--> Ngồi khóc trên cây - game1s.com
Polaroid

Ngồi khóc trên cây

và thằng Thục chắc là không trách tôi - tôi tin cả ba đều đoán được tại sao tôi không về dự đám giỗ ông tôi, cũng như bặt tăm suốt những năm sau đó.
Chỉ có con Rùa là không biết gì. Một đứa con gái cô độc, ba chết, mẹ bỏ đi lấy chồng khác, lại bị chứng bệnh hiểm nghèo kéo dài suốt bốn năm (có lẽ do bị sốc trước cảnh gia đình ly tán), trước nay chỉ đánh bạn với thiên nhiên, loài vật, gần đây mới có được một người bạn thực sự hiểu nó và yêu quý nó là tôi, thế mà chỗ dựa tình cảm duy nhất đó cuối cùng cũng phản bội lại nó. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh con Rùa một mình lủi thủi trong rừng, một mình ngồi trên phiến đá xanh dưới bóng cây bướm bạc hướng mắt về phương Nam chờ tin tôi, nhớ đến lời thủ thỉ của nó “Anh nhớ về sớm nhé. Không có anh, em chẳng biết chơi với ai”, lòng tôi lại đau như dao cứa.
Bây giờ, đã biết tôi và con Rùa là anh em chú bác, thế nhưng mỗi lần nhớ đến nó lòng tôi không hiểu sao vẫn tràn ngập yêu thương. Đã nhiều lần, nhớ nó cồn cào, nỗi thương cảm dâng ngập mi mắt, tôi muốn quay ngay về làng chạy lên xóm trên gặp nó, ôm nó vào lòng, tắm nước mắt trên mặt nó và nói với nó là tôi nhớ nó nhiều lắm.
Tất nhiên là cuối cùng tôi đã không bị những thôi thúc mộng mị đó cuốn đi. Và sau những lần nhớ thương quay quắt như vậy, tôi càng quyết tâm không về làng. Tôi là đứa con trai đa sầu đa cảm, nếu đứng trước mặt con Rùa ngay lúc này tôi biết tôi không thể kiểm soát được tình cảm của mình.
Thực sự thì tôi chẳng thấy nhú lên trong lòng chút tình cảm anh em nào với con Rùa. Tôi không cảm nhận được sợi dây thiêng liêng vô hình ràng buộc những người cùng máu mủ ruột rà. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới con Rùa trong bóng dáng một đứa em họ. Nghĩ đến nó, lần nào tôi cũng nghe văng vẳng bên tai lời nhắn gửi đầy tin cậy “Bây giờ em còn nhỏ, anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn anh nhé!”. Những lúc đó, lòng tôi lại nghẹn thắt, trái tim tôi lại hóa thành cụm lục bình trôi lênh đênh trong dòng sông cảm xúc đầy ắp nỗi buồn.

32

Có lúc, tôi nhận ra tôi đang giận ông tôi cho dù lúc ông còn sống, tôi là đứa cháu mà ông thương nhất.
Tôi giận thói trăng hoa của ông. Với cốt nhục ông để lại bên nhà thầy Điền, ông đã vô tình làm khổ đứa cháu yêu của ông.
Nhưng tôi chỉ giận ông thoáng qua. Khi bình tĩnh lại tôi buộc phải chấp nhận một sự thật là trong cuộc sống, đôi khi đời sau không thể tránh được việc phải dọn dẹp những ngổn ngang đời trước đã bày ra, phải oằn lưng trả những món nợ đời trước đã trót vay một cách vô tội vạ, và cuộc sống tồn tại bằng cách vượt qua những thách thức đó để tiến về phía trước. Oan trái có vẻ như là trạm dừng mà lịch sử thỉnh thoảng vẫn thích ghé qua trước khi tiếp tục lăn bánh. Điều làm tôi nhói đau là đôi vai gầy guộc tuổi mười bốn của con Rùa còn quá nhỏ để gánh một nỗi trớ trêu như thế.
Mẹ tôi không hiểu được nỗi buồn của tôi trong những ngày này. Lúc mới về nhà, tôi đã định hỏi bà về những chuyện tình cảm của ông tôi, nhưng rốt cuộc tôi đã từ bỏ ý định đó. Tôi đoán những gì cô Út Huệ và thím Lê biết thì chắc bà cũng biết. Lời xác nhận của mẹ tôi trong lúc này sẽ không có giá trị gì nhiều về mặt thông tin, nó chỉ giống một nhát dao khoét sâu thêm vào vết thương trong lòng tôi.
Chính vì tôi không hỏi nên mẹ tôi không chắp nổi được vẻ buồn bã của tôi với cô cháu gái của thầy Điền. Bà hướng suy nghĩ vào Bích Lan, cho rằng tâm trạng thất thường của tôi nảy sinh từ những giận hờn ấm ớ vẫn xảy ra như cơm bữa trong những cuộc tình mới lớn.
Bích Lan dạo này không đòi hôn tôi nữa mặc dù hiện nay mẹ con tôi đang ở tạm nhà nó sau khi rời khỏi chỗ ở cũ.
Mẹ Bích Lan rủ mẹ con tôi về ở chung, vì tình thân giữa bà và mẹ tôi, cả vì bà nhắm tôi cho vai con rể tương lại trong nhà. Tôi là một sinh viên hiền, ngoan, học khá chăm và dù khá chăm không đồng nghĩa với khá giỏi nhưng chỉ vậy cũng đủ để bà có thể an tâm giao con gái bà cho tôi. Hơn nữa, có lẽ đây mới là điều quan trọng nhất: Bích Lan rất thích tôi và luôn miệng công khai tình cảm đó ở bất cứ đâu và trước bất cứ ai, đến mức tôi có cảm tưởng nó nói về tôi như nói về một món ăn khoái khẩu.
Hôm đầu tiên tôi dọn tới nhà nó, việc đầu tiên nó làm là xộc thẳng vào phòng học của tôi. Như thường lệ, Bích Lan kéo ghế ngồi sát rạt bên tôi và nhoẻn miệng cười, duyên dáng một cách cố ý. Sự điệu đà thái quá của nó khiến tôi có cảm giác no đang khoe một món đồ kẹp tóc chứ không phải đang khoe một nụ cười.
- Nè. - Nó hắng giọng, gần như sà vào lòng tôi.
- Gì đó Lan?
Tôi cảnh giác hỏi và dè dặt nhích ghế ra xa một chút.
- Anh ngồi yên coi! - Nó đập tay lên tay tôi, nói như ra lệnh - Hôm nay Lan muốn thông báo với anh một chuyện quan trọng.
Tôi giương mắt nhìn nó thay cho câu hỏi. Từ khi quen nó đến nay, tôi chưa bao giờ thấy nó coi việc gì trên đời là quan trọng. Mọi thứ đối với nó cứ như đùa đùa giỡn giỡn, kể cả chuyện nó bảo nó yêu tôi.
- Anh đừng có trố mắt lên như thằng khờ thế. - Bích Lan tủm tỉm, nhưng khi nói tiếp thì nó thu ngay nụ cười lại - Anh nghe Lan nói này. Ừm ừm… dĩ nhiên là anh rất dễ thương…

