--> Tháng ngày ngất ngưởng - game1s.com

Tháng ngày ngất ngưởng

lời cảm ơn, cô không thấy bất lịch sự sao?”

“Sao lại bất lịch sự? Rõ ràng hôm đấy anh rủ tôi đi thì phải đưa tôi về chứ. Mà anh cứ nằng nặc bắt tôi gọi cho anh, sao anh không tự gọi cho tôi đi?”

“Tôi mà có số của cô thì tôi đã gọi rồi! Hôm đấy tôi chỉ lưu số tôi vào máy cô mà quên mất không gọi sang máy tôi!”

Nghe đến đây tôi chợt bật cười:

“Ha! Ha! Anh mới là đồ đầu đất ấy!”

“Kệ tôi, giờ đưa điện thoại của cô đây!”

“Làm gì?”

“Gọi sang số của tôi, nhanh lên!”

Khỏi cần, tôi không muốn ai động đến điện thoại của tôi nữa đâu, để tôi tự làm là được rồi. Tôi rút điện thoại ra, mày mò mãi mà không nhớ là mình đã lưu hắn tên là gì trong điện thoại. Tay bác sĩ sốt ruột giằng lấy.

“Biết ngay là cô quên rồi mà, đây này, tôi lưu là ‘BÁC SĨ ĐẸP TRAI’ đây.”

Hắn tự làm thao tác lấy số rồi trả điện thoại lại cho tôi, xong đâu đấy, chẳng nói chẳng rằng đi thẳng một mạch.

Đúng là cái loại vô duyên, kênh kiệu, khó chịu, tôi lầm bầm chửi rủa rồi ngay lập tức lôi điện thoại ra, đã thế thì xóa luôn, cóc thèm liên lạc với kiểu người như thế nữa. Ây, nhưng mà, dù gì hắn cũng có số của tôi rồi, xóa nào có ích gì? Thôi thì cứ lưu để còn biết lúc nào hắn gọi. Tôi vẫn giữ số liên lạc của hắn, nhưng tên danh bạ được đổi thành chữ “BẮP NGÔ”, vì tôi thấy hắn giống hệt cái bắp ngô có nhiều lớp vỏ, thật là khó đoán, khó lường.

Khi tôi quay trở lại phòng cấp cứu thì Sâm Cầm và Ria Mép đã đứng đợi ở hành lang. Sâm Cầm để cho Ria Mép dựa vào mình trông có vẻ rất tình cảm, trông thấy hình ảnh đó tự nhiên tôi thấy cái gì đó thật... khó chịu. Cái con bé Sâm Cầm này sao mà dễ tính thế không biết, anh ta bị thương thật đi nữa thì chỉ bị ở mông thôi, chứ có bị ở chân đâu mà đến nỗi không đứng được kia chứ. Trông thấy tôi, cả hai hỏi han xem bác sĩ nói gì, tôi khoát tay tỏ ý là không có gì cả, cả hai thở phào nhẹ nhõm mà không thèm để ý gì đến thái độ của tôi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng lết được về đến nhà vào lúc hai giờ sáng. Đẩy được Ria Mép về phòng, hai đứa tôi leo lên giường ngủ một giấc thẳng cẳng đến mười giờ trưa hôm sau mới dậy.

Từ hôm Ria Mép bị chó cắn, nghiễm nhiên anh ta cứ sang phòng chúng tôi ăn vạ, đòi được chăm sóc. Thật không may cho anh ta, đúng dịp tôi bận nhất nên thường xuyên vắng nhà, nhiệm vụ chăm sóc anh ta được tôi trân trọng giao lại cho Sâm Cầm. Mấy ngày đầu, anh ta luôn than thở là cơm sống, canh mặn rồi đủ các kiểu, nhưng những ngày sau dường như mọi thứ tốt đẹp hơn. Anh ta có vẻ vui ra mặt. Còn Sâm Cầm thì từ chỗ bị ép buộc đến chỗ vui vẻ phục vụ như không có vấn đề gì. Nhìn họ càng ngày càng thân thiết khiến tôi có cảm giác như mình đang đố kỵ. Đôi lúc tôi không hiểu mình sợ phải chia sẻ tình bạn thân thiết giữa tôi với Sâm Cầm cho một người khác, hay vì điều gì nữa. Tôi chỉ mơ hồ thấy mình buồn buồn thôi. Nhưng, dù có buồn đi chăng nữa, tôi vẫn luôn cảm thấy hai con người đó thật đáng yêu, hai người mỗi người hiểu và sẻ chia với tôi theo những cách khác nhau và tôi biết, họ yêu quý tôi thật sự.

Ba người chúng tôi càng ngày càng gắn bó hơn, không tránh khỏi những lúc chảnh chọe, khó chịu với nhau nhưng làm lành cũng rất nhanh. Bà Vịt Bầu thấy không khí chung sống hòa bình thế cũng lấy làm hài lòng, thi thoảng bà xách xuống cho ít hoa quả hay ít thức ăn rồi tiện thể buôn chuyện đầu làng cuối phố cho chúng tôi nghe. Cuộc sống cứ thế trôi, và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng, một ngày nào đó, tất cả sẽ không còn được hồn nhiên như bây giờ nữa. Ôi, giữa cuộc sống xô bồ này, sự hồn nhiên thật hiếm hoi, vì thế, những ai đã hồn nhiên xin hãy cứ hồn nhiên như cây cỏ để thấy đời còn nhiều thứ hay ho mà yêu thương, mà hưởng thụ.

Tôi cũng thi thoảng gặp tay bác sĩ Bắp Ngô, chủ yếu là hắn gọi điện hẹn gặp, hay đón đường tôi về. Chỉ loanh quanh dăm ba câu chuyện vặt nhưng dần dần, tôi có cảm giác hắn đã bớt kiêu ngạo hơn, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác có gì đó ở hắn khiến mình cần phải đề phòng. Mà không đề phòng sao được, biết người, biết mặt, nhưng ai hiểu rõ trong lòng họ nghĩ gì? Với một người mình không biết nhiều về họ thì tốt nhất hãy giữ khoảng cách an toàn để tránh gây ra những tổn thương không đáng có cho bản thân.


Chương 4.2


Sau hoạn nạn của Ria Mép thì đến lúc Sâm Cầm ngã bệnh. Nó bị sốt virut một tuần, người lả đi. Tôi không còn cách nào khác liền gọi điện cho Bắp Ngô đến xem xét, hắn đến khám và truyền nước cho Sâm Cầm rất đều đặn. Những ngày đó, tôi và Ria Mép thay nhau nghỉ việc để trông nom Sâm Cầm. Thi thoảng, trong cơn ngủ mê, tôi thấy Sâm Cầm ứa nước mắt gọi “Mẹ! Mẹ!”.

Những lúc đó, tôi thấy thương bạn vô cùng, Ria Mép hỏi tôi nhiều hơn về Sâm Cầm. Lúc đầu tôi còn giấu, nhưng sau đó tôi quyết định kể cho Ria Mép nghe. Dù gì, với chúng tôi, Ria Mép đâu phải là người xa lạ nữa. Sâm Cầm có mẹ, nhưng mẹ cô bỏ ra nước ngoài cùng với nhân tình, bố cô ở Hà Nội, nhưng Sâm Cầm không muốn sống cùng bố, bố cô có cuộc sống riêng với bồ, cứ vài tháng ông lại thay một cô bồ khác nhau, hơn nữa, Sâm Cầm phát hiện ông làm ăn phi pháp nên cô chuyển ra ngoài để sống tự lập và không muốn dựa dẫm vào ông, mặc dù tình yêu của cô đối với bố mình chưa từng phai nhạt.

Ria Mép nghe xong, thở dài nói “Sao trời run rủi thế nào mà ghép ba chúng ta ở cùng nhau nhỉ? Chúng ta gần giống nhau, cô không có bố mẹ, Sâm Cầm cũng chẳng khá hơn, còn tôi mất mẹ, bố lấy vợ mới sinh con mới và quên bẵng tôi...”. Ừ, có lẽ chính vì thế mà chúng ta thân với nhau, có thể vì thế mà chúng ta chia sẻ được với nhau. Chúng tôi không giống nhau về hoàn cảnh, mà chúng tôi giống nhau về thái độ sống, không ủy mị, không phiền não, chúng tôi sống kiêu hãnh và không ngừng vươn lên. Tôi nghĩ rằng, bạn đối mặt với cuộc sống bằng thái độ như thế nào, thì cuộc sống sẽ trả lại bạn xứng đáng với cách sống đó. Và thế là, tôi, Sâm Cầm, Ria Mép, cả ba chúng tôi vẫn học tập, vẫn làm việc, vẫn yêu, vẫn sống ngất ngưởng giữa cuộc đời này mà chưa phút giây nào có ý định đầu hàng số phận.

Những ngày sau đó, Sâm Cầm dường như yếu hơn. Bắp Ngô mỗi ngày đều dành thời gian qua khám cho nó, hắn nói tại Sâm Cầm suy nhược, không ăn uống gì nhiều nên mới lả đi như thế, chứ cơn sốt đã hạ từ vài ngày trước rồi.

