô thật sành ăn, giữa cái lạnh tê tái của mùa đông thế này mà ngồi nhấm nháp đồ nướng thì còn gì tuyệt hơn chứ. Vừa nhìn thấy đĩa thịt bê ra, tôi đã sung sướng xông vào “tả xung hữu đột” trên cái nồi nướng nhỏ. Bắp Ngô lừ lừ gạt đũa ra, hỏi bằng cái giọng rất chi là xách mé:
“Có mang nhiều tiền không mà gắp lia lịa thế hả?”
“Hâm à, tôi đi làm chứ có phải đi chơi đâu mà mang theo nhiều tiền.”
“Vậy thì gọi hạn chế thôi nhá! Không thì cô nhớ xem trên người có gì giá trị để cắm không đã.”
Tôi ngừng nhai, đánh mắt sang phía Bắp Ngô, vẻ ngạc nhiên:
“Ơ, tôi tưởng anh mời tôi?”
“Tôi mời cô hồi nào? Tôi chỉ rủ cô đi ăn chứ có nói mời đâu.”
“Rủ thì cũng như mời rồi còn gì!”
“Vớ vẩn, rủ là rủ mà mời là mời, hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, cũng như trong phẫu thuật ấy, mổ ruột thừa khác hẳn với mổ dạ dày.”
“Thôi ngay cái giọng phẫu thuật học của anh đi, người nhìn cũng không đến nỗi mà sao lại ky kiệt thế! Mời con gái một bữa anh cũng xót à?”
Bắp Ngô vẫn điềm nhiên gắp thịt bỏ vào mồm, chả có tí biểu hiện gì gọi là bị kích động cả.
“Chưa biết ai ky kiệt hơn ai! Tôi mời cô bao nhiêu bữa còn cô đã mời tôi bữa nào đâu.”
Ờ, ừ nhỉ, quả đúng là bao lâu nay tôi đi ăn từ nhà hàng đến hè phố, từ karaoke đến trà đá đều do hắn chi hết, tôi chưa bao giờ phải móc hầu bao ra một lần nào. Ôi, thực ra là do tính tôi vô tâm chứ tôi không hề bủn xỉn đến mức ấy đâu. Tôi vội vã nhếch môi cười một nụ cười thân thiện với Bắp Ngô, nhưng kỳ thực miếng thịt bò đang ngậm trong miệng tôi đã đắng ngắt, khó nuốt lắm rồi. Dù vậy, tôi vẫn vung đũa, tỏ vẻ anh hùng:
“Thế thì hôm nay anh ăn tẹt ga đi! Tôi mời!”
“Tuyệt! Tôi không khách sáo đâu.”
Tôi cũng đập đũa xuống bàn, thể hiện bản lĩnh ta đây là một con người phóng khoáng và hào sảng, tôi lên giọng:
“Khỏi khách sáo, anh cứ ăn thoải mái, miễn là giới hạn trong vòng hai trăm nghìn là được!”
“Cái gì? Hai trăm nghìn thôi á? Cô cũng chịu chi phết nhỉ?”
“Chuyện! Tôi mà lại, đây là khoản to nhất từ trước đến giờ tôi chi cho một người đàn ông đấy! Đừng có kiện cáo vớ vẩn.”
Bắp Ngô ngừng đũa, nhìn tôi vẻ nghi hoặc:
“Thật á?”
Tôi gật đầu, đũa vẫn nhằm thẳng vào miếng thịt vàng ươm đang xèo xèo trong nồi. Bắp Ngô nhỏ giọng xuống:
“Thế thì tốt! Tôi sẽ không đòi thêm đâu.”
Tôi lườm Bắp Ngô, gớm, có đòi thêm thì tôi cũng chẳng có mà chi cho anh đâu. Tự nhiên mất hai trăm nghìn với tôi là đủ xót xa lắm rồi đấy. Bắp Ngô ngồi cười tủm tỉm, bất chợt ngẩng mặt lên nhìn tôi rồi nhíu mày vẻ khó chịu:
“Ai bảo cô sáng tạo ra một con rết loằng ngoằng trên đầu thế?”
“À, bà Vịt Bầu, sáng nay bà ấy bắt tôi phải làm thế nếu không sẽ không được ra khỏi cổng.”
“Bà ấy có vẻ nhiệt tình với cô nhỉ? Còn tìm chồng giúp cô nữa kia mà.”
Tôi giật thót mình, nghiêng người nhìn sang Bắp Ngô. Mặt hắn không có biểu hiện gì bất thường hết.
“Sao... sao anh... biết?”
“Tôi cái gì chả biết, chẳng qua không thích nói mà thôi.”
“Anh theo dõi tôi đấy à?”
“Hâm à, tôi làm gì có thời gian, nhưng mà... tôi có nội gián.”
“Ai? Ai?”
“Dại gì mà khai! Mà này, cái người mà bà Vịt giới thiệu cho cô ấy, anh ta thế nào? Đẹp trai bằng tôi không?”
Bắp Ngô hất hất mái tóc đầy kiêu hãnh, tôi bĩu môi, nghĩ đến sếp Huân Kều. Giời ạ, nếu so sánh hai người này với nhau thì thật là khập khiễng quá mức.