Lại đòi hôn! Tôi lo lắng nghĩ bụng, cố trấn áp các cơ mặt để đừng nặn ra một cái nhăn.
- Sự thực là Lan rất thích anh… ừm ừm… đến giờ vẫn còn vô cùng thích.
Tôi mím chặt môi để bắt mình tập trung, đoán là phần hấp dẫn nhất vẫn còn ở phía sau.
- Nhưng bên cạnh sự thực đó còn có một sự thực khác. Là Lan yêu anh xong rồi. Người Lan yêu bây giờ không phải là anh.
Ngực tôi tự nhiên nhẹ hẫng. Sự sung sướng bất ngờ ập đến khiến mắt tôi thoạt xanh thoạt đỏ. Tôi như người tù vừa được tòa tuyên án tha bổng, vừa lâng lâng vừa thắc thỏm sợ mình nghe nhầm.
- Chắc anh không buồn phải không? - Bích Lan nhìn chăm chăm vào mặt tôi, hỏi như hỏi một đứa bé vừa bị giật mất quà.
Tôi nuốt nước bọt, phân vân không biết phải trả lời như thế nào. Gật đầu thì sợ Bích Lan tự ái mà bảo mình buồn thi trái với lương tâm, mặc dù khi sự sung sướng lắng xuống, tôi vẫn có chút chạnh lòng, không hiểu vì sao.
- Lan biết anh không buồn. - Bích Lan nhún vai - Vì thực ra anh đâu có yêu Lan. Một phút cũng không.
Ngay cả khi Bích Lan mở lời giùm tôi, tôi vẫn không muốn để mình xoay quanh đề tài tế nhị này.
Tôi tò mò hỏi, lái mối quan tâm ra xa khu vực nguy hiểm:
- Người yêu của Lan là ai vậy?
- Một người yêu cũ.
Tôi cười:
- Lan có cả mớ người yêu cũ, biết người nào là người nào.
- Cả mớ hồi nào?
- Lan kể chứ ai… - Tôi ngập ngừng - Lan bảo những bạn trai cũ mà rất thích hôn Lan…
- Lan nói dóc mà anh cũng tin! - Bích Lan lại đập tay lên tay tôi - Trước nay Lan chỉ yêu có một người đó thôi. Cho đến khi chia tay cả hai cũng chưa hôn nhau cái nào.
- Chia tay á?
- Ừ, chia tay. Bây giờ gặp lại.
Chuyện tình của con nhỏ Bích Lan này rắc rối y hệt con người nó. Nó kể chuyện tình của nó mà tôi tưởng như đang nghe nó kể chuyện phim. Bích Lan quen anh chàng kỹ sư Triều vào giữa năm lớp mười hai, sáu tháng trước khi tôi biết nó. Quen nhau được bốn tháng thì nó khăng khăng đòi chia tay. Nó bảo với tôi lúc đó nó ngờ rằng Triều không yêu nó thật lòng. Lý do rất buồn cười: Triều không chịu hôn nó. Nó bảo đi chơi với nhau bao nhiêu lần, anh vẫn không hôn nó cái nào. Nó nghi nghi, vờ xáp vô, lần nào cũng bị anh khéo léo đẩy ra. Cuối cùng nó quát thẳng vào mặt người yêu nó: “Anh bảo mặt em xấu như ma phải không? Hay là anh pêđê?”, rồi đùng đùng bỏ đi. Đi luôn. Cho đến khi gặp tôi, nó đã chia tay Triều được hai tháng.
Nghe Bích Lan huyên thuyên một hồi, tôi đoán nó không hề yêu tôi. Có thể nó thích tôi. Có thể con người tôi có nét gì đó ngồ ngộ, hay hay, nó thích như thích một món đồ chơi. Nhưng yêu thì chắc là không. Nếu nó có luôn miệng nói yêu tôi chẳng qua cũng để tự đánh lừa nó. Rằng nó đã quên được Triều. Rằng trên đời này không nỗi đau nào là không thể vượt qua. Bây giờ tôi lờ mờ đoán ra sở dĩ nó cứ đòi tôi hôn nó chẳng qua nó muốn xác định xem có thật là nó vô duyên đến mức không người con trai nào buồn đụng vào nó hay không.
Trong khi tôi nghĩ ngợi miên man, Bích Lan vẫn tiếp tục kể: Trong thời gian anh về quê, Lan tình cờ gặp lại anh Triều. Hóa ra anh ấy không hề là kỹ sư như anh ấy khoe em…
Một buổi tối, Bích Lan ngồi ăn ốc với một cô bạn học tại một quán cóc bên lề đường thì gặp một đám xiếc rong kéo tới hành nghề. Đám xiếc gồm hai thanh niên và ba đứa nhóc. Người thanh niên phụ trách việc nuốt than và phun lửa chính là Triều. Thoạt đầu Bích Lan còn ngờ ngợ, không tin đó là anh chàng người yêu cũ của mình. Đến khi biết chắc đó là Triều, nó không kềm được rùng mình khi thấy anh ngậm xăng trong miệng phun vào hai chiếc que tẩm dầu đang cháy phừng phực trước ngọn lửa bùng lên táp cả vào mặt mũi tóc tai khiến anh phải lấy tay phủi lia lịa. Đến khi Triều bốc từng hòn than đỏ rực trong chiếc lon trên tay thằng nhóc đứng cạnh bỏ vào miệng trệu trạo nhai thì trái tim của Bích Lan không chịu đựng nổi nữa. Nó rú lên và gục đầu xỉu ngay tại bàn.
Khi Bích Lan tỉnh dậy, nó thấy rất nhiều gương mặt lo lắng của những thực khách bàn kế bên vây quanh nó. Cô bạn học đang bắt gió và giật tóc mai cho nó, mỉm cười:
- Nhát cáy như vậy lần sau thấy người ta biểu diễn xiếc thì ngó lơ chỗ khác đi nha!
Bạn nó mắng yêu, không biết nguyên nhân thực sự khiến nó xúc động đến ngất đi như thế.
Bích Lan dường như không nghe thấy bạn mình. Nó đảo mắt nhìn quanh, thất vọng khi không tìm thấy người mình muốn gặp. Đám xiếc rong có lẽ đã vội vã kéo đi ngay từ khi Triều nhận ra người con gái đang đổ gục xuống bàn kia chính là Bích Lan.

33

Bích Lan nói với tôi là nó rất vui khi gặp lại người yêu của nó, bất chấp việc nó phát hiện Triều chỉ là anh chàng kiếm ăn lông bông bằng nghề nuốt than và phun lửa. Nó cũng không trách Triều về chuyện anh đã nói dối nó. Nó nghĩ anh buộc phải làm thế vì mặc cảm về nghề nghiệp của mình, và đáng tha thứ nhất là vì anh sợ mất nó.
Tôi chưa thấy ai nói về sự lừa dối của người yêu bằng vẻ mặt hơn hớn và ánh mắt lúng liếng ấy đầy ắp niềm vui như Bích Lan trong buổi sáng hôm đó. Nó vẫn ngồi sát tôi, nhưng bây giờ sự thân mật quá đáng đó không làm tôi đề phòng nữa.
Bích Lan bảo với tôi là sáng hôm sau nó tức tốc tìm đến chỗ ở của Triều nhưng anh đã trả phòng trọ ngay tối hôm trước, có lẽ để tránh mặt nó. Nhưng rốt cuộc nó vẫn tóm được Triều sau một thời gian kỳ công theo dõi tung tích các nhóm xiếc giang hồ vẫn la cà kiếm ăn ở các quán nhậu.
Tóm lại, bây giờ cả hai đã trở lại như xưa. Bích Lan khoe với tôi nó đã khóc đến ướt đẫm chiếc áo khi biết rằng Triều không thể hôn bất cứ ai vì đôi môi anh luôn bỏng rộp, đau nhức sau những tiết mục rùng rợn biểu diễn hằng đêm. “Em không xấu, anh ấy cũng không pêđê”, Bích Lan sung sướng nói, nó nhìn tôi bằng cặp mắt bị niềm vui làm cho ầng ậng nước nên long lanh một cách bất thường.
Tôi tin Bích Lan đã khóc khi biết được sự thật oái oăm đằng sau thái độ lạ lùng của Triều nhưng dĩ nhiên chi tiết “ướt đẫm chiếc áo” tôi nghĩ chắc là nó phóng đại.
Tuy vậy, tôi không có đủ thời gian để trêu chọc nó, vì ngay sau khi kể cho tôi nghe chuyện tình éo le của mình, Bích Lan lập tức đề nghị tôi giúp nó bằng cách đóng vai người yêu của nó cho đến chừng nào nó cảm thấy có đủ dũng cảm thú nhận tất cả mọi chuyện với mẹ nó. Nó biết mẹ nó rất mến tôi, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc mẹ nó chắc chắn không bao giờ dang tay đón vào nhà một chàng rể suốt ngày chỉ biết nuốt than và phun lửa.
Triều đã hứa với Bích Lan sẽ cố gắng đi học lại nhưng chừng nào một anh chàng hai mươi ba tuổi chưa trở thành sinh viên năm thứ nhất, Bích Lan vẫn chưa thể công khai mối tình của mình.
Trực giác mách cho tôi biết sẽ có cả núi rắc rối ụp xuống đầu tôi nếu tôi nhận lời giúp đỡ Bích Lan nhưng dẫu quần thảo đầu óc đến mệt nhoài tôi vẫn chẳng nghĩ ra lý do nào để từ chối nó.
Hơn nữa, tôi cùng muốn bám víu vào chuyện này để nguôi khuây nỗi buồn con Rùa cho tới lúc đó vẫn không ngừng đục khoét trái tim tôi. Tôi tin rằng nếu tình trạng này cứ tiếp diễn trái tim tôi sẽ giống như quả táo bị sâu, và khi ngày đó tới hẳn nhiên tôi không còn khả năng yêu thương ai được nữa.
Cho đến bây giờ, trong những giấc mơ nửa đêm về sáng tôi vẫn thấy tôi cùng con Rùa chui qua thác nước với tiếng khọt khẹt của thằng Miếng Vá hiếu động chạy nhảy phía trước. Tôi thấy tôi cùng nó ngồi bên cạnh con Tập Tễnh dưới những nhánh lá thướt tha của cây tràm liễu để nghe nó thủ thỉ kể cho con nai con câu chuyện chú lính đánh trống vùng Sardegna. Tất cả hình ảnh đó hiện ra trong giấc ngủ của tôi tinh khôi, rõ ràng và gần gũi như thể mới xảy ra ngày hôm qua.
Cũng có khi tôi nghe thấy tiếng rì rầm vọng lại từ đâu đó ở một góc giấc mơ và rồi một vệt khói trắng hiện ra, kéo dài mãi, vắt ngang bầu trời xanh ngăn ngắt. Đó là chiếc máy bay mà tôi và con Rùa ngước mắt ngắm ngẩn ngơ hàng giờ vào một buổi chiều tiếng sấm trên nguồn báo hiệu mưa sẽ về ngay sau đó.
Có khi tôi thấy hoa bồ công anh bay rợp mộng mị, tôi nghe tiếng đập cánh của bọ dừa, châu chấu bên dưới những bụi hoa bướm dại, hoa đuôi diều, hoa sao và các bụi cúc ngũ sắc mọc dọc các khe nước nhỏ chảy như một cung đàn, làm ngọn đồi quanh năm được ướp trong bản tình ca về thiên nhiên dệt bởi một thứ giai điệu róc rách buồn buồn.
Trong những giấc mơ đó, tôi bao giờ cũng có con Rùa ở bên cạnh. Nếu có lúc tôi không nhìn thấy nó chỉ vì nó lạc bước trong chiều hoặc đi loanh quanh đâu đó sau lưng tôi với một con nhím trên tay hay mớ hoa dại trong giỏ. Những lúc đó, lòng tôi luôn tràn ngập cảm giác bình yên và trái tim tôi như được nhúng vào một niềm yêu thương vô bờ.
Như vậy, trong những ngày hè vừa qua cả tôi lẫn Bích Lan đều có những thay đổi lớn trong tình cảm của mỗi đứa, theo hai chiều khác nhau.
Buồn thay, chiều của tôi buồn đến não lòng.