Nghe đến đó, Ria Mép quay sang hỏi tôi xem có nên gọi điện cho bố Sâm Cầm không. Tôi im lặng một lúc rồi lắc đầu, cả Ria Mép lẫn bác sĩ Bắp Ngô đều ngạc nhiên nhìn tôi. Ria Mép hỏi “Sao không gọi, cô ấy ốm thế này thì bố cũng có quyền được biết chứ?”. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi phòng, Ria Mép và Bắp Ngô theo sau, họ đóng nhẹ cửa phòng, dường như cả hai vẫn chờ đợi ở tôi một câu trả lời. Tôi nói nhỏ như sợ Sâm Cầm nghe thấy “Sâm Cầm không muốn đâu, nó chỉ muốn gặp bố khi vui thôi, còn những lúc buồn hay ốm đau nó đều lánh mặt”. Ria Mép im lặng, còn bác sĩ buột miệng hỏi “Tại sao?”. Tôi nhìn vào khoảng không trước mắt, nói với hắn, nhưng thực chất cũng là nói cho chính mình nghe “Khi yêu thương ai đó, anh chỉ muốn người đó thấy yên tâm về mình nhiều hơn là lo lắng cho mình, Sâm Cầm cũng vậy đấy!”. Không ai nói gì nữa, cả ba người chúng tôi đứng dưới mái hiên nhà trọ khi những hạt mưa cuối mùa hè bắt đầu rơi lộp bộp trên mái nhà. Vẫn là sự im lặng, ba người, mỗi người đang theo đuổi những ý nghĩ khác nhau, chỉ có mưa là rơi càng lúc càng nặng hạt dần cho đến khi ào xuống, vỡ tan tác dưới sân.

Sâm Cầm cuối cùng cũng lấy lại sức sau hai tuần vật vã vì bệnh tật. Nó lại cười tươi như chưa bao giờ có những ngày ốm rũ rượi. Từ hồi Sâm Cầm ốm, Ria Mép trở nên quan tâm đến nó hơn, ít chảnh chọe hơn, mà nếu có thì hắn sẽ nhường nhịn Sâm Cầm chứ không quang quác miệng đòi “công lý” như những lần trước nữa. Cuộc sống của chúng tôi lại trở lại vui vẻ như trước đây, vẫn chơi cá ngựa, vẫn thi thoảng cứu ông Châu Chấu bị nhốt ngoài cổng, vẫn nịnh nọt bà Vịt Bầu mỗi khi bà tức giận. Tất cả vẫn vậy, duy chỉ có một thứ, thứ duy nhất khiến lòng tôi chênh chao là những cử chỉ quan tâm của Ria Mép dành cho Sâm Cầm. Đôi lúc, sự ích kỷ trong tôi trỗi dậy, tôi chỉ muốn Ria Mép chưa từng xuất hiện ở đây, chưa từng có sự thân thiết giữa chúng tôi để tôi và Sâm Cầm vẫn tiếp tục cuộc sống ngất ngưởng của hai đứa con gái ất ơ, phớt đời như trước. Nhưng, nhiều cuộc gặp gỡ trong cuộc đời này đều nằm trong chữ “duyên”, đã có “duyên” thì khi có ghét nhau đến mấy vẫn có ngày cảm thấy thương nhau không biết để đâu cho hết. Chúng tôi cũng vậy, ghét nhau rồi thương nhau, tưởng bỏ mặc nhau nhưng lại cưu mang nhau như người thân từ bao giờ. Suy cho cùng, khi được dựa vào nhau, được chia sẻ cùng nhau thì cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và những sóng gió ngoài kia chẳng có gì đáng sợ nữa.

Sau trận ốm của Sâm Cầm, tôi lại bắt đầu quay trở lại với những bản thảo sách chuyên ngành khô khan và buồn chán. Đôi lúc nhìn lại, chính tôi cũng không hiểu được vì sao mình chọn công việc này và gắn bó với nó tận bốn năm qua mà không chút phàn nàn. Có lẽ, vì tôi là người dễ hài lòng với bản thân, dễ thỏa hiệp với những thứ mình đang có hoặc nói một cách trực diện hơn là tôi không có chí tiến thủ trong công việc. Tôi sẵn lòng chấp nhận một công việc tẻ nhạt, thiếu đam mê để nhận lại sự ổn định, tôi ngại di chuyển, ngại thay đổi và tôi sợ phải bắt đầu lại từ đầu. Ôi, một tôi bạc nhược, một tôi hèn nhát, một tôi cố khép kín những khao khát của mình. Tôi nhận thấy mình dần cùn mòn đi, nhưng tôi chưa hề nghĩ đến việc phải thay đổi, mặc cho Sâm Cầm suốt ngày gào thét rằng tôi phải bỏ việc, tôi phải thế này, tôi phải thế kia. Nó càng nói, càng thất vọng nên dần dần nó không thèm nói nữa.

Một buổi tối, khi tôi vừa dừng xe trước cổng khu trọ với cái bụng đang gào rú đòi ăn thì một bàn tay nắm lấy tay tôi. Nhìn lên, chẳng ai xa lạ, chính là Bắp Ngô, hắn mỉm cười hỏi tôi có đói không. Đã tiếp xúc với hắn nhiều nên tôi chẳng ngại ngần gì mà gật đầu lia lịa. Hắn kéo tay tôi, vẫn cái kiểu nói như ra lệnh:

“Thế thì đi ăn, tôi mời!”

Tôi loạng choạng trước lực kéo của hắn, nhưng đủ bình tĩnh để đáp lại:

“Từ từ, tôi phải cất xe đã, để xe đây để cho bọn trộm nó xơi mất à?”

“Cất cái gì mà cất, cô định đi bộ à? Tôi làm gì có xe mà đi.”

Ái chà! Đến lúc này tôi mới để ý là hắn đi bộ thật, tôi lụi cụi lùi xe ra miệng vẫn lầm bầm khó chịu:

“Không có xe thì anh đến đây bằng gì?”

“Bằng taxi!”

“Thế sao giờ anh không mời tôi đi taxi đi, lại đòi đi xe của tôi?”

“Cho nó tiết kiệm! Mà sao cô nhiều lời thế nhỉ? Tránh ra để tôi chở cô.”

Bắp Ngô đẩy tôi xuống rồi leo lên xe tôi ngồi, ngoái lại đưa mắt liếc sang tôi, ý chừng ra lệnh là lên được rồi. Tôi ngồi lên xe, lòng thầm nghĩ không hiểu cái con người này nghĩ gì nữa, tiết kiệm tiền đi taxi nhưng lại mời tôi đi ăn hàng. Ôi, thật là mâu thuẫn, nhưng dù có mâu thuẫn đến mấy đi chăng nữa, tôi vẫn cứ vui vì đang lúc đói mà có người dâng cơm tận miệng thế này thì đời còn gì sướng hơn nữa.

Bắp Ngô nổ máy xe đến lần thứ ba mới được, trong ánh trăng lờ mờ, tôi thấy vài giọt mồ hôi vương trên trán hắn. Tôi chẳng có chút thương cảm gì, vì bình thường một đứa con gái yếu mềm như tôi đã có lúc phải dốc hết sức bình sinh đạp lên đạp xuống cả chục lần thì con xe kiêu hãnh này nó mới chịu nổ cho cơ mà. Đạp có mỗi ba cái như hắn mà đã ăn thua gì. Chiếc xe vừa nổ, hắn quệt mồ hôi rồi vít ga, vì quá bất ngờ và ga mạnh quá nên người tôi tí nữa thì ngã bổ chửng ra đằng sau, thật là hú hồn.

Ra đến đầu ngõ, chiếc xe cứ thế phóng đi mà không có dấu hiệu giảm tốc độ. Tôi bắt đầu cảm thấy bất an, chẳng lẽ hắn không biết đi xe số? Hay hắn cố tình dọa cho tôi sợ chết khiếp? Không được, dù là lý do gì đi nữa, tôi không muốn hắn làm gì tổn hại đến “con ngựa già” của tôi đâu, tôi hét toáng lên kêu hắn dừng lại. Bắp Ngô cũng hét toáng lên với tôi “Tôi đang cố đây, phanh mãi mà không được”... Sau câu nói đó của Bắp Ngô là một tiếng thét chói tai, tôi loáng thoáng thấy Bắp Ngô đánh lái đâm vào góc tường để tránh bà bán hàng rong trước mặt. Thôi xong, chiếc xe của tôi, con ngựa già hom hem còm cõi của tôi đã yếu hèn lắm rồi mà đo đường một cú trời giáng như thế này thì còn gì là xe nữa. Tôi bật dậy, đứng nhìn “con ngựa già” đầy vẻ xót thương rồi thét lên “Giời ơi, xe ơi là xe, mày đừng có làm sao nhé!”.

Bắp Ngô do nhảy xuống khỏi xe nên bị văng ra nằm một góc, thấy tôi hét lên thì lồm cồm bò dậy, lao đến hỏi thăm tình trạng của tôi một cách đầy lo lắng. Giời ạ, giờ này tôi chỉ quan tâm đến “con ngựa già” có sao không thôi. Nhỡ nó bị làm sao thì tôi lấy gì mà đi làm, rồi còn chi phí sửa chữa nữa chứ, sao mà xót xa thế này. Bắp Ngô dường như đọc được suy nghĩ của tôi, hắn hậm hực lao đến dựng cái xe lên.