“Đẹp nỗi gì, thấp ngang bằng tôi, mắt ốc nhồi, miệng rộng, mũi tẹt! Được mỗi cái làm sếp to thôi.”
Bắp Ngô gật gù:
“Thế á? Bà Vịt này thật là quá đáng, sao lại đánh giá cô...”
Tôi chồm lên, hùng hổ vung đũa, cảm giác bất mãn từ hôm trước đến giờ lại trào lên. Đấy, may mà Bắp Ngô hiểu được giá trị của tôi, chứ không đánh giá tôi quá thấp như bà Vịt Bầu, tôi uất bà ấy lắm mà nào có làm được gì. Hôm nay, nhân thể thấy Bắp Ngô hiểu được mình, tôi xởi lời cướp lời:
“Bà ấy đánh giá tôi quá thấp đúng không? Tôi uất mãi đấy.”
“Uất á? Tôi thì đang tức vì thấy bà ấy đánh giá cô quá cao đấy! Nhìn cô làm gì có dáng làm phu nhân của sếp to chứ!”
Ặc! Suýt nữa miếng thịt đang nuốt dở chẹn ngang họng, tôi hóc lên hóc xuống mấy lần mới đủ sức liếc một cái “căm hờn” về phía Bắp Ngô. Hắn vừa rót nước đưa cho tôi vừa an ủi:
“Thôi, sống phải biết nhìn thẳng vào sự thật chứ, ăn nhanh còn về!”
Còn lòng dạ nào để ăn nữa đây? Sao dạo này hắn luôn kiếm cớ để dìm tôi hết lần này đến lần khác thế nhỉ? Xung quanh tôi đàn ông tử tế biến đi đâu hết rồi? Bắp Ngô dường như thấy mặt tôi không lấy gì làm vui vẻ lắm nên đề nghị là sẽ mời tôi bữa hôm nay, còn hai trăm của tôi coi như để lần sau trả nợ. Nghe xong câu đó, lòng tôi bớt rầu rĩ hơn hẳn, những miếng thịt nướng vàng ruộm vì thế mà cũng ngon hơn bao giờ hết, dù sao, Bắp Ngô không đến nỗi quá tệ, đúng không?
Bắp Ngô thấy sắc mặt tôi hồng hào trở lại thì mặt cũng giãn ra vài ba phần. Hắn nhìn mặt tôi dò xét.
“Này, Chủ nhật này tôi không phải trực, chúng ta kiếm chỗ nào hay ho đi chơi xả stress đi.”
“Không được rồi, Chủ nhật này tôi phải lên trại dưỡng lão ở Sơn Tây.”
“Cái gì? Cô đã đến tuổi phải lên trại dưỡng lão rồi à?”
“Vớ vẩn! Tôi lên thăm bà tôi!”
“Tôi đưa cô đi nhé!”
“Tôi tự biết đường đi, nhờ vả bất tiện lắm.”
“Có gì mà bất tiện, tôi cũng muốn đi đâu đó để thay đổi không khí. Với lại, tiện thể tôi kiểm tra sức khỏe cho các cụ luôn, được không?”
Ô, tưởng gì chứ thế thì quá được, tôi gật đầu lia lịa mà không cần nghĩ ngợi thêm điều gì. Nhân tiện, tôi cũng “buôn” thêm tình hình ở trại dưỡng lão cho Bắp Ngô nắm rõ để hắn khỏi bị sốc. Bắp Ngô nghe tôi nói bằng gương mặt hân hoan thật sự. Nhìn hắn, tôi chợt cảm ơn cuộc đời đã run rủi cho tôi gặp một tay bác sĩ tuy hơi kỳ quặc nhưng có một tấm lòng rộng mở. Dù hay khắc khẩu với Bắp Ngô, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn tin rằng hắn là một bác sĩ có tâm.
Chương 10.3
Ngày Chủ nhật, mùa đông vẫn lạnh se lòng, nhưng trời lại hửng nắng. Ánh nắng giữa mùa đông khiến không khí vốn khô đã trở nên khô rát hơn, nếu ai đã trải qua mùa đông ở Hà Nội sẽ cảm giác được sự khô khốc trên da thịt, trên môi mình mỗi lần một cơn gió hoặc ánh nắng rọi vào người. Tôi và Bắp Ngô chuẩn bị các loại thức ăn, thuốc thang cho bà và các cụ ở trại dưỡng lão. Chúng tôi chất đầy chúng lên chiếc xe ô tô màu ghi đi mượn của Bắp Ngô. Cả hai lên đường với niềm hân hoan khó lòng che giấu.
Tôi vui vì sắp được sà vào lòng bà, lại ngửi mùi trầu cay nồng vương vấn trên ngực bà, lại nghe giọng hỏi nhè nhẹ của bà “Cô là ai?”. Tôi đã không còn khóc khi nghe câu hỏi đó nữa, tôi nghĩ mỗi lần bà hỏi, tôi lại có cơ hội được nhắc để bà nhớ “Cháu là Trăng Thanh đây ạ” và mỗi lần như thế, mắt bà lại ánh lên niềm vui, một niềm vui rất mới.