34

Hiển nhiên tôi không bao giờ quên con Rùa dù tôi luôn cố làm điều đó bằng nhiều cách: vùi đầu vào bài vở, đăng ký đi học võ ban đêm, đóng vai người yêu của Bích Lan ban ngày.
Học võ thì tôi chỉ học được vỏn vẹn một tháng: với các bài tập hít đất, ngồi vặn vẹo hai cổ tay hàng giờ để luyện gân cốt, tập đứng trung bình tấn, cuối cùng là bài quyền nhập môn. Khi tôi chuẩn bị song đấu để thi lên đai thì mẹ tôi bắt tôi nghỉ học. Lò võ đưa cho mỗi võ sinh một tờ giấy đem về nhà, trong đó phụ huynh hoặc người giám hộ phải ký tên đồng ý không đòi bồi thường hay khiếu nại nếu võ sinh chẳng may gặp rủi ro trong quá trình luyện tập và thi đấu (như gãy tay, què chân hay táng mạng do bị đánh nhầm chỗ hiểm). Đọc xong tờ cam kết, mặt mẹ tôi tái xanh như tàu lá: “Thôi, ở nhà đi con!”. Thế là tôi xếp bộ võ phục vào xó tủ, chẳng chút tiếc nuối hay buồn phiền. Tôi đâu có mộng làm cao thủ võ lâm. Tôi chỉ muốn tìm quên.
Tôi cũng chẳng tập trung được vào bài vở. Nhờ có căn bản, tôi vẫn lên lớp đều đặn, nhưng không còn đứng ở nửa trên bảng xếp hạng như hồi mới vào trường nữa.
Suốt một thời gian dài tôi không dám đọc sách, xem phim, nghe nhạc, vì bất cứ câu chuyện tình nào của bất cứ ai cũng làm tôi nhớ đến con Rùa. Một hình ảnh, một giai điệu hay một câu thoại quen thuộc cũng đủ làm tôi bị ám ảnh cả tuần lễ. Tự nhiên tôi trở thành con người sống khép kín. Mẹ tôi tuy không nói ra nhưng trông đôi mày cau lại của bà mỗi khi bà nhìn tôi với vẻ dò xét, tôi đoán chắc bà nghĩ bụng: Thằng này yêu đương cái kiểu gì thế nhỉ?
Mẹ tôi không biết gì về chuyện tôi bỏ quên trái tim ở làng Đo Đo. Trong ba năm tôi chôn mình ở Sài Gòn, mẹ tôi có về quê một, hai lần, nhưng dĩ nhiên chẳng ai thóc mách với bà về chuyện tôi và con Rùa vì nói cho cùng thì trừ hai đứa tôi, không ai biết giữa chúng tôi đã thực sự xảy ra chuyện gì. Cô Út Huệ có tìm cách để sổng bí mật về thân thế của con Rùa vào tai tôi cũng chỉ nhằm ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra thôi.
Mẹ tôi cho rằng tôi ngơ ngơ ngẩn ngẩn chẳng qua do tôi càng ngày càng mê mẩn con nhỏ Bích Lan. Mặc dù giống như mẹ Bích Lan, sẵn sàng tán thành hai đứa tôi trở thành một cặp, bà vẫn lộ sự lo lắng trước vẻ mặt giống như buổi chiều mùa đông của tôi - một vẻ mặt hoàn toàn tắt nắng mà theo bà chắc là do tôi phí sức vào tình yêu nhiều quá.
Bích Lan càng củng cố suy nghĩ đó của mẹ tôi bằng cách bây giờ gần như tối nào nó cũng lôi tôi ra phố. Suốt ba, bốn tiếng đồng hồ, trong khi hai bà mẹ đinh ninh hai đứa con của mình đang tung tăng bên nhau thì Bích Lan hẹn hò với người yêu của nó ở đâu đó còn tôi lặng lẽ chui vào rạp xem phim hoặc ra bờ sông ngồi hóng mát. Hôm nào cũng như hôm nào, chúng tôi vừa ra khỏi nhà đã lập tức chia tay ngã tư đầu tiên, chỉ quay lại đó theo giờ giấc đã hẹn để cùng sóng bước vào nhà.
Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi tôi nổi hứng đi hiến máu theo lời rủ rê của một đứa bạn cùng lớp. Rốt cuộc, máu của tôi không sử dụng được. Theo kết quả xét nghiệm, căn cứ vào sống lượng hồng cầu bị phá hủy, đặc biệt do số lượng bạch cầu tăng cao một cách bất thường, các bác sĩ nghi ngờ tôi bị ung thư máu.
Mẹ tôi ngất xỉu khi nghe tôi báo tin. Đây là lần thứ ba tôi làm mẹ tôi xúc động đến thế. Lần đầu là khi bà nghe tin tôi chết đuối ngoài đầm sen, dĩ nhiên rốt cuộc tôi không chết vì được người làng vớt lên. Lúc đó tôi bảy tuổi. Sau đó một năm, tôi lại làm mẹ tôi chết ngất khi bà phát hiện ra tôi mới tám tuổi đã biết mò túi bà nhân lúc bà ngủ trưa để lấy chùm chìa khóa mở tủ đánh cắp tiền.
Nhưng hai lần trước không kinh khủng bằng lần này. Khi tỉnh dậy, mẹ tôi lại tiếp tục khóc lóc làm như tôi đã chết rồi. Chỉ đến khi cả nhà (gồm tôi và hai mẹ con Bích Lan) xúm vào khuyên giải, bà mới nguôi ngoai được một chút nhưng rồi sau đó bà lại vào phòng nằm khóc tiếp.
Nghe mình bị ung thư máu, thoạt đầu tôi cũng phát hoảng nhưng dần dần tôi trấn tĩnh được. Dĩ nhiên tôi còn quá trẻ để chết. Tôi còn bao nhiêu việc chưa kịp làm, bao nhiêu hoài bão chưa kịp thực hiện. Tuy nhiên khi nhớ đến chuyện tình éo le giữa tôi và con Rùa, nhớ đến nỗi đau dai dẳng đang âm thầm gặm nhấm tâm hồn tôi bao ngày qua, tôi thấy cái chết không có gì đáng sợ. Đôi khi tôi nghĩ biết đâu thượng đế cố tình mang đến cho tôi chứng bệnh nan y này để giải thoát tôi khỏi những ngày tháng u buồn. Ờ, nếu tôi không thể lẩn tránh hoặc đi vòng qua tảng đá ngầm mà định mệnh đã dựng lên giữa tôi và con Rùa, đây là dịp để tôi nhảy khỏi con tàu số phận và bơi đi.
Mẹ tôi đưa tôi đến bệnh viện chuyên khoa khám lại một lần nữa, bệnh án vẫn không có gì thay đổi. Gần đây tôi thường cảm thấy người mệt mỏi, biếng ăn, sút ký. Mẹ tôi đổ tội cho con nhỏ Bích Lan. Tôi đinh ninh nguyên nhân đến từ con Rùa. Bây giờ hai mẹ con mới biết đó là triệu chứng của bệnh ung thư máu.
Các bác sĩ bảo năm tháng nữa sẽ có một đoàn bác sĩ nước ngoài đến làm việc tại bệnh viện. Họ có chương trình phẫu thuật ghép tủy cho bệnh nhân ung thư bằng các kỹ thuật mới nhất của ngành y. Tất nhiên cách chữa trị này cũng không có gì chắc chắn, tỷ lệ thành công trên thực tế không cao. Có thể tôi sẽ chết sau đó vài tháng, như đã từng xảy ra với các bệnh nhân khác trên thế giới. Nhưng tôi không sợ chết. Bây giờ, điều đáng lo nhất là tiền bạc. Ung thư máu là căn bệnh điều trị vô cùng tốn kém. Chi phí chữa bệnh rất lớn và chắc chắn là nằm ngoài tầm tay của mẹ tôi.
Một hôm có mặt đông đủ mọi người, mẹ Bích Lan bỗng nói:
- Chúng ta như người trong nhà, chị đừng ngại chuyện tiền bạc. Tôi coi cháu Đông như con, chữa trị cho cháu không chỉ là bổn phận của chị. Dù gì thì mai mốt…
Bà bỏ lửng câu nói và diễn tả cái ý tiếp theo bằng cách đưa mắt nhìn Bích Lan rồi nhìn sang tôi. Câu nói và cái nhìn đầy ngụ ý của mẹ Bích Lan khiến tôi