“Người ngã thì không xót lại đi xót cái xe! Cô đúng là có một không hai đấy!”

“Kệ tôi, xe này là mồ hôi nước mắt, là bạn thân của tôi đấy.”

“Vâng, bạn thân, mồ hôi nước mắt! Này, tôi khâm phục cô lắm đấy, xe như thế mà cô cũng đi được, đúng là quá siêu.”

“Vâng, anh giàu, tôi nghèo nên tôi mới đi xe cũ.”

“Ý tôi không phải thế, cô đi xe mà không biết xe phanh lúc được lúc không, đèn xi nhan bị cháy, ắc quy bị yếu và cần đạp số bị đơ à?”

Ô, chẳng lẽ “con ngựa già” của tôi lại lắm bệnh thế ư? Ngày thường tôi vẫn cưỡi lên nó vi vu khắp phố phường mà? Dù thi thoảng tôi thấy nó hơi giở chứng khiến tôi khó đi một chút nhưng tôi không nghĩ nó tơ tướp đến mức ấy chứ. Tôi ngó nghiêng cái xe rồi chống chế:

“Tôi có phải thợ sửa xe đâu mà biết nó hỏng nhiều thế!”

“Thế bình thường cô không đưa xe đi bảo dưỡng à?”

“Không! Chỉ lúc nào nó không đi được nữa thì tôi mới mang đi sửa thôi.”

Bắp Ngô lắc đầu, bĩu môi rồi dắt xe đi. Tôi lếch thếch đi theo, lòng vẫn không thôi xót xa cho con ngựa già của mình.

“Giờ đi đâu đây?”

“Đi sửa xe cho cô rồi đi ăn sau.”

“Nhưng... hôm nay tôi... không mang theo nhiều tiền mà xe hỏng nhiều như vậy, sợ không đủ.”

“Tôi sẽ cho cô vay, bao giờ có thì trả.”

Đương nhiên giờ này chẳng còn cách nào khác ngoài việc ngoan ngoãn đồng ý cả. Tôi và Bắp Ngô vào tiệm sửa xe ngồi đợi. Đợi một lúc, tôi thấy mắt mình như hoa lên, cố gắng trấn tĩnh mấy lần nhưng đều vô ích, đầu tôi bắt đầu xoay xoay như chong chóng, mắt mờ dần, mờ dần... Tôi quờ quạng níu lấy tay hắn, bấu chặt vào đó và gục xuống, chỉ còn nghe loáng thoáng tiếng Bắp Ngô gọi tên tôi.

Mất một lúc sau, có gì đó đau nhức sau gáy, tôi dần tỉnh lại. Ngước mắt lên, thấy khuôn mặt của Bắp Ngô cúi xuống nhìn tôi mỉm cười. Chết! Chuyện gì đã xảy ra thế này? Tôi ngồi bật dậy, chỗ tôi nằm vẫn là tiệm sửa xe, chỉ có điều chúng tôi đang ở phía bên trong tiệm, tôi nằm trên hai, ba cái ghế ghép lại, đầu gối lên đùi Bắp Ngô từ lúc nào. Không để tôi hoàn hồn, Bắp Ngô đập nhẹ vào vai tôi.

“Tỉnh rồi à? Dậy đi ăn nhanh lên! Cô làm tôi hết cả hồn.”

“Ơ, nhưng mà... tôi nhớ... là tôi đã... ngất đi, không biết tôi bị gì nhỉ?”

“Bị gì nữa, đói quá nên tụt huyết áp! Tôi phải khổ sở lắm mới cậy được miệng cô để tống nước đường vào đấy. Chả hiểu người ngợm kiểu gì mà để đói đến mức ấy không biết!”

Tôi há hốc mồm, cứ tưởng mình bị bệnh nan y gì, hóa ra chỉ là do đói bụng thôi à? May quá, không lại tốn một đống tiền đi bệnh viện khám. Bắp Ngô kéo tay tôi, tôi lờ đờ đi theo hắn ra xe, chiếc xe giờ đã ngon lành, sạch sẽ chờ sẵn. Không nói gì nhiều, Bắp Ngô phóng thẳng đến quán ăn, hôm đó, lần đầu tiên tôi ăn nhiều, ăn no và ăn ngon đến thế. Bắp Ngô thi thoảng phải “chỉnh đốn” dặn dò tôi ăn từ từ nếu không muốn chết vì bị bội thực. Tôi mặc kệ, thà chết làm con ma no còn hơn chết mà xuống dưới âm phủ vẫn phải vật vờ vì đói.

Mãi đến khi ăn xong, nhìn xuống tôi mới phát hiện ra chiếc quần Jean của mình bị rách một mảng ở đầu gối bên phải, có lẽ là do hậu quả của cú ngã lúc nãy, may mà chân không xây xước gì. Bắp Ngô cũng trông thấy vết rách đó, hắn hỏi tôi liệu mặc quần rách thế có ngại không? Tôi mỉm cười, lôi trong túi xách ra một chiếc kéo nhỏ rồi giơ đầu gối bên trái lên. Bắp Ngô trợn mắt nhìn tôi:

“Này, định làm gì đấy?”

Tôi chẳng nói gì, lấy kéo rạch một đường lên đó rồi dùng tay xé toạc theo đường rạch vừa xong và bắt đầu giơ hai đầu gối lên so sánh.

“Giờ rách bằng nhau chưa nhỉ?”

Bắp Ngô nhíu mày, nhưng vẫn trả lời:

“Tôi nghĩ, chỗ cô vừa mới rạch nhỏ hơn so với chỗ rách bên kia.”

Tôi lại túm lấy mảng quần vừa xé đó, xé thêm một tí nữa rồi nhìn sang hai bên, cười một cách hài lòng.

“Xong! Thế là tôi có cái quần theo mốt quần bò rách rồi đấy! Hợp mốt nhỉ?”

Bắp Ngô bật cười lớn:

“Trăng Thanh! Cô hồn nhiên thật đấy.”

“Ồ, đương nhiên, tôi luôn hồn nhiên như cây cỏ.”

Tôi buột miệng nói thế và ngay lập tức nghĩ rằng mình thật ngu ngốc. Kiểu gì hắn cũng sẽ bắt bẻ và tìm cách dìm tôi cho đến lúc tôi không ngẩng đầu lên được cho mà xem. Nhưng không, hắn tuyệt nhiên không có lời bình luận nào, chỉ lặng lẽ mỉm cười, tôi cũng cười theo. Tôi chẳng biết hắn cười cái gì, nhưng tôi thì đang tự cười mình vì cái tính chưa gì đã xù gai ra sợ người khác tấn công. Đôi khi, cẩn trọng quá mức sẽ gây ra nhiều phiền toái hơn là cứ hồn nhiên mà thể hiện những gì mình có.

Thi thoảng, tôi thấy tay bác sĩ Bắp Ngô này thật kiêu kỳ và khó chịu, nhưng nhiều lúc lại thấy hắn gần gũi và ấm áp hơn nhiều người tôi gặp. Con người như hắn quả là một khối mâu thuẫn to đùng, tôi nghĩ, đôi khi chính hắn cũng chưa chắc đã biết mình là người như thế nào chứ đừng nói gì một người xa lạ như tôi.



Chương 5: Khi... ăn... đừng ngẩng đầu lên!


Chương 5.1


Buổi sáng Chủ nhật, tôi, Sâm Cầm, Ria Mép ngồi xếp bằng trên giường chơi trò đánh bài ăn tiền. Đang đến đoạn cao trào thì Sâm Cầm có điện thoại, nó hớn hở phi như bay đi thay quần áo mà vẫn không quên vơ hết đống tiền vừa thắng đút vào túi. Ria Mép liền tru tréo lên tố cáo Sầm Cầm ăn gian, “cướp tiền” bỏ trốn. Còn tôi cười thầm, chẳng có ai lôi được nó ra khỏi trò vui này ngoài một gã đàn ông mà nó thích.

Sâm Cầm yêu rất nhiều mà thất tình cũng lắm. Tôi luôn ngưỡng mộ cách yêu của nó, yêu là yêu thế thôi, chẳng toan tính gì. Cứ mỗi lần một cuộc tình chấm dứt, nó sẽ có một tuần để khóc lóc, đau khổ, dằn vặt rồi sau đó lại tiếp tục vui và bước đi, yêu lại từ đầu như chưa từng bị tình yêu ruồng bỏ.

Trong số cả tá chàng người yêu của nó, tôi chỉ gặp hú họa vài chàng, còn lại chỉ nghe qua chuyện kể hay vài bức ảnh nó khoe. Sâm Cầm có một nguyên tắc bất di bất dịch khi yêu là không dẫn anh nào về nhà, nó bảo yêu chỉ vì yêu thôi, không vì tiền, không vì hoàn cảnh, không muốn liên quan đến cuộc sống của nhau nhiều để khi lỡ có chia tay cũng không phải loanh quanh mệt mỏi với mấy thứ dây mơ rễ má khác. Sâm Cầm là vậy, trong bất kỳ trường hợp nào nó cũng luôn dọn đường để rút lui một cách êm đẹp nhất cho bản thân. Tôi thích cách sống của nó vì tôi chẳng bao giờ đủ dũng khí để cân bằng mọi thứ như nó.