Tôi không biết Bắp Ngô vui vì điều gì, chỉ thấy hắn cười và hát suốt dọc đường đi, thi thoảng quay sang tôi, kích động để tôi hát cùng. Chúng tôi vừa đi vừa hát nên cảm giác quãng đường lên trại dưỡng lão thật là ngắn. Thi thoảng tôi liếc trộm Bắp Ngô, hắn vẫn đẹp trai, điềm đạm, chín chắn chứ không có vẻ đêu đểu bất cần như Ria Mép. Một người đàn ông có vẻ ngoài như Bắp Ngô rất dễ khiến các cô gái tin cậy mà dựa vào, nhưng, tại sao Bắp Ngô lại “đi về lẻ bóng” thế nhỉ? Chẳng lẽ do yêu cầu của hắn quá cao? Mà cũng có thể do hắn quá kiêu? Chả biết được, cá nhân tôi thì thấy tính cách hắn đôi khi hơi khó chịu, chắc vì thế mà con gái gặp hắn vài lần đã chạy mất dép cũng nên.
Chúng tôi lên đến trại dưỡng lão và được chào đón bởi rất nhiều cái ôm, cái nắm tay của các cụ già. Không ở đâu lại quý người như ở đây, với các cụ, chỉ cần có người đến thăm thì đó là người nhà của cả trại, ai cũng muốn đến nắm tay, hỏi thăm dăm ba câu về sức khỏe và công việc của chúng tôi. Các cụ còn quây quần hết ở phòng bà tôi, nói chuyện rất rôm rả, đôi khi là những câu chuyện về quá khứ xa lắc lơ nào đó, đôi khi chỉ là những câu chuyện tưởng tượng không đầu không cuối. Nhưng, chẳng ai ngắt lời ai, các cụ lắng nghe nhau một cách hào hứng và đầy trân trọng. Có những câu chuyện lần nào lên tôi cũng được nghe ít nhất một lần, nhưng mỗi lần nghe lại tôi lại ứa nước mắt. Tôi thương bà, thương các cụ, mọi người ở đây dường như sống với quá khứ và sự tưởng tượng nhiều hơn là với nỗi cô đơn hiện tại. Đành rằng mỗi người có một hoàn cảnh đưa đẩy để vào đây, nhưng tất cả ở họ đều có một điểm chung, đó là sự cô đơn. Mà trong cuộc sống này, không có gì kéo người ta xích lại gần nhau hơn là sự cô đơn, cô đơn có khi giết chết tâm hồn một con người, nhưng có khi lại khiến trái tim họ trở nên rộng mở hơn để bao dung và cảm thông cho nhiều người khác.
Khác với dự đoán của tôi, sự xuất hiện của Bắp Ngô khiến khu trại của bà trở nên rôm rả hơn nhiều, tôi từ chỗ là “nhân vật chính” đã bị đẩy xuống đóng vai “quần chúng” một cách phũ phàng. Các cụ bà thi nhau nắm tay và tấm tắc khen Bắp Ngô “xinh trai”, dễ thương. Khỏi phải nói, Bắp Ngô đứng trong vòng vây của các cụ thì mặt cười tươi như hoa nở. Thế đấy, suốt ngày tự nhận mình đẹp trai, giờ có người khác khen thì chả phồng hết cả mũi lên.
Tôi đang lườm nguýt hắn thì đột nhiên bà Tiến, người ở cùng phòng với bà tôi cất tiếng hỏi:
“Thế hai đứa bao giờ cưới vậy?”
Tôi sững người ngơ ngác:
“Hai đứa nào cơ ạ?”
“Hai đứa này chứ đứa nào nữa! Cháu với anh bác sĩ đẹp trai này ấy.”
Tôi đỏ lừ hết cả tai, liếc vội sang Bắp Ngô, hắn cũng đang liếc mắt nhìn tôi. Hai ánh mắt chạm nhau chợt quay đi rất bối rối. Bắp Ngô mỉm cười, xoa hai tay vào với nhau:
“À... cũng... sắp... rồi bà ạ.”
“Sắp là bao giờ? Phải xác định đàng hoàng chứ!”
Úi giời ơi! Các cụ bắt đầu nhao nhao lên đòi chúng tôi phải hứa một ngày cụ thể. Cụ nào cũng bảo cần biết ngày để đến chúc mừng. Bắp Ngô liên tục đánh mắt sang tôi, ô kìa, đây đâu phải là lỗi của tôi? Tại các cụ tự nghĩ ra đấy chứ, đừng có nhìn tôi bằng vẻ “căm hờn” như thế chứ. Tôi cố mỉm cười thân thiện, định bụng khi kết thúc nụ cười sẽ chuồn ra khỏi phòng cho đỡ ngại, nào ngờ các cụ nhất quyết đẩy tôi ngã nhào về phía Bắp Ngô và liên tục đòi Bắp Ngô phải quyết định. Cuối cùng, lắp bắp mãi, Bắp Ngô mới nói được:
“Dạ, nếu không có gì thay đổi thì là... sang năm ạ.”
“Cái gì mà không có gì thay đổi chứ? Anh vẫn còn có ý định thay lòng đổi dạ chứ gì?”