vô cùng áy náy. Tôi biết bà là người tốt bụng, lại rất thương tôi. Bệnh của tôi dù cố chữa trị đến mấy khả năng thành công cũng không cao. Có thể hôn nhân của tôi và Bích Lan sẽ không bao giờ diễn ra theo ý bà. Nhưng và vẫn không ngại tốn kém để cưu mang tôi trong cơn hoạn nạn dù tiền bạc của bà dốc vào tôi lúc này chẳng khác nào dốc vào ông vào bể.
Tôi liếc Bích Lan, thấy nó cứ xoắn hai bàn tay vào nhau một cách vô thức, cử chỉ không thể nhầm của một kẻ đang cực kỳ bối rối, điều tôi không hề bắt gặp ở nó trước đây.
Tôi nín thở chờ nó lên tiếng, nhưng nó cứ mải nhìn xuống đất như thể hôm nay những mẩu gạch lát sàn đột nhiên đầy thu hút.
Cuối cùng, trước ánh mắt chờ đợi đã bắt đầu sốt ruột của mẹ, tôi đành ấp úng mở miệng:
- Dạ… con cảm ơn dì… nhưng thực ra giữa con và Bích Lan không hề có gì với nhau…
Tôi nói một cách khó khăn, cố không nhìn về phía Bích Lan, lòng tràn ngập cảm giác phản bội, dù rằng tôi không rõ sự phản bội đó khiến tôi cảm thấy nặng nề hơn hay giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Lòng tôi lúc này giống như chiếc bồn tráng men, hứng cả nước nóng lẫn nước lạnh, và quả thật tôi cảm thấy người gây gây sốt khi những cảm xúc trái ngược đang không ngừng giằng xé con người tôi từng phút một.
Dù thế, nếu được bắt đầu lại tôi tin tôi vẫn sẽ chọn cách nói lên sự thật, đặc biệt khi chuyện tình tưởng tượng giữa tôi và Bích Lan đang bắt đầu cần được nuôi sống bằng những khoản tiền lớn.