Ria Mép sau một hồi gào rú chuyện Sâm Cầm “hốt” tiền bỏ chạy mà không thấy cô nàng phản ứng gì bèn bấu tay tôi hỏi khẽ:

“Này, Gia Cầm có người yêu thật à? Thằng cha đó trông thế nào?”

Tôi đập tay hắn, hất hàm về phía Sâm Cầm nói to, cốt để nó nghe thấy:

“Hỏi nó ấy!”

Sâm Cầm ngoái lại, mặt tỉnh bơ.

“Anh hỏi người yêu thứ mấy?”

“Cái gì? Cô mà cũng có những mấy người yêu cơ à?”

“Chứ sao nữa, lâu nay anh đứng cạnh núi Thái Sơn mà không biết đấy, nói cho mà nghe, nếu tính sơ sơ, số người yêu tôi từng có cũng bằng số ngón tay trên hai bàn tay anh đấy.”

Trong lúc Ria Mép há hốc mồm cấm khẩu, tôi lại còn hí hửng đùa Sâm Cầm:

“Mày tính toán thế à? Tao nhớ là hôm trước mày còn giơ cả ngón chân ra đếm cơ mà!”

Sâm Cầm giơ một ngón tay khen ngợi về phía tôi rồi cười ha ha, nó xách túi ra khỏi nhà, không quên dừng lại vẫy tay chào tạm biệt Ria Mép. Ria Mép lườm Sâm Cầm một cái sắc lẹm:

“Thế thằng cha cô định đi chơi cùng là người yêu thứ mấy?”

“Mười ba hay mười lăm gì đó, tôi chả nhớ rõ! Mà thôi, biến đây, các người làm con này mất thời gian quá!”

Sâm Cầm phi ra khỏi nhà trong sự ngạc nhiên tột độ của Ria Mép. Phải mất một lúc, anh ta mới trấn tĩnh lại và quay sang đay nghiến tôi:

“Sao cô không nói với tôi?”

“Nói gì?”

“Tại sao cái cô Gia Cầm kia yêu nhiều thế chứ? Sao cô ta có thể yêu bừa phứa thế được nhỉ? Thật là... đồ yêu tạp!”

“Ơ hay! Nó yêu bao nhiêu người, yêu như thế nào thì liên quan gì đến anh mà anh khó chịu chứ?”

“Ờ, thì... không liên quan! Nhưng mà ngứa mắt!”

Nhìn điệu bộ vừa buồn bực vừa giận dỗi của Ria Mép khiến tôi không khỏi buồn cười. Mặc dù Sâm Cầm đã ra khỏi nhà từ lâu nhưng Ria Mép vẫn đứng ngồi không yên, anh ta giật mấy con bài trong tay tôi rồi đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Đúng là đồ ở bẩn, tôi phải kéo mấy lần mới cứu được chúng, nhưng con nào con nấy đều nham nhở vết răng của anh ta. Ôi trời, nếu tôi cũng có người yêu, cũng hí hửng lao đi chơi như thế thì Ria Mép có bứt rứt thế này không nhỉ? Tự nhiên, chợt thấy chạnh lòng...

Mưa! Sâm Cầm đã đi cả buổi sáng, Ria Mép cũng biến mất không rõ lý do, còn mỗi mình tôi trong khu trọ nằm nghe tiếng mưa và hát vu vơ vài ba bài hát không đầu không cuối. Có thể mọi người sẽ thấy ở góc phòng này, có một tôi cô đơn, một tôi buồn phiền, nhưng tôi nghĩ khác, tôi thích những lúc được ở một mình, được hát, được buồn, được vui... theo cách mà mình muốn, không vướng bận đến ai. Nhưng mà, đời nhiều khi có chiều theo ý thích của mình đâu, tôi không muốn vướng bận đến ai, nhưng ngay lập tức lại có người muốn tôi vướng vào hắn, thế mới khổ.

Tiếng gõ cửa mạnh đến nỗi tôi tưởng ông Chấu lại bị bà Vịt đuổi đánh nên cầu cứu mình, không chút ngại ngần, tôi lao ra mở cửa với tinh thần sẵn sàng giúp đỡ. Nào ngờ, người gõ cửa không phải ông Chấu mà là Bắp Ngô! Hắn ta chẳng thèm nói gì, cụp cái ô sũng nước lại và lách qua người tôi bước vào phòng cứ như hắn là người nhà. Tôi bất đắc dĩ phải đóng cửa để tránh mưa tạt vào, rồi trố mắt nhìn Bắp Ngô.

“Anh đến đây có việc gì thế?”

“Đến trú mưa!”

“Ở bệnh viện bị tốc mái hay sao mà anh phải đến đây trú mưa?”

“Bệnh viện bị dột, nhà tôi cũng thế, cứ tôi đứng đâu là dột ở đó.”

Ối! Đúng là đồ miệng lưỡi dối gian, biết mười mươi là bịa đặt mà tôi vẫn thấy bực. Đã thế thì tôi đây chả thèm khách khí nhé. Tôi cười nửa miệng:

“Chắc vì anh là ác quỷ nên ông trời mới không tha như thế chứ.”

“Chuẩn đấy! Thế nên tôi mới đến đây, bởi vì ở đây có một ma nữ còn ghê gớm hơn cả ông trời khiến ông ta sợ vãi... tè ra!”

Trời ơi, tôi đang phải tiếp chuyện với cái giống gì đây không biết, ăn nói thô lỗ, vô duyên hết sức. Hắn dám gọi tôi là ma nữ sao? Đồ... ác mồm... Tôi vớ lấy cái bút ném về phía Bắp Ngô, hắn né được, cầm cái bút lên xoay xoay cười cợt.

“Cô vừa chứng minh là cô rất hung dữ đấy nhé, tôi chỉ mới nói thôi chứ chưa hành động mà cô đã định đánh tôi rồi.”

Thật là điên với thể loại trơ trẽn như Bắp Ngô, tôi chả biết làm gì đành ngồi im lặng, cứ coi như hắn thắng đi, nhưng tôi không thèm nói chuyện xem hắn ngồi đây được đến bao giờ. Các bạn thân mến, khi ta giương hết móng vuốt ra mà bên địch không “xi nhê” gì thì chỉ còn cách duy nhất là giở bài “cùn”. Ở đời, người ta có thể sợ những thằng liều, ghét những thằng cố tỏ ra nguy hiểm, lo lắng vì những thằng say, nhưng kẻ khiến người ta tức lộn ruột nhất là những thằng “cùn”! Vì thế, suy ra rằng, “cùn” là vũ khí lợi hại nhất, tội gì mà không vận dụng nhỉ?

Tôi bắt đầu chiến dịch “cùn” của mình. Ngồi im như phỗng, hắn hỏi thì gật, gào lên thì lắc, đến lúc Bắp Ngô xuống nước nỉ non, xin lỗi, tôi càng “cùn” hơn. Mãi sau, hắn xuống nước rủ tôi đi chơi, hứa sẽ mời tôi gà rán thì dù ruột đang quặn lên từng đợt, tôi vẫn cố tỏ vẻ cao ngạo, lắc đầu buông một câu:

“Không thích!”

“Vậy, tôi mời cô ăn đồ ăn Hàn Quốc nhé.”

“Không thích.”

“Cơm tấm?”

“Không thích.”

“Thôi được rồi, lẩu nướng vậy?”

“Duyệt! Đi thôi.”

Tôi đứng phắt dậy, kéo Bắp Ngô theo, quả thật tôi chỉ chờ có thế. Nhìn mặt Bắp Ngô có vẻ đau khổ vì biết chắc sẽ mất một đống tiền, nhưng tôi nào quan tâm, trời mưa thế này mà được ăn lẩu nướng thì đời còn gì hơn nữa.

Thế là trong một chiều mưa, đáng ra tôi phải ngồi ủ dột gặm nhấm nỗi buồn một mình thì lại được đi ăn miễn phí toàn món ngon. Tôi ăn cật lực, ăn đến nỗi phải nằm gục xuống bàn để tránh những cơn ợ nóng từ dạ dày dội lên cổ. Thực ra, một đôi lần, giữa những “trận” ăn, tôi có ngẩng mặt lên nhìn Bắp Ngô, và nhận lại ở hắn ánh mắt đặc biệt kỳ lạ, nửa oán giận, nửa trìu mến, nửa nọ, nửa kia. Nói chung, nó thật khó tả và làm tôi khó xử, tôi đành cúi xuống đánh chén tiếp và tự rút ra một kinh nghiệm quý báu là: “Khi ăn đừng... ngẩng đầu lên”. Mặc vẻ mặt trầm tư của Bắp Ngô, tôi mỉm cười mãn nguyện cảm ơn hắn lia lịa, Bắp Ngô chỉ nhếch mép lên đáp lại tấm chân tình của tôi. Nói chung, khi bụng đã quá phè phỡn thì tôi chả có thời gian đâu mà để ý đến thái độ của Bắp Ngô nữa. Chúng tôi ra về, tôi hoan hỷ và Bắp Ngô... bắt buộc phải hoan hỷ theo, vì phép lịch sự, tôi nghĩ thế.