“Dạ... không! Cháu không có ý đó đâu ạ, chúng cháu đang cố góp tiền cưới mà.”
Các cụ gật gù tỏ vẻ thông cảm. Cuối cùng thì họ cũng chấp nhận lý do Bắp Ngô đưa ra và vui vẻ để cho Bắp Ngô thăm khám, còn tôi thì hỗ trợ chia thuốc.
Khi xong xuôi, Bắp Ngô hỏi thăm xem còn ai chưa được khám không thì bà Tiến thông báo là vẫn còn một người nữa, bà ấy không chịu ra khỏi phòng. Bắp Ngô nhiệt tình nhờ bà dẫn đến tận phòng bà ấy để khám, bà Tiến hơi ngần ngại nói:
“Nhưng bà ấy... kỳ quặc lắm.”
“Là sao ạ? Bà ấy có vấn đề về thần kinh ạ?”
Giọng Bắp Ngô nhẹ nhàng đến nỗi tôi cứ tưởng hắn vừa đi phẫu thuật cổ họng ấy. Thấy bà Tiến vẫn có vẻ bối rối, tôi bèn mạnh dạn lên tiếng:
“Bà cứ dẫn anh ấy đi đi ạ, không có gì phải ngại đâu ạ.”
Bà Tiến liếc tôi, gật gật đầu:
“Cháu vào cùng với nó nhé.”
“Tất nhiên rồi.”
Bà Tiến hình như đã trút bỏ được gánh nặng, hăm hở đi trước dẫn đường cho tôi và Bắp Ngô. Chúng tôi rẽ qua hai hành lang nhỏ, phòng của bà cụ “kỳ quặc” ở cuối hành lang thứ hai, căn phòng độc một chiếc cửa sổ, nhìn gọn gàng, sạch sẽ, trên bàn còn có một lọ hoa cắm đủ các loại hoa được trồng quanh sân trại dưỡng lão.
Mới liếc qua căn phòng, tôi nghĩ ngay đến bà cụ, chủ nhân của nó chắc chắn phải là người chỉn chu và lãng mạn. Có một điều hơi... choáng là trên tường có treo đầy ảnh của diễn viên Lý Hùng thời trẻ, ôi, thật tuyệt, hiếm ai đã đến tuổi này, phải vào đây sống mà lại vẫn giữ được niềm yêu thích “thần tượng” như cụ bà này đấy. Cụ quả là người thú vị có một không hai.
Khi thấy bà Tiến bước vào, cụ bà mỉm cười một cách lạnh nhạt để thay cho câu chào xã giao, đến lượt tôi cúi đầu chào, cụ cũng chỉ nhếch mép lên một cái rất nhẹ. Nhưng đến lượt Bắp Ngô xuất hiện, cụ nheo mắt rồi cười hết cỡ kèm theo cái giọng rất chi là... niềm nở.
“Ối, vào đây! Vào đây! Vào đây ngồi chơi.”
Bắp Ngô cũng cười dịu dàng đáp lại, trình bày việc muốn khám cho cụ. Cụ hớn hở liếc xéo tôi và bà Tiến rồi chìa tay ra:
“Khám à? Thế khám chân hay khám tay?”
“Khám tổng thể ạ.”
Tôi nhanh nhảu đáp lời, nhưng cụ không thèm đếm xỉa đến tôi, chỉ chăm chăm nhìn Bắp Ngô. Anh chàng bác sĩ có vẻ ngượng, cúi xuống mở túi lấy ống nghe, bà cụ vẫn chằm chằm nhìn hắn, đột nhiên, cụ giật giật tay Bắp Ngô:
“Đẹp trai quá! Cho bà thơm một cái được không?”
Ặc! Ô la la! Tôi suýt ngã ngửa khi nghe thấy lời đề nghị đó. Ôi, giờ thì tôi đã hiểu tại sao bà Tiến nói bà ấy “kỳ quặc” rồi! Trong thoáng chốc, tôi nhận ra Bắp Ngô đang hướng về tôi với ánh mắt cầu cứu tha thiết. Tôi đứng im, tảng lờ đi, định bụng sẽ trêu Bắp Ngô một trận. Bắp Ngô không thấy tôi có phản ứng gì thì vội vàng rụt tay lại:
“Không được đâu ạ! Cháu phải tập trung để khám cho bà chứ!”
Bà cụ chưng hửng, vẻ mặt thất vọng đến tội nghiệp. Một phần tôi thấy thương cụ, phần khác tôi nghĩ chuyện này cũng rất hay ho, cứ coi như Bắp Ngô sẽ học được một bài học vì thói kênh kiệu, coi mình là người đẹp trai nhất trần đời đi. Tôi đột ngột lên tiếng:
“Anh làm gì mà ghê thế, một cái thơm xã giao mà cũng chối là sao? Tội nghiệp cụ quá!”
Bắp Ngô trợn mắt nhìn tôi, bà cụ thì ngước mắt lên chờ đợi.
“Thơm một cái thôi mà!”
Ặc! Đây đúng là một bà cụ “biến thái” dễ thương. Tôi cười tủm tỉm, hùa vào:
“Kìa, anh làm như bà bị lây nhiễm không bằng ấy!”