35
Tôi quay về Đo Đo.
Sau khi được truyền máu, và được thông báo lần truyền máu sắp tới còn những hai tháng nữa, tôi quyết định về thăm làng, nhét theo một đống thuốc bệnh viện cấp phát trong ba lô.
Có thể đây là lần về thăm làng cuối cùng của tôi. Tôi định nói với mẹ tôi như thế nhưng rồi tôi im lặng, sợ bà không chịu đựng nổi ý nghĩa u ám đó. Nhưng nhìn vào đáy mắt tối xám và đột ngột lạnh đi khi bà nhìn tôi, tôi hiểu ý nghĩ trong đầu bà chắc không cách xa ý nghĩ trong đầu tôi là mấy.
Tôi về làng để chia tay cô Út Huệ, thím Lê, thằng Thục và bé Loan. Và đặc biệt là chia tay con Rùa, mối tình đầu trái ngang của tôi. Dĩ nhiên tôi sẽ không để ai biết bệnh tình của mình vì tôi không muốn những ngày tôi ở làng trở nên nặng nề và nhất là không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương cảm.
Ánh mắt đó tôi đã nhìn thấy trên gương mặt lấm tấm tàn nhang của con nhỏ Bích Lan và trên gương mặt phúc hậu của mẹ nó, người vẫn quyết định giúp đỡ tôi điều trị chứng bệnh nan y bất chấp việc tôi sẽ không bao giờ trở thành con rể của bà.
Tôi nhớ bà đã giận đến xám xanh mặt mày như thế nào khi biết được nghề nghiệp của chàng trai mà con gái bà yêu thương. Tất nhiên sau đó một tuần bà đã dịu đi khi Rùa kiên trì thuyết phục bà bằng trước tiên là nước mắt, sau đó bằng những lời dọa dẫm, cuối cùng bằng cách vẽ ra một tương lai xán lạn của chàng rể sinh viên tương lai.
Tôi nghĩ mẹ Bích Lan là người phụ nữ đủ từng trải để không bị phỉnh phờ trước tấm thảm tương lại sặc sỡ được con gái bà thêu dệt một cách có chủ ý, nhưng có lẽ tình thương con của bà đứng cao hơn nỗi bất bình và sự nghi kỵ nên rốt cuộc bà đành nhượng bộ cuộc tình không mong đợi này bằng cách đồng ý xem cuộc trúng tuyển vào đại học sắp tới của anh chàng xiếc rong như một thứ giấy phép hợp lệ để bước chân vô nhà bà.
Có lẽ vì kết quả đảo ngược một cách ngoạn mục mà Bích Lan đã không trách móc tôi về chuyện tôi đã vi phạm lời hứa với nó, thậm chí nó còn tỏ vẻ biết ơn tôi về chuyện tôi đã không giữ lời. Điều duy nhất khiến tôi không cảm thấy thoải mái là nó bộc lộ lòng biết ơn đó bằng cách tò tò đi theo tôi mọi lúc mọi nơi và không bỏ lỡ bất cứ cơ hội cỏn con nào để chăm sóc tôi như thể tôi là đứa bé thiểu năng - chẳng biết làm gì ngoài chuyện chờ chết.
Rời Sài Gòn vì vậy đối với tôi còn có nghĩa là rời khỏi gương mặt ủ rũ của con nhỏ Bích Lan - gương mặt người ta chỉ đeo vào dịp tang lễ (thú thực nhìn bột mặt thảm sầu của nó tôi cứ nghĩ người sắp chết là nó chứ không phải là tôi) và cuộc đào thoát khỏi lòng biết ơn quá đáng của nó khiến tôi thấy chuyến trở về làng của tôi càng thêm đúng đắn.
Suốt chuyến đi, tôi ngủ gà ngủ gật và trong những cơn mộng mị chập chờn trên xe đò tôi lại nhìn thấy con Rùa. Tôi biết sau ba năm xa cách nó đã lớn hơn hình ảnh mà tâm trí tôi còn lưu giữ về nó nhưng khi đến tìm tôi trong mơ con Rùa vẫn mang bộ mặt nó từng mang khi cùng tôi lang thang trong rừng năm nào.
Có lúc tôi nhìn thấy nó nhìn tôi buồn buồn và tuy nó không trách cứ gì, rèm mi dài lóng lánh nước của nó cho biết nó giận tôi ghê lắm. Có lúc nó không thèm nhìn tôi dù tôi đứng ngay trước mặt nó và rụt rè khoe với nó nụ cười ngượng ngập. Nó giận dỗi quay lưng về phía tôi, thản nhiên ca hát. Tôi lại nghe bài ca lạ lùng của nó trôi bềnh bồng trong giấc mơ:
- Bầy châu chấu khiêu vũ
Bọ chét ơi, bọ chét à
Con kiến trong hang đã ngủ
Đố mày tìm cho ra…
Trước mặt con Rùa, rừng cây như bốc cháy trong hoàng hôn và mặt trời đỏ như quả táo chín trên đỉnh đồi xa viền quanh mái tóc ngắn của nó như một quầng sáng đẹp đến nhói lòng.
Tôi thức và ngủ, ngủ và thức, đầu chốc chốc va vào thành xe đau điếng, với hình ảnh con Rùa chớp tắt trong mơ, vẫn không nói với tôi một lời.
Tôi chỉ choàng tỉnh khi xe tới Tam Kỳ. Nhưng tôi không xuống xe nhà bác Vận như xưa nay vẫn thế. Tôi ôm ba lô ngồi lì trên băng ghế, cũng không ngừng lại ở Quán Gò, nơi có sẵn đội quân xe thồ sẵn sàng chở khách lên mạn ngược.
Tôi quyết định xuống ngay chợ Kế Xuyên, dù từ đó tôi phải lội bộ về làng Đo Đo cả mười cây số.
Vì đó là nơi lần đầu tiên tôi gặp con Rùa.
Tôi muốn đi lại con đường tôi đã chở thằng Thục đi lượm nắp keng dạo nào, cũng là con đường con Rùa thường xuyên chinh phục bằng đôi chân trần mong manh của nó.
Khoác ba lô trên vai, tôi hồi hộp lần mò trên con đường đất lồi lõm dẫn về làng. Nắng ban mai sưởi ấm cơ thể tôi như một cái ôm dài. Có phải đó là những tia nắng cách đây ba năm từng nhảy nhót trên đôi má con Rùa lúc nó ngồi cùng tôi dưới bóng cây bướm bạc? Tôi vừa đi vừa lẩn thẩn tự hỏi, lòng dậy lên những cảm xúc rối ren và mơ hồ.
Tiếng còi tàu vẳng tới từ phía trước nhưng khi tôi đến đoạn đường sắt quen thuộc, tôi chỉ còn thấy đuôi tàu đang lượn quanh bụi tre rậm và vội vàng mất hút vào rặng lá phía xa xanh.
Có tiếng chim chèo bẻo từ chỗ nào đó đánh kẽo kẹt như chào đón đứa con xa xứ trở về. Tôi đảo mắt kiếm tìm, chỉ thấy những chùm trái nổ trắng muốt lấp ló bên đường. Trái nổ nhỏ bằng đầu ngón tay út, trắng màu ngọc trai, có vị chan chát, ngòn ngọt, thơm nồng mùi lá cỏ, nếu không nôn nao về nhà thế nào tôi cũng háo hức chạy lại hái một nhánh cầm tay tung tẩy trên đường đi.
Một vài đứa bé đứng trong nhà nhìn ra khi tôi đi qua. Tụi nó ngước đôi mắt đen láy tò mò nhìn tôi, giơ những con châu chấu màu xanh trên tay ra trước mặt như khoe tôi. Hồi bé, tôi cũng từng mê mẩn những con châu chấu, cào cào tết bằng lá như thế.
Như vậy, làng Đo Đo mùa cọng dừa đã về.
36
Thím Lê mừng mừng tủi tủi khi thấy tôi bước vào nhà:
- Trời, con đi đâu mà mất biệt thế con?
- Dạ, con bận học thưa thím.
Tôi lí nhí đáp, không rõ thím ngạc nhiên thật hay giả vờ.
- Sao con về lúc này? Đã nghỉ hè đâu!
Thím lại hỏi, ánh mắt vẫn xoáy vào mặt tôi như thể tôi lại chuẩn bị nói dối.
Và đúng là tôi tiếp tục nói dối thật:
- Trường con đang sửa chữa nên tụi con được nghỉ học.
Tôi hỏi đếm thím không kịp hỏi thêm:
- Thằng Thục đâu rồi thím?
- Nó đi học trong Tam Kỳ, cuối tuần mới về.
- À, năm nay nó lên lớp mười hai rồi.
Tôi gật gù, tháo ba lô đặt trên góc phản. Làng tôi chỉ mở cấp một, lên cấp hai phải ra thị trấn Hà Lam, lên cấp ba phải vô Tam Kỳ hoặc ra Đà Nẵng học. Tôi nhìn quanh, vắng bóng thằng Thục và cái miệng bép xép của nó căn nhà tự dưng trống trải kỳ lạ.
Hôm đó ăn cơm trưa xong, tôi ngủ một giấc tới chiều. Tôi ngủ mê mệt, vì suốt dọc đường nhồi xóc trên xe đò, tôi chẳng ngủ được bao nhiêu, cứ gà gật chập chờn mộng mị.
Thức dậy, không thấy thím Lê đâu, rôi ra sau hè rửa mặt rồi quay lên nhà trên bước lại chỗ bàn học của thằng Thục. Thấy con bọ ngựa tết bằng cọng dừa nằm chỏng chơ bên đống tập, tôi cầm lấy và bước ra cửa.
Tôi đi về phía sông Kiếp Bạc, lòng bồn chồn nghĩ đến con Rùa. Tôi không biết giờ này con Rùa đang làm gì, nó có nghĩ đến tôi như tôi đang nghĩ đến nó hay không. Tôi cũng không rõ khi gặp tôi, thái độ của nó sẽ như thế nào. Chắc nó sẽ nhìn tôi khinh bỉ như một kẻ lẻo mép, dối trá và phụ bạc. Nhìn xong, chắc nó sẽ phun nước bọt và quay lưng bỏ đi. Nếu nó đối xử với tôi như vậy, thú thật tôi không biết tôi sẽ nói gì với nó. Tôi không thể nói với nó rằng ba nó là con tư sinh giữa bà nội nó và ông nội tôi và đó chính là lý do khiến tôi không quay về làng như đã hứa.
Bí mật về cái chết của ba nó do chú Ngãi tiết lộ đã như một cú đánh mạnh vào trái tim nó, đến hôm nay có lẽ vẫn chưa nguôi ngoai, bây giờ nếu nó biết được sự thật về thân thế của nó, chắc chắn trái tim nó sẽ trầy xước thêm lần nữa, và tôi biết rằng vết thương lần này sẽ không bao giờ thành sẹo.
Tôi ngồi dưới gốc cây sầu đông bên bờ sông, xem chiều rớt nắng, đầu nghĩ ngợi mông lung.
Làng Đo Đo vừa qua mùa nắp keng, tiếng ve đã bắt đầu nỉ non trong lá và dòng sông Kiếp Bạc vẫn khô cạn như lần trước tôi về. Những tảng đá giữa lòng sông vẫn mượt rêu xanh, chỉ có lòng tôi chiều nay lên sắc xám.
Sắp gặp lại con Rùa nhưng lần này tôi chẳng thấy vui. Lần này, tôi chờ gặp nó như chờ đối diện với sự đùa cợt độc ác của số phận, chờ xem rốt cuộc thì tôi (và cả con Rùa nữa) sẽ bị bánh xe của định mệnh nghiến nát như thế nào.
Một đứa con gái từ sau lưng tôi chạy xe về phía cầu treo khiến tâm trí tôi đột ngột lãng đi. Đứa con gái mặc áo dài trắng, mái tóc đen mượt xõa tung trong gió, cặp sách buộc ở yên sau, phóng xe lên chiếc cầu đong đưa với tốc độ khá nhanh khiến tôi tròn mắt kinh ngạc.
Tôi đang tò mò nhìn theo nó thì nó chợt ngừng xe lại giữa cầu. Trong khi tôi cố đoán xem đứa con gái gặp chuyện gì, nó thình lình leo xuống khỏi yên và dắt xe đi ngược trở lại.
Tôi thấy rõ đứa con gái đang nhìn về chỗ tôi ngồi nhưng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt nó. Ánh mắt tôi chỉ lướt nhanh qua người nó rồi quay đi chỗ khác, rồi lại liếc trộm nó một cái nữa để lần này quay hẳn đi, thầm đoán nó bị hư xe nên quay về xóm dưới tìm chỗ sửa.
Tuy nhìn đi chỗ khác tôi vẫn cảm nhận được đứa con gái đang đi về phía tôi. Dù vậy tôi vẫn dán mắt vào bãi cát lấp lánh nắng trải dọc triền sông cạn, cố không quay đầu lại, bụng thầm nhủ: “Chắc nó định nhờ mình sửa xe giùm”.
Chỉ đến khi đứa con gái dựng xe vào thân cây sầu đông và ngồi xuống bên tôi, nhẹ giọng vui mừng:
- Em biết thế nào anh cũng trở về.
Tôi mới giật nảy người, hấp tấp ngoảnh mặt lại.
“Con Rùa”, một tiếng reo bật ra trong đầu tôi.
Con Rùa. Chắc chắn đứa con gái trước mặt tôi là con Rùa. Nhưng ngay cả khi biết rõ nó là con Rùa, tôi vẫn thấy ngờ ngợ.
Đang ngồi trước mặt tôi và nhìn đăm đăm vào mắt tôi đây là một thiếu nữ trắng trẻo, duyên dáng và xinh xắn lạ lùng. Con Rùa mà tôi biết có nước da rám nắng. Mái tóc của con Rùa ngắn, lởm chởm và hoe hoe đỏ. Và quan trọng là con Rùa không biết đi xe đạp.
Con Rùa tôi đang nhìn thấy hoàn toàn khác hẳn con Rùa từng trú ngụ trong đầu tôi. Vì vậy khi nhìn thấy đứa con gái tóc dài chạy xe qua cầu, tôi không có chút liên tưởng nào đến nó.
- Sao anh nhìn em sững vậy? Em lạ lắm sao?
Nghe con Rùa hỏi, tôi sực nhớ từ nãy đến giờ tôi chỉ mải nhìn nó, vẫn chưa nói tiếng nào. Tôi không nghĩ tôi gặp con Rùa trong tình huống này. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để gặp nó, mặc dù tôi quay về làng chính là vì nó.
Tim đập thình thịch, tôi nói như người hụt hơi:
- Ờ… trông em lạ lắm.
Tôi nhìn con Rùa, lần này tôi nhận ra đôi mắt ngời sáng quen thuộc đang đưa qua đưa lại dưới rèm mi đen dài từng làm tôi thao thức trong những đêm Sài Gòn trở gió. Đôi mắt đó, cộng thêm cách bắt chuyện tự nhiên của con Rùa giúp tôi dần trấn tĩnh.
Vui vẻ, hồn nhiên, thân mật, con Rùa nói chuyện với tôi như thể chúng tôi vừa gặp nhau hôm qua chứ không phải từ ba năm trước. Và dường như nó chẳng hề ngạc nhiên chút nào khi bắt gặp tôi ngồi bên bờ sông lộng gió lúc này.
- Lúc nãy nhìn thấy anh từ phía sau, em không nghĩ đó là anh. - Con Rùa mỉm cười nói - Nhưng khi đi tới giữa cầu tự nhiên em tin đó là anh.