Chương 5.2


Tối muộn, tôi ngồi tự kỷ nhìn kim đồng hồ chạy chậm rãi trên tường, mười một giờ mười phút, Sâm Cầm chưa thấy bóng dáng đâu, chả biết đêm nay nó có về không nữa. Tôi chả gọi điện, vì biết những lúc vui thì đến cả trời đất nó còn quên huống hồ là cái điện thoại bé tẹo đang nằm trong túi. Sâm Cầm là một đứa con gái kỳ lạ, sống hết mình, yêu hết mình... nhưng một khi đã quyết thôi là thôi luôn một mạch, không ngoảnh lại, không bấu víu gì hết. Tôi luôn là đứa vừa thường xuyên phải cảnh báo nó vì cách sống đó, vừa lại hưởng ứng ủng hộ và học tập nó. Ôi, cái cuộc đời này, cái gì nhiều quá cũng đâu có tốt đâu, đúng không?

Khi kim đồng hồ nhích dần đến số mười hai, tôi quyết định trùm chăn, tắt điện đi ngủ. Vừa với tay lên công tắc điện thì có tiếng gõ cửa, tôi lật đật khoác thêm cái áo mỏng đi ra, ngay lập tức cái đầu tổ quạ của Ria Mép thò vào. Anh ta nhìn khắp phòng rồi hỏi nhỏ:

“Gia Cầm chưa về à?”

“Chưa. Anh hỏi có chuyện gì?”

“Chuyện gì nữa, con gái con đứa đi sớm về muộn thế là không được, cô phải bảo bạn cô xem lại lối sống của mình đi.”

Ối giời ơi! Đây có phải là Ria Mép tôi biết không? Anh ta lấy đâu ra cái giọng cao ngạo, đạo đức giả giống hệt bà Vịt Bầu thế chứ. Tôi há mồm ra định nhắc nhở anh ta thì một giọng the thé quen thuộc phía sau vang lên:

“Đúng, phải xem lại cách sống đi, yêu đương bừa bãi là tôi không cho ở đây nữa đâu đấy!”

Lại thêm chuyện long trời lở đất gì nữa đây? Sao bà Vịt Bầu lại xuất hiện ở đây giờ này? Chẳng nhẽ, Ria Mép đang có âm mưu gì đó nên lôi kéo Vịt Bầu theo? Tôi đứng cấm khẩu tại chỗ, bà Vịt Bầu anh dũng gạt Ria Mép ra, ghé miệng vào tai tôi thì thầm:

“Này, lúc nãy, tao và Ria Mép nhìn thấy con Cầm ngồi trong xe hơi của một đại gia đấy. Haiz, ở đời chẳng biết thế nào mà lần, rõ ràng tao có tăng tiền trọ, tiền điện gì đâu mà nó phải đi cặp với đại gia kiếm tiền chứ.”

“Cái gì? Bà... nói... thật không đấy?”

Tôi kinh ngạc đến độ lắp bắp mãi trong miệng. Ria Mép xen vào, giọng rất chi là... hình sự:

“Thật chứ đùa à, chính mắt tôi và cô tôi nhìn thấy cô ấy với người đàn ông kia ở ngoài cổng chứ ai. Nói chung là không ổn! Một người như Gia Cầm sao có thể yêu một lão già vừa hói, vừa phệ lại vừa... vừa gì nhỉ?”

Ria Mép quay sang nhìn Vịt Bầu cầu cứu, bà Vịt Bầu hồn nhiên đáp lời:

“Vừa lắm tiền! Đó mới là điều quan trọng.”

Ria Mép gật gù, hoa chân múa tay như giảng đạo đức cho tôi:

“Cô phải ngăn cản cô ấy, đừng để cô ấy dấn sâu vào con đường tội lỗi đó, lão ta lắm tiền thì lão ta cũng nhiều mưu sâu kế hiểm lắm. Mà tức thật, cái cô Gia Cầm này, bao nhiêu đàn ông tốt bên cạnh thì không chọn, lại chọn một lão khọm già.”

Khoan đã, tôi chả hiểu gì cả, tại sao nãy giờ hai người này cứ nhắc mãi đến đại gia, ô tô rồi đến khọm già? Sâm Cầm của tôi, tôi biết rõ lắm chứ, nó đời nào chịu yêu một ông già? Nó vốn ưa trai đẹp, trai trẻ giống tôi cơ mà?

Trong lúc Ria Mép và Vịt Bầu bức xúc rao giảng bài giáo dục công dân thì tôi cố bóp trán chắp nối mọi việc. Ố ồ! Dường như có một điều gì đó, điều gì đó thật bất thường ở đây, tôi mỉm cười, hỏi lại Ria Mép:

“Có phải lúc nãy anh nói, nó ngồi trong ô tô với một ông già, đầu hói, bụng phệ?”

“Đúng, tôi còn đứng nép một bên cửa để nhìn cho rõ cơ mà.”

“Và chiếc xe ô tô ấy, có phải nó có màu café cháy không?”

“Chuẩn luôn, cô cũng biết ông ta à?”

“Tôi lạ gì, ông ấy là bố Sâm Cầm mà!”

“Cái gì? Bố á?”

Quả không ngoài dự đoán của tôi, Vịt Bầu và Ria Mép cùng trố mắt hét lên. Tôi lúc này mới cười khoan khoái, ôi Ria Mép ơi, lần sau có xí xớn hóng hớt gì cũng phải suy nghĩ cho thấu đáo nhé. Chưa chi đã quy kết cho con nhà người ta cái tội tham tiền, cặp bồ với đại gia cơ đấy, Sâm Cầm mà nghe được chuyện này chắc nó cười đến rách bụng mất.

Ria Mép và bà Vịt Bầu sau phút sững sờ, cả hai hết nhìn nhau lại quay sang nhìn tôi. Bà Vịt Bầu thở dài, lắc đầu:

“Ối giời, nhà nó giàu thế cơ à? Làm tao cứ tưởng nó đi cặp với đại gia, định mai đi chợ buôn với mấy bà hàng thịt cho xôm, ai ngờ...”

Bà Vịt vừa ngáp vừa lê dép lếch thếch đi lên nhà. Ria Mép vẫn nhìn trừng trừng vào mặt tôi.

“Nói thật chứ? Bố cô ấy đấy hả?”

“Tôi nói dối để làm gì? Toàn nghi ngờ vớ vẩn.”

“Thế thì tốt... Mà... đừng kể chuyện này với Gia Cầm đấy! Cô ta sẽ đánh tôi đến chết mất.”

“Anh cũng đáng chết mà, tự nhiên lại đi nghi ngờ tư cách ngời sáng của nó.”

“Thì... tôi... lo... quá thôi! Tóm lại là im lặng, cấm mách đấy! Giờ thì đi ngủ đi, tôi về đây.”

Ria Mép đẩy tôi vào phòng, có chút bối rối, anh ta quay lưng đi thẳng về phòng. Tôi cũng đóng cửa phòng rồi leo lên giường ngủ. Nhưng, tôi không thể nào ngủ nổi, những cảm giác mơ hồ về sự quan tâm đặc biệt mà Ria Mép dành cho Sâm Cầm ngày càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết.

Tự nhiên, tôi lại thấy buồn, sự ích kỷ trỗi dậy, tôi tự hỏi rằng, tại sao người được nhận sự quan tâm đó không phải là mình mà lại là Sâm Cầm? Tại sao tôi lại chờ đợi và hy vọng về một điều gì khác giữa tôi và Ria Mép? Tại sao tôi lại buồn đến vậy? Đôi khi, để tránh phải thừa nhận một việc gì đó, người ta thường giả vờ đưa ra hàng vạn câu hỏi vì sao rồi loay hoay tìm đáp án cho các câu hỏi đó mặc dù mình đã có câu trả lời. Tôi cũng vậy, tôi thừa biết vì sao tôi luôn chờ đợi Ria Mép xuất hiện mỗi ngày, vì sao lại thấy chạnh lòng khi Ria Mép quan tâm đến Sâm Cầm, và vì sao hôm nay tôi mất ngủ. Có lẽ, câu trả lời này tôi sẽ giữ cho riêng mình mãi mãi thì sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người.

Sâm Cầm về nhà vào sáng hôm sau, tôi thấy mắt nó có vẻ sưng liền hỏi thăm. Nó cười, bảo tại cả đêm thức chơi bài với bố, mất ngủ nên mới thế. Tôi cười, mắng nó cái tội ham chơi quên hết cả nhan sắc. Nó cũng cười, nhưng trong nụ cười đó, tôi cảm thấy có gì đó lành lạnh. Tôi hơi giật mình, nhưng chợt nghĩ, chắc tại mình cả nghĩ quá thôi, nếu có vấn đề gì nó sẽ nói với tôi ngay, trước giờ nó có giấu tôi điều gì đâu.