Bắp Ngô lườm tôi, nhưng dưới ánh mắt chờ đợi của bà cụ, Bắp Ngô cúi xuống, chìa má mình ra, giọng nhỏ nhẹ:
“Một cái thôi bà nhé! Cái thơm này đáng lẽ cháu để dành cho cô gái kia cơ.”
Bắp Ngô chỉ tay về phía tôi, tôi đỏ mặt cúi xuống, hắn có muốn trả thù tôi vì tôi “kích động” bà cụ thì cũng không nên nói như thế giữa đông người chứ. Hắn ta quả không đơn giản như tôi tưởng.
Bà cụ vui mừng níu tay Bắp Ngô, rướn người lên thơm lên má hắn. Tôi thấy hắn vô cùng bối rối, còn bà cụ cười tươi hết cỡ. Ờ, được rồi, nếu anh cố tình móc mỉa làm tôi xấu hổ, thì tôi cũng sẽ cho anh biết tay cho chừa cái thói kiêu hãnh đi nhé. Nghĩ là làm, tôi vội vã nói to:
“Còn má bên kia nữa, trót thơm thì thơm hai bên cho nó cân.”
Lập tức, Bắp Ngô ném về phía tôi ánh mắt đầy căm hờn, nhưng không kịp nữa rồi, cụ già “biến thái” vươn người thơm chụt một cái vào má kia của Bắp Ngô rồi cười sung sướng. Bắp Ngô sững người sờ lên má mình rồi im lặng cúi xuống khám cho bà cụ mà không nói thêm lời nào.
Lúc đầu tôi có phần hả hê, nhưng sau đó, thấy thái độ của Bắp Ngô có vẻ không vui khiến tôi đâm ra lo lắng. Chẳng lẽ hắn giận tôi thật rồi? Tí nữa hắn mà giở chứng, không chở tôi về Hà Nội nữa thì phải làm sao đây? Trăng Thanh ơi hỡi Trăng Thanh, mày cứ sướng lên là bày trò, giờ xong xuôi đâu đấy, nghĩ đến hậu quả lại thấy hoang mang.
Tôi cứ nghĩ Bắp Ngô sẽ giận tôi đến tận lúc về, nhưng không phải, hắn thay đổi hẳn thái độ khi cùng tôi dìu bà tôi đi dạo quanh trại. Bà vẫn nhắc đến những câu chuyện khi tôi còn bé, vẫn nhắc đến mẹ tôi và tôi với niềm nhớ nhung không hề che giấu. Bà nói về con bé Trăng Thanh ngỗ ngược, đánh nhau với thằng hàng xóm đến “toạc” cả quần, về nhà còn hì hụi lấy kim khâu giày ra khâu quần. Bắp Ngô nghe kể đến đoạn đấy thì cười ha hả, hắn còn khéo léo gợi chuyện để bà kể “tội” tôi hồi bé nữa. Những chuyện về tôi thời quá khứ bà đều nhớ, nhớ không sót một chuyện nào, duy chỉ có tôi hiện tại là bà không nhận ra. Thi thoảng, bà lại nắm tay tôi ngơ ngác hỏi “Cô là ai?”. Tôi lại nhẹ nhàng trả lời “Cháu là Trăng Thanh đây bà ơi!”. Mỗi lần như thế, Bắp Ngô nhìn tôi với anh mắt thẳm sâu kỳ lạ. Tôi nhún vai mỉm cười, tỏ ý là tôi đã quá quen với điều này rồi.
Tôi và Bắp Ngô đỡ bà ngồi xuống bên chiếc ghế đá cạnh giàn hoa Hoàng Anh vàng rực, một cơn gió lạnh đột ngột lùa tới. Tôi chưa kịp phản ứng gì đã thấy Bắp Ngô cúi xuống, choàng lại chiếc khăn lên kín cổ cho bà. Bất giác, lòng tôi ấm lại khi nhìn thấy cử chỉ ấy, một vài sợi tóc lòa xòa rơi xuống trán Bắp Ngô khiến anh chàng này trở nên quyến rũ vô cùng. Tôi tự hỏi, tại sao tôi lại luôn có thái độ xa cách, khó chịu với người đàn ông này hơn là với Ria Mép nhỉ? Tại sao, những chuyện của Ria Mép lại khiến tôi bận tâm, còn những chuyện liên quan đến Bắp Ngô tôi lại dễ dàng bỏ qua và thờ ơ đến thế? Có lẽ, suy cho cùng, Bắp Ngô mang đến cho tôi sự nhẹ nhõm trong tâm hồn còn Ria Mép lại mang đến quá nhiều phức tạp khiến đầu óc tôi trở nên bấn loạn, nặng nề hơn. Tôi đã đánh giá sai Bắp Ngô chăng?