Nó ngưng một chút rồi nói thêm, giọng thoảng qua tai tôi như tiếng gió:
- Em tin anh đã trở về và đang ngồi đợi em.
Tôi và con Rùa vẫn nhìn vào mắt nhau, nhưng gần như chỉ có nó nói. Tôi chỉ nói mỗi một câu rồi lặng thinh nhìn nó, tay mân mê con bọ ngựa bằng cọng dừa một cách vô thức, lòng rối tung như có ai vò.
- Em nhớ anh lắm đó.
Con Rùa thì thầm, vẻ rạng rỡ khiến gương mặt nó như tỏa nắng, nhưng tôi chợt thắt lòng khi phát giác đôi mắt đẹp của nó đang rưng rưng và đôi môi nó đột ngột méo xệch đi như sắp òa ra khóc.

37
Cô Út Huệ mừng rỡ khi tôi bất ngờ trở về làng. Cô vui đến mức khi thấy tôi nhấp nhổm định chạy qua nhà thầy Điền, cô chẳng tỏ ý gì ngăn cản mặc dù cô biết tôi qua đó chỉ để kiếm con Rùa. Có lẽ cô tin tôi đủ lớn để không làm điều gì khờ dại.
Cũng như con Rùa, bé Loan năm nay học lớp tám ngoài thị trấn nhưng nó ở lại nhà người chú họ, cuối tuần mới về làng.
Lần này tôi về, thầy Điền đã qua đời được một năm. Bây giờ trong nhà con Rùa, chỉ có hai bà cháu quẩn quanh với nhau. Tôi nhớ tiếng mõ đều đều buồn bã của thầy Điền, nhưng khi tiếng mõ cô độc đó tắt đi dường như khung cảnh càng buồn hơn.
Ngoài vườn, hòn non bộ bay mất hai ông tiên, chỉ còn bàn cờ đá ngồi một mình nghe suối chảy. Con gà trống bằng đất nung hôm trước bị ông Bảy Thành dùng báng súng kíp đánh văng vô hàng giậu chắc là vỡ nát. Rốt cuộc, khi tôi về hòn non bộ nhà con Rùa chỉ còn mỗi ông lão đánh cá ngồi hờ hững buông câu trước cửa hang nhưng chiếc nón rộng vành trên đầu ông cũng không còn như cũ. Nó méo mó và bị gió đánh tơi ra sau mấy mùa giông bão kéo về làng.
Cá lội dưới đám bèo tai chuột cũng út hơn. Thỉnh thoảng mới thấy một con ngoi lên đớp bóng dưới nhành dương xỉ lòa xòa. Con sóc hay trèo lên tuột xuống trên cây dừa sau vườn cũng bỏ đi đâu mất. Ngày tôi về chỉ còn mỗi con Cổ Dài loay hoay rúc mỏ vào đám rau muống dưới ao.
Nhà con Rùa vắng từ trong ra ngoài. Và khi hai đứa ngồi cạnh nhau trên phiến đá năm nào, tôi cảm thấy nỗi hoang vắng tràn vô cả lòng tôi và đang gọi tên tôi bằng một âm điệu ảo não khi tôi nhớ đến tình cảnh của mình. Trái ngang nhất là dường như tôi vẫn không thôi yêu thương đứa em họ, bất chấp trong ba năm qua lý trí của tôi đã hàng trăm lần dùng lưỡi kéo vô hình hòng cắt đứt những sợi tơ tình tuy đã rõ là nghiệt ngã nhưng không hiểu sao cứ quấn quýt mãi trái tim tôi.
Rung động đầu đời khó quên cộng thêm nỗi trắc ẩn về số phận có quá nhiều chuyện không may của con Rùa, về cuộc sống u buồn quạnh quẽ và ít được cảm thông của nó khiến tình cảm tôi dành cho nó sâu sắc hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của một chuyện tình mới lớn. Nhưng thứ gia bị cay đắng đó của cuộc đời thi nhau ướp vào mối tình của tôi khiến nó tỏa ra một mùi vị xót xa đến mức cứ mỗi lần nghĩ tới chuyện chia tay con Rùa trái tim tôi lại muốn vỡ ra từng mảnh.
Hai tâm hồn non tơ đang yêu nhau sáng trong và tha thiết bất ngờ trở thành anh em chú bác, cảnh ngộ trớ trêu này vừa đẩy tôi ra xa con Rùa vừa kéo tôi đến gần nó hơn bao giờ hết. Tôi vừa muốn đi khỏi nó hàng ngàn dặm lại vừa muốn ở kề bên nó để biến bờ vai mình thành một trụ đỡ tinh thần cho nó có chỗ tựa đầu như một cách sẻ chia. Đã nhiều lần tôi đau đớn nghĩ thầm nếu con Rùa biết tôi và nó không thể đến được với nhau vì mối quan hệ huyết thống ở trên trời thình lình rơi xuống kia không biết nó sẽ tiếp tục sống ra sao. Nó có sẽ kéo lê những tháng ngày còn lại như một con rùa thật kéo lê cái mai nặng nề của mình qua những bụi bờ gập ghềnh gai góc hay không.
- Em đoán là anh bận học nên không về sớm được.
Con Rùa nói bên tai tôi, giọng hớn hở chẳng chút trách móc. Tôi ngờ rằng trong ba năm qua con Rùa không hoàn toàn vui vẻ như cách nó đang bộc lộ nhưng có lẽ khi gặp lại tôi nỗi buồn đã bị gạch tên khỏi lòng nó, giúp nó nhanh chóng quên đi những ngày dài chờ đợi.
- Ờ… càng lên lớp bài vở càng nhiều… - Tôi đáp, xuôi theo nó, bắt gặp mình đang xấu hổ vì dối trá.
- Anh biết tại sao bây giờ trông em lạ hơn không? - Con Rùa chợt hỏi.
- Tại sao? - Tôi hỏi lại, bất lực trong việc bắt đầu óc tập trung.
Con Rùa vén tóc, mỉm cười rạng rỡ:
- Tại em lớn lên rồi đó.
Mặt tôi như bị ai kéo lệch đi và tôi phải quay đầu đi chỗ khác để con Rùa không phát hiện ra. Câu nói năm nào của nó lại hiện về trong óc tôi, rát bỏng “Bây giờ em còn nhỏ. Anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn anh nhé!”. Tôi nhớ cả tiếng sụt sịt của con Rùa trong đêm hôm đó. Bây giờ con Rùa đã lớn lên thật, đến mức tôi không nhận ra, nhưng khi nó đã là cô gái mười bảy tuổi xinh đẹp thì tôi đã trở thành anh họ của nó.
Con Rùa không biết gì về nỗi khổ tâm trong lòng tôi. Nó chìa bàn tay nhỏ nhắn ra trước mặt tôi, giọng reo vui:
- Anh cầm tay em đi anh!
Trong một thoáng, tôi không biết phải làm gì. Dĩ nhiên tôi rất muốn cầm tay nó, không chỉ một lần mà suốt cả cuộc đời tôi, nhưng tôi lại không thể để tôi (và cả nó nữa) lún sâu vào vũng lầy của sự cám dỗ.
Con Rùa có vẻ ngạc nhiên trước thái độ ngập ngừng của tôi. Nó ngước nhìn tôi, vẫn không rụt tay lại nhưng giọng đã bắt đầu xao xuyến:
- Sao anh không cầm tay em? Hay là anh không còn thích em nữa?
- Không. Anh thích em lắm. Bao giờ anh cũng thích em.
Tôi nói như máy và lật đật cầm lấy tay nó, không kịp nghĩ ngợi. Cách tôi chộp tay nó rất giống cái cách của người vừa tìm lại được một kỷ vật thân thiết đã trót đánh mất mà nếu không nhặt lấy ngay lúc này sẽ vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được nữa.
Quên hết những lời vàng ngọc của lý trí, tôi gói tay nó trong tay tôi, nâng niu, che chở, như đang sửa ấm một con chim sẻ ướt mưa, lòng rưng rưng cảm động.
- Anh biết không. - Con Rùa thủ thỉ, đã yên tâm trở lại - Em cũng không muốn anh về sớm đâu. Vì lúc đó em chưa kịp lớn.
Từng câu nói hồn nhiên của con Rùa nghiến vào lòng tôi như có ai đang kéo một lưỡi cưa. Tôi cảm nhận nỗi đau một cách hoàn toàn thể chất đến mức tôi suýt buột miệng xuýt xoa.
- Em nè. - Tôi nói, nén đau, và để tránh xa chiếc bẫy yêu đương đầy mê hoặc tôi quyết định hỏi về chuyện mà thật ra tôi chỉ muốn hỏi thằng Thục - Lâu nay mấy ông thợ săn trong làng có quấy rầy em nữa không?
Tôi không muốn nhắc đến phường săn trước mặt con Rùa, sợ làm nó tổn thương khi vô tình gợi lại những tiết lộ của chú Ngãi về cái chết mờ ám của ba nó. Hỏi xong, tôi đau đáu nhìn vào mặt nó, lo lắng chờ một cái chau mày.