Cả ngày hôm đó, Sâm Cầm chỉ nằm ngủ, thi thoảng nó trở dậy uống nước rồi lại quay về giường nằm, tôi hỏi nó xem thực sự đã có chuyện gì, nó chỉ lắc đầu bảo “Tao đau đầu!” rồi ngồi nghịch điện thoại và lờ tôi đi. Ngay cả khi tôi kể chuyện Ria Mép hiểu nhầm tối qua, nó cũng chỉ nhếch mép cười một cái rất nhẹ rồi trùm chăn đòi đi ngủ. Tôi biết ngay có chuyện chẳng lành, nhưng dù tôi có cố cạy miệng nó, nó vẫn không buồn đáp lời. Thôi vậy, một khi Sâm Cầm đã không thích thì không thể ép được nó nói, chỉ còn cách chờ bao giờ nó cần, nó nhất định sẽ lôi tôi ra để “xả” cho bằng hết, lần nào chẳng giống lần nào. Nghĩ vậy nên tôi yên tâm để nó ngủ tiếp mà không căn vặn thêm điều gì nữa.

Mấy ngày sau, tâm trạng của Sâm Cầm có vẻ khá lên, nhưng nhìn vào mắt nó, tôi vẫn thấy có gì đó rất lạ... Trong thâm tâm, tôi thầm cầu mong dù đó là chuyện gì đi chăng nữa, nó sẽ mạnh mẽ đứng dậy như từ trước đến nay vẫn thế. Sâm Cầm mà tôi biết không dễ buông xuôi và đầu hàng vậy đâu.



Chương 6: Không thể gục ngã!


Chương 6.1


Vài tuần sau đó, tâm trạng của Sâm Cầm vẫn thất thường, lúc vui vẻ, lúc trầm ngâm. Tôi hỏi nó liệu có phải nó lại tiếp tục thất tình không, nó cười ha hả tuyên bố là vừa để trôi một “cục tình” rất to, có khả năng không bao giờ vớt lại được. Tôi cũng “phán” rằng thất tình là trạng thái không còn xa lạ gì với nó, vì thế, việc gì phải xoắn nhỉ? Sâm Cầm gật gù vỗ vỗ vai tôi vài cái rồi ôm túi đi ra khỏi phòng. Tôi nhìn điệu hất tóc kiêu hãnh của nó mà lòng chợt dâng lên cảm giác bất an kỳ lạ. Đã từ lâu, mọi niềm vui hay nỗi buồn của Sâm Cầm đều khiến tôi lo âu và thắc thỏm như nó là một phần ruột thịt của tôi vậy. Mà suy cho cùng, ngoài bà nội ra, tôi chỉ còn Sâm Cầm là người thân thiết nhất, không vui buồn với nó thì biết chia sẻ cùng ai bây giờ?

Sâm Cầm vừa đi khỏi, tôi cũng dắt xe đến thăm bà nội, đã lâu lắm rồi mới có dũng khí để đến thăm bà. Hồi bà còn ở dưới quê, mỗi ngày cuối tuần tôi đều hí hửng nhảy lên xe buýt về nhà, đôi khi chỉ để nghe bà thủ thỉ dăm ba câu chuyện ngày xưa hay ngủ lại với bà một đêm, dụi đầu vào má bà để ngửi mùi cay cay, nồng nồng của miếng trầu bà nhai. Với tôi, bà là cả một vùng ký ức, một trời yêu thương và một nơi chốn bình yên cho tôi trở về sau mỗi lần mỏi gối chồn chân. Tôi ước được quay lại ngày đó, lúc bà còn khỏe mạnh và minh mẫn, ngày mà chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân từ xa là bà biết tôi đã về.

Bà nội giờ chuyển hẳn lên thành phố sống với chú thím, sau một cơn đột quỵ, hai chân bà đi lại khó khăn và mất trí nhớ, bà chỉ nhớ những gì thuộc về quá khứ. Có đôi lúc, bà lảm nhảm gọi tên bố tôi, mẹ tôi rồi cả tôi nữa, nhưng khi tôi ngồi trước mặt bà, bà lại không biết tôi là ai. Mỗi lần đến thăm, tôi thường vùi đầu vào ngực bà để mặc nước mắt thấm ướt chiếc áo đã lâu không còn thoang thoảng hương trầu ngày xưa nữa.

Tôi yêu bà hơn bất cứ điều gì trên đời, nhưng tôi rất sợ mỗi khi phải đến thăm bà, không phải vì tình cảnh của bà khiến tôi quá đau lòng, mà vì thím tôi. Tôi không muốn gặp người đàn bà ấy, không muốn nghe những lời bà ta nói và càng ngày, tôi càng không muốn liên quan gì đến con người tệ hại ấy. Mà, chẳng phải mình tôi nghĩ thế, chính bà ấy cũng chả mong mỏi gì sự có mặt của tôi ở đó. Còn nhớ, hồi tôi học đại học, mỗi lần thấy tôi đến chơi, thím thường than nghèo kể khổ vì nghĩ tôi đến xin tiền là chính. Sau này, mỗi lần chú tôi từ trong miền Nam ra, chú gọi tôi về nhà ăn cơm thì bà ấy theo sát tôi từng bước, sợ tôi thiếu thốn quá mà ăn cắp đồ đạc trong nhà. Tôi nhận ra rằng, trong mắt một người tham lam, hẹp hòi như thím tôi thì chẳng có ai không mê của cải cả. Bà luôn coi của cải là thước đo cho lòng tự trọng của con người, và tôi, đương nhiên là đứa không có một chút tự trọng nào rồi, vì trong túi làm gì có xu nào!

Từ hồi bà nội đổ bệnh, chú đón bà lên thành phố ở với thím cho tiện chăm sóc, tôi bất đắc dĩ phải đến đây hằng tháng, chủ yếu để thăm bà và góp một ít tiền cho thím. Do chú tôi làm việc ở miền Nam, năm về vài lần nên không hề biết việc thím đối xử với bà như thế nào, chú ấy vẫn tự hào rằng vợ mình là một cô con dâu hiếu thảo với mẹ chồng. Nhiều lần tôi định nói, nhưng nhìn ánh mắt tự hào, tin tưởng của chú dành cho bà ta, tôi không đành lòng.

Nhiều lần đến thăm bà, nghe những lời bóng gió chì chiết của thím dành cho bà mà tôi thấy chua xót vô cùng. Tôi đã thề là sẽ tích lũy tiền bạc, làm việc chăm chỉ để một ngày nào đó đón bà về sống với mình, dù nghèo khổ, hay khó khăn đến mấy, chỉ cần có bà ở bên, tôi tin mình sẽ làm được.

Cứ nhìn thấy tôi là thím đã đưa đẩy ngay việc tôi lâu rồi không đến thăm bà, không chịu gửi thêm quà cáp gì cho bà cả. Biết tính bà ta, tôi không giải thích gì nhiều, nhanh chóng dúi vào tay thím túi cam kèm theo chiếc phong bì chuẩn bị sẵn. Thím liếc cái phong bì rồi đút nó vào túi quần, đi thẳng lên nhà. Tôi cũng chả lấy thế làm buồn, thím tôi vốn là con người ưa vật chất, không có gì khiến bà ta vui bằng có tiền và cũng chả có gì khiến bà ta đau khổ hơn là mất tiền. Thế đấy, trong cuộc sống này, nhiều lúc đồng tiền có thể biến tình máu mủ thành một thứ lạnh lùng, tàn nhẫn và tanh lợm mùi kim tiền như vậy đấy.

Bà vẫn đòi ngồi cạnh cửa sổ để ngắm trăng bất kể là ngày hay đêm, có lẽ trong tiềm thức của mình bà vẫn luôn nhớ đến những đêm trăng dịu dàng ở quê ngày nào. Tôi lau mặt và bóp chân cho bà, kể vài ba câu chuyện vu vơ, thi thoảng bà lại nheo mắt nhìn tôi một cách xa lạ rồi hỏi “Cô là ai?”. Mỗi lần như thế, tôi lại nắm tay bà thật chặt, nhìn sâu vào mắt bà.

“Bà ơi! Cháu là Trăng Thanh đây!”

Bà ngồi gật gù, xoa đầu tôi như ngày còn bé và thì thầm:

“Trăng Thanh! Trăng Thanh! Bà nhớ cháu lắm.”

Tôi úp mặt lên lòng bàn tay bà khóc rưng rức, có rất nhiều điều tôi muốn nói cùng bà, có rất nhiều yêu thương tôi muốn dành cho bà, nhưng làm sao để bà hiểu đây? Khi nước mắt ướt đẫm tay, tôi thấy bà giật mình rụt tay lại, đẩy tôi ra và hỏi một cách vô hồn.

“Cô là ai?”

Tôi nhẹ nhàng lau khô tay bà rồi đáp lại một cách kiên nhẫn “Cháu là Trăng Thanh”, bà gật gật đầu rồi hỏi lại:

“Cơm đâu? Ăn cơm đi.”

Cả ngày hôm ấy, khi thì bà gọi tên tôi, khi bà gọi tên cô giúp việc, chốc chốc lại gọi mẹ tôi. Trí nhớ của bà giờ lộn xộn và rối rắm như một miếng bùi nhùi treo trên xó bếp. Dù bà không còn nhớ nổi khuôn mặt tôi, không nhớ rõ tên tôi, nhưng mỗi khi được nói chuyện cùng bà, được vuốt ve đôi bàn tay nhăn nheo của bà là tôi cảm thấy hạnh phúc và bình yên hơn bao giờ hết.