Chúng tôi chia tay bà khi trời đã sâm sẩm tối, bà nắm tay từng đứa rồi luôn miệng lẩm bẩm “Về nhé! Về nhé!”. Tôi thương bà vô cùng, ôm lấy bà một lúc rồi lặng lẽ lau nước mắt rơi trên má. Bà cùng các cụ cứ vẫy tay chào chúng tôi mãi cho đến khi chiếc xe chở chúng tôi lăn bánh xuống dốc. Tôi ngoái lại thêm một lần nữa, chỉ thấy những cánh tay của các cụ vẫy mãi, vẫy mãi... Tôi im lặng, Bắp Ngô cũng im lặng, chỉ còn bản nhạc không lời quen thuộc vang lên dìu dặt trong xe.
Về đến Hà Nội lúc hơn tám giờ tối, Bắp Ngô chở tôi đi ăn. Trong bữa ăn, Bắp Ngô lấy khăn ướt lau mặt, tôi nheo mắt nhìn hắn. Bắp Ngô như hiểu được thắc mắc của tôi, bèn giải thích:
“Phải lau cho sạch không thì gai hết cả người! Từ lúc bà ấy thơm tôi đến giờ, tôi cứ có cảm giác như má mình bị đông cứng lại ấy.”
“À, ý anh là bà cụ ‘biến thái’ chứ gì?”
“Còn ai vào đây nữa!”
“Anh cảm thấy ghê sợ thế kia à? Cũng chỉ là một cái thơm ở má thôi mà.”
“Không phải một cái mà là hai! Tại cô cả đấy!”
“Sao lại tại tôi, tại bà ấy thích anh chứ! Mà anh vẫn thấy ghê ghê à?”
“Không phải ghê! Nhưng mà tôi không quen, con gái còn chưa được động vào má tôi huống hồ là bà già.”
“Thế kia á? Thế là bà ấy may mắn quá rồi.”
Tôi bật cười, Bắp Ngô lườm tôi, gắp thức ăn vào miệng rồi bỗng nhiên khựng lại.
“Thực ra, bà ấy cũng thật tội nghiệp đúng không?”
“Ừm, ở đó, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều cô đơn.”
Bắp Ngô nhìn tôi vẻ thông cảm:
“Nhưng các cụ ở với nhau như thế, sẽ không còn cô đơn nữa.”
Tôi không nói gì, Bắp Ngô nói đúng, khi chúng ta cô đơn chỉ cần có thêm một người xa lạ ở bên sẽ đỡ phần chống chếnh. Như tôi vào những ngày này, giờ phút này mà không có Bắp Ngô chắc tôi cũng cảm thấy cô đơn không chịu nổi.
Cả buổi tối, Bắp Ngô không hỏi tôi điều gì về bà, dường như hắn đủ thông minh để chắp nối những câu chuyện rời rạc trong quá khứ của bà và hiểu hết nó. Tôi cũng không có nhu cầu giải thích hay kể lể gì nữa, vì có những lúc lời nói của con người thật thừa thãi, hãy để mọi thứ được cảm nhận và thấu hiểu bằng trái tim thì tốt hơn nhiều.
Chúng tôi trở về nhà trọ khi đồng hồ chỉ đúng mười giờ đêm, trời mùa đông, ngõ vắng heo hắt màu vàng nhờ nhờ của đèn đường. Tôi bước xuống xe, hơi co ro trong chiếc áo dạ mỏng. Bắp Ngô xuống theo, tôi vội vẫy tay chào hắn, định bụng sẽ bước thật nhanh vào cổng vì thực sự tôi nghĩ nếu bây giờ mà nói “cảm ơn” e rằng sẽ hơi vô duyên và khiến Bắp Ngô tức giận. Tôi mỉm cười, hất tóc ra phía sau rồi nhẹ nhàng nói:
“Về nhé!”
Bắp Ngô xỏ tay vào túi quần, đứng im gật đầu. Tôi xoay người định bước đi thì ôi chao, chân tôi bị hụt xuống cái ổ gà ngay phía dưới, cả người tôi như bị trượt, lật ngửa về phía sau, chới với. Một bàn tay mạnh mẽ đỡ lấy eo tôi, bàn tay còn lại níu lấy vai.
Ôi, khổ quá! Tự nhiên lại ở trong một tư thế hết sức nhạy cảm, mặt đối mặt với Bắp Ngô, khuôn mặt hắn rất gần, vài sợi tóc lại lòa xòa rơi trên trán. Tôi chớp mắt nhìn, Bắp Ngô mỉm cười nói nhỏ:
“Phải bắt đền vụ chiều nay thôi.”
Tôi chưa kịp hiểu ý nghĩa sâu xa của câu nói đó thì một thứ gì đó nhẹ nhàng, ấm nóng đặt lên môi tôi. Cả người run bắn, cảm giác như có hàng trăm con kiến chạy khắp người, tê dại. Khi tôi kịp phản ứng và đẩy hắn ra thì dường như nụ hôn đó cũng đã đủ dài để tôi cảm nhận được dư vị ngọt ngào lạ lẫm của nó. Tôi lùi hẳn vào tường, tay liên tục lau miệng, còn Bắp Ngô vẫn đứng im mỉm cười.
Tôi định gào lên mắng hắn một trận, tại sao hắn dám cướp nụ hôn đầu đời của tôi chứ! Sao hắn dám hôn khi chưa xin phép tôi? Ôi, trong đầu tôi lúc đó quá bấn loạn nên không biết phải nói thế nào hay phải làm gì. Tôi chỉ đưa tay lên lau miệng liên hồi. Đúng lúc đó, có tiếng người nói vọng từ sau lưng chúng tôi:
“Hai người làm gì mà lau miệng liên tục thế?”