Nhưng dường như con Rùa không bị câu hỏi của tôi kích động. Nó khẽ lắc đầu, bình thản đáp:
- Không. Họ bỏ nghề rồi anh à.
- Tất cả bọn họ đều bỏ nghề à? - Tôi dựng mắt lên vì ngạc nhiên.
- Dạ. Anh đi khỏi làng chừng một tháng thì toàn bộ phường săn đều chuyển sang nghề khác. Ông Bốn Lai mở tiệm sửa đồng hồ. Ông Hai Sắn và ông Bảy Thành hìn bốn mở quán ăn dưới chợ Kế Xuyên. Còn chú Ngãi bây giờ lái xe tải trong Tam Kỳ.
Cứ như có ai vừa thả một cái chong chóng trong đầu tôi. Tôi há hốc miệng:
- Nhưng tại sao bọn họ lại đồng loạt bỏ nghề săn bắn?
38
Ông Hương, ba con Rùa, qua đời do trượt chân ngã xuống sông Kiếp Bạc vào một đêm tối trời là chuyện có thật. Nhưng trong cái đêm không may đó ông không hề đuổi theo bọn cướp.
Chỉ có ông Bốn Lai rượt ông qua cầu treo. Chi tiết này chú Ngãi đã nói đúng. Khi biết được chuyện đó qua lời kể của ông Bốn Lai, ông Hai Sắn, ông Bảy Thành và chú Ngãi đều tin rằng ông Hương lẻn vào nhà ông Bốn Lai để trộm kỳ nam, bị ông Bốn Lai phát hiện và xách súng rượt theo. Đoạn kết thì ai cũng biết: ông Hương trong khi tẩu thoát, chẳng may sẩy chân rớt xuống sông bị nước cuốn mất tích.
Những người thợ săn tốt bụng lúc đó đều nhất trí kể lại câu chuyện theo cách khác, trước hết bịa ra một bọn cướp sau đó bịa ra thêm một người anh hùng bắt cướp để đứa con ông Hương có thể lớn lên một cách tự nhiên như mọi đứa trẻ khác trong làng.
Chú Ngãi và những người bạn đã hành động theo tiếng gọi của lương tri, vì mặc cảm về danh dự gia đình là nỗi khổ tâm lớn lao có thể làm thui chột tâm hồn non nớt của một đứa bé, nhưng khi chú mất bình tĩnh đến mức phun ra tất cả bí mật giấu kín trong bao nhiêu năm thì lòng tốt của chú đã trôi theo dòng nước nhưng cũng nhờ vậy mà câu chuyện bất ngờ mở ra thêm một cánh cửa khác.
Con Rùa đã khóc rất nhiều ngay sau khi bị những người thợ săn chặn đường trong buổi trưa đầy nắng đó.
Con Rùa không vào rừng nữa. Kể từ hôm đó, mỗi ngày khi mặt trời trượt dần xuống bên kia đồi và trong không khí bắt đầu sực nức mùi hoa dại, người làng thường bắt gặp nó đứng thẫn thờ giữa cầu treo cắm mặt xuống dòng sông. Nó đứng đó, trầm tư, xa cách, một mình một thế giới, và khi trong làng dậy lên tiếng xì xào rằng cháu nội của thầy Điền bị điên thì ông Bốn Lai lặng lẽ xách đi tìm nó.
Chú Ngãi đã nói ra sự thật nhưng đằng sau sự thật đó hóa ra còn có một sự thật khác. Một tháng sau ngày chú Ngãi tiết lộ về nguyên nhân cái chết của ông Hương, trên chiếc cầu lộng gió và không ngừng đu đưa ông Bốn Lai đã nói với con Rùa rằng chuyện ông hái được kỳ nam trong rừng chỉ là tin đồn nhảm. Kỳ nam là một sản vật quí hiếm chứa nhiều tinh dầu chỉ được sinh ra trong lõi của cây gió, là loại cây không mọc ở địa phương.
Trong cái đêm định mệnh đó, ông Hương có vào nhà ông Bốn Lai thật nhưng chỉ để đánh cắp súng kíp của người thợ săn. Trước khi đột nhập một ngày, trong một bữa rượu giữa hai ông với nhau, ông Hương đã kịch liệt phản đối ông Bốn Lai khi ông này bộc lộ ý định bắn hạ bầy khỉ đuôi dài mới về trú ngụ trong rừng. Dạo đó có người về làng hỏi mua cao khỉ và món lợi quá hấp dẫn đã khiến ông Bốn Lai, cho tới lúc đó chưa từng xem khỉ là một loại thú săn vì vậy vẫn chưa biết tới phương pháp bẫy khỉ, quyết định phục kích bầy khỉ vào hai ngày sau - thời điểm mà ông tin bầy khỉ đã quen lui tới khu vực ông đã chọn sẵn với những trái bắp làm mồi nhử.
Ông Hương khi thấy không thể thuyết phục được người bạn của mình, đã quyết định ra tay. Vào đêm trước ngày ông Bốn Lai vào rừng, ông Hương đã lẻn vô nhà người thợ săn lấy đi khẩu súng kíp và rủi ro bị chủ nhà phát hiện.
Ông Bốn Lai lúc đó đuổi theo ông Hương thực ra chỉ để đòi lại khẩu súng săn nhưng tiếng chân rượt bắt huỳnh huỵch đã khiến chó trong làng sủa vang, và đến khi cái tin ông Hương sẩy chân rớt khỏi cầu treo bị nước cuốn trôi lan ra thì câu chuyện ông Hương đuổi cướp được những người thợ săn thêu dệt và đi kể khắp làng. Theo kịch bản của phường săn thì đêm hôm đó nhóm cướp ba người tấn công nhà ông Bốn Lai để truy lùng nơi cất giấu kỳ nam, chẳng may gặp ông Hương đi ngang thế là hai ông hợp lực chống cự và đuổi bọn cướp chạy tới cầu treo, và nếu ông Hương không bất hạnh ngã xuống sông chắc chắn hai ông đã tóm được bọn cướp.
Sự thật về mục đích đột nhập của ông Hương, ông Bốn Lai giấu cả ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi. Ông sợ pháp luật khép ông vào tội ngộ sát và ông sẽ phải vào tù. Nhưng bây giờ khi thời gian đã lăn bánh quá xa, đặc biệt khi thấy con Rùa có vẻ như sắp bị câu chuyện của chú Ngãi đè bẹp, ông quyết định không giữ im lặng nữa.
Ông thú nhận với con Rùa như vậy. “Hôm đó, ông Bốn Lai vừa nói vừa rơm rớm nước mắt”, con Rùa kể với tôi bằng thứ giọng pha trộn nhiều cảm xúc. Nó bảo lúc đó sau khi thổ lộ hết sự thật với nó, ông Bốn Lai đã dang tay ném khẩu súng kíp xuống ông. Ông bảo ông đã quyết định từ bỏ nghề săn. Tuy ông không nói gì thêm với con Rùa nhưng tôi hiểu đó là cách ông tạ lỗi với hai cha con nó, cũng là để cho chính ông được nhẹ lòng.
Không chỉ ông Bốn Lai, những người thợ săn khác khi biết được sự thật đằng sau cái chết của ba con Rùa cũng lập tức bỏ nghề.
Con Rùa bảo trước khi vào Tam Kỳ lập nghiệp chú Ngãi có đến tìm nó để xin lỗi. Và nó nói tôi nó chẳng thấy chú Ngãi có lỗi gì, thậm chí nó còn biết ơn chú vì nếu chú không bức xúc nói lung tung thì ông Bốn Lai đã không có cơ hội minh oan cho ba nó.
Dưới bóng cây bướm bạc, câu chuyện của con Rùa sưởi ấm lòng tôi từng phút một. Tôi cảm thấy dù sao số phận cũng không đến nỗi tước hết của con Rùa mọi niềm vui sống và nếu địa ngục từng trút lên đầu nó thì bây giờ ít ra cũng có vài cái vạc dầu được nhấc đi.
Những ý nghĩ trong đầu tôi còn đi xa hơn khi tôi lờ mờ nhận ra sự kiện mẹ con Rùa bỏ nhà ra đi ngay sau cái chết của ba nó có thể xuất phát từ việc bà nghi ngờ và thất vọng về tư cách của chồng mình giống như ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi đã nghĩ như vậy trong một thời gian dài. Tôi chỉ không hiểu tại sao bà không đem theo đứa con bé bỏng của bà. Bà không có cơ hội hay bà cố tình lưu lại đứa cháu nội để ba mẹ chồng không phải sống lủi thủi sau cái chết của con trai?
Dĩ nhiên tôi đã không thốt ra thành lời những thắc mắc trong đầu vì tôi không muốn con Rùa đau lòng thêm lần nữa khi đào bới lại quá khứ.
Kết thúc câu chuyện về ba nó, hôm đó tôi chỉ nói một câu mà tôi tin con Rùa sẽ vui:
- Lạ thật! Cách em đối xử với các con vật giống hệt ba em.

39
Những gì con Rùa thuật cho tôi nghe về ông Bốn Lai và phường săn không chỉ giúp tôi cảm thấy đời không đến nỗi quá buồn mà còn gỡ tôi ra khỏi tình trạng khó xử trong buổi đầu tiên tôi quay về ngồi bên cạnh nó. Câu chuyện dài đến mức khi con Rùa kể xong thì đã đến giờ tôi phải về nhà đi ngủ, nhờ vậy mà con Rùa không kịp nối lại câu chuyên tâm tình dang dở mặc dù suốt từ lúc nó bắt đầu cho đến khi nó kết thúc câu chuyện, tay tôi vẫn nắm lấy tay nó.
Cô Út Huệ nhìn tôi bằng ánh mắt dò hỏi khi tôi thò đầu vào nhà (cũng có thể là tôi tưởng thế) và cảm giác đó khiến tôi bắt gặp mình đang xấu hổ và tôi phải quay mặt đi như vừa làm điều gì tồi tệ.
Tối đó tôi nằm lăn qua lăn lại trên tấm phản rộng, nghe tiếng côn trùng rỉ rả vọng vào từ ngoài vườn, tự nhiên thấy lòng buồn tên. Tôi không biết tôi quay về làng Đo Đo để gặp lại con Rùa là đúng hay sai.
Nếu con Rùa biết được sự thật về mối quan hệ giữa tôi và nó, có lẽ tôi sẽ đỡ lúng túng hơn. Lúc đó, hẳn nó sẽ rất buồn nhưng chắc chắn nó sẽ không đòi tôi cầm tay nó.
Con Rùa cũng không biết tôi quyết định về làng chỉ vì tôi e rằng chứng bệnh nan y của tôi sẽ không cho tôi thêm cơ hội nào gặp lại nó nữa. Với tất cả những gì đẹp đẽ đã có giữa hai đứa tôi ba năm về trước, con Rùa chào đón sự trở về của tôi bằng sự mừng rỡ ngây thơ và niềm tin trong trẻo của nó vào tình yêu khiến tôi cảm thấy có lỗi với nó nhiều quá.
Lẽ ra tôi không nên trở về. Ừ, có lẽ thế thì tốt hơn cho cả hai! Trở về để vừa muốn nắm tay nó vừa không muốn nắm tay nó, vừa muốn nói với nó những ngày qua tôi nhớ nó biết bao, rằng gần như đêm nào tôi cũng mơ thấy nó vừa nghiến chặt răng để nuốt những lời yêu thương đó vào lòng quả là một cực hình đối với tôi.
Hôm sau đi học, con Rùa báo với bé Loan tôi đã về làng và buổi chiều nó chở con bé từ thị trấn theo về.

Bé Loan hò hét om sòm khi nhìn thấy tôi đứng trước cửa nhà cô Út Huệ ngó ra. Nó nhảy vội xuống khỏi xe, xách cặp chạy vù vào nhà ôm chầm lấy tôi và đấm vào lưng tôi thùm thụp. Con bé này lạ thật, năm mười tuổi thì nó mắc cỡ chẳng bao giờ chịu ôm tôi, bây giờ đã mười ba tuổi, đã ra dáng một thiếu nữ thì nó lại hành động như một đứa con nít.
Tối đó, lấy cớ ở nhà chơi với bé Loan sau nhiều năm xa cách, tôi không qua nhà con Rùa. Tôi sợ phải ngồi cạnh nó trên phiến đá năm nào, sợ nghe nó hỏi như nó vẫn luôn hỏi “Anh có thích em không?” và tôi sẽ không biết phản ứng như thế nào để nó không cảm thấy đau lòng.
Dĩ nhiên con Rùa chẳng nghi ngờ gì. Nó ra sau vườn bẻ ba ống đu đủ rồi sang nhà cô Út Huệ rủ tôi và bé Loan chơi trò thổi bong bóng. Một cô gái mười ba tuổi, một cô gái mười bảy tuổi và một người con trai hai mươi mốt tuổi xúm quanh thau nước xà phòng chơi trò trẻ con quả là kỳ cục nhưng lúc đó tôi thấy mọi thứ đều hoàn toàn tự nhiên. Những quả bong bóng nhiều màu lấp lánh dưới ánh đèn bay rợp nhà trông như một đàn bướm vừa kéo vào tránh gió khiến tôi bâng khuâng nhớ lại một thời thơ ấu đã xa.
Lúc đầu trò chơi tuổi thơ này có bơm vào tim tôi đôi chút niềm vui nhưng khi nhìn những quả bong bóng thi nhau vỡ tan, tôi lại nghĩ đến chuyện tình trắc trở giữa tôi và con Rùa, kể từ lúc đó ngực tôi như trĩu xuống và tôi không còn cảm thấy hứng thú nữa.
Con Rùa không hiểu được tâm trạng phức tạp của tôi. Sau khi cùng bé Loan chụm môi vào ống đu đủ thổi bong bóng một cách say sưa, con Rùa hào hứng rủ tôi chủ nhật này vào rừng chơi và mặt nó lộ vẻ buồn khi nghe tôi từ chối:
- Chủ nhật này thằng Thục về, anh phải ở nhà chơi với nó.
Chủ nhật này thằng Thục từ Tam Kỳ về thật. Dĩ nhiên điều đó không ngăn cản tôi đi chơi với con Rùa nếu tôi muốn. Nhưng tôi sợ lang thang trong rừng với con Rùa, những ngọn nến lung linh trong ký ức sẽ tự động thắp lên khiến tôi nhớ lại nụ hôn ngày nào dưới bóng cây leo mặc dù tôi biết tôi sẽ không bao giờ quên kỷ niệm ngọt ngào đó. Tôi cũng sợ đi qua con đường cũ, giữa tiếng âm ỉ êm dịu và bất tận của rừng, tắm mình trong bóng mát đầy đặn của cây du sam và cây trắc bá, lý trí của tôi sẽ bị ru ngủ và lúc đó rất có thể tôi sẽ không cưỡng lại được những mệnh lệnh đầy mê hoặc của trái tim rồi phạm phải những sai lầm mới.
Đêm đó tôi rơi vào tình trạng nửa ngủ nửa thức hệt như lúc tôi ngồi chập chờn trên xe đò. Hoàn toàn khác với những gì tôi hình dung lúc còn ở Sài Gòn, chuyến về quê lần này không đem lại cho tôi cảm giác bình yên. Có vẻ như tôi đang tự đẩy tôi vào tình huống chống lại chính mình. Không những thế, bằng cách tệ hại đó tôi còn chống lại cả con Rùa.
Lần trước tôi không hề nói dối con Rùa nửa câu. Bây giờ tôi gần như không có lấy một câu nói thật. Tôi quay về, với mong muốn đánh lên một que diêm trong những tháng ngày u ám của nó, rốt cuộc niềm vui vừa ngời lên trên gương mặt nó đã nhanh chóng bị thái độ xa lánh của tôi thổi tắt. Tôi tự bào chữa tôi hành động như vậy là để bảo vệ cả hai, nhưng thực ra có vẻ như tôi chỉ bảo vệ chính tôi.
Nhưng bây giờ, khi không tìm thấy sự thanh thản như mong đợi, tôi chợt nhận ra tôi đang đánh lừa mình. Đã biết tình yêu con Rùa dành cho tôi luôn vững chãi qua thời gian, vậy mà bây giờ chính tôi lại ra tay đánh sập cái lô cốt tình cảm đó - mỗi lần nghĩ tới điều này lòng tôi không khỏi nhói đau. Điều khiến tôi dày vò nhất là ngay cả con Rùa cũng chẳng biết tại sao tôi lại nhẫn tâm đánh thuốc độc vào tình yêu của hai đứa. Nhưng liệu tôi có thể làm khác đi, khi mà bất cứ một giây phút yếu mềm nào cũng có thể dẫn đến những sai lầm khó bề tha thứ?
Tôi trằn trọc gần như suốt đêm, đau đớn dưới móng vuốt của nỗi dằn vặt và sáng hôm sau đợi con Rùa chở bé Loan đi học, tôi vội vã băng qua cầu treo trở về nhà thím Lê.
Tôi ở nhà thím Lê suốt ngày hôm đó. Tối, tôi cũng không lên chơi nhà cô Út Huệ theo thói quen. Thằng Thục vắng nhà, tôi lôi sách ra đằng bàn ngồi đọc, cố chú tâm vào các trang chữ để đầu óc không nghĩ ngợi
ĐẾN TRANG
Thông Tin
Lượt Xem : 2983
Tác Giả : Sưa Tầm
GỬI BÌNH LUẬN