Trước khi về, tôi thì thầm vào tai bà “Bà ơi, bà chờ cháu nhé, cháu sẽ cố gắng để hai bà cháu mình được sống cùng nhau”. Chẳng biết bà có hiểu những gì tôi nói không mà bà gật đầu mỉm cười với tôi một cách trìu mến. Tôi thơm lên vùng trán nhăn nheo của bà, ôm bà thật lâu trước khi rời khỏi căn phòng ngây ngây mùi nước hoa xịt phòng rẻ tiền ấy.

Tôi xuống bếp, dúi cho chị giúp việc một ít tiền nhờ chị chăm sóc bà. Ở nhà này, ngoài người giúp việc cho bà ăn, tắm rửa cho bà thì không một ai bước vào phòng bà nữa. Chỉ những lúc chú tôi từ xa về, bà thím quý hóa mới đảo qua phòng bà vài phút để chứng minh với chú là mình vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm của một người con dâu. Tôi biết, thím sợ chú tôi sẽ cắt ngay khoản “viện trợ” hằng tháng nếu chú biết việc bà ta bỏ mặc bà nội tôi, vì thế, dù khó chịu và tiếc tiền đến mấy thím cũng cắn răng thuê một cô giúp việc để vừa làm việc nhà, vừa chăm sóc bà cho thím rảnh nợ.

Tôi vừa dắt xe ra cổng, thím đã vội vàng chạy theo kéo tay than nghèo kể khổ như hàng trăm lần trước. Nào là dạo này giá thực phẩm tăng, thuốc tăng và cả lương osin cũng tăng cao, thím khó lòng chi trả nổi, nào là chú mày làm ăn khó khăn nên tiền gửi về cũng vơi đi nhiều lắm... Tôi hiểu ngay ra vấn đề, liền móc ví lấy thêm ít tiền dúi vào tay bà ta.

“Đây, cháu đóng thêm tiền ăn cho bà.”

“Ừ, phải thế chứ! Cháu cũng là cháu của bà, cũng phải có trách nhiệm nuôi dưỡng bà chứ, bỏ cho một mình thím lo sao được.”

“Vâng!”

“Mà này, thím đang định mấy nữa đưa bà về quê sống thôi, ở đây chật chội lại đắt đỏ, thím sợ không kham nổi.”

“Nhưng mà... ở quê bà đâu còn ai nữa ạ?”

“Ối giời, không còn ai thì thuê một người chăm nom là được, ở quê thuê giúp việc rẻ lắm, mày lo một một nửa, thím lo một nửa. Thế cho thím đỡ phiền mà mày cũng rảnh nợ để còn lấy chồng.”

Tôi lạnh người, không nói thêm được câu gì nữa, đành dắt xe ra khỏi cổng mà lòng nặng trĩu. Trời ơi, nếu bà còn minh mẫn, bà nghe được những lời này chắc là đau lòng lắm. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy may mắn vì bà bị mất trí khi sống trong ngôi nhà này, có lẽ việc nhớ nhớ quên quên ấy sẽ khiến đầu óc bà thanh thản và dễ chịu hơn nhiều. Khi tôi chuẩn bị lên xe nổ máy, thím tôi vẫn cố thò cổ ra nhắc nhở.

“Này, nghĩ cho kỹ vào nhớ! Tao sợ mấy nữa bà qua đời trong nhà tao thì xui xẻo lắm.”

Tôi gật đầu, phóng xe đi và những giọt nước mắt lăn tràn trên gò má. Sao tình yêu thương trong thế giới nhỏ bé này lại xa xỉ đến vậy? Sao trên đời này lại xuất hiện những kẻ có trái tim làm bằng hơi lạnh của tiền như vậy? Tôi cay đắng cho cả cuộc đời tần tảo vì con vì cháu của bà, cay đắng cho niềm hạnh phúc bị dối lừa của chú và cay đắng luôn cho cả những gì tôi phải chứng kiến mà không biết thổ lộ cùng ai. Trên đường về, tôi bắt đầu nhẩm tính những khoản chi phí và cách sắp xếp công việc như thế nào để sớm đưa bà ra khỏi đó càng nhanh càng tốt. Tôi muốn những ngày cuối đời, bà được sống trong yêu thương và trân trọng, tôi sẽ làm được. Bà ơi, hãy chờ cháu nhé.

Tôi nằm vật xuống giường, nước mắt khô lại làm hai bên má dường như căng ra. Tôi muốn đón bà về ngay lập tức, tiền có thể cố gắng thu xếp được, nhưng còn người trông nom thì sao, bà không thể ở nhà một mình, còn tôi thì không thể bỏ việc để ở nhà chăm sóc bà được, như thế hai bà cháu sẽ sống bằng gì? Những lo lắng luẩn quẩn trong đầu khiến tôi không thể nào chợp mắt được.

Đêm nay, một đêm dài với bao bộn bề tính toán, Sâm Cầm vẫn chưa về dù đã hơn một giờ đêm. Tôi nghĩ, có khi nó ngủ lại chỗ bố nó nên không gọi điện hỏi han gì nữa. Loay hoay mãi không ngủ được, tôi ngồi dậy, với tay mở laptop rồi ngồi khoanh chân trên giường. Lâu lắm rồi không có thói quen chat chít vào ban đêm, cũng không tham gia bất cứ mạng xã hội nào như các bạn cùng trang lứa, có lẽ, tôi quá già so với cuộc sống sôi động của những người trẻ khác. Tôi chẳng quan tâm, miễn mình tự cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại là đủ. Cuộc sống của ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu ta tự biết thế nào là đủ cho bản thân, đúng không?

Mở tờ báo điện tử quen thuộc, tôi lướt qua vài tin tức giải trí trong ngày, chợt khựng lại vì một bức ảnh, ảnh của một người đàn ông quá đỗi quen thuộc đang bị còng tay. Tôi dụi mắt thêm vài lần nữa để chắc chắn rằng mình không nhìn nhầm. Không, không thể nhầm, tôi đưa mắt liếc nhìn dòng “tít” báo phía trên bức ảnh “Một giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì tội buôn lậu và lừa đảo”. Tôi bàng hoàng ngồi xuống rồi vội vã cầm lấy điện thoại gọi cho Sâm Cầm, tiếng nhạc chờ quen thuộc vang lên nhưng Sâm Cầm không nhấc máy, thêm nhiều hồi chuông nữa, vẫn không thấy động tĩnh gì.

Tôi như ngồi trên đống lửa, trời ơi, không biết Sâm Cầm đã biết việc bố nó bị bắt chưa? Tôi linh cảm có điều gì đó rất tồi tệ sắp xảy ra mà không thể làm gì. Sâm Cầm, mày đang ở đâu? Tôi bấn loạn đi lại liên tục trong phòng và không ngừng gọi nó nhưng đáp lại tôi chỉ là những hồi chuông dài lạnh lẽo. Tôi vội vã khoác thêm áo, đẩy cửa bước ra ngoài, tôi sẽ đi tìm Sâm Cầm, chắc nó đang buồn lắm, đang ngồi khóc ở đâu đó ngoài kia.

Vừa đẩy cửa ra, tôi thấy Ria Mép đang đứng hút thuốc trước cửa tự lúc nào, tôi không có nhiều thời gian để hỏi anh ta đứng đây làm gì, chỉ lặng lẽ lách qua người Ria Mép để đi ra cổng. Ria Mép kéo tay tôi.

“Gia Cầm chưa về đúng không?”

“Ừ, tôi đang định đi tìm nó!”

“Cô biết cô ấy ở đâu à?”

“Không! Nếu biết tôi đã không phải đi tìm.”

Ria Mép vứt điếu thuốc xuống sân, bước lên trước kéo tay tôi cùng đi.

“Tôi đi cùng cô! Đã xảy ra chuyện gì phải không? Tự nhiên tối nay tôi thấy nóng ruột quá!”

“Ừm! Có chuyện!”

Tôi không còn tâm trí để giải thích cho Ria Mép chuyện gì đang xảy ra, chỉ cố bước đi thật nhanh để mong tìm thấy Sâm Cầm nhanh nhất có thể. Chắc nó buồn và thất vọng lắm, nó đã cố kéo bố mình ra khỏi vũng lầy do chính ông tự giăng ra nhưng dường như càng kéo ông ấy càng dấn sâu vào. Tiền bạc, lợi ích và những thứ phù phiếm khác đã khiến ông ấy mê muội. Tôi không tiếc nuối gì cho bố Sâm Cầm, chỉ thương bạn tôi, người đã bất lực trong việc kéo bố trở lại con đường chân chính. Chắc giờ này nó ở một quán bar nào đó, uống rượu và khóc thật nhiều cho trôi hết nỗi đau khổ và thất vọng mà nó vừa trải qua.