Cả hai giật mình quay lại, thấy Ria Mép xỏ hai tay vào túi chiếc áo phao dày sụ đứng nhìn. Tôi bối rối, cảm giác hai má đỏ như than. Bắp Ngô bối rối, cúi xuống đất rồi bất giác ngẩng đầu lên, vừa nói vừa cười:
“À... vừa... vừa... gặm ngô ấy mà.”
Cái gì? Anh ta vừa nói là “gặm ngô” sao? Ý anh ta là môi tôi khô như bắp ngô chắc? Thật là quá quắt! Nhưng mà cũng thật là may mắn, vì Ria Mép hầu như không để ý đến thái độ của chúng tôi. Anh ta lẳng lặng tiến đến cổng rồi mở cổng.
“Thế hai người cứ tự nhiên, tôi vào trước đây.”
Anh ta đẩy cổng đi vào, tôi vội vã chạy theo sau.
“Chờ đã, chờ tôi với!”
Tôi liếc Bắp Ngô rồi chạy thẳng vào bên trong, không chào hỏi gì nữa. Hừ, sau chuyện vừa rồi thì chưa bị tôi mắng đã may rồi ấy chứ.
Tôi vào phòng và leo lên giường nằm, tự nhiên đưa tay lên sờ môi mình, cảm giác êm dịu lúc nãy vẫn như còn đâu đây. Nhưng mà, tại sao hắn lại so sánh môi tôi như cái bắp ngô kia chứ! Không lẽ môi tôi quá khô? Hay quá xấu? Hay tôi... không có kinh nghiệm? Tôi loanh quanh mãi với hàng chục câu hỏi mà không có đáp án nào hết, dù hơi khó chịu nhưng tôi nghĩ chẳng lẽ lại đi nhắn tin hỏi Bắp Ngô cho ra nhẽ thì quá vô duyên, thôi thì coi như đây là một “tai nạn” và tôi không muốn nhớ tới điều đó nữa.
Có tiếng nhạc nhè nhẹ bên phòng Ria Mép vọng sang, anh ta còn nghe nhạc nhẹ nhàng cơ đấy, bình thường toàn rock riếc điếc hết cả tai cơ mà. Ôi chao! Đột nhiên tôi chột dạ, không biết lúc nãy Ria Mép không biết hay giả vờ không biết về nụ hôn giữa tôi và Bắp Ngô nhỉ? Nếu anh ta mà biết thì tôi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu mất! Ôi trời! Hy vọng là chuyện này chỉ có hai đứa tôi biết thôi, tôi thề, tôi hứa, tôi đảm bảo là “sống để bụng, chết mang đi” và hy vọng lão Bắp Ngô chết tiệt cũng sẽ làm thế.
Chương 11: Niềm tin bị đánh cắp
Chương 11.1
Tôi và Bắp Ngô, sau “sự kiện” động trời với “nụ hôn bị đánh cắp” thì chẳng mấy khi nói chuyện với nhau nữa. Tôi cố tránh tối đa việc tiếp xúc với hắn, còn Bắp Ngô thì vẫn “mặt trơ trán bóng” như chưa từng làm điều gì có lỗi với tôi vậy, vẫn gọi điện rủ rê đi chơi mới ghét chứ. Nhưng, tôi kiên quyết từ chối hết, không hẳn vì giận dỗi mà vì tôi còn có quá nhiều việc phải làm.
Tôi bắt đầu những ngày vùi đầu vào công việc, dự án show biểu diễn thời trang nhằm quảng bá cho bộ sưu tập Mùa Xanh của công ty New style đã đến kỳ gấp rút. Dù bên đối tác chưa chốt hợp đồng với chúng tôi nhưng nghe sếp Thành nói khả năng công ty giành được hợp đồng đã chắc đến 90% rồi. Vì thế, tôi háo hức ngày đêm nghiên cứu để lên được một kịch bản hoàn hảo nhằm kết nối các đêm diễn thành một câu chuyện sâu sắc và ấn tượng.
Sếp Thành vẫn hay rủ tôi đi ăn trưa cùng, nhưng giờ tôi đã có đủ “dũng khí” để từ chối. Thi thoảng, vì nể nang nên tôi cũng có đi ăn với sếp vài bữa. Sếp Thành càng ngày càng ít nói, chỉ mỉm cười hay gật đầu nhè nhẹ khi nghe tôi nói chuyện. Sếp hầu như không góp ý, chỉ khích lệ tôi nhanh chóng hoàn thành kịch bản. Tôi có cảm giác rất lạ mỗi khi nhìn thẳng vào mắt sếp, đôi mắt ấy đẹp nhưng lẩn quất đâu đó có sự sắc lạnh và nhiều toan tính. Ngay cả khi sếp Thành nói những lời động viên tôi, đôi mắt ấy vẫn ánh lên những tia nhìn khiến tôi gai cả người. Với tôi, sếp Thành luôn là một ẩn số, một ẩn số đúng nghĩa và tôi thì quá non nớt để tìm ra lời giải của ẩn số đó. Mà dù sếp Thành có là gì đi nữa, tôi cũng chẳng mấy bận tâm, vì sếp là sếp và tôi là tôi, ngoài công việc ra, chúng tôi chẳng có gì liên quan đến nhau cả, thế nên, chẳng việc gì phải nghĩ ngợi nhiều cho đau đầu.
Vài ngày sau đó, tôi được sếp Thành dẫn đi gặp Giám đốc Maketing của công ty New style, đó là một cô gái còn khá trẻ, xinh xắn và sành điệu tên là Quỳnh Chi. Cô ấy nói chuyện nhẹ nhàng, có duyên nhưng rất kiên quyết. Quỳnh Chi nói cho tôi biết về ý tưởng chủ đạo của Mùa Xanh, cô ấy muốn một chuỗi show thật độc đáo, gần gũi nhưng phải có yếu tố lãng mạn và ma mị. Tôi lắng nghe những trao đổi của sếp và Quỳnh Chi. Quả thật, tư duy của cô ấy không hề “non” và “trẻ” như ngoại hình của cô. Thế mà lúc mới gặp, tôi cứ nghĩ Quỳnh Chi chẳng qua cũng chỉ vì nhờ vào vị thế “con cha cháu ông” nên mới được ngồi vào vị trí này cơ đấy! Đúng là ở đời không nên đánh giá người khác bằng đôi mắt thiển cận của mình. Chỉ nói chuyện với Quỳnh Chi một tiếng đồng hồ mà tôi đã tình nguyện ngả mũ kính phục sự hiểu biết của cô gái này. Tôi thầm nghĩ đến sếp Kều, giá như sếp mà lấy được một người vợ như cô ấy, chắc chắn công ty tôi sẽ ăn nên làm ra, hốt tiền của thiên hạ dễ như bỡn cho mà xem.
Buổi gặp mặt khiến tôi càng có cảm tình hơn với cô gái xuất thân giàu có nhưng không chảnh, không ăn chơi, và não không hề “ngắn” này. Trên đường về, tôi liên tục thổ lộ lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho Quỳnh Chi, còn sếp Thành có vẻ trầm ngâm hơn lúc đầu, thi thoảng chỉ thêm vào vài từ như “Thế à?” cho có chuyện. Tôi đủ nhạy cảm để hiểu rằng sếp không hào hứng với câu chuyện của mình nên dừng lại, lôi điện thoại ra chơi điện tử cho hết thời gian.
Khi tôi và sếp Thành trở về công ty thì gặp ngay sếp Huân Kều giữa hành lang đi tới. Tôi vội vã chào sếp Kều một cách rất chi là... xã giao:
“Em chào sếp!”
Sếp Kều mỉm cười với tôi:
“Chào em!”
Rất nhanh, tôi nhận ra ánh mắt của sếp Kều không hề nhìn tôi mà liếc sang sếp Thành. Sếp Thành vẫn giữ một thái độ thản nhiên nhưng có phần xa cách, anh ta nghiêng người, lách qua vai sếp Kều, đồng thời cất giọng một cách khô khốc.
“Anh!”
Sếp Kều gật đầu đáp lễ, mắt vẫn nhìn xoáy vào Thành.
“Thế nào? Gặp khách hàng tốt chứ?”
Sếp Thành nhún vai:
“Cũng tạm, giờ chỉ còn chờ ý tưởng kịch bản của Trăng Thanh nữa thôi, nếu cô ấy xong sớm, em nghĩ đối tác sẽ chốt hợp đồng luôn.”
Sếp Kều nheo mắt, nhìn Thành có vẻ rất thăm dò.
“Thế à? Anh nghe nói bên công ty Song Hà cũng đang nhăm nhe hợp đồng này mà? Chúng ta không gặp cản trở nào sao?”
“Anh lo gì, Song Hà từ trước đến nay chưa xứng là đối thủ của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta có mối quan hệ tốt...”
“Anh hiểu rồi!”
Sếp Kều đột ngột cắt lời sếp Thành và tiến gần về phía tôi, vỗ nhẹ lên vai.
“Phần quan trọng nhất là kịch bản, em cố gắng nhé.”
Tôi gật đầu cảm kích. Sếp Kều ghé tai tôi nói nhỏ:
“Hết giờ làm, sang phòng anh gặp chút nhé.”
Tôi lại gật đầu một cách vô thức, sếp Thành liếc nhìn hai chúng tôi rồi đi thẳng. Sếp Kều vỗ nhẹ vào vai tôi lần nữa và mỉm cười đi thẳng ra thang máy.
Hai người sếp đi ra hai hướng, còn tôi đứng ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Rõ ràng, thái độ của hai người này với nhau rất... có vấn đề, còn nó là vấn đề gì thì có trời mới biết được. Tôi hiếm khi thấy sếp Thành tỏ ra lạnh lùng như vậy, và càng hiếm khi thấy sếp Kều ngắt lời và tỏ vẻ trịch thượng với cấp dưới như thế. Tôi có cảm giác, giữa họ không phải là mối