Ria Mép và tôi đã tìm kiếm khắp nơi, chúng tôi đến những quán bar mà Sâm Cầm thường lui tới, những quán café mở muộn, hay lang thang dọc con đường mà mỗi lần thất tình nó hay đi. Đã gần bốn giờ sáng, bóng dáng Sâm Cầm không thấy đâu, tôi ngồi sụp xuống vệ đường với vẻ mệt mỏi và lo lắng không thể nào che giấu. Ria Mép ngồi xuống cạnh tôi, mắt anh ta đỏ ngầu lên, chậm rãi châm một điếu thuốc đưa lên miệng.

“Có khi cô ấy về nhà đánh một giấc no say rồi cũng nên, hay chúng ta về xem thế nào đã.”

“Tôi hy vọng thế!”

Tôi đứng dậy, chợt điện thoại trong túi reo lên, lât đật mở điện thoại ra, tôi cười tươi giơ ra trước mặt Ria Mép.

“Là Sâm Cầm, chắc nó về nhà thật rồi.”

Ria Mép cũng không giấu nổi sự vui mừng, anh ta khoát tay ra hiệu nôn nóng bảo tôi nghe điện thoại. Tôi áp điện thoại vào tai, hỏi dồn:

“Sâm Cầm à, mày ở đâu đấy? Tao tìm mãi.”

Bên kia vang lên tiếng thở mạnh, giọng một người đàn ông vang lên:

“Cô là bạn của cô ấy đúng không? Tôi thấy nhiều cuộc gọi nhỡ trong điện thoại của cô ấy nên gọi lại. Cô làm ơn báo cho gia đình nạn nhân biết là cô ấy đang cấp cứu ở bệnh viện nhé!”

Có chuyện gì thế này? Sâm Cầm làm sao? Nó bị tai nạn ư? Bệnh viện nào? Tôi hoảng loạn lắp bắp đủ các câu hỏi trong điện thoại, khi người đàn ông ấy thông báo bệnh viện nơi Sâm Cầm đang cấp cứu cũng là lúc chân tôi như khuỵu xuống. Ria Mép giật điện thoại của tôi rồi kéo tôi đứng dậy. Anh ta lao ra đường, chặn một chiếc taxi lại và đẩy tôi lên đó.

Suốt cả quãng đường đến bệnh viện, đầu tôi không nghĩ được gì, nước mắt cứ thế rơi. Sâm Cầm của tôi ơi, hy vọng là nó không sao, hy vọng nó chỉ bị xước tay xước chân thôi. Mà không, nếu chỉ nhẹ thế thì nó đã gọi điện cho tôi rồi chứ. Tôi không ngừng suy đoán, còn Ria Mép cứ chồm người lên giục tài xế đi nhanh hơn. Tôi biết, Ria Mép cũng lo lắng và sốt ruột không kém gì tôi.

Khi chúng tôi đến bệnh viện, Sâm Cầm đang ở trong phòng hội chẩn, họ không cho người nhà vào. Dù chúng tôi cố gắng hỏi thăm tình trạng của nó nhưng ai cũng nói chờ kết quả hội chẩn. Tôi ngồi xuống ghế, úp mặt lên lòng bàn tay rồi lầm bầm cầu khấn cho Sâm Cầm. Ria Mép xoa đầu tôi, nói nhỏ:

“Không sao đâu, cô ấy rất mạnh mẽ mà.”

Tôi ngẩng đầu nhìn Ria Mép, đôi mắt đỏ ngầu trũng sâu xuống, anh ta an ủi tôi cũng là để an ủi chính mình. Tôi lặng lẽ gật đầu, cả hai nhìn chằm chằm vào biển hiệu cấp cứu đang nhấp nháy ở hành lang. Lúc này tôi chợt nhớ ra, chẳng phải Bắp Ngô đang làm ở đây sao? Tôi sẽ gọi cho hắn để xem có giúp được gì không, dù sao vào viện mà có người nhà là bác sĩ vẫn tốt hơn chứ.

Nghĩ là làm, tôi nhấc máy gọi cho Bắp Ngô, vừa nghe tin hắn đã chạy nhanh tới, vẫn còn mặc bộ quần áo thể thao, nhìn đồng hồ tôi mới nhận ra là đã sáu giờ sáng, chắc hắn vừa đi tập thể dục về. Nhìn bộ dạng của Bắp Ngô tự nhiên tôi thấy ngại, chẳng hiểu sao lại làm phiền người ta vào sáng sớm như thế. Nhưng Bắp Ngô dường như chả thấy thế làm phiền, hắn sốt sắng đi mặc áo blouse và gọi điện cho ai đó. Vài phút sau, Bắp Ngô trở lại cùng một y tá, nhìn tôi và Ria Mép một cách cảm thông và nói bằng giọng cực kỳ dịu dàng:

“Cô ấy sẽ phải phẫu thuật! Trăng Thanh, cô đi theo cô y tá này để làm thủ tục và ký cam kết trước mổ cho cô ấy.”

Tôi lật đật chạy theo cô y tá, lòng vẫn không quên cầu khấn cho Sâm Cầm tai qua nạn khỏi.

Sâm Cầm đã được đưa vào phòng phẫu thuật, không biết khi tôi đi làm thủ tục Bắp Ngô đã nói gì với Ria Mép nhưng biểu hiện của anh ta lúc này rất lạ. Ria Mép không còn đi lại, sốt ruột như lần trước nữa, giờ anh ta ngồi cạnh tôi, bất động và bất lực như một tảng đá. Tôi có cảm giác anh ta đã biết được kết quả của ca mổ này, tôi níu tay anh và hỏi dồn:

“Sâm Cầm nghiêm trọng lắm hả? Đừng giấu tôi, nó sẽ không sao chứ?”

“Không sao, cô ấy vừa khỏe, vừa ương bướng như thế thì có chuyện gì xảy ra được chứ!”

Cũng phải, Sâm Cầm là đứa kiên cường nhất mà tôi từng gặp, không một chướng ngại vật nào cản trở được nó. Tôi luôn tin và hy vọng vào nó. Cố lên! Đừng gục ngã! Sâm Cầm của tôi ơi!


Chương 6.2


Cửa phòng phẫu thuật bật mở, Bắp Ngô và một số bác sĩ bước ra ngoài. Ria Mép và tôi đứng bật dậy, tôi nhìn Bắp Ngô chờ đợi. Hắn gật đầu, tháo khẩu trang và hướng mắt về phía tôi:

“Ổn rồi!”

Ơn trời! Sâm Cầm là đứa lỳ lợm mà, còn lâu nó mới thua cuộc, đúng không? Tôi vui mừng nhìn sang Ria Mép, anh ta cười lại rất nhẹ, trong đôi mắt ấy vẫn còn chất chứa một điều gì đó, một điều gì khiến tôi cảm giác gai người. Không để tôi nhìn lâu nữa, Ria Mép vội vã hỏi Bắp Ngô xem chúng tôi đã được vào thăm Sâm Cầm chưa. Bắp Ngô nói giờ cô ấy vẫn chưa tỉnh lại do thuốc gây mê, cứ để cô ấy nghỉ ngơi đã. Ria Mép gật đầu ngồi xuống.

Dù được thông báo là ca mổ đã ổn, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác rất bất an, tôi liên tục hỏi Bắp Ngô về tình trạng của Sâm Cầm, tôi lo sợ hắn sẽ giấu tôi điều gì đó. Bắp Ngô liếc nhìn Ria Mép, Ria Mép gật đầu nhè nhẹ, lúc này Bắp Ngô nắm lấy tay tôi nói nhỏ:

“Đi theo tôi.”

Bắp Ngô kéo tôi ra vườn hoa phía sau bệnh viện, đẩy tôi ngồi xuống ghế đá rồi điềm nhiên ngồi bên cạnh. Hắn liếc nhìn tôi rồi quay sang hỏi một cách nghiêm túc:

“Gần đây, Sâm Cầm có biểu hiện gì lạ không?”

“Ý anh là sao?”

“Tâm trạng của cô ấy có gì bất thường không?”

“Nó hay buồn.”

“Cô ấy vừa gặp một cú sốc nào lớn không?”

“Tại sao anh hỏi thế? Trước đó thì chỉ là buồn vì thất tình thôi, nhưng tối hôm qua thông tin bố nó vừa bị bắt lan tràn trên báo, tôi nghĩ, nó sốc lắm.”

Bắp Ngô gật đầu rồi thở dài, tôi lờ mờ hiểu ra điều gì đó liền hỏi dồn:

“Anh hỏi nhiều như thế để làm gì? Anh là bác sĩ phẫu thuật chứ có phải bác sĩ tâm lý đâu.”

Bắp Ngô ngần ngừ, xoay vai tôi lại nhìn sát vào mặt hắn, cái nhìn ấy bất chợt khiến tôi như đông cứng người.

“Nghe này, người ta đang nghi ngờ cô ấy tự tử, lúc nãy cảnh sát có đến đây.”

“Cái gì? Tự tử á? Anh điên rồi, không thể nào, Sâm Cầm không bao giờ tự tử!”

Tôi vùng đứng dậy, làm sao người ta có thể gán cho Sâm Cầm là tự tử chứ. Sâm Cầm từ trước đến nay vốn coi thường những ai coi rẻ
ĐẾN TRANG
Thông Tin
Lượt Xem : 4015
